. Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh
và 70 năm ngày mất đại văn hào Lỗ Tấn:
Những người phụ nữ của đại văn hào
Tâm Duyên
Lỗ Tấn và con trai. Lỗ Tấn tên thật là Chu Thụ Nhân, người huyện Thiệu Hưng (Triết Giang -Trung Quốc), sinh ngày 25/9/1881 và mất ngày 19/10/1936. 55 tuổi đời, ông đã để lại một văn nghiệp vĩ đại cho hậu thế khiến cả nhân loại đều khâm phục. Hằng năm, từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10, Trung Quốc đều có những hoạt động lớn kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của ông. Nhân dịp này, chúng tôi xin lược dịch câu chuyện về những người phụ nữ thân thiết của đại văn hào Lỗ Tấn để bạn đọc biết thêm về cuộc đời ông.
Người phụ nữ đầu tiên, tất nhiên phải kể đến, đó là thân mẫu Lỗ Tấn - bà Lỗ Thụy - một người phụ nữ thông minh và giỏi giang. ở nhà họ Lỗ, kể từ khi ông nội Lỗ Tấn là Chu Phúc Thanh mắc vào vụ án ở trường thi và phải vào tù thì gia đình sa sút, luôn gặp khó khăn. Bà Lỗ Thụy ở góa vào tuổi trung niên, một mình nuôi dạy 3 anh em Lỗ Tấn, đảm đương gánh nặng nhà chồng. Chịu ảnh hưởng lớn của bà và được bà nâng đỡ, nhà họ Chu cuối cùng đã xuất hiện một “linh hồn của dân tộc Trung Hoa” là Lỗ Tấn, đồng thời cũng sản sinh ra “Chu gia tam kiệt” nổi tiếng trong lịch sử hiện đại Trung Quốc.
Năm Lỗ Tấn 18 tuổi, bà Lỗ Thụy bắt đầu nghĩ đến chuyện hôn nhân cho con. Bà để ý đến một người con gái xinh đẹp, hiền thục trong vùng có tên là Chu An. Bà muốn cô trở thành con dâu trưởng nhà họ Chu. Việc cưới xin vốn định vào năm 1901 nhưng cuối năm ấy, nhờ có thành tích học tập xuất sắc tại Trường Thủy sư (hàng hải) Giang Nam, Lỗ Tấn tốt nghiệp loại ưu và được cử sang Nhật học tiếp. Lễ cưới đành phải lùi lại.
Năm 1906, Lỗ Tấn 25 tuổi còn Chu An đã gần 30 tuổi. Bà Lỗ cảm thấy việc cưới xin không thể trì hoãn được nữa, bèn nói dối là ốm, gọi Lỗ Tấn từ Nhật về để tính chuyện trăm năm cho con. Đối với cuộc hôn nhân này, ngay từ đầu Lỗ Tấn đã tỏ thái độ phản đối. Nhưng từ nhỏ đến lớn ông rất yêu quý và kính trọng mẹ nên qua một đêm nghe mẹ giáo huấn, Lỗ Tấn đã vâng lời làm một việc mà ông không hề tự nguyện. Tháng 3/1906, hôn lễ được tiến hành. Hôn nhân có thể gán ghép nhưng tình yêu thì không thể miễn cưỡng. 4 ngày sau lễ cưới, Lỗ Tấn bỏ sang Nhật, để Chu An ở lại không một chút lưu luyến. Những năm sau này, thỉnh thoảng ông cũng có về thăm nhà nhưng không ân ái gì với vợ. Còn Chu An, một chữ bẻ đôi không biết, chẳng hề nghĩ và cũng không thể nghĩ được rằng đám cưới mà cô ngày đêm tơ tưởng và chờ đợi suốt 7 năm trời này sẽ không mang lại hạnh phúc như cô mong đợi. Cô vẫn chăm chỉ phụng dưỡng mẹ chồng, vò võ chờ đợi và âm thầm hy vọng.
Tháng 10/1927, khi Lỗ Tấn quyết định sống chung với một người phụ nữ khác là Hứa Quảng Bình thì Chu An dù tuyệt vọng nhưng không một lời oán thán, vẫn làm tròn bổn phận của một nàng dâu thảo hiền và cam chịu sống như vậy cho đến lúc qua đời.
Nữ sinh Trường cao đẳng sư phạm Bắc Kinh Hứa Quảng Bình nghe thầy Lỗ giảng bài hết một niên khóa, đã đem lòng khâm phục và yêu mến vị giáo sư chính trực, bản lĩnh này, cô bèn dùng những lá thư tình để tấn công Lỗ Tấn. Những lá thư giữa hai đầu đất nước không chỉ kéo hai người lại gần nhau, dựng lên mối tình thầy trò tâm đầu ý hợp mà còn để lại cho đời một pho văn chương khá độc đáo (Lưỡng địa thư – Tuyển tập những lá thư tình của Lỗ Tấn và Hứa Quảng Bình, đã được xuất bản tại Trung Quốc). Tuy xa cách nhau và hai người luôn phải trốn tránh nhà đương cục vì tham gia các phong trào nổi dậy nhưng mối tình của họ vẫn ngày càng nồng đậm. Kết tinh của mối tình ấy là Chu Hải Anh, người con trai duy nhất của Lỗ Tấn. Khi Hứa Quảng Bình mang thai Chu Hải Anh, Lỗ Tấn đành phải lên Bắc Kinh nhận tội với mẹ. Chu mẫu vui mừng vì sắp có cháu nội nên “tha” cho Lỗ Tấn, nhờ đó mà quan hệ giữa ông và Hứa Quảng Bình mới được chính thức công khai, dẹp mọi tiếng đồn thị phi bấy lâu. Điều này là một niềm vui lớn đối với Lỗ Tấn nhưng lại khiến cho Chu An – “người của Chu gia” sớm trở thành “ma nhà họ Chu”.
Tiếc thay, có thể vì Lỗ Tấn là người “liên tục cải cách” nên chẳng bao lâu tình cảm vợ chồng lại nhạt nhòa. Gia đình nảy sinh nhiều xung đột, ông thường bỏ nhà đi, sống nay đây mai đó. Sau khi Lỗ Tấn qua đời, thấy Hứa Quảng Bình còn rất trẻ, bà Tống Khánh Linh có ý khuyên Hứa cải giá nhưng Hứa quyết thủ tiết thờ chồng nuôi con.
Còn một người phụ nữ nữa mà trước đây cũng như cho đến bây giờ vẫn là một nghi vấn rằng cô có phải là tình nhân của Lỗ Tấn? Đó là nữ văn sĩ Tiêu Hồng. Quan hệ giữa Lỗ Tấn và Tiêu Hồng có một khoảng thời gian rất mật thiết, cô xem tư gia của Lỗ Tấn như mảnh vườn tinh thần của chính mình, tự do ra vào thư phòng của nhà văn. Về phía Lỗ Tấn, chẳng những ông đã khuyến khích và nâng đỡ Tiêu Hồng cả về vật chất lẫn tinh thần mà còn giúp cô gây dựng sự nghiệp văn chương. Hứa Quảng Bình chắc có dự cảm thế nào đó về mối quan hệ này nên nhiều lần lấy cớ giữ gìn giấc nghỉ cho Lỗ Tấn mà ngăn cản Tiêu Hồng gần gũi ông. Có điều sau này khi viết hồi ký, cả Hứa Quảng Bình và Tiêu Hồng đều né tránh không đề cập đến những tình tiết xảy ra trong khoảng thời gian này, để lại một nghi vấn trong văn đàn.
(Theo Trung Hoa văn học tuyển san số 6 - 2006).
Tâm Duyên Truyện của Lỗ Tấn tại Việt Nam Thư Quán Lỗ Tấn - Cố Hương Lỗ Tấn - Nhật ký người điên
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.10.2006 06:37:44 bởi Ngọc Lý >