(url) Vương Hồng Sển (1902-1996)

Tác giả Bài
Ngọc Lý
  • Số bài : 3255
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 27.08.2005
(url) Vương Hồng Sển (1902-1996) - 02.10.2006 09:31:37
.


VƯƠNG HỒNG SỂN
(1902-1996)





Vương Hồng Sển



Vương Hồng Sển (1902-1996), bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai, là một nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam. Khi chết ông đã hiến tặng ngôi nhà (Vân đường phủ) và toàn bộ bộ sưu tập đồ cổ của mình cho Nhà nước với hy vọng thành lập một bảo tàng mang tên ông. Năm 2003, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố ngôi nhà này (địa chỉ: số 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, Quận Bình Thạnh). [1]

Tiểu sử

Ông sinh ngày 27 tháng 9, 1902[1], tại Sóc Trăng , mang ba dòng máu Việt, Hoa, Miên. Nguyên tên thật ông là Vương Hồng Thạnh hay Thịnh, khi làm giấy khai sinh người giữ sổ lục bộ nghi nhầm là Sển (theo cách phát âm tiếng Hoa).

Thời học sinh, ông học tại trường Collège Chasseloup Laubat (nay là trường Phổ thông trung học Lê Quý Đôn). Từ năm 1923 đến năm 1943 ông làm thư ký tại Dinh Thống đốc Sài Gòn. Từ năm 1947, ông làm Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn cho đến khi về hưu vào năm 1964

Sau khi về hưu, ông chuyên sưu tập các loại sứ gốm cổ, khảo cổ về hát bội, cải lương và cộng tác với đài phát thanh Sài Gòn với các bút hiệu: Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai. Ngoài ra, ông còn khảo cứu về các trò chơi cổ truyền: đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng kiểng, nghệ thuật chơi cổ ngoạn, nghiên cứu về chuyện tiếu lâm xưa và nay, rất sành về đồ cổ. Có thể nói ông là kho tàng sống về các lãnh vực kể trên.

Trong suốt cuộc đời, ông sưu tầm được hơn 800 cổ vật, trong đó nhiều nhất, độc đáo nhất là đồ gốm men xanh trắng thế kỷ XVII-XIX. Ông đã góp phần đáng kể trong việc xác định niên đại một số loại hình đồ gốm và hướng dẫn kỹ năng ban đầu cho những người thích sưu tầm đồ cổ. Các công trình nghiên cứu của ông được giới chuyên môn đánh giá cao.

Ông mất ngày 9 tháng 12, 1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 94 tuổi.

Chú thích


▲ Theo giấy khai sinh thì ông sinh ngày 4 tháng 1 năm 1904.


Một số tác phẩm


Hơn nửa đời hư
Tạp bút năm Nhâm Thân (1992)
Tạp bút năm Quý Dậu (1993)
Sài gòn năm xưa (1960)
Thú chơi sách (1960)
Sài gòn tạp pín lù
Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn
Tự vị tiếng Việt miền Nam
Hồi ký 50 năm mê hát: 50 năm cải lương (1968)
Phong lưu cũ mới
Thú ăn chơi
Khảo về đồ sứ cổ Việt Nam
Khảo về hát bội

Đến năm 1991, thỉnh thoảng ông vẫn có bài đăng ở các báo, tạp chí.

http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C6%B0%C6%A1ng_H%E1%BB%93ng_S%E1%BB%83n

[1] Phụ chú về ngôi nhà của Cụ Vương Hồng Sển



Di tích nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển,
quận Bình Thạnh ngày càng xuống cấp
(ảnh chụp chiều ngày 30-7-2005).


Những ngôi nhà cổ kể trên xem ra còn may mắn nếu so với ngôi nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển tọa lạc tại 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật phường 14 quận Bình Thạnh. Dù đã được thành phố xếp hạng công nhận di tích cấp thành phố theo quyết định số 140/2003/QĐ – UB của UBND TPHCM, có quy định cụ thể: “Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ…”, nhưng đến nay, ngôi nhà này liên tục bị xâm hại. Khi chúng tôi đến đây vào chiều 30-7, hỡi ơi, hiện ra trước mắt là một ngôi nhà rất bề bộn: mái ngói hư hỏng rơi rụng, căn nhà bên hông phía sau bị cơi nới vô tội vạ, khoảng không gian nối liền nhà sau với nhà trước phơi quần áo tứ tung, còn sân vườn phía trước nhà là chỗ nuôi gà – chứa đủ thứ đồ đạc…

Trích: HoangVietNguyen -Nhà cổ, phố cổ ở TPHCM: Hãy giữ gìn cho mai sau! -Posted by: Hoang Viet Nguyen @ 01/01/2006,Sunday 14:46
http://hoangviet.iblog.com/category/2174/3542

__________

Vương Hồng Sển - Sài Gòn Năm Xưa

Tác phẩm của Vương Hồng Sển tại Việt Nam Thư Quán
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.12.2006 10:31:59 bởi TTL >

Ngọc Lý
  • Số bài : 3255
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 27.08.2005
RE: Vương Hồng Sển (1902-1996) - 02.10.2006 09:45:20
.

Những tín đồ của cụ Sển



Học giả Vương Hồng Sển, với bộ sách để đời viết về các thú chơi, đặc biệt là thú sưu tập các dòng gốm sứ. Tiếp nối theo ông, ngày càng có nhiều người lấy sách ông làm cẩm nang vào đời trong nghề sưu tập.



Cụ Vương Hồng Sển cùng phu nhân (Bà Năm Sa Đéc)


Giới sưu tập ở Sài Gòn ngày càng tăng, mỗi ngày ở phố đồ cổ Lê Công Kiều lại ít nhiều xuất hiện những nhân vật mới, lọ mọ với những mớ đồ ven đường của ông Tư đồ bể, dì Sáu lùn, Sáu hét, để tự ru mình vào con đường sưu tập. Và đại đa số trong họ đều đọc qua sách cụ Sển. Cách viết dí dỏm, sinh động với phương ngữ rặt Nam bộ cùng những câu chuyện ly kỳ trong thế giới cổ vật đã thu hút được nhiều người ở đủ mọi lứa tuổi, làm nhiều công việc khác nhau có chung niềm đam mê sưu tầm cổ vật. Các sách viết về cổ vật tính đến nay vẫn còn khá ít ỏi trên thị trường, đa phần là sách nước ngoài nhưng giá cả quá mắc, thường thiên về nghiên cứu nên hơi khô khan. Trong khi đó sách cụ Sển thực tế hơn, rẻ hơn, đọc sướng hơn, nên dân sưu tập mới vào nghề đều chọn sách cụ Sển, học theo cách chơi dòng đồ của cụ Sển làm bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại đi ngược với sách cụ Sển.

Thời cụ Sển chơi đồ, lúc ấy thị trường chưa có đồ giả, nhất là dòng đồ sứ do triều nhà Nguyễn đặt làm tại Trung Hoa. 10 năm trở lại đây, nhiều tay buôn ở Kiều sang tận lò Cảnh Đức Trấn tại Giang Tây, Trung Quốc, đặt thợ gốm phục chế lại y chang như đồ ký kiểu ngày trước đem về thuốc lại dân sưu tập. Hiện những dòng đồ cụ Sển đưa lên sách vở thì đồ giả tràn lan, những tay chơi cứng cựa nhiều khi vẫn bị dính quả lừa. Những đĩa trà hiệu đề Nội Phủ Thị Trung, Thị Nam hay Khánh Xuân giá cả cũng 4-5 nghìn đô, nên chỉ cần lọt được một phi vụ, dân buôn đủ rủng rỉnh chơi bời thoải mái.



Một bàn thờ tiêu biểu của người miền Tây


Xin kể câu chuyện liên quan đến đĩa trà Khánh Xuân Thị Tả giả vẽ rồng, chữ Thọ, được gài trong một gia đình ở Phụng Hiệp, Cần Thơ. Nhắc đến dòng đồ này, dân chơi đồ cổ đọc sách cụ Sển khá nhiều, nghe nhiều, nhìn qua hình ảnh chứ ít ai được thấy tận mắt món đồ. Bởi vậy, khi 2 tay cò gặp chiếc đĩa, nghe hiệu đề là tá hoả, gạ mua chiếc đĩa chỉ với 2 triệu đồng. Về một nhà trọ ở Cần Thơ, bắn tiếng lên đại gia ở TP.HCM. Nghe qua cái tên, đại gia đòi xem chiếc đĩa và đồng ý mua 70 triệu đồng. Về thành phố, đại gia nọ kêu vài người chơi kỳ cựu trong dòng đồ Lam Huế đến xác định, hỡi ôi là đồ giả. Đại gia đòi tiền lại, coi như bỏ công và tốn hết chục triệu tiền lo cho 2 cò ăn chơi. Ôm chiếc đĩa ra về, ngồi trên xe, cò điện cho một cò khác ở Tiền Giang rao bán chiếc đĩa 11 triệu. Cò Tiền Giang đón ngay chân cầu Mỹ Thuận ôm luôn chiếc đĩa về Sa Đéc sang tay cho một đại gia khác ở vùng này với giá 30 triệu tặng thêm một đĩa trà hiệu đề Ngoạn Ngọc. Bắt đầu với giá chỉ 2 triệu, sau khi ba chìm bảy nổi, món đồ giả lên đến 32 triệu. Và không lâu sau, dân lái cho biết chiếc đĩa lại bay ngược về Sài Gòn, và đang ẩn trong một đại gia mới vào nghề, cũng khoái chơi đồ Lam Huế.

Ở phố Lê Công Kiều, nhiều người mới ra nghề, nói vanh vách các hiệu đề, đọc ro ro các câu thơ nôm trên chén đĩa đồ ký kiểu, vì họ thực sự đã thuộc lòng sách cụ Sển viết về dòng đồ sứ ký kiểu. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, ai cũng dội hàng vì đồ giả quá nhiều, giá lên đến tận mây xanh. Người mua đồ giả khi phát hiện ra, lại cố gắng đẩy món đồ ấy đi, tệ lắm bằng với giá mua vào, bằng không lại đẩy giá cao lên, vô hình rơi vào tình cảnh phải đi lừa kẻ khác. Chiêu này trong sách cụ Sển không thấy có, nhưng những tín đồ của cụ lại lắm kẻ dùng. Thương thay!

Chơi tiền cổ

Săn lùng tiền cổ cũng là một đam mê của dân sưu tập. Những tiền đồng, tiền giấy xưa hiện đang được các nhà sưu tầm săn lùng ráo riết. Từ đồng tiền kẽm đầu tiên của Việt Nam như Thái Bình Hưng Bảo (thời Đinh Tiên Hoàng 568 – 979), đến đồng tiền cuối cùng của triều đình phong kiến thời nhà Nguyễn tên gọi Bảo Đại Thông Bảo (1926 – 1945) đều là mục tiêu săn lùng ráo riết của các nhà sưu tập tiền cổ khắp nơi. Ngoài việc săn từng đồng tiền lẻ, dân sưu tập tiền lâu năm cũng rất ưa chuộng sưu tập những khối tiền lớn dính liền nhau, được đào lên từ lòng đất trong các lu, hũ, hoặc vớt lên dưới lòng biển. Thời gian trôi qua, những đồng tiền chỉ còn lại một đống gỉ sét, nổi ten xanh của đồng mủn rữa, rồi dính kết lại với nhau, nhìn không hơn một đống sắt vụn. Nhưng với dân sưu tập, đó lại là một sự kết hợp tuyệt vời giữa tiền xưa - tượng trưng cho một nền văn hoá, cộng với thời gian - tạo nên hình thù kỳ quái của cục tiền, mang lại một vẻ đẹp khác lạ, dị thường của tiền. Những yếu tố ấy kết hợp lại, tạo cho tiền cổ một giá trị vượt xa với giá trị vốn có ban đầu của tiền. Nói như nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp - người đang nắm giữ kỷ lục Việt Nam về bộ sưu tập tiền xưa và tiền các nước trên thế giới: “Những khối tiền xưa là… vô giá!”.


http://www.sgtt.com.vn/web/tintuc/default.aspx?cat_id=648&news_id=7614
_________

Vương Hồng Sển - Sài Gòn Năm Xưa

Tác phẩm của Vương Hồng Sển tại Việt Nam Thư Quán
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.10.2006 10:05:04 bởi Ngọc Lý >

HongYen
  • Số bài : 7536
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 25.07.2003
  • Nơi: Sài Gòn
Vương Hồng Sển (1902-1996) - 02.10.2006 10:56:37


Nhà cuả cụ mà treo quần áo như vầy thì coi như biến mất.