(url) Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
Ngọc Lý 07.11.2006 14:43:13 (permalink)
.

TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH



Giáo Sư Khoa Học Gia Nguyễn Xuân Vinh là người Việt Nam đầu tiên đã nhận được giải thưởng Dirk Brouwer, giải thưởng danh tiếng nhất thế giới về Astrodynamics tức là môn khảo cứu để điều khiển đường bay của các con tàu vũ trụ (phi thuyền). Giải thưởng này mỗi năm chỉ phát cho một người (có năm không ai được lãnh giải).



Sơ lược về tiểu sử Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh được gọi theo học khóa I Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức và tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy công binh vào năm 1952. Sau đó ông theo học Trường Võ Bị Không Quân Pháp ở Salon de Provence và tốt nghiệp sĩ quan với bằng phi công hai động cơ và bay phi cụ năm 1954. Ông được bổ nhiệm làm Tham Mưu Trưởng Không Quân Việt Nam tháng 10 năm 1957 và từ tháng 2 năm 1958 đến tháng 8 năm 1962 ông đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Không Quân. Năm 1965 ông là người đầu tiên được cấp bằng tiến sĩ khoa học hàng không và không gian của Đại học Colorado. Ông cũng đậu bằng tiến sĩ quốc gia toán học của Đại học Paris VI vào năm 1972. Từ năm 1968 ông dậy tại Đại học Michigan và được thăng cấp giáo sư thực thụ năm 1972. Ông về hưu trí năm 1999 và được tặng tước vị "Professor Emeritus of Aerospace Engineering".

Giáo sư Vinh là tác giả ba cuốn sách chuyên môn và hơn 100 bài khảo cứu về cơ học không gian và qũy đạo tối ưu.

Qua những sự đóng góp chuyên môn của ông, giáo sư Vinh được bầu làm viện sĩ ngoại quốc của Hàn Lâm Viện Hàng Không và Không Gian Pháp (Académie Nationale de l’Air et de l’Espace) vào năm 1984 và viện sĩ chính thức của Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics) vào năm 1986.

Ở Trường Kỹ Thuật tại Đại Học Michigan ông được tặng cả hai giải thưởng xuất sắc về giáo dục và xuất sắc về khảo cứu. Ông được tặng Huy Chương Danh Dự của Viện Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ (American Institute of Aeronautics and Astronautics) năm 1994 về môn Cơ Học và Điều Khiển Phi Hành.

Thành tích của ông đã được trình bày tại phòng du khách thăm viếng ở Trung Tâm Không Gian Phi Hành NASA ở Houston vào tháng 9 năm 1989 và từ năm 1982 giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là một trong số 14 nhân vật Hoa Kỳ gốc Á châu được in hình và tiểu sử vào tập tranh dùng làm tài liệu giáo dục ở các trường Tiểu và Trung học trên toàn quốc.

Giáo Sư Khoa Học Gia Nguyễn Xuân Vinh là người Việt Nam đầu tiên đã nhận được giải thưởng Dirk Brouwer, giải thưởng danh tiếng nhất thế giới về Astrodynamics tức là môn khảo cứu để điều khiển đường bay của các con tàu vũ trụ (phi thuyền). Giải thưởng này mỗi năm chỉ phát cho một người (có năm không ai được lãnh giải).

Năm 1994, tức 12 năm trước đây, GS Nguyễn Xuân Vinh đã được lãnh một giải thưởng khác, tức là "Mechanics and Control of Flight Award" (giải thưởng về cơ học và sự điều khiển đường bay" (của máy bay và phi thuyền), của American Institute of Aeronautics and Astronautics (AIAA) (Học Viện Hàng Không và Vũ Trụ Hoa Kỳ)

Ở Hoa Kỳ chỉ có 2 hội liên quan đến không gian: một hội "Hàng Không và Không Gian", hội kia chỉ có "Không Gian" không thôi, cả hai hội đều đã phát giải cho GS Nguyễn Xuân Vinh. Điều ấy chứng tỏ là đóng góp của GS Nguyễn Xuân Vinh đã rất quan trọng trong lãnh vực khoa học.

Đối với người Việt Nam thì giáo sư Nguyễn Xuân Vinh lại còn là một nhà văn có tài năng. Cuốn “Đời Phi Công” ông viết dưới bút hiệu Toàn Phong đã được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1961.

Cuốn "Theo Ánh Tinh Cầu" của ông do nhà xuất bản Đại Nam ấn hành năm 1991 cũng được tiêu thụ hết ngay trong năm đầu.

Từ hai mươi năm nay giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã tới tiếp xúc và nói chuyện với giới trẻ Việt Nam ở khắp mọi dô thị lớn trên Hoa Kỳ mà có đông người Việt. Từ năm 1998, Hội Khuyến Học ở thành phố St Louis, thuộc tiểu bang Missouri đã đặt ra một giải thưởng hàng năm lấy tên là "Giải Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh" để tặng cho một học sinh tốt nghiệp thật xuất sắc bậc Trung Học mà có tinh thần phục vụ cộng đồng ïcùng biết giữ gìn truyền thống cao đẹp của giòng giống Lạc Hồng.

Nhà Văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
với “Đời Phi công”
Diệu Tần Nguyễn Tinh vệ





Tác phẩm Đời Phi Công
cuả Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh


Ngoài lãnh vực toán học và khoa học về không gian, GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh còn yêu thích về văn học nghệ thuật, tác phẩm Đời Phi Công của nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh ra đời vào đầu thập niên 60 đã thu hút độc giả ở miền Nam Việt Nam và bao nhiêu thanh niên đã say mê tác phẩm nầy để làm đời phi công với "Tổ Quốc Không Gian". GS rất có tâm huyết đến tiền đồ dân tộc và lúc nào cũng quan tâm đến thế hệ con em trên lãnh vực giáo dục. Cali Weekly đã phổ biến về Giải Thưởng của GS Nguyễn Xuân Vinh. Trong thời gian chúng tôi thực hiện tạp chí KBC Hải Ngoại, GS đã đóng góp nhiều bài viết rất có giá trị, từ đó đã tạo dược sự thân tình với giáo sư NXV, GS là người rất khiêm nhượng, GS coi chúng tôi là bạn văn nhưng chúng tôi xem GS như vị thầy đáng kính. Tháng 5 năm 2005, Cali Weekly ra đời, GS đã gởi cho bài viết của GS và GS Nguyễn Phú Thứ về "Con Số 5" . Cali Weekly sẽ đăng tải những bài viết của GS Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh trong những năm qua. VTrD - cali Weekly

Tác phẩm Đời Phi Công đã được tái bản tại Hoa Kỳ



Ngày 15- 3 03 chúng tôi đến thăm Nhà Văn, Nhà Khoa học Hàng không Không gian (Aerospace Engineering), nhà Toán học, Giáo sư Tiến sĩ Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Nếu liệt ra chức tước, danh dự ông có e quá dài, tôi đặt “Nhà Văn” lên trên các học vị, khoa bảng, tài năng vì ông là nhà văn, nhà báo và ông chấp nhận làm cố vấn cho Văn Bút Việt Nam Hải ngoại nhiệm kỳ 2003-2005.

Ông hơn tôi hai tuổi, nhưng vẫn tráng kiện, dáng người có đẫy ra theo tuổi tác, mái tóc dày. Tôi đang tập coi tướng diện, khi ra về tự nhủ “Niên trưởng (ông khóa 1 Thủ Đức, tôi đi khóa 5) có cái mũi rất tốt, phúc hậu, mũi trái mật; hai tai dày và to, chắc thọ hơn tôi quá!”. Chính ông cất công ra đón chúng tôi ngoài khu thương mại, bên ngoài cổng vào khu gia cư Villages Park ở vùng Evergreen đông nam San Jose. Ông nói và mỉm cười: “Vì ngại các anh bị lạc, đã có vài ông bạn lái xe vào bị lạc, gọi điện thoại kêu ơi ới!”. Ông tiếp chúng tôi trong tình văn hữu thân mật, tự nhiên, thoải mái.

Hai ông bà cư ngụ trong một căn nhà xinh xắn gọn gàng. Trong phòng khách, trang hoàng thoáng, nhã nhặn theo kiểu đông phương, có tranh Việt Nam, tranh Tàu, chữ Hán, độc bình, đôn sứ, hoa lan, hoa đào. Khu gia cư này tôi có dịp vào hai lần, một khu nhà ở loại sang, có bãi cỏ rộng xanh mướt, có sân golf, có đồi thoai thoải, có cây xanh tốt, có suối chảy róc rách. Khu này chỉ dành cho người lớn tuổi từ 54 trở lên mới được tạo mãi, và không nhận gia đình có con nít, nhằm giữ yên tĩnh cho người lớn tuổi và người về hưu. Ngay chuyện có ai lái xe quá tốc độ ấn định là sẽ bị an ninh lịch sự chặn xe lại ngay.

Ông tuy đã về hưu, nhận danh hiệu Giáo sư Danh dự (Professor Emeritus, một danh vị hiếm quý, chỉ dành cho các giáo sư đại học có công lớn với nhà trường) của Đại học Michigan, nhưng vẫn có một lịch trình làm việc, tiếp xúc được ấn định sẵn. Thí dụ tuần nào sẽ có bạn bè bác sĩ, giáo sư Việt và Mỹ đến thăm; tháng sau đi dự Hội Nghị về toán học ở tiểu bang nào đó; tháng sau nữa sẽ đọc diễn văn ở một Trường Đại học kia, vài tháng sau lại có thư mời đến diễn giảng về khoa học Hàng Không Không gian tại một Hội nghị nọ, v.v....Trước khi giảng dạy tại University of Michigan và sau đó nghỉ hưu, ông phục vụ tại Cơ quan NASA với tư cách nhà toán học Không gian, ông ở trong toán các nhà toán học ưu tú, có nhiệm vụ nghiên cứu thời điểm nào thuận lợi nhất để phi thuyền không gian có thể đổ bộ xuống Mặt Trăng hay các tinh cầu khác.

Giới trẻ và giới mới nhảy vào làng văn, làng báo, vào trường văn, trận bút chưa hiểu rõ tại sao bút hiệu của ông lại là Toàn Phong. Ngay từ ngoài bắc, khi tôi còn học Trường Mỹ Thuật đã đọc văn ông trong tạp chí văn học sáng giá nhất thời bấy giờ là tờ Thế Kỷ của giáo sư Bùi Xuân Uyên, Hà Nội. Động viên vào quân đội, ngoài quân vụ ông là cây bút chủ lực một thời cho tờ Phụng Sự (tiền thân của tờ Tiền Phong) dành cho sĩ quan với bút hiệu Toàn Phong và bút hiệu Thượng Sĩ cho tờ Chiến sĩ Cộng hòa. Ông cho ấn hành hai tập truyện “ Đời Phi công” và “ “Theo ánh Tinh cầu” khoảng đầu thập niên 60, khiến ông càng nổi danh hơn nữa. Cho đến bây giờ những tạp chí văn học nào ở hải ngoại muốn khởi sắc lên cũng đều xin bài viết đầy uy tín của ông.

Không những ông thông suốt Pháp văn, Anh văn, Việt văn, ông còn dành thì giờ nghiên cứu Hán văn nữa. Trong Đại hội Văn Bút kỳ IV năm 1992, sau bài thuyết trình giá trị “Tinh thần “Kẻ Sĩ’ trong văn chương”, ông sáng tác tại chỗ một bài thơ, trao tay nghệ sĩ Thu Hà, tức bà Bác sĩ Nguyệt Mehlert ngâm ngay trước sâu khấu hội trường lớn của Quận hạt đường Hedding, được tán thưởng nồng nhiệt. Trong phòng làm việc của ông tôi thấy có bức tranh Trung Hoa vẽ một lão ông râu dài, hói đầu cầm sách đọc, với lạc khoản Hán tự, dưới chân là một đống sách vất ngổn ngang, tôi hỏi ông. Ông cười, nụ cười toán học và văn học: “Ấy nhà văn nhà báo Mạc Ly Hương cũng chưa hiểu, tôi nói ba chữ lớn kia và ông lão kia là Liễu Bất Thông (không phải Nhạc Bất Quần hoặc Liễu Hạ Huệ) có nghĩa là ông ta đọc sách về toán học mà cuối cùng chẳng hiểu gì cả, sách vất đầy dưới đất !!”

Chúng tôi nói vài câu chuyện liên hệ đến văn chương. Nhắc đến giáo sư Bùi Xuân Uyên, hiện nay đã 90, sức khỏe suy yếu, sống ở Vũng Tàu. Cụ Uyên giờ có tật nói chuyện văn chương trên trời, dưới đất, xổ tiếng Pháp, vì cụ đọc nhiều sách quá, cụ bị cuồng chữ. Nhắc đến Triều Đẩu, Trúc Sĩ, nhắc đến truyện “Kẽm Trống” nổi tiếng. Chúng tôi nói đến bà Minh Đức Hoài Trinh, người sáng lập Văn Bút Việt Nam ở hải ngoại, đến nhà báo, cựu Nghị sĩ Niên Dư Trần Ngọc Nhuận, ông Nhuận là sĩ quan trẻ nhất đã từng chịu trách nhiệm tờ Chiến sĩ Cộng hòa mà ông Vinh là cây bút chủ lực một dạo. Chúng tôi cũng nhắc đến vài nhân vật văn học, biên khảo, nói đến bạn bè ở San Jose....

Tôi có một kỷ niệm nhỏ với bậc đàn anh trong ngành cũ là Trung úy Công binh Nguyễn Xuân Vinh, “thấy người sang bắt quàng làm họ” đơn vị ông đồn trú ở Nam Định. Ông đã chán cảnh ngồi dưới đất tính toán ba cái công thức sức bền vật liệu, bài toán lặt vặt đổ bê tông. Ông xin đi học bay bổng trên trời tận bên Pháp. Thời đó còn thiếu sĩ quan Việt Nam, ông bàn giao trung đội lại cho một thượng sĩ tên là Trần. Tôi mới ra trường, nhận lại trung đội này, thấy tên và chữ ký của ông trong sổ vật liệu, bèn hỏi thăm về Trung úy Nguyễn Xuân Vinh. Thượng sĩ Trần khen nức nở: “Lạy Chúa tôi, ông giỏi quá, tài quá. Ông tính toán cách sao trung đội đổ bê tông móng cầu không thừa ít cát, ít đá nào!”. Tôi mỉm cười, khen ông giáo sư toán chuyện đổ bê tông cũng giống như “khen phò mã tốt áo”, chuyện “dao mổ trâu giết gà” ông tính chuyện trên mặt trăng, đâu có thèm lui hui đổ xi măng dưới đất đâu.

Trở về đất nước, ông vừa là cấp chỉ huy ở Căn cứ Nha Trang vừa là giáo sư toán cho Trường Võ Tánh. Nhà văn, nhà thơ quá cố Duy Năng năm đó còn là học sinh trung học kể lại: “Ông Vinh vẫn mặc quân phục không quân vội vã đến trường, bỏ mũ kê-pi ra là bắt đầu vào bài giảng ngay...”. Dịp ra mắt tác phẩm tái bản “Giấc ngủ chân đèo” để truy niệm Duy Năng, ông đến chủ tọa để thương nhớ một học sinh cũ có năng khiếu thi ca. Tuy giáo sư Vinh có lịch trình sẵn, nhưng giới văn nghệ sĩ, nhất là anh em Không quân cũ, cần ông nói cho những lời giới thiệu, cảm tưởng, ông dành thì giờ chia xẻ, chung vui với anh em. Thí dụ như lần ra mắt tập thơ của nhà thơ Yên Sơn, Texas, một sĩ quan Không quân, ông đã đến chủ tọa và phát biểu. Ngoài óc nhà toán học phân minh, ông còn trái tim nghệ sĩ nồng nàn.

Ông và ông Nguyễn Cao Kỳ tuy cùng khóa sĩ quan, (Khóa I SQTB Thủ Đức, xuất thân khóa hầu hết đều làm lớn, nắm giữ giềng mối quốc gia như Phó Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện, Tướng lãnh, Tư lệnh...), cùng quân chủng nhưng hai con người hoàn toàn khác biệt. Khi ông Vinh là đại tá Tư lệnh Không quân, ông Kỳ còn lẽo đẽo đeo thiếu tá, coi một Không đoàn nào đó. Ông Kỳ nổi nang, bốc đồng, nói nhiều, thích đá gà, thì ông Vinh trầm tĩnh, sâu sắc, từ tốn, ưa làm thơ ngắm tranh cổ. Ông Kỳ là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, là Phó Tổng Thống “ ngồi chơi xơi nước”, thì ông Vinh trở thành một giáo sư tiến sĩ, một nhà khoa học nổi danh trong ngoài nước.

Ông Kỳ gặp nhiều vấp váp, hớ hênh trong lãnh vực hành chánh, chính trị, đã bị De Gaulle hỏi móc lò và chơi chữ: “Ky - e- Ky?” và không nhận tiếp. Trong giới khoa học, trí thức Mỹ, Pháp, Việt kính nể ông Vinh. Còn trong giới nhà binh và nhất là giới Không quân, tôi không được rõ anh em nghĩ gì về ông Kỳ. Tôi đem câu hỏi về ông “Con Phật”, hỏi ông Vinh, nhà khoa học chỉ cười hiền, không ý kiến.

Chúng tôi theo ông vào phòng làm việc, bàn giấy cũng là bàn đặt máy vi tính, bề bộn giấy tờ. Căn den nhỏ quá không đủ chỗ cho ông đặt sách, dưới thảm bề bộn sách bìa cứng toàn bằng Anh văn, Pháp văn. Trên ba mặt tường ông không còn chỗ treo bằng cấp, tưởng lục, giấy khen, bảng ghi công trạng. Lại còn cả đống plaque tưởng thưởng, khen tặng, cảm tạ. Ông cười bảo: “Ấy, có đủ chỗ đâu mà treo, đừng cười nhé!” Tôi hiểu thứ messy này của các nhà thông thái, các ông ấy bừa bãi một cách có thứ tự riêng của các ông ấy, đừng ai dại dột mà thu dọn giùm các ông, sẽ bị cự nự ngay. Tình cờ tôi đọc được bản Resumé của ông trên bàn. Ông giải thích:

Ở Hoa Kỳ có hai hội của các nhà khoa học Hàng Không Không gian. Hội lớn đã vinh danh tôi rồi, bây giờ hội nhỏ cũng muốn làm như thế. Tôi bảo thôi đi, đủ rồi, nhưng các cựu sinh viên Mỹ của tôi họ không chịu, nhất định đưa tên tôi ra dự tranh. Rắc rối là Ban Giám khảo họ chỉ cho tóm tắt trình độ, bằng cấp, phần thưởng danh dự, quá trình sự nghiệp và sách báo đã viết và cho ấn hành nội trong hai trang thôi. Kẹt cho tôi quá, tôi không biết bỏ cái nào ghi cái nào? Cuối cùng tôi phải “ăn gian” đánh chữ cỡ 10 và để space thật ít mới đủ.

Tôi đọc tiếp thấy chữ li ti bắt nhức đầu. Ông ghi: Kỹ sư Hàng không Học viện Không quân Pháp năm 1954; Tiến sĩ khoa học Hàng không Không gian tại Đại học Colorado năm 1955, v.v... Rồi phần thưởng, tưởng lục, giấy khen của Pháp, Mỹ, Trung Hoa Quốc Gia, Brasil, Đại Hàn, Úc, Nhật, Gia Nã Đại. Tôi phát chóng mặt không đọc tiếp được. Trong hàng trăm tài liệu giảng dạy, sơ sơ ông chỉ kể 4 tập tài liệu viết riêng và chừng 13 tập soạn thảo chung với các nhà khoa học khác trên thế giới, chưa kể 4 cuốn sách tiêu biểu ông coi là quan trọng nhất, bìa dày.

Ngại choán nhiều thì giờ của niên trưởng, chúng tôi phải cáo từ, ra về. Chúng tôi thành thật nói với ông “Chúng tôi mong niên trưởng làm cố vấn, không phải chỉ để làm vì, để lấy tiếng của ông. Chúng tôi thật sự muốn làm việc, vậy mong ông giúp đỡ, hướng dẫn thật sự” Nhà Văn, nhà Khoa học sốt sắng nhận lời.

Qua cuộc đến thăm, chúng tôi mới biết rằng ông Vinh đã kín đáo theo dõi những bước thịnh suy của Văn Bút Việt Nam và Văn Bút Việt Nam Hải ngoại rất sát và từ lâu lắm rồi. Chúng tôi ra về và trông mong ở ông những chỉ vẽ quý báu, nhất là mặt liên hệ với quốc tế. Lái xe đưa chúng tôi ra cổng ông vui chuyện, kể “Có một tay đại tá không quân Mỹ đến thăm tôi, khi ra về đã chỉ đường vẽ lối rõ ràng. Vậy mà đương sự lái loanh quanh một hồi lại trở vào cổng!!. Lái máy bay khó, vẫn oanh tạc địch rất chính xác, nhưng về hưu lái xe trên bộ vẫn lạc như thường”.

Tinh Vệ


Nguồn:Caliweekly.com
http://www.caliweekly.com/sinhhoat/gsnguyenvuanvinh.htm
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.12.2006 02:58:13 bởi TTL >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9