bầy cỗ trông trăng
sóng trăng 05.10.2006 12:41:47 (permalink)
0
.


Trăng rằm tháng tám là trăng ngày mùa. Người Việt có tục lệ tắt hết đèn, người lớn thì ngắm trăng, trẻ con thì thắp nến rước quanh làng xóm để vui với thiên nhiên. Trong ngày mùa, ở thôn quê những năm được mùa thì chắc có những "Hội Trăng Rằm", trai gái hát hò đối đáp, trong lúc vui nhộn thì thưởng thức các món ăn gặt hái được từ ruộng đồng.

Món đặc biệt đón trăng ngày mùa của người Việt là Bánh Dẻo, làm từ bột nếp tinh khiết rang lên và trộn kỹ với nước đường thắng, có thêm ít hương hoa bưởi, cũng đương mùa. Bánh Dẻo thường có nhân đậu xanh, hay nhân hạt sen, rất tinh khiết, và nhất là ngày rằm nhiều người Việt theo đạo Phật ăn chay, nên món bánh dẻo rất thanh khiết này hợp với tinh thần chay tịnh. Bánh Dẻo của người Việt còn gọi là Bánh mặt trăng, hay Bánh Trông Trăng, theo đúng kiểu cổ điển phải làm hình tròn như mặt trăng, bột nén theo khuôn có hình hoa hồng, hoa cúc, hay hình Hằng Nga, chú Cuội.

Bánh Dẻo của người Việt khác với Bánh Nướng du nhập từ người Hoa, vốn chỉ trồng được lúa mì, nên Bánh Nướng làm bằng bột mì, vỏ bánh có thêm mỡ động vật, nhân bánh có các thứ như lạp xường, vi cá, lòng đỏ trứng, mỡ sa thái nhỏ, vì khu vực Hoa Hạ mùa Thu lạnh hơn nên bánh rất béo, khác hẳn vị Bánh Dẻo.

Ngoài Bánh Dẻo, vụ mùa lúa nếp cũng cho người Việt ăn mừng Trăng Ngày Mùa bằng "Kẹo Mạch Nha". Kẹo Mạch Nha là loại kẹo bằng tinh đường từ mộng các hạt lúa nếp, ăn ngọt mà thanh, gần như mật ong, nhưng lại quyến luyến dịu dàng hơn với vị dẻo dính thơm tho của hạt nếp ngày mùa.

Trong tác phẩm Hương Cuội của Nguyễn Tuân, có diễn tả cách thưởng thức kẹo mạch nha rất cầu kỳ của Cụ Kép khi thưởng Lan, nhưng thường trẻ con làng xóm Việt chỉ cần chị hay mẹ nhúng một đầu đũa vào hũ mạch nha, quấn dính một vòng, rồi vừa cầm que kẹo vừa liếm vừa chơi với bạn, là đủ mê tơi.

Ngoài vụ mùa lúa nếp, còn có đậu xanh, chế biến thành đủ loại hoa quả trái cây dưới các bàn tay khéo léo của những cô tiên da trắng tóc dài, bầy thành một mâm ngũ quả, những trái cây nhỏ xíu bằng đậu xanh trông tươi ngon như thật, nào khế, na, mận, măng cụt, đu đủ, óng ánh dưới một lớp da bằng đông sương mỏng trong suốt.

Trên bàn cỗ, còn phải có một tháp miá. Ngày mùa mà. Tháp mía thường được đặt giữa bàn hay đầu bàn, gồm nhiều thanh mía róc vỏ, chẻ đôi, chặt khúc thành nhiều đoạn với chiều dài thay đổi để người thiếu nữ có thể xếp dần lên thành một kim tự tháp, dấu trong lòng tháp bao ước mơ nào ai biết được.

Dọc đường lên tháp, các đứa em nhỏ nghịch ngợm của thiếu nữ đem bày ra các "con giống" đã làm sẵn hay mua sẵn cả mấy tuần trước. Những "con giống" này được nặn cũng bằng bột nếp, nung lên, và tô màu, trang điểm cho giống các gia súc hay thú vật của thôn quê. Chó, lợn, trâu, bò, gà, vịt, công, cá... Cầu kỳ hơn là các con thú tưởng tượng, như rồng, phượng, kỳ lân,...

Một món rất đặc biệt trong ngày mùa miền Bắc, là món Ốc Hấp Lá Gừng. Có lẽ sau khi gặt hái xong, tát ruộng, thì bắt được bao nhiêu là ốc béo. Thông thường, người dân quê chỉ luộc ốc khêu ăn với nước mắm gừng. Nhưng trong ngày mùa, thì các tiểu thư cầu kỳ khoe khéo bằng cách luộc ốc lên trước, khêu thịt ốc riêng ra, thái nhỏ và trộn chung với thịt heo băm, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, gia vị cho thơm, rồi cuộn vào một cái loa kèn bằng lá gừng tươi, cho lại vào trong vỏ ốc, hấp lên để mời gia đình ăn nóng thưởng trăng.

Mùa tháng tám cũng là mùa bưởi. Bưởi thanh trà có tiếng là ngon. Bưởi ngon là bưởi thơm, tép mọng mà rời, khi bóc lớp màng ngoài các hạt bưởi không nát, mà thơm ngát một một mùi hương rất thanh. Một cách khoe khéo của các cô gái là chọn bưởi, bóc múi, rồi lộn ngược múi bưởi lại cho các tép vẫn còn dính vào nhau nhưng tơi ra như những sợi lông chó bông, và ghép các tép bưởi này vào vỏ bưởi vừa bóc thành hình một con chó bông Phúc Kiến, nhỏ xíu xinh xắn như con chó dấu vừa trong tay áo nàng Xuân Lan khi tiến cung.

Và đu đủ. Chao ơi, bao nhiêu thứ có thể làm với đu đủ. Gỏi đu đủ ăn với khô bò. Hoa tỉa bằng đu đủ. Hay dùng ngay một quả đu đủ xanh, khắc thành một cảnh Trăng Sáng Vườn Chè, Chú Cuội Cây Đa, Hằng Nga Nguyệt Điện, rồi thắp vào giữa một ngọn nến nhỏ, lung linh như một cảnh thần tiên nhất của trẻ thơ.

Còn gì nữa nhỉ?

Ah, Đèn Đêm Thu - hãy nghe Nguyễn Tuân kể

Chao ơi...

Tất cả chỉ như là một giấc mơ...

Mời các bạn kể tiếp các giấc mơ dưới ánh trăng ảo...

.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.10.2006 13:22:38 bởi sóng trăng >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9