Chút tản mạn Biển Hồ Tôn-lê Sáp
Hoang TN 06.11.2006 21:48:20 (permalink)
Chút tản mạn Biển Hồ Tôn-lê Sáp

Nhắc tới vương quốc Campuchia người ta hay nhắc tới gì nhỉ? Cái ấn tượng đầu tiên có lẽ là công trình tháp đá Angco Wat vĩ đại đã được xếp hạng kỳ quan thứ tám của nhân loại. Nhưng chắc ít ai nghĩ tới một công trình khác của đất nước Chùa Tháp, một công trình thiên nhiên tạo ra đã đang và sẽ còn ghi dấu ấn trong từng trang sử, từng nét nhỏ văn hoá của đất nước này. Công trình thiên tạo ấy có tên là Biển Hồ Tôn-lê Sáp.

Biển Hồ xứng đáng được gọi là một kỳ tích của thiên nhiên. Dòng sông Mê-kông bắt nguồn từ vùng Vân Nam xứ Trung Quốc xa xôi ấy, khi trôi xuôi xuống biển Đông đã thành một dòng sông hiền hoà dễ thương nuôi sống cả một vùng đồng bằng trảI dài khắp một phần rộng lớn đất Campuchia và trọn vùng đồng bằng Nam Bộ Việt Nam. Ít ai để ý rằng con sông hiền hoà dễ thương ấy không biến thành con sông hung dữ cũng là nhờ kỳ tích thiên nhiên Biển Hồ, nơi được ca ngợi là con đập, là hồ chứa nước tự nhiên thiên nhiên ưu ái ban tặng không chỉ dân tộc Kh-me mà cả dân tộc Việt. Mỗi năm mùa lũ đến, Biển Hồ mở rộng lòng mình thâu nhận hết khối nước lũ hung dữ khổng lồ từ thượng nguồn đổ xuống để những người dân đồng bằng sông Cửu Long chỉ cảm thấy dòng sông từ từ nước lên cho một mùa lúa mới. Khi mùa khô tới, Biển Hồ lại từ từ nhả ra nguồn nước ngọt mát lành để dòng sông Mê-kông không cạn kiệt và những cánh đồng phì nhiêu Nam Bộ không trở thành những cánh đồng khô cằn nứt toác chân chim. Biển Hồ Tôn-lê Sáp đã đùm bọc chở che những người nông dân hai dân tộc Việt và Kh-me bao đờI như thế, nhưng có mấy ai nghĩ tới, có mấy ai biết tới sự đùm bọc chở che ấy. Chỉ là một chiếc hồ trong lục địa thôi mà bao la như biển cả. Tấm lòng Biển Hồ cũng bao la như biển cả nên có lẽ người dân Việt mới âu yếm gọi “Biển”, và dòng nước ngọt lành nuôi sống đời đời những người dân hai dân tộc thì người dân Kh-me ây yếm gọi Tôn-lê Sáp, “dòng sông nước ngọt”.

Những người nông dân Kh-me đồng bằng Campuchia và những người nông dân Việt đồng bằng Nam Bộ có lẽ ít thấy sự hiện hữu của Biển Hồ trong đời sống hàng ngày như những người ngư dân ven Biển Hồ. Biển Hồ hào phóng hơn đại dương bao la kia khi cho họ nguồn cá dường như vô tận mà chẳng bao giờ bão gió chìm thuyền, chẳng bao giờ đòi mạng con người như biển cả hung dữ. Chỉ cách đây không lâu, mỗi mùa nước đến cá lội nhởn nhơ bên mạn thuyền. Cá nhiều tới nỗi người dân chỉ lấy vợt vớt lên cũng đủ sống qua ngày. Ngư dân Biển Hồ hiền lành chân chất lắm. Họ sống cùng với Biển Hồ, mùa nước lên những căn nhà nổi của họ lại bồng bềnh trên sóng và khi nước rút họ lại họp chợ xôn xao ngay tại mảnh đất cách đó vài tháng còn ngập sâu dưới hàng chục mét nước. Những lùm cây loà xoà trên mặt Biển Hồ mùa nước nổi gợi nhớ tới những dòng kênh lúp xúp dừa nước đồng bằng Nam Bộ, thảng đôi chút có người ghé thuyền trú cái ánh nắng chói chang mặt trời mùa khô nghiệt ngã. Chính những lùm cây ấy khi nước rút đi lại thành những cánh rừng cao vút lá dày đan xen không thấy bóng mặt trời. Mỗi năm hai bận như thế, những lùm cây loà xoà ấy lại biến thành rừng rậm ánh sáng không lọt nổI qua vòm lá, để rồi khi nước lên lại biến thành những lùm cây lúp xúp như xưa, nhỏ bé và khiêm tốn như tự giấu mình. Bạn mới tới Biển Hồ lần đầu khi mùa nước nổi chẳng thể hình dung những lùm cây lúp xúp khiêm tốn ấy khi mùa khô tới lại là những cánh rừng có thể sánh vai với những cánh rừng miền đại ngàn xa thẳm. Những cánh rừng ấy cũng giống như Biển Hồ bao la rộng lớn kia chỉ biết giấu mình, chỉ biết cho mà không biết nhận.

Biển Hồ như vậy đấy. Biển Hồ đã nuôi sống hàng trăm ngàn thế hệ con người dọc hai bờ hạ lưu sông Mê-kông. Tiếc thay, dường như con người là sinh vật bạc bẽo nhất của tạo hoá. Biển Hồ khi xưa chỉ biết cho chứ không hề biết nhận. Biển Hồ ngày nay đã biết nhận, nhận từ chính con người. Biển Hồ ngày nay nhận những gì? Kinh tế thị trường ập tới, con người không còn chỉ muốn ăn no, họ còn muốn giàu có, muốn hưởng lạc. Và Biển Hồ nhận được hàng ngày hàng tấn mìn khối khai thác hàng ngàn thước đá. Có thể tin được không khi số đá khai thác mỗi năm lớn hơn cả tổng số đá người xưa dùng xây dựng nên Angco Wat vĩ đại. Biển Hồ nhận được những gì nữa? Nhân loại phát minh ra điện và nền “văn minh” của con người đã biết dùng điện để thay thế cách đánh bắt truyền thống ngàn xưa đã từng nuôi sống bao đời ngư dân nơi đây. Một lần gí điện, cá lớn cá nhỏ nổi lên, con người cười thoả mãn. Hai lần gí điện, chỉ còn cá nhỏ nổi lên, con ngườI vẫn hài lòng. Một mùa gí điện, mùa sau cá Biển Hồ hầu như vắng bóng. Chuyện xưa dạo đêm Biển Hồ, cá lội tung tăng mạn thuyền, thò tay vớt cá giờ chỉ còn là dĩ vãng. Biển Hồ đã không còn hào phóng nuôi người dân như xưa nữa. Dòng sông Mê-kông cũng không hiền hoà như bao đời vẫn thế. Biển Hồ bị mất đá, bị rút ruột, bị san lấp, dòng sông Mê-kông cũng vì thế mà dữ dằn hơn. Cứ vài năm một lần, đồng bằng Campuchia và đồng bằng Nam Bộ lại chịu những đợt lũ dữ dội, điều trong quá khứ chưa từng xảy ra. Con người xưa nay chỉ biết nhận từ thiên nhiên, con người bạc bẽo và giờ đây con người gánh chịu hậu quả từ sự bạc bẽo của chính mình. Nếu không có nền văn minh kinh tế thị trường ào tới, chắc hẳn người nông dân Kh-me và Việt trên đồng bằng sông Mê-kông không bao giờ phải nghĩ tới nỗi lo “sống cùng với lũ”. Sự thật ấy có đáng buồn không nhỉ? Không biết hành tinh này còn có bao nhiêu “Biển Hồ” khác đã từng nuôi sống con người và giờ đang bị giết dần giết mòn bởi chính con ngườI và nền văn minh của con ngườI như thế?

Tôi rất hay ra ngắm Biển Hồ, ngắm mặt nước bao la không thấy bến bờ, ngắm những con sóng dập dềnh nối đuôi nhau chạy mãi và trong lòng hay tự hỏi: Biển Hồ có hay không một linh hồn? Và nếu có thì… giá như con người chúng ta, và cả nền văn minh chúng ta nữa, cũng có một linh hồn như thế.


Hoàng TN
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9