CHUYỆN VỀ CHÚNG TÔI
Chuyện về em gái tôi
Mấy năm rồi tôi mới có dịp về thăm quê. Ngỡ ngàng vì sự thay đổi nhanh chóng của một miền quê nghèo xứ Nghệ đầy nắng và gió lào. Con đường vào làng đã rải nhựa. Nhiều nhà mới xây, ngói đỏ ngói nâu đủ loại. Nhưng nhà nào cũng na ná giống nhau vì có nhiều mái nhọn nhô ra thụt vào theo kiểu nhà Thái. Đang cuối vụ gặt, trên đường phơi toàn rơm rạ; xe máy đi lại khó khăn bóp còi inh ỏi. Trên trời cao trong xanh không gợn mây một chú chiền chiện vỗ cánh dừng tại chỗ, cất tiếng hót lanh lảnh. Đây đó trên nóc một số nhà đã tỏa khói bếp chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Đang tần ngần trước ngõ ngôi nhà hai tầng mới xây của cô em gái trên mảnh vườn cũ của bố mẹ tôi ngày xưa thì một tiếng reo to cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
- Mẹ ơi, bác Đức về! Cháu chào bác ạ.
Chạy vội líu ríu ra mở cửa cổng đón tôi là Danh, con gái thứ hai của cô em gái. Tôi ngỡ ngàng phút chốc vì trước mắt không còn là đứa cháu mảnh khảnh đen nhẻm với mái tóc khô và ám nắng ngày nào. Danh bây giờ đã là một cô gái có nước da trắng hồng với vài ba mụn cá nhỏ trên đôi gò má hơi nhô cao trên khuôn mặt bầu bĩnh. Mái tóc của cháu bây giờ đen nhánh mượt mà và phủ dài xuống quá lưng trên một bờ vai thon thả. Thời gian quả trôi thật là nhanh. Trong tôi những ký ức của mười sáu năm về trước ập về một cách nguyên vẹn...
Nhà tôi có ba anh em. Anh trai tôi ra đời mười bảy năm sau ngày cưới của bố mẹ tôi giữa tiếng xì xào bàn tán trong xóm nghèo nhỏ bé. Sự ra đời của tôi sau đó bốn năm và của em gái bốn năm sau nữa đã chấm dứt hẳn các giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của anh trai tôi. Khác biệt với lũ trẻ con trong làng, cả ba anh em chúng tôi đều học rất giỏi. Chúng tôi rất thương yêu nhau trong tình thương vô bờ bến của bố mẹ đối với đàn con. Đặc biệt đối với anh trai đầu bố mẹ tôi đã dành cho một tình cảm khác thường, thứ tình cảm được nhân lên gấp bội bởi sự chờ đợi mỏi mòn trong mười bảy năm trời. Lúc đầu chúng tôi cũng có tí chút ghen tị, nhưng sự ghen tị đó cũng mất dần đi bởi cha mẹ cũng rất thương yêu chúng tôi, nhất là khi chúng tôi khôn lớn dần lên. Anh trai tôi lên cấp ba vào học chuyên toán và nhận được bằng đại học ở nước ngoài. Về nước anh ấy công tác trong một trường đại học lớn ở Hà nội. Còn tôi đang học dở năm thứ nhất ở đại học thì lên đường nhập ngũ khi chưa tròn mười tám tuổi theo tiếng gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, bởi khi ấy miền Nam đang có cơ hội được giải phóng sớm sau chiến thắng lịch sử Buôn Mê Thuột. Nhưng tôi đã không có cơ hội thử lửa ở chiến trường, bởi miền Nam được giải phóng quá nhanh. Kết thúc ba năm quân ngũ tôi quay trở lại trường cũ học tiếp và sau khi tốt nghiệp đã trở thành giảng viên của chính trường đó. Em gái tôi sau khi tốt nghiệp xuất sắc cấp ba trường huyện đã thi đỗ vào trường đại học sư phạm. Nhận bằng tốt nghiệp, sau ba năm giảng dạy ở miền núi xa xôi em xin được về dạy ngay cấp hai trường làng. Hai anh em trai chúng tôi đã rất phấn khởi khi có em gái về trực tiếp chăm sóc bố mẹ, khi mà ở quê chúng tôi thường xem đó là trách nhiệm chính của cánh con trai. Rồi em lấy chồng. Tuy chồng là người cùng làng, nhưng anh là con út của một gia đình đông con nên cả họ hàng và bản thân anh đã vui vẻ để vợ ở lại trong nhà với bố mẹ tôi. Vợ chồng em gái tôi cũng chỉ được gặp nhau mỗi năm vài ba lần bởi anh ấy cũng làm ở xa nhà trong một nhà máy xi măng có tiếng hồi đó. Rồi em gái tôi sinh con trai đầu lòng khi thai chưa tròn bảy tháng. Khi cháu hơn hai tuổi vào dịp nghỉ hè tôi ghé về thăm quê. Sau bữa cơm chiều em gái kéo tôi ra sau nhà và nhỏ nhẹ nói với tôi với vẻ lo lắng khác thường:
- Em có chuyện này muốn hỏi ý kiến anh. Em mới đi khám ở bệnh viện huyện bởi em thấy có một khối u ở bụng dưới, nó cứ lớn dần lên. Bệnh viện đã kết luận là khối u tử cung và cho giấy giới thiệu đi bệnh viện tỉnh để mổ cắt bỏ. Em lo quá, không biết u lành hay u ác tính. Nhỡ ra là ung thư thì...thằng Thân nhà em còn nhỏ quá. Làm sao bây giờ hả anh?
Tôi nhìn nhanh lên khuôn mặt của Thanh em gái tôi. Mấy giọt nước mắt đã lăn dài trên gò má xanh xao dưới đôi mắt thâm quầng thiếu ngủ của em.
- Hay là em có thai, liệu bệnh viện có nhầm không?
- Tuyệt đối là không phải có thai anh ạ. Em gái tôi trả lời rất nhanh như đã suy nghĩ từ trước - Ba tháng trước đây vì vỡ kế hoạch em đã phải đi nạo thai và để cho chắc chắn em làm không phải ở trạm xá xã mà ở bệnh viện huyện. Kể từ hôm đưa em đi phá thai đến giờ chồng em có về đâu.
Rồi em kể lại chi tiết cho tôi việc đi phá thai thế nào. Rằng khi biết có thai em đã điện cho chồng về. Họ đã bàn tính rất kĩ. Dẫu là con thứ hai nhưng đứa đầu chưa được năm tuổi thì khi đẻ đứa thứ hai thay vì được nghỉ sáu tháng có lương sẽ chỉ được nghỉ một tháng rưỡi và sẽ không có lương và một đồng phụ cấp nào cả. Đó là luật riêng của huyện nhà quê hương tôi, một huyện nghèo đói nhưng nổi tiếng vì việc hay tự tạo ra luật pháp riêng. Mới có một mụn con mà đã quần ống thấp ống cao kiếm sống huống hồ gì hai đứa con mà lại bị cắt lương, dù là đồng lương chết đói. Nhưng nếu phá thai thì lại cả một vấn đề. Bởi họ sợ cha mẹ tôi biết. Do muộn có con nên cha mẹ tôi cực kì phản đối chuyện đó. Chính cha mẹ tôi đã căn dặn từng cặp vợ chồng chúng tôi rằng phải rất cẩn thận để không bị nhỡ kế hoạch, để vừa là không vi phạm luật nhà nước, vừa không để rơi vào tình trạng khó xử vì họ sẽ can thiệp không cho đi phá thai. Tất nhiên là cũng có thể làm theo ý mình, nhưng tôi hiểu vợ chồng cô em gái không muốn làm cho cha mẹ tôi buồn. Và thế là sau khi gửi con cho bố mẹ tôi trông, họ âm thầm ra bệnh viện, bề ngoài cứ như là họ đi chơi nhà ai đó. Chỉ ngồi nghỉ non tiếng đồng hồ ở phòng ngoài trên chiếc ghế dài dành cho bệnh nhân chờ đợi sau khi một cặp hai bà y sỹ thực hiện nhiệm vụ của mình trong vòng hơn hai chục phút, chồng lại đèo vợ về trên chiếc xe đạp mà lốp bị vấn đến bốn năm chỗ. Đến nhà, em tôi toan lên giường nằm nghỉ thêm một tí thì bố tôi lại nhăn nhó rầy la họ:
- Chúng mày chỉ lo đi chơi thôi. Đám ruộng mà nhà trường cấp cho chúng mày hôm qua bố ghé thăm thấy đã khô cạn, lúa đã cháy sém vì gió lào rồi. Sao không tranh thủ khi chồng còn ở nhà hai đứa ra tát nước đi. Mai nó đi rồi thì mày lại phải mượn người. Cố tìm thêm hạt thóc mà ăn, chứ trông vào mười ba cân lương thực của mày thì toàn ngô với sắn, làm sao con mày nó nuốt được.
Thế là hai vợ chồng đứa em tôi lại phải đèo nhau đi. Em tôi nằm nghỉ trên tấm ni lông mang theo trải bên bờ, còn chồng thì hì hục bê từng chậu nước đổ vào ruộng. Xong chiều họ lại về như không có việc gì xảy ra.
Sợ bố mẹ tôi lo nên em tôi chưa kể gì về chuyện khối u cho ai cả. Đêm ấy tôi đã kể cho bố mẹ tôi nghe và bàn tính rằng tôi sẽ đưa em ra Hà Nội để mổ cắt khối u ở ngoài đó. Dĩ nhiên là bệnh viện trung ương sẽ tốt hơn rất nhiều, ngoài ra ở đó còn có ông anh trai nữa thì việc chăm sóc hậu phẫu sẽ thuận lợi hơn. Thế là ngay ngày hôm sau anh em chúng tôi khăn gói lên đường. Em tôi điện báo cho chồng để chồng tự ra Hà Nội sau. Ông anh tôi có quen một anh bạn bác sỹ có tiếng ở bệnh viện C, nên em tôi lập tức được chúng tôi đưa đến đấy. Ông bác sỹ còn cẩn thận mời thêm mấy bà bác sỹ bậc thầy khác để khám cho em gái tôi. Hầu như họ đều nghi vấn là Thanh có thai. Nhưng em gái tôi quả quyết là không có chuyện đó vì đã đi nạo thai rồi. Sau mấy phút phân vân nhóm hội chẩn hội ý và quyết định lên lịch mổ. Tuy nhiên ông bạn của anh tôi vẫn giữ ý kiến của mình là em tôi có thai. Hồi đó việc siêu âm chưa có nhiều như bây giờ, nếu xếp hàng thì còn hơn chục ngày nữa mới đến lượt. Ông đã giúp để em tôi được siêu âm sớm, chỉ sau một ngày chờ đợi. Kết quả là Thanh đã có thai được hơn bốn tháng. Ông cam đoan rằng thai phát triển bình thường và khuyên nên giữ lại vì thai đã to việc phá thai sẽ rất nguy hiểm, và vì đó mới là con thứ hai. Thế rồi hai vợ chồng lại khăn gói về quê với một nỗi lo khác. Như vậy là bệnh viện huyện quê tôi đã tiến hành ca nạo thai có một không hai trên thế giới và thật là hú vía nếu em tôi tiếp tục xuống bệnh viện tỉnh phẫu thuật và nếu ở đó lại vẫn chỉ có các bác sỹ như ở huyện... Cháu Danh của tôi quả thật là tốt số.
Gần ba tháng sau chúng tôi nhận được tin mẹ của chúng tôi bị ốm nặng. Hai anh em vội vã cắt phép về quê. Bà cụ bị cơn xuất huyết não nằm mê man không biết gì. Năm ấy trời lại rét đậm. Mấy anh em chúng tôi thay nhau túc trực chăm sóc cụ. Dù có bếp than bên cạnh nhưng lúc nào cũng cảm thấy rét. Hơn chục ngày đã trôi qua, chúng tôi đã sắp hết hạn phép mà bệnh tình của bà cụ chẳng thuyên giảm gì cả. Bố tôi bảo :
- Bố lo quá, chỉ sợ cái Thanh lại đẻ vào đúng lúc này thì khi các con đi rồi một mình bố không biết xoay xở làm sao.
Nỗi lo của bố tôi là có lý, vì em gái tôi đẻ đứa đầu cũng chỉ khi thai mới bảy tháng. Thanh động viên bố rằng em chưa đẻ ngay đâu, nhưng tôi hiểu trong thâm tâm em cũng lo lắm.
Sáng sớm tinh mơ ngày hôm sau, mới độ hơn bốn giờ sáng thì em tôi mếu máo đánh thức tôi dậy :
- Anh dậy đưa em đi nhà hộ sinh đi, em đau bụng quá. Có lẽ em đẻ mất.
Tôi vội vàng xách xe đạp ra sân, nhưng Thanh lại bảo rằng anh phải đi xe máy thì chắc mới kịp. Có lẽ dù đau đã lâu nhưng em cố nhịn. Ông anh tôi cũng thức dậy và ba anh em cùng đi trên một xe. Vợ của ông anh tôi là bác sỹ, do vậy anh cũng biết chút ít kiến thức về y học. Điều này làm tôi vững tâm hơn. Nhà hộ sinh của xã nằm ở trên đồi ngay đầu thôn, cách nhà tôi hơn một cây số. Đến nơi nhìn quanh chắng có một ai, anh tôi dìu em gái vào phòng hộ sinh, còn tôi chạy tìm cô y tá trực. Đánh thức cô ta dậy, tôi nhận được nhiệm vụ nhóm lửa luộc bộ đồ nghề đỡ đẻ của cô, còn cô tất tả chạy xuống nhà hộ sinh. Đang loay hoay chưa nhóm được lửa vì củi còn tươi mà bếp lại lạ thì cô y tá đã quay trở lại và thông báo rằng khi cô xuống đến nơi thì em tôi đã đẻ rồi. Người đỡ đẻ không ai khác lại chính là ông anh tôi. Cháu Danh của tôi lúc đó cả tã lót chỉ cân nặng một cân bảy trăm gam. Đến chiều thì chúng tôi đưa mẹ con Thanh về nhà, bởi dù khó khăn còn tốt hơn là ở lại nhà hộ sinh. Ở đó giường chiếu tồi tàn, hơn nữa vách lại trống tuyếch trống toàng, gió lạnh thổi hun hút rét đén thấu xương. Chúng tôi còn ở quê thêm một tuần. Trong thời gian đó anh tôi vừa là y tá vừa chăm sóc mẹ, vừa chăm mẹ con bé Danh. Còn tôi là anh nuôi của cả nhà. Rồi chúng tôi cũng phải ra Hà Nội. Em tôi đã phải dậy tự giặt giũ, nấu ăn, chăm sóc mẹ với sự giúp đỡ của ông bố già và sự đùm bọc của bà con lối xóm. Điều đáng nói hơn là đúng như luật của huyện nhà em tôi chỉ được nghỉ một tháng rưỡi không lương, không phụ cấp. Ngoài ra năm học đó em tôi chẳng có danh hiệu gì và việc tăng lương bị chậm đi một năm. Cũng chẳng ai nghĩ đến trong việc này lỗi thuộc về ai: chế độ, chính sách hay là hai bà y sỹ nạo thai, vợ chồng cô em gái hay là chính cháu Danh bé nhỏ của chúng tôi...
Nhiều lúc tôi tự hỏi rằng sau vài ba chục năm nữa nếu kể lại chuyện này liệu có còn ai tin không?
HBĐ
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 4 bạn đọc.
Kiểu: