Di Sản Thế Giới: Phố Cổ Hội An
HongYen 17.09.2006 11:49:01 (permalink)
Hội An Chính Thức Là Thành Phố Di Sản Thế Giới
THỨ SÁU 25 THÁNG TƯ 2003

(Quảng Nam - VNN) "Đô thị cổ Hội An đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức các thành phố di sản thế giới (OWHC)", ông Nguyễn Sự, chủ tịch thành phố Hội An vừa cho các báo trong nước hay như vậy. Theo một chuyên viên Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, lệ phí gia nhập OWHC là 500 đô la/năm. Khi nằm trong danh sách của OWHC, Hội An sẽ được hỗ trợ về phương diện liên kết quốc tế, phát triển du lịch đa thành phố, tham gia các hoạt động quảng bá tour cũng như những lớp học hay hội thảo chuyên đề nâng cao kỹ năng quản lý... Trong 3 tháng đầu năm 2003, khu du lịch đô thị cổ Hội An đã đón hơn 165.500 lượt khách thăm viếng, tăng 34% so với năm ngoái. Trong số đó, khách quốc tế chiếm 46% tương ứng với 77.000 lượt. Hiện nay Hội An có 1.360 di tích, danh lam thắng cảnh bao gồm nhiều loại.

Trong đó: Di tích kiến trúc - nghệ thuật là 1.269, 4 làng nghề truyền thống, 10 di tích - di chỉ khảo cổ học và 8 thắng cảnh. Hai dự án về du lịch đã và đang được thực hiện ở khu đô thị này là: Dự án đầu tư chạy dọc bãi biển Cửa Đại (100ha) từ Phước Trạch đến An Bảng gồm nhiều khu vui chơi công viên giải trí, khu biệt thự, làng du lịch nghỉ dưỡng. Dự án đầu tư tại Bãi Ông - Bãi Bàn thuộc Cù Lao Chàm với việc phát triển hoạt động thể thao biển như lặn nông, tìm hiểu đại dương... Phần lớn tour du lịch ở Hội An nhắm vào 6 hướng: Đảo Cù Lao Chàm, du lịch sinh thái Thuận Tình, biển Cửa Đại, Làng mộc Kim Bồng, Làng gốm Thanh Hà, Chùa Chúc Thánh - Mộ Nhật - làng rau Trà Quế. Tổ chức OWHC thành lập vào tháng 8/1993. Tính đến 31/12/2001, đã có 198 thành phố thuộc danh sách Di sản văn hoá thế giới gia nhập tổ chức này. OWHC có 7 thành viên ở châu Phi, 35 ở Mỹ La tinh, 20 ở châu Á - Thái Bình Dương, 19 tại các quốc gia Ảrập, còn lại thuộc châu Âu và Bắc Mỹ. Trụ sở OWHC đặt tại Québec City, nơi diễn ra hội nghị quốc tế đầu tiên Các thành phố di sản thế giới tháng 7/1991. Trong thời gian tới, OWHC sẽ tiến hành kế hoạch thiết lập mạng thông tin điện tử liên kết mọi thành viên, hoàn thành ngân hàng dữ liệu về lịch sử các thành phố này.

http://www.vps.org/article.php3?id_article=2587
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.06.2007 21:42:49 bởi HongYen >
#1
    HongYen 17.09.2006 11:50:49 (permalink)
    Tìm được di tích của một cây cầu thời thế kỷ thứ 17 ở thành phố cổ Hội An

    12/09/2006


    Một toán khảo cứu của Nhật Bản và Việt Nam đã đào được di tích của một cây cầu thời thế kỷ thứ 17 mà người ta cho là được xây dựng bởi những người Nhật đến lập cư ở thành phố Hội An miền trung Việt Nam.

    Cây cầu có gắn hình một ngôi chùa Phật giáo ở một bên được gọi là cầu Nhật Bản ở thành phố cổ Hội An. Cây cầu bằng gỗ đã được người Việt và người Hoa sinh sống ở Việt Nam sửa chữa nhiều lần từ thế kỷ thứ 18 và không còn giữ được hình dạng nguyên thủy của nó.

    Các nhà khảo cứu thuộc trường nữ đại học Showa ở Tokyo và Đại học Quốc gia Hà Nội đã tìm thấy những bộ phận bằng đất sét và các thanh gỗ hóa than dường như đã được dùng làm móng cho các chân cầu.

    Những di tích này được đào lên từ một lớp địa chất thế kỷ thứ 17 ở độ sâu 2,2 mét dưới một con đường ở chân cầu.

    Toán chuyên gia đã thực hiện công tác đào bới ở địa điểm này cùng với giới hữu trách thành phố làm công tác đặt ống cống ở đó.

    Theo một thành viên trong toán chuyên gia, thì sứ mạng sắp tới của nhóm là tìm cách bảo toàn những gì còn lại của cây cầu.

    Được biết nhiều người Nhật, cùng với người Hoa, người Hà Lan và người Ấn Độ đã định cư ở Hội An, một thị trấn nhỏ ở duyên hải trung bộ Việt Nam vào các thế kỷ 16 và 17, và là một trung tâm thương mại quan trọng thời đó.

    Thành phố cổ Hội An đã được liệt vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1999 như một điển hình của một thương cảng ở Đông Nam Á trong các thế kỷ từ 15 đến 19, với các kiến trúc phối hợp đặc biệt giữa mầu sắc địa phương và ảnh hưởng nước ngoài.

    http://www.voanews.com/vietnamese/2006-09-12-voa7.cfm
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.09.2006 12:23:11 bởi HongYen >
    #2
      HongYen 17.09.2006 12:03:56 (permalink)

      Thành Phố Cổ Hội An


      http://www.4so9.com/cauca/files/ban-doc/HoiAn/hoian01.jpg
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.09.2006 12:23:47 bởi HongYen >
      #3
        HongYen 17.09.2006 12:09:14 (permalink)
        Bản đồ thành phố Hội An
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.09.2006 12:24:25 bởi HongYen >
        #4
          HongYen 17.09.2006 13:31:16 (permalink)
          Hội Quán của người Hoa tại Hội An



          link: http://wikitravel.org/upload/en/6/6e/Hoi_an_chinese_meeting_hall.jpg

          http://wikitravel.org/en/Hoi_An
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.09.2006 13:33:53 bởi HongYen >
          #5
            BĂNG NGUYỆT 17.09.2006 17:56:14 (permalink)
            Duyên gì đó mà bn cũng đã được dạo ngang qua chỗ này rồi,...hih con phố chật hẹp như để làm ấm áp tình người...
            Cảm ơn Người....cảm ơn tất cả...đã cho bn biết được nơi này.
            #6
              HongYen 17.09.2006 22:25:18 (permalink)

              hih con phố chật hẹp như để làm ấm áp tình người...


              Chào Băng Nguyệt,

              Hèn nào hôm đó HY cũng thấy một thiếu nữ xinh đẹp đang lôi Chú Cuội xốc sếch; thì ra BN và phu quân đang dạo phố cổ.

              >>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>

              Hội An, Đà Nẳng

              [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1124/FACE07EAC8AD487B81267924565EE02F.JPG[/image]
              Attached Image(s)
              #7
                HongYen 17.09.2006 23:08:08 (permalink)
                Hội An hồi sinh sau nhiều thế kỷ bị bỏ quên


                Saturday, 08 April 2006
                Tác Giả Richard S. Ehrlich, Thái Tú Hạp lược dịch

                Lời người dịch:

                Tổ chức UNESCO (Giáo Dục Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc) vừa tổ chức cuộc họp tại thành phố Marrkesh, Marốc đã chính thức công bố nhận thêm 48 địa điểm trên thế giới vào di sản văn hóa của nhân loạị Trong danh sách này có 2 địa điểm Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam, Việt Nam.

                Theo lịch sử ghi nhận Hội An là thương cảng đầu tiên thuộc Đàng Trong ở giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, được đánh giá là thương cảng sầm uất vào đầu thế kỷ 16. Trải qua bao nhiêu biển dâu thăng trầm vẫn giữ nguyên vẹn những nét đẹp cổ kính với lối kiến trúc đặc thù mang tính chất văn hóa, lịch sử Thánh tích Mỹ Sơn mặc dù đã bị hư hại qua thời gian nhưng vẫn lưu dấu thánh địa của người Chăm qua các triều đại hưng thịnh từ thế kỷ thứ 10 tại miền đất Quảng Nam. Những bài khảo cứu về Thánh Địa Mỹ Sơn cũng như những tài liệu giá trị khảo cứu sâu sắc về Phố Cổ Hội An chúng tôi trân trọng giới thiệu quý độc giả tìm đọc Đặc San Quảng Đà từ số 1 đến số 8 xuất bản từ năm 1992 đến 1999. Có thể tìm mua tại các hiệu sách hoặc tại tòa soạn Saigon Times. Kỳ này chúng tôi xin được trích đăng từ Đặc San Quảng Đà số phát hành năm 1999 bài viết của Ký giả Richard S. Ehrlich khi ông ghé thăm Phố Cổ Hội An, đã đăng trên Tạp chí DYNASTY nổi tiếng xuất bản tại Đài Loan. Bài viết có tính cách khách quan qua nhận xét của một du khách ngoại quốc. Tuy không có những công trình khảo cứu sâu xa nhưng cũng thể hiện được những nét chính giòng văn hóa tiêu biểu của Phố Cổ Hội An qua nhiều thời đại. Và kỳ tới chúng tôi sẽ giới thiệu Thánh Địa Mỹ Sơn qua bài biên khảo của Giáo sư Kiêm Đạt.


                Nằm khép mình eo biển miền Trung Việt Nam, bên giòng sông Thu Bồn trầm mặc, Hội An được xem là thành phố cổ kính, có nhiều hấp lực như một cô gái duyên dáng nhất của bán đảo Đông Dương từ nhiều thế kỷ qua và mãi cho đến bây giờ. Mặc dù lịch sử như những cơn bão lửa thổi qua bao nhiêu khổ đau thăng trầm, vẫn sừng sững thách đố với thời gian, với lòng người nhân thế đến đi trong cõi tạm cuộc đờị Ngày nay, Hội An đã trở nên một trong những địa điểm có nhiều nét thu hút du khách đến từ phương xa thăm viếng, tìm lại bóng dáng cổ kính rêu phong mà Hội An tự nó đã tạo nên một sức hấp dẫn kỳ lạ, làm lưu luyến lâu dài trong tâm khảm nhiều người sau khi rời thành phố yêu dấu này của Việt Nam.

                Không phải bây giờ mà Hội An đã thực sự được nhắc nhở đến từ đầu thế kỷ 16, 17. Bến cảng Hội An đã rộn rịp đón tiếp thương thuyền của Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Pháp, Trung Hoa đến buôn bán hoặc trao đổi sản phẩm của nước ngoài và bản xứ. Chính sự hiện hữu của các thuyền nhân nước ngoài, đã thiết lập những cơ sở thương mãi, đền thờ và chùa chiền với mục đích để tạ ơn những vị Trời, Phật, Thần Thánh đã hiển linh cứu giúp, che chở họ vượt qua đại dương đầy hiểm nguy giông bãọ Nhờ mối giao lưu nồng nhiệt đó, Hội An đã trở thành một trung tâm điểm, kết hợp những giòng văn hóa đông tây sâu sắc tuyệt vời.

                Hội An, nơi chốn tạo nên nhiều cảm hứng cho những nhà địa chất học, những nhà khảo cổ muốn đi ngược giòng thời gian vài trăm năm về trước, hoặc trên những mảnh vụn bằng sành, bằng gốm của những thời đại hơn ngàn năm để tìm dấu vết của tiền nhân xuất hiện ở miền đất đầy di tích nàỵ

                Địa thế Hội An càng thuận lợi hơn, thiên tai bất hạnh cho những nơi khác nhưng hải cảng Hội An là nơi chốn trú ẩn an toàn trong những mùa giông bãọ Trong thời gian mưa gió này, những thương khách ngoại quốc có dịp lên bờ kết thân với người bản xứ, bổ sung thêm nước ngọt, thực phẩm, trao đổi hàng hóa và tu bổ tàu bè. Hội An cung cấp những mặt hàng được ưa thích và nổi tiếng như trầm hương, sừng tê, ngà voi, bông vải, đồi mồi, trai ốc, mật ong, cau khô, hồ tiêu, tơ lụa địa phương... Thương khách ngoại quốc cũng mang đến những sản phẩm như trà, thuốc bắc, đồ sứ đủ màu tuyệt đẹp, lưu huỳnh, vải vóc...

                Hội An được xem như trạm dừng chân lý tưởng khi gió mùa thổi ngang qua biển Nam Hải trên tuyến đường Nam Bắc Á Châu. Vào mùa xuân, gió mùa đổi hướng thổi những cánh buồm từ Nhật Bổn và Trung Quốc đến phương Nam và tắp vào hải cảng Hội An. Đợi khi mùa hạ gió bắc thổi về những thương thuyền lại ra khơi về cố xứ. Nhưng trong thời gian tạm dừng chân phiêu lãng, một số trong những thương thuyền đã luyến lưu tình cảm với những cô gái bản xứ nên quyết định tình nguyện ở lại xây tổ ấm tiếp tục mở cửa hàng buôn bán và chọn Hội An làm quê hương thứ hai đến trọn đời.

                Khoảng thời gian năm 1600, thương thuyền Nhật đã xây nên cầu Nhật gọi là Lai Viễn Kiều hiện nay, với lối kiến trúc hoàn toàn của bản sắc văn hóa Nhật. Theo truyền thuyết của người địa phương cho biết người Nhật xây cầu Nhật Bổn này để chống động đất. Nơi yếu điểm thân mình của con Rồng vĩ đại mà đầu ở Ấn Độ và đuôi ở Nhật Bổn, nếu không yểm bằng kiếm thiêng, con Rồng sẽ vươn mình làm cho thiên tai khủng khiếp có thể xảy ra không lường mức độ thiệt hại về nhân mạng và vật chất. Cùng thời gian đó các người Trung Hoa cũng đã hình thành khu phố Quảng Đông, trung tâm buôn bán với người bản xứ. Cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, Pháp đã theo các thương thuyền ghé đến Hội An để truyền đạọ Một trong những vị giáo sĩ lừng danh nhất của Pháp là Alexandre Rhodes đã đến Hội An và tại thành phố cổ kính ông đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ từ tiếng La tin, dễ đọc và thông dụng cho đến ngày naỵ Vào thế kỷ 18 và 19, những biến cố tang thương vì sự tranh ngai giữa những nhân vật trong hoàng tộc ở kinh thành Huế đã phá hủy di sản quý báu cổ kính của Hội An.

                Sau những biến cố kinh hoàng đó, nền kinh tế phồn thịnh của Hội An cũng bị ảnh hưởng suy thoái nặng nề. Các thương thuyền không đến nữa vì nạn bế quan tỏa cảng, con sông Hội An mỗi ngày bị bùn lầy hoang phế. Cũng từ những đổ vỡ tiêu điều, các quan viên trong các triều đại kế tiếp kết hợp với những nhà đầu tư địa phương quyết định lập nên hải cảng Đà Nẵng mà người Pháp gọi là Tourane, vì Đà Nẵng có hải cảng lớn rộng hơn, đất đai rộng rãi, thuận lợi phát triển về kinh tế. Thế là từ đó Hội An bị chìm vào quên lãng. Như một cô gái duyên dáng thầm lặng nhưng phải tự lo liệu số phận của mình. Gió bão cũng tàn phá lần hồi những tuyến đường xe hỏa từ Đà Nẵng - Hội An từ đầu thế kỷ 19 và Hội An không đủ ngân khoản để trùng tụ Những thế hệ trai trẻ hậu sinh của Hội An cũng đã ruồng bỏ "người tình cổ kính" để chạy đuổi theo ánh sáng đô thành rực rỡ hơn những ngọn đèn vàng hiu hắt. Cũng may Hội An đã vượt qua tầm tay lửa đạn của hai cuộc chiến khủng khiếp Pháp - Việt trong thời gian cả trăm năm và hơn hai mươi năm nội chiến. Hội An như người đẹp ngủ trong rừng lâu năm bỗng nhiên vươn vai đứng dậy chào đón du khách viễn phương đến thăm viếng. Hội An đã đi vào lịch sử. Những năm sau 1980 các nhà học giả, khảo cổ ngoại quốc đã đến thăm viếng Hội An và đã thích thú khám phá những kiến trúc giá trị về nghệ thuật của Hội An từ mấy trăm năm về trước nên những nhà bác học khảo cổ danh tiếng này đã thuyết phục Hội Đồng Unesco của Liên Hiệp Quốc nên tặng một số ngân khoản để trùng tu Hội An và từ đó Hội An đã trở thành một trong những trọng điểm du lịch của thế giớị Hơn 60,000 cư dân của thành phố Hội An vui mừng đón nhận những nụ cười từ khắp bốn phương trời mang đến. Hội An thực sự đã hồi sinh. Ngôi chợ giữa phố ở ven sông Sài Giang từ sáng sớm đã thấy tụ hội đông đảo với đầy đủ các mặt hàng rau trái tươi xanh bên cạnh những hàng tôm cá vừa đem lên từ những ghe thuyền Cửa Đạị Trên sông Hội An tấp nập ghe đò ngược xuôị Đầu thuyền chở du khách cô lái đò e thẹn chỉ hai bên bờ giới thiệu những vòm lá cây xanh, những tên làng tên xóm. Trẻ thơ tung tăng thả diều, đàn bà đang giặt dũ và những người đàn ông an nhàn buông cần trên bờ sông.

                Những ngôi nhà cổ ở Hội An cũng được du khách nhiệt tình chiếu cố đến: Như những du khách chúng ta gặp ở khu Beverly Hills hoặc Hollywood, tay cầm bản đồ hướng dẫn để đến xem những căn nhà lộng lẫy của các đại minh tinh. Tại Hội An, du khách cũng cầm trên tay những bản hướng dẫn để đến thăm những ngôi nhà cổ kính xây dựng từ những thế kỷ 16, 17 mà nay vẫn sừng sững tồn tại qua mưa gió thời gian. Mái ngói âm dương đầy rêu xanh. Du khách được chủ nhân hân hoan mời vào xem bên trong những cây cột cây kèo được chạm trổ tinh vi, những tủ thờ bàn ghế đều bằng gỗ quý đen mun chạm trổ khá mỹ thuật có hình tượng lịch sử, hoa điểu ngư tiều, những phong cảnh Trung Hoa và Việt Nam. Trên các kệ tủ trưng bày những món đồ cổ giá trị như bình, chén trà, độc bình cắm hoa, lư hương...đều là đồ sứ trắng, lam ngọc hay những màu sắc hài hòa đúng mức xinh đẹp đem đến từ Trung Hoa theo các thương thuyền, từ mấy trăm năm trước. Đa số các nhà ở Hội An đều thiết trí bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên ông bà cha mẹ hương khói nghi ngút. Hai bên hoặc ở trên bệ thờ có treo những tấm phướng hoặc liễng bằng vải nỉ có thêu bông hoa hay rồng phượng chung quanh và kết những hạt kim cương giả lấp lánh với những câu viết chữ Trung Hoa như rồng bay phượng múa. Dân cư ngụ trong thành phố Hội An không phải ai cũng làm ra tiền hay giàu sang phú quy, cũng có những người lao động thật vất vả mới đủ sống qua ngàỵ Những màu sắc tươi thắm của các màu sơn mới phết lên tường thành của các chùa chiền làm tăng thêm vẻ lộng lẫy, tuy nhiên đã làm giảm đi ít nhiều nét đẹp cổ kính tự nhiên như bức tranh thủy mạc thanh thoát, cổ kính từ nguyên ủỵ Lần đầu tiên Hội An đã bị bỏ quên hàng mấy trăm năm, mới tìm lại cái sinh khí ngày xưa, khi các thương thuyền nước ngoài tấp nập ghé lại thăm thành phố Hội An êm đềm, trầm lắng dễ thương, để rồi ra đi mang niềm lưu luyến khôn nguôi.


                Last Updated ( Saturday, 08 April 2006 )

                http://www.xuquang.com/mambo/index.php?option=com_content&task=view&id=267&Itemid=51
                #8
                  HongYen 17.09.2006 23:17:03 (permalink)

                  Tổ chức UNESCO (Giáo Dục Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc) vừa tổ chức cuộc họp tại thành phố Marrkesh, Marốc đã chính thức công bố nhận thêm 48 địa điểm trên thế giới vào di sản văn hóa của nhân loại. Trong danh sách này có 2 địa điểm Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam, Việt Nam.


                  UNESCO: United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization



                  http://portal.unesco.org/en/ev.php-URL_ID=11707&URL_DO=DO_TOPIC&URL_SECTION=201.html
                  #9
                    HongYen 17.09.2006 23:26:16 (permalink)
                    Xứ Quảng và xứ Tây Sơn - giữa đại vùng văn hóa ven biển miền Trung


                    Written by Lê Văn Hảo
                    Saturday, 18 March 2006

                    Xứ Quảng là tên gọi thân quen của vùng đất hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, còn xứ Tây Sơn thì hiển nhiên là mảnh đất tỉnh Bình Định, quê hương của những người áo vải đã làm nên một triều đại ngắn ngủi (chưa đầy ba thập niên) nhưng để lại một tiếng vang khá lớn trong lịch sử.

                    Trên bản đồ địa-văn hóa của Việt Nam nước non ngàn dặm, có thể thấy văn hóa xứ Quảng là tập đại thành của bốn tiểu vùng văn hóa : Quảng Nam, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi ; và văn hóa xứ Tây Sơn là vùng văn hóa Bình Định – Qui Nhơn, nằm ngay chính giữa đại vùng văn hóa miền Trung.


                    Tiểu vùng văn hóa Quảng Nam

                    Trước khi nói tới hai trung tâm văn hóa Đà Nẵng và Hội An, cần đề cập tới môi trường văn hóa độc đáo chung quanh là đất Quảng Nam. Với hai triệu dân sống trên diện tích 12.000 km2, đây là một trong những tỉnh lớn của miền Trung, với những dòng sông lớn : Sông Hàn, Thu Bồn, Tam Kỳ ; núi rừng chiếm hơn 60% đất đai và cung cấp nhiều loại gỗ quí, nhiều đặc sản : quế Trà Mi, hồ tiêu Tiên Phước, hoa trái Đại Bường, đồ thủ công mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn...

                    Biển Quảng Nam cung cấp nước mắm Nam Ô, yến sào Cù Lao Chàm, nhiều bãi tắm đẹp: Non Nước, Mỹ Khê, Sơn Trà... Đất Quảng còn có một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng nhờ khí hậu ôn đới : Bà Nà. Núi Bà Nà (huyện Hòa Vang) cách Đà Nẵng 35 km và cao 1.470 m, trên đỉnh núi địa hình bằng phẳng như một vùng cao nguyên nhỏ, với nhiệt độ chỉ xê dịch từ 17 đến 20°C và thời tiết bốn mùa trong một ngày : sáng xuân, trưa hè, chiều thu, đêm đông, giữa rừng cây xanh um, đồi thông bát ngát. Cũng như Hải Vân cách đó không xa, Bà Nà có một đặc điểm mà hiếm vùng nghỉ mát nào có được : mây trời chỉ bay lượn ở lưng chừng núi, còn vùng bằng phẳng trên đỉnh luôn quang đảng nhờ đó mà du khách được đắm mình trong một toàn cảnh núi-sông-trời-biển mà như đang bồng bềnh bay giữa trăm gió ngàn mây...

                    Người xứ Quảng cũng tự hào về một thắng cảnh độc đáo khác của quê hương: bán đảo Sơn Trà, cách Đà Nẵng chưa đầy 15 km. Sau ngót 30 năm chiến tranh, Sơn Trà ngày nay vẫn nguyên vẹn là một bảo tàng thiên nhiên của cuộc sống hoang dã. Dài 15 km, chỗ rộng nhất 5 km, với một đỉnh núi cao nhất là 700 m, Sơn Trà còn giữ được 4.500 hecta rừng nguyên sinh, với 289 loài thực vật bậc cao, nhiều loài thú quí hiếm như gà tiền mặt đỏ, khỉ đuôi dài và nhất là hơn 400 khỉ voọc chà.

                    Bờ biển Sơn Trà dài 50 km, với nhiều bãi tắm hoang sơ, nước xanh màu ngọc bích. Sau khi bơi lặn, du khách có thể ra khơi theo dõi dân chài đánh cá, câu mực, săn tôm hùm hay leo núi quan sát những con chim, con khỉ quí hiếm. Từ bán đảo Sơn Trà có thể đi thăm làng cổ Phong Nam của huyện Hòa Vang, nơi còn giữ được nhiều đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ tổ, nhà cổ, giếng cổ mang nét đặc trưng của một làng quê miền Trung với tuổi đời bảy thế kỷ.

                    Xứ Quảng là quê hương của nhiều lễ hội dân gian nổi tiếng như lễ hội Bà Thu Bồn (12 tháng 2 âm lịch): bà vốn là một nữ thần Chăm mà người Việt vẫn thờ cúng và kính cẩn gọi là Bồ Bồ phu nhân ; lễ tế cá Ông tại những làng có đền, miếu thờ "Ông" : người Chăm và người Việt ở miền Trung từ lâu đã xem "Ông" (cá voi) là ân nhân của dân chài và những tàu thuyền gặp nạn trên biển ; sau phần tế lễ luôn luôn có hát bả trạo, hát bội, hát hò khoan...

                    Trong kho tàng văn hóa ẩm thực Việt Nam, xứ Quảng đã có những đóng góp tốt đẹp và độc đáo: mì Quảng, cao lầu Hội An, bò tái Cầu Mống, bánh tráng cuốn thịt heo, giò ốc, ốc vú nàng, bánh vạc, bánh bao, bánh tổ, v.v.
                    Mì Quảng bây giờ đã là món ngon thân quen của người Việt ở nhiều nơi, không thua gì phở Bắc, bún bò Huế, hủ tiếu Mỹ Tho... nhưng thưởng thức được một tô mì Quảng tuyệt chiêu thì phải là loại mì chế biến từ bột bánh làm bằng gạo Phú Chiêm, với tôm cua Cửa Đại và rau thơm Trà Quế.

                    Cũng như món cao lầu Hội An, phải chọn cho được một trong hai thứ gạo thơm thuần chủng địa phương để chế biến sợi cao lầu vừa mềm vừa dai. Chọn thịt heo nạc làm xá xíu rồi bánh tráng nướng, loại bánh tráng dày, rắc thật nhiều hạt mè trắng và nước cốt dừa ngậy béo, cộng thêm rau đắng, rau thơm, rau cải non Trà Quế, thêm một chút nước mắm Nam Ô : đó là tô cao lầu phố Hội lý tưởng vang bóng một thời !

                    Nói tiểu vùng văn hóa Quảng Nam thì cũng phải nhắc tới kho tàng văn nghệ dân gian của nó với vè Quảng, hò đi cấy, hò xay lúa, hò tát nước, hò giã gạo, hò giã vôi, hò đạp xe nước, hò khoan, hò ba lý, hát bã trạo, hát nhân ngãi, hô bài chòi... với thổ ngữ và cái giọng Quảng chắc nịch, đậm đà :

                    Ví dầu tình bậu muốn thôi
                    Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
                    Bậu ra cho khỏi tay qua
                    Cái xương bậu nát cái da bậu mòn!



                    Tiểu vùng văn hóa Đà Nẵng

                    Là thành phố lớn vào hàng thứ tư sau Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, nằm ngay chính giữa đất nước, trung tâm kinh tế lớn nhất của miền Trung với cảng biển lớn và sân bay quốc tế, Đà Nẵng có nhiều thắng cảnh và một chiều dày văn hóa đáng kể bên cạnh Hội An và Mỹ Sơn lừng danh.

                    Hai trọng điểm văn hóa-du lịch của Đà Nẵng là thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và Viện Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm. Ngũ Hành Sơn dân gian quen gọi là hòn Non Nước hay núi Non Nước là một quần sơn tươi đẹp ở phía đông-nam thành phố gồm năm ngọn núi mang những cái tên đầy ý vị triết học phong thủy, liên quan đến năm yếu tố cơ bản của vũ trụ, mà cũng là những vật thể thiết thân với con người : đất-nước-gỗ-vàng-lửa. Ở phía bắc là Thủy Sơn, phía đông Mộc Sơn, phía tây Kim Sơn, phía nam Hỏa Sơn, ở giữa Thổ Sơn, với Biển Đông trước mặt. Đó là một toàn cảnh sơn thủy hữu tình, một biểu trưng cho hồn nước non, cho tình thiên nhiên đất nước bất diệt trong tâm linh Việt.

                    Thủy Sơn là núi lớn và đẹp nhất, đường lên núi lát đá xếp thành bậc dẫn đến chùa Tam Thai, sau chùa là động Huyền Không thờ Quan Âm và Thích Ca, trần động cao thông với bầu trời và ánh nắng tạo ra một tiểu cảnh huyền ảo. Trên đỉnh Thủy Sơn có Vọng Giang Đài và Vọng Hải Đài, từ đây du khách say sưa ngắm sông Hàn uốn lượn quanh co và Biển Đông lai láng một hồn thơ xanh diệu vợi, xa xa quần đảo Cù Lao Chàm ẩn hiện như một tác phẩm điêu khắc nửa thực nửa hư dưới ánh bình minh hay trong bóng hoàng hôn.

                    Người Việt mãi mãi biết ơn dân tộc Chăm đã tặng cho Việt Nam và thế giới một vật báu thứ hai của nước non Đà Nẵng : Viện Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm (sẽ được nói kỹ hơn khi đề cập tới vùng văn hóa xứ Chăm).


                    Tiểu vùng văn hóa Hội An

                    Xưa gọi là Faifo, Hải Phố, Hoài Phố, đô thị cổ Hội An của tỉnh Quảng Nam vốn là một thành phố cảng lớn của vương quốc Champa trên vùng đất Amavarati từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ 15. Đầu thế kỷ 14, đám cưới Việt-Chăm Huyền Trân - Chế Mân (1306) với của hồi môn Ô Ri đã làm cho biên giới Đại Việt vươn tới vùng đất bắc Quảng Nam. Sau 1471, vùng đất từ Quảng Nam đến Bình Định đã nằm trong bản đồ Đại Việt.

                    Hội An ra đời từ đó và, nhờ hải cảng lớn của nó ở sông Thu Bồn là Cửa Đại Chiêm mà người Việt quen gọi tắt là Cửa Đại, đô thị cảng này đã phát triển mạnh dưới thời các chúa Nguyễn cho đến cuối thế kỷ 18 thì suy tàn vì nội chiến Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn.

                    Cách không xa những địa danh Chăm lừng lẫy một thời (kinh đô Trà Kiệu, thánh địa Mỹ Sơn), Hội An ngày nay là một trung tâm văn hóa - du lịch lớn, với tư cách là một di sản văn hóa thế giới. Nhìn lại lịch sử, Hội An có nhiều lý do để tự hào : di tích Việt-Hoa sớm nhất là chùa Chúc Thánh (khởi dựng năm 1454). Người Nhật, người Hoa cùng các giáo sĩ, thương nhân phương Tây đã đóng góp nhiều cho sự phồn thịnh của Hội An. Người Hoa đến sớm lập ra phố người Đường, xây miếu Quan Công (1653) cùng nhiều chùa và hội quán ở các thế kỷ 17-18. Người Nhật còn đến sớm hơn, từ cuối thế kỷ 16, họ đã lập ra phố người Nhật, dựng cầu Nhật Bản (1593) bên trên có Chùa Cầu. Người Việt tất nhiên có mặt sớm nhất (ngay sau khi Lê Thánh Tông làm chủ vùng đất Vijaya, 1471) ngót một trăm năm trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận-Quảng (1558-1613).

                    Ngày nay, ở thế kỷ 21, Hội An không còn vai trò quan trọng về kinh tế như Đà Nẵng nhưng lại là một trung tâm văn hóa lớn với diện tích hơn 60 km2 và khoảng 100.000 dân.

                    Ngay từ trước 1999 (năm Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới), Hội thảo quốc tế về đô thị cổ Hội An được tổ chức tại Đà Nẵng (1990), sau đó là Hội thảo khoa học về đô thị cổ Hội An được tổ chức tại Tokyo (1994) với sự tham dự của hơn 120 nhà khoa học Nhật Bản, Việt Nam và nhiều nước khác. Sau đó đã ra đời bộ phim "Hội An, diện mạo của quan hệ Việt-Nhật sau 400 năm" của nhà điện ảnh Yasushima Nakamura, quay tại Hội An (1994). Từ sau 1999 đến nay (2005), ngành văn hóa Hội An, được sự giúp đỡ của bộ văn hóa và các tổ chức văn hóa quốc tế, đã sửa chữa, trùng tu được cả thảy 900 di tích và công trình kiến trúc lớn nhỏ : miếu, đình, chùa, hội quán, nhà thờ họ, nhà cổ, mộ cổ, giếng cổ... Chăm, Việt, Nhật, Hoa.

                    Từ 1997 đến 2000, Việt Nam đã hợp tác với Nhật Bản và nhiều nước khác để trục vớt một chiếc tàu cổ bị đắm cách nay khoảng 500 năm tại một vùng biển gần Cù Lao Chàm ngoài khơi Hội An. Sau ba năm khai quật, các nhà khảo cổ và chuyên gia cổ vật quốc tế đã phát hiện được khoảng 240.000 hiện vật còn nguyên vẹn có niên đại thế kỷ 15, chủ yếu là đồ gốm Chu Đậu trước đây (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay). Các bên tham gia khai quật con tàu bị đắm đều nhận được một phần kho báu. Riêng về phần của Việt Nam, Bảo Tàng Quảng Nam đã nhận khoảng 1/5 số lượng cổ vật và đã chuyển một số cho Bảo Tàng gốm sứ Hội An để du khách đến đô thị cổ này khám phá được những kiệt tác gốm Chu Đậu, một trong hai đỉnh cao của kho tàng gốm Việt Nam, bên cạnh gốm Bát Tràng.

                    Từ ngày Hội An được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, đời sống văn hóa của đô thị cổ đã trở nên vô cùng hào hứng, sôi nổi. Du khách nước ngoài nườm nượp đến. Nếu vào đầu thập kỷ 1990 của thế kỷ 20 chỉ có lèo tèo vài trăm du khách quốc tế đến tham quan Hội An thì vào những năm cuối của thập kỷ con số đó đã lên tới hàng trăm ngàn lượt người, và đến nay phải tính con số hàng triệu.

                    Đúng như Nguyễn Phước Tương, nhà Hội An học xuất sắc, mới đây đã viết: "Hội An thời nào cũng đẹp : là đô thị thương cảng, trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa và gốm sứ quốc tế xuyên đại dương, nối liền phương Đông và phương Tây dưới thời chúa Nguyễn của Đàng Trong Đại Việt, là cái nôi ra đời của chữ quốc ngữ đầu thế kỷ 17 [...], là di sản văn hóa thế giới".

                    Hội An cũng đã đoạt giải thưởng "dự án kiệt xuất về hợp tác, bảo tồn di sản văn hóa thế giới" tại cuộc thi Di sản Châu Á-Thái Bình Dương do UNESCO tổ chức vào năm 2000.


                    Tiểu vùng văn hóa Quảng Ngãi

                    Ở phía nam Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng là một tiểu vùng văn hóa độc đáo của miền Trung với 1,3 triệu dân sống trên 5.200 km2 diện tích : địa hình núi thấp, xen thung lũng ở phía tây với các đỉnh núi Đá Vách, Làng Rầm (1.100 m), đồng bằng tích tụ và cồn cát ven Biển Đông được tưới tắm bởi những dòng sông đẹp : Vệ, Trà Bồng, Trà Khúc xuôi về Cửa Đại, Cửa Lò.

                    Quảng Ngãi nổi tiếng với đường mía (cát, phổi, phèn), kẹo gương, mạch nha..., những bánh xe nước to lớn, đường kính 12 m, làm bằng tre nứa gỗ quay suốt ngày đêm, vừa làm ruộng lúa, ruộng mía phì nhiêu, vừa làm phong cảnh đồng quê sống động, đẹp vui. Nay mai Quảng Ngãi sẽ vừa là một trung tâm kinh tế vừa là điểm du lịch hấp dẫn với núi Thiên Ấn, sông Trà Khúc, thành cổ Châu Sa, đồn Cổ Lũy, chùa Ông, chùa Hang, di tích khảo cổ học Sa Huỳnh nổi tiếng với các khu mộ táng tiêu biểu cho văn hóa Sa Huỳnh cội nguồn của văn hóa Champa, cách nay hơn 2.000 năm, và không khí rộn rã của các lễ hội nghinh ông là lể hội nước lớn nhất của ngư dân vùng biển Quảng Ngãi, với những đêm diễn hát bội, hát bả trạo tưng bừng, xen lẫn với những hò chèo thuyền, hò mái nhặt, hò đẩy xe mía, hố giựt chì, lý thương nhau, lý bơ thờ... thâu đêm suốt sáng.
                    Văn hóa xứ Tây Sơn của vùng Bình Định Qui Nhơn.

                    Bình Định có địa hình đa dạng: vùng núi, vùng giáp núi, vùng đồng bằng và vùng bãi bồi ven biển. Huyện Phù Cát có suối nước khoáng, thành phố tỉnh lỵ là Qui Nhơn có cảng biển thuộc loại lớn của miền Trung. Bình Định có những đăïc sản nổi tiếng : tơ lụa, yến sào, tôm cá, gỗ quí, trầm hương...

                    Vùng đất này còn lưu giữ nhiều di tích kiến trúc và văn hóa Champa từ thế kỷ 15 về trước, nơi đã từng là một trong những kinh đô của vương quốc Chăm : Vijaya, và đã hiên ngang đi vào lịch sử Việt Nam ở các thế kỷ 17, 18, 19 với những danh nhân, anh hùng, hào kiệt : các chúa Nguyễn, Đào Duy Từ, Quang Trung, Đào Tấn... để trở thành một cái nôi của nghệ thuật hát bội, dân ca bài chòi, hát bả trạo, quê hương của môn phái võ Tây Sơn và điệu múa trống trận thể hiện tính cách thượng võ và sức sống mãnh liệt của người dân vùng văn hóa này.


                    Những lễ hội đặc sắc vùng Bình Định - Qui Nhơn

                    Lễ hội vui nhộn nhất của vùng này là lễ hội Đỗ Giàn tổ chức vào ngày rằm tháng 7 hàng năm tại Chùa Bà, làng An Thái, huyện An Nhơn. An Thái là một làng võ lâu đời, đã từng sản sinh ra nhiều võ sư, võ sĩ xuất sắc của đất Bình Định và của Việt Nam. Cho nên, ngoài ý nghĩa lễ Vu Lan, lễ báo hiếu của nhà Phật, đây còn là một lễ hội thượng võ, hội đua tài giữa các hào kiệt trẻ già ở các làng võ quanh vùng. Tục ngữ địa phương nói : Trai An Thái, gái An Vinh là để nói lên đặc trưng của hai làng cùng uống chung dòng nước sông Côn mà một bên là con trai giỏi võ nghệ, một bên là con gái đẹp nổi tiếng. Phần hấp dẫn của lễ hội là hát bội, nhưng cái đinh của lễ hội lại là cuộc tranh tài cướp heo quay, vật cúng thần được tung từ trên giàn cao xuống để các võ sĩ tranh nhau cướp cho được con heo quay đem về cho làng mình.

                    Lễ hội long trọng và qui mô lớn nhất của Bình Định là lễ hội Tây Sơn được tổ chức tại nhiều làng của huyện Bình Khê cũ, nay đổi tên là huyện Tây Sơn. Đông đảo và tưng bừng nhất là lễ hội tổ chức tại làng Kiên Mỹ, quê hương và cũng là nơi dấy binh của ba anh em Tây Sơn. Lễ hội diễn ra trong nhiều ngày, mồng 5 tháng Giêng (kỷ niệm chiến thắng Đống Đa) là ngày lễ chính. Trước sân điện thờ và nhà bảo tàng Tây Sơn, tiếng trống đại vang lên trong không khí trang nghiêm thơm ngát mùi trầm ; vị chánh tế đọc bài văn tế ôn lại sự nghiệp của phong trào Tây Sơn và những thành tựu của triều đại Tây Sơn (1770-1802), các đoàn đại biểu đến từ nhiều miền của đất nước dâng hương trước điện thờ. Dàn nhạc võ 12 trống vang lên từ khúc thúc quân đến khúc khải hoàn.

                    Từ phái võ Tây Sơn đến nhạc võ Tây Sơn hào hùng
                    Bình Định - Qui Nhơn là đất thượng võ, quê hương của anh hùng nông dân Lía đã được dân gian bất tử hóa qua áng Vè Chàng Lía :

                    Chiều chiều én liệng Truông Mây
                    Gẫm thương chú Lía bị vây trong Thành,


                    cũng là quê hương của bà Bùi Thị Xuân và nhiều anh hùng khác của phong trào Tây Sơn đã đi vào ca dao, truyền thuyết và giai thoại, và nhất là quê hương của người anh hùng đã được công chúa Ngọc Hân ca ngợi trong Ai tư vãn:

                    Rằng nay áo vải cờ đào
                    Giúp dân dựng nước xiết bao công trình!


                    Từ vùng đất này đã ra đời một phái võ làm rạng danh truyền thống võ nghệ Việt Nam từ nhiều thế kỷ nay : phái võ Tây Sơn. Hàng năm phái võ này sống lại rạng rỡ trong lễ hội Tây Sơn, và hàng trăm ngàn người hành hương về đây để được nghe lại âm hưởng của khúc nhạc trống trận, được chiêm ngưỡng những thế võ, bài quyền bất hủ, nào là long quyền, hổ quyền, kê quyền, quyền gà chọi... gắn liền với tên tuổi Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ là những võ sĩ đã góp phần cách tân, nâng cao võ thuật Tây Sơn ở các môn côn, quyền, song kiếm, đại đao...

                    Võ thuật Tây Sơn cũng đã thăng hoa thành nghệ thuật âm nhạc. Đó là điệu múa-nhạc trống võ Tây Sơn mà mười mấy năm nay, những người dự lễ hội Tây Sơn tại Bình Định được thưởng thức qua tài nghệ của một thiếu nữ - cháu bảy đời của dòng tộc Nguyễn Huệ - mặc áo chẽn đỏ (hay trắng), quần màu hồng nhạt, lưng thắt đai xanh, hai tay múa cặp dùi lướt chớp nhoáng trên cả 12 mặt của bộ trống trận Tây Sơn, với một phong thái làm chủ oai phong vô cùng điệu nghệ, lại được tiếng kèn và nhịp chập chõa phụ họa, tạo nên một ấn tượng hùng tráng tuyệt vời.

                    Lê Văn Hảo (Paris)


                    http://www.xuquang.com/mambo/index.php?option=com_content&task=view&id=188&Itemid=51
                    #10
                      HongYen 18.09.2006 10:49:14 (permalink)
                      QUẢNG NAM

                      Nguyễn Thanh Liêm

                      Theo sách sử thì những người Việt Nam đầu tiên vào khai khẩn mở mang Miền Nam là những người đến từ vùng Thuận Quảng. Thuận đây là châu Thuận Hóa và Quảng tức là Quảng Nam. Truy ra nguồn gốc thì phần lớn người Nam Kỳ đều xuất phát từ đất Quảng Nam này. Quảng Nam chiếm vị thế rất quan trọng trong lịch sử và địa lý của nước Việt Nam. Từ xưa đây là ải địa đầu hướng về và mở rộng (Quảng) ra ở Phương Nam của người dân Việt, nhất là người dân Việt chối từ sự thống trị của Chúa Trịnh tham quyền và nhà Lê suy mạt. Từ lúc Đàng Trong của Chúa Nguyễn thành hình thì Quảng Nam đã từng là nơi cung cấp cho chính quyền Phương Nam rất nhiều vật lực cũng như nhân tài để bảo vệ quê hương và mở mang xứ sở, tạo nên một nước Việt mới hùng mạnh vào bậc nhất ở vùng Đông Nam Á.

                      Tỉnh Quảng Nam, thời Việt Nam Cộng Hòa, là một tỉnh lớn của Miền Trung, giáp giới với tỉnh Thừa Thiên ở phía Bắc và tỉnh Quảng Tín ở phía Nam (bây giờ là giáp tỉnh Quảng Ngãi ở phía này). Phía Đông của Quảng Nam là biển Đông Hải và phía Tây là núi rừng Ai Lao. Quảng Nam cách biệt với Ai Lao bởi dãy Trường Sơn, dãy này có những ngọn cao hơn 1000 mét như núi Bà Nà (cao 1400 m), núi A Tuất (cao 2500 m). Ở phía Bắc là núi Hải Vân ngăn chia Quảng Nam với Thừa Thiên. Ở phía Nam cũng có dãy núi phân cách Quảng Nam với Quảng Ngãi. Tuy bị nhiều núi non làm cho đồng bằng phải thu hẹp lại nhưng Quảng Nam vẫn còn tương đối rộng hơn nhiều tỉnh khác ở Miền Trung, có nơi từ bờ biển vào giáp núi dài trên 40 cây số. Bờ biển Quảng Nam chạy từ đèo Hải Vân đến vịnh Dung Quật, dài trên 100 cây số, nhiều quãng có bãi cát trắng rộng từ hai đến bốn cây số. Quảng Nam có nhiều sông ngang dọc thuận tiện cho giao thông thủy lợi. Những sông chính ở đây là sông Thủy Tú, sông Cẩm Lệ, sông Yên, sông Vĩnh Điện, sông Thu Bồn, sông Trường Giang, sông Ly Ly, sông Tam Kỳ, sông Vĩnh An, sông Cây Trâm, sông Trầu. Hầu hết là những con sông ngắn và hẹp. lưu lượng không điều hòa trừ ra sông Thu Bồn. Thu Bồn là con sông dài nhất của tỉnh Quảng Nam chảy từ nguồn Chiên Đàn ra đến cửa Đại, dài cả trăm cây số, khi thì len lỏi giữa núi non hiểm trỡ, khi thì nhọc nhằn leo qua các thác ghềnh, khi thì thênh thang nhẹ nhàng di chuyển giữa các cánh đồng phì nhiêu trù phú. Mỗi khúc sông có hoàn cảnh môi sinh riêng biệt của nó như là vùng sản xuất quế và mật ong ở Trà My, Thiên Phước, vùng đá trắng có khắc chữ cổ Chiêm Thành ở hòn Kẽm gần Trà Linh, đến những ruộng trồng bắp xanh tươi qua mỏ than Nông Sơn đến những xóm làng trù mật sau những lũy tre xanh của vùng Trung Phước, cho đến vùng Gò Nổi phì nhiêu với những bãi dâu xanh cung cấp thức ăn cho nong tằm của các làng lân cận. Liên quan tới hòn Kẽm và lòng hiếu thảo của người dân Quảng Nam, có câu ca dao hêÙt sức dễ thương:

                      "Ngó lên hòn Kẽm đá dừng,
                      Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bạn ơi."


                      Sông Thu Bồn nối liền hai miền xuôi ngược, nối liền miền công nghiệp mỏ, miền thủ công nghiệp và miền nông nghiệp với nhau, qua các sông Trường Giang, sông Vĩnh Điện nối liền các thị xã Tam Kỳ, Hội An, thị trấn Vĩnh Điện với thành phố Đà Nẳng.” (Quảng Nam, Địa Lý - Lịch Sử - Nhân Vật, của Lâm Quang Thự, tr. 20).

                      Thắng cảnh ở Quảng Nam có Ngũ Hành Sơn, ở phía Đông huyện Hòa Vang, gồm năm ngọn cao vót đặt tên là Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Trong núi có nhiều hang động khắc tên vào đá như Huyền Không, Linh Nham, v v . . Đẹp nhất trong các động là Huyền Không Động. Trong núi Ngũ Hành có nhiều đá cẩm thạch nên người Pháp gọi núi nầy là Núi Cẩm Thạch (Montagnes de Marbre). Bà Bảng Nhãn (vợ ông Bảng Nhãn Phan Quỳ) có bài thơ nổi tiếng sau đây về Ngũ Hành Sơn:

                      "Cảnh trí nào hơn cảnh trí này,
                      Bồng lai thôi cũng hẳn là đây.
                      Núi chen sắc đá màu phơi gấm,
                      Chùa nức hơi hương khói lộn mây.
                      Ngư phủ gác cần ngơ mặt nước,
                      Tiều phu chống búa tựa lưng cây.
                      Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách,
                      Khen bấy thợ trời khéo đắp xây."


                      Ngoài Ngũ Hành Sơn, Quảng Nam còn có Hòn Non Nước với dải Sông Hàn và núi Sơn Trà hợp thành cảnh đẹp thiên nhiên thường được nhắc nhở trong câu ca dao:

                      "Quê em có dải sông Hàn,
                      Có hòn Non Nước, có hang Sơn Trà."


                      Diện tích của tỉnh có khoảng 12,000 cây số vuông nhưng diện tích đồng bằng chỉ có 1500 cây số vuông thôi, trong đó diện tích trồng trọt chỉ có 117,000 mẫu. Hội An là tỉnh lỵ của Quảng Nam, ở cách Sài Gòn 970 cây số về hướng Bắc. Nằm trên tả ngạn sông Thu Bồn, thành phố Hội An là một thành phố cổ có một thời phồn vinh nhờ ở những thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Bồ Đào Nha ra vào buôn bán, lập nên nhiều thương điếm và phố xá. Đà Nẳng là hải cảng sâu rộng, rất quan trọng về phương diện quân sự và thương mại, và là thành phố lớn nhất ở Miền Trung cũng nằm trong lãnh thổ Quảng Nam. Hội An trước và Đà Nẳng sau là hai trung tâm ngoại thương quan trọng của Quảng Nam. Hai trung tâm này cũng là hai cánh cửa du nhập văn hóa từ nhiều nơi đến. Nông nghiệp là sinh hoạt kinh tế chính của tỉnh. Dù có một số đồng bằng khá phì nhiêu do phù sa bồi đắp nhưng bà con nông dân cũng rất khốn khổ vì thời tiết khắc nghiệt; mùa hè quá nóng làm khô cháy hoa màu, mùa mưa thường làm nước dâng cao gây lụt lội, thiệt hại không ít cho nông dân. Chăn nuôi (sản xuất trứng gà và vịt) và đánh cá (làm nước mấm) cũng là những nghề đem lại nhiều lợi tức. Nước mấm Nam Ô của Quảng Nam cũng khá nổi tiếng.Vào năm 1966 dân số Quảng Nam có khoảng 800,000 người, và Quảng Tín 400,000. Dân Quảng Nam phần đông là người Kinh sống tập trung ở miền đồng bằng, các thị xã và thị trấn. Trong số người Kinh có những người Việt gốc Hoa, người Minh Hương, sinh sống nhiều đời ở đây. Đồng bào Thượng, vào khoảng 50,000 sống rải rác ở các vùng núi phía Tây như người Cà Tu, người Ta Riêng, người Cor, người Xê Đăng, người Kay Iong, người Nậm, v v . . .Sau nữa là những người họ Trà, họ Chế vốn là người Chăm (hay người Chiêm Thành) đã hội nhập vào xã hội văn hóa Việt từ nhiều đời. Sản phẩm của Quảng Nam đặc biệt có gạo "lúa can", "khoai điệp", thuốc "Cẩm Lệ", trà, quế, hồ tiêu, mật ong, sáp, yến, v v . . .

                      Trước thế kỷ XV Quảng Nam là đất của Chiêm Thành mà ngày xưa người Trung Hoa gọi là nước Lâm Ấp. Tên Chiêm Thành cũng do người Trung Hoa đặt ra lấy từ chữ Champapura của người Chăm. Theo Phạn ngữ thì "Champa là một loài hoa màu trắng, hương thơm đậm đà, đã được các nhà nghiên cứu xác định tên khoa học là Michelia Champaca Linn, tương ứng với hoa ngọc lan trong tiếng Việt"( theo Dohamide Dorohiêm trong quyển Bang Sa Champa, tr. 215) và là quốc hiệu của Chiêm Thành, và pura là thành phố hay kinh thành, Champapura tức là kinh thành hoa ngọc lan vậy. Kinh đô của xứ Lâm Aáp xưa, từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ X là Shinhapura, mà theo Phạn ngữ thì là kinh thành sư tử (shinha là sư tử và pura là kinh thành) ở trong vùng đất của Quảng Nam. Vị trí xưa của Shinhapura là Trà Kiệu ngày nay, cách Đà Nẳng khoảng 40 cây số về phía Tây Nam. Một kinh đô khác của Chiêm Thành là Indrapura thời vua Indravarman II (875-991) nằm tại Đồng Dương Quảng Nam. Nhưng từ thế kỷ thứ XI, triều vua Yang Pu Ku Vijaya (999 - ?) kinh đô Chiêm Thành được dời về Vijaya tức là Đồ Bàn hay Chà Bàn ở vùng Bình Định bây giờ. Sau đó lại được dời về kinh thành Champapura và cuối cùng là Virapura nằm trong khu vực thành phố Phan Rang ngày nay. Vì là đất kinh đô của Champa xưa nên Quảng Nam còn nhiều vết tích của những thành củ, tháp xưa của văn hóa Chàm. Các đền tháp của kinh đô Shinhapura đều đã sụp đổ nay chỉ còn một ít chân móng tường thành bị đất đá che lấp. Hồi năm 1927 J.Y.Claeys của Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội đã mở cuộc khai quật ở vùng này. Kết quả khai quật cho thấy các dấu vết của những tháp đền thờ ba vị thần Brahma, Siva và Vishnu của đạo Bà La Môn. Có nhiều tượng sư tử đứng chầu (đúng với cái tên thành phố sư tử) và nhiều tượng thú vật khác đã được đem về trưng bày tại Cổ Viện Chàm ở Đà Nẳng. Quần thể kiến trúc của thánh địa Mỹ Sơn còn nhiều vết tích hơn Shinhapura. Mỹ Sơn ở cách Đà Nẳng khoảng 68 cây số về phía Tây Nam. Mỹ Sơn là thánh địa Chàm. Tại đây còn dấu vết của khoảng 20 tháp cổ do vua Bhadravarman cho xây cất vào hậu bán thế kỷ thứ IV, thờ thần Bhadresvara. Hiện nay Mỹ Sơn và Hội An được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Kinh thành Indrapura ở Đồng Dương còn dấu vết một đền tháp tên là Laksmindra Lokesvara do vua Indravarman II cho xây cất khoảng năm 875 để thờ Dharma (Phật Pháp). Kinh thành Indrapura có thể xem như trung tâm Phật giáo Chiêm Thành. Ở đây, hồi năm 1978, người ta còn tìm được một pho tượng Quan Thế Aâm Bồ Tát cao 1, 14 mét, nguyên bản rất quý. Ngoài những đền tháp trên đây, Quảng Nam còn nhiều di tích của những tháp nhỏ rải rác dọc quốc lộ 1 như Tháp Bằng An (xã Điện An, huyện Điện Bàn), Tháp Chiên Đàn (xã Tam An, huyện Tam Kỳ), Tháp Khương Mỹ (xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, gần Tam Kỳ). Phần lớn các di chỉ văn hóa Chàm được tập trung về Cổ Viện Chàm, hay Viện Bảo Tàng Henri Parmentier ở Đà Nẳng. Trước 1975, viện có 1484 cổ vật và chỉ 20% được trưng bày. Sau 1975 nhiều cổ vật bị mất cắp. (Những tin tức về di chỉ văn hóa Chàm trên đây được tóm tắt từ quyển Quảng Nam Trong Lịch Sử của giáo sư sử gia Trần Gia Phụng).

                      Người Quảng Nam cần cù, nhẫn nại, nhưng thẳng thắn, bộc trực, rõ ràng, sòng phẳng, không quanh co. Họ có tinh thần yêu thích tự do, sinh hoạt dân chủ, có tính bất khuất, có óc cầu tiến, có tinh thần cởi mở, khai phóng. Nhưng người Quảng Nam cũng hay bị mỉa mai là “hay cãi”. Câu tục ngữ nổi tiếng về đặc tính của người dân Quảng Nam là “Quảng Nam hay cãi”. Người Quảng Nam có hay cãi thật không? Nếu thật có như vậy thì câu hỏi tiếp theo là tại sao họ hay cãi? Giáo sư sử gia Trần Gia Phụng có những phân tích và giải thích rất đáng chú ý sau đây (sau khi đã mặc nhiên công nhận lời phát biểu của câu tục ngữ):

                      Hay cãi vì tính thích tự do phóng túng, dân chủ, không muốn bị gò bó theo một khuôn phép nào, không thụ động dễ dàng chấp nhận bất cứ một ý kiến nào. Một điểm nhỏ trong lịch sử cần được chú ý là những đợt di dân xuống phía nam phát triển mạnh từ Nguyễn Hoàng trở đi. Các chúa Nguyễn chỉ lập phủ chúa quanh quẩn ở vùng Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay chứ không xuống quá đèo Hải Vân. Những khuôn phép lễ nghi, và lề thói sinh hoạt cung đình từ Thăng Long vào Thuận Hóa, dừng lại theo chúa Nguyễn và vua Nguyễn ở Thừa Thiên. Nhưng lưu dân vượt Hải Vân xuôi nam ít nhiều thoát ra ngoài sự ràng buộc của cung cách vua chúa; cọng với tinh thần tự do, sinh hoạt dân chủ nên dễ phát biểu ý kiến bất cứ lúc nào, từ đó trở thành hay cãi.

                      Hay cãi biểu lộ sự thẳng thắn, bộc trực, rõ ràng và sòng phẳng. Tính bộc trực thể hiện rõ nét nhất trong cách nói chuyện của người Quảng Nam. Khi nói chuyện người Quảng Nam hay đi thẳng vào vấn đề, ít quanh co, không rào trước đón sau, nhiều khi ăn nói cộc lốc đến nỗi bị mang tiếng là "an cục nói hòn" (nhóm từ này hình như chỉ có ở Quảng Nam), và dễ làm mất lòng người khác. Những gì bất đồng thì nói ra, chứ không để bụng, không "ghim" vào lòng, để rồi "hãy đợi đấy", có dịp sẽ trả đủa. . . .

                      Hay cãi còn biểu lộ lòng tự tin và ý chí học hỏi, cầu tiến. Trong những cuộc thảo luận, trao đổi mà chỉ có ý kiến một chiều thì không thể tiến bộ được. Người có hiểu biết, tin rằng lý luận mình đúng mới dám cãi. Hay cãi còn làm cho cuộc thảo luận trở nên sôi nổi, nẩy bật ra những ý kiến mới lạ, từ đó phát sinh được những giải đáp mới mẻ tiến bộ.

                      Hay cãi chứng tỏ bản lĩnh độc lập tự chủ, chứ không dễ dàng bị khuất phục, và lòng tôn trọng lẽ phải dựa trên phương pháp tranh luận chứ không phải bằng bạo lực. Phải chăng do đặc tính địa phương này mà Phan Chu Trinh và phong trào Duy Tân theo chủ trương tranh đấu bất bạo động?

                      Hay cãi là một điều tốt, chúng tỏ lòng thẳng thắn, sự tích cực tham gia ý kiến, nhưng gì cũng cãi, đôi khi không biết cũng cãi, rồi cãi chầy cãi cối, cãi bướng cãi gàn, cãi vì tự ái, đi đến chỗ cứng đầu, bảo thủ, lại gây những trở ngại không ít cho công việc. Đay là mặt trái của tính hay cãi. Xem ra không ít người Quảng Nam hay cãi theo ý hướng không tốt nầy, nên câu tục ngữ "Quảng Nam hay cãi" dần dần mang thêm ý nghĩa chăm biếm, mỉa mai, và đeo đẳng tất cả con dân Quảng Nam." (Quảng Nam Trong Lịch Sử, Trần Gia Phụng, tr. 69-71).

                      Liên quan tới tính hay cãi là tinh thần hiếu học của người Quảng Nam. Nhiều người học giỏi đỗ cao. Và theo Trần Gia Phụng thì "Trước đây, trong miền Nam, người ta thường rước các thầy đồ Quảng" về nhà dạy con cái học hành, như ngoài bắc rước các "thầy đồ Nghệ". Điều này chứng tỏ giới nho sĩ (thầy đồ) hai xứ này phải vừa học giỏi, vừa đạo đức mới được trọng vọng như vậy".

                      Một số những đặc tính của người dân Quảng Nam trên đây và cả giọng nói của người Quảng Nam nữa đã được mang theo vào Miền Nam bởi những lưu dân đầu tiên đến từ vùng Thuận Quảng, nhất là vùng Quảng Nam vậy.

                      http://www.saigongate.com/Detail.asp?Type=TacGiaTacPham&ID=574
                      #11
                        HongYen 18.09.2006 11:02:32 (permalink)
                        Hội An

                        Lê Văn Hảo


                        Cách thành phố Đà Nẳng (tỉnh lỵ của Quảng Nam - Đà Nẳng) khoảng 25km về hướng đông nam, nằm trên bờ sông Thu Bồn và chỉ cách biển Đông 5km, đô thị cổ Hội An gần đây đã thu hút được sự quan tâm chú ý của nhiều khách tham quan, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

                        Thật ra Hội An, mà người phương Tây gọi là Faifo, Haipo, đã được nhắc đến nhiều ở các thế kỷ XVII - XVIII nó còn là một thương cảng quan trọng của Đàng Trong nước Đại Việt dưới quyền kiểm soát của các chúa Nguyễn. Vốn là một cảng biển của vương quốc Chămpa, được gọi tên là Đại Chiêm hải khẩu trên tập bản đồ thời Hồng Đức (thế kỷ XV), nó đã trở thành một thị trấn ven biển của người Việt với tên gọi là Hải Phố có lẽ từ thời Trần. Trên tấm bản đồ Đại Việt công bố năm 1953 Alexandre de Rhodes đã vẽ cửa sông Thu Bồn cạnh đó ghi hai chữ HAIPHO mà sau này người nước ngoài sẽ đọc trệch thành Faifo, Haipo.

                        Vào đầu thế kỷ XVI (từ 1516) người Bồ Đào Nha đã đến khảo sát vùng biển Hội An, và thương nhân của họ là những người nước ngoài đầu tiên đến buôn bán với nhân dân Đàng Trong (từ 1540). Tiếp theo đó là những thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp..., những nhà truyền giáo người YÙ, Bồ, Pháp, Tây Ban Nha... trong đó có giáo sĩ Pháp nổi tiếng De Rhodes.



                        Trên thực tế Hội An ở những thế kỷ trước đã từng là một thương cảng lớn của miền Đông Nam Á và một trung tâm quan trọng của công cuộc giao lưu văn hóa Đông Tây.
                        Đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, hoàn cảnh xã hội và điều kiện thiên nhiên biến động nhiều : chiến tranh giữa Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn đã tàn phá Hội An dữ dội, các con sông đổi dòng, cửa sông Thu Bồn bị phù sa bồi lấp, thuyền bè ra vào khó khăn, một cảng biển mới hình thành ở Đà Nẳng nơi cửa sông Hàn. Từ đó Hội An chỉ còn là một phố nhỏ hiền lành trầm mặc soi mình trên dòng sông biếc xanh.



                        Đầu những năm 80 của thế kỷ này Hội An được phát hiện lại như là một trong những đô thị cổ quý báu còn lại của Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

                        Khu phố cổ nằm ở phía nam thị xã Hội An ngày nay, sát con sông Thu Bồn. Phố Lê Lợi (xưa gọi là phố Hội An) được xây dựng đầu tiên cách nay khoảng 4 thế kỷ, rồi đến phố Trần Phú (xưa là phố cầu Nhật Bản) cách nay hơn 3 thế kỷ rưỡi là nơi tập trung đông đảo người Nhật, sau đó là phố Nguyễn Thái Học (tên cũ là phố Quảng Đông) được người Trung Hoa xây dựng cách đây hơn 300 năm, các phố khác như Phan Chu Trinh (phố Minh Hương xưa), Trần Quý Cáp (phố chợ Cũ), Nguyễn Thị Minh Khai (phố Khải Định cũ), một phần phố Trưng Nhị và đường Bạch Đằng ven sông Thu Bồn... đều là những phố cổ với nhiều chùa, đình, đền, miếu, hội quán, nhà thờ họ, nhà ở, chợ búa... được xây dựng từ rất lâu đời.


                        Bắc qua một con ngòi nhỏ, nối liền hai xã Cẩm Phô và Minh Hương xưa là chiếc cầu gỗ dài 18m có mái lợp ngói được gọi là cầu Nhật Bản, tương truyền do cộng đồng người Nhật ở Hội An góp tiền xây dựng từ đầu thế kỷ XVII. Nhân dân địa phương quen gọi di tích cổ nhất của Hội An này là chùa Cầu, còn sách vở xưa thì gọi là cầu Lai Viễn. Mặt cầu cong vồng lên ở giữa, mái cầu cũng uốn cong mềm mại, chùa thờ Bắc Đế và Trấn Võ, mặt bằng hình vuông nhỏ nhắn như một cái miếu nối liền với đoạn giữa của cầu theo dạng chuôi vồ.



                        Nổi bật lên giữa đô thị cổ là khoảng hai mươi ngôi chùa và hội quán cổ đáng chú ý là chùa Phúc Kiến (Mẫn Thương hội quán có từ năm 1687), chùa Ngũ Bang (Dương Thương hộiquán), chùa Quảng Triệu (Quảng Đông Hội Quán), chùa Hải Nam (Quỳnh Phủ hội quán) và chùa ông Bổn (hội quán Triều Châu) xây suốt 40 năm mới xong (1845 - 1885)... đều là những chùa to đẹp thờ Phật, thờ Thánh, dù được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ được những bộ khung nhà chạm trổ, những cánh cưả gỗ chạm lộng, những mảng điêu khắc, những đồ cổ quý hiếm của Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Âu...


                        Tiêu biểu nhất cho kiến trúc Hội An là những ngôi nhà cổ, ví dụ nhà số 1001 Nguyễn Thái Học, nhà số 4 Nguyễn thị Minh Khai, nhà số 37, 77 và 129 phố Trần Phú... là kiểu nhà gỗ hình ống dài 40m - 70m thông suốt hai mặt phố, mặt ngoài dành để buôn bán và chứa hàng, bên trong là khu ở với nhiều gian có sân sáng suả và nhà cầu nối các gian, tất cả các bộ phận của nội thất đều được chạm trổ, trang trí rất tinh xảo.
                        Điều làm ta thích thú ngạc nhiên là các ngôi nhà cổ ở Hội An đều được cấu trúc đa dạng, rất khác nhau về tổ chức không gian cũng như về nghệ thuậât điêu khắc, trang trí, nghệ thuật bài trí sân vườn trồng hoa và cây cảnh. Trên đất nước ta có lẽ Hội An là nơi chứa đựng cái hình mẫu đầu tiên của ngôi nhà rường với mái vỏ cua (còn gọi là mái thừa lưu), một biện pháp mở rộng diện tích nội thất rất thông minh, tưởng chỉ thấy ở Phú Xuân (Huế), nhưng chính trong những ngôi nhà cổ ở Hội An lại được sử dụng phổ biến. Ở đây đặt ra một vấn đề là tìm hiểu ảnh hưởng qua lại của văn hóa Hội An với văn hóa Phú Xuân xưa, cụ thể là giữa kiến trúc Hội An với kiến trúc cung đình Huế, và thông qua Hội An là ảnh hưởng của kiến trúc Á Đông (Trung Hoa, Nhật Bản) mà nghệ nhân Việt Nam đã tiếp nhận trong những thế kỷ giao lưu văn hóa trước đây.



                        Đến Hội An, du khách còn có thể đi thuyền trên sông Thu Bồn, vượt cửa Đại ra khơi thăm Cù Lao Chàm và những đảo yến. Vùng Cưả Đại - Cù Lao Chàm là nơi tắm biển và nghỉ mát tươi đẹp.



                        Nếu Huế với di sản kiến trúc cung điện, lăng tẩm là tiêu biểu cho tài nghệ sáng tạo của văn hóa bác học, cung đình, cổ điển thì Hội An chính là một trong những cái nôi của văn hóa dân dã, nền tảng của tính cách dân tộc và bản sắc nhân dân. Đô thị cổ Hội An xứng đáng được hồi sinh để tiếp đón tất cả những ai muốn tìm về cái hài hòa lắng đọng của tâm hồn Việt Nam.

                        http://chimviet.free.fr/9/lvhc051.htm
                        #12
                          HongYen 18.09.2006 11:21:35 (permalink)
                          QUẢNG NAM QUA CA DAO

                          Nguyễn Quý Ðại Munich

                          “ Ðất Quảng nam chưa mưa đã thấm
                          Rượu Hồng Ðào chưa uống đã say

                          Bạn về đừng ngủ gác tay
                          Nơi mô nghĩa nặng, ân đầy thì theo”.



                          Nói đến Quảng Nam người ta thường nghĩ đến vùng đất mở đầu cho cuộc Nam tiến từ đó làm bàn đạp tiến đến đồng bằng sông Cửu Long.

                          Quảng Nam có các nhà cách mạng, khoa bảng gọi là đất “ Ðịa Linh Nhân Kiệt” “Ngũ Phụng Tề Phi”, góp phần vào xây dựng đất nước, đem lại điểm son lịch sử nước nhà, và cũng là vùng đất của thi ca, đóng góp vào lâu đài Văn Hóa Dân Tộc.

                          Trong nhân gian ca dao truyền tụng qua câu hò giọng hát, phong phú và lãng mạn. Câu chuyện cô gái hái dâu tại Ðịên Bàn nhờ tâm hồn văn nghệ lời ca trữ tình, giúp cho nàng bước lên đỉnh cao của danh vọng.

                          Theo Ðại Nam Liệt truyện Tiền Biên, nhân chuyến công du của Sãi vương vào thăm Quảng Nam, xem xét công việc của Trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ, có Nguyễn Phúc Lan con thứ của Sãi Vương sinh 13.8.1601 là cháu ngoại của Mạc kính Điển. Đi du thuyền trên sông trong đêm gió mát trăng thanh, dừng thuyền bên gành Ðiện Châu thuộc quận Ðiện Bàn ngày nay. Thế Tử Lan thấy trăng đẹp bèn xuống một chiếc thuyền con sai tuỳ tùng chèo đi vừa câu cá vừa ngắm trăng. Thuyền Thế Tử đang lững lờ trôi giữa dòng bỗng nghe tiếng hát cất lên từ ven sông: Trong đêm vắng nghe giọng ca từ xa vọng lại.

                          Tai nghe Chúa ngự thuyền rồng
                          Thiếp thương phận thiếp mà hồng nắng mưa
                          Thuyền rồng Chúa ngự đi đâu
                          Thiếp thương phận Thiếp hái dâu một mình


                          Tiếng hát trong trẻo của người con gái giữa một đêm trăng gợi trí tò mò của thế tử. Thế Tử Lan cho thuyền cập vào bờ nơi có tiếng hát. Đó là một bãi đất trồng dâu ở ven sông. Khi lên bờ, Thế Tử Lan bắt gặp một thiếu nữ thật đẹp đang ngồi ngắm trăng. Nguyễn Phúc Lan tìm đến với nàng, như hai siêu tần số tâm hồn gặp nhau, tình yêu đến thật tình cờ không hẹn ước, phải chăng đó là duyên nợ định mệnh an bài. Sãi vương cho phép Nguyễn Phúc Lan làm lễ thành hôn với nàng “hái dâu” là Ðoàn Thị Ngọc con gái thứ 3 của quận công Ðoàn Công Nhạn quê Ðiện Bàn

                          Thế Tử xin Chúa cho phép nàng được vào hầu trong phủ. Kể từ đó, bà trở thành phu nhân thế tử. Khi thế tử nối ngôi Chúa năm 1635-1648 Nguyễn Phúc Lan lên ngôi là Công-Thượng-Vương, bà Ðoàn Thị Ngọc được Sãi vương sủng ái đưa lên chánh phi, phong Hiếu-Chiêu Hoàng-Hậu. Bà trở thành Chính Phu Nhân. Bà là người công dung ngôn hạnh vẹn toàn nên rất được Chúa sủng ái cũng như được mọi người trong phủ kính yêu. Bà mất năm Tân Sửu (166, lăng bà tại Gò Cốc Hùng, núi Chiêm Sơn, Quảng Nam

                          Ca dao là di sản văn hóa, văn chương bác học của dân tộc Việt Nam là những câu hát bình dân, thông thường trong sinh hoạt xã hội .Ðược truyền tụng từ đời nầy sang đời khác, ca dao mang mọi hình thái khác nhau theo thời gian, nói lên tình yêu của tuổi xuân nam nữ, trên cánh đồng lúa với trưa hè trong tiếng ve sầu bên cây phượng vĩ, hay nỗi buồn chia tay của tuổi học trò, diễn tả mọi sinh hoạt đời sống, với thiết tha hay tiếng thở dài vì tuyệt vọng, nói lên lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, cảnh tan thương bất mãn hay lòng hào hùng trong đấu tranh dành lại độc lập...Mỗi địa phương có những câu ca dao khác nhau,

                          Người Quảng Nam tiếp xúc văn minh ngoại quốc, từ thế kỷ thứ 17.Trung Hoa có nền văn hóa lâu đời, ngược lại Tây Phương có tài về khoa học kỷ nghệ, bởi thế không có gì tuyệt đối với việc tiếp xúc học hỏi của người dân Quảng Nam, Tổ tiên khi xưa đặt chân đến nhận vùng đất Chiêm Thành với bản tính can đảm lúc đến lập nghiệp trong vùng đất mới khai phá. Thích canh tân tiến bộ trong tình thần dân chủ, cởi mở thích phát biểu ý kiến và phải có lý luận rõ ràng. Ai nói điều gì mơ hồ không có dẫn chứng đúng thường bị cãi lại ngay. Cãi trở nên truyền thống của người Quảng Nam, bởi thế ca dao có nói về cá tính trong sinh hoạt xã hội


                          Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngải hay lo
                          Bình Ðịnh nằm co, Thưà Thiên ăn hết


                          Ðời sống gia đình, tình yêu mộc mạc của vợ hiền đảm đang việc nhà, dành thì giờ cho chồng yên chí học hành đỗ đạt ra giúp đời, hay hai người chỉ mới yêu nhau nhưng chờ ngày bái tổ vinh qui .
                          Ngày xưa các thì sinh Quảng Nam, phải vượt đèo Ải Vân ra Huế thi trong các kỳ thi do triều đình tổ chức, vác lều chỏng ứng thí nhà giàu đi ngựa, nghèo thì đi bộ có người gánh phụ hành trang đường xa cách trở

                          Các chàng trai xứ Quảng ra Huế thi, thấy nàng gái Huế mặc áo dài, mái tóc thề tung bay trong gió nhẹ của sông Hương, đi qua cầu Trường Tiền sáu vày mười hai nhịp. khác với hình ảnh người yêu hay vợ hiền ở Quê nhà có thể với cái nhìn ngẩn ngơ

                          Học trò trong Quảng ra thi
                          Thấy cô gái Huế chân đi không đành.


                          Sau nầy trai Quảng Nam ra Huế học Ðại học không còn ngẩn ngơ, đến nổi đi không đành..như các cụ ngày xưa, học xong Ðại học đi làm việc khắp nơi, không giới hạn làm quan ở triều đình Huế. Những thành phố Hội An, Ðà Nẳng,Tam Kỳ trở nên sầm uất, các nàng gái xứ Quảng cũng xinh đẹp, văn minh dịu dàng.. nên các chàng sưả lại chữ “thấy “ ra chữ ”mấy”

                          Tình yêu lòng thủy chung thường nhắc đến, dù học hành đỗ đạt làm quan, đừng quên tình yêu thuở ban đầu lưu luyến ấy.

                          Sáng trăng trải chiếu hai hàng
                          Cho anh đọc sách cho nàng quay tơ
                          Quay tơ vẫn giữ mối tơ,
                          Dù năm bảy mối vẫn chờ mối anh.
                          **
                          Non non, nước khơi chừng
                          Ái ân đôi chữ xin đừng quên nhau
                          Tình sâu mong trả nghĩa đền
                          Ðừng vui chốn khác mà quên chốn nầy


                          Vợ chồng quê ngày ngày bận rộn việc ruộng đồng, ban đêm còn tranh thủ thời gian làm thêm việc nhà, không mong ước gì cao xa ngoài lòng chung thủy

                          Ðêm hè gió mát, trăng thanh
                          Em ngồi chẻ lạt cho anh chắp chừng
                          Lạt chẳng mỏng sao thừng được tốt
                          Duyên đôi ta đã trót cùng nhau
                          Trăm năm thề những bạc đầu
                          Chớ ham phú quí đi cầu trăng hoa
                          .


                          Tình yêu khép kín trong lễ giáo gia đình „tình trong như đã, mặt ngoài còn e” nhưng tình yêu của phố Hội An cũng lãng mạn dành cho thi nhân và khách vãng lai

                          Ai đi phố Hội, Chùa Cầu
                          Ðể thương , để nhớ, để sầu cho ai,
                          Ðể sầu cho khách vãng lai,
                          Ðể thương để nhớ cho ai chịu sầu


                          Trưa hè Chuà Cầu


                          Hội An nơi hẹn hò của các cặp nhân tình trong các mùa làm việc chung với nhau

                          Thương nhau chớ quá e dè,
                          Hẹn nhau gặp lại bến Cầu Rô Be.
                          Thiếp nói thì chàng phải nghe
                          Thức khuya, dậy sớm, làm chè10 ngày 12 xu
                          Mãn mùa chè, nệm cuốn sàn treo
                          Ta về, bỏ bạn, cheo leo một mình,
                          Bạn ơi, bạn chớ phiền tình,
                          Mùa ni không gặp, xin hẹn cùng mùa sau
                          Lạy trời, mưa xuống cho mau
                          Chè kia ra đọt, trước sau cũng gặp nhau



                          Tình yêu có thể vượt không gian và thời gian không còn ngăn sông cách núi dù ở đâu cũng có thể tìm đến, ngày xưa thiếu phương tiện giao thông, phải vượt núi đèo tìm đến với người yêu trong đời sống mộc mạc của hoa đồng cỏ nội, hay trên đồi sim tím

                          Ðói lòng ăn nửa trái sim
                          Uống lưng bát nước đi tìm người yêu (thương)

                          hay
                          Thương nhau , mấy núi cũng trèo
                          Mấy sông cũng lội , mấy đèo cũng qua


                          Khoảng cách không thể so sánh với tình yêu, đường xa cách trở có thể thâu gần lại

                          Rằng xa: cửa ngõ cũng xa
                          Rằng gần : Vĩnh-Ðiện, La-Qua cũng gần

                          Thân phận con gái đi lấy chồng, nhưng hình ảnh sinh hoạt trong gia đình không thể quên dù được sống hạnh phúc bên chồng, nhưng đôi lúc chạnh lòng nhớ thương cha mẹ

                          Chiều chiều ra đúng ngỏ sau
                          Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
                          Chiều chiều mây phủ ải vân
                          Chim kêu gành đá, gẫm thân lại buồn
                          Hay
                          Chiều chiều mây phủ Sơn trà
                          Lòng ta thương bạn, nước mắt và lộn cơm


                          Người Quảng Nam tính tình cương trực, nói thẳng, không giấu diếm nỗi lòng, trong tình yêu gia đình, xã hội đạo làm người luôn được tuyệt đối tôn trọng

                          Ðối với ai ơn trọng , nghĩa dày
                          Một hột cơm cũng nhớ
                          Một gáo nước đầy vẫn chưa quên


                          Người chồng vì bổn phận đi xa, vợ hiền lo gánh vác việc nhà nuôi con phụng dưỡng mẹ già, giữ lòng thủy chung, mong ước ngày đoàn tụ dưới mái ấn gia đình để con có mẹ có cha, Truyền thống đàn bà Việt Nam hy sinh giúp chồng mong làm nên sự nghiệp, vợ khôn ngoan làm quan cho chồng tiễn đưa chồng ra đi không phải là những nụ hôn nồng nàn, nhưng là lời nhắc nhủ

                          Anh đi em ở lại nhà
                          Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ
                          Lầm than bao quản muối dưa
                          Anh đi ! anh liệu chen chân với đời
                          Hoặc
                          Ðứng bên ni sông, ngó qua bên kia sông
                          Thấy nước xanh như tàu lá,
                          Ðứng bên ni Hà Thân, ngó qua Hàn
                          Thấy phố xá nghinh ngang
                          Kể từ ngày Tây lại đất Hàn,
                          Ðào sông cù nhĩ , tìm vàng Bông miêu.
                          Dặn tấm lòng , ai dỗ cũng đừng xiêu,
                          Ở nuôi Thầy Mẹ, sớm chiều cũng có anh


                          Các địa danh Tý Sé Hòn Kẻm, Ðá Dừng nhưng chúng ta chưa một lần bước chân đến đó. Xem lại bản đồ Quảng Nam địa danh trên nằm trên sông Thu bồn phát xuất từ trên nguồn chảy qua giữa quận Quế Sơn và Ðại Lộc, nhưng thưở xa xư a có thể người ta đến đó làm việc, trên sông dưới nước với cảnh khỉ ho cò gáy, nhớ về Mẹ là nhớ về cuội nguồn dân tộc

                          Ngó lên Hòn-Kẻm, Ðá-Dừng ,
                          Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi


                          Công ơn sinh thành của cha mẹ cao như trời, rộng như biển, con cái có lòng hiếu thảo đó là nguồn an ủi đối với cha-mẹ lúc tuổi già. Nhắc lại tình mẫu tử cao qúy, qua kinh nghiệm cuộc sống nhắn gởi ai còn cha mẹ nên giử lòng hiếu thảo.

                          Lên non mới biết non cao
                          Nuôi con mới biết công lao Mẫu từ

                          Công cha như núi Thái Sơn
                          Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra


                          Người mẹ hiền thường răng dạy con gái qua ca dao như thứ luân lý thực hành

                          Mình là con gái trong nhà
                          Hình dung yểu điệu nết na dịu dàng
                          Khi ăn khi nói chững chàng
                          Khi ngồi khi đứng bỉ bàng dung nghi


                          Sống với quê nhà bên lũy tre xanh, trên con đường làng bé nhỏ, hay phải đi xa một phương trời nào, khó có thể quên được quê hương xứ Quảng, kỷ niệm gắn bó cuộc đời, sau năm 1975 làng sóng bỏ nước ra đi tìm tự do, được định cư khắp nơi trên Thế giới, hội nhập vào văn minh xứ người, nhưng nỗi lòng người ra đi viễn xứ vẫn canh cánh bên lòng nhớ thương về quê Mẹ, mỗi địa phương mang một đặc thù riêng

                          Ai đi cách trở sơn khê
                          Nhớ tô Mì Quảng, tình quê mặn mồng

                          Hội An đất hẹp, người đông
                          Nhân tình thuần hậu là bông đủ màu

                          Hội An bán gấm, bán điều
                          Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành

                          Chiêm Sơn,, là lụa mỹ miều
                          Sớm mai mắc cưởi, chiều chiều bán tơ

                          Chồng em là lái buôn tiêu
                          Ði lên đi xuống Trà Nhiêu, Kim Bồng



                          Cây đa chợ Hội An


                          Dãy trường sơn chạy dọc theo bờ bể từ Nam Ô cho tới Chu Lai phần lớn dân số sống về nông nghiệp và ngư phủ cùng nhau phát triển kinh tế. Các quận trên nguồn như Tiên Phước, Quế Sơn...muốn ăn cá phải mua cá hấp chín, bán vào các buổi chợ sớm, các loại mắn người miền biển gánh lên nguồn đổi lấy ngũ cốc, tùy theo các mùa, nhưng loại cá chuồn, người ta thường làm thính hay hấp, cá chuồn nấu với mít non một món ăn ngon tuyệt vời

                          Ai về nhắn với ngọn nguồn
                          Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên



                          Cây mít


                          Trái bòn bon bé nhỏ nhưng có hương vị ngọt, ngày xưa khi vua Gia Long hái ăn khi vượt núi băng ngàn để chống lại nhà Tây Sơn. Thống nhất Sơn Hà 1802, đặt tên trái bòn bon là "Nam-Trân", trái măng cụt tại miền Nam tên là "Giáng-Châu", để nhớ lại lúc thiếu lương thực nhà vua và quân lính thường hái các trái cây trên

                          Trái bòn bon trong tròn ngoài méo
                          Trái thầu dầu trong héo ngoài tươi
                          Em thương anh ít nói ít cười
                          Ôm duyên ngồi đợi chím mười con trăng


                          Vùng biển cát trắng Nam Ô nằm dưới chân đèo Ải Vân, sản xuất nước mắn ngon không thua gì Phú-Quốc hay Phan-Thiết. Chúng ta ít nhất một lần ăn với dưa cải muối với nước mắn Nam Ô

                          Nói cho lắm cũng nước mắn dưa cải
                          Nói cho phải cũng dưa cải nước mắn

                          Tường Linh có những vần thơ đi vào văn học

                          Ðêm Ðà Nẵng vọng về cơn gió biển
                          Bún chợ Chùa thương nước mắn Nam Ô


                          Quận Hòa Vang gíap Ðà Nẳng có bến xe Ðò Xu, ngả ba Hòa Cầm quận lỵ tại Cẩm Lệ nơi sản xuất nem, tôi không hút thuốc nhưng nghe người ta thường nói nơi nầy nổi tiếng một vùng trồng thuốc thơm ngon, gọi là thuốc lá Cẩm Lệ các vùng Thanh Qúit cũng trồng cau, thuốc lá được các ghe thương gia tới mua bán

                          Tơ cau thuốc lá đầy ghe
                          Hội An buôn bán tiếng nghe xa gần.


                          Hội An làm bánh tổ một đặc sản, vùng Tiên Ðỏa từ Hương An trở vào cho đến quận Thăng Bình vùng cát trắng phau thích hợp cho việc trồng khoai lan .

                          Nem chả Hòa Vang
                          Bánh tổ Hội An
                          Khoai lan Tiên Ðỏa
                          Thơm rượu Tam Kỳ


                          Quận Trà My tại Quảng Nam trồng Quế vỏ nhiều dầu, phẩm chất cao đặc sản nơi nổi tiếng các nơi khác trồng nhưng có thể xa khí hậu phong thổ chất lượng kém, bởi vậy khó nơi nào sánh bằng,

                          Quế Trà My thứ cay thứ ngọt
                          Bởi anh thợ rừng mới lọt tay anh
                          Phàn du, bạch chỉ rành rành
                          Cân tiểu ly mới xứng, ngọc liên thành mới cân


                          Quế sản phẩn giá trị như Yến ở cù Lao Chàm nổi tiếng thơm ngon và đắc tiền

                          Ðầy hàng tháng 8 ngát mùi hương
                          Sửa quế người xem khá rộng ràng
                          Số chở hàng năm khôn kể xiết,
                          Bán xong lại đến lấy thêm hàng..


                          Lời ru ngọt ngào của mẹ hiền, tiếng ru à ời ngọt ngào âm thanh kéo dài, trong những trưa hè nắng gắt, đem lại cho con giấc ngủ bình yên, liên khúc ca dao trữ tình như lời nhắn nhủ, lớn lên phải khôn ngoan vào đời. Nhờ truyền khẩu nên các bà thuộc lòng các câu ca dao kết hợp lại thành liên khúc ru con

                          Ru con con thét cho muồi
                          Ðể mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
                          Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
                          Mua cau Nam phổ mua trầu chợ Dinh
                          ( Tùy theo mổi điạ phương có thể thay đổi tên chợ )

                          Công cha nghĩa mẹ chớ quên
                          Ơn vua lộc nước mong đền con ơi
                          Như vầy mới gọi rằng trai
                          Trên lo nghĩa Chúa, dưới mài Thảo thân.

                          Con mèo trèo lên cây cau
                          Hỏi thăm chú chuộc đi đâu vắng nhà
                          Chú chuộc đi chợ đường xa
                          Mua mắn mua muối giổ cha chú mèo


                          Các nàng được ví von như tấm lụa đào đẹp, như những giọt mưa sa trong mỗi dạo xuân về, con gái dịu dàng tha thước, nhưng thân phận so sánh như 12 bến nước trong nhờ đục chịu, tình yêu duyên nợ cột vào với nhau, tình yêu chỉ là giấc mơ cho phương trời viễn mộng? Ngày xưa chịu ảnh hưởng gia đình “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nhưng có câu "ép dầu ép mở ai nở ép duyên”.

                          Thân em như tấm lụa đào
                          Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai ?
                          Thân em như hạt mưa rào
                          Hạt sa bãi cát, hạt vào vườn hoa
                          Thân em như hạt mưa sa
                          Hạt vào đồng nội, hạt sa vũng lầy.



                          Quảng Nam có những trang sử oai hùng và bi đát, qua các cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp.Tình thần yêu nước hy sinh của sĩ phu và những người dân quê, họ sống trên cánh đồng lúa bờ dâu, hiền từ chất phát không hận thù. Dưới thời Pháp thuộc bị bóc lột đến tận xương tủy, nên mọi người cùng nắm tay nhau lên đường đấu tranh. Phong trào đấu tranh xin xâu giảm thuế phát xuất tại Quảng Nam đánh dấu một kỷ nguyên mới dưới thời nô lệ.

                          Ðất Quảng Nam từ năm bính ngọ (1906)
                          Xâu ngũ nhật, công sưu công ích, đường trường làm tột núi cao
                          Thuế bách phân gia ngũ gia tam,đủ ngón vét từng xu nhỏ
                          Mãi tới xuân nầy (1908) cực đà hết chỗ,
                          Ra tết trời làm tai biến, hạn hán tiêu khô
                          Nhiều nơi đất bỏ hoang dân tình đói khổ..


                          Làng sóng đấu tranh nổi lên toàn tỉnh Quảng Nam sau đó kéo dài các tỉnh miền Trung

                          Ðời ông cho tới đời cha
                          Ðời nào cực khổ như ta đời nầy
                          Ngoài đồng cắm cọc giăng giây
                          Vườn nhà đóng thuế, vợ gầy con khô.
                          Ðời xưa thuế một quan năm
                          Ðời nay thuế lại hai đồng bốn giác
                          Con tay bồng tay dắt
                          Vợ tay đỡ tay mang
                          Vui chi mà hát mà mừng
                          Mua ngày mà ở cầm chừng với Tây
                          Từ ngày Tây chiếm Ðế đô
                          Xâu cao thuế nặng , biết chừng mô hởi trời !
                          Còn lo một nỗi khổ đời
                          Quan trên ỷ thế nặng lời hiếp dân.

                          ***

                          Kể từ Ðồn Nhất kể vô
                          Liên Chiểu, Thủy Tú, Nam Ô, xuống Hàn
                          Hà Thân, Quán Cái, Mân Quang
                          Miếu Bông, Cẩm Lệ là đàng vô ra
                          Ngó lên chợ Tổng bao xa
                          Bước qua Phú Thượng, Ðại La, Cồn Dầu
                          Cẩm Sa, Chợ Vải, Câu Lâu
                          Ngó lên đường cá, thấy cầu Giáp năm
                          Bây chừ, thiếp viếng, chàng thăm,
                          Ở cho trọn nghĩa, cắn tăm nằm chờ.


                          Thời tiết các năm ấy hạn hán bị mất mùa, thu hoạch ngũ cốc chưa đủ sống, nhưng bọn sai nha thâu thuế lấy xâu không nương tay, chỉ muốn thu tiền cho đầy túi dâng cho bọn thực dân hưởng thụ, bắt dân phu đi làm đường đào mỏ.. sống chết mặc bay. Người dân Quảng Nam không chịu đựng cảnh người bóc lột người của thời nô lệ, từ đó họ đã biến đau thương thành hành động

                          Tháng giêng cho chí tháng hai
                          Con dân áo rách quần xài đi ra
                          Mười lăm cho đến ông già
                          Cơm đùm, ruột tượng, xuống tòa lãnh ban
                          Chức sắc cho chí diên quan
                          Làm đơn kêu gọi các làng xin xâu
                          ***

                          Kể từ cầu Ông Bộ kể ra
                          Cây Trâm, Trà Lý, bước qua Bàu Bàu
                          Tam Kỳ, chợ Vạn bao lâu,
                          Ngó qua đường cái, thấy lầu ông tây
                          Chiên Ðàn, Chợ mới là đây,
                          Kế Xuyên mua bán, đông tây rộn ràng
                          Hàlam gần sát Phù Ðàng,
                          Phía ngoài bãi cát, Hương an nằm dài,
                          Cầu cho gái sắc, trai tài.
                          Ðồng tâm xây dựng, tương lai huy hoàng


                          Thực dân Pháp và tay sai đàn áp các cuộc biểu tình xin xâu kháng thuế, nhiều người bị kết án tử hình, trong đó Ông ích Ðường cháu nội Ông ích Kiêm bị bắt tử hình ở Túy loan. Ông trùm Thuyết bị chém vì hô những tiếng lớn lên án Trần Tuệ chuyên ăn hối lộ làm cho đề đốc Trần Tuệ là tay sai đắc lực với Pháp sợ qúa hộc máu mà chết .

                          Tiếng hô uất hận của dân tộc lầm than, đói khổ bị đè nén lâu ngày,tiếng hét được mọi người hưởng ứng để đánh đổ bạo quyền và tay sai. Nên ca dao và vè đấu tranh lưu truyền mãi mãi.

                          Cậu Ðường mười tám tuổi đầu
                          Dẫn dân công ích xin xâu dưới tòa
                          *
                          Bắt anh trùm Thuyết dẫn ra,
                          Dẫn ra dân tưởng quan tha cho về
                          Chém anh trùm Thuyết gớm ghê
                          Gươm đao âm phủ ba bốn bề cách xa


                          Các Phong trào chống thực dân dù bị đánh dẹp, không tránh khỏi cảnh bất công trả thù gông xuyền tù đày bắt bớ, chém đầu, máu của dân tộc Việt Nam đổ ra khá nhiều, nói riêng tại Quảng Nam Phong trào trên làm cho chính sách của bọn thực dân phải chùn bước. Phan Châu Trinh (1872 -1925) Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), Nguyễn Thành (1863-191 đều bị bắt cùng nhiều người khác đày ra Côn đảo. Trần Quý Cáp(1870-1908)

                          Ca dao mang chúng ta trở về nơi xa mù quá khứ, hoài nhớ lại kỷ niệm của tuổi thơ được nghe tiếng hát mẹ hiền..Kỷ niệm như đang len lỏi vào hồn, như khởi dậy nỗi niềm xa xứ , nhắc nhở chúng ta đừng quên cội nguồn. đừng quên bổn phận với Quê hương bên kia bờ Ðại dương


                          Nguyễn Quý Ðại


                          http://e-cadao.com/queta/quangnamquacadao.htm
                          #13
                            ABCD 18.09.2006 15:35:53 (permalink)
                            Góp ý một chút.
                            Hội An chưa bao giờ là thành phố cả. Tên quen gọi là Phố cổ Hội An hay đô thị cổ Hội An. Ở Quảng Nam Đà Nẵng trước đây thì chỉ có Đà Nẵng là Thành phố còn Hội An là thị xã cùng với Thị xã Tam Kỳ.
                            Vừa rồi cách đây khoảng hơn một tháng Thị xã Họi An được nâng cấp thành đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Quảng Nam.
                            Đây là di sản thế giới cùng với Mỹ Sơn.
                            Hoan nghênh bạn đã sưu tầm và post bài liên quan đến Quảng Nam Đà Nẵng
                            #14
                              HongYen 19.09.2006 07:59:32 (permalink)

                              Ở Quảng Nam Đà Nẵng trước đây thì chỉ có Đà Nẵng là Thành phố còn Hội An là thị xã cùng với Thị xã Tam Kỳ.


                              He he he chào Lão Ngoan Đồng,

                              Vẫy ne, đã sửa sai rồi Lão Dê ạ.

                              Cám ơn nhiều.
                              #15
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9