CHUYỆN VỀ CHÚNG TÔI
Thay đổi trang: < 123 > | Trang 2 của 3 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 42 bài trong đề mục
HBĐ 03.06.2007 15:58:36 (permalink)
CHÍNH HẮN CŨNG BẤT NGỜ
(Tiếp theo)
Đúng  11 giờ Minh tới. Đi theo hắn là một cô gái khá xinh xắn. Cô ta người tầm thước trạc 24 – 25 tuổi, thân hình mảnh mai đúng như lời Minh nói tối qua. Nam lao ra cửa.
-         Giới thiệu với anh Nam, đây là em Nga - người mà em giới thiệu hôm qua. (hắn ta đổi xưng em với Minh ngọt xớt) Còn  xin giới thiệu với Nga – đây là anh Nam, chủ hàng và là thủ trưởng trực tiếp của anh. Mọi vấn đề về hàng hoá thì anh không có quyền, chỉ có anh Nam mới có thể giúp em được. Bây giờ anh bàn giao em cho anh Nam. Cố gắng giúp cô em của tôi anh Nam nhé.
Tôi biết rõ tài ăn nói của Minh, nhưng cũng bất ngờ bởi hắn “chuyền bóng” cho Nam khéo thế. Chẳng là tôi biết rõ nguyên tắc làm ăn của họ. Họ luôn tuân thủ nguyên tắc:
Bắc thang mà hỏi ông Trời
Tiền đưa cho gái hỏi đòi được không?
Hàng hóa mà “xu khôi” thì cũng là tiền. Việc Minh “đá” chuyện đưa hàng cho Nam thật là khéo, bởi tôi biết họ làm ăn chung với nhau bình đẳng nhưng thường thì mọi việc vẫn tuân theo các quyết định của Minh. Tôi hồi hộp theo dõi cách Nam ứng xử.
-         Rất hân hạnh làm quen với em. Chà chà, cậu Minh có cô em xinh quá, thế mà giấu mãi hôm nay mới khai báo. Nhưng muộn còn hơn không em nhỉ! Em đã ăn uống gì chưa? Tốt nhất là ta xuống nhà hàng làm cái gì đó cho ấm bụng rồi tại đó bàn chuyện hàng hoá làm ăn luôn em nhé…
 Nói rồi chẳng đợi trả lời, hắn kéo Nga đi luôn xuống nhà hàng, vốn cách chỗ bán hàng có vài trăm mét. Tại đây các cuộc gặp gỡ làm ăn hoặc tụ tập bạn bè vẫn thường xảy ra rôm rả bởi dẫu ở trên đất Nga vẫn có đủ các món ăn và thực phẩm của nhà hàng trên đất Việt Nam từ thịt chó cho đến bó húng Láng Hà Nội.
  Chừng hơn một giờ sau hắn và Nga quay lại. Đi đến chỗ dây quần áo mẫu mà cửa hàng tôi treo, hắn chỉ vào mấy cái áo phông Tàu cổ tròn và bảo:
-         Đây em ơi. Hàng của anh hết sạch rồi, chỉ còn loại này nữa thôi. Mà nó cũng không còn đủ màu nữa em ạ.
-         Tuyết rơi nhiều rồi mà anh. Hàng này là hàng mùa hè bây giờ ế lắm rồi…
-         Nhưng anh chỉ còn loại đó thôi.
-         Thế bao giờ thì có hàng mới hở anh?
-         Chắc độ vài tuần nữa em ạ. Thế đợi hàng mới bán cho “ngon” em nhé.
-         Chắc vậy anh ạ…nhưng vài tuần thì lâu quá nhỉ. Mà em cũng cạn hàng bán rồi. Hay là anh cứ cho em lấy tạm vài bịch về em bán thử, nếu không bán được thì hôm nào vào lấy hàng mới em chở vào trả anh luôn thể?
-         Cũng được em ạ. Nhưng chìa khoá kho cậu Minh giữ. Em ngồi đây đợi anh đi tìm cậu ấy lấy chìa khoá. Cứ yên tâm ngồi đợi nhé, cửa hàng cũng là của nhà anh mà em.
Nói rồi Nam quay đi. Tôi kéo ghế mời Nga ngồi và lân la hỏi chuyện. Được biết Nga đã có chồng và con nhỏ 3 tuổi. Họ quen nhau và cưới nhau bên này, cùng sang Nga theo diện xuất khẩu lao động. Liên xô sụp đổ và cắt hết các hợp đồng, họ bị buộc về nước dẫu lứa công nhân của họ mới làm chưa đầy một năm. Tuy nhiên như không ít những đồng hương khác họ đã trụ lại làm ăn với hy vọng kiếm tìm một ít vốn liếng cho cuộc sống lâu dài ở quê nhà.  Hiện hàng ngày vợ chồng cùng bán hàng tại một quày ở một trong những chợ vệ tinh trong quần thể chợ Vòm (Là chợ hàng hoá lớn nhất Matxcova). Con thì phải gửi cho một “nhà trẻ” ngay trong “ốp” họ ở. Thu nhập ở chợ này là khiêm tốn, nhất là khi vốn liếng của họ ít. Nga quen Minh đã lâu và cũng đã từng đến Minh chơi (chỗ Minh ở cũ trước khi về ở với chúng tôi).
Độ vài chục phút sau Nam quay lại. Hắn bảo:
-         Chẳng thấy Minh đâu cả, cũng chẳng có xe của hắn trong bãi. Chắc hắn về rồi. Thôi thì anh đưa em về chỗ anh chơi cho biết nhà rồi anh bảo Minh ra lấy hàng cho em. Kho cũng gần nhà thôi mà. (Lúc đó chưa có điện thoại di động như bây giờ)
Tôi biết Nam bảo về nhà là về chỗ Kva (căn hộ) cách đây không xa. Nam và Minh còn thuê thêm chỗ này để hôm nào phải đón xe nhận hàng muộn quá thì về ngủ cho  gần (Tuy nhiên ở thường xuyên thì không nên vì vùng này an ninh kém, nhiều gia đình đã bị bọn trấn lột phá cửa vào cướp và tra tấn dã man - những chuyện này có dịp tôi sẽ kể sau) .
Nói rồi họ kéo nhau đi.
Chiều tối, tôi về thì đã thấy Minh ở nhà. Tôi hỏi thì được biết Minh đi vì việc riêng luôn từ lúc “bàn giao” Nga cho Nam, sau đó về thẳng đây.
Rồi Nam cũng về. Tôi và Minh lao vào ngay hỏi Nam kết quả thế nào. Nam chậm rãi kể lại:
Tớ đưa nàng về dinh, biết rõ là Minh không ở đó (vì Minh đã nói trước với Nam là hôm nay hắn bận). Đưa nàng lên phòng, tớ bảo:
-         Cái thằng quỷ này lại chạy đâu rồi. Thế là anh em mình phải đợi rồi em ạ.
-         Sau rồi sao? Kết quả thế nào? - Tôi hỏi.
-         Thôi ngắn gọn thế này: Tớ phải dùng hết mọi chiêu ra tán…kết quả là nàng chờ đến tận sáu giờ nhưng vẫn vui vẻ ra về và hẹn sẽ gọi điện lại để đến lấy hàng lần sau. Tớ chở nàng ra bến metro và vù thẳng về đây.
-         Thế mày với nàng làm gì ở đó mà lâu thế? – Minh hỏi
-         Chuyện đó thì tự hiểu lấy nhé… Nam vừa cười vừa trả lời.
-         Cậu xuất sắc hơn tớ nghĩ, tớ không ngờ đấy! - Minh kêu lên - Chắc là cậu phải hứa hẹn với nàng ghê lắm. Hôm nào rỗi rãi cậu phải kể lại thật cụ thể cho chúng tớ còn học hỏi.
Quả là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi chỉ dám nghĩ là may ra Nam có cơ hội làm quen cho lâu dài những cuộc gặp gỡ về sau…
   Nhưng chuyện chưa dừng ở đó.
   Tối hôm sau, sau bữa cơm chúng tôi đang ngồi uống nước thì có chuông điện thoại. Minh nhấc ống nghe, nhưng sau tiếng alô của hắn thì đầu kia bỏ ngay máy xuống. Minh bảo Nam:
-         Điện thoại của Nga đấy. Cô ta sẽ không nói chuyện với tớ đâu mà chỉ muốn gặp cậu thôi. Tớ tin là mấy phút nữa cô ta sẽ gọi lại. Cậu nhớ nhấc máy trước nhé.
Quả như lời Minh nói, chỉ mươi phút sau thì Nga gọi lại. Nội dung đàm thoại vẫn xoay quanh chuyện hàng hóa, tuy nhiên phần mở đầu thì mới để chúng ta quan tâm:
-         Chào anh Nam, em Nga đây mà.
-         Chào em, em đã ăn cơm chưa mà gọi điện cho các anh sớm thế?
-         Em ăn rồi anh ạ. Các anh đã ăn chưa? Anh Minh còn có đấy không?
-         Anh Minh vào phòng tắm rồi em ạ, chỉ còn anh ở trong bếp thôi. (Thực ra thì cả tôi và Minh còn ngồi ở đó). Mà sao em lại hỏi vậy?
-         Anh ơi, em quen anh Minh trước, nhưng …lại…với anh chóng vánh quá. Em sợ anh Minh biết thì sẽ đánh giá em này nọ…thế thôi.
…….
   Dứt cuộc điện thoại rồi thì chúng tôi mới tra khảo Minh để tìm nguyên nhân nàng tránh mặt không muốn nói chuyện với hắn. Và đây là câu trả lời của Minh:
-         Bây giờ tớ nói thật nhé. Hôm ấy tớ bảo các cậu đi trước, xong rồi tớ gọi điện cho Nga ngay. Tớ đã ra tận metro đón nàng về đây với tớ, trước khi đưa nàng lên bàn giao cho cậu….
 
Thật là hết chỗ nói!
Quả là không chỉ tôi mà chính cậu Nam, hắn cũng bất ngờ.
 
#16
    HBĐ 03.06.2007 22:24:04 (permalink)
    RỒI CON GÀ CŨNG RA ĐI
    Chuyện xảy ra vào những năm tám mươi của thế kỷ trước.
      Ngày đó vợ chồng Lâm mới cưới được gần một năm. Họ ở nhà tập thể cấp bốn của cơ quan, mỗi nhà một phòng hơn chục mét vuông; các phòng cách nhau chỉ một bức tường xây không tới mái. Mẹ Lâm ở quê lặn lội ra thăm. Ngày nào cũng đãi mẹ chỉ bằng rau muống luộc; vợ chồng Lâm quá ngượng với láng giềng hàng xóm trong khu tập thể. Lương bổng của vợ chồng chỉ đủ để đong gạo và chi tiêu những gì cần thiết nhất. Bởi vậy sau khi tính toán rất kỹ vợ chồng Lâm mới đi đến quyết định phải gắng mua một chú gà khao mẹ. Chiều hôm đó lúc Lâm đang đánh  bóng bàn ở nhà văn hóa ngay đầu ký túc xá thì nghe tiếng gà kêu quang quác. Vậy là vợ đã giết gà đãi mẹ chồng rồi. Lâm khấp khởi mừng thầm vì "khách ba chủ nhà bảy", nhân cơ hội này Lâm cũng được hưởng hương vị gà, cái hương vị mà hắn đã quên mất trong vòng nửa năm trời rồi. Sau khi tắm rửa xong, Lâm háo hức mời mẹ ăn cơm chiều. Khi mở mâm cơm ra, Lâm tiu nghỉu hẳn: trên mâm cũng vẫn lặp lại món rau muống luộc với bát cà muối; chỉ có khác là hôm nay còn có thêm đĩa lạc rang mặn.
    Lâm nhìn vợ, hắn chưa kịp nói gì thì vợ hắn đã nhanh nhẩu nói:
    -          Em cứ nghĩ là bắt gà và nấu nước sẵn, chờ anh về cắt tiết làm thịt..., nhưng anh đang chơi mải mê quá em lại không nỡ gọi. Thôi thì để mai vậy. Mẹ còn ở chơi với vợ chồng mình ba bốn hôm nữa mà anh.
      Dù sao thì gà vẫn còn, không hôm nay thì ngày mai - Lâm nghĩ bụng- Hôm nay có thêm món lạc rang cũng đã là “tươm” lắm rồi. Mặc dù ngon miệng nhưng hắn cũng cố ý dành cho mẹ và vợ hắn khẩu phần có đạm nhiều hơn, dù chỉ là đạm thực vật.
    Chiều hôm sau, Lâm chủ động không đi chơi bóng bàn nữa mà ở nhà để thịt gà. Vợ hắn đặt nồi nước sôi, sau đó ra bắt gà. Chú gà thật là đanh đá, cứ la oang oác như thể đã cắt tiết rồi. Khi Lâm chuẩn bị hạ dao sát thủ thì vợ hắn kêu:

    -          À mà anh ơi, hôm nay em phải sang nhà cái Hà bạn em tham dự sinh nhật nó. Anh và mẹ "chén" vắng em vậy.
       Mẹ Lâm nghe vậy liền can lại:
    -          Con ơi. Thôi để mai hãy làm. Hôm nay vợ con đi vắng chỉ mẹ con mình thì cũng mất vui đi con ạ.
      Cũng muốn vợ mình cũng được hưởng hương vị gà mà nàng cũng đã tạm quên cùng thời gian như hắn, nên Lâm đồng ý. Tuy vậy khi thả gà lại vào chuồng hắn vẫn thấy ấm ức. Chả là cả ngày nay trong giờ làm việc hắn chỉ mong hết giờ để nhanh đến cơm chiều.
      Bữa cơm chiều dọn ra, thấy vợ mình vẫn ở nhà, hắn hỏi:
    -          Em bảo phải đi sinh nhật nhà cái Hà kia mà?
    -          Em chưa chuẩn bị quà gì, đến sinh nhật bạn mà đi tay không thì không tiện anh ạ. Thôi mai đến trường em chúc mừng nó sau cũng được.
      Lâm nghĩ chắc là vợ hắn muốn tiết kiệm khoản tiền mua quà sinh nhật bạn. Hắn biết tháng này có mẹ hắn tới nên cán cân tài chính nghe chừng đã thâm hụt.
      Tới đêm, khi vợ chồng trùm kín trong chăn vợ Lâm mới thỏ thẻ tiết lộ ý nghĩ của nàng. Rằng là chẳng phải vì Lâm bận đánh bóng bàn, chẳng phải vì sinh nhật bạn mà nàng không giết gà. Nàng bảo đằng nào cũng khao mẹ, chi bằng để hôm mẹ về cũng không muộn. Bù lại hàng ngày mình cứ bắt ra nhốt vào thì nghe tiếng gà kêu lại được tiếng với hàng xóm là ngày nào cũng giết gà khao mẹ!
       Thật là botay.com, Lâm chẳng thể nào có một lời bình luận về "kế hoạch” của nàng. Lâm chỉ ậm ừ cho qua, còn lòng thì thầm trách mình bởi là đấng nam nhi mà để cho vợ phải rơi vào tình cảnh vậy. Hắn thấy cũng đã cố gắng lắm rồi, bởi ngoài giờ ở cơ quan hắn cũng đã đào đất, tưới rau v.v như bao đấng ông chồng khác trong khu tập thể. Chắc phải nghĩ ra cách gì khác… – Chưa kịp nghĩ thêm phải làm gì cụ thể thì vợ hắn đã kéo tay hắn gối đầu và rúc vào ngực hắn, thế rồi hắn lại quên mất như bao đêm khác…
    Cho đến chiều trước hôm mẹ Lâm về, vợ hắn thật sự định giết gà để khao mẹ thì bà can ngăn:

    -          Thôi đừng phung phí thế các con ạ. Mẹ đến thăm con, ngày nào cũng ăn cơm không độn là đã cảm thấy lo và thương các con lắm rồi. Mẹ biết khi mẹ về rồi thì các con lại phải "thắt lưng buộc bụng" ăn sắn khoai suốt cả tuần để bù đắp hao hụt tuần mẹ tới thăm. Lâm ạ, con hãy cố mua mấy cây tre, làm cái chuồng nuôi nó. Lần sau đến thăm mẹ sẽ mang từ quê lên thêm vài đôi gà giống nữa...
     Tiễn mẹ về rồi, vợ Lâm lại ra chợ. Con gà đã ra đi.
     Dẫu muốn làm theo lời mẹ dặn nhưng hắn biết tháng này còn chưa đủ ăn, nói gì chuyện mua tre làm chuồng nuôi gà.
    HBĐ
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.06.2007 22:27:35 bởi HBĐ >
    #17
      HBĐ 09.06.2007 06:59:07 (permalink)
      BÊ SÁCH CHO HỘI NGHỊ
        Ngày mai là hội nghị khoa học của Trường Đại học Điện lực lần thứ nhất.
        Sau khi rà soát lại lần cuối cùng  từng nội dung của chương trình hội nghị phân ban, thầy giáo H rời bàn máy tính. Đồng hồ trên tường đã chỉ năm giờ ba lăm phút chiều. Uể oải bước ra khỏi cửa văn phòng khoa, thầy nhìn dọc hành lang của các lớp học. Học sinh đã tan học về từ lâu vắng lặng. Lâu nay thầy vẫn về muộn hơn so với đồng nghiệp; có hôm thầy còn làm việc ngay tại trường cho đến khuya thì mới về nhà. Bởi độc thân nên thật đơn giản: cơm đã có quán ăn bình dân phục vụ, giặt giũ quần áo đã có tiệm giặt là…, chỉ cần về tắm rửa xong là có thể đi ngủ ngay được. Là trưởng khoa của một khoa chuyên ngành mới mở nên công việc luôn bề bộn. Chẳng hạn trong chiều nay sau khi đi tận nơi khách sạn ngoài phố để xem tận mắt mấy phòng nghỉ đã đặt để chuẩn bị đón mấy giáo sư là  khách mời hội nghị từ các nước Đông Nam Á tới, thầy ngồi một mạch tại bàn máy tính cho đến tận bây giờ. Vào lúc chín giờ tối nay thầy lại phải ra sân bay để đón họ. Sáng mai sau phần khai mạc là hội nghị tổng thể, sau đó hội nghị sẽ tiến hành theo từng phân ban. Lần đầu trong trách nhiệm phụ trách tổ chức và điều hành một hội nghị phân ban của một hội nghị khoa học lớn nên thầy lo lắng tính toán cẩn thận từng li từng tí nhằm để không xảy ra một sai sót nào dầu nhỏ. Vẫn còn một vấn đề nữa làm thầy băn khoăn, đó là tài liệu dành cho hội nghị. Ngày mai hội nghị khai mạc thế mà đến nay thầy vẫn chưa nhận được các tài liệu để phát cho các thành viên tham gia hội nghị.Thầy đã điện hỏi và được phòng quản lí khoa học trả lời là sẽ in xong trong chiều nay. Do phải đợi mấy bài báo cáo của một chuyên gia hàng đầu nước ngoài nên việc in ấn bị chậm hơn so với kế hoạch. Đã gần sáu giờ rồi, mà sao chưa có nhỉ? - thầy lo lắng tự hỏi. Đang rút điện thoại di động định gọi hỏi thì có tiếng chuông điện thoại réo vang trong văn phòng. Thầy chạy vội lại nhấc ống nghe lên:
      -         A lô, Khoa X nghe đây.
      -         Xin chào thầy H. Tôi ở phòng Quản lí khoa học. Thầy cử người lên chỗ chúng tôi ngay để nhận tài liệu cho hội nghị khoa học ngày mai thầy nhé.
      -         Ồ, đúng lúc quá nhỉ. Tôi đang định gọi lên các anh để hỏi đây… Chúng tôi sẽ lên ngay.
        Đóng cửa văn phòng lại, thầy vừa đi vừa nhìn dọc hành lang với hi vọng nhìn thấy một vài cậu sinh viên để nhờ khiêng giúp. Toàn bộ hơn sáu chục cuốn tài liệu dày, chắc nặng lắm đây. Thật xúi quẩy, mấy hành lang đều vắng lặng, các phòng học đều khóa cửa. Duy chỉ có văn phòng khoa Y cửa vẫn mở. Thầy H bước vào:
      -         Chào cô giáo T. Sao cô giáo về muộn vậy?
      -         Em chào thầy H. Em phải xem lại lần cuối bản báo cáo ở hội nghị ngày mai thầy ạ. Hôm nay thầy H trưởng khoa em đã đọc và góp ý cần sửa chữa mấy chỗ cho hợp lí hơn về trình tự báo cáo. Em vừa làm xong thì có điện thoại của phòng Quản lí khoa học gọi lên để lấy tài liệu cho hội nghị ngày mai. Em đang định đi thì thầy đến. Bên khoa thầy đã lấy chưa?- Cô giáo T từ bàn máy tính đứng dậy đi đến chỗ bàn đặt ấm pha trà, vừa đi vừa trả lời. – Em mời thầy ngồi em pha nước ạ.
      -         Không phải pha trà đâu cô T ạ. Mình cũng đang trên đường lên đó để nhận tài liệu đây. Vậy ta cùng đi kẻo muộn cô giáo nhé.
      -         Em đang phân vân vì một mình em sợ bê không nổi?
      -         Đã có tôi giúp bê hộ với, cô giáo đừng lo.
      -         Thầy hứa giúp em rồi nhé. Thầy mà giúp em thì em sẽ trả công thầy, làm mối cho thầy một cô thật xinh…- Cô giáo T vừa cười vừa trả lời.
      -         Em hứa rồi nhé, bắn không trúng tên là phải đền đạn nhé.. Thầy H trả lời, khéo léo chuyển xưng hô từ cô giáo sang em.
        Thầy H mới chỉ hơn ba mươi tuổi, là một trong những tiến sĩ trẻ của trường. Nhiều người thấy thầy độc thân đã có ý gán ghép giới thiệu cho thầy mấy chỗ, nhưng thầy chỉ cười trừ. Họ không hiểu nỗi lòng thầy. Người yêu của thầy không may đã mất cách đây mấy năm do một căn bệnh hiểm nghèo. Hình ảnh của cô người yêu luôn choán trong trong tâm hồn thầy. Nay thì đã chút nguôi ngoai, nhưng vì công việc quá bận rộn nên thời gian cứ trôi mà thầy vẫn chưa giả xong bài toán cuộc đời, dù chỉ là bài toán không cần đến trình độ tiến sĩ của thầy.
      -         Em sẽ giới thiệu cô bạn em cho thầy, xinh hơn em nhiều thầy ạ.
         Họ cùng đi lên phòng Quản lí khoa học, vừa đi vừa nói chuyện ríu rít. Tuy cùng trường nhưng khác khoa, bởi vậy biết nhau nhưng ít khi họ có dịp nói chuyện cùng nhau. Cô T còn trẻ, mới về trường từ năm ngoái. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô học luôn Cao học, nhận bằng thạc sĩ và về trường công tác. Cô T có khuôn mặt không thật xinh, nhưng bù lại trời phú cho cô một thân hình đẹp và đặc biệt duyên dáng từ cách ăn nói đi đứng cho đến nụ cưòi khóe mắt.
         Nhận được sách,  tất cả một trăm mười tám cuốn. Bên tiểu ban của thầy H sáu lăm cuốn, còn cô T nhận năm ba cuốn cho tiểu ban của mình. Hai thùng sách thật to. Thầy T san từ thùng của cô giáo T sang thùng mình hai mươi cuốn nữa. Đồng chí giao sách nhìn ái ngại:
      -         Nặng thế liệu thầy có bê nổi không? Không có ai giúp các thầy cô với à?
      -         Tôi có thể bê được tới năm mươi kg…Vả lại với cô giáo T thì khác, cô đã hứa trả công nên tôi sẽ cố gắng. - Thầy H vừa cười vừa trả lời
       Ì ạch mãi, phải nghỉ đến mấy lần nhưng rốt cuộc sách cũng về đến chỗ cần đến. Vừa đúng lúc, tiến sĩ H trưởng khoa của cô giáo T tới. Thầy nói:
            -  Mình đã về gần đến nhà thì nhận được tin đã có tài liệu cho hội nghị. Sợ rằng để mai mới nhận thì dẫu đến sớm cũng sẽ ảnh hưởng đến hội nghị nên mình quay lại. Nhưng đã chậm mất rồi, dẫu muốn mình cũng có được bê đâu….Thôi bây giờ cũng đã muộn rồi, ta đi ăn cơm vậy. Mình sẽ khao hai bạn.
       Thầy H và cô T vui vẻ nhận lời. Cuối bữa cơm cô T nói:
      -         Nếu thầy H không phản đối thì em sẽ đi cùng thầy lên sân bay đón khách.
      -         Nếu được thế thì có gì bằng. Ta sẽ ghé mua mấy bó hoa trước đã. Khách đến có cô giáo xinh đẹp chờ tặng hoa thì chắc sẽ rất phấn khởi đây. - Thầy H trả lời.
        Đón khách về khách sạn xong, khi chia tay với thầy H cô T nói:
      -         Ngày mai ở hội nghị em cũng có báo cáo. Nếu lúc đó anh rỗi thì sang động viên em với nhé. (Cô giáo T cũng đã thân mật chuyển xưng hô với tiến sĩ H từ thầy sang anh)
      -         Nhất định là anh sẽ sang.
         Thầy T quả quyết vậy, tuy sau đó thầy có chút hối hận vì biết rằng có thể mình sẽ không giữ lời. Thầy biết ngày mai thầy sẽ rất bận.
       Ngày hôm sau.
       Hội nghị khoa học đã khai mạc rất trọng thể, khách ngồi chật kín cả hội trường. Trở về hội nghị phân ban, thầy H ngoài cương vị chủ tịch đoàn còn tham gia ba báo cáo nữa nên công việc cuốn hút. Đến giờ giải lao thầy vội tranh thủ sang phân ban bên cô giáo T. May quá, đúng lúc cô giáo T đang báo cáo, dẫu đã đến những phút cuối. Không hiểu có phải nhờ sự động viên của thầy H hay không mà từ sau đó cô giáo T đã trả lời mạch lạc và khúc chiết hơn các câu hỏi chất vấn của những người quan tâm đề tài của cô. Kết thúc phần phát biểu của cô là một tràng vỗ tay nồng nhiệt.
        Hội nghị khoa học lần thứ nhất của trường Đại học Điện lực đã thành công hơn mong muốn. Thành công rực rỡ của hội nghị xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn rằng nó phải xuất phát từ cả những điều tưởng như rất nhỏ nhặt: bê sách cho hội nghị.
      08.6.2007
      Bùi Đức Hiền
      #18
        HBĐ 13.06.2007 23:16:43 (permalink)
        HẮN VỀ THĂM CHỐN CŨ
        Nam rủ tôi về thăm Sônkôvơ. Tôi biết chẳng còn người quen nào của hắn ở đó và chắc chắn cuộc đi chơi sẽ chẳng thú vị gì, nhưng ngày chủ nhật không có kế hoạch gì hay hơn nên tôi cũng đã đồng ý.
        Mới vào hè hơn một tháng, cây cối hai bên đường đã xanh biếc một màu. Đường rộng, vắng xe đi lại vì ngày nghỉ nên chỉ sau hơn một giờ đồng hồ xe chúng tôi đã vào thành phố. Nam giới thiệu với tôi tên các đừơng phố đi qua, mấy nhà máy ven đường, bến xe, chợ v.v. Như vậy là hắn rất thành thạo vùng này. Qua một cái cầu nhỏ rồi vòng quanh một cánh rừng, chúng tôi đi vào một khu tập thể. Mấy nhà năm tầng đã cũ, kiểu căn hộ tập thể được xây dựng giống hệt nhau ở rất nhiều thành phố của Nga. Trước mỗi nhà đều có mấy bà già ngồi sưởi nắng trên những chiếc ghế dài làm bằng mấy thanh gỗ đơn giản. Trong sân một cô gái váy ngắn vai trần đang đẩy xe nôi…Tất cả chẳng có gì lạ lẫm với tôi.
         Nhìn lên tầng 2 của nhà N3 một lát, hắn đăm chiêu nghĩ ngợi, chừng như muốn nói với tôi một điều gì đó nhưng lại thôi. Rồi giục tôi quay xe về ngay. Tôi nghĩ bụng: thằng điên, thế cũng bắt tao chở đi. Chỉ tổ mất thời gian và tốn tiền xăng!
        -         Mày ấm đầu à? Thế mày đến đây làm gì? – Tôi nói
        Hắn chẳng trả lời gì. Khi qua một cửa hàng thực phẩm hắn bảo tôi dừng xe. Tôi ngồi trên xe chờ, còn hắn vào cửa hàng. Mấy phút sau hắn quay lại với một xách bia Bantichca số 3 cùng mấy con cá khô Vôbla ướt nhẫy dầu ôliu. Có thế chứ - tôi nghĩ bụng – không thì phí công anh mày. Ghé xe vào rừng ven đường, hai thằng chúng tôi ngồi sà xuống cỏ và nhấm nháp món bia cá  (cái món này cho đến nay nhắc đến tôi vẫn thấy thèm rỏ giãi). Tại đấy hắn vừa uống bia vừa chậm rãi kể cho tôi câu chuyện sau đây:
           Tại nhà N3 kia hắn có nhiều kỷ niệm lắm!
           Hồi đó hắn học năm thứ ba. Hắn đã làm quen với Hằng làm công nhân dệt tại thành phố Sônkôvơ này theo diện xuất khẩu ngay tại ký túc xá của trường hắn ở Matxcơva. Bình là anh trai của Hằng, lúc đó là sinh viên năm cuối ở cạnh phòng Nam. Hàng tháng Hằng lên thăm anh trai. Họ đã phải lòng nhau  sau mấy lần gặp gỡ. Rồi anh Bình về nước, thay vì Hằng lên Matxcơva, hàng tuần Nam xuống đây thăm nàng. Thông thường hắn xuống Sônkôvơ chiều thứ sáu và về Matxcơva vào chiều chủ nhật trên chuyến xe buýt cuối cùng. Quy định của ký túc xá rất khắt khe. Không chỉ nhà N3 mà cả toàn bộ năm nhà của ký túc xá này gồm toàn công nhân nữ người Việt. Đội trưởng và phiên dịch cũng đều là nữ cả. Khách là nam giới chỉ được lưu lại trong ký túc xá đến 10 giờ chiều (Bên Nga đến 22 giờ vẫn gọi là buổi chiều). Bộ phận chỉ huy người Việt thì có thể nhắm mắt làm ngơ, nhưng bộ phận người Nga quản lý ký túc xá theo dõi rất khắt khe: Qua cổng trực ở lối vào duy nhất ở tầng một khách phải đặt hộ chiếu, ghi vào sổ trực số phòng mình đến và nhận một cái thẻ. Khi về phải trình thẻ này, lấy lại hộ chiếu và xoá tên trong sổ trực. Thật là phiền toái. Chẳng lẽ thuê khách sạn bên ngoài để ngủ tối thứ bảy! Điều này nếu với học bổng sinh viên thì gắng lắm chỉ vài ba tháng một lần, đằng này hắn xuống đây hàng tuần. Mà đi về thì xa, sáng chủ nhật quay lại cũng nhọc nhằn cả thân xác và tốn tiền đi lại. Hơn nữa gặp người yêu chiều thứ bảy ai nỡ dứt áo ra về.
          Nhớ lần đầu tiên xuống thăm Hằng, hắn rời Matxcơva  trên chuyến xe khách đầu tiên. Buổi đầu làm rể nên hắn ngại ngùng lắm. Tuy nhiên sự ngại ngùng lúng túng của hắn đã tan biến rất nhanh bởi sự đón tiếp hết sức nồng hậu của cả ốp, nhất là  Hằng và ba cô gái trong phòng. Hằng không những xinh nhất phòng mà còn được đánh giá là một trong số hoa khôi của ốp. Nước da trắng trẻo càm làm nổi bật khuôn mặt trái xoan và đôi mắt bồ câu pha chút đượm buồn trên dáng người dong dỏng cao mềm mại. Nếu như Hằng có bộ ngực đầy đặn hơn thì thật là hoàn mĩ. Ba cô gái cùng phòng với Hằng tên là Hoa, Tâm và Lan. Hoa và Tâm là gái đã có chồng và nhiều tuổi hơn hắn. Còn Lan có khuôn mặt không xinh nhưng bù lại có thân hình đẹp và bộ ngực đồ sộ đầy gợi cảm. Cả phòng đã đón tiếp hắn như đón một vị thượng khách, bởi ngoài sự nồng hậu vốn có của phụ nữ còn do hoàn cảnh sống đưa đẩy nên. Cả một “ốp” toàn con gái, có khách là con trai tới, dẫu không phải tới thăm chính mình nhưng ai cũng thấy thêm một chút phấn chấn. Khi hắn mới xuống, hầu hết những ai đang còn ở nhà đều qua phòng thăm hắn. Phần thì tò mò muốn xem mặt chằng rể, phần thì mua vui thêm ít phút cuộc sống xa quê hương và thiếu vắng đàn ông Việt Nam. Được nghe giọng đàn ông nói, được nhìn thấy một thằng đàn ông Việt Nam bằng xương bằng thịt hẳn hoi ở cái thành phố này may ra chỉ có vào thứ bảy chủ nhật hàng tuần, khi năm thì mười hoạ mới có khách tới. Bởi vậy dù Hoa và Tâm đã phải ra dáng đàn chị mắng mỏ rất nhiều nhưng những sự bông đùa liên tục ra cũng đã làm hắn lúng túng. Đại loại như
        -         Anh yêu ơi, em chờ anh cả tháng nay rồi đấy. Anh ghé Hằng đây tí chút rồi về phòng em ngay anh nhé.
        -         Đêm nào em cũng mơ thấy anh cả đấy. Sao bây giờ anh mới đến?
         Không chỉ bằng lời, có cô còn bạo dạn hơn đến gần Nam và thình lình hôn một cái đánh chụt lên má cậu ta, làm cho hắn cũng đỏ hết cả mặt dẫu hắn cũng đâu phải là tay chẳng vừa.
        (Còn tiếp)
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.06.2007 22:26:30 bởi HBĐ >
        #19
          HBĐ 26.06.2007 23:50:52 (permalink)
          EM CHỌN NGÀNH HỆ THỐNG ĐIỆN
              Năm ngoái tôi vừa dạy vừa làm chủ nhiệm một lớp Cao đẳng khóa 4 chuyên ngành Hệ thống điện. Cô sinh viên tên Ngân, da ngăm đen ngồi ở bàn đầu đã lập tức gây sự chú ý của tôi ngay từ buổi học đầu tiên. Ngân có đôi mắt sáng, toát lên sự thông minh và nghị lực quả cảm. Em ngồi chăm chú nghe, háo hức nuốt lấy từng lời trong bài giảng của thầy. Cuối giờ khi xem vở ghi của Ngân tôi đã rất hài lòng bởi em ghi ngắn gọn nhưng rất đầy đủ các kiến thức của tiết học. Chữ viết đẹp, trình bày rõ ràng, mạch lạc.
              Sau khi nghiên cứu hồ sơ, cộng với nhận xét tốt từ tiết dạy đầu tiên, tôi quyết định chọn Ngân vào Ban cán sự lâm thời của lớp với cương vị lớp phó học tập. Và tôi đã không nhầm khi đưa ra quyết định đó. Ngân đã rất tích cực trong phong trào của lớp không chỉ về việc tổ chức học tập mà còn ở các hoạt động khác như văn nghệ thể thao, công tác Đoàn thanh niên. Điểm thi học kỳ một của Ngân rất cao, em là một trong số ít sinh viên của lớp đạt loại giỏi.
             Trước khi bầu lại Ban cán sự lớp vào đầu học kỳ hai, Ngân đã tìm gặp tôi. Em nói:
          -         Thầy giáo cho em rút khỏi danh sách bầu cử nếu như em được các bạn trong lớp tín nhiệm đề cử thầy nhé?
          -         Em phải cho tôi biết nguyên nhân chứ? – Tôi hỏi.
          Thoáng ngập ngừng, Ngân trả lời tôi:
          -         Thú thật với thầy là em đang ôn thi vào Đại học. Em không ngại khó nhưng em sợ sẽ không có nhiều thời gian dành cho phong trào của lớp thầy ạ.
          -         Vậy là em chưa yên tâm học tập khi nộp đơn xin vào trường này?
          -         Cũng chưa hẳn vậy thầy giáo ạ. Hôm nào có thời gian rỗi em sẽ đến xin thầy tư vấn cho việc chọn trường và một số vấn đề khác. Em thiết tha xin thầy cho em được nghỉ làm cán bộ lớp như em đã báo cáo với thầy…Em hứa là em vẫn tham gia tích cực vào các phong trào của lớp mình thầy ạ.
             Tin tưởng vào sự suy nghĩ chín chắn của Ngân khi đưa ra quyết định này nên tôi đồng ý. Mặc dù khi bầu cử sơ bộ Ngân có phiếu cao nhất nhưng tôi đã giải thích với lớp là chỉ  chọn những sinh viên yên tâm học tập tại trường làm cán bộ lớp nên em đã được ra khỏi danh sách bầu cử.
             Ngày hôm sau Ngân đã đến tận nhà thăm tôi. Sau khi nói lời cảm ơn về việc cho em nghỉ làm cán bộ lớp theo nguyện vọng cá nhân, Ngân đã kể cho tôi nghe hoàn cảnh gia đình và những tâm tư của mình. Đang học cấp ba, bố của Ngân đã lên đường nhập ngũ tham gia vào đoàn quân giải phóng miền Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trở về từ sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông là thương binh loại ba với mấy mảnh đạn còn găm trên mình. Bố Ngân đã ôn tập và thi vào Đại học với nguyện vọng trở thành kỹ sư điện, nghề mà ông ấp ủ từ nhỏ. Tuy nhiên kết quả thi không như ý muốn, điểm thi của ông không đủ để vào học đại học Bách khoa mà chỉ đủ vào một số trường Đại học khác. Gia đình gặp nhiều khó khăn không thể có điều kiện ôn thi tiếp tục, vốn lại yêu nghề điện nên ông đã nộp đơn vào trường Trung học Điện (tiền thân của trường Đại học Điện lực hôm nay). Tờ giấy báo hồi đó gọi ông nhập học trường Đại học sư phạm Hà nội nay vẫn nằm trong ngăn tủ nhà Ngân. Tốt nghiệp trường Điện vào loại xuất sắc, ông được phân công về công tác tại nhà máy điện Uông Bí. Tại đây ông đã yêu một cô công nhân cùng trong nhà máy. Đó chính là  mẹ của Ngân và cô em gái ít hơn Ngân bảy tuổi bây giờ. Tuy nhiên một căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi sinh mạng của bố Ngân khi Ngân còn học cấp hai. Trước khi nhắm mắt ông cầm lấy tay Ngân và nói: “Con ơi, cả cuộc đời bố ấp ủ ước mơ trở thành một kỹ sư giỏi của ngành điện. Nay trời đã không chiều lòng bố. Bố muốn con sẽ cố gắng học tập để trở thành một kỹ sư điện, thay bố làm những điều mà bố chưa làm được con nhé.”
             Bởi vậy Ngân đã thi vào chuyên ngành Điện của trường đại học Bách khoa Hà nội. Nhưng số phận cũng đã không mỉm cười với em: điểm thi của Ngân ít hơn điểm chuẩn chỉ nửa điểm. Buồn bã, nhưng không chán nản, Ngân đã làm đơn vào học hệ cao đẳng ngành Hệ thống điện. Ngân nói với tôi:
          -         Nguyện vọng của bố em là muốn em trở thành kỹ sư điện. Cho đến nay em vẫn chưa làm được những điều trăng trối của bố, bởi vậy vừa học ở đây, em vừa ôn thi tiếp năm nữa thầy ạ.
          -         Thầy tin là em sẽ thành công – Tôi khích lệ Ngân.
            Cả học kỳ hai, hễ giờ ra chơi tôi lại thấy Ngân lôi các môn học phổ thông ra ôn tập. Mặc dù dành thời gian nhiều cho việc ôn thi Đại học, kết quả học tập của Ngân ở kỳ hai vẫn rất cao. Em vẫn là một trong số những học sinh giỏi của lớp. Rồi kỳ thi đại học cũng tới, tôi hồi hộp chờ kết quả thi của Ngân. Em đã gọi điện báo cho tôi kết quả ngay khi em biết. Tuy nhiên không chỉ Ngân mà cả tôi cũng buồn: điểm thi của Ngân chỉ là hai mươi điểm, còn thua năm ngoái.
            Tin vui đến với tất cả chúng tôi, đặc biệt là Ngân. Đó là trường cao đẳng Điện lực trở thành trường Đại học Điện lực và sẽ tuyển sinh đại học khoá đầu tiên theo nguyện vọng hai. Ngân gọi điện hỏi ý kiến tôi:
          -         Thầy giáo ơi, liệu điểm như em có đỗ không hở thầy?
          -         Năm nay trường ta chỉ lấy có hai ngành là Hệ thống điện và Quản lí năng lượng em ạ. Thông thường ở Bách khoa Hà nội điểm đầu vào của ngành Quản lí năng lượng thấp hơn, bởi vậy để có xác suất đậu cao hơn, thầy khuyên em nên ghi danh vào ngành Quản lí năng lượng. 
          -         Nhưng thầy giáo ơi, nguyện vọng của em là ngành Hệ thống điện…
          -         Thế thì em phải tự quyết định lấy thôi…
          -         Em vẫn quyết định sẽ ghi vào ngành hệ thống điện thầy ạ, hy vọng là em sẽ toại nguyện. Khi nào có điểm chuẩn thầy báo cho em mừng thầy nhé.
           Tôi hứa với Ngân là sẽ báo ngay cho em khi biết thông tin về điểm chuấn và tôi đã thực hiện đúng lời hứa của mình. Tuy nhiên tôi đã báo cho em tin không vui, bởi điểm của em chỉ vừa đủ cho em vào học đại học ngành quản lý năng lượng trong khi em đã chọn ngành hệ thống điện.
            Năm học này tôi không dạy ở cơ sở hai, và có ít hơn thông tin về em. Tuy nhiên qua bảng tin của trường tôi vẫn biết Ngân đạt loại giỏi trong học kỳ một vừa qua. Một lần em gọi điện cho tôi :
          -         Thầy giáo ơi, thầy có khoẻ không ạ? Năm học này sao thầy ít lên cơ sở hai thế?
          -         Cảm ơn em, thầy vẫn khoẻ thường. Năm nay thầy được phân công dạy các lớp Đại học nên thường ở cơ sở một. Còn em thế nào?  Em có ý định thi đại học nữa không?
          -         Em vẫn dự thi tiếp thầy ạ. Em biết nếu tiếp tục cố gắng học tập thì cơ hội học liên thông để lấy bằng đại học chuyên ngành hệ thống điện tại ngay trường của mình cũng rất lớn. Tuy nhiên em vẫn muốn thử sức mình lần nữa thầy ạ. Nếu được vào các lớp đại học chính quy chuyên ngành điện thì chắc bố em ở nơi xa xôi cũng sẽ mát lòng mát dạ hơn…
           
            Ngày thi đại học đã đến gần. Xin chúc Ngân đạt được những điều không chỉ bản thân em ấp ủ, mà cả gia đình và bạn bè của em, các thầy cô giáo của em trong đó có tôi cũng đều trông đợi.
           26.6.07
          Bùi Đức Hiền
          #20
            HBĐ 03.07.2007 20:50:02 (permalink)
            THẦY CỨ ĐỂ TỰ CHÚNG EM LO!
            Tôi vào lớp trước chuông mấy phút. Đã hết ba tiết đầu, đang giờ ra chơi. Một nhóm quây quần đầu hành lang, số còn lại ngồi ngay trong lớp tụm năm tụm bảy trò chuyện. Có mấy chục sinh viên mà ồn ào như buổi chợ. Đang rôm rả nên không mấy ai biết tôi đã vào lớp. Câu chuyện của nhóm ngồi cuối lớp làm tôi để ý nhất:
            -         Hôm qua Chelsea đá thật là tuyệt. Tớ ngồi xem mà tim đập thon thót khi Rooney của MU qua được hậu vệ cánh phải Ferreira rồi sút hiểm hóc vào đúng cầu môn. May mà thủ thành Petr Cech chơi hay hết chỗ nói, đã đẩy được bóng ra ngoài. Cuối cùng thì Drogba cũng lập công, và 1-0, chỉ cần có thế là đủ dánh gục MU rồi! - Cậu Nam người nhỏ nhưng giọng to đáo để.
            -         Gớm, cậu là fan của Chelsea có khác! Chelsea đá đấm có ra gì đâu, chẳng có gì là bóng đá nghệ thuật cả. May mà thắng được thôi. Tớ thì chỉ thích MU, tấn công hay thế. Chỉ tội thua vì không gặp may thôi. - Cậu Sơn cao kều lớn tiếng đáp lại.
            Vậy là các fan của thứ thể thao vua rồi. Tôi cũng thấy khoái vì bản thân cũng ham mê bóng đá và thường xuyên theo dõi qua màn ảnh nhỏ, nhất là các trận đấu nảy lửa của bóng đá Anh. Hôm qua trận này phải hơn 12 giờ đêm mới kết thúc do hai hiệp chính hoà và phải đá thêm hai hiệp phụ. Vậy thì mấy cậu học trò này hôm nay chắc sẽ vừa học vừa ngáp ngủ – Tôi thầm nghĩ bụng - Chốc nữa lại phải để ý theo dõi họ đây.
            -         Đá với chả đấm, cái bọn MU chết tiệt. Tớ đặt cửa MU nên đi toi gần triệu bạc. Thế là hết nhẵn số tiền mà mẹ tớ mới gửi ra cho tớ hôm trước. Đen quá đi mất. Tưởng làm một phát ăn to để khoả lấp số nợ do các lần trước để lại, thế mà… Tháng tới chắc phải ra đường ăn mày mất thôi. - Cậu Hùng “xoăn” ngồi ở bàn cuối than thở.
            -         Đã bao lần chúng tớ khuyên cậu rồi, cậu có chịu nghe đâu. Cứ máu me đen đỏ thế liệu có lợi gì. Cậu chẳng đoái hoài lo lắng gì về gia đình cả. Bố mẹ ở nhà nai lưng ra làm cả tháng để có từng ấy gửi tiền gửi cho cậu, thế mà trong mấy phút cậu đã ném qua cửa sổ ngay – Nam lên tiếng.
            -         Đáng đời! Tớ thì nghĩ có chết nặng như vậy thì rồi cậu mới bỏ thói xấu đó đi được. - Đức “béo” cũng phụ hoạ theo….
             
            Vậy là vẫn chứng nào tật ấy rồi. Tháng trước, sau khi nghe ban cán sự lớp báo cáo tình hình một số cá biệt, trong đó có việc Hùng “xoăn” hay cá cược bóng đá, tôi đã gặp riêng cậu ta. Khi đó cậu ta đã hứa là sẽ tu tỉnh không tiếp tục nữa. Vậy mà ngựa vẫn quen đường cũ. Đến buổi sinh hoạt lớp cuối tuần này, tôi phải mang chuyện này ra trước lớp để “cạo” cho cậu ta một trận mới được. Cứ nhắc nhở  không thôi thì chắc cậu ta còn trượt dài xuống hố sâu.
            Nghĩ vậy nên cuối buổi học tôi bảo Ban cán sự lớp và Bí thư chi đoàn ở lại hội ý. Tôi nêu vấn đề cần tìm cách giáo dục Hùng “xoăn”. Huy lớp trưởng nói:
            -         Chắc chỉ cần nhắc nhẹ trước lớp thôi  thầy ạ. Trước mắt thầy cứ để tự chúng em lo liệu. Chúng em cũng đã hội ý và thống nhất phương án giúp đỡ bạn ấy. Bạn Hùng rất thông minh và tốt bụng. Thực ra bạn ấy cũng chỉ mới sa vào chuyện đỏ đen đó từ sau tết âm lịch thôi thầy ạ.
            -         Thế phương án cụ thể sẽ như thế nào? – Tôi hỏi
            -         Bạn ấy ở cùng phòng trong kí túc xá với em và ba bạn trong lớp ta nữa -  Tuấn, bí thư chi đoàn tiếp lời Huy - Bọn em đã thống nhất là tháng này và cả tháng sau sẽ “bao” bạn ấy tiền ăn, bù lại bạn ấy phải giúp giải đáp các thắc mắc trong học tập cho cả phòng em.
            -         Phòng nữ chúng em cũng đã đề ra phương án trợ giúp thầy ạ - Hoa, lớp phó đời sống nói- Bạn ấy thông minh, mất ít thời gian làm bài tập ở nhà. Vì rảnh rỗi nên sinh ra la cà các quán và từ đó nhiễm thói xấu. Bọn em cũng sẽ chủ động nhờ bạn sang  phòng nữ giúp đỡ bọn em trong học tập nữa…
            -         Nhưng chắc gì bạn ấy đã chịu sang chỗ bọn em? – Tôi hỏi.
            -         Nếu được bọn em nhờ chắc chắn bạn ấy sẽ sang. Em “bật mí” cho thầy biết nhé – Hoa trả lời tôi - Bạn ấy có “cảm tình” với bạn Hương lắm. Chỉ cần bọn em “bật đèn xanh” mà thầy…
              Tôi cười và nói:
            -         Thầy tán thành phương án của các em. Sự việc tiến triển như thế nào thì thường xuyên thông tin cho thầy nhé. Mà cẩn thận Hoa nhé, nếu để bạn ấy lại “sốc” về tình cảm thì lớp phó phải “chịu trận” đấy.
             Cả nhóm cười vui vẻ.
             
            Hôm nay văn phòng khoa công bố điểm thi của môn học tôi giảng dạy. Đúng lúc đó các em học sinh của tôi vừa rời phòng thi sau khi khi môn khác. Họ quây lấy bản tin. Nhiều nét mặt cười rạng rỡ. Tôi ra chia vui.
            -         Thầy giáo ơi, bài của em được tám rưỡi thầy ạ - Hùng “xoăn” nói với tôi – Em cứ nghĩ tối thiểu phải được chín điểm cơ. Các thầy chấm chặt quá.
            -         Chắc là có chỗ nào đó em lí luận chưa thật chặt nên các thầy trừ điểm. Thế các bạn khác thế nào? – Tôi trả lời
            -          Phòng nữ chúng em đều trên sáu cả thầy ạ. Có sự giúp đỡ của bạn Hùng có khác . Đặc biệt bạn Hương được giúp đỡ nhiều nhất nên điểm cao nhất phòng, được tám điểm thầy ạ - Vừa trả lời tôi, Hoa vừa nháy mắt liếc sang Hương đang đứng cạnh tỏ ý trêu chọc.
              Cả hội cùng cười to làm Hương bẽn lẽn đỏ ửng hai má. Tôi cũng cười theo, trong lòng trào dâng phấn khởi. Tôi biết lớp tôi trực tiếp giảng dạy và chủ nhiệm trong học kì hai này tiến bộ hơn nhiều so với kì một. Không những điểm thi tốt hơn mà phong trào chung đều trỗi hẳn. Đặc biệt những học sinh cá biệt như Hùng “xoăn” đã nhờ tập thể lớp mà đã tiến bộ và hơn nữa còn tích cực góp phần mình vào phong trào chung.
               Hoan hô các bạn sinh viên lớp tôi. Tôi tự hào vì các bạn.
                              03.7.07.  
                           Bùi Đức Hiền
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.07.2007 20:53:22 bởi HBĐ >
            #21
              Trăng Quê 01.08.2007 20:42:10 (permalink)
              Mừng Sinh Nhật Bùi Đức Hiền
               
              Chúc mừng sinh nhật của anh
              Chúc anh năm tháng ngọt lành bình yên
              Trí - Nhân - Đức - Dũng - Tài - Hiền
              Làm Thầy - làm Bạn - làm Duyên...tuyệt vời
              1 August 2007
               
               
              Trăng Quê
              #22
                Ct.Ly 03.08.2007 20:36:33 (permalink)
                #23
                  HBĐ 25.02.2008 21:07:41 (permalink)
                  KHÔNG NGỜ
                     Hơn một năm nay học lớp sau đại học ở Hà Nội, hầu như tháng nào tôi cũng về Vinh thăm nhà. Vậy mà lần này do bận chuyện bảo vệ luận văn, tôi xa vợ con đã hơn hai tháng. Ngồi trên chuyến tàu đêm tôi đếm từng khắc từng giây, chỉ mong tàu về đúng 5 giờ sáng theo lịch. Tôi sẽ đi xe ôm về mất 15 phút nữa. Sau đó tự mở cửa, rón rén đi qua phòng ngoài, nơi thằng con trai 8 tuổi đang ngủ. Tôi sẽ chui vào chăn, ôm chầm lấy tấm thân nóng bỏng của vợ…Chao ôi, mới biết thời gian trôi lâu vì sự chờ đợi!
                    Rồi tàu cũng về đúng giờ. Trả tiền xe ôm xong, tôi lao lên tầng 4. Nhưng cửa nhà tôi lại khoá. Tôi như quả bóng xì hơi. Thôi thì phải xuống bà ngoại vậy, chắc là ngày nghỉ mẹ con về đó. Dù không đạt được như kế hoạch của mình thì hi vọng tiếp tục ôm nàng trong chăn vẫn còn. Tôi lại vội vàng bắt xe ôm đi tiếp.
                  -         Con về đấy à? Sao không liên lạc gì với nhau? Vợ con lại ra thăm con vào chuyến xe tốc hành sớm nhất sáng nay rồi. Mẹ vừa đưa nó ra bến xe về. - Mẹ vợ tôi đang quét sân dội tiếp nước lạnh vào tôi.
                   Thật là hết chỗ nói. Vậy là để dành cho nàng sự bất ngờ, tôi đã không báo trước. Hậu quả là thế này đây. Mà nàng cũng muốn dành sự bất ngờ cho tôi? Ôi vợ yêu của anh – dù chán nản tôi vẫn thầm kêu tên nàng kiêu hãnh.
                    Lại vội vàng ra đường. Tôi vớ ngay được tắc xi đuổi theo. Dù dục tài xế phóng nhanh, phải mất gần trăm cây số thì chiếc xe đi Hà Nội biển số 31-32 mới hiện ra. Kia rồi, vợ tôi mặc áo màu tím ngồi ngay sau ghế lái xe ngay cạnh cửa sổ. Tôi giục lái xe nháy đèn báo hiệu vẫy cho xe khách dừng lại. Xe tôi vượt lên. Tất cả hành khách trong xe đều hiếu kì nhìn ra…
                    Tôi nở nụ cười rạng rỡ. Nhưng mặt tôi lập tức méo xệch – ló ra từ cửa sổ xe là gương mặt thằng người yêu cũ của vợ tôi. Hắn ngồi cạnh nàng.
                  25.2.08
                  HBĐ
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.02.2008 21:17:01 bởi HBĐ >
                  #24
                    HBĐ 11.03.2008 12:16:30 (permalink)

                    CHUYỆN VUI XÓM TÔI
                    Chuyện thứ nhất   
                        Xóm tôi xưa chỉ dăm chục nóc nhà quây quần quanh một quả đồi. Thế mà khối chuyện vui. Xin được bắt đầu từ láng giềng của tôi: Nhà bà Mấc.

                        Ông bà Mấc lấy nhau hơn mười năm trời mới được một mụn con. Ông bà quí hắn lắm, chẳng bắt đi làm đồng gì cả, mặc dù đã mười ba mười bốn tuổi đầu. Ấy thế nhưng Phán, cậu con cưng của ông bà lại siêng năng đáo để. Hắn cũng chịu khó giúp việc nhà. Thấy bố hắn đang giã gạo, hắn trèo lên giúp. Có hai người, ông Mấc cũng thấy nhẹ chân hơn. Bà Mấc cũng ngồi thái chuối cho lợn bên cạnh. Họ vừa làm vừa trò chuyện, không khí gia đình thật đầm ấm. Câu chuyện vòng vèo về việc tính tuổi. Phán hỏi:
                    -         Con cầm tinh con gì hở bố?
                    -         Mày cầm tinh con chuột - bà Mấc nhanh nhảu trả lời.
                    -         Thế bố cầm tin con gì?
                    -         Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ…- Bà Mấc bấm ngón tay nhẩm tính- Bố mày sinh năm Ngọ, cầm tinh con ngựa con ạ.
                    -         Thế hoá ra con đẻ trước bố sao? – Phán hỏi
                    -         Làm gì có chuyện đó. Nếu tao nhớ không nhầm thì tao lấy mẹ mày lâu lắm rồi mới đẻ ra mày kia mà - ông Mấc kêu lên.
                    -         Ừ, tôi cũng nhớ hình như là thế. Nhưng thằng Phán nó học cả một đống chữ trong đầu rồi, tôi và ông lại một chữ bẻ đôi cũng không biết; lẽ nào mà hắn nói sai được. Chắc là cả ông và tôi lú lẫn mà thôi….
                     
                    #25
                      HBĐ 13.03.2008 23:01:20 (permalink)
                       
                      CHUYỆN VUI XÓM TÔI
                      Chuyện thứ hai
                         Anh của ông Mấc làm cán bộ gì to lắm ngoài Hà Nội. Cưới con gái, tuy xấu hổ vì có ông em ở quê quê mùa, nhưng ông vẫn phải mời ông Mấc. Được đi Hà Nội lần đầu, lại muốn làm đẹp mặt ông anh, bà Mấc phải bán cả con lợn đang độ lớn để mua quần áo mới cho chồng. Bà vẫn lo nhất cái giọng Nghệ nặng chình chịch đặc sệt tiếng địa phương của ông. Bà dặn ông kĩ lưỡng, không cần ra đến đấy mà ngay cả khi trên tàu xe chí ít không nói được giọng Bắc thì cũng phải nói tiếng phổ thông. Nào là ở mô thì phải nói ở đâu, nác thì phải nói là nước, ngá thì phải nói là ngứa, vân vân và vân vân…
                         Rồi ngày đó cũng tới, Ngồi trên tàu, thấy cái gì cũng mới lạ ông chỉ chăm chăm nhìn qua cửa sổ. Qua cầu Hàm rồng, ông phải đứng hẳn lên xem. Khốn nỗi cái quần mới hơi dày nên vướng víu, cứ ngứa ngáy sau mông. Nhìn qua cửa sổ, vừa gãi đít ông vừa lẩm bẩm:
                      -         Ngứa đít quá, ngứa đít quá…
                         Hầu như hành khách quanh ông đều hiếu kì đứng dậy nhìn qua cửa sổ. Mà hiếu kì là phải bởi vì do tiếng Nghệ của ông nên họ đã nghe thành “Ngựa **** quạ, ngựa **** quạ…”.
                        Điều này thì chưa ai thấy bao giờ!
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.03.2008 23:04:19 bởi HBĐ >
                      #26
                        HBĐ 16.03.2008 07:19:20 (permalink)
                         CHUYỆN VUI XÓM TÔI 
                         Chuyện thứ ba
                            Ông Mấc đi Hà Nội về. Cả nhà xúm xít lại nghe ông kể chuyện ngoài đó. Ông bảo:
                           - Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Trí tuệ được mở mang ra nhiều. Nếu cứ ở nhà quê luẩn quẩn mãi trong cái làng này thì làm sao biết được dòng dõi gốc tích sang trọng của mình.
                             Người Nghệ Tĩnh là dòng giống của người Nhật. Mà gốc gác mấy đời của ông đều là người Nghệ An. Vậy tổ tiên ông là nước Nhật văn minh. Không tự hào thì mới lạ chứ!
                          Chuyện là đến ga Vinh để mua vé đi Hà Nội, tại quầy vé đông người mua lắm. Một nhóm mấy cô gái cạnh ông ríu ra ríu rít:
                        -         Mi đi ga mô?  (Mày đi ga nào?)
                        -         Tau đi ga Si.   (Tao đi ga Si)
                        -         Mi khi mô vô?   (Mày khi nào vào?)
                        -         Tau vô mần chi mồ.  (Tao vào làm gì bây giờ)
                        -         …..
                           Thì ra cái phát minh về gốc gác người Nhật của ông được xuất phát từ mẩu hội thoại đầy âm hưởng tiếng Nhật ở sân ga Vinh.
                           Cái mà ông đắc ý nhất là nhờ chuyến đi Hà Nội mà ông phát hiện ra mình còn có cả năng khiếu ứng khẩu thành thơ. Dù là dân nhà quê, nhưng xem ra ông còn là người cách tân, dám đề xuất những chuyện động động trời hơn so với mấy người Hà thành. Vốn dĩ trong tiệc đám cưới, may mắn thế nào mà ông lại ngồi cùng mâm với những người có máu thơ phú. Rượu vào là lời ra. Họ ra chủ đề “Bồ bịch” để làm “thơ con cóc”.
                             Ông thứ nhất, sang trọng trong bộ com lê đen cà vạt hoa đỏ (ông Mấc nhìn mặt bắt hình dong thì đoán phải là cỡ cán bộ gì to lắm, mèng ra cũng là vụ  trưởng) lên tiếng đầu tiên:
                        Bồ thì một lúc hai cô
                        Lại thêm vợ nữa, chạy sô cả ngày
                        Ai thấu nỗi khổ thân này

                        Từ sáng đến tối phải cày tả tơi.
                            Ông thứ hai, có bộ ria mép đen ề à giọng rượu phụ hoạ:      
                                  Bồ thì vứt quách một cô
                                 Vợ nên giữ lại, chạy sô làm gì
                                 Ôm nhiều liệu có ích chi

                                   Sức thì phung phí, tiền thì tiêu hao
                           Ông Mấc chợt nghĩ, nếu mà mình có hai cô bồ, nhất là được cặp bồ với mấy cô Hà Nội chân dài, ăn mặc thiếu vải, nước hoa thơm phức thì mình sẽ thanh lí ngay lập tức cái bà Mấc quê mùa ở nhà. Ý nghĩ chuyển thành thơ, ông cất tiếng:
                        Bồ nên giữ cả hai nàng
                        Vợ đem thanh lí, bởi hàng tồn kho
                        Thế là sẽ hết mối lo

                        Chẳng phải sớm tối cho bò lợn ăn!
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.03.2008 07:23:22 bởi HBĐ >
                        #27
                          HBĐ 22.03.2008 14:26:23 (permalink)
                          Chuyện thứ tư
                             Nhà ông Mấc chỉ có hai anh em trai. Hồi ông Mấc đang học cấp hai thì anh trai của Mấc đi bộ đội, vào luôn “B dài” tận trong Nam Bộ. Đầu năm 70 của thế kỷ trước, Mỹ ném bom miền Bắc ác liệt. Mới 17 tuổi nhưng như bao trai làng khác, Mấc sục sôi ý chí lên đường nhập ngũ. Nhỏ con, cân nặng không đầy năm mươi kg, Mấc phải buộc thêm gạch vào người để trúng tuyển. Bịn rịn chia tay với Út (bà Mấc bây giờ) là chuyện duy nhất làm mềm lòng chí trai anh hùng của Mấc lúc bấy giờ.
                             Út là con thứ bảy trong gia đình. Sau Út còn Chút, Chít và Rốt. Út là tên cúng cơm trong nhà, nhưng tên khai sinh của Út là Hồng Nhung. Thiên hạ thường nói vui
                                        Ở nhà là Mít, là Na
                                  Em ra thành phố, em là Quỳnh Hương
                            Tuy nhiên bố mẹ Út thức thời lắm. Chẳng cần ra thành phố thì tên của Út cũng đã là Hồng Nhung.
                            Một năm sau, trước khi vào chiến trường mền Nam, Mấc được về phép ba ngày. Chỉ ba ngày thôi cũng đủ để tổ chức đám cưới. Hồng Nhung rời gia đình đông đúc của mình sang nhà bố mẹ chồng.
                            Hồng Nhung khi đó mười tám tuổi, xinh vào loại nhất làng. Nhà nghèo đông con nên hầu như áo quần của Hồng Nhung đều phải vá. Chỉ khi làm dâu nhà ông Mấc thì cô mới có được bố mẹ chồng sắm cho mấy cái áo phin trắng. Chỉ áo bà ba nâu mà má của Hồng Nhung đã ửng hồng, cho nên khi diện cánh trắng thì trông cô càng bắt mắt hơn. Mắt lá răm lúng liếng, Hồng Nhung cũng đong đưa lắm. Khối người mê cô. Từ anh Lộc, bí thư đoàn xã khoẻ mạnh (anh này không đi bộ đội vì là con út của một gia đình có năm con trai, mà bốn người đang tại ngũ), đến các chàng bộ đội đóng quân ven làng đều tìm cách ve vãn cô khi có điều kiện. Lúc đầu thì cô e ngại, nhưng lâu dần cũng thành quen. Vả lại xa chồng nên lắm lúc cô cũng rạo rực lắm. Thế rồi có dị nghị. Ở nông thôn mà không tai tiếng thì mới là lạ. Gặp cô, bọn trẻ con trêu ghẹo:
                                  Hồng Nhung mặc áo cánh cò
                              Lo “cưa” bộ đội, để bò ăn khoai.
                          Hoặc là
                                  Hồng Nhung thấy  Lộc đẹp trai
                              Su chiêng muốn cởi, rốn dài muốn khoe…
                              Bố mẹ chồng thấy có dị nghị như vậy thì cũng buồn lắm. Nhưng vì không bắt được tận tay nên cũng chẳng thể day tận trán. Bà chỉ mong con về. Nhưng cả hai biền biệt trong chiến trường miền Nam. Đau đáu nhất là cậu cả, đã tám năm rồi không về, lại chưa lấy vợ. Thi thoảng lắm mới có một lá thư hoặc may mắn hơn là có bạn bè ghé thăm báo tin anh vẫn khoẻ, cho dù có đôi lần vướng đôi mảnh bom, mảnh đạn, nhưng chỉ vào phần mềm. Thế là bà hay đi quanh xóm để giãi bày nỗi niềm, hầu vơi đi đôi chút nỗi bực bội trong đầu. Nhà gần cửa hàng mua bán của xã, nhưng lắm lúc bà không mua hết một lúc những thứ cần mua, mà cứ đi nhiều lần để được tâm sự, trò chuyện. Có lần ra cửa hàng, thấy có nhiều người được nhận dầu hoả, nước mắm bằng phiếu mà không phải trả tiền thì bà ngạc nhiên lắm. Hỏi ra thì mới biết đó là tiêu chuẩn do xã cấp nhân ngày thương binh liệtt sĩ 27 tháng bảy. Bà liền sang hàng xóm tâm sự. Hàng xóm của bà có cậu con trai đi bộ đội, sau một tháng tập bắn thì vào ngay Đông Hà, Quảng Trị và hi sinh luôn sau. Anh mặc áo lính chưa được đầy một tháng. Mẹ Mấc phàn nàn:
                             -  Mấy ông cán bộ xã chỉ lo tán gái, chẳng chịu làm việc gì cả. Chỉ có cái việc theo dõi, thống kê các hộ có con đi bộ đội mà cũng làm không tròn. Thật là không có tí công bằng nào bà ạ. Con bà chỉ ở bộ đội có gần một tháng mà nhà bà đã được hưởng tiêu chuẩn thương binh liệt sĩ, trong khi đó con tôi hai đứa đi bộ đội đã gần chục năm mà gia đình tôi chẳng có gì!
                          #28
                            Minh Nguyệt 03.04.2008 22:41:03 (permalink)
                             Hê hê, Bê Đê yêu "quái" ơi, lâu lắm rồi hôm nay em mới mò vào trang của anh đọc chuyện nhà ông Mấc.
                            Rúc rích vui đáo để, cứ thế phát huy nhé, cái tên Mấc ấn tượng đấy. Anh phát triển thành một dòng truyện của riêng mình đi. Chúc mừng, hôm nào nhớ khao nhé [sm=10_point.gif]
                            #29
                              HBĐ 11.04.2008 22:47:58 (permalink)
                              Hoá ra nàng đến nhà ta
                              Comment một chút, đòi quà hàng trăm!
                               
                              CHUYỆN VUI XÓM TÔI 
                              Chuyện thứ năm
                              Ông Mấc đi Hà Nội về, phàn nàn với vợ:
                              -  Thật là giàu vì bạn, sang vì vợ. Tôi ra Hà Nội, vợ bác Cả làm nhiều loại bánh đãi khách ngon lắm. Nào bánh ga tô, nào bánh trôi, nào bánh chay, v.v. Ai ăn cũng tấm tắc khen. Khen vợ bác ấy một thì bác Cả  sướng mười…
                              -  Tưởng gì chứ bánh trái loại đó thì em nghĩ là em cũng làm được. Tốt nhất lúc nào vợ chồng bác Cả về quê, anh mời thêm bạn bè đến nữa rồi em sẽ làm bánh đãi khách. Để chứng tỏ không những không thua mà thậm chí còn có phần tỏ ra khéo tay hơn vợ bác Cả, em sẽ không vắt bánh hình tròn truyền thống nữa, mà sẽ vắt hình gì anh thích.
                                Ông Mấc nghe vậy thì hài lòng lắm.
                                 Rồi ngày vợ chồng bác Cả về quê cũng tới. Khách khứa đến đầy nhà, ăn uống rượu chè, chuyện trò rôm rả. Sau tiệc mặn, ông Mấc tuyên bố sẽ đãi khách món bánh ngọt do vợ ông tự tay làm. Tuy nhiên khách với chủ uống đã mấy tuần trà mà vẫn không thấy bánh đâu. Thấy vợ thập thò ở cửa xuống bếp, ông mới gọi lại để hỏi sự tình tại sao. Bà Mấc ghé tai ông nói nhỏ, rằng bột đã vắt, nồi đã bắc lên bếp nhưng ông chưa chỉ thị vắt bánh hình gì nên bà chưa làm. Bực mình quá ông mới văng tục:
                              - Hình cái con c. ấy!
                                Bà Mấc chạy vội xuống bếp. Khoảng vài chục phút sau bánh được mang lên. Khách vừa ăn vừa cười. Thấy vậy bà Mấc lên tiếng:
                              - Thực ra khi mới vắt chưa nấu nó giống lắm các bác ạ. Bây giờ nó bị biến dạng đi nhiều rồi đấy !
                               
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > | Trang 2 của 3 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 42 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9