(url) Võ Thị Xuân Hà

Tác giả Bài
sóng trăng
  • Số bài : 1013
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 25.02.2006
(url) Võ Thị Xuân Hà - 30.10.2006 12:31:43
.


Võ Thị Xuân Hà









Tiểu Sử:

Võ Thị Xuân Hà
Sinh tại Hà Nội
Quê gốc : Vĩ Dạ - Huế
Hiện làm việc ở Ban Sáng tác- Hội Nhà văn Việt Nam
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm ( khoa Toán Lý )
Tốt nghiệp thủ khoa khoá 4 Trường viết văn Nguyễn Du
Hội viên Hội Nhà văn VN , Hội Nhà văn Hà Nội , Hội Nhà báo VN , Hội Điện ảnh VN.

Các tác phẩm đã xuất bản:

Tập truyện ngắn Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào ( NXB Văn học - 1992 )
Tập truyện ngắn Bầy hươu nhảy múa ( NXB Văn học - 1994 )
Tập truyện ngắn Cổ tích cho tuổi học trò ( NXB Kim Đồng - 1994 )
Tập truyện dài Chiếc hộp gia bảo ( NXB Kim Đồng - 1997 )
Tập truyện ngắn Kẻ đối đầu ( NXB Hội Nhà văn - 1998 )
Tập truyện dài Chuyện ở rừng Sồi ( NXB Trẻ - 1998 , NXB Kim Đồng - 1999 )
Tập truyện ngắn Giá nhang đèn và những truyện khác ( NXB Hà Nội - 1999 )
Tập truyện ngắn Màu vàng thần tiên ( NXB Kim Đồng - 2001)
Tập Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà ( NXB Phụ nữ.- 2002)
Tập truyện ngắn Chuyện của con gái người hát rong (NXB Hà Nội - 2004)
Tiểu thuyết Tường thành ( NXB Hội nhà văn - 2004)
Tiểu thuyết Trong nước giá lạnh ( NXB Phụ nữ - 2004)

Giải thưởng:

- Tặng thưởng Cuộc thi truyện viết cho thiếu nhi, tập Chiếc hộp gia bảo - NXB Kim Đồng1996
- Giải thưởng sách hay, tập Kẻ đối đầu - NXB Hội Nhà văn 1998.
- Giải B Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, năm 2003 cho tập Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà.
- Giải nhất truyện ngắn Bạn rừng, báo Thiếu niên tiền phong, năm 2001
- Giải C kịch bản điện ảnh Chiếc hộp gia bảo ( Hãng phim truyện Việt Nam, 1997 ) , giải khuyến khích kịch bản Chuyện ở rừng Sồi ( Cục Điện ảnh, 1998 ) , giải C kịch bản Đất lặng lẽ ( Điện ảnh Quân đội, 2000 )., giải khuyến khích kịch bản Trăng nơi đáy giếng ( Cục Điện ảnh, 2003)


Nhà văn Võ Thị Xuân Hà:
“Hãy xếp thêm chỗ cho tình yêu trên mặt đất”


Đến với văn chương bằng những trải nghiệm của một người đàn bà khao khát yêu thương. Xê dịch liên tục trong môi trường làm việc công chức, Võ Thị Xuân Hà bươn bả sống để viết. Ra liền 2 tập tiểu thuyết “Tường thành” và “Trong nước giá lạnh” chỉ 2 tháng cuối năm 2004. Chị dành cho bạn đọc những tâm sự, những ẩn ức của một người phụ nữ nhọc nhằn gần cả cuộc đời với câu chữ, văn chương…



Nhà văn Võ Thị Xuân Hà.




- Tôi nghe người ta nói, từ bé chị đã nung nấu ý định trở thành nhà văn để được tuyên ngôn?

- Sao to tát vậy? Thực ra những ngày còn ít tuổi tôi đã hay suy tư, nhất là khi gặp những chuyện trái ngang của người thân, mọi người xung quanh, hay nỗi buồn của chính mình. Lúc ấy tưởng tượng mình sẽ viết những dòng như thế, như thế... Sách cũng là những khối kiến thức lớn mà tôi cứ như bị nhập đồng khi đọc chúng, đọc rất nhiều, đọc bất cứ cuốn sách nào có được. Đâu đã nung nấu trở thành nhà văn, bé thì đã biết gì, lo tránh bom và học hành mướt mồ hôi ấy chứ. Tôi mơ mình trở thành cô “văn công” thì đúng hơn, thích hát mà.

Nhưng sau khi trở thành một cô giáo dạy toán, tôi đã nhận ra mình mơ ước viết biết bao nhiêu. Thế là đi học Tổng hợp Văn tại chức, rồi chuyển sang Trường Viết văn Nguyễn Du. Và còn nhiều chặng đi gian truân khác nữa. Ngẫm lại thì thấy thế này: hoá ra số mệnh bắt tôi đi con đường đó từ khi còn rất nhỏ. Điều này mang ý nghĩa tâm linh thì đúng hơn.

- Người ta thường viết về chiến tranh với những lằn ranh rõ ràng. Còn chị, tôi có cảm giác chị luôn đi chênh vênh trên lằn ranh của thiện và ác, của chính nghĩa và phi nghĩa, để cuối cùng tìm đến một cái đích nhân bản, mà cuốn tiểu thuyết mới ra “Trong nước giá lạnh” là một thí dụ. Chị có đồng ý không?

- Nếu có phân định rạch ròi giữa các nhà văn viết về chiến tranh và các nhà văn viết về hoà bình, thì tôi là một cô bé nhút nhát ngồi rụt rè ở trên lằn ranh. Tôi không trực tiếp tham gia trong cuộc chiến, nhưng lại đích xác là một đứa con sinh ra từ trong chiến tranh. Gia đình nội ngoại của tôi ngổn ngang thế sự của những số phận trái ngược, trái ngang từ nỗi tang thương của dân tộc trong chiến tranh. Nên hình như tôi không muốn mà vẫn cứ phải dùng những thủ pháp chênh vênh, để nhìn ra chiến tranh - hoà bình, thiện - ác, chính nghĩa - phi nghĩa... từ cái góc nhìn độc đạo của mình.

- Thế giới nhân vật của chị thường là nữ, trong mỗi hoàn cảnh họ đều trong một tình trạng sống khá đặc biệt. Mặc kệ cuộc sống đói nghèo hay sung túc, vẫn bị trộn lẫn giữa thực và mộng, bị xáo trộn giữa tốt và xấu, vị tha nhưng ích kỷ, tự tin mà lại dễ bị cám dỗ. Phải chăng đó là cái nhìn của tác giả với đời sống, trong một quá khứ mông lung và một tương lai bất trắc?

- Ban đầu tôi hay viết một cách lý tưởng hoá nhân vật. Sau thì tôi đã chọn cho các tác phẩm của mình lối đưa ra những thế giới nội tâm mông lung bất trắc đó. Để rồi người đọc sẽ tự chọn cho mình con đường tránh sự mông lung bất trắc trong cuộc đời. Nhưng người đọc sẽ không nhận ra một cách rõ rệt rằng, hình như nhà văn đang rải những thiên thần nhỏ bé có những đôi cánh trong suốt dẫn đường tới hy vọng, hạnh phúc, sự thánh thiện...

- Chị là phụ nữ và là mẹ của 2 cô con gái đang lớn, chị có nghĩ rằng, cái thế giới của những người đàn bà hôm nay biến đổi từng ngày, chỉ có sự thua thiệt trong tình yêu thì vẫn như cũ?

- Hình như tình yêu không còn mấy chỗ trong cái thế giới hỗn tạp biến đổi đến chóng mặt này. Hình như ngày nay đã gọi là tình yêu thì phải đi kèm hai chữ thua thiệt... Nhưng người phương Đông chúng ta có cái lắt léo rất hay, chẳng ai nói người bị thua thiệt trong tình yêu là người xấu, người ta chỉ nói là ngu dại. Mà theo tôi, được ngu dại một lần trong đời lại là hạnh phúc. Tôi muốn nói với con tôi và bạn đọc rằng hãy xếp thêm chỗ cho tình yêu trên mặt đất.

- Chị rời địa hạt truyện ngắn và kịch bản phim để âm thầm viết tiểu thuyết và cùng lúc ra mắt 2 tập tiểu thuyết, chị có “tuyên ngôn” gì mới không? Người ta bảo tiểu thuyết bây giờ ít người đọc, chị không thấy mạo hiểm sao?

- Tôi không thể nói tóm gọn những ý tưởng của mình trong hai cuốn tiểu thuyết đầu tay ra cùng năm nay. Cuốn "Trong nước giá lạnh" viết trước, lại in ra sau. Cuốn "Tường thành" viết sau lại in ra trước. Trong nước giá lạnh là bối cảnh ở một làng vùng ven Huế sau chiến tranh với những nhân vật giữa hai lằn ranh như tôi đã nói ở trên. Còn Tường thành thì bối cảnh là ở Hà Nội trong những ngày này, với những tệ nạn và niềm khát khao của tôi tranh đấu vì một cuộc sống lành mạnh tươi đẹp.

Tôi không cảm thấy mình mạo hiểm khi viết tiểu thuyết vào thời điểm mà hình như khi tìm đọc sách, không ít người chỉ đọc qua quýt vài truyện ngắn giải trí, những truyện kích động bằng câu chữ, sênh sang hình ảnh rẻ tiền. Tôi chỉ sợ mình không biết viết tiểu thuyết. May mắn thay, nhiều người đã mua hai cuốn tiểu thuyết của tôi, đã đọc và có nhiều hồi âm.

- Chị thấy tiểu thuyết Việt Nam mấy năm nay có gì hấp dẫn không? Và chị có kỳ vọng vào ai trong tốp những người đến sau chị?

- Hình như cánh văn xuôi như tôi rất vụng về khi nói đến những chuyện như thế này. Khen tiểu thuyết Việt Nam mấy năm nay hấp dẫn thì hình như chưa xứng với các nhà văn đi trước. Bảo kém cỏi thì giống như tự mình làm thui chột ý chí của mình. Nhưng các nhà phê bình và bạn đọc đừng chủ quan nhé. Sẽ có một lúc nào đó, dòng văn học hiện đại thời kỳ đổi mới, trong đó có vai trò quan trọng của tiểu thuyết, sẽ làm nên sứ mệnh mới của nó. Nên việc kỳ vọng vào tốp những người đến sau tôi là hiển nhiên. Nhưng đích danh là ai thì tôi không tiên đoán được.

- Chị từng nói, giải thưởng không làm nên nhà văn. Nó không có ý nghĩa gì với chị sao?

- Giải thưởng không làm nên nhà văn không có nghĩa là giải thưởng không có ý nghĩa gì với tôi. Trước hết, nó làm cho tôi đỡ phải viết khối bài báo để kiếm tiền sinh sống.

- Nhà văn Việt Nam bây giờ vẫn sống khổ quá (tôi muốn nói đến những người viết chân chính), chị có sống được bằng những trang viết của mình?

- Dĩ nhiên là không rồi. Nó giống như việc lấy chính máu mình ra mà ăn vậy. Vì khung nhuận bút thấp một cách đáng thương cho những người viết chúng tôi, so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội. Vậy mà bây giờ lại thêm cái chuyện đánh thuế thu nhập vào cả những đồng nhuận bút ít ỏi ấy. Tại sao lại như thế? Cho dù phải đứng một mình để hỏi cả dân tộc câu này, tôi vẫn cứ kiên trì đứng để hỏi.

- Nhà văn “đi làm cơm áo”, đàn ông còn mướt mồ hôi, vậy mà chị vẫn kiên cường quá, vẫn liên tục “sinh hạ” những đứa con cứng cáp trong lòng bạn đọc, phải có một đức tin hay niềm hy vọng gì đó chứ?

- Có chứ. Nhưng đức tin và niềm hy vọng đó tôi thành kính đặt sâu trong linh hồn tôi. Để cho nó không bị mòn cụt hay trỗi lên kiêu ngạo. Và tôi nghĩ rằng chắc chắn có thế giới tâm linh đang nuôi dưỡng linh hồn tôi.

- Một số truyện ngắn của chị từng được so sánh với các nhà văn nước ngoài. Nên hiểu đó là niềm vui hay nỗi thất vọng đây, thưa chị?

- Tôi cho đó là “hiệu ứng nhà kính” của những cách nhìn hạn hẹp. Khen cũng hạn hẹp mà chê cũng hạn hẹp. Vì thế giới đại đồng có rất nhiều những ẩn số trùng lặp. Nếu tôi thất vọng về những chuyện này thì tôi không còn là một nhà văn của dân tộc nữa.

- Trong một số tác phẩm, chị đã có những trang miêu tả khá bạo liệt và... sexy. Chị có lo ngại dư luận cho rằng mình bị ảnh hưởng của trào lưu các cây bút nữ Trung Quốc như Cửu Đan, Vệ Tuệ với phong trào giải phóng bản thân bằng những trang viết đẫm tính dục?

- Tôi vừa nói ở trên, chẳng có thước đo Vệ Tuệ, Cửu Đan hay ai đó trong tôi. Có tác phẩm tôi viết trước cả các cây bút nữ Trung Quốc đó. Trong hai cuốn tiểu thuyết vừa ra của tôi, nếu bạn đọc soi xét kỹ càng, sẽ thấy không có cái gọi là sexy hay đẫm tính dục. Chuyện đó được đề cập bằng những hình ảnh rất mộc và chân thực, không kích động tính dục bằng ngôn từ như Vệ Tuệ, cũng không mô tả trần trụi như Cửu Đan. Mà đó là hơi thở cuộc sống, một cuộc sống nhơ nhớp, thô thiển hay minh triết; một cuộc sống với lý lẽ sinh sôi của nó, không cần che giấu hay biện minh.

- “Tình yêu thương rồi sẽ lên ngôi. Tình yêu thương sẽ dựng bức tường thành che chở cho con người khỏi sự tang thương bệnh hoạn nghèo đói bội bạc và hèn đớn”... Chị kết tiểu thuyết "Tường thành" bằng một dư âm mở như thế. Sự thật là tình nhân ái thường trở nên sáo rỗng khi người ta đem đi rao giảng suốt ngày. Còn chị, từ những chi tiết nhỏ, đôi khi tưởng như vụn vặt, lại nói về tình nhân ái nhẹ nhàng mà tạo nên những khoảng lặng bất ngờ. Tôi cho đó là những giá trị chính trong sáng tác của chị. Chị nghĩ sao?

- Nỗi khát khao lớn của tôi bao giờ cũng được tôi đặt vào những khoảng lặng như thế trong các tác phẩm. Sau hàng loạt những bạo liệt trong tính cách nhân vật, những trang văn trữ tình, những hình ảnh mâu thuẫn xen cài... tôi dẫn dắt và thuyết phục người đọc bằng chính những khoảng lặng đó.

Vì thế nhiều người nhận xét khi đọc truyện của tôi phải suy ngẫm, suy ngẫm rất nhiều, có cái phải đọc đi đọc lại rồi mới nhận ra tác giả định nói gì. Và khi đã nhận ra rồi thì nhớ mãi không thể quên. Tôi rất cám ơn bạn đọc đã chia xẻ. Bạn đọc bây giờ thông minh và mạnh mẽ lắm.

Thú thật, sau khi tạo dựng những khoảng lặng thành công, nước mắt tôi thường âm thầm chảy...

- Bây giờ đã là tháng 12, gần hết năm rồi, chị có dự định gì cho năm tới?
- Tôi tưởng mình sẽ viết tiếp được cuốn tiểu thuyết thứ ba ngay sau khi viết xong "Tường thành", Nhưng tôi đã nhầm. Ngay cả truyện ngắn bây giờ cũng chưa viết được tiếp. Nhưng kế hoạch của tôi năm tới vẫn là cuốn tiểu thuyết thứ ba.

(Tuỳ Phong - Pháp Luật)
Nguồn: http://www.vnn.vn

Tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà trong Thư Viện VNTQ

Ngàn Xanh và Gió - Võ Thị Xuân Hà - do Khôi Tâm mang vào phần Truyện của thư quán

Giấc Mơ - Võ thị Xuân Hà - (truyện này đã được banh2005 mang vào thư quán nhưng sóng trăng không tìm ra, hình như dưới tên tác giả Lê Trung Cầu

Tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà trên evăn

Lối Rẽ Khiêm Nhường - Võ Thị Xuân Hà
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.12.2006 09:59:00 bởi TTL >

sóng trăng
  • Số bài : 1013
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 25.02.2006
RE: Võ Thị Xuân Hà - 30.10.2006 12:55:27
.

Võ Thị Xuân Hà:
Có thể con tôi chân không dài lắm,
nhưng nó vẫn xinh

Cập nhật ngày 5 tháng 7 năm 2006




Một ngòi bút rất đặc trưng của giới nữ,
với kiểu viết dữ dội mà day dứt,
có thể nói gọn về văn chương
của Võ Thị Xuân Hà như thế.



Đã lâu tôi mới gặp lại chị, nhưng lần này là cuộc gặp trong văn phòng thuê bé nhỏ là trụ sở của Công ty Truyền thông Hà Thế (một hướng rẽ mới, có lẽ rất tốt đẹp trong cuộc đời nhiều sóng gió của chị).

· Từ cuộc trò chuyện lần trước của chúng ta, cách đây đã bốn năm, chị có nói về dự định viết một cuốn tiểu thuyết thật nhiều dông bão, thật nhiều day dứt về số phận con người, một cuốn tiểu thuyết để chứa đựng dài hơi những câu chuyện đời chị muốn kể.

- Lần đó tôi có nói về dự định viết một cuốn tiểu thuyết thật dông bão, chứa đựng nhiều biến cố trong xã hội hiện đại, nhưng chưa thực hiện được. Với tôi viết tiểu thuyết tương đối khó khăn vì viết truyện ngắn đã thành công, đã thuận tay nhiều năm rồi. Cuối 2003 tôi bắt tay viết cuốn "Trong nước giá lạnh", ý định theo phong cách truyền thống, nhưng đến khi viết lại không thể làm theo lối đó được, bởi như vậy sẽ quá đơn giản. Tôi đã viết "Trong nước giá lạnh" theo cách của mình.

Năm 2004, tôi nghĩ đã đến lúc cần phải viết về cuộc sống hiện đại nơi mình đang sống, ngay trên đất Hà Nội này, nơi nuôi dưỡng mình lớn lên. Và "Tường thành" ra đời như thế. Những người nào không đồng cảm được với việc viết lách của tôi đã nói: tôi không thể nào viết tiểu thuyết thành công được trong một thời gian quá ngắn như vậy. Họ cũng từng chứng minh có những từ ngữ tôi để sạn. Nhưng đứng ở tâm thế một người viết như tôi, nếu để viết một cuốn tiểu thuyết kiểu "Tường thành" nhẩn nha ba năm thì không thể nào có "Tường thành" được. Tôi cho rằng trong bất cứ một tác phẩm nào, hay thậm chí ngay cả một con người khi sinh ra đều có những khiếm khuyết, nhưng nhiều khi những khiếm khuyết đó lại tạo nên nét riêng của tác phẩm ấy hay của con người ấy. Nếu sợ khuyết tật không bao giờ tôi dám viết tiểu thuyết chỉ trong vòng một tháng rưỡi.

· Có thể coi như viết nhanh là phong cách của chị?

Đúng rồi. Trước đây tôi từng nói với bạn là không khi nào tôi viết được trong thời gian dài. Thời gian viết một truyện ngắn có khi chỉ kéo dài khoảng hai, ba ngày hoặc thậm chí một ngày. Đã vào mạch thậm chí tôi viết liền không ăn, không ngủ, không để ý đến mọi thứ xung quanh, nhưng nếu để cách đoạn vài ngày thì có thể tháng sau tôi cũng chưa viết xong. Mỗi người có một cách khác nhau. Bản năng viết của tôi là như thế. Nếu nói thời gian viết tiểu thuyết "Tường thành" chính xác ra cũng chưa được một tháng rưỡi, vì ban ngày tôi còn đi làm, đêm về mới ngồi vào bàn viết, chỉ có thứ bảy, chủ nhật mới ngồi viết được. Thậm chí viết trên máy tính mà tôi đếm chữ: có ngày 5000 chữ, thứ bảy - chủ nhật cộng vào được 8000 chữ là đứng dậy rất sung sướng, quên hết mọi thứ. Còn trung bình mỗi đêm viết được 2000-3000 chữ, vì nó vào mạch rồi.

· Nhưng chị đã sắp xếp sẵn một cái khung câu chuyện sẽ kể trước khi viết chứ?

Không. Ban đầu không sắp xếp một cái gì hết. Có lẽ trời đất cũng thế nào đó, rót vào đầu những ý nghĩ mà tôi không tự nghĩ rằng mình sẽ viết được. Nhưng thực ra với "Tường thành", tôi viết về giới báo chí (vốn là nghề thứ hai của tôi, một nghề mà tôi rất thấu hiểu), và thêm nữa lại viết về chính nơi mình đang sống. Tôi đang ở trong một xóm liều - gọi là xóm liều cũng không hẳn song cả khu đất ấy giữa thủ đô nhưng không được ai công nhận, đến nay vẫn tiếp tục đe dọa bị giải toả, vẫn tiếp tục có những "kế sách ngầm" sao đó. Tôi không tự cứu được bản thân mình, luôn trong tình trạng nơm nớp không biết khi khu này bị giải toả liệu mình có được người ta phân nhà cho không, có được mua nhà tử tế hay không, hay sẽ bị đẩy xuống những chỗ không ra gì y như mình tả ở trong truyện...Cuốn "Tường thành" của tôi ra đời trong hoàn cảnh như thế đấy.

· " Tường thành" đã được nhiều người tìm đọc. Với chị cuốn sách đã là một tiểu thuyết đề tài hiện đại dữ dội như chị tâm nguyện ban đầu chưa?
Cuốn sách này không dữ dội ở từng câu chữ hay những câu chuyện chém giết hay tệ nạn...mặc dù có nói đến nhiều. Bởi nhân vật chính là các nhà báo, trong quá trình tác nghiệp họ gặp những vấn nạn xã hội như thế nào. Khi đọc cuốn sách này, cũng rất nhiều người nói với tôi rằng viết tiểu thuyết không có nghĩa là nhẩn nha, không có nghĩa là cứ phải theo lối truyền thống trước đây, phải có tuyến nhân vật tốt, tuyến nhân vật xấu. Toàn bộ Tường thành nhân vật nào cũng có những vấn đề của mình, kể cả những nhân vật đẹp nhất. Điều mà tôi tâm đắc nhất trong tiểu thuyết này là tôi đã mô tả đúng về một góc rất nhỏ của Hà Nội. Có người không hiểu sẽ nghĩ theo hướng tôi viết sao mà u tối thế. Nhưng phải thấy được trong phần u tối đó vẫn loé lên tất cả những gì nhân bản nhất của con người.

· Những năm qua tôi thường theo dõi những truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà trên các mặt báo. Mặc dù chị nói khiếm khuyết đôi khi lại tạo nên nét riêng của tác phẩm, nhưng phải nói rằng vẫn có những chuyện chị viết tôi có cảm giác tiếc nuối rằng " giá như" thế này hay thế khác sẽ thật trọn vẹn hơn...

Tôi nghĩ mỗi người là một thế giới nội tại. Có cho tôi thời gian một năm hay hai năm viết truyện đó tôi vẫn viết như thế. Mỗi đứa con mình sinh ra có thể méo có thể tròn nhưng tôi vẫn cứ sinh ra thôi, bởi đợi mọi người góp ý nắn cho thật tròn sẽ chẳng bao giờ có được những tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học không bao giờ tròn trịa cả, mà phải để mọi người luyến tiếc, mọi người hướng tới, suy nghĩ. "Đàn sẻ ri bay ngang rừng" hoàn toàn không tròn trịa nhưng sao mọi người vẫn thích đọc, cho đến giờ đã dịch ra mấy thứ tiếng. "Lúa hát" cũng thế, các nhà văn Việt Nam dù có ai đó không ưa lối viết của tôi, nhưng cũng không ai bảo "Lúa hát" kém cả. Mà tôi viết "Lúa hát" cũng chỉ trong vòng một ngày. Tôi không tự ti cho rằng sao mình sinh con lại không sinh ra con gái chân dài? Nhưng con tôi có thể chân không dài lắm nhưng nó vẫn xinh. Mọi thứ đều có lý của nó. Khi người đọc cảm thấy day dứt trước một truyện rằng tại sao Võ Thị Xuân Hà viết không như thế này mà lại viết như thế này? Đúng, thế mới là Võ Thị Xuân Hà - nếu không đã là 1 người khác rồi. Tôi luôn tự tin khi nghĩ rằng: ngay cả bạn đọc chuyện của tôi mà cảm thấy sao chị ấy không viết như thế này hay thế khác, thì chính vì cái suy nghĩ ấy của bạn mà bạn cứ luôn luôn hướng tới những chuyện sắp tới của tôi. Và tôi mong muốn đến một lúc nào đó, mọi người nhìn lại, xâu chuỗi lại toàn bộ những tác phẩm của tôi, mới thấy rằng, à hoá ra mọi sự đều có lý của nó.

· Xin cảm ơn nhà văn Võ Thị Xuân Hà và rất mong chờ được đọc tập truyện ngắn "Cái vạc vàng có đòn khiêng bằng kim khí" sắp xuất bản của chị.

Theo Đại Đoàn Kết


Tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà trong Thư Viện VNTQ

Ngàn Xanh và Gió - Võ Thị Xuân Hà - do Khôi Tâm mang vào thư quán

Giấc Mơ - Võ thị Xuân Hà - (truyện này đã được banh2005 mang vào thư quán nhưng sóng trăng không tìm ra, hình như dưới tên tác giả Lê Trung Cầu

Tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà trên evăn

Lối Rẽ Khiêm Nhường - Võ Thị Xuân Hà
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2006 13:11:20 bởi sóng trăng >