bầy cỗ trông trăng
sóng trăng 05.10.2006 12:41:47 (permalink)
0
.


Trăng rằm tháng tám là trăng ngày mùa. Người Việt có tục lệ tắt hết đèn, người lớn thì ngắm trăng, trẻ con thì thắp nến rước quanh làng xóm để vui với thiên nhiên. Trong ngày mùa, ở thôn quê những năm được mùa thì chắc có những "Hội Trăng Rằm", trai gái hát hò đối đáp, trong lúc vui nhộn thì thưởng thức các món ăn gặt hái được từ ruộng đồng.

Món đặc biệt đón trăng ngày mùa của người Việt là Bánh Dẻo, làm từ bột nếp tinh khiết rang lên và trộn kỹ với nước đường thắng, có thêm ít hương hoa bưởi, cũng đương mùa. Bánh Dẻo thường có nhân đậu xanh, hay nhân hạt sen, rất tinh khiết, và nhất là ngày rằm nhiều người Việt theo đạo Phật ăn chay, nên món bánh dẻo rất thanh khiết này hợp với tinh thần chay tịnh. Bánh Dẻo của người Việt còn gọi là Bánh mặt trăng, hay Bánh Trông Trăng, theo đúng kiểu cổ điển phải làm hình tròn như mặt trăng, bột nén theo khuôn có hình hoa hồng, hoa cúc, hay hình Hằng Nga, chú Cuội.

Bánh Dẻo của người Việt khác với Bánh Nướng du nhập từ người Hoa, vốn chỉ trồng được lúa mì, nên Bánh Nướng làm bằng bột mì, vỏ bánh có thêm mỡ động vật, nhân bánh có các thứ như lạp xường, vi cá, lòng đỏ trứng, mỡ sa thái nhỏ, vì khu vực Hoa Hạ mùa Thu lạnh hơn nên bánh rất béo, khác hẳn vị Bánh Dẻo.

Ngoài Bánh Dẻo, vụ mùa lúa nếp cũng cho người Việt ăn mừng Trăng Ngày Mùa bằng "Kẹo Mạch Nha". Kẹo Mạch Nha là loại kẹo bằng tinh đường từ mộng các hạt lúa nếp, ăn ngọt mà thanh, gần như mật ong, nhưng lại quyến luyến dịu dàng hơn với vị dẻo dính thơm tho của hạt nếp ngày mùa.

Trong tác phẩm Hương Cuội của Nguyễn Tuân, có diễn tả cách thưởng thức kẹo mạch nha rất cầu kỳ của Cụ Kép khi thưởng Lan, nhưng thường trẻ con làng xóm Việt chỉ cần chị hay mẹ nhúng một đầu đũa vào hũ mạch nha, quấn dính một vòng, rồi vừa cầm que kẹo vừa liếm vừa chơi với bạn, là đủ mê tơi.

Ngoài vụ mùa lúa nếp, còn có đậu xanh, chế biến thành đủ loại hoa quả trái cây dưới các bàn tay khéo léo của những cô tiên da trắng tóc dài, bầy thành một mâm ngũ quả, những trái cây nhỏ xíu bằng đậu xanh trông tươi ngon như thật, nào khế, na, mận, măng cụt, đu đủ, óng ánh dưới một lớp da bằng đông sương mỏng trong suốt.

Trên bàn cỗ, còn phải có một tháp miá. Ngày mùa mà. Tháp mía thường được đặt giữa bàn hay đầu bàn, gồm nhiều thanh mía róc vỏ, chẻ đôi, chặt khúc thành nhiều đoạn với chiều dài thay đổi để người thiếu nữ có thể xếp dần lên thành một kim tự tháp, dấu trong lòng tháp bao ước mơ nào ai biết được.

Dọc đường lên tháp, các đứa em nhỏ nghịch ngợm của thiếu nữ đem bày ra các "con giống" đã làm sẵn hay mua sẵn cả mấy tuần trước. Những "con giống" này được nặn cũng bằng bột nếp, nung lên, và tô màu, trang điểm cho giống các gia súc hay thú vật của thôn quê. Chó, lợn, trâu, bò, gà, vịt, công, cá... Cầu kỳ hơn là các con thú tưởng tượng, như rồng, phượng, kỳ lân,...

Một món rất đặc biệt trong ngày mùa miền Bắc, là món Ốc Hấp Lá Gừng. Có lẽ sau khi gặt hái xong, tát ruộng, thì bắt được bao nhiêu là ốc béo. Thông thường, người dân quê chỉ luộc ốc khêu ăn với nước mắm gừng. Nhưng trong ngày mùa, thì các tiểu thư cầu kỳ khoe khéo bằng cách luộc ốc lên trước, khêu thịt ốc riêng ra, thái nhỏ và trộn chung với thịt heo băm, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, gia vị cho thơm, rồi cuộn vào một cái loa kèn bằng lá gừng tươi, cho lại vào trong vỏ ốc, hấp lên để mời gia đình ăn nóng thưởng trăng.

Mùa tháng tám cũng là mùa bưởi. Bưởi thanh trà có tiếng là ngon. Bưởi ngon là bưởi thơm, tép mọng mà rời, khi bóc lớp màng ngoài các hạt bưởi không nát, mà thơm ngát một một mùi hương rất thanh. Một cách khoe khéo của các cô gái là chọn bưởi, bóc múi, rồi lộn ngược múi bưởi lại cho các tép vẫn còn dính vào nhau nhưng tơi ra như những sợi lông chó bông, và ghép các tép bưởi này vào vỏ bưởi vừa bóc thành hình một con chó bông Phúc Kiến, nhỏ xíu xinh xắn như con chó dấu vừa trong tay áo nàng Xuân Lan khi tiến cung.

Và đu đủ. Chao ơi, bao nhiêu thứ có thể làm với đu đủ. Gỏi đu đủ ăn với khô bò. Hoa tỉa bằng đu đủ. Hay dùng ngay một quả đu đủ xanh, khắc thành một cảnh Trăng Sáng Vườn Chè, Chú Cuội Cây Đa, Hằng Nga Nguyệt Điện, rồi thắp vào giữa một ngọn nến nhỏ, lung linh như một cảnh thần tiên nhất của trẻ thơ.

Còn gì nữa nhỉ?

Ah, Đèn Đêm Thu - hãy nghe Nguyễn Tuân kể

Chao ơi...

Tất cả chỉ như là một giấc mơ...

Mời các bạn kể tiếp các giấc mơ dưới ánh trăng ảo...

.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.10.2006 13:22:38 bởi sóng trăng >
#1
    sóng trăng 05.10.2006 13:49:09 (permalink)
    0
    .

    Vài món vui vui để bày cỗ trông trăng

    [sm=eat.gif]
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.10.2006 14:01:13 bởi sóng trăng >
    #2
      sóng trăng 07.10.2006 13:21:14 (permalink)
      0
      .

      trăng mười sáu rồi mới ngớt mưa và mới lượm được bài này trên mạng từ một blog, mang vào chia với các bạn:

      Sự Tích Trung Thu

      Chuyện dân gian kể rằng mùa thu là quãng thời gian khi hai vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ được phép gặp nhau từ hai đầu dải Ngân Hà cách trở. Vào trung thu nước mắt họ rơi lã chã xuống đất thành mưa gọi là mưa Ngâu, không giống như mưa rào mùa hạ hay mưa dầm gió bấc mùa đông thối đất.

      Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa, nét đặc sắc nhất của mùa thu Việt Nam là trăng. Vào mùa thu có nhiều đêm trăng tỏ hơn các mùa khác trong năm. Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, nhà lịch pháp học người Việt nổi tiếng, thì trong nhiều thế kỷ qua, các nhà chép sử đã ghi lại tỉ mỉ thời gian hoạt đông (theo âm dương lịch) của động đất, nhật thực, và Tết Trung Thu không trăng sáng. Các ghi chép này cho thấy trong suốt một nghìn năm qua, chỉ có khoảng dăm bảy đêm Trung Thu không được ngắm trăng vì trời mưa.

      Người Trung Hoa và Việt Nam gọi Trăng mỗi nơi một khác. Người Hoa coi Trăng là tiêu biểu cho âm, hay "đàn bà". Chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, nhiều nhà thơ, nhà văn Việt Nam cũng gọi Trăng là "Ả Nguyệt","Chị Hằng".
      Thế nhưng văn học dân gian Việt Nam lại coi trăng là "đàn ông", hay dương, cho nên mới có cách gọi "Ông Trăng" hay "Ông Giẳng, Ông Giăng" (do trẻ con nói ngọng từ "Ông Trăng").

      Ca dao Việt Nam vẫn còn truyền tụng đến ngày nay:
        Ông Trăng mà lấy mụ Trời
        Tháng năm ăn cưới, tháng mười nộp cheo.

      Vào những đêm Trung Thu, nhìn những chỗ đen phớt xanh trên mảnh trăng tròn vành vạnh và sáng vằng vặc, người ta tưởng tượng ra nhiều sự tích liên quan. Người Hoa tưởng tượng ra câu chuyện vợ chồng nàng Hằng Nga. Hằng Nga lấy cắp thuốc "trường sinh bất tử" của chồng là Hậu NGhệ rồi bay lên cung trăng. Nàng trở thành tiên, không bao giờ chết, song sống cô đơn trong cung Quảng Hàn mênh mông và lạnh lẽo.

      Người Việt thì nghĩ ra câu chuyện "Cây Đa chú Cuôi". Cuội là một chú bé nhà nghèo phải cắt cỏ chăn trâu cho địa chủ. Nhưng cậu lại có tật hay nói dối mọi người. Cuối cùng chẳng ai đoái hoài đến cậu. Cậu phải bay lên cung trăng ôm gốc cây đa.

      Đồng dao Việt Nam còn lưu truyền rằng:

        Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
        Để Trâu ăn lúa gọi cha ời ời
        Cha còn cắt cỏ trên trời
        Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên
        Ông thì cầm bút cầm nghiên
        Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa...

      Mặc dù những câu đồng dao trên không theo một logic nào và hết sức tối nghĩa, những chỗ ngô nghê và hóm hỉnh của nó vẫn làm người ta thích thú và nhớ mãi. Hàng triệu trẻ em Việt Nam thuộc lòng bài đồng dao này. Chú Cuội trở thành một nhân vật "nổi tiếng" trong tâm tưởng người Việt, một biểu tượng của kẻ nói dối trơn tru - "nói dối như Cuội"

      Tết Trung Thu cũng đúng vào giữa mùa cốm. Nhiều nơi trong nước làm cốm, nhưng cốm làng Vòng, Hà Nội, vẫn nổi tiếng và được ưa chuộng nhất.

      Tháng Tám âm lịch cũng đánh dấu mùa cưới ở đất kinh kỳ. Có anh chàng nôn nóng giục nàng về sính lễ cưới xin:

      Để anh mua cốm, mua hồng sang sêu...

      Cốm xanh để bên cạnh hồng chín đỏ tạo thành một bức tranh sáng sủa, hòa hợp. Suốt cả buổi chiều ngày Tết Trung Thu, những bà mẹ và những cô con gái tíu tít bày cỗ Trung Thu trên mâm, gồm các loại trái cây như kế, bưởi, hồng, chuối và bánh Trung Thu. Nếu như bánh chưng là thứ bánh không thể thiếu được của Tết Nguyên Đán, thì Tết Trung Thu, được mang một cái tên chung là "bánh Trung Thu". Đến đêm, khách khứa cùng người nhà vui vẻ phá cỗ ngắm trăng thu.

      <st>
      Dienstag, 3. Oktober 2006 - 23:22 Uhr (ICT)
      Nächster Beitrag: Sự tích chú cuội cung trăng
      Vorheriger Beitrag: Vi vu

      http://de.blog.360.yahoo.com/blog-HmDgdIU5fqlicJ00I4GhJrdy8mjnQw--?cq=1&p=645

      * Vài câu đồng dao khác về "Ông Giăng"

        Ông giẳng ông giăng
        Ông giằng búi tóc
        Ông khóc ông cười
        Mười ông một cỗ
        Đánh nhau lỗ đầu

        Ông giăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo
        Ông giăng xuống chơi học trò thì học trò cho sách
        Ông giăng xuống chơi ông bụt thì ông bụt cho chùa
        Ông giăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính

        Ông giăng xuống chơi cây bưởi thì cây bưởi cho hoa
        Ông giăng xuống chơi vườn cà thì vườn cà cho trái
        Ông giăng xuống chơi gái đẹp thì gái đẹp cho chồng
        Ông giăng xuống chơi đàn ông thì đàn ông cho vợ



      Người Việt cổ nói "Ông Giăng Bà Giời ', nói lên tâm thức Mẫu hệ, cho rằng Giời sanh ra mọi thứ trong vũ trụ, và Giời phải là Bà, Bà Giời có nhiều quyền hạn bao trùm "Ông Giăng."

      Xem thế thì biết quan niệm về Giăng, hay Trăng của Việt có từ rất xưa, và Tết Trông Trăng hay Hội Ngày Mùa hay Hội Trăng Rằm của Việt có
      trước quan niệm "thưởng trăng" của Đường Minh Hoàng (713-756) bên Trung quốc rất lâu.

      Hai ý nghĩa của cách chơi trăng cũng hoàn toàn khác biêt.

      Hội Rằm Tháng Tám của người Lạc Việt ăn mừng ngày mùa, cảm tạ trời đất cho mưa thuận gió hòa, trăng thanh, no ấm. Đó là ngày lễ hội của dân chúng, trai gái, và trẻ em khắp nơi.

      Cách thưởng trăng cầu kỳ với kiểu "Minh Hoàng du Nguyệt Điện, Hằng Nga vũ khúc nghê thường" là cách sống hưởng thụ của một vị vua (phụ hệ) thừa tiền của, thế lực, ngắm đoàn vũ nữ múa hát cho mình xem, tuy có đẹp có hay, nhưng không phải là cái vui của trăm họ. Đó là chưa kể, Đường Minh Hoàng bị quy là mê đắm nhan sắc của Dương Quý Phi, bỏ bê triều chính, Trường An thất thủ dưới tay An Lộc Sơn, đến nỗi sau này phải buộc Dương Quý Phi thắt cổ tự tử để an lòng quân [1]

      Sử Trung Hoa viết:

      An Lộc Sơn chiếm được Trường An, ra lệnh cho quân lính đốt phá kinh đô, tàn sát nhân dân. Sử chép: "Có 36 triệu sinh linh chết trong cơn loạn ấy. Rợ Phiên gặp ai cũng chém cũng giết, thực là một cuộc đổ máu không tiền khoáng hậu trong lịch sử Trung Hoa, mà nguyên nhân sâu xa là do cái sắc của một người đàn bà dâm loạn".

      Sự khác biệt giữa ánh trăng ngày mùa của Việt và vầng trăng dâm loạn thời Đường của Trung quốc thật một trời một vực.



      [1] Dương Quý Phi theo wikipedia


      <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.10.2006 02:50:04 bởi sóng trăng >
      #3
        sóng trăng 09.10.2006 03:20:40 (permalink)
        0
        .

        (Mang bài viết này vào đây để tặng Minh Trang,
        người đang thèm bún ốc...
        nhân dịp nói chuyện ăn món Ốc Hấp Lá Gừng
        ngày rằm tháng tám - sóng trăng.)


        Bún Ốc - Phủ Tây Hồ


        Nhớ lại sự lịch sử của bún ốc, tôi không biết món bún ốc xuất hiện vào thời gian nào và tại địa điểm nào, nhưng có lẽ món ăn này bắt đầu là từ đồng quê, nơi mà người dân dễ dàng tìm và bắt ốc.

        Ngày xưa, những cánh đồng luôn sẵn ao chuôm, đầy bèo tây, tre nứa vứt loăng quăng. Cày xong buổi cày sớm để chuẩn bị xuống mạ, người đàn ông chăm chỉ lựa nhẹ nhàng cái rổ so thưa xuống dưới lớp bèo ấy là dễ dàng có vài chú ốc nhồi bự nằm trong rổ. Về nhà, ông đưa cua, ốc xuống cho vợ làm bát bún ốc ăn buổi trưa cho đỡ háo nước để chiều thanh thản vác cày đi tiếp. Lui cui dưới bếp, người phụ nữ răng đen, vấn khăn tròn rửa thật sạch những con ốc béo ngậy ấy rồi bắc một nồi nước luộc ốc. Ốc sôi nhẹ, như vậy được vớt ra để nguội, nhể lấy ruột. Rồi người phụ nữ bắc chõ, nhẹ tay đảo chút hành, tỏi khô, cà chua thái miếng to đỏ nhẹ, thêm chút nước mắm cho vừa ăn. Nồi nước ốc ánh lên màu trắng đục nhẹ nhàng như màu khói lam chiều lúc ấy vẫn còn nóng ấm. Người vợ đổ những thức đã xào sẵn vào đó và thêm nào giấm bỗng (thứ giấm làm từ bỗng rượu mà hầu như miền quê nào cũng tự cung tự cấp được), nào quả dọc nướng cháy, nào hành củ... và lại đun một nồi nước khác để nhúng bún. Những sợi bún trắng ngoan ngoãn nằm trong những chiếc bát to. Dăm ba đứa con ngồi quanh mâm nhìn theo thòm thèm. Người mẹ nhẹ nhàng đặt những con ốc lên trên bát bún, rắc hành dăm, mùi tàu rồi chan nước dùng nóng bỏng lẫn dăm ba miếng cà chua lên trên. Người chồng vừa nhìn con ăn, vừa thưởng thức bát bún rồi xuýt xoa khen vợ đảm.

        Bây giờ, tôi ngồi cạnh Hồ Tây lộng gió, bên cạnh Phủ Tây Hồ, và thưởng thức món bún ốc của nhà hàng Minh Thanh. Từ những gánh bún ốc nhỏ bé của những bà, những cô thắt khăn vấn ngày xưa thì nay đã trở thành những nhà hàng bề thế. Ở đây tồn tại khoảng 20 quán bún ốc. Tuy nhiều như vậy nhưng không có hiện cạnh tranh với nhau bằng cách nhại lại tên cửa hàng như đối với một số nhà hàng bán đồ ăn khác ví dụ cái “Liên hiệp” thịt chó Nhật Tân. Tại đây, thực khách có cố gắng tìm cũng không thấy được hai quán bún ốc có cùng một tên. Dẫu vậy, điểm chung dễ dàng có thể nhận ra là các hàng quán đều rất rộng, chừng 300 mét vuông. Mỗi địa điểm như thế người bán hàng phải thuê với số tiền gần 5 triệu một tháng, nhưng cũng tùy từng địa điểm của quán ăn. Việc làm ăn ở đây vẻ như rất suôn sẻ cho nên tôi thấy xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng xây kiên cố ba tầng, bốn tầng với mục đích kinh doanh hàng ăn.

        Bún ốc “đậu” lại ở Hà Nội để trở thành món ngon nổi tiếng Tây Hồ. Hồ Tây xưa lắm cá, nhiều tôm và đặc biệt với món ốc mít, ốc nứa giòn tan. Có lẽ vùng đất này là này là bún ốc “thăng hoa” nhất. Chỉ tại đây thực khách mới có thể thưởng thức được một bát bún ốc như thế nào là ngon. Bát bún ốc ấy vẫn gồm ốc nhồi, cà chua, giấm bỗng, hành mùi... Vẫn cái vị chua thanh, ngọt dịu của ngày xưa. Bát bún ốc Hồ Tây kiểu gì cũng phải có chút ớt chưng mỡ, chút mắm tôm cho lạ vị. Bán bún ốc nhiều khi đỏ au màu ớt, sóng sánh màu mỡ. Rồi thì rau sống. Nhiều người ăn rau sống với bún ốc rất cầu kỳ: Ðĩa rau phải có rau muống chẻ, rau chuối thái rối, rau húng đỏ, mùi tàu, xà lách hoặc rau diếp. Nếu vào những ngày rét căm căm cuối năm, cầm bát bún nóng hổi, thêm vào đó tý ớt chưng thì... vừa ăn vừa xuýt xoa tới quên cái rét. Ðể rồi “cảm” rồi “say” cái món ngon chua thanh dìu dịu ấy.

        Tình cờ, tôi ngồi cùng bàn với tôi là một phụ nữ đất Hà Thành: Chị Hiền (phố Hàng Bông). Chị Hiền bảo: “Thức ăn hằng ngày có đủ món ngon mà mình lại nhớ bún ốc thế. Ăn vừa thanh, vừa nhẹ bụng”. Trong quãng thời gian 20 năm nay, năm nào mình cũng lên phủ Tây Hồ ăn bún ốc vài lần, khi thì đi với gia đình riêng, lúc thì đi cùng với ông bà nội ngoại. Con ốc tròn nó gợi sự đầy đặn, mũm mĩm”. “Trong suốt thời gian đó chị có thấy hương vị có thay đổi gì không?”, tôi hỏi? “Vị thì không khác nhưng bản thân con ốc cũng... thay đổi nhiều, chị chậm rãi nói. Ở những nơi khác, người ta nấu bằng ốc con (ốc đá, ốc vặn), hoặc ăn bún ốc với... thịt bò, bún ốc với riêu cua”. Như là sợ thực khách đánh giá ốc tại đây không đủ tiêu chuẩn làm bún ốc Tây Hồ vốn nổi danh, bà chủ quán tên là Minh nghe chúng tôi nói chuyện mặc dù rất bận nhưng vẫn phải chen ngang: “Bây giờ ốc Hồ Tây hiếm, người ta còn làm bằng ốc nuôi, ốc bươu vàng... ăn nhạt mà vị hơi tanh nhưng ở quán chị đây thì toàn là ốc mít, ốc nứa thôi các em ạ, cho nên giá cả cũng hơi đắt so với quán khác. Ðây này! Ðây này! Các em xem đi, con ốc nào nó cũng phải như này mới là con ốc chứ.” Rồi bà chủ quán sành sỏi ấy lại bày cho chúng tôi cách chọn ốc ngon: “Ngon nhất là loại ốc mít, thoáng nhìn là biết ngay bởi cái trôn nó gần như bằng (với vòng xoáy to nhất, vừa nói vừa minh họa). Loại ốc này đầy thịt, thơm, giòn. Thứ nhì là ốc nứa, ốc này màu rêu xám, thịt hơi ngót hơn so với ốc mít nhưng ăn cũng... thật là đã. Chúng tôi chỉ làm 2 loại ốc ấy thôi, bà chủ quán kết luận. Bây giờ người ta hám rẻ, lấy con ốc bươu vàng (giá ốc mít 24,000 đồng một kg, ốc bươu vàng chừng 4,000 đến 5,000 đồng một kg) làm bún. Ốc ấy phải ngâm nước vôi trong mà ăn vẫn “sượng” và sợ nhất là cái buồng trứng của nó”. Thấy bà chủ quán có vẻ hồ hởi tôi liền hỏi xem ngày đông nhất thì có khoảng độ bao nhiêu khách. Không một chút giấu giếm, bà liền nói ngay: “Ngày Rằm Mùng Một thì là lúc đông khách nhất và có khi có tới 200 người vào quán ăn của tôi”. Tôi tính nhẩm sơ sơ, nếu mỗi người ăn một bát bún ở đây, giá là 8,000 đồng một bát, thì một ngày họ có thể kiếm được khoảng 1,600,000 đồng. Ấy là chưa còn kể thực khách còn dùng nước giải khát, ăn bánh tôm...

        Tôi nhớ lại thời gian đi chơi cùng một người bạn Mỹ “xịn” tại Phủ Tây Hồ. Tôi tự hào giới thiệu cho anh ta món ăn lạ miệng này. Nhìn thấy một cái xoong to đựng nước xốt không sôi sùng sục, bạn tôi e ngại muốn hỏi nếu ăn thì có đau bụng không? Tôi liền cười bảo: Nó đã được đun sôi từ lâu rồi và hiện tại là đang đun nhỏ lửa để giữ nhiệt. Thấy tôi có vẻ tự tin và có thiện chí mời ăn, bạn tôi liền ngồi xuống và bắt đầu gọi. Do không biết tiếng Việt, anh ta liền đưa thực đơn cho tôi, tôi quyết định chỉ để anh thưởng về món bún ốc. Kỳ lạ, càng ăn anh ta càng xuýt xoa và loáng một cái hết ngay tô bún. Tôi nhìn mà thấy thèm. Lúc đứng lên, với vẻ mặt rạng rỡ, anh ta liền nói ngay rằng anh ta sẽ rủ bạn gái người Pháp của anh đến đây vào một vài ngày sau.

        May mắn sao tôi gặp một bà cụ “gốc Hà Nội tới chân tơ kẽ tóc” trong sân của Phủ Tây Hồ và biết được bà làm món bún ốc từ rất xa xưa. Cụ tên là Trần Thị Bổn, hơn 69 tuổi. Từ thủa thiếu nữ, cụ đã mòn chân buôn thúng bán mẹt ở các chợ như chợ Hôm và sau đó thì quay sang bán bún ốc. “Tôi bán không làm ăn gì khác ngoài việc bán bún ốc cũng bởi vì nó làm cho tôi vui và cũng có nhiều đồng ra đồng vào hơn là bán thúng bán mẹt ngoài chợ ấy”, bà nói.

        Cụ Trần Thị Bổn nhớ lại: “Cái đận năm 1945 mới khủng khiếp. Khắp nơi người đói kéo đi đầy đường. Hạt gạo quý như vàng. Còn ốc ở Hồ Tây vừa ngon, vừa rẻ nên chị em tôi xoay sang bán bún ốc. Cái món bún ốc ấy mà, thiếu giấm bỗng, cà chua là không thành. Dù thiếu thốn, chúng tôi cũng xoay cho đủ những thức ấy. Gánh hàng đi bán, nhiều khi vừa bán vừa cho. Nhất là cho bọn trẻ con. Múc cho tý nước dùng với tý bún, nó húp không còn giọt nào, tội chúng nó thế anh ạ”.

        Bà cụ Bổn kể: Món bún nước đã có thêm sáng tạo mới: Bún chấm. Nước chấm cũng được nấu từ dọc quả, giấm bỗng, nước mắm, nước ốc, cà chua... ốc được nhể ra đem xào xáo cho đậm vị rồi thả vào bát nước chấm ấy. Ăn bún nước thì phải dùng bún rối mới đúng vị. Còn ăn bún chấm thì phải ăn bún lá. Bát nước chấm nóng, nhúng miếng bún lá vào, ăn kèm với con ốc nhồi thơm thơm, ròn ròn và chút rau sống kể cũng lạ miệng”.

        Thấy mẹ nói chuyện về bún ốc, ba cô con gái và anh con trai vừa thắp hương trong phủ xong, ra đứng nghỉ mát, cũng muốn góp chuyện. Anh Thành con trai cụ nói: Kể đến những món ăn quê mùa thuần Việt thì món bún ốc cũng góp mặt trong cái danh sách phong phú ấy. Vì sao? Bởi vì nó đúng là từ đồng ruộng mà nên. Từ gạo trắng nước trong mà ra. Từ rượu nồng, ớt cay, muối mặn mà thành. Và con gái cụ, chị Thanh Hương lại “gán” cho nó một cách cắt nghĩa khác: Ðó chính là món ăn “bình đẳng” nhất, người nghèo ăn, người giàu cũng ăn. Nó xuất hiện ở trong những quán ăn tồi tàn nhất nơi góc chợ quê. Nó cũng xuất hiện trong những nhà hàng sang trọng nhất. Dù sao đi chăng nữa thì món bún ốc vẫn giữ nguyên được nét của món ăn quen thuộc.

        Ra về tôi lại nhớ tới bát bún ốc ở gần Thư Viện Quốc Gia (mạn đường phố Tràng Thi). Mấy chị hàng rong bán bún ốc, bún chấm bằng ốc bươu vàng. Ăn biết ngay bởi nó nhạt, cái miệng nó thâm và nó lều bều toàn nước. Nghĩ vậy lại rùng mình. Bát bún ngon kiểu như ngoài Phủ Tây Hồ, tôi còn “gặp” món này ở phố ẩm thực Tống Duy Tân, chợ Ô Chợ Dừa, chợ Hôm - Ðức Viên... Nhìn hàng bún ốc dễ lắm: Thể nào cũng có bày một đĩa vỏ ốc kèm với những quả ớt đỏ chói. Bên cạnh đó là chậu ốc to, những con ốc chậm chạp bò ngược lên miệng chậu.

        Thế nhưng tôi lại còn tìm được món ăn này ở nơi ít ai nghĩ đến nhất: Tòa nhà Oasis City, nơi dành cho những vị khách nhiều tiền và những người nước ngoài nhiều đô la, trên đường Láng Hạ. Chót vót trên tầng 11 của tòa nhà này, món bún ốc vẫn dịu dàng tỏa hương nồng nàn. Cũng như cái “chủ đề” mà người chủ của nó muốn thể hiện một phiên chợ quê, nép dưới mái lá chợ quê, một cô gái xinh xắn, áo mớ ba mớ bảy đang nếm lại lần cuối nồi nước dùng. Nồi nước dùng ấy đỏ tươi màu cà chua. Xung quanh là bún, là ốc nhể, là ớt chưng, giấm tỏi... Món ấy thu hút được rất nhiều thực khách. Hóa ra, những vị khách sang trọng ấy cũng chán “nem công, chả phượng” để quay lại với cách ẩm thực dân dã như gửi một nỗi nhớ thương da diết với quê nhà.

        Thái Bình (Hà Nội)

        -- Long Quan (but_chang_ta@yahoo.com), August 16, 2004

        http://www.greenspun.com/bboard/q-and-a-fetch-msg.tcl?msg_id=00CIfF
        #4
          Ngọc Lý 22.09.2007 13:49:20 (permalink)
          0
          .
           
           
           
           
          mời các bạn ghé lại bàn cỗ sóng trăng
          đang bày dở dang từ mùa thu năm ngoái
           
           
          .
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9