Trương Quế Chi
sóng trăng 16.09.2006 06:54:24 (permalink)
.

trương quế chi







        Đồng dao Chi 18

        Sắp 19 tuổi
        Sự kiên nhẫn không đợi
        Đừng vội
        Nuôi tiếp
        Tưởng tượng
        Khánh kiệt
        Không thể là sa mạc
        Đừng vội
        Không thể là vực đá
        Tình yêu có rồi
        Thần thoại tự viết
        Đời sống tự viết
        Không được sợ không bao giờ tới
        Cánh buồm đỏ thắm


        nguồn: rado australia - bay vút



Thơ Trương Quế Chi
theo TCGĐ số 8/2006



Trương Quế Chi sinh năm 1987 tại Hà Nội. Từ năm 2002 đến 2005, cô là học sinh lớp chuyên Pháp trường PTTH Amstecđam – Hà Nội và hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Khoa Báo Chí Truyền Thông Trường Đại học tổng hợp Avignon (Cộng Hoà Pháp). Cô đã từng đoạt Giải nhất quốc gia Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 30 (năm 2001) và Giải thưởng Nữ sinh Việt Nam năm 2003. Trong 5 năm vừa qua (2000-2005), Trương Quế Chi đã là dịch giả của 12 tập truyện chuyển ngữ từ tiếng Pháp được NXB Kim Đồng phát hành, cô cũng là tác giả thơ trẻ tuổi nhất trong số tác giả trẻ thường xuất hiện trên các báo Phụ san Thơ báo Văn Nghệ, Người Hà Nội, Lao Động, Tiền Phong, evan.com… Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một chùm thơ của Trương Quế Chi, được rút từ tập thơ đầu tay Tôi đang lớn của cô do NXB trẻ vừa xuất bản – một tập thơ gây sửng sốt không ít với bạn đọc.



    Giấc mơ chim sẻ

    Qua bầu trời
    Chỉ thấy cánh những con chim sẻ
    Bay như những người rối trí
    Chết
    Vì tưởng nhầm tường kính là đám mây
    Chết
    Vì tưởng nhầm cột điện béton là cành khô mùa đông
    Chết
    Vì tưởng nhầm con người là rừng cây an toàn
    Những con chim sẻ
    Thoát nạn
    Nâng cánh cao cùng gió
    Là những con chim sẻ bị mù bẩm sinh


    Tặng những cánh đồng thêm rộng trong tôi

    Tặng ba mẹ và em Bống
    Tặng những cánh đồng thêm rộng trong tôi
    Những hạt giống gạn sau giấc ngủ trăng sữa
    Nối liền mái tóc mẹ và con gái
    Có thành thác đổ?
    Bầu trời rồi cũng xa bàn tay tôi
    Nằm im thiêm thiếp
    Phía trên đầu đứa trẻ không biết chơi diều
    Bàn tay nhỏ dại
    Cứ mở mãi…
    Tặng những cánh đồng thêm rộng trong tôi
    Những viên sỏi lăn theo bước tôi mỗi lần đi lạc
    Cánh cổng ngôi nhà cha chẳng bao giờ khép
    Chật quá rồi nhà kho ưu phiền cha ạ
    Những con đường rực rỡ rồi cũng xa đôi mắt tôi
    Ở lại trên tấm đệm màu hồng
    Nơi tôi kể câu chuyện cổ tích đầu tiên cho em gái
    Bàn tay nhỏ dại
    Cứ mở mãi…
    Tặng những cánh đồng thêm rộng trong tôi…
    Avignon – 31/8/2005
    T.Q.C.



TCGĐ số 8/2006



Trương Quế Chi






    Tôi khóc
    Khi những ngón tay của tôi không còn thuộc về tôi nữa
    Cánh cổng của mỗi ngày chỉ mở khi đêm tới
    Hát làm chi
    Cơn mưa đổ xuống giấc mơ duy nhất rồi…

    Tôi gieo mầm mộng mị của tôi
    Trên quầng mắt trải dài hơn đường sông đỏ
    Chạy mãi không mà sao đến được chân trời
    Bầu trời trút đổ lên tôi
    Tiếng chim thất thanh nứt nẻ từ những cánh đồng hoang vắng ngút ngàn
    Tôi ngập trong màu của tôi
    Tiếng khóc im lặng hơn sắc trắng
    Nuốt ánh mắt của tôi ngày thơ bé...



    Thiếp

    Tôi soi gương
    Để thấy bầu trời
    Trong đôi mắt mình
    Chuyển màu

    Bóng tôi
    Nằm thiếp
    Trên bàn tay
    Sau bước đi
    Không điểm tựa
    Tiếng của đôi mắt
    Chao liệng
    Như những cánh nhạn
    Vết rạn đầu tiên của không gian

    Thanh âm tôi
    Thả trôi như quên lãng
    Hồn nhiên
    Trốn vùi ngái ngủ

    Chờ mưa
    Thức dậy
    Từ lúc chuyển dạ thời gian

    Nhịp điệu tôi
    Mắc cạn
    Đôi môi lẩm nhẩm đọc kinh
    Cúi đầu
    Đếm vô tận
    Cần mẫn
    Bốc cháy
    Nơi ủ tro của quán tính
    Thế giới
    Không chờ đợi
    sự chuyển động
    của tôi?


    Đồng dao

    Yên nghe…

    Đồng dao giấc ngủ
    Đồng dao hơi thở
    Đồng dao mùa vùi

    Tôi hát đồng dao
    Trên đường chân trời
    Giấc mơ bay như bong bóng
    Nỗi buồn nằm im như những viên đá cuội ngổn ngang

    Tôi hát đồng dao
    Trên bầu trời đổ mưa dưới đất
    Tên người chơi trò cút bắt
    Linh hồn gọi nhau đi cầu nguyện thành tâm

    Tôi hát đồng dao
    Trên cầu vồng
    Những điểm đen di động
    Những đường thẳng tập giữ thăng bằng

    Tôi hát đồng dao
    Trên những dấu chân của tôi
    Khuôn mặt mỏng tang
    Xa lạ đồng dao tiếng hát

    Yên nghe…

    Đồng dao giấc ngủ
    Đồng dao hơi thở
    Đồng dao mùa vùi

    Avignon 12/2005



Vắng chị
Trương Quế Chi



Chị sẽ lại cõng em
Trên tấm lưng không biết nói dối
Chị sẽ lại nhìn em cười
Để thấy đôi mắt mình là khoảng trời trong xanh...




    Thả bóng

    Gam bàn chân thở
    Xếp nếp
    Ngón chân mệt
    Hà hơi
    Chậm rãi
    Hát ru tôi
    Thả lên trời
    Bóng ngủ
    Buộc
    Ngón chân viển vông
    Ngốc nghếch
    Tôi bay
    Nằm lại
    Niềm vui cũ kỹ
    Ngơ ngẩn
    Nỗi buồn nhẹ tênh
    Lặng im
    Bóng đổ trầm
    Tôi bay
    Gam bàn chân thở
    Xếp nếp
    Ngón chân mệt
    Hà hơi
    Chậm rãi
    Hát ru tôi
    Thả lên trời
    Bóng ngủ
    Buộc
    Ngón chân lầm lũi
    Giận hờn
    Tôi rơi ...

    Avignon 2/2006


    Vắng chị

    Tặng sinh nhật của em Bống lần đầu tiên vắng mặt chị

    Chị muốn kể câu chuyện tình yêu đầu tiên của mình cho Bống
    Nhưng chỉ là màn sương mờ
    Ký ức bốc hơi từ cổ tích...

    Chị muốn kể câu chuyện nỗi buồn đầu tiên của mình cho Bống
    Nhưng chỉ là muội than
    Cháy đen lầm lũi...

    Chị muốn kể câu chuyện đức tin đầu tiên của mình cho Bống
    Nhưng chỉ là tiếng cầu nguyện
    Đổ bóng sau mỗi chiều...

    * * *

    Chị sẽ lại cõng em
    Trên tấm lưng không biết nói dối
    Chị sẽ lại nhìn em cười
    Để thấy đôi mắt mình là khoảng trời trong xanh...

    Chúng ta sẽ lại ngồi cùng một chỗ
    Cùng chung một nỗi buồn
    Cùng im lặng
    Cùng thơ dại

    Cùng cất tiếng cười chẳng giống ai...

    TP Avignon 04/12/2005



Phản ứng
Trương Quế Chi



    Những ngày không nhớ

    Tôi để tên mình mắc lưới
    Từ tốn
    Khâu lại vết xước trên da
    Loài cá chỉ biết đớp thức ăn công nghiệp
    Đứng nhìn
    Im lặng nhìn
    Mình hất những ca nước lạnh vào khuôn mặt trong gương
    Thứ mồi đã không còn hiệu nghiệm
    Cho những ngày không nhớ
    Tôi bỏ thói quen vào trong túi
    Như một bảo bối
    Nói dối cánh ruộng trắng mong chờ
    Loài cá chỉ biết đớp thức ăn công nghiệp
    Nghèo túng
    Mặc cả quần áo với những con bù nhìn
    Chép môi
    Ngủ chờ những ngày không nhớ
    Không biết đến bao giờ?
    Loài cá chỉ biết đớp thức ăn công nghiệp


    Phản ứng

    Một đứa trẻ
    Ngồi khóc
    Chờ dỗ dành
    Người đưa cho nó cuốn truyện
    Nó không đọc
    Vì nó biết “truyện cổ tích nào kết thúc chẳng giống nhau”
    Người đưa cho nó túi kẹo
    Nó không ăn
    Vì sợ bị mắc chứng béo phì “nhìn rất xấu”
    Người đưa cho nó cây súng chơi
    Nó không nhận
    Vì nó sợ lỡ tay giết người “Súng đồ chơi toàn đạn thật”

    Một đứa trẻ
    Ngồi khóc
    Chờ dỗ dành

    Những người lớn
    Ngồi khóc
    Hoang mang
    Vì không biết phải mang tới những gì cho đứa trẻ thôi khóc?


    (Trích tập thơ "Tôi đang lớn")








_______

thơ Trương Quế Chi tại Việt Nam Thư quán

Truyện Trương Quế Chi tại Việt Nam Thư Quán
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.09.2006 07:26:53 bởi sóng trăng >
#1
    sóng trăng 17.09.2006 11:48:23 (permalink)
    .

    VIỆT HOÀI
    Trương Quế Chi
    và... tiếng thở dài không nhẹ nhõm





    TT - Bé xíu và xinh xắn, Trương Quế Chi trẻ hơn cái tuổi 19 của mình, càng trẻ hơn so với những gì cô đã viết và đã in.

    Về nghỉ hè sau một năm học chuyên ngành truyền thông văn hóa của ĐH Avignon (Pháp), Trương Quế Chi chia sẻ những cảm nhận và suy nghĩ của mình về chuyện học hành, về cuộc sống và về thơ.

      Nỗi cô độc mọc dại ngút ngàn đường chạy
      Không hiểu tại sao lại khóc nhiều đến thế?
      Không hiểu tại sao lại buồn nhiều đến thế?


    * Nhà thơ - thiếu nữ đã viết như thế khi còn là học sinh phổ thông? Làm sao mà đã kịp buồn nhiều đến thế, trong khi 19 tuổi lại trẻ trung, xinh đẹp và yêu đời thế này?

    - Vâng, ai cũng bảo thơ tôi già trước tuổi, suy tư nhiều quá, buồn nhiều quá, tóm lại là “bà cụ non” quá, trong khi cuộc sống của tôi có thể nói là tràn đầy hạnh phúc: bố mẹ nuôi nấng đầy đủ, gia đình hạnh phúc, đi học thì có nhiều bạn bè, làm thơ thì được đăng và có lời khen. Rồi đi du học...

    Tóm lại là “không buồn vào đâu được”. Nhưng thật ra không phải như vậy, tôi nhìn cuộc sống với những lát cắt khác nhau, tôi chọn lấy những lát cắt nào đó, đẩy nó đến tận cùng với bản tính quyết liệt của mình, nuôi dưỡng cảm xúc trong suốt quá trình “đẩy” đó, và đến một lúc thấy nó đã thật sự “tận cùng” thì tôi viết ra. Đó là thơ của tôi. Chính vì thế mà trong thơ tôi có rất nhiều tự vấn: Mình là ai? Sống là gì? Sống để làm gì? Tình yêu là gì?

    Nhưng đến khi tôi vào ĐH, sống trong một môi trường giáo dục hoàn toàn khác, nơi mà sự tự học, sự chủ động trong cuộc sống, sự tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống được đặt lên hàng đầu và không chỉ bằng những câu hỏi siêu hình mà bằng những việc làm rất cụ thể hằng ngày thì tôi hiểu ra rằng mình... không còn thời gian để buồn và hình như còn không có cả cái quyền buồn nữa kia.

    * Sao lại thế? Quế Chi có thể nói rõ hơn được không?

    - Đơn giản thế này nhé: một tuần chúng tôi chỉ phải lên lớp có 2-3 buổi, mà cũng chỉ học có 3-4 tiếng mỗi buổi. Còn lại là tự đọc sách, tự đi xem phim, tự đi xem kịch, tự đi bảo tàng, tự làm các hoạt động trình diễn, triển lãm, thuyết trình với nhau.

    Tất cả những việc đó đều cần... tiền. Mà xung quanh tôi không có ai xin tiền cha mẹ cả (học phí đã đủ nặng rồi). Chúng tôi phải tự lao động để kiếm tiền. Chuyện rất bình thường mà, ai đi học ở bên này đều hiểu. Tôi đã đi làm bồi bàn, đi dạy tiếng Việt, đi trông trẻ, chăm sóc người già. Có những thời gian tôi làm một ngày cả chục tiếng, lúc về đến nhà mệt đến nỗi không kịp cả tắm giặt, đặt lưng xuống là ngủ.

    Đôi lúc tôi cũng tự hỏi: tại sao mình phải lao động vất vả thế này? Nhưng rồi lại nghĩ ngay: mình còn trẻ, còn khỏe thế này mà chỉ có việc hơi nặng nhọc một tí đã nản thì liệu sau này còn có thể làm gì được nữa? Vậy là sáng ra lại vùng dậy, tiếp tục công việc. Thật ra việc tiếp xúc với những vị khách trong quán ăn, những người già cô đơn cần chăm sóc đã cho tôi rất nhiều.

    Có những người già cần chăm sóc bằng cách tắm rửa, vệ sinh cá nhân, đẩy xe đi lại, nhưng cũng có những người chỉ cần được trò chuyện. Tôi ban đầu là phục vụ họ, nhưng dần dần tôi thấy giữa mình và họ có sự giao cảm, có cái gì hơn cả tình bạn.

    Khi nhận tiền công, thường là 10 euro một giờ, bao giờ tôi cũng chỉ lấy 8 euro và gửi lại 2 euro, số tiền ấy với nhiều người không có ý nghĩa gì cả, nhưng tôi muốn nói với những ông bà cụ ấy rằng: họ đã cho tôi nhiều hơn những gì tôi có thể mang lại cho họ.

    Và sau những công việc đó, quay lại với trường ĐH của mình, chúng tôi xem hai phim mới mỗi tuần, đi bảo tàng bất cứ lúc nào có thể (có nghĩa là vào ngày giảm giá vé, ngày miễn phí), chúng tôi diễn kịch trên đường phố, chúng tôi tập chụp ảnh (tôi thích chụp đen trắng và thậm chí đã rủ được hai cô bạn gái làm người mẫu... nude), chúng tôi hội thảo bằng tiếng Anh về những gì mới xem, mới làm hôm qua...

    Thật sự là tôi không còn lúc nào mà buồn, tôi cũng quên mất vì sao mình đã buồn, tôi cũng không còn đặt cho mình những câu hỏi cắc cớ đại loại như: “Mình là ai?” hay “Hạnh phúc là gì?” nữa.

    * Nhưng liệu hết buồn và hết hỏi cắc cớ thì có hết cảm xúc để làm thơ nữa không?

    - Đúng là tôi ít viết hơn, vì bận quá, cũng có thể vì tôi hơi khắt khe với cảm xúc của mình. Tôi hầu như không bao giờ viết ngay khi có cái gọi là xúc cảm ban đầu. Nó chỉ là một cái gì đó gợi cho tôi một mạch liên tưởng, một sự bắt đầu của một chuỗi hình ảnh hay ý tưởng mà tôi sẽ lần theo để đi đến bài thơ của mình.

    Tôi nuôi nó rất lâu và viết ra không dễ dàng gì. Nhưng tôi vẫn viết đấy chứ. Và vẫn có những... nỗi buồn khác, nỗi buồn... con gái chẳng hạn. Ai cũng trêu tôi là lớn thế này rồi mà mãi chả có ai yêu. Bạn bè cùng lớp tôi ở nhà cũng như ở bên đó ai cũng có đôi, nên nhiều lúc tôi thú thật là cũng lại thấy... buồn buồn.

    VIỆT HOÀI thực hiện


            Ngạc nhiên

              Cô gái 16 tuổi
              Có thói quen xưng tội hằng ngày
              Ngạc nhiên vì lỗi lầm không bao giờ hết.

              Cô gái 16 tuổi
              Tự viết cho mình câu chuyện cổ tích
              Ngạc nhiên vì không sao tìm nổi chút phép mầu.

              Cô gái 16 tuổi
              Thích giống một người đàn bà mặc áo đen tự sự
              Ngạc nhiên vì phát hiện mình không thể lớn nổi nhờ một bộ quần áo.

              Cô gái 16 tuổi
              Đi tìm tình yêu vĩnh cửu bằng cuộn len hồng
              Ngạc nhiên vì bị chàng trai đầu tiên cô gặp phản bội.

              Cô gái 16 tuổi
              Ngạc nhiên nhiều đến mức chẳng thể ngạc nhiên được nữa.

              Cô gái 17 tuổi...





    http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=162276&ChannelID=10
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.09.2006 11:51:24 bởi sóng trăng >
    #2
      sóng trăng 17.09.2006 11:57:17 (permalink)
      .

      NGUYỄN THỊ MINH THÁI
      Trăng mười sáu tròn rằm...






      Trăng đến rằm trăng tròn, dân gian Việt bảo thế. Nhưng cũng chính dân gian lại biết trăng mười sáu sau rằm mới thật là tròn trăng.

      Đọc tập thơ đầu tay Tôi đang lớn của Trương Quế Chi, dẫu biết chẳng nên đếm tuổi của thi sĩ quá trẻ này, tôi vẫn bị ám ảnh bởi vầng trăng mười sáu, đúng tuổi 16 Chi bắt đầu tập thơ này, và cuối tập thơ đã... 18 tuổi. Tôi đã thật sự bị ám bởi những vần thơ “tự thức” của một thiếu nữ biết mình đang lớn, đang trưởng thành trong thế giới. Mà thế giới bao quanh cô, kể cả thế giới nội tâm của cô, thảy đều đẹp đẽ, thân thuộc, bao dung, hồn nhiên, nhưng sao cũng đầy hiểm trở, bất trắc, phức tạp và khó lường.

      Vì thế, chẳng hề ngẫu nhiên thơ Trương Quế Chi khởi nguyên từ vầng trăng mười sáu “tròn rằm”, và tôi đồ rằng cái tròn rằm ở đây đã mang ngay trong lòng nó một vẻ đẹp tự thân nguyên tươi, lai láng thơ, đậm đặc thơ. Lần đầu nhìn thế giới bằng con mắt thơ đã thấy ngay những câu hỏi không dễ trả lời, thấy ngay điều phải vỡ lẽ nhất, bất ngờ nhất lại chính là tâm hồn mình và của những người mình thương yêu, thân mến nhất.

      Cũng không hề ngẫu nhiên tập thơ mang tên Tôi đang lớn, như thể người viết đang chia động từ ở thì hiện tại: tôi đang (cũng có nghĩa là tôi đã lớn, và tôi sẽ lớn). Đây là thông báo thơ hệ trọng và tinh tế, sâu sắc tính triết học mà thi sĩ trẻ này đã trữ tình hồn nhiên trong tập thơ đầu tay. Và đây cũng là phẩm chất thơ hiếm quí mà một thi sĩ đã đạt đến, không phải do tuổi trẻ sinh học tự nhiên, cái mà những người cầm bút hơn tuổi thường hay vỗ vai khen ngợi, mà là bởi một ý thức triết học hồn nhiên trong ngôn ngữ thơ của mình, cái mà theo tôi, hiện đang thiếu vắng trong thơ trẻ đương đại...

      Vì thế, có thể cảm nhận ngay rằng cả tập thơ của Chi là một tiếng thở dài không nhẹ nhõm dành cho sự thức nhận về thế giới, đã vốn rộng rinh, lại còn không ngừng xòa nở trước mắt trăng mười sáu.




      NGUYỄN THỊ MINH THÁI
      http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=162276&ChannelID=10
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9