(url) Trần Quốc Vượng [1934-2005]
sóng trăng 21.11.2006 04:46:28 (permalink)
.


Trần Quốc Vượng



Trần Quốc Vượng
12/12/2934-08/08/2005
là nhà Văn Hóa Sử Học
chủ trương Dân Chủ
không gia nhập Đảng Cộng Sản
 luôn hết sức tận tâm nghiên cứu
và bồi đắp nền Văn Hóa Sử Việt Nam
 

Tiểu Sử Theo Wikipedia:
 
Trần Quốc Vượng sinh ngày 12 tháng 12, 1934. Ông sinh trưởng tại Kinh Môn, Hải Dương. Năm 1956 ông tốt nghiệp thủ khoa cử nhân SửĐịa trường Đại học Văn khoa Hà Nội và được giữ làm cán bộ giảng dạy trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980 ông được phong hàm giáo sư.
Các chức vụ đã đảm nhiệm: chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học, Đại học Tổng hợp Hà Nội; giám đốc Trung tâm nghiên cứu Liên văn hoá-Lịch sử, trưởng bộ môn Văn hoá học, khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; phó tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hoá ẩm thực Việt Nam, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghề truyền thống Việt Nam, tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, chủ tịch đầu tiên của Hội Sử học Hà Nội...
Ngày 22 tháng 9, 2003 ông lập gia đình lần thứ hai với người vợ trẻ hơn ông gần 30 tuổi (sinh năm 1963). Người vợ trước của ông đã mất trước đó khá lâu.

 Tác phẩm
 
Ông được cho là đã đưa ra nhiều ý kiến mới và sắc sảo về các diễn tiến lịch sử.
Ông có hơn 30 đầu sách đã xuất bản:
  • Sách chuyên khảo:
  • 1960, phiên dịch và chú giải Việt sử lược (khoảng thế kỷ 14, đây là bộ sách sử xưa nhất do người Việt viết còn truyền lại)
  • 1973, chủ biên bộ Danh nhân Hà Nội (2 tập)
  • 1975, đồng tác giả Hà Nội ngàn xưa (cùng Vũ Tuân Sán)
  • 1976, đồng tác giả Mùa xuân và phong tục Việt Nam (cùng Lê Văn Hảo, Dương Tất Từ)
  • 1993, Trong cõi (NXB Trăm Hoa, California), tập tiểu luận
  • 1995, Theo dòng lịch sử
  • 1998, Việt Nam, cái nhìn địa văn hoá
  • 2000, Văn hoá Việt Nam – tìm tòi và suy ngẫm (1000 trang, tập hợp 74 bài viết)...

    • Sách giáo khoa: Cơ sở khảo cổ học, Cơ sở văn hoá học, Lịch sử Việt Nam...
    • Ngoài ra, ông còn viết hàng trăm bài nghiên cứu đăng ở các báo và tạp chí trong và ngoài nước.

      "Tứ trụ triều đình" sử học Việt Nam đương đại

      Ông được xem là một trong "tứ trụ" ("Lâm, Lê, Tấn, Vượng", tức gồm Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng) của sử học Việt Nam đương đại. Theo lời giải thích của chính ông, đó là chuyện huyền thoại và có lẽ hình thành vào cuối thập kỷ 1960, khi cả bốn ông đều nổi tiếng học giỏi. Ra trường vào giữa thập kỷ 1950, ba ông “Lâm, Lê, Vượng” học cùng khoá, còn ông "Tấn" học sau (thủ khoa năm 1957). Sau đó, theo lệnh của khoa, ông và giáo sư Hà Văn Tấn góp sức xây dựng ngành Khảo cổ học của khoa Sử... Vì năm 1954, khi Pháp rút khỏi Việt Nam thì ngành Khảo cổ Việt Nam chỉ còn là con số 0, không để lại một nhà khảo cổ học nào. Ông đã lên lớp đầu tiên về Khảo cổ học Việt Nam niên khoá 19591960, cùng với sự giúp đỡ tư liệu của giáo sư Hà Văn Tấn.


      <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.12.2006 02:23:04 bởi TTL >
    • #1
        sóng trăng 21.11.2006 05:03:55 (permalink)
        .
         
        VĨNH BIỆT GIÁO SƯ TRẦN QUỐC VƯỢNG
        Trích điếu văn
        của Trường ĐHKHXHNV - ĐHQGHN


        Giáo sư Trần Quốc Vượng chính quê ở xã Lê Xá, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, sinh ngày 12 tháng 12 năm 1934 tại huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương, là con trai út trong một gia đình công chức - trí thức.
        Tốt nghiệp ngành lịch sử trường Đại học Sư Phạm Hà Nội năm 1956, ông làm tập sự trợ lý cho GS. Đào Duy Anh ở bộ môn Cổ sử Việt Nam. Từ đó, Ông gắn trọn đời mình với sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu của Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp, nay là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
        Trong 50 năm công tác tại trường, từ năm 1980 - 1993 ông làm Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học, từ năm 1989 đến nay kiêm chức vụ Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Liên văn hoá - lịch sử. Năm 1993-1996, ông làm Trưởng môn Văn hoá học của Đại học đại cương thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội kiêm phụ trách ngành Du lịch học, rồi từ 1996-2004 ông là Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Khoa Du lịch học, từ 1998 đến nay là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử văn hoá Việt Nam.
        Từ năm 1976 GS. Trần Quốc Vượng kiêm nhiệm chức vụ Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, góp phần quan trọng xây dựng ngành Hà Nội học. Từ năm 1989 ông đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông cũng là Chủ tịch Hội sử học Hà Nội khoá II và Uỷ viên Ban chấp hành Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khoá IV và khoá V.
        Giáo sư Trần Quốc Vượng là một trong những người có công khai mở và gây dựng nhiều ngành khoa học mới, môn học mới. Bên cạnh việc giảng dạy môn Cổ sử Việt Nam, ông đã cùng đồng nghiệp xây dựng bộ môn Khảo cổ học. Có thể nói hầu như không có một di tích lịch sử, một di chỉ, một phát hiện quan trọng nào trên đất nước ta lại không có sự tham gia, khảo sát và tiếng nói của ông. Là một trong những nhà khảo cổ học đầu ngành, ông đã góp phần khẳng định bản sắc văn hoá dân tộc và truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc Việt Nam, làm rõ những giá trị tiêu biểu của các nền văn hoá Việt Nam trong mối liên hệ với môi trường văn hoá khu vực và thế giới.
        Với lòng đam mê khoa học, GS. Trần Quốc Vượng đã đặt chân đến khắp mọi miền Tổ quốc, “Theo dòng lịch sử” để “Tìm tòi và suy ngẫm”, để ”Đi tìm bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam”, thấu hiểu con người, môi trường và văn hoá “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật” (Ghi theo tên một số công trình của ông) Ông dành nhiều năm tháng lăn lộn với những chuyến đi khảo sát thực địa, rong ruổi nơi đầu nguồn cuối biển, từ Thủ đô Hà Nội đến những nơi tận cùng của đất nước để tìm hiểu, phát hiện và nghiên cứu lịch sử, văn hoá dân tộc. Ông vừa đi vừa học, vừa chiêm nghiệm, thực sự dấn thân vào những vấn đề khoa học nan giải. Đồng nghiệp và học trò của ông nhận xét: không đi thật nhiều, không nói thật nhiều và không viết thật nhiều thì ông không phải là GS. Trần!  Khó mà thống kê đầy đủ, ông đã viết hơn 50 đầu sách, gần 1 ngàn chuyên luận, bài báo công bố trên các tạp chí chuyên ngành và nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Phải là một nhà nghiên cứu thực sự yêu nghề, say nghề và thông tuệ thì mới có thể hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ đến như vây.
        Các công trình nghiên cứu của GS. Trần Quốc Vượng không chỉ có giá trị tổng kết sâu sắc những thành tựu, những quan điểm học thuật, cập nhật những thông tin khoa học mới ở trong nước và thế giới mà còn gợi mở cho các nhà nghiên cứu thế hệ sau những định hướng, những ý tưởng khoa học hết sức quý báu. Ông đã trực tiếp đào tạo, hướng dẫn khoa học cho hàng ngàn sinh viên, hàng trăm học viên cao học và nghiên cứu sinh. Nhiều học trò của ông nay đã thành danh, đảm trách các cương vị quan trọng trong các trường đại học, các viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước.
        Cùng các đồng nghiệp trong giới sử học Việt Nam, GS. Trần Quốc Vượng luôn là người đi đầu, khơi mở phương pháp nghiên cứu Tiếp cận liên ngành, đặc biệt là mối liên hệ Liên ngành, Đa ngành và Xuyên ngành giữa Cổ sử và Khảo cổ học với Nhân học - Văn hoá học - Môi trường sinh thái. Ông là một tấm gương về tinh thần tự học, giỏi nhiều ngoại ngữ, sắc sảo và thông hiểu nhiều lĩnh vực khoa học và nhờ đó, ông trở thành một học giả uyên bác, có uy tín ở trong và ngoài nước.
        Ông đã tham gia và chủ trì nhiều hội thảo khoa học quốc tế ở Hoa Kỳ, Nga và nhiều nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái lan, Xingapo, Malaixia, Philippin… Với độ tin cậy cao, nhiều học giả nước ngoài đã viện dẫn ý kiến của ông trong tác phẩm của họ. Ông đã góp công thiết lập nhiều mối liên hệ hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu và các nhà khoa học nước ngoài cho các ngành Khảo cổ học, Văn hoá học.
        Trong những ngày lâm trọng bệnh, ông vẫn trăn trở về một số công việc đang dang dở, vẫn động viên học trò theo đuổi những dự định nghiên cứu, vẫn gắng gượng chỉnh sửa một số bài viết về quê hương Hà Nam như một sự hướng về nguồn cội.
        Với những đóng góp trong suốt cuộc đời lao động khoa học, GS. Trần Quốc Vượng được Nhà nước phong chức danh Giáo sư năm 1980, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1990; được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất cùng nhiều Huy chương: Vì sự nghiệp giáo dục, Vì Thế hệ trẻ, Vì sự nghiệp khoa học - công nghệ, Vì sự nghiệp văn hoá - nghệ thuật,Vì sự nghiệp văn hoá dân gian, Chiến sĩ Giải phóng, Chiến sĩ Biên phòng …
        Giáo sư Trần Quốc Vượng vĩnh biệt chúng ta vào hồi 2h55 ngày 8/8/2005 tại Hà Nội. Ông đã đi về cõi vĩnh hằng song sự nghiệp khoa học của ông mãi mãi là những đóng góp vô giá cho nền sử học, khảo cổ học, văn hoá học nước nhà. Trong trái tim đồng nghiệp, học trò và bầu bạn của ông, GS. Trần Quốc Vương luôn là tấm gương sáng của một nhà giáo tận tuỵ, một nhà khoa học tài năng, một người Thày đáng kính, một người bạn chân tình.


        MỘT TỔN THẤT LỚN ĐỐI VỚI NGÀNH VIỆT NAM HỌC THẾ GIỚI
        GS. Furuta Motoo
        Phó giám đốc Đại học Quốc gia Tokyo, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Việt


        “Giáo sư Trần Quốc Vượng mất đi là một tổn thất lớn đối với ngành Việt Nam học thế giới. Chúng tôi - những nhà Việt Nam học Nhật Bản - đã từng có cơ hội tiếp xúc với Giáo sư Vượng và được Giáo sư Vượng dạy dỗ, vô cùng đau thương khi biết tin này và tưởng nhớ tới Giáo sư Trần Quốc Vượng!”


        NHỚ VỀ ANH TRẦN QUỐC VƯỢNG
        GS. Đinh Xuân Lâm


        Tôi biết anh Vượng rất sớm, từ những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, khi anh là học sinh trường Trung học Lam Sơn (Thanh Hoá). Mãi tới sau ngày tiếp quản Thủ đô, tôi được Sở giáo dục Liên khu IV cử ra Hà Nội học mới gặp lại anh, rồi trở thành bạn cùng lớp với anh, năm thứ hai trường Đại học Sư phạm. Duyên may đưa đẩy, khi ra trường tôi được giữ lại làm tập sự trợ lý cho GS. Trần Văn Giàu, cùng hai anh Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng làm tập sự trợ lý cho GS. Đào Duy Anh. Và như vậy, tôi đã trở thành bạn đồng môn, đồng nghiệp thân thiết với anh Vượng trong hơn 50 năm qua (1954 - 2005).
        Đối với tôi, về mặt con người, anh Vượng là một người bạn vong niên chân thành; về mặt chuyên môn là một nhà giáo dục tài năng, một nhà Sử học, Khảo cổ học, Hà Nội học, Văn hoá học uyên bác. Điều đáng chú ý là trên tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, anh Vượng luôn là người đi đầu, xông xáo, năng động và có nhiều phát hiện khám phá sâu sắc nên không chỉ giới khoa học trong nước cảm phục mà giới khoa học quốc tế cũng đánh giá cao.
        Anh Trần Quốc Vượng mất đi là một tổn thất lớn cho ngành Khoa học xã hội nhân văn của nước ta, cho tất cả chúng ta.


        TƯỞNG NHỚ GIÁO SƯ TRẦN QUỐC VƯỢNG
        GS. Phan Huy Lê


        Từ những ngày Tết Ất Dậu-2005, một tin không vui lan truyền trong làng sử-khảo cổ Hà Nội: anh Vượng bị ung thư thực quản giai đoạn cuối. Tôi và vợ tôi đến thăm nhân dịp Tết nhưng cũng chỉ nói chuyện tào lao, không ai muốn nhắc đến tin không vui kia. Tất nhiên sau đó, anh Vượng biết và cũng sớm xác định được thái độ ứng xử bình tĩnh trước căn bệnh hiểm nghèo đến với con người như một định mệnh mà thời gian tính hàng tháng rồi hàng tuần và hàng ngày... Nhưng dù sao tôi cũng bất ngờ và rất đau buồn khi khoảng 4 giờ sáng ngày 8-8-2005, anh Nguyễn Văn Kim từ bệnh viện Hữu Nghị gọi điện thoại báo tin buồn anh Vượng đã ra đi lúc 2.55 giờ.
        Thật không ngờ trong nhóm Lâm - Lê - Tấn - Vượng, anh Vượng lại ra đi đầu tiên. Tôi cảm thấy một sự mất mát, vắng thiếu trong số bạn bè thân thiết. Giữa năm nay anh Trương Hữu Quýnh (Giáo sư Đại học sư phạm Hà Nội) vừa ra đi, cũng vì bệnh ung thư. Lớp Sử - Địa của chúng tôi có 29 người thì anh Vượng là người ra đi thứ 9, sau đây là ai...
        Tôi biết anh Vượng từ năm 1952 dưới mái trường Dự bị đại học ở Thanh Hóa. Từ đó cho đến nay, chúng tôi là bạn đồng tuế, cùng tuổi Giáp Tuất-1934; đồng môn, cùng học với các thày Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Trương Tửu...; đồng nghiệp, cùng công tác ở Khoa sử Đại học tổng hợp, nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, từ năm 1956 cho đến nay... Tính ra 53 năm (1952-2005), hơn nửa thế kỷ đã gắn bó chúng tôi lại với biết bao quan hệ và kỷ niệm, vui buồn có, tranh cãi về học thuật không ít, cũng có lúc bực bội nhau...Phải nói rằng, trong bốn chúng tôi, mỗi người một phong cách, một cá tính, một lối sống khác nhau, có khi trái ngược như đối lập nhau. Anh Vượng là người có cá tính đặc biệt nhất với lối sống thoải mái, ăn nói táo tợn đến bỗ bã, kể cả lúc lên lớp hay hội thảo khoa học, thích châm chọc, đả kích đến chua cay, ưa nhậu nhẹt... Nhưng chúng tôi hiểu nhau, hiểu nhau về sở trường và sở đoạn, về năng lực và tính cách từng người, từ đó tôn trọng nhau và sẳn sàng bỏ qua cho nhau những khác biệt của mỗi người.
        Cái gắn bó chúng tôi với nhau là lòng say mê trong khoa học, ước nguyện tìm tòi, khám phá cái mới, tôn trọng sự thật và luôn luôn xuất phát từ tư liệu với phương pháp luận khoa học để cố gắng viết lại những trang sử khách quan, trung thực trong khả năng nhận thức cao nhất của mình. Về phương diện này, có nhà sử học Pháp đã coi Khoa sử Đại học Tổng hợp Hà Nội như một trường phái sử học với phong cách chung là coi trọng sử liệu, từ sử liệu để đưa ra các phân tích, khái quát khoa học, không chấp nhận sự áp đặt các công thức, mô hình từ bên ngoài vào sử học. Có lẽ chúng tôi chỉ là lớp học trò kế tục những bậc thày của mình.
        Trong cái chung đó, anh Trần Quốc Vượng là người rất thích thú đi vào những lĩnh vực mới mẻ mang tính khai phá. Từ nghiên cứu và giảng dạy cổ sử Việt Nam, anh cùng anh Hà Văn Tấn khai phá và xây dựng một chuyên ngành mới: Khảo cổ học. Các anh tự nghiên cứu và nhờ sự hỗ trợ của một chuyên gia Xô Viết, GS Bôrixkôpxki, biên soạn giáo trình khảo cổ học đầu tiên ở Việt Nam. Anh say mê đi điều tra, khảo sát điền dã và chỉ đạo nhiều cuộc khai quật khảo cổ học. Hầu như không có phát hiện khảo cổ học, không có hội thảo khảo cổ học nào mà không có mặt với vai trò chủ trì hay tham dự của Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn. Vết chân Trần Quốc Vượng cùng các đoàn học trò để lại trên hầu khắp các di tích khảo cổ học của mọi miền đất nước. Trong công tác điền dã, anh thích mở rộng điều tra, thu thập mọi nguồn tư liệu, từ địa hình, địa danh, môi trường, sinh thái đến các đến chùa, đình miếu, các lễ hội, các văn bia, nhất là các tư liệu văn hóa dân gian... Từ niềm say mê này dẫn anh đến lĩnh vực văn hóa dân gian rồi văn hóa học. Anh là người khởi xướng đưa môn văn hóa vào chương trình đào tạo đại học và sau đại học của Khoa sử, rồi xây dựng Bộ môn lịch sử văn hóa.
        Anh Vượng quê ở Hà Nam, sinh ra ở Hải Dương, nhưng ba đời đã từng sống ở Hà Nội và anh rất tự hào là thuộc loại cư dân “Hà Nội gốc” vì theo tục lệ cổ truyền thì qua ba đời ngụ cư trở thành chánh cư. Chính vì vậy và do ý thức trách nhiệm muốn đóng góp gì đó cho Thủ đô, anh đã giành khá nhiều công sức nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Hà Nội. Khái niệm Hà Nội học do anh đặt ra để suy tôn những người có nhiều cống hiến cho nghiên cứu Hà Nội như cụ Vũ Tuấn Sán, cụ Hoàng Đạo Thúy, cụ Nguyễn Vinh Phúc...
        GS. Trần Quốc Vượng là một nhà giáo, một nhà sử học, một nhà khảo cổ học, một nhà văn hóa học, một nhà Hà Nội học tài năng, có nhiều cống hiến đáng trân trọng với nhiều tìm tòi, khám phá mang đậm “dấu ấn Trần Quốc Vượng”. Dù người khen, người chê, người hâm mộ, người bài bác, nhưng phải ghi nhận GS. Trần Quốc Vượng là một nhà khoa học tài hoa, giàu tính sáng tạo, suốt đời dấn thân trong lao động khoa học, sống với cá tính riêng của mình bất chấp sự khen chê. Đấy chính là Trần Quốc Vương như tôi hiểu, tôi biết và tôi quý mến trong tình cảm rất thân thiết của bạn đồng tuế, đồng môn và đồng nghiệp.     



        VỀ THẦY TRẦN QUỐC VƯỢNG
        PGS.TS Nguyễn Hải Kế

        Khoa Lịch sử trường Đại học KHXHNV, Đơn vị Anh hùng, không thể có được những thành tựu, vinh quang như ngày hôm nay nếu không có công sức đóng góp và trí tuệ của những người thầy, những nhà khoa học gắn bó, yêu nghề, yêu người như GS. Trần Quốc Vượng.
        Cùng với những bậc đại thụ khác, Ông đã bền bỉ, kiên định trong suốt dặm đường dài để xây dựng, phát triển các khoa học lịch sử và ngành khoa học xã hội Việt Nam.
        Những chuyến đi mút mùa khắp mọi miền đất nước để học - hỏi - hiểu - hành đã luyện nên tài năng của Ông. Và chính Ông, bằng lao động khoa học say mê của mình đã làm rạng rỡ những đặc tính lịch sử - văn hoá của các vùng quê, nơi Ông đã từng sống và làm việc.
        Không phải chỉ hơn nửa thế kỷ qua, nhiều người đã và đang cần đến Ông mà mãi về sau, các thế hệ học trò, những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy Lịch sử, Khảo cổ học và Văn hoá học… sẽ vẫn cần đến Ông.
        Tắm mình trong môi trường lịch sử - văn hoá của nhân dân, của đất nước và thời đại để chắt lọc và trao truyền, nhân lên cho thế hệ trẻ tình yêu sử và lòng tự hào dân tộc, tinh anh của GS. Trần Quốc Vượng vẫn còn sống mãi, sáng mãi với đời.
        [font=.vntime] 




        Trường ĐH KHXH & NV [Tạp chí Khoa học.]
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 21.11.2006 05:16:32 bởi sóng trăng >
        #2
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9