Tết Ðoan Ngọ
QVPT 22.06.2004 19:48:11 (permalink)
Theo cụ Phan Kế Bính thì ngày mồng năm tháng năm âm lịch có Tết Ðoan Ngọ, hay còn gọi là Ðoan Dương.

Ngày xưa đến Tết này người ta hay lấy loại nước mầu chế từ lá để nhuộm các đầu ngón tay, ngón chân cho trẻ con, trừ các ngón tay trỏ và ngón chân trỏ. Sáng sớm mồng năm ăn rượu nếp, trứng luộc, kê, bánh đa, mận, muỗm, dưa hấu, uống nước dừa. Người lớn thì uống rượu hòa ít tam thần đơn hoặc bôi phẩm hồng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để trừ trùng.

Nhiều người mua bùa chỉ đeo cho trẻ con. Bùa kết bằng chỉ ngũ sắc, kết theo hình hoa sen, quả đào, quả ớt, v.v. Lại may áo lụa mang đến các cửa chùa, cửa tĩnh in dấu vẽ bùa rồi mặc cho trẻ, có ý trừ ma tà cho khỏi quấy.

Giữa trưa hôm ấy thì làm cỗ cúng gia tiên, rồi đi hái lá mồng năm, bất cứ lá gì, gặp lá gì cũng hái, nhất là lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối, v.v. đem về ủ rồi phơi khô, để sau đem nấu uống cho rằng uống thế thì lành.

Lại có nhiều người đi lấy lá ngải cứu, năm nào thì kết hình con thú năm ấy như năm Tý thì kết con chuột, năm Sửu kết con trâu, năm Dần kết con hổ, v.v. treo ở giữa cửa, để trừ ma quỷ và về sau ai có bệnh đau bụng thì dùng làm thuốc sắc uống.

Tục này có người cho là từ đời Xuân Thu. Khuất Nguyên (nước Sở), vì can ngăn vua Hoài Vương không được, bực mình ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La mà tự vẫn. Mỗi năm đến ngày 5-5 nhân dân làm bánh ngọt, cuốn chỉ ngũ sắc phía ngoài bánh rồi đua nhau bơi thuyền ra giữa dòng sông mà ném bánh xuống để cúng Khuất Nguyên.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9