Hãy ngồi xuống đây!
Ngọc Trân 14.09.2006 16:51:27 (permalink)
với những ngày tháng thanh bình

Trong thập niên 60, đối với người làm chính trị hay trong guồng máy chính trị thì không biết ra sao. Nhưng đối với người dân miền Nam bình thường thì thời gian đó đúng là những ngày tháng yên lành.

Ai muốn đi đâu thì đi, ở đâu thì ở, muốn học hành thế nào tùy ý. Cũng chính vì sự tự do đó mà trong nhà tôi thỉnh thoảng lại có năm ba người đến chơi và ở tạm vài ngày. Sau này tôi mới biết đó là những chú nằm vùng. Trẻ nít, cứ tan học về thì nô đùa giỡn hớt trước sân, truyền hình thì chưa có chỉ có những cái radio. Tối tối, tôi lại thấy mấy người lớn trong nhà dặn đài giải phóng. Tiếng đài rột rẹt không rõ lắm , tôi hỏi tại sao vậy, người lớn nói rằng con nít, đừng để ý, đi chỗ khác chơi đi con. Lớn hơn một chút, tôi mới biết những cái đài này được đặt trên chiếc xe bò và phát sóng lưu động nên không rõ. Những lúc chiến sự nóng bỏng, tôi thường lắng nghe tin tức từ hai phía, và một lần tôi nghe tin tức từ đài báo rằng vùng … đã có hàng ngàn người đứng lên chống đối bọn độc tài, bán nước miền Nam! nhưng vùng này là vùng tôi đang ở, nhưng tôi không hề thấy một sự chống đối nào. Hoặc nếu có chắc chỉ một nhóm nhỏ nào đó rải truyền đơn và đã bị bắt. Kể từ đó tôi bắt đâù nghi nghờ những tin tức loan báo về chíến sự cả hai phía. Thường là địch chết hàng trăm, hàng ngàn quân ta bị thương mấy người, và chết mười mấy người …

Cái sổ gia đình của nhà tôi thì dày đặc, nhưng người chính trong nhà thì chỉ có 5 người thôi. Bà con từ bên đông, bà con từ bên tây, ai có việc cần thì lên tá túc, nhất khi là cô tú, cậu tú. Lúc thì lên học nghề thợ điện, thợ may... Do đó ngoài việc ba má tôi phải nuôi mấy đứa con còn thường xuyên nuôi cháu xa, cháu gần và những người bạn hoạt động cách mạng. ..Với cái đầu óc trẻ thơ, tôi không hề nghĩ tại sao nhà tôi lại có tiền nuôi chừng ấy người mặc dù không khá giả?

Vào thời ấy, những người giàu có tiền muôn bạc vạn, thì nhà lầu, xe hơi kiểu mới ví dụ như chủ hảng Kem đánh răng Hynos, mua một chiếc xe hơi mui trần gần 7,8 triệu (hồi ấy một triệu là có thể sống cả đời). Nhưng làm ăn sập xình như gia đình tôi thì chỉ mua được xe hơi dạng mua đi bán lại với giá ba bốn chục ngàn. Đếm tới đếm lui, mấy ông bác, mỗi người cũng có một chiếc xe hơi dạng second hand đó, mấy bà cô thì do chịu cực chịu khó làm ăn, lại tiện tặn nên sắm xe mới mà người ta thường gọi là còm măng. Nói đến sự tiện tặn của họ thì ai nghe cũng phải giật mình. Họ buôn bán vào ra hằng ngày hàng trăm ngàn (trong khi vàng chỉ có một ngàn bảy một chỉ). Họ làm việc như một người lao động cật lực từ 3 giờ sáng đến 5 -6 giờ chiều, có khi công việc chưa xong phải kéo tới 7 – 8 giờ tối. Và thức ăn sáng của họ quanh năm là cháu đậu đỏ, hoặc cháu đậu đen với dưa mắm. Họ chỉ ăn ngon vào những ngày giỗ chạp. Với công việc chế biến thực phẩm bằng phương pháp thủ công và bán buôn, họ lại giành giụm tiền để mua những mãnh vườn xa thành phố để kiếm thêm thu nhập cho con du học. Để mãnh vườn của họ được xum xuê, họ đã ra chợ mua gôm những thùng đâù tôm đâù cá cho vào những chiếc fuy. Và hai đến ba ngày thì chở lên vườn. Đứa con trai của họ đã phải chỡ những thùng cá tanh hôi và có khi lên vòi bọ để làm phân cho mãnh vườn của gia đình. Chẳng bao lâu mãnh vườn trở nên sung túc. Và họ được thừa hưởng cái sản phẩm từ công sức rất nhọc nhằn vất vả của họ. Từ sự lam lũ của những người cha ngưòi mẹ này, mấy đứa con của họ đã đi du học …

Má tôi thường nói, mấy cô bây chịu cực chịu khó như thế giàu là đúng lắm rồi. Nhà mình làm thì tà tà, ăn thì sang mà xài cũng sang nữa làm sao mà giàu được. chúng tôi cả thảy đêù đồng với ý với má, chúng tôi không ăn cực được chẳng những thế mà môĩ đứa còn thích một món nữa cà lận … Ông bà ta thường nói nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng, chúng tôi ăn như Tạ hồi đôn, mà làm thì cứ như lục bình trôi …giàu mới là lạ !

Vào mấy tháng hè, chúng tôi lại được về quê ông bà chơi, ở đó chúng tôi tha hồ dạo đồng, bắt cá, hái hoa, bắt bướm. Chúng tôi muốn ở đến chừng nào cũng được và khi chán thì lại xin về, vì miếng ăn lúc đó không là vấn đề phải cần phải quan tâm trong gia đình. Hết kỳ nghĩ, chúng tôi trở lại trường với bài luận văn đầu tiên là : Hãy tả lại kỳ nghĩ hè vừa qua của em vùng quê, và cho biết cảm tưởng … ôi sung sướng làm sao!

Thỉnh thoảng vài ba tuần ba tôi lại chỡ cả nhà, và một vài con hàng xóm đi chơi Cấp (Vũng Tàu bây giờ). Ba tôi mang theo một bếp dầu, cái chảo, và một ít đồ gia vị. ra đến đó ông mua cá mực tươi xào lên cho chúng tôi ăn giữa trời mông quạnh, rất thú vị. Lúc đó Bãi Dâu vẫn còn là nơi hoang vắng với rừng và núi. Tuần nào không đủ thời gian, thì ba tôi lại chỡ cả nhà ra xa lộ Biên Hoà, dừng xe ở ven rừng cao su, dùng một tấm “pon cho” trãi dưới đất, bày món ăn ra, và cho chúng tôi nô đùa.Trong những chuyến đi chơi dã ngoại như thế, ba tôi là đầu bếp chứ không phải má, má chỉ có việc ngồi ngắm trời mây.

Đám con nít thời đó sau giờ học trò chơi con trai là tạt lon, đánh đáo; con gái là nhảy dây đánh đủa, tất cả rất hồn nhiên. Buổi chiều tối thì lại họp nhau lại thành đám, rượt bắt cứu bồ, rượt nhau chạy từ đầu trên xuống xóm dưới chạy, thụt mạng, chạy vất cả dép; con trai bị tóm lấy thì lột cả áo vất đi. Cả đám chúng tôi vui đùa trong sự thèm thuồng của mấy đứa con nhà giàu kín cổng cao tường. Chúng nép mình bên trong cửa nhìn chúng tôi đùa giỡn. Tàn cuộc, chúng tôi quay lại hiện trường để lụm dép, giày, khăn áo ,những thứ mà chúng tôi vất đi mấy tiếng đồng hồ trước. Nhớ đến cái thanh bình này tôi không quên một lần đi Đà Lạt cùng gia đình, Má tôi dắt mấy chị em đi Đà Lạt. Thời đó Đà Lạt còn rất hoang sơ, cảnh thì đẹp não nùng mà người dân cũng vô cùng hiền hòa. Phương tiện lưu thông ở đoạn đường ngắn chỉ là xe lam. Má tôi dẫn bọn tôi đến thác Cam Ly, sau đó ra ngoài đón xe để xuống thác Grand, một ông phó nhòm theo gia đình tôi mời chụp ảnh, má tôi đồng ý, thế là ông ta vất chiếc xe đạp của mình ở giữa đường và nhảy phóc lên chiếc xe lam mà chúng tôi đi để cùng đến thác Grand. Má tôi hỏi ông, anh bỏ xe giữa đường vậy sao? Ông Phó nhòm cười hiền hòa: Hỏng sao đâu bà, chiều về ghé lại lấy, đâu cũng còn nguyên đó.

Thời gian lại trôi đi, chúng tôi lớn dần lên. Chúng tôi bắt đầu chú tâm đến việc học hành hơn. Con trai thì phải cố gắng học, nếu không thi rớt thì phải đi lính. Con gái thì không phải lo việc đi lính nhưng nếu có ước vọng cao thì phải đổ hạng cao mới có cơ hội du học. Nếu đổ hạng ưu thì có thể có học bổng toàn phần, nếu đổ hạng bình thì cũng có khả năng du học. Nhưng điều tiên quyết là phải học giỏi mới có thể cho đi du học dù có tiền. Cái mơ ước thời đó không phải là vào đại học, mà là du học. Vì nếu học hành chăm chỉ, đậu tú tài toàn phần coi như đương nhiên được ghi danh vào đại học, ngoại trừ một vài đại học chuyên ngành thì phải qua kỳ thi sát hạch. Với những trường đại học như văn khoa, luật khoa, sinh viên ghi tên vào chỉ tốn mấy trăm đồng tiền lệ phí và đến giảng đường không phải tốn một khoảng tiền nào. Cuối năm, ghi danh thi đóng một số tiền lệ phí thi tượng trưng và đủ điểm thì lấy chứng chỉ tiếp tục học lên trên. Với những khoa chuyên ngành như y, dược, sư phạm, số lượng có giới hạn nên phải thi tuyển. Và khi đã trúng tuyển, thì tiền học vẫn là do nhà nước đài thọ, học sinh chỉ đóng tiền thí nghiệm và mua dụng cụ thí nghiệm nếu cần thiết. Riêng các sinh viên đã được tuyển vào ngành giáo dục, thì lại được hưởng lương để học. Thời đó người ta không sợ đi học không có tiền đóng, mà người ta sợ đi học rồi không đi làm được để giúp đỡ gia đình … Vào những năm 1970, Bộ giáo dục thời đó đã nghiên cứu bỏ bớt các kỳ thi. Lý do đưa ra là, vào thời Pháp thuộc, người Pháp đã đặt ra nhiêù kỳ thi để hạn chế sự mở mang trí thức của dân ta (đúng hay sai thì phải để chuyên gia nghiên cứu), mọi người chỉ biết là như thế, và Bộ Giáo Dục tiến hành bỏ kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, rồi đến kỳ thi Tú Tài một, để mọi học sinh nếu cố gắng đều đặn, chỉ cần trung bình là có thể học lên trên để mở mang kiến thức. Không bị gạn lại trên con đường học vấn dù có khả năng vì câu học tài thi phận.

Những gia đình nghèo khó lúc đó, chỉ nghĩ nuôi con đến Tú Tài là xong bổn phận. Và con cái có ý chí thì tự mình vừa học vừa làm.

Vào những năm 1968, rồi 1970, chiến tranh leo thang, cuộc sống mất phần nào sự bình yên. Thành phố bị đe doạ bởi những trái đạn pháo kích về đêm. Thông thường những đạn pháo này bắn từ nơi đồng ruộng thuộc Bình Chánh hay Thủ Thiêm là nơi dân cư thưa nhưng lại giáp ranh với thành phố. Và đa số những đạn pháo này rớt vào nhà dân chớ không vào một đồn bót nào của chính quyền thời đó cả. Tại sao có sự thiếu chính xác này? Âu cũng là một chuyện tất nhiên, vì các người lính du kích chỉ xuất hiện vào ban đêm ở một chỗ trống nào đó và canh đạn pháo vào đích, họ không tự tay giật cò súng, mà cột cò vào một sô lon nào đó và cho nước nhiểu từ từ vào như vô nước biển. Khi nước vào đủ lượng thì giật cò và đạn pháo bay. Khi chính quyền miền Nam nghe tiếng phát xuất của trái pháo đến nơi thì chỉ thấy súng và những vật dụng dùng để lảy cò, nếu không tìm ra thì những anh du kích lại ra thu dọn. Điều này giúp cho các chiến sĩ nằm vùng không bị bắt bớ nhưng độ chính xác chắn chắn là không có. Các trại lính, đồn bót của chính quyền miền Nam ngày xưa luôn được xây cất cách xa rào cổng một đoạn khá xa, nên để có toạ độ chính xác pháo kích ngay đích là một chuyện khó thể … Người dân vùng độn giữa Bình Chánh - Sài Gòn, Và thủ Thiêm – Sài Gòn rất lo lắng, lo không biết đêm có trái pháo vô tình nào rơi trúng gia đình mình không? Cả gia đình chết chung là chuyện thường trong thời điểm đó. Và Trịnh Công Sơn có bài Đại bác ru đêm…

Đường quốc lộ giao thông thường hay bị đấp mô, dưới mô đó là mìn là lựu đạn.. nếu xe nào vô tình cán phải thì coi như cả xe tiêu đời. Thỉnh thoảng có những xe đám ma chỡ xác người đi chôn (thường là buổi sáng sớm) cán phải mìn dưới mô, thế là "Người chết hai lần thịt da nát tan..." Và những trường hợp như vậy quan chức địa phương phải thông tin cho công binh đến gở mìn, mở đường và người dân mới có thể giao thương làm ăn buôn bán. Từ những ách tắt đó đời sống của người dân miền Nam có thêm một chút khó khăn. Nhưng khó khăn thế mấy người dân vẫn còn một lối thoát, đó là chợ.

Chợ là nơi mọi người có thể ra đó buôn bán kiếm sống mà không ai khó dễ gì cả. Và không phải đóng thuế. Người cùng đường không biết làm gì sinh nhai thì ra “lếch chợ”. Đó là cái từ dùng để chỉ những kẻ gặp cảnh đối đế trong cuộc sống. Có tiền thì lếch chợ đâù trên, không tiền thì lếch chợ đầu dưới ? Tại sao có những từ này, vì thường đầu chợ thì bán những mặt hàng sang trọng tươm tất, đòi hỏi nhiều vốn như trái cây, vãi vóc, tạp phẩm. Còn cuối chợ thì bán cá, bán tôm, ban rau, bán cải. Những món hàng ít vốn, rẻ tiền sớm tan tầm. Chợ được một người thầu từ nhà nước, người này sẽ lo việc quản lý chợ, lo việc vệ sinh cho khu chợ, và ngược lại người này được phép thu tiền chỗ, với giá bằng tiền gởi một chiếc xe gắn máy thời bây giờ. Trong chợ có sạp, sạp chánh thì do nhà nước dựng lên và cho người dân đăng ký buôn bán, sau thành tài sản riêng và họ có thể tu bổ hoặc sang nhượng cho nhau, nhà nước không dính líu vấn đề tiền bạc trong việc sang nhượng, chỉ là chứng nhận sự sang nhượng. Và ai muốn buôn bán thì cứ ra tìm sạp trống mà sang nhượng, bán được bao nhiêu thì lời bấy nhiêu không phải đóng thuế cho nhà nước, vì ở đây coi như giai cấp cùng đinh rồi .. “lếch chợ”. Cũng nhờ vậy cuộc sống tuy cực khổ, dầm mưa dãi nắng, nhưng không ít người trong họ vẫn đã dư dã từ sự nới tay của nhà nước.

Tầng lớp nhân dân lao động thì thế nào? Thầy tôi là một giáo sư trường nhà nước, tức tốt nghiệp đại học sư phạm. Trong một tiết dạy, với bài giảng về giai cấp và lao động, ông nói với chúng tôi rằng: mấy em biết không, tôi tốt nghiệp sư phạm ra trường, ngoài giờ dạy chính quy, lương căn bản hơn hai chục ngàn, tôi chạy đầu này dạy thêm, chạy đâù kia dạy thêm cũng chưa tới 40 ngàn, vậy mà hôm qua ngồi nói chuyện với ông thợ mài dao, thấy ổng lam lũ cực khổ quá, tôi hỏi ổng, một tháng kiếm được bao nhiêu? Ổng nói trung bình mỗi ngày ổng kiếm được 1 ngàn rưỡi, như vậy một tháng ổng kiếm được 45 ngàn!!! Tính ra ổng làm nhiều tiền hơn tôi. Có điều ổng ăn mặc lam lũ, làm việc chân tay lấm lem. ..cũng đúng thôi, mài một con dao 20đ/30đ – dao lớn 100đ, đi vài còn phố mài hết mấy con dao thì có ngần ấy tiền rồi, có điều không sang trọng, không trí thức.

Còn vật giá thì sao? Vào thập niên 70, gạo ở miền Nam khoảng 100đ- 150đ/kg lương công chức trung bình không tính trợ cấp hơn 10 ngàn. Nếu độc thân, ăn uống tự túc khoảng 3 ngàn, cũng còn 7 ngàn để tiêu vặt, sắm một bộ đồ tây cũng chừng 1500đ, sắm cái áo dài vải xịn cũng khoảng 2000đ và đó cũng là lý do sau ngày giải phóng người ta khám phá trong tủ áo của nhiều người lên đến hàng 100 cái… ai cũng có thể mua sắm được. .. Những người tiện tặn cơm cha áo mẹ, thì lại sắm vàng, một tháng lương là sắm được 3 – 4 chỉ vàng. Đấy là chưa kể những người có chuyên môn, có trình độ, lương từ 40 ngàn 100 ngàn /tháng.

Những ngày tháng thanh bình của người miền Nam bị lụi dần và chấm dứt sau ngày giải phóng.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.11.2006 05:12:02 bởi Ct.Ly >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9