(url) Hoàng Hưng
Ngọc Lý 19.09.2006 10:45:44 (permalink)
.


HOÀNG HƯNG





Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006
Giải thưởng về thơ: Tập Hành Trình của Hoàng Hưng.




Tiểu Sử:

- Sinh 24/11/1942 tại thị xã Hưng Yên;

- Sau khi thi đỗ vào Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1960 đã tình nguyện lên Tây Bắc phục vụ quân đội (dạy học cho sĩ quan trình độ cấp 1 cấp tốc theo chuơng trình Toán Lý Hoá cấp 3) trong 2 năm;

- Tốt nghịêp Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội 1965;

- Dạy Văn cấp 3 tại Hải Phòng (1965-1973). Tình nguyện đi vào Nam phục vụ trong "mặt trận văn nghệ" nhưng ngành Giáo dục giữ lại vì là giáo viên giỏi lớp cuối cấp;

- Phóng viên, biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân (Bộ Giáo dục) 1973-1982;

- Bị bắt giam và tập trung cải tạo từ 17/8/1982 - 29/10/1095 vì tội "lưu truyền văn hoá phẩm phản động" (bản thảo tập thơ "Về Kinh Bắc" của Hoàng Cầm và sáng tác, tàng trữ thơ phản động (những trang nhật ký bằng văn vần để trong nhà);

- Sau khi ra tù sống bằng việc dịch sách báo;

- Từ năm 1987 tiếp tục làm báo ở nhiều báo khác nhau, cuối cùng là báo Lao Động (1990-2003), sau đó về hưu.



- Hiện sống tại Hà Nội và TPHCM.

- Có con gái là Hoàng Ly làm mỹ thuật và thơ.





*



Hoạt động văn học quốc tế:

- 1999: Được Nhà Văn hoá Thế giới Berlin mời sang đọc thơ nhưng không được phép xuất ngoại

- 2000: Lưu trú dịch thuật tại Paris 3 tháng (9-11) do Bộ Văn hoá Pháp tài trợ. Trao đổi về dịch thơ Apollinaire tại lớp Việt Nam học, Đại học Paris 7

- 2002: Tổ chức dịch 4 nhà thơ VN cho tạp chí Europe (Paris), và 12 nhà thơ VN cho tạp chí Action Poétique (Paris)

- 2002: Người đề cử các nhà thơ VN tham dự Liên hoan Thơ Quốc tế Val de Marne, Pháp, lần VII

- 2003: Nói chuyện về "Hiện đại hoá thơ VN" tại Trung tâm Đông Nam Á, Đại học Washington, Seatle, Hoa Kỳ. Đọc thơ tại Chicago (chương trình "Đọc thơ mùa Xuân" của Columbia College - Chicago)

- 2005: Đọc thơ tại Khoa Viết văn và Trung tâm Thơ, Đại học Quốc gia San Francisco. Trao đổi về tập thơ "Ác mộng" tại Lớp Nghiên cứu Văn học Việt Nam, Đại học Berkeley

- 2005: Đọc thơ tại Volkbuhne, Berlin

Thơ

Có thơ "trẻ con" in năm 1953, thơ "người lớn" in từ 1959

Nhiều thơ in trên sách báo, tạp chí, tuyển tập trong và ngoài nước, trên mạng. Không ít thơ được dịch và in trên sách báo nước ngoài (Pháp, Mỹ, Canada, Hungary, Hoà Lan)

Đã xuất bản

Đất nắng (in chung với Trang Nghị, NXB Văn học, Hà Nội 1970),

Ngựa biển (NXB Trẻ, TPHCM 1988),

Người đi tìm mặt (NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội 1994),

Hành trình (NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội 2005)



Tập Hành Trình đoạt Giải thưởng Thơ năm 2006
của Giải Thưởng Hội Nhà Văn Hà Nội


Dịch

- Thơ: dịch thơ của nhiều tác giả nhiều nước, in trên nhiều sách báo. Sách đã xuất bản: 100 bài thơ tình thế giới (cùng dịch và chủ biên, Vũng Tàu - Côn Đảo1988),Thơ Federico Garcia Lorca (Lâm Đồng 1988), Thơ Pasternak (cùng dịch với Nguyễn Đức Dương, NXB TPHCM, 1988), Thơ Apollinaire (NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội 1997), Các nhà thơ Pháp cuối TK XX (NXB HNV, HN 2002), 15 nhà thơ Mỹ TK XX (cùng dịch, tổ chức bản thảo - NXB HNV, HN 2004)

- Truyện: chỉ kể một số tiêu biểu: Mowgli Người - sói (The Jungle Book, Rudyard Kipling) NXB Trẻ TPHCM 1988, 1989, 1999. Người đàn bà lạ lùng ( De guerre lasse, Françoise Sagan) cùng dịch với Nguyễn Lâm, NXB Văn học, HN 1990. Đồ vật (Les choses, Georges Perec) NXB HNV, HN 1999

- Từ điển Bách khoa Oxford cho thiếu niên (chủ biên) NXB Kim Đồng, HN, sắp ra mắt



Tiểu luận và bài báo

Viết một số tiểu luận văn học in trên sách báo, trên mạng. Có tiểu luận tiếng Anh in ở Hoa Kỳ (tạp chí New American Writing No 22, 2004)

Viết và dịch rất nhiểu bài báo về văn hoá văn nghệ, đặc biệt về văn học và mỹ thuật trên sách báo, trên mạng

Nhiếu bài trả lời phỏng vấn về văn học, chủ yếu là về thơ, trên các báo, trên mạng và Radio (RFI)

Hoàng Hưng trên mạng

Có thể tìm các bài viết của HH hoặc về HH trên các mạng Talawas.org, eVan.com, Vietnamnet.com, Diendan.org, Tienve.org, RFI.Vietnamese...

Trang nhà: http://hoanghung.free.fr/index.html

http://hoanghung.free.fr/tieusu.html

______

Hoàng Hưng - tập thơ Ác Mộng trên diễn đàn VNTQ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.12.2006 10:24:52 bởi TTL >
#1
    Ngọc Lý 24.09.2006 13:10:54 (permalink)
    .

    TÔI ĐỌC THƠ Ở NƯỚC NGOÀI



    Hoàng Hưng đọc thơ ở Columbia College Chicago




    Hoàng Hưng

    Đúng ra thì năm 1999 tôi đã có cơ hội ra nước ngoài đọc thơ. Nhưng đó là một « quả pháo xịt » : chương trình giới thiệu văn học đương đại Việt Nam do « Nhà văn hoá thế giới » Berlin tổ chức khá công phu trong khuôn khổ « Năm văn hoá VN » đã chỉ có mặt vài nhà văn Việt Nam hải ngoại và thêm nhà thơ Lê Đạt lúc ấy đang ở Pháp... Còn các nhà văn trong nước được mời và được giới thiệu trân trọng trong brochure của Nhà văn hoá thế giới thì không ai được phép xuất cảnh. Chỉ vì một tin... vịt truyền đi trong giới hữu trách, nghe đâu xuất phát từ sứ quán VN tại Đức : «Tụi nhà văn phản động trong nước và hải ngoại gặp nhau ở đây sẽ nhân cơ hội ra một tuyên bố về nhân quyền ».

    Tôi là người đầu tiên trong số các nhà văn trong nước được mời đi Đức trong dịp ấy bị từ chối quyền xuất ngoại (vì đối với những người "có trách nhiệm" thì "tiền sự lưu truyền văn hoá phẩm phản động" 39 tháng tù khá nguy hiểm cho an ninh quốc gia). Nguyễn Duy thì hào hứng trả lời báo Lao Động rằng anh sẽ nhân dịp sang Đức mà nhảy đại qua... Kosovo để làm phóng sự chiến trường cho bản báo. Sau đó thấy anh im re.

    Sau này được biết buổi giới thiệu thơ tôi tại Berlin vẫn được tiến hành, bản tiếng Việt do anh Trương Hồng Quang, tiến sĩ văn học, đọc... giùm tác giả (từ cái duyên ấy, tôi với anh sẽ thành chiến hữu: hiện nay chúng tôi là thành viên Ban biên tập Talawas Chủ nhật - phụ trang chuyên giới thiệu sáng tác văn học của mạng Talawas), một bạn người Đức đọc bản dịch tiếng Đức của chị Thái Kim Lan.

    Chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi là vào mùa thu năm 2000, nhờ một học bổng "dịch giả lưu trú" của Bộ Văn hoá Truyền thông Pháp và phía trong nước thì có sự can thiệp của một nữ đồng nghiệp mà tiếng nói được "cơ quan chức năng" tin nghe. Buổi giao tiếp đầu tiên của tôi với công chúng nước ngoài diễn ra trong dịp ấy, dẫu rất khiêm tốn nhưng tôi sẽ nhớ mãi. Đó là buổi trao đổi về việc dịch thơ, cụ thể là qua tập Thơ Apollinaire song ngữ của tôi (xuất bản trong nước năm 1997). Nhà phê bình văn học Đặng Tiến, giảng viên Khoa Đông phương học của Đại học Paris 7, người tổ chức buổi trao đổi, đã cẩn thận photocopy một số trang trong quyển sách phát cho cử toạ (nghiên cứu sinh văn học Việt Nam của trường cùng một số nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu người Việt - trong số đó có nhà sử học và dịch giả Lê Thành Khôi) và cầm cương cuộc trao đổi rất khéo léo. Ông cũng "cẩn thận" nhắc nhở mọi người " không đi ra ngoài chuyện dịch thuật " (hẳn là để tránh những rắc rối có thể xảy ra, cho tôi cũng như cho chính ông). Thế nhưng, cuối buổi trao đổi, lại có không ít tiếng nói đề nghị tôi đọc thơ. May là trước đó tôi đã có vài bài được người bạn vong niên Dương Tường dịch ra tiếng Pháp. Tôi bèn đọc bài Mùi mưa hay bài thơ của M. (l'Odeur de la pluie ou le poème de M.) cả hai thứ tiếng. Tôi cảm nhận đươc sự xúc động của người nghe trong và sau khi tôi đọc bài thơ ấy. Bài thơ nói về tâm trạng của đôi vợ chồng đoàn tụ sau hơn một nghìn đêm « mưa trắng đêm » khi « anh đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ ». Bài này sau đó đã được giới thiệu cùng một số bài thơ khác của tôi trong tạp chí Europe (Avril 2002), tạp chí văn chương uy tín của Pháp. Thơ do Dương Tường và Trương Quang Đệ dịch. Người giới thiệu là nhà thơ nữ Marie Etienne, nguyên ủy viên chấp hành của Hội La Maison des Écrivains, biên tập viên báo Aujourd'hui Poème. Trong một lá thư cho tôi bà viết : « Điều mà tôi yêu trong các bài thơ của Hoàng Hưng, đó là ông đã phục dựng cái thực tại khách quan, bên ngoài thông qua lăng kính của tinh thần, của cái thực tại bên trong, chủ quan, mộng mị và nhạy cảm. Cho nên trong thơ ông có những ghi nhận chính xác về các sự vật, nơi chốn hay biến cố, nhưng những cái đó truyền đạt tới chúng ta đã được phóng đại, biến dạng, sửa đổi bởi những gì mà tác giả nhìn thấy và bởi những gì rung lên trong ông ».

    Nghĩ rằng "đầu xuôi đuôi lọt", song đến khi được hai trường đại học Mỹ University of Washington và Columbia College Chicago mời vào đầu năm 2003 thì tôi đã phải quyết định xin nghỉ hưu trước hạn để chắc chắn không bị cản trở từ phía cơ quan chủ quản. Quả đúng như tôi dự đoán : ông tổng biên tập báo Lao Động, nơi tôi làm việc, cho biết nếu tôi còn là người của báo thì chắc chắn sẽ không được phép đi Mỹ (thời điểm ấy nhiều nhân vật trong nước được mời đi Mỹ với tư cách cá nhân chứ không qua "con đường tổ chức" đã bị từ chối quyền xuất cảnh).

    Ngoài mối lo trên, tôi còn lo nhiều về khả năng giao tiếp của mình với công chúng Mỹ. Tuy đã sống phần lớn bằng nghề dịch sách báo tiếng Anh từ 15 năm, và đã tự dịch một ít thơ của chính mình in trên tạp chí Mỹ, đây là lần đầu tiên tôi phải viết một tiểu luận văn học bằng tiếng Mỹ để đọc và trao đổi trước một thính đường người Mỹ, mà lại là giới đại học. Với một người tự học tiếng Anh chỉ để đọc và dịch sang tiếng Việt như tôi, đó là cả một thử thách.

    Phải thành thực thú nhận rằng bài tiểu luận tiếng Anh với đề tài « quá trình hiện đại hoá thơ Việt Nam và con đường thơ của riêng tôi » dài khoảng 22 trang A4 đã được hoàn thành một cách vất vả, nhờ sự giúp đỡ rất tận tình của hai người bạn là nhà văn Châu Diên (tức nhà giáo Phạm Toàn ở Trung tâm Giáo dục thực nghiệm) và Giáo sư Mart Stewart ở Đại học Western Washington - ông trở thành bạn tôi sau một năm làm việc về chương trình Hoa Kỳ học ở Việt Nam và rồi lại thành chồng của nhà văn Lý Lan ở TPHCM. Còn người giúp tôi luyện phát âm cho đúng giọng Mỹ là anh bạn trẻ Adam dạy ở Trung tâm Anh ngữ Apollo Hà Nội. Sau mấy ngày nhận "trò chuyện có thù lao" tại nhà tôi để giúp tôi luyện giọng, biết về con người và công việc của tôi, Adam đã thành người bạn vong niên đáng yêu để đàm thoại miễn phí .

    "Nai nịt" như thế, mà vẫn hết sức hồi hộp trước buổi "ra quân" đầu tiên.

    Tôi nói chuyện tại Trung tâm Đông Nam Á của Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bang Washington ở Seatle trong một chương trình ngoại khoá, giảng viên và sinh viên đươc thông báo đến nghe tùy thích. Nhũng buổi như thế ở đại học Mỹ thường chỉ đủ thính giả trong phạm vi một lớp học. Với Thơ lại càng không trông mong hơn.

    Điều bất ngờ không phải ở số người dự, mà lại ở chỗ khác: nhiệt tình của thính giả. Theo quy định thông thường, một buổi thuyết trình loại như thế chỉ gói gọn trong vòng một giờ, diễn giả trình bày khoảng 40 phút, 20 phút còn lại dành cho "Q-A" (hỏi đáp). Nhưng tôi đọc xong bài viết của mình thì chuông báo hết giờ ! (Vì biết đây có thể là lần đầu tiên thính giả của mình được nghe những thông tin về thơ Việt Nam, tôi phải dẫn giải dài dòng về lịch sử phát triển của nó trước khi vào hai trọng tâm là « quá trình hiện đại hoá thơ từ sau 1954 » và « con đường thơ của riêng tôi »). Điều tôi nhấn mạnh trong bài này là tinh thần giải phóng thơ khỏi nhiệm vụ phục vụ chính trị và trung thành với truyền thống mà Đảng Cộng Sản luôn đặt lên hàng đầu cho văn nghệ sĩ, là tinh thần mở cửa tiếp thu tinh hoa thơ hiện đại thế giới của các nhà thơ Nhân Văn - Giai phẩm và một số nhà thơ trẻ sau "Đổi mới". Tôi coi những nỗ lực hiện đại hoá thơ của họ là đóng góp vào việc giải phóng tư duy, giải phóng cá nhân, rất cần thiết trong quá trình dân chủ hoá và xây dựng xã hội công dân của Việt Nam.

    Có lẽ nhận thấy sự hào hứng của người nghe, Ban tổ chức quyết định cứ cho tiếp tục. Thế là cuộc Q-A diễn ra ngoài giờ quy định, khá sôi nổi, kéo dài đến gần hết giờ thứ hai. Thính giả hỏi về nhiều vấn đề : quan hệ thơ truyền thống và thơ hiện đại, thế hệ thơ trẻ hiện nay, những khó khăn trong việc dịch thơ. Sau khi nghe tôi đọc thơ mình bản tiếng Anh (do Dương Tường, Linh Đinh - nhà thơ Mỹ gốc Việt và chính tôi dịch - với sự nhuận sắc của nhà thơ Mỹ Joseph Duemer), thính giả đề nghị tôi đọc nguyên bản tiếng Việt. Nhạc tính độc đáo của thơ Việt rõ ràng gây ấn tượng với họ. Một ghi nhận đáng lưu tâm : ngay cả giới trí thức đại học cũng tỏ ra ngại ngần vì "sự khó đọc" của thơ hiện đại. Trả lời băn khoăn của họ về chuyện này, tôi nói : « Khi đọc thơ hiện đại, các bạn hãy vượt qua thói quen đọc thứ thơ lười (lazy poetry), là thứ thơ chỉ cho mình đọc một cách thụ động, để tích cực tham dự vào bài thơ với những phát hiện của riêng mình ». Tôi dẫn chứng bài Đường phố 1 của tôi (trong tập Người đi tìm mặt xuất bản năm 1994). Khi tập thơ ra đời, vị viện trưởng Viện Văn học thời ấy, trong bài viết có những lời ưu ái với tôi, đã trích toàn bộ bài thơ và nói rằng ông thực sự không hiểu chút nào ! Trong khi ấy, các bạn trẻ từng sống ở Sài Gòn nhận ra ngay những ấn tượng về đường phố hỗn loạn của thành phố thời hậu chiến.

    Mở ngoặc về việc "nói tiếng Mỹ" của tôi. Tuy thấy trong lớp học có một số nghiên cứu sinh thạc sĩ và tiến sĩ người Việt, tôi vẫn quyết định tự mình xoay xoả mà không cầu viện. Tôi nói chậm và ngắn nhưng tự tin ở việc chọn đúng từ ngữ thích hợp để diễn đạt ý mình cùng với sức truyền cảm trực tiếp của tiếng nói mình. Tôi cũng không quên xin lỗi thính giả về tiếng Mỹ của một người tự học. Mọi người thích thú khi biết thời gian tự học của tôi chủ yếu là ... ở trong tù, với tài liệu chủ yếu là... những số báo Moscow News (nhật báo tiếng Anh của Liên Xô, ấn phẩm tiếng Anh duy nhất lưu hành chính thức tại Việt Nam hồi trước " Đổi mới", mà anh ruột tôi, một bác sĩ làm việc tại "Ban bảo vệ sức khoẻ Trung ương" gửi vào).

    Bài nói chuyện của tôi đã khiến nhà thơ Paul Hoover, chủ biên tuyển tập nổi tiếng Thơ Hậu hiện đại Mỹ quan tâm đến thơ Việt Nam. Ông đã đem in nó vào tạp chí văn học New American Writing (Sáng tác mới) do ông chủ biên, vào năm 2003 (có thể đây là một trong số tiểu luận đầu tiên về văn học đương đại Việt Nam viết từ trong nước Việt Nam thống nhất được in ở Mỹ) và sau đó ông đã cùng nhà thơ Nguyễn Đỗ bạn tôi làm một tuyển thơ đương đại Việt Nam và một tuyển thơ Nguyễn Trãi.

    Cũng chính Paul Hoover là người viết bài bình luận hai bài thơ Người về và Mùi mưa hay bài thơ của M. (1) của tôi làm tài liệu cho lớp Sáng tác Văn học của trường Columbia College Chicago. Sau đây là một đoạn trong bài viết :

    « Thơ của Hưng làm tôi nhớ đến những tiểu thuyết hư cấu mang tính hiện sinh. Chúng xảy ra trong một thời gian rất rõ nhưng cũng có một tính cách phi thời gian. Nhiều năm tháng được nén lại trong một bài thơ trữ tình ngắn nói về mất mát và đau khổ. Con người đau khổ có thân xác và kinh nghiệm cụ thể, nhưng theo một nghĩa khác, cũng là một gương mặt tiêu biểu. Tôi nghĩ đến cuốn tiểu thuyết “Người đàn bà trong cồn cát” của tác giả Nhật Bản Kobo Abe. Một ngày nọ có một người đàn ông trượt chân thụt xuống một vực cát trong khi đang bước đi giữa sương mù ở một nơi xa xôi. Thế rồi ông ta trở thành chồng của một trong số nhiều người đàn bà của cồn cát mà nghề nghiệp là xúc cát suốt đời. Thực vậy, ông ta đã tìm ra số phận của chính mình, không lay chuyển được, không thể nào thoát khỏi (và cuối cùng thì có lẽ ông không muốn thoát khỏi). Chúng ta được ban cho phải sống trong những thế giới đầy đau khổ. Nhưng con tim vẫn có khả năng trỗi dậy, mặc dù đã bị chôn vùi nhiều năm tháng (“Mùi mưa”) ; một cái vỗ vai có thể thình lình thức tỉnh ta trở về với đời sống từng đã nhìn lướt qua mặt ta.

    Tôi không biết có bài thơ nào khác để so sánh với thơ Hưng. Bên dưới cái bề mặt bình thản, kể chuyện, thơ (Hưng) rất phức tạp và xúc động. Có lẽ trong đời thực, Hưng đã cảm thấy bị lưu đày giữa ngay xứ sở của mình và bị dời khỏi những hoàn cảnh sống và làm việc của chính mình ».

    Columbia College Chicago là một trong những trường đại học có uy tín về các khoa văn hoá nghệ thuật (liberal arts), có lớp cử nhân và cao học sáng tác văn học (creative writing). Hàng năm trường mở liên hoan Thơ Mùa Xuân, mời các nhà thơ có tiếng trong nước đến đọc thơ cùng với các nhà thơ trẻ của trường. Tôi là nhà thơ người nước ngoài đầu tiên được mời tham dự chương trình này. Trong một tuần lễ ở Chicago, tôi có nhiều buổi đọc thơ ở trong và ngoài trường, nhưng quan trọng nhất là buổi đọc trên hội trường. Khi tôi bước vào, hội trường đã kín chỗ và tiếng những ca khúc chiến đấu của Việt Nam thời chống Mỹ đang vang vang trên loa phát thanh. Ban tổ chức chuẩn bị khá chu đáo : bản tiếng Anh của những bài thơ tôi đọc được phóng lên màn hình treo bên trên đầu tôi, để khi tôi đọc tiếng Việt, thính giả theo dõi đựoc ý nghĩa câu thơ cùng lúc thưởng thức nhạc điệu của nguyên tác. (Nhạc điệu của thơ tiếng Việt quan trọng không kém ngữ nghĩa của nó. Sau khi nghe tôi đọc thơ tại một nhà sách ở Chicago, một trí thức Việt kiều tới gặp tôi và nói : « Tôi đã đọc những bài thơ này bằng mắt, thơ rất hay, nhưng không ngờ khi nghe tác giả đọc mình lại thấy mạnh mẽ đến thế »).

    Cũng như ở Seatle, phần hỏi đáp sau khi đọc thơ diễn ra rất sôi nổi, nhưng thính giả - chủ yếu là sinh viên - quan tâm nhiều hơn đến hoàn cảnh sáng tác của tác giả. Sau buổi đọc, một số em lên sân khấu chào tôi và bày tỏ sự xúc động của mình khi nghe thơ. Tôi thấy họ đều rất chân thành. Và, ở đây cũng như ở hầu hết các buổi đọc thơ của tôi ở Mỹ, Đức, Pháp trước và sau đó, hai bài thơ Người về và Mùi mưa được sự chia sẻ nhiều nhất của thính giả. Có lẽ vì những bài thơ ấy nói lên tâm trạng khá phổ biến của con người trong thời đại hiện nay, như nhà thơ Robert Creeley (1926-2005), nguyên Đồng Chủ tịch Viện Hàn lâm thơ Hoa Kỳ, đã viết trong một lá thư gửi cho tôi năm 2001 : « Đọc bản dịch các bài thơ của ông, tôi rất xúc động vì những xúc cảm về sự lạc lõng và mất mát trong đó. Chắc là cả thế giới chúng ta đã đi đến cùng một chỗ đắng cay như thế. »

    Sau khi rời Chicago đi New York, tôi viết thư tới GS Tom Nawrocki, người tổ chức chưong trình Thơ mùa Xuân để cảm ơn thì được ông trả lời : « Chính chúng tôi phải cảm ơn ông đã đem đến cho trường một không khí thơ sôi nổi. Nhiều ngày sau khi ông chia tay, sinh viên còn bàn tán về những buổi đọc thơ của ông. Chúng tôi đã học được nhiều điều ở ông ».

    Năm 2005, tôi được Khoa Viết văn của trường University of San Francisco mời sang đọc thơ và nhân đó lại có buổi trao đổi rất thú vị về tập bản thảo Ác mộng (30 bài thơ về thời gian tù đày) với sinh viên lớp Văn học Việt Nam tại trường UCLA Berkeley do cô giáo Nguyễn Nguyệt Cầm hướng dẫn. Tôi thực sự xúc động trước sự quan tâm và hiểu biết về Việt Nam của những bạn trẻ người Việt sinh trưởng trên đât Mỹ, phần lớn chưa có dịp về thăm quê cha đất tổ. Tôi cũng thực sự sung sướng cùng với vợ tôi tham dự đêm liên hoan rất vui vẻ với các em sinh viên buổi tối hôm ấy tại ngôi nhà xinh đẹp trên đồi của vợ chồng Peter Zinnoman - Nguyễn Nguyệt Cầm. Chúng tôi đã trẻ lại trong không khí đầy sức sống của các em. Nhưng sau những phút ấy tôi không khỏi trạnh lòng. Ngay tại đất nước mình, do sự kỳ thị gay gắt đối với những cây bút bị coi là "chiên ghẻ ", mình chưa bao giờ có những phút hạnh phúc được chia sẻ với bạn đọc như thế. (Mãi cho đến cuối năm 2005, điều ấy mới tới với tôi, sau 45 năm xuất hiện trên thi đàn, đó là buổi nói chuyện tại Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội và buổi đọc thơ tại Viện Goethe Hà Nội - nhưng mà Viện Goethe thì vẫn là "lãnh thổ ngoại quôc" trên đất Việt Nam !)

    Cuối năm 2005, tôi bất ngờ nhận được lời mời tham dự Vietnam Kongress (Hội nghị Việt Nam) do Nhà hát Volksbuhne (Nhân dân) Berlin tổ chức. Lời mời được đưa ra rất bột phát sau khi anh Leineweber Goetz, người tổ chức hội nghị cùng với ông Franz Xavier Augustin, Viện trưỏng Viện Goethe Hà Nội đọc được các bản dịch tiếng Anh thơ tôi (trong số đó khoảng 30 bài in trên các tạp chí văn học khác nhau của Mỹ, Canada). Điều đáng kể trong cuộc này là : trong chương trình hội nghị kéo dài từ trưa đến đêm, gồm nhiều cuộc nói chuyện, trao đổi với sự góp mặt của những người liên quan đến Việt Nam đến từ nhiều nước, Ban tổ chức cố tình xếp tôi là người cuối cùng, và thơ của tôi lại đi sau ngay bài nói chuyện của nhà báo Bùi Tín ! Tôi hơi lo vì thấy giờ của mình cứ bị đẩy lui mãi do các tiết mục trước kéo quá lố. Lại thêm ngay trước đó, bài nói của anh Bùi Tín bị hai kẻ gây sự làm mất vui. Mãi đến hơn 8 giờ tồi, tôi mới được đăng đàn. Tuy đã muộn, số người ở lại nghe thơ cũng còn khá đông. Trong đó tôi thấy có cả hai nhân vật "gây sự" kia. Tôi đã sẵn sàng chuẩn bị ứng xử với tình huống xấu, vì hôm nay tôi sẽ nói về tập Ác Mộng sau khi 3 lần bản thảo bị các nhà xuất bản trong nước từ chối. "Quá tam ba bận", tôi chỉ kiên nhẫn đến thế thôi. Giờ là lúc tôi tự cho phép cho mình công bố rộng rãi những bài thơ gan ruột ấy tại bất cứ nơi nào, dưới bất cứ hình thức nào có thể. (Sau đó Diễn Đàn là cơ quan truyền thông đầu tiên giới thiệu Ác mộng, tháng 12.2005, tiếp theo là Talawas công bố đầy đủ trên trang Chủ nhật).

    Nhưng may mắn là buổi đọc thơ diễn ra suông sẻ, hào hứng. Thú vị nhất có lẽ là khi tôi đọc bài Một ngày kể chuyện đôi trai gái yêu nhau bằng tiếng gõ qua bức tường phòng giam (Goetz đọc bản tiếng Anh rất đạt, anh là một nhà hoạt động sân khấu mà).

    Trong các buổi đọc thơ ở nước ngoài, phần trao đổi thường không hạn chế trong chuyện văn chương, mà người nghe bao giờ cũng muốn biết chuyện "thế sự" là bối cảnh của tác phẩm. Trường hợp của tôi, một cây bút độc lập không thuộc tổ chức văn học chính thống nào và "có vấn đề", được mời đích danh với tư cách hoàn toàn cá nhân, thường gặp phải những câu hỏi nhạy cảm. Sau đây là một số câu hỏi tôi cho là lý thú và thấy mình cũng đã trả lời thoả đáng.

    Tại lớp Đông phương học thuộc Đại học Paris 7 năm 2000, một thính giả hỏi tôi một câu mà nhiều người coi là một cái bẫy : « Trong nước, ông có được quyền tự do sáng tác không ? ». Tôi trả lời không cần suy nghĩ : « Người nghệ sĩ chân chính không bao giờ đợi ai ban cho mình quyền tự do sáng tạo. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh ta cũng có sự tự do trong nội tâm. Quyền thiêng liêng ấy chỉ mất khi anh tự nguyện để người ta tước đoạt ». Cũng đề tài này, ở trường Columbia College Chicago một giảng viên khoa viết văn hỏi : « Từ nước mình sang Hoa Kỳ, ông đánh giá thế nào về quyền tự do sáng tác ở đây ? ». Tôi đáp : « Ở đâu thì người sáng tác cũng phải kháng cự sự chi phối của ngoại cảnh. Nếu ở các nước Cộng sản, đó là sự ràng buộc về chính trị, thì ở các nước tư bản, là sự khuynh loát của đồng tiền. Các nhà văn ở Mỹ rõ ràng phải vượt qua thách thức của việc chạy theo thị trường để bảo vệ tiếng nói chân thực của riêng mình ».

    Trong buổi trao đổi về tập thơ Ác mộng của tôi tại lớp Văn học Việt Nam của trường Đại học Berkeley, các em hỏi rất nhiều điều trong và ngoài tác phẩm. Một em đề nghị tôi so sánh thơ của mình với tập Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh. Tôi cười lớn và nói đùa : « Nếu ở VN mà đặt một câu hỏi như thế thì sẽ bị đánh đòn vì tội phạm thượng đấy ! » Cả lớp cười ồ, nhưng tôi làm nghiêm ngay : « Tôi nghĩ không nên so sánh, vì bản chất hai tập thơ khác nhau : tôi chỉ là một con người bình thường chủ ý chỉ là ghi lại tâm sự riêng tư trong một nghịch cảnh, còn Hồ Chí Minh, dù ta thích hay không thích, cũng là một vĩ nhân lịch sử, một nhà cách mạng, trong hoàn cảnh ngục tù ông vẫn luôn nghĩ đến mục tiêu chiến đấu của mình. » (2)

    Lại có một em hỏi : « Ông nghĩ Việt Nam có thực sự đổi mới không ? » Tôi trả lời : « Chỉ một việc hôm nay tôi ngồi đây trước các bạn đã chứng tỏ Việt Nam có đổi mới. Có điều là những người tâm huyết với dân tộc bao giờ cũng sốt ruột, muốn thúc đẩy quá trình đổi mới nhanh lên, nhanh lên nữa, triệt để hơn nữa, để đất nước không tụt hậu quá xa so với người ta ».

    Có thể nói điều tôi tâm đắc nhất từ hàng chục buổi đọc thơ ở các nơi khác nhau ở Pháp, Mỹ, Đức: phẩm chất nhân văn của tác phẩm và bản lĩnh độc lập của nhà văn là cái thuyết phục mọi người, vượt qua mọi biên giới ngôn ngữ.

    Hoàng Hưng

    (Một phần bài này đã in trên tạp chí Trí Tuệ của Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng ngoài công lập Việt Nam, số 2 năm 2006. BBT Trí Tuệ có sửa, cắt vài chỗ "nhạy cảm" trong nguyên bản. Bản đăng trên đây do tác giả gửi thẳng cho DĐ)


    ----------------------------------------

    (1) Xem hai bài này trong Diễn Đàn số 157.

    (2) Thực tế là không ít người khi đọc Ác mộng lập tức liên tưởng đến Nhật ký trong tù. Đơn cử GS Phong Lê, Viện trưởng Viện Văn học trong tiểu luận : Thơ đến với người và thơ đi tìm mình viết sau khi đọc một số bài Ác mộng in trong tập Người đi tìm mặt của tôi : « Viết cho mình, chỉ riêng mình thôi, dường như đó cũng là câu chuyện của tác phẩm lớn Nhật ký trong tù. Tác giả thật ra không hoàn toàn quên tập thơ mình đã viết, như trước đây ta vẫn nghĩ, nhưng quả là ít quan tâm đến nó. Sau một chữ hoàn chấm dứt bài số 134, là bài Mới ra tù tập leo núi. Bài thơ đánh dấu dứt khoát sự chuyển đoạn cuộc đời Bác; từ đây là ra tù, là thôi cả nhật ký và thơ, để bước vào trường hoạt động cách mạng.

    Ngâm thơ ta vốn không ham

    Quả là vậy. Hành động thơ ở đây quả như một chuyện bất đắc dĩ. Nhưng rồi chính những ngẫu nhiên của cuộc sống đã dồn thúc cho sự ra đời cả một tập thơ, với những bài thơ, những câu :

    Hoà lệ thành thơ tả nỗi này

    ...

    Đáng khóc mà ta cứ hát tràn

    Hồ Chí Minh lớn ở nhiều bài thơ khác, như cách ta từng phân tích lâu nay. Nhưng tôi nghĩ tác giả vẫn lớn, và càng lớn ở chính những câu này. Cái thật thường đi với cái đẹp. Cái nội tâm thầm kín, sâu xa thường khiến ta rung động và xúc động.

    Hoàng Hưng là “Người đi tìm mặt” mình - như tên tập thơ mới đây nhất của anh. Là người đã viết đoạn thơ tôi vừa dẫn. Tôi cố rứt ra khỏi tâm thế băn khoăn khi đọc đoạn thơ trên, nhiều lần, bởi sự ám ảnh về một cái gì còn trong phía tối của cả nội tâm và ngoại giới. Nhưng Hoàng Hưng trong tập thơ này, cũng là người có nhiều bài thơ sáng sủa, sáng suốt, dễ hiểu, và tôi tin đó là thơ đến được với nhiều người. Những bài Người về, Mộng, Đêm vượt đèo trong tập Người đi tìm mặt là những bài thơ hay, không chỉ vì sự dễ hiểu. Bài thơ như sự chưng cất toàn bộ kinh nghiệm, ấn tượng, cảm xúc của cả một phần đời trong thời gian và không gian của chính tác giả, và hẳn không chỉ riêng tác giả. Cuộc đời dẫu bất cứ lúc nào, quả chẳng bao giờ hết được những chuyện bất an, và bất an đâu phải chỉ là ngã cầu thang, đâm xe máy, đắm đò, bị xin đểu, hoặc trấn lột... mà còn biết bao ám ảnh khác trong đời sống tinh thần. Tôi hiểu vì sao Chủ nghĩa hiện đại, cái “modernisme” mà ta kinh sợ và phê phán gay gắt non nửa thế kỷ, vẫn cứ là một hiện tượng thế giới; và những người không tên trong Mê cung của Alain Robbe Grillet. Người xa lạ của Albert Camus, hoặc nhân vật chỉ có tên K. trong Vụ án của Franz Kafka sống trong những âu lo, thảng thốt, không biết thân phận của mình sẽ ra sao trong bao hiểm hoạ vô hình, lại nói được bao vấn đề lớn lao và nghiêm chỉnh của thế kỷ.

    (Văn học trong hành trình tinh thần của con người, NXB Lao Động, 1994)


    ---------------------------------------------


      Sốt



        Tôi bồng bềnh tôi nở chật không gian
        Tôi nhìn tôi bay khỏi đất.
        Cơn sốt nào đây cơ thể rùng rùng ù tai chóng mặt

        Bàn tay em suối mát
        Lòng anh còn bất an

        Tiếng em đều đều lời kinh xa xăm
        Có một kiếp mình tu chưa trọn kiếp.
        Mắt em trên ngọn cây
        Dõi đoàn tàu oan nghiệt
        Kiếp này anh lại vụng
        Có còn kiếp khác không em?

        Giật mình gối ướt
        Tay quờ sang em.
        Ngày buồn ăn cả vào đêm
        Em ngồi như núi lặng im mà buồn.
        Anh còn chao đảo vô thường
        Những cơn động đất điên cuồng dưới da.
        Bao giờ cơn sốt lùi xa
        Để anh lẳng lặng tan ra thành lời


      Hoàng Hưng



    © http://www.diendan.org

    Hoàng Hưng - tập thơ Ác Mộng trên diễn đàn VNTQ
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.09.2006 06:15:46 bởi Ngọc Lý >
    #2
      Ngọc Lý 27.09.2006 21:54:44 (permalink)
      .

      Nguyễn Thuỵ Kha
      Hành trình thơ Hoàng Hưng




      So với bạn đồng môn Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Văn khóa ấy như Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Nghiêm Đa Văn… Hoàng Hưng đăng quang sớm hơn cả. Năm 1965 anh đã đoạt giải thưởng báo Văn nghệ. Cũng năm ấy ra trường, anh được phân công về dạy văn cấp 3 ở Hải Phòng. Nếu hồi lớp 10 dạo đó, tôi không sang học cấp 3 Thuỷ Sơn mà sang học cấp 3 An Dương thì thầy dạy văn của tôi sẽ không phải là nhà thơ Thúc Hà mà là nhà thơ Hoàng Hưng. Số phận đã khiến cho mãi tới năm 1982, anh và tôi mới gặp nhau trong một thời điểm nhạy cảm đặc biệt. Song ấn tượng về anh thì tôi đã có từ lâu. Điều lạ đầu tiên về Hoàng Hưng là khi biết anh là tác giả bài thơ "Tiếng hát người chăn bò" mà nhạc sĩ Thanh Phúc phổ nhạc rất hay. Bài thơ viết về bộ đội nông trường Điện Biên. Có lẽ đấy là dịp anh lên Tây Bắc làm lính nghĩa vụ [1] . Ấn tượng sâu đậm hơn khi biết anh là một trong những nhà thơ có tiếng của nhóm thơ Hải Phòng thời chống Mỹ. Những bờ đá, những sợi dây xích bến cảng, dòng sông Dề ngoại thành trong thơ Hoàng Hưng đã gợi lên trong tôi một Hải Phòng gan góc và u trầm. Mặc áo lính vào Trường Sơn, thơ Hoàng Hưng vẫn đồng hành với tôi qua tiếng đàn bầu "thắt ngang bầu nắng/ Trưa bỗng vỡ thành thác trắng…"

      Lúc ấy hình như Hoàng Hưng bắt đầu rời Hải Phòng trở về Hà Nội làm báo Người Giáo viên Nhân dân. Sau thống nhất, anh đưa gia đình vào Sài Gòn thì tôi lại ra Hà Nội. Mùa hè 1982, Nguyễn Duy đưa Hoàng Hưng tới căn gác 60 Hàng Bông của tôi. Anh đưa tôi xem một tập bản thảo dịch thơ G. Lorca và một tập bản thảo thơ anh. Tôi đọc và thích thú cả hai tập nên đã chép kín cả một quyển sổ tay. Năm đó nhân dịp giải thưởng Thơ báo Văn nghệ sẽ công bố vào dịp tháng 8, anh Nguyễn Văn Bổng (Tổng biên tập) có ý định làm một số thơ đặc biệt giới thiệu thơ của các nhà thơ đã được giải thưởng báo Văn nghệ từ khi có giải thưởng lần đầu. Tôi đã chuyển cho Bế Kiến Quốc bài "Mưa rào và trẻ nhỏ" của Hoàng Hưng tặng Văn Cao. Bài thơ đã được duyệt và lên khuôn chờ in thì có tin Hoàng Hưng có chuyện rày rà với nhà chức trách [2] . Không hiểu ai đó đã "nhanh mồm nhanh miệng" xui bản báo nên bóc bài thơ của Hoàng Hưng ra khỏi số báo đặc biệt cho khỏi phiền. Sau thời điểm ấy, mấy năm sau tôi mới gặp lại Hoàng Hưng. Còn bài "Mưa rào và trẻ nhỏ" thì mãi tới năm 1988 mới được in trong tập Ngựa biển cùng với nhiều bài thơ, trong đó có cả "thơ vụt hiện" mà tôi đã từng chép vào sổ tay. Những cảm xúc mà anh có được trong khoảng thời gian từ 1982 đến 1985 thì sau này được anh chọn in trong tập Người đi tìm mặt năm 1994. Cả hai tập thơ đếu bị giới phê bình văn học "làm um lên" vì sự mới mẻ đến không chịu nổi. Đọc những bài đó, cả Hoàng Hưng và chúng tôi đều cười phá lên vì biết trước là mọi việc sẽ xảy ra như thế. Nổi tiếng và tai tiếng riêng với Hoàng Hưng thì chẳng có gì khác mấy. Anh đã quá quen và đã "lì đòn". Nhưng với tất cả những gì tôi biết ở Hoàng Hưng từ năm 1982 thì trong cảm nhận của riêng tôi, hành trình thơ Hoàng Hưng là một hành trình thơ đích thực, không vụ lợi và quyết liệt đến cùng trong đổi mới, cách tân. Cho đến bây giờ, tập thơ Hành trình ấn hành, thì cảm nhận ấy ở tôi hoàn toàn được chứng nghiệm.

      Cũng là nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ, song cái khác của Hoàng Hưng là bằng hiểu biết văn hoá và bằng tiếp cận với nhũng nhà thơ "từng chìm trong im lặng" như Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần… Hoàng Hưng sớm tỉnh ngộ trước hiện thực rất đỗi phong phú và phức điệu của đất nước. Bài "Tỉnh giấc ở Hòn Gai" là bài thơ tự chuyển từ giọng thơ ca ngợi một chiều sang gịong thơ hiện thực, chiêm nghiệm:

        Thốt tỉnh. Bây giờ là mấy giờ đêm?
        Oi ả quá. Sóng không buồn vỗ
        Sà sà mảng núi ngang đầu
        Trắng bệch màu mây mệt mỏi
        Vụt đứng dậy, bồn chồn kinh hãi
        - Sáng mau đi, đá sập đến nơi rồi!

      Chính nhờ hiểu biết văn hoá, mà nhờ căn bản là có ngoại ngữ, Hoàng Hưng đã đọc và nhận biết được tiến trình phát triển của thơ thế giới để tự hoạch định một lối đi riêng bằng "nước mắt một đời/ đổi một dòng hư ảo/ thế thôi".

      Có lẽ ông trời nhận ra được lòng lành của Hoàng Hưng nên vào thời kỳ đổi mới của đất nước, Hoàng Hưng cũng được và cũng tự cho phép đổi mới mình bằng những chuyến đi "thực tế" trên nhiều miền đất của hành tinh này. Đến Hành trình, thơ Hoàng Hưng vừa mang chứa được bề rộng thế giới và cả bề sâu của tâm linh. Tập thơ vập vạp và sức vóc khiến nhiều "thi nhân" trong "làng thơ ao tù" nước nhà phải giật mình và phải nhận ra rằng "Thơ ôi là Thơ/ Mày là cái gì thế hả Thơ?"

      Nhờ có một cuộc sống thăng trầm từng trải đáng nể, đến Hành trình thơ Hoàng Hưng đã đạt tới độ "như không" để thông báo nhiều ẩn chứa trong tâm tưởng qua nhiều tầng nghĩa của câu thơ, của chữ thơ mà nếu như chưa đạt tới độ giải thoát cao, tuyệt đối không thể "xuất chiêu" điềm tĩnh đến mức như thế được. Phải sống đến độ nào đấy mới nhận ra "Đời sống nảy buồn mà đẹp quá" để mà thanh thản "Đi thôi/ Về thôi" ở cửa sông chảy ra đại dương vô cùng. Câu thơ sau khi được ngâm ngợi, nhào luyện đến độ chín thì viết ra cứ nhẹ tênh, giản dị và lay động. Bàn về thời gian qua "Ngày lạ", về hữu hạn qua "Sống chết", về thế giới qua "Made in USA" và tâm linh qua "Đường lên núi tuyết" đều là những ý niệm lớn lao và rộng rinh mà thấy giọng thơ Hoàng Hưng thật dịu dàng ngỡ như đã "ngộ" ra tất cả. Thế giới này vừa lạ lùng vừa dễ hiểu qua những nhịp thơ trầm tịch và biến hiện không ngờ. Cái nỗi đời và nỗi người tha hương khắp xứ và ngay cả ở chính quê hương mình vì nhiều chuyện éo le cứ chảy róc rách qua từng câu thơ thấm thía. Nào là:

        Vịnh xanh co lại
        Vòng vây gạch đá vươn dài

      Nào là:

        Ông già trằn trọc nỗi nhớ sáu mươi năm

        Đi bất cứ đâu
        Trừ trở lại quê nhà

      Nào là ca sĩ "Báu bệt sàn đất hát" ở Hà Nội, đến "Người đàn bà di-gan hát khàn họng bên con chó ngúc ngắc đầu/ Anh chàng Đông Âu ắc-cooc chiều Matxcơva" và "Ta hát như điên bài hát rẻ tiền", "Làm tôi đau/ Muốn khóc cho tuổi trẻ mình". Nào là các nhà thơ "Thằng bên lề thằng chạy trốn quê hương" để đón nhận "Đất hứa phục những đòn bầm tím/ Chết không xong thì phải sống thôi", để có những giây phút "Những câu thơ/ Một mình đọc một mình tan nát", "Thê thảm và quyết liệt/ Ta biết chỉ có Thơ giúp mày sống sót". Tất cả đều ước mong một điều gì đó tốt đẹp hơn, nhưng "Tự do!Tự do! Một đời khao khát/ Phút này nàng vẫn cách xa".

      Tôi rất tâm đắc với cách nhìn bình tĩnh và khách quan của Hoàng Hưng về nước Mỹ. Bài "Made in USA" tuy dùng thi pháp cũ nhưng vẫn phát ngôn một thực tế mới, còn bài "America" thì cho ta nhìn thấu bản chất không đơn giản của một đât nước khổng lồ:

        America America
        Những xa lộ dọc ngang vun vút 18 bánh xe của ngươi cả mặt đất chịu
        Những đèn đuốc sáng trưng ngày đêm của ngươi cả bầu trời chịu
        Những đại học mênh mông của ngươi cả tuổi thanh xuân được
        Những bãi cỏ xanh rười rượi có thể nắm lăn ra bất cứ chỗ nào của ngươi cả thế giới được
        Bệnh béo phì của ngươi cả giống người chịu
        Bạo lực tivi của ngươi cả tương lai chịu

      Mấy ai, mấy nhà thơ đi Mỹ về ngoài chuyện khoe khoang, huênh hoang, điệu đà, đã nhận ra nước Mỹ như Hoàng Hưng?



      *


      Hoàng Hưng "không sợ chết mà sợ phút giây tổng kết cuộc đời" nên đến Hành trình, cách bàn về "sống và chết" ở một người đã qua tuổi lục tuần như anh là lẽ thường tình. Và có cái quí nhất mà anh nhận ra như lời dối dăng là "Hãy tập làm người bình thường" để ngày sinh nhật nào đó ở quê người nhận ra niềm sung sướng:

        Bắp ngô non ăn mừng sinh nhật
        Quạt thơm vỉa hè
        Hai đứa cười như hai trẻ nhà quê
        Được ngày ra phố

      Phần mới và lạ nhất trong Hành trình là "Đường lên núi Tuyết". Mùi thiền lặng lẽ ngấm vào Hoàng Hưng qua tuổi tác và đã cho anh một góc nhìn, "một niềm tin bên trên lý lẽ". Dường như anh đã tự nhiên như nhiên thoát khỏi hiện thực để bồng bềnh thật nhẹ vào hư không:

        Xa lắc rồi
        Cõi vui buồn hờn giận của chúng mình
        Cõi lo toan vặt vãnh của chúng mình
        Anh cầm tay em
        Buông mình vào thế giới khác
        Giữa tiếng quạ kêu ở Calcutta

      và để thốt lên:

        Sông Hằng sông Hằng cho tôi một giọt nước thiêng
        Một giọt thôi
        Giọt nào tẩy hết ưu phiền
        Sông Hằng sông Hằng cho tôi chết giữa dòng để tái sinh làm thiền sư hay nhà thơ lang bạt

      Một cảm giác hư thực không dễ có khi nghe tiếng chó rừng ở Nepal:

        Suốt đêm thao thức hồ nghi
        Tiếng chó rừng có thật không có thật?
        Tiếng vô minh
        Hú lên lừa mị trên đường ta đi tìm sự thật?

      Và để nhận ra giữa cõi đời "bãi phân bò bốc khói", con người đã tìm ra cõi đạo của mình. Cõi đạo như lũ trẻ "Trong rừng xê xan":

        Các em hãy tới bên ta
        Nhảy múa trên những ưu phiền của ta
        Trên mình ta rác rưởi phù hoa
        Hãy rửa sạch ta bằng tiếng cười
        Trong vắt

      Hoàng Hưng đã cực thiền khi nhận ra:

        Thày vào như gió thoảng
        Tăng đoàn rạng rỡ tuệ quang
        An tịnh - mỉm cười
        Đã về - đã tới
        Bây giờ - ở đây
        Tự do ngay phút này hoặc không bao giờ nữa.

      Hành trình thơ Hoàng Hưng là hành trình bền bỉ và kiên định suốt hơn 40 năm qua. Mừng là anh đã tới được cái riêng của mình mà không phải nhà thơ nào cũng có được. Anh sẽ còn tới hơn bởi những dự liệu khoẻ khoắn còn chất chứa đầy trong "hành trình" mà đến một lúc nào đó sẽ lại phát xạ lấp lánh trước chúng ta.



      ----------------------------
      [1]Thực ra đây là thời gian Hoàng Hưng tình nguyện lên Tây Bắc phục vụ bộ đội trong cương vị giáo viên văn hoá và tự nguyện đi lao động thực tế ở nông trường quân đội Điện Biên (BT).
      [2]Tháng 8 năm 1982 Hoàng Hưng bị bắt vì cầm trong tay bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm, sau đó vì việc "lưu truyền văn hoá phẩm phản động" đó và cả vì những bài thơ trong sổ tay của chính Hoàng Hưng mà anh bị tập trung cải tạo cho đến hết tháng 10 năm 1985 (BT).


      Nguồn: Tạp chí Sông Trà, số 14/ 2006
      http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8167&rb=0101
      ____________

      Hoàng Hưng - tập thơ Ác Mộng trên diễn đàn VNTQ
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.09.2006 21:56:49 bởi Ngọc Lý >
      #3
        Ngọc Lý 07.10.2006 12:55:21 (permalink)
        .


        Hoàng Hưng
        Tự do sáng tạo và sự điều chỉnh của xã hội




        (Bài phát biểu tại Hội nghị Lý luận Phê bình Văn học lần thứ hai “Phát huy thành tựu đổi mới văn học, phấn đấu có thêm nhiều tác phẩm chất lượng cao” tại Đồ Sơn, Hải Phòng trong 2 ngày 04 và 05 tháng 10/2006)

        Có rất nhiều điều thiết yếu để có tác phẩm hay. Hôm nay, trên diễn đàn quan trọng và đầy trách nhiệm với sự phát triển của văn học nước nhà trong giai đoạn mới mà nhiều người gọi là "thời cơ vàng" của đất nước, tôi xin nói về một điều thiết yếu cơ bản nhất nhưng lâu nay đã bị vô tình hay hữu ý coi nhẹ hay né tránh, có lẽ vì sợ hiểu lầm, có lẽ vì sợ bị xuyên tạc hay lợi dụng. Đó là: Tự do sáng tạo trong văn học nghệ thuật.


        1. Người sáng tạo chỉ mất tự do khi tự nguyện để bị tước đoạt.


        Tự do là động lực và cứu cánh của sáng tạo.

        Tôi nghĩ rằng định đề này không cần phải chứng minh. Trong thời kỳ chiến tranh ái quốc, tự do của cả dân tộc đã là động lực và cứu cánh của văn học cách mạng, đa số người cầm bút khi ấy tự nguyện dẹp bỏ tự do cá nhân để sáng tạo vì tự do của tổ quốc. Vấn đề tự do sáng tạo lúc ấy hầu như không ai đặt ra, hoặc có thể bắt chước lối nói kiểu cách của một nhà văn nọ trong Thế chiến thứ Hai mà không ngượng mồm: "Tôi viết theo mệnh lệnh của trái tim tôi mà trái tim tôi thì thuộc về tự do của dân tộc tôi".

        Ấy vậy mà, mươi năm sau chiến tranh chống Mỹ, chúng ta đã chứng kiến một cuộc phản tỉnh không ít cay đắng của một trong những cây bút hào hùng nhất trong cuộc chiến: "Kiếm làm con rùa không thể yên thân trong cuộc sống thường/ Thơ chỉ sống một phần cho mình còn ba phần cho nhiệm vụ/ Nghĩ mà thương!"

        Vì sao có tâm sự đó?

        Vì chiến tranh và cách mạng dù thiêng liêng đẹp đẽ mấy cũng chỉ là thời kỳ bất bình thường của xã hội. Những cái được coi là quy luật của cuộc sống thời chiến chỉ là ngoại lệ so với quy luật phổ biến của đời sống con người. Với nghệ thuật cũng vậy. Trước sau gì thì người nghệ sĩ bôn ba trên những chốn ngoài mình cũng phải quay về ngôi nhà đích thực của mình là nghệ thuật và đối mặt với nhu cầu sống còn của anh và cũng là thử thách quyết liệt nhất đối với anh: đó là tự do sáng tạo.

        Dĩ nhiên, tự do sáng tạo trước nhất và quyết định nhất là tự do nội tâm của cá nhân người sáng tạo. Theo dõi quá trình sống và sáng tác của các cây bút đã mất hay đang sống, chắc bạn có thể đồng ý với tôi rằng những người có sức sáng tạo mạnh mẽ, lâu bền đều là những người đủ bản lĩnh giữ được cho mình sự tự do nội tâm, tránh được càng nhiều càng tốt những ràng buộc, sức ép của danh lợi, của cái ngoài mình. Trong một buổi đọc thơ ở Pháp, có người hỏi tôi rằng: "Ở trong nước, ông có được quyền tự do sáng tác không?". Tôi đã trả lời ngay không cần suy nghĩ: "Người sáng tác chân chính bao giờ cũng có tự do, không chờ ai ban phát và cũng không để ai tước đoạt, trừ khi anh tự nguyện để cho người ta tước đoạt".

        Tự nguyện để bị tước đoạt quyền tự do sáng tạo có nghĩa là người viết tự kiểm duyệt mình, nhiều khi ý thức tự kiểm duyệt trở thành vô thức, vô hình trung anh chỉ còn là người thợ gia công sản xuất những mặt hàng theo mẫu mã được đặt sẵn của các báo, các nhà xuất bản, các ban giám khảo giải thưởng. Tự nguyện để bị tước đoạt quyền tự do sáng tạo cũng là lười nhác sản xuất theo những mẫu mã đã thành công của chính mình, tự copy chính mình, không dám phiêu lưu tìm kiếm chân trời mới, cũng không dám thay đổi theo dõi những thay đổi bên trong của chính mình.

        Tự nguyện để bị tước đoạt quyền tự do sáng tạo chính là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nhàng nhàng, vô thưởng vô phạt, nhạt nhẽo của phần lớn sản phẩm viết hiện nay.

        Tôi tin rằng trong một xã hội phát triển tự nhiên, bình thường thì xét đến cùng sức hấp dẫn thuyết phục của tác phẩm trước tiên là ở hàm lượng tự do sáng tạo mà nó chứa đựng, ở độ mãnh liệt của khát vọng tự do bộc lộ trong nó. Tác động tích cực của tác phẩm đối với người đọc chính là ở khả năng lây nhiễm, nói đúng hơn là khả năng đánh thức lòng khao khát tự do, niềm kiêu hãnh ngẩng đầu, cái tiềm năng sáng tạo trong mỗi con người nhiều khi bị chôn vùi trong cuộc sống mòn giá áo túi cơm hàng ngày. Khi một xã hội xác định mục tiêu của nó là "dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng và văn minh" thì tự do sáng tạo nghệ thuật là đồng thuận hoàn toàn với hướng phát triển của xã hội, là nhân tố kích thích sự phát triển, vì một xã hội như thế chỉ có thể được xây dựng bởi những con người tự do, những con người tự hào và tự tin ở chính mình, biết rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, không chấp nhận cúi đầu mua lấy sự bình yên hay miếng cơm rẻ mạt, không dung thứ sự giả dối, cường quyền, bất công.

        Cho nên tự do sáng tạo phải được coi là vấn đề trung tâm của sáng tạo văn học nghệ thuật trong thời kỳ hiện nay.


        2. Quyền tự do phổ biến tác phẩm và ba cái "bất":

        Tự do sáng tạo trong nội tâm đại đa số người viết mặc nhiên chịu áp lực rất lớn, nhiều khi không cưỡng nổi, của áp lực bên ngoài, đó chính sự điều chỉnh của xã hội. Ở những xã hội có sự kiểm soát chặt chẽ đối với văn học nghệ thuật, sự điều chỉnh đó thể hiện trước tiên ở quyền tự do phổ biến sản phẩm sáng tạo.

        Tôi thực sự tin rằng các bạn đồng nghiệp của tôi đều nghĩ như tôi, mặc dù có thể nghĩ mà không nói ra. Tôi xin kể một chuyện "người thật, việc thật" để minh hoạ cho xác tín này của mình. Sau buổi họp báo công bố kêt quả một cuộc thi sáng tác văn học cách đây ít năm, tôi, lúc đó phụ trách mảng văn hoá nghệ thuật của một tờ báo lớn, đã yêu cầu được phỏng vấn ông chủ tịch hội đồng giám khảo, một nhà văn tầm cỡ, về những phát hiện tài năng mà ông đã tuyên bố hùng hồn trong cuộc họp báo. Nhà văn quyết liệt từ chối. Sau năm lần bẩy lượt bị tôi chất vấn lý do không chịu trả lời, nhà văn buông ra một câu xanh rờn khiến những người có mặt và cả tôi phải bất ngờ: "Đây tao trả lời thẳng thừng thế này mày xem có đăng được trên báo không nhé: Không có tự do tư tưởng thì làm sao có tác phẩm hay?". Tôi đành chỉ cười ha hả mà chào thua. Cũng gần thời gian ấy, khi các nhà lãnh đạo nước ta nói nhiều về xây dựng "nền kinh tế trí thức", tôi xin phỏng vấn một nhà khoa học tên tuổi trong ngành tin học, ông cũng từ chối. Hỏi tại sao, ông đáp: "Ông là bạn nên tôi nói thật. Không có tự do thông tin thì làm sao có kinh tế trí thức?".

        Phải công bằng thừa nhận rằng: Nếu so sánh với 5, 6 năm trước đây, khi có cuốn tiểu thuyết bị thu hồi và nghiền thành bột mà tác giả không kêu được một tiếng, khi cuộc tranh luận về một tập thơ bị chấm dứt ngang xương với một bài viết công kích mà không được quyền trả lời, thì hôm nay ta đã có một chương trình truyền hình tranh luận công khai về một truyện ngắn "rất vấn đề", đã có một công luận sôi nổi bênh vực một tác giả trẻ bị lãnh đạo một tỉnh làm khó, đã có một hội thảo nghiêm chỉnh và công bằng đối với một tác phẩm thách thức sự hiểu của công chúng mà chỉ vài năm trước đây khó thể hình dung được ra đời. Phải thừa nhận rằng những người viết văn trong nước hôm nay đã có được cơ hội công bố tác phẩm rộng rãi nhất trong lịch sử văn học nước nhà. Có bản thảo trước đây vài năm không được các nhà xuất bản duyệt in thì nay đã đàng hoàng lên sách hoành tráng, lên giao lưu xôm tụ, lên tivi suốt ngày. Những bản thảo không thể nhẫn nại chờ đợi sự nghe ngóng mút mùa của các quan chức nhát đòn trong hệ thống xuất bản báo chí chính thống thì có thể lập tức lên các mạng internet không chính thống nhưng lại được tìm đọc nhiều hơn là được in ra, hơn đến cả chục lần.

        Vậy thì những người viết chúng ta đã có thể bằng lòng với tình hình thực thi quyền tự do phổ biến tác phẩm như hiện nay chưa?

        Câu trả lời là: Chưa.

        Trừ vài kẻ bất tài háo danh coi mạng internet là chỗ tự do gây ồn, phá bĩnh, trừ một số cực đoan coi đó là cách phản ứng quyết liệt với cơ chế kiểm duyệt hiện hành, tất cả những người viết có thiện chí, có trách nhiệm và liêm sỉ chỉ coi đó là giải pháp bất khả kháng, giải pháp cuối cùng khi đứa con tinh thần rứt ruột của họ bị lạnh lùng từ chối trong hệ thống xuất bản báo chí của chính quê hương mình. Họ đòi quyền tự do công bố tác phẩm mà hiến pháp và pháp luật của nước CHXHCNVN đã thừa nhận phải được thi hành một cách triệt để và minh bạch.

        Trách nhiệm thực thi quyền trên trước nhất thuộc về những người trực tiếp làm công việc xét duyệt ở cái chỗ "một dấu một cửa" là nhà xuất bản. Công luận thường lên tiếng về những vụ thiếu trách nhiệm để cho ra đời những quyển sách chất lượng tồi, ngược lại chưa hề phản ứng những vụ thiếu trách nhiệm không cho hoặc chậm trễ cho ra mắt những tác phẩm lẽ ra tác giả phải được quyền công bố và độc giả phải được quyền đọc. Trong phạm vi nắm vững của tôi, tôi xin đơn cử: Nhà tiểu thuyết hàng đầu của Việt Nam là Nguyễn Xuân Khánh ngoài 2 tác phẩm được in là Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn đều đã thành công rực rỡ, còn 2 tác phẩm viết về đề tài đương đại: một là Trư cuồng, sau khi gửi dự thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn mà bị làm lơ đến mức không được nêu cả tên trong thông báo về các tác phẩm gửi dự thi và không được các nhà xuất bản trong nước chấp nhận, đã phải đưa lên mạng; hai là Miền hoang tưởng từng được xuất bản nhưng phải ẩn dưới một cái tên tác giả khác, đến hôm nay xin tái bản cũng không được chỉ vì một vài ý kiến phê phán cực đoan.

        Nói các nhà xuất bản thiếu trách nhiệm thì thật ra cũng tội cho họ. Họ chịu biết bao áp lực hữu hình và vô hình. Những người làm xuất bản thiếu bản lĩnh thường sẵn sàng hy sinh quyền lợi của tác giả và cả của đối tác kinh tế để bảo vệ sự an toàn cho riêng mình. Trường hợp NXB tự thu hồi tập thơ Dự báo phi thời tiết là một biểu hiện thiếu bản lĩnh khá rõ. Thực ra chỉ cần thuyết phục tác giả thay đổi vài từ thường được coi là thô thiển và thay cái bìa bị coi là dung tục thì quyển sách có thể ra mắt một cách bình thường. Mấy ai như ông giám đốc NXB Trẻ đã quá cố Trương Văn Khuê, khi có cơ quan chức năng đòi xem bản thảo sắp in đã kiên quyết từ chối và trả lời: "Các đồng chí sẽ đọc sau khi nó được xuất bản, và lúc ấy xin mời có ý kiến". Hoặc như ông giám đốc NXB Thanh Niên Bùi Văn Ngợi sau khi sách nhà ông bị thu hồi, đã khảng khái trả lời báo chí rằng nếu có cơ hội in một tác phẩm tương tự ông sẽ vẫn in. Hoặc như ông giám đốc NXB Văn hoá Thông tin Quang Huy khi chính tác giả lưu ý ông cứ việc bỏ ra vài bài thơ nếu thấy có thể gây khó cho ông, đã hào sảng tuyên bố "không phải bỏ bài nào hết", và kết quả là một bài thơ mà ông cho in đã gây không ít phiền nhiễu cho ông và cho tác giả, nhưng sau đó đã được khẳng định giá trị trong tất cả những tuyển tập thơ quan trọng nhất của nước nhà. Và cũng như để bù đắp cho sự thiệt thòi của tác giả một tập thơ không được ông in vì vướng phải một chùm thơ khá nhạy cảm trong đó, nhà thơ Ngô Văn Phú ngay sau khi về hưu đã công bố một bài viết về tác giả nọ, trong đó ông công khai khen và trích dẫn những bài thơ mà ông đã không dám cho in với cương vị giám đốc NXB Hội Nhà văn.

        Vậy thì rõ ràng trong nhiều trường hợp ta không thể trách cứ NXB. Hãy hỏi nhà thơ Phạm Ngà giám đốc NXB Hải Phòng, vì sao tập thơ Nguyễn Duy đã đưa xuống nhà in còn bị bóc ra? Hãy hỏi nhà văn Tạ Duy Anh vì sao số phận hai cuốn truyện của anh đến hôm nay vẫn còn trôi nổi qua hết NXB này đến NXB khác?

        Ai cũng biết tuy tiếng là NXB được giao quyền tự chủ, nhưng trên họ có những cơ quan quyền lực quyết định số phận các quyển sách, cả khi nó chưa ra đời đến sau khi nó ra đời.

        Ngày hôm nay chính là thời điểm thích hợp để những người có trách nhiệm trả lời công khai về những vụ thu hồi sách tràn lan trong những năm gần đây, như kiến nghị của nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã nêu trong một hội nghị văn học đầu năm nay. Ngoài cuốn Chuyện kể năm 2000 mà sự thu hồi không đủ lý do thuyết phục, ta còn có thể nêu không ít những sách khác, như Chiều chiều của nhà văn lão thành Tô Hoài, Thượng đế thì cười của nhà văn tầm cỡ Nguyễn Khải, cuốn hồi ký của nhà thơ Đào Xuân Quí, cuốn sách phê bình Trần Mạnh Hảo của nhiều tác giả, cuốn Vào cuộc chiến ra cửa thiền của cựu giám đốc NXB Văn học Lý Hải Châu, cuốn Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh…

        Trong một bài phát biểu trước một số quan chức của Bộ Văn hoá Thông tin Việt Nam và các cơ quan văn hóa EU tại Hà Nội vào dịp tháng 3 năm nay, tôi đã phân tích "3 cái bất" của cung cách kiểm duyệt văn hoá của nước ta trong suốt thời gian qua:

        Một là bất minh, vì quyền xét duyệt công bố và quyền thu hồi sách nằm trong tay một số người không bao giờ công khai danh tính, không bao giờ có ý định thuyết phục công luận về lý do chinh đáng của những quyết định của họ, và không chịu trách nhiệm pháp lý đối với những quyết định ấy. Đó là chưa nói chúng ta hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi về trình độ chuyên môn của những người nắm trong tay quyền sinh sát đối với tác phẩm văn học vốn là thực thể rất phức tạp, rất khó phán xét theo tư duy "hoặc A hoặc B".

        Hai là bất lực, vì trên thực tế, tất cả những sách bị cấm, bị thu hồi ngay liền đó đã được xuất bản tại hải ngoại, được photocopy truyền tay hoặc vào tận buồng ngủ của hàng vạn người có trang bị máy PC.

        Ba là bất lợi vì:

        Trong thực tế, càng bị cấm, bị thu hồi, các cuốn sách kia càng hấp dẫn công chúng, có những cuốn "nổi tiếng oan" vì nếu không bị cấm chưa chắc đã thu hút lượng người đọc đến thế và đa số trường hợp thì uy tín tác giả đã được nâng lên sau khi sách bị cấm.


        Ngược lại, làm suy giảm lòng tin của người dân vào một nhà nước pháp quyền và suy giảm uy tín quốc gia trên thế giới trong thời đại nhân quyền, quyền tự do thông tin được đề cao.


        Khiến cho những người cầm bút lẽ ra phải tự hào thấy mình là tinh hoa của quốc gia thì ngược lại, buồn tủi vì cảm giác mình chỉ là "công dân hạng hai": so với quyền tự do bán hàng của giới doanh nhân, quyền có việc làm của mọi thành phần lao động mà không ai có thể tước đoạt nếu không công khai chứng minh được lý do chính đáng, thì người cầm bút là những kẻ bị tước đoạt quyền lưu hành sản phẩm lao động một cách vô tư nhất, dễ dàng nhất, nhiều khi chỉ vì một cú điện thoại nhắc nhở.

        Vì sao có sự trớ trêu như trên?

        Cái gốc là ở tình trạng cảm tính tùy tiện, nhiều trường hợp rõ ràng là "cửa quyền", của việc thực thi quyền lực nhà nước trong lĩnh vực văn hoá, ở sự chồng chéo của bộ máy quản lý văn hoá. Hãy hình dung một cỗ xe mà có đến mấy người có quyền đạp phanh bất cứ lúc nào theo cảm giác chủ quan của mình về sự nguy hiểm có khi mới là tiềm ẩn, có khi chỉ là tưởng tượng, cỗ xe ấy sẽ chạy ra sao?


        3. Một kiểu "tòa án" văn chương, tại sao không?

        Để giải quyết tình trạng chưa hợp lý trên, chỉ có một con đường là: triệt để "sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật". Trước tiên là nghiêm cấm mọi hành vi kiểm duyệt trá hình phản hiến pháp. Hãy để cho các sản phẩm văn hoá được thực sự hưởng quyền tự do ra mắt công chúng và chịu sự điều chỉnh của dư luận xã hội. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở khả năng thẩm định tác phẩm của công chúng hôm nay, một công chúng trưởng thành, dày kinh nghiệm và thừa đủ trình độ phán xét, như đã thể hiện trong vài cuộc tranh luận tương đối dân chủ gần đây. Xin đừng coi công chúng như những đứa trẻ cần phụ huynh chọn cho sách để đọc nữa. Và đương nhiên sản phẩm văn hoá cũng chịu sự chế tài của luật pháp. Nhưng phải là một sự chế tài công khai, minh bạch, dân chủ, đúng luật như đối với mọi sản phẩm xã hội khác.

        Đã đến lúc chúng ta "luật hoá" mọi sự can thiệp vào quyền phổ biến tác phẩm sáng tạo của công dân. Trong khi chờ đợi, điều tối thiểu có thể làm được ngay bây giờ, tại sao không, là tổ chức một kiểu "toà án" khi cần thiết xem xét việc thu hồi một tác phẩm văn học. Hãy mời những đại diện giới chuyên môn và công luận, đại diện Hội Nhà văn nếu "bị cáo" là hội viên, vào "bồi thẩm đoàn". Cơ quan chức năng làm nhiệm vụ công tố. Tác giả có tiếng nói giải trình tự biện hộ. Và hãy xét xử theo luật chứ không theo cảm giác về một sự "không có lợi trong tình hình hiện nay" khá mơ hồ như thường nghe trong các lý do cấm sách.

        Gần đây ta nghe nói về vụ kiện của công ty phân bón Ba Con Cò gì đó đối với việc cấm lưu hành sản phẩm của họ trên địa bàn tỉnh nọ.

        Một câu hỏi nảy ra: Tại sao chúng ta nhạy cảm đối với những thiệt hại vật chất (lợi tức doanh thu) và phi vật chất (uy tín thương hiệu) của công ty Ba Con Cò mà không phản ứng gì trước thiệt hại ghê gớm của "con cò" Nguyễn Xuân Khánh chẳng hạn: trong 30 năm "con cò" này lặn lội làm ra được 4 tiếu thuyết, mà 2 cuốn không được lưu hành, thế tức là thành quả sức lao động của nó trong 15 năm (tính trung bình) bị mất trắng còn gì!

        Một câu hỏi khác: Cứ tình trạng đối xử với sản phẩm viết một cách phi luật như thế này, bao giờ chúng ta mới có được đội ngũ viết văn chuyên nghiệp, những người phải sống thực sự bằng lao động viết văn và phải hoàn toàn được đảm bảo rằng những gì mình viết sẽ đến được tay người tiêu thụ một khi chúng không trái luật?



        *


        Để kết luận bài phát biểu này, tôi xin chốt lại một câu: nhà văn phát huy quyền tự do sáng tạo và xã hội tôn trọng quyền tự do ấy không phải là phép thần để có ngay tác phẩm hay nhưng là bước thứ nhất để có tác phẩm hay. Các bước khác đã và sẽ được các vị khác trong hội thảo này nêu lên đầy đủ. Xin cảm ơn quí vị đã lắng nghe.

        © 2006 talawas

        http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8243&rb=0102
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.10.2006 12:56:29 bởi Ngọc Lý >
        #4
          Ngọc Lý 21.08.2007 22:19:39 (permalink)
          Hoàng Hưng
          Mười chữ vàng và những dòng chữ đen cho báo chí

           

          Trong lúc người dân ngày càng không thoả mãn với báo chí nước nhà trong việc thực hiện quyền thông tin mà hiến pháp và pháp luật bảo đảm, thì những lời tuyên bố của ông tân Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp ngay tại hội trường Quốc hội ngày 4/8/2007 về báo chí khiến người ta không khỏi suy nghĩ [1] .

          Trước tiên, ông Bộ trưởng nêu lên 10 chữ cho báo chí Việt Nam trong vòng tay quản lý của ông: "Trung thực, dũng cảm, thận trọng, nhanh nhạy, hướng thiện". Có thể nói đây là "10 chữ vàng". Nếu quả thực đây là quyết tâm của ông khắc phục những yếu kém của báo chí nước nhà trong thời gian qua, cũng trong vòng tay quản lý của ông với tư cách Bộ trưởng Văn hoá Thông tin trước đây, tức là “thiếu trung thực, thiếu dũng cảm, thiếu thận trọng, thiếu nhanh nhạy, thiếu hướng thiện”, thì đây là một tin mừng cho dân cho nước.

          Trong “10 chữ vàng” ấy thì “trung thực, nhanh nhạy” là phẩm chất đầu tiên và căn bản. Điều thứ nhất trong nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí được qui định trong Luật Báo chí cũng là: “Thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới.” Điều này không khác bao nhiêu với những tư tưởng cơ bản về báo chí đã được nêu lên ở khắp nơi trên thế giới trong một trăm năm nay. Đơn cử phát biểu súc tích sau đây của một chính khách người Anh tên là Robert Lowe từ năm 1851: “Nghĩa vụ đầu tiên của báo chí là có được tin tức sớm nhất và đúng nhất về các sự kiện đang xảy ra, và lập tức làm cho chúng trở thành tài sản chung của quốc gia, bằng cách phơi bày chúng ra. Nhà chính khách thu thập thông tin cho mình một cách bí mật và bằng những phương cách bí mật; ông ta giấu kín ngay cả tin tức đang xảy ra trong ngày với những sự thận trọng đến buồn cười. (Còn) Báo chí (thì) sống bằng sự phơi bày. Với chúng ta, những người coi sự công khai và sự thật là không khí và ánh sáng của sự sống, không có gì nhục nhã hơn là chùn bước trước việc phơi bày thắng thắn và chính xác các sự việc đúng như chúng là. Chúng ta nhất định phải nói lên sự thật đúng như chúng ta thấy, không sợ mọi hậu quả - nhất định không cung cấp chỗ ẩn náu thuận tiện cho những hành vi bất công hay áp chế, mà phải lập tức giao chúng cho sự phán xét của thế giới.” [2]

          Trung thực đã bao gồm thận trọng. Nhanh nhạy là điều kiện đảm bảo cho thông tin trung thực được đến ngay với người dân, tránh được tối đa mọi ý đồ ngăn cản hoặc xuyên tạc. Trung thực cũng là bảo đảm cho tính hướng thiện của thông tin, vì cái ác bao giờ cũng sợ sự thực. Và muốn trung thực, người làm báo tất phải dũng cảm để vượt qua những trở lực, chống lại những áp lực nhằm “bịt miệng” và “bẻ cong ngòi bút” của họ.

          Tất nhiên, khẩu hiệu (nói) là một chuyện, còn thực hiện thế nào là chuyện khác, và việc thực hiện thì phụ thuộc vào những biện pháp điều hành (làm).

          Ai cũng biết, cho đến nay, điều cản trở lớn nhất đối với sự thông tin trung thực và nhanh nhạy của báo chí nước nhà chính là đường lối định hướng thông tin dựa trên sự cân nhắc của nhà quản lý nhằm bảo đảm báo chí chỉ công bố những thông tin mà nhà quản lý cho rằng có lợi cho đất nước (sự cân nhắc rất lắm nguy cơ không tránh khỏi chủ quan, cảm tính; chưa kể trong đa phần trường hợp, thực chất đó là sự cân nhắc dựa trên cơ sở lợi ích thiển cận của sự điều hành, chưa chắc lợi cho đất nước; và không ít khi những cá nhân có quyền chi phối thông tin - từ tổng biên tập đến nhà quản lý cấp cao - lạm dụng quyền này vì lợi ích riêng - điều đã và đang ngày càng nhiều khả năng xảy ra trong nền kinh tế kinh tế thị trường mang tính “tư bản man rợ” với tác động của các nhóm lợi ích).

          Vậy ta hãy xem ông tân Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông đưa ra những biện pháp nào để đảm bảo báo chí thực hiện được “10 chữ vàng” mà ông đề cao?

          Tôi đặc biệt chú ý hai biện pháp quan trọng được ông Lê Doãn Hợp nêu lên:

          1. Về tổ chức nhân sự: Ông chủ trương “Tổng biên tập là người của Bộ Thông tin và Truyền thông sau này cắm ở từng tờ báo”.

          Nếu đúng như lời ông nói, thì có nghĩa tới đây tất cả các báo Việt Nam đều là cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin & Truyền thông, chứ không còn là của “các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội...; là diễn đàn của nhân dân” như được nêu trong điều 1, chương 1 của Luật Báo chí? Và đó sẽ là một nội dung của Luật Báo chí được sửa đổi theo sáng kiến của ông tân Bộ trưởng? Người viết bài này thực sự chờ đợi phản ứng của các cơ quan chủ quản của 600 tờ báo trong nước trước lời tuyên bố trên của ông tân Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông? Và trong trường hợp tuyên bố trên của ông thành hiện thực, tôi đề nghị cả nước tới đây chỉ nên có một tờ báo duy nhất do ông trực tiếp làm tổng biên tập, cần nhiều báo làm chi cho tốn kém, lại suốt ngày phải lo định hướng với quản lý.

          2. Về qui chế quản lý, ông sẽ xây dựng một qui chế chặt chẽ để khắc phục tình trạng “lâu nay chúng ta quản lý theo mệnh lệnh”. Đó là một “lề đường” được vạch sẵn để báo chí cứ thế mà đi: “Chúng ta (tôi hiểu ý ông muốn nói người làm báo – HH) hoàn toàn có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải, và chúng tôi cố gắng làm cho các đồng chí lề đường đó.”

          Thật tình tôi chưa hiểu cái “lề đường bên phải” mà ông Hợp “cố gắng làm cho” giới báo chí nước nhà trông mặt mũi nó ra làm sao, liệu nó có giống cái “lá đề” che mắt ngựa để ngựa không nhìn sang hai bên cứ thẳng đường mà đi hay không? Song có điều chắc chắn là: người làm báo ở bất cứ quốc gia nào cũng đã có sẵn con đường tự nhiên là “xa lộ thông tin” mà toàn xã hội tạo nên cho họ, họ chỉ cần tuân theo đúng luật đi đường là những gì hiến pháp và pháp luật của quốc gia qui định cho họ (chưa nói đến chính hiến pháp và pháp luật mỗi nước luôn phải được điều chỉnh để ngày càng đáp ứng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của người dân và phù hợp với luật quốc tế). Vấn đề của người làm báo ở Việt Nam hiện nay là trên thực tế họ đã gặp phải khá nhiều biển cấm trái pháp luật trên đường đi. Thiết nghĩ, thay vì “cố gắng làm ra lề đường” rất có thể lại khống chế thêm bước đi của họ, xin ông hãy tìm cách tháo bỏ những biển cấm kia cho họ (và dân chúng) được nhờ.

          Sau khi trịnh trọng kẻ “10 chữ vàng” về phẩm chất của báo chí, tiếc thay một số biện pháp mà ông tân Bộ trưởng vẽ ra lại là “những dòng chữ đen” bôi lem ngay những chữ vàng trước đó. Vậy cái nào mới là ý thật của ông?

          Hà Nội 4/8/2007

          © 2007 talawas












          [1]Theo Sài Gòn Giải phóng OnlineVietNamNet ngày 4/8/2007.
          [2]Trích trên mạng, topic “The duty of the press”: "The first duty of the press is to obtain the earliest and most correct intelligence of the events of the time, and instantly, by disclosing them, to make them the common property of the nation. The statesman collects his information secretly and by secret means; he keeps back even the current intelligence of the day with ludicrous precautions.The Press lives by disclosures. For us, with whom publicity and truth are the air and light of existence, there can be no greater disgrace than to recoil from the frank and accurate disclosure of facts as they are. We are bound to tell the truth as we find it, without fear of consequences--to lend no convenient shelter to acts of injustice or oppression, but to consign them at once to the judgement of the world."

          http://www.talawas.org/talaDB/binhluan.php
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.08.2007 22:20:42 bởi Ngọc Lý >
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9