(url) Nguyễn Xuân Khánh
Ngọc Lý 19.09.2006 11:15:37 (permalink)
.

Nguyễn Xuân Khánh




Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
Cuốn tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn
của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhận giải cao nhất
trong lĩnh vực văn xuôi 2006
Giải thưởng Hội Nhà Văn Hà Nội


Tiểu Sử:

Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do tham gia bộ đội. Trong khoảng mười năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hoá tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1966, ông là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973. Hiện ông sống ở Hà Nội.

Tác phẩm: Rừng sâu (tập truyện ngắn, Nxb. Văn học, H., 1962), Miền hoang tưởng (tiểu thuyết, Nxb. Đà Nẵng, 1990), Trư cuồng (tiểu thuyết, talawas, 2005), Hồ Quý Ly (tiểu thuyết, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2000, 2001, 2002, nối bản và tái bản 15 lần), Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi (Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2002), (Mưa quê, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2003). Mẫu thượng ngàn (tiểu thuyết, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2006).

Sách biên khảo: George Sand – nhà văn của tình yêu (Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1994)

Dịch thuật: Những quả vàng (tiểu thuyết của Nathalie Sarraute, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1996),
Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất (tiểu thuyết của Taha Ben Jelloun, Trung tâm Văn hoá-Văn minh Pháp và nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 1998),
Bảy ngày trên khinh khí cầu (Jules Verne, Nxb. Kim Đồng, Hà Nội, 1998),
Hoàng hậu Sicile (tiểu thuyết của Pamela Schoenewaldt, Nxb.Kim Đồng, Hà Nội, 1999),
Tâm lý học đám đông (tiểu luận của Gustave le Bon, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2006)

Nguồn: talawas

________


Nguyễn Xuân Khánh
gác bút sau 'Mẫu Thượng Ngàn'

10/08/2006


"Viết là một công việc nhọc nhằn. Tôi chưa bao giờ vì cái đó mà thôi viết cả. Nhưng viết, phải có ý tưởng, sự trải nghiệm, ý thức… Tôi chưa hài lòng thực sự với tác phẩm nào của mình cả. Nhưng có chừng nào, viết ra đến đó, nó còn do số phận. Tôi coi như thế là xong", nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tâm sự sau khi cho ra mắt tiểu thuyết "Mẫu Thượng Ngàn".

- Cuốn "Hồ Quý Ly", ông viết trong 4 năm, còn "Mẫu Thượng Ngàn" không kém, cũng là 4 năm. Ông có bí quyết gì sau khoảng thời gian ấy?

- Có tác phẩm tôi viết nhanh, trong 2 năm, có tác phẩm 4 năm. Nhưng nói là viết ra thôi, chứ những suy ngẫm, nó theo mình cả cuộc đời chỉ chờ có duyên. Cuốn Mẫu Thượng Ngàn tôi viết từ năm 1959, tên tiền thân của nó là Làng Nghèo. Cuốn này đáng lẽ xuất bản từ năm 1962 nhưng nó không được phép in.

- Vậy tại sao "Làng Nghèo", một cuốn sách viết về kháng chiến chống Pháp trong một ngôi làng lại trở thành "Mẫu Thượng Ngàn"?

- Vì một lý do đặc biệt, tôi đã phải gửi tất cả bản thảo cho bạn bè giữ hộ. Sau đó, bạn tôi, dịch giả Lê Bầu mới tìm được và trả lại cho tôi. Đến năm 2000, tôi lục lại các bản thảo cũ thấy Làng Nghèokhông còn hợp thời. Tôi cũng đã 71 tuổi, có nhiều suy tư khác đi. Tôi quyết định đẩy mạnh không gian trong tiểu thuyết, từ đơn thuần chỉ là kháng chiến chuyển sang viết về văn hóa Việt, văn hóa làng.

- Điều gì khiến ông quyết định chọn đạo Mẫu làm luồng tư tưởng ngầm nhưng vững chắc chảy xuyên suốt trong cuốn tiểu thuyết này?

- Tôi yêu và kính trọng người mẹ của tôi, một người đàn bà Việt thuần chất. Mẹ tôi một năm có đi hầu đồng một, hai lần. Tôi được cảm nhận không khí của đạo Mẫu từ thuở bé vì thường hay đi theo mẹ đến khắp các đình chùa miếu mạo Việt Nam. Và ngay cả sau này nữa, mỗi lần đi dự các lễ hội dân gian về là thêm được sự tích lũy kiến thức về vốn dân gian. Cái cốt của đạo Mẫu ở Việt Nam không được những người có tri thức nghiên cứu phát triển. Sau khi có đạo Khổng thâm nhập vào Việt Nam, nó bắt đầu bài trừ đạo Mẫu. Nhưng đạo Mẫu là đạo nguyên thủy của người Việt Nam: thờ mẫu, thờ mẹ núi, mẹ sông, mẹ đất, thờ Man nương… Nó có tính chất nguyên thủy ngấm ngầm trong dân gian, không có tính tri thức gì. Nó là đạo của những người nghèo khổ.

- Ngày nay, cứ nhắc đến chuyện đi hầu đồng hầu bóng, là người ta nghĩ ngay đến chuyện mê tín dị đoan và gây tốn kém cho người dân. Ông nghĩ sao?

- Nguyên thủy của tôn giáo dân tộc là ở nông thôn, ở làng, ở quê. Phải nhìn đạo Mẫu rất căn bản đẹp đẽ ở nông thôn. Trước đó, người dân hồn nhiên, không có nhiều tiền. Khi vào thành phố, trong tay người giàu, bọn buôn thần bán thánh, đạo Mẫu mới bị biến hóa đi. Tôi viết tiểu thuyết này, cũng muốn nhằm cho một số người làm văn hóa, có trách nhiệm nhìn nhận nó theo tiểu thuyết chứ không mang tính chất báo chí. Bây giờ người ta mới chú ý đến đạo Mẫu cũng chỉ là lợi dụng. Đánh điệu còn, điệu xác cũng cho là hát dân gian, rồi đi làm cho mấy ông du lịch, mấy cô dân công múa hát, không phải là chất huyền của đạo.



Bìa cuốn "Mẫu Thượng Ngàn".
Ảnh: VTCnews


- Những người đàn bà trong tiểu thuyết của ông có ảnh hưởng từ nguyên mẫu nào?

- Đó là bắt nguồn từ những người đàn bà ở làng tôi thuở xưa, làng Kẻ Noi, Cổ Nhuế. Họ đẹp lắm. Tính tình thuần chất nông dân. Những người đàn bà nghèo chẳng được ai nâng đỡ. Họ chịu đau khổ với số phận của mình như nhân vật bà đĩ Váy, cô Mùi, Nhụ, bà mõ Pháo. Nhưng chưa bao giờ họ đầu hàng số phận.

- Trong tiểu thuyết có miêu tả nhiều tập tục đã mất, những lễ hội chỉ còn trong quá khứ và các đặc tính dân gian khác của người Việt. Ông có thể cho biết một vài chi tiết mà ông thấy ưa thích?

- Đó là “mùa trải ổ”, nam nữ yêu nhau hẹn hò nhau ở một nơi nào đó sau khi lễ hội diễn ra. Họ có thể trao tình cảm với nhau, theo quan niệm của các dân tộc thiểu số miền núi, quan hệ nam nữ không có ghê gớm như từ khi đạo Khổng thâm nhập vào Việt Nam. Những lễ hội mang tính phồn thực, họ lấy chiếc mo cau, biểu tượng cho bộ phận sinh dục của phụ nữ vừa hát vừa gõ, những linh vật như linga, yoni, hay tượng nhà mồ Tây Nguyên… Chúng không phải là những cái dâm, mà là biểu tượng cho sự sinh sôi, được mùa.

TVE (Theo VTCnews)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.12.2006 10:03:35 bởi TTL >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9