Đọc cái này thấy vui vui, mang dzìa cho mọi người cùng đọc nha.
"Tám" hay còn gọi là "buôn dưa lê" đã trở thành từ ngữ quen thuộc của người Việt Nam thời hiện đại. Do tần số xuất hiện dày đặc nên có người đã so sánh rằng, “tám” giống như một căn bệnh nan y khó chữa. Sự thực, nó có đáng sợ như thế không? Hãy cùng nghe các nghệ sĩ bày tỏ. Nghệ sĩ hài Việt Hương: Nếu nghe đàn ông “tám” thì chỉ có nước… bó tay Tôi rất hay “tám” vì nhờ đó, tôi biết thêm nhiều điều. Chẳng hạn, có lần "buôn" với bạn bè, tôi biết họ có bí quyết dưỡng da rất tốt. Sau đó, tôi liền áp dụng công thức dưỡng da ấy cho mình và thấy da trở nên đẹp hơn.
Nhưng cũng có người quá rảnh rỗi, thường đi rêu rao, kể chuyện người khác một cách lố bịch. Nhất là đàn ông. Nếu nghe họ “tám” thì chỉ còn nước… bó tay. Bởi có những chuyện người trong cuộc chẳng biết tí gì, thế mà họ đem ra “buôn” cho vui mới chết chứ.
Tôi kịch liệt lên án những kẻ thích “tám” chuyện gia đình hoặc chuyện riêng tư của người khác. Để căn bệnh trở nên vô hại, các bạn thể áp dụng theo cách của tôi xem sao. Nếu chuyện vui thì “tám” tiếp, còn thấy có vấn đề thì hãy dừng ngay đề tài này. Một vài lần “thuê bao đã ngoài vùng phủ sóng” sẽ khiến những kẻ mắc bệnh này bị quê độ và dần dần bỏ tật "buôn" chuyện người.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Bản thân tôi đây cũng là một nhân vật của bao nhiêu chuyện. Nghe cứ ghê cả răng… Cách đây trên 200 năm, nhà văn Đan Mạch nổi tiếng thế giới Andersen đã viết rất hóm về “căn bệnh buôn dưa lê” này. Đại khái, buổi sáng, chị gà mái vừa nhảy khỏi chuồng thì bị mất một cái lông cánh. Chuyện rụng lông với lũ gà thì cũng bình thường thôi. Thế mà chị ngan vẫn rỉ tai chị vịt. Rồi chị vịt lại thì thào với chị ngỗng. Cứ rầm rầm rì rì. Đến lúc câu chuyện trở lại tai chị gà mái (nhân vật chính) thì đã thành một chuyện tày trời.
Và chính chị gà mái lại quả quyết: “Này! kinh lắm nhá. Có một mụ gà mái đánh nhau với tình địch. Đánh ác lắm đến mức trụi thùi lụi, chẳng còn một cái lông nào"... Theo quan điểm của tôi, đây là căn bệnh chung của loài người, không phân biệt giới tính.
Ở đàn ông thì người ta gọi là chuyện bàn trà, quán bia. Cứ hai anh ngồi với nhau thì anh thứ ba sẽ “hy sinh”. Căn bệnh này lây cả sang báo giới. Khối anh “buôn dưa lê” cũng chẳng thua gì chị em. Bản thân tôi đây cũng là nhân vật của bao nhiêu chuyện. Nghe cứ ghê cả răng. Người viết nhiều khi còn là bạn mình. Họ không xấu và cũng không ác ý. Tất cả chỉ để vui thôi mà…
Tôi quả quyết căn bệnh này không thể chữa được, và cũng đừng nghĩ đến chuyện chữa bởi cái mồm luôn luôn rỗi rãi. Mồm có phải lúc nào cũng dùng để ăn đâu. Mồm rỗi mà không biết dùng để làm việc gì thì tất phải “buôn” chứ sao. Mà cái trò “kinh doanh” này lại không cần “vốn” nên ai cũng “kinh doanh” được.
Tôi không nghĩ “buôn dưa lê” là nhu cầu tất yếu của đời sống mà đó chỉ là nhu cầu tất yếu của… cái mồm. Loài người thông minh lắm. Họ đã nghĩ ra cách phòng bệnh "buôn dưa lê" bằng cách tạo “công ăn việc làm” cho cái mồm. Và thế là họ đã sáng chế ra… kẹo cao su. Đây là thứ kẹo chỉ có nhai mà không có nuốt. Vậy thì cần cải tiến nâng cấp kẹo cao su, để làm sao loại kẹo này có khả năng gây… nghiện. Và như thế con người ta, trừ những lúc ngủ, còn đã thức là… nhai. Và bệnh “buôn dưa lê” sẽ lập tức chấm dứt.
MC Thanh Bạch: Bệnh "tám" cũng như nọc rắn giết người. Một liều vừa đủ, nọc rắn sẽ trở thành thần dược Khoa học đã nghiên cứu, nhu cầu nói của nữ lớn hơn nam. Trời sinh phụ nữ nếu mỗi ngày nói đủ số lượng từ sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi cho rằng, căn bệnh này dễ lây lan. Nam giới không khéo phòng chống cũng mắc như chơi. Vì thế, không loại trừ nhiều đấng mày râu cũng rất mê "tám".
Khi nhìn thấy vợ mình đang "tám" chuyện với một ai đó, tôi có cảm giác rất... thích. Bởi đằng nào, nàng cũng cần nói hết số lượng từ cần phải nói trong ngày, thế thì nói ở đâu cũng được. Chứ nói không đủ, e rằng nàng sẽ ấm ức, tức tối, khiến mình lãnh đủ…
Hãy tưởng tượng một thế giới không có "tám"? Sẽ chỉ toàn một màu nâu ảm đạm. Hãy khơi đúng nguồn mạch và biết làm cho đề tài “tám” trở nên hấp dẫn, giúp chúng ta hào hứng, thêm yêu đời hơn. Nhưng cũng đề phòng nó gây chia rẽ, mất đoàn kết, nghi kỵ, thù ghét lẫn nhau, đôi khi dẫn đến ẩu đả chứ chẳng chơi. Bệnh "tám" cũng giống như nọc rắn giết người. Một liều vừa đủ, nọc rắn sẽ trở thành thần dược.
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà: Tôi từng là nạn nhân của bệnh “tám” “Tám” là nhu cầu của những người rảnh rỗi, và xét về một phương diện nào đó, nó cũng là một thú vui trong cuộc sống. Riêng tôi, tôi thường “buôn bán” về chuyện làm đẹp, về shopping quần áo, giày dép, mỹ phẩm ở chỗ này, chỗ kia. Nói chung, làm sao để nhận được nhiều thông tin giải trí và không có hại cho ai là cách “tám” của tôi.
Tôi biết có rất nhiều người “tám” không đúng sự thật vì vui miệng hay vì ý đồ riêng. Chuyện đó không có gì hại cho họ nhưng lại gây hậu quả nặng nề đối với người trong cuộc.
Tôi từng là nạn nhân của bệnh “tám” khi có tin đồn tôi có chồng, con ở Hà Nội. Đó là cú sốc trong cuộc đời tôi vì nó ảnh hưởng đến sự nghiệp lẫn tình cảm.
Còn bây giờ, khi nghe ai đó “tám” rằng, tôi chịu yêu một người… không tương xứng về ngoại hình vì lợi dụng tài năng, danh tiếng của người đó, tôi thấy không sao hết. Thời gian sẽ trả lời tất cả. Tôi và người ấy đều xác định được tình cảm của mình nên sẽ không quan tâm đến bất kỳ lời đồn đại nào.
(Theo
Mỹ Phẩm) Còn đối với tôi thì 8 online không liên quan gì đến cái miệng nhưng cũng gây nghiện không kém gì 8 offline! Như vậy biện pháp nhai kẹo cao su của nhà thơ TĐK chỉ giúp...tốn tiền mua kẹo ngồi 8 online thêm thôi
(vừa gõ vừa nhai kẹo thì lại chẳng...thích chí quá !
)