(url) Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
Ngọc Lý 07.11.2006 14:43:13 (permalink)
.

TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH



Giáo Sư Khoa Học Gia Nguyễn Xuân Vinh là người Việt Nam đầu tiên đã nhận được giải thưởng Dirk Brouwer, giải thưởng danh tiếng nhất thế giới về Astrodynamics tức là môn khảo cứu để điều khiển đường bay của các con tàu vũ trụ (phi thuyền). Giải thưởng này mỗi năm chỉ phát cho một người (có năm không ai được lãnh giải).



Sơ lược về tiểu sử Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh được gọi theo học khóa I Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức và tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy công binh vào năm 1952. Sau đó ông theo học Trường Võ Bị Không Quân Pháp ở Salon de Provence và tốt nghiệp sĩ quan với bằng phi công hai động cơ và bay phi cụ năm 1954. Ông được bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng Không Quân Việt Nam tháng 10 năm 1957 và từ tháng 2 năm 1958 đến tháng 8 năm 1962 ông đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Không Quân. Năm 1965 ông là người đầu tiên được cấp bằng tiến sĩ khoa học hàng không và không gian của Đại học Colorado. Ông cũng đậu bằng tiến sĩ quốc gia toán học của Đại học Paris VI vào năm 1972. Từ năm 1968 ông dậy tại Đại học Michigan và được thăng cấp giáo sư thực thụ năm 1972. Ông về hưu trí năm 1999 và được tặng tước vị "Professor Emeritus of Aerospace Engineering".

Giáo sư Vinh là tác giả ba cuốn sách chuyên môn và hơn 100 bài khảo cứu về cơ học không gian và qũy đạo tối ưu.

Qua những sự đóng góp chuyên môn của ông, giáo sư Vinh được bầu làm viện sĩ ngoại quốc của Hàn Lâm Viện Hàng Không và Không Gian Pháp (Académie Nationale de l’Air et de l’Espace) vào năm 1984 và viện sĩ chính thức của Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics) vào năm 1986.

Ở Trường Kỹ Thuật tại Đại Học Michigan ông được tặng cả hai giải thưởng xuất sắc về giáo dục và xuất sắc về khảo cứu. Ông được tặng Huy Chương Danh Dự của Viện Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ (American Institute of Aeronautics and Astronautics) năm 1994 về môn Cơ Học và Điều Khiển Phi Hành.

Thành tích của ông đã được trình bày tại phòng du khách thăm viếng ở Trung Tâm Không Gian Phi Hành NASA ở Houston vào tháng 9 năm 1989 và từ năm 1982 giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là một trong số 14 nhân vật Hoa Kỳ gốc Á châu được in hình và tiểu sử vào tập tranh dùng làm tài liệu giáo dục ở các trường Tiểu và Trung học trên toàn quốc.

Giáo Sư Khoa Học Gia Nguyễn Xuân Vinh là người Việt Nam đầu tiên đã nhận được giải thưởng Dirk Brouwer, giải thưởng danh tiếng nhất thế giới về Astrodynamics tức là môn khảo cứu để điều khiển đường bay của các con tàu vũ trụ (phi thuyền). Giải thưởng này mỗi năm chỉ phát cho một người (có năm không ai được lãnh giải).

Năm 1994, tức 12 năm trước đây, GS Nguyễn Xuân Vinh đã được lãnh một giải thưởng khác, tức là "Mechanics and Control of Flight Award" (giải thưởng về cơ học và sự điều khiển đường bay" (của máy bay và phi thuyền), của American Institute of Aeronautics and Astronautics (AIAA) (Học Viện Hàng Không và Vũ Trụ Hoa Kỳ)

Ở Hoa Kỳ chỉ có 2 hội liên quan đến không gian: một hội "Hàng Không và Không Gian", hội kia chỉ có "Không Gian" không thôi, cả hai hội đều đã phát giải cho GS Nguyễn Xuân Vinh. Điều ấy chứng tỏ là đóng góp của GS Nguyễn Xuân Vinh đã rất quan trọng trong lãnh vực khoa học.

Đối với người Việt Nam thì giáo sư Nguyễn Xuân Vinh lại còn là một nhà văn có tài năng. Cuốn “Đời Phi Công” ông viết dưới bút hiệu Toàn Phong đã được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1961.

Cuốn "Theo Ánh Tinh Cầu" của ông do nhà xuất bản Đại Nam ấn hành năm 1991 cũng được tiêu thụ hết ngay trong năm đầu.

Từ hai mươi năm nay giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã tới tiếp xúc và nói chuyện với giới trẻ Việt Nam ở khắp mọi dô thị lớn trên Hoa Kỳ mà có đông người Việt. Từ năm 1998, Hội Khuyến Học ở thành phố St Louis, thuộc tiểu bang Missouri đã đặt ra một giải thưởng hàng năm lấy tên là "Giải Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh" để tặng cho một học sinh tốt nghiệp thật xuất sắc bậc Trung Học mà có tinh thần phục vụ cộng đồng ïcùng biết giữ gìn truyền thống cao đẹp của giòng giống Lạc Hồng.

Nhà Văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
với “Đời Phi công”
Diệu Tần Nguyễn Tinh vệ





Tác phẩm Đời Phi Công
cuả Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh


Ngoài lãnh vực toán học và khoa học về không gian, GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh còn yêu thích về văn học nghệ thuật, tác phẩm Đời Phi Công của nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh ra đời vào đầu thập niên 60 đã thu hút độc giả ở miền Nam Việt Nam và bao nhiêu thanh niên đã say mê tác phẩm nầy để làm đời phi công với "Tổ Quốc Không Gian". GS rất có tâm huyết đến tiền đồ dân tộc và lúc nào cũng quan tâm đến thế hệ con em trên lãnh vực giáo dục. Cali Weekly đã phổ biến về Giải Thưởng của GS Nguyễn Xuân Vinh. Trong thời gian chúng tôi thực hiện tạp chí KBC Hải Ngoại, GS đã đóng góp nhiều bài viết rất có giá trị, từ đó đã tạo dược sự thân tình với giáo sư NXV, GS là người rất khiêm nhượng, GS coi chúng tôi là bạn văn nhưng chúng tôi xem GS như vị thầy đáng kính. Tháng 5 năm 2005, Cali Weekly ra đời, GS đã gởi cho bài viết của GS và GS Nguyễn Phú Thứ về "Con Số 5" . Cali Weekly sẽ đăng tải những bài viết của GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh trong những năm qua. VTrD - cali Weekly

Tác phẩm Đời Phi Công đã được tái bản tại Hoa Kỳ



Ngày 15- 3 03 chúng tôi đến thăm Nhà Văn, Nhà Khoa học Hàng không Không gian (Aerospace Engineering), nhà Toán học, Giáo sư Tiến sĩ Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Nếu liệt ra chức tước, danh dự ông có e quá dài, tôi đặt “Nhà Văn” lên trên các học vị, khoa bảng, tài năng vì ông là nhà văn, nhà báo và ông chấp nhận làm cố vấn cho Văn Bút Việt Nam Hải ngoại nhiệm kỳ 2003-2005.

Ông hơn tôi hai tuổi, nhưng vẫn tráng kiện, dáng người có đẫy ra theo tuổi tác, mái tóc dày. Tôi đang tập coi tướng diện, khi ra về tự nhủ “Niên trưởng (ông khóa 1 Thủ Đức, tôi đi khóa 5) có cái mũi rất tốt, phúc hậu, mũi trái mật; hai tai dày và to, chắc thọ hơn tôi quá!”. Chính ông cất công ra đón chúng tôi ngoài khu thương mại, bên ngoài cổng vào khu gia cư Villages Park ở vùng Evergreen đông nam San Jose. Ông nói và mỉm cười: “Vì ngại các anh bị lạc, đã có vài ông bạn lái xe vào bị lạc, gọi điện thoại kêu ơi ới!”. Ông tiếp chúng tôi trong tình văn hữu thân mật, tự nhiên, thoải mái.

Hai ông bà cư ngụ trong một căn nhà xinh xắn gọn gàng. Trong phòng khách, trang hoàng thoáng, nhã nhặn theo kiểu đông phương, có tranh Việt Nam, tranh Tàu, chữ Hán, độc bình, đôn sứ, hoa lan, hoa đào. Khu gia cư này tôi có dịp vào hai lần, một khu nhà ở loại sang, có bãi cỏ rộng xanh mướt, có sân golf, có đồi thoai thoải, có cây xanh tốt, có suối chảy róc rách. Khu này chỉ dành cho người lớn tuổi từ 54 trở lên mới được tạo mãi, và không nhận gia đình có con nít, nhằm giữ yên tĩnh cho người lớn tuổi và người về hưu. Ngay chuyện có ai lái xe quá tốc độ ấn định là sẽ bị an ninh lịch sự chặn xe lại ngay.

Ông tuy đã về hưu, nhận danh hiệu Giáo sư Danh dự (Professor Emeritus, một danh vị hiếm quý, chỉ dành cho các giáo sư đại học có công lớn với nhà trường) của Đại học Michigan, nhưng vẫn có một lịch trình làm việc, tiếp xúc được ấn định sẵn. Thí dụ tuần nào sẽ có bạn bè bác sĩ, giáo sư Việt và Mỹ đến thăm; tháng sau đi dự Hội Nghị về toán học ở tiểu bang nào đó; tháng sau nữa sẽ đọc diễn văn ở một Trường Đại học kia, vài tháng sau lại có thư mời đến diễn giảng về khoa học Hàng Không Không gian tại một Hội nghị nọ, v.v....Trước khi giảng dạy tại University of Michigan và sau đó nghỉ hưu, ông phục vụ tại Cơ quan NASA với tư cách nhà toán học Không gian, ông ở trong toán các nhà toán học ưu tú, có nhiệm vụ nghiên cứu thời điểm nào thuận lợi nhất để phi thuyền không gian có thể đổ bộ xuống Mặt Trăng hay các tinh cầu khác.

Giới trẻ và giới mới nhảy vào làng văn, làng báo, vào trường văn, trận bút chưa hiểu rõ tại sao bút hiệu của ông lại là Toàn Phong. Ngay từ ngoài bắc, khi tôi còn học Trường Mỹ Thuật đã đọc văn ông trong tạp chí văn học sáng giá nhất thời bấy giờ là tờ Thế Kỷ của giáo sư Bùi Xuân Uyên, Hà Nội. Động viên vào quân đội, ngoài quân vụ ông là cây bút chủ lực một thời cho tờ Phụng Sự (tiền thân của tờ Tiền Phong) dành cho sĩ quan với bút hiệu Toàn Phong và bút hiệu Thượng Sĩ cho tờ Chiến sĩ Cộng hòa. Ông cho ấn hành hai tập truyện “ Đời Phi công” và “ “Theo ánh Tinh cầu” khoảng đầu thập niên 60, khiến ông càng nổi danh hơn nữa. Cho đến bây giờ những tạp chí văn học nào ở hải ngoại muốn khởi sắc lên cũng đều xin bài viết đầy uy tín của ông.

Không những ông thông suốt Pháp văn, Anh văn, Việt văn, ông còn dành thì giờ nghiên cứu Hán văn nữa. Trong Đại hội Văn Bút kỳ IV năm 1992, sau bài thuyết trình giá trị “Tinh thần “Kẻ Sĩ’ trong văn chương”, ông sáng tác tại chỗ một bài thơ, trao tay nghệ sĩ Thu Hà, tức bà Bác sĩ Nguyệt Mehlert ngâm ngay trước sâu khấu hội trường lớn của Quận hạt đường Hedding, được tán thưởng nồng nhiệt. Trong phòng làm việc của ông tôi thấy có bức tranh Trung Hoa vẽ một lão ông râu dài, hói đầu cầm sách đọc, với lạc khoản Hán tự, dưới chân là một đống sách vất ngổn ngang, tôi hỏi ông. Ông cười, nụ cười toán học và văn học: “Ấy nhà văn nhà báo Mạc Ly Hương cũng chưa hiểu, tôi nói ba chữ lớn kia và ông lão kia là Liễu Bất Thông (không phải Nhạc Bất Quần hoặc Liễu Hạ Huệ) có nghĩa là ông ta đọc sách về toán học mà cuối cùng chẳng hiểu gì cả, sách vất đầy dưới đất !!”

Chúng tôi nói vài câu chuyện liên hệ đến văn chương. Nhắc đến giáo sư Bùi Xuân Uyên, hiện nay đã 90, sức khỏe suy yếu, sống ở Vũng Tàu. Cụ Uyên giờ có tật nói chuyện văn chương trên trời, dưới đất, xổ tiếng Pháp, vì cụ đọc nhiều sách quá, cụ bị cuồng chữ. Nhắc đến Triều Đẩu, Trúc Sĩ, nhắc đến truyện “Kẽm Trống” nổi tiếng. Chúng tôi nói đến bà Minh Đức Hoài Trinh, người sáng lập Văn Bút Việt Nam ở hải ngoại, đến nhà báo, cựu Nghị sĩ Niên Dư Trần Ngọc Nhuận, ông Nhuận là sĩ quan trẻ nhất đã từng chịu trách nhiệm tờ Chiến sĩ Cộng hòa mà ông Vinh là cây bút chủ lực một dạo. Chúng tôi cũng nhắc đến vài nhân vật văn học, biên khảo, nói đến bạn bè ở San Jose....

Tôi có một kỷ niệm nhỏ với bậc đàn anh trong ngành cũ là Trung úy Công binh Nguyễn Xuân Vinh, “thấy người sang bắt quàng làm họ” đơn vị ông đồn trú ở Nam Định. Ông đã chán cảnh ngồi dưới đất tính toán ba cái công thức sức bền vật liệu, bài toán lặt vặt đổ bê tông. Ông xin đi học bay bổng trên trời tận bên Pháp. Thời đó còn thiếu sĩ quan Việt Nam, ông bàn giao trung đội lại cho một thượng sĩ tên là Trần. Tôi mới ra trường, nhận lại trung đội này, thấy tên và chữ ký của ông trong sổ vật liệu, bèn hỏi thăm về Trung úy Nguyễn Xuân Vinh. Thượng sĩ Trần khen nức nở: “Lạy Chúa tôi, ông giỏi quá, tài quá. Ông tính toán cách sao trung đội đổ bê tông móng cầu không thừa ít cát, ít đá nào!”. Tôi mỉm cười, khen ông giáo sư toán chuyện đổ bê tông cũng giống như “khen phò mã tốt áo”, chuyện “dao mổ trâu giết gà” ông tính chuyện trên mặt trăng, đâu có thèm lui hui đổ xi măng dưới đất đâu.

Trở về đất nước, ông vừa là cấp chỉ huy ở Căn cứ Nha Trang vừa là giáo sư toán cho Trường Võ Tánh. Nhà văn, nhà thơ quá cố Duy Năng năm đó còn là học sinh trung học kể lại: “Ông Vinh vẫn mặc quân phục không quân vội vã đến trường, bỏ mũ kê-pi ra là bắt đầu vào bài giảng ngay...”. Dịp ra mắt tác phẩm tái bản “Giấc ngủ chân đèo” để truy niệm Duy Năng, ông đến chủ tọa để thương nhớ một học sinh cũ có năng khiếu thi ca. Tuy giáo sư Vinh có lịch trình sẵn, nhưng giới văn nghệ sĩ, nhất là anh em Không quân cũ, cần ông nói cho những lời giới thiệu, cảm tưởng, ông dành thì giờ chia xẻ, chung vui với anh em. Thí dụ như lần ra mắt tập thơ của nhà thơ Yên Sơn, Texas, một sĩ quan Không quân, ông đã đến chủ tọa và phát biểu. Ngoài óc nhà toán học phân minh, ông còn trái tim nghệ sĩ nồng nàn.

Ông và ông Nguyễn Cao Kỳ tuy cùng khóa sĩ quan, (Khóa I SQTB Thủ Đức, xuất thân khóa hầu hết đều làm lớn, nắm giữ giềng mối quốc gia như Phó Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện, Tướng lãnh, Tư lệnh...), cùng quân chủng nhưng hai con người hoàn toàn khác biệt. Khi ông Vinh là đại tá Tư lệnh Không quân, ông Kỳ còn lẽo đẽo đeo thiếu tá, coi một Không đoàn nào đó. Ông Kỳ nổi nang, bốc đồng, nói nhiều, thích đá gà, thì ông Vinh trầm tĩnh, sâu sắc, từ tốn, ưa làm thơ ngắm tranh cổ. Ông Kỳ là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, là Phó Tổng Thống “ ngồi chơi xơi nước”, thì ông Vinh trở thành một giáo sư tiến sĩ, một nhà khoa học nổi danh trong ngoài nước.

Ông Kỳ gặp nhiều vấp váp, hớ hênh trong lãnh vực hành chánh, chính trị, đã bị De Gaulle hỏi móc lò và chơi chữ: “Ky - e- Ky?” và không nhận tiếp. Trong giới khoa học, trí thức Mỹ, Pháp, Việt kính nể ông Vinh. Còn trong giới nhà binh và nhất là giới Không quân, tôi không được rõ anh em nghĩ gì về ông Kỳ. Tôi đem câu hỏi về ông “Con Phật”, hỏi ông Vinh, nhà khoa học chỉ cười hiền, không ý kiến.

Chúng tôi theo ông vào phòng làm việc, bàn giấy cũng là bàn đặt máy vi tính, bề bộn giấy tờ. Căn den nhỏ quá không đủ chỗ cho ông đặt sách, dưới thảm bề bộn sách bìa cứng toàn bằng Anh văn, Pháp văn. Trên ba mặt tường ông không còn chỗ treo bằng cấp, tưởng lục, giấy khen, bảng ghi công trạng. Lại còn cả đống plaque tưởng thưởng, khen tặng, cảm tạ. Ông cười bảo: “Ấy, có đủ chỗ đâu mà treo, đừng cười nhé!” Tôi hiểu thứ messy này của các nhà thông thái, các ông ấy bừa bãi một cách có thứ tự riêng của các ông ấy, đừng ai dại dột mà thu dọn giùm các ông, sẽ bị cự nự ngay. Tình cờ tôi đọc được bản Resumé của ông trên bàn. Ông giải thích:

Ở Hoa Kỳ có hai hội của các nhà khoa học Hàng Không Không gian. Hội lớn đã vinh danh tôi rồi, bây giờ hội nhỏ cũng muốn làm như thế. Tôi bảo thôi đi, đủ rồi, nhưng các cựu sinh viên Mỹ của tôi họ không chịu, nhất định đưa tên tôi ra dự tranh. Rắc rối là Ban Giám khảo họ chỉ cho tóm tắt trình độ, bằng cấp, phần thưởng danh dự, quá trình sự nghiệp và sách báo đã viết và cho ấn hành nội trong hai trang thôi. Kẹt cho tôi quá, tôi không biết bỏ cái nào ghi cái nào? Cuối cùng tôi phải “ăn gian” đánh chữ cỡ 10 và để space thật ít mới đủ.

Tôi đọc tiếp thấy chữ li ti bắt nhức đầu. Ông ghi: Kỹ sư Hàng không Học viện Không quân Pháp năm 1954; Tiến sĩ khoa học Hàng không Không gian tại Đại học Colorado năm 1955, v.v... Rồi phần thưởng, tưởng lục, giấy khen của Pháp, Mỹ, Trung Hoa Quốc Gia, Brasil, Đại Hàn, Úc, Nhật, Gia Nã Đại. Tôi phát chóng mặt không đọc tiếp được. Trong hàng trăm tài liệu giảng dạy, sơ sơ ông chỉ kể 4 tập tài liệu viết riêng và chừng 13 tập soạn thảo chung với các nhà khoa học khác trên thế giới, chưa kể 4 cuốn sách tiêu biểu ông coi là quan trọng nhất, bìa dày.

Ngại choán nhiều thì giờ của niên trưởng, chúng tôi phải cáo từ, ra về. Chúng tôi thành thật nói với ông “Chúng tôi mong niên trưởng làm cố vấn, không phải chỉ để làm vì, để lấy tiếng của ông. Chúng tôi thật sự muốn làm việc, vậy mong ông giúp đỡ, hướng dẫn thật sự” Nhà Văn, nhà Khoa học sốt sắng nhận lời.

Qua cuộc đến thăm, chúng tôi mới biết rằng ông Vinh đã kín đáo theo dõi những bước thịnh suy của Văn Bút Việt Nam và Văn Bút Việt Nam Hải ngoại rất sát và từ lâu lắm rồi. Chúng tôi ra về và trông mong ở ông những chỉ vẽ quý báu, nhất là mặt liên hệ với quốc tế. Lái xe đưa chúng tôi ra cổng ông vui chuyện, kể “Có một tay đại tá không quân Mỹ đến thăm tôi, khi ra về đã chỉ đường vẽ lối rõ ràng. Vậy mà đương sự lái loanh quanh một hồi lại trở vào cổng!!. Lái máy bay khó, vẫn oanh tạc địch rất chính xác, nhưng về hưu lái xe trên bộ vẫn lạc như thường”.

Tinh Vệ


Nguồn:Caliweekly.com
http://www.caliweekly.com/sinhhoat/gsnguyenvuanvinh.htm
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.12.2006 02:58:13 bởi TTL >
#1
    HongYen 08.11.2006 01:36:39 (permalink)
    Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đuợc trao giải thưởng Dirk Brouwer

    Ông là cựu Tư lệnh Không Quân Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1958 đến 1962, đồng thời là một nhà văn, nhà giáo, ông là khoa học gia không gian đầu tiên của Việt Nam. Sau khi giải ngũ, ông chuyển sang ngành giáo dục và nghiên cứu tại Hoa Kỳ.
    Ông cũng là Viện Sĩ, người Á Châu đầu tiên được bầu vào Hàn Lâm Viện Hàng không và Không Gian Pháp. Ông đã giảng dạy tại viện đại học Michigan với tư cách Giáo sư thực thụ và nghĩ hưu từ năm 1999. Hiện nay, ông và phu nhân sinh sống tại San Jose, California, Hoa Kỳ.

    Mời quý vị theo dõi câu chuyện giữa Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh với phóng viên Đỗ Hiếu của đài chúng tôi.

    Đỗ Hiếu: Thưa Giáo sư, chúng tôi hay tin Giáo sư là người Việt Nam đầu tiên vừa được giải thưởng Dirk Brouwer, xin Giáo sư giải thích cho quý thính giả đài RFA chúng tôi được biết về giải thưởng quốc tế này?

    Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh: Tôi rất may mắn là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng giải thưởng này, và cho biết hội đồng giám khảo thuộc Hội Khoa học Không gian Hoa Kỳ mời ông đến Arizona, ngày 28 tháng giêng 2007 để nhận lãnh giải thưởng đó.
    Tôi rất may mắn là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng giải thưởng này, và cho biết hội đồng giám khảo thuộc Hội Khoa học Không gian Hoa Kỳ mời ông đến Arizona, ngày 28 tháng giêng 2007 để nhận lãnh giải thưởng đó.

    Giải thưởng mang tên Tiến sĩ Dirk Brouwer là người gốc Hà Lan đã có công rất lớn, đóng góp vào chương trình huấn luyện các thế hệ mới, từ khi có vệ tinh đầu tiên phóng vào không trung.

    Ông Dirk Brouwer đã đi trước và hiểu biết rất nhiều về khoa học tinh thể, xưa nay vẫn dùng để tính quỹ đạo các hành tinh, không thôi. Nhưng từ khi có vệ tinh của con người phóng lên quỹ đạo thì ông đã biết cách áp dụng những nguyên tắc thực tiễn vào môn học mới, gọi là khoa học phi hành không gian, dùng để tính đường bay của những phi thuyền không gian và vệ tinh.

    Nhờ những khai thác đó, mà ông Brouwer dùng quỹ đạo của những vệ tinh xung quanh trái đất để biết thêm về trọng trường của trái đất và hiểu thêm về hình thể, cấu tạo của trái đất. Qua những đóng góp xuất đó cho khoa học nên người ta lấy tên ông để đặt cho giải thưởng về vũ trụ và không gian.

    Đỗ Hiếu: Thưa Giáo sư, tiêu chuẩn tuyển chọn ra sao ? và Hội Đồng Giám khảo nhận định gì về công trình đóng góp của Giáo sư năm nay?

    Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh: Hội Khoa học Không gian Hoa Kỳ giao toàn bộ công trình nghiên cứu cho ủy ban về cơ học phi hành để tuyển chọn hàng năm. Mỗi năm họ nhận được nhiều hồ sơ đề nghị và sau đó chuyển tất cả hồ sơ cho những thành viên trong ủy ban tuyển chọn, những thành viên này sẽ bỏ phiếu kín. Người nào được nhiều phiếu nhất năm đó thì được chọn và nhận lãnh giải thưởng Dirk Brouwer, có năm không một ai đoạt.

    Điều kiện cần phải hội đủ để nạp hồ sơ đến ban tuyển chọn, là người từng có những công trình đóng góp về môn quỹ đạo không gian và cơ học phi hành, cũng như cơ học chuyển động của các hành tinh, vệ tinh, các phi thuyền. Đóng góp của ông được đánh giá là rất có giá trị cho khoa học không gian trong tương lai.

    Đỗ Hiếu: Cảm tưởng của Giáo sư như thế nào, khi nhận được tin vui này?

    Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh: Sau khi đã về hưu năm 1999 thì những cựu học sinh bây giờ là những giáo sư danh tiếng ở những trường đại học lớn tại Hoa Kỳ, ngỏ ý cần đề nghị cho ông được giải thưởng Dirk Brouwer năm nay, dù đối với tôi điều ấy không cần thiết.

    Tôi không ngạc nhiên lắm khi nhận được tin vui, vì lâu nay vẫn nhận được cảm tình nồng hậu của họ, qua những công trình đóng góp liên tục cho môn khoa học không gian và vũ trụ. Tuy nhiên, đối với tôi thì niềm vui hơn hết cả là khi được biết mình là người Việt Nam đầu tiên nhận lãnh giải thưởng này.

    Tôi trông đợi là có thể đến một ngày kia, có một tài tử người Việt đoạt giải thưởng điện ảnh Oscar thì quả thật là Việt Nam chưa ai có danh dự này. Nếu có người Việt Nam nào, trong tương lai nhận lãnh giải thưởng Nobel danh tiếng thế giới thì là thật là một vinh hiển chung cho đất nước Việt.

    Đỗ Hiếu: Chúng tôi được biết vào năm 1994, Giáo sư đã được trao tặng một giải thưởng khác của học viện Hàng Không và Vũ Trụ Hoa Kỳ, đó là giải thưởng nào?

    Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh: Giải thưởng đó cũng đã mang lại thêm uy tín cho trường đại học Michigan, là nơi tôi giảng dạy hàng ngày.
    Cho đến lúc đó chỉ có một mình tôi là giáo sư về môn khoa học phi hành được tặng giải, có thể nói là lớn nhất của những chuyên gia, khoa học gia, kỹ sư Hoa Kỳ dành để tặng thưởng cho những người có công lớn trong việc nghiên cứu không gian ngoài bầu khí quyển, cũng như sự chuyển động trong bầu khí quyển, điều khiển lý thuyết bay của phi thuyền không gian khi trở về trái đất.

    Đỗ Hiếu: Hiện nay Giáo sư đã nghỉ hưu tuy nhiên trong tương lai, Giáo sư có định trở lại phục vụ cho khoa học, hầu đóng góp khả năng và kinh nghiệm của mình cho hậu thế, đặc biệt là trong lãnh vực chuyên môn của mình là hàng không, không gian và vũ trụ?

    Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh: Một ngày là lính thì suốt đời vẫn là cựu chiến binh, một ngày là giáo sư tiểu, trung hay đại học, một ngày viết văn thì khó lòng mà bỏ cây viết hay tấm bảng đen.

    Trong thời gian gần đây, tôi chú ý nhiều hơn về những lý thuyết căn bản của môn cơ học tinh thể. Hiện có nhiều thời giờ khác để viết văn hay đi nói chuyện ở các nơi, đặc biệt là tiếp xúc với giới trẻ. Hiện nay, tôi vẫn liên hệ với một số cựu sinh viên cũ nay là nhà khoa học danh tiếng, để bàn về những vấn đề phụng sự cho khoa học.

    Đỗ Hiếu: Giáo sư có điều gì muốn chia sẻ với thế hệ trẻ Việt Nam, theo Giáo sư thì giới trẻ nói chung có thích theo bước chân của Giáo sư không?

    Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh: Tôi lúc nào cũng hướng về giới trẻ khi đi sinh hoạt khắp nơi hay khi ngồi viết văn, viết sách, phần ông thì suốt đời theo đuổi về khoa học, nhưng nếu các em theo về văn chương thì ông cũng thấy mãn nguyện, vì người mình cần phải có chuyên viên suất sắc mọi ngành nghề, hầu đóng góp hữu hiệu cho xã hội đương thời.

    Tôi cảm thấy hài lòng khi thấy giới trẻ theo chân mình trong sự nghiệp khoa học, không gian, vũ trụ. Tuy nhiên nếu các em theo học những ngành giúp phát triển xã hội, bộc lộ được tất cả tài năng của người Việt Nam thì ông cũng rất hoan nghênh.
    Tôi trông đợi là có thể đến một ngày kia, có một tài tử người Việt đoạt giải thưởng điện ảnh Oscar thì quả thật là Việt Nam chưa ai có danh dự này. Nếu có người Việt Nam nào, trong tương lai nhận lãnh giải thưởng Nobel danh tiếng thế giới thì là thật là một vinh hiển chung cho đất nước Việt.

    Tâm sự của tôi với giới trẻ Việt Nam rằng, cho dù mình được trao tặng một giải thưởng quốc tế quan trọng nhất, mình nên chia sẻ niềm vui đó, đồng thời luôn khuyến khích thế hệ mai sau, hầu có người nối tiếp công việc của mình, tốt hơn là đứng cô đơn một mình.
    Đỗ Hiếu: Xin cám ơn Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã dành cho Ban Việt Ngữ, RFA chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.

    http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2006/10/12/InterviewProfessorNguyenXuanVinh_DHieu/
    #2
      HongYen 08.11.2006 07:27:14 (permalink)
      Một Thuở Học Trò

      Tác Gỉa :Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
      Ngày 26/01/2005 -

      Đi đường, óc tôi cứ vơ vẩn đến chốn nhà quê, lấy sự đi học làm ngại. Phố nào cũng thấy nhan nhản học trò. Hai hiệu sách lớn chật ních những phụ-huynh vào mua sách vở, giấy, bút, cặp da. Cửa trường đông nghịt những người, cảnh binh và người gác cổng phải khó nhọc mới mở được một lối vào. Vừa bước qua cổng trường, thấy một bàn tay vỗ vào vai, tôi giật mình ngoảnh lại thì ra thày giáo lớp Tư, tôi học năm ngoái, mái tóc đỏ hoe vẫn để rối, nét mặt vẫn vui tươi, thày bảo tôi An-Di ơi! Thày trò ta từ nay chia tay nhỉ? Điều ấy, tôi đã nghĩ đến, nay thày tôi lại nhắc, khiến tôi thêm trạnh lòng Mẹ tôi và tôi phải chen chúc mãi mới vào được trong trường." Trên đây là một đoạn văn dịch tôi đã trích ra nguyên bản từ cuốn sách "Tâm Hồn Cao Thượng" của nhà giáo Hà Mai Anh. Đọan văn này tôi đã phải học thuộc lòng khi còn là học sinh lớp Ba ở trường tiểu học Bonnal ở Hải Phòng, nghĩa là khi tôi vào tuổi ấu thơ, năm lên tám hay lên chín tuổi. Từ dạo đó đến nay, mỗi năm vào dịp cuối hè, cảnh tượng khai trường này lại tới với tôi, dù ở phương trời nào hay ở tuổi nào. Lúc còn nhỏ, vào dịp khai trường, tôi thường theo mẹ đi mua giấy bút, sách vở. Cho đến khi học xong lớp Nhất ở trường tiểu học Hải Phòng, mẹ tôi là người mua sắm mọi thứ cho tôi, kể cả đôi giầy và chiếc mũ mới, ở phố Cầu Đất, không xa truờng tôi học là mấy. Tôi cũng giống như cậu bé An-Di ở trong cuốn truyện, là mỗi năm đuợc lên một lớp, bao giờ tôi cũng thấy quyến luyến ông thày ở lớp dưới, nhưng chỉ vài tuần lễ sau, quen lớp, quen thày, tôi lại thấy qúy mến ông thày học mới.

      Từ ngày lên học trường trung học ở Hà Nội, và sau này ở bậc đại học, theo học ở Pháp hay ở Mỹ, tôi phải tự mình mua lấy sách vở giấy bút, nhưng bao giờ vào những dịp khai trường, vào thăm những hiệu sách và đi quanh quẩn ở giữa những chồng sách vở, thơm mùi giấy mới, tôi lại nhớ đến thời thơ ấu, nhớ những kỷ niệm xa xưa, cho đến năm học lớp Ba, bao giờ mẹ tôi cũng đưa tôi đến tận lớp vào ngày tựu trường. Mẹ tôi là người ở Nam Định, nhưng từ ngày lấy chồng, gần như suốt cuộc đời, bà sống ở thành phố Hải Phòng, lại có đông con cháu nên mẹ tôi quen thuộc với tất cả các trường trung và tiểu học. Riêng với trường Bonnal, sau này đổi tên thành trường Ngô Quyền, thì có lẽ trong mấy chục năm trời vừa qua, không biết bao nhiêu lần mẹ tôi đã dắt các con, và các cháu tới chào các thày giáo, hay cô giáo những ngày đầu tựu trường. Giờ nghĩ lại, tôi mường tượng nhìn thấy những đứa em tôi, hay có thể sau này là những đứa cháu, một tay cầm chiếc cặp da mới mua, tay kia nắm lấy vạt áo của mẹ hay của bà, đôi mắt đầy vẻ lo âu nhìn thày giáo mới. Và mẹ tôi chắc sẽ ôn tồn bảo đứa nhỏ:"Đây là thày giáo con. Con ở lại học ngoan, bà phải về." Hết năm này qua năm khác, mẹ tôi đã dành để làm công việc ấy, mỗi buổi khai trường, hồi còn trẻ đưa các con, lúc về già lại dẫn các cháu, có lẽ vì mẹ tôi nghĩ rằng bà quen biết với các thày giáo, cô giáo hơn, và mấy đứa cháu đi với bà chúng nó vững tâm hơn.

      Tháng 10 năm 2000, trường trung học Ngô Quyền ở Hải Phòng tưng bừng làm lễ kỷ niệm 80 năm xây dựng và phát triển (1920-2000). Nhân dịp này ban giám đốc in ra một đặc san trong đó có một trang in hình của 9 thày giáo đã dạy ở trưòng và được học sinh qúy mến. Họ lại dành một trang in hình của 9 học sinh được ghi là "học sinh tiêu biểu của trường Bonnal-Ngô Quyền". Ông hiệu trưởng đương nhiệm đã đến nhà để xin mẹ tôi cho mượn một tấm hình của đứa con xa vắng mà cách đây hơn sáu mươi năm bà đã dắt đến trường giao tận tay cho thày giáo mới và dặn dò:"Con ở lại với thày, học cho ngoan, mẹ phải về". Đã đúng nửa thế kỷ, tôi xa Hải Phòng, và cũng từng ấy năm trời tôi không gặp lại mẹ tôi. Nguồn vui cuối đời của bà có lẽ là biết tôi vẫn còn chờ đợi cho ngày nào quê hương thật có tự do, thanh bình mới trở về. Xa con, và mong có ngày được gặp mấy đứa cháu, những đứa con tôi mà bà đã không có dịp được cầm tay để dẫn tới trường, thỉnh thoảng có những lá thư và vài tấm hình gia đình chúng tôi gửi về bà lại trân trọng lưu giữ để thỉnh thoảng mang ra khoe với những khách đến thăm. Mẹ tôi đã cho trường Ngô Quyền mượn một tấm hình thật tiêu biểu của tôi, để in vào tập kỷ yếu, tấm hình tôi đang ngồi đọc sách. Thuở nhỏ, đôi khi tôi nghe thấy mẹ nói về tôi với những bà khách: "Thằng ấy nó chỉ biết chúi đầu vào học!" Tôi không biết trường Ngô Quyền khi in tập kỷ yếu, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập, đã lựa chọn những học sinh tiêu biểu ra sao nhưng trên trang giấy in hình 9 cựu học sinh, đặt thành ba hàng, thì ở hàng trên cùng, bức hình đầu tiên là của Nguyễn Văn Linh, cựu Tổng Bí thư BCHTƯ đảng CSVN, với phụ đề là học sinh khoá 1926-1930. Những học sinh tiêu biểu khác, trong số những người tôi từng nghe thấy tên trong văn học, tôi thấy có Thế Lữ, học sinh khoá 1920, Nguyễn Đình Thi, học sinh khoá 1930, Nguyễn Huy Tưởng, học sinh khoá 1920, và Văn Cao, học sinh khoá 1930. Những người này đều có phụ chú là Nhà thơ, Nhà văn, Nhà viết kịch hay Nhạc sĩ. Tôi đã được ban giám đốc đương thời chọn là một trong những học sinh tiêu biểu của trường, và tấm hình tôi ngồi đọc sách đã được xếp sau cùng với lời phụ chú: "Giáo sư Viện sĩ Viện hàn lâm không gian quốc tế Nguyễn Xuân Vinh. Học sinh khoá 1935". Tôi được biết là ngày lễ kỷ niệm mẹ tôi cũng nhận được giấy mời, nhưng bà lấy cớ tuổi già, đã ngoài chín mươi tuổi nên không tham dự. Hai năm sau, vào cuối năm 2002, mẹ tôi qua đời. Trước khi bà mất hai tháng, đứa con trai út của chúng tôi, cùng đi với vợ và gia đình người chị đã về thăm mẹ tôi, và bà đã vui mừng khóc ròng khi lần đầu tiên được nhìn thấy hai đứa cháu nội, một trai một gái, và cả hai chắt ngoại. Khi về Mỹ, đứa con trai của tôi đã nói lại một câu: "Bà nói là bà nhớ bố lắm!"

      Cuốn Sách có Ảnh Hưởng Nhất Đầu năm 1982, tôi được Đại Học Washington ở Seattle mời tới thuyết trình về quỹ đạo tối ưu, và nhân dịp đó anh Thanh Nam của Báo Đất Mới đã hỏi tôi là thích đọc cuốn truyện nào nhất. Tôi đã trả lời là tôi rất thích cuốn "Hoa Vông Vang" của Đỗ Tốn. Ý nghĩ đó chợt đến với tôi vì tôi đã có dịp gặp cả Đỗ Tốn và Thanh Nam hàng ngày trong một khoảng thời gian ngắn chừng vài tháng vào cuối năm 1957 khi tôi chờ đợi nghị định bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Không Quân và lúc đó tạm thời giữ chức vụ Trưởng phòng Báo chí Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng, kiêm nhiệm chủ bút hai tờ báo Quân Đội và Phụng Sự mà các anh đều ở trong ban biên tập. Thât ra trong cuộc đời, tôi đã đọc nhiều cuốn sách mà mình thấy ưa thích, kể cả những cuốn sách chuyên môn về toán hay về khoa học, nhưng không bao giờ tôi có ý nghĩ là chọn lựa ra một cuốn sách nào mà mình cho là hay nhất. Thuở nhỏ tôi chỉ được đọc sách Pháp, mới đầu là cuốn "Lettres de mon Moulin" của Alphonse Daudet vì có ghi ở trong chương trình học. Sau đó tôi đọc tiếp cuốn "Le Petit Chose" của ông. Hồi học ở Pháp tôi đã lái xe mô tô đi khắp vùng Provence và tới thăm chiếc cối xay là nơi tác giả đã viết những lá thư hay tuyệt vời, sau này được giảng dậy trong chương trình trung học. Cuốn truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi đọc là cuốn "Tâm Hồn Cao Thượng" của ông Hà Mai Anh. Đó là những cuốn sách Pháp và Việt tôi đọc đầu tiên, và là những cuốn sách hay đã xâm nhập vào tiềm thức của tôi, để sau này dù có tạo ra được một văn phong riêng cho mình, tôi vẫn chỉ có thể viết được những câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng giống như trong những cuốn sách đầu đời tôi đã đọc mà thôi. Sau này, khi đã đọc những cuốn "Hồn Bướm Mơ Tiên" và "Tiêu Sơn Tráng Sĩ" của Khái Hưng và "Vang Bóng Một Thời" của Nguyễn Tuân, là những cuốn sách tôi thấy viết thật hay, thì tôi nhận thức được rằng chúng ta có thể dùng tiếng Việt để tạo dựng nên những tác phẩm văn chương sánh ngang được với những tác phẩm lớn của các quốc gia khác trên thế giới. Với lòng tin vào sự phong phú của tiếng Việt, tôi đã yên tâm viết văn và làm thơ từ năm 1950 khi được mời vào nhóm "Thế Kỷ" của các anh Bùi Xuân Uyên, Viên Phong và Tạ Tỵ.

      Năm ngoái, Nguyệt san văn hóa văn học nghệ thuật "Khởi Hành" mở cuộc phỏng vấn và đặt câu hỏi: "Cuốn sách nào đã ảnh hưởng nhiều nhất từ trước tới nay và cho biết trường hợp đọc cuốn sách đó" để gửi tới các nhà văn nghệ sĩ. Để trả lời anh chủ nhiệm-chủ bút Viên Linh, tôi đã không ngần ngại ghi xuống là cuốn "Tâm Hồn Cao Thượng", bản dịch tiếng Việt của nhà giáo Hà Mai Anh, dù rằng sau đó tôi cũng đọc bản dịch tiếng Pháp, đề là "Grands Coeurs" của ông A. Piazzi. Tác giả cuốn sách nguyên bản là Edmondo De Amicis (1846-1908), một nhà văn hào Ý, đã kể lại như là một tập nhật ký, trọn một niên học của một cậu bé tên là An-Di ở một trường tiểu học tại thành phố Tuy-Ranh bên Ý Đại Lợi. Những câu chuyện ở học đường, và trong gia đình, về các thầy giáo, cô giáo và bè bạn của An-Di, những mẩu chuyện vui hay buồn đã xẩy ra trong thành phố cổ xưa này đã được kể lại trong sách bằng một văn phong dản dị và trong sáng, thắm đặm tình người. Ở thời đại này, những nhà giáo dục và những nhà tâm lý học đôi khi cho rằng những cảnh tàn bạo diễn xuất trên màn ảnh TV có ảnh hưởng rất nhiều đến giới thiếu niên, kích thích bọn trẻ gây nên những bạo động, nhưng qua nhiều cuộc tranh cãi và hàng trăm bài viết, vẫn chưa đi đến một kết luận nào cụ thể. Riêng tôi thì tôi nghĩ là những cuốn sách giáo khoa, học ở những lớp tiểu học, và đặc biệt là cuốn truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi được đọc, tả cuộc đời của cậu bé An-Di trong một năm học ở lớp Ba, đã cho tôi nhiều bài học về lòng thương người, phương cách cư xử chung thủy với bè bạn, và hiếu kính với mẹ cha. Tôi đã bắt đầu bài viết này bằng một đoạn trích nguyên bản phần đầu trong cuốn truyện tả "Ngày Khai Trường". Thay cho đoạn kết trong phần này, tôi xin trích đăng lại những dòng cuối cùng của cuốn truyện là những lời viết của bà mẹ cậu bé An-Di dặn con đừng quên mái trường xưa.

      "An ơi! Mai sau, con nên người, con sẽ du lịch trong thế giới, con sẽ trông thấy những thị thành hoa lệ, những đài các nguy nga, nhưng con phải nhớ luôn luôn đến nếp nhà trắng tầm thường kia với cửa chớp khép, với vườn cây xanh, vì đấy là nơi bông hoa trí tuệ đầu tiên của con đã nẩy nở. Mẹ tin rằng hình ảnh trường cũ của con sẽ in vào ký ức cho đến lúc tàn sinh cũng như không bao giờ mẹ quên được bóng dáng cái nhà cũ kỹ mà ở đấy mẹ đã nghe tiếng nói ban đầu của con."

      Tập Truyện Thơ Còn Dang Dở Cuốn sách của nhà giáo Hà Mai Anh, tôi đã đọc nhiều lần và vì thấy thích thú nên, thuở còn là sinh viên ở Hà Nội, tôi đã dùng thơ ngũ ngôn để viết ra một tập nhật ký của một em bé Việt Nam trong suốt một niên học ở bậc tiểu học cũng giống như cậu bé An-Di ở trong sách của ông Edmondo De Amicis. Cũng như vào mấy năm đầu ở trường tiểu học tôi đã phải học thuộc lòng nhiều đoạn sách trong cuốn "Tâm Hồn Cao Thượng", tôi có mộng ước rằng tập thơ của tôi sau này được dùng làm sách tập đọc cho các em học sinh còn nhỏ, tuổi chưa lên mười. Cuốn truyện thơ lấy đề là "Tuổi Thơ", tôi viết tay chỉ có một bản, khi đang là sinh viên "Toán Học Đại Cương", đã được truyền giữa đám bạn cùng là dân khoa học. Năm sau đó tôi đi Pháp du học, và trước khi đi tôi trao cho anh Bùi xuân Uyên và sau này được biết anh có trích đăng vài bài trên báo "Thế Kỷ" của anh, còn ngoài ra bản thảo độc nhất nay ở trong tay ai thì tôi không biết. Mới đây ngồi nói chuyện với giáo sư Hà Mai Phương là thứ nam của cụ Hà Mai Anh thì được anh cho biết là anh cùng bào huynh là cựu đại tá thiết giáp Hà Mai Việt, cũng là một người bạn của tôi, có dự án cho in lại cuốn "Tâm Hồn Cao Thượng" của thân phụ, và lần này có thêm tiểu sử của nhà giáo cùng những kỷ niệm viết bởi thân hữu và môn sinh. Riêng tôi, sẽ là một điều hân hạnh cho tôi nếu có dịp đóng góp vào ấn phẩm này để vinh danh công nghiệp của một nhà mô phạm đã dịch thuật và giới thiệu nhiều tác phẩm ngoại quốc tới giới trẻ Việt Nam ở thế hệ tôi.

      Bản chất của tôi là một nhà toán học, quen dùng lý luận, nên không có thi tài, và cũng không có trí nhớ dai nên tập truyện thơ viết cách đây gần nửa thế kỷ, tôi chỉ còn nhớ vài đoạn. Khi viết, tôi đã soạn thành từng bài thơ ngắn, mỗi bài giới thiệu một người trong gia đình, hay thày cô giáo cùng bạn học trong trường, hay kể lại một truyện ở học đường hay ngoài xã hội. Tôi viết như vậy để cho những thày cô giáo dùng tập sách có thể dễ dàng trích ra từng bài cho học sinh tập đọc. Tôi đã hình dung cậu bé ở tuổi ấu thơ bằng những vần thơ năm chữ

      Tuổi Thơ Nhớ năm xưa ấu trĩ, Dưới nách mẹ ngây thơ. Em ăn no ngủ kỹ, Nhìn đời chẳng ước mơ.

      Áo cánh điều tươi thắm, Quần xanh biếc như lơ. Mẹ nhìn em say đắm, Đôi tóc đào phất phơ.

      Mẹ ru, em ngủ say, Tấm lòng mẹ phơi bầy. Qua lời ca, gửi gấm: Lớn khôn, thành người ngay.

      Phô tài năng kẻ sĩ, Làm vui lòng mẹ cha. Thành công dân tài trí, Cho vẻ vang sơn hà.

      Tập sách của nhà văn hào người Ý luôn luôn có hình ảnh của người cha khuyên bảo đứa con, và nhiều lúc tâm sự như đối với một người bạn nhỏ. Trong tập thơ của tôi lại có tình cảm thân yêu săn sóc của một người mẹ hiền.

      Mẹ Em Từ năm còn ấu thơ, Hình mẹ không phai mờ. Mẹ thật lào tiên nữ,

      Đẹp như một bài thơ. Mẹ là ánh trăng thanh, Lời mẹ nghe dịu lành. Mẹ là nguồn hạnh phúc, Mẹ có công sinh thành.

      Còn nhỏ, mẹ bế bồng, Lớn khôn, em cậy trông: Từ cơm ăn, áo mặc, Dậy em, mẹ vun trồng.

      Tình mẹ như biển Đông, Nghiã mẹ thật vô cùng. Mai sau em khôn lớn, Hiếu kính nhớ nằm lòng.

      Khác với gia đình của người Âu Mỹ, trong một gia đình Việt Nam bao giờ cũng có sự đoàn viên của các anh chị em và ông bà cùng dưới một mái nhà. Tôi đã tả người chị của cậu bé qua những vần thơ dịu dàng

      Chị Thanh Chị Thanh em hiền hậu, Ai cũng khen nết na. Nói năng êm và dịu, Dáng người đi thướt tha.

      Tóc mây soà trên trán, Nụ cười tươi như hoa. Ngó sen, trăng tuơi sáng, Không sánh kịp làn da.

      Chị hơn em năm tuổi, Đã biết trông việc nhà. Sáng, trưa, chiều mấy buổi, Làm vui lòng mẹ cha.

      Cứ mỗi sáng tinh sương, Tà áo bay trên đường. Chân đều theo nhịp bước, Chị tới trường Trưng Vương.

      Bài "Ngày Khai Trường" trong cuốn sách của nhà giáo Hà Mai Anh tôi đã thuộc nằm lòng từ thuở ấu thơ, nay tôi viết thành thơ để in trong tập sách nhỏ bé, có thể gọi là sáng tác đầu tay của tôi.

      Ngày Đến Trường Ngày đầu tiên đến trường, Em dậy sáng tinh sương, Mặc áo quần mới sắm, Rồi ngắm mình trong gương.

      Đôi má em ửng hồng, Mừng vui hay sượng sùng? Ngày đầu tiên đi học, Lo âu đầy trong lòng.

      Cùng mẹ, em tới trường, Chân đi, lòng vấn vương. Ngước mắt nhìn lên mẹ, Vỗ về, mẹ thân thương.

      Mẹ nhìn em rồi cười: Trông con tôi thật tươi. Đi học chăm con nhé, Gắng công cho bằng người.

      Tập sách "Tuổi Thơ" tôi viết ra chỉ đưa cho một số bạn thân đọc nhưng họ đều là dân khoa học vào hạng gạo cội, suốt ngày chỉ mê mải với những phép tính nguyên hàm và đạo hàm nên chẳng ai cho tôi được ý kiến gì. Tuy vậy sau này tài thơ của tôi cũng cảm hoá được một anh bạn là anh Ngô Quốc Quýnh, nay là giáo sư-tiến sĩ dạy môn vật lý ở Trường Đại Học Tổng Hợp ở Hà Nội, để anh viết một bài cảm đề, qua nhiều năm tháng tôi còn nhớ được vài đoạn:

      Tuổi Hoa Niên Thu qua rồi lại một thu qua, Thời thơ ấu khuất bóng dần xa.

      Đường đời giây phút dừng chân bước, Chẳng khỏi ngậm ngùi, tiếc tuổi hoa.

      Sợ một mai đây, tựa nắng hồng, Ngày tàn héo hắt, chếch bên song. "Tuổi Thơ" ghi để vài trang nhỏ, Gửi lại nơi đây một tấm lòng.

      Tập thơ tôi viết, tuy dựa vào cuốn nhâit ký của cậu bé An-Di ở một trường tiểu học tại thành phố Tuy-Ranh bên nước Ý Đại Lợi, nhưng nay khi tả suốt một niên học ở lớp Ba của một trường tiểu học ở Việt Nam, tôi đã đưa vào câu chuyện những phong vị của quê hương, có những đoạn tả cảnh chiều vàng năm ba mục đồng cưỡi trâu về thôn xóm, có những ngày hội xuân tưng bừng, người đi lễ chùa khói hương nghi ngút, và cũng có những khung cảnh ở học đường để người đọc thấy cậu bé trong truyện cũng có những bạn tốt, và cũng có những tên dữ dằn chuyên môn hà hiếp người yếu đuối. Tập thơ nguyên thủy tôi đã viết, tôi ước chừng có vào khoảng một ngàn năm trăm câu, nay tôi mới nhớ lại được chừng một phần mười. Trải qua nhiều tháng năm trong cuộc đời, luôn luôn phải tranh đấu vượt những trở ngại để mưu sinh, trước kia ở nước nhà và nay bên quê người, trí nhớ của tôi nay cũng đã xuy sụp không cho tôi nhớ lại được toàn bộ những trang sách đã viết. Tuy vậy tình cảm với mái trường xưa đối với tôi vẫn còn nguyên vẹn. Lòng thương nhớ người mẹ hiền, với sự săn sóc ưu ái khi xưa, vẫn còn cánh cánh trong tôi. Mộng ước của tôi là rồi đây tìm lại được sự thanh thản trong tâm hồn như thuở học trò để viết cho trọn toàn bộ tập truyện thơ, nay hãy còn dang dở.

      Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh


      http://www.huongduong.com.au/article_20.html
      #3
        HongYen 08.11.2006 07:38:18 (permalink)
        Giáo sư Nguyễn xuân Vinh Cắt Băng Khai mạc Triển lãm Nhiếp Ảnh

        Oct 21, 2005

        Cali Today News - Lúc 11 giờ sáng ngày Thứ Bẩy 15 tháng 10 -2005, Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã cắt băng khai mạc cuộc triển lãm nhiếp ảnh “đặc biệt” do Hội Ảnh Nghệ Thuật Bắc California (APA) tổ chức tại Reflection Gallery số 1025 E. Capitol Exp. San Jose, trước sự hiện diện cuả gần 100 quan khách . Hiện diện tại phòng triển lãm có nhiều cơ quan truyền thông, nhiều video camera, và cả những camcorder của người thưởng ngoạn như BS Phạm Đức Vượng, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng Thư Ký tuần báo Việt Mercury , nhà báo Lâm văn Sang , cộng tác viên tờ Việt Mercury, Nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Thu thuộc Việt Mercury, nhà báo kiêm xướng ngôn viên Vũ Trinh, và nhiều quan khách quen thuộc trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của Cộng đồng tại Bắc California .

        Mở đầu, MC Nguyễn Tường Tâm giới thiệu trưởng ban tổ chức là cựu TTK Quốc hội Lập Hiến Đệ nhị Cộng Hòa GS Ngô Thanh Tùng, nhiếp ảnh gia , Phó Tổng Hội Trưởng Hội Ảnh Nghệ Thuật APA, lên tuyên bố lý do có cuộc triển lãm và mời Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh cắt băng khai mạc. Sau đó nhiếp ảnh gia Ngô Thanh Tùng mời quan khách bước vào phòng triển lãm để ông có dịp giới thiệu Ông bà nhiếp ảnh gia Trương Minh Vàng , chủ nhân Reflection Gallery cùng các nhiếp ảnh gia có ảnh trưng bày với GS Toàn Phong và quan khách .

        Các tấm ảnh được trưng bày lần này gồm có các tác phẩm chọn lọc kỹ lưỡng của các nhiếp ảnh gia có đẳng cấp cao trong giới ảnh nghệ thuật như GS Lê văn Khoa, GS Ngô Thanh Tùng, các nhiếp ảnh gia Văn Vũ, Đơn Hồng Oai, Thái Đắc Nhã, Trần Minh Vàng, Nguyễn văn Chu, Phạm Châu , Nguyễn hoàng An, Hội trưởng Hội Ảnh Nghệ Thuật Bắc California, Vũ Công Hào, Nguyễn thị Huệ, Azer Hoa, Dương cẩm Hiền, Dương Toàn, Thanh Hằng, Lê đình Khiết, Hà Quang San, và Lê Hằng Nga .

        GS Ngô thanh Tùng cho biết cuộc triển lãm này có ba lý do đặc biệt:Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Hội Ảnh Nghệ Thuật APA tự lực tổ chức một Gallery của chính mình , mà không phải đi thuê mướn địa điểm . Thứ hai, là một số nhiếp ảnh gia của Hội Ảnh Nghệ thuật APA cư ngụ tại vùng Vịnh muốn trưng bày một số tác phẩm cuả mình để kịp thời cung cấp cho giới yêu thích nhiếp ảnh điạ phương một dịp so sánh nền nhiếp ảnh hải ngoại với nhiếp ảnh trong nước qua các tác phẩm của một số nhiếp ảnh gia tên tuổi trong nước được nhà nước Cộng Sản Việt nam cho phép xuất cảnh triển lãm nhiều nơi tại hải ngoại. Riêng tại San Jose, một cuộc triển lãm các tác phẩm cuả khoảng10 nhiếp ảnh gia trong Hội Ảnh Nhà Nước của Cộng Sản Việt nam sẽ được khai trương từ ngày 21 tháng 10 đến ngày 5 tháng 11, với sự tham dự đệm của một vài nhiếp ảnh gia điạ phương .
        Lý do thứ ba , đây là lần đầu tiên, các nhiếp ảnh gia cuả Hội Ảnh Nghệ Thuật APA triển lãm một số tác phẩm theo chiều hướng nghệ thuật mới mẻ mà họ dùng tiếng Anh là “Avant-Garde” (Tiền Vệ), cùng với một số ảnh mầu , khổ lớn do Studio cuả nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã thực hiện .

        Trong phần trình bày về kỹ thuật và nghệ thuật nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia Trần minh Vàng trình bày vắn tắt về kỹ thuật phóng ảnh mầu khổ lớn “mural” . GS Ngô Thanh Tùng trình bày quan niệm mới mẻ về loại ảnh có phong cách “tiền vệ” .

        Sau đó, GS Ngô thanh Tùng cùng các nhiếp ảnh gia tham dự triển lãm đưa GS Nguyễn xuân Vinh cùng quan khách đi xem 80 tác phẩm trưng bày kín hai căn phòng . Phòng ngoài cùng trưng bày loại ảnh cổ điển và ảnh mầu phóng khổ lớn. Phòng trong là các tác phẩm theo phong cách “tiền vệ” .

        GS Toàn Phong Nguyễn xuân Vinh trong khi tâm tình đã vui vẻ nhắc tới giao tình cuả GS với nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa Tổng hội trưởng APA , mà GS cho là một người đa tài . Đặc biệt GS Vinh đã nêu một số tác phẩm tiêu biểu mà ông rất thích thú như bức ảnh mầu vĩ đại “Side by Side” chụp đôi ngỗng buổi tối trên hồ nước trước Palace of Fine Arts của nhiếp ảnh gia Trần Minh Vàng. GS khen đó là một bức mural tuyệt vời . Năm bức “Avand Garde”của nhiếp ảnh gia Lê văn Khoa, được GS Vinh cho là rất mới, rất đặc sắc . Đặc biệt GS Nguyễn xuân Vinh rất thích bức “Bike Racing” (Đua Xe Đạp) của nhiếp ảnh gia Ngô Thanh Tùng xử dụng kỹ thuật Adobe Photoshop mà GS cho rằng “rất linh động” . GS Vinh cũng khuyến khích tất cả nên đến viếng Reflection Gallery để thưởng thức những ảnh mầu khổ lớn và các tác phẩm theo phong cách “Avand Garde” (Tiền Vệ) của cuộc triển lãm nhiếp ảnh đặc sắc này .

        Một vài quan khách người Mỹ Trắng yêu thích nhiếp ảnh cũng tới thăm viếng phòng triển lãm . Trong đó bà Gloria Petersen, một nhiếp ảnh gia, kiêm họa sĩ, và giảng sư môn hội hoạ đã ghi vào sổ lưu niệm “Exquisite” (Tuyệt diệu) . Nữ nhiếp ảnh gia Windmiller đã đoạt nhiều huy chương của Hội Nhiếp Ảnh Alameda khen là “Excellent.” Cô Linda Brown, nguyên hội trưởng Hội Nhiếp Ảnh Alameda (một tổ chức thành viên cuả PSA) đã thốt lên “I am impressed” (Tôi thán phục). Sau cuộc xem tranh là giải lao và đàm đạo thân mật . Cho tới mãi 6 giờ chiều cùng ngày vẫn cứ tiếp tục có nhiều người tới thưởng thức , một sự kiện mang lại nhiều phấn khởi cho ban tổ chức và những nhiếp ảnh gia có ảnh trưng bày .

        Được biết cuộc triển lãm sẽ mờ cửa mỗi ngày từ 11 giờ sáng tới 6 giờ chiều cho tới hết ngày thứ Bẩy 22 tháng 10 -2005 tại Reflection Gallery số 1025 E. Capitol Exp. San Jose, gần giao lộ (intersection) giữa Capitol Exp. và freeway 101 .
        Huệ Nguyễn.

        http://www.calitoday.com/news/view_article.html?article_id=62e031c42fe29d4e925dd0ff00d87e05
        #4
          HongYen 29.02.2008 12:00:42 (permalink)
          Lại Viết Về Thầy Nguyễn Xuân Vinh 
          XUÂN ĐỖ . Việt Báo Thứ Ba, 2/26/2008, 12:02:00 AM
           
          Tạp bút của Xuân Đỗ
           
          Ít năm gần đây tên tuổi của Giáo sư kiêm cựu Tư lệnh Không Quân VNCH Nguyễn Xuân Vinh được nhắc nhiều trên báo chí và cộng đồng, đặc biệt đối với những người lính cựu, nhất là từ khi ông được  bầu vào chức danh Chủ tịch Tập thể Cựu chiến sĩ Hải ngoại cùng với tướng Lê minh Đảo.
           
          Bài viết này không có ý bàn về hoạt động của ông, và cũng không có ý muốn “ddánh bóng” ông, vì cái gì có dính líu tới chính trị thì ít khi có sự đồng thuận từ mọi phía, nhưng chỉ xin ghi đôi hàng về một vài ký ức đối với một nhân vật nồi tiếng cả văn lẫn võ mà từ lúc sinh ra cho đến khi về hưu đã trải qua những năm tháng của con người được ...“ddẻ bọc điều”.
          Từ đoạn này tôi xin được gọi ông bằng Thầy, vì tôi đủ tư cách là học trò của ông tại ngôi trường một thời ông dạy. Những gì liên quan đến kỷ niệm về thầy trò thì khó mà quên. Năm ấy, đầu niên khóa 57-58, các học sinh Trường trung học Pétrus Ký (Sàigòn) đang tụ tập trước cửa trường để vào lớp, tình cờ tôi lại đứng gần một ông đaị úy mặc quân phục và lon lá thuộc không quân. Ông cũng chờ vào lớp, tôi đoán có lẽ ông là phụ huynh của ai, muốn liên lạc với trường.
           
          Cổng trường mở, tụi tôi vào lớp đệ nhị A2 (Ban vạn vật/lo+'p 11), lớp kế bên đệ nhị B1 (Ban Toán). Ông đại úy theo vào, nhưng không phải để gặp ai, cũng chẳng phải để học, mà để...dạy môn toán. (Lúc này khó tìm giáo sư dạy toán, thường là mời thêm các vị có cử nhân bên Pháp, bất kể ở trong hay ngoài quân đội). Những tháng ngày kế tiếp, tôi lại có dịp gặp thầy, thầy nhận dạy như kiểu “part time”, hết giờ lại về bên Bộ tư lệnh KQ, cho nên mặc nhà binh cho tiện.
           
          Xét về bề ngoài, thầy không có dáng dấp nhà binh, lại càng không có cái vẻ hào hoa của lính không quân. Nhưng nếu thầy mặc dân sự chắc sẽ nổi bật cái vẻ nho nhã, mô phạm của nhà giáo. Giọng thầy cũng nhỏ nhẹ, thỉnh thỏang cũng pha trò khá dí dỏm để làm cho môn Toán đỡ khô khan. Thầy dậy có phần hơi khó hiểu, có lẽ chưa quen nghề sư phạm, lại hay ra bài toán khó và cho homework hơi nặng. Nhưng học sinh thích thầy vì thầy rất rộng rãi trong việc cho điểm (hào hoa ở chỗ này) và nặng phần khuyến khích nhiều hơn la rầy.
           
          Về sau tụi tôi mới được biết thêm về thầy do chị thằng bạn tiết lộ. Số là thằng bạn về học lại với chị nó có ông nhà binh dạy nó môn toán, chị hỏi tên gì, nó nói NXV, bà chị ngờ ngợ sao nghe quen quen. Vốn là nguời hay đọc truyện bà chị nhớ ngay ông này trùng tên với nhà văn Toàn Phong, cũng không quân. Bà chị lục ngay tủ sách gia đình, cầm cuốn “DDời Phi Công” xem hình tác giả mặt sau, chỉ cho thằng em, thì ra y chang hai ông là một.Vì giai thoại này mà ông có thêm người  lính phi công là thằng bạn tôi ít năm sau.
           
          Cũng từ đó thầy nổi tiếng ở trường không phải tài dạy toán mà là nhà văn bằng xương bằng thịt, học trò rất cảm mến và hâm mộ thầy. Cũng may là trường tôi toàn học sinh nam, chứ nếu thầy dậy bên Trưng vương hay Gia long thì lại là chuyện khác.
           
          Rất tiếc thầy chỉ dạy hơn một niên khóa. Sau đó vì nhu cầu công vụ thầy về làm việc “full time” bên không quân. Con người ta có số, không hiểu cụ Diệm thương thầy thế nào, lại không hiểu do ai tiến cử vì thầy vốn gốc Bắc di cư, không cần lao, không công giáo mà từ năm 1957 đến 1962 thầy từ đại úy lên tới đại tá và còn thêm chức Tư lệnh không quân. Chuyện chính trị quốc gia đại sự tôi không dám bàn.
           
          Tôi được gặp thầy một dịp  nữa khi tiễn thằng bạn tôi, cũng là học trò của thầy, đi khóa Không quân 61B. Thầy lúc này là tư lệnh đến “ban huấn từ” và gặp gỡ các phụ huynh, bạn bè có con em tình nguyện nghiệp bay bổng trước khi họ lên đường ra Nha Trang. Thầy vẫn có cái dáng nho nhã, khiêm tốn, không tỏ vẻ “oai” như các vị tư lệnh khác. Tôi không dám lại gần thầy để nhắc một vài kỷ niệm nơi trường xưa, thằng bạn tôi mang cầu vai sinh viên thì lại càng không dám, lý do có sự xa cách này vì thày ở cương vị quá cao.
           
          Sau vụ một phi công bỏ bom dinh Độc lập, thầy bị thất sủng. Thường các vị lớn khi mất chức thường đi đại sứ hay công tác nước ngoài. Riêng thầy số bọc điều, quân đội lại chắp cánh cho thầy bay cao hơn, xa hơn. Thầy đi Mỹ, nhờ sở học sẵn có thầy thành đạt, nổi tiếng chẳng phải trên đất Mỹ mà có sự nể nang của đồng liêu khắp năm châu. 
           
          Khoảng 66, 67, nghe nói ông Kỳ có mời thầy về, hình như định giao một chức trong nội các đặc trách về giáo dục. Thầy có về, nhưng đất nước lúc này nghe không khá, thày lại bỏ đi, vì dù sao ở nước ngoài cuộc sống vẫn ổn định hơn. Tôi phục thầy có sự nhạy bén về mặt chính trị, vì vài năm sau khi ông Kỳ bị thất sủng thì thầy cũng lại phải đi.
           
          Ký ức cuối về thầy trước khi mất nước lại do thằng em con ông chú học lại. Thằng nhỏ cùng hai anh bạn là hạ sĩ quan không quân, năm 74 được quân đội cho đi tu nghiệp kỹ thuật tại căn cứ không quân Denver, Colorado. Gần căn cứ này có cả trường đào tạo sĩ quan không quân. Lúc này thầy đang là giáo sư của đại học Denver. Vì tình đồng hương, lại nhớ quê hương, cô Phượng (bà Vinh) hay mời ba ông nhóc này ra nhà ăn cơm, đối đãi rất thân tình. Thằng em tôi ca ngơi. hết chỗ nói về lối cư xử bình dân của cả hai ông bà. Nhân tiện cũng nhắc, chắc cô nhớ, thằng em tên An bị chết trong chuyến vượt biên hồi 82. Nó là hoa tiêu, đi cả tuần không thấy đất liền, người trên ghe  tuyệt vọng thảy nó xuống biển. Hai ngày sau, ghe ghé một dàn khoan. Cả con tàu được cứu, thằng em tôi ở lại với biển.
           
          Chuyện về ông thầy khúc sau này còn dài, nhất là từ khi có các tù cải tạo ghé bến tự do, nhưng không thuộc phạm vi bài viết này. Tôi chỉ xin tâm sự với thầy, người tôi hằng quí mến và ngưỡng mộ. Tất nhiên trò hơn thầy thì ở đời không hiếm, nhưng trò lại đòi khuyên thầy thì có phần nghịch lý. Xin thầy lui lại chỉ nên làm vai trò cố vấn cho các hội đoàn vì uy tín của thầy cao, còn việc điều hành thì xin để cho các ông một thời sống chết với  lính hoặc đã chia sẻ những gian nan trong trại tù CS sau này.
           
          Trong tinh thần đó xin thầy trong những ngày còn lại của tuổi thọ, hãy viết thêm nhiều tác phẩm để lại cho đời. Thầy có dư tài năng và vốn sống để làm công việc này. Chuyện nhân gian thế sự xin dành cho người khác.
           
          Xuân Đỗ
           
          http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=114&nid=124259
          #5
            Như Ý P 05.10.2008 22:57:25 (permalink)
            Khung Trời ARIANE
             
            Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
             

             
                        Thuở còn là sinh viên, tôi trọ học ở một gia đình của mấy cô em họ ở Hà Nội  Thỉnh thoảng mấy cô nhờ tôi chỉ dẫn để làm mấy bài toán khó, và mời thêm cả mấy cô bạn đến để học chung. Đôi khi các cô còn nhờ tôi giúp cho ý kiến để làm những bài luận Việt văn nữa. Tôi còn nhớ có lần đề bài là:
             
            Cụ Nguyễn Công Trứ đã viết:
             
            “Ngồi buồn mà trách ông xanh,
            Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
            Kiếp sau xin chớ làm người,
            Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
             
            Nếu quả thật có luân hồi, mà em có thể lựa chọn được thì kiếp sau em muốn làm gì?
             
                       Tôi nhớ là đã thảo hộ các cô chừng ba hay bốn bài, bài chọn làm chim, bài chọn làm bướm, bài chọn làm hoa, văn chương và lý luận của bài nào nghe cũng xuôi tai cả. Về sau tôi nghe kể lại thì bài được cô giáo ở Trưng Vương cho ưu điểm là bài của cô nữ sinh ước ao chỉ làm một cây kim nhỏ để vá may. Ý chính của bài là ca tụng sự cần cù, nhẫn nại của sợi chỉ, cây kim, mài miệt làm việc, không quản ngày tháng, tạo nên manh áo để che ấm cho người. Với óc tưởng tượng của tuổi trẻ, trong bài ấy tôi đã tả cảnh một bà mẹ ngồi may một chiếc khăn quàng để gửi cho người con đi chinh chiến ở biên cương, người vợ vá lại chiếc áo cho chồng mặc khi gió heo may mới chớm về. Tôi không còn nhớ lại những câu văn tôi viết nhưng tôi chắc cũng đủ tha thiết để làm rung cảm người chấm luận văn.

                        Mấy chục năm đã qua, giờ tôi nghĩ lại thì quả thật suốt cuộc đời mình, tôi cũng đã một phần nào nhờ sự chuyên cần khi làm việc, lấy thành tâm và công sức để tạo nên thành công trong sự nghiệp. Từ ngày quốc nạn vào cuối tháng Tư năm 1975 cho tới nay, khi hơn hai triệu người Việt đã phải rời quê hương để sinh sống ở nước người, tôi thường dùng những chuyến đi công việc đại học để đóng góp vào công cuộc chung, xây dựng một cộng đồng Việt vững mạnh ở hải ngoại. Mỗi lần đi dự một hội nghị, hay đi thuyết giảng ở một đại học, nếu nơi đó có đông người Việt cư ngụ, tôi thường bỏ ra một buổi để tiếp xúc và nói chuyện với người đồng hương và đặc biệt với giới trẻ, tương lai của đất nước.

                        Hè năm 1997, tôi được mời sang dậy hai tuần lễ ở Viện Đại Học Quốc Phòng Nhật Bản ở Yokosuka, có nhà tôi cùng đi theo, và trên đường về Michigan, chúng tôi ghé lại Hawai hai tuần. Ở đây tôi cũng sinh hoạt với các cựu quân nhân, những chiến hữu đã cùng với tôi phục vụ dưới một bóng cờ khi xưa. Tôi đã nói chuyện với người đồng hương vào ngày 19 tháng 6 là ngày quân lực do Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị tổ chức và tuần lễ sau đó họp với các cựu quân nhân Không Quân ở Hải Đảo, nơi mà tôi coi như là tiền phương trên đường trở về nước mai hậu. Tôi đã làm việc ngay cả trong những ngày nghỉ hè vì sau đó, khi trở về Trường Đại Học ở Michigan tôi phải làm tiếp nối một công việc còn dang dở là duyệt luận án tiến sĩ của một nữ sinh viên người Pháp là cô Sophie Geffroy nộp tại Institut National Polytechnique de Toulouse. Công việc này cũng cho tôi có dịp trở lại Toulouse, là thành phố Hồng, nơi có trụ sở của Hàn Lâm Viện Quốc Gia Hàng Không và Không Gian (Académie Nationale de l’Air et de l’Espace), mà tôi là một hội viên ngoại quốc.
             
            Chấm Thi Tiến Sĩ
             
                       Trong sự tranh đua chinh phục không gian của các nước tiền tiến, dù là với mục đích hòa bình, hay để dành hơn thua về quân sự, một môn học mới, có thể đặt tên là môn Toán Học Không Gian, đã được phát triển. Qua những hội nghị quốc tế chuyên ngành, môn học này giờ đây đã không còn chia ranh giới giữa các quốc gia. Trong ba mươi năm dậy học và khảo cứu về môn này, tôi đã đọc sách hay tài liệu viết bằng mấy thứ tiếng chính, và ngược lại, đôi khi những tài liệu tôi viết, hầu hết bằng Anh ngữ, và đôi khi bằng Pháp ngữ, cũng đã được dịch lại hay trích dẫn thành những ngoại ngữ khác. Vì vậy tôi đã không ngạc nhiên khi trước ngày đi Nhật tôi nhận được thư của Division Mathématiques Spatiales của Centre National d’Etudes Spatiales (CNES), tức là Cơ Quan Không Gian của Pháp mời sang Toulouse để dự trong ban giám khảo chấm luận án tiến sĩ toán học của một kỹ sư hiện đang làm việc tại đó.

                        Đề tài luận án của cô Sophie thuộc về một bộ môn tôi có đóng góp vài bài được coi là quan trọng và đăng trên Acta Astronautica là tập san nghiên cứu khoa học của Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics), và được Nha Toán Học Không Gian của Cơ Quan Không Gian Pháp biết tới. Cô thí sinh này, hiện là nghiên cứu viên tại Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học (Centre National de la Recherche Scientifique viết tắt là CNRS). Trong thời kỳ viết luận án cô được chuyển sang làm việc tại CNES. Ngoài ra, giáo sư J. Noailles là người bảo trợ luận án của Sophie cũng đã biết tôi trong thời gian tôi dậy học ở Pháp trong niên học 1974-1975. Vì vậy nên Cơ Quan Không Gian Pháp và Viện Quốc Gia Bách Khoa ở Toulouse mới liên lạc để mời tôi sang tham dự trong ban giám khảo.

                        Đến đây tôi phải tạm dừng câu chuyện để nói về luật lệ bảo vệ luận án tiến sĩ ở Mỹ và ở Pháp. Ở Hoa Kỳ, vị giáo sư bảo trợ luận án là người chủ chốt kết luận sự thành tựu của thí sinh. Khi nhận xét thấy luận án của người sinh viên làm việc với mình đã hoàn thành, xứng đáng để được bảo vệ, ông đề nghị thành phần ban giám khảo lên Trường Cao Học (Graduate School) là nơi quản trị bậc cao học ở đủ mọi bộ môn trong đại học, trừ những trường chuyên nghiệp như những Trường Y Khoa, Luật Khoa và Quản Trị Kinh Doanh. Sau đó thí sinh phải đi thu xếp với các giám khảo ngày giờ trình luận án thuận tiện cho tất cả mọi người, và cũng xin phân khoa của mình dành phòng cho hôm thuyết trình. Cùng một lúc, bổn phận của thí sinh là phải chứng tỏ cho văn phòng luận án của Trường Cao Học là mình đã đủ điều kiện về tín chỉ, thời gian học, đã qua những kỳ khảo hạch, và nhất là đã đóng tiền học đầy đủ.

                        Nhiệm vụ của Trường Cao Học thật ra chỉ hoàn toàn về hành chánh, còn vấn đề chuyên môn chấm thi là thẩm quyền của ban giám khảo. Mỗi vị trong ban giám khảo đều nhận được một bản luận án trước ngày thi chừng vài tháng để đọc và phê bình trên một cái phiếu có từng mục về mức độ sáng tác, kết quả chính xác, trình bầy mạch lạc, và nói chung là công trình có xứng đáng với trình độ tiến sĩ về môn học thí sinh theo đuổi hay không. Theo lề luật, những phiếu phê bình phải được gửi về Trường Cao Học chậm nhất là hai ngày trước ngày thi. Sáng hôm thi người sinh viên phải đến phòng luận án của Trường Cao Học để nhận một hồ sơ dán kín trong đó có đủ phiếu phê bình của các giám khảo và giấy phép cho trình luận án do ông khoa trưởng ký để mang về nộp cho vị chánh chủ khảo trước giờ thi. Buổi bảo vệ luận án lâu chừng hai giờ và thành phần ban giám khảo thường thì có ít nhất là bốn người, trong đó có một người ở khác phân khoa với thí sinh. Đôi khi giáo sư bảo trợ, lúc đó là chánh chủ khảo, còn mời thêm một hay hai vị nữa.

                        Nói chung thì một khi đã tới giai đoạn trình luận án, ít khi sinh viên gặp khó khăn, nhất là nếu trước khi thi vài tháng thí sinh đã đến gặp riêng từng giám khảo để trình bầy công trình khảo cứu của mình và tham khảo ý kiến. Ở buổi trình luận án, trung bình thí sinh được chừng từ 45 phút đến một giờ để trình bầy những kết quả chính trong luận án của mình và thường thì các giám khảo, sau khi mỗi vị đã khảo hạch một vài điểm trong luận án, đều cho ý kiến thuận và ký vào biên bản. Cùng một lúc có khi họ chỉ cho thí sinh biết một vài chỗ cần phải sửa đổi hoặc thêm bớt. Vị chánh chủ khảo có nhiệm vụ viết lời phê bình tổng kết trong phiếu báo cáo kết quả kỳ thi, và đặc biệt vị đó phải thị thực là thí sinh đã sửa đổi lại luận án theo đúng như là đề nghị của các vị giám khảo. Dĩ nhiên là trong phần kết luận của biên bản kỳ thi, ông chánh chủ khảo ghi rõ là thí sinh xứng đáng được cấp văn bằng tiến sĩ trong bộ môn học. Văn bằng tiến sĩ ở đại học Hoa Kỳ không có thứ hạng. Một đôi khi có luận án thật xuất sắc thì theo đề nghị cuả ban giám khảo và sự duyệt xét của một hội đồng chung cho Trường Cao Học, thí sinh có thể được tặng một giải thưởng gọi là Giải Thưởng Luận Án Xuất Sắc, thường là hiện kim, nhưng điều này cũng không được ghi trên văn bằng. Tuy nhiên vị tân khoa cũng có thêm được một thành tích để ghi vào trong phiếu tiểu sử cá nhân. Trong suốt thời gian dậy học hơn ba mươi năm ở Hoa Kỳ, tôi chỉ được chứng kiến hai lần thí sinh bảo vệ luận án tiến sĩ không được chấm đậu ngay mà phải thi lại chừng nửa năm sau đó, khi đã sửa chữa toàn diện luận án của mình. Đây là những trường hợp mà vị thầy bảo trợ có nhiều ân oán giang hồ nên bị mấy người đồng nghiệp làm khó dễ, và sinh viên bị vạ lây. Về văn bằng tiến sĩ, các trường chuyên nghiệp như y khoa, nha khoa, giáo dục, dược khoa, luật khoa và kinh doanh hành chánh..., họ dùng những danh vị chuyên môn như Doctor of Medicine (MD), Doctor of Dental Science, hay Doctor of Dental Surgery (DDS), Doctor of Education (EdD), vân vân..., còn tất cả những bộ môn khác thì dùng danh vị chung là Doctor of Philosophy, viết tắt là PhD. Nhiều khi ở trên văn bằng cũng không đề chuyên khoa của người được cấp phát. Cũng có những đại học cấp phát văn bằng Doctor of Science, viết tắt là DSc hay ScD, cho những bộ môn toán học, khoa học và kỹ thuật. Như vậy ta có thể đặt câu hỏi là làm thế nào để phân biệt, khi đi tìm việc làm, khi mà một văn bằng tiến sĩ văn chương và một văn bằng tiến sĩ khoa học trông giống in như nhau và chỉ khác ở tên người thụ hưởng mà thôi. Đặt ra câu hỏi này là vì mình còn quen lề luật tuyển mộ theo kiểu Pháp là chỉ căn cứ trên một tờ giấy in bằng cấp mà xét đoán khả năng của người nộp đơn. Ở Hoa Kỳ, khi cần người có trình độ tiến sĩ, cơ quan tuyển dụng căn cứ trên tờ khai lý lịch có ghi rõ ràng những đại học tốt nghiệp, môn học và thành tích của người xin việc, vào những cuộc phỏng vấn, và những thư giới thiệu, đặc biệt là những thư phê bình của giáo sư bảo trợ luận án, và những người đã biết đến khả năng làm việc, công trình khảo cứu và sáng tác của đương sự. Đôi khi những người trong ủy ban tuyển mộ còn điện thoại hỏi những người viết thư giới thiệu để biết thêm chi tiết về người đang được chú ý đến. Nói tóm lại, ở Hoa Kỳ văn bằng và tước vị tiến sĩ có thể là điều kiện tối thiểu đòi hỏi ứng viên phải có, nhưng không phải là điều đảm bảo để được mời nhận công việc.

                        Ở Pháp thì ông viện trưởng chỉ định thành phần ban giám khảo theo đề nghị cuả giáo sư bảo trợ luận án. Trong ban giám khảo sẽ có hai giáo sư, chọn trong những người thông suốt vấn đề được trình bầy trong luận án để làm giám khảo lập trình (rapporteur). Những vị này có nhiệm vụ viết bản nhận định tổng kết luận án cuả thí sinh và gửi về văn phòng ông viện trưởng trước ngày giờ hạn định. Chỉ trong trường hợp hai phiếu lập trình đều nhận xét là luận án có những kết quả mới lạ và đặc sắc. đáng được đưa ra trình bầy và bảo vệ thì ngày thi mới được ấn định. Ông viện trưởng sẽ ký giấy chính thức ấn định ngày giờ và địa điểm thi và thành phần giám khảo và gửi cho mỗi vị giấy mời và bản sao báo cáo của các giám khảo lập trình. Cũng vì vậy mà ở các đại học Pháp ít khi có chuyện thí sinh trình luận án bị đánh hỏng và cũng có lệ là sau khi trình bầy và bảo vệ luận án sẽ có tiệc sâm banh và bánh ngọt của thí sinh mời mấy vị ở trong ban giám khảo, và những thân hữu tới dự. Tuy vậy buổi bảo vệ cũng không phải là làm chiếu lệ, vì các giám khảo cũng sẽ hỏi thí sinh nhiều câu thật khó khăn, cốt để giám định khả năng nghiên cứu của thí sinh và rồi sau đó hội đồng sẽ họp kín để thảo luận và ấn định thứ hạng của văn bằng. Về thứ hạng đề trên văn bằng tiến sĩ thì những thứ hạng như ‘‘mention très bien, bien, assez bien’’ và nhất là ‘‘mention passable’’ chúng ta thường thấy khi thi tú tài và cử nhân nay không còn được dùng nữa. Để tăng thêm giá trị cho văn bằng, thường thường hội đồng giám khảo dùng chữ ‘‘mention très honorable’’, nếu dịch ra thì có thể nói là được chấm đậu với ‘‘thứ hạng tối danh dự ’’. Trong bức thư mời tham dự buổi trình luận án, ông viện trưởng thường lưu ý các giám khảo là cần phải dè dặt khi dùng thứ hạng‘‘mention très honorable avec felicitations du jury’’, nghĩa là có thêm lời khen ngợi của hội đồng giám khảo. Nhiều đại học muốn giữ cho thứ hạng này thật ít, thường thì không quá 10% những văn bằng tiến sĩ được cấp phát và với điều kiện phải được toàn thể hội đồng chấp thuận. Cũng có những trường hợp thí sinh chỉ được chấm đậu với thứ hạng ‘‘mention honorable’’ không thôi tuy rằng nếu dịch ra tiếng Việt thì nghe cũng trịnh trọng là đã được cấp bằng tiến sĩ với ‘‘thứ hạng danh dự’’.

                        Tôi đã để suốt tháng Bảy của những ngày nghỉ hè để duyệt xét luận án của cô Sophie Geffroy vì tôi đã được đề cử là một trong hai giám khảo lập trình. Vị kia là giáo sư Jean-Michel Coron, thuộc cơ quan CNRS và Université de Paris-Sud, trong ban Giải Tích Số Học và Phương Trình Vi Phân Riêng Phần (Analyse numérique et équations aux dérivées partielles). Cùng với thư chính thức mời chấm thi của giáo sư A. Costes, với chức vụ là Président de l’Institut National Polytechnique de Toulouse, tôi được biết có nhiều vị rất quan trọng ở trong thành phần ban giám khảo như một người bạn tôi là thiếu tướng kỹ sư Jean-Pierre Marec là Giám Đốc Khoa Học Trung Ương (Directeur Scientifique Central) của Cơ Quan Quốc Gia Khảo Cứu Hàng Không và Không Gian (ONERA) ở Paris và cũng là giáo sư cuả Trường Quốc Gia Cao Đẳng Hàng Không và Không Gian (Sup-Aéro) và của Trường Bách Khoa (École Polytechnique) và ông Alain Bensoussan, hiện nay là Chủ Tịch cuả Cơ Quan Không Gian Pháp (CNES). Ngày thi được ấn định vào ngày 30 tháng Mười, năm 1997 tại Toulouse và nhân dịp này ông J. P. Carrou là giám đốc Division Mathématiques Spatiales của CNES cũng mời tôi sang sớm một hôm để thuyết trình về đề tài đặc biệt là ‘‘Trajectoires Optimales de Rentrée Atmosphérique’’, nói về những phương pháp tối ưu để thu hồi những phi thuyền không gian vào bầu khí quyển, là những vấn đề tôi đã có nhiều đóng góp và đã viết thành sách. Những thủ tục hành chánh ở Pháp có vẻ nặng nề so với ở Hoa Kỳ. Tất cả nhữngsự di chuyển của tôi, từ Michigan tới Toulouse và trở về, cùng sự đưa đón và giữ khách sạn ở nơi thăm viếng đều do văn phòng ở CNES lo liệu. Họ cũng trả tôi một số tiền thù lao gọi là honorarium, nhưng theo luật lệ họ gửi thẳng vào chương mục ngân hàng ở Hoa Kỳ của tôi.

                        Ở Hoa Kỳ thì mỗi lần đi công vụ trở về, tôi ghi sự chi tiêu vào một phiếu và kèm theo chứng từ rồi đại học sẽ gửi chi phiếu hoàn trả hay gửi thẳng vào chương mục ngân hàng. Ở một vài nước khác như Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan và Ba Tây, là những nơi tôi đã được mời sang giảng dậy những khoá ngắn hay làm cố vấn chuyên môn thì khi tới nơi họ đưa tiền mặt, trả bằng quốc tệ để mình ký nhận, và ngân sách họ đã dự trù đủ rộng rãi để chi phí cho chuyến đi và không cần phải đưa ra chứng từ. Lần đi Pháp này, vì vé máy bay đã mua sẵn nên sau khi tới phi trường Charles de Gaulle ở Paris tôi chỉ đủ thì giờ để chuyển sang chuyến phi cơ quốc nội đi Toulouse. Nói theo toán học thì cơ quan CNES đã chọn đường bay nhanh nhất cho tôi, nên tôi đã không có dịp ghé lại Kinh Thành Ánh Sáng một vài ngày như mong muốn nếu được tự mình chọn ngày giờ khởi hành từ Michigan. Tới phi trường Toulouse vào khoảng hơn 10 giờ sáng ngày 29 tháng 10, 1997 tôi đã được cô Geffroy và ông P. Legendre là chủ sự Khoa Toán Học Áp Dụng và Giải Tích Số Học (Département Mathématiques Appliquées et Analyse Numérique) là sở cô làm việc ở CNES ra đón. Tuy là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau nhưng vừa thoạt nhìn hai bên đã nhận được nhau ngay vì lẽ dễ hiểu là trên chuyến phi cơ tới từ Paris chỉ có tôi là người Á châu mà thôi. Cô Sophie trông người cao, thanh nhã và thông minh. Cả hai người ra đón tôi thật ân cần, và chỉ hơn một giờ sau chúng tôi đã về tới khách sạn trú ngụ ở ngay trung tâm thành phố. Sau chừng một giờ đủ để tôi nghỉ ngơi và sửa soạn bài thuyết trình, họ trở về đón tôi vào trụ sở Cơ Quan Không Gian. Tuy là khách mời nhưng theo tổ chức của bất kỳ một cơ quan nào có công tác cần bảo mật, bộ phận kiểm soát an ninh bao giờ cũng riêng biệt và tôi cũng phải qua những thủ tục thường lệ để lấy bảng hiệu đeo ở ngực trước khi gặp ông Carrou là giám đốc Nha Toán Học Không Gian để cùng đi ăn trưa ở phòng riêng đã dành sẵn ở câu lạc bộ. Đúng hai giờ chiều, chúng tôi tới phòng thuyết trình, nơi đây đã có một số đông kỹ sư và khoa hoc gia về môn toán học không gian ngồi đợi.

            Toán Học Không Gian
             
                        Tới đây tôi thấy cần định nghĩa bộ môn mà tôi đã gọi là Toán Học Không Gian, là môn khoa học có đủ tầm quan trọng để Cơ Quan Không Gian Pháp có riêng một nha sở gọi là Division Mathématiques Spatiales. Trong toán học có môn Động Lực Học, nghiên cứu những chuyển động của các vật thể và môn này được đặt nền tảng trên một luật của nhà bác học người Anh là Sir Isaac Newton (1642-1727), theo một công thức viết là:
            m a = F

            và có nghiã là tích số của trọng khối m và vec-tơ gia tốc a thì bằng lực tác dụng F. Chỉ căn cứ vào một công thức dản dị đó mà mà các nhà toán học xây dựng thành môn cơ học đồ sộ giúp cho ta tính được những chuyển động của các vật thể nhân tạo hay thiên nhiên, không những ở trên mặt đất, mà còn ở trên mặt biển hay dưới đáy khơi, trên không trung và cả ra ngoài vũ trụ. Với những vật thiên nhiên hay nhân tạo, chuyển động trong thái dương hệ, chẳng hạn như các hành tinh, lớn hay nhỏ, hay các vệ tinh nhân tạo và phi thuyền không gian, thì lực tác động là tổng hợp của các hấp lực của mặt trời và các hành tinh. Những hấp lực này lại theo một định luật vạn vật hấp dẫn của nhà toán học Newton tìm ra là hai vật thể nào trong thiên nhiên, được coi như là hai trọng điểm, cũng hút nhau theo tỷ lệ thuận với trọng khối và tỷ lệ nghịch với bình phương của khoảng cách giữa chúng với nhau. Bắt đầu từ thế kỷ 18, các nhà toán học và thiên văn học Tây phương đã dựa lên những định luật này, và những tiến triển của môn giải tích học, đặc biệt là những phương pháp giải những phương trình vi phân để xây dựng nên môn Cơ Học Thiên Thể (Mécanique Céleste). Sang đầu thế kỷ 20, nhà toán học ngưòi Pháp là ông Henri Poincaré đã làm cho môn cơ học này thành một ngành quan trọng của toán học với những kết quả khảo cứu thật tân kỳ của ông. Trong bộ môn mà chúng ta thường gọi là Thiên Văn Học, có những chuyên gia nghiên cứu về vật lý thiên thể, nghiã là tìm hiểu về sự cấu tạo của các hành tinh, các ngôi sao, và các thiên hà. Những vị này thường có căn bản về vật lý, hoá học và khoáng chất. Một trong những người nổi tiếng nhất là nhà bác học chuyên khoa về vật lý thiên thể gốc Ấn độ và là giáo sư tại Đại Học Chicago tên là Subrahmanyan Chandrasekhar (1910-1995).  Ông đã có những đóng góp quan trọng chuyên ngành nên đã được giải Nobel về vật lý vào năm 1983 và được lấy tên Chandra để đặt cho kính viễn vọng mới được NASA phóng lên không gian vào tháng Bảy năm 1999 để tìm hiểu thêm về sự cấu tạo các thiên hà. Qũy đạo của kính viễn vọng Chandra có hình el-lip. Những chuyên gia tính qũy đạo thuộc nhóm nghiên cứu sự chuyển động của các hành tinh, và các vệ tinh quay chung quanh các hành tinh, và sự quay của các vệ tinh và các hành tinh chung quanh trục. Những người này là những nhà toán học. Nếu mục đích của môn Cơ Học Thiên Thể là để tính những sự chuyển động của các vật thể thiên nhiên trong Thái Dương Hệ như các hành tinh chính và các vệ tinh quay chung quanh những hành tinh này, cùng sự chuyển động của những hành tinh nhỏ và các sao chổi thì mục đích này coi như là đã đạt được hoàn toàn trong thế kỷ 20. Thời buổi này, ta có thể dùng máy tính điện tử với tốc độ kỳ diệu để tính ra những chuyển động nói trên trong khoảnh khắc một cách rất chính xác. Lấy tỷ dụ như sao chổi Halley, chu kỳ trung bình là 75 năm, mà lần mới đây khi về cận điểm gần mặt trời nhất vào ngày mồng chín tháng Hai năm 1986 tức là đúng ngày đầu năm Bính Dần, các nhà thiên văn tính qũy đạo đã đoán trước được thời điểm sai trật chỉ vào khoảng vài giây đồng hồ.

                        Vào năm 1957 khi vệ tinh sputnik là vệ tinh nhân tạo đầu tiên được phóng vào qũy đạo thì môn cơ học thiên thể lại thành sống động và trở thành Cơ Học Không Gian (mécanique spatiale) là danh từ chung để chỉ sự nghiên cứu chuyển động của các vật thể thiên nhiên hay nhân tạo bay trong không gian. Lấy thí dụ cho một vệ tinh nhân tạo, ta có thể tìm qũy đạo của vệ tinh này, chẳng hạn trên đường bay tới một hành tinh, và cùng một lúc phải theo dõi sự quay của vệ tinh chung quanh ba trục chính của nó. Điều này rất cần thiết vì vệ tinh có trang bị những máy đo, máy chụp hình và máy phát tín hiệu, mỗi khi máy hoạt động, những chuyên gia ở trung tâm điều khiển trên trái đất phải hướng dẫn vệ tinh quay sao cho đúng chiều hướng. Cũng vì có những vệ tinh nhân tạo mà các nhà toán học phát triển ra một môn học mới gọi là Điều Khiển Tối Ưu (Contrôle Optimal).  Trong môn học này người ta tìm ra những phương thức để điều khiển tất cả những hệ thống nào đang di động và phát triển, sao cho đạt được kết quả tốt đẹp nhất, và hiện nay đang có áp dụng không những ở môn cơ học mà sang cả những ngành khác như xã hội học và kinh tế. Riêng trong môn cơ học, áp dụng cho những phi thuyền không gian và những vệ tinh nhân tạo, các nhà toán học phải tìm ra những đường bay để làm sao cho phi thuyền có thể tới những hành tinh muốn thám sát mà ít tốn kém nhiên liệu nhất. Muốn đạt được kết quả này, khi giải bài tính, nhà toán học phải tận dụng những lực thiên nhiên như những trọng trường của các hành tinh để tạo ra những hấp lực làm tăng tốc độ các phi thuyền khi bay ngang qua, và khi đã tới hành tinh muốn thám sát, phải biết dùng sức cản cuả bầu khí quyển để hãm tốc độ cho phi thuyền được bắt vào quỹ đạo chung quanh hành tinh và trở thành một vệ tinh nhỏ của hành tinh này. Tất cả những bộ môn này, bắt nguồn từ môn cơ học thiên thể đã có từ hơn hai trăm năm để tính những chuyển động của các hành tinh, lớn và nhỏ trong thái dương hệ, các vệ tinh quay chung quanh các hành tinh, và các sao chổi, nay dùng để tính qũy đạo của các phi thuyền không gian và các vệ tinh nhân tạo, cộng thêm những phương pháp thay đổi qũy đạo, điều khiển tối ưu, tất cả hợp thành môn gọi là Toán Học Không Gian. Ở các phân khoa Hàng Không và Không Gian ở những trường đại học lớn ở Hoa Kỳ môn học này cũng là môn học quan trọng thu hút được nhiều sinh viên làm khảo cứu ở chương trình tiến sĩ. Qua nhiều tháng năm, sự bành trướng của môn học nhờ ở sự đóng góp tân tiến của nhiều khoa học gia mà phần lớn từ Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Anh, Đức và Ý, mà hiện nay tự nó lại gồm nhiều ngành phụ khoa ít có người tham biện thấu đáo được đầy đủ. Ở Hoa Kỳ, hội chuyên nghiệp của các nhà kỹ thuật và khoa học phục vụ trong ngành Hàng Không và Không Gian là một hội lớn và có thế lực tên là American Institute of Aeronautics and Astronautics, viết tắt là AIAA. Hàng năm Hội đều có tổ chức những khoá họp chuyên ngành và trong môn Toán Học Không Gian có 3 Hội Nghị thường niên là:

                        (1)  Astrodynamics Specialist Conference
                        (2)  Guidance, Navigation and Control Conference
                        (3)  Atmospheric Flight Mechanics Conference

                        Hội nghị (1) chuyên về môn cơ học ở ngoài không gian và vì thế nên AIAA tổ chức chung với một Hội khác tên là American Astronautical Society, viết tắt là AAS, là một hội nhỏ, nhưng hội viên lại chỉ chú ý đến những gì xẩy ra ở ngoài vũ trụ. Ở Hội nghị (2) được trình bầy những bài khảo cứu và những vấn đề liên hệ đến sự hướng dẫn, du hành và điều khiển những vệ tinh và phi thuyền từ khi rời mặt địa cầu cho đến khi hoàn tất phi vụ, hoặc trở về bầu khí quyển của trái đất, hoặc bay vào vũ trụ xa thẳm, hoặc bay tới một hành tinh để thám sát. Trường hợp du hành tới một hành tinh, phi thuyền không gian có thể được vận chuyển để bay vào qũy đạo chung quanh hành tinh và trở thành một vệ tinh thám sát, hay được điều khiển để hạ nhẹ nhàng xuống mặt hành tinh rồi trở thành một xe luân chuyển tự động để tiếp tục sự dò tìm trên mặt hành tinh. Hội nghị (3) trước đây là một hội nghị để trình bầy và bàn thảo những vấn đề liên hệ đến cơ học phi hành trong bầu khí quyển của trái đất. Những vấn đề được nghiên cứu là lý thuyết bay của phi cơ ở mọi vận tốc, từ tốc độ nhỏ làm triệt nâng cánh cho tới những vận tốc siêu âm, và ở nhiều cao độ khác nhau cho tới hết từng tĩnh khí của bầu khí quyển quanh trái đất ở vào khoảng 20 cây số trên mặt biển. Từ ngày các quốc gia lớn trên thế giới bắt đầu phóng lên không gian những phi thuyền và sau đó thu hồi lại một cách an toàn sau khi bay xuyên qua nhiều từng lớp không khí và bắt đầu từ cao độ vào khoảng 100 cây số với những vận tốc nhanh hơn tốc độ âm thanh tới 20 lần thì môn cơ học phi hành này trở thành liên hệ với môn cơ học không gian. Cũng vì vậy mà tuy hàng năm những hội nghị trên được tổ chức riêng biệt, có chương trình riêng, vào tháng 8 trong dịp hè để có sự tham gia tối đa của các kỹ sư và khoa học gia ở trong hai ngành kỹ nghệ và giáo dục, ở những năm chẵn ba hội nghị được tổ chức chung, cùng ngày giờ và địa điểm, vì có nhiều vấn đề liên hệ tới cả ba ngành.
             
            Trời Ariane
             
                        Trong bộ môn Toán Học Không Gian như đã được định nghiã ở trên, tôi là người đã được nhiều kỳ ngộ, và những duyên may này đã giúp cho tôi rất nhiều trong sự học hỏi, nghiên cứu và sáng tác. Thuở còn là sinh viên, trong những năm đầu theo toán học, tôi chú ý đến những môn hình học và phép tính biến thiên. Lúc mới đầu theo học chỉ vì tôi thấy thích những môn này, nhưng về sau, trong công việc, nhờ có căn bản về những môn đã theo học mà tôi đã có thể ước lượng dễ dàng những quỹ đạo trong không gian và đặc biệt là tìm ra được những luật điều khiển tối ưu. Trong thời gian theo học chương trình tiến sĩ về khoa học hàng không và không gian tại đại học Colorado, và sau đó được mời ở lại làm giảng sư, tôi có dịp làm việc với một nhà bác học người Đức, là tiến sĩ Adolph Busemann, người đã được mệnh danh là cha đẻ của phi cơ phản lực cánh suôi. Ông chuyên về khí động lực học và nhờ ông mà, bắt đầu từ sự nghiên cứu thuần lý về qũy đạo không gian, tôi đi dần vào sự khảo xát những hiện tượng vật lý và hóa học nẩy sinh ra khi phi thuyền rơi vào bầu khí quyển với những tốc độ nhanh gấp hai mươi lần tốc độ âm thanh. Sau này, với một căn bản có thể gọi là khá đầy đủ về cơ học thiên thể và lý thuyết điều khiển tối ưu, tôi chau dồi thêm sự hiểu biết của mình về các phương trình vi phân, rất cần thiết cho sự tính qũy đạo, khi tôi viết luận án để lấy bằng tiến sĩ quốc gia toán học tại đại học Paris. Rồi sau đấy, trong niên học 1974-1975 tôi được mời sang Pháp để dậy học ở SupAéro và làm khảo cứu ở cơ quan ONERA gần Paris và đã tiếp súc và cộng tác với những khoa học gia tài năng nhất về môn Toán Học Không Gian ở nước này. Những điều tôi đã học hỏi được, tôi coi như là hương thơm không muốn tự giữ lại cho riêng mình, mà gửi theo gió trả lại muôn phương qua những lần thuyết trình tại những hội nghị quốc tế về khoa học hàng không và không gian và những khoá dậy học ngắn hạn ở nhiều nước theo lời mời. Trên phương diện sáng tác tôi đã có vào khoảng hơn một trăm bài khảo cứu về toán học và qũy đạo tối ưu đăng trên những báo khoa học quốc gia và quốc tế và viết ra ba cuốn sách về lý thuyết bay cuả các phi thuyền không gian và những phi cơ phản lực siêu âm. Những sách này, sau khi in ra đều được các chuyên gia và các nhà giáo dục nồng nhiệt đón nhận và những bài điểm sách, ở cả hai trời Âu và Mỹ đều đồng nhất khen ngợi. Đó là những điều khích lệ vô biên đối với tôi, một người tới từ Việt Nam là một nuớc mới đây còn bị coi là chậm tiến, mà nay có sách viết về những lý thuyết khoa học tiến bộ nhất, được dùng ở các đại học có tiếng tăm trên thế giới.
            ........

            http://anhduong.net/LinhTinh/June06/KhungTroiARIANEcuaGSNXV.htm

            <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.10.2008 23:02:35 bởi Như Ý P >
            #6
              Như Ý P 05.10.2008 23:05:39 (permalink)
              .....
               

               
               
              Hình 1: sách lý thuyết của phi cơ siêu thanh
               
               
               

               
               
               
              Hình 2: sách lý thuyết bay ngoài bầu khí quyển
               
                         Như trên tôi đã nói, mục đích tới Toulouse lần này của tôi là tham dự ban giám khảo buổi trình luận án tiến sĩ của cô Sophie Geffroy và nhân dịp này Cơ Quan Không Gian Pháp, có Tổng Nha ở đây, mời tôi thuyết trình về qũy đạo tối ưu khi bay trong bầu khí quyển của các hành tinh. Lý thuyết này bao gồm cả sự thu hồi phi thuyền không gian xuyên qua bầu khí quyển của trái đất. Trong địa bàn này tôi được nhiều người biết tới vì đã viết thành sách và cũng đã đăng nhiều bài khảo cứu.
                          Phòng hội của Nha Toán Học Không Gian tại CNES là một phòng khá lớn, những chuyên gia đã đợi khi chúng tôi tới ước chừng vào khoảng 50 người, ngồi thành hình chữ U chung quanh một chiếc bàn hình bầu dục thật dài. Ông Carrou mời tôi cùng ngồi ở đầu bàn còn để trống, nơi đó cũng đã để sẵn một máy chiếu dương ảnh. Để mở đầu buổi họp, ông giới thiệu tôi bằng những lời rất ân cần, đặc biệt nhấn mạnh ở những liên hệ của tôi với nước Pháp trong những ngành giáo dục và khoa học. Đến lượt tôi, khi bắt đầu, tôi đề nghị với cử tọa là tôi sẽ nói bằng tiếng Anh nhưng trong phần thảo luận thì mọi người sẽ dùng tiếng Pháp. Nhìn quanh phòng, tôi không thấy ai là người Việt cả tuy trước đây, có lần làm việc ở ONERA là một cơ quan khảo cứu về hàng không và không gian ở gần Paris, tôi đã gặp nhiều bạn là người đồng hương. Trước đó cô Geffroy đã nói với tôi là cùng học một thầy với cô có một sinh viên mới di cư là người Việt, là anh Lê Công Thành, nhưng vì chưa có quốc tịch Pháp nên không được cấp thẻ để vào dự buổi nói chuyện. Buổi nói chuyện này với tôi thật ra không có gì đặc biệt vì đề tài điều khiển phi thuyền không gian theo những qũy đạo tối ưu trong bầu khí quyển của một hành tinh là điều rất quen thuộc với tôi. Trước đó mấy tháng, trong khóa dậy cấp tốc cho Viện Đại Học Quốc Phòng ở Nhật Bản tôi cũng đã dành một chương sách cho vấn đề này. Nhưng đặc biệt là các nhà toán học ở CNES lại rất chú ý tới vấn đề này vì Cơ Quan Không Gian Pháp đã có thoả hiệp với NASA để tham gia trong chương trình phóng vệ tinh thám sát lên Hỏa Tinh rồi hạ xuống an toàn và đào lấy hỏa chất đem về địa cầu. Chương trình này có tên là Mars Sample Return, viết tắt là MSR và được dự trù thực hiện vào khoảng thời gian từ những năm 2003 tới 2008. Để có thể mang được trọng lượng tối đa cho cuộc thám sát Hỏa diện, ban điều hợp chương trình đã quyết định dùng hỏa tiễn khổng lồ Ariane 5 của Pháp và cùng một lúc họ giao cho CNES, tức là Cơ Quan Không Gian của Pháp phần vụ điều khiển vệ tinh khi bay lọt vào bầu khí quyển của Hỏa Tinh. Cũng vì vậy mà trong buổi thuyết trình của tôi có nhiều người trong chương trình MSR tham dự và phần thảo luận sau đó rất sôi nổi và kéo dài quá thời gian dự trù.
                          Quang cảnh trong khuôn viên của CNES một buổi chiều đầu thu trông có vẻ êm đềm, người trong căn cứ đi lại thưa thớt, nhưng trong các văn phòng lại có một bầu không khí chờ đợi thật căng thẳng vì ngày hôm sau tức là ngày 30 tháng Mười sẽ là ngày phóng hoả tiễn Ariane 5 là hỏa tiễn khổng lồ của Pháp từ căn cứ Kourou trên đảo Guyane ở bờ phía Tây của Đại Tây Dương. Những kỹ sư và chuyên gia có nhiệm vụ trong việc phóng và điều khiển hoả tiễn vào qũy đạo thì từ mấy tuần lễ nay đã làm việc thường trực ở Kourou. Những giới chức cao cấp hiện nay đang ở Paris để ngày mai sẽ theo dõi sự tiến triển qua màn ảnh truyền hình trực tiếp ở một phòng hội tại Viện Bảo Tàng Hàng Không (Musée de l’Air) trong căn cứ Bourget. Những chuyên gia vừa hội thảo với tôi là những lý thuyết gia, những quy luật điều khiển họ tạo dựng nay đã được ghi chú và biên chế trong những máy điện tử liên lạc hai chiều giữa những máy vi tính trong phòng điều khiển ở Kourou và những máy nhận và phát tín hiệu nằm trong hoả tiễn trên giàn phóng. Giờ đây họ chỉ còn biết ngồi nhà để chờ kết quả.
                          Hỏa tiễn Ariane 5 trên thực tế là một công trình của Pháp, nhưng theo chính danh thì hoả tiễn lớn nhất thế giới này là kết quả cuả một sự hợp tác giữa những nước Âu châu chung góp thành European Space Agency, viết tắt là ESA để có thể đứng ngang hàng với NASA của Hoa Kỳ. Trên thế giới hiện nay có 5 nước có hoả tiễn đủ mạnh để phóng những vệ tinh truyền tin vào vị thế bất di động đối với trái đất. Đó là những nước Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Trung Hoa và Nhật Bản.
                          Theo lý thuyết của động lực học, những vệ tinh ở những qũy đạo tròn chung quanh trái đất có chu kỳ nhỏ khi ở dưới thấp và càng ở xa chu kỳ càng lớn dần. Lãy tỉ dụ là không có bầu khí quyển gây ra sức cản thì một vệ tinh bay sát mặt đất, dùng làm đơn vị quy chiếu, sẽ có chu kỳ được tính ra là To = 84.488964 phút = 1 giờ 24 phút 29 giây. Đó là thời gian để vệ tinh bay trọn một vòng trái cầu. Ở cao độ lớn hơn thì vận tốc quay chậm lại và chu kỳ để quay trọn một vòng sẽ lớn dần lên. Theo định luật thứ ba của nhà thiên văn học Kepler (1571-1630) thì bình phương của chu kỳ tỷ lệ với lập phương cuả bán kính qũy đạo. Viết thành công thức toán học thì ta có
               
              ( T/ To )2  = ( r / ro )5152              (1)
              T = chu kỳ qũy đạo trên cao,
              To = 84.488964 phút
              r = bán kính qũy đạo cao
              ro = bán kính trái đất = 6378.135 km
               
              Muốn giữ cho vệ tinh truyền tin ở một vị trí cố định đối với trái đất để dễ dàng nhận và phóng tín hiệu thì vệ tinh phải quay cùng với trái đất nghiã là phải có chu kỳ là T = 24 giờ = 24x60 phút. Như vậy thì tỷ số chu kỳ của vệ tinh cố định so với vệ tinh quy chiếu là T /To = 17.0436. Áp dụng định luật Kepler để tính thì tỷ số hai bán kính quỹ đạo sẽ là r / ro = 6.6228. Tính trung bình, bán kính trái đất là 6378.135 km. Cao độ của vệ tinh cố định sẽ bằng 5.6228 lần trị số này nghiã là vệ tinh sẽ ở vị trí lơ lửng trên cao cách mặt đất 35,863 km. Muốn đưa những vệ tinh truyền tin hiện nay nặng chừng 3 tấn tới 3 tấn rưỡi lên tới cao độ này và còn đủ vận tốc để đi vào qũy đạo thì phải có hoả tiễn nặng tầm vóc như ở trên hình cuả 5 cường quốc đang tranh nhau trên trường thương mại phóng hoả tiễn.
               
               
               
                     Hình 3: Những hỏa tiễn nặng của các siêu cường quốc
               
                          Từ gần ba thập niên qua, Pháp đứng vững trên thị trường phóng vệ tinh cho những nước cần có vệ tinh trên không gian để thám sát địa chất, chụp hình, hay truyền tin. Bắt đầu từ sự thành công của hoả tiễn Ariane 1, và tiến bộ dần cho tới hoả tiễn Ariane 4, và được lợi điểm là căn cứ Kourou ở gần đường xích đạo nên sự phóng vệ tinh vào vị trí cố định, luôn luôn nằm trong mặt phẳng xích đạo, được dễ dàng, nên Pháp được lợi thế trong việc chào mời khách hàng và chiếm được gần một nửa thị trường. Người ta dự trù rằng trong khoảng mười năm sắp tới ngân khoản để thuê phóng vệ tinh vào qũy đạo, cỡ lớn chừng vài tấn và cỡ nhỏ chừng mấy trăm kilo có thể tới hơn 30 tỷ Mỹ kim. Vì thế sự cạnh tranh trở nên ráo riết. Hoa Kỳ là xứ có nhiều khả năng phóng vệ tinh đủ loại nhưng từ gần hai mươi năm nay đã đặt trọng tâm vào việc xử dụng phi thuyền con thoi và theo chiều hướng này thì lại không thích hợp cho việc khai thác thương mại. Để bù lại Mỹ cũng đã đưa ra những hỏa tiễn dùng tự ngày xưa và có tầm vóc lớn như Titan 3 và 4. Những hỏa tiễn này chế tạo cho quân đội nên giá cả khai thác lại quá cao thành ra không có lợi. Ngoài ra Mỹ cũng dùng những hỏa tiễn Atlas và Delta đã được hoàn chỉnh và tăng cường để phóng một số vệ tinh nhân tạo. Nga sô cũng có hoả tiễn Proton, tuy đã có từ ba mươi năm nay nhưng vẫn còn đắc dụng. Nhưng nước khổng lồ này, tuy diện tích bề mặt thật rộng lớn, lại không có căn cứ phóng hỏa tiễn nào gần đường xích đạo nên khi phóng vệ tinh vào qũy đạo cố định sẽ cần nhiều nhiên liệu, và như thế sẽ phải giảm trọng lượng thực dụng của vệ tinh. Hiện nay Nga sô đang cầu thân với Ba Tây để nhằm giải quyết vấn đề này. Hoa Lục cũng có hỏa tiễn Trường Chinh đã được cải tổ lại sau những khó khăn thất bại xẩy ra trong năm 1996. Nhật Bản cũng có hoả tiễn H-2 dùng để phóng vệ tinh nặng vào qũy đạo 24 giờ nằm trong mặt phẳng xích đạo nhưng phí tổn khai thác lại quá cao nên khó cạnh tranh trong thị trường tự do. Nhu cầu đòi hỏi trong việc phóng những vệ tinh truyền tin nặng mỗi ngày một phức tạp. Người ta đã tu bổ lại những hoả tiễn Ariane, tăng thêm chiều cao để nâng trọng lượng, kèm thêm những hoả tiễn phụ và khi đến kiểu cuối cùng gọi là Ariane 44L thì coi như đó là kiểu chót, đạt khả năng tối đa của loại Ariane 4. Vào đầu những năm 80 các chuyên gia của Cơ Quan Không Gian Âu Châu (ESA) đi đến kết luận là loại Ariane cũ sẽ thành lỗi thời và muốn đáp ứng với sự phát triển của kỹ nghệ truyền tin bằng vệ tinh trong thế kỷ tới, một hỏa tiễn mới, đủ khả năng để đặt cùng một lúc hàng loạt vệ tinh vào qũy đạo cao với trọng lượng tổng cộng vào khoảng 6 tấn, phải được thực hiện trước khi sang thiên niên kỷ mới. Dựa theo phúc trình này vào tháng Giêng năm 1985 một hội nghị cấp bộ trưởng của các nước hội viên ESA đã họp ở Rome và đồng chấp thuận chương trình Ariane 5.
               

                          Tháng Một năm 1987, lệnh khởi đầu được chuyển tới CNES là cơ quan đầu não. Sự chế tạo là do hai công ty Aérospatiale và Matra Marconi Space. Đại diện khai thác thương mại là Arianespace và khi đi chiêu mộ khách hàng Tổng Nha này đã in ra những tập sách quảng cáo cam đoan rằng không những Ariane 5 có thể đặt những vệ tinh nặng vào vị trí cố định trong qũy đạo cao có chu kỳ là 24 giờ, nhưng cũng có thể phóng vào qũy đạo thấp trong mỗi chuyến bay vào khoảng một tá vệ tinh nhẹ cỡ 500 kg để kết thành những chùm vệ tinh liên lạc cho những hãng điện thoại viễn liên như Iridium hay Globalstar. Vào đầu năm 1996, trước chuyến bay đầu tiên của Ariane 5, tại những thủ đô của các nước ở Âu châu hội viên của ESA, có những sự tưng bừng, náo nhiệt đợi chờ sự chính thức giới thiệu ra thị trường của hoả tiễn lớn nhất thế giới, nay được coi như là hỏa tiễn của các nước Âu châu. Động cơ chính, là một động cơ Vulcain có thể cung cấp một sức đẩy chủ lực, cộng thêm hai hoả tiễn phụ cặp ở bên, mỗi chiếc góp thêm một sức đẩy có thể lên tới 270 tấn để cho từ khi khai hỏa cho tới khi cả khối trọng lượng qúy giá đạt tới thượng từng không khí để bắt đầu cuộc thăng thiên đưa vệ tinh lên tới đỉnh trời, thời gian mới chỉ qua chừng mươi phút.
               

                          Lần đầu tiên Ariane 5 thử lửa là ngày 4 tháng 6, năm 1996. Từ lúc bắt đầu khai hoả để hoả tiễn rời mặt đất, chuyến bay kéo dài đúng 37 giây. Chiếc hoả tiễn khổng lồ, còn có hai hoả tiễn phụ kèm ở bên đã nổ tung mang theo cả công trình hợp tác nhiều năm trời và hy vọng dành ngôi vị lãnh đạo toàn cầu trong thương trường phóng vệ tinh truyền tin cuả 12 nước hội viên cuả ESA trở thành những mảnh vụn kim khí và những khối lửa rơi xuống miền tây Đại Tây Dương. Cơ Quan Không Gian CNES của Pháp phải làm công việc lại từ đầu và sau gần 17 tháng kiểm điểm lại và chấn chỉnh, hoả tiễn Ariane 5 lại được đặt trên giàn phóng. Tính chất căn bản để thành công trong thương mại là tín nhiệm. Cơ sở thương mại cuả Ariane là Arianespace, và Hãng này cần phải chứng tỏ với khách hàng rằng Ariane 5 có thể đáng in cậy 100%. Vấn đề này có thể đúng lý hơn một chút vào ngày hôm sau, nếu việc phóng hoả tiễn lần thứ hai được thành công. Còn cho đến ngày hôm nay thì với Ariane 5, một lần phóng là một lần thất bại. Dưới trời Toulouse, nơi có Tổng Hành Dinh của CNES, mọi người đều hướng về Guyane dể đợi chờ một tin vui đưa về.
               
              Trời Guyane
               
                          Khách sạn mà CNES đã chọn cho tôi ở ngay giữa trung tâm thành phố nơi có những khu phố chật hẹp, ở gần một khuôn viên vuông vắn, trước tòa đô sảnh. Vì đã qua một đêm không ngủ trên chuyến phi cơ bay qua Đại Tây Dương, từ New York tới Paris, rồi suốt ngày lại bận rộn ở CNES nên tôi trở ngay về phòng ngủ sau bữa ăn tối ở một tiệm ăn gần nhà. Dưới ánh đèn đêm khuya, tôi cố gắng thức thêm một chút để đọc lại luận án của cô Sophie Geffroy. Tập luận án khá dầy, vào khoảng gần 300 trang khổ lớn có đề là: ‘‘ Généralisation Des Techniques de Moyennation en Contrôle Optimal- Application aux Problèmes de Transfert et Rendez-vous Orbitaux à Poussée Faible’’. Thật ra tôi đã đọc kỹ luận án này nhiều lần, nhưng vì tôi với giáo sư Coron ở Đại Học Paris-Sud là hai giám khảo lập trình, chúng tôi đã đề nghị rằng tài liệu này có giá trị, xứng đáng được trình bầy và bảo vệ ở trình độ tiến sĩ, nên chúng tôi cũng cần phải chuẩn bị để trả lời những nghi vấn có thể có được từ những bạn đồng nghiệp khác trong buổi họp ngày mai.
               

                          Những khoa học gia bao giờ cũng phải đi trước thời đại. Những động cơ gắn trên hoả tiễn hiện nay đang dùng đều là những động cơ cao lực, mỗi khi khai hoả đều phát ra những sức đẩy lớn. Nếu dùng để chuyển hướng bay của hoả tiễn, động cơ chỉ cần chạy trong khoảng vài phút mà thôi, và như thế dùng máy tính siêu tốc độ, những biến chuyển cuả quỹ đạo có thể được tính ra một cách dễ dàng. Trong tương lai, đặc biệt cho những phi thuyền du hành tới tận cùng vũ trụ, người ta dự định dùng những động cơ có sức đẩy rất nhỏ. Một thí dụ cho những trường hợp này là phi thuyền không gian, một khi ra ngoài bầu khí quyển, có thể dựng ra một cánh buồm và dùng áp lực phát xuất từ mặt trời, như những luồng gió nhẹ thoảng, để tạo ra sức đẩy. Ngoài ra người ta cũng nghiên cứu những động cơ dùng nhiên liệu khinh khí đã được i-on hoá. Trọng lượng nhiên liệu dùng cho một chuyến du hành sẽ giảm đi rất nhiều, nhưng ngược lại sức đẩy phát ra lại rất nhỏ. Muốn điều khiển động cơ thuộc loại này để phi thuyền bay theo một quỹ đạo tối ưu, chẳng hạn để cho tổng số nhiên liệu tiêu thụ cho cuộc hành trình có một trị số tối thiểu, những chuyên gia phải dùng phép tính biến thiên để tính cường độ cần thiết của lực phát ra bởi động cơ, và cùng một lúc tính chiều hướng của lực và những kết quả này phải được biểu diễn trong suốt một thời gian khá dài khi động cơ được xử dụng. Phương pháp để tính những chuyển động dưới một lực tác dụng rất nhỏ như trong những trường hợp này là một phương pháp đòi hỏi một chính xác rất tinh vi. Một thí dụ đã được biết từ gần nửa thế kỷ qua là phương pháp tính sự co của các qũy đạo vệ tinh gần bầu khí quyển cuả trái đất. Theo trong hình dưới đây, ta có quỹ đạo cuả một vệ tinh theo hình bầu dục, trong toán học gọi là hình el-lip. Hình có một cận điểm và một viễn điểm. Nếu cận điểm ở dưới thấp, cách mặt đất vào khoảng 500-700 km thì mỗi lần vệ tinh tới gần cận điểm, sức cản của  không khí dù rằng rất nhỏ ở thượng từng bầu khí quyển cũng làm giảm chút ít vận tốc cuả vệ tinh. Theo công thức tính qũy đạo, mỗi lần vận dụng động cơ để tạo thêm sức đẩy ở cận điểm, mà theo tiếng chuyên môn ta gọi là đạp mạnh một cái, thì có tác dụng là nâng cao viễn điểm. Ngược lại nếu tới cận điểm mà có sức cản, mà theo tiếng chuyên môn ta gọi là hãm phanh lại, thì tác dụng lại là giảm độ cao của viễn điểm. Nếu lực đẩy, hay hãm là cao lực thì sau lần tác dụng vệ tinh sẽ đi ngay vào qũy đạo mới. Nhưng nếu lực tác dụng lại là một lực vi ti thì sau mỗi lần tác dụng sự thay đổi qũy đạo rất nhỏ. Lãy thí dụ trường hợp vệ tinh ở qũy đạo thấp, mới đầu qũy đạo là một hình el-lip, cận điểm ở dưới thấp, mỗi lần vệ tinh qua cận điểm, có sự cọ xát với không khí, vận tốc giảm đi chút ít và viễn điểm hạ xuống thấp. Sau vài tháng, hay có khi là hàng năm, do sự co xát với bầu khí quyển ở cận điểm, viễn điểm co lại bằng cận điểm, và qũy đạo trở thành hình tròn. Theo kinh nghiệm đã xẩy ra từ trước đến nay, một khi qũy đạo el-lip đã trở thành hình tròn thì chỉ vài hôm sau vệ tinh rơi vào bầu khí quyển và tự hủy diệt. Nếu dùng phép tính để tiên đoán được lúc nào qũy đạo trở thành hình tròn thì ta biết được tuổi thọ cuả vệ tinh trên qũy đạo. Thực ra thì khó lòng mà ta có thể tiên đoán một cách dài hạn được, mà chỉ có thể tạm thời ước lượng được bằng phép tính rồi sau đó ít lâu kiểm nghiệm lại kết quả bằng cách quan sát sự co của qũy đạo và so sánh với dự đoán. Cứ thế mà ước luận dần dần để sau cùng khi qũy đạo đã co lại gần thành hình tròn thì người ta mới có thể dự đoán được thời điểm vệ tinh rơi vào bầu khí quyển sai chệch chừng vài giờ. Có nhiều lý do làm ta không thể tiên đoán tuổi thọ của vệ tinh một cách chính xác được. Thứ nhất là do hình dạng của vệ tinh không phải dản dị là một trái cầu hình tròn, và mặt khác ta không biết được một cách chính xác tỉ trọng của không khí ở gần vùng chân không nên ta không biết được một cách thật đúng sức cản rất nhẹ của không khí ở cao độ của qũy đạo. Thứ hai, và điều này đã thực sự gây khó khăn cho phép tính, là sự thay dổi cuả qũy đạo sau mỗi vòng bay chung quanh trái đất lại rất nhỏ. Để tạm có một khái niệm, ta thí dụ là có một qũy đạo với cao độ của cận điểm là 500 km và cao độ của viễn điểm là 800 km. Như vậy cao độ trung bình là 650 km, cộng với bán kính trái đất ro = 6378.135 km, sẽ cho ta bán kính trung bình của qũy đạo là r = 7028.135 km. Nếu dùng công thức (1) ở trên ta sẽ có tỷ số những chu kỳ là T / To = 1.157. Nếu lấy như trên To = 84.49 phút thì ta sẽ có chu kỳ của vệ tinh lúc khởi thủy là T = 97.75 phút. Sau khi qũy đạo đã co thành hình tròn ở cao độ 500 km, ta có bán kính qũy đạo là r = 6878.135 km. Làm lại phép tính như trên ta sẽ có chu kỳ rút gọn lại thành T = 94.62 phút. Ta tính trung bình cho gọn là trong thời gian còn trên không gian chu kỳ trung bình là T = 96 phút. Nếu tuổi của vệ tinh là một năm tròn thì thời gian này sẽ lâu bằng 365x24x60 = 525600 phút và vệ tinh sẽ quay trọn 5475 vòng trái đất. Nếu trong thời gian này viễn điểm đã xuống thấp 300 km thì mức giảm sau mỗi vòng quay là vào khoảng 55 m tức là một mức giảm rất nhỏ so với chiều dài và rộng của qũy đạo.  
               

                            Hình 4: Quỹ đạo vệ tinh co lại do sự cọ xát với bầu khí quyển
               
                          Ta sẽ có một bài tính tương tự nhưng ngược lại cho trường hợp là thay vì có sức cản, vệ tinh lại chịu một sức đẩy rất nhỏ, thường là vào khoảng một phần ngàn trọng lượng của nó. Lãy trường hợp một vệ tinh đã được động cơ cao lực phóng vào qũy đạo hình tròn và thấp, ở cao độ 300 km chung quanh trái đất để bắt đầu cho một cuộc du hành trong Thái Dương Hệ. Từ trạm kiểm soát trên mặt đất ta cho động cơ vi ti bắt đầu chạy và, theo lý thuyết điều khiển tối ưu, lực chỉ cho tác dụng khi ở vị trí thấp, nghĩa là khi vệ tinh ở gần cận điểm. Với tác động này viễn điểm sẽ dần dần lên cao và qũy đạo sẽ từ hình tròn trở thành hình el-lip. Theo lý thuyết, khi viễn điểm đi xa vô tận, hình el-lip sẽ trở thành một hình parabol và vệ tinh sẽ rời hấp lực của trái đất và bay vào vũ trụ, để từ đó chịu hấp lực của mặt trời và trở thành một hành tinh nhỏ bé trong Thái Dương Hệ.
               

                          Luận án của cô Sophie Geffroy nói về phương pháp tính quỹ đạo tối ưu trong trường hợp lực điều khiển rất nhỏ. Ngoài sự khó khăn như đã trình bầy ở trên, lại còn vấn đề điều khiển tối ưu làm cho sự khó khăn tăng lên bội phần nếu so sánh với trường hợp là lực tác dụng đã được dự trù từ trước. Như trong trường hợp tính tuổi thọ của vệ tinh, cho một thời gian quá dài, kéo hàng năm trời, muốn cho phép tính bằng máy được nhanh chóng để có ngay lời giải, người ta phải rút gọn thời gian lại.
               

                          Lấy một thí dụ, một nhà thiên văn học muốn trình chiếu một cảnh nguyệt thực trên màn ảnh truyền hình, và thời gian xẩy ra là một giờ. Muốn làm cho cuốn phim chiếu nhanh hơn, trọn vẹn trong năm phút từ lúc bắt đầu cho đến lúc hết nguyệt thực, nhà làm phim phải loại bớt một số phim ảnh theo như tỷ lệ thời gian muốn có. Như thế nghĩa là dọc theo dòng thời gian quay phim nguyệt thực cứ mỗi đoạn 12 phim lại giữ lấy 1 phim, lúc chiếu lại diễn tiến sẽ xẩy ra trọn vẹn trong năm phút. Trong trường hợp phải tính sự co lại hay dãn ra của qũy đạo khi chịu sự tác dụng của một lực rất nhỏ mà ta có thể điều khiển được ta cũng có thể làm co thời gian lại như vậy. Theo diễn tiến sự thay đổi quỹ đạo ta có thể tưởng tượng là đang quay cuốn phim biến đổi và cứ mỗi lần được 100 vòng quay, ta chỉ chọn lấy 1 hình mà thôi. Như thế thời gian thu gọn lại được một trăm lần. Khi áp dụng giải tích học để tính những qũy đạo người ta phải giải những phương trình vi phân và điều này đòi hỏi sự liên tục của các hàm số. Để thoả mãn điều kiện này, thay vì loại 99 quỹ đạo và chỉ chọn lấy 1 mà thôi, ta tính một quỹ đạo trung bình để thay thế cho cả một loạt 100 quỹ đạo. Đó là phương pháp trung bình hoá, theo tiếng Anh gọi là averaging technique và trong đề luận án tôi đã duyệt xét cô Sophie đã gọi là technique de moyennation. Từ nhiều năm qua, tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm và đã đăng nhiều tài liệu về những bài toán thuộc loại này. Sự ích lợi của phương pháp này là sau khi đã làm trung bình hóa tất cả những phương trình, những biến số không còn thay đổi chậm chạp như trước nữa và bài toán trở nên dễ giải hơn. Tuy vậy lý thuyết gia cần phải nghiên cứu những ảnh hưởng của phương pháp đối với lời giải, đặc biệt là sự giảm chính xác tất nhiên sẽ phải xẩy ra trong phép tính thu gọn.
               

                          Trong luận án tiến sĩ, ngoài việc trình bầy những phương trình cổ điển về chuyển động trong không gian của một vật thể có trọng khối cố định, lấy trong môn cơ học thiên thể đã có từ lâu, nay được sửa đổi cho thích hợp với chuyển động của phi thuyền và vệ tinh nhân tạo chịu thêm tác dụng của động cơ có sức đẩy vi ti ngoài trọng trường của trái đất, và hơn nữa nay lại có trọng khối biến thiên theo với sự tiêu thụ của nhiên liệu, cô Sophie Geffroy đã phân tách kỹ càng phương pháp trung bình hoá để có những phương trình thu gọn và áp dụng phép tính biến thiên để tìm ra những qũy đạo tối ưu. Bài toán của cô làm thuộc trong chương trình khảo cứu của Nha Toán Học Không Gian của CNES và vì thế cô đã được trợ giúp đặc biệt và Viện Quốc Gia Bách Khoa ở Toulouse mới có phương tiện mời các giám khảo ở phương xa tới.
               

                          Ngày 30 tháng Mười năm 1997 là một ngày thứ Năm và thường thì là một ngày mọi người cảm thấy thoải mái chờ đợi những ngày cuối tuần sắp tới. Buổi sáng hôm ấy, thay vì ăn điểm tâm ở khách sạn với giá đã được tính luôn vào tiền phòng tôi đi bộ ra Place du Capitole là công viên trước Toà Đô Sảnh tìm một quán ăn mở cửa sớm và dự định sẽ gọi lại những món ăn như thuở còn là sinh viên ở Đại Học Marseille cách đây gần nưả thế kỷ. Quán cà phê nhỏ tôi chọn đã đông chật người và hầu như ai cũng có trong tay một tờ báo buổi sáng. Ngày hôm nay là ngày rất hệ trọng với kỹ nghệ làm hỏa tiễn của Pháp và từ mấy chục năm nay, theo chương trình phân bố các ngành kỹ nghệ và các nha sở công nghiệp, thành phố Toulouse đã trở thành Thủ Đô của kỹ nghệ Hàng Không và Không Gian. Cơ quan đầu não CNES đã có đại bản doanh ở đây tuy rằng mỗi khi có quyết định quan trọng thì những buổi hội họp vẫn còn là ở thủ đô Paris. Cũng như vậy, Trường Quốc Gia Cao Đẳng Hàng Không và Không Gian (SupAéro) là nơi đào tạo những kỹ sư cao cấp nhất của Pháp và Viện Hàn Lâm Quốc Gia Hàng Không và Không Gian là chốn quy tụ những khuôn mặt sáng chói nhất trong ngành cũng có trụ sở chính ở Toulouse. Vì vậy, tuy Toulouse chỉ là nơi nặng về hành chánh và giấy tờ, không phải là nơi đặt cơ xưởng, và người dân trong miền nói chung không sống về kỹ nghệ hướng về không gian và vũ trụ bao la nhưng mỗi khi có sự việc quan hệ đến ngành này báo chí đều loan tin rộng rãi làm mọi người theo dõi vấn đề. Những tờ báo được trải rộng bên những ly cà phê sữa và những đĩa bánh hình vành trăng vàng thẫm đều có hàng chữ lớn ở trang đầu và hình của hỏa tiễn khổng lồ Ariane 5 trên giàn phóng. Cùng một lúc ở khung trời Toulouse, và cách xa mấy ngàn dậm về phía Tây, ở khung trời Guyane, không gian như trầm lắng xuống vì mọi người đều ở tư thế đợi chờ. Thời điểm quyết định sẽ vào lúc 2 gìờ chiều ở Pháp ngày hôm nay.
               

                          Giáo sư Noailles là người đỡ đầu luận án cho Sophie đã hẹn đưa xe đến đón tôi để cùng đi ăn trưa vào đúng Ngọ vằ tôi còn nhiều thì giờ để đi tản bộ quanh công trường. Nơi đây có nhiều sạp bán sách cũ, những bà đầm trông coi rất chịu khó mời chào. Tuy đi bộ nhàn tản ở đây không thấy thi vị như khi đi dạo và coi những quầy sách dựng bên bờ sông Seine ở Paris, nhưng được nhìn những tờ báo Illustration khổ rộng in ra những năm tôi chưa ra đời, và những tập san cho thiếu nhi với nhiều hình vẽ mầu sắc mà những năm còn niên thiếu tôi chỉ được nhìn thấy trong những hiệu sách lớn chứ không được cầm đọc, bao giờ cũng gây cho tôi nhiều súc động trong tâm tình hoài cổ. Tôi chọn mua được trong tủ sách Le Livre de Poche hai cuốn tiểu thuyết trinh thám của Maurice Leblanc để dành đọc trên chuyến bay trở về Detroit ngày hôm sau. Tôi cũng mua thêm tờ báo La Dépêche du Midi là tờ báo lớn ở miền Nam để về phòng đọc những tin tức họ viết về Ariane 5.
               

                          Hai giáo sư Noailles và Coron đi xe tới đón tôi cùng đi ăn trưa ở một hàng ăn Ả Rập. Đây là lần đầu tiên tôi gặp giáo sư Coron là người cùng làm giám khảo lập trình với tôi. Ông Coron mới ở Paris xuống chuyến bay buổi sáng. Sau mấy câu chào hỏi ông bàn ngay với tôi về bản luận án và tỏ ý là rất thích những lời phê bình của tôi, tuy khen ngợi công việc khảo cứu của cô Geffroy nhưng đồng thời cũng chỉ dẫn những phần có thể cải tiến được. Tiệm ăn ở gần Institut National Polytechnique de Toulouse nên sau bữa ăn trưa chúng tôi cùng đi bộ tới phòng họp. Ở đây tôi cũng gặp những giáo sư khác trong ban giám khảo và trong đó có người bạn tôi là giáo sư Jean-Pierre Marec. Ông tốt nghiệp từ Trường Polytechnique và cũng có bằng tiến sĩ quốc gia toán học của đại học Paris và cấp bậc chính thức hiện nay của ông là Ingénieur Général de l’Armement tức là tướng hai sao về vũ khí. Khi mọi người đã an tọa chung quanh một chiếc bàn hình bầu dục, giáo sư Noailles bắt đầu lên tiếng và cám ơn tất cả mọi người hiện diện. Ông nói là ông Alain Bensoussan, là chủ tịch của CNES, hiện nay đang ở Paris để theo dõi diễn tiến việc phóng hỏa tiễn Ariane 5 nên không tham dự hội đồng ngày hôm nay nhưng đã gửi về ý kiến của ông về bản luận án của cô Geffroy. Ông cũng đề nghị mời giáo sư Marec làm chủ tịch hội đồng giám khảo và mọi người đều tỏ ý tán thành. Điều này là sự việc lạ đối với tôi vì tôi vẫn nghĩ là giáo sư Noailles, người đỡ đầu luận án sẽ đương nhiên là chủ tịch hội đồng giám khảo như những kỳ thi ở đại học Hoa Kỳ. Ông Marec nói mấy câu khiêm tốn nhưng vẫn cầm lấy tập hồ sơ được chuyển tới tay. Tôi nghĩ là những vấn đề nhường nhau như thế này đã thành thông lệ và trong hàng giám khảo người nào có địa vị cao nhất sẽ là người đương nhiên nhận trách nhiệm điều khiển buổi trình luận án và viết bản báo cáo.
               

                          Cách đây đúng 25 năm khi tôi trình luận án tiến sĩ quốc gia toán học ở Đại Học Paris VI thì giáo sư đỡ đầu của tôi là ông Paul Germain đã là chánh chủ khảo vì lúc đó ông ta là Bí Thư Vĩnh Viễn của Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp và cũng là cố vấn khoa học của Tổng Thống Giscard d’Estaing. Sau khi đã thảo luận về phương thức làm việc chúng tôi sang phòng bên cạnh là một hội trường nhỏ có chừng vào khoảng 200 chiếc ghế, một nửa đã có những người ngồi, tôi nghĩ là họ hàng và bạn bè của thí sinh và một số ít sinh viên và khoa học gia cùng trong ngành. Cô Geffroy đã đợi sẵn trên bục và khi được lệnh thuyết trình đã nói rất mạch lạc và gọn ghẽ dùng PC sách tay của cô để chiếu trên một màn ảnh lớn những hình ảnh rất đẹp. Cô làm các giám khảo hài lòng một phần do những câu trả lời rất khúc triết và minh bạch khi được hỏi về một số những định lý cô đưa ra trong luận án nhưng cũng một phần là do sự chuẩn bị rất chu đáo của mình. Mỗi lần bị hỏi về một đoạn nào là chỉ dùng một tay bấm máy cô đưa ngay được lên màn ảnh những trang sách liên hệ. Buổi trình bầy và bảo vệ luận án bắt đầu lúc 1 giờ 30, và sau phần vấn đáp, ban giám khảo trở lại phòng họp kế bên để thảo luận và khi trở lại hội trường thì mọi người được tin từ CNES đưa sang là cuộc phóng hoả tiễn Ariane 5 đã thành công và trọng lượng mang theo đã được đưa vào qũy đạo. Tôi nhìn đồng hồ lớn treo trên tường lúc đó chỉ 3 giờ 30 buổi chiều Toulouse. Ông Marec nói một bài diễn văn ngắn đại ý khen ngợi sự làm việc và sự thành công của cô Geffroy. Sau đó có lẽ vì cảm động cô chỉ nói ấp úng được mấy câu cám ơn mọi người và để thay lời mời ban giám khảo và thân hữu dự tiệc rượu theo thông lệ, cô bấm máy tính để trên màn ảnh hiện ra một chai champagne xanh thẫm vừa được mở nút đang phun bọt trắng xoá. Nhìn bức hình hiện ra theo kỹ thuật điện tử mới, từ hội trường nổi lên một tràng vỗ tay như cùng một lúc mừng cho cô tân trạng và cho sự thành công trước đó non một giờ của hoả tiễn Ariane 5.
               

                          Trong khoảng mấy giờ đồng hồ vừa qua, khi ở thành phố Toulouse, là nơi đã khai sinh ra loạt hỏa tiễn từ Ariane 1 đến Ariane 5, có một khung cảnh trầm lặng thì ở Kourou là Trung Tâm Không Gian của Pháp lại có những hoạt động rộn rịp và chuyên viên trong Phòng Điều Khiển sự phóng hoả tiễn đã phải trải qua những giây phút mà tinh thần thật căng thẳng. Ngoài vị trí địa dư ở trên đảo Guyane gần đường xích đạo rất thuận tiện cho việc phóng vệ tinh và phi thuyền không gian vào những qũy đạo tròn nằm trong mặt phẳng xích đạo thì Kourou trước đây không phải là thiên đường trên hạ giới. Trái lại, với nhiệt độ quanh năm, đêm cũng như ngày, trong khoảng từ 82 cho tới 98 độ F và độ ẩm là 85 % lại thêm nạn muỗi rừng nên nơi đó chỉ có một nhà tù do thực dân Pháp lập ra cho đến năm 1945 thì đóng cửa và trả lại hoang tàn cho rừng cây. Nhưng đến năm 1965, với sự bành trướng của kỹ nghệ không gian và sự cần thiết thành lập những trung tâm phóng hoả tiễn gần đường xích đạo mà Kourou được kiến thiết thành một thành phố có đầy đủ tiện nghi tân thời. Từ một xóm chài hẻo lánh có chừng vài trăm dân cư, nay Kourou trở thành một thành phố có 15,350 người, phần lớn đến từ hai châu Âu và Mỹ, có 7 khách sạn khang trang, 48 nhà hàng ăn, nhiều quán rượu và 4 hộp đêm cho những người cần giải trí cho bớt căng thẳng trí não sau những giờ làm việc không kể đêm hay ngày. Sự mở mang này không hẳn đã đưa lại công việc và thịnh vượng cho người bản xứ vì phần lớn cư dân hiện nay đều là chuyên viên CNES đến từ mẫu quốc được lĩnh lương như trước và tăng thêm 40% phụ cấp xa xứ trong khi người dân thường vẫn sống theo nền kinh tế cổ xưa. Thêm vào nữa, phần đất đai thuộc phạm vi Trung Tâm Không Gian thuộc CNES là 900 cây số vuông và phần còn lại thuộc Kourou chỉ là 3 cây số vuông mà thôi. Trong tương lai, với sự thành công của Ariane 5, những giới chức hữu trách dự trù là những hoạt động kỹ nghệ không gian sẽ tăng gấp đôi, và cùng một lúc dân số Kourou sẽ tăng vọt lên. Người ta đã lo âu tìm cách phòng ngừa những tệ nạn xã hội như trộm cắp, đĩ điếm, hút sách đã từ mấy năm nay tăng dần lên cùng một lúc với số dân của thành phố không gian này.
               

                          Từ sáng sớm, ngoài bãi bể Kourou, có tên là Plage des Roches, đã có đông dân chúng, những người quan sát lần phóng Ariane 5 lịch sử này chờ đợi, y phục mặc đủ kiểu, từ quần chẽn và áo thun cho tới quần áo tắm kiểu Bikini, mắt hướng về nơi có dàn phóng với hoả tiễn cao 52 mét im lìm đợi phút giây khai hoả. Ở Paris, cách nơi đây bốn múi giờ là vào khoảng giữa trưa, những nhân vật quan trọng của CNES và các hãng kỹ nghệ đã đóng góp vào chương trình Ariane 5 cũng đã dần dần đến tề tựu đông đủ tại một phòng lớn tại Musée de l’Air trong căn cứ Bourget để theo dõi diễn tiến trên màn ảnh lớn trên tường.
               

                          Giờ G đã định là 2 giờ chiều ở Pháp tức là 10 giờ sáng ở Guyane. Nếu Kourou nằm ngay trên đường xích đạo thì giờ phóng hoả tiễn có thể là bất cứ giờ nào trong ngày, tuỳ thuộc vào khí tượng. Nhưng, như bất cứ trung tâm phóng vệ tinh nào không nằm trên đường xích đạo mà muốn phóng chéo một trọng vật vào qũy đạo bất di động, thường thì ở trên cao và nằm trong mặt phẳng xích đạo và tất nhiên đòi hỏi khá nhiều nhiên liệu, cơ quan hữu trách phải đợi cho trái đất quay tới khi trung tâm nằm lọt vào tầm quỹ đạo muốn thực hiện. Trong trường hợp Ariane 5 ở Kourou thì cái mà các chuyên gia không gian gọi là ‘‘khung cửa sổ’’ này là 3 giờ đồng hồ và nếu không thực hiện được thì lại phải chờ tới ngày hôm sau. Muốn hiểu hiện tượng này ta hình dung đang ngồi trong một chiếc thuyền chạy quanh một bờ hồ hình tròn, trong tay cầm một quả bóng và dự định ném vào một cái thùng để trên bờ. Thời điểm lý tưởng nhất để ném bóng là khi chiếc thuyền vừa tới mục tiêu. Nhưng ta cũng có một khung cửa là khoảng thời gian kế cận trước và sau khi qua mục tiêu. Khoảng thời gian này dài hay ngắn là tùy thuộc tốc độ cuả con thuyền, sức ném quả bóng và khoảng cách từ mục tiêu tới bờ hồ.
               

                          Trong phòng điều khiển Jupiter II ở Kourou,180 chuyên gia ngồi trước những màn ảnh máy tính để đợi giờ quyết định. Cuộc diễn tiến bắt đầu chậm hơn dự liệu gần một giờ nhưng vẫn trong khoảng thời gian hạn định. Mọi sự xẩy ra đã thật điều hòa cho đến lúc còn 48 giây trước lúc khai hỏa thì bất chợt có đèn đỏ báo hiệu một sự trục trặc trong hệ thống. Lệnh ngừng được ban ra vì không ai quên được chuyến bay đầu tiên cách đây hơn một năm, hỏa tiễn đã nổ 37 giây sau khi rời mặt đất. Một cuộc kiểm soát mau chóng đã được thực hiện và các chuyên gia đã tìm ra là nếu có lỗi lầm thì cũng chỉ vì hệ thống kiểm soát hai hỏa tiễn trợ lực gắn hai bên quá nhậy cảm nên đã báo động một cách không cần thiết. Giàn máy điện tử phóng hoả tiễn tự động lại được lệnh chuyển động và lần này đã chạy cho đến giây cuối cùng.
               

                          Đúng 10 giờ 43 phút ở Kourou, tức là 2 giờ 43 buổi chiều ở Paris và Toulouse, động cơ Vulcain là động cơ chính dùng 26 tấn hýt rô và 131 tấn ốc xy trong thể lỏng đã phát lưả sáng rực bầu trờì và chuyển mình. Chỉ 6 giây sau là hai hoả tiễn trợ lực ghép ở hai bên bắt đầu cháy sáng mỗi chiếc ở bên trong chứa 250 tấn nhiên liệu thể đặc. Với một sức đẩy tổng cộng là 1000 tấn khi rời mặt đất, tương đương với tổng số lực phát ra khi cất cánh của 25 phi cơ Airbus cộng lại, chiếc hỏa tiễn khổng lồ nặng 750 tấn, ở bên trong có chứa mô hình của hai vệ tinh truyền tin đầy đủ trọng lượng, từ từ lên cao để theo sau một đuôi lửa dài. Với những người đứng dọc bờ bể theo dõi bằng mắt thì chỉ hai phút sau hoả tiễn đã cách xa hơn 60 km vằ mất hút theo mây trời. Nhưng trong phòng điều khiển các chuyên gia vẫn chăm chú chờ đợi giây phút quan trọng nhất khi hai hỏa tiễn trợ lực tách rời ra hai bên do sức đẩy của 8 cây pháo nhỏ. Đây là lần đầu tiên sự việc này được thực hiện trên không trung. Lúc đó hoả tiễn đã ở cao độ 60 km và cách xa bờ bể Guyane 400 km nhưng hình ảnh vẫn còn được thu trong máy quay phim cực kỳ nhậy cảm của những phi cơ truy dõi. Hai hỏa tiễn trợ lực dùng nhiên liệu thể đặc giờ chỉ còn là hai ống hình trụ trống rỗng được rơi xuống bể bằng dù và rồi sẽ dược kéo về căn cứ để kiểm nghiệm lại và dùng cho lần sau. Mọi người chăm chú theo dõi những dữ kiện và hình ảnh đưa về, những tọa độ và vận tốc của Ariane 5, những dữ kiện về hoạt động của động cơ Vulcain. Những điểm sáng trên những màn ảnh, những con số cứ đều đặn nhích lên dần dần. Cho lần phóng kiểm nghiệm này Ariane 5 cần phải đưa vào qũy đạo ở cao độ 2,200 km với vận tốc gần 30,000 km/giờ 2 mô hình vệ tinh có trọng lượng tương đương với những vệ tinh dự phóng. Sau 32 phút làm căng thẳng trí não của mọi người trong cuộc, vào 11 giờ 15 phút 8 giây ở hải đảo bên trời Tây của Đại Tây Dương, vị giám đốc công cuộc đã kết luận bằng một giọng thật bình thản: ‘‘Động cơ điều hoà, hướng dẫn điều hòa, nhiệm vụ chấm dứt’’. Đó thực là một câu nói ngắn ngủi kết luận sự thành công của một dự án tốn kém 40 tỷ phật lăng, mất mười năm công trình của 5000 khoa học gia, kỹ sư và chuyên viên của 12 nước hội viên ESA trong đó nước Pháp đã đóng một vai thật quan trọng.
               

                          Vào giây phút đáng ghi nhớ ấy, trong phòng hội ở căn cứ Bourget ở Paris, những giới chức đầu não của CNES, Arianespace và ESA đều quay sang nhau bắt tay chúc mừng. Chỉ ít phút sau Tổng Thống Jacques Chirac đã gọi điện thoại khen ngợi ông Alain Bensoussan và sau đó lại có điện thoại của Thủ Tướng Lionel Jospin đang công du ở Mạc Tư Khoa gọi về. Tuy là người ngoại cuộc nhưng lúc đó tôi lại đang đứng trong phòng họp của Viện Quốc Gia Bách Khoa Toulouse, là thành phố có Trung Tâm Không Gian của Pháp quốc, giữa những người không ít thì nhiều cũng đã có những đóng góp vào sự tiến triển của khoa học không gian của nước này. Tôi đã chúc mừng sự thành công của cô tân trạng Sophie Geffroy và cùng một lúc tôi đã bắt tay những khoa học gia hiện diện để chúc mừng sự thành công của Ariane 5.
               
                                                                                                 Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
               

              Nguyen Xuan Vinh on moon landing
               
              http://anhduong.net/LinhTinh/June06/KhungTroiARIANEcuaGSNXV.htm
              #7
                Viet duong nhan 13.01.2009 19:39:07 (permalink)

                Một bầy con Lạc-Việt tách dần xa quê-hương ?

                GS. Toàn-Phong Nguyễn-Xuân-Vinh.
                 

                Vào khoảng cuối năm 1988, tôi được đọc một bài viết của bác sỉ Trần Quang Đệ, giáo sư thạc sĩ y khoa và là cựu viện trưởng Viện Đại Học Sài Gòn. Cụ viết mấy lời nhắn nhủ các y sĩ gốc Việt trong một bài đăng trên đặc san của Hiệp Hội Y Sĩ Việt Nam ở Canada . Bài viết bằng tiếng Pháp chứa đầy chân tình của một nhà trí thức nặng lòng với đất nước, trong những tháng năm cuối của cuộc đời, hằng mong sao thế hệ sau tiếp nối công cuộc xây dựng một chương trình bảo vệ sức khỏe tân tiến và hữu hiệu cho quê hương. Tôi đã dịch lại bài viết sang tiếng nước nhà, và vì tôi coi đó như là lời tâm tình bằng tiếng Việt của giáo sư Đệ với các môn sinh y khoa, tôi đã cố gắng để không làm sai trật những ý tưởng cao siêu của nguyên bản. Tôi đã gửi bản dịch cho một người bạn là cháu của cụ và sau này bản tiếng Việt đã được đăng trên báo Hồn Việt ở Cali để tớí một số độc giả rộng lớn hơn. Giáo sư Trần Quang Đệ đã mở đầu bài viết bằng câu:

                '' Trong buổi chiều tàn bóng xế của cuộc đời, không còn điều kiện để dậy học, cũng không còn hành nghề, tôi thường hay tự hỏi: mình còn làm được điều gì lợi ích?''

                Tôi nghĩ rằng giáo sư Đệ lúc đó đã ngoài tám mươi tuổi, đã là một giáo sư thạc sĩ đi tiền phong giảng dậy nhiều thế hệ bác sĩ y khoa ở Pháp và nhất là đã hy sinh mười lăm năm lợi tức dư giả ở nước người để về nước chấn chỉnh nền đại học quốc gia, nay cụ có thể tự mãn để tìm thú tiêu dao thanh nhàn. Vậy mà theo lời giáo sư Đệ, cụ vẫn còn muốn có cơ hội để góp phần gánh vác nhỏ nhoi, tầm thường của mình cho tập đoàn y sĩ Việt Nam . Cụ viết tiếp theo :

                ''Tôi nói tầm thường nhỏ nhoi với hết chân thành vì tôi nghĩ rằng tôi chưa làm tròn bổn phận công dân. Mặt khác, tôi còn thắc mắc trong lòng vì quê hương và dân Việt chưa cằn cỗi và tiêu diệt mà còn phải mãi mãi tồn tại, tiến hoá không ngừng, còn tôi, tuy còn đó mà chẳng thể làm thêm được gì để phụng sự cho quê hương dân tộc. Tôi hy vọng điều gì tôi để lại sau cuộc đời không làm tôi bị liệt vào những kẻ đã làm điều sái quấy đối với quốc gia và điều đó, cùng vơí tình yêu hiến dâng cho nghề nghiệp, làm cho đồng bào và tổ quốc tôi được tốt đẹp hơn. ''

                Từ ngày tôi được đọc những lời tâm sự chí tình đó bằng tiếng Pháp, và tự mình ngồi dịch sang tiếng Việt, tới nay cũng đả hơn một giáp, một khoảng thời gian cho một thế hệ trẻ lớn lên, trưởng thành trong nghề nghiệp. Và cũng là một khoảng thời gian đưa cả một thế hệ tráng niên dần về bóng hoàng hôn của cuộc đời. Tuy không phải là một y sĩ nhưng tôi trân trọng lưu giữ bài của giáo sư Trần Quang Đệ vì tôi coi những lời nhắn nhủ của cụ như là những lời khuyên chung cho cả lớp hậu sinh và, từ nhiều năm nay, lúc nào tôi cũng cố gắng trong bổn phận của một ngươì dân gốc Việt đang sống lưu vong, xa quê nhà. Ở Đại Học Michigan là nơi tôi đã giảng dậy trong ba mươi năm, tuy không có hạn tuổi về hưu cho những giáo sư chính ngạch, nhưng tôi cũng đã xin nghỉ vào đầu mùa xuân của năm 1999. Và cũng như vị thầy tiền bối đã làm cách đây nhiều năm, mới đây theo lời yêu cầu của một vị chủ nhiệm một tờ báo tranh đấu cho Nhân Quyền tôi đã viết một bài bằng tiếng Anh với đề là: ''In The Twilight of My Career as an Educator''. Qua bài viết, nói về cảm nghĩ cuả mình trong ánh hoàng hôn của cuộc đời một nhà giáo, tôi nhìn lại chặng đường đã qua, duyệt những thành quả của thế hệ trẻ Việt đang vươn lên ở hải ngoại, của những thanh thiếu niên, cả nam và nữ mà tôi đã được tiếp xúc và nói chuyện với họ, để rồi tự hỏi rằng: mình còn làm được điều gì lợi ích cho cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, và rồi đây cho quốc gia và dân tộc?

                Theo đề nghị của ông Viện truởng Đại Học Michigan, trong buổỉ họp cuối năm 1998, Hôị Đồng Nhiếp Chính đã vinh tặng tôi chức vị Professor Emeritus of Aerospace Engineering, một chức vị hoàn toàn có tính cách hành chánh để tôi được tiếp tục hưởng những quyền lợi và xử dụng những phương tiện của đại học như những giáo sư tại chức. Điều này cũng tránh cho tôi phải dùng những danh từ như cựu giáo sư, cựu tư lệnh,. .., và một số những từ khác về những chức vụ đã khoác lên vai tôi dàn trải suốt một nửa thế kỷ kể từ khi bước chân vào đờì. Nhưng điều làm cho tôi cảm kích hơn nữa là cùng một lúc tôi nhận được bản tuyên dương của hội đồng, lồng trong khung kính với triện đóng của đại học, và chữ ký của ông Viện trưởng Lee C. Bollinger, một luật gia lỗi lạc về hiến pháp Hoa Kỳ, và cũng là một trong những người đã được những Đại Học Harvard và Columbia chú ý đến và muốn mời vào chức vụ Viện trưởng. Đoạn cuối của bảng tuyên dương được viết như sau :

                ''Besides his outstanding career as a researcher and educator, Professor Vinh is widely recognized for his leadership and mentor-ship to the Vietnamese community. A widely-read novelist and poet, he was awarded the prestigious Vietnam National Literature Prize in 1961. He has been much in demand as a speaker for Vietnamese organizations on such topics as education, culture, society, and the future of Vietnam and the Vietnamese people. He is widely recognized as a role model within the Vietnamese community in North America and elsewhere''.

                Nếu tôi là một giáo sư Việt Học thì chắc không ai thấy ngạc nhiên về câu tuyên dương ở trên. Nhưng vì tôi lại là một giáo sư chuyên giảng dậy và làm khảo cứu về toán học và khoa học không gian nên theo tôi nghĩ thì sự ghi nhận đó đã chứng tỏ rằng những bạn đồng nghiệp và giới chức đại học ở Michigan đã biết tôn trọng những cố gắng ngoại vi của tôi ngoài sự đóng góp chuyên môn vào sự phát triển nền khoa học không gian Hoa Kỳ cả trong hai phương diện huấn luyện và khảo cứu. Suốt hai thập niên cuối của thế kỷ 20, vào những dịp đi dự những hôị nghị khoa học và thuyết trình theo lời mời của nhiều đại học từ Âu sang Á và Mỹ châu, kể cả hai miền Nam và Bắc và xuống cả Úc châu, tới những đô thị nào mà có đông người Việt cư ngụ tôi đều dành thì giờ để tiếp súc và nói chuyện với người đồng hương, đặc biệt là với giới trẻ, niềm hy vọng cho tương lai sáng lạn của chúng ta. Qua những chuyến đi, tôi đã quan sát và được biết những cố gắng, những đấu tranh và thành công của ngươì Việt ở khắp năm châu.

                Vào năm 1992, ở một hội nghị để luận về sự thiếu hụt những chuyên gia ở Gia Nã Đại, ông William Winegard, lúc đó là Bộ Trưởng Khoa Học và Kỹ Thuật đã nói rằng: ''Chúng ta không thể nào có một xã hội có sự ganh đua để tiến hóa, nếu không có nhân sự có khả năng để ganh đua''. Nhân loại đã bước sang thế kỷ 21 và sau hai mươi lăm năm kể từ ngày lớp người Việt tỵ nạn đầu tiên đặt chân xuống Hoa Kỳ, hiện nay kể cả những con cháu đời thứ hai và đời thứ ba, dân tộc chúng ta đã có vào khoảng một triệu rưởi người sinh sống trên giải đất này, và như thế đã trở thành một nhân lượng đáng kể, còn lớn hơn dân số của nhiều tiểu bang trong Hợp Chủng Quốc. Vậy chúng ta thử đặt câu hỏi là chúng ta có phải là một sắc tộc đóng góp hữu hiệu vào sự ganh đua để tiến hóa của Hoa Kỳ hay không ?

                Nếu ai nhìn vào bất kỳ một sự phát triển nào trên giải đất Hoa Kỳ cũng phải công nhận rằng có sự đóng góp của ngươì dân gốc Việt. Lấy một thí dụ là theo Bộ Thương Mại thì có hơn 300 người Mỹ gốc Việt đã có ít ra là 3 bằng sáng chế cho mỗi người. Riêng kỹ sư Đoàn Chính Trung, hiện nay là một trong những phó chủ tịch của Micron Corporation ở tỉnh Boise, tiểu bang Idaho, đã được cấp 132 bằng sáng chế. Người Việt Nam đặc biệt là xuất sắc trong những ngành kỹ thuật và khoa học bao gồm cả y, nha và dược học. Trong số hàng trăm trường y khoa ở khắp mọi nơi, nếu chỉ kể những trường thật nổi tiếng như ở những đại học Harvard, Yale, Johns Hopkins ở miền Đông và Michigan, Chicago, Northwestern ở miền Trung Tây. . . cho tới những trường ở miền Tây như Stanford và những đại học của California ở San Francisco, Los Angeles. . . thì ở nơi nào người ta cũng thấy những sinh viên Việt Nam mặc áo trắng chuyên cần theo học những lớp ở giảng đường hay theo thầy tập sự ở các bệnh viện và nhiều người đã tốt nghiệp ở khoảng đầu lớp khi ra trường. Theo một ước lượng thật dè dặt thì hiện nay ở Hoa Kỳ có vào khoảng 4200 bác sĩ gốc Việt đang hành nghề và như thế thì cứ một ngàn người chúng ta lại có 4 bác sĩ. Nói chung cho toàn thể đất nước thì tỷ lệ này chỉ có được ở những vùng thật trù phú. Nhiều bác sĩ, ở lớp đàn em và con cháu sau này, cũng đã trở thành giáo sư y khoa ở những đại học danh tiếng như những vị thầy tiền bối khi xưa. Một trong những người nổi tiếng là bác sĩ Nghiêm Đạo Đại, giáo sư tại trường đại học y khoa ở Pittsburgh và là người đã đưa ra một phẫu thuật tân kỳ khi ghép tụy tạng cho những người mắc bệnh tiểu đường loại I. Ông cũng đã đăng gần hai trăm bài khảo cứu trên những báo y khoa ở Bắc Mỹ. Trên một tờ báo y học ở miền Hoa Thịnh Đốn, hàng năm có đăng một danh sách các bác sĩ ưu hạng do chính các bạn đồng nghiệp chọn lựa. Đọc trên tập san ta có thể thấy trong bốn năm liền tên bác sĩ Trịnh Đức Phương trong bộ môn y khoa truyền nhiễm. Một người em trai của bác sĩ cũng là giáo sư y khoa ở đại học nổi tiếng Johns Hopkins . Ở thành phố Long Beach thuộc tiểu bang California, khi tới thăm bệnh viện và phòng khảo cứu về chứng bệnh Parkinson của hệ thần kinh của bác sĩ Trương Dũng chúng ta có thể gặp nhiều bệnh nhân đã vì nghe tiếng ông mà từ nước ngoài tới xin chữa chạy.

                Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi chúng ta còn sống êm đềm ở nước nhà thì ngoại trừ ở thành phố Sàigòn là một nơi đô thị rộn rịp, còn ở các tỉnh khác từ Nam chí Bắc thì chiếc xe đạp hai bánh là phương tiện di chuyển thông thường của mọi người. Vậy mà giờ đây, thế hệ trẻ Việt Nam khi gia nhập quân đội Hoa Kỳ đã không ngần ngại chấp nhận những thử thách tập luyện tân kỳ như lái những phi cơ phản lực siêu thanh. Một bạn trẻ đã được Tổng Thống Hoa Kỳ W. J. Clinton nhắc đến trong một bài diễn văn quốc tế như là một tấm gương thành công đặc sắc của người Việt di cư là anh Trần Như Hoàng, người đã tốt nghiệp thủ khoa từ Trường Sĩ Quan Không Quân Hoa Kỳ ỏ Colorado Springs. Sau này anh lại được học bổng Rhodes là một học bổng thật danh tiếng để đi tu nghiệp ở Anh Quốc trước khi trở về theo học và tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại đại học Harvard. Bây giờ anh là một bác sĩ không quân chuyên về giải phẫu vi ti, phục vụ ở San Antonio, tiểu bang Texas cùng với ngươì vợ hiền cũng là một bác sĩ y khoa. Vào năm 1999, những ai coi tin tức truyền hình toàn quốc về lễ mãn khóa tại Trường Sĩ Quan Hải Quân Hoa Kỳ ở Annapolis đều được thấy một thiếu nữ Việt Nam là cô Nguyễn Thị Cẩm Vân đậu Á khoa ở một lớp có tới 737 sinh viên sĩ quan, cả nam lẫn nữ. Qua những buổi nói chuyện ở nhiều nơi, tôi đã gặp nhiều người gốc Việt là những sĩ quan cao cấp trong quân đội, có người là bác sĩ đại tá quân y chỉ huy một hệ thống bệnh viện ở cả một vùng rộng lớn. Thế hệ trẻ hơn có người đã lên tới cấp bậc trung tá và cũng đã có nhiều người từng tham dự chiến cuộc Vùng Vịnh ở Trung Đông. Một trong những sĩ quan trẻ tôi đã gặp và hỏi chuyện là thiếu tá không quân Phạm Hoàng Thư, một huấn luyện viên trên phản lực cơ siêu thanh F-16. Cũng như tôi đã từng đào tạo nhiều kỹ sư chế tạo phi cơ, anh đã là người huấn luyện những phi công xử dụng và như thế cả hai thế hệ chúng tôi đều đã đóng góp hữu hiệu vào sự phát triển của đất nước tạm dung này. Cộng đồng người Việt cũng đã có người đại diện trong hàng ngũ những phi hành gia không gian. Đó là tiến sĩ Trịnh Hữu Châu, tên Mỹ là Egene H. Trinh, một nhà vật lý học lỗi lạc ở tuôỉ năm mươi vào đầu thế kỷ mới, và là người đã được bay vào không gian bao la trên con thuyền con thoi vào đầu tháng bẩy năm 1995. Ngoài ông ra cũng có hàng trăm kỹ sư và khoa học gia khác làm việc trong đủ mọi ngành chuyên môn về hàng không và không gian. Ở các hãng kỹ nghệ tư cũng có nhiều người đạt được những thành tích đặc sắc. Chúng ta có thể kể trường hợp của tiến sĩ Cai Văn Khiêm. Với nhiều bằng phát minh thực dụng, anh đã là kỹ sư trẻ nhất đạt tới điạ vị là Chief Division Technologist của Hugues Aircraft Company.

                Người Á Đông vốn tôn trọng sự học nên một số những người thành đạt đã đi theo ngành giáo dục... Ở hai bên bờ Đại Tây Dương, dưói trời Âu cũng như dưới trời Mỹ, ở những đại học nổi tiếng, dù cho là ở Sorbonne hay ở Harvard, hay ở một nơi nào mà sự giảng dậy có được một trình độ cao cấp là ta cũng thấy có những giáo sư người Việt ở đủ mọi ngành. Không phải là chỉ ở Âu châu hay Mỹ châu mà người mình mới đóng vai giảng dậy chữ nghiã, mà qua những lần thăm viếng phương xa, tôi đã được gặp và nói chuyện với những giáo sư gốc Việt ở Đông Kinh, đất nước Phù Tang, và ở Melbourne, hay là ở Brisbane, tận mãi Úc châu về Nam bán cầu.

                Những thành công của người Việt không phải chỉ được biết đến trong giới hạn cộng đồng chúng ta mà thôi, mà nhiều lần đã được giới thiệu đến đại chúng Hoa Kỳ qua những cơ quan truyền thông quốc gia. Ở Đại Học California ở San Diego, một chiếc máy do giáo sư Nguyễn Hữu Xương chế tạo đã được National Institutes of Health (NIH) công nhận là một nguồn khảo cứu quốc gia. Với sự tài trợ để duy trì và điều hành của NIH, chiếc máy mà các nhà khảo cứu sinh hóa học, phải ghi tên để đợi đến lượt được được xử dụng, goị là Xương Machine, đã giúp rất nhiều cho sự nghiên cứu các tế bào liên hệ đến ung thư. Ở Gia Nã Đại, bà Hoàng Thiếu Quân đã là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Giám Đốc Tài Chánh cho Thành Phố Montréal, với ngân sách hàng năm lên tới ba tỷ Gia kim. Một tin tức nữa mà tôi đã được đọc trong một đặc san kỷ niệm lễ về hưu trí của giáo sư Lê Thành Trai của Đại Học Notre Dame ở South Bend, Indiana, là bà đã là phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm là giáo sư thực thụ tại Trường Luật Khoa. Trong suốt hai mươi năm, cho tới ngày giáo sư Trai nghỉ hưu vào năm 1997, bà đã là người độc nhất phụ trách dậy môn Luật Thương Mại, ngoài những phần chuyên môn khác, và như vậy tất cả các sinh viên luật tốt nghiệp trong khoảng thời gian đó đều đã thụ huấn bà.

                Những nhân vật nổi tiếng lẫy lừng như những người kể trên, thuộc thế hệ đầu tiên của người Việt di cư, phần lớn đều là những người đã có căn bản học lực theo chương trình Pháp, và không ít thì nhiều cũng đã có kinh nghiệm sống ở nước ngoài, nên đã dễ dàng hội nhập vào xã hội mới. Điều này cũng đúng cho những tài năng ở thế hệ thứ hai, những em đã lớn lên ở trên dải đất này. Nhiều bạn trẻ đã đạt được những thành tích thật đặc biệt. Ở Massachusetts Institute of Technology, mà mọi người thường biết đến dưới tên đọc ngắn gọn là MIT, anh Nguyễn Tuệ đã đạt được một kỷ lục phi thường là đậu được năm bằng cử nhân kể từ Vật Lý và Toán học cho tới Kỹ Thuật Điện Tử để rồi sau cùng lấy thêm một bằng cao học và một bằng tiến sĩ về kỹ thuật nguyên tử lực. Như thế là anh đã đoạt được bẩy văn bằng trong vòng bẩy năm tại đại học nổi tiếng MIT. Vào tháng Năm năm 1996, ở một buổi loan tin trong ngày cho toàn quốc, đài truyền hình ABC đã chọn một bạn trẻ Việt Nam là bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang là người được vinh danh trong tuần lễ (ABC Person's of the Week). Khi còn là sinh viên, anh đã bị một tai nạn xe hơi làm hư hại nặng tới não bộ. Vậy mà sau này anh đã cố gắng luyện tập để học lại được tất cả những gì bị quên lãng để rồi tốt nghiệp bác sĩ với hạng danh dự ở Trường Y Khoa Baylor ở Texas .. Những người Á Đông, và đặc biệt là những người Việt Nam, thì thường là hâm mộ thể thao, nhưng ít ai có đủ tầm vóc và sức khỏe để chơi môn bóng bầu dục. Nhưng nay chúng ta đã có anh Nguyễn Đạt, khi còn là sinh viên ở Texas A & M University đã chiếm được giải Lombardi vào năm 1998 là giải hàng năm dành cho người phòng vệ tiền đạo xuất sắc nhất trên toàn quốc. Sau đó anh còn được lựa chọn để làm cầu thủ nhà nghề cho Hội Bóng Dallas. Vào cuối thiên niên kỷ vừa qua, tất cả những người Việt Nam, dù ở trên đất nước hay đang sinh sống ở hải ngoại, ai cũng cảm thấy hãnh diện về sự thành công vẻ vang của nhà đạo diễn phim ảnh trẻ tuổi Tony Bùi, người đã đoạt ba giải thưởng quan trọng là Grand Jury Prize, Audience Award và Cinematography Award với cuốn phim Three Seasons. Sau cùng, một chuyện cũng nên nhắc lại là vào ngày 21 tháng Bảy năm 1999, đài phát thanh National Public Radio, là một đài phát thanh toàn quốc với những lời phẩm bình văn chương và chính trị rất được lắng nghe, đã có một buổi phát thanh đặc biệt trong chương trình ''Talk of the Nation'' để kỷ niệm sinh nhật bách niên của ký gỉả và văn hào Ernest Hemingway, một trong những người đã mang giải Nobel về văn chương cho Hoa Kỳ. Thường ngày là có hàng triệu người theo dõi chương trình này, nhưng ít ai có thể nghĩ rằng một học giả trẻ tuổi nguời Việt đã góp phần vào việc viết bài khảo luận và trong buổi phát thanh anh cũng đã giả giọng nói của Hemingway trong màn đối thoại giữa tác giả nổi tiếng này và một nữ văn sĩ người Pháp ở Paris vào những năm cuối hai mươi.

                Ngoài những sự việc kể trên, còn nhiều tin tức thành công khác của giới trẻ Việt Nam, thường hay được loan tin sâu rộng trong cộng đồng chúng ta ở hải ngoại, nhưng lại ít khi đuợc chú ý và quảng bá tới quần chúng Mỹ. Tuy vậy có một số học giả mà tôi quen biết, là những người thực tâm ngưỡng mộ nền văn hoá Việt Nam và có những chương trình khảo cứu về sự hội nhập của người mình vào miền đất mới, đã viết một số bài trung thực, nêu lên những thành công đáng khen ngợi của giới trẻ.. Trong nguyệt san Scientific American, số tháng Hai năm 1992, có một bài viết của các tiến sĩ Caplan, Choy và Whitmore thuộc đại học Michigan về sự thành công ở học đường của các học sinh đến từ Đông Dương. Bài viết dựa trên những cuộc phỏng vấn và sưu tầm tài liệu, hầu hết là ở những cộng đồng lớn của người Việt ở Seattle, San Jose, Orange County và Houston và các tác giả đã quy định rằng sự học hành tấn tới của các em là nhờ ở sự liên hệ gia đình, phụ mẫu đã có nhiều hy sinh, đã khuyến khích con em và đã tạo nên một không khí đầm ấm, hạnh phúc dưới mái nhà, rất thuận lợi cho sự mở mang trí tuệ của con cái. Gia đình chúng tôi cũng có kinh nghiệm về điều này. Để nuôi dưỡng bốn đứa con trở nên những người hữu dụng, chúng tôi cũng đã phải gánh chịu nhiều khó khăn, khổ sở, nhất là trong những năm đầu di cư, khi mà ở chung quanh không có ai là họ hàng thân thích, và thiếu bóng cả những người đồng hương. Chúng tôi tới Mỹ từ sớm vào năm 1962, nhờ ở một học bổng đặc biệt của Không Quân Hoa Kỳ (USAF). Thoạt mới nghe thì ai cũng nghĩ rằng sang trước được ít lâu cũng giúp thêm cho tôi được phần nào trong sự nghiệp. Thật ra thì không hẳn như vậy. Trong những năm đầu tiên bước chân vào ngành giáo dục và nghiên cứu khoa học, giữa những bạn đồng nghiệp, tôi thật cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Đi tới đâu tôi cũng trở thành giáo sư Việt Nam đầu tiên được tuyển lựa, và tự mình phải chứng tỏ khả năng của những người con Rồng cháu Tiên, lúc đó còn xa lạ đối với xứ này. Nhiều lúc tôi nghĩ đến câu ''one is a lonely number'', là tựa đề của một cuốn truyện và cũng là tên của một cuốn phim, với tôi lúc đó có nghiã là số một là một số cô đơn.

                Tôi xin kể lại câu chuyện từ đầu. Vào trước năm tôi xin nghỉ hưu, tuần báo US News and World Report, trong số đặc biệt phát hành hàng năm để xếp hạng những trường đại học Hoa Kỳ, theo từng cỡ, lớn hay nhỏ, và từng ngành chuyên môn, thì Trường Kỹ Thuật (College of Engineering) ở Đại Học Michigan được xếp thứ ba, sau trường MIT và Đại Học Stanford ở California. Nếu kể theo chuyên khoa thì về môn Kỹ Thuật Hàng Không và Không Gian (Aerospace Engineering) , phân khoa này ở Michigan được xếp thứ tư, sau những trường MIT, California Institute of Technology, gọi tắt là Caltech, và Đại Học Stanford. Vì tôi đã dậy ở Michigan được ba mươi năm, và được bổ nhiệm làm giáo sư thực thụ từ năm 1972, nên tất nhiên là tôi đã có công lao đóng góp xứng đáng vào thành tích được xếp hạng cao của trường. Chính ở Đại Học Michigan là nơi tôi được một lần tặng giải xuất sắc về giáo dục và hai lần được tặng giải xuất sắc về khảo cứu cũng đã phải công nhận là ở Phân Khoa Hàng Không và Không Gian tôi là người có kỷ lục đã đào tạo được nhiều tiến sĩ, cả nam lẫn nữ. Vào đầu năm 1962, khi tôi chuẩn bị giấy tờ để gửi xin nhập học vào các đại học Hoa Kỳ, tôi đã đề theo thứ tự ưu tiên là MIT rồi sau đến Đại Học Stanford. Trong trường hợp tôi phải theo học một trường đại học công lập, thì tôi đề ưu tiên là Đại Học California ở Berkeley, rồi sau đến Đại Học Michigan ỏ Ann Arbor . Đó là những trường đại học có uy tín ở Á châu là những trường đại học giỏi đã đào tạo được nhiều chuyên gia nổi tiếng, và trong ban giáo sư cùng giữa những cựu sinh viên có nhiều người được giải Nobel về khoa học. Nhưng tôi chưa kịp gửi đơn đi thì đã được tin từ cơ quan cấp phát học bổng ở Hoa Kỳ là họ đã chọn sẵn cho tôi để nhập học, hoặc là trường Đại Học Arizona ở Tucson, hay là trường Đại Học Colorado ở Boulder. Những trường này là những trường công lập vào hạng khá, nhưng không được xếp hạng vào 25 trường đứng đầu bảng... Vì tôi ưa thích miền núi non nên đã chọn Colorado để tới học. Tuần lễ đầu tiên ở trường, khi được hướng dẫn đi ghi tên và chọn lớp thì tôi khám phá ra được rằng trường học này, và ngay cả toàn tiểu bang Colorado chăng nữa, thì chưa bao giờ đã cấp phát văn bằng tiến sĩ về môn Khoa Học Hàng Không và Không Gian, vì môn này lúc đó còn mới mẻ. Tuy vậy tôi vẫn chuyên tâm vào học và vào ngày 14 tháng Chạp năm 1964, tức là sau hai năm và bốn tháng kể từ ngày tôi tới Colorado, tên tôi được ghi vào lịch sử của tiểu bang như là người đầu tiên được cấp văn bằng tiến sĩ về môn Hàng Không và Không Gian. Năm sau đó tôi cũng được mời làm giảng sư tại Đại Học California ở Berkeley, nhưng tôi từ chối để ở lại trong ban giảng huấn của Đại Học Colorado . Tuy vậy vào năm 1967 tôi cũng đã tới Berkeley làm giáo sư thỉnh giảng để dậy một khóa học. Và đúng mười năm, sau khi tôi được nhắc khéo là vì tôi còn bỡ ngỡ với nền học vấn ở Hoa Kỳ nên nếu đến theo học ngay ở Michigan thì thật là một cao vọng, tôi được thăng chức giáo sư thực thụ ở trường này.

                Trong những năm qua, khi tiếp xúc với giới trẻ ở khắp năm châu, tôi thường được hỏi là tôi đã cộng tác thế nào với Nha Quản Trị Hàng Không và Không Gian Quốc Gia (National Aeronautics and Space Administration, gọi tắt là NASA ), và trong quãng đời làm công tác khoa học, sáng tác nào đã làm tôi thích thú nhất. Trong giòng họ tôi, nguyên quán ở Nam Định, có rất ít người ra làm quan dù rằng theo trong gia phả, trong các tổ tiên đã có những người đỗ đại khoa, nhưng có xuất chính rồi ít lâu sau cũng cáo quan về nhà dậy học. Cũng vì vậy mà từ khi ra trường tôi đã đi theo những bước chân của các bậc tiền nhân mà chọn con đường giáo dục. Trải hương thơm theo gió, tôi muốn hoàn trả lại bốn phương những gì tôi đã thu lượm được trong cuộc đời tầm học, và như thế dậy học và viết những tài liệu khảo cứu là con đường hữu hiệu nhất để thực hiện điều này. Nhưng thực sự ra, để trở thành giáo sư đại học ở đất nước này lại không phải dễ dàng như khi chúng ta còn ở trên quê hương mà theo thông lệ sự tuyển lựa chỉ căn cứ vào một văn bằng tiến sĩ là đủ. Từ nhiều năm nay, chúng tôi là những người trong ngành giáo dục ở đủ mọi bộ môn ở các đại học Bắc Mỹ đã lập ra một hội thân hữu gọi là Vietnamese North-American University Professors, viết tắt là VNAUP, để trao đổi tin tức qua máy điện tử và họp với nhau mỗi năm một lần, nhưng tựu trung chúng tôi tuy giầu thiện chí, nhưng thực lực vẫn còn nghèo nàn, thưa thớt. Danh sách hội viên, nhất là những đồng nghiệp trẻ, vẫn chưa được dài như chúng tôi mong muốn. Được chọn làm giáo sư ở một trường đại học tại Hoa Kỳ hay Gia Nã Đại, đặc biệt là ở những đại học có uy tín, trước hết phải qua một cuộc tuyển lựa rất gay go, khởi đầu với vào khoảng trên dưới một trăm ứng sinh, để rồi chọn ra một người, qua nhiều giai đoạn từ giới thiệu đến tham khảo, phỏng vấn, và khi được vào chung kết, trong một danh sách từ 3 đến 5 người, ứng viên phải đến làm một bài thuyết trình để toàn thể các giáo sư và sinh viên trong phân khoa có dịp được thẩm định. Lúc được bổ nhiệm làm giảng sư, với những người mới ra trường, thì theo thông lệ chỉ có hạn kỳ là ba năm, rồi sau đó nếu công việc dậy học và khảo cứu được tiến triển điều hòa thì được triển hạn thêm ba năm nữa. Sau thời gian sáu năm thử thách ấy, những giáo sư thâm niên hơn mới họp bàn để duyệt xét thành tích của người bạn đồng nghiệp trước khi đề nghị lên hội đồng khoa xin lưu nhiệm vĩnh viễn. Dù đã qua được sự gạn lọc này cũng không chắc chắn là được nhận ngay vào chính ngạch vì tôi đã nhìn thấy những trường hợp đề nghị này cho một vài giáo sư Hoa Kỳ được gửi đi nhưng không được hội đồng khoa chấp thuận... Chính những trở ngại đó đã làm cho một số những tài năng trẻ Việt Nam chọn đi những ngành khác đỡ chông gai hơn. Trong trường hợp của tôi, một khi đã quyết tâm theo ngành giáo đục và khảo cứu, tôi cũng phải hành xử theo như các bạn đồng nghiệp khác để được ở cùng một bình diện với họ. Ở các đại học có một thành ngữ mà ai cũng nhớ là ''Publish or Perish'' có nghiã là không công bố được trên sách báo chuyên môn những sáng tác hay những kết quả khảo cứu của mình thì sẽ bại liệt. Tuy theo bề ngoài mà nói thì khi cứu xét sự lưu nhiệm các giáo sư chưa vào chính ngạch, ở đại học nào cũng công bố trên giấy tờ thứ tự ưu tiên là giảng huấn rồi mới đến khảo cứu, hay sáng tác cho những giáo sư theo khoa học nhân văn, và sau cùng sẽ đến sự phụ giúp công việc hành chánh trong đại học, như dự các buổi họp, lãnh những nhiệm vụ được giao phó hay tự tình nguyện, nhưng trên thực tế các giáo sư được đánh giá qua những kết quả khảo cứu, được thể hiện bằng những bài đăng trên những báo chuyên khoa, những cuốn sách đã xuất bản, và những lần được mời đi thuyết trình ở các đại học trong và ngoài nước hay ở những hội nghị tầm vóc quốc gia và quốc tế. Tất cả những điều này liên hệ với nhau. Muốn làm khảo cứu, tìm ra những điều mới lạ, ở một thời đại văn minh tuyệt đỉnh, ai cũng cần có một ngân khoản, thường thì do một cơ quan quốc gia, hay một xí nghiệp đài thọ, và muốn xin được những tài trợ này giáo sư phải sẵn có một uy tín trong lãnh vực của mình, nghiã là đã phải có một số những bài khảo luận đăng trên sách báo, và muốn viết được những bài này lại cần phải có những phuơng tiện để làm khảo cứu nghiã là phải có ngân sách để quản lý. Trong cái vòng lẩn quẩn đó, nhiều người không tìm ra đầu mối bắt đầu từ đâu, và đã phải giải nghệ, nghiã là đi tìm cách tiến thân theo con đường khác. Tôi cũng đã trải qua những năm thử thách đó trong xã hội rất mực cạnh tranh ở Hoa Kỳ, và trong phần vụ nghiên cứu cũng đã xin được những ngân khoản khảo cứu của các cơ quan chính phủ và kỹ nghệ tư. Vì tôi làm việc về lý thuyết nên đã dùng những nguồn tài trợ này làm học bổng cho những nghiên cứu sinh của tôi, giúp cho họ qua được khoa kỳ. Những kết quả khảo cứu, hoặc được đăng trên các nguyệt san khoa học và kỹ thuật như những bài khảo luận, hay dưới hình thức những bản báo cáo chuyên ngành, đều được phổ biến qua các thư viện chuyên môn trên toàn thế giới. Một số những báo cáo chuyên môn tôi viết ra, hoặc đứng tên một mình, hoặc làm chung với các bạn đồng nghiệp hay các môn sinh, đã được Không Quân Hoa Kỳ (USAF), hay NASA là những cơ quan đã trợ cấp ngân khoản, in ra như là nhũng tài liệu chuyên môn (technical report). Những tài liệu này đều có thể tìm được ở các thư viện, hay gửi mua ở Clearinghouse for Federal Scientific and Technical Information địa chỉ gửi về là Springfield, Virginia 22151. Trong niên học 1974-1975 tôi được mời sang Pháp để làm khảo cứu ở Office National d'Etudes et de Recherches Aérospatiales gọi tắt là ONERA, ở Châtillon là vùng ngoại ô của Paris, và làm giáo sư thăm viếng ở Trường Quốc Gia Cao Đẳng Hàng Không và Không Gian Pháp, thường được các sinh viên các Truờng Lớn ở Pháp ưu ái gọi tắt là SupAéro. Trong thời gian này tôi cũng viết mấy bài về toán học và qũy đạo tối ưu để đăng trên nguyệt san khoa học La Recherche Aérospatiale của ONERA, và sau này có hai bài viết chung với những khoa học gia người Pháp lại được chuyển dịch sang Anh ngữ và đăng như là báo cáo kỹ thuật của Cơ Quan Không Gian Âu Châu (European Space Agency). Một vài bài báo tôi viết với nghiên cứu sinh, đăng trên báo chuyên môn ở Hoa Kỳ cũng đã được dịch sang Nga ngữ và đăng lại ở Liên Sô. Sau này, khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Đông Âu, sự trao đổi văn hoá và khoa học được cởi mở, tôi cũng đã viết chung bài với một viện sĩ khoa học người Nga và bài nào cũng được in theo hai văn bản ở hai trời Âu và Mỹ. Nhờ những hoạt động như thế, cùng với ba cuốn sách giáo khoa tôi đã viết và được dùng ở các nơi trên thế giới, mà những đóng góp của tôi vào khoa học không gian được chú ý ở Âu châu. Một báo cáo kỹ thuật đặc biệt do tôi ký tên được ấn hành bởi North Atlantic Treaty Organization thường được biết đến như là Liên Minh NATO vào năm 1990. Tổ chức này, tuy là liên minh chính trị và quân sự Bắc Đại Tây Dương, nhưng cũng có một ủy ban cố vấn kỹ thuật gọi là Advisory Group for Aeronautical Recherche and Development, viết tắt là AGARD, hàng năm vẫn tổ chức những khoá hội thảo. Tại một kỳ hội luận về Flight Mechanics of Space Flight, vào những ngày 13-16 tháng Một năm 1989 ở Luxembourg tại Âu châu, để những chuyên gia thuộc các nước trong liên minh trình bầy những dự án đóng góp của nước họ vào chương trình bay vào không gian, tôi được mời để làm tổng thư ký viết báo cáo kỹ thuật của buổi họp. Sự việc này cũng là một vinh dự đặc biệt cho tôi, vì giấy mời được sự hội ý và thoả thuận của hai vị đồng chủ tịch buổi hội luận, một vị người Pháp và một vị người Mỹ. Bản báo cáo của tôi, định phẩm hơn ba mươi bài thuyết trình kỹ thuật của mười bốn quốc gia trong ba ngày hội luận ở Luxembourg, được xếp loại chuyên môn theo thủ tục của AGARD như là một Technical Evaluation Report (TER), đã được ấn hành năm sau đó sau khi đã được hai vị đồng chủ tịch duyệt y. Tuy theo khế ước ký kết cho chuyến đi này tôi còn được ba tháng sau hội nghị để viết bài tổng kết nhưng theo lời yêu cầu của vị đồng chủ tịch người Pháp, ở buổi kết thúc tôi được mời trình bầy trong vòng nửa giờ những nhận xét cuả tôi về những cao điểm của cuộc hội luận. Khi giới thiệu tôi ông chủ tịch hội nghị cũng dùng những lời lẽ thật trịnh trọng.

                Ngoài những ngân khoản trợ cấp khảo cứu từ NASA, gửi thẳng đến đại học để nơi này thiết lập ngân sách cho tôi điều hành, có một lần trong một chương trình dành cho các giáo sư đại học vào mùa hè năm 1982 tôi làm việc trực tiếp trong ba tháng tại Jet Propulsion Laboratory, viết tắt là JPL, là một cơ sở quan trọng phụ trách những chương trình thám hiểm những hành tinh trong Thái Dương Hệ của Hoa Kỳ, nhưng lại trực thuộc Đại Học Caltech ở Pasadena. Ở nơi đây tôi cũng gặp lại một số cựu sinh viên và sau này cũng giới thiệu được một số sinh viên mới tốt nghiệp tới làm việc. Một trong những sinh viên tôi đã đào tạo, hiện nay vẫn làm việc tại JPL, là tiến sĩ Jennie R. Johannessen, một nữ chuyên gia rất xuất sắc đã là người quản nhiệm nhóm tính qũy đạo cho vệ tinh nhân tạo Galileo bay lên thám hiểm Mộc Tinh. Trong số vào khoảng ba mươi tiến sĩ đã được tôi hướng dẫn tại Đại Học Colorado và Đại Học Michigan thì có chừng một phần ba là ở nước ngoài như Đại Hàn, Nhật Bản, Hoa Lục, Đài Loan, Ba Tây và Pháp, còn đều là ở Hoa Kỳ, và hầu hết đã đạt được những địa vị khả quan trong xã hội. Giữa các môn sinh, họ vẫn liên lạc với nhau chặt chẽ, coi người thầy cũ như là môt tụ điểm.

                Trở lại câu hỏi là tôi thấy thích thú nhất về sáng tác nào thì thật khó trả lời vì trong khi làm về khoa học tôi để chen vào một chút văn nghệ tính, và giống như một họa sĩ vẽ tranh, tôi không hay sao lại một tác phẩm nào đã thực hiện trước đây. Vì vậy khi đọc lại bất kỳ bài viết nào đã đăng, mỗi bài có một vẻ đẹp khác nhau làm tôi vẫn thấy hào hứng như lần đầu tiên tìm ra được phương pháp giải bài toán này còn ở trong vòng bí hiểm. Tháng Tám năm 1994, tại hội nghị thường niên về cơ học không gian của American Institute of Aeronautics and Astronautics họp ở Scottsdale, là một nơi nghỉ mát danh tiếng thuộc tiểu bang Arizona, ở bữa tiệc chính có vào khoảng một ngàn kỹ sư và khoa học gia danh tiếng tham dự, tôi được mời lĩnh giải Mechanics and Control of Flight Award cho năm ấy. Ngoài bằng tưởng lục và một nút tròn để đeo vào ve áo, tôi được ông Chủ Tịch đương nhiệm của Viện choàng vào cổ tấm huy chương vàng danh dự. Ở một mặt tấm huy chương có khắc hình chiếc phi cơ cánh đôi của hai anh em Wilbur và Orville Wright chế tạo và vết chân đầu tiên của phi hành gia Neil Armstrong in trên mặt trăng, những hình vẽ biểu dương cho sự phát triển khoa học hàng không và không gian Hoa Kỳ trong thế kỷ XX. Ở mặt bên kia có khắc tên tôi và hàng chữ tưởng thưởng ''For outstanding contributions to the mathematical theory of optimal control, applied to the flight mechanics of aerospace vehicles in the atmosphere and in space''. Được tặng giải này trước hết phải có những đồng nghiệp đề nghị, và sau đó được một uỷ ban chọn lựa và vì mỗi năm chỉ chọn một người nên cái hy vọng nhận được huy chương này thật không bao giờ đến vói ý tưởng tôi. Ở xã hội này, mỗi ai nhận được huy chương cao nhất ở một chuyên môn nào thì thường là được choàng vào cổ lần đầu tiên ở trên bục danh dự. Sau đó nếu bộ môn được nhiều người hâm mộ, như thường thấy ở các môn thể thao, thì lần thứ hai lực sĩ tự choàng huy chương vào cổ là để chụp tấm hình bán cho báo chí hay để in trên những hộp ngũ cốc ăn sáng. Danh dự nhận được, nay đem ra thương mại hoá. Dĩ nhiên là tấm huy chương tôi nhận được không có giá trị thương mại, mà chỉ hoàn toàn về tinh thần. Nhưng tôi nghĩ sẽ có một ngày tôi choàng lại vào cổ để tới dự liên hoan với hàng trăm, hàng ngàn tuổi trẻ Việt ly hương khác, lúc đó cũng đạt được những thành tích hơn người ở mọi ngành và nhất là được quốc gia này công nhận. Như ở trên tôi đã nêu lên nhiều gương sáng thành công của dân tộc chúng ta là những con Rồng cháu Tiên nhưng tôi vẫn còn thắc mắc trong lòng khi thấy cộng đồng người Việt trên đất này chưa có tiếng nói được lắng nghe trên bình diện quốc gia. Chỉ khi nào lời nói của cộng đồng người Việt được chính quyền chú ý, trong hàng ngũ lãnh đạo công và tư trên giải đất này có những khuôn mặt gốc Lạc Hồng quen thuộc, thì lúc đó mới là mốc thời gian để chúng ta tưng bừng mở hội liên hoan. Để đạt được mục đích đó, chúng ta cần đến sự cố gắng thêm nữa và sự tiếp tay của các bạn trẻ. Đó là những điều tôi thường nhắc nhở các bạn trong những lần đi nói chuyện và giờ đây tôi rất vui mừng thấy xuất hiện những khuôn mặt trẻ trong hàng ngũ lãnh đạo cộng đồng.

                Tuy không dậy nhiều kỹ sư gốc Việt nhưng tôi đã gặp rất nhiều chuyên gia trẻ thuộc thế hệ thứ hai của chúng ta đang làm trong các cơ quan chính phủ liên bang và tiểu bang và ở mọi ngành kỹ nghệ ở các nơi và tôi đã thật vui mừng khi thấy các bạn còn lưu tâm tới cội nguồn. Do sự vận động của các kỹ sư người Việt tại Lyndon B. Johnson Space Center, viết tắt là JSC, tại Houston ở Texas, trong tuần lễ vinh danh sự đóng góp của những người Mỹ gốc Á châu, vào ngày 8 tháng Chín năm 1989, ba khoa học gia gốc Việt đã được ghi tên vào Bảng Danh Nhân Mỹ Gốc Á (Asian Pacific American Hall of Fame) ở Trung Tâm Không Gian này. Theo tin đưa ra từ ban giám đốc, hình ảnh và thành tích họat động của phi hành gia không gian tiến sĩ Eugene Trinh thuộc JPL, giáo sư Nguyễn Hữu Xương thuộc Đại Học California ở San Diego và giáo sư Nguyễn Xuân Vinh thuộc Đại Học Michigan, đã được trình bầy tại Trung Tâm Khách Thăm Viếng trong một tuần lễ và sau đó những tấm bích chương đưọc tàng trữ làm tài liệu tại thư viện của JSC. Không cứ riêng với những người gốc Việt ở Hoa Kỳ, được coi như là sắc tộc mới thành lập thế hệ đầu tiên di cư, những người gốc Á châu khác như Hoa, Nhật, Ấn, Phi, vân vân. .. dù đã đến lập nghiệp ở xứ này từ lâu đời, họ cũng phải đợi đến cuối thế kỷ vừa qua mới vận động thành công để Quốc Hội Hoa Kỳ ra sắc luật dành tháng Năm của mỗi năm là tháng để vinh danh những người dân Mỹ gốc Á, cũng như tháng Hai đã được chính thức công nhận từ lâu để vinh danh những người da đen. Từ mấy năm nay, tuy ở các công sở liên bang hay tiểu bang, và ở một số hãng kỹ nghệ lớn vẫn có những ngày đặc biệt trong tháng Năm dành để vinh danh sự đóng góp của những người gốc Á châu nhưng sắc tộc Việt Nam vẫn chưa nổi bật lên vì nói chung địa vị trong xã hội của mình vẫn còn khiêm nhường. Ngày 7 tháng Năm năm 1990 là một ngày đáng ghi nhớ cho những người Mỹ gốc Á vì trong một buổi lễ làm ở Vườn Hồng ở toà Bạch Ốc, Tổng Thống George Bush đã ký quyết định từ nay tháng Năm được chính thức là ''Asian Pacific American Heritage Month'', nghĩa là tháng Truyền Thống của những người gốc Á châu và miền Thái Bình Dương. Cùng với nhà cách mạng và hoạt động chính trị là bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn tôi có may mắn được mời dự buổi lễ lịch sử này. Ngoài hai chúng tôi còn ba người đồng hương khác, tổng cộng là 5 người, so với tổng số khách gốc Á châu được mời dự lễ giới hạn là 200 người thì thật là ít ỏi. Tính theo sự kiểm tra dân số vào năm ấy, cộng đồng người Việt có ước lượng vào khoảng gần một triệu người thì chúng ta phải có chừng 20 người được mời dự buổi lễ mới phải. Sau buổi lễ còn có phần thuyết trình của một vài nhân vật cao cấp trong chính phủ, và trong khi chờ đợi, tôi đã gặp và nói chuyện và cùng một lúc nhận ra được một số danh nhân Á châu hiện diện. Có những người như Trung Tướng William S Chen, Cục Trưởng Cục Quân Y Không Quân, Đô Đốc Ming E Chang, Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương, giáo sư Đại Học Chicago Subrahmanyan Chandrasekhar, khôi nguyên giải Nobel vật lý học mà tên tuổi đã được lưu vào hậu thế khi mới đây, kính viễn vọng thường trực trên không gian, sau khi phóng vào vũ trụ, đã được đặt tên là Chandra, có những người như nhạc sĩ đại hồ cầm Yo-Yo Ma, nữ minh tinh màn ảnh Nancy Kwan, dân biểu Norman Y Mineta, sau này thành bộ trưởng và tên ông được đặt cho phi trường quốc tế ở San Jose, bang California, và còn nhiều người khác tên tuổi và thành tích sáng chói, làm tôi thấy phải nhận rằng trong thành phần thiểu số người Mỹ gốc Á vào thời điểm ấy, tức là mới mười lăm năm sau ngày ly hương và di cư sang Hoa Kỳ, sự đóng góp của người mình vẫn chưa nổi bật. Từ ngày đó, trong những dịp gặp gỡ và nói chuyện với học sinh, sinh viên và thanh niên Việt ở khắp mọi nơi tôi dã khuyến khích các bạn không nên tự mãn về thành tích đã đạt được của mình mà phải luôn luôn học hỏi, cố gắng không ngừng. Các chuyên gia Việt ở mọi ngành, như cũng đã ý thức được sự hợp đoàn để có sự hiện diện đặc thù của con cháu Lạc Long trong liên minh Á châu, nên đã tranh đấu để dành chỗ cho người mình đến làm diễn giả ở những ngày lễ truyền thống hàng năm được tổ chức vào tháng Năm như đã được quy định bởi sự ký kết của Tổng Thống Hoa Kỳ. Riêng tôi đã được mời tới làm diễn giả danh dự ngày lễ năm 1994 tổ chức tại Ủy Ban Điều Hợp Nguyên Tử Lực Hoa Kỳ tại đại bản doanh ở Maryland và ngày lễ năm 2001 của Hãng DuPont tổ chức ở Đại Học Delaware. Những lần mời này đều do đề nghị của chuyên gia người Việt lên ban tổ chức vì thật ra công việc làm của tôi không liên hệ gì đến nguyên tử lực hay kỹ nghệ hoá chất để được giới lãnh đạo của các cơ quan nói trên biết tới. Trong những lần nói chuyện của tôi mà nếu phần lớn thính giả là người Hoa Kỳ thì tôi thường nhắc đến lời nói cuả mục sư tiến sĩ Martin Luther King Jr. rằng: ''Everybody can be great because everybody can serve'' để nhấn vào điểm là dù cho sự đóng góp cuả cộng đồng người Việt còn ít ỏi nhưng vì chúng ta có giầu thiện chí nên cũng có thể coi như là đáng kể.

                Từ mấy năm nay tôi chỉ làm cố vấn về kỹ thuật cho mấy chương trình khảo cứu và nhận lời dậy những khoá học ngắn cho một vài cơ quan ở nước ngoài. Vì đã bớt được áp lực phải đăng bài khảo cứu, tôi có nhiều thì giờ hơn để giúp cho mấy Hội Khuyến Học ở một vài nơi mà tôi đã tham gia như là một cố vấn. Chúng ta đã sống ly hương được quá một phần tư thế kỷ, và thế hệ con cháu đời thứ hai, và tiếp nối đã bắt đầu nhập cuộc. Là những người đi tiên phong, cùng với nhiệm vụ mở đường, chúng ta cũng cần hướng dẫn cho thế hệ đi sau theo cho đúng hướng và không có gì quan trọng hơn là làm cho con cháu nhớ đến cội nguồn, giữ cho tiếng Việt được bảo tồn đời đời ở hải ngoại. Để đóng góp vào sáng tác văn học Việt ở một xứ văn minh nhất trên thế giới, và để cung cấp thêm tài liệu đọc tiếng nước nhà cho các bạn trẻ, tôi đã soạn xong một cuốn sách đề là ''Vui Đời Toán Học'', với mục đích quảng bá đến mọi người rằng toán học không phải là một môn học khô khan mà lại cần thiết cho đời sống của con người, và tôi đã tìm thấy nguồn vui trong môn học này trong một thời gian dài hơn một nửa thế kỷ. Bài viết này là bài mở đầu cho cuốn sách. Cùng một lúc với mấy dòng chữ kể sơ qua cuộc đời tầm học của tôi, tôi đã nhắc tới những thành tích đóng góp vào sự mở mang phồn thịnh ở xứ này của những người đồng hương với nỗi vui mừng rằng cộng đồng Việt ở hải ngoại đang ở trên đà tiến triển mạnh mẽ.

                Rồi đây, trải hương thơm theo gió, chúng ta sẽ đưa đến khắp nơi trên giải đất này những vẻ đẹp trong truyền thống văn hoá của quê hương.

                (sưu tầm)
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.01.2009 19:43:14 bởi Viet duong nhan >
                #8
                  Viet duong nhan 11.03.2009 17:23:49 (permalink)

                  Ðêm Không Trăng Ðọc Thơ Lý Bạch

                   
                  Phi truờng quốc tế Arlanda ở Stockholm vào sáng chủ nhật khi chúng tôi tới có một khung cảnh nhộn nhịp khác thường. Ngày hôm sau, bắt đầu tuần lễ ngày 7 tháng Mười năm 1985 là mở đầu Hội Nghị Không Gian Quốc Tế họp lần thứ 36. Hội nghị này, mỗi năm họp vào mùa Thu và ở một nước khác nhau. Kể từ hội nghị lần thứ 11 vào năm 1960, đến nay vừa đúng một phần tư thế kỷ hội nghị mới họp trở lại ở Thụy Ðiển. Thêm vào đấy, chủ đề năm nay là “Hòa Bình Không Gian và Những Vấn Ðề Chung của Loài Người” (Peaceful Space and Global Problems of Mankind) đã là động cơ để cho ba mươi lăm nước hội viên cử người đến tham dự đông đảo. Sau ngày đầu tiên khoáng đại hội nghị với sự chủ tọa của Quốc Vương Thụy Ðiển Carl XVI Gustaf, các nhà khoa học không gian quốc tế, trong suốt tuần lễ sẽ chia nhau họp ở sáu mươi ban để thuyết trình và hội thảo ở đủ mọi ngành liên hệ đến hoạt động trong không gian từ y khoa, luật pháp cho đến sự chế tạo hỏa tiễn, phi thuyền và cơ học phi hành. Ban tổ chức dự trù có hơn một ngàn người, kể cả gia đình đi theo tới dự.

                  Tôi được mời thuyết trình một bài khảo cứu về qũy đạo học và đồợng chủ tọa với một khoa học gia người Pháp một khóa hội thảo về qũy đạo tối ưu (Optimal Trajectories). Ðây cũng là dịp may để nhà tôi đi theo thăm gia đình một người anh đã lập cư ở Thụy Ðiển từ ba mươi năm nay. Vì đi một chuyến máy bay riêng qua một tổ chức du lịch từ New York tới nên chúng tôi đã qua được thủ tục nhập cảnh và quan thuế một cách dễ dàng. Vừa ra cửa chúng tôi đã thấy người anh đợi sẵn và, nhờ sự hướng dẫn thông thạo của anh, chúng tôi đã tới được khách sạn Royal Viking trước tất cả mọi người cùng đi chuyến tàu. Khách sạn này ở ngay trung tâm thành phố Stockholm, ở cạnh ga xe lửa và tàu điện ngầm, và là khách sạn tối tân nhất. Mỗi người khách được trao một tấm các nhựa có in mật mã để mở cửa buồng, một phát minh mới của kỹ nghệ khách sạn du lịch, nay đã được dùng một cách phổ thông.

                  Ðây là lần đầu tiên cả hai chúng tôi tới Stockholm, một thành phố vừa cổ kính lại thêm vào những xây dựng tối tân ở miền cực Bắc Âu châu. Tôi vì bận họp nên chỉ buổi tối mới có dịp đi thăm một vài nơi trong thành phố. Còn nhà tôi thì ngày nào cũng ríu rít đi chơi với gia đình người anh, với bà chị dâu hiền lành người Thụy Ðiển và hai đứa cháu, một trai một gái, trông khôi ngô xinh đẹp.

                  Chiều ngày thứ tư là buổi nghỉ để khách phương xa về dự hội nghị có dịp đi thăm phong cảnh quanh vùng. Ban tổ chức đã dự trù một buổi đi du thuyền vòng quanh các đảo và ăn tối trên tàu. Vào dịp này, anh nhà tôi là anh Cung Ðình Luyến đã tổ chức cho chúng tôi một chương trình riêng hấp dẫn hơn. Cùng với gia đình anh, chúng tôi lấy tàu bể đi sang Phần Lan. Tàu chạy suốt đêm thì tới Helsinki nhưng chúng tôi sẽ chỉ đi nửa đường, khi tàu ghé đảo Aland là đầu địa phận nước Phần Lan, thì chúng tôi sẽ đón chuyến quay trở về Stockholm. Như vậy chúng tôi sẽ được hưởng một đêm vui trên hai du thuyền với những ban nhạc và phòng ăn trang trí cùng đầu bếp khác nhau thay vì chỉ một buổi chiều chạy quanh bờ biển nếu đi theo chương trình của ban tổ chức Hội Nghị. Ði riêng, chúng tôi được hưởng không khí gia đình ấm cúng hơn và cũng vì vậy tôi đã được một đêm trong một khung cảnh khác thường, đọc mấy vần thơ của Lý Bạch. Mấy dòng tâm sự tôi ghi dưới đây.

                  Ðã có một lần, một vị túc nho hỏi một vị khác về tôi:“Ông Toàn Phong có tinh thông Hán học không?” Câu hỏi thực ra là chí tình vì cụ muốn viết mấy lời giới thiệu về học lực Anh, Pháp, Việt và có thể là … Hán, về tôi cho trung thực. Tôi không có dịp trả lời, và nếu có thể nói thì tôi xin thưa là chữ Hán tôi biết chừng một ngàn chữ và qua những tháng năm trải bao biến đổi trong nghề nghiệp, cuộc đời lúc nào cũng nhiều áp lực trong cuộc mưu sinh, ít khi có thì giờ chau giồi văn bút, vốn chữ Hán của tôi có thể coi như là không nguyên vẹn, chữ hay chữ lỏng thu gọn lại gần thành như số không. Chữ đầu tiên tôi học không phải là chữ Nhân nghĩa là Người trong Tam Tự Kinh mà là chữ Nhẫn với ngụ ý kiên trì, chịu đựng do ông ngoại tôi viết ở trên tường xây sau hòn núi non bộ. Ông tôi là một nhà nho ở Nam Ðịnh, thi hương ngay trong tỉnh hai lần cùng lạc đệ. Lúc về già, ông tôi vui việc trồng cảnh, làm thơ, nếp sinh sống trong gia đình đã có bà ngoại tôi cùng các dì trông nom canh tác mươi mẫu ruộng hương hỏa. Có lần được ngồi trong lòng ông, tôi chỉ ra hòn núi non bộ hỏi chữ đại tự ông tôi viết và được cắt nghĩa là chữ nhẫn, có chữ nhận là mũi đao viết ở trên và chữ tâm viết ở dưới để tỏ tấm lòng. Lúc ấy tôi chừng lên năm tuổi. Hằng năm nghỉ hè tôi đều về quê ngọai, được học thêm ít chữ của ông đồ trong làng, hầu hết là tô chữ son như trẻ con học vẽ. Lên trung học ở Hà Nội mỗi tuần có học chữ nho do cụ cử Cung Ðình Hoan là ông chú của nhà tôi dậy. Tôi chịu khó học, không phải là vì đặc biệt mến cụ mà chỉ vì muốn được nhất trong lớp. Tôi có người bạn rất thân nhưng lại là địch thủ đáng sợ trong lớp. Từ toán đại số đến hóa học, vật lý học cho đến Pháp văn môn nào anh ta cũng xuất sắc. Ngoài ra anh lại có hoa tay vẽ rất đẹp, chữ nho viết như rồng bay phượng múa, những môn này anh hơn hẳn tôi. Tôi gỡ lại được chút ít về toán với hệ số ba và chỉ có cách cầm cự tàm tạm những môn phụ họa thuộc phạm vi bên lề trong những mục hào hoa phong nhã mới không bị anh đè trên khi cuối tháng cộng điểm trong học bạ.

                  Trong những năm tránh bom đạn, di tản về miền quê tôi được ông bác ruột dậy thêm cho ít chữ. Bác tôi là giáo sư Nguyễn Ðức Huân, dậy môn sử địa bắt đầu ở trường Bưởi, lúc đó có tên là trường Bảo Hộ, sau đổi về trường Ðỗ Hữu Vị, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bác đổi về trường trung học Thái Bình lúc đó di tản về làng Thượng Phú, phủ Thái Ninh. Bác có người con trai lớn, bỏ nhà từ sớm đi bộ đội, anh con út còn bé nên bác đưa tôi đi theo, vốn chữ Hán thâm thúy của bác định dành truyền lại cho tôi nối dòng Nho giáo của gia tộc. Nhưng lúc đó tôi bắt đầu mê toán học, nhất là môn hình học, tập sách bác trao tôi chỉ học cầm chừng, tuy đọc vanh vách nhưng nghĩa không thấu triệt. Nhưng nhờ bác mà tôi biết tới thơ Ðường. Nhờ ảnh hưởng thú tiêu văn tao nhã bên ngoại, không có đàn nhạc tôi cũng thích ngâm nga đọc thơ người trước. Một buổi chiều, bác đọc cho tôi nghe một bài thơ cổ không có đề và tác giả tả cảnh một vị giải nguyên đi thi đình, văn chương lưu loát, khi về nhà trời còn sớm, được người vợ đẹp ra ân cần săn đón:

                  “Ðình thí quy lai ác vị tê,
                  Mỹ nhân hàm tiếu xuất thâm khuê.
                  Ân cần bả thủ, nghi tương vấn:
                  Ðiện thí kim chiêu xuất thậm đề?”
                  Bác cho tôi coi bài dịch:
                  “Thi đình về lúc chưa chiều,
                  Miệng cười người đẹp buồng điều bước ra.
                  Ân cần đón hỏi dò la:
                  Ðầu bài buổi sớm nghe qua với nào”.
                   
                  Tôi tuy lễ phép nghe, nhưng trong bụng không hoàn toàn phục vì th?y những câu thơ dịch giống như những câu Kiều lẩy các dì tôi ngày xưa vẫn đọc cho nghe. Tôi ra đầu hè nghĩ được một bài khác rồi viết đưa bác coi:

                  Thi đình về lúc ác chưa tà,
                  Miệng cười người đẹp khỏi buồng ra.
                  Ân cần tay nắm chàng thăm hỏi:
                  Ðầu bài buổi sớm, thiếp nghe qua.
                   
                  Bác đọc lên chỉ gật gù không nói gì. Nhưng từ đó bác cũng không hay cho tôi nghe thơ dịch nữa. Năm đó tôi vừa đúng mười sáu tuổi.
                  Tuy thích nhìn trăng sáng, ngắm sao đêm, thấy lòng bâng khuâng rung cảm khi được nghe tiếng sáo vi vu trong đêm vắng nhưng tôi ít khi làm thơ. Tuy vậy nhờ duyên may đặc biệt tôi vẫn được các thi gia Hán học ân cần chiếu cố. Ở tuổi thanh niên tôi có lần được nữ sĩ Tương Phố viết tặng một bài thơ đăng trên báo Thế Kỷ. Bài thơ này sau được một điêu khắc gia Trung Hoa khắc trọn trên một tấm ngà bằng một đốt ngón tay phải soi kính mới đọc được. Có lần tới thăm bà ở Nha Trang được bà cho coi miếng ngà gắn trên tấm gỗ sơn mài đen treo trên tường và và đưa cho coi tập sách có bút ký các văn gia Âu Á bảo tôi viết mấy dòng lưu niệm. Tôi chỉ viết được hai câu:

                  Người là danh sĩ đế đô,
                  Còn tôi nặng kiếp sông hồ phải mang.
                   
                  Bà đọc xong cười mà bảo: Xuân Vinh phải là nhà thơ mới phải. Lúc đó tôi còn mang cấp bậc Trung úy Không quân.
                  Tôi chỉ dịch được chừng mười bài thơ Ðường, vài tháng mới đăng báo một lần. Vậy mà cũng được qúy cụ Ðỗ Bằng Ðoàn và Bùi Khánh Ðản gửi tặng cho một bản quí cuốn Ðường Thi Trích Dịch. Cuốn này in ra có một trăm bản nay thật khó tìm. Tôi may mắn khi sang Hoa Kỳ mang theo được, nhưng cách đây hai năm nghĩ rằng mình giữ phương cảo nhưng suốt ngày làm công việc toán học ít khi có dịp dùng nên một chiều đông tôi ngồi đóng lại lề sách cho gọn gàng, tự hẹn gác thi bút, rồi gửi cuốn sách tặng cụ Ðào Hữu Dương là người anh bạn rể. Trước khi gửi sách, trông nét mặt tôi tần ngần, nhà tôi hỏi:“Sao anh không in lại một bản để giữ trong tủ sách?” Tôi chỉ lắc đầu vì nghĩ rằng nghiệp thi văn mình đã trả xong nợ tơ tầm.

                  Rồi năm ngoái, cơ duyên lại bắt tôi cầm bút. Cụ Chi Ðiền Hoàng Duy Từ ở Nam Cali, sau nhiều tháng năm tra cứu, sáng tác đã hoàn thành bộ Ðường Thi Tuyển Dịch gồm bốn quyển. Trước khi in quyển I gồm những bài thơ dịch thanh thoát, tứ hay lời đẹp của nhiều thi gia từ Sơ Ðường tới Vãn Ðường, cụ bảo tôi viết một bài thơ cảm đề để đăng ở phần đầu tập sách cùng với lời mở đầu của cụ Ðào Ðăng Vỹ và những bài thơ cảm hứng của nhiều Hán học gia khác. Ðọc tập thơ nhiều lần mà suốt mùa hè tôi không viết được một dòng, nỗi khổ tâm chẳng khác chi Giả Ðảo khi xưa, ba năm mới viết được hai dòng tuyệt tác:

                  “Nhị cú tam niên đắc,
                  Nhất ngâm song lệ lưu”
                  “Ba năm mới được hai câu,
                  Ngâm lên một tiếng, dòng châu khôn cầm”.

                  (Chi Ðiền dịch)

                  Gần cuối hè được anh chị Lê Thanh Minh Châu và Thành Trai, nay anh là Phó Viện Trưởng và chị là giáo sư Luật khoa ở Ðại học Notre Dame, mời chúng tôi cùng ra nghỉ mát ở nhà thuê bên bờ hồ Michigan, tôi mới có dịp quên được chút ưu tư về khoa học, ngắm cảnh mặt trời lặn bên hồ nhìn theo bóng cô phàm, gợi ra được chút thi hứng. Cũng tưởng rằng bài thơ cảm hứng viết trong lúc vội vàng được cụ Chi Ðiền in gượng vào Thi Tập I, để cho có sự đóng góp của kẻ hậu sinh, tôi có ngờ đâu nay cụ cho in tiếp Ðường Thi Tuyển Dịch quyển II gồm trên một trăm bài thơ toàn là của Lý Bạch, cụ lại muốn tôi viết cho lời giới thiệu. Theo ý của cụ, giới cao niên sẽ đương nhiên là ham chuộng cổ thi. Tôi sẽ như là người nói lên ý kiến của giới trung niên và đại diện cho cả thế hệ tráng niên để tỏ tâm tư sự cần thiết bảo toàn và làm phong phú cho Việt học và Hán học đã đi liền và bồi bổ cho nhau từ mấy mươi thế kỷ. Lời bảo trọng của vị lão nho tôi đâu dám chối từ. Lên phi cơ đi Âu châu, trong cặp sách, kèm theo ấn trình khoa học để đọc tại hội nghị quốc tế, tôi có cả bản thảo buộc dây chỉ điều tập thơ Lý Bạch của cụ Chi Ðiền. Biết đâu trong tuần lễ tới trên bờ bể Baltic ở Thụy Ðiển, tôi chả có được một đêm trăng để thưởng thức mấy vần thơ Ðường. Nhà tôi chỉ nhìn ranh mãnh như muốn nói rằng:“Em biết mà, anh đâu có bỏ được thú đọc thơ”.

                  Chúng tôi đi tàu của hãng Viking Line. Trên đường đi Phần Lan là tàu có tên là Sally, lúc trở về đón tàu Rosella toàn là những tên thiếu nữ Bắc Âu mỹ miều. Giá tàu đồng hạng cho những du khách không cần có buồng riêng để ngủ. Có nhiều phòng lớn có nhiều ghế dựa như những ghế hạng nhất trên phi cơ để ngồi. Ngoài ra tàu có nhiều từng như trong một khách sạn lớn có nhiều phòng ăn, phòng uống rượu sang trọng và nhiều cửa hàng bán đồ mỹ phẩm và đồ kỷ niệm. Suốt buổi chiều cho tới nửa đêm chúng tôi đã đóng vai du khách, gia đình ngươi anh vợ đã niềm nở tận tình. Ðêm hoa đăng, trong phòng ăn sáng rực rỡ, có ban nhạc trầm hòa, chúng tôi ngồi ăn ở một bàn riêng, nhà tôi vui cười giữa hai đứa cháu lần đầu tiên mới được gặp. Tôi đã quên đi được mấy ngày hội thảo khoa học đấu trí với các bạn đồng nghiệp đến tự bốn phương trời. Tôi đã gần về được với Việt Nam, với kinh kỳ vàng son, với thi thư đèn sách, như được chào đón bởi nụ cười của người đẹp khi ở trường thi về ánh chiều còn chưa xế bóng. Khi gần nửa đêm, trên tàu Rosella trở về Thụy Ðiển, tôi đã tìm được một phòng rượu bên phải mạn tàu, có một chiếc bàn con và một ghế bành có một đèn riêng le lói, cầm tập thơ Chi Ðiền mang theo để ngồi đọc cổ thi. Nhà tôi và gia đình anh Luyến đã lên tầng trên để về phòng nghỉ.
                  Nói đến thơ Lý Bạch là nói đến trăng và rượu, đến mỹ nhân và cung điện. Nhưng đêm nay chỉ có trăng non đã lặn từ lâu. Ly rượu trên bàn chỉ để có lệ tôi không còn sức uống. Mỹ nhân và cung điện tôi thấy trong lời thơ, những câu dịch dưới đây đều là của Chi Ðiền.

                  Mở đầu tập thơ là bài “Ðăng Kim Lăng Phượng Hoàng Ðài” là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Lý Bạch. Bài này được người chú ý một phần vì hay, một phần vì được so sánh với bài “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu. Theo ký sự, khi Lý Bạch thăm Hoàng Hạc Lâu, đọc bài tuyệt tác của Thôi Hiệu tự cảm thấy rằng có viết thêm cũng không thể hay hơn được nên chỉ đọc lên hai câu:

                  “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
                  Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”.

                   
                  Dịch:

                  “Cảnh tiên trước mắt khôn vung bút,
                  Thôi Hiệu đề thơ nặng mái đầu!”


                  Sau đấy Lý Bạch đi Kim Lăng để viết thơ tại Phụng Hoàng Ðài. Cả bài thơ là một luyến tiếc những gì đã mất hay không trông thấy, từ những câu mở đầu:
                  Phượng Hoàng đài thượng, phượng hoàng du
                  Phượng khứ đài không giang tự lưu.

                  Dịch:

                  Phượng hoàng đỗ nóc Phượng Hoàng đài
                  Phượng đi, đài vắng nước sông trôi
                  cho đến hai câu kết:
                  Tổng vị phù vân năng tế nhật,
                  Trường An bất kiến, sử nhân sầu.


                  Dịch:

                  Buồn thay mây nỗi che vừng nhật,
                  Khách nhớ Tràng An, lệ vắn dài
                  !

                  Lý Bạch có tài gợi sầu khi không thấy cảnh, thì tất nhiên làm người đọc rung động nhiều khi nhìn thấy cảnh mà gợi ra tình như bài đi chơi “Ðộng Ðình Hồ”:

                  Ðộng Ðình Hồ tây thu nguyệt huy,
                  Tiêu Tương giang bắc tảo hồng phi.
                  Tuý khách mãn thuyền ca Bạch trữ,
                  Bất tri sương lộ nhập thu y
                  .


                  Dịch:

                  Trăng thu soi sáng Ðộng Ðình
                  Tiêu Tương một giải, chim hồng sớm bay.
                  Ðầy thuyền khách hát như say,
                  Bẵng quên áo thấm sương đầy móc thu.


                  Thi nhân nhìn và tả ra được vẻ đẹp như trong bài “Thanh Bình Ðiệu” với những câu mở đầu:

                  Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
                  Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
                  .

                  Dịch:

                  Nhìn mây tưởng áo xiêm nàng
                  Trông hoa luống tưởng dung nhan nữ kiều!


                  nhưng chỉ nghe không thôi mà gợi ra tình mới tuyệt diệu như bài nghe sáo trên Lầu Hoàng Hạc:

                  Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa,
                  Tây vọng Trường An bất kiến gia.
                  Hoàng Hạc lâu trung suy ngọc địch,
                  Giang thành ngũ nguyệt Lạc Mai Hoa
                  .

                  Dịch:

                  Từ làm thiên khách Trường Sa
                  Mỏi mòn trông ngóng quê nhà Trường An.
                  Tháng năm, vẳng sáo Hạc Hoàng
                  Lạc Mai Hoa khúc Giang thành … ngày xưa.


                  Tương truyền suốt cuộc đời Lý Bạch làm hai mươi ngàn bài thơ. Người sau sưu tập chưa được hai ngàn bài. Tập thơ Chi Ðiền dịch được hơn một trăm bài đắc ý nhưng cũng đủ để cho người đọc thấy rằng Lý Bạch suốt đời đi tìm người mà không thấy, hay mới gặp bạn là đã chia ly. Ði tìm người như thăm Thiên Sơn đạo sĩ mà không gặp:

                  Vô nhân tri sở vãng
                  Sầu ỷ lưỡng tam tùng


                  Dịch:

                  Ông đi, ai biết nơi nào nhỉ.
                  Buồn tựa tùng phong mấy khóm cây!
                  Nằm ở Sa Khâu mà nhớ Ðỗ Phủ:
                  Tư quân nhược vấn thủy
                  Hạo đãng ký nam chinh.


                  Dịch:

                  Nhớ anh sông Vấn chơi vơi,
                  Mênh mông dòng nước chảy dài về Nam.


                  Rồi muốn gặp Hứa Sơn Nhân cũng không thành vì:

                  Ưng hóa liêu thiên hạc
                  Quy đương thiên tuế dư.


                  Dịch:

                  Người tiên hóa hạc rồi chăng?
                  Trở về e cả ngàn năm có thừa.


                  Những bài thơ tiễn bạn, Lý Bạch làm rất nhiều. Từ làm tặng những người có tiếng như tiễn Trưng Quân mời chén bạch ngọc, tiễn Trương Hàn đi Giang Ðông mùa thu lá vàng rụng hay chỉ làm tiễn người bạn không đề tên như những bài “Tống Hữu Nhân” và “Tống Khách Quy Ngô”, Lý Bạch viết rất gợi cảm và Chi Ðiền dịch ra cũng làm cho người đọc sầu muộn. Một bài nổi tiếng là bài tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng ở lầu Hoàng Hạc:

                  Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu,
                  Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu.
                  Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
                  Duy kiến Trường Giang thiên tuế lưu.


                  Dịch:

                  Hoàng Hạc từ đây vắng cố nhân,
                  Bạn về hoa khói đất Châu Dương.
                  Cánh buồm heo hút trong mây biếc,
                  Chỉ thấy Trường Giang chảy ngút ngàn.


                  Tạo dựng nên bộ Ðường Thi Tuyển Dịch, nhà thơ Chi Ðiền đã làm một bộ Tổng Tuyển Hợp bằng cách in thêm những bài dịch của những thi gia trứ danh khác nữa cho thật đầy đủ. Riêng bài “Tống Hạo Nhiên…” cụ dự trù in sáu bài dịch và bảo tôi dịch thêm một bài để đăng cùng. Tôi có một người sinh viên Trung Hoa mới từ Quảng Tây sang theo học từ hai năm nay tên là Lữ Bình. Một hôm vui chuyện, tôi cho anh coi bài thơ và hỏi rằng mỗi câu có bảy chữ, mà nay đã có sáu người dịch thảo mã xoay đủ mọi vần thì còn đâu đến phần tôi nữa. Ðọc xong anh lắc đầu rồi cả hai thầy trò cùng cười. Tôi viết bài thơ thứ bảy gửi đi nhưng cũng thầm mong bài thơ rồi lạc quyển, cụ Chi Ðiền để lại.
                  Ai đi xa nước cũng có lần trạnh mối sầu cố quốc. Lý Bạch suốt một đời lãng tử, những bài thơ làm nhớ quê hương tất nhiên là nhiều. Lên lầu Tân Bình, nhà thơ cảm mộ:

                  Khứ quốc đăng tư lâu,
                  Hoài quy thương mộ thu.
                  Thiên trường lạc nhật viễn,
                  Thủy tĩnh hàn ba lưu.


                  Dịch:

                  Xa quê thơ thẩn lên lầu,
                  Nhớ nhà lòng lại buồn thu chậm về.
                  Chân trời ác lặn phương xa.
                  Sông êm nước lạnh chảy ra cõi ngoài.


                  Rồi có khi chia tay, xuống thuyền xa nước, trôi theo dòng, gửi lại quan Thị Ngự họ Thôi mấy lời tiễn biệt:

                  Uyển Khê sương dạ thính viên sầu,
                  Khứ quốc trường như bất hệ châu
                  .

                  Dịch:

                  Uyển Khê sương xuống vượn phiền,
                  Quê nhà lìa bỏ như thuyền không neo.


                  Ðêm nay ngồi trên du thuyền, từ Phần Lan trở về Thụy Ðiển, rời một nước để đi sang nước khác, tôi thấy đâu cũng là đất nước người. Ðêm không trăng, bể Baltic lặng lờ, qua khung cửa tôi chờ một ánh hải đăng mà không thấy. Chỉ thấy ở lời thơ, trăng nhớ quê hương như trong bài “Tĩnh Dạ Từ” của Lý Bạch:

                  Sàng tiền minh nguyệt quang,
                  Nghi thị địa thượng sương.
                  Cử đầu vọng minh nguyệt,
                  Ðê đầu tư cố hương.


                  Dịch:

                  Trước giường yên lặng nhìn trăng sáng,
                  Lại tưởng chừng như đất phủ sương.
                  Bất giác ngẩng đầu nhìn ánh nguyệt,
                  Bâng khuâng khẽ cúi nhớ quê hương!


                  Nhiều người hâm mộ thơ Lý Bạch vì đôi khi nhận được trong thơ ông ít nhiều hình ảnh của đời mình, nếu không phải là những cảnh hiện thực thì cũng là viễn mộng trong tâm khảm. Thơ Lý Bạch cũng đa diện như đời sống của ông, như có lúc phong lưu ở Trường An, thân cận quân vương, có lúc ngao du ở Tề, Lỗ rồi có lúc lưu đầy phát vãng đi Dạ Lang, lưu lạc ở Kim Lăng, Ðộng Ðình. Nhiều bài thơ được chọn trong tuyển dịch của Chi Ðiền đã gợi lại cho người đọc những hình ảnh vàng son của cung điện triều đại đã qua, những nét hào hùng của bao hiệp sĩ trong lịch sử. Trong bài “Phượng Hoàng Ðài” ta thấy:

                  Ngô cung hoa thảo mai u kính,
                  Tấn đại y quan thành cố khâu.


                  Dịch:

                  Cung Ngô hoa cỏ tràn muôn lối,
                  Triều TấÔn y quan dập đất đai.


                  Rồi theo với thi nhân ta nhớ những hình ảnh Tây Thi dâng yến Ngô Vương:
                   
                  Phong độ hà hoa thủy điện hương,
                  Cô Tô đài thượng yến Ngô vương.
                  Tây Thi túy vũ kiều vô lực,
                  Tiếu ỷ đông song bạch ngọc sàng.

                   
                  Dịch:

                  Mặt nước hoa lay gió ngát hương,
                  Cô Tô yến tiệc ngự Ngô vương.
                  Tây Thi say múa, thân kiều diễm,
                  Tựa cửa cười vang ngả xuống giường.

                   
                  Tôi say mê đọc những khúc ca ngợi người tráng sĩ dấu dao bụng cá ngày xưa coi thân nhẹ tựa lông hồng như bài “Kết Miệt Tử”:

                  Yên Nam tráng sĩ Ngô Môn hào.
                  Trúc trung trí diên ngư ẩn đao.
                  Cảm quân ân trọng hứa quân mệnh.
                  Thái sơn nhất trịch khinh hồng mao.

                   
                  Dịch:

                  Yên Nam tráng sĩ mấy người.
                  Ngô môn hào kiệt anh tài là ai?
                  Nhồi chì đàn trúc chờ thời,
                  Dấu dao bụng cá, muôn đời lưu danh.
                  Ơn vua thêm nặng nghĩa tình,
                  Hy sinh tính mạng báo đền đức cao.
                  Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao!


                  Khi trời gần sáng thì tôi đọc tới những bài trường ca như Hiệp Khách Hành soạn dịch ở phần cuối thi tập. Tôi ước mong sao ngày nay có những người tráng sĩ như Châu Hợi, vung dùi sắt để tài trợ Tín Lăng Quân, có dịp giải nguy Hàm Ðan cứu bạn là Bình Nguyên Quân. Có những thuở xa xưa tôi ôm mộng làm hiệp sĩ. Ðó là những ngày tôi còn là hàn sĩ, làm bạn với bút nghiên giữa nơi kinh kỳ, mong có ngày được tròn sự nghiệp. Cái thời vàng son ấy, khi lòng chưa vương lụy nước mây, với hai bàn tay trắng, tôi bước chân vào trường đời như một tráng sĩ mang thanh gươm dài chưa đầy hai thước, đi đôi giầy cỏ chưa nhuốm phong yên bốn trời. Cho tới nay, tuổi đời đã già nửa thế kỷ, vào một đêm không trăng, ngồi trong du thuyền đọc lại thơ người xưa, lòng thấy nhiều ngậm ngùi, tôi cảm tiếc những ngày non nước thanh bình không biết bao giờ mới trở lại. Giờ đây ngồi trong phòng vắng, tiếng nhạc dập dìu từ phòng ăn đã tắt từ lâu, tàu chạy êm tiếng sóng vỗ mạn thuyền cũng không nghe thấy. Tôi trạnh lòng mà thấy thương cho Lý Bạch, một đời lưu lạc, sự nghiệp thi văn vĩ đại, nay truyền tụng lại chưa được hai ngàn bài. Hơn ngàn năm sau giờ còn lại nấm mồ hiu quạnh của thi gia bên bờ sông Thái Thạch. Tuy ông là người Trung Hoa, nhưng thơ ông đọc lên theo âm Việt cũng đã làm rung cảm nhiều thế hệ người phương Nam. Nhờ được những dịch giả tiền bối như Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố và Tản Ðà, thế hệ đương thời chúng ta kém Hán học cũng đã được thưởng thức những lời thơ tao nhã tuy đượm nhiều ánh trăng, hơi rượu nhưng cũng giúp chúng ta vun trồng tình bạn giao du để sưởi ấm lòng, gợi nên những ý chí kiêu hùng xả thân vì đại nghĩa của những gương hiệp khách đời xưa. Ðọc thơ dịch tôi thầợm cám ơn cụ Chi Ðiền họ Hoàng đã chuyển Hán văn làm thi phẩm phong phú cho thơ Việt. Dưới ánh đèn khuya tôi cũng đã viết cho cụ mấy Lời Giới Thiệu.
                   
                  Trời đã gần sáng, tàu Rosella đang quay mũi trong vịnh Stockholm, giảm tốc độ để sửa soạn cặp bến. Nhà tôi cũng đã thức dậy, trang điểm xong, xuống phòng vịn vai tôi mà hỏi: “Anh viết xong bài chưa?”. Thay vì trả lời, tôi đưa cho nhà tôi đọc trang cuối tôi viết bài thơ cảm đề kết luận. Bài thơ này, bốn câu đầu tôi mượn của cụ Ðào Hữu Dương, còn những câu cuối tôi ghép thêm vần để viết thành trọn bài:

                  Cảm thơ, cầm bút ngại ngùng,
                  Hàng hàng hoa gấm nở tung trước đèn:
                  Vẳng nghe lời Lý Trích tiên
                  Ðọc thơ Thôi Hiệu dưới đền Hạc xưa.
                  Vu sơn trăng sáng mây mưa,
                  Quảng Lăng rời bước, đề thơ Lạc Thành.
                  Trường An say điệu Thanh Bình,
                  Việt trung ghé lại, nhớ tình cung Ngô.
                  Tỉnh say trăng gió hải hồ,
                  Ngàn năm cô quạnh nấm mồ bên sông.
                  Thiếu Khanh đề bạt thơ ông,
                  Dịch thơ thanh thoát ghi công họ Hoàng.

                  Tia nắng đầu tiên của sớm mai đã chiếu qua khung cửa tròn bên thân tàu rọi mấy sợi tóc đen sòa trên khuôn má bầu dục của người đàn bà phương Ðông đang cúi đầu lẩm nhẩm đọc bài thơ đã viết trong môt đêm không trăng. Tôi đã biết trước được lời phê bình của nhà tôi là trọn đời tôi cũng không thể nào thành được một thi sĩ. Nhưng giờ đây tôi muốn biết được ý nghĩ thực của người vợ hiền.

                  Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

                  By anlac • Jun 29th, 2008 • Category: Biên Khảo
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.03.2009 17:40:10 bởi Viet duong nhan >
                  #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9