(url) Tiến Sĩ Phạm Duy Nghĩa
Ngọc Lý 05.10.2006 04:54:34 (permalink)
.

Tiến Sĩ Phạm Duy Nghĩa



Phó Giáo Sư Tiến Sĩ
Phạm Duy Nghĩa



Phạm Duy Nghĩa (sinh 1965- ) là một giáo sư ngành luật kinh tế tại Việt Nam.


Tiểu sử

Ông sinh quán tại Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định, tốt nghiệp thủ khoa đại học và bảo vệ luận án Tiến sĩ Luật tại Leipzig (Đức) (1988-1991), từ năm 1995 làm nghề dạy học tại Khoa Luật của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 2001 Ông còn là học giả được mời sang Đại học Harvard (Mỹ) theo chương trình học bổng quốc tế của Quỹ Fulbright.

Hiện ông sống tại Hà Nội.


Đóng góp

Ông viết cuốn Chuyên khảo Luật Kinh tế năm 2004 do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành.

Các bài viết về luật kinh tế trên các tờ báo việt Nam như: Tuổi Trẻ, Tia Sáng..

http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_Duy_Ngh%C4%A9a


Tác Phẩm:



Phạm Duy Nghĩa
VIETNAMESE BUSINESS LAW IN TRANSITION



PHÁP LUẬT VÀ NHỮNG NHÂN TỐ TÍCH CỰC CỦA NHO GIÁO


Phạm Duy Nghĩa (Tác giả)
Nhà xuất bản: Tư pháp
Năm xuất bản: Q2/04
Kích thước: 13*19 cm
Trọng lượng: 150 gram
Số trang: 150
Bán theo cuốn 16.500 VND/Cuốn

Là một công trình chu đáo, cẩn trọng, đánh giá những tài liệu về văn hóa pháp luật và truyền thống văn hóa dân tộc; là một tài liệu bổ ích đối với những người quan tâm đến pháp luật.

“TÌM HIỂU PHÁP LUẬT HOA KỲ
TRONG ĐIỀU KIỆN VIỆT NAM HỘI NHẬP KINH TẾ KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI

Tập thể tác giả do Tiến Sĩ Phạm Duy Nghĩa chủ biên.
NXB Chính trị Quốc gia, 2001.

.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.12.2006 09:57:51 bởi TTL >
#1
    Ngọc Lý 05.10.2006 05:03:07 (permalink)
    .

    Tiến Sĩ PHẠM DUY NGHĨA
    Doanh nghiệp “ngoài khơi” bơi
    trên doanh nghiệp nhà nước





    Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Duy Nghĩa
    tốt nghiệp Đại học Leipzig (Đức)
    và bảo vệ luận án TS luật năm 1991 tại đây.
    Hơn 10 năm học tập và giảng dạy
    tại các nước Mỹ, Nhật.



        "Công tác giám sát ở VN quá yếu và gần như chưa làm được gì. Lý do bao trùm là tính sở hữu trong DNNN không rõ ràng, tài sản gần như không có chủ thật sự. Vì đó là “ông chủ” Nhà nước rất to, rất trừu tượng. “Ông chủ” ấy trao quyền giám sát cơ bản cho các ban kiểm tra, thanh tra, đoàn thể, đảng ủy… trong công ty. Những bộ phận này vừa không có quyền, vừa không có nghiệp vụ, thậm chí còn bị biến thành công cụ của nhà quản trị nên nhiệm vụ, giám sát của họ chỉ là hình thức. Ở tầm vĩ mô, hệ thống luật pháp trước đây của VN đã rải rác có những điều khoản dành cho vấn đề này nhưng chưa có những qui định riêng biệt và đầy đủ. Đó là Luật công chức, Luật ngân hàng hay Luật DNNN qui định: vợ con, người nhà của các công chức là lãnh đạo DN, ngân hàng, hải quan… không được kinh doanh ở các đơn vị ngoài quốc doanh thuộc các lĩnh vực liên quan. Qui định này gần như chưa phát huy tác dụng trên thực tế". Tiến Sĩ Phạm Duy Nghĩa.


    Liên tục những vụ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bị các đối tác rút ruột những khối tiền khổng lồ. Chính những người điều hành DNNN trực tiếp hoặc gián tiếp tổ chức mạng lưới “hút máu” DN của mình. Bản chất của hiện tượng này là gì? Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, chủ nhiệm bộ môn Luật kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nói:

    - Lý thuyết kinh tế gọi đó là những giao dịch nội gián. Tức là các nhà quản trị doanh nghiệp rút ruột đơn vị mình thông qua việc giao dịch với doanh nghiệp khác. Nguyên nhân là do nhà quản trị chạy theo lợi ích tư, sử dụng những tiện ích, thông tin biết trước của DN mình rồi chuyển cơ hội kinh doanh sang DN khác để trục lợi.

    Các hình thức thông thường là thông qua giá, lấy lãi tuồn ra ngoài hoặc sử dụng các “công ty ngoài khơi” (thuật ngữ kinh tế là offshore company - công ty tù mù ở đâu đó được dựng lên để giao dịch với những công ty có thật như trong vụ điện kế điện tử ở TP.HCM là các công ty Quang Trung, Vĩnh Thuận, Quán Quân) độc quyền cung cấp hoặc tiêu thụ ở một số lĩnh vực, chuyển lãi qua khế ước hoặc hưởng những khoản hoa hồng lót tay…

    - Nạn giao dịch nội gián ở Việt Nam ra sao, thưa ông?

    - Sau chuyển đổi kinh tế, ngay khi các doanh nhân có vốn đầu tư nước ngoài xuất hiện ở Việt Nam, chúng ta đã nhận thấy những dấu hiệu giao dịch nội gián ở khu vực này. Ví dụ như những thua lỗ hoặc lợi nhuận quá thấp ở một số DN loại này. Phương pháp thua lỗ này nhằm tránh các khoản thuế hay các khoản phải chia cho đối tác liên doanh. Họ thường thua lỗ bằng cách nâng cao giá đầu vào. Nhất là những sản phẩm nhập khẩu hoặc mua của các doanh nghiệp “ngoài khơi” và lợi nhuận của họ được chuyển qua các doanh nghiệp đó.

    Khu vực thứ hai là các DNNN. ở đây những nhà quản trị không trung thực thành lập các công ty “ngoài khơi” của mình hay người nhà rồi thông qua khế ước mua bán, hoa hồng… để chuyển lợi nhuận từ DN mình quản lý sang đó như các hiện tượng báo chí nêu vừa qua... Thật ra ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài thì 98% đối tác (tại VN) của nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là DNNN nên “nạn nhân” lớn nhất hiện nay vẫn là DNNN.

    - Theo ông, tại sao “nạn nhân” thường lại là DNNN?

    - Ở VN, các DNNN chiếm khối lượng tài sản lớn trong xã hội và tài sản ở đây không rõ ràng về tính sở hữu, tức là thiếu sự “trông coi” hiệu quả nên tính nguy hiểm của giao dịch nội gián rất cao.

    Hệ thống tư pháp và quản lý tài chính yếu kém, lỏng lẻo nên khối DN này dễ dàng tạo nhiều cơ hội ăn cắp cho các nhà quản trị chính nó. Thêm nữa, các nhà quản trị này thường được quản lý, giám sát theo các qui định về tổ chức cán bộ, chế độ lương bổng. Mà chế độ lương bổng thì rất không phù hợp với thị trường.

    Về tổ chức nhân sự thì VN gần như chưa có chế độ, chính sách riêng biệt dành cho nhà quản trị. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta chưa nhìn thấy sự nguy hiểm về khả năng của người quản trị có thể kéo lợi nhuận công ty mình cho công ty khác. Tình trạng trên còn cho một hệ quả rất xấu nữa là xã hội sẽ sản sinh ra những doanh nhân giàu có làm chủ các DN “ngoài khơi”.

    Những người này không đủ năng lực, đạo đức một doanh nhân mà họ thành lập DN chỉ nhằm rút tiền DNNN thông qua các quan hệ đen của mình với nhà quản trị DNNN. Khi DNNN độc quyền kinh doanh (ví dụ như bưu điện, điện lực) mà cấu kết với các DN “ngoài khơi” lại đẻ ra những độc quyền khác (ví dụ như Công ty Điện lực TP.HCM độc quyền cung cấp điện và khi có giao dịch nội gián thì Công ty Quang Trung lại độc quyền cung cấp một số thiết bị cho Công ty Điện lực TP.HCM). Lúc này thì những DN trung thực, chân chính mất cơ hội phát triển.

    - Thưa ông, giải pháp xử lý tình trạng này như thế nào?

    - Có hai giải pháp: một là cơ chế giám sát nhà quản trị và hai là đào tạo, “nuôi dưỡng” các doanh nhân có đạo đức, lòng trung thành. Hai nguyên tắc trên phải được áp dụng trong một xã hội mà thể chế pháp lý chặt chẽ, quản lý tài chính minh bạch.

    Có nhiều công cụ để làm việc này. Ví dụ như Tổ chức Phát triển kinh tế thế giới OECD đề ra các nguyên tắc cụ thể về tính sở hữu trong DN; tính minh bạch về lý lịch, quan hệ, tài sản, thân thế của nhà quản trị phải đề cao đến mức tối đa. Khi nhận chức anh phải kê khai tất cả các nguồn thu, các mối quan hệ, các công ty có vốn của anh hay người nhà anh… Anh chịu sự thẩm định của hội đồng quản trị, cổ đông cũng như chịu trách nhiệm về sự kê khai đó.

    Bên cạnh đó là những qui định về nghĩa vụ, trách nhiệm của giám đốc khi xảy ra những xung đột quyền lợi giữa DN và cá nhân anh ta. Kèm theo là hệ thống hình phạt rất rộng. Ví dụ khi giám đốc ký kết hợp đồng hay có quyết định gây thiệt hại DN thì anh phải bồi hoàn, bị đuổi việc, bị cấm hành nghề và nếu có hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự.

    - Như vậy là tiềm năng để vi phạm thì rất lớn, công cụ hạn chế thì yếu kém. Vậy theo ông, VN trước mắt cần phải làm gì để chống hiện tượng này?

    - Nhà nước không thể giám sát người điều hành DNNN như hiện nay thông qua lý lịch cán bộ, điều lệ Đảng hay một số qui định rời rạc khác, vì Nhà nước không thể làm hết mọi việc. Giám sát là nhiệm vụ của thị trường. Thị trường chỉ có thể tham gia giám sát khi DN được dân doanh hóa. Tức là DN phải có chủ sở hữu rõ ràng. Khi người dân bỏ tiền đầu tư thì họ sẽ đòi hỏi công khai tài chính của DN cũng như các quan hệ của nhà quản trị. Chỉ cần nghi ngờ, họ có thể rút vốn, bán cổ phiếu, từ chối đầu tư.

    Như vậy nhà quản trị bị đẩy vào tình thế không ngừng muốn thể hiện sự trong sáng, minh bạch của mình. Phần thứ hai là đạo đức doanh nhân. Theo tôi, không nên gọi giám đốc các DNNN ở VN là doanh nhân vì họ chỉ là người quản lý thuê cho Nhà nước chứ không phải là người bỏ tiền ra để kinh doanh. Vì vậy song hành với quá trình dân doanh hóa mà bước đi quan trọng là cổ phần hóa DNNN, VN cần phải thay đổi tư duy về bổ nhiệm cán bộ chủ chốt trong DNNN.

    Cần lưu ý là chống giao dịch nội gián là câu chuyện rất dài trong kinh doanh mà khống chế nó thì pháp luật chỉ đóng một phần vai trò bên cạnh sự phát triển văn hóa, nhất là văn hóa kinh doanh cùng công cụ sắc bén của báo chí.

    - Xin cảm ơn ông.

    (Theo Tuổi Trẻ)
    http://www.vnn.vn/kinhte/2005/07/467617/
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.10.2006 05:15:38 bởi Ngọc Lý >
    #2
      Ngọc Lý 05.10.2006 05:34:22 (permalink)
      .

      Tiến Sĩ Phạm Duy Nghĩa:
      "Bản hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị
      cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở Việt Nam"


      Thời gian gần đây dư luận ở trong nước từ nhiều phía, thân cũng như không thân chính quyền, đã bàn luận rất nhiều về bản Hiến pháp 1946 ra đời cách đây trên nửa thế kỷ và đã hết hiệu lực từ cuối thâp niên 1950.

      Nhân dịp năm nay kỷ niệm 60 năm Quốc khánh 2-9, Giáo sư Phạm Duy Nghĩa Đại học Quốc gia Hà Nội, khi được báo Tuổi Trẻ online phỏng vấn, đã tuyên bố rằng bản hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở Việt Nam.

      Để bàn sâu thêm về ý kiến này, Nguyễn An của Đài Á Châu Tự Do đã trao đổi với Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân quyền ở Pari về Hiến pháp nói chung và Hiến pháp 1946 nói riêng. Luật sư Hiệp là tác giả của nhiều bài nghiên cứu về chủ thuyêt Hiến trị cũng như về các Nhà nước pháp quyền, Nhà nước pháp trị.

      Sửa đổi Hiến pháp

      Hỏi: Thưa luật sư Trần Thanh Hiệp, Việt Nam đang thực hiện cải tổ trong lãnh vực luật pháp với nhiều dự luật mới cũng như tu chính lại luật cũ. Tuy nhiên, còn chính luật mẹ, tức là hiến pháp thì sao? Có cần thay đổi không, và nếu có thì những thay đổi ấy sẽ là gì?

      Đáp: Thưa nhà báo Nguyễn An, tôi cho rằng cách nhà báo đặt câu hỏi, hình như đã hàm ý câu trả lời rồi, đó là cần phải sửa đổi Hiến pháp vì việc cải tổ trong lãnh vực luật pháp, tuy đã và đang được thực hiện ồ ạt, nhưng chỉ ở trên ngọn chứ chưa phải ở tận dưới gốc tức là Hiến pháp mà nhà báo gọi là luật mẹ. Cho tôi nói thêm về điểm này cho rõ nữa.

      Nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội, sau hơn 50 năm toàn trị, vào đầu những năm 2000 đã phải công khai nhìn nhận phải đổi sang dân chủ. Nhưng họ lại vẫn duy trì một Hiến pháp toàn trị. Điều này thì không thể chối cãi được. Như vậy muốn có dân chủ thực sự, đương nhiên phải sửa đổi Hiến pháp. Đứng về mặt nguyên tắc mà bàn thì phải như thế.

      Nhưng trong thực tế, không hẳn như thế nên có một nghi vấn, là liệu trong đợt cải tổ luật pháp hiện nay, Hiến pháp năm 1992 đang được áp dụng, có được sửa đổi để mang tính dân chủ không? Theo tôi, chúng ta đừng chờ đợi, ít ra là trong một tương lai gần, những sửa đổi để đất nước có một Hiến pháp đích thực dân chủ.


      Không nên chờ đợi

      Hỏi: Luật sư có thể nói lý do tại sao lại không nên chờ đợi?

      Đáp: Không nên chờ đợi bởi vì cách đây chỉ mới hơn 3 năm, Hà Nội đã mở ra một đợt sửa đổi và bổ sung Hiến pháp rất quan trọng, sửa lại đoạn cuối của Lời nói đầu và sửa đổi và bổ sung 23 điều tropng nội dung Hiến pháp năm 1992. Tức là, trừ phi có một biến cố quan trọng nào đó xảy ra, Hà Nội sẽ không còn nhu cầu sửa đổi Hiến pháp nữa.

      Vì Hà Nội đã thực hiện đợt cải tổ mới nhất này để khẳng định thêm một lần nữa, nơi đoạn cuối điều 2 của Hiến pháp, rằng không thể phân quyền mà phải tập quyền tối đa và vẫn đặt chế độ dưới sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản, như được quy định ở điều 4, là điều không sửa đổi để giữ nguyên tiền lệ được đặt ra từ thời chuyên chính vô sản thập niên 1980.

      Tôi cho rằng trước một ý chí đảng trị độc tôn mãnh liệt như vậy, không hy vọng gì tìm ra khả thế thống nhất tư duy về Hiến pháp như giáo sư Phạm Duy Nghĩa của Đại học quốc gia ở Hà Nội đã nêu lên trong cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ online.


      Giáo sư Phạm Duy Nghĩa

      Hỏi: Luật sư nhắc tới Phó giáo sư tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, chắc Luật sư cũng biết giáo sư Nghĩa có nhận xét trên báo Tuồi Trẻ online rằng bản hiến pháp năm 1946 vẫn còn giữ nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở Việt Nam. Ý kiến của luật sư ra sao?

      Đáp: Ở Việt Nam không dễ gì tìm thấy được một luật gia không giáo điều như giáo sư Nghĩa. Trước đây tôi tình cờ có được đọc công trình nghiên cứu của ông khi ông còn thụ huấn tại trường Đại học Harvard. Cách nhìn các vấn đề của ông lúc đó thật là thoáng. Bây giờ ông đã là người có học vị để giảng dạy tại trường Đại học quốc gia ở Hà Nội, cách phát biểu của ông có lẽ khó tránh được những hạn chế vì hoàn cảnh.

      Tôi không đọc giáo trình của ông nên không có cơ sở để lượng định thật chính xác mức độ không giáo điều nơi ông hiện giờ. Tuy là người ở ngoài cuộc, tôi cũng thấu hiểu được rằng ở một nước mà chủ nghĩa Mác-Lenin và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn là những môn học bắt buộc trong chương trình giảng dạy ở các trường thì các giáo sư tất nhiên không thể đi ngược lại đường lối giáo dục này.

      Tôi hy vọng giáo sư Nghĩa đã vượt được khó khăn để mang những tinh hoa sở đắc ở một trường Đại học danh tiếng của Mỹ để dẫn dắt tuổi trẻ Việt Nam hội nhập vào văn minh tự do phổ quát của cả nhân loại.


      Hiến pháp năm 1946

      Hỏi: Thưa luật sư, có lẽ chúng ta hãy quay lại với ý kiến của giáo sư Nghĩa về Hiến pháp năm 1946.

      Đáp: Trở lại ý kiến của giáo sư Phạm Duy Nghĩa về Hiến pháp năm 1946, tôi thấy cần phải đặt ý kiến này vào trong toàn văn cuộc phỏng vấn để khỏi đánh giá sai nó. Nói chung, khi trả lời các câu hỏi của Tuổi Trẻ online, giáo sư Nghĩa đã dùng một ngôn ngữ phóng khoáng rất mới, so với biểu văn giáo điều của nhiều thế hệ luật gia cộng sản ở Hà Nội.

      Nhưng hình như ông cố ý né tránh phê bình hiện tại, mà chỉ mượn quá khứ để phóng thẳng lên tương lai. Và nếu bắt buộc phải nhắc tới hiện tại thì ông lại dùng những uyển ngữ để phê bình một cách vô hại. Cho nên ông mới nói rằng “hiến pháp năm 1946 vẫn còn giữ nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở Việt Nam”.

      Đặt câu này vào trong văn cảnh cuộc phỏng vấn thì phải hiểu ông muốn nói một xã hội dân chủ pháp quyền trong tương lai. Có lẽ chính vì không nói về hiện tại nên biểu văn của giáo sư Nghĩa, qua cuộc phỏng vấn, đã không đạt tới mức độ chính xác phải có và thường có của luật học. Giáo sư Nghĩa mặc dù nói về một đề tài luật học là Hiến pháp nhưng lại chỉ chú trọng nhấn mạnh về mặt chính trị.

      Tuy nhiên, từ trong nước, ông đã thẳng thắn nêu vấn đề, trên một diễn đàn quốc tế, để chúng ta ở hải ngoại bàn sâu thêm. Tôi thấy có thể đứng trên bình diện luật hiến pháp mà bổ túc biểu văn của giáo sư Nghĩa ít ra về hai điểm. Một là giá trị pháp lý của Hiến pháp năm 1946. Hai là, khi nói Hiến pháp là nói luật hay nói chính trị.

      Trong phần đầu của cụôc trao đổi về vấn đề hiến pháp Việt Nam, luật sư Trần Thanh Hiệp cho rằng hiến pháp Việt Nam cần thay đổi, nhưng phải thay đổi thế nào? Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của Việt Nam đã được giáo sư Phạm Duy Nghĩa của đại học quốc gia Hà nội coi là “còn nguyên giá trị”.

      Trong phần thứ nhì sẽ được phát trong buổi phát thanh tới, luật sư Trần Thanh Hiệp sẽ phân tích về bản hiến pháp này. Mong quý thính giả đón nghe. Cũng xin thưa rằng quan điểm của luật sư Trần Thanh Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của ban Việt ngữ đài Á châu tự do, và chúng tôi mong sẽ nhận được thêm ý kiến đóng góp về vấn đề này.

      NGUYỄN AN - Đài Á Châu Tự Do
      http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2005/09/16/VietnamConstitution_TTHiepNAn/
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.10.2006 06:50:06 bởi Ngọc Lý >
      #3
        moc_xi_dau 11.10.2006 10:25:23 (permalink)
        Mình được học thầy kỳ vừa qua rồi đấy! ^_^ Thầy bảo rằng thầy có năng khiếu giảng dạy Công nhận điều này hoàn toàn đúng, vì thầy giảng rất cuốn hút và luôn khiến cho tụi mình quên mất thời gian! Kiến thức thầy rộng lắm, và yêu cầu ở sinh viên rất cao! Tính thầy lại rất hiền, không... mắng sinh viên bao giờ ( lớp mình là chuyên gia bị... ăn mắng mà học thầy chưa bị mắng đâu đấy! Kỷ lục thật! )...
        Thấy topic về thầy giáo mình nên nhảy vào... khoe khoang chút! ^_^
        #4
          sóng trăng 06.12.2006 02:08:58 (permalink)
          .
           
          Hà Nội trời trở gió
          PGS.TS PHẠM DUY NGHĨA


          TT - Như sinh lực dồn cho mùa xuân tới, hi vọng rồi đây hoạt động chất vấn sẽ không chỉ là những gì diễn ra tại hội trường...

          Lễ lạt nhiều, người Hà Nội đã quen dần với tiếng còi của xe cảnh sát. Lại một đoàn xe buýt tiến về Ba Đình, những khuôn mặt vừa xa vừa gần lướt nhanh qua hàng trăm con mắt dân chúng kiên nhẫn đứng chờ. Xong phiên chất vấn, Quốc hội bàn sang chuyện nước ta vào chợ WTO.

          Một chút ấm lòng khi các bà nội trợ kháo nhau rằng ông Thủ tướng hứa không để giá điện tăng cao, bớt khổ cho dân nghèo. Điềm đạm và tự tin, không chỉ hứa mà còn vạch ra lời giải, phiên chất vấn đã làm người dân thêm tin và thêm gần ông Thủ tướng. Quốc hội trở thành nơi người có trách nhiệm điều hành quốc gia lắng nghe dân tâm, dân nguyện và tỏ rõ trách nhiệm cũng như bản lĩnh lãnh đạo của mình.

          Tuy nhiên, phiên chất vấn cũng là nơi các ông chánh án đua nhau lỡ lời. Chưa hết sửng sốt với “luật của ta xử thế nào cũng được” của người tiền nhiệm, người đứng đầu cơ quan bảo vệ công lý lại “vơ vét cho đủ thẩm phán”. Chắc là quen với quyền xét hỏi, ban hành bản án, ông chánh án có phần chưa thạo nghề làm chính khách và dường như lúng túng trước ngàn vạn con mắt soi xét của cử tri.

          Cơn gió lạnh đầu đông làm chiếc lá vàng rơi. Ông chánh án lỡ lời làm chạnh lòng hàng chục ngàn người trẻ tuổi; những sinh viên luật khoa trẻ trung, đầy trí tuệ và mơ ước muốn được cống hiến, song khó lòng tìm được một chỗ đứng trong hệ thống tòa án chật hẹp nước nhà (thế mà ngành tòa án phải vơ vét cả những người không đủ chuẩn). Cơn tê tái lan cả sang ngàn vạn phụ huynh và những “người lái đò” ngày qua ngày mơ ước những mầm non ấy được đua tài.

          Như sinh lực dồn cho mùa xuân tới, hi vọng rồi đây hoạt động chất vấn sẽ không chỉ là những gì diễn ra tại hội trường. Một quốc hội mạnh mẽ với các ủy ban giám sát liên tục và từng đại biểu bền bỉ theo đuổi lợi ích cử tri của mình sẽ hối thúc quan chức ngày càng hiểu rõ trách nhiệm chính trị trước nhân dân. Theo đuổi trách nhiệm đó, sẽ đến ngày Quốc hội dùng đến quyền bỏ phiếu tín nhiệm, như ông chủ nhân dân tự tìm lấy công bộc đáng tin nhất của mình.

          PGS.TS PHẠM DUY NGHĨA (Khoa luật, ĐHQG Hà Nội)
           
           
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.12.2006 02:11:17 bởi sóng trăng >
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9