Một Nét Thi Văn !
Asin 19.11.2006 13:18:18 (permalink)
Thơ Tự do - Nhận diện qua ý kiến chuyên gia
 
1. Thơ tự do là gì?

Thơ trẻ - sau cách mạng 1945 và gần đây nhất là 1975, chủ yếu là thơ tự do với sự sáng tạo mang tính chất bứt phá mãnh liệt. Thơ tự do không còn chịu sự kìm hãm và chế tài bởi các công thức khô khốc, giai điệu và tiết tấu cũng được bẻ quặt theo nhiều hướng khác nhau, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung.
Tản mạn một chút với nhận định của Võ Tấn Cường với "Thơ tự do - con đường tất yếu của thi ca". Võ Tấn Cường trong nhận định đầu tiên đã phát biểu "Khởi thuỷ của ngôn ngữ là lời nói..". Thiết nghĩ có phải thật như vậy hay không? Khởi thuỷ là tâm thức phản ánh sự vật, hiện tượng ban đầu bằng hình ảnh, nghĩa là nhìn thấy hình ảnh đầu tiên - tượng hình, thứ đến là diễn đạt và bày biện cái hình ảnh - tượng hình ấy bằng ngôn từ - tượng chữ, và cuối cùng là làm cho độc giả hiểu được ngôn từ(làm cho độc giả tượng được chữ - hiểu được chữ) nghĩa là tượng nghĩa( nhìn ra được nghĩa của hình tượng thông qua ngôn ngữ). Vậy, cái sơ khởi của ngôn ngữ phải là hình tượng.
Võ Tấn Cường có một thành công cơ bản trong bài nhận định này. Đó là nhận định về thể cách của thơ tự do. Thơ tự do không bị bó hẹp trong bất cứ một niêm luật nào, nó biến tấu nhẹ nhàng và thanh thoát, co duỗi linh hoạt và tài tình, từ trường đoạn có thể bẻ gãy bất ngờ để tạo nên những mảnh vỡ bất tường, và những mảnh vỡ lại góp phần gắn kết những trường đoạn để trở nên mềm dẻo của tiết tấu.
Tôi xin trích lại một đoạn lấy làm thích thú như sau: "Chính khí chất, cá tính của nhà thơ qui định thái độ lựa chọn phương thức thể hiện. Nhà thơ không hình thành nhịp điệu thi ca trong tâm hồn thì sự kiếm tìm những nhịp điệu ở bên ngoài chỉ là vay mượn, chạy theo chủ nghĩa hình thức và bài thơ chỉ là những ý tưởng nhân văn rời rạc, chắp vá.
Thơ tự do không vần, câu thơ dài ngắn khác nhau, co duỗi linh hoạt không có nghĩa là thiếu sự liên kết nội tại giữa các yếu tố cấu thành bài thơ. Chính cảm xúc, năng lượng tâm linh và lo-gich nội tại của sự vật sẽ kết dính các hình ảnh, chi tiết và ngôn ngữ thi ca
."

2. Tác giả của thơ tự do là ai?
 
Theo bài nhận định của Lý Đợi thì Thi sĩ - tác giả: là người làm ra thơ, nếu anh ta muốn. Tôi xin trích đăng cụ thể như sau: "Thi sĩ là người làm ra thơ, nếu anh ta muốn. Và với cách nói ngắn gọn này, tôi nghĩ và cũng cần phải nói, là cách nói rất huề vốn, vì nó chẳng giải quyết được vấn đề gì; và xưa nay, không ít người đã nói. Cho nên, [chẳng lẽ], thi sĩ là ai - lại là một câu hỏi, một vấn đề huề vốn. Vâng, có thể thế. Vậy thì, thi sĩ là một danh tính huề vốn !".

Đây cũng là cách trung dung để lột mặt một thi sĩ, và cũng chẳng để làm gì, ngay bản thân câu hỏi cũng đã là một sự lố bịch tuyệt vời rồi. Một cậu bé, nhìn thấy bà của mình như thế nào, rồi viết lại những cảm nhận đó - gọi thẳng là miêu tả hình tượng (đơn giản là ngoại hình - tính cách) cũng là đã làm thơ. Một cô gái, gặp gỡ tình nhân trong một trường hợp đáng nhớ nào đó, mơ mộng và viết nhật ký - cũng đã là đang làm thơ đấy...
Tất cả mọi người đều có thể là nhà thơ - thi sĩ, thậm chí còn là thi sĩ được công chúng biết đến nhiều với những tác phẩm được đánh giá cao, nếu người đó thành thật và can đảm nói lên cái suy nghiệm của riêng mình.

Trích "“Một người viết là để liệng đi độc tố mà hắn đã tích lũy bởi cách sống lầm lạc của hắn. Hắn cố gắng khôi phục lại sự hồn nhiên của hắn (Henry Miller, Sexus, Grove Press, p. 24)"

Tóm lại, thi sĩ thơ tự do là bất cứ ai, không kể vùng miền, địa vị xã hội, tiềm lực kinh tế, tuổi tác...Thi sĩ là chính các bạn.

3. Điều gì bắt nguồn cho thơ tự do?
 
Một câu hỏi khó mà không khó, cũ mà không hề cũ. Tại sao vậy? để trả lời câu hỏi này, trước hết tôi và các bạn hãy tìm về phần trên và thẩm định lại thế nào là thơ tự do? - cũng như các thể loại thơ nói chung. Đó là đi từ khởi thuỷ, là tượng hình đến tượng chữ và tượng nghĩa vậy. Lại tìm hiểu về khởi phát của thơ tự do, giai đoạn phát triển là nằm trong thế kỷ 20 cho đến nay, những mâu thuẫn nội tại của bản thể thi sĩ. Thơ tự do, khám phá và biểu lộ một thể thức không giới hạn về nội dung cũng như cách thể hiện, bởi vậy nó mang tính chất "Mới".
Vậy theo các bạn, "Mới" ở đây là mới cái gì? "Mới" như thế nào?. Theo Nguyễn Đăng Điệp với tham luận ở Văn Miếu Quốc Tử Giám nhân ngày thơ lần thứ 2 (5/2/2003) có đưa ra vài điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, "..Không phải cái mới nào cũng hay, cũng được chấp nhận...". điều này tôi không trích nguyên văn bởi vì không cần thiết.
Thứ hai, Mới và Mới đích thực không phải lúc nào cũng là một và "...tôi không mấy tin rằng, những người định dùng trí thông minh và kỹ xảo ngôn ngữ sẽ là những người có khả năng đối mới. Thông minh trong thơ là sự thông minh của con tim, là trí tuệ được thắp lên từ cảm xúc. Nếu không có điều đó, thơ ca sẽ không còn là chính nó nữa. Cùng lắm, nó chỉ là những món trang kim đánh lừa những người nông nổi." - Và điểm này tôi thấy có sự đồng thuận của khá nhiều người, mặc dù trong số những người đồng thuận cũng chưa thật sự hiểu rõ cái "Mới đích thực" mà tác giả nêu lên. Xin ghi lại vài nhận định của tôi về vấn đề này để hầu làm rõ hơn quan điểm trên.
Trước hết, cái mới không hẳn chỉ là những xảo ngữ gây hiếu kỳ, những táo tợn hoang tưởng hay một cái nhìn nhợt nhạt, mà cái mới ở đây chính là giá trị "thật" - bản chất của sự vật và hiện tượng (tượng hình). Chỉ có làm bật lên được cái thật đó thì mới là "Mới đích thực" cũng như việc làm thế nào để lột tả được cái "Mới đích thực" này ngoài việc trải nghiệm có ý thức.
Các anh đừng bao giờ nhầm lẫn giá trị đích thực của cuộc sống với những ảnh hưởng của tư tưởng nhân văn - nhân đạo, đạo đức xã hội, lý tưởng anh hùng cách mạng hay tinh thần yêu nước và tự cường dân tộc, mấy thứ đó chẳng làm được cái gì mới cho nền thi ca, có chăng nó dìm chết thi ca trong địa ngục.
Một trong những nét độc đáo của sự phát tán và lan truyền một cách nhanh chóng làn sóng sáng tác thơ tự do, đó chính là nhu cầu tìm hiểu và hiển thị sự thật đời sống. Muốn làm điều này, hàng triệu triệu bộ óc và tấm thân đã lê lết khắp các địa ngục trần gian trên đôi chân trần rớm máu như Rimbaud - chìm ngập trong thái quá để nhận ra: "“Con đường thái quá dẫn tới lâu đài minh triết,” (The road of excess leads to the palace of wisdom)". Và ông đã đi hết con đường của mình, phá huỷ tất cả những gì đã xây dựng từ ấu thơ đến khi bắt đầu tìm kiếm sự minh triết ở tuổi 15. Cuộc gặp gỡ như điều an nhiên phải diễn ra giữa chàng trai với đôi chân của gió này với P.Verlaine (Tên của ông này có thể không được chính xác) trong mối tình trai đầy bất trắc.
Để rồi sau đó ông được thờ phượng, được nhắc đến như là mỗi ngày người ta phải ăn uống và hít thở - bởi một thiên tài khác Henrry Miller - người được mệnh danh là "Một nhà văn minh triết" với ý thức: "“Tôi muốn chữ nghĩa của tôi trôi chảy đồng cách mà thế giới chẩy trôi, một vận hành trườn uốn qua vô lượng chiều, trục, xứ sở, phong thổ, trạng huống” (I would like my words to flow among in the same way the world flows along, a serpentine movement through incalculable dimensions, axes, latitudes, climates, conditions – The Wisdom of the Heart)".
Cái quằn quại của con thú giãy chết khi bị thương với dòng máu bắn toé ra từ cái lỗ dao đâm toang hoác, chính là sự sáng tạo tài tình của hình tượng. Sáng tạo ở đây, trong thi ca nói chung và thơ tự do nói riêng không phải là sự rụt rè sợ hãi - mà phải quyết liệt dấn thân.
Anh sợ hãi thì anh sẽ không thể có thi tứ hay, bởi vì anh còn quá lệ thuộc vào con chữ mà quên đi cái bản thể gốc là hình tượng. "Anh sợ hãi vì anh muốn làm thiên tài chứ anh không phải thiên tài - Anh sợ hãi vì anh là thiên tài chứ không làm thiên tài - Anh sợ hãi vì anh hời hợt chứ không sâu sắc, anh sợ hãi vì anh chịu sâu sắc chứ không dám ồn ào -...Thơ đi từ ngôn, Ngôn đi từ vô ngôn, vô ngôn đi từ huyền, mà Huyền chi hựu huyền" - Phạm Công Thiện.
Đấy là sự sáng tạo trong bản thể gốc, cái uyên nguyên vô cực vậy.

4. Ảnh hưởng của thơ tự do trong thi ca hiện đại.
 
Chính thể cách thơ tự do ra đời đã, đang và sẽ là cứu cánh cho tất cả sự "chân thật" của cuộc sống hiển hiện như là một lẽ đương nhiên - "Bất khả kháng". Trong một trình tự nào đó, thì tây phương có Nietzsche, Rimbaud, Henry Miller,
Schopenhauer, William Faulkner, André Gide, Georges Simenon, Rainer Maria Rilke, Emerson, Thomas Wolfe)...vân vân...
Ngay trong thơ á đông, một vài đặc tả qua của Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Tuệ sỹ, Phạm công Thiện...vân vân. Và cũng là của rất nhiều thế hệ nhà văn nhà thơ sau này...Ở đây, rất nhiều không có nghĩa là tất cả, bởi ai cũng có quyền nhận định và phóng tác theo bất cứ gì cảm nhận từ cuộc sống..Và hàng trăm đầu sách về các tác giả nổi tiếng trên được in, xuất bản bởi những nhà xuất bản có danh tiếng trong nước cũng như ngoài nước.
Đó mới chỉ là nói sơ qua về tình hình thi phẩm, thi sĩ của những năm mà khi phong trào thơ mới xuất hiện không lâu, còn ngày nay, trên thi đàn dân tộc việt Nam, chúng ta đã bắt gặp không ít những cây bút trẻ có sức sáng tạo tương đối lớn, mạch văn cô đọng súc tích mà vẫn hàm chứa được tất cả những ý tưởng đáng nói như Dương thu hương, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Vi thuỳ linh...vân vân.
Tất nhiên, cái xu hướng phát tán nhanh không đối thủ bằng Internet, các thi sĩ còn xuất bản thơ truyền thống Giấy - Dập khuôn- Dàn trang- và đóng gáy - Thế là chúng ta sắp được đọc khối thứ hay ho và hấp dẫn đây.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.12.2006 15:12:27 bởi Asin >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9