Mùa Bí Đỏ * Halloween
HongYen 10.10.2006 12:30:40 (permalink)
Mùa Bí Đỏ & Ma Quỷ

AP - Sun Oct 8, 4:58 PM ET ** Trái bí đỏ nặng 936-pound, tại Hội Chợ Rhode Island và Massachusetts trong muà đấu xảo bí to nhất, lần thứ 9 hằng năm của Rhode Island. (AP Photo/Victoria Arocho)

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/1124/8DF9D93D4BD94602A6E1D833EE8B7682.jpg[/image]
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.11.2006 11:03:20 bởi HongYen >
Attached Image(s)
#1
    HongYen 11.10.2006 22:24:00 (permalink)

    Mùa Bí Đỏ & Ma Quỷ


    Tại sao mùa bí đỏ laị đi đôi với ma quỷ????

    Có câu chuyện Việt Nam rằng trồng chuối hột sau hè thì có ma quỷ tối xúm nhau tụ họp ở đó.... nên có co tiếng noí xì xào...

    Rồi những bà bầu mà chết thì phải trồng cây chuối hột bên cạnh mả để khi chuối trổ quài là em bé được sanh ra từ cõi mà ta coi như là có thật.

    Bây giờ đến chuyện bí đỏ và ma quỷ xứ Hoa kỳ, nó ly kỳ như chuyện trồng chuối cuả ta. Ờ đó goị là mùa Halloween.

    Trồng chuối theo khoa học hay theo tiểu lâm lại là chuyện khác.

    >>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>

    Nông dân Rhode Island trồng được trái bí ngô lớn nặng nhất thế giới

    Monday, October 09, 2006

    RHODE ISLAND, Hoa Kỳ - Mặc dù những cơn mưa dữ dội trong Mùa Hè vừa qua cũng không làm hư hại mùa bí ngô trong vùng Rhode Island, thuộc vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ, nên một nông dân tại đây đã vừa thu hoạch được một trong những trái bí ngô có thể được coi là lớn nặng nhất thế giới.

    Khi cân trái bí ngô của nông dân Ron Wallace nhân cuộc thi thường niên lần thứ 13 của giải vô địch của những nhà trồng trái bí ngô lớn nhất, được tổ chức tại Rhode Island, thì thấy nó nặng đến 1,502 pounds (khoảng 755 kg), tức vượt qua trọng lượng của trái bí ngô đang giữ kỷ lục nặng của thế giới ghi trong sách chuyên ghi về những kỷ lục thế giới Guinness World Record, đó là trái bí ngô cân nặng 1,469 pounds (khoảng 736 kg) của Larry Checkon trồng hồi năm qua (2005) ở Pennsylvania.

    Mùa trồng bí ngô tại Hoa Kỳ thường kéo dài từ Tháng Tư cho đến Tháng Mười, và ngoài việc trồng và chăm sóc kỹ càng cho cây, để có được những trái lớn, nặng, nó cũng còn tùy thuộc vào thời tiết nữa.

    Các giới chức canh nông Hoa Kỳ cho biết rằng nếu mưa vừa vừa, thì giúp ích cho cây bí ngô, nhưng mưa nhiều quá, như trong năm nay, cũng có thể làm úng gốc bí ngô và làm hư hại việc ra hoa, trái.

    Chính vì mưa nhiều quá, mà năm nay những vùng trồng nhiều bí ngô truyền thống của Hoa Kỳ, với những trái bí ngô khổng lồ, đã bị thiệt hại nặng nề, như ở những vùng Trung và Ðông Nam Massachusetts, là bị thiệt hại nặng nề nhất. (L.T.)

    http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=49898&z=4

    >>>>>>>>>>>>>>>>>>>>



    http://www.whatsonwhen.com/print/viewevent.asp?id=40783
    #2
      HongYen 01.11.2006 11:10:28 (permalink)
      Lịch sử Tết Halloween
      Vietsciences-KCPKT 31 tháng 10/2005

      Sự Liên-Hệ Giữa Tết Halloween, Tết Trung-Thu, và Tết Trung-Nguyên

      I. Tết Halloween

      Ngày lễ Halloween nhằm ngày 31 tháng mười dương-lịch. Ngày lễ này thực ra phải được coi như ngày Hội Halloween hay ngày Tết Halloween bởi vì nó vui-vẻ và nhộn-nhịp vô-cùng, nhất là đối với trẻ em.

      Tối hôm trước của ngày lễ Halloween, tức là 30 tháng 10, được gọi là “đêm ma-quỉ” (devil’s night). Thường-thường các thanh thiếu-niên hay phá-phách trong đêm này, gây thiệt-hại đến tài-sản và tính-mạng của người dân. Bởi thế cho nên lực-lượng cảnh-sát đã phải tăng-cường mạnh để giữ trật-tự an-ninh trong “đêm ma-quỉ.” Các bậc phụ-huynh cũng được nhắc-nhở coi-chừng con em trong đêm kinh-hoàng này.

      Hằng năm cứ đến đầu tháng mười, các học-sinh, nhất là những học-sinh mẫu-giáo và tiểu- học đã nôn-nao chuẩn-bị mừng Tết Halloween. Trẻ em đều thích mua hay đi hái bí-ngô tươi (pumpkin) để đem về đẽo làm lồng-đèn “Jack-o’-Lantern.” Chúng còn thích sắm
      trang-phục đặc-biệt để mặc và mua mặt-nạ đeo để hóa-trang thành quỉ hay con thú vào tối ngày Tết Halloween trong lúc đi đến từng nhà xin kẹo bánh, gọi là đi “trick-or-treating.”

      Chính vì để hòa vào nếp-sống nơi định-cư với ý nghĩa “nhập-gia tùy-tục,” chúng ta hãy cũng nhau tìm-hiểu thêm về ngày “Tết Halloween” này.

      1. Nguồn Gốc Tết Halloween

      Tết Halloween bắt nguồn từ ngày lễ “The Celtic Festival of Samhain” của dân-tộc Celts. Dân-tộc Celts sống cách đây khoảng hai ngàn năm ở phần đất bây giờ gọi là nước Anh (Great Britain), Ai-Nhĩ-Lan (Ireland), và phía bắc nước Pháp (France). Tết của dân-tộc Celts nhằm ngày 1 tháng 11 dương-lịch. Buổi lễ “The Celtic Festival of Samhain” được tổ-chức vào tối đêm trừ-tịch, đêm trước của năm mới, tức là 31 tháng 10 dương-lịch để tưởng-nhớ và vinh-danh Thánh Samhain, vị chúa-tể cai- quản những linh-hồn người chết. Người Celts tin rằng Thánh Samhain cho phép các linh-hồn người chết trở về dương-thế thăm gia-đình và ăn tết vào đêm trừ-tịch trong ngày tết của họ.

      Vào năm 43 dương-lịch, dân tộc Celts bị người La-Mã chinh-phục và cai-trị lãnh-thổ của họ mà ngày nay gọi là nước Anh (Great Britain) trong khoảng 400 năm. Trong thời-kỳ này, hai ngày Hội-Mùa-Thu của người La-Mã được tổng-hợp với ngày hội kỷ-niệm Thánh Samhain của dân-tộc Celts. Một trong hai ngày Hội-Mùa-Thu này có tên là Feralia được tổ-chức vào cuối tháng 10 dương-lịch để vinh-danh người chết. Ngày hội thứ hai dùng để vinh-danh Thần Pomona, tức là Nữ-Thần Hoa-Quả và Cây-Cối.

      Tục-lệ đoán vận-mệnh tương-lai được sử-dụng trong trò-chơi thi nhau cắn quả táo treo ở đầu một sợi dây hay thi nhau cắn quả táo được thả trong chậu nước vào ngày lễ Halloween có thể do tục-lệ của hai ngày Hội-Mùa-Thu này mà ra.

      Tên Tết Halloween lấy từ tên của ngày lễ “All Saints' Day” bởi vì ngày 31 tháng 10 được gọi là “All hallows' Eve.”

      Nhà thờ Thiên-Chúa-Giáo lấy ngày 1 tháng 11 dương-lịch để thiết-lập Ngày-Các-Chư-Thánh (All Saints' Day). Ngày-Các-Chư-Thánh là một ngày linh-thiêng đã được những người theo đạo Thiên-Chúa tôn-trọng để vinh-danh các Thánh của đạo Thiên- Chúa, đặc-biệt đối với những Chư-Thánh không có ngày dành riêng để kỷ-niệm. Ngày Các Chư Thánh được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 5 năm 609 (610?) dương-lịch khi Hoàng Đế Phocas tặng đức Giáo Hoàng Boniface IV ngôi đền cổ của người La-Mã để dùng làm nhà thờ.

      Ở Anh trước đây, đêm Halloween đã từng được gọi là “Nutcrack Night” hay “Snap Apple Night” tức là một đêm dành cho gia-đình ngồi bên đống lửa hồng để nghe kể chuyện, ăn các hạt trái cây và ăn táo hay bôm.

      Vào Ngày-Các-Chư-Thánh, những người nghèo đi ăn xin, tiếng Anh gọi là A-Souling, thường được người ta cho một thứ bánh gọi là bánh linh-hồn (soulcakes) với điều-kiện là những người ăn mày này phải cầu-nguyện cho người chết.

      Khi người Tô-Cách-Lan (Scots) và người Ai-Nhĩ-Lan (Irish) đến định-cư ở Bắc-Mỹ, họ mang theo những phong-tục của họ. Tuy-nhiên, ở Bắc-Mỹ, Tết Halloween mới được thịnh-hành kể từ thế-kỷ thứ 18 trở đi mà thôi.

      2. Phong Tục Trong Ngày Halloween

      a. Trick-Or-Treating
      “Trick-or Treating” được coi là một trò chơi chính của hầu-hết các trẻ em ở Bắc-Mỹ trong ngày Tết Halloween. Những trẻ em mặc các trang-phục hóa-trang và đeo mặt-nạ rồi đi từ nhà này qua nhà khác, gõ cửa để gặp chủ nhà và nói “trick-or-treat.” Câu này có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi.” Để tránh bị chơi xấu, chủ nhà đãi chúng kẹo, bánh-trái, và ngay cả cho tiền chúng nữa.

      b. Gây Quỹ Cho UNICEF
      Có những em học sinh, nhân ngày này, đi quyên-tiền gây-quỹ cho cơ-quan UNICEF. UNICEF là chữ viết tắt của United Nations International Children's Emergency Fund, một cơ-quan do Liên- Hiệp-Quốc thành-lập vào năm 1946 để giúp-đỡ các trẻ em trên toàn
      thế-giới về thực-phẩm, thuốc-men, v.v. Các trẻ em mang hộp giấy có hai màu, màu da cam và màu đen, đã được Liên-Hiệp-Quốc công-nhận để đi quyên-tiền về nộp cho cơ-quan này hầu dùng vào việc cứu giúp trẻ em nghèo khó trên khắp thế-giới.

      Cơ-quan UNICEF đã và đang cung-cấp những dịch-vụ căn-bản về y-tế, giáo-dục, đồ ăn, thức uống, và vệ-sinh cho trên 140 nước trên thế-giới. Có vào khoảng 2 triệu học sinh Canada mang hộp đi quyên-tiền cho UNICEF vào mỗi dịp Tết Halloween. Kể từ năm 1955, Canada đã gây-quỹ được tất cả là $58.3 triệu cho UNICEF. Có vào khoảng 55 phần trăm trẻ em tiểu-học ở Canada tham-gia mỗi năm vào việc gây-quỹ này trong dịp Halloween.

      Theo mục “UNICEF” của tờ báo The London Free Press, số ngày 31-10-96, cơ-quan thống kê Angus Reid đã tiết lộ rằng có 85 phần trăm trong số những người được phỏng-vấn trên toàn lãnh-thổ Canada đã giúp cơ-quan UNICEF qua việc cho tiền trong dịp Halloween.

      Sở-dĩ cơ-quan UNICEF dùng cái hộp có màu da cam và màu đen vì đây là hai màu tượng trưng cho Tết Halloween. Trang-phục trong ngày Halloween thường có hai màu chính là màu da cam và màu đen. Ta thấy quả bí pumpkin màu cam và con dơi màu đen cũng được coi là màu tiêu biểu cho Halloween. Người ta còn gọi ngày Halloween là ngày “Orange and Black Day.”

      c. Biện-Pháp An-Toàn Cho Trẻ Em và Người Lớn trong Đêm Halloween
      Đã có rất nhiều tai-nạn xảy ra trong Tết Halloween. Chính vì thế, người ta đã dự-trù kế-hoạch an-toàn cho trẻ em đi “trick-or-treating” trong ngày tết này bằng cách:

      - Khuyên các em đeo băng phản-chiếu ánh-sáng lên quần áo để báo hiệu cho xe-cộ khỏi đâm vào hầu tránh tai-nạn.

      - Nên mặc đồ hóa-trang ngắn gọn và khó bén lửa để tránh vấp ngã và khỏi bị cháy. Để tránh bị lạnh khi đi “trick-or-treating,” nên mặc quần áo thật ấm ở bên trong đồ hóa-trang.

      - Nên vẽ mặt thay vì đeo mặt-nạ để tránh bị mặt-nạ che mất tầm quan-sát khi đi ở ngoài đường. Nếu đeo mặt-nạ trong khi đi thì nên đẩy mặt-nạ lên trán để dễ nhìn.

      - Khi các em nhỏ đi “trick-or-treating,” các phụ-huynh nên đi theo. Nhớ mang đèn pin (flashlight), và chỉ đến các nhà nào có đèn sáng mà thôi. Nên cho trẻ ăn cơm chiều, ăn cho đỡ đói mà thôi, trước khi đi để tránh cảnh “bụng đói cật rét.” Khi đói và rét, trẻ em dễ bị cảm.

      - Trẻ em chỉ nên đi “trick-or-treating” ở những nhà quanh hàng-xóm mà thôi.

      - Chỉ đi vào nhà người ta bằng cửa trước và tránh dùng cửa hậu hay cửa bên hông nhà để tránh các bất-trắc xảy ra.

      - Chỉ nên qua đường ở chỗ ngã-tư hay ngã-ba và tránh sang ngang đường ở khoảng giữa hay đi giữa hai xe đang đậu ở vệ đường và phải quan-sát kỹ hai chiều trước khi qua đường để tránh tai nạn xảy ra.

      - Nhớ cho trẻ mang theo ít tiền trong túi và giấy tờ có biên địa-chỉ, số điện-thoại, và tên cha mẹ để phòng khi trẻ lạc thì có người giúp đưa về.

      - Phụ-huynh dặn trẻ đừng nên ăn bất cứ thứ gì khi người ta cho mà phải đợi đến khi về nhà để cha mẹ xem xét kỹ trước khi ăn. Thấy những gói kẹo nào nghi-ngờ có gì bất thường, phụ-huynh có thể đến nhà thương để nhờ kiểm-soát lại bằng quang-tuyến X. Có nhiều nhà thương họ làm chuyện này miễn-phí và họ khuyến-khích dân-chúng cứ lại nhờ nếu cần. Nếu có muốn ăn kẹo bánh người ta cho trong lúc đi đường, chỉ ăn những kẹo bánh còn nguyên trong gói để tránh ngộ-độc.

      - Khuyên các chủ nhà phải cẩn-thận đề-phòng hầu tránh bị kẻ bất-lương lợi-dụng dịp Halloween để ăn-cướp và bắt-cóc trẻ em. Để đèn ở trước cửa nhà cho sáng, khóa xe và khóa cửa nhà để xe (garage). Nếu thấy gì khả-nghi, phải báo ngay cho cảnh-sát.

      - Nếu phụ-huynh không đi “trick-or-treating” với trẻ, phải biết rõ lộ-trình chúng định đi để theo-dõi khi cần. Nhắc trẻ phải chịu trách-nhiệm về mọi hành-động của chúng.

      - Nên để ý kiểm-soát sinh-hoạt của con em ở tuổi vị-thành-niên trong đêm “Devil's Night,” 30 tháng 10, để ngăn-ngừa các em khỏi đi tụ-họp làm các việc phạm-pháp.

      d. Đèn Bí-Ngô “Jack-O’-Lantern”

      Trong ngày Tết Halloween hiện nay, mỗi nhà thường trang-trí cây đèn-lồng làm bằng quả bí-ngô pumpkin. Người ta mua những quả pumpkin về khoét rỗng ruột, đẽo vỏ ngoài thành hình một cái mặt có đủ mắt mũi mồm để khi đốt nến (đèn cầy) bên trong, ánh-sáng có thể tỏa ra giống như cây đèn. Cây đèn làm bằng quả bí pumpkin trong ngày Tết Halloween được gọi là Jack-o'-Lantern. Có nhiều người mua cây đèn Jack-o'-Lantern làm bằng nhựa màu vàng da cam có bán sẵn ở các cửa tiệm.

      Ngày xưa ở Anh và Ai-Nhĩ-Lan, người ta dùng củ cải đỏ, khoai tây và củ cải tây để làm lồng-đèn trong ngày Tết Halloween. Sau khi phong-tục này được du-nhập vào Bắc-Mỹ, những quả bí-ngô pumpkin mới bắt đầu được sử-dụng làm lồng đèn như hiện nay.

      Theo chuyện thần-thoại Ai-Nhĩ-Lan, Jack-o'-Lantern là biệt-hiệu của một người đàn ông tên là Jack. Anh Jack này khi chết không thể lên thiên-đàng vì lúc còn sống anh là người bần-tiện và bủn- xỉn. Anh ta cũng không thể xuống địa-ngục vì anh ta đã chế-riễu quỉ-sứ
      ma-vương. Kết-quả là linh-hồn anh chàng Jack phải đi lang-thang trên dương-thế với cái đèn lồng cho đến Ngày Phán Xử (Judgment Day).

      Theo sách Tân-Ước (New Testament), Ngày Phán-Xử là ngày tận-cùng của một thời-đại. Theo Gospels và sách Book of Revelation, vào ngày này quả đất và bầu trời ở trong tình-trạng ồn-ào hỗn- độn, người chết trỗi dậy từ những nấm mồ, và Chúa Jesus hiện ra để phán-xử tất cả những người sống cũng như người chết. Trong việc phán-xét hạnh-kiểm của họ, Chúa xem xét những hành-động mà con người đã làm cho nhau, cả điều tốt cũng như điều xấu.

      đ. Tục Bói-Toán Bắt Nguồn Từ Tết Halloween
      Một vài cách bói-toán để đoán tương-lai đã có ở Âu-Châu từ hàng trăm năm trước đây đều bắt nguồn từ Tết Halloween mà ra. Chẳng hạn những vật như đồng tiền xu, cái nhẫn, và cái đê (cái đê dùng để đeo ở đầu ngón tay trong khi khâu cho kim khỏi đâm vào) được đem bỏ vào bánh nướng hay đồ ăn khác. Người ta tin rằng trong khi ăn, nếu ai ăn nhằm phải cái bánh trong có đồng tiền xu sẽ trở nên giầu sang, gặp cái nhẫn sẽ sớm có vợ hay chồng và gặp cái đê sẽ ở góa suốt đời.

      Ngày nay, ngoài cách bói-toán cổ-truyền trên, người ta còn dùng phương-pháp bói bài Tây hay xem chỉ bàn tay để đoán tương-lai trong Tết Halloween.

      e. Các Tục Lệ Khác Của Ngày Tết Halloween
      Tục cắn quả táo ở trong chậu nước có lẽ được bắt đầu ở Anh. Ngày nay người ta còn gắn tiền vào quả táo để tưởng-thưởng thêm cho ai cắn được quả táo. Nhiều người còn tin là vào ngày Tết Halloween, ma-quỉ đi lang-thang khắp nơi trên dương-thế và các mụ phù-thủy cũng họp nhau vào ngày 31 tháng 10 dương lịch. Đối với những người không tin ma-quỉ và phù-thủy, họ vẫn coi những trang- phục có vẽ hình dáng mụ phù-thủy và ma-quỷ là tượng-trưng cho Halloween.

      II. Tết Halloween, Tết Trung-Thu, và Tết Trung-Nguyên

      Chúng ta có thể nói Tết Halloween bao gồm một phần của ngày Tết Trung-Thu và một phần của ngày Tết Trung-Nguyên của ta.
      Trong Tết Halloween, người ta cầu-nguyệu cho những người chết giống như trong tục-lệ Tết Trung-Nguyên, tức là Tết Rằm Tháng Bảy hay Lễ Vu-Lan. Cả hai ngày "Tết Halloween” và “Tết Trung-Nguyên” đều là ngày để người ta tưởng nhớ và vinh-danh người đã chết. Tết Halloween cũng là dịp để trẻ em vui chơi thỏa-thích giống như ngày Tết Trung-Thu của ta.

      Văn-hóa Đông và Tây gặp nhau ở một điểm là đều công-nhận có linh-hồn sau khi người ta chết. Nhưng có một điều khác biệt là người Việt-Nam ta coi trọng linh-hồn của người thân hơn. Chính vì vậy nên mới có cúng lễ, cầu siêu, đọc kinh báo hiếu cũng như đốt vàng mã cho cha mẹ, ông bà, tổ-tiên trước khi cầu-nguyện cho những linh-hồn của người vô thừa-nhận vào dịp Tết Trung-Nguyên. Ở Âu-Tây người ta phần lớn theo đạo Thiên-Chúa nên trước đây việc cúng lễ hay cầu-siêu cho ông bà cha mẹ không được coi làm trọng. Ngày nay tuy có phần đổi mới hơn trước, nhưng vẫn còn trong tình-trạng giao-thời.

      Ghi-Chú: “Trung-Nguyên” nghĩa là rằm tháng bảy. “Vu Lan” là tên cái giường. Giường vu- lan được làm bằng tre, có ba chân, và dùng để treo tiền của cùng đồ bằng mã (đồ làm bằng giấy để giả làm đồ thật) lên mà đốt.

      Theo cuốn Việt-Nam Phong-Tục của Phan Kế Bính, Tết Trung-Nguyên được định nghĩa như sau: “Rằm tháng bảy gọi là Tết Trung-Nguyên. Ta tin theo sách Phật, thường cho hôm ấy là ngày vong-nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm-phủ được tha tội một ngày hôm ấy. Bởi vậy nhiều nhà mua vàng mã cúng gia-tiên, các nhà có người mới mất, cũng hay đốt mã làm chay vào hôm ấy.”

      Theo cuốn Luân-Lý Giáo-Khoa Thư, Lớp Sơ Đẳng, của Việt-Nam Tiểu-Học Tùng-Thư, Tết Trung-Nguyên được định-nghĩa như sau: “Tết này ăn vào ngày rằm tháng bảy. Cứ theo sách nhà Phật, thì ngày ấy các vong-nhân ở dưới Am-phủ được xá-tội, nên các nhà làm cơm cúng và mua vàng mã đốt cho ông bà ông vải (ancestors).”

      Ngày nay người ta làm cho ngày Tết Trung-Nguyên có ý-nghĩa hơn bằng cách đề cao chữ hiếu và gọi ngày này là Ngày Báo-Hiếu. Thật là một việc làm đầy ý-nghĩa. Người ta còn cụ-thể-hóa ý- nghĩa này bằng cách cài bông hồng vào áo để nhớ đến công ơn mẹ cha; bông màu trắng tượng trưng cho cha hay mẹ đã mất và bông màu đỏ dành cho cha hay mẹ còn sống. Thật diễm-phước cho những ai được đeo hai bông hồng màu đỏ trong ngày Tết Trung-Nguyên vì “phụ-mẫu tại tiền như Phật tại thế.”

      Cái đặc-biệc của ngày Tết Trung-Nguyên thời nay là “sự báo-hiếu,” không những báo-hiếu cho những người đã nằm xuống mà còn báo hiếu đối với người còn sống. Nhờ vào khía cạnh tâm-lý của việc tiếc nhớ người quá-vãng để củng-cố tình gia-đình đối với người còn sống. Đây cả là một nghệ-thuật giáo-dục chúng-sinh.

      Đành rằng chữ hiếu chỉ có ý-nghĩa trong khi cha mẹ ông bà còn sống, nhưng người ta vẫn coi thường và lơ-là cái gì hiện có mà chỉ ăn-năn hối-hận khi sự đã rồi. Ngày Tết Trung-Nguyên hiện nay có cái tác-dụng nhắc con cháu phải có bổn-phận đối với ông bà cha mẹ ngay khi còn sống để khỏi hối- tiếc về sau.

      Người Tây-phương vì quá bận-rộn với đời sống vật-chất cá-nhân nên đời sống đại gia-đình có vẻ lỏng-lẻo. Chính vì thế người ta mới đặt ra “Ngày của Bố” (Father’s Day) và “Ngày của Mẹ”(Mother’s Day). Việt-Nam ta thì con cái có bổn-phận “định-tỉnh thần-hôn” tức là sáng viếng tối thăm (thần là buổi sớm, hôn là buổi tối; định-tỉnh là thăm hỏi cha mẹ). Ngày nào cũng là ngày dành báo-hiếu cho bố cho mẹ nên không cần có ngày đặc-biệt nào dành cho bố cho mẹ như người ở Bắc-Mỹ này.Nhưng rồi dần-dà vì nhu-cầu đời-sống vật-chất càng ngày càng tăng, con cái người Việt-Nam lại quên cả bố lẫn mẹ. Bởi vậy ngay nay, Tết Trung-Nguyên mới trở-thành “Mùa Báo-Hiếu.” Cái may-mắn là ngoài mùa báo-hiều, các bậc cha mẹ người Việt lại được con cháu nhớ đến vào các ngày “Mother’s Day” và “Father’s Day” nữa. Nhờ đó các bậc làm cha mẹ cũng được an-ủi phần nào trong thời buổi “văn-minh vật-chất nước người làm mời nhân-nghĩa làm phai
      cương-thường” này.

      III. KẾT LUẬN

      Giữ cái hay của mình và học cái hay của người là điều quý-hóa nhất để duy-trì và phát-huy văn-hóa của chúng ta. Chúng tôi hy-vọng với bài viết này một phần nào sẽ giúp cho những ai muốn tìm hiểu về Tết Halloween, Tết Trung-Thu và Tết Trung-Nguyên để đời-sống của chúng ta và con cháu chúng ta có thêm ý-nghĩa.

      Bài đọc thêm:

      Lịch sử lễ Mẹ

      © http://vietsciences.free.frhttp://vietsciences.org KCPKT

      http://vietsciences.free.fr/index.htm
      #3
        HongYen 01.11.2006 11:23:34 (permalink)
        Câu chuyện cô Virginia Wade và căn nhà ma ở thị trấn Gettysburg

        31/10/2006


        Căn nhà lịch sử Jennie Wade House tại thị trấn Gettysburg


        Hôm nay, ngày 31 tháng 10, tức là ngày Halloween ở Mỹ, mời quí vị nghe câu chuyện về căn nhà nơi cô Virginia Wade, một thường dân duy nhất chết trong trận đánh khốc liệt Gettysburg thời nội chiến nam bắc Mỹ. Căn nhà hiện đã trở thành một di tích lịch sử và nhiều người tin rằng linh hồn của người đã chết vẫn còn lẩn khuất nơi đây. Bây giờ, chúng tôi xin bắt đầu câu chuyện:

        Tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác ngày, cuối cùng của tháng 10 là ngày lễ Halloween. Theo truyền thuyết tối ngày 31 tháng 10 là lúc Diêm vương mở cửa ngục cho các hồn ma trở lại dương gian, và vì thế người dân Mỹ trang hoàng cho lễ này bằng nhiều hình tượng kinh dị và đây cũng là thời điểm mà nhiều câu chuyện ma được người ta kể cho nhau nghe. Nhân ngày lễ Halloween năm nay, Lan Phương sẽ thuật lại câu chuyện về cô Virginia Wade, còn được gọi là Jennie Wade, một thường dân duy nhất đã chết trong trận Gettysburg do một viên đạn lạc xuyên thủng 2 lớp cửa, xuyên qua lưng rồi ghim trúng tim cô. Gettysburg là một trận đánh khốc liệt thời nội chiến Mỹ đã để lại hàng chục ngàn thương vong cho cả hai phe nam bắc chỉ sau 3 ngày giao tranh vào tháng 7 năm 1863. Cái chết của cô không những là một chứng tích của một trận chiến dữ dội mà nó còn ghi dấu một chuyện tình thời loạn và là câu chuyện về tình bạn với hồi kết cuộc phảng phất bầu không khí của bi kịch Shakespeare.

        Từ ngày ấy đến nay, nỗi u uẩn của người đã khuất hình như vẫn chưa nguôi, nên,theo như chuyện kể lại, thì linh hồn của cô Jennie Wade vẫn cứ vương vấn mãi trong ngôi nhà của người chị, nơi cô đã bị một viên đạn lạc vô tình kết liễu đời sống lúc mới ở tuổi đôi mươi. Ngôi nhà nay đã trở thành một địa điểm lịch sử để du khách đến viếng thăm.

        Virginia Wade sinh ngày 21 tháng 5 năm 1843 tại Gettysburg, bang Pennsylvania. Từ thuở ấu thơ cô đã chơi đùa với một người bạn tên là Jack Skelly. Tình cảm giữa hai người ngày càng thắm thiết hơn khi họ bước vào tuổi trưởng thành. Nhưng đến năm 1861 khi cuộc nội chiến nam bắc Mỹ bùng nổ, Jack phải nhập ngũ.

        Cũng từ thời thơ ấu hai người còn có chung một người bạn tên là John Wesley Culp, thường được gọi dưới tên là Wesley. Vào lúc chiến tranh bùng nổ, Wesley cư ngụ tại bang West Virginia và anh quyết định chiến đấu cho phe miền nam, trong lúc cả gia đình và họ hàng anh ở bang Pennsylvania và người bạn Jack của anh tham gia hàng ngũ quân đội miền bắc. Thế là khi cuộc chiến càng lúc càng dữ dội thì Jack và Wesley, hai người bạn từ thuở nhỏ, đã thuộc về 2 chiến tuyến đối nghịch nhau.

        Tháng 6 năm 1863 Jack Skelly tham gia một trận chiến tại bang Virginia, anh bị thương nặng và được đưa vào một bệnh viện trong bang này. Số phận tình cờ run rủi cho Jack và Wesley gặp được nhau. Jack có nhờ Wesley trao lại cho Jennie, người yêu của anh, một lá thư.

        Chẳng bao lâu Wesley, phục vụ dưới cờ của quân đội miền nam, được điều về tham gia trận chiến Gettysburg trong bang Pennsylvania, và đã có cơ hội để thổ lộ với các chị em gái của anh rằng có người nhờ anh trao một lá thư cho một người ở Gettysburg nhưng với điều kiện là chính anh phải đưa tận tay người ấy.


        Jennie Wade

        Khi trận chiến bùng nổ, cô Jennie Wade đang ở nhà của người chị gái chăm sóc cho đại gia đình kể cả một bé trai 6 tuổi. Cô nướng bánh cho người trong gia đình và cho những người lính miền bắc. Mời quí vị nghe tiếp diễn biến câu chuyện qua lời thuật của ông Joe Schbelah, hướng dẫn viên du lịch làm việc tại ngôi nhà nơi cô Jennie Wade đã chết vào tháng 7 năm 1863:

        Vào ngày thứ nhì của trận chiến Gettysburg, Wesley Culp cố gắng tìm gặp Jennie Wade để trao bức thư của Jack Skelly cho cô. Anh không thể gặp được cô vì cô không có nhà, thay vào đó cô đang ở nhà của chị cô. Ngày hôm sau, Wesley Culp, thuộc về chiến tuyến của phe miền nam, đã chết trong trận giao tranh diễn ra ngay trên nông trại cuả người chú. Chỉ 1 giờ sau đó thì Jennie Wade bị viên đạn lạc ghim trúng tim ở ngay nhà của người chị. 9 ngày sau, người tình của cô, Jack Skelly chết vì vết thương trong bệnh viện tại bang Virginia. Cả hai người yêu nhau đã chết mà không ai biết là người kia đã nhắm mắt lìa đời. Và người bạn đáng lẽ đã trao lại bức thư cũng đã chết và cả ba không hề hay biết là hai người kia cũng đã từ trần.

        Phải chăng vì những u uẩn như thế hay không mà từ đó, có nhiều lời đồn đãi rằng linh hồn của cô Jennie Wade vẫn cứ quanh quẩn nơi ngôi nhà, mặc dù là cô đã được chôn cất và cải táng lần thứ ba, cũng là lần cuối cùng vào năm 1865, tại nơi an nghỉ là nghĩa trang Evergreen tại Gettysburg, bên cạnh ngôi mộ của người yêu Jack Skelly.

        Ông Joe Schbelah là hướng dẫn viên du lịch những tour đi thăm di tích lịch sử này. Khi được hỏi là ông có thấy những hiện tượng siêu nhiên gì tại căn nhà này hay không, ông thuật lại một số những kinh nghiệm lạ lùng mà ông đã chứng kiến:

        Chắc chắn đây là căn nhà có những hồn ma bóng quế vẫn quẩn quanh. Nó đứng vào hàng thứ sáu trong các căn nhà như vậy trên toàn quốc Hoa Kỳ theo xếp hạng của sở du lịch. Tôi từng chứng kiến thấy chiếc ghế xích đu trong nhà cứ đong đưa mà chẳng có ai ngồi trong đó, cánh cửa tự nhiên mở rồi đóng lại,tôi nghe có tiếng chân bước đi, tiếng người nói lao xao, tôi cảm thấy có điểm lạnh di chuyển qua các căn phòng trong nhà. Trong năm qua, tôi đã nhìn thấy hồn ma của bé trai trong căn nhà. Chúng tôi còn tổ chức những tour đi thăm căn nhà lịch sử này vào ban đêm để cho du khách biết về lịch sử căn nhà với câu chuyện linh hồn người chết vẫn ở trong đó.

        Ông Schbelah cho biết du khách tham gia các tour đi thăm khu vực lịch sử Gettysburg và ghost tour, chuyến thăm căn nhà ma, rất đông khách. Ông cùng các đồng nghiệp bận rộn suốt mùa hè cho đến ngày khai trường. Sau đó thì vào tháng 10 du khách lại kéo nhau đến vùng này thăm di tích lịch sử và xem lá cây đổi sang những màu sắc thật quyến rũ. 2 tuần lễ trước và sau lễ Halloween, người ta đổ về đây đông vô kể. Những người chỉ muốn tìm hiểu về lịch sử thường tỏ ý ngần ngại không muốn vào tận bên trong căn nhà, nhưng còn hầu hết những người khác vì tò mò tham gia các ghost tour, đều mạnh dạn bước vào thăm thú.

        Những vị nào muốn kiểm nghiệm câu chuyện do hướng dẫn viên du lịch Joe Schbelah thuật lại xem thực hư ra sao xin mời đến thăm căn nhà lịch sử tọa lạc trong thị trấn Gettysburg, bang Pennsylvania. Chúc quí thính giả tò mò sẽ có được kinh nghiệm đáng nhớ vào dịp Halloween.

        http://www.voanews.com/vietnamese/2006-10-31-voa8.cfm
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9