Tục tẩn táng ở Long Sơn
QVPT 20.07.2003 17:28:42 (permalink)
Tục tẩn táng ở Long SơnXã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu) ngày nay còn bảo lưu nhiều phong tục tập quán xưa cũ, trong đó có tục tẩn táng khá kỳ lạ. Trên đảo, người chết được liệm trong một quan tài chung và chỉ được để 24 tiếng đồng hồ rồi đem đi chôn cất. Quan tài được đem về ngay sau khi đưa thi hài xuống huyệt...

Ông Nguyễn Văn Sỹ - người có " thâm niên" gần 50 năm trong việc tẩn liệm ở Long Sơn - dẫn chúng tôi tới xin phép các kỳ lão trong Nhà Lớn để được vào xem chiếc quan tài duy nhất dùng để đưa người " mãn phần" về nơi yên nghỉ cuối cùng. Nhà Lớn hay còn gọi là đền Ông Trần đã được Bộ VHTT xếp hạng di tích kiến trúc văn hoá, tọa lạc tại thôn 5, xã Long Sơn, cách khu nghĩa địa gia tộc Ông Trần vài trăm mét. Khi đi ngang qua đầu bến Kinh có nhà bảo tồn ghe Sấm là chiếc ghe đã đưa Ông Trần tới Long Sơn lập nghiệp từ hơn một trăm năm trước, ông Sỹ cho biết: Chỉ những gia đình theo đạo Ông Trần sống trên đảo khi có người chết mới tới trình Nhà Lớn để thỉnh bao quan (quan tài) về lo hữu sự. Mà người theo đạo này ở Long Sơn chiếm khoảng 70% trong tổng số 13.000 dân của xã. Vì vậy, mặc dù người chết không được để qua ngày, quan tài được đem về ngay sau khi đưa thi hài xuống huyệt, nhưng thỉnh thoảng vẫn xẩy ra trường hợp xếp hàng chờ nhau vì một ngày có tới hai, ba người cùng về với cát bụi...

Khác với những cỗ quan tài thông thường, bao quan ở đây không phải làm bằng gỗ mà bằng tre và không có đáy. Toàn thân bao quan sơn màu đỏ, chiều dài khoảng 2m, chiều rộng đáy gần 1m. Phần đầu bao quan vẽ hình đài sen, phía dưới là tấm gỗ rời. Kính cẩn đặt tay lên nóc bao quan đóng lớp lớp sáp đèn cày, ông Sỹ cho biết: Không phải Nhà Lớn không có khả năng làm thêm một chiếc nữa. Nhưng bởi quan niệm " sống đồng tịnh đồng sàng, chết đồng quan đồng quách" đã trở thành chân lý của người dân theo đạo Ông Trần ở đây, nên từ bốn đời nay vẫn chỉ một cái này. Cũng như bao tín đồ theo đạo Ông Trần ở Long Sơn, ông Nguyễn Văn Sỹ trung thành với kiểu trang phục bà ba đen, tóc búi củ hành và chân không... đi dép. Làm công việc tẩn liệm từ năm 20 tuổi, đến nay đã được gần nửa thế kỷ trong " nghề" , nên ông Sỹ chẳng biết sợ người chết là gì, mà chỉ lo lắng sau này không có người nối nghiệp. " Nghe tin ai mãn phần là tự tìm tới giúp đỡ không công, dù rằng người đó khi sống tốt xấu thế nào..." - ông nói.

Người chết sau khi tắm rửa và mặc đồ mới sẽ được bó trong một lớp vải đỏ với chiếu trắng, tiếp theo đặt lên tấm ván đã vắt sẵn 5 dây võng dài 1,8m, rồi phủ bao quan lên. Đồng thời bàn thờ được lập để bà con đến kỉnh nhang đèn (cúng), 4 hoặc 9 lậy, tùy theo người vừa chết hay đã lên bàn thờ. Có một nét khá đặc biệt mà sau này có dịp tham dự một vài đám tang ở Long Sơn chúng tôi mới " phát hiện" ra, đó là nhà nghèo cũng như nhà giàu, người già cũng như người trẻ, khi chết đều không có kèn trống, không tụng kinh, ít tiếng khóc và gia đình không nhận bao thư... " thành kính phân ưu" . Nghĩa là phần nghi lễ rất gọn nhẹ, không nặng hình thức rườm rà. Đưa đám không dùng xe tang, thi hài người chết được khiêng bằng dây tới nghĩa địa, có thể là nơi quy định của xã hoặc một khu rẫy nào đó của gia đình. Huyệt chôn người chết được đào vừa với kích thước bao quan, phía dưới huyệt lót ba tấm lá buông non và nệm cói. Sau khi dùng 5 dây võng đưa thi hài xuống huyệt thì tấm ván phía dưới và bao quan bên trên được lấy lên, thi hài tiếp tục được phủ lên một lớp lá buông non và đệm trước khi lấp đất. Tang được xả ngay sau đó bởi quan niệm chết là " táng" , là về với cát bụi...

Người dân Long Sơn cho biết, tục tẩn táng này có từ khi ông Lê Văn Mưu tới khai hoang ở phía Đông Nam Long Sơn và lập nên tín ngưỡng Ông Trần, bởi ông thường ở trần. Điều này được thể hiện rất rõ qua quá trình tụ cư, cách thức tổ chức làng xóm, đặc biệt trong những điều Ông Trần truyền dạy cho đến nay vẫn được dân làng tuân theo một cách tự giác. Những ai đến đây, không phân biệt giàu nghèo, nguồn gốc, thành phần xã hội đều được Ông Trần giao đất khai hoang.

Hiện tại, phía trước và sau Nhà Lớn còn những dãy nhà dài hàng chục mét, chia thành từng căn, có rất nhiều gia đình chung sống như một chung cư. Đây chính là những ngôi nhà đã trở thành chứng tích ghi nhận cho chân lý " sống đồng tịnh đồng sàng, chết đồng quan đồng quách" của Ông Trần trong việc quy tụ, tạo điều kiện cho những người đi khai hoang, mở mang một vùng đất khô cằn thành miền đất hứa hẹn nhiều tiềm năng và triển vọng ngày nay...

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/143/Us54086.jpeg[/image]
Attached Image(s)
#1
    Tran Minh Hoang Minh 24.07.2003 15:27:40 (permalink)
    Quang Vũ giỏi quá há
    #2
      Tran Minh Hoang Minh 24.07.2003 15:28:38 (permalink)
      Chào , cho Minh làm quen nha
      #3
        QVPT 25.07.2003 07:01:03 (permalink)
        TMHM khách sáo wa' ! rất zui được làm wen zới bạn !
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9