Suy Nghĩ Tản Mạn Về Thơ
Nguyên Đỗ 29.10.2006 04:19:36 (permalink)
Chào các anh chị và các bạn,


ND viết mục này để nêu ra vài quan điểm về thơ lúc rảnh rỗi nhân lúc làm thơ hay đọc thơ, có lẽ sẽ không mạch lạc thứ tự. Các anh chị ai có ý kiến gì cứ việc tham gia đóng góp vào. Khi nào rảnh rỗi, ND sẽ viết lại. Mục này không phải để chỉ trích hay phê bình, chỉ là những suy tư nhỏ nhoi, hy vọng chúng ta có thể học hỏi thêm với nhau.
 
Hẳn nhiên mỗi người mỗi ý, và thơ luôn luôn phản ảnh suy nghĩ cá nhân nên càng không thể có một qui tắc riêng để mọi người đồng nhất, mất cả thú vị.  Anh chị xem cứ xem ý ND là ý kiến riêng, nếu rút tỉa được chút gì kinh nghiệm trong con đường khám phá văn học nghệ thuật thì đó cũng thỏa nguyện của ND rồi.


Nguyên Đỗ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.11.2006 03:08:18 bởi Nguyên Đỗ >
#1
    Nguyên Đỗ 29.10.2006 04:29:24 (permalink)
    Sự Chuẩn Xác Về Thơ


    Nhiều người cứ quan niệm thi ca là trừu tượng, muốn viết sao cũng được, càng viết nhăng viết cuội, viết khó hiểu càng bí hiểm và hay. Sự thật thi cả cũng có riêng "logic" của thi ca, không thể viết bừa bãi lăng nhăng, mà phải có diễn tiến tuần tự, có chút nào chuẩn xác có thể tin được mới gây những hình ảnh ấn tượng, những cảm xúc lâu bền qua tính nhạc của thi ca.


    Có nhiều người khi thơ nhập vào, viết không cần suy nghĩ, đang tả chiều thu gió heo may thổi, lại bay vào những vì tinh tú trong giải Ngân Hà, đang tả đêm ba mươi Tết lại nói tới mặt trăng tròn... Ai cũng biết là đêm ba mươi trời đen như mực may ra thì có những vì sao, chứ có thể nào có trăng soi vằng vặc trên cao. Viết thơ như thế, người đọc sẽ nghĩ ngợi tác giả đang thơ thẩn cõi mơ nào đó chứ không thể nào có trong cõi đời này được, nên đôi lúc các cụ có lý khi nói, "Ối giào, các nhà thơ nhà văn chỉ viết vớ vẩn thôi!"

    Nguyên Đỗ
    #2
      Nguyên Đỗ 13.11.2006 03:42:59 (permalink)
      Tính Sáng Tạo


      Làm thơ cần phải có tính sáng tạo, có thể là hình thức, có thể là nội dung... Đôi lúc tôi đọc một tác giả viết liên tục về một đề tài, một nội dung, dùng một số từ ngữ lập đi lập lại hòai trong các bài viết của người đó, với cùng một thể thơ... tự nhiên không còn thấy hứng thú nữa vì không còn tính sáng tạo.

      Để tránh chuyện lập đi lập lại cùng một đề tài, nội dung làm chán bạn đọc, theo tôi nghĩ, thơ cần phải thay đổi tiết tấu, âm điệu, thể thơ, hay chuyển đổi hẳn đề tài.

      Tôi đã có lần viết dựa theo câu cổ ngữ La Tinh, Nihil nove sub sole, không có gì mới dưới mặt trời. Tất cả đề tài mình viết có thể tìm thấy trong kho tàng văn hóa cổ các nơi trên thế giới, như bộ Kinh Thánh của Ki Tô Giáo cũng co' phần vay mượn trường thi cổ nhất đã tìm thấy của nhân lọai ở khu vực sông Euphrates hiện nay là Iraq nơi vừa xảy ra chiến tranh giữa Saddam và Hoa Kỳ.

      Không có gì lạ cả, văn chương vay mượn xảy ra hằng ngày, trường ca nổi danh của Việt Nam Đoạn Trường Tân Thanh cũng đã mượn ý của tập Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Hoa để soạn theo thể thơ Lục Bát thuần túy Việt Nam. Không ai có thể nói đại thi hào Nguyễn Du không có sự sáng tạo cả, cụ rất sáng tạo đã đem ngôn ngữ bình dân lẫn ngôn ngữ bác học mà không quá chuyên môn để đem chuyện xảy ra ở Trung Hoa biến thành món ăn tinh thần cho bao nhiêu thế hệ Việt Nam.

      Bản anh hùng ca Roland ca tụng những chiến công của các hiệp sĩ dưới thời Charlesmagne không phải chỉ có ở Pháp, mà có cả ở Đức, Anh, Ý với những văn bản khác nhau. Các bản trường ca cổ Hy Lạp của Homer, trường ca La Tinh của Virgil đã gợi cảm hứng cho các văn nhân thi sĩ biết bao bài thơ, tác phẩm sau này.

      Vấn đề chính là mỗi cá nhân phải xử dụng tính sáng tạo của riêng mình để làm phong phú cho đề tài, sự kiện... Nếu bài thơ mà không có tính sáng tạo thì mất đi phần lớn cái hay của thi ca.

      Nguyên Đỗ
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.11.2006 08:23:21 bởi Nguyên Đỗ >
      #3
        cô bé chăn vịt 13.11.2006 21:59:47 (permalink)
        Cảm hứng sáng tạo lấy ở đâu ???


        Theo Nguyên Đỗ thì trong thơ phải có tính sáng tạo đúng ko? Vậy xin hỏi rằng làm sao một người tự dưng có thể sáng tạo ra được một bài thơ khi không có cảm hứng chứ?

        Ai cũng biết rằng muốn sáng tạo một caí gì đó dù là ngoai` đời thực hay trong thơ cũng đều phải có một yêú tố ngoại cảm nào đó thôi thúc mơí làm được , không ai có thể nói suông và thực hiện răm rắp được cả... Con người vốn dĩ là những cá thể bình thường chứ không phải là những vị thần thánh cao siêu , họ không thể có những phép biến hóa vạn năng theo ý muốn được.

        Tất nhiên trong thế giới con người thì '' nhân tài '' xuât' hiện là có nhưng rất hiếm... Vì vậy cũng giống như làm thơ đó , người thì làm thơ để đỡ buồn , người thì làm thơ để san sẻ niềm vui cùng người khác , cũng có những người đang yêu làm thơ tình để đỡ nhớ người yêu , v.v..... Nhưng họ đều phải dựa trên nguồn cảm hứng sẵn có. Cảm hứng ở đây là tâm trạng , không có tâm trạng thì sao làm nổi thơ đây?( Vấn đề này thâý Nguyên Đỗ nói rât' ít trong phần trên ).

        Quay lại phần '' tính sáng tạo '' trong thơ : Làm thơ tât' nhiên là cần có tính sáng tạo rồi , CBCV ko phản bác điều này , nhưng xin bổ sung rằng sáng tạo tuy` từng lúc, từng nơi và đặc biệt là tuy` từng tâm trạng của con người nữa... Một người biêt' luật thơ mà không có tâm trạng ( cảm hứng ) làm thơ thì không thể cho ra một tác phẩm nào cả , chứ chưa cần nói đến tác phẩm đó dở hay không dở !...


        CBCV thấy có rât' nhiều người thi sĩ hay '' tuyên bố '' rằng : '' Chỉ là trong thơ thôi , chư ' ngoài đời làm gì có thật như trong thơ , thế mà viết ra một bài thơ mọi người đọc lại cứ bảo tôi đang viết cho ai đấy ''... À nghe câu này xong CBCV mơí ngớ người ra hỏi lại : '' vậy các anh lấy cảm hứng ở đâu ra để sáng tác được thơ vậy , chẳng lẽ là '' tưởng tượng rồi viêt' ra à? ( không có câu trả lời...im lặng ).Điều này thì CBCV khẳng định là không thể được , chẳng ai tưởng tượng được điều gì mà không chứng kiến hay đã biết , hay đang suy nghĩ về nó cả...Đó là những điều đã thuộc phạm vi của '' chủ nghĩa không tưởng '' rồi ... Mà '' chủ nghĩa không tưởng '' thì các bạn cũng biêt' rồi đâý..CBCV xin mạn phép không giải thích từ này vì CBCV nghĩ ý nghĩa của '' chủ nghĩa không tưởng '' đơn giản lắm , nên mọi người tự hiểu ngay thôi...Chỉ cần đọc bốn từ ấy lên là cũng hiểu ngay rồi , đúng không ạ?


        Đây là những suy nghĩ riêng của CBCV , có thể chẳng ai có tiếng nói đồng tình cùng ý kiến này của CBCV cả , nhưng không sao , cốt là '' tự mình biết mình '' đang nghĩ gì và làm gì là được rồi.

        CBCV




        #4
          Trăng Quê 14.11.2006 03:19:50 (permalink)
          Chào Nguyên Đỗ, chào các bạn!
          Cảm ơn Nguyên Đỗ đã mở ra topic này! Theo TQ bạn nên để ở mục Thơ sáng tác thì đúng hơn, nơi mọi người dễ thấy để chia sẻ kinh nghiệm và để học hỏi lẫn nhau.

          Đúng như Nguyên Đỗ nói để làm một bài thơ không chỉ là vần điệu mà cần có lô gíc của bài thơ. TQ học được điều này ở một người bạn. Đôi khi mình đọc một bài thơ vần điệu rất êm tai nhưng khi đọc lại thì giật mình bới thấy diều đang bay giữa trời mưa....

          Sự chuẩn xác trong thơ văn là rất cần thiết, bởi vậy đôi khi những người học toán mà làm thơ có ưu thế này. Mình hâm mộ thơ của Nguyễn Duy cũng chính vì điều này. Ca từ chính xác mà trau chuốt.
          Ta thường thấy đôi khi các nhà thơ trong lúc mơ mộng đã quên đi...kể cả những nhà thơ đã nổi tiếng như " việc chi than khóc tưng bừng" trong thơ của Nguyễn Đình Chiểu.
          Tuy nhiên nếu lô gic quá thì bài thơ sẽ trở nên cứng nhắc theo kiểu công thức toán học mất!

          Việc sáng tạo cũng rất cần thiết nhưng đôi khi người làm thơ cần tạo ra cho mình một phong thái riêng. Làm sao khi đọc một vài câu lên người ta có thể nói rằng đó là Xuận Quỳnh, là Đoàn Thị Lam Luyến, là Nguyên Đỗ, là PCT chứ không thể là một người nào khác được. Thực ra để có được điều đó những nhà thơ này phải thực sự tài năng. Những người viết nghiệp dư theo kiểu thơ ca ê a Câu lạc bộ như TQ thì chả nói làm gì

          Mình đồng ý với quan điểm của Cô bé chăn vịt. Đã là thơ ca phải có cảm xúc, phải đi sâu vào lòng người. Vì thế để có một bài thơ hay người viết phải có cảm xúc để hoá thân vào nhân vật nhưng không nhất thiết người viết phải viết về sự thật của chính mình! Cũng như khi diễn viên đóng một vai nào đó, họ hoàn toàn có thể nhập một vai diễn khác xa với nguyên bản của mình!

          Nói thật là TQ vừa gặp một chuyện rắc rối...nên mới bị Cô bé chăn vịt lùa vào đây đấy. Sau khi mình viết một bài thơ trong Blog cá nhân của mình một độc giả đã dùng rất nhiều nick để vào viết cảm nhận, nửa khuyên can, nửa răn đe...v...v.
          Chỉ vì cô ta ( chị ta) nghĩ rằng TQ đang viết bài thơ đó cho một thần tượng của mình...hu...hu
          Có nick còn vào YM chát với TQ theo kiểu rất vô lối ( có thể nói là vô học) nữa để phê phán một quan hệ cá nhân mà cô ( chị) ta chả hề biết thực hư thế nào?

          Buồn, thôi cũng đành AQ rằng những gì mình viết ra đã có ít nhất một người đọc rồi quy kết cảm nhận cá nhân của họ vào...
          Có những bạn đọc một bài thơ rồi đoán xem bài này viết cho ai và tại sao thay vì cảm nhận một bài thơ thuần tuý như một tác phẩm văn học. Mà suy diễn của phụ nữ thì các bạn biết rồi đấy!

          Vậy cảm xúc bài thơ lấy ở đâu ra...có chứ "không bột thì sao gột được nên hồ" nhưng có thể là TQ đã nghe ai đó kể một tâm trạng, một ưu tư...cũng có thể đó là tâm trạng thật của mình và mình viết! Mình là phụ nữ bình thường thì có lẽ cũng nói hộ được ít nhất tâm trạng của 30% là phụ nữ...

          Đôi khi ta cũng lấy một hình mẫu nào đó mà các nhà thơ hay gọi là nàng Thơ ấy hoặc các nữ thi sỹ thì tưởng tượng ra một hoàng tử trong mơ của mình...hi...hi để tạo ra cảm xúc chứ sao!

          Theo TQ một bài thơ hay không chỉ là ngôn từ, là hình ảnh, là lô gic là cảm xúc mà còn là tài năng của nhà thơ. Với tất cả sự tổng hoà viết làm sao cho câu thơ đọng lại sau khi người đọc gấp sách vào, viết làm sao cho đi vào lòng người sâu lắng nhất!

          Nói thì dễ đấy nhưng để hội tụ tất cả những điều đó thì chúng ta trở thành các nhà thơ VĨ ĐẠI hết.

          Đêm khuya mất rồi, chúc các nhà thơ ngủ ngon và viết thật hay!
          Trăng Quê


          #5
            Nguyên Đỗ 14.11.2006 06:31:34 (permalink)
            Cám ơn hai bạn CBCV và TQ đã đóng góp ý kiến!

            Như ND đã trình bày ở phần đầu chỉ là viết tản mạn thôi, không có bố cục, mạch lạc... Chỉ viết khi đọc thơ và làm thơ, ghi xuống nhanh, khi có thời gian ND sẽ đúc kết lại.

            Thực ra thi ca có nhiều yếu tố lắm, chúng ta từ từ trao đổi. Không phải để phê bình hay sửa lưng nhau. ND chỉ nói chung chung không riêng gì về VNTQ vì ND tham gia nhiều nơi, đọc cũng nhiều bên Đặc Trưng, Đất Việt, Vòm Cỏ, Việt Sơn Trang, Trinh Nữ, Sinh Viên Odessa...

            ND chỉ viết tính cánh lý tưởng, chứ thực ra ND cũng đã theo được đâu. Lúc sáng tác thì cắm cúi viết, sau khi bổ túc, biên tập mới nghĩ tới các tiêu chuẩn, và điều chỉnh...

            ND hoàn toàn đồng ý với hai bạn là cảm xúc là một yếu tố chính không thể thiếu trong thi ca. Không có cảm xúc, thì thi ca chỉ là hình thức chơi chữ dưới dạng văn vần, khô khan và chỉ còn là nghệ thuật sắp chữ.

            Tiện đây ND đăng lại bài đã viết tháng 3 năm 2003, chưa kịp coi lại nữa, tối nay sẽ có ý kiến về sáng tạo thêm. Nếu các bạn đọc thêm bài Tưởng Tượng dã đăng ở VNTQ càng tối

            http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=222230


            Đường Vào Văn Học


            Nguyên Đỗ
            Kính tặng người bạn tri âm đang ở Việt Nam
            và bạn hữu khắp nơi

            Nguyên Đỗ


            Không biết những nhà thơ, nhà văn bắt đầu thế nào, riêng tôi bắt đầu vào văn học Việt Nam qua những bài hát ru con của Mẹ tôi và những bài ca dao được nghe thấy hằng ngày. Rồi từ đó những bài dân ca, những câu thơ tình tứ mang tình tự dân tộc đã đưa tôi đến thế giới văn học Việt Nam.

            Tôi đã đọc nhiều về nền văn học thế giới có những tác phẩm bất hủ nổi danh khắp nơi, nhưng tôi chưa từng thấy nơi nào mà nền thi ca thịnh hành trong mọi tầng lớp nhân dân qua nền văn chương truyền khẩu, bình dân như ca dao Việt Nam.

            Phải chăng vì đó mà đa số người Việt Nam, dù có học hay không, đôi khi cũng xuất khẩu thành thơ? Thi ca hiển hiện trong đời sống hằng ngày, chuyển biến với thời cuộc và ngôn ngữ trong đời sống hằng ngày. Đọc báo chí Việt ngữ, ngay cả những tờ báo lá cải biếu không ngoài chợ, cũng có những bài thơ trữ tình khác với thi ca nước ngoài, chỉ có thơ trong những tạp chí thi ca. Thơ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người Việt, đào tạo nên những mầm non thơ, những thi sĩ trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

            Hãy đọc những diễn đàn thi ca trên các mạng lưới cũng phỏng đoán được sức sống của thơ. Hẳn nhiên có những lập lại, có những phỏng theo, những vụng về... nhưng có ai mà đi, chạy, nhảy mà không chập chững lúc ban đầu như những em bé tập bò, tập lết, tập đứng, tập đi trước khi đi lại bình thường hay trở thành những vận động viên thể thao.

            Một số người nổi tiếng có cái nhìn bi quan vì tiến trình thi văn tại nước ngoài không có đủ chất lượng vì đã xa rời đất Mẹ, thiếu thực tế vì không trực diện với diễn tiến lịch sử trong nước. Có phải nhìn thấy trước mắt mới có thể tạo nên những tuyệt tác không? Hẳn nhiên là không rồi, nhà thơ nhà văn viết theo cảm nghiệm của linh nhãn, con mắt tinh thần, của chính tâm hồn họ chứ không phải phải đến, nhìn thấy và chiến thắng theo câu nói của Julius Caesar.

            Đường vào văn học khởi đầu từ tâm hồn mỗi người. Bao lâu mình còn yêu mến tiếng Việt, còn trau dồi tiếng Việt, còn năng nổ viết lách hoạt động để duy trì và phổ biến tiếng Việt thì dù có xa rời quê Mẹ bao nhiêu, quê Mẹ vẫn hiện diện hằng hữu trong trái tim mình và là khởi nguồn cho yếu tố thi ca trong cuộc sống hằng ngày.

            Tôi được một được một người bạn tôi rất ngưỡng mộ đang ở Việt Nam, tuy không tiện nhắc tên ở đây, nhắc nhở tới những điểm hay mà tôi xin chia sẻ với các bạn đó đây.

            Những yếu tố làm cho một tác phẩm trở nên có giá trị với đời thì phải nói đến bốn yếu tố:

            - Yếu tố Văn - học : Không thể có một tác phẩm gọi là có giá trị một khi tác giả mập mờ trong cách sử dụng từ ngữ ,( hoặc từ không trong sáng) ,hoặc ngôn ngữ quá tầm thường ( chỗ này phải hiểu là có thể dùng ngôn ngữ dù bình dân hay "bác học",đều được nhưng không thể có ngôn ngữ quá thô thiển ).Văn chương thì sức truyền bá rất lớn ,nhưng những tác phẩm không có yếu tố Văn học không thể sống mãi với thời gian và công chúng được .


            - Yếu tố Văn - tâm : Ở đây có thể nói đến sự rung động của tác phẩm , có thể nói có khi yếu tố văn học trong tác phẩm không cao lắm nhưng tác phẩm vẫn làm rung động lòng người , bởi vì cảm xúc và cái " thật " trong tác phẩm của tác giả mang ,tải được cái hồn trong ấy. Văn không chính không tà , nên chính cái " Tâm " của tác giả đã tạo ra Chinh/Tà vây.

            - Yếu tố Văn tứ : Tác phẩm không mạch lạc , lỗi vần , sai nhịp làm không suông sẽ câu văn ,kết cấu không chặt chẽ , sao gọi là tác phẩm hay? Có thể bảo rằng từ Văn tâm + Văn học đã tạo ra Văn tứ chăng ? Ý hay + Học sâu rộng + Cảm xúc thật sự có lẻ làm cho câu cú trở nên thần diệu và sống động hơn . ..

            -Yếu tố Văn tài: Trong một hoàn cảnh , đứng trước sự việc như nhau , nhưng mỗi người có một cách diễn tả khác nhau vì thái độ khác nhau + hiểu biết khác nhau v.v. . . . nên tác phẩm cũng khác nhau , đơn cử một ví dụ : vừa rồi ở Sài gòn có một cuộc phát động các nhạc sĩ không chuyên và chuyên nghiệp sáng tác một ca khúc về bóng đá , rất nhiều ca khúc được sáng tác nhưng chỉ có một vài ca khúc được mọi người yêu mến và hát . Một trường hợp khác , như nhạc sĩ Trịnh công Sơn, nhạc sĩ đã dùng cái tài của mình để làm cho những cái tầm thường trở thành giá trị , những cái không ai để ý tới trở nên cái mọi người phải quan tâm , biến cái không thể thành có thể. . . Đó chính là cái tài của tác giả đã đem vào tác phẩm vậy.

            Nói một cách khác, đường vào văn học khởi nguồn từ tâm hồn cảm xúc thật sự dù chỉ là gián tiếp đặt mình vào hoàn cảnh của bài thơ, qua sự diễn tả ngôn từ mạch lạc trong sáng phong phú, qua sự học hỏi nền văn học cổ xưa và hiện đại để phát triển văn tài của mình và diễn đạt ý tưởng của mình cho phù hợp với ước mong của mình cùng rung động tâm hồn người đọc.

            Hẳn nhiên, rất có nhiều đường vào văn học. Không hẳn chỉ một lối, nghệ thuật luôn luôn biến chuyển với thời đại và nhu cầu tinh thần. Bốn yếu tố văn học, văn tâm, văn tứ và văn tài cũng có trăm ngàn nét. Điều chúng tôi ghi trên chỉ là khởi điểm trong hành trình kiếm tìm và sáng tạo để đưa nhận thức cá nhân tới điểm hài hoà với cộng đồng dân tộc và thế giới, nhất là đối với người trẻ đang hấp thụ các tinh hoa văn học ở nước ngoài càng cần phải duy trì cân bằng giữa cái mới và cái cũ, canh tân và truyền thống.


            Nguyên Đỗ
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.11.2006 08:19:05 bởi Nguyên Đỗ >
            #6
              Nguyên Đỗ 14.11.2006 15:42:19 (permalink)
              Sáng Tạo - Cảm Hứng - Cảm Xúc - Hư Cấu


              Trong bài viết của hai bạn CBCV và TQ có nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ, ND sẽ không trả lời trực tiếp từng phần, mà trả lời chung chung, các bạn nhé. Không phải là tranh luận mà chỉ là bổ sung ý kiến của nhau thôi.

              Với ND, không có sự phân biệt giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư trong khi ND thảo luận về thi ca. Chuyên nghiệp hay nghiệp dư cũng đều là những người đi tìm cái hay cái đẹp của văn học nghệ thuật. Theo ND, các nhà thơ, nhà văn chuyên nghiệp là những người sống về nghề viết văn, làm thơ của mình, nhưng thử hỏi có mấy ai sống về nghề đó. Đa số là các giáo sư, các giáo viên, bác sĩ, công chức trong các ngành nghề, hay cán bộ sống về nghề ban ngày của mình, giờ rảnh rỗi làm thơ xuất bản. Có thi sĩ nổi danh mà toàn bộ tác phẩm chỉ có vỏn vẹn 4 bài như trường hợp T.T.Kh.

              Để tìm hiểu tính sáng tạo, trước tiên chúng ta nên định nghĩa sáng tạo là gì, mặc dù ai cũng nghĩ chuyện đó quá dễ hiểu. Sáng tạo, theo Hán Việt Từ Điển của học giả Đào Duy Anh là do không mà làm ra có. Hán văn có thành ngữ sáng ý tạo ngôn có nghĩa là tự mình sáng tạo ra ý nghĩa và văn từ.

              Sáng tạo là một diễn tiến tinh thần liên quan đến sự nảy sinh những tư tưởng hay khái niệm hoặc liên tưởng mới giữa những tư tưởng hay khái niệm hiện có (1) hay theo George Keller định nghĩa rằng "Sáng tạo, như thường được nói, bao gồm phần lớn là sắp đặt lại những cái mà chúng ta biết để tìm ra những cái chúng ta chưa biết (2)

              Vì thế khi nói về sự sáng tạo của thi ca, ND không phải nói sự tưởng tượng lung bung trên trời, mà nói đến những gì nảy sinh từ thực tế diễn bày theo lăng kính nhìn và cảm xúc của người viết phối hợp thêm sự sáng tạo của riêng mỗi cá nhân để người đọc thấy một cái gì mới, có thể là hình thức mới, có thể là một cái nhìn mới. Nếu các bạn biết qua về hội họa, có thể nói Picasso vẽ những bức tranh lập thể một cách sáng tạo khiến người xem có thể nhìn nghệ thuật với lối mới.

              Cùng nhìn vào một vật thể, một sự kiện... mỗi nghệ sĩ có thể có cách nhìn khác nhau và trình bày khác nhau theo cảm quan của mỗi người. Mỗi con người đều có quá trình lịch sử, quá trình suy nghĩ khác nhau tùy môi trường giáo dục, lớn lên. Tất cả đều ảnh hưởng tới lối nhìn và sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhìn một cây cổ thụ, người có ý nghĩa thần thành ngưỡng mộ kỳ quan thiên nhiên, người xây dựng nhà cửa sẽ nghĩ tới cây gỗ to này nếu đẵn xuống cưa ra làm được bao nhiêu nhà, còn người đóng thuyền sẽ nghĩ bao nhiêu con thuyền sẽ ra khơi nhờ vào cây cổ thụ này...

              Cảm hứng là xúc cảm bất thời tự nhiên đến thôi thúc mình làm việc gì ngay như ca hát, viết văn, làm thơ, vẽ tranh, sọan nhạc...  Có thể là một hình dáng giai nhân, một chàng trai tuấn tú, hay một ánh mắt hiền từ, hay một câu thơ gieo xúc động, hay một bức tranh tuyệt mỹ, hay một khúc nhạc tuyệt vời...  Khi phục vụ nghệ thuật dù ở ngành nghề nào, chúng ta vẫn đôi lúc gặp những cảm hứng bất chợt.  Theo huyền thọai Hy Lạp đó là hơi thở của thần thánh.  Đó là nàng Ly Tao của các thi gia Trung Hoa, là nàng thơ the Muse, la Muse hay goddess of poetry của văn học Tây Phương, là Nàng \ Chàng Thơ của các thi nhân Việt Nam và của chúng ta những người đang tập đang đi trên bước đường thi ca.

               
              Cảm xúc trong thi ca là một yếu tố quan trọng có thể nói là sine qua non không có nó không được
              trong thơ.  Một bài thơ không có cảm xúc sẽ khô khan, thiếu gợi cảm, chỉ còn là một bài văn vần, một trò ghép chữ, có thể là vụng về, có thể là điêu luyện, nhưng không thể gợi cho người đọc một cảm giác gì trong hồn.  Tôi nhớ thời học Trung Học có vị giáo sư rất tài về cách làm thơ vần điệu để học sinh chúng tôi nhớ công thức tóan học.  Có thể nói vân vần ai rành quy luật thơ cũng viết được, nhưng làm thơ gây xúc động thì không thể thiếu cảm xúc dù là trực tiếp hay gián tiếp.
               
              Hư cấu là dựng ra, tạo nên theo sự tưởng tượng mà nhà tiểu thuyết nào cũng có.  Có hai loại người chính viết thơ mà tôi phân biệt là thi sĩ (poet) và người viết thơ (poem writer) theo tiếng Anh còn tiếng Pháp có 2 từ hòan tòan khác cho hai hạng người này, đó là poète cho thi sĩ và versificateur cho người viết thơ.  Thi sĩ là hạng người chỉ viết những gì mình xúc cảm thực sự còn người viết thơ có thể viết những gì người đó muốn viết để thuyết phục hay truyền cảm qua hình thức hư cấu.  Không hạng nào hơn hạng nào, vấn đề là ở tài năng của mỗi người.  Thi sĩ viết thật với lòng mình, còn người làm thơ viết với cả hồn mình và đem hư cấu vào một cách sống động để người đọc tin như là họ đương xúc cảm thật sự, dù đó chỉ là một thực tập tinh thần (mental exercises).
               
              Tóm lại, thi ca là một hình thức nghệ thuật trong đó ngôn ngữ được dùng với các tính mỹ từ học, cộng với hay thay vì ý nghĩa ẩn dấu của từ đó (3).
               
              Tạm vậy thôi nhé!  Có dịp ND sẽ bàn thêm nhiều hơn.


              1. Creativity (or creativeness) is a mental process involving the generation of new ideas or concepts, or new associations between existing ideas or concepts.

              2. "Creativity, it has been said, consists largely of re-arranging what we know in order to find out what we do not know." George Keller

              3. Poetry is a form of art in which language is used for its aesthetic qualities, in addition to, or instead of, its ostensible meaning.
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.11.2006 03:50:51 bởi Nguyên Đỗ >
              #7
                Nguyên Đỗ 19.11.2006 04:02:51 (permalink)
                Trình Bày Thơ
                 
                Thi ca hồi xưa được hát ca, trình diễn trên sân khấu, trong cung đình, chùa đền...  Thi ca ngày nay lại càng phong phú hơn với nhiều  phương tiện truyền thông khác nhau , poetry in motion, poetry in action, poetry in the Internet, poetry in book v.v
                 
                Hôm nay tôi chỉ đề cập trên mạng VNTHUQUAN thôi.  Tôi đọc qua nhiều người, nhiều nơi, có nhiều anh chị trình bày rất đẹp, có trang rất tuyệt vời vì hình ảnh, nhạc...  Đọc qua cũng không muốn rời, còn hẹn lòng mình sẽ trở lại.  Cũng có nhiều bạn đăng rồi hình như không coi lại, cứ giao phận vụ đó cho người đọc, khiến đôi lúc nếu không vì phần vụ Moderator, chắc các anh chị cũng ngại không muốn trở lại, để giờ đọc sách làm thơ cho riêng mình.
                 
                Cho nên các anh chị em trước khi rời diễn đàn, ráng nhín chút thì giờ coi lại và sửa cho xong.
                 
                 
                 
                 
                #8
                  SGLT 30.11.2006 16:43:32 (permalink)
                  Chào các bạn ! Hôm nay SGLT tình cờ gặp topic này, thấy nội dung cũng có tính thời sự nên xin được góp vài lời.
                   
                  Về yếu tố cảm hứng theo như ý kiến của bạn CBCV thì mình nghĩ cứ mười người làm thơ thì hết chín người rưỡi có cảm hứng. Nói vậy vì cái người làm thơ mà không có cảm hứng thì cũng sẽ có bài thơ người đó làm theo cảm hứng. Không thể có ai đó mà lại cứ cặm cụi làm thơ dù chẳng bao giờ có cảm hứng gì.
                   
                  Về yếu tố hư cấu theo như bạn TQ nói thì cũng vậy, cứ mười người thì sẽ có chín người rưỡi hư cấu trong thơ.
                   
                  Vì vậy, cảm hứng và hư cấu trong thơ là điều mặc nhiên ai cũng có.
                   
                  Riêng về hai yếu tố sáng tạo và chuẩn xác thì SGLT hoàn toàn đồng ý với bạn NĐ. Ở khắp các diễn đàn thơ, bạn có thể bắt gặp hằng hà sa số những sáng tác hoàn toàn không có sự sáng tạo cũng như sự chuẩn xác. Có những tác giả làm hàng trăm, hàng ngàn bài thơ nhưng SGLT chỉ đọc được khoảng bốn hay năm bài thì mất hứng, không muốn đọc tiếp nữa. Lại cũng có những tác giả mà ngay từ bài thơ đầu tiên đọc vào SGLT đã chẳng thể hiểu được ý của một vài câu thơ trong bài thơ đó nghĩa là gì dù đã lật tới lật lui, suy nghiệm đủ kiểu.
                   
                  Theo quan điểm cá nhân SGLT, sự nhàm chán vì thiếu sáng tạo thì ta có thể tránh được còn sáng tác của ta có chuẩn xác hay không thì cũng khó biết chắc vì cái hay, cái độc đáo của thơ là "ý tại ngôn ngoại" nhưng nếu "tại ngoại" quá thì sẽ thành tối nghĩa, khó hiểu. "Thái quá hoá bất cập" là vậy và người làm thơ giỏi là người không bị sa đà vào chữ "quá".
                   
                  Nhân nói đến "thái quá hoá bất cập", SGLT xin lạm bàn một chút về thơ tự do. Điểm mạnh của thơ tự do là không bị gò bó theo một quy tắc hay khuôn phép nào nên thơ tự do hoàn toàn có thể phá bỏ mọi giới hạn để đem đến cho người đọc những cảm xúc trọn vẹn nhất. Tuy vậy, một số người lại nhân danh thơ tự do để viết cái gì đấy mà chắc là chỉ có người ngoài hành tinh mới hiểu thì còn nói gì đến việc truyền cảm xúc cho người đọc. Lại cũng có người bảo rằng thơ tự do thì không cần có vần, không cần có điệu (?) Thơ mà không vần, không điệu thì có khác gì văn xuôi, sợ rằng còn tệ hơn, chỉ là những câu tán gẫu. Bản thân SGLT cho rằng, thơ có điệu mà không có vần thì có thể làm lời nhạc nhưng thơ mà không có điệu luôn thì không khác gì những lời buôn chuyện của mấy bà tám. Nói tóm lại, vần và điệu trong thơ tự do có thể biến hoá tùy ý nhưng bắt buộc phải có còn những dòng chữ không có vần, không có điệu thì không phải là thơ mà chỉ là một thể loại gì đó na ná như thơ.
                   
                  SGLT
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.11.2006 18:14:09 bởi SGLT >
                  #9
                    Đuyên Hồng 24.12.2006 16:00:54 (permalink)

                    Trích đoạn: cô bé chăn vịt

                    Cảm hứng sáng tạo lấy ở đâu ???

                    CBCV

                    ĐH xin trích một đoạn thơ của Thi Sĩ Chế Lan Viên:
                     
                    "...Bài thơ anh làm một nửa mà thôi
                    Còn một nửa để mùa Thu làm lấy
                    Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá
                    Nó là Thơ nhưng nó là Mùa..."
                     
                    Theo ngu ý của ĐH thì viết thơ phải có thi hứng. Thi hứng chính là hồn của bài thơ. Nó có thể đến từ nội tâm của chính tác giả hay từ ngoại cảnh. Khi nội tâm của con người hòa đồng với ngoại cảnh chính là lúc thi hứng khởi phát.  Nếu như ta hòa đồng được rung cảm của hai người đang yêu nhau ta cũng có thi hứng viết một bài thơ về tình yêu mặc dù không phải là người trong cuộc. Đấy không phải là chuyện bịa hoặc tưởng tượng. Cũng như khi ta họa thơ với người khác, ta phải hòa đồng với cảm xúc của bạn thơ, mượn thi hứng đến từ bạn thơ để viết...
                     
                     
                    #10
                      Hoang Viet 12.01.2007 19:43:34 (permalink)

                      Trích đoạn: Nguyên Đỗ

                      Sự Chuẩn Xác Về Thơ



                      Có nhiều người khi thơ nhập vào, viết không cần suy nghĩ, đang tả chiều thu gió heo may thổi, lại bay vào những vì tinh tú trong giải Ngân Hà, đang tả đêm ba mươi Tết lại nói tới mặt trăng tròn... Ai cũng biết là đêm ba mươi trời đen như mực may ra thì có những vì sao, chứ có thể nào có trăng soi vằng vặc trên cao. Viết thơ như thế, người đọc sẽ nghĩ ngợi tác giả đang thơ thẩn cõi mơ nào đó chứ không thể nào có trong cõi đời này được, nên đôi lúc các cụ có lý khi nói, "Ối giào, các nhà thơ nhà văn chỉ viết vớ vẩn thôi!"

                      Nguyên Đỗ

                       
                      Không gian và thời gian trong thơ...không hẳn và không nhất thiết phải như không gian và thời gian hiện hữu bên ngoài. Bởi rất có thể...không gian, thời gian đó chỉ là " ảo giác" của nhà thơ, hay cái mà nhà thơ chọn " ảo giác" làm phương tiện để thể hiện chủ đề. Do vậy, câu nói của ND chỉ đúng với từng trường hợp cụ thể mà thôi!
                      #11
                        SGLT 13.01.2007 20:01:20 (permalink)

                        Trích đoạn: Hoang Viet


                        Trích đoạn: Nguyên Đỗ

                        Sự Chuẩn Xác Về Thơ



                        Có nhiều người khi thơ nhập vào, viết không cần suy nghĩ, đang tả chiều thu gió heo may thổi, lại bay vào những vì tinh tú trong giải Ngân Hà, đang tả đêm ba mươi Tết lại nói tới mặt trăng tròn... Ai cũng biết là đêm ba mươi trời đen như mực may ra thì có những vì sao, chứ có thể nào có trăng soi vằng vặc trên cao. Viết thơ như thế, người đọc sẽ nghĩ ngợi tác giả đang thơ thẩn cõi mơ nào đó chứ không thể nào có trong cõi đời này được, nên đôi lúc các cụ có lý khi nói, "Ối giào, các nhà thơ nhà văn chỉ viết vớ vẩn thôi!"

                        Nguyên Đỗ


                        Không gian và thời gian trong thơ...không hẳn và không nhất thiết phải như không gian và thời gian hiện hữu bên ngoài. Bởi rất có thể...không gian, thời gian đó chỉ là " ảo giác" của nhà thơ, hay cái mà nhà thơ chọn " ảo giác" làm phương tiện để thể hiện chủ đề. Do vậy, câu nói của ND chỉ đúng với từng trường hợp cụ thể mà thôi!

                        Không gian và thời gian trong thơ không hẳn và không nhất thiết phải như không gian và thời gian hiện hữu bên ngoài nhưng cái logic của không gian và thời gian trong thơ phải phù hợp với cái logic của không gian và thời gian bên ngoài trừ phi tác giả cố tình truyền đạt những cảm xúc bất bình thường.
                         
                        ...Ngàn tinh tú lấp lánh khắp bầu trời
                        Chuông đồng hồ trên bàn học reo vui
                        Ánh nắng vàng soi rạng rỡ nơi nơi
                        Chú dế ngoài bờ ao mê mải gáy

                         
                        Tình em tựa như là dòng suối chảy
                        Mỗi ngày qua lại đốt cháy lòng anh...

                         
                        Ặc ặc... 
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.01.2007 20:28:19 bởi SGLT >
                        #12
                          Nguyên Đỗ 20.01.2007 12:41:24 (permalink)
                          Cám ơn các bạn đã tiếp tục đóng góp những suy nghĩ về thơ, ND xin ghi nhận, chia sẻ thôi, ai cảm nhận được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.
                           
                          ND xin chia sẻ quan điểm về thơ của cố thi sĩ Hàn Mặc Tử gởi cho Trọng Miên vào tháng 6 năm 1939, lấy ra từ:
                           
                          http://www.dunglac.net
                           
                           
                          QUAN NIỆM THƠ
                           
                          Gởi Trọng Miên
                           
                           
                          M. có hỏi Trí(*) về quan niệm thơ. Đối với Trí quan niệm rất khác thường, không giống Baudelaire lắm. Theo Baudelaire, thì va lấy passion làm hứng vị cho thơ. Trước kia nếu M. lập tập Thơ Điên của Trí ra, M. sẽ thấy nhiều bài thấm thía những tình cảm rất nồng và rất say sưa… Trí đã phải tiết hết linh lực của hồn, của máu, bằng những câu thơ ngất đi vì khoái lạc. Chỗ ấy, hơi đồng một quan điểm với Baudelaire. Trí nói hơi đồng thôi, vì trong khi làm thơ, Trí đã tận hưởng những phong vị của nhạc, của hoa, của trăng, của gái một cách vô tội. Chứ đối với Baudelaire, va đã nói “la passion est chose naturelle…” nghĩa là va đã hiểu lầm chữ passion rồi vậy.
                           
                          (*) tức là Hàn Mặc Tử
                           
                           
                          Tình cảm- hay cảm hứng (enthousiasme) với dục tình (passion) khác nhau nhiều. Tình cảm là sự thanh bạch hồn nhiên, không có một chút gì bợn nhơ, tội lỗi, còn dục tình là cả một sự ham muốn phi thường ngoài điều răn của Đức Chúa Trời. Tất cả trong thế gian này, hay có một cõi xuất thế gian nào nữa, những thứ gì đã trụ trong hai thế gian ấy (cõi hữu hình và cõi vô vi) đều là hình ảnh của thơ cả. Đức Chúa Trời đã tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ (éléments de la poésie) nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy, chiêm nghiệm lẽ màu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí Tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là “thiên thần và loài người ta”, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài Thi Sĩ. Loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng; phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người, và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch (but de la poésie). Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này, nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời, Người bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình.
                           
                          Không rên siết là thơ vô nghĩa lý.
                           
                          Hay:
                           
                          Ta hiểu chi trong áng gió nhiệm màu
                           
                          Những hạt lệ của trích tiên đày đọa.
                           
                          Cho nên thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thỉ, vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt. Thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình. Thi sĩ đã ngất ngư trong khi nuốt hết khí vị thanh tao của mùa xuân ấm, của tất cả những lương thực ngon ngọt mĩ vị làm bằng hương báu, làm bằng nhạc thiêng, làm bằng rượu say, làm bằng châu lệ… (genèse d’un poème). Song le miệng lưỡi thi sĩ vẫn nóng ran, vẫn còn khát khao thèm thuồng những vật lạ muôn đời (génie créateur, aimant toujours le nouveau). Của thế gian nếm mãi, chưa bưa, chưa ớn, chưa hả hê chút nào. Thi sĩ vẫn đi tìm mãi vẫn còn kêu rên thảm thiết, để đi đến cõi ước mơ hoàn toàn. Trong đời thi sĩ, thi sĩ đã sống cô độc, những người con gái rất xinh đẹp cũng không làm cho thi sĩ vui đặng, vì thi sĩ nhận thấy ở người con trai cũng như ở người con gái, đều có một tâm thuật nhỏ nhoi tầm thường không hợp với tánh tính thanh cao của thi sĩ. Vì thế, thi sĩ cứ kêu rên thảm thiết là để tìm một người tri kỷ. Mà than ôi, không bao giờ thi sĩ tìm đặng. Người tri kỷ của thi sĩ phải là một bậc cao quý, toàn tài, toàn năng, một đấng mà thi sĩ nhận lấy như là hết cả mọi sự - Đấng ấy là Đức Chúa Trời – Thi sĩ chỉ có thể trút hết hận tình với Đức Chúa Trời, kể lể hết niềm đau thương với Người, dâng cho Người những bài thơ sáng láng anh hoa, thế mới là mãn nguyện. Vì Đức Chúa Trời đã tạo ra thơ ở thế gian này, nhưng thi sĩ là người khát khao vô tận, cứ như định muốn hưởng cái thơ trên cái thơ khác nữa. Chỉ có Đức Chúa Trời mới làm vừa lòng thi sĩ.
                           
                          Cho nên tất cả thi sĩ ở trong đời phải quy tụ, phải đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải là một người thường. Với một sứ mệnh của Trời, thi sĩ phải biết đem tài năng ra ca ngợi Đấng Chí Tôn, và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ, để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng. Những thi sĩ nào không biết đem tài ứng dụng vào chỗ tốt đẹp, thì sẽ bị Đức Chúa Trời lấy tài lại một cách nhãn tiền!
                           
                          M. ơi, như thế, thì M. đã hiểu thế nào là quan niệm của Trí về thơ. Thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt. Câu này ăn ý với câu: Thơ là những tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ cảnh chiêm bao, giải thích bằng hai mặt: lạc quan và bi quan.
                           
                          Trí đã tóm tắt những ý đã nói. Có điều này nữa, Trí khác với Baudelaire. Baudelaire nói: thơ văn không thể dung hòa với khoa học hay luân lý (hoặc tôn giáo cũng thế) và thơ văn không thể lấy chân lý làm chủ đích được, thơ chỉ là thơ (La poésie ne peut pas sous peine de mort ou de déchéance, s’assimiler à la science ou à la morale. Elle n’a pas la vérité pour objet, elle n’a qu’elle-même). Baudelaire nói trái nghịch với lẽ tự nhiên. Sở dĩ thơ văn được phong phú dồi dào, phát triển hết cả anh hoa huyền bí, và vượt lên những tầng biên giới tân kỳ, mới lạ cũng nhờ khoa học điểm xuyết cả. Còn luân lý, là tiêu chuẩn cho văn thơ, không có nó thì thơ văn chẳng còn ra cái mùi mẫn gì nữa. Nếu để thơ trơ trọi một mình, thơ sẽ lạt lẽo, vô duyên, không có phong vị gì nữa. Baudelaire thuộc về phái vô thần, nên không tin có Chân Lý, không nhận Chân Lý làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Còn Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm Chân Lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có.
                           
                          Quy Nhơn Juin 1939
                           


                          #13
                            Nguyên Đỗ 30.03.2007 11:36:14 (permalink)
                            Thể Thơ Nào Hay?

                            Nhiều bạn hỏi tôi thể thơ nào hay, dễ làm, dễ phổ nhạc?  Tôi suy nghĩ nhiều nhưng cuối cùng cũng chỉ kết luận như lúc trả lời ngay với những người đã hỏi:  không có thể thơ nào hay hơn thể thơ nào cả, chỉ có nội dung và cách chuyển đạt tư tưởng qua ngôn ngữ của nhà thơ hay người làm thơ thôi cũng như trong võ lâm không có môn võ nào chiếm địa vị độc tôn mãi mãi cả mà tùy ở môn sinh các phái võ có năng tập luyện tới tinh vi không mà thôi.  Khi đã chịu khó tập luyện thì thể thơ nào cũng vậy, cũng có một số quy luật phải tuân theo.  Điêu luyện rồi thì mọi thứ đơn giản hóa ra, không khó như lúc mới đầu.  Còn vấn đề phổ nhạc là do cảm hứng của nhạc sĩ, họ có thể phổ bất cứ thể thơ nào, nếu  bài thơ rung động được tâm hồn nhạc sĩ.

                            Nếu trường phái Thiếu Lâm có thể coi là mẹ đẻ của các môn phái võ ở Trung quốc thì trong thi ca Việt Nam, thể thơ Lục Bát  cũng có thể coi là mẹ đẻ của các thể thơ khác dù hình thức thơ có thể du nhập từ nhiều nguồn gốc khác nhau, nhưng hồn thơ lục bát qua ca dao, đồng dao, lời hát ru con đã nuôi dưỡng, đào tạo ý niệm thơ của các thi sĩ  ngay từ thuở ấu thơ.  Dù ít dù nhiều, thơ lục bát đã giữ một tầm quan trọng trong sự hình thành tư tưởng thơ của những người làm thơ. 

                            Người thích thơ Đường, người thích thơ Tự Do, người thích thơ mới, người thích thơ Lục Bát, hay Song Thất Lục Bát...  Đó chỉ là phương tiện để truyền đạt tình cảm, tư tưởng, không phải tự phương tiện có thể xưng là hay, mà do người chuyển đạt thành công hay không.  Mỗi thể thơ có một cái hay riêng, không thể nói thể thơ này hay hơn thể thơ kia.

                            Nguyên Đỗ
                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.03.2007 11:39:21 bởi Nguyên Đỗ >
                            #14
                              Chuyển nhanh đến:

                              Thống kê hiện tại

                              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                              Kiểu:
                              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9