NGÀY TRỞ VỀ - Truyện ngắn của Nguyễn Hồng Dung
khoitam 16.10.2006 10:11:09 (permalink)
Ngày trở về
Truyện ngắn của Nguyễn Hồng Dung


Nắng chói lòa. Bầu trời cao xanh và gió lồng lộng thổi. Con đường cái phía trước bụi mù, thưa thớt người qua lại. Hoành xốc lại chiếc túi trên vai, cắm cúi bước. Đường về nhà dài dằng dặc.

Như dự đoán, không ai đón Hoành. Mà cũng chẳng cần. Một thằng đàn ông ba mươi tuổi, quan trọng gì chuyện đón đưa. Không phải vì không có tiền nên phải đi bộ. Mà vì muốn được đi bộ, được suy nghĩ, được chùng chình trước khi đặt chân về mảnh đất quê hương. Muốn được thấm đẫm cảm giác hạnh phúc và buồn bã, mệt mỏi và hưng phấn, thảnh thơi và day dứt...

Mỗi lần có chiếc xe khách ào qua, chú lơ xe lại nhô hẳn người ra vẫy rối rít, nhưng xem ra chẳng ai lay chuyển nổi vị khách này.

Thị trấn ven đường nghèo nàn, lèo tèo những ngôi nhà mái bằng xây kệch cỡm. Những hàng quán vắng hoe. Đâu đó tiếng học bài ê a, tiếng quét sân bằng chổi rễ loẹt xoẹt khiến anh thốt nhớ về mảnh sân con và cái dáng lưng còng của mẹ.

Bây giờ mẹ đang làm gì? Băm bèo nấu cám, quét mảnh sân con và nhìn ra cổng đợi anh về? Người đàn bà bất hạnh và cam chịu. Mẹ hiền đến mức chẳng bao giờ làm ai đau dù chỉ là một lời nói, luôn âm thầm gánh lấy những bất hạnh người khác trút lên bà. Hoành hình dung những năm qua mẹ sống rất khó khăn, đã nhẫn nhịn càng thêm nhẫn nhịn. Người làng sẽ ngang nhiên nhảy vào vườn nhà anh mà vặt rau, hái quả không thèm hỏi mẹ một câu, bà cũng đành lòng. Mẹ là thế. Không phải bà sợ, không phải bà không bực mình, mà bà lo sẽ làm họ buồn, họ khổ nếu mình lỡ trách móc họ.

Người làng thường chế giễu mẹ là khù khờ, là đần độn. Hồi đó, nhà có con chó bị bọn trộm đánh bả mã tiền, chó ăn say thuốc, nhưng lại chạy vào nhà nằm chết nên bọn trộm chó không túm được. Mẹ mổ thịt mang ra chợ bán. Bà thật thà nói với khách mua: "Con chó nhà tôi bị đánh bả mã tiền, vừa chết xong thì tôi mổ thịt ngay, còn tươi lắm đấy!".

Người ta truyền miệng nhau câu chuyện này và ôm bụng, lăn ra đất mà cười. Ai đời có người trong mua bán lại thật thà ngốc nghếch như vậy. Bước chân anh nặng trĩu. Nắng đã lên cao, mồ hôi thấm đẫm áo. Cảnh vật buồn tẻ diễn ra hai bên đường. Bụi đỏ và những hàng quán èo uột. Phải nghĩ điều gì đó cho đỡ buồn. Nghĩ điều gì đó để quên thực tại - đó là cách mà anh luyện được trong thời gian năm năm xa nhà.

Phải nghĩ điều gì bây giờ? Chuyện vui? Chuyện gì vui trong quá khứ của mình? Khi được mẹ may áo mới, khi được ăn miếng bánh chưng đầu tiên mỗi dịp Tết đến hay những điểm mười chói đỏ? Tất cả những niềm vui của anh rất mong manh và mau tàn. Hay là hãy nghĩ đến Hiền, người con gái anh từng yêu. Cũng chỉ là ký ức rời rạc và buồn bã. Phải đi nhanh, đi nhanh hơn nữa! Đi bộ đã thành một khả năng phi thường của anh. Thời xưa, anh từng phải cuốc bộ mười cây số mỗi ngày để đi học. Dép cao su cứa vào chân sưng phồng. Đám bạn được đi đến trường với bố mẹ bằng xe, khi nghĩ tới điều này là Hoành thấy tủi thân. Nhưng tủi hơn hết vẫn là phải bỏ học giữa chừng.

- Hoành!

Anh giật mình. Mẹ anh đang đứng ở ngã ba đường. Mẹ ra đón mình! Anh cảm động, nước mắt suýt ứa ra, song thoắt cái anh đã cau mày:

- Sao mẹ phải ra đây làm gì?

Mẹ ngả nón, rối rít quạt cho anh:

- Con đi có mệt không?

- Con có còn là con nít đâu mà mẹ phải đón. Nắng nôi như thế này. Áo mẹ ướt hết rồi kìa.

Anh gắt nhẹ. Mẹ hơi cuống lên trông thật tội, anh bỗng ân hận, vội dịu giọng:

- Mẹ có mỏi chân không?

- Mẹ không sao mà.

Mặt bà giãn ra một nụ cười tội nghiệp. Cả đời mẹ lúc nào cũng như có lỗi, ngay cả với lỗi lầm của người khác.

Anh nhớ hồi bố còn sống, ông thường quát tháo xỉ vả bà thậm tệ, có khi chẳng vì chuyện gì to tát cả. Hồi mới chuyển về quê sau chuỗi ngày thất thế ở xứ người, ông muốn ra oai với hàng xóm, họ hàng, khoe có vợ hiền. Giữa lúc nhà đầy khách khứa, ông dõng dạc rung đùi quát:

- Hòa!

- Dạ!

- Lấy cho tao cái điếu.

Mẹ đang nấu nước dưới bếp, lật đật chạy lên lấy chiếc điếu cày dựng ở xó nhà, cách bố vài sải tay, kính cẩn đưa cho ông bằng cả hai tay trước sự kinh ngạc của họ hàng. Bà vừa quay gót, ông lại rung đùi dõng dạc:

- Hòa!

- Dạ!

- Lấy tao cái đóm.

Mẹ quay vào, bó đóm chẻ sẵn, để ngay dưới chân bàn, mẹ rút một que đưa lên.

Ông lừ mắt:

- Châm thuốc!

Bà răm rắp châm thuốc, bố kéo một hơi dài, mặt cau cau. Đến nước này hàng xóm nhìn nhau, cố nén cười.

- Mẹ có khỏe không? Cái chân của mẹ dạo này thế nào rồi?

Ký ức về mẹ làm anh nôn nao, thương mẹ đến quặn lòng. Anh khẽ chạm vào vai mẹ. Bà ngước nhìn anh, lại nụ cười tồi tội như có lỗi:

- Mẹ khỏe, mẹ khỏe con ạ. Con về là quý rồi.

Bà nói và như trút được gánh nặng trong lòng. Chắc thời gian qua mẹ phải vất vả lắm. Là thằng con trai, anh đã làm được gì cho mẹ ngoài những nỗi lo, tủi nhục. Mẹ thật là một bà mẹ bất hạnh, anh thầm nghĩ. Mẹ chưa từng hưởng niềm vui nào từ bầy con của mình. Chị cả đi lấy chồng sớm, mười ngày thì chín ngày sang nhà sớt thức ăn mang về. Khi thì đĩa dưa muối, mấy quả cà, bát mỡ nước. Nhiều khi nhà chẳng có gì, chị nhón cả trứng gà ấp trong ổ. Có gì ăn được là chị vơ vét khuân về. Con gái mà lấy chồng gần, có bát canh cần nó cũng cuỗm đi! Có lần anh nói với mẹ, bà mắng át đi: "Có gì đâu! Chị con nó cũng khó khăn mà!". Chuyện đó cũng không đáng nói mà cái chính là mỗi khi hai vợ chồng chửi bới nhau, anh rể đem cả tông ti họ hàng nhà vợ ra chửi. Đã có lần Hoành vác dao sang, định chém anh rể. Ông anh rể gầy gò nhỏ thó, sợ hãi chui tọt vào gậm giường. Chị hét toáng lên:

- Hoành, mày định làm gì vậy? Chuyện riêng nhà tao mày đừng có xen vào!

Hoành xách cổ ông anh rể run lập cập dưới gầm giường lôi ra, cho mấy cái bạt tai:

- Tôi thay mặt mẹ, trừng trị ông đã dám xúc phạm đến tông ti họ hàng nhà này. Từ nay hai vợ chồng cãi nhau cấm lôi họ mạc ra chửi, không thì đừng trách thằng này hỗn!

Khi Hoành vừa bỏ cổ áo anh rể ra, bà chị đã bay đến bên chồng, vội vã lấy cao xoa lên vết sưng trên má gã, vẻ xót xa lắm. Hoành bực mình phì cười, ngán ngẩm: "Đúng là vợ chồng nhà phường chèo!".

- Vợ chồng chị cả... có gì mới không? - Anh đang định hỏi xem vợ chồng họ còn hay chửi nhau không, nhưng lại thôi.

- Nó mới đẻ thêm đứa nữa.

- Lại đẻ! Mấy đứa rồi? Bốn phải không?

- Năm. Toàn vịt giời. Chắc lại cố đẻ thêm đứa nữa đấy!

Anh thở dài. Đàn ông làng đa số độc tài, tự cho mình cái quyền đánh vợ. Ai bị coi là sợ vợ thì mất hết thể diện. Họ đúc kết: vợ là phải dạy dỗ, thuần hóa, có thể dùng vũ lực khi cần thiết.

Anh đã từng hứa với Hiền sẽ không dùng vũ lực, cũng không đẻ nhiều con, dù là trai hay gái. Hiền hỏi lại: "Thật không đấy? Anh nóng tính như lửa, khó tin lắm. Nếu không vậy thì đừng hòng mà lấy em". "Tại sao anh phải nói dối? Đánh phụ nữ là hèn. Phụ nữ là hoa, là hiện thân của cái đẹp, phải nâng niu bảo bọc mới đúng, tại sao lại cho mình cái quyền áp chế người khác?". Hiền thích chí véo má anh đau điếng: "Hứa rồi đấy nhé. Em đồng ý lấy anh đấy!".

***

Làng đã hiện ra, cánh đồng bát ngát đang thì con gái. Mùi hương lúa thơm lạ lùng, đánh thức trong anh một nỗi nhớ mơ hồ. Sóng lúa rờn rợn, xô nhau chạy, tiếng lúa cọ vào nhau như tiếng cười trong trẻo, rì rầm. Mẹ đi bên anh, bé nhỏ và lặng lẽ. Con đường làng ngoằn ngoèo trải sỏi trắng sáng lấp lánh trong ánh mặt trời. Đầu làng là một gốc đa to. Đang lúc nông nhàn, người làng tụ tập quanh gốc đa hóng mát. Gốc đa này được anh gọi là trạm truyền thông của làng. Mọi tin tức nhỏ nhất sẽ từ đây loan đi nhanh với tốc độ kinh khủng và sẽ được khuếch đại ghê gớm. Cho dù anh đã khinh thường nó nhưng vẫn có cảm giác ram ráp khi bị những ánh mắt hiếu kỳ quét ngang người. Phải thản nhiên như không ấy. Anh tự nhủ song những sợi ria mép vẫn động đậy. Mẹ cất tiếng chào mọi người. Anh cũng gật đầu chào một cách hờ hững.

- Đã về hả?

- Vâng.

- Lâu ngày không gặp, rắn rỏi quá.

- Vâng - Anh nhìn khắp lượt - Mọi người khỏe cả chứ?

- Khỏe cả. Khỏe cả.

- Mùa màng năm nay thế nào?

- Mùa màng à? Tốt! Tốt lắm.

Những câu xã giao làm anh mệt bã người. Anh xách túi rẽ vào hẻm nhà mình. Vẫn con đường đất lở lói, những ngôi nhà cũ mèm trong ký ức. Đám trẻ con chơi ngoài đường, nhìn chúng là lạ quen quen. Năm năm qua, nhiều đứa trẻ ra đời, không ít trai gái đã trưởng thành và những đứa cởi truồng xưa kia giờ có thể đã là những cô cậu bé nhanh nhẹn, rắn rỏi.

- Chú Hoành kìa, tụi mày ơi!

Có nhiều đứa nhận ra Hoành. Anh mỉm cười nhìn chúng. Chúng rụt rè chào anh. Trong đám trẻ, một cô bé trạc ba tuổi ngước nhìn anh với cặp mắt thật quen.

- Nhận ra con ai không?

- ...

- Con của cái Hiền đấy.

Đi được hai năm, anh được tin Hiền lấy chồng. Cô bé con này có cặp mắt của Hiền, cái miệng của Hiền, cả nốt ruồi ở cằm xinh xinh cũng giống nốt.

Bước vào nhà, anh xây xẩm mặt mày khi mùi đất nền xông lên mát rượi. Căn nhà tối và u tịch. Hầu như không có đồ đạc nào đáng giá. Tất cả tiện nghi xưa kia đã đội nón ra đi theo anh từ năm năm trước. Chị Biển ngồi bên cửa sổ cặm cụi thêu. Không ngẩng lên, giọng chị nhàn nhạt:

- Cậu về.

- Vâng. Chị vẫn thêu à?

- Cơm nước chưa con? Chắc em nó đói lắm rồi - Mẹ tất tả đi vào nhà.

Chị buông kim, lặng lẽ xuống bếp dọn mâm. Cả ba cùng ăn dưới bếp như xưa, một thói quen của mấy chục năm, sau ngày bố mất. Mẹ ngồi gắp cho anh. Thỉnh thoảng, bà đưa tay chùi mắt. Chị đang lặng lẽ ăn, nhăn mặt gắt:

- Mẹ ăn đi! Cứ như vậy cậu ấy ăn sao được.

Những khi cau có, trông chị già kinh khủng. Mà chị còn trẻ trung gì, đã ngoài ba mươi rồi. Những nếp nhăn đã hiện ở đuôi mắt. Nhìn chị, anh thấy buồn hối lỗi. Sau chuyện xảy ra, người nhà bên đó đã từ hôn. Và chị cứ lặng lẽ sống như vậy. Nhớ lại chuyện này, miếng cơm nghẹn ngang cổ. Anh buông đũa. Mẹ lo lắng:

- Con ăn không vừa miệng à?

- Không, ngon lắm mẹ ạ. Nhưng con no rồi.

Sau bữa ăn, anh ra giếng rửa bát cùng chị. Chị vẫn kiệm lời như xưa. Chợt chị ngẩng đầu lên nhìn anh:

- Hiền mấy hôm rồi nó mới hỏi thăm cậu đấy.

Nhắc đến Hiền, tim anh đập gấp.

- Cô ấy... có khỏe không?

- Nói thực thì không.

Sau ngày anh đi, Hiền bị gia đình bắt lấy chồng. Hiền đã từng lên tìm anh nhiều lần. Anh kiên quyết rời bỏ cô ấy. Thậm chí anh đã tìm lý do để xỉ vả cô ấy, đổ lỗi cho cô: vì gia đình cô mà sự việc đã đi đến chỗ tồi tệ. Sau đó, cô đã lấy chồng ở xã bên. Đó là một kẻ rượu chè, cờ bạc, tàn nhẫn với vợ con.

- Cô ấy cương quyết bỏ chồng về nhà, bị bố mẹ và anh đuổi, Hiền ra rìa làng sống, một mình nuôi con.

- Còn chị những năm qua...

- Vẫn thế thôi.

- Chị hận em lắm, đúng không?

- Thôi đừng nói chuyện đó. Đã năm năm rồi mà.

Anh định nói nữa nhưng sợ chị cau mặt. Sợ nhất là phải nhìn thấy chị già. Hồi đó, chị đã mắng chửi anh, đã khóc mất cả tiếng, mắt sưng húp. Hoành đã là người phá hoại hạnh phúc trong tầm tay của chị.

- Những năm qua gia đình mình sống thế nào?

- Ban đầu cũng khổ lắm, cậu cũng hình dung được đấy. Tiếng chì tiếng bấc. Rồi sau cũng qua đi. Nhưng cả họ lẫn mình, có ai sung sướng đâu. Sống trong thù hận mệt mỏi lắm. Cậu thôi đi, cậu ạ.

Chị ngước nhìn anh, khẩn khoản. Anh cũng đâu có sung sướng gì. Đã trả giá cho một phút nông nổi bằng chính tuổi trẻ và hạnh phúc của mình. Tất cả hạnh phúc đang nhen nhóm phút chốc tan thành mây khói. Và còn bao nhiêu người thân khổ vì anh nữa.

Anh thu mình trên chiếc chõng tre, ngồi hút thuốc lào vặt. Mẹ vẫn lúi húi dưới bếp, lo lợn gà, bèo cám. Những cái bóng thập thò đầu ngõ rồi thoắt biến mất. Chắc chắn mọi người sẽ còn tiếp tục phải khổ tâm về mình rất nhiều trước búa rìu dư luận. Chẳng ai sống bằng dư luận nhưng dư luận có thể giết chết người ta.

có tiếng lạch xạch ngoài cửa.

- Thế nào, anh Hoành về rồi phải không?

Hơn chục người họ hàng bước vào. Mẹ bưng ngô rang và nước trà xanh mới nấu lên mời mọi người.


- Khỏe chứ? Ừ, nhìn được lắm! Cũng không đến nỗi nhỉ - Giọng bác Phú oang oang.

Anh vào lấy bao Vina trong ba lô ra mời hết lượt mấy người đàn ông và chợt nghĩ sao cái cảnh này giống hệt khi mình ra quân gần chục năm về trước. Những khuôn mặt hàng xóm thân quen khiến anh xúc động, cho dù anh biết trong đám người này cũng không ít kẻ đến xem anh ra sao, vì sự hiếu kỳ. Bà Tĩnh năm nay gần bảy mươi, mắt mờ, đi phải chống gậy. Bà đến ngồi bên Hoành, sờ vào tay anh, xúc động:

- Có khổ cực không con?

- Con khỏe, bình thường bác ơi.

- Về nhà rồi, tĩnh tâm mà làm ăn con nhé. Bớt cái tính nóng đi. Nóng nảy sinh cục cằn, nông nổi, con ạ.

Anh xiết nhẹ tay bà cụ. Sau năm năm, bà đã già như thế này rồi sao. Bà góa chồng và thường hay bị cánh đàn bà trong xóm ghen bóng ghen gió. Bà vẫn cứ bình thản sống, lặng lẽ già đi theo năm tháng. Người con trai duy nhất của bà đi xuất khẩu lao độâng bên Tiệp, đã mất tin tức hơn chục năm trời. Có tin đồn anh bị bọn xã hội đen xử, lại có tin anh ta sốc ma túy chết. Từ đó, hai bà góa thân thiết gắn bó với nhau, dù nhà hai người cách nhau đầu làng tới cuối làng. Bà rất thương Hoành, coi anh như con. So với mẹ, bà Tĩnh khổ gấp nhiều lần bởi cảnh đơn chiếc lẻ loi.

- Lấy vợ đi con ạ.

-Vâng. Chỉ sợ không cô nào chịu.

- Lấy một cô cứng tuổi, không cần đẹp, chỉ cần họ hiền lành thôi con ạ.

***

Chuyện lấy vợ chính là nỗi đau của anh.

Được Hiền yêu là một hạnh phúc lớn. Song, để lấy được Hiền không phải dễ. Hồi đó, cô là một cô giáo làng phơi phới xinh đẹp. Đám thanh niên theo Hiền chất mấy xe công nông không hết. Thế nhưng Hiền lại yêu anh, gã trai nghèo tay trắng và thất học. Cha mẹ Hiền sau mấy năm trời kịch liệt phản đối, đành nhượng bộ khi con gái đã đến tuổi hai bốn.

"Ai muốn lấy con Hiền thì trước hết phải chứng tỏ khả năng đảm bảo kinh tế. Không biết làm ăn để nuôi vợ con thì đừng bén gót tới cổng nhà này". Người nhà Hiền bóng gió nhắn tin sau khi anh vừa giải ngũ được ít lâu.

Rất nhiều đêm Hoành vắt tay lên trán, suy nghĩ rất lung. Gia đình Hiền khinh thường anh, song họ có lý. Sẽ trăm ngàn lần có tội nếu lấy Hiền về mà không đem lại cho cô hạnh phúc. Biết bao cô gái xinh đẹp phơi phới, sau khi lấy chồng đã nhanh chóng biến thành bà già bởi cảnh con cái nheo nhóc, vợ chồng sớm tối chửi chó mắng mèo.

Vả lại, tuổi trẻ cần lao động để tạo ra giá trị cho đời sống. Hoành cảm thấy buồn vì không có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Sẽ làm gì để có thể kiếm ra tiền? Quê anh đồng chiêm trũng, đất chật người đông, mỗi nhà chỉ có vài sào ruộng, đủ lúa ăn là tốt lắm rồi. Muốn giàu thì phải đi buôn, mà đi buôn thì phải có vốn, có kinh nghiệm...

Nhưng nhất định phải làm ra tiền! Nhất định.

Sau hơn một tháng đi tham khảo ý kiến của nhiều người, cuối cùng Hoành mạnh dạn đề nghị với xã được đấu thầu cánh đồng Bồ ngay trước cửa làng. Cánh đồng ấy chỉ cấy được vụ chiêm còn vụ mùa thì bỏ không vì ngập nước. Anh đã đấu thầu vụ mùa để nuôi cá một vụ.

Người trong làng bảo Hoành điên rồ. Có kẻ còn mỉa mai: "Cẩn thận kẻo vợ không lấy được mà còn ôm về cả đống nợ".

Nhưng vụ đầu tiên anh đã trúng đậm, trừ tiền giống, tiền thức ăn, tiền thuê ruộng, anh có được hơn chục triệu.

Khi người nhà Hoành gánh những gánh cá nặng trĩu lên bờ bán cho lái buôn, dân làng mới sực tỉnh. Cái việc thả cá của thằng cha này hóa ra ngon ăn quá. Nước lên thì đắp bờ lại giữ nước và thả cá, hết mấy tháng mùa mưa thì tháo nước ra ngoài, rồi cứ thế mà hốt cá đem lên bờ đổi lấy tiền.

Bắt đầu có những kiến nghị với hợp tác xã: không cho Hoành thả cá, bởi làm hỏng ruộng. Điều này vô căn cứ vì Hoành không những không làm tổn hại đất ruộng mà còn bỏ ra hàng trăm ngày công tu sửa đắp bờ bao quanh đồng, để giữ nước trong vụ chiêm khô khát. Họ lại xoay sang lý do: nuôi cá sẽ làm chậm khâu tháo nước để cày bừa. Không được xã chấp nhận, họ đề nghị tăng giá đấu thầu lên, vì họ thấy giá như vậy quá bèo.

Thành công nhưng những lời đâm bị thóc chọc bị gạo luôn vo ve quanh anh. Mật ít ruồi nhiều, cái làng nghèo phẳng lặng này thấy ai trội hơn, họ sẽ cảm thấy không ổn, bất thường, sai trật tự. Hoành đã phá vỡ nếp nghĩ nếp làm nơi đây. Phải tìm cách đưa tất cả về trật tự. Nhưng dễ gì mà lái được Hoành. Anh bàn với xã cho đấu thầu mảnh đất quanh năm chó ỉa gần bãi tha ma để trồng cây ăn trái.

- Thằng này điên rồi. Điên thật rồi. Một tay nó dám che cả trời sao?

Một nhóm người làm đơn, kiên quyết bác bỏ cả ao cá lẫn bãi đất dự phòng cho người chết. Họ nói, những ruộng lúa kia của mỗi gia đình, không được ai xâm phạm khi chưa có sự đồng ý.

Buổi chiều hôm ấy, Hoành được gọi lên ủy ban. Anh cán bộ xã trầm ngâm, ái ngại nhìn Hoành:

- Chúng tôi phải rút lại đấu thầu cái ruộâng nuôi cá. Bà con người ta làm dữ quá, đơn đã đi lên huyện, lên tỉnh rồi. Thông cảm nhé. Chúng tôi sẽ hoàn trả tiền đấu thầu, coi như không có gì...

Anh đứng ngây người như trời trồng. Công lao anh đã bỏ vào đó, khổ cực biết chừng nào. Người cán bộ vỗ vai Hoành an ủi:

- Thôi, thông cảm đi, bất đắc dĩ chúng tôi mới phải làm vậy!

Khi ra khỏi ủy ban xã, Hoành tuyệt vọng tới mức mặt mày bạc thếch, đi không vững nữa. Bác Phú xách chai rượu sang nhà Hoành, hai người chén tạc chén thù. Bác rù rì rót vào tai Hoành những thông tin vừa thu lượm được:

- Hai thằng chủ mưu là Thường và Hựu cụt. Tay Thường có em làm trên huyện trên tỉnh gì đó. Còn thằng cụt là tay sai đắc lực cho Thường, con chó liếm đít cho nhà ấy. Họ bên đó khinh họ bên mình ra mặt đấy.

Uống hết chai sáu lăm, máu điên đùng đùng nổi lên, Hoành loạng choạng đi ra đường. Qua cổng nhà Thường, một đám đông đang đánh chén trong sân. Rộ lên tràng cười hô hố khiến Hoành đứng phắt lại.

- Hừ, thời buổi này cóc nhái cứ đòi nhảy lên làm người đấy các cụ ạ.

Giọng thằng Hựu bẹt ra vì rượu. Những cặp mắt đắc thắng hướng ra cổng.

- Thằng kia, mày cạnh khóe gì thế hả? - Hoành xông vào. Cơn giận bùng lên như một đám bùi nhùi đẫm dầu gặp lửa. Hựu cuống lên, chạy núp sau lưng Thường.

- Tôi nói gì đến nhà anh đâu. Ơ hay!

- Mày nói lại xem đứa nào là cóc nhái hả? Mày dám nói lại không?

Thường, người đàn ông ngũ tuần, người gân, mắt nhỏ lúc nào cũng lim dim như mắt rắn. Ông ta đứng lên, giọng ôn tồn:

- Anh Hoành, đừng vội nóng thế. Có gì đâu mà chưa chi đã suy bụng ta ra bụng người. Chẳng là hôm nay mát giời, anh em chúng tôi thịt con chó, ngồi lai rai với nhau chút đỉnh. Nếu anh không bận bịu, thì vào mâm uống với mấy thằng con tôi.

A, lão xỏ ngọt mình đây. Ông Thường vốn nổi tiếng là nói có ngọn ngành, văn hoa lý luận, nhà có của ăn của để, lại có anh em làm to nên dân làng cũng nể vì. Hoành nhổ bãi bọt xuống đất, lơ ngay lão Thường:

- Thằng chó, mày mà sủa bậy bạ thì tao băm thịt cả họ mày ra nấu giả cầy đấy nghe con!

Nói rồi gãi bụng, vắt áo lên vai lênh khệnh bước ra khỏi cổng. Mâm tiệc của đám người họ Lê lặng ngắt. Chẳng ai dám động vào Hoành. Bởi có ai trong làng này xứng tầm cho một cú đấm tay trái của anh.

Đến nay, khi trở về làng, ngồi giữa bà con họ hàng, Hoành bỗng cảm thấy vô cùng cô độc. Lòng hoang lạnh như một đống tro tàn. Năm năm qua, không phút nào anh quên được chuyện cũ. Vì sự mưu sinh, mình đã thành một con người tồi tệ, bệ rạc đáng khinh đến nhường ấy? Phải chi đừng chấp nê bọn chúng. Phải chi hôm đó đừng diễu qua cổng nhà chúng. Phải chi hôm đó mình say nằm bệt ở nhà... Tất cả là số phận.

Mà âu cũng là chuyện nhân quả.

Mối thù ấy, ngọn lửa uất hận ấy, anh đã khắc lên cánh tay mình. Nhưng hôm nay, khi nắm bàn tay bà già nhỏ bé, yếu ớt này, anh cảm thấy mọi thứ trôi qua thật vô nghĩa. Anh đã làm được gì cho mình và những người anh yêu quý? Không gì, ngoài những nỗi buồn và sự bất hạnh.

***

Chuyện đã vãn, hàng xóm kéo nhau về để chuẩn bị cơm chiều. Anh dắt bà Trình về nhà. Nhà bà ở cuối làng. Nơi đó sẽ đi qua cánh đồng Bồ, qua cổng nhà Thường. Anh muốn đi qua đó.

Anh muốn giáp mặt gã. Gã sẽ phải kinh ngạc và run sợ khi thấy anh, chắc thế. Anh nhớ, trong những phiên tòa ngày ấy, gã đã chạy chọt khắp các cửa để làm cho án của Hoành thật nặng. Với gã, Hoành lý ra phải chung thân. Thế nhưng tòa chỉ xử có tám năm và nay, chưa đầy năm năm anh đã được ra tù. Nghĩ tới điều này, lòng anh thấy nhẹ nhõm. Dấu vết năm năm đã ở lại phía sau. Thậm chí anh còn trút bỏ mặc cảm của kẻ đã từng tù tội.

Nhưng cảm giác đó tắt ngấm khi họ đi qua nhà Thường. Ngôi nhà ấy đây, nhưng sao hoang lạnh thế? Trước kia, nó lúc nào cũng tươm tất, sáng choang, là niềm tự hào của gã chủ nhân hợm hĩnh. Bờ giậu râm bụt xơ xác không người cắt tỉa, bức tường thấp trong sân đã không còn chậu cây cảnh nào. Bên giếng, một phụ nữ đang giặt áo. Khi nhìn thấy Hoành và bà cụ đi qua, cô ta ngừng ngay, ngẩng mặt chào bà cụ rồi nhìn anh đăm đăm song trong mắt chẳng biểu hiện gì.

- Cụ ơi, cái cô lúc nãy là ai thế? Con dâu lão Thường à? - Anh khẽ hỏi bà khi họ đi một đoạn khá xa.

- Con gái út nhà lão đấy.

Hoành giật mình. Đứa con gái mỗi lần ra tòa làm chứng lại khóc thút thít đó sao? Hồi ấy, người ta làm đủ xét nghiệm để chứng minh nó bị hỏng tai và sức ép của mìn làm mất trí. Lần cuối, cô ta gào lên: "Thả tôi ra! Thả tôi ra! Tôi chẳng sao hết! Hãy buông tha tôi! Mẹ ơi, cứu con!". Câu nói này trở thành bằng chứng để tòa tăng thêm cho Hoành hai năm ngồi nhà đá.

Rốt cuộc, cô ta bị sao không? Câu hỏi ấy cứ trăn trở trong Hoành nhiều năm tháng.

- Cô ấy... chưa lấy chồng à bác?

- Nó thì còn lấy ai? Hai bốn tuổi, mang tiếng nghễnh ngãng và tâm thần.

- Cô ấy... bị tâm thần thật sao?

- Thì hồi kiện tụng, ông già nó lu loa lên là con bé bị hỏng tai, ảnh hưởng đến não. Có ai ngờ, điều đó hóa ra hại đời nó. Tai nó có bị đau mất một thời gian, nhưng sau thì bình thường. Còn tính nó cũng chẳng có gì khác cả... Nhưng con gái đến thì mà chẳng ai nhòm ngó làm sao không phát điên lên được.

Bà Trình kể, giờ lão Thường cũng thảm lắm. Sau khi Hoành vào nhà giam, lão vẫn chưa thôi, bán của cải để đi khiếu nại lên trên. Sự căm hận khiến lão mù quáng. Cũng như sự mù quáng nơi Hoành khi buổi sáng ấy bước ra, thấy cánh đồng cạn trơ nước. Kẻ nào đó đã phá bờ cho nước chảy ra ngoài, cá theo nhau đi sạch. Công sức của những năm tháng vun đắp đã theo nhau xuống sông hết cả.

Hoành còn nhớ như in cái cảm giác giận điên người. Anh đấm tay vào đá, nghiến răng ken két, bàn tay tóe máu.

Chúng mày sẽ phải trả giá!

Trong đám đông ùn ùn kéo nhau ra xem, Hoành thấy nụ cười khinh đời của lão Thường và tiếng cười hô hố của gã cụt tay.

Nếu như hôm đó cả hai trái mìn đều nổ thì anh đã không mất năm năm trong nhà lao. Nhưng nếu hai trái mìn cùng nổ, thì sẽ là mạng sống của những ai?

Hôm đó, kẻ thù của Hoành - lão Thường và thằng cụt - đi đánh bài thâu đêm ở xóm trên mà Hoành không hay biết.

Chính trái mìn tịt ngòi có dấu vân tay của Hoành là tang chứng không thể chối cãi. Hoành cũng không muốn chối. Điều ân hận là trái mìn đó không làm được điều mà Hoành mong muốn.

Đã đến nhà, bà Trình ngẩng lên cười, trìu mến:

- Thôi, về đi con. Về mà nghỉ ngơi. Đừng để ý đến những lời thị phi nhé.

Bước thấp bước cao, bà chống gậy vào căn nhà vắng. Tiếng gậy khua vang trên mảnh sân con.

Bóng tối đã trùm lên cái làng nhỏ bé. Xa xa phía núi, gần bãi tha ma, lô nhô những ngôi nhà nhỏ xíu của các hộ gia đình trẻ như tách khỏi làng. Bếp lửa hồng bập bùng, tiếng trẻ con cười đùa, la hét. Gió từ xa đưa lại mùi khói rơm rạ, mùi cá kho và mùi cơm quá lửa. Cuộc sống nơi đây đang rì rầm cuộn chảy. Ngôi nhà nào trong đó là của mẹ con Hiền?

Hoành không về vội. Anh ngả người trên chiếc cống cuối làng, nhìn mông lung vào bầu trời đầy sao. Cuộc đời sao mà ngắn ngủi, thoáng chốc đã hết vèo tuổi trẻ. Những uất hận, căm thù rốt cuộc sẽ đem lại điều gì?

Chẳng còn gì ngoài một khoảng trống trong tâm hồn. Khoảng trống ấy lớn quá, như bóng tối mênh mông phủ xuống cánh đồng, biết lấy gì để lấp đầy bây giờ?



Nguyễn Hồng Dung
Thanhnien Online

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9