Tác dụng chữa bệnh của quả vải
NKT 22.06.2004 16:45:27 (permalink)
Để chữa mụn nhọt, lấy múi vải giã nát với ô mai, tạo thành cao đắp lên mụn; hoặc lấy 5-7 múi vải giã nát với ít hồ nếp, dàn thành miếng cao, dán lên nơi mụn nhọt.

Vải còn gọi là lệ chi, được trồng nhiều ở nước ta, quả vải thu hoạch vào tháng 5-6, dùng ăn tươi hay sấy khô. Hạt vải (lệ chi hạch) thái mỏng phơi hay sấy khô được dùng làm thuốc.

Trong hạt vải có tanin, độ tro, chất béo. Theo Đông y, hạt vải vị ngọt chát, tính ôn, có tác dụng tán hàn, chữa tiêu chảy ở trẻ em với liều từ 4-8 g dưới dạng bột hay sắc uống.

Phần áo hạt vải thường gọi là múi vải, thành phần chủ yếu là đường, ngoài ra có vitamin A, B, C. Vitamin A và vitamin B chỉ có trong múi vải tươi. Múi vải cũng là một vị thuốc trong Đông y, vị ngọt chua, tính bình, có tác dụng dưỡng huyết, làm hết khát, chữa những bệnh mụn nhọt với liều 10-16 g múi khô. Ngoài ra, người ta còn dùng hoa vải, vỏ thân và rễ cây vải sắc lấy nước dùng súc miệng có thể chữa viêm miệng và đau răng.

Các đơn thuốc dùng múi vải và hạt vải:
- Chữa nấc: Vải cả quả đốt thành than, tán bột, hòa với nước nóng uống.
- Chữa đau răng: Vải cả quả thêm ít muối, đốt thành than, nghiền nhỏ, xát vào chỗ răng đau.
- Chữa tinh hoàn sưng đau: Hạt vải đốt thành than, nghiền nhỏ, hòa với rượu cho uống ngày 4-6 g. Hoặc: Hạt vải, trần bì, hồi hương 3 vị bằng nhau, tán nhỏ, ngày uống 4-6 g.
Có người sau khi ăn quả vải bị nôn nao, nổi mề đay, đau bụng, nôn mửa... Các triệu chứng đó không phải do vải mà do một loại nấm sống ở những núm quả vải bị dập nát, úng thối gây ra.

(SK&ĐS)
#1
    HongYen 23.06.2004 17:19:09 (permalink)
    NKT cho HY xiá vô với vaỉ thiều nhé. Cám ơn.


    Giải bài toán vải thiều



    Huyện Lục Ngạn là cái rốn của vải thiều tại miền Bắc
    Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa vải thiều là có chuyện thừa ứ, giá hạ, cho đến than trách của các hộ trồng vải thiều ở vùng trung du của Việt Nam.
    Tuy nhiên cái nhìn của nhiều gia đình tại vùng trồng vải là cam chịu với số phận. Trong đó có ông Trần Văn Nam một nông dân tại tỉnh Bắc Giang, tỉnh trồng vải thiều nhiều nhất tại Việt Nam:

    À đầu tiên thì tôi bán được 2000 đồng một ký. Nay thì giá đã hạ xuống còn 1.200 đồng. Thôi thì mình sản xuất ra đắt thì mừng mà rẻ cũng phải bán chứ còn mình hạch toán thì cũng không biết là lỗ như thế nào, cũng khó lắm anh ạ.

    Bây giờ cũng chưa biết tìm phương pháp nào hay hơn, chúng tôi cũng chỉ là những người dân bình thường, không am hiểu thị trường, không biết về kinh tế.

    Ngày xưa cách đây 5 hay 7 năm thì vải còn có giá trị còn tình hình như thế này không biết cách nào thoát ra đây, đơn giản là không có người mua.

    Chúng tôi chỉ biết đồi rừng và trồng trọt. Còn khâu gì đó, phân phối và chế biến chẳng hạn thì thuộc phạm vi của người khác.

    Trong tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn là nơi trồng nhiều vải thiều nhất. Năm nay sản lượng vải của huyện đạt khoảng 70.000 tấn, và chỉ tiêu thụ tươi được khoảng 40.000 tấn, còn lại bà con phải mang đi xấy khô.

    Vải xấy khô sau đó chủ yếu được xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, như anh Nguyễn Trọng Thắng, một cán bộ kinh doanh của công ty SDRI chuyên làm ăn với Trung Quốc giải thích:

    Thị trường của Trung Quốc rất thích vải của việt Nam. Tôi đã đi nhiều nơi từ Côn Minh, cho đến Tây An họ rất là thích trái vải của Việt Nam.

    Dù miền Nam Trung Quốc cũng trồng được vải thế nhưng có thể vải Việt Nam ngon hơn vải của Trung Quốc.

    Cho nên người trồng vải của Việt Nam cần phải để ý đến thị trường Trung Quốc, nơi mà tôi thấy họ ăn vải xấy khô rất nhiều. Dùng theo kiểu món thuốc bắc của họ vậy.

    Trong những năm gần đây, trái vải tự dưng trở thành một trong những bế tắc lớn của ngành nông nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam.

    Cây vải dễ trồng, hợp với vùng đất trung du, vốn bỏ ra ít, cho nên đã được nhiều gia đình hồ hởi đón nhận.

    Tuy nhiên, do nhiều loại giống khác nhau, thậm chí có cây còn bị lai tạp, cho nên tại một số vùng, chất lượng vải không cao, khó đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

    Cạnh đó là sức cạnh tranh. Trên thế giới không chỉ mỗi Việt Nam
    có vải thiều.

    Nhiều nước khác cùng vĩ độ với Việt Nam cũng đã từng xuất khẩu vải thiều thành công trong nhiều năm qua như Thái Lan, Mandagascar, Brazil, và Úc châu.

    Cho nên vấn đề quan trọng là chất lượng của trái cây, và mạng lưới bạn hàng.

    Điều này Việt Nam chưa có. Khi muốn xuất ra thị trường Âu Châu vải Việt Nam phải đọ với những nước này.

    Tại các khu chợ người Á Châu ở nước Anh vải thiều vẫn chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, hay Madagascar, tức một xứ ở châu Phi.

    Chưa thấy vải của Việt Nam xuất hiện. Còn người nông dân nghĩ sao về ai là người cùng chịu trách nhiệm về đầu ra cho trái vải? Ông Trần Văn Nam ở tỉnh Bắc Giang cho rằng đó là các khoa học gia và giới kinh doanh:

    Cái phạm vi này thuộc về những nhà doanh nghiệp hay nhà khoa học.

    Bây giờ phải đảm bảo được chất lượng của vải được đảm bảo, không bị hư hỏng trên đường vận chuyển.

    Cái thứ hai là giá thành vận chuyển nó cũng hạ thôi, thì mình đi đến các nơi nó cũng dễ.

    Thế nhưng bây giờ do cái nông nghiệp của mình nó còn lạc hậu, mà nếu vận chuyển đi nó không còn được chất lượng của trái vải nữa thì cũng không được.

    21 Tháng 6 2004 - Cập nhật 16h02 GMT
    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/story/2004/06/040621_vaithieu_crisi.shtml
    #2
      Easyman 08.07.2004 03:13:28 (permalink)
      Hoa mào gà đỏ chữa tiêu viêm - cầm máu

      Theo Đông y, mào gà đỏ vị ngọt, tính mát, có tác dụng tiêu viêm, cầm máu. Người bị rong kinh có thể lấy hoa mào gà 20g, ngải cứu 20g sao cháy, sắc uống ngày một thang.




      Một số bài thuốc khác:

      - Ho ra máu: Hoa mào gà đỏ 15 g, lá huyết dụ 20 g sao cháy, lá trắc báo 20 g sao cháy, cỏ nhọ nồi 20 g. Sắc uống ngày một thang.

      - Tiêu chảy: Hoa mào gà 10 g, vỏ dộp cây ổi 8 g, vỏ quả lựu 10 g. Sắc uống ngày một thang.

      - Lỵ lâu ngày: Hoa mào gà 20 g, cỏ seo gà 20 g, lá mơ lông 20 g. Sắc uống ngày một thang.

      - Khí hư: Hoa mào gà 20 g, rễ cây bấn 20 g, bồ công anh 20 g. Sắc uống ngày một thang.

      - Sốt xuất huyết: Hoa mào gà 20 g, lá trắc bá sao đen 20 g, hoa hòe sao đen 15 g, ké đầu ngựa 15 g, lá dâu 20 g. Sắc uống ngày một thang.

      - Viêm đường tiết niệu (đái buốt, đái rắt): Hoa mào gà 20 g, bồ công anh 20 g, mã đề 20 g, râu ngô 15 g, rau má 20 g. Sắc uống ngày một thang.

      (Theo SK&ĐS)
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9