NHỮNG NĂM VỀ TRƯỚC
( Trích từ : Vùng xoáy luân hồi )
Truyện ngắn của : Phạm văn Khôi
… Khi mẹ tôi chết, ông chú dượng của tôi đang ở độ tuổi về hưu. Tôi có một người anh hơn tôi ba tuổi là con riêng của dượng. Và một đứa em trai kém tôi bốn tuổi là con chung của dượng và mẹ tôi. Mẹ tôi chết, cái lá chắn mỏng manh duy nhất về tinh thần của tôi cũng theo người về chín suối. Tôi là một sinh vật bé nhỏ, yếu đuối, hiện diện vô lí ở một môi trường khắc nghiệt về quan hệ, bất lợi về tình cảm. Do vậy, tôi luôn có cảm giác rằng mình là kẻ thừa, đầy rẫy xấu xa, vô tích sự trước con mắt của dượng, một người đàn ông có tính hà tiện đến hoàn hảo, bảo thủ đến siêu phàm, mục đích sống thật đơn giản: “Lấy được một cô vợ dễ bảo và xây một ngôi nhà kiên cố!” (dượng bảo tôi thế).
Dượng mua một lô đất ở khu lao động mà cách đây hai năm còn là sình lầy cỏ bụi. Khu đất nằm ven một con đường lổn nhổn đá nối nội thành với quốc lộ một. Vào thời điểm thàh phố chưa phát triển mạnh về dịch vụ, ở đây chỉ có vài túp lều lụp sụp dựng lên sơ sài cũng giống như bản chất chủ nhân của chúng….người và vật toát lên vẻ lêu lổng tạm bợ. Gần đây, nhờ có rác từ trong thành đổ ra, rồi người ta rải cát, xây dựng mấy khu nhà lắp ghép cho công nhân ở. Mảnh đất này bỗng trở nên đáng yêu. Quanh mấy khu nhà lắp ghép, dân tứ chiếng về đây hội tụ, dần dà nó trở thành một tụ điểm có tên tuổi như bất cứ một đứa trẻ nào. Nó cũng được đặt một cái tên như bất cứ một đứa trẻ nào mới chào đời, cho dù mẹ nó là nữ hoàng hay một gái điếm nửa mùa. Người ta khoác cho vùng đất này một cái tên hết sức diêm dúa và sang trọng: Khu lao động Ngọc Bích.
Lô đất gồm một ngôi nhà ngói ba gian. Một dãy nhà ngang đang dùng làm bếp, chuồng lợn, nhà xí. Khi chuyển về khu Ngọc Bích, ông chú dượng bảo tôi: “Mày sửa lại cái chuồng lợn mà ở, lớn rồi, đừng dính đến tao nữa!” Khi ấy, kể cả tuổi mụ tôi vừa tròn mười lăm.
Thật thà mà nói, dù chỗ ở của tôi có tồi tệ, dột nát. Một bên là chỗ rác thải, một bên là cái kho ẩm ướt, cỏ mọc xanh um, cóc nhái chuột bọ nhung nhúc đi chăng nữa thì tôi cũng được an ủi một chút về tinh thần. Đó là một thứ tự do nho nhỏ. Tôi cho rằng dượng của tôi chẳng thể nào tốt hơn thế nữa.
Nhiều người nói rằng dượng có tướng “sát vợ”. Đến bây giờ tôi mới đủ nhận thức để tin điều đó. Bởi đã ba người đàn bà bỏ dượng trở về với đất. Dượng cũng thú nhận với mấy ông bạn già rằng con đường tơ duyên của mình còn loằng ngoằng đến bạc đầu, chính một ông thầy tướng có hạng đã chỉ thẳng vào mặt dượng mà phán như vậy.
Dượng gốc người Nam Định. Mười bốn tuổi bỏ nhà đi theo hầu đóm một tốp thợ nề xuôi về Hà Nội làm thuê. Vốn có đôi tay khéo léo và cái đầu ranh mãnh. Chỉ sau vài năm, dượng đã có nghề khá và một chút vốn còm. Đến tuổi thành niên, dượng tán tỉnh được một cô gái làm nghề rửa bát thuê cho một quán cơm đầu ngõ Con Bò đối diện chợ Ngọc Hà-Hà Nội. Cô gái tên là Xoan, người Bắc Ninh. Cô Xoan mặt rỗ vì bệnh đậu mùa nhưng được nước da trắng trẻo và thân hình đẫy đà kéo lại. Dượng lao vào cuộc tình đầu hối hả và chăm chỉ như một chú dê đầu đàn. Đến nỗi một cô gái béo tốt đang ở độ tuổi xanh rờn cũng phải tìm đường chạy trốn. Chán đời, dượng bỏ đi lang thang giang hồ tìm người tình. Nhưng tưởng cuộc đời của dượng chỉ quẩn quanh như vậy. Thật không ngờ, bước ngoặt và tương lai cuộc đời của dượng đột ngột thay đổi vào thời điểm đó… Tình cờ, dượng gặp lại người bác ruột hoạt động cách mạng từ năm 1942. Gặp lại cháu, bác vỗ vai bảo:
- Kha! Theo tao đi kháng chiến!
- Cháu không biết chữ,, theo kháng chiến làm sao được ạ ?
- Học khắc biết, cứ theo tao!
Người thanh niên thất tình có cá tính tên là Kha ấy là dượng của tôi bây giờ. Dượng Kha lầm lũi theo ông bác như cách đấy bốn năm đã từng đi!
*
* *
Nghe nói dượng Kha cũng đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1954 dượng cũng có mặt trong đoàn quân giải phóng Thủ đô. Dượng đã trở thành một con người khác hẳn thời làm thợ nề. Dượng khỏe mạnh, hăng hái và ý thức được một lí tưởng.
Dượng Kha mơ ước tìm được người tình năm cũ…sẽ cưới nàng làm vợ…sẽ dựng một ngôi nhà. Nhưng cái mơ ước thật khiêm tốn và còm cõi ấy cũng chẳng có được, bởi dượng được một người quen cho biết: cô Xoan đã chết vì bệnh giang mai trong một nhà chứa bình dân hôi hám. Vừa thương hại, vừa ghê tởm, dượng Kha lại tìm đến người đàn bà thứ hai trong đời. Người đàn bà này xấp xỉ tuổi dượng. Vẻ đẹp bình thường nhưng đôi mắt thì không thể chê vào đâu được vừa mơ mộng vừa huyền ảo, nhìn vào đôi mắt ấy, người đàn ông nào cũng vụt biến thành kẻ nô nệ. . “Nữ hoàng” thứ hai của dượng làm hộ lí trong một quân y viện. Hai người nhanh chóng về sống với nhau trong căn phòng “hạnh phúc” tập thể được ngăn với những phòng khác bằng cót Thái Bình. Gần một năm sau, họ cho ra đời một đứa con trai thiếu tháng. Hình như sự nôn nóng làm bố của dượng Kha đã làm cho đứa trẻ phải ngoan ngoãn “chui” ra sớm? Dượng Kha đặt cho thằng con một cái tên nghe rất cục: “Vội”. Thằng cu Vội. Đúng thôi, ai bảo nó vội chui ra sớm. Non quá, sớm quá, vội quá hóa ra dở. Thằng bé yếu ớt như con cua bấy. Cũng may, mẹ nó là một phụ nữ hiểu biết, có đôi bàn tay dịu dàng, ấm áp. Đôi bàn tay ấy giống như sự huyền diệu của phép lạ, đã dựng một cái thai bảy tháng thành người. Dượng Kha tràn đầy hạnh phúc và có ý định mua đất để dựng một ngôi nhà mà ông hằng ấp ủ thì vợ ông lại đột ngột tử nạn. Thật đau khổ cho dượng, một lần nữa phải vĩnh biệt bạn tình. Thượng đế đã hai lần cướp đi quyền làm chồng của dượng.
*
* *
… Mẹ tôi sinh trưởng trong một gia đình nông dân. Người còn có một cô em gái tên là Mùa. Cả hai chị em xinh tươi như một cụm hoa đang chúm chím chờ phút tỏa hương. Hai vị thân sinh ra người là những bậc nhà nông chí cốt. Họ thầm lặng, cần mẫn, vun xới, cấy trồng. Họ yêu kính mảnh đất cha ông để lại, họ yêu thương những đứa con bằng khái niệm đơn sơ được truyền từ đời này sang đời khác….họ tìm thấy khoái cảm và hạnh phúc từ trong sự vất vả, trì trệ bẩm sinh. Với họ, tất cả đều đơn giản và tươi đẹp.
Mười sáu tuổi, cô thôn nữ vùng Đan Phượng đã phải thuần thục mọi công việc từ đồng áng, chăn nuôi cho đến bếp núc. Phải chăng, vì sự vất vả chân quê ấy mà mẹ tôi có được một thân hình cân đối, chắc nịch. Nét nhấp nhô uốn lượn của những đường cong trên thân thể một thôn nữ trinh trắng ở tuổi dậy thì như phát ra, tỏa sáng lung linh những ma lực kỳ diệu…và cũng không biết bao nhiêu cô gái gợi cảm như mẹ tôi gặp phải bị kịch? Sau khi lầm lỡ với một chàng trai làng Hạ, mẹ tôi mang bầu. Người đau khổ và tuyệt vọng khi hay tin người tình của mình đã theo gia đình vào Nam Bộ làm phu nạo mủ cao su. Khắp làng đã có lời ong tiếng ve về cái bụng của mẹ tôi. Bởi đôi môi của người đã mất đi vẻ mọng đỏ. Bởi sự mệt mỏi đã làm mất cái dáng đi thanh thoát, uyển chuyển của trinh nữ. Mẹ tôi bỏ nhà ra thành phố để chạy trốn sự lăng nhục (đau khổ thay, cái thai ấy, nỗi sỉ nhục ấy lại chính là tôi sau này!). Lẽ ra, mẹ tôi phải được hưởng cái hạnh phúc thần thánh bởi đang chứa đựng sự hình thành một sinh linh hoàn mĩ từ máu thịt của mình. Món quà thiêng liêng và khốn khổ nhất mà tạo hóa dành tặng cho mỗi người đàn bà.
Từ nhà quê ra tỉnh, mẹ tôi trở thành lố bịch trước các bà, các cô tân thời. Cũng may, mẹ tôi sẵn có một vẻ đẹp dân dã, nhưng điều đó lại rất dở cho một thân gái không nơi nương tựa. Số phận đã dồn người đến chân tường. Mẹ tôi đành phải nhẫn nhục sống nhờ vào sự “giúp đỡ tận tình” của lũ sở khanh thành phố.
Khi tôi được hai tuổi thì mẹ tôi lấy dượng Kha làm chồng. Mỗi người đều có con riêng của mình. Như vậy là có “con anh, con tôi”. Và chỉ sau một năm, mẹ tôi lại cho ra đời một đứa “con của chúng ta”. Dương Kha đặt cho nó một cái tên nghe rất phứa: “Vã”! Thằng cu Vã! Có lẽ dượng muốn chơi chữ bằng những cái tên con mình! Dượng muốn bày tỏ tâm tragj của mình ? – Phải tranh thủ, phải vội vã ?
Một gia đình bé nhỏ, cùng một lúc hiện diện đủ các kiểu con trên đời làm cho hàng xóm ngạc nhiên. Họ tò mò quan sát cái gia đình đầy chắp vá của chúng tôi như xem một bầy khỉ ở sở thú. Có lẽ, họ coi chúng tôi là một mô hình nhố nhăng? Họ đón đợi sự tan rã ? Thực tình, dượng Kha yêu mẹ tôi vô cùng. Mẹ tôi kể rằng, không bao giờ dượng đem những chuyện quá khứ ra nhắc hỏi. Dượng chỉ lo mẹ tôi buồn, mẹ tôi ốm. Khi tôi lên chín tuổi thì ông bà ngoại đã quy tiên hết. Nơi thôn quê chỉ còn lại dì Mùa. Dì Mùa thuộc loại gái quá lứa, do vậy dì trở thành một người có tính cẩn thận quá mức. Mẹ tôi có ý định đón dì lên thành phố, nhưng dì không chịu. Dì bảo dì quen sống trong không gian yên tĩnh của đồng quê.
*
* *
Tôi thật không ngờ, nỗi bất hạnh lớn nhất đến với gia đình chúng tôi lại từ một người bạn của dượng Kha. Khi ông đến nhà chơi và vô tình nhận ra mẹ tôi chính là cô gái chân quê xinh đẹp ngày xưa mà ông đã từng ân ái. Rượu vào lâng lâng, ông hào hứng kể lại vanh vách những lần hành lạc…đơn giản và tùy tiện như mỗi buổi sáng ông vào nhà vệ sinh và đi ăn phở. Ông còn hào hững nói rằng, cả thành phố này, chẳng thằng nào “ăn bánh trả tiền” sòng phẳng và hào hiệp như mình. Dượng Kha lặng người. Còn mẹ tôi nằm trong buồng ôm gối khóc tức tưởi. Vết thương nằm trong đầu hai người được bọc kín bao nhiêu năm nay được dịp khơi dậy. Tôi có linh cảm rằng mẹ tôi bị nặng hơn, đau đớn hơn bởi vì mẹ tôi là người đa cảm. Với những quá khứ đắng cay, quện với hiện tại phũ phàng đã cộm lên một khối u ác tính. Chính sự vô ý tầm thường của ông bạn chồng là lưỡi dao hiểm độc chích vào. Tôi có cảm giác…người mẹ khốn khổ kính yêu của tôi không qua khỏi cơn sốc này. Dượng Kha như tỉnh cơn mê, ông tiến về phía bạn và gầm lên như thú dữ: “Cút! Cút ngay…đồ đê tiện!” Ông bạn của dượng hốt hoảng bỏ chạy, chắc là y cũng đã hình dung ra lí do mình bị xua đuổi. Cùng lúc đó, tôi bỗng thất kinh khi nhìn thấy thần sắc mặt mẹ tôi đột nhiên tím tái. Người vươn cổ lên nấc nhẹ…Tôi chỉ kịp chạy lại ôm lấy tấm thân lạnh giá của người và gào lên: “Mẹ ơi! Mẹ đừng chết!... mẹ ơi!”.
Sau này tôi mới biết, lúc ấy tôi cũng ngất xỉu. Mọi người phải vất vả lắm mới gỡ được tôi ra khỏi thi hài của mẹ.
*
* *
Từ khi dượng Kha cho tôi cái chuồng lợn để làm nhà ở, tôi và dượng ít gặp nhau. Tôi quây cót, bìa, gỗ dán làm tường. Tôi tạo ra một cửa chính để ra vào và trổ một cửa sổ nhỏ phía sau nhìn ra một cái ao. Thực ra nó nhỏ đến nỗi ta có thể gọi là cái vũng nước cũng được. Cái vũng ấy tập trung đầy đủ các sinh vật bé bỏng nhất, nhưng cũng nguy hiểm nhất. Để tự kiếm sống, tôi bỏ học. Mùa hè, tôi nhận phích đi bán kem thuê. Mùa đông tôi bán bánh mì nóng giòn. Không rõ, vì lí do gì mà bánh mì của tôibán rất chạy mọi người bảo tôi có duyên bán hàng. Nhưng tôi thì tâm niệm rằng hương hồn mẹ đã phù hộ cho tôi.
Thời gian này, anh Vội đã được dượng Kha “chạy” cho đi học nghề xây dựng ở nước ngoài. Thằng Vã đang học phổ thông. Còn dì Mùa thì vài ba tuần lại lên thăm tôi. Lần nào lên, dì cũng mang cho tôi khi thì gạo, hoặc tải khoai lang. Và lần nào cũng vậy, trước khi ra về, dì tần ngần nhìn căn nhà tôi đang ở. Dì ngạc nhiên trước vẻ tiều tụy của nó…rồi dì nhìn quanh quất, sự hiu quạnh, tù túng của ngoại cảnh làm khuôn mặt dì nhăn lại. Dì đau đáu nhìn tôi với ánh mắt thương xót. Tôi bỗng cảm thấy mình luôn là gánh nặng cho mọi người? Hay là vì chưa bao giờ tôi nhận sự che chở, sự truyền cảm bằng sức mạnh của một người đàn ông mà đứa trẻ khác gọi là cha nên tôi trở nên tự ti ? Tôi chỉ có được tính nhẫn nhục và một tâm hồn đa cảm mang giới tính của người mẹ!? Chả lẽ bây giờ tôi chỉ còn độc nhất dì Mùa? Nhiều đêm mất ngủ, tôi cảm thấy tủi thân, cảm thấy u uất. Nhưng cái cảm giác có lỗi với dì Mùa (tôi cho rằng để cho dì phải đau khổ vì thương xót tôi cũng là mang lỗi rồi) đã làm tôi bừng lên khát vọng làm người lớn, một người đàn ông mạnh mẽ… có lẽ bởi vậy cho nên giờ đây đứng trước dì tôi cảm thấy mình cứng rắn hơn, tự tin hơn. Để xua đi nỗi ưu phiền của dì, tôi nói:
- Cháu định sang năm sẽ sửa lại nhà. Nhà lợp giấy dầu mùa hè nóng lắm dì ạ.
- Cháu nghĩ phải lắm, nhà gì mà toàn bằng giấy thế này…nhà giấy chỉ dành cho người “âm” thôi.
Cổ họng tôi tắc nghẹn. Chả nhẽ tôi đem kể với dì những nỗi khổ của tôi? Không! Không bao giờ…Tôi thầm nói với dì: “Dì ơi! Có những ngày hè nóng bức, cháu phải vẩy nước vào người mới chịu được. Có những đêm trời mưa to, cháu phải mặc áo tơi ngồi chờ tạnh…còn mùa đông, một mảnh chăn chiên làm sao đủ ấm. Dì ơi! Dì ơi….”.
- Kìa cháu! Vì sao mà người run rẩy thế?
Tôi giật mình vì tiếng nói của dì Mùa, tiếng của hiện tại. Phải chăng hình ảnh của mẹ tôi vẫn thoắt ẩn thoắt hiện trên gương mặt của dì? Mẹ ơi! Giá là mẹ thì hạnh phúc cho con biết mấy! Để những khi đầu óc con chao đảo, con được vùi đầu vào vạt áo của mẹ mà khóc… Chính lúc ấy, dì Mùa đã ôm tôi vào lòng như ôm lấy xương thịt của mình. Khi những dòng lệ đắng của hai tâm hồn cô đơn ấy hòa vào nhau, nó bỗng trở thành dòng nước ngọt ngào tình mẫu tử.
*
* *
Dượng Kha biết chọn thời cơ để thực hiện ý nguyện cuối đời. Trước khi về hưu, dượng làm nhà. Đó là cái nếp đã có từ bao năm nay, dượng bảo, dượng chỉ bắt chước mà thôi. Ai rồi cũng có thời phải như vậy, tranh thủ được cơ hội là tiến hành, chẳng ảnh hưởng trực tiếp đến ai cả. Dượng nguyên là cán bộ lâu niên của ngành xây dựng nên đã tận dụng được tất cả những sự “giúp đỡ” có thể. Dượng yêu cầu tôi nghỉ bán hàng để phụ giúp. Tôi được biết, bản thiết kế là của anh Vội gửi từ nước ngoài về. Nhưng nhiều đêm tôi vẫn thấy dượng ngồi chong đèn hí hoáy sửa chữa. Dượng bảo: “Phải biết kết hợp giữa mới và cũ. Giữa Tây và ta mới mong hoàn hảo. Nếu cứ theo như thiết kế của thằng Vội thì chẳng khác gì xếp những cái hộp lên nhau, nhìn đến là ghét!”.
Việc xây nhà của dượng Kha cũng theo đúng các thông lệ. Chỉ có một chi tiết mà tôi vô cùng ngạc nhiên. Số là, trong tất cả các cối vữa phải sử dụng…dượng đều trộn thêm đường kính vào? Dượng giải thích thêm điều này với tôi rằng: “Đây là sự kết hợp kinh nghiệm cổ với kỹ thuật hiện đại. Vữa có đường hoặc mật khi kết cấu sẽ mịn lạnh và cứng như đá. Ngôi nhà sẽ trở thành vĩnh cửu. Mày nên giữ mồm, kẻo mọi người cho tao là lãng phí”. Tôi còn biết cái công thức pha trộn của dượng: cứ một tạ xi măng trộn vào mười ký đường, tỷ lệ này cũng được áp dụng để trát tường.
Dượng thường khuyến khích tôi: “Xong việc, còn thừa bao nhiêu vật liệu tao cho mày hết để xây lại cái chuồng lợn thành nhà mà ở cho nó tử tế!” Dượng Kha tính toán như thần, bởi sau khi ngôi nhà hoàn thiện, không thừa nổi mười viên gạch.
Giữa một quần thể nhà cửa lụp xụp, ngôi nhà mới hai tầng của dượng Kha trở nên cao vút. Tuy chỉ là hai tầng nhưng nó được thiết kế rắc rối về chi tiết, lòe loẹt về màu sắc.
Toàn bộ bên ngoài ngôi nhà được phủ một lớp vôi ve màu tím ngắt. Bốn thanh bê tông (nhìn xa như thước kẻ học trò) được buông thõng từ nóc tầng hai xuống lơ lửng ở tầng một, phần lơ lửng được vo tròn, nhìn kỹ giống như bốn chân con voi thòi. Hai hàng lan can tầng hai và tầng thượng được tạo dáng bằng những tấm phên bê tông, mặt ngoài của những tấm phên được lát gốm Bát Tràng màu vàng cam. Rất điệu, những tấm “phên” này được đặt nghiêng khoảng hai mươi độ. Trên tất cả các loại gọi là cửa đều được tạo dáng bằng “Tum” nó gần với kiểu kiến trúc nhà thờ cổ châu Âu. Hai đầu hồi của tầng hai được trang trí bằng những viên sỏi ghép theo trường phái siêu thực. Phải tâm huyết và kiên nhẫn mới hình dung ra bức tranh sỏi này…những viên sỏi vô tri ấy đã tạo thành hình một cái “muỗm” múc nước mắm của các bà bán hàng vào những năm sáu mươi. Mặt tiền tầng một được ốp đá xẻ màu huyết dụ, màu nhọ đen…gây cảm giác thâm nghiêm. Do vậy, nếu nhìn từ xa dáng dấp của ngôi hà na ná nửa như nhà thờ họ, nửa như lô cốt hồi Pháp thuộc.
Từ ngày có nhà mới, dượng Kha có vẻ đắc ý. Ngày nào cũng tha thẩn ngắm hàng tiếng đồng hồ không biết chán. Những lúc ấy, ông như bay trên cánh diều hạnh phúc…cứ phiêu diêu, mơ màng, ngộ nghĩnh như một đứa trẻ. Đôi lúc, mặt ông bỗng sa sầm, buồn ảm đạm. Có lẽ, ông chợt nhớ đến những người vợ ?
*
* *
Khi tôi đủ tuổi làm nghĩa vụ quân sự thì cũng là lúc đất nước có chiến tranh. Tôi tình nguyện vào lính. Tuy tôi sống gần dượng Kha bao nhiêu năm mà không làm sao mến được dượng! Tôi không muốn sống kiểu như dượng. Mặc dù tuổi còn trẻ nhưng tôi ý thức được cách để tôi sống. Sau này, suốt gần tám năm “vào sinh, ra tử” trong chiến trường, tôi lại càng thấy suy nghĩ của mình là đúng. Tôi sống trong tình thương yêu của đồng đội và “dinh dưỡng” trong ngôi nhà bao la của lính. Nhưng thật rủi ro cho tôi, năm 1973 tôi bị thương quá nặng. Tôi nằm viện gần một năm và trở về với những tấm huân chương và tấm thẻ thương binh. Cũng cần nói thêm rằng, suốt những năm trong quân ngũ, tôi không hề biết tin tức gì của gia đìh. Thật ra, tôi không tin nơi ở cũ là gia đình! Cái cụm từ ấy đã mất đi ở trong tôi từ ngày mẹ tôi chết. Bây giờ, niềm an ủi duy nhất của tôi là dì Mùa. Tôi cảm thấy ân hận khi đã xao nhãng viết thư cho dì.
Trở về khu Ngọc Bích…nhiều điều bất ngờ đã xảy ra. Cũng may, bởi với tôi bây giờ, tâm hồn đã trở nên cứng rắn. Tôi học được nhiều điều ở những giây phút nằm kề bên cái chết, ở những tháng ngày được sống trên cách sống của đời thường. Tôi cũng kịp cảm nhận được khái niệm “chẳng có gì là không thể, tất cả đều có thể”.
Dì Mùa của tôi đã bán toàn bộ nhà cửa, vườn tược ở quê lên sống với dượng Kha. Chà! Chuyện này mà xảy ra trước lúc tôi đi bộ đội thì chắc chắn tôi không thể chấp nhận. Anh Vội đã sang định cư tại Cộng hòa liên bang Đức và đã cưới một “bà đầm” chính hiệu. Thằng Vã thì đang phải ngồi tù vì nhiều tội du đãng. Còn “ngôi nhà của lợn”, nơi trước đây tôi đã từng sống, nay đã được xây và lợp ngói. Ngôi nhà vẫn khóa cửa và đợi tôi. Điều này khiến tôi xúc động. Tôi biết, nếu không có dì Mùa làm chuyện này thì không biết đến bao giờ tôi mới làm được. Dì Mùa dành một nửa số tài sản bán nhà cho tôi, dì bảo: “Phần của mẹ cháu, cháu nhận lấy mà dùng, tương lai của cháu còn dài!”. Tôi chân thành cảm tạ dì và nguyện khắc họa hình bóng của dì vào tâm khảm như khắc họa một tình cảm của người mẹ.
*
* *
Vào một buổi chiều mùa thu, khi tôi và dì Mùa vừa đi thăm thằng Vã ở trại cải tạo Tân Lập về, vừa về đến đầu đường thì đã được bà cụ Cổn bán hàng nước hốt hoảng báo tin: “Nhà ông Kha sụp rồi! May mà ông chỉ bị gẫy chân, bà con đưa ông đi bệnh viện rồi!” Tôi thấy mặt dì Mùa tái tím, còn tôi tự nhiên chân tay run rẩy, xúc động như lần đầu ra trận. Tôi lấy lại bình tĩnh dìu dì Mùa về.
… Một cảnh tượng thật khủng khiếp và tưởng như là vô lý đã xảy ra giữa “thanh thiên bạch nhật”! Ngôi nhà hai tầng được dượng Kha xây rất công phu và chắc chắn nay chỉ còn là một đống gạch vụn! Tôi càng ngạc nhiên khi thấy ngôi nhà bé nhỏ của tôi vẫn còn nguyên vẹn, không một mảy may ảnh hưởng. Chỉ có một ông hàng xóm làm nghề đạp xích lô là còn đủ can đảm đứng nói chuyện với tôi, ông bảo: “Đang giữa trưa…không gió máy…không động đất…không phá hoại, tự nhiên đổ đánh rầm…tài thật! Nhà chức trách cũng đã đến, họ cho rằng, hồi ông nhà xây dựng dùng phải xi măng dởm!”.
Tôi vào khu đổ nát cố bới tìm những gì còn có thể dùng được. Tôi ngạc nhiên khi cầm những viên gạch trên tay. Hầu như chẳng viên nào còn dính vữa… Tôi chợt linh cảm đến một điều mà chỉ có tôi và dượng Kha biết! Điều mà trên đời này chưa hề xảy ra và cũng chưa một ai có thể ngờ tới. Tôi bèn bới một hố ở giữa nhà xem dưới những viên gạch là gì? Và…trời ơi! ….Kiến! Toàn kiến là kiến. Chưa bao giờ và chưa ở đâu tôi thấy có nhiều kiến đến như vậy. Những sinh vật nhỏ và cần cù vẫn mải mê nhằn từ trong đống đổ nát thứ mà tổ tiên chúng dạy là ăn được. Tôi chấm một chút vữa vụn và đặt vào lưỡi…Tôi giật mình khi cảm thấy có vị ngọt của mía. Nó lắng đọng ở vị giác của tôi như thể thay cho lời mách bảo… có lẽ, chẳng ai tin được điều tôi đang nghĩ trong đầu. Ngay cả dượng Kha cũng vậy có lẽ ông cũng không thể nào tin… Tôi nhổ chút vữa từ trong mồm ra để kịp nhận ra một ý tưởng vụt lóe sáng trong tôi: “Sự ngu ngốc của sinh vật này chính là miếng mồi ngon nuôi dưỡng sinh vật kia!...và từ đó, này sinh ra một sức mạnh không kém phần khủng khiếp…”sức mạnh của kẻ yếu!” .
Một nỗi lo sợ kinh hoàng bỗng ập đến với tôi. Làm cho toàn thân tôi trở nên rệu rã, các vết thương hồi ở chiến trường bỗng cựa quậy buốt nhói. Nỗi sợ cứ từ từ thít chặt vào tim…Tôi rên rỉ thốt lên như một lời cầu mong đấng tối cao:
- Trái đất ơi! Xin người đừng ngọt!
Hà Nội mùa thu.
Đánh máy : Hồng Nhung