(URL) Nguyễn Huy Thiệp
Ngọc Lý 26.09.2006 22:37:45 (permalink)
.

NGUYỄN HUY THIỆP





Giăng Lưới Bắt Chim
của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
nhận giải ở thể loại tiểu luận, phê bình văn học.
Giải thưởng Hội Nhà Văn Hà Nội 2006




"Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó. Vua Gia Long hiểu điều ấy và đấy là nỗi cay đắng lớn nhất mà ông cùng cộng đồng phải chịu đựng. Nguyễn Du thì khác, ông không hiểu điều ấy. Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình. Nguyễn Du ngập trong mớ bùng nhùng của đời sống, còn vua Gia Long đứng cao hẳn ngoài đời sống ấy. Người mẹ của Nguyễn Du (tức nền chính trị đương thời) giấu giếm con mình sự ê chề và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế. Phải ba trăm năm sau người ta mới thấy điều này vô nghĩa." trích Nguyễn Huy Thiệp.

Tiểu sử:

Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950, quê quán: Thanh Trì, Hà Nội.

Thuở nhỏ ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Yên ... Nông thôn và những người lao động vì thế để lại nhiều dấu ấn khá đậm nét trong nhiều sáng tác của ông. "Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn."

Nguyễn Huy Thiệp chịu ảnh hưởng giáo dục chủ yếu của ông ngoại, vốn là người am hiểu nho học và mẹ, vốn là người sùng đạo Phật. Năm 1960, ông cùng gia đình về quê quán và định cư ở xóm Cò, làng Khương Hạ.

Nguyễn Huy Thiệp là một bông hoa nở muộn trên văn đàn. Vài truyện ngắn của ông xuất hiện lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1986. Chỉ một vài năm sau đó, cả làng văn học trong lẫn ngoài nước xôn xao những cuộc tranh luận về các tác phẩm của ông. Có người lên án anh gay gắt, thậm chí coi văn chương của anh có những khuynh hướng thấp hèn. Người khác lại hết lời ca ngợi anh và cho rằnh anh có trách nhiệm cao với cuộc sống hiện nay (Lời cuối sách của NXB Đa Nguyên)

Sở trường của Nguyễn Huy Thiệp là truyện ngắn, có thể tạm được phân loại như sau:

Về lịch sử và văn học: Kiếm Sắc, Vàng Lửa, Phẩm Tiết, Nguyễn Thị Lộ, Mưa Nhã Nam, Chút Thoáng Xuân Hương ...

truyện ngắn mang hơi hướm huyền thoại hoặc "cổ tích": Những Ngọn Gió Hua Tát, Con Gái Thủy Thần, Giọt Máu, Muối Của Rừng, Chảy Đi Sông Ơi, Trương Chi ...

Về xã hội VN đương đại: Không Có Vua, Tướng Về Hưu, Cún, Sang Sông, Tội Ác và Trừng Phạt ...;

Về đồng quê và những người dân lao động: Thương Nhớ Đồng Quê, Những Bài Học Nông Thôn, Những Người Thợ Xẻ ...

Ngoài ra, Nguyễn Huy Thiệp còn viết nhiều kịch, tiêu biểu là Xuân Hồng, Còn Lại Tình Yêu, Gia Đình (hay Quỷ Ở Với Người, dựa theo truyện ngắn Không Có Vua), Nhà Tiên Tri, Hoa Sen Nở Ngày 29 Tháng 4 ...; và nhiều thơ (chưa xuất bản tập thơ nào, song thơ xuất hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của ông).

Năm 1994, Nguyễn Huy Thiệp gác bút và xoay ra mở nhà hàng ở Hà Nội tên là Hoa Ban, rất ăn khách.

Năm 2006, Giăng Lưới Bắt Chim của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận giải ở thể loại tiểu luận, phê bình văn học, Giải thưởng Hội Nhà Văn Hà Nội 2006.



nguồn: dactrung.com
_________

Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp trên Việt Nam thư quán

.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.12.2006 09:27:43 bởi TTL >
#1
    HV09 11.12.2006 09:18:02 (permalink)
    Bài đăng trên Tạp chí Thế giới mới số 712, năm 2006

    GIĂNG LƯỚI BẮT GIẢI THƯỞNG

    Đã đến lúc có thể nói rằng mấy năm gần đây, một số giải thưởng văn chương liên tục tạo ra sự ngao ngán cho công chúng. Chưa dám nói giải thưởng mất… thiêng, nhưng Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm nay, từ Giải thưởng Thơ đến Tặng thưởng Thơ, sau khi được công bố đều gặp phải nhiều phản ứng khác nhau. Thế nhưng, chuyện thơ hay và thơ chưa hay cũng không khiến nhiều người bất ngờ bằng sự kiện nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận giải thưởng Lý luận - Phê bình của Hội Nhà văn Hà Nội. Cuốn sách Giăng lưới bắt chim của một cây bút truyện ngắn trứ danh có phải tác phẩm lý luận phê bình hay không? Để trả lời câu hỏi này, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cùng nhà lý luận - phê bình Nguyễn Hòa đã “chát” qua internet:

    Lê Thiếu Nhơn (LTN): Chào nhà phê bình Nguyễn Hòa. Thật may, đang “giăng lưới” trên mạng thì “bắt” được anh…

    Nguyễn Hòa (NH): Bạn định mượn tên một cuốn sách của Nguyễn Huy Thiệp để… dọa tôi đấy à?

    LTN: Anh đã đọc Giăng lưới bắt chim chưa?

    NH: Bạn hỏi “hơi bị” thừa đấy… Tác phẩm đoạt giải thì phải đọc chứ!

    LTN: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sau mấy chuyến giao lưu văn học với nước ngoài đã nhận định trên tờ Thể thao & Văn Hoá rằng “Những truyện ngắn nổi danh của Nguyễn Huy Thiệp trong khi chúng ta say đắm thì với thế giới đã trở nên quá cũ rồi!”. Thế nhưng, tôi vẫn hâm mộ tài viết truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Đáng tiếc, khi đọc Giăng lưới bắt chim, tôi thấy giọng điệu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chỉ vui đùa thôi, chứ chả có chút học thuật gì cả.

    NH: Nguyễn Huy Thiệp đọc khá nhiều, rồi anh suy ngẫm về những điều đã đọc và đã tiếp xúc, một kiểu nghiền ngẫm về sự đời. Có lúc nghiêm trang, có lúc bông đùa, có lúc là một cách trả lời với những gì người ta viết về anh ấy.

    LTN: Có lẽ chỉ nên gọi Giăng lưới bắt chim là tập hợp những bài báo có duyên, anh ạ

    NH: Theo tôi đó là tập hợp của những tạp văn có tính chất “cảm và luận”... chứ không phải là lý luận - phê bình. Mà Nguyễn Huy Thiệp cũng đã nói rất rõ rằng các bài viết của anh ấy không phải là lý luận - phê bình. Tôi nghĩ một người thông minh như Nguyễn Huy Thiệp thừa sức hiểu về "giới tính đứa con của mình". Lạ một điều, trong khi Nguyễn Huy Thiệp bảo con mình là "con trai" thì người khác lại bảo là "con gái". Vui đáo để!

    LTN: Ơ hay, cuốn sách được trao giải Lý luận - Phê bình của Hội nhà văn Hà Nội kia mà? Không lẽ Ban Giám khảo có sự nhầm lẫn "giới tính" tác phẩm? Lúc đầu tôi chỉ nghĩ Giăng lưới bắt chim do anh Thiệp gom mấy bài báo lẻ, in lại thành một cuốn - báo để kiếm thêm chút nhuận bút. Tôi đọc và mừng vì thấy một nhà văn đàn anh đã hòa nhập với giới cầm bút thời kinh tế thị trường. Ai ngờ, một nữ sĩ viết bài ca ngợi dữ dội trên báo TT và ít ngày sau thì Hội Nhà văn Hà Nội đã trao giải. Cảm thấy bản thân hơi ngu ngơ, tôi vội vã đọc lại, và càng đọc càng thấy Giăng lưới bắt chim không phê bình gì cũng chả lý luận gì

    NH: Tôi cũng không hiểu ở Hội Nhà văn Hà Nội họ quan niệm thế nào là lý luận - phê bình. Rộng hơn, câu hỏi này có thể đặt ra với cả Hội Nhà văn Việt Nam khi ở đấy người ta trao giải thưởng lý luận - phê bình cho cuốn sách Vừa làm vừa nghĩ chủ yếu là kinh nghiệm làm thơ của anh Phạm Tiến Duật. Chúng ta có thể cho qua nếu người sáng tác "cảm và luận" về tác phẩm theo phong cách nghệ sĩ, nhưng đã là người viết lý luận - phê bình thì lại đòi hỏi về tính chính xác và các luận chứng trên cơ sở của lý thuyết. Cho nên, dù đã có lần tôi lưu ý anh Nguyễn Huy Thiệp rằng trong bài Trò chuyện với hoa thủy tiên anh Thiệp đã nhầm lẫn khi coi Lý Bạch sống ở thời Thịnh Đường, trong khi theo lịch sử thì Lý Bạch sống ở thời Sơ Đường, đến khi in vào sách thì chi tiết này vẫn... giữ nguyên. Ngay cả với chuyện về "y bát" thơ lục bát cũng thế, Nguyễn Huy Thiệp coi Nguyễn Du đã trao "y bát" thơ lục bát cho Tản Đà, Tản Đà trao cho Nguyễn Bính, Nguyễn Bính trao cho Đồng Đức Bốn, nghe hơi kỳ kỳ. Vì ít nhất cũng khó có thể coi Tản Đà là "bậc thầy" về lục bát, đọc bài Thề non nước, có lúc tôi liên tưởng tới bài ca dao Con kiến mà leo cành đa...!

    LTN: Chắc là hôm đến nhận giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội , anh Thiệp hẳn phải vừa cười thầm vừa như mở cờ trong bụng ấy nhỉ. Anh Thiệp đáo để lắm, chắc là anh ấy cũng nhận ra một điều đơn giản: giải thưởng giúp những người bỏ tiền in cuốn sách vô cùng hân hoan, nhưng cũng sẽ làm công chúng văn chương cực kỳ sửng sốt. À, có chuyện này anh có để ý không, hình như khoảng thời gian Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng cũng trùng khớp một cách ngẫu nhiên với việc tái bản Giăng lưới bắt chim. Tài thật. Tài thật. Những người làm sách bây giờ tài thật!
    NH: Về chuyện này, cứ coi là "trùng hợp ngẫu nhiên" đi! Nhưng điều đáng quan tâm là trong Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, số tác phẩm do nhóm làm "Văn mới" thực hiện, chiếm tỷ lệ khá cao, mà ông Chủ tịch của Hội này lại là một trong những người làm "Văn mới"! Tôi đang định in mấy cuốn sách, có khi nhờ những người làm "Văn mới" in ấn, phát hành hộ, biết đâu sau này lại chẳng kiếm được cái giải của Hội Nhà văn Hà Nội! Mà này, trong cuốn Giăng lưới bắt chim, anh Thiệp khen thơ của Đồng Đức Bốn tít mù theo kiểu các người bạn "thù tạc" viết cho nhau. Với Nguyễn Việt Hà, anh Thiệp cũng viết như vậy... Và tôi không coi đó là lý luận - phê bình.

    LTN: Thì giọng điệu Giăng lưới bắt chim mang phong cách chiếu rượu bàn trà mà. Nhân dịp anh nói tủ sách "Văn mới" thì tôi mới sực nhớ đến những lời tựa thơm phức nước hoa của ông Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội trên các ấn phẩm "Văn mới". Nếu nghe theo những lời giới thiệu đó thì nước ta đã và đang xuất hiện đội ngũ văn hào hùng hậu nhất thế giới gồm NTHL, NVN, NDL... Đọc lời giới thiệu mà thấy mừng đến phát khóc, anh ạ. Nếu mỗi tối tôi để bộ sách “Văn mới” bên cạnh gối ngủ, thì trong giấc mơ chắc là sẽ thấy triệu triệu ngôi sao văn chương bay xòen xọet tung tóe khắp nơi.

    NH: Những lời tựa cho các tác phẩm trong “Văn mới” là một "chiêu quảng cáo văn chương" không hơn không kém. Và hình như khi quảng bá cho “Văn mới”, người ta đã không quan tâm đến việc phân biệt giữa “cái mới” với “cái mang tính giá trị”. “Mới” mà kém (không có) “giá trị” thì cũng… bằng không!

    LTN: Anh có tin vài gương mặt “Văn mới” sẽ thành nhân vật kiệt xuất như dự đoán của những người làm sách không?

    NH: "Kiệt xuất" - có lẽ cho đối với văn chương Việt Nam hiện giờ thì vẫn chỉ là ước mơ, chứ khó có thể trở thành hiện thực. Ngay với tập Truyện ngắn 8X chẳng hạn, căn cứ vào những gì mà các tác giả trong tập sách đã "trình" ra trước bạn đọc thì tôi chưa tin rằng những tác giả ấy có khả năng đi xa

    LTN: Trở lại cuốn sách của Nguyễn Huy Thiệp. Có bài nào anh cảm thấy hé lộ dấu hiệu của một cuốn sách đáng trao giải Lý luận - Phê bình không?

    NH: Bài có "dấu ấn" lý luận - phê bình là bài anh Thiệp viết về thơ của Vi Thùy Linh.

    LTN: Tôi thấy nhiều ý kiến dù rất chủ quan của anh Thiệp vẫn đáng để suy ngẫm, như qua bài Trò chuyện với Hoa Thủy Tiên.

    NH: Bỏ qua cái lối viết có phần khinh mạn và dễ gây sốc, quả thật bài viết đó của Nguyễn Huy Thiệp là một sự cảnh tỉnh cần thiết. Với bài Trò chuyện với hoa thủy tiên, ý kiến về đánh giá thực trạng văn chương và về nhiều người viết văn hôm nay thì có phần đúng. Trong bài này, Nguyễn Huy Thiệp đủ tế nhị để đưa mấy từ như "vô học" vào ngoặc kép ("...") vậy mà người ta vẫn lôi nó ra khỏi ngoặc kép để "nện" thì kinh thật, hóa ra trong trường hợp
    này, các biện pháp ngôn ngữ cũng chẳng có ý nghĩa gì!

    LTN: “Nện” gì thì “nện”, với cái Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội năm nay, biết đâu anh Thiệp sẽ được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm sau đấy chứ. Nếu vậy thì Giăng lưới bắt chim đích thị sẽ là giăng lưới bắt... giải thưởng!

    N.H: Cũng không loại trừ, vì lâu nay có người đã lên tiếng về chuyện Nguyễn Huy Thiệp chưa từng nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, và người ta sẽ trao giải cho cuốn sách này như một sự an ủi. Ở giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam xem ra cũng nhiều lần trao "giải an ủi" ra phết đấy!

    LTN: Tôi không rành lắm về cái “giải an ủi”. Thế nhưng, nếu Giăng lưới bắt chim được tôn vinh thì cũng nên tiên liệu về một cái giải cho tiểu thuyết Tiểu Long Nữ chứ!

    NH: Ối trời, nếu trao giải thưởng cho Tiểu Long Nữ thì khối nhà văn, nhà lý luận - phê bình sẽ... bỏ bút vì không biết văn chương là cái gì nữa. Tôi nghĩ có thể Nguyễn Huy Thiệp viết Tiểu Long Nữ như một kiểu "ngạo văn chương" và cũng có thể vì "hết tuyết" rồi nên anh ấy biến văn chương thành thứ sản phẩm "giản dị" và "nghiêm túc" kiểu như vậy! Tôi đọc cuốn này khi còn ở dạng bản thảo, cứ tưởng anh Thiệp viết chơi, dè đâu anh ấy mang ra in thật. Cũng đáng nể! Nói cho công bằng thì vài năm trở lại đây, tôi chỉ thấy anh Thiệp vẫn đích thực là anh Thiệp với truyện ngắn Quan âm chỉ lộ mà thôi.

    LTN: Giăng lưới bắt chim đoạt giải thưởng Lý luận - Phê bình của Hội Nhà văn Hà Nội là chuyện đã xảy ra trước mắt rồi nhé. Còn cuốn sách tương tự là Họ trở thành nhân vật của tôi cũng do nhóm làm “Văn mới” xuất bản, liệu có được trao giải Hội nhà văn Hà Nội năm sau không nhỉ?

    NH: Cuốn ấy đọc cũng thấy bình thường nhưng được quảng bá cũng rùm beng, nên nó làm tôi liên tưởng rằng xác suất nhận giải của Hội Nhà văn Hà Nội vào năm 2007 là rất cao! Nhân đây xin đưa ra một dự báo, vì với đà này, xem chừng Hội Nhà văn Việt Nam với tiêu chí Giải năm nay xét sách xuất bản năm trước thì sẽ có nhiều trường hợp đã được Hội Nhà văn Hà Nội "thẩm định hộ". Sách của Nguyễn Xuân Khánh này, của Vương Trí Nhàn này… chẳng đã nhận cả giải của Hội Nhà văn Hà Nội lẫn giải của Hội Nhà văn Việt Nam đấy thôi! Nhìn chung là tình hình các giải thưởng xem ra ngày càng “mất giá”, trao thì cứ trao, quảng bá thì cứ quảng bá, nhưng rốt cuộc thì tác phẩm đoạt giải vẫn mất hút trong đời sống văn chương, có lẽ chỉ còn được nhớ tới khi tác giả nào đó từng được trao giải liệt kê giải thưởng ở bìa 4 mỗi cuốn sách của họ khi xuất bản mà thôi!

    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9