(url) Vương Trí Nhàn
Ngọc Lý 06.10.2006 10:50:10 (permalink)
.

VƯƠNG TRÍ NHÀN









Tiểu sử tự thuật

l - Họ và tên: Vương Trí Nhàn
Sinh ngày 15-11-1942 tại Hà Nội. Quê quán: xã Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

2 - Tôi không có may mắn được học khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội là nơi đào tạo nhiều nhà văn nhà phê bình cùng lứa với tôi. Mà tôi học Đại học sư phạm, hệ 3 năm.

3 - Bắt đầu có bài viết trên báo Văn Nghệ từ tháng 3-1965. Từ đó, tôi viết đều đều trên các báo, trước là Văn Nghệ, Văn Nghệ quân đội, và từ 1985 trở đi, là Thể thao văn hóa, Tuổi trẻ chủ nhật Kiến thức ngày nay v. v...
Các bài nghiên cứu dài hơi hơn thì in trên Tạp chí văn học.

4 - Sau khi tốt nghiệp Sư phạm (1964) tôi được gọi đi làm nghĩa vụ quân sự. Tiếp đó chiến tranh xảy ra, và tôi đã liên tục tại ngũ, cho tới đầu 1979. Trong chiến tranh, tuy công tác chính là dạy học và về sau là làm báo, tôi cũng có nhiều chuyến giáp mặt với thực tế chiến trường (B5, B4). Đã viết một số bài về một số vấn đề, một số tác giả văn học chiến tranh và tự hứa rằng sẽ trở lại với đề tài này, khi về hưu.

5 - Đầu năm 1968 , tôi được chuyển về công tác ở tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Tới đầu 1979, khi chuyển ngành, tôi lại sang ngay Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Đó là những cơ quan người sáng tác đông hơn người nghiên cứu phê bình. Việc này có ảnh hưởng quyết định đến những đề tài những tác giả mà tôi quan tâm cũng như ảnh hưởng tới cách viết của tôi . Năm 1977, tôi được kết nạp vào Hội nhà văn. Và đến nay chỉ có danh hiệu đó là duy nhất, không có học hàm học vị nào trong nghiên cứu.

6 - Từ đầu những năm 70, tôi đã tự học tiếng Nga một cách ráo riết, để đọc thêm sách nghiên cứu của Liên Xô trước đây và sách nước ngoài dịnh ra tiếng Nga.

Tôi đã dịch mọt số chân dung văn học, cũng như biên soạn một tập sách mang tên Sổ tay truyện ngắn dựa vào tài liệu tiếng Nga.

7 - Lúc mới vào nghề, tôi nghĩ rằng chỉ cần biết về văn học đương đại là đủ. Nhưng từ đầu những năm 80, tôi có ý thức dần dần trở lại với văn học sử, nhất là giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Tôi đã viết một số bài nghiên cứu về các nhà văn tiền chiến (Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng v.v. . . ) và đang bổ sung tập hợp thành sách.

Tới đầu những năm 90, trước các hiện tượng văn học quen thuộc, tôi lại muốn ngả sang cách tiếp cận văn hoá học. Tôi học thêm về lịch sử, dân tộc học, xã hội học v.v...

Tóm lại, quá trình hơn 30 chục năm sống giữa những người sáng tác với tôi đồng thời là quá trình liên tục tự học. Và mọt vàì cuốn sách đã được in đánh dấu sự thay đổi của con người tôi theo thời gian. Từ đầu những năm 90, tôi mới cảm thấy ngòi bút của mình có phần tự tin hơn, chắc chắn hơn (so với hai chục năm trước)

Tác phẩm chọn lọc

- Sổ tay truyện ngắn (Sưu tầm, biên soạn, dịch, Tác phẩm mới 1980, in lại 1998);
- Bước đầu đến với văn học (tiểu luận phê bình, Tác phẩm mới 1986);
- Một số nhà văn VN hôm nay với Hà Nội (kể chuyện đời sống văn học, Hà Nọi, 1986);
- Những kiếp hoa dại (chân dung và phiếm luận văn học, Hội Nhà văn, 1993, in lại 1994),
- Cánh bướm và đóa hướng dương (tiểu luận phê bình, Hải Phòng, 1999).

Ngoài ra là một số sách biên soạn, sách dịch v.v. . .

http://www.fahasasg.com.vn/authors/tacgia_tacpham/noidung/vuongtrinhan.htm

______

Bài Tiểu Sử Tự thuật ở trên kể tác phẩm cuối năm 1999,

Năm 2003, Vương Trí Nhàn được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, với tập phê bình



Cây bút đời người

Và cho đến nay, ông tiếp tục có nhiều tác phẩm nghiên cứu khác:



VƯƠNG TRÍ NHÀN - Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho tới 1945

Nhật Ký Đặng Thùy Trâm - Tác phẩm nghiên cứu của Vương Trí Nhàn tại Việt Nam Thư Quán

Lễ hội và sự lên ngôi của thói vụ lợi

Vương Trí Nhàn - các bài viết trên evăn

Con người và tư tưởng thời bao cấp
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.12.2006 10:29:07 bởi TTL >
#1
    Ngọc Lý 06.10.2006 12:04:33 (permalink)
    .

    Vương Trí Nhàn
    và giải thưởng Hội Nhà văn VN 2003




    Tác phẩm đoạt giải B
    Hội Nhà văn Việt Nam 2003.



    Phác ra một loạt chân dung văn học đương đại với những tính cách và bi kịch cá nhân như Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khải..., tập 'Cây bút đời người' của ông đã "ẵm" gọn giải B Hội Nhà văn VN 2003. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi quanh giải thưởng dành cho cây viết phê bình 60 tuổi này... Dưới đây là cuộc trò chuyện của ông với VnExpress.

    - Gần đây, giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn VN gây nhiều điều tiếng, thậm chí có người còn từ chối giải. Ý kiến của ông thế nào?

    - Tâm lý người Việt mình là "một quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng"! Thời gian vừa qua chúng ta đã quá quan trọng hóa các giải thưởng. Nhiều cây viết cho rằng, hễ sáng tác là phải đoạt giải. Song với cơ cấu bình chọn theo "gu" của Hội Nhà văn thì được giải hay không cũng không quan trọng. Các giải thưởng, về thực chất, cũng chỉ để vui vẻ, động viên nhau là chính. Vì vậy, nếu cây viết nào chưa được giải thì hãy cứ yên tâm mà sáng tác. Bởi phần thưởng lớn nhất là lời khen của độc giả.

    Tuy nhiên, tiên trách kỷ hậu trách nhân. Phải thừa nhận rằng, văn học Việt Nam hiện nay quá ít tác phẩm đáng đọc. Vì thế cũng khó đòi hỏi những sáng tác ăn giải phải thật xuất sắc. Bản thân tôi cũng vậy. Được một giải thưởng không có nghĩa là mình đã tài hoa hơn thiên hạ. Chẳng hạn, tôi đã rất muốn viết một công trình nghiên cứu lý giải "hiện tượng" Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng ngẫm lại, biết mình cũng già rồi, thời gian không còn nhiều, khả năng cũng đến vậy. Thế là đành thôi.

    - Với "Cây bút đời người", ông đề cập đến những chân dung hoặc đã mất hoặc đã khẳng định được tên tuổi. Như vậy có phải là giải pháp an toàn?

    - Phê bình hiện nay cũng dăm bảy đường: bốc thơm nhau, đánh cho nhau chết... Còn tôi, không đến nỗi "yếu bóng vía" hay sợ chịu trách nhiệm trước dư luận. Song tôi có một lối đi riêng của mình. Đó là chỉ nói ra cái điều mình trải nghiệm, có nhân chứng vật chứng, lý lẽ thuyết phục chứ không hoắng huýt nói lấy được để tạo ấn tượng. Ở Cây bút đời người, tôi muốn viết về các nhà văn như những nhân vật văn học và độc giả có thể soi bóng mình trong đó. Tập sách thể hiện quan điểm: bên cạnh các bài thơ cuốn truyện thì các nhà văn còn thường xuyên sáng tác ra một tác phẩm độc đáo, đấy là con người của chính ông ta, tính cách của ông ta. Và, ngoài đời có bao nhiêu kiểu người thì trong văn chương có bấy nhiêu kiểu cầm bút. Có người may mắn được trời phú cho khả năng đặt bút là thành văn, người hàng ngày ngồi trước bàn kỳ khu dập dập xoá xoá mãi mới ra được mấy dòng tầm thường. Có những người lúc nào cũng như trong cơn say, tưởng đời không còn ý nghĩa gì khác hơn là được viết, được thiên hạ kêu là văn sĩ, thi sĩ.

    Tôi viết ra trung thực những điều tôi nghĩ. Vả lại, với người thực tài thì, nói như Gamzatov, không cần đẩy đằng trước, không cần kéo đằng sau, ném vào lửa không cháy, vứt xuống nước không chìm!

    - Thế nhưng ông từng nói rằng tập sách này "không phải là một cuốn văn mẫu trong nhà trường". Vì sao vậy?

    - Giảng văn và phê bình văn học trong nhà trường bây giờ dập khuôn theo một lối đơn điệu, cứng nhắc, kiểu "ta tốt, địch xấu". Mà các ông thày chỉ cho điểm những học trò nói giống mình. Thế là trò nhất nhất phải học theo để giật giải, để lấy thành tích. Trong khi đó, tập sách của tôi không áp đặt quan điểm cá nhân của mình cho độc giả. Tôi thấy mình giống một anh thợ quét rác trong Bông hồng vàng của Paustovsky: gom góp, cóp nhặt lời hay ý đẹp cho đời. Vậy thôi!

    - Theo ông, "Cây bút đời người" đã có thể coi là "cái roi quất cho con ngựa sáng tác phi nước kiệu"?

    - Ở nước ngoài, có những bộ sách đồ sộ nghiên cứu về Hugo, Balzac... Nhưng Việt Nam mình thì chỉ tồn tại những bài phê bình lẻ tẻ và không có tầm. Thú thực, Cây bút đời người của tôi cũng nằm trong tình trạng "lẻ tẻ" và "chưa có tầm" đó. Ý nghĩa tập sách rốt cuộc chỉ nằm ở chỗ: đây đó trong một vài tập sách mỏng đã in trước đây tôi đã thử tìm cách vẽ phác ra gương mặt một vài nhà văn. Có những người tôi viết đi viết lại đến dăm ba lượt nhưng lần này vẫn đưa ra được cách giải thích mới.

    Và, về một phương diện nào đó, sách của tôi giống như một cuốn cẩm nang nhỏ cho những cây viết mới vào nghề, đủ để họ thấy rằng nghề viết ngọt ngào nhưng cũng đầy cay đắng.

    - Như vậy có nghĩa là, về lý luận phê bình Việt Nam, "Thi nhân Việt Nam" (của Hoài Thanh - Hoài Chân) từ những năm 1930 vẫn là cuốn sách có tầm nhất mà cho đến nay chưa nhà phê bình nào vượt qua?

    - Thi nhân Việt Nam là một cuốn sách chưa ai vượt qua. Bởi Hoài Thanh là nhà phê bình công bằng, có lương tâm nghề nghiệp, không khen sách dở không dìm sách hay. Còn hiện nay nghề phê bình liên quan tới quá nhiều mối quan hệ.

    Mặt khác, chỗ đứng của giới phê bình chúng tôi bây giờ cũng khá chông chênh. Có một thực tế là nghề phê bình ở ta chưa được nhìn nhận một cách chuyên nghiệp. Người làm nghề thì bị coi là "dân ngụ cư", chẳng có gì chính thống cả.

    - Ông có thể cho biết cái nhìn của mình về văn học Việt Nam năm 2003?
    - Các tác giả ngày càng ít đọc tác phẩm của nhau. Viết lách trở thành việc kiếm sống nên nhiều người làm khá vội, khá ẩu. Kết quả là sáng tác trong năm nay như vỡ ra. Nhưng điểm lại thì không có gương mặt nổi bật. Còn các bài phê bình thì chẳng đưa ra được định nghĩa nào mới mẻ về nghề hay làm cho tình hình văn học khả quan hơn. Theo tôi, thay vì bảo nhà văn, nhà phê bình cứ viết đi thì chúng ta hãy khuyên họ cứ nghĩ đi, nghĩ thật lâu trước khi làm. Bởi viết văn đâu giống như đi đóng gạch, nhiều chưa phải là tốt. Trong khi đó, các giải thưởng thì phần lớn là không đánh giá đúng chất lượng tác phẩm.

    - Bản thân ông, đã lúc nào cảm thấy cạn vốn?

    - Tôi được... vợ nuôi, không bận tâm về kinh tế nên mới có điều kiện trau chuốt văn chương. Đời tôi chín muộn. Tập tọng viết lách từ năm 1965, nhưng giờ cũng không dám đọc lại vì viết kém quá. Cây bút đời người đến nay vẫn chưa thể coi là đỉnh. Hiện, tôi vẫn tự học, tự đọc. Và khi viết thì rất thận trọng với các thuật ngữ, khái niệm mới. Trên bàn làm việc của tôi không bao giờ thiếu từ điển tiếng Việt của của Huỳnh Tịnh Của.

    Sang năm, tôi sẽ hoàn thành nốt một số việc còn dang dở. Viết tiểu luận về Xuân Quỳnh 7-8 năm nay rồi, được 200-300 trang rồi, không thấy ưng, lại bỏ. Năm mới có lẽ phải làm lại. Các giải thưởng cũng không quan trọng nữa.

    http://vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2004/01/3B9CE90E/
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.10.2006 12:07:03 bởi Ngọc Lý >
    #2
      Ngọc Lý 06.10.2006 12:11:11 (permalink)
      .





      PHỤ LỤC

      Chung quanh câu chuyện đổi mới nhận thức lịch sử

      Vương Trí Nhàn



      Tạp chí Văn học số 6 - 1990 đăng bài Đổi mới nhận thức lịch sử trong nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, nghiên cứu văn học nói riêng của Nguyễn Huệ Chi. Trên nét lớn chúng tôi tán thành các ý kiến của tác giả bài báo và muốn nhân đây bàn thêm về một vài căn bệnh mà một số tài liệu liên quan tới lịch sử văn học thường mắc phải, nó là lý do khiến cho các công trình nghiên cứu đó ít sức thuyết phục và cả ngành lịch sử văn học trì trệ, chậm phát triển.

      Những cắt xén tùy tiện mang tính cách vụ lợi

      Trong sách Lịch sử văn minh Trung Quốc, học giả W. Durant có kể lại một đặc điểm của Khổng Tử “vị hiền triết già ấy có thói quen không ngại làm sai sự thực đi đôi chút, để lịch sử có một ý nghĩa luân lý”

      Chúng tôi không đủ trình độ để kiểm tra xem các tài liệu có liên quan đến Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... ở ta có bị cắt xén theo cách ấy không. Nhưng nhìn vào các bài viết, các công trình nghiên cứu hoặc giản dị hơn, cách giới thiệu khi xuất bản các sáng tác thuộc về văn học Việt Nam thế kỷ XX, thì thấy lối làm việc trên đây của Đức Thánh Khổng được vận dụng một cách rất tự nhiên, khéo léo.

      Ai cũng biết rằng Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận... là những kiện tướng của văn học trước 1945, song lại có đóng góp lớn vào đời sống văn nghệ sau 1945. Bởi vậy, các sáng tác cũ của các ông dễ được chúng ta ưu ái hơn so với những người đương thời. Ngay từ 1982-1983, Thế Lữ, Xuân Diệu đã có Tuyển tập của mình. Nhưng các tuyển tập đó được làm như thế nào?

      - Trong Tiểu sử ghi ở đầu sách, những người làm tuyển tập lờ hẳn đi việc cả Thế Lữ và Xuân Diệu đều đã có chân trong Tự lực văn đoàn.

      - Các bài báo của Thế Lữ in trong mục Tin thơ, Tin văn... vắn chỉ ghi trích ở báo Ngày nay mà quên nói rõ thật ra đó đều là những bài phát biểu quan niệm chính thức của nhóm Tự lực, tranh cãi, chế giễu bài bác lại các báo khác khi họ công kích Tự lực.

      - Hàng loạt bài thơ của Xuân Diệu trong Thơ thơ, của Huy Cận trong Lửa thiêng, khi in ra lúc đầu, có chua rõ là tặng Nhất Linh, tặng Khái Hưng, tặng Hoàng Đạo... nhưng khi in lại, bị rũ sạch, “phi tang”. Ngược lại lời đề tựa của Khái Hưng cho Vàng và máu của Thế Lữ bản in ra lần đầu cũng bị ngơ đi, coi như không có.

      Trong bài viết này, chúng tôi không có ý định bàn riêng về sáng tác của Thế Lữ hay Xuân Diệu. Chúng tôi chỉ lưu ý một điều: nghiên cứu về sáng tác của hai vị đó trước 1945 mà không đặt các sáng tác ấy vào cái mạch của Tự lực văn đoàn nói chung thì chẳng khác chi tách cá ra khỏi nước.

      Có thể bảo đây là những ví dụ sinh động, chứng tỏ chủ nghĩa công lợi (chữ của Nguyễn Huệ Chi) đã thấm vào chúng ta một cách sâu sắc. Nhưng cũng nên nói thêm rằng ẩn sau sự tuỳ tiện đáng sợ, tuỳ tiện cắt xén thêm bớt trong việc trình bày các sự kiện trong quá khứ, thực chất là thái độ coi thường lịch sử, cho rằng hoàn toàn chúng ta có quyền đưa ra một thứ lịch sử hợp với ý muốn của chúng ta.

      Mấy chục năm qua sự tuỳ tiện này đã chi phối một số người nghiên cứu trong việc đánh giá các sự kiện văn học quá khứ, dẫn đến những vô lý trong việc cho phép công bố hay cấm đoán tác phẩm này, tác phẩm nọ. Xét trên bình diện tư tưởng, bức tranh Cô gái bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân vốn rất gần với những Hồn bướm mơ tiên, Đời mưa gió, Gánh hàng hoa. Thế nhưng trong khi Cô gái bên hoa huệ được thừa nhận như một đóng góp cho hội hoạ hiện đại, thì các tiểu thuyết nói trên của Nhất Linh, Khái Hưng bị gạt ra khỏi lịch sử văn học trong một thời gian dài. Tại sao? Tại chúng ta có thói quen chú ý đến người, đánh giá tác phẩm qua người, quan hệ người với thời cuộc, chứ không phải qua văn, qua sáng tác của người đó nói chung. Cũng vì con người Nhượng Tống “có vấn đề” mà một thời gian dài chúng ta đã bỏ qua bản dịch Mái tây và nhiều bài thơ Đỗ Phủ là những đóng góp độc đáo của Nhượng Tống đối với lịch sử văn học, đặc biệt là trên phương diện ngôn ngữ ( mãi gần đây mới khôi phục trở lại ).


      Lối hiện đại hoá không thể chấp nhận

      Nếu việc trình bày lịch sử văn học hiện đại thường mang nặng tính chất tuỳ tiện và vụ lợi thì nhiều tài liệu nghiên cứu văn học (từ thế kỷ XIX trở về trước) lại cung cấp những ví dụ rõ rệt chứng tỏ các nhà nghiên cứu thường hiện đại hoá lịch sử tức “uốn nắn lịch sử theo con người hiện đại” “làm cho lịch sử mang những nét đồng dạng với hiện đại” “dẫn tới tình trạng làm nghèo lịch sử” (Nguyễn Huệ Chi)

      “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Đó là quy luật của đời sống. Nhân dân ta vốn đã anh dũng trong sự nghiệp chống ngoại xâm, lại cũng kiên cường bất khuất trong công cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra lâu dài và ngày một trở nên quyết liệt” . Một đoạn văn với kiểu viết như trên có thể gặp trong khá nhiều tập sách nghiên cứu văn học, phần viết về bối cảnh lịch sử (ở đây chúng tôi lấy từ Tuyển tập truyện Việt Nam thế kỷ X thế kỷ XIX). Để nội dung ý kiến sang một bên. Điều làm chúng tôi băn khoăn là cách diễn đạt: chẳng nhẽ chỉ có một công thức duy nhất như vậy để nói về quá khứ? Trước mắt chúng ta là sách văn học sử hay sách giáo khoa chính trị, sách giáo khoa triết học?

      Khi đi vào miêu tả từng cá nhân, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cũng không hề dè dặt gì hết, cứ hồn nhiên mà khoác lên người các bậc tiền bối những bộ y phục vốn chỉ dành cho con người hiện đại. Dưới ngòi bút của những người viết văn học sử mà thiếu cảm hứng lịch sử, các nhà văn nhà thơ vốn sống cách đây từ một đến vài thế kỷ nói chung đều mang khuôn mặt tinh thần của con người hôm nay. Thậm chí trong một số trường hợp đọc kỹ một số đoạn miêu tả thấy giá thay chữ ông bằng chữ đồng chí thì cũng không gây ra cảm giác đảo lộn gì ghê gớm lắm.

      Sau đây là một ví dụ:

      - Trên con đường đi tìm một phẩm chất trong sạch, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tự giác hoặc không tự giác kế thừa và phát huy những giá trị tinh thần lâu đời của dân tộc, những giá trị tuy bị giai cấp phong kiến lúc bấy giờ vứt bỏ, nhưng vẫn tiềm tàng trong đời sống của nhân dân (Lời giới thiệu đặt ở đầu Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm)

      - Trong tình hình chưa ổn định của vùng đất đang khai phá việc tập hợp nhân dân và tất cả những hạng người có thể sử dụng được đòi hỏi phải có một độ lượng rộng rãi ở người lãnh đạo. Nguyễn Cư Trinh đã tỏ ra tự hào vì đã dung nạp được mọi hạng người để phục vụ cho công cuộc chung. Để có thể đạt được sự nghiệp lớn, Nguyễn Cư Trinh đã tự đề ra cho mình những yêu cầu nghiêm khắc (Nguyễn Cư Trinh là người có kinh nghiệm đấu tranh) có tinh thần hăng hái tiến lên phía trước... (Văn học Việt Nam thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII, tập II)

      - Nhưng mặt khác cũng cần vạch ra rằng “chí nam nhi” của Nguyễn Công Trứ không có tý liên hệ nào với quần chúng, nó coi thường quần chúng thậm chí có lúc còn đi ngược lại quyền lợi của quần chúng. Nhà thơ đã vận dụng nó một cách giáo điều vào một hoàn cảnh không còn tiền đề cho nó tồn tại nữa (Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đàu thế kỷ XIX, tập II) [1]

      Rộng hơn câu chuyện về từng cá nhân cụ thể còn thấy có hiện tượng cả một thời kỳ cả một giai đoạn lịch sử văn học được dựng lại theo kịch bản hiện đại. Trong nhiều cuốn sách mệnh danh là công trình nghiên cứu, quá khứ được mô tả cứ làm người ta ngờ ngợ bởi sao mà nó quá giống đời sống văn học hôm nay. Ấn tượng đó còn được củng cố thêm do nơi có sự áp dụng bừa bãi các nguyên tắc lý luận hiện đại cho lịch sử. Đáng lẽ phải xuất phát từ chính lịch sử để suy xét và nêu ra vấn đề cho lý luận giải quyết, thì ngược lại, thường xuyên có tình trạng lấy lịch sử ra để minh hoạ cho lý luận. Dù khéo léo, dù thô thiển, song đã gọi là minh hoạ tức đã làm nghèo lịch sử mà cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho lý luận thực thụ!

      Nên quan niệm về lịch sử như thế nào?

      Có những lối nói, lối nghĩ phổ biến trong giới nghiên cứu, người nói kể nghe giống nhau trong cách tư duy nên cứ thế chấp nhận rồi nghe mãi quen đi, không thấy lạ, nhưng có người bạn xa, lắng nghe, thấy không thể chịu được. Thuộc về cái sự bất cập ấy là những lý luận của chúng ta khi trình bày những tất yếu lịch sử. Chẳng hạn, không hẹn mà nên, cả Hoàng Trung Thông trong bài tựa Tuyển tập Xuân Diệu, lẫn Vũ Quần Phương trong một bài báo nhân kỷ niệm 50 năm làm thơ của Xuân Diệu, đều cho rằng sự tham gia cách mạng của Xuân Diệu có tính cách “tất yếu”. Một người rất thạo văn học Việt Nam và cũng rất yêu tác giả Thơ thơ, ông Nam Chi, trong một bài viết sau có in lại trong cuốn Xuân Diệu, con người và tác phẩm (H. 1987) đã phát hiện ra điều ấy và tỏ ý hoài nghi: “Nói rằng người này “tất yếu” cách mạng thì có nghĩa là người kia tất yếu phản động, vì bản chất phản động”. Sau khi dẫn ra hàng loạt ví dụ bất ngờ trong sự phân hoá của các văn nghệ sĩ tiền chiến trong thời đầu cách mạng và những năm kháng chiến, Nam Chi cho rằng cái công thức tất yếu nói trên là không thể vận dụng để lý giải các hiện tượng văn học.

      Nhưng chữ tất yếu mà Nam Chi hoài nghi đó, lại là cái thần, cái hồn cốt chính trong lối suy nghĩ của chúng ta về xã hội, về lịch sử. Tư duy dân gian khái quát: ở hiền gặp lành có nhân có quả. Tư duy hiện đại chỉ nói khác đi một chút: ở hiền cũng có khi gặp lành mà cũng có khi không, có nhân có khi có quả, có khi không. Nói theo thuật ngữ của triết học, thì trong trường hợp thứ nhất (ở hiền gặp lành), người ta dừng lại ở quyết định luận máy móc, còn trong trường hợp thứ hai (ở hiền cũng có khi... cũng có khi...) người ta đã tiến sang một bước mới: quyết định luận xác xuất thống kê. Thế nhưng nói chung, trong cách lập luận của nhiều người nghiên cứu lịch sử văn học ở ta, kiểu quyết định máy móc nói trên vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Các hiện tượng lịch sử văn học (một trào lưu, một tác giả hoặc một tác phẩm) thường được trình bày như một cái gì tất yếu phải xảy ra, mà không mấy khi làm người đọc bỡ ngỡ vì một sự sinh thành nảy nở kỳ lạ, tuồng như là ngoài quy luật và phải xem xét kỹ, thậm chí phải quan niệm lại về quy luật, thì mới thấy nó cũng rất hợp quy luật. Điều gì đã cản trở nhà nghiên cứu không cho họ trở thành nhà lịch sử? Chính là sự cả tin, tin rằng lịch sử là một cái gì rất sáng rõ, rất mạch lạc, rất thuận lôgích, lôgích thô thiển theo cách hiểu của họ, trong khi một điều kiện để hiểu lịch sử là phải giả định rằng ở đó nhiều khuất khúc, nhiều mờ tối, nhiều khả năng đánh lừa con người và nhà nghiên cứu phải luôn luôn lật đi lật lại vấn đề thì mới mong phần nào hiểu đúng được lịch sử. ở chỗ này, những nhận xét của một nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp là Marc Bloch (1886-1944) đối với chúng ta rất có ý nghĩa. Là người chuyên về sử trung thế kỷ đồng thời là một người yêu nước, đã chết trong trại tập trung của phát xít Đức --- M. Bloch từng khái quát, “sự bùng nổ của thất vọng và thành kiến, những hành động không được suy xét kỹ, những bước ngoặt bất thình lình trong đời sống tinh thần... những cái đó mang lại nhiều khó khăn cho những nhà lịch sử có bản năng quen dựng lại quá khứ theo sơ đồ của trí tuệ. Tất cả những hiện tượng đó đều tồn tại ở mọi thời điểm lịch sử... mà chỉ những sự xấu hổ ngu ngốc mới câm lặng không nói tới”. M. Bloch chê trách các đồng nghiệp của mình “Đọc những cuốn sách lịch sử hiện nay, có thể thấy nhân loại hiện ra như là hoàn toàn gồm những người hoạt động một cách lôgích trong họ không có một chút gì là bí mật”. Ông khẳng định “Chúng ta sẽ xuyên tạc lịch sử một cách nghiêm trọng, nếu luôn luôn và bất cứ ở đâu cũng quy nó về những mô-típ hoàn toàn tự giác.[2]

      Cho đến nay, những ý kiến tương tự như của M. Bloch nói trên hầu như chưa được giới thiệu ở Việt Nam. Nếu chúng tôi không nhầm thì kiểu nhận thức đơn giản, máy móc không chỉ có ở những người nghiên cứu lịch sử văn học, mà ở cả những người nghiên cứu lịch sử ở ta nói chung. Trong tình hình đó, sự hạn chế của một số công trình nghiên cứu lịch sử văn học như chúng tôi trình bày ở đây, là hoàn toàn dễ hiểu, nhưng không phải vì thế mà cứ nên tiếp tục.

      Không làm nghèo di sản

      Một trong những yêu cầu đặt ra đối với các ngành lịch sử văn hoá là tìm hiểu, phân tích cho thấu đáo những giá trị đã được các thế hệ đi trước sáng tạo, tìm ra mối liên hệ giữa các giá trị đó với cuộc sống hiện tại, lấy chúng làm giàu thêm cho con người hiện đại.

      Nhưng nói một cách nghiêm khắc đây lại là khâu yếu nhất trong toàn bộ công việc tiếp thu di sản mà chúng ta đã làm trong thời gian vừa qua. Trên nguyên tắc thì ai cũng nói là phải trở về với dân tộc, phải trân trọng mọi thành quả của ông cha. Nhưng trên thực tế, thì những thái độ thô bạo tha hồ tung hoành. Kết quả là nhiều khi chúng ta hiện ra như những kẻ hẹp hòi đến cay nghiệt. Nhân danh những lợi ích trước mắt, các nhà nghiên cứu sẵn sàng lớn tiếng phê phán người này chỉ ra những hạn chế ở tác phẩm kia từ đó quyết định không công bố thơ Nguyễn Húc (theo sự tiết lộ của Huệ Chi), trù dập cả Chinh phụ ngâm lẫn Cung oán ngâm, gán cho Sơ kinh tân trang cái tội tày đình “con dao hai lưỡi”, xếp thơ văn Tự Đức và Tùng Thiện Vương vào tủ rồi tuyên truyền rằng đó là thứ thơ văn xa lạ với quyền lợi của nhân dân. Cũng do những thành kiến tai hại đó chi phối mà một thời gian dài, trừ Thạch Lam còn hầu như toàn bộ Tự lực văn đoàn bị đẩy vào bóng tối, một kiệt tác như Chùa đàn không làm sao được ló mặt trong Tuyển tập của Nguyễn Tuân, còn thơ Nguyễn Bính trong Tâm hồn tôi, một ngàn cửa sổ, Mây Tần thì giống như số phận của người chị trong Lỡ bước sang ngang “... Chị giờ sống cũng bằng không - Coi như chị đã ngang sông đắm đò”. May mà tình hình bung ra trong ngành xuất bản mấy năm nay gỡ lại hộ, nếu không rất nhiều báu vật trong kho tàng văn học dân tộc bị xếp xó, nhiều tên tuổi bị quên lãng, nhiều cuốn sách trở thành những kỷ niệm mà may ra lớp người đi trước mới biết là có!

      Trên nguyên tắc, chúng tôi chia sẻ với ý kiến của Nguyễn Huệ Chi là phải lấy tiêu chí chủ nghĩa nhân bản để bổ sung cho tiêu chí chủ nghĩa yêu nước, ngõ hầu giải phóng cho khoa lịch sử văn học khỏi những hẹp hòi thiển cận hiện nay. Vả chăng cũng đã đến lúc bản thân từng khái niệm nhân đạo, yêu nước đòi hỏi một cách hiểu đa dạng cởi mở hơn. Một tác phẩm trong đó tác giả nói to lên rằng mình thương xót những người nghèo khổ đã đành là có tư tưởng nhân đạo. Nhưng nếu chỉ giới hạn chủ nghĩa nhân đạo trong một nghĩa cụ thể như vậy thì đã tự mình làm nghèo mình đi rất nhiều! Những bài thơ cuốn truyện có tham vọng trình bày kỹ lưỡng những khía cạnh tế nhị trong quan hệ giữa người với người, và phanh phui cho hết cái quanh co phức tạp trong cuộc đấu tranh giữa bóng tối và ánh sáng trong từng tâm hồn con người, những tác phẩm đó lẽ nào không được ghi vào bảng vàng của chủ nghĩa nhân đạo? Tương tự như vậy, yêu nước không chỉ là tham gia chống ngoại xâm, trong thực tế lịch sử dân tộc, chủ nghĩa yêu nước còn được bộc lộ ở nhiều hình thức khác mà hiện nay chúng ta tổng kết chưa hết. Bản lĩnh của một dân tộc không phải chỉ bộc lộ ở khả năng giữ gìn giang sơn bờ cõi ở đó các thế hệ nối tiếp đã sinh sống. Bản lĩnh một dân tộc còn phải được xem xét ở khả năng của dân tộc đó trong việc tìm ra cách sống hoà hợp với các dân tộc khác, tiếp nhận một cách thông minh những ảnh hưởng văn hoá ngoại nhập đó để làm giàu cho đời sống tinh thần của mình. Trên ý nghĩa ấy mà xét tất cả những đóng góp nhằm làm cho đất nước ngày một canh tân đổi mới, xã hội ngày một văn minh tiến bộ thực chất đều đáng được xem là hành động yêu nước thương nòi, cũng tức là đáng được khoa học lịch sử - trong đó có lịch sử văn học - ghi nhận đầy đủ.

      1991


      Đã in Tạp chí văn học 1991, số 3,
      dưới bút danh Vũ Tam Giang






      -----------------------------

      [1]Trong cả ba đoạn trích dẫn này, chỗ nhấn mạnh là của chúng tôi (V.T.N)

      [2]Trích từ Ca tụng lịch sử bản dịch tiếng Nga, Nxb Khoa học, Moskva, 1973.

      http://www.viet-studies.org/VTNhan/VTNhan_PhuLuc.htm
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.10.2006 12:35:07 bởi Ngọc Lý >
      #3
        Ngọc Lý 26.10.2007 09:41:24 (permalink)
        Người Việt duy tình, cạn nghĩ, ăn xổi
        Vương Trí Nhàn: "Dân tộc Việt là khối tự phát khổng lồ"
        theo www.vietnamnet.vn



        (VietNamNet) - Soi rọi các hiện tượng xã hội dưới ánh sáng văn hóa - đó là công việc mà nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn đang theo đuổi. Dưới đây là những chia sẻ của ông với phóng viên VietNamNet nhân một câu chuyện thời sự.

        Người Việt duy tình, cạn nghĩ, ăn xổi

        Suốt tuần nay, dư luận ầm ĩ xung quanh sự kiện 1 diễn viên trẻ bị đưa chuyện phòng the lên mạng. Từ góc độ một người nghiên cứu văn hóa, nhận định của ông về việc này ra sao?

        Có hai hiện tượng để nhìn nhận.

        Thứ nhất, việc tự quay phim ghi lại chuyện ân ái của mình, chứng tỏ một bộ phận lớp trẻ hiện nay có lối sống khá bế tắc, bất cần, muốn vượt ra ngoài các lề thói đạo đức thông thường.

        Thứ hai, việc dư luận sôi sục lên trước sự kiện ấy, chứng tỏ chúng ta có một đám đông rất nhạy cảm, dễ bị kích động. Song tôi dự đoán, rồi cũng giống như một vài vụ trước, như vụ các cô dâu lấychồng Đài Loan, Hàn Quốc, nó chỉ là hiệu ứng lửa rơm.

        Lối sống thác loạn của một bộ phận giới trẻ không phải bây giờ mới có. Chờ nó được đưa ra sân chơi công cộng, mới nảy sinh "làn sóng" chú ý, mổ xẻ, lên án nó thì muộn quá rồi còn gì. Lẽ ra với một thái độ kiên trì và bình tĩnh, chúng ta phải mang ra bàn bạc từ lâu, vừa bàn vừa lắng nghe và chờ đợi. Cả buông xuôi lẫn nóng vội ở đây đều vô nghĩa, nếu không muốn nói là có hại.

        Tức là, theo ông, hiện tượng dư luận ồn ào quá mức xung quanh một chuyện cá nhân là bất thường?

        Không hẳn bất thường. Như người ta vẫn nói, nước mình nó thế. Từ thuở chỉ quanh quẩn trong các làng xã, chúng ta vẫn có lối phản ứng như vậy. Nó là một đặc điểm của tính cách người Việt.

        Tôi nhớ, trong một bài báo gần đây, ông Trần Ngọc Thêm (nhà nghiên cứu văn hoá - PV) có nói: Đặc điểm tính cách, người Tây là duy lý, người Tàu là duy ý chí còn người Việt là duy tình. Chữ tình, nói theo chữ của ông Thêm, là lối sống giàu tình cảm, trọng tình nghĩa của người Việt.

        Nhiều người cũng nghĩ như ông Thêm.

        Phần tôi, tôi cho rằng chỉ nên nói đặc điểm người Việt là tính tự phát rất lớn, thường là những cơn xúc cảm bùng lên, song không trải qua những suy ngẫm nên sẽ qua đi nhanh.

        Tức, tôi không coi duy tình là một niềm tự hào. Trái lại, ta phải tính để vượt lên một trình độ sống khác.

        Cụ thể hơn, theo ông, "sự duy tình" có những điểm nào không đáng để tự hào?

        Cả sự kém duy lý (vận dụng đến cùng trí tuệ) và kém duy ý chí (sự thôi thúc của tham vọng) đều góp phần kìm hãm sự phát triển của chúng ta.

        Kém lý trí dẫn đến nông nổi, cạn nghĩ. Kém ý chí dẫn đến ngắn hơi, ăn xổi. Cái gọi là duy tình rút lại là đồng nghĩa với bột phát, tùy tiện, lúc thế này lúc thế khác, và thường không dẫn đến sự sáng suốt cùng những quyết sách hợp lý, nhất là trong xã hội hiện đại.

        Như trong câu chuyện phần trên chúng ta vừa nói: cả các bạn trẻ hiện nay cũng sống truồi theo cảm hứng tự phát, không nghĩ đường xa. Mà dư luận cũng tự phát, ầm ĩ đấy rồi cũng bỏ qua ngay đấy.

        Đằng sau nó là những nguyên nhân sâu xa...

        Vậy là, từ một hiện tượng ồn ào trong dư luận hiện nay, ông muốn lưu ý tới những nguyên nhân sâu xa. Liệu có gượng ép quá không?

        Tôi không ngại, miễn là chúng ta cùng lắng nghe nhau một chút.

        Nhưng, liệu cách nhìn nhận của ông về cốt cách sống của dân mình quá cực đoan và khắt khe? Người Việt xưa nay vẫn tự hào là một dân tộc hiếu học, thông minh và có sức chịu đựng, bền bỉ?

        Các phương tiện truyền thông và cả bản thân chúng ta vẫn thường tự ve vuốt mình bằng những nhận định như mấy chữ bạn đã dùng.

        Còn tôi, sau một giai đoạn nghiên cứu về văn hoá và tính cách Việt, tôi mạnh dạn sử dụng hình ảnh "một khối tự phát khổng lồ".

        Nói vậy có thể gây tự ái cho ai đó và có thể gây tranh cãi. Ngay như bản thân tôi, cũng đã nhiều lần tự tìm cách phủ định nó, nhưng hiện tại tôi vẫn chưa tìm ra được dẫn chứng phủ định thuyết phục.

        Người Việt ít đặt vấn đề dụng công nghiên cứu cái gì cho sâu, cho kỹ. Chúng ta tự cho phép sống theo thói quen, nếu như có nói đến các lý thuyết, các định hướng nọ kia thì chủ yếu là đi thừa hưởng các kết quả nghiên cứu từ các dân tộc khác. Thêm nữa, chỉ treo lý thuyết lên gọi là có, chứ vẫn sống theo cách của mình.

        Tôi ví dụ, đơn giản nhất là trong đời sống tôn giáo. Với đạo Phật, chúng ta hiểu biết lơ mơ. Về tất cả các lý thuyết, hầu như không nghiên cứu gì cả, chỉ toàn là truyền miệng với nhau, trong tu thì chỉ "thiền", "ngộ", tức là ngồi để tự nhiên nghĩ ra cái gì đấy.

        Tôi nghĩ lối sống này làm nghèo chúng ta đi, từ sự trống vắng, kết quả thu được cũng chẳng gì hơn cũng là trống vắng. Trong khi ấy, thử so sánh, người Trung Quốc có không biết bao nhiêu pho kinh, chẳng hạn như ông Huyền Trang sang tận Ấn Độ lấy về, dịch ra, họ đã mang lại cho đạo Phật một sức sống mới.

        Bàn một chút về đặc điểm tính cách dân tộc. Theo ông, có những nguyên nhân nào tác động đến điều này?

        Khi nhìn vào những ngổn ngang trong đời sống trước mắt, nhiều người có ý cho rằng đó là bởi các lý thuyết mà chúng ta theo đuổi, chẳng hạn lý tưởng cộng sản... này khác. Tôi thì lại thấy những nguyên nhân sâu xa cơ bản là nằm trong cái cốt cách mà dân tộc đã hình thành trong lịch sử.

        Hiểu rõ nguồn gốc dân tộc, sự hình thành của dân tộc mình là một trong những cách để nhận chân lại mình.

        Nói một cách thô thiển nhất thì như thế này: mỗi khu vực địa lý tạo ra một giống người với đặc điểm riêng của họ.

        Chúng ta là người xứ nóng, vùng nhiệt đới được thiên nhiên ưu đãi, nên một mặt dễ sống, một mặt khác, nó tạo cho ta tính dễ dãi.

        Người xứ nóng thường có cuộc sống đơn giản. Trước đây, thời các cụ, chẳng cần có quần áo cũng tồn tại được. Ngay trước Cách mạng tháng Tám, dân ta còn rất nhiều người đi chân đất.

        Trong khi đó, người xứ lạnh, thời tiết khắc nghiệt đòi hỏi họ phải chuẩn bị cho cuộc sống cẩn thận hơn. Ngay từ ngôi nhà, đến ăn mặc phải bền chắc hơn, có sức chịu đựng hơn... Tất cả những điều này ảnh hưởng một cách vô thức đến tính cách dân tộc.

        "Nuôi dưỡng ảo tưởng"

        Sau những nguyên nhân ban đầu ấy, mọi chuyện đã phát triển ra sao?

        Một công cụ để một dân tộc nào đó tư duy, là chữ viết. Việc không hình thành cho được một thứ chữ viết riêng mang lại cho chúng ta rất nhiều hạn chế. Chính nó khuyếch đại thêm cái khía cạnh nông nổi tự phát mà chúng ta nói từ đầu.

        Thời trung đại việc dùng chữ Hán đã mang lại cho chúng ta bao thiệt thòi. Rồi sau này, do lịch sử đổi thay, lại dùng chữ hệ Latinh. Lâu nay người ta chỉ thích nhấn mạnh rằng chữ Latinh góp phần thúc đẩy xã hội tiến tới. Tôi cũng thấy thế, nhưng lưu ý thêm chữ quốc ngữ càng làm cho chúng ta cẩu thả trong nói và viết. Nếp tư duy hời hợt lan rộng.

        Việt Nam, xét trong lịch sử, là một nước trải qua khá nhiều các cuộc chiến tranh. Yếu tố này có góp phần ảnh hưởng đến cái gọi là tính cách dân tộc không, theo ông?

        Tất nhiên rồi. Trên nét lớn, chiến tranh ở ta còn để lại dấu vết nặng nề và càng lảng tránh nó, chúng ta càng bị nó ám.

        Không cần có kinh nghiệm nhiều thì người ta cũng có thể biết chiến tranh là tình trạng ăn xổi, ở thì, lúc đó, trong khi sống với những mơ tưởng xa vời, thực tế là người ta lại chả biết rõ ràng ngày mai của mình như thế nào.

        Cụ thể hơn, 2 cuộc chiến lớn của dân tộc trong thế kỷ vừa qua, để lại dấu ấn như thế nào trong đời sống tinh thần người Việt?

        Chuyện lớn quá, cho phép tôi chỉ nói một điểm có tính cách xuất phát: phải nói chính ra chiến tranh nuôi dưỡng ảo tưởng. Ta không biết rõ ta đã trở nên như thế nào. Ta tưởng rằng, sau chiến tranh, mình còn nguyên vẹn, nhưng thực ra mình đã mất mát rất nhiều. Nhìn vào nhiều mặt đời sống, tôi cảm thấy so với trước chiến tranh, có một bước lùi. Con người ít tham vọng hơn, dễ dãi với mình hơn mà lại buông thả hơn.

        Ông có cực đoan quá không? Có nhiều ý kiến cho rằng, chính cuộc chiến này đã khơi dậy, đánh thức được tiềm năng của các thế hệ?

        Tôi cho rằng, nhận định đó là đúng nhưng chưa đủ, khi nói vậy chúng ta chưa thấy hết sự thực. Cuộc kháng chiến chống Pháp còn vừa sức với dân tộc ta. Còn cuộc chiến chống Mỹ ư? Với tư cách một người vừa lớn lên thì bước vào chiến tranh, tôi muốn nói rằng nó to lớn vĩ đại, nó kinh khủng quá, nó hút hết sức lực của cộng đồng. Chiến tranh ở ta như việc một người nhỏ bé phải đối mặt với một thách thức quá sức. Vẫn làm được đấy, nhưng sau đó sẽ mệt mỏi, một sự mệt mỏi kéo dài cho đến hôm nay.

        Việc nghiên cứu tính chất của xã hội hậu chiến ở ta ít được xem trọng. Nhưng nhìn đâu cũng thấy.

        Cả việc lớp trẻ lao đầu vào cuộc hưởng thụ lẫn một dư luận xốc nổi, khi quá khắt khe khi quá dễ dãi, tức là câu chuyện mà chúng ta nói từ đầu đến giờ, cũng là hiện tượng thường thấy ở các xã hội hậu chiến.


        http://www.canh-en.de/index.php?id=123&tx_mininews_pi1

        <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.10.2007 09:42:26 bởi Ngọc Lý >
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9