(url) Cheslav Milos - Giải thưởng Nobel Văn chương 1980
Nguyên Hùng 27.10.2006 11:13:05 (permalink)
Cheslav Milos - Lương tri và bản sắc tâm hồn Ba Lan

Nguyên Hùng


Cheslav Milos (1911-2004)

Nền thơ ca Ban Lan từng được rạng danh thế giới nhờ hai giải thưởng Nobel về văn học vào những năm cuối thế kỷ XX: 1980 là nhà thơ, nhà văn kiêm dịch giả Cheslav Milos, và mười sáu năm sau, 1996, là nhà thơ Vislav Shymborsky (1996). Đây là hai nhà thơ hàng đầu của Ba Lan và của nền thơ ca thế giới. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu vài nét về chủ nhân giải thưởng Nobel văn học năm 1980, nhà thơ Ba Lan Cheslav Milos.

KHỔ LUYỆN

Cheslav Milos sinh ngày 30 tháng 6 năm 1911 tại thành phố Sheteiniai thuộc Litva, lúc bấy giờ thuộc nước Nga Sa hoàng. Bố mẹ ông đều là người gốc Ba Lan, sống ở một nơi có nhiều dân tộc với nhiều tập quán khác nhau; điều đó giúp Cheslav có thể nói không chỉ bằng tiếng Ba Lan mà còn bằng tiếng Lít-va, tiếng Do Thái và cả tiếng Nga.

Năm 1914, khi quân đội Đức xâm chiếm Lít-va, bố Milos bị sung lính, và gia đình Milos cùng với quân đội Nga hoàng bắt đầu cuộc hành trình về phương đông. Họ bị phiêu dạt suốt trong 6 năm nặng nề bởi các cuộc chiến tranh và binh biến.

Sau chiến tranh gia đình Milos dọn đến Vilno (bây giờ là Vilnius). Năm 1921, khi Milos bắt đầu đến trường, Vilno được sáp nhập vào Ba Lan. Sau bảy năm chăm chỉ học tiếng La tinh, vào năm 1929 Milos được vào trường đại học tổng hợp ở đây. Dù tự tin vào năng khiếu thơ của mình, chàng thanh niên Milos lúc bấy giờ cuối cùng đã quyết định theo học luật. Tác phẩm thi ca đầu tay của anh “Trường ca về một thời băng giá” được xuất bản vào năm 1933.

Năm 1934, sau khi tốt nghiệp bằng luật, Milos được cấp học bổng và sang Paris nghiên cứu văn học. Tại đây anh đã tạo được mối quan hệ gần gũi với người bác Oskar Milos, nhà ngoại giao đồng thời là nhà thơ. Quãng thời gian một năm ở Paris đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời Milos - nhà thơ. Sau này ông nhớ lại rằng, Oskar Milos “đã chỉ ra sự cần thiết của việc khổ luyện trong tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động tri thức và nghệ thuật”. “Và điều quan trọng nhất - Milos hồi tưởng - ông đã dạy tôi không được tuyệt vọng trước ngưỡng cửa của các thảm họa đang lơ lửng”.

NHÀ THƠ CÓ NGHĨA LÀ TRANH ĐẤU

Sau khi trở về Vilno, năm 1936 Molos xuất bản tập thơ thứ hai “Ba mùa đông” và nhận chức trưởng ban biên tập cho đài phát thanh. Tuy nhiên, chỉ sau một năm ông buộc phải thôi việc vì những quan điểm thiên tả của mình và chuyển đến Varsava. Đây là thời kỳ mà không khí chính trị ở Ba Lan chưa có gì được cải thiện. Hàng trăm năm nay biên giới Ba Lan luôn thay đổi bởi sự tranh giành của các quốc gia thù địch bên ngoài. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Ba Lan giành được độc lập, nhưng đến cuối những năm 30 Hitler và Stalin đã ký mật ước về phân chia Ba Lan. Do lịch sử nặng nề với nhiều tổn thương mất mát, ý thức dân tộc của nhân dân đã tìm thấy sự thể hiện đầy đủ nhất không phải trong chính trị, mà chính trong văn học. Vì vậy nhà thơ ở Ba Lan chiếm một vị trí đặc biệt, và Mios tự coi mình chính là nhà thơ, chứ không phải một người cấp tiến hay một một người mác-xít như có người vẫn nghĩ.

Năm 1939, khi quân đội Đức chiếm đóng Ba Lan, và gây nên thảm kịch đối với đất nước, Milos với tư cách là một nhà thơ chân chính, đã đứng trên lập trường độc lập và đấu tranh chống phát-xít.

Milos tham gia tích cực vào phong trào Ba Lan kháng chiến, một trong những phong trào mạnh mẽ nhất ở châu Âu. Sự hủy diệt các làng quê Do Thái, mà ông là người từng chứng kiến, đã để lại dấu ấn không phai trong suốt quãng đời tiếp theo của ông.

Sau chiến tranh Milos làm việc trong cơ quan ngoại giao Ba Lan, trước tiên ở Washington, sau đó ở Paris. Năm 1951, ông ra nước ngoài và trở thành người lưu vong do không thể cam chịu trước sự “bóp méo sự thật” và sự chuyên quyền của nhà nước mới. Đến Paris, Milos viết “Trí tuệ nô dịch” (1953), gửi gắm những suy ngẫm về sự ảnh hưởng của chủ nghĩa độc tài đối với nhân cách của một người họa sỹ. Với “Trí tuệ nô dịch” Milos đã trở nên nổi tiếng ở phương Tây.

Cuộc sống lưu vong của Milos đã trải qua những năm tháng nặng nề và đau khổ; và như nhà thơ nói, khi phải rời xa mảnh đất quê hương và tiếng mẹ, khi phải xa cội nguồn và nhịp đập thơ ca, ông cảm thấy mình như một kẻ “thiếu sinh khí và bất lực”. Thời gian đầu không thể làm thơ, năm 1955 Milos cho xuất bản tiểu thuyết “Thung lũng Issy” viết về thời thơ ấu ở Lít-va, miêu tả số phận của những đứa trẻ vị thành niên. Cũng trong thời gian này, ông công bố tiểu thuyết “Cướp chính quyền”, tác phẩm sau đó được trao giải thưởng văn học châu Âu. Sau giải thưởng này, Milos đã có thể “nhấn ga và liên tục in sách”, nhưng vào năm 1960 ông đã phải rời Paris sang Mỹ vì bất đồng chính kiến với giới trí thức cánh tả ở Pháp. Chỉ một năm sau, Milos trở thành giáo sư ngành Slavơ học của Trường đại học tổng hợp Kalifornia ở Berkli, và năm 1970 ông nhận quốc tịch Mỹ.

Nỗi lo sợ của Milos, rằng ông không thể viết được trong điều kiện lưu vong, rất may đã tỏ ra là thừa. Trong những năm sống ở Mỹ, ông đã cho ra mắt một loạt các bản dịch từ tiếng Ba Lan, cũng như các bản dịch ra tiếng Ba Lan các tác phẩm của Uytmen, Shekspir, Milton, Eliot, Bodler, đồng thời cũng nhận được sự đánh giá cao cho các cuốn tự truyện, phê bình văn học và thơ.

TRỞ VỀ NƯỚC NHƯ MỘT NGƯỜI ANH HÙNG

Milos đã được trao tặng giải thưởng văn học Marian Kister (1967), giải thưởng của quỹ Yuzhikovsky vì những thành tựu sáng tạo (1968), giải thưởng Câu lạc bộ dịch thuật Ba Lan cho các bản dịch thơ ca, giải thưởng văn học quốc tế Noishtadt (1978), học bổng Guggengeim (1974) và học vị tiến sỹ danh dự của Trường đại học tổng hợp Michigan.
Năm 1980 giải Nobel về văn học đã được trao cho Milos, “người với sự tiên tri dũng cảm đã chỉ ra thân phận nhỏ nhoi, không được bảo vệ của con người trong thế giới bị phân hóa bởi các xung đột”. “Thế giới qua sự miêu tả của Milos là thế giới mà ở đó đang sống con người sau khi bị xua đuổi khỏi thiên đường”.

Milos được coi là một trong những nhà thơ Ba Lan vĩ đại nhất, và theo đánh giá của Ioxif Brodsky - nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình văn học, giải thưởng Nobel văn học năm 1987, “có thể ông là nhà thơ vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”. Tại châu Âu, danh tiếng Milos ngày càng được nhiều người biết đến qua các bản dịch sách của ông. Riêng ở Ba Lan, trong những năm các tác phẩm của ông bị cấm thì chúng vẫn được bí mật phổ biến trong nhân dân. Trước khi được tặng thưởng giải Nobel nhà thơ trở về nước và được đón tiếp như một người anh hùng dân tộc.

Thơ ca Milos gây được thiện cảm bởi tính đa dạng của đề tài và sự phong phú về tri thức, sự kết hợp giữa lý trí và tình cảm, tính hình tượng và biện chứng, sức mạnh của đạo lý và niềm tin. Thơ ca Milos chịu ảnh hưởng của các truyền thống văn hóa khác nhau ở Đông Âu: quê hương Ba Lan của ông, đạo Ky-tô giáo, đạo Do Thái, chủ nghĩa Mác-xít; người đọc có thể thấy trong thơ ông toàn bộ lịch sử đẫm máu của thế kỷ XX và kinh nghiệm khổ đau của kiếp lưu vong.

Bằng tài nghệ của mình Milos đã tìm được lời giải cho vấn đề bức thiết nhất của thời đại: “làm thế nào để mang nổi gánh nặng ký ức về lịch sử và không rơi vào tuyệt vọng?”. Nhà phê bình văn học Paul Tsveig nhấn mạnh, “Milos luôn tin tưởng rằng, thi ca không chỉ đơn thuần là mỹ học, nó còn là phạm trù đạo đức, rằng nó phải biến nỗi đau của những con người cá thể thành những giá trị có thể giúp họ thoát khỏi chủ nghĩa hoài nghi và sự giận dữ vì bất lực”.

Cheslav Milos mất ngày 14 tháng 8 năm 2004 tại Krakov, thọ 93 tuổi.

THẾ GIỚI NÓI VỀ CHESLAV MILOS

Maria Yanion (Ba Lan), nhà nghiên cứu văn học: “Thơ văn của Milos là một dạng bách khoa toàn thư của thế kỷ này. Nếu liệt kê các đối tượng nghiên cứu cho toàn bộ sự nghiệp sáng tác phong phú của ông, thì có thể thấy rằng dường như ông không né tránh bằng cách im lặng trước bất cứ một đề tài nào trong các lĩnh vực triết học, tôn giáo, văn học…Tôi luôn mơ ước viết một bài luận về ông dưới tiêu đề “Cheslav Milos và xu thế của thời đại”, qua đó muốn nói lên vai trò nhà thơ có một không hai của ông ở Ba Lan – như bánh lái của một con tàu. Có thể, với cái chết của ông, thì kỷ nguyên của các nhà thơ như ông cũng sẽ kết thúc”

Ryshard Krynitsky (Nga), nhà thơ, dịch giả, nhà xuất bản: “Milos là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của thế kỷ đáng sợ nhưng đôi khi cũng rất kỳ diệu này, cùng với Rillke, Stvetaeva, Stelan, Eliot, Oden, Amikhai và Herbert…Thế giới vừa mất đi một nhà thơ, người biết cách nói lên kinh nghiệm nặng nề nhất của thế kỷ và không e sợ đụng chạm đến những đề tài phức tạp nhất, đớn đau và bi thảm nhất…”

Imre Kertes (Hungari), giải thưởng Nobel về văn học: “Cheslav Milos đã và sẽ mãi là lương tri của nhân dân Ba Lan (…) Đối với những người Lít-va và Ba Lan, mối quan hệ với châu Âu luôn là sự thử thách về khía cạnh đạo đức và luân lý. Milos đã dám đối mặt với những vấn đề như thế…”.

Brigitta Trotsig (Thụy Điển), Viện Hàn lâm Thụy Điển: “Từ thế giới của bạo lực và tăm tối đã xuất hiện những nhân chứng của thời đại, những người chứng kiến lịch sử và cuộc sống như chính bản thân chúng vốn có. Milos là một nhân chứng như thế. Đối mặt những thời điểm tồi tệ nhất của lịch sử Âu châu ông vẫn kiên định tiến lên bằng một lối đi hẹp của những thể nghiệm thơ ca… Trong thời gian nghiệt ngã nhất của cuộc đời, Milos vẫn không ngừng sáng tạo, ông là một trong những nhà thơ lạc quan và vĩ đại nhất của nền văn học đương đại. Mà những người như thế không nhiều…”

ПЕСЕНКА О КОНЦЕ СВЕТА - MỘT BÀI THƠ CỦA CHESLAV MILOS
BÀI CA VỀ NGÀY TẬN THẾ

Bản dịch của Lưu Hải Hà:
(từ bản dịch tiếng Nga)

Vào ngày tận thế của đất trời
Ong vo ve trên đóa hoa sen cạn
Bác ngư phủ xoắn lại sợi thừng nghiêm nghị
Bầy cá heo hay cười nhảy nhót giữa biển khơi
Đàn én lấy đất sét về nặn tổ
Gốc cây mục ven đường, như nó phải mục thôi

Vào ngày tận thế của đất trời
Phụ nữ cầm ô băng qua đồng ruộng
Những người đưa tin đẫm mồ hôi mỏi mệt
Thuốc lá bên đường tấp nập người mua
Con thuyền vàng hếch mũi lên bãi bồi
Bình thản soi tấm gương - mặt nước
Như mã vĩ nhẹ nhàng mở cửa đêm sao

Сòn những người đợi chờ sấm sét
thì bị mắc lừa
Những ai đợi chờ điềm báo và kèn trống thiên thần
Thì không tin rằng điều kia đã đến.
Khi mặt trời còn đang lặn vào nhà
Khi chú ong đất rậm lông còn đang hăm dọa
Những phụ nữ mang thai vẫn còn đang đi lại
Ai sẽ tin rằng điều đó đã xảy ra

Và chỉ có mái đầu bạc phơ của một cụ già
Cụ đã có thể trở thành tiên tri đấy
Nhưng không trở thành - vì không muốn mọi người buồn chán
Cụ buộc cà chua và sẽ nói rằng
Chẳng có ngày tận thế khác nữa đâu,
Chẳng có ngày tận thế khác nữa đâu.

Bản dịch của Quỳnh Hương:
(từ bản dịch tiếng Nga)

Ngày tận thế đến trên thế giới
Khi ong vù vù bay trên những bụi hoa,
Ngư phủ ngồi bện sợi thừng thô
Lũ cá heo nô đùa trên sóng
Tha đất sét kiên trì, én về xây tổ
Và gốc cây phải mục dần ruỗng nát bên đường.

Ngày tận thế đến trên thế giới
Khi phụ nữ che ô đi trên cánh đồng
Cửu vạn chuyển hàng đẫm mồ hôi mỏi rời chân
Quán ven đường chào mời mua thuốc lá
Con thuyền vàng ghếch mũi lên bờ đá
Như mã vĩ gác mặt gương sông bạc
Mở cửa đêm một giải ngân hà.

Những người chờ sấm chớp đã nhầm to
Những người chờ điềm báo và tiếng hát thiên thần
Thì không tin chuyện đó đã xảy ra.
Ai mà tin nổi khi mặt trời vẫn lặn sau nhà
Chú ong đất vẫn vù vù giận dữ
Những bà bầu vẫn mang con trong bụng,
Ai mà tin nổi chuyện đó đã xảy ra.

Riêng có một lão nông tóc bạc, để trở thành tiên tri thì thừa sức
Nhưng đã không thành vì chẳng muốn làm mọi người chán ngắt,
Sẽ nói, khi thu hoạch cà chua:
Chẳng có thêm ngày tận thế nữa đâu,
Không có thêm ngày tận thế nữa đâu mà.

Tác phẩm chính

Thơ: «Cứu vãn» («Ocalenie», 1945), «Ánh sáng ban ngày» («Światło dzienne», 1953), «Bài luận thi ca» («Traktat Poetycki», 1957), «Thành phố không tên» («Miasto bez imienia», 1969), «Điều đó» («To», 2000)
Văn xuôi: «Trí tuệ nô dịch» («Zniewolony umysł», 1953), «Châu Âu thân thích» («Rodzinna Europa»), «Mảnh đất Urlo» («Ziemia Urlo», 1977), «Lịch sử văn học ba Lan» («Historia literatury polskiej», 1969), «Một khoảng trời khác» («Druga przestrzeń», 2002).

Nguồn tư liệu chính:
 Bách khoa toàn thư về những người được trao giải Nobel (tiếng Nga);
 Tạp chí “Nước Ba Lan mới” (tiếng Nga);
 Hợp tuyển “Các nhà thơ Ba Lan thế kỷ XX” (tiếng Nga).
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.12.2006 11:40:15 bởi TTL >
#1
    Ngọc Lý 28.10.2006 06:28:29 (permalink)
    .

    Cảm ơn anh Nguyên Hùng đã viết về Cheslav Milos thật hay và đầy đủ. Trước khi đọc bài viết của anh, Ngọc Lý chỉ biết rất sơ sài về tác giả Ba Lan này. Đi tìm trên Net thì không có nhiều tác phẩm của ông ta. Hy vọng sẽ được đọc nhiều bài thơ của Cheslva Milos do anh Nguyên Hùng mang vào diễn đàn.

    Ngọc Lý tìm thấy một bài thơ này của Cheslav Milos đã được dịch sang Anh Ngữ, không biết anh Nguyên Hùng có bản gốc không và đã dịch ra tiếng Việt chưa, nếu anh Nguyên Hùng cho xem thì thật tuyệt:

      INCANTATION
      Czeslaw Milosz



        Human reason is beautiful and invincible.
        No bars, no barbed wire, no pulping of books,
        No sentence of banishment can prevail against it.
        It establishes the universal ideas in language,
        And guides our hand so we write Truth and Justice
        With capital letters, lie and oppression with small.
        It puts what should be above things as they are,
        It is an enemy of despair and a friend of hope.
        It does not know Jew from Greek or slave from master,
        Giving us the estate of the world to manage.
        It saves austere and transparent phrases
        From the filthy discord of tortured words.
        It says that everything is new under the sun,
        Opens the congealed fist of the past.
        Beautiful and very young are Philo-Sophia
        And poetry, her ally in the service of the good.
        As late as yesterday Nature celebrated their birth,
        The news was brought to the mountains by a unicorn and an echo,
        Their friendship will be glorious, their time has no limit,
        Their enemies have delivered themselves to destruction.

      Czeslaw Milosz, trans. Robert Pinsky & the author [1]



    [1] The Pen and the Sword
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.10.2006 06:29:43 bởi Ngọc Lý >
    #2
      Nguyên Hùng 28.10.2006 09:51:57 (permalink)

      Ngọc Lý tìm thấy một bài thơ này của Cheslav Milos đã được dịch sang Anh Ngữ, không biết anh Nguyên Hùng có bản gốc không và đã dịch ra tiếng Việt chưa, nếu anh Nguyên Hùng cho xem thì thật tuyệt:
      Tư liệu về Cheslav Milos, kể cả thơ ông, mình cũng chỉ đọc và tìm hiểu qua các bản tiếng Nga, nên tạm thời chưa xác định được trong các bản dịch tiếng Nga có bài thơ mà Ngọc Lý vừa post lên không?
      Những bài thơ của C.Milos được dịch ra tiếng Nga thường khá dài, nên dịch cũng hơi ngại, hơn nữa, khi phải dịch qua một thứ tiếng trung gian, cũng giảm hứng thú đi nhiều lắm
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9