Đông Lao - Tây Bích
QVPT 23.06.2004 20:37:23 (permalink)
Đông Lao và Tây Bích là 2 nhân vật thời xưa, cùng ở chung trong một xóm, không rõ 2 ông sanh vào thời nào, ở đâu, tên thật là chi, mà chỉ nghe người đời truyền lại như thế.

Đông Lao thì nhà nghèo, tánh tình thuần hậu. Hằng ngày, ông dạy con cháu rán lập chí theo gương Thánh Hiền, luôn luôn giữ câu : “ Biết tự trọng thì người mới trọng mình.”

Tây Bích thì nhà rất giàu, nhiều ruộng vườn, tôi tớ đông đảo, có nhiều tá điền. Vàng bạc dư dả, nên ông mướn một thợ bạc về nhà, lấy vàng ra biểu thợ đúc chạm cho ông 1 cặp rùa bằng vàng thật khéo để chưng bày nơi phòng khách.

Một hôm, nhằm ngày giỗ, Tây Bích mời các tá điền, người trong xóm và hương chức đến ăn giỗ tại nhà ông. Ông Đông Lao, tuy nghèo nhưng được tiếng tốt nên cũng được mời đến dự. Lễ giỗ được tổ chức rất linh đình, tiệc đãi suốt ngày.

Khi khách khứa từ giã ra về hết, Tây Bích chợt thấy mất cặp rùa vàng trong tủ chưng bày nơi phòng khách. Tây Bích rất thắc mắc, không biết cặp rùa vàng mất lúc nào. Tây Bích nghĩ rằng, chỉ có người nghèo mới nổi lòng tham lấy cặp rùa, rồi ông trực nhớ đến Đông Lao là người rất nghèo, mà trong bữa giỗ, Đông Lao thường hay lui tới phòng khách, trong bụng đinh ninh là Đông Lao lấy cắp cặp rùa vàng của mình.

Sáng hôm sau, Tây Bích mời Đông Lao đến nhà, ngồi nơi phòng khách. Tây Bích nói :

- Từ chiều hôm qua cho đến tối, tôi ăn ngủ không được vì tưởng cặp rùa vàng đã mất, chẳng dè anh mượn đem về nhà xem, làm tôi hết hồn. Nay tôi mời anh qua là để tỏ nỗi vui mừng của tôi được anh lưu ý cặp rùa vàng mà tôi đã dày công tạo nên. Trong làng chỉ có anh là hiểu được ý tôi. Anh cứ yên tâm giữ cặp rùa để xem, chừng nào xem chán thì trả lại tôi.

Đông Lao nghe qua thì rất sửng sốt, ngồi lặng thinh suy nghĩ. Mình lấy cặp rùa vàng của Tây Bích hồi nào mà ảnh nói mình mượn. Có lẽ ảnh hiểu lầm và nghi ngờ mình ăn cắp cặp rùa vàng của ảnh, nên tìm cách nói khéo như vậy để mình đỡ hổ thẹn. Thật là khổ, họa đến thình lình. Bây giờ mình nói là mình không có lấy cặp rùa vàng thì liệu Tây Bích có tin không ? Hay là mình cứ nói xuôi theo, để rồi thời gian sẽ chứng minh được sự thật, chớ không khéo sanh ra cãi lẫy không tốt.

Suy nghĩ như thế, Đông Lao rất khổ tâm, nói :

- Cám ơn anh ! Anh có lòng tốt cho tôi mượn cặp rùa vàng để xem bao lâu cũng được. Anh yên tâm, tôi sẽ gìn giữ nó cẩn thận, để sau nầy giao hoàn lại cho anh.

Trong khi 2 ông đang nói chuyện thì cậu con trai của Tây Bích đứng sau nghe biết hết, liền bước ra nói :

- Thưa cha, bác Đông Lao đâu có lấy cặp rùa vàng của cha mà cha nói vậy ! Còn Bác Đông Lao không có lấy cặp rùa vàng mà tại sao Bác Đông Lao lại nhận ?

Tây Bích ngạc nhiên hỏi con :

- Con nói sao lạ vậy. Chớ cặp rùa vàng bây giờ ở đâu ?

- Con lấy giấu vào rương quần áo của con.

- Con giấu để làm gì ? Mau lấy ra cho cha xem.

Cậu con trai của Tây Bích liền chạy vào trong, mở rương lấy cặp rùa vàng đem ra đặt trên bàn, rồi nói :

- Tại con thấy Bác Đông Lao nghèo, mà Bác lại hay thương người, giúp đỡ người, Bác lại có lòng tự trọng, nên con

đem chuyện nầy nói với mẹ, được mẹ đồng ý cho con lấy cặp rùa vàng nầy đem tặng Bác Đông Lao, có vốn làm ăn.

Tây Bích nghe con nói như vậy thì sửng sốt nhìn Đông Lao trân trân, rồi chậm rãi nói :

- Anh Đông Lao, anh thật là người tri kỷ của tôi, và hơn thế nữa, anh quả là người đáng kính phục. Anh đã giúp tôi để tôi nhận ra đâu là vị tha, đâu là vị kỷ. Tôi rất vui mừng là vợ con tôi, tánh không giống tôi mà lại giống anh. Tôi giờ đây không thiết tha gì đến sự giàu có của tôi, vì cái giàu của tôi so sánh thì không bằng cái nghèo của anh. Tôi giác ngộ, quyết tâm xuất gia tu hành. Tôi tình nguyện giao phân nửa tài sản của tôi cho anh sử dụng, còn phân nửa, tôi giao lại cho vợ tôi và các con để làm phương tiện sanh sống. Tôi xin phú thác nhờ anh trông nom dạy dỗ giùm các con của tôi cho chúng nên người, để tôi yên tâm tu hành.

- Anh khen tôi quá lời, thật tôi có đáng vào đâu. Chúng ta hiểu nhau qua tấm lòng tốt của nhau là đủ rồi, anh bỏ qua cho tôi việc nhận phân nửa gia tài của anh. Nếu anh giác ngộ muốn đi tu thì tôi tình nguyện trông nom giúp anh việc học hành của các con anh, để anh yên tâm tu hành.

Nhưng Tây Bích cố năn nỉ Đông Lao mãi, xin Đông Lao đừng phụ lòng ông. Thế là 3 hôm sau, Tây Bích làm giấy chuyển nhượng phân nửa gia tài cho Đông Lao, rồi từ giã gia đình, từ giã Đông Lao và các tá điền, lên đường đi tu.

Đông Lao gợi ý, Tây Bích nên đem theo một con rùa vàng để hộ thân, nhưng Tây Bích nhứt định không chịu.

Ngay đêm đó, Đông Lao khiến người nhà gói 10 đòn bánh tét lớn, trong mỗi đòn, Đông Lao đặt một thoi vàng làm nhưn, đem tiễn Tây Bích lên đường. Tây Bích nhận, rồi từ giã mọi người ra đi. Tây Bích ghé qua 10 nhà tá điền, tặng cho mỗi nhà một đòn bánh tét, rồi từ giã.

Nhưng trớ trêu thay, 10 người tá điền không ai chịu ăn bánh tét do Tây Bích tặng, lại mang đến mừng Đông Lao.

Đông Lao tự nghĩ, Anh Tây Bích quả có căn tu, nên khiến mọi vật của đời anh đều bỏ lại. Sau đó, Tây Bích tu hành đắc đạo, rồi trở về nhà độ vợ và con cái tu hành theo ông. Đồng thời, Đông Lao lo tròn bổn phận của Tây Bích phú thác, rồi ông cũng hiến thân vào cửa Phật, tu hành về sau cũng được đắc quả.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9