Chiêu Quân cống Hồ
QVPT 23.06.2004 20:23:56 (permalink)
Chiêu Quân, tên thật là Vương Tường, tiểu tự là Hạo Nguyệt Chiêu Quân, con gái của quan Tri Phủ Việt Châu, mẹ là Diêu thị. Cống Hồ là dâng hiến cho vua nước Hồ, ở phía Tây Bắc nước Tàu. Nước Hồ còn được gọi là nước Hung Nô, Rợ Hồ, nước Phiên.

Chiêu Quân cống Hồ là vua Hán Nguyên Đế không đủ sức chống cự vua Hung Nô, nên buộc phải đưa nàng Chiêu Quân, ái phi của Nguyên Đế, sang dâng cho chúa Hung Nô để xin cầu hoà.

Nàng Chiêu Quân là con gái của quan Tri Phủ Việt Châu, có sắc đẹp tuyệt trần, có tài văn thơ và đàn hát đều hay. Nàng được cha mẹ nâng niu như viên ngọc quí. Năm 17 tuổi vẫn chưa có chồng.

Bấy giờ là đời vua Hán Nguyên Đế. Một đêm nọ, Hán Nguyên Đế nằm mộng thấy nàng Chiêu Quân ở Việt Châu, đẹp hơn hẳn các cung phi trong Tam cung Lục viện. Nhà vua rước nàng làm Tây phi. Nhưng đó chỉ là giấc mơ. Nhà vua không biết thực hay giả, mới sai quan Nội thần là Mao diên Thọ đi đến phủ Việt Châu tìm nàng Chiêu Quân.

Mao diên Thọ đến Việt Châu, lựa được 2 mỹ nữ : Chiêu Quân Vương Tường và Lỗ kim Định.

Mao diên Thọ cho vẽ hình 2 mỹ nữ để đem trình cho vua xem. Thọ là tên tham quan, đòi 2 gia đình của Chiêu Quân và Kim Định lo lót cho y thì y mới nói tốt cho. Gia đình Chiêu Quân làm quan thanh liêm, không tiền đút lót cho Mao diên Thọ, còn gia đình của Kim Định thì lo lót bạc vàng đầy đủ, mong Kim Định được vào cung làm ái phi của vua Hán Nguyên Đế.

Mao diên Thọ chấm lên hình của Chiêu Quân một nốt ruồi đen ngay dưới khóe mắt, gọi là “Thương phu trích lệ” để vua Hán không dám chọn Chiêu Quân, mà thâu nạp nàng Lỗ Kim Định làm ái phi. Sau đó, Mao diên Thọ đồng mưu với Lỗ Kim Định, giả chiếu vua bắt Chiêu Quân đày vào Lãnh Cung giam giữ. Vua Hán không hề hay biết.

Một hôm, Lâm Hoàng Hậu tình cờ đi ngang Lãnh Cung, chợt nghe tiếng đàn và giọng hát phát ra từ Lãnh Cung, nghe ai oán não nùng, thì biết là người con gái nầy có oan khúc chi đây. Hoàng Hậu liền vào Lãnh Cung, nàng Chiêu Quân kể cho Hoàng Hậu nghe hết sự tình.

Hoàng Hậu kể lại cho vua Hán Nguyên Đế nghe nỗi oan tình của nàng Chiêu Quân, vua nổi giận sai bắt Mao diên Thọ xử trảm và tịch thâu hết gia sản, còn nàng Lỗ Kim Định thì bị biếm vào Lãnh Cung. Hán Nguyên Đế rước Chiêu Quân ra, phong nàng làm Tây phi, rất được vua sủng ái.

Mao diên Thọ lanh chân trốn thoát được, giả dạng khách thương, lần hồi trốn qua nước Phiên, vào ra mắt Tể Tướng Vệ Luật, được Vệ Luật tiến cử lên vua Phiên trọng dụng. Mao diên Thọ lấy hình của Chiêu Quân đưa cho vua Phiên xem, vua Phiên say đắm sắc đẹp của nàng.

Mao diên Thọ xúi vua Phiên tìm cách tranh đoạt người con gái tuyệt sắc ấy. Vua Phiên hỏi Mao diên Thọ :

- Nhà ngươi có mưu kế gì khiến đem nàng Chiêu Quân sang đây sum vầy với ta ?

- Tâu Bệ hạ, hạ thần thiết nghĩ, chỉ cần Bệ hạ sai một Đại tướng đem quân sang đánh quân Hán, vua Hán không có tướng tài để chống cự lại, quân của Bệ hạ đánh thẳng vào kinh đô nhà Hán, buộc vua Hán phải đem nàng Chiêu Quân dâng nạp thì mới bãi binh. Thế là Bệ hạ thành công, chiếm được nàng Chiêu Quân dễ dàng.

Vua nước Phiên làm y theo kế hoạch của Mao diên Thọ, cử đại binh vượt biên giới sang đánh Hán, phá luôn mấy ải, kéo quân tới tận Lạc Dương, kinh đô nhà Hán, uy hiếp vua Hán. Hán Nguyên đế buộc phải đem nàng Chiêu Quân cống Hồ để xin cầu hòa, bãi việc binh đao.

Khi Chiêu Quân được đưa đến ải Nhạn Môn Quan, là ải địa đầu tiếp giáp với nước Phiên (nước Hồ), nàng lên Nhạn Lạc đài, viết một bức huyết thơ gởi Hán Nguyên Đế, lời lẽ rất bi ai thống thiết, yêu cầu vua cử binh đánh Hồ để cứu nàng và gỡ nhục cho quốc thể. Nàng buộc thơ vào chân chim nhạn để nó bay về kinh đô đem thơ cho Hán Nguyên Đế.

Vua Hán nhu nhược, không làm gì được. Nàng Chiêu Quân quá phiền não, ôm đàn tỳ bà, khải lên khúc nhạc “Quá quan” rất ai oán, than thân trách phận, trách vua nhu nhược, trách cả cao xanh.

Khi Chiêu Quân rời Nhạn Môn Quan đi qua đất Hồ, giữa đường dừng lại nghỉ đêm ở Miếu Cửu Cô (Miếu thờ Cửu vị Tiên Nương), nàng lên nhang đèn thành tâm cầu nguyện Cửu Cô phò hộ nàng. Nàng được Đức Bà Cửu Thiên Huyền Nữ ban tặng một chiếc áo Tiên, gọi là Hạc Miết Tiên Y để mặc hộ thân. Nếu mặc áo nầy vào mình thì không ai có thể chạm đến thân thể của nàng được.

Nhờ có Tiên y bảo vệ nên vua nước Hồ chưa thể làm ô nhục thân thể của nàng.

Vua Hồ rất quí trọng Chiêu Quân, hết sức chiều chuộng nàng, nên Chiêu Quân đòi hỏi điều gì, đều được vua Hồ chấp thuận.

Trước hết nàng hài tội tên gian thần Mao diên Thọ, đã phản Hán theo Hồ thì ngày sau cũng có thể phản Hồ theo nước khác. Nàng yêu cầu vua Hồ bắt tên Mao diên Thọ chém đầu. Vua Hồ chấp thuận, thế là hết đời của một tên gian tặc.

Kế đó nàng nói với vua Phiên :

- Bây giờ nàng đã ở đây rồi, tức 2 nước Hán và Hồ hoà nhau, xin nhà vua phóng thích Tô Võ về nước, vì Tô Võ đã bị đày quá lâu rồi.

Vua Hồ chấp thuận, cho lịnh phóng thích Tô Võ, lúc bấy giờ Tô Võ đã quá già, đầu bạc trắng, tiếng nói phều phào.

Xong đâu đấy các việc, nàng Chiêu Quân mượn cớ đi dâng hương ở trên cầu nổi Bạch Duơng Hà, rồi thình lình, nàng gieo mình xuống dòng sông đang chảy xiết để tử tiết, kết thúc cuộc đời má hồng phận bạc, để lại bao luyến tiến và uất hận cho vua Hồ.

Xác nàng Chiêu Quân trôi theo dòng nước về Trung nguyên, đến tận kinh đô nhà Hán. Hán Nguyên Đế hay tin báo, vội ra bờ sông vớt xác nàng lên, xiết bao thương tiếc, khóc ướt cả long bào.

Hớn Đế đem xác nàng Chiêu Quân lên đặt ở Tây Cung, khâm liệm và tế lễ theo hàng Vương phi, quàn ở trong cung đúng 100 ngày, có mời 100 vị sư đến tụng kinh siêu độ. Nhà vua đưa đến Phù Dung lãnh an táng nàng Chiêu Quân. Các quan văn võ và các cung phi trong Tam cung Lục viện đều đến đưa tang.

Nàng Chiêu Quân đã để lại một tấm gương Nữ nhi trung trinh tiết liệt cho đời sau, rất hiếm có vậy.
#1
    QVPT 23.06.2004 20:26:22 (permalink)
    Công Dã Tràng là công lao của con Dã Tràng. Đây là cái công lao uổng phí, không đem lại một lợi ích cụ thể nào.

    Dã Tràng là một loài động vật nhỏ, sống ở bãi cát bờ biển, giống như con cua nhưng rất bé. Dã Tràng dùng 2 cái càng bé nhỏ của nó đào lỗ dưới cát để ở, cát đào lên được Dã Tràng xe thành từng lọn nhỏ, nhưng vừa đào xong, sóng biển tràn lên lấp lỗ cát và làm biến mất các lọn cát nhỏ. Thế là Dã Tràng đào lại, xe cát, và cứ thế làm mãi.

    Tương truyền, thuở xưa có một người thợ săn ở tỉnh Sơn Tây, tên là Dã Tràng, thường ngày len lỏi vào rừng săn bắn.

    Một hôm Dã Tràng đi qua một cái hang, nhìn vào thấy đôi rắn thường âu yếm nhau rất hạnh phúc. Người thợ săn thấy vậy thì có cảm tình với đôi rắn và không hề đụng chạm đến, nhưng Dã Tràng vẫn thường theo dõi cuộc sống của chúng.

    Ngày kia, Dã Tràng đi qua hang rắn, thấy con rắn cái yếu đuối, nằm bất động bên đống vỏ rắn mới lột ra, trong lúc đó rắn đực đi kiếm mồi tha về nuôi rắn cái. Chẳng bao lâu sau, rắn đực bắt đầu yếu đuối sửa soạn lột xác. Khi rắn đực lột xác, con rắn cái chẳng những không đi tìm mồi nuôi rắn đực mà lại đi tư tình với một con rắn đực khác. Dã Tràng thấy cảnh tình đó thì lòng bất bình nổi lên, liền giương cung bắn chết con rắn cái lang chạ. Đến khi rắn đực cứng mình trở lại, trông ngóng con rắn cái hoài mà không thấy, bèn bò đi tìm, cuối cùng thấy rắn cái nằm chết vì mũi tên có đề chữ Dã Tràng.

    Rắn đực biết là Dã Tràng đã bắn chết vợ mình, bèn đi tìm Dã Tràng để báo thù. Khi bò đến ẩn trong nhà Dã Tràng chờ dịp hành động, rắn đực nghe Dã Tràng thuật lại cho vợ nghe đời sống của đôi vợ chồng rắn mà lâu nay chàng để tâm quan sát. Khi con rắn cái yếu đuối lột xác thì rắn đực canh cửa hang và đi kiếm mồi về nuôi rắn cái. Đến khi con đực yếu đuối lột vỏ thì con rắn cái không giữ hang, không đi kiếm mồi nuôi rắn đực mà lại đi tư tình với một con rắn đực khác. Tôi thấy việc tàn nhẫn bất lương đó, tôi tức quá nên bắn chết con rắn cái cho hết đời cái thứ lãng mạn lộn chồng. Rắn đực nghe tự sự mới biết rắn cái bị bắn chết là đáng tội, nên không thù oán Dã Tràng nữa, biết Dã Tràng là người trung nghĩa đáng kính phục. Chờ lúc Dã Tràng ngủ yên, rắn đực lén bò đi mất.

    Đêm sau, bỗng Dã Tràng thấy con rắn đực bò vào nhà, vội nhả ra một cục ngọc rồi bò đi mất. Dã Tràng biết là rắn đến tặng ngọc cho mình, chàng vui mừng cầm cục ngọc lên thấy rất đẹp, bỏ vào miệng ngậm thử chơi thì lạ lùng thay, Dã Tràng nghe được tiếng nói của các loài sinh vật và hiểu rõ hết.

    Chàng liền đi vào rừng để nghe loài vật nói chuyện nhau. Dã Tràng nghe 2 con quạ nói chuyện ở trên cây : Phía đông kia, cách đây một dặm đường, có con nai tơ bị thương chờ chết, có ai biết không ? Dã Tràng thử đi qua hướng đông theo lời quạ chỉ, gặp một con nai tơ bị thương chờ chết. Chàng liền bắt nai lấy thịt. Con quạ bay đến nói : Lấy thịt nai, cho tôi bộ đồ lòng, vì công tôi chỉ dẫn. Dã Tràng liền mổ bụng nai lấy bộ đồ lòng treo lên cây cho quạ. Nhờ đó, Dã Tràng và quạ biến thành đôi bạn, thường hay giúp nhau, nhiều lần như vậy.

    Một hôm, bộ đồ lòng Dã Tràng treo lên cây dành cho quạ, nhưng một con chó sói rình, chờ Dã Tràng đi thì sói liền chạy đến giựt mất. Quạ bay đến trách móc Dã Tràng. Dã Tràng thiệt tình nói ra, quạ không tin, sanh cãi vã. Quạ hỗn xược chửi bới Dã Tràng, khiến Dã Tràng tức giận giương cung bắn quạ. Quạ khôn lanh né tránh và đưa mỏ gắp được mũi tên.

    Quạ la lên : Ta sẽ báo thù ! Ta sẽ báo thù !

    Ít hôm sau, trát của quan Huyện đến bắt Dã Tràng bỏ ngục vì tội giết người, người ta phát giác ra một tử thi trôi trên sông có mũi tên của Dã Tràng ghim vào bụng. Dã Tràng biết vụ nầy do quạ gây nên để báo thù. Dã Tràng hết sức kêu oan, nhưng chứng cớ đành rành, không ai tin lời Dã Tràng cả. Dã Tràng đành ngồi trong ngục chờ ngày lãnh án.

    Ngày kia, Dã Tràng ngậm ngọc rắn để nghe tiếng nói của loài vật cho đỡ buồn, chàng nghe chim sẻ nói : Nhiều kho lúa của vua để hở bị đàn chim kéo đến ăn hết sạch. Chàng vội nhờ viên cai ngục nhắn quan Huyện giữ gìn các kho thóc cẩn thận vì các kho thóc của nhà vua đã bị chim, ăn hết sạch rồi.

    Lúc đầu quan Huyện không tin, nhưng mấy hôm sau thì lịnh vua ban ra cho biết mấy kho thóc ở Hoàng cung đã bị chim ăn hết sạch, nên ra lịnh cho các quan phải lo, ngăn ngừa chim phá hại. Mọi người bấy giờ mới thán phục Dã Tràng.

    Sau đó, Dã Tràng thấy đàn kiến đang bò rầm rộ lên chỗ cao, liền ngậm ngọc vào nghe, đàn kiến bảo nhau là sắp có bão lụt to lắm. Dã Tràng liền báo cho quan Huyện biết để phi báo về triều đình cho vua ra lịnh các nơi đề phòng bão lụt. Mấy hôm sau, mưa giông bão lớn, ngập lụt nhiều nơi, nhưng nhờ có phòng bị trước, nên sự thiệt hại không đáng kể.

    Vua đòi quan Huyện đưa Dã Tràng về triều. Dã Tràng thành thật kể cho vua nghe mọi việc từ đầu đến cuối, từ việc gặp đôi rắn, rồi giết rắn cái lang chạ, được rắn đực tặng ngọc, rồi bị quạ hại, vv . . Chàng trình cho vua xem cục ngọc rắn.

    Vua hiểu được sự oan ức của Dã Tràng, nên phong tước và cho hầu cận bên vua. Ngày ngày, vua mượn ngọc ngậm vào miệng để nghe tiếng nói của các loài chim trong vườn Thượng uyển. Nghe tiếng nói của loài vật trên bờ riết rồi cũng chán, vua tổ chức đi ra biển để nghe tiếng nói của loài cá thế nào.

    Nhà vua nghe tiếng nói của các con cá, các con mực bơi theo thuyền rồng, chúng nhởn nhơ bơi lội ca tụng cảnh đẹp của thiên nhiên, nhà vua thích chí bật ra tiếng cười ha hả, làm cục ngọc rời miệng nhà vua, rớt xuống biển. Nhà vua ngẩn ngơ luyến tiếc, cho dừng thuyền lại, huy động tất cả thợ lặn giỏi đến lặn tìm ngọc, nhưng không tìm thấy được.

    Riêng Dã Tràng thì vô cùng sầu não, ngày đêm cứ nghĩ cách tìm lại viên ngọc rắn quí báu, cuối cùng anh ta nẩy ra ý định lấp biển tầm châu. Ngày ngày, Dã Tràng đẩy xe cát đổ xuống lấp biển, lâu ngày sức lực kiệt dần mà vẫn chưa lấp được biển, Dã Tràng chết trong uất ức nghẹn ngào. Hồn Dã Tràng biến thành một loài cua nhỏ, ngày đêm đào cát xe thành hòn, rồi sóng biển tràn lên khỏa lấp hết. Khi sóng biển qua đi, giống cua đó lại đào cát và xe cát, vv . . . cứ mãi làm cái công việc không ích lợi vào đâu, ngàn đời không biết chán.

    Giống cua nhỏ bé đó được đặt tên là Dã Tràng.

    Dã Tràng xe cát biễn Đông,

    Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì !

    * Thi sĩ Bồng Dinh có bài thơ Vịnh Dã Tràng (15-12-1925) :

    Dã Tràng ai dễ xét công đâu,

    Bãi biển thường xe cát lấp đầu.

    Xúc đất trải bao cơn sóng lượn,

    Nhăn mày cười bỡn khúc sông sâu.

    Biết không nên việc nơi Trời nước,

    Nào có nao lòng cuộc bể dâu.

    Nhiều ít có danh trên võ trụ,

    Kẻo mà thẹn với mấy bầy trâu.

    * Lục Nương giáng cơ họa vận :

    Công Dã Tràng công cán để đâu,

    Muôn ngàn sóng cả khỏa ngang đầu.

    Đất vò nên lọn xây thành lở,

    Nước dập tuôn bờ lở dậu dâu.

    Đắp biển vì lo bờ biển lở,

    Moi sông bởi muốn ngọn sông sâu.

    Nên hư trối mặc đời phi thị,

    Lam lụ buồn cười bấy lũ trâu.

    (Trích trong Đạo Sử quyển I trang 26 của Nữ Đầu Sư Hương Hiếu)
    #2
      QVPT 23.06.2004 20:30:27 (permalink)
      Ông Khương Thượng, tên tộc là Vọng, nên cũng gọi là Lã Vọng hay Lữ Vọng, tên chữ là Tử Nha, nên gọi là Khương Tử Nha, hiệu là Phi Hùng (Gấu bay), quê ở Hứa Châu.

      Năm Khương Thượng 32 tuổi, lòng mộ đạo đức nên đến núi Côn Lôn xin học đạo với Đức Nguơn Thủy Thiên Tôn, Giáo chủ Xiển giáo. Ở núi tu được 40 năm, Khương Thượng được 72 tuổi, Đức Nguơn Thủy gọi Khương Thượng bảo :

      - Số ngươi chưa thành Tiên đặng mà hưởng lộc có dư. Nay Thành Thang hết vận, có Tây Châu ra đời. Ngươi phải thay mặt ta xuống trần, ra công giúp nhà Châu, cầm Bảng Phong Thần, sống làm tướng, thác làm Thần, công tu 40 năm để danh muôn thuở.

      Khương Thượng Tử Nha nói :

      - Nay vâng lời thầy trở lại phàm trần, chẳng hay việc tới thế nào, xin thầy cho biết.

      - Ta có 8 câu kệ chỉ rõ trọn đời ngươi, giống như lời sấm tiên tri, rán mà nhớ lấy :

      Mười năm chịu túng áo còn bâu,

      Gượng gạo mua vui chớ chác sầu,

      Ngồi đá Bàn Khê câu đợi vận,

      Chờ xe Vương giả rước về lầu.

      Tám mươi lẻ nửa mang đai ngọc.

      Chín chục dư ba buộc ấn Hầu.

      Mậu Ngũ chư Hầu trăm trấn phục,

      Phong Thần chín tám bốn xuân thu.

      Đức Nguơn Thủy ngâm kệ xong rồi nói :

      - Tuy bây giờ ngươi xuống trần, nhưng ngày sau cũng về núi.

      Khương Tử Nha lạy thầy, giã bạn, ra khỏi Cung Ngọc Hư, trở xuống trần, nhớ lại không còn bà con, chỉ có một người bạn là Tống Dị Nhân ở đất Triều Ca, liền đến đó nương nhờ.

      Tống Dị Nhơn gặp Tử Nha thì rất vui mừng, nói :

      - Chú bây giờ ăn chay hay ăn mặn, để tôi bảo lo cơm.

      - Cũng là tiếng tu hành, đâu dám dùng rượu thịt.

      Tống Dị Nhơn nhận Tử Nha làm em kết nghĩa. Thấy Tử Nha 72 tuổi rồi mà không con nối hậu, nên tính việc cưới vợ cho Tử Nha. Dị Nhơn hỏi cưới Mã thị, con gái lỡ thời của Mã Viên Ngoại cho Tử Nha, năm đó Mã thị 68 tuổi.

      Mã thị nói với Tử Nha, bây giờ có vợ rồi, phải tìm cách làm ăn sanh sống, chớ ăn bám vào anh Tống Dị Nhơn hoài sao cho phải. Tử Nha nghe vợ nói có lý, liền lo làm các việc như : Đan gàu giai đem bán, xay lúa mì thành bột đem bán, quản lý quán rượu của Tống Dị Nhơn, mua heo dê đem ra chợ bán, tất cả các công việc đó do Dị Nhơn giúp đỡ vốn liếng, nhưng đều thất bại, làm đâu lỗ đó, khiến Tử Nha rất buồn bực.

      Nhưng Tử Nha lại có tài xem địa lý, bắt quỉ trừ ma, giúp Dị Nhân xây được 5 căn nhà lớn trên phần đất có nhiều vượng khí, để con cháu của Dị Nhơn sau nầy có 36 người làm quan, giàu sang vinh hiển.

      Tống Dị Nhơn biết Tử Nha có tài coi bói, nên lấy một căn phố nơi triều ca dành cho Tử Nha ở làm tiệm coi bói.

      Tử Nha bói đâu trúng đó, nổi tiếng là vị Thánh nhân, dân chúng tấp nập đến xem bói, Tử Nha thâu được nhiều tiền, giao cho Mã thị, khiến Mã thị vui mừng và trọng chồng hết sức, không còn chê bai hay đay nghiến chồng như trước nữa.

      Bói được nửa năm thì xảy ra vụ Tỳ Bà Tinh.

      Tỳ Bà Tinh là một con yêu do cây đàn tỳ bà bằng đá hấp thụ khí âm dương hàng ngàn năm biến thành. Hôm đó, Tỳ Bà Tinh đi thăm Đắc Kỷ trở về. Lúc bay ngang qua căn phố của Tử Nha xem bói, thấy người ta tấp nập vào xem bói, ai cũng đồn thầy bói linh lắm. Tỳ Bà Tinh không tin, nên biến hình thành một phụ nữ xinh đẹp, gọi là Ngọc Mỹ Nhơn, vào tiệm xem bói, thử quẻ của Khương Thượng Tử Nha.

      Thần nhãn của Tử Nha xem biết người đàn bà nầy là một con yêu quái trá hình, nên định giết đi để trừ hại cho dân, liền bảo Ngọc Mỹ Nhơn đưa bàn tay ra xem.

      Tử Nha nắm lấy cổ tay, ấn chặt và huyệt mạch môn, dụng phép âm, không cho yêu quái biến hình. Dân chúng chúng thấy vậy, tưởng Tử Nha nắm tay con gái làm chuyện dâm đảng, nên la lối phản đối om sòm. Tử Nha nói :

      - Đây là một con yêu tinh nguy hiểm, chớ không là người đàn bà bình thường, để tôi giết nó trừ hại cho dân.

      Nói xong, Tử Nha lấy nghiên mực đập vào đầu con yêu, máu tuôn đỏ ối. Ngọc Mỹ Nhơn giãy giụa lung tung nhưng không biến đi được. Dân chúng phẩn nộ, đi báo quan. Lúc đó Thừa Tướng Tỷ Can cỡi ngựa đi ngang, dân chúng lôi Tử Nha ra cho Thừa Tướng xét xử. Dân chúng nói :

      - Có lão thầy bói tên là Khương Thượng Tử Nha, lợi dụng nghề coi bói làm chuyện dâm đảng, cô ả không chịu, lão thầy bói lấy nghiên mực đánh nàng đổ máu.

      Tỷ Can nghe nói cũng nổi xung, mắng Tử Nha :

      - Đầu ngươi đã 2 thứ tóc mà sao làm xấu xa như vậy ?

      Tử Nha đáp rằng :

      - Tôi là người có học, lẽ đâu không biết lẽ phải và phép vua, nhưng quả thật, người đàn bà nầy là yêu quái nguy hiểm trá hình. Tôi thấy tại triều ca khí yêu quá lộng, e không trừ sớm thì nước nhà không yên. Xin Thừa Tướng xét lại cho.

      - Người đàn bà nầy đã bị ngươi đánh chết rồi, ngươi tiếc gì mà còn nắm tay ?

      - Nó làm bộ yêu đó, nếu tôi thả tay ra thì nó biến mất thì đâu còn bằng cớ, nên tôi không dám buông tay nó ra.

      Tỷ Can bảo quan địa phương giải Tử Nha và người đàn bà đến trước Đền vua, rồi vào tâu cùng vua Trụ. Tử Nha vẫn nắm tay Ngọc Mỹ Nhơn, tâu rằng :

      - Tôi là Tử Nha, quê ở Hứa Châu, có học phép Tiên nên biết rõ yêu quái. Tôi đang xem bói thì con yêu nầy giả hình người vào quấy rối, tôi bắt nó dâng lên Bệ hạ trừ họa cho dân.

      Trụ Vương nói :

      - Rõ ràng nó là đàn bà, sao ngươi nói nó là yêu quái ?

      - Tâu Bệ hạ, con mắt người thường không thể phân biệt được yêu quái hay người thật, xin Bệ hạ cho tôi dùng lửa đốt nó thì nó sẽ hiện nguyên hình cho Bệ hạ thấy.

      Trụ Vương bằng lòng. Tử Nha họa bùa trên xoáy của Ngọc Mỹ Nhơn, để nó không biến được, rồi ném vào lửa. Lửa đốt phừng phừng ngót 2 giờ mà con yêu vẫn còn nguyên, không hề bị cháy. Mọi người thấy lạ, có phần tin lời Tử Nha, vì xác người thường đốt như vậy thì cháy thành tro rồi.

      Trụ Vương bảo Tỷ Can hỏi Tử Nha, nó là con yêu gì ?

      Tử Nha nói, để bắt nó hiện nguyên hình. Nói xong Tử Nha dùng lửa Tam Muội từ trong mắt và lỗ mũi phun ra. Tỳ Bà Tinh thất kinh, lồm cồm ngồi dậy trong lửa, nói lớn :

      - Ta không thù oán chi với ngươi mà sao ngươi độc ác dùng lửa thần đốt ta ?

      - Ngươi là yêu quái tác hại người, ta giết ngươi là để cứu dân chớ không phải thù oán.

      Vua Trụ, Tỷ Can và triều thần thấy người đàn bà đã chết, lửa củi đốt thân thể không cháy, lại ngồi dậy trong lửa nói với Tử Nha thì thất kinh hồn vía, thối lui. Tử Nha nói :

      - Xin Bệ hạ lui vào trong giây lát, kẻo sấm nổ.

      Chờ Trụ Vương khuất vào trong, Tử Nha vỗ hai tay, sấm nổ vang tai, yêu tinh liền hiện nguyên hình là một cây đàn tỳ bà bằng ngọc thạch, rất đẹp, nằm giữa sân chầu.

      Hoạn quan vào cung báo cho vua Trụ biết. Vua hỏi Đắc Kỷ : - Đàn tỳ bà bằng đá sao biến thành tinh được ?

      Đắc Kỷ rất đau xót, cố gắng cứu Tỳ Bà Tinh, nên nói :

      - Xin Bệ hạ cho thần thiếp cây đàn tỳ bà nầy để thần thiếp đờn cho bệ hạ nghe.

      Vua trụ sợ cây đàn thành tinh trở lại, không muốn cho.

      Đắc Kỷ nói : - Bây giờ là cây đàn vô tri, làm sao thành tinh trở lại được, xin Bệ hạ chớ lo.

      Vua Trụ nghe theo. Đắc Kỷ đem cây đàn tỳ bà nầy đặt trên lầu Trích Tinh, để cho nó hấp thụ khí âm dương trong 6 năm, nó sẽ biến trở lại hình người.

      Đắc Kỷ lập kế trả oán Khương Tử Nha, nên tâu :

      - Khương Thượng có tài trừ yêu quái, đáng được trọng dụng. Xin Bệ hạ phong quan chức cho Khương Thượng.

      Vua Trụ truyền đòi Tử Nha vào triều, phong cho chức Tư Thiên, coi việc Thiên văn. Tử Nha tuân mạng lãnh chức.

      Tử Nha trở về nhà, Dị Nhơn thấy Tử Nha làm quan mặc áo mão xuê xang thì mừng lắm, nhứt là Mã thị thấy chồng làm quan vinh hiển thì hết sức vui mừng, mở tiệc ăn mừng.

      Đắt Kỷ luôn luôn tìm cách hại Tử Nha để trả thù cho Tỳ Bà Tinh. Ngày kia, Đắc Kỷ vẽ họa đồ cất Lộc Đài, theo kiểu cảnh Tiên ở Bồng Lai, để vui thú cùng vua Trụ. Đắc Kỷ tiến cử Tử Nha làm Đốc Công cất Lộc Đài. Vua Trụ nghe theo, đòi Tử Nha vào cung dạy việc. Tử Nha được lịnh, lòng hồ nghi, liền bói một quẻ, thì biết rõ tai họa sắp đến với mình.

      Tử Nha vâng chiếu vào yết kiến vua Trụ, vua phán :

      - Nay Trẫm muốn cất Lộc Đài, Trẫm giao cho khanh làm Đốc Công. Khanh rán hoàn thành thì công không nhỏ.

      Tử Nha tiếp lấy họa đồ Lộc Đài xem thử, thấy Đài cao 49 thước, dùng rất nhiều châu ngọc để trang trí, chạm trổ rất tinh vi, bèn nghĩ thầm : Triều ca là chốn ở tạm của ta, lẽ đâu ta dốc sức làm việc nầy để mang tiếng hùa theo hôn quân hại nước. Chi bằng ta tìm lời thối thác, không được thì bôn tẩu, chẳng để lụy thân. Tử Nha liền tâu :

      - Đài cao 49 thước, dùng nhiều châu ngọc gắn khắp chỗ, chạm trổ tinh vi, muốn cất xong Đài ít nhất phải 35 năm.

      Đắt Kỷ bắt bẻ :

      - Lão thầy bói già quen tánh nói dối, cất Đài lâu lắm cũng 3 năm. Tử Nha có ý khi quân, bắt xử bào lạc cho rồi.

      Trụ Vương còn lưỡng lự, thì Tử Nha nói :

      - Tôi xin Bệ hạ chớ nghĩ đến việc hưởng hết lạc thú của đời, mà quên cái khổ của muôn dân. Trong lúc kho tàng trống rổng, dân gặp hạn hán mất mùa, lúa không đủ ăn, tôi trung chán nãn triều chánh, lũ nịnh dậy lên, cái nguy của nước thấy rõ. Xưa vua Kiệt cất cung Quỳnh Dao mà mất nước, nay Bệ hạ cất Lộc Đài là đi vào con đường ấy, e cơ nghiệp sẽ về tay một chư Hầu khác. Tuy đã muộn, nhưng vẫn có thể cứu nguy nếu Bệ hạ biết sửa mình, lo cho xã tắc. Tôi tri ân Bệ hạ nên có đôi lời tâm huyết, không nỡ lấy mắt nhìn.

      Vua Trụ giận lắm, mắng Tử Nha :

      - Đứa già miệng dám mắng vua, mau bắt lão già nầy cột vào bào lạc, làm gương cho kẻ khác.

      Võ sĩ áp tới vây bắt, Tử Nha lẹ chân nhảy xuống lầu, chạy đến cầu Cữu Long, nhảy xuống nước, độn thủy về nhà.

      Quân võ sĩ ngự lâm trở lại báo cho vua Trụ biết, Tử Nha nhảy xuống cầu Cửu Long tự tử, chết trôi mất xác.

      Tử Nha thuật rõ mọi sự cho Dị Nhơn và Mã thị biết, rồi nói với vợ ý định của mình là đến Bàn Khê bên đất Tây Kỳ nương náu chờ thời, yêu cầu Mã thị đi theo. Mã thị không chịu, buộc Tử Nha làm tờ ly dị. Tử Nha khuyên vợ không được, buộc phải viết tờ ly dị vợ, rồi từ giã Dị Nhân lên đường.

      Tử Nha thẳng đến Bàn Khê ở Tây Kỳ ẩn mặt, đói ăn trái cây, khát uống nước suối, vui thì xem kinh luyện phép, buồn thì ngồi câu, ngâm thơ giải khuây, chờ thời.
      #3
        QVPT 23.06.2004 20:33:09 (permalink)
        Tử hữu là chết vì bạn. Dương Giác Ai tử hữu là Ông Dương Giác Ai chết vì bạn, người bạn đó là Ông Tả Bá Đào.

        Thời Xuân Thu, vua nước Sở là Sở Nguyên Vương rất sùng Nho trọng Đạo, chiêu hiền đãi sĩ. Người trong thiên hạ hạ nghe tiếng tìm đến rất đông.

        Thuở ấy, tại núi Tích Thạch xứ Tây Khương có một hiền sĩ họ Tả tên Bá Đào, cha mẹ đều mất sớm, nhưng có chí học hành, sớm trở thành người có tài an bang tế thế.

        Tả Bá Đào, tuổi gần 40, nhưng gặp lúc chư Hầu thôn tính lẫn nhau, người thi hành nhân chính thì ít mà kẻ tàn bạo thì nhiều, nên không ra làm quan. Sau nghe tin Sở Nguyên Vương hâm mộ nhân nghĩa, đãi sĩ chiêu hiền, nên từ biệt xóm giềng, vai mang túi sách, lên đường đi đến nước Sở. Khi đến đất Ung, gặp lúc mùa Đông gió rét, Tả Bá Đào dầm mưa cả ngày, quần áo ướt sủng, thấy mặt Trời sắp lặn, vội tìm đến một xóm để xin tạm trú qua đêm. Từ xa, thấy trong rừng trúc có ánh đèn chiếu qua cửa sổ, Tả Bá Đào bước nhanh tới, thấy một gian nhà lá có hàng rào thấp xung quanh, bèn đẩy cánh cổng bước vào, gõ nhẹ lên cửa. Một người đàn ông trong nhà bước ra, Tả Bá Đào thi lễ nói :

        - Tiểu nhân là người ở Tây Khương, tên Tả Bá Đào, muốn đến nước Sở, không ngờ giữa đường gặp mưa, không tìm được quán trọ, nên đến đây xin ngủ nhờ một đêm, mai lại lên đường sớm, không biết Ông chủ có cho phép không ?

        Người chủ nhà nghe nói vậy thì vội vàng đáp lễ, rồi mời vào nhà. Tả Bá Đào nhìn quanh nhà chỉ thấy có mỗi một cái giường chất đầy sách, ngoài ra không có đồ đạc gì đáng kể. Tả Bá Đào biết chủ nhà nầy là một nho sĩ. Người ấy nói :

        - Để tôi nhúm lửa hong quần áo của anh cho khô rồi chúng ta sẽ nói chuyện.

        Nói rồi nhúm lửa, hong quần áo cho Tả Bá Đào, rồi hâm rượu cùng thức nhấm, mời Tả Bá Đào dùng cho ấm với thái độ ân cần. Tả Bá Đào hỏi tên họ chủ nhà, người ấy đáp :

        - Tiểu sinh họ Dương, tên Giác Ai, cha mẹ mất sớm, ở đây một mình, bình sanh rất ham đọc sách, bỏ việc nông tang. Nay may mắn gặp hiền sĩ từ xa đến đây, chỉ giận mình nghèo, không có gì thết đãi, mong đừng chê trách.

        Tả Bá Đào nói :

        - Trong lúc mưa gió lạnh lẽo, được cho ngủ nhờ, lại có cơm rượu là quí lắm rồi, ơn ấy không quên.

        Hai người cùng nhấp chén rượu nóng, trò chuyện về học vấn, và hoài bão của mình, suốt đêm không ngủ, cảm thấy thân thiết nhau, nên đồng kết làm anh em. Tả Bá Đào lớn hơn Dương Giác Ai 5 tuổi nên làm anh. Tả Bá Đào ở nhà Dương Giác Ai 3 ngày thì mưa tạnh đường khô. Tả Bá Đào nói :

        - Hiền đệ có tài vương tá, ôm chí kinh luân, sao không nghỉ đến chuyện sử sách lưu danh, lại cam ẩn thân nơi rừng suối, thật đáng tiếc lắm vậy !

        - Không phải em không muốn ra làm quan, nhưng chỉ vì hoàn cảnh chưa thuận tiện mà thôi.

        - Nay Sở Vương có lòng cầu hiền, nếu hiền đệ có chí ra giúp đời nên cùng anh đi đến đó.

        - Xin tuân lời huynh trưởng.

        Dương Giác Ai liền thu xếp hành trang, với một túi gạo, cùng một ít tiền dành dụm bấy lâu đem theo làm lộ phí.

        Hai người lên đường đi về phương Nam, hướng đến nước Sở. Đi được mấy ngày thì Trời đổ mưa to, phải tạm trú nơi lữ quán, tiền lộ phí dần dần hết sạch, chỉ còn một túi gạo, 2 người thay nhau vác gạo đội mưa mà đi. Mưa vẫn không tạnh, lại thêm có tuyết. Hai anh em qua khỏi Kỳ Dương, đến vùng Lương Sơn, hỏi thăm tiều phu đường đi. Họ nói là từ đây đi hơn trăm dặm nữa không có bóng người, đều là đồng không mông quạnh, thú dữ hoành hành, tốt nhất là đừng đi tới nữa.

        Tả Bá Đào hỏi ý kiến của Dương Giác Ai :

        - Hiền đệ nghĩ thế nào ?

        - Từ xưa có câu : Tử sanh hữu mệnh. Đã đến đây, phải cố đi tiếp, không nên thối chí.

        Lại đi thêm một ngày nữa, tối ngủ nơi cổ mộ, quần áo không đủ ấm, gió lạnh thấu xương. Hôm sau, tuyết lại rơi nhiều hơn nữa. Tả Bá Đào chịu lạnh không nổi, nói :

        - Anh thấy đi hơn trăm dặm nữa, không có bóng người, lương thực không đủ, quần áo mỏng manh, nếu chỉ một người đi, may ra có thể đến được nước Sở, còn nếu 2 người cùng đi, ắt phải chết lạnh hoặc chết đói dọc đường, nào có ích chi. Anh đưa quần áo cho em mặc, với số lương thực còn lại nầy, em có thể đến được nước Sở. Anh quả thật không đi nổi nữa, cam chịu chết ở đây. Hiền đệ gặp Sở Vương, ắt được trọng dụng. Lúc ấy hiền đệ trở lại đây mà chôn cất thi thể của anh.

        Dương Giác Ai nói :

        - Sao hiền huynh lại nghĩ thế ! Anh em ta đã kết nghĩa thì tình như cốt nhục, em không thể bỏ anh chết tại đây để một mình đi tìm công danh.

        Nói rồi nhứt định không nghe, dìu Bá Đào đi tiếp, được chừng 10 dặm, Tả Bá Đào nói :

        - Gió tuyết càng nhiều, làm thế nào đi tiếp được nữa. Hãy tìm một nơi tạm nghỉ.

        Nhìn trước mặt thấy một cây dâu già có thể làm chỗ tránh tuyết được, nhưng chỉ đủ chỗ cho một người. Dương Giác Ai liền đỡ Tả Bá Đào đặt ngồi nơi cội dâu, rồi chạy đi tìm củi đốt. Khi đem mấy cây củi về thì thấy Bá Đào đã cổi hết áo quần, nằm trần chờ chết. Dương Giác Ai kinh hoảng nói :

        - Sao hiền huynh lại làm như vậy ?

        - Anh đã suy nghĩ kỹ, không còn lối thoát, hiền đệ chớ làm lỡ. Mau lấy quần áo của anh mặc vào cho đủ ấm, mang túi lương thực lên đường ngay, anh cam chịu chết nơi đây.

        Dương Giác Ai ôm Tả Bá Đào khóc lớn :

        - Hai anh em ta thà cùng chết nơi đây cho trọn tình nghĩa, nỡ nào lại chia ly !

        Tả Bá Đào rán sức nói :

        - Nếu chết cả ở đây thì lấy ai chôn nắm xương tàn ?

        - Đã vậy, em xin nhường áo cho anh, để anh tiếp tục đi, em cam chịu chết tại đây.

        - Anh vốn lớn tuổi hơn em, lại mang nhiều bệnh tật nên sức yếu nhiều, còn em đang hồi cường tráng, học vấn lại uyên thâm, anh không bì kịp với em. Nếu em gặp được Sở Vương ắt được trọng dụng, anh chết ở đây mãn nguyện rồi. Khi hiển đạt, em trở về đây chôn cất xác anh.

        Dương Giác Ai nhìn Tả Bá Đào thấy hơi thở yếu dần, một lúc sau thì tắt hẳn. Cảm thấy đau lòng vô cùng, quá thương tiếc một nghĩa huynh liều chết thay cho mình. Giác Ai khóc lóc thảm thiết, rồi suy nghĩ : Bây giờ nghĩa huynh đã chết rồi, nếu ta mãi lưu luyến nơi đây thì ta cũng sẽ chết cóng, rồi ai mai táng hài cốt của nghĩa huynh, vả lại nếu ta liều chết ở đây thì phụ tấm lòng hy sinh của nghĩa huynh.

        Dương Giác Ai bèn lạy Bá Đào, vừa khóc vừa nói :

        - Em ra đi, xin hương hồn hiền huynh phò hộ cho em đến nơi đến chốn, lập được chút công danh, rồi sẽ trở lại ngay đây mai táng hài cốt và làm mộ cho hiền huynh.

        Tả Bá Đào dường như gật đầu. Dương Giác Ai đem đặt thi thể của Bá Đào vào trong hốc cây dâu già, bẻ cành cây rấp lại cho kín, rồi mặc quần áo của Bá Đào vào mình, vác gói lương thực lên đường. Dương Giác Ai lần hồi đến được kinh đô nước Sở, vào thành hỏi thăm dân chúng.

        - Sở Vương cầu hiền tài, làm thế nào tiến cử được ?

        Có người đáp :

        - Ngoài cửa cung có lập nhà Công quán, vua sai quan Thượng Đại Phu Bùi Trọng đón tiếp kẻ sĩ trong thiên hạ.

        Dương Giác Ai tìm đến Công quán, quan Thượng Đại Phu cũng vừa tới và bước xuống xe. Giác Ai liền đến vái chào. Bùi Trọng thấy Giác Ai, tuy quần áo lam lũ nhưng cốt cách phi phàm, vội vàng đáp lễ, mời vào Công quán, hỏi :

        - Hiền sĩ từ đâu tới ?

        - Tiểu sinh tên là Dương Giác Ai, người xứ Ung Châu, nghe Thượng quốc chiêu hiền nên lặn lội tới đây ứng mệnh.

        Bùi Trọng cho dọn cơm nước và rượu thịt thết đãi Giác Ai, giữ lại nghỉ ngơi. Hôm sau, Bùi Trọng đến Công quán đàm luận để xem học vấn của Giác Ai thế nào. Giác Ai đối đáp rành mạch, biện luận trôi chảy, đưa ra nhiều sáng kiến hay. Bùi Trọng vào triều tâu với Sở Vương các việc. Sở Vương triệu Dương Giác Ai vào triều, hỏi cách làm cho nước Sở phú cường. Dương Giác Ai dâng lên 10 sách lược, rất thiết thực cho nước Sở. Nhà vua vui mừng, bày ngự yến thết đãi rồi phong Dương Giác Ai vào chức Trung Đại Phu, tặng cho 100 lượng vàng, 100 tấm gấm. Dương Giác Ai lạy tạ Sở Vương nhưng nước mắt lại chảy ròng ròng. Sở Vương lấy làm lạ hỏi :

        - Sao khanh lại khóc như vậy ?

        Dương Giác Ai bèn tâu lên vua Sở việc cùng Tả Bá Đào kết nghĩa, cùng ứng mệnh đi đến nước Sở, nhưng giữa đường gặp gió tuyết dữ dội, vv . . . Giác Ai thuật hết đầu đuôi, vua Sở nghe xong rất cảm động, hết sức thương cảm Bá Đào, các quan trong triều cũng xót xa thương tiếc. Vua Sở hỏi :

        - Bây giờ ý khanh thế nào ?

        - Thần xin được nghỉ phép ít ngày để trở lại đó lo chôn cất thi thể của nghĩa huynh, công việc xong, thần xin trở về đây ngay để phục vụ Đại vương.

        Sở Nguyên Vương chấp thuận, truy phong Tả Bá Đào làm Trung Đại Phu, ban cho nhiều lễ vật để cúng tế, sai quân sĩ theo làm tùy tùng, cùng Dương Giác Ai trở lại tìm thi thể của Tả Bá Đào. Dương Giác Ai lạy tạ Sở Vương, rồi cùng đoàn tùy tùng đi trở lại vùng Lương Sơn, tìm đến gốc dâu già, quả thấy thi thể của Tả Bá Đào còn nguyên tại đó. Dương Giác Ai khóc, lạy Tả Bá Đào, xong bảo quân sĩ tùy tùng mời các vị phụ lão trong vùng đến đây. Giác Ai đi quanh khu vực nầy để tìm chỗ tốt mà an táng nghĩa huynh.

        Giác Ai tìm thấy một chỗ đất gần đó có phong thủy rất tốt. Giác Ai dùng nước thơm rửa thi thể Bá Đào, rồi mặc vào phẩm phục triều đình Trung Đại Phu cho Tả Bá Đào do Sở Vương ban tặng, liệm vào quan tài, tế lễ trọng thể rồi an táng nghĩa huynh nơi chỗ đất đã chọn. Giác Ai cho xây mộ, có tường bao bọc chung quanh, trồng cây cảnh, xây trụ hoa biểu, trên đề rõ danh tánh, chức phận, rồi xây một nhà thờ cách mộ 30 thước, đắp tượng Tả Bá Đào, mướn người trông coi nhang khói và giữ gìn phần mộ.

        Mọi việc làm xong. Dương Giác Ai tế lễ Tả Bá Đào nơi đền thờ, nhớ thương khóc lóc thảm thiết. Các phụ lão trong vùng đến dự thấy cảnh ấy cũng rơi lệ.

        Đêm ấy, Dương Giác Ai ngồi buồn một mình dưới ánh đèn khuya, chợt thấy một người mờ ảo đến trước ánh đèn, nhìn kỹ thì ra đó là Tả Bá Đào hiện hình về. Giác Ai cả sợ hỏi :

        - Hiền huynh hiện hồn về gặp em có điều gì chăng ?

        Hồn Tả Bá Đào nói :

        - Cám ơn hiền đệ giữ đúng lời hứa về đây lo cho anh đầy đủ, lại xin quan hàm cho anh, anh cám ơn em vô hạn, nhưng phần mộ của anh nằm gần phần mộ của Kinh Kha, người nầy lúc còn sống đi hành thích vua Tần Thủy Hoàng, không thành công, nên bị giết chết, Cao Tiệm Ly lén đem thây hắn về chôn cất nơi đây, hắn hung hăng dũng mảnh, đêm thường mang kiếm đến đây mắng nhiếc anh sao dám đến đây chiếm cái thế đất tốt của hắn, đòi anh phải dời đi nơi khác, nếu không hắn đến quật mồ vứt thây anh ra ngoài đồng. Vì sự nguy hiểm như thế, nên anh hiện lên báo cho em biết, mong em cải táng anh qua nơi khác để tránh tai họa. Dương Giác Ai định hỏi lại, bỗng cơn gió nổi lên, rồi Tả Bá Đào biến mất.

        Sáng ra, Dương Giác Ai liền đến hỏi các bô lão trong vùng. Các hương lão nói :

        - Trong khu rừng kia, có ngôi mộ của tráng sĩ Kinh Kha, trước mộ có ngôi miếu. Kinh Kha rất linh ứng, dân chúng lập miếu thờ, 4 mùa cúng tế, để cầu phước và cầu an cho làng.

        Dương Giác Ai nghe xong mới tin thiệt câu chuyện gặp hồn Tả Bá Đào hiện về hồi khuya. Giác Ai đem quân sĩ theo, đến mộ Kinh Kha, rút gươm chỉ vào tượng Kinh Khá mắng :

        - Mi là đứa thất phu nước Yên, được Thái tử Đan nuôi dưỡng, gái đẹp và của quí đều hưởng dụng, thế mà không nghĩ được mưu kế hay mà hành thích vua Tần đến nỗi thất bại hại thân, hỏng việc nước, thế mà dám đến đây mê hoặc dân chúng để vòi tế lễ. Nay anh ta là Tả Bá Đào, danh sĩ đời nay, nghĩa nhân gồm đủ, sao mi dám dùng cường lực uy hiếp. Nếu còn thói ấy, ta sẽ phá miếu, quật mồ để tuyệt diệt cái thứ nhà mi.

        Mắng xong, Giác Ai trở về mộ của Tả Bá Đào, vái :

        - Nếu đêm nay Kinh Kha đến phá anh thì xin anh báo cho em biết, để em tìm cách trị hắn.

        Đêm ấy, Dương Giác Ai chong đèn nơi nhà thờ ngồi chờ. Quả thật, đến khuya, Bá Đào hiện đến nghẹn ngào nói :

        - Cảm ơn hiền đệ hổ trợ, nhưng bọn bộ hạ của Kinh Kha đông lắm, anh đánh không lại. Ngày mai em cho bện nhiều hình nhân bằng cỏ, lấy lụa làm áo, tay cầm khí giới, đốt trước mộ anh để chúng xuống trợ lực với anh đánh Kinh Kha.

        Nói xong, Tả Bá Đào biến mất.

        Dương Giác Ai cho đám tùy tùng làm đúng theo lời Tả Bá Đào yêu cầu, đốt hình nhân xong thì Giác Ai khấn rằng :

        - Nếu như hiền huynh được vô sự thì cho em biết.

        Đêm ấy, Dương Giác Ai cũng chong đèn trong nhà thờ, thức khuya chờ đợi. Giác Ai nghe như có gió mưa, và tiếng binh khí chạm nhau như đang có một trận chiến. Giác Ai ra sân đứng nhìn, bỗng thấy hồn Tả Bá Đào chạy tới, nói :

        - Những hình nhân của hiền đệ giúp anh không có tác dụng gì. Kinh Kha lại có thêm Cao Tiệm Ly đến giúp sức, anh đánh không lại chúng, thế nào cũng bị chúng quật xác lên khỏi mộ. Em nên dời mộ anh đi chỗ khác.

        - Tên ấy sao dám khinh thị anh, em nhứt định sẽ đánh hắn cho hắn biết tay.

        - Em là người dương thế, anh là người cõi Âm, người dương thế tuy có dũng mãnh nhưng âm dương cách trở, thì làm sao em đánh Kinh Kha được ?

        - Hiền huynh cứ yên tâm, ngày mai em sẽ có cách.

        Sáng hôm sau, Giác Ai dẫn quân đến miếu Kinh Kha, chửi mắng một hồi, rồi đập tan cốt tượng Kinh Kha, định nổi lửa đốt miếu, nhưng các hương lão và dân chúng đến kịp, van xin Giác Ai đừng phá miếu, sợ tổn hại cho dân làng.

        Dương Giác Ai đành thôi, trở về nhà thờ Tả Bá Đào, ngồi suy nghĩ, rồi viết một tờ biểu văn dâng lên Sở Vương, đại ý nói rằng : Ngày trước, Tả Bá Đào nhường cơm áo cho thần để thần được sống mà gặp Đại Vương, được Đại Vương phong chức tước và ban cho vàng lụa. Ước nguyện bình sanh đã thỏa, xin cho thần kiếp sau dốc hết lòng báo đáp quân ân, còn nay xin cho thần được trả nghĩa đệ huynh.

        Lời lẽ viết trong biểu vô cùng thống thiết. Viết xong niêm lại giao cho kẻ tùy tùng đem về kinh đô dâng lên Sở Vương. Dương Giác Ai đến trước phần mộ Tả Bá Đào, khóc lớn, bảo kẻ tùy tùng rằng :

        - Anh ta bị hồn ma Kinh Kha làm hại, không biết ở đâu. Ta không nỡ ngồi nhìn, muốn đập nát miếu hắn thì bị dân làng ngăn cản, nay ta đành liều chết để làm người cõi âm, giúp anh ta chiến đấu với Kinh Kha. Các ngươi đem thi thể của ta chôn kế mộ của anh ta, để anh em sống chết đều gần nhau, báo đền nghĩa lớn của anh ta, rồi các ngươi về triều tâu lại với Sở Vương tất cả các việc, xin Sở Vương nghe theo trung thần mà tô bồi xã tắc cho cường thịnh trường tồn.

        Nói xong, Dương Giác Ai rút kiếm tự đâm cổ chết.

        Đêm ấy, vào canh hai, bỗng mưa to gió lớn, sấm chớp vang rền, nghe tiếng hô “giết, giết” vang xa mấy dặm. Sáng ra, mọi người thấy mộ Kinh Kha bị nứt tung, xương trắng văng lên vung vải trước mộ, những cây tùng bách quanh mộ đều bị bật gốc, miếu thờ Kinh Kha bỗng bị cháy thành tro bụi.

        Các hương lão thất kinh, biết rằng Kinh Kha đã bị 2 Ông quan Trung Đại Phu đánh bại. Các hương lão đốt hương khấn vái 2 Ông Dương và Tả.

        Những người tùy tùng trở về nước Sở dâng biểu lên vua Sở và tâu bày rõ hết các sự nghe thấy. Vua Sở rất cảm động về nghĩa khí của 2 người, sai quan đến nơi lập miếu thờ, gia phong là Thượng Đại Phu, sắc tứ hoành phi đề 4 chữ “TRUNG NGHĨA CHI TỪ”, lại cho dựng bia ghi lại câu chuyện làm gương tốt cho đời sau, cấp ruộng để dân chúng làm từ điền, 4 mùa cúng tế.

        Âm hồn của Kinh Kha từ đấy không còn linh nữa.

        Dân làng từ đây cúng tế nơi 2 ngôi mộ của 2 vị Tả Bá Đào và Dương Giác Ai, cầu rất linh thiêng.

        Có thơ xưa lưu lại rằng :

        Xưa nay nhân nghĩa trùm thiên hạ,

        Chỉ ở lòng người trong tấc gang.

        Trung Nghĩa chi từ, Dương-Tả Bá,

        Anh linh còn mãi, ánh trăng hàn.
        #4
          QVPT 23.06.2004 20:35:16 (permalink)
          Tôn điệt phế nhi là trọng cháu bỏ con, ý nói : trong hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm, lo cứu cháu mà bỏ chết con.

          Sách Tấn thư chép rằng : Ông Đặng Nho, tự là Bá Đạo, làm quan đời nhà Tấn, rất thanh liêm chánh trực.

          Thuở nhỏ, Ông Đặng Bá Đạo sống với anh ruột rất thương yêu hoà thuận. Khi lớn lên, 2 anh em đều có vợ, rồi ra làm quan, tình thủ túc vẫn thuận hòa bền chặt. Chẳng may anh ruột và chị dâu vắng số, để lại đứa con trai tên là Đặng Tuy vừa được 2 tuổi. Đặng Bá Đạo đem cháu về nuôi dưỡng, thương yêu như con ruột, và cùng lứa với con trai của Bá Đạo.

          Vợ chồng Bá Đạo chăm sóc con và cháu đều như nhau, không phân biệt. Lần lần 2 trẻ lớn lên cũng coi nhau như anh em ruột thịt, rất thương yêu nhau.

          Cuộc sống an vui trôi qua trong ít lâu thì trong nước có Triệu Thạch Lặc nổi lên làm loạn, thế giặc rất mạnh, đánh chiếm được kinh thành, bắt sống vua và các quan nơi triều đình. Vợ chồng Bá Đạo cùng 2 trẻ phải chạy đi lánh nạn. Dân chúng khuyên Ông Bá Đạo nên ở lại, bởi vì Ông là vị quan thanh liêm, rất được dân chúng mến mộ, chắc bọn giặc không giết, chỉ bãi quan chức thôi, hoặc có thể dùng Ông làm quan trở lại. Bá Đạo nhứt định không chịu, quyết không theo giặc.

          Trên đường bôn tẩu, vợ chồng Bá Đạo vai mang đồ đạc cồng kềnh, mỗi người dắt một trẻ chạy đi.

          Chạy được một ngày đường thì quá thấm mệt, 2 vợ chồng lần lần bỏ bớt số đồ đạc mang theo cho nhẹ mình, đến lúc đã quá mệt thì bỏ đồ đạc lại tất cả, mang theo hết nổi, chỉ còn chừa sức để cõng con và cháu chạy đi, vì 2 trẻ cũng chạy hết nổi. Qua ngày hôm sau, giặc đuổi gần đến, vợ của Bá Đạo không còn sức để cõng con chạy nữa, hai người bây giờ chỉ còn có thể đùm bọc được một trẻ mà thôi.

          Đặng Bá Đạo suy nghĩ rồi nói với vợ : “Đứa cháu là dòng máu sót lại của anh mình để nối hương lửa, nếu bỏ nó đi thì anh mình tuyệt tự. Vả lại, vợ chồng mình còn trẻ, có thể sanh đẻ thêm, nên tôi nhứt định bỏ con mình lại, mà lo bảo bọc cháu.” Còn đang bàn cãi với vợ, thì bọn giặc đuổi tới, vợ chồng Đặng Bá Đạo nén nỗi đau cắt ruột, đành bỏ con ở lại bên đường, Bá Đạo cõng cháu chạy đi, thoát khỏi vòng vây của giặc, lánh nạn đến xứ khác, làm thuê sống qua ngày.

          Lần lần giặc cũng tạm yên. Vợ chồng Đặng Bá Đạo quyết không trở về xứ, ở nơi khác tìm cách làm ăn sinh sống, nuôi dạy đứa cháu nên người. Phần vợ chồng Bá Đạo lại không đặng hào con, không sanh được đứa con nào thêm nữa. Hai vợ chồng rất đau buồn, chỉ biết nhắm vào đứa cháu Đặng Tuy làm con nuôi mà thôi.

          Quan Tạ Thái Phó biết được việc nầy, buồn mà than rằng : “Thiên đạo vô tri, sử Bá Đạo vô nhi”. Nghĩa là : Đạo Trời không biết đến, làm cho Ông Bá Đạo không con.

          Ngày tháng trôi qua, vợ chồng Bá Đạo già yếu, người con nuôi Đặng Tuy phụng dưỡng cha mẹ nuôi rất hiếu thảo, không khác gì con ruột. Đến chừng vợ chồng Bá Đạo mất, Đặng Tuy để tang cha mẹ nuôi 3 năm.

          Nên sách Nho có viết rằng :” Đặng thị điệt tam tải trì tang, Bá Đạo vô hám”. Nghĩa là : Cháu của họ Đặng ba năm cư tang, Ông Bá Đạo chẳng hận.
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9