Trung Úy Võ Đông Sơ bình hải khấu
QVPT 23.06.2004 20:56:20 (permalink)
Trung Úy Là một chức quan võ. Hải khấu là bọn cướp biển. Bình hải khấu là trị yên bọn cướp biển.

Truyện “Võ Đông Sơ bình hải khấu” nầy lấy từ Tiểu thuyết “GIỌT MÁU CHUNG TÌNH” của tác giả Tân Dân Tử.

Võ Đông Sơ là con của Hoài Quốc Công Võ Tánh và Công Chúa Ngọc Du. Cha và mẹ của Võ Đông Sơ đều tử tiết trên ngọn lửa trung trinh của thành Bình Định lúc Võ Đông Sơ còn thơ ấu. Khi Đông Sơ lớn lên, tướng mạo đường đường là một trang thiếu niên anh tuấn, học thông cả văn và võ. Khi đậu thi Hương xong thì ra Thăng long thi Hội. Thuở ấy, triều đình mở khóa thi để tuyển một Tiến Sĩ tài kiêm văn võ, nên thi cả 2 môn : Bữa trước thi Văn, bữa sau thi Võ. Võ Đông Sơ đi thi đều chiến hạng nhứt cả 2 môn. Vua Gia Long nơi triều đình Huế lấy làm đẹp ý, công nhận Võ Đông Sơ đậu Tiến Sĩ, xuống chiếu bổ làm chức Trung Úy, tùng sự dưới trướng của Tổng Trấn Bắc Hà Quận Công Lê văn Duyệt.

Lê Quân Công nói :

- Tiến sĩ Võ Đông Sơ là con Hoài Quốc Công, thật hổ phụ sanh hổ tử. Võ Tánh là bạn đồng liêu với ta trong lúc Ngài còn sanh tiền ở Gia Định. Nay Tiến Sĩ mới vừa thi đậu, chưa có công trạng gì, nên ta phái đi bình hải khấu vùng ven biển. Ta nghe quân hải khấu là Giặc Tàu Ô, thường ẩn trong các cù lao, xông ra cướp đoạt các thuyền thương hồ. Trung Úy ra Hải Dương, lãnh 20 chiến thuyền và 200 thủy binh mà đánh dẹp hải khấu, đồng thời do thám địa thế các cửa biển của tỉnh Quảng Đông Trung quốc, làm một bản đồ chi tiết nạp cho ta.

Võ Đông Sơ cúi đầu vâng lịnh, rồi trở về lữ quán, lòng vô cùng bối rối, vì dự định sau khi thi đậu Tiến Sĩ, Võ Đông Sơ sẽ làm lễ cưới với nàng Bạch Thu Hà, con gái của Binh Bộ Thượng Thơ tại triều đình.

Giai nhân và tráng sĩ đã thề ước cuộc trăm năm, mà nay chàng phải phụng mạng đi bình hải khấu thì biết chừng nào mới xong phận sự trở về mà vầy duyên cá nước.

Võ Đông Sơ nửa đêm lén đến Lương đình trong dinh quan Binh Bộ Thượng Thơ để gặp Bạch Thu Hà tỏ nỗi tâm tình và nói lời tạm biệt.

Bạch Thu Hà nói :

- Võ huynh ơi ! Đôi ta đã gieo lời ước thệ, thì dẫu có xa nhau đến vạn thủy thiên sơn, cũng phải giữ một lòng thiết thạch. Ngày nay Đấng Hóa Công muốn đem cái sầu ly biệt để thử thách lòng chúng ta có bền chặt hay không.

Bạch Thu Hà lấy chiếc áo hồ cừu đem tặng Võ Đông Sơ và nói :

- Đây là chiếc áo hồ cừu để sưởi ấm Võ huynh lúc trời Đông lạnh lẽo. Võ huynh thấy nó như thấy tiểu muội. Chàng hãy bảo trọng nơi chiến trường. Tiểu muội sẽ cầu nguyện Trời Phật cho Võ huynh bình an, khai thuyền đắc thắng.

Võ Đông Sơ nhận áo hồ cừu, từ giã người yêu, lòng buồn rười rượi, vội về lữ quán, xếp đặt hành trang đi Hải Dương ngay theo lịnh dạy.

Võ Đông Sơ đem 20 chiến thuyền từ Hải Dương lên Hải Phòng, phân làm 2 toán, giả trang là những thuyền buôn, súng ống và cung tên giấu trong khoan, cho một số ít binh sĩ ở trên thuyền, còn bao nhiêu đều ẩn kín trong khoan, đêm ngày tuần dọc theo ven biển.

Bữa nọ bỗng thấy một đám 10 chiếc thuyền của giặc Tàu Ô kéo tới, chúng tưởng thuyền của Võ Đông Sơ là thuyền buôn, nên lướt thẳng tới, giăng thành hàng ngang, không phòng bị chi cả. Khi tới gần chừng 100 thước thì giặc nổ súng thị oai, ra lịnh cho đoàn thuyền của Võ Đông Sơ xếp buồn lại.

Võ Đông Sơ liền ra lịnh kéo cờ đỏ lên, đoàn thuyền của Võ Đông Sơ giương thêm 3 cánh buồm lớn, tách ra bao vây đám Tàu Ô. Hai bên xáp chiến, tên bắn như mưa. Võ Đông Sơ thình lình nhảy qua thuyền chỉ huy của giặc Tàu Ô, hạ ngay tên đầu đảng trong chớp mắt, đám thủy binh bên ta hăng hái xông lên, bọn Tàu Ô hoảng sợ đồng loạt đầu hàng.

Võ Đông Sơ truyền lịnh thâu binh, đem 10 thuyền giặc Tàu Ô giải về Thăng long, báo công với Lê Tổng Trấn.

Nói về Bạch Thu Hà, gia đình nàng có tai biến, mẹ nàng đã mất lúc nàng còn nhỏ, cha nàng làm Binh Bộ Thượng Thơ tại triều đình Huế, bỗng đau nặng, thuốc thang không khỏi, gia nhơn phải đưa về Thăng Long, mấy hôm sau thì mất. Gia đình nàng bây giờ chỉ có 2 anh em : Anh Bạch Xuân Phương và nàng. Bạch Xuân Phương không giống cha, tánh tình tham lam độc ác, còn chị dâu là Trần thị chỉ biết có tiền. Cho nên sau khi mãn tang cha, Bạch Xuân Phương và vợ ép gả Bạch Thu Hà cho Vương Bích, một công tử giàu có nổi tiếng ăn chơi bậc nhất tại Thăng Long để được Vương Bích đền ơn nhiều của cải quí báu.

Bạch Thu Hà không thể nói cho anh mình biết mối tình của nàng với Võ Đông Sơ, vì anh nàng bị Đông Sơ đánh bại trong cuộc thi Võ Trạng nên rất oán hận Đông Sơ. Anh nàng đã ăn tiền của Vương Bích nên nhứt định bắt nàng phải ưng Vương Bích. Nàng đành trốn đi cùng với thể nữ Xuân Đào, mướn thuyền đi Hải Ninh tìm nhà dì ruột nương nhờ. Tên chủ thuyền thuộc loại gian ác, thấy Bạch Thu Hà và Xuân Đào, thân gái dặm trường, lại thấy có đeo nhiều nữ trang, nên dùng vũ lực cướp sạch tài sản, rồi đưa nàng và Xuân Đào bỏ nơi bãi vắng. May mà nó chỉ cướp tiền chớ không hãm hiếp.

Hai người lần bước lên bờ, gặp một khu rừng rậm, rồi cứ bước tới, mặc cho số mệnh đẩy đưa, tới tối mà chưa ra khỏi rừng, đành ngồi dưới tàn cây nghỉ mệt. Đến nửa đem, 2 người bị một con tê giác phát hiện và tấn công. May nhờ có một thợ săn đến kịp, đánh tê giác, cứu 2 nàng đem về sơn động.

Người thợ săn ấy là một thiếu nữ, tên Hoàng Nhị Cô, có người anh ruột là Hoàng Nhất Lang, là tay anh hùng võ dũng, nguyên là tướng của vua Quang Toản nhà Tây Sơn. Khi Quang Toản bị vua Gia Long bắt giết, Hoàng Nhất Lang cùng đám bộ hạ kéo vào rừng núi, hùng cứ một vùng, sống đời Lương Sơn Bạc. Nhị Cô thấy Bạch Thu Hà là trang khuê các dịu hiền, hương Trời sắc nước, nên rất thương mến, muốn gá nghĩa cùng anh ruột của nàng cho tình thêm thắm thiết.

Bạch Thu Hà vừa mới thọ ơn cứu tử của Nhị Cô, chưa tiện chối từ, mà cũng chưa dám thố lộ tâm sự cùng Nhị Cô, bị Nhị Cô ràng buộc mãi. Thu Hà rất đau lòng, chưa biết giải quyết ra sao, thì Nhị Cô tổ chức đám cưới cho anh và Bạch Thu Hà. Bạch Thu Hà túng thế, nên quyết tâm liều mình, bèn viết một bức thơ lâm ly thống thiết để lại cho Nhị Cô, rồi nửa đêm lén liều mình nhảy xuống vực sâu tử tiết.

May mắn thay có một người tên Triệu Dõng đi thuyền ngang vực sâu, cứu kịp, hỏi ra mới biết nàng là Bạch Thu Hà, người tình của Võ Đông Sơ, mà Võ Đông Sơ lại là ân nhân và cũng là nghĩa huynh của Triệu Dõng. Triệu Dõng đưa Bạch Thu Hà về nhà, có cô em là Triệu Nương hết lòng săn sóc Thu Hà, và coi Thu Hà như là chị dâu.

Bữa nọ, Triệu Nương rủ Bạch Thu Hà đi lễ chùa Tây Hà nhằm tiết Trung Nguơn, bỗng thấy trước chùa có lập đàn chay, trên bàn hương án có bài vị đề là :

“ĐÔNG KINH NỮ CÔNG TỬ BẠCH THU HÀ CHI LINH VỊ” “Ngự Lâm Quân Đô Úy Võ Đông Sơ phụng lập”
(Đông kinh : Tên gọi thành Thăng Long).

Hai người nhìn tấm linh vị rất kinh ngạc, lại hy vọng có Võ Đông Sơ ở tại đây, liền đi vào chùa hỏi sư trụ trì.

Thiền sư cho biết : “Cách nay gần một tháng, quan Đô Úy Võ Đông Sơ đến chùa nầy, nói có người thân của Ngài là Nữ Công tử Bạch Thu Hà ở Thăng long đã nhảy xuống biển tự tử, Ngài rất thương tiếc, nên xuất tiền yêu cầu chùa lập đàn chay cầu siêu cho Thu Hà và phụng tự.” Bạch Thu Hà hỏi :

- Bạch Thiền sư, Võ Đông Sơ còn ở đây không ?

- Đô Úy đã đi tuần thú ở ải Nam Quan, chẳng biết chừng nào trở lại.

Chẳng hỏi được việc gì thêm, Bạch Thu Hà và Triệu Nương từ giã Thiền sư ra về. Đến cổng chùa, bỗng gặp Bạch Xuân Phương và Vương Bích dắt nhau đi tới. Thì ra 2 người nầy đi tìm kiếm Bạch Thu Hà, kể từ khi Bạch Thu Hà trốn đi khỏi nhà. Nhờ có Triệu Nương che chở, Bạch Thu Hà chạy thoát về nhà, gặp Triệu Dõng nàng mới yên tâm bớt sợ.

Triệu Dõng lập kế đưa Thu Hà và Triệu Nương trốn thoát Bạch Xuân Phương và Vương Bích, rồi dọc đường lại may mắn gặp được Võ Đông Sơ. Thế là thỏa nguyện. Hai người gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, kể lể hết sự tình gian nan nguy hiểm từ khi 2 người chia tay nhau ở Lương đình.

Võ Đông Sơ mướn xe đưa Bạch Thu Hà và 2 anh em Triệu Dõng về dinh của mình để nghỉ ngơi và hàn huyên tâm sự. Võ Đông Sơ nghĩ mình mồ côi cha mẹ, lại gọi đương kim Hoàng Thượng là cậu ruột, nên liền viết một tờ biểu kể rõ hết sự tình, xin Hoàng Thượng ngự bút tứ hôn cho chàng và Bạch Thu Hà. Biểu chương vừa gởi thì có chiếu chỉ của Hoàng Thượng dạy về việc binh rất gấp :

“Nay nhơn Thanh triều ỷ thế nước mạnh binh nhiều, xâm lấn bờ cõi nước ta, nên Trẫm phải ngự giá thân chinh, quyết đánh cùng quân Thanh một trận. Trẫm truyền cho Đô Úy Võ Đông Sơ lập tức lên Lạng Sơn, quản suất Võ Tam quân và theo Trẫm lãnh chức Ngự Tiền Hộ Giá.”

Đông Sơ đọc chiếu xong, lòng buồn vô hạn, nói với Thu Hà :

- Bạch muội, huynh đã viết biểu dâng lên Hoàng Thượng xin tứ hôn cho đôi ta, những tưởng đôi ta hết cơn ly biệt, vầy cuộc nhơn duyên, nào dè cái thời vận điên đảo cứ theo buộc ràng, làm cho phụng phải lìa loan, biết chừng nào mới vui vầy giai ngẫu ?

- Võ huynh ơi ! Cũng thật đau lòng đó, nhưng phận làm tôi, đã hưởng tước lộc của triều đình thì phải rán ra công đền đáp, nhứt là lúc nước nhà bị ngoại bang xâm lấn. Muội sẽ hằng đêm cầu nguyện cho huynh được bình an trong chốn mũi đạn đường tên, sớm ca khúc khải hoàn, chừng ấy đôi ta sum hiệp, phỉ tình thương nhớ.

Võ Đông Sơ kêu Triệu Dõng đến nói rằng :

- Nay gặp lúc quân Tàu xâm lấn, Hoàng Thượng đang trọng dụng nhơn tài, nghĩa đệ nên theo huynh để huynh tiến cử lên Hoàng Thượng mà ra sức lập công, chẳng nên để mai một cái tài của kẻ anh hùng mà lỗi phận nam nhi trên đường nghĩa vụ. Còn Triệu Nương thì ở lại đây bầu bạn cùng Bạch muội, chờ 2 ta trở về.

Hai người sửa soạn hành trang, từ giã Bạch Thu Hà và Triệu Nương, lên đường thẳng đến Lạng Sơn, ra mắt Hoàng Thượng.

Hoàng Thượng đặc cách phong Triệu Dõng làm chức Thiếu Úy, theo Võ Đông Sơ lập công. Sau đó, nhà vua truyền cho các đạo binh lên ải Nam Quan.

Đội Tiền quân bị quân Tàu chận đánh, rồi lần lần quân Tàu kéo đến càng lúc càng đông, vây chặt đạo quân của nhà vua vào giữa. Tuy quân ta ít, nhưng chiến đấu rất dũng cảm, hàng ngũ chỉnh tề, quân Tàu tuy đông nhưng chưa làm gì được. Nhưng dần dần quân ta cũng núng thế, nhà vua nhíu mày lo ngại, ngó hàng võ tướng đang đứng xung quanh nói :

- Ai dám lãnh mạng xông ra thoát khỏi vòng vây đi kêu đạo binh Tả dực đến cứu ứng ?

Các võ tướng nhìn nhau, chưa ai dám ra lãnh mạng. Võ Đông Sơ liền bước tới xin đi. Triệu Dõng cũng bước ra xin theo Võ Đông Sơ trợ lực. Nhà vua thấy 2 tướng trẻ tuổi can đảm phi thường, rất đẹp ý, mừng rỡ dặn rằng :

- Cái trách nhiệm nầy rất yếu trọng và nguy hiểm, hai tướng phải tận tâm kiệt lực.

Hai tướng bái mạng, giục ngựa ra đi. Triệu Dõng nói :

- Nghĩa huynh cứ chạy trước, chúng nó có rượt theo thì tiểu đệ đảm đương.

Chưa thoát khỏi vòng vây, Triệu Dõng chẳng may bị một mũi tên bắn trúng vào ngực, phải bỏ mạng. Võ Đông Sơ rất đau lòng, liều chết thoát đi. Nhờ sức ngựa hay, vượt qua một khe sâu, chạy thoát khỏi vòng vây, chạy riết, gặp được đạo binh Tả dực đang đóng trong rừng. Võ Đông Sơ gấp rút tiến vào trung quân gặp Đô Đốc, trình lịnh của Hoàng Thượng, Đô Đốc tức tốc kéo quân đi tiếp ứng.

Võ Đông Sơ cùng tướng Tiên phong từ ngoài vòng vây đánh vào bất ngờ làm quân Tàu rối loạn, chết thôi vô số, nhưng Võ Đông Sơ bị trúng một viên đạn nơi lưng, máu tuôn lai láng.

Hoàng Thượng đang ngóng chờ viện binh, thấy có một đạo binh ở ngoài đánh vào, thì biết đó là binh cứu viện, liền cho lịnh tấn công từ trong đánh ra. Quân Tàu bị 2 mặt giáp công. Nhà vua nhìn thấy có một tướng đang nằm mọp trên mình ngựa, chạy đến, mình mẩy đẩm máu, nhìn kỹ thì ra tướng ấy là Võ Đông Sơ bị trọng thương, đến trước mặt Hoàng Thượng thì ngã xuống, thở hào hễn nói :

- Triệu Dõng đã tử trận, đạo binh Tả dực đã đến tiếp cứu, đang xáp trận.

Nói đến đây, Võ Đông Sơ kiệt sức, gục xuống tắt thở.

Nhà vua thương tiếc vô cùng, truyền đem xác Võ Đông Sơ tạm đặt nơi Hậu đình, để lo tiếp tục chiến đấu.

Trận ấy quân Tàu thua to, phải rút tàn quân trở về Tàu.

Hoàng Thượng hạ lịnh kéo quân trở về Lạng Sơn, khao thưởng tướng sĩ. Võ Đông Sơ được khâm liệm tử tế, đặt quan tài nơi Tùng đình, còn Triệu Dõng mất xác, không tìm được.

Nói về Bạch Thu Hà và Triệu Nương ở nhà trông ngóng tin tức, bỗng đâu 2 mí mắt của Bạch Thu Hàgiựt lia lịa, lòng phập phòng lo sợ. Nàng vội bước ra sân,vừa cúi xuống thì cây kim thoa giắt trên mái tóc bỗng rơi xuống gãy làm 2 đoạn.

Đến chiều, một tên bộ hạ của Võ Đông Sơ hớt hãi chạy vào báo tin : Quan Đô Úy Võ Đông Sơ và Triệu Dõng đều tử trận, hiện linh cữu đang quàn tại Tùng đình tỉnh Lạng Sơn.

Bạch Thu Hà nghe xong ngã xuống bất tỉnh. Triệu Nương còn gượng được, bế xốc Bạch Thu Hà vào nhà cứu tỉnh.

Khi tỉnh dậy, 2 chị em cùng ngồi than khóc, chờ sáng hôm sau, Triệu Nương dìu Bạch Thu Hà lên xe đi Lạng Sơn. 2 người được hướng dẫn đến Tùng đình, vào thấy quan tài với hàng chữ : “Ngự Tiền Hộ Giá Ngự Lâm Quân Đô Úy chi cữu”

Bạch Thu Hà ôm quan tài khóc ngất rồi nàng nằm dựa quan tài ngất lịm. Bạch Thu Hà mơ màng thấy một Võ tướng đẩy cửa bước vào, nhìn kỹ là Võ Đông Sơ, nàng mừng rỡ hỏi :

- Lang quân, giặc chưa yên mà sao chàng về đặng ?

- Quân giặc bị đánh đuổi đi rồi, nay tôi về đây rước nàng làm lễ nghinh hôn, động phòng hoa chúc.

Bạch Thu Hà vô cùng mừng rỡ, liền đi theo Võ Đông Sơ, đến một hoa viên đẹp, phía trong có một tòa nhà lớn, treo đèn kết hoa, nhạc trổi du dương. Võ Đông Sơ bảo Thu Hà :

- Đã tới phòng hoa, chúng ta vào đi.

Hai người bước vào phòng, má tựa vai kề, ân tình thắm thiết, thỏa lòng thương nhớ bấy lâu. Đông Sơ đứng dậy nói :

- Đêm nay trăng tỏ, chúng ta ra hoa viên ngắm trăng.

Rồi 2 người dắt dìu nhau đi ra khỏi Hoa viên, bỗng thấy một cái biển lớn, giữa biển có một trụ đá to, trên đó có khắc 3 chữ “TÌNH NGHIỆT HẢI”.

Bỗng thấy một con quỉ từ trụ đá nhảy ra lướt tới chụp Võ Đông Sơ. Chàng tràn qua tránh khỏi rồi rút kiếm chém nó một nhát. Thằng quỉ lui lại, há miệng phun vào Võ Đông Sơ một vòi máu làm cho mặt mày mình mẩy Võ Đông Sơ dính máu đỏ lòm. Chàng nổi giận, lấy kiếm đâm vào bụng thằng quỉ, tức thì chỗ đó lú ra một cái đuôi dài quấn chặt Võ Đông Sơ kéo xuống biển. Bạch Thu Hà hoảng kinh, nhảy tới chụp Võ Đông Sơ kéo lại, chẳng dè chụp nhằm cây kiếm để thờ Võ Đông Sơ nơi bàn hương án, thì giựt mình tỉnh lại, té ra là một cơn ác mộng.

Bạch Thu Hà ngẫm nghĩ lại quá chán nãn cuộc đời, bước lại bàn hương án đốt 3 cây nhang, vái Võ Đông Sơ rằng :

- Lang quân ôi ! Đôi ta mảng cái kiếp nhơn duyên cách trở, sống chẳng đặng cùng nhau đồng tịch đồng sàng, thì ngày nay, thiếp mượn cây kiếm nầy để thác theo chàng cho được đồng quan đồng huyệt.

Vái rồi, Bạch Thu Hà đâm gươm vào cổ chết, ngã lăn bên cạnh quan tài của Võ Đông Sơ.

Quan Tư Sự được báo cho biết, liền đến nơi khám nghiệm thi thể của Bạch Thu Hà, truyền tẫn liệm vào quan tài, đặt phía sau Tùng đình, rồi làm biểu tâu lên vua các việc.

Hoàng Thượng xem các biểu xong thì than rằng :

- Trước khi có giặc, Võ Đông Sơ có gởi cho Trẫm một tờ biểu chương bày tỏ sự tích của Bạch Thu Hà và xin Trẫm tứ hôn, kế gặp can qua chinh chiến, Trẫm chưa kịp tứ hôn thì Võ Đông Sơ tử trận, Bạch Thu Hà liều mình chết theo, thật đáng khen cho nàng là gái tiết hạnh trung trinh, trong đời ít có.

Vậy quan Lễ Bộ liệu định lẽ nào ?

- Theo ý hạ thần, Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà đã gá nghĩa nhơn duyên nhưng vì chiến tranh nên chưa tính đặng việc hôn phối cho rỡ ràng. Nay Bạch Thu Hà giữ lòng trinh liệt mà thác theo Võ Đông Sơ cho trọn nghĩa ân tình, thì cũng là người đàn bà đáng phong đáng ngợi. Vậy xin Hoàng Thượng ngự bút tứ hôn cho 2 người đặng danh tiết rỡ ràng.

Hoàng Thượng nghe xong truyền cho Lễ Bộ lập tờ Hôn Thú, rồi Hoàng Thượng ngự bút chứng phê, sắc phong Võ Đông Sơ là Võ Hiền Hầu, phong Bạch Thu Hà là Tiết Liệt Nhứt phẩm Phu Nhân, phong cho Triệu Dõng là Khinh Xa Trung Úy. Xong đâu đó, giao cho Lễ Bộ Thượng Thư sắp đặt việc tang chế và định ngày an táng.

Lễ Bộ Thượng Thư đọc bài Tuyên dương trước linh cữu của Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà, chép ra như sau :

“ Nghe rằng :

Có ly loạn mới rõ tôi hiền Chúa Thánh,

Gặp gian nguy mới biết vợ nghĩa chồng trung.

Trai như Đông Sơ đáng khí phách anh hùng,

Gái như Thu Hà đáng trung trinh liệt nữ.

Đã lắm lúc giang hồ lạc xứ,

Vẫn giữ niềm son sắt chẳng nguôi lòng.

Lại gặp khi tai nạn dập dồn,

Cũng gìn một nghĩa keo sơn không đổi dạ.

Lời thệ ước năm xưa vàng đá,

Phú thân danh chứng có Đất Trời.

Nghĩa tóc tơ chẳng đổi chẳng dời,

Lúc vực thẳm, lúc biển sâu,

Quyết một dạ thủy chung như nhứt.

Rủi Đông Sơ gặp lúc Mãn Thanh xâm lược,

Khiến ra duyên phận lỡ làng.

Thương Thu Hà vì căn mạng đảo điên,

Xui khiến nỗi sắt cầm lỗi nhịp.

Trai anh dũng nơi sa trường tử chiến,

Phận kiếm cung cho rõ mặt đứng trung thần.

Gái thuyền quyên vị nghĩa quyên sinh,

Lòng khảng khái cũng nên trang liệt nữ.

Xét cho tột, âm dương đồng nhứt lý,

Sống nhơn duyên thì thác cũng nhơn duyên.

Hoàng Thượng bút phê cho tác hợp hai bên,

Trước đặng câu danh tiết rỡ ràng,

Sau khỏi tiếng thị phi dị nghị.

Phong hai người phu vinh thê quí,

Gối du Tiên một giấc phỉ tình chung.

Phán hai hồn trung liệt thuận an,

Miền vân hạc ngàn năm vầy loan phụng.”



Đọc xong thì có 3 tiếng súng thần công báo hiệu giờ động quan. Hoàng Thượng ngự giá tống hành, theo sau là các quan văn võ, rồi kế là một đoàn kỵ mã theo hầu.

Đoàn người tiến thẳng vào một tòa miếu mới vừa xây dựng tại chơn núi, bên ngoài đề 4 chữ đại tự : CÔNG THẦN VÕ MIẾU, phía sau miếu là 2 cái huyệt cẩn đá xanh, chung quanh có 4 con sư tử đá ngồi chầu, mộ bia có khắc 2 hàng chữ

TRUNG LIỆT SONG THẦN

VÕ ĐÔNG SƠ - BẠCH THU HAØ chi mộ



Trong miếu chia làm 3 gian, gian giữa thờ Võ Đông Sơ, gian bên hữu thờ Bạch Thu Hà, gian bên tả thờ Triệu Dõng.

Phía sau là Hậu đường dành cho Triệu Nương và thể nữ Xuân Đào ở đó sớm hôm nhang khói phụng thờ.

Trước miếu có chạm đôi liễn :

- ĐỨNG ANH HÙNG MỘT THÁC ĐỀN ƠN NON NƯỚC VIỆT.

- GƯƠNG LIỆT NỮ NGÀN THU DANH RAÏNG ĐẤT TRỜI NAM.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9