(url) Bùi Ngọc Tấn

Tác giả Bài
sóng trăng
  • Số bài : 1013
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 25.02.2006
(url) Bùi Ngọc Tấn - 25.11.2006 12:39:40
 
 
 
BÙI NGỌC TẤN
 


"Tôi viết về sự nhếch nhác trần ai
 của những người làm nghề, về
chông gai và cả hiểm nguy của
người nghệ sĩ, đặc biệt là với nghề văn",
nhà văn Bùi Ngọc Tấn nói về
"Rừng xưa xanh lá", tác phẩm
đoạt giải B Hội nhà văn VN 2005
 

Ông đón nhận tin tác phẩm của mình đoạt giải thưởng với tâm trạng như thế nào?
- Tôi không khỏi bất ngờ vì không nghĩ giải thưởng của Hội - sự thừa nhận chính thống - lại có lúc đến lượt mình, một người từng bị treo bút và có thể đang gây ngần ngại.
Điều làm tôi vui nhất chính là sự thừa nhận cởi mở có lẽ không chỉ của Hội nhà văn VN mà có thể còn ở các cấp cao hơn. Còn với bạn đọc, tôi nghĩ lâu nay, thương hiệu Bùi Ngọc Tấn có lẽ cũng đã đủ có một chỗ đứng nhất định trên thương trường.
- Điều khiến người đọc yêu mến "Rừng xưa xanh lá" không phải là những câu chuyện có thật cười ra nước mắt, mà chính là giọng văn Bùi Ngọc Tấn: đau đáu thổn thức, trĩu nặng tâm can nhưng vẫn tươi sáng giản dị, hồn hậu ân tình... Ông nghĩ sao?
- Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc nói chuyện gần đây, tôi lấy nhan đề là Tôi dọn mình để đối thoại với vô cùng. Viết là để mình được có dịp đối thoại với cái vĩnh cửu, là cố làm ra được vài trang sách chống chọi lại với thời gian, là cố gắng không để mình bị đo ván dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Văn nghệ theo tôi, quý trước hết vẫn là ở lòng nhân, là tình yêu thương con người. Tôi viết văn không phải để cạnh khóe ai, không phải viết cho bõ tức. Với tôi, mỗi lần viết là để mình được tốt hơn lên.
- Có lo ngại rằng, chừng nào văn học VN còn nặng cảm hứng ôn nghèo kể khổ về thời đã qua thì chừng ấy cuộc sống hôm nay còn khó được nhận diện và có chỗ. Ông nghĩ sao về điều này?
- Bất kỳ dòng văn học nào nói được chân thành và trung thực về thân phận con người và nhất là về những điều chưa từng được nói đến, hoặc chưa được nói đúng thì không có gì là "đã qua" cả, nếu không muốn nói là đều đáng quý và tuyệt vời.
- Nếu được làm lại, ông sẽ sửa "Rừng xưa xanh lá" như thế nào?
- Tôi mong sẽ co lại được ngắn hơn ở những đoạn tôi đã trót rông dài. Còn hiện tại, tôi đã viết được già 200 trang trong tổng số khoảng 800 trang cho cuốn tiểu thuyết mang tên Không có chân trời, viết về những người đánh cá biển, nơi tôi từng sống và làm việc suốt 20 năm.
- Người đọc hy vọng gì vào một "Ông già và biển cả" của VN?
- Tôi không viễn tưởng như thế đâu. Như một vận động viên nhảy cao, tôi chỉ dám hứa là: nếu đã nhảy qua được 1m70 thì tiếp theo chỉ có thể là 1m71 trở lên hoặc cùng lắm là 1m69 chứ không thể thấp hơn được đâu.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)


Truyện của Bùi Ngọc Tấn trên Việt Nam Thư Quán


.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.12.2006 10:11:03 bởi TTL >

sóng trăng
  • Số bài : 1013
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 25.02.2006
RE: Bùi Ngọc Tấn - 25.11.2006 12:45:19
.
 
 
Liệu "Truyện Kể Năm 2000"
 có được tái xuất bản?
Lê Dân, phóng viên đài RFA, Feb 01, 2006

 
 


RFA - Vào đầu thiên niên kỷ này, khi toàn nhân loại đang nô nức đón chào 1000 năm sắp tới với niềm hân hoan, pha chút lo lắng, thì tin cuốn sách "Chuyện Kể Năm 2000" của nhà văn Bùi Ngọc Tấn bị tịch thu đã làm khá nhiều người hụt hẫng.


5 năm sau, đã có nhiều tiếng nói gióng lên yêu cầu nhà chức trách văn hóa Việt Nam hãy dũng cảm sửa sai và cho cuốn tiểu thuyết này được đến tay độc giả. Lê Dân tìm hiểu thêm và lược thuật các diễn tiến như sau.

Ông Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1935 tại Hải Phòng, từng cầm bút từ những năm 50. Đến năm 1968 ông cùng vài bạn hữu bị bắt giam không xét xử về tội "Xét lại, chống Đảng".

Được trả tự do năm 1973, suốt hai mươi năm kế tiếp ông không được phép viết lách gì, ngay cả nhật ký cũng thường xuyên bị công an văn hóa xét nhà, lục lọi tịch thu, dù ông chỉ mưu sinh theo nghề biển ở quê hương.

Bài báo đầu tiên của ông chỉ xuất hiện vào năm 1993 với tựa đề "Nguyên Hồng, một thời đã mất" đăng trên tập san Cửa Biển của Hải Phòng. Quyển sách kế tiếp là "Một thời để mất" xuất bản năm 1995. Rồi đến hai tuyển tập truyện ngắn "Những người rách việc" và "Một ngày dài đằng đẵng" in năm 1996.

Ngay từ năm 1990, ông Bùi Ngọc Tấn đã khởi sự viết "Chuyện kể năm 2000", mô tả những hoàn cảnh đày đọa trong những trại cải tạo mà ông từng phải trải qua.

Nó chất chứa không những các kinh nghiệm bản thân của ông, mà còn kể lại những mảnh đời tan vỡ của đủ lớp người trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ dưới chế độ cải tạo lao động.

Bản thân nhân vật chính là nhà báo Nguyễn văn Tuấn, sau khi được thả ra, dù có chút tự do nhưng nhận biết là không bao giờ được hưởng tự do thật sự nữa. Tự do không hề có và những người đòi hỏi quyền tự do đó chỉ thấy là đời họ sẽ bị dập nát, chóng hay chầy mà thôi.

Và “Chuyện kể năm 2000”

Cuốn "Chuyện kể năm 2000" vừa in tháng Hai năm 2000 thì ngày 16 tháng Ba bộ Văn hóa-Thông tin ký quyết định số 395 đình chỉ, thu hồi và tiêu hủy cuốn này do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.

Gần 5 năm sau, nói đúng hơn là hạ tuần tháng Mười Một năm 2005 vừa qua tại cuộc hội thảo của Hội Nhà văn Hải Phòng mang nhan đề "Để có tác phẩm hay", nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã góp bài tham luận mang chủ ý "làm sao có tác phẩm hay, khi còn nhiều yếu tố nằm ngoài các nhà văn". Qua đó, ông nêu cụ thể trường hợp cuốn "Chuyện kể năm 2000" bị tịch thu oan ức.

Hội thảo có hơn 300 người cầm bút tham dự, trong số đó có khoảng 50 người từ trung ương xuống Hải Phòng góp mặt. Một nhà văn kể lại cho chúng tôi:

“Trên ba trăm người, ở cả trung ương về cũng mấy chục người. Lần đầu tiên ở Hải Phòng có một hội nghị dám nói thẳng, nói thật, nói mạnh...”

Đụng đến những điều cấm kỵ?

Bài tham luận của ông Bùi Ngọc Tấn hôm đó cho biết quyết định của bộ Văn hóa-Thông tin nói tác phẩm của ông vi phạm khoàn 1 và 2 điều 22 luật xuất bản và ông xin đọc tại hội thảo để mọi người cùng biết mà tránh.

Đó là điều 1 nghiêm cấm các tác phẩm có nội dung chống lại nhà nước XHCN, điều 2 cấm tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù, truyền bá lối sống dâm ô, phá hoại thuần phong mỹ tục....

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn cho biết đây rõ ràng là một sự vu cáo chính trị và cũng có thể hài hước nữa mà ông đồ rằng khi ông thứ trưởng Phan Khắc Hải viết và ký quyết định đã cười một mình, ông phải tự trào với chính ông ta.

Ông nói thêm là trái với sự đánh giá của ông thứ trưởng, "Chuyện kể năm 2000" được dư luận hoan nghênh. Ông nhắc đến tập sách đó như một thí dụ nhằm nói điều tối quan trọng để có những tác phẩm hay theo chủ đề cuộc hội thảo, là một yếu tố nằm ngoài các nhà văn, đó là sự đánh giá của nhà nước.

Ông yêu cầu Hội Nhà văn, với chức năng là một hội chính trị, nghề nghiệp theo điều lệ định rõ thì phải có trách nhiệm bảo vệ hội viên của mình.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đề nghị Hội Nhà văn đứng ra tổ chức hội thảo về cuốn "Chuyện kể năm 2000" để đánh giá chuẩn xác về mặt chính trị và nghệ thuật, minh oan cho một vụ án sách.

Theo ông thì một vụ án người oan sai còn có thể bị lãng quên, nhưng một vụ án sách oan sai thì đời đời còn đó.

Vai trò của Hội nhà văn?

Nhà văn Hải Phòng có tham dự buổi hội thảo cuối tháng Mười Một năm 2005 bày tỏ thêm:

“Ông ấy đề nghị có lẽ phải có một hội thảo để xem xét lại ông thứ trưởng nữa để cảnh báo cho một số những ông khác. Không phải cứ muốn vùi dập tác phẩm của ai thì cứ vùi dập, không có một cái luật pháp nào. Bài của ông Bùi Ngọc Tấn được cả hội nghị hoan hô.....

Ông thứ trưởng đã về hưu rồi, nhưng ông Tấn bảo là không phải cứ về hưu là trốn được trách nhiệm này....(cười).... ông ấy căm lắm. Phải sửa chữa, hoặc quá đáng lắm thì lôi ông ấy ra truy tố lại. Nhiều ông Tổng thống bị như thế... về mặt lý luận chúng ta có thể nói như thế...”

Bài tham luận của nhà văn Bùi Ngọc Tấn đọc tại hội thảo ở Hải Phòng còn viết rằng:

"Nếu nhà nước bảo hộ, là thực dân Pháp hồi đó, mà cũng ngặt nghèo như thứ trưởng Phan Khắc Hải, như sự không kiểm duyệt mà hóa ra siêu kiểm duyệt hôm nay thì làm sao hậu thế còn được đọc "Số Đỏ" của Vũ Trọng Phụng ?

Thật may mà thực dân Pháp và Triều đình Huế đã không làm như vậy dù có bị Vũ Trọng Phụng bỡn cợt đích danh".

Nhà văn Hải Phòng cho biết nhiều hội thảo viên hôm đó đã đọc nhiều tham luận hết sức thiết thực cho mục đích "Để có tác phẩm hay". Riêng ông thì: “Tôi đọc một tham luận. Tôi thẳng thắn nói toạc ra hết những yếu kém và cái ám ảnh bởi những quan điểm, giáo điều trì trệ, nghiệt ngã trong quá khứ và cho đến bây giờ vẫn còn những cái áp đặt. Như văn học phải có chức năng giáo dục chẳng hạn. Tôi bảo nhà văn chả có cái gì hơn người cả để mà giáo dục cả...(cười)... chức năng áp đặt cho người ta sợ, không dám viết nữa.... chứ không phải đề cao nhà văn đâu...”

http://www.calitoday.com/news/view_article.html?article_id=b548fac4e89c11e720f4c7441cffd58b
 
 
Truyện của Bùi Ngọc Tấn trên Việt Nam Thư Quán
 
.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.11.2006 12:53:58 bởi sóng trăng >

Ngọc Lý
  • Số bài : 3255
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 27.08.2005
RE: Bùi Ngọc Tấn - 25.11.2006 14:28:04
.
 
bùi ngọc tấn,
một nhân cách

nguyễn văn thọ








Tôi xa nhà hơn chục năm, đứt đoạn với đời sống văn chương Việt nam, nên không hề biết mặt nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Tháng xuân năm 2002, tôi dự trại viết Đồ Sơn, do tạp chí Văn Nghệ Quân Đội mở. Tiếng là dự, nhưng do kẹt thời gian, tôi mới ở được vài ngày trại đã bế mạc. Buổi tối ấy, sau bữa cơm liên hoan, mấy anh Chu Lai, Khuất Quang Thụy và Trung Trung Đỉnh rủ tôi ra bãi biển đi dạo. Chúng tôi hẹn nhau dưới chân cầu thang khu nghỉ của các trại viên. Xuống đó, tôi thấy Trung Trung Đỉnh cứ trò chuyện mãi với một ông già, đậm, thấp; cái áo khoác mầu be đã sờn, trên tay cầm cuốn sách cũ. Họ nói chuyện gì mà say mê lắm, tới hơn nửa tiếng chưa dứt. Lát sau Đỉnh ra, tôi bảo: mày nói gì với lão ấy mà lâu thế?

- Lão nào? - Đỉnh trợn mắt nhìn tôi - Bùi NgọcTấn đấy!

Bùi Ngọc Tấn???

Tôi thảng thốt quay lại thì ông, Bùi Ngọc Tấn, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Chuyện Kể Năm Hai Ngàn“ đã biến đâu mất tăm. Tôi rất ân hận về việc này. Bởi như vậy, tôi đã vô tình coi cái mẽ ngoài là quan trọng, không biết, nói lời quàng xiên về một nhà văn đàn anh đáng khâm phục.
Sớm sau, tôi mò lên phòng ông. Tại đó căn phòng trại viết nơi ông nghỉ chỉ hơn chục mét đã chật khách. Cũng hôm ấy tôi mới biết mặt nhà văn Nam Hà, Anh Ngọc, Lê Thành Nghị...

Trong phòng có cả Lê Lựu với nụ cười luôn tươi đỏ vôi trầu.

Câu chuyện hôm ấy với Bùi Ngọc Tấn cũng không có gì đặc biệt. Tôi hỏi thăm ông về đời sống, về Hải phòng, nói tào lao những điều chả ăn nhập gì với văn chương. Đến với ông, thâm tâm tôi khi ấy, như tự tôi muốn thanh thản, như lời cáo lỗi chỉ tôi biết, rằng đã một lần do không biết mà xúc phạm tới ông khi nói với Trung Trung Đỉnh như trên.

Bùi Ngọc Tấn rõ ràng đã là một ông già. Nhưng đấy chỉ ở trên nét mặt, những nét khắc khổ có lẽ do tuổi tác và dấu vết của những năm tháng lưu đầy, kham khổ; mái tóc đã bạc nhưng còn dầy, chứng tỏ thể lực ông có khí chất tốt. Ừ, trong ông phải chất chứa mãnh liệt ngọn lửa sống thế nào chứ, thiếu nó, mấy ai vượt qua chừng ấy năm để sống, mà lại sống dai dẳng, rồi tiếp tục sáng tạo, làm nên những trang văn đầy tính nhân ái, điều mà ít người cầm bút hôm nay, nếu cũng trải qua như ông, khó giữ được giọng văn bình thản, tự nhiên, giản dị, mà giàu thuyết phục đến vậy.
Tết năm Mùi. Tôi về Việt Nam. Trong dự kiến thể nào cũng phải tới thăm ông. Đường xuống Hải Phòng bây giờ thực dễ dàng thuận lợi. Hơn hai tiếng, tôi đã có mặt ở thành phố Hoa Phượng Đỏ. Nhà ông, Bùi Ngọc Tấn, khuất nẻo trong một hẻm nhỏ thuộc đường Điện Biên. Bùi Ngọc Tấn vừa ở nhà con trai ông bên ngõ bên trở về, cười rạng rỡ với tôi, tay ôm xiết, như gặp người thân, rồi đi trước, mời tôi lên nhà.

Chiếc cầu thang gỗ, tay vịn đen bóng đưa tới căn phòng nhỏ chừng 16 mét vuông. Một bộ xa lông đã cũ, đệm mút, kê ở bên phải; chiếc giường đôi bên trái, cái kệ viết nhỏ cạnh giường; từng ấy đã chật cả gian phòng. Một lát sau ông gọi điện, nhà văn Đình Kính nhao tới. Bùi Ngọc Tấn lấy từ đâu hai chai bia và mở. Ông nói, mấy hôm nay ông ho và mệt.

Chúng tôi nói chuyện về văn chương, về những quan niệm thẩm mỹ... Thì ra ông cũng là người đồng nhất với tôi khi cho rằng, văn chương cốt ở sự bình dị, dễ hiểu làm trọng. Chả thế mà từ Chuyện Kể Năm Hai Ngàn cho tới Rừng Xưa Xanh Lá của ông, lời kể thường mộc mạc, câu văn chưa bao giờ cầu kì làm cho phức tạp sự chuyện, làm nên sự chân thành. Các sự kiện, con người, câu thoại cứ tự nhiên như từ đời sống bước vào trang giấy.
Chuyện tới hai tiếng, đang vui chúng tôi rủ nhau tới một quán nhậu nằm trong trung tâm thành phố. Chiều người phương xa, ông và nhà văn Đình Kính gọi hai món hải sản. Thêm một đĩa đậu phụ om. Những con sò mầu sám, ngọt và đặm mùi biển. Suốt bữa, Bùi Ngọc Tấn chỉ dùng chưa hết một cốc bia. Tôi muốn rót tiếp, ông bảo, tớ đang mệt, hôm nay vui lắm với Thọ nên mới dám uống thế đấy.

Tôi tin ông, một người dám phanh phui sự hèn kém của mình ở giấy trắng mực đen, để ông Già Đô, bạn tù chết đường chết chợ, chết mất xác, không dám tiếp tục cưu mang, vì cuộc sống quá eo hẹp. Ông già Đô chết và Bùi Ngọc Tấn mang sự ân hận đeo đẳng bao nhiêu năm sống; giờ đây, nhắc lại người bạn tù thuở ấy với tôi, ông còn nghèn nghẹn; lại dám tái hiện điều ấy trên trang giấy, tất nhiên việc gì phải dối trá cỏn còn con ở một lí do của li bia?

Cái người đang ngồi với tôi đây, cười nói rổn rảng thế này, ấy vậy mà từng trang văn của ông, sau những nỗi khốn quẫn vẫn thản nhiên không tỏ ra hậm hực, trì triết, vu khống, kể cả kẻ đã đang tâm đầy đọa ông, ai bảo ông nói xấu ai? Ông lên án cái ác, biểu dương cái thiện, lòng tin ở điều thiện, người thiện, việc thiện; ở người khác như tôi chẳng hạn, sẽ chết rục, không dám cầm lại ngòi bút, hay có cầm, chắc gì không tuôn ra bao dòng hậm hực, nặng nề kể khổ kêu oan...và chửi rủa đời bằng vài chiêu ám chỉ. Ông thẳng tuột, trắng đen phân minh, lòng như trúc, ở từng việc, theo dạng xét người từng việc... xét đời từng việc, từng cá nhân cụ thể, chậm chãi từng đoạn, nhẩn nha tái tạo rất sinh động từ người tới thú, từ cái thèm khao khát yêu tới cái chết của đau thương của một con cá...
Cái con người đang cười cười nói nói kia, đã từng chơi với kiến, từng nằm vắt tay biết bao đêm không ngủ, nhưng khi buớc lại cõi sống, điều gì làm ông lại có thể bình thản nhìn lại tất cả với một sự tha thứ đến cao cả như vậy và dám tự nhận ra cái chân ngã bình thường ở mình, chứ chẳng tô vẽ gì. Cũng con người ấy đấy, cần gì phải phụng phịu văn chương, kể về chuyện bè bạn, hạ một câu tới ghê người: Hôm nay tao uống máu thằng Tường...

Ồ, chỉ mỗi dòng ngắn thế thôi, thế thôi mà làm gai gai người đọc, thấy hết cái kinh hãi của một thời bao cấp.

Bia có bia vui và bia buồn. Hôm nay là bia vui. Vui nên thêm khách văn tới. Nhà thơ Mai Văn Phấn đây! Ông giới thiệu. Còn đây là bạn X. Mai văn Phấn thì tôi đã biết trên văn đàn. Đã đọc mấy tập thơ của anh ở nhà cố thi sĩ Bế Kiến Quốc. Còn người kia nữa là khách văn giang hồ. Đấy là người mới tới tự nói: “Tớ chả liên quan gì tới văn chương của cánh các cậu“. Giang hồ thực! Khi bước ra cửa, gặp đoàn quay phim chụp ảnh, một đám cưới với xe hoa và đám đông. Cậu chụp ảnh đám cưới nhẩy bổ tới, nói với anh X: “Em kính chào đại ca“. Quay ra, thấy ông Tấn: "Ối trời ơi, em chào cụ Tấn!" Họ cười nói hả hê lắm, kính trọng và thân mật. Tôi chợt nhớ tới Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng; Hải Phòng với tầu cảng, với thợ thuyền vốn từ xưa tới giờ, đa dạng lắm! Lại nhớ Papillon Người Tù Khổ Sai, những mảng sống trong đó. Thế giới con người có hành lang của những thân xác do cuộc sống xô đảy, phải lẫn vào đám trần ai, nhưng có người vẫn gìn giữ cốt cách mã thượng; có nghĩa là, để người đời khâm phục vì nghĩa cử nào đó như anh chàng X kia, và anh ấy là bạn ông Tấn, quý ông Tấn; ông Tấn cũng ân cần ngang bằng với anh X như ân cần gắp thêm món cho tụi văn sỹ đàn em chúng tôi.

Bùi Ngọc Tấn quen biết rộng, trong cuộc sống kiếm ăn bình thường, ông để lại tình thân ái với nhiều người bạn nổi tiếng và không. Việc ấy dù loáng thoáng, nhưng ở Rừng Xưa Xanh Lá vẫn thấy rõ, ông được bè bạn thương, quý , kính trọng. Bây giờ hiện thực trước tôi, ông và cái anh bạn X kia, cái người xiêu xiêu vèo vẹo và luôn tỏa hơi men khắp vùng khí quanh anh, đã sau đó tình nguyện đưa tôi, “Em ạ, tội gì tốn mấy ngàn xe ôm. Yên tâm, anh lái rất vững. Cậu là bạn của Tấn thì là bạn của anh!" Tới cửa nhà anh chị tôi, anh X lại nói: “Tấn hay lắm cậu ạ. Nó là một thằng bạn tốt."

Chợt lại nhớ trang văn của ông, Rừng Xưa Xanh Lá, đoạn kể về cuốn sách đang viết dở, đã hứa khi bạn còn sống là tặng sách, đến khi viết xong, bạn mất rồi; chẳng kể đường xá, mang đốt ở mộ bạn. Việc đời có khi vì trăm ngàn lí do gì đó, chẳng thể giữ lời, cứ lấy nó để bào chữa quên, lờ đi, một câu hẹn lỡ dở! Bùi Ngọc Tấn không vậy, dẫu là bạn tận nơi xa, mang sách tới tặng bạn ở bia mộ; đốt! Đoạn kể chầm chậm nghẹn ngào từng chữ, làm tôi nhớ tới gương mặt và lời nói từ con người trần tục X trong bữa bia vui ấy. Lại nhớ tới cha tôi dặn, con ơi trước khi đặt bút viết lời nhân ái, phải tập sống nhân ái, trung thực. Nhân ái và Trung Thực, viết cũng không khó quá, nhưng sống thì thực là không chỉ một lần, phải dấn thân và tranh đấu với chính mình từng giây phút!

Bây giờ bên tôi kia, Bùi Ngọc Tấn với chân dung trong văn và chân dung đời thường, hai hình ảnh hòa vào nhau, tách ra rồi lại chập vào.

Sau lần ấy, tôi về nhà, rồi đi xa, thế mà đôi khi chả hiểu sao gian phòng của ông lại đôi khi hiện lên. Cái góc ấy, ông chỉ, đây là chõ Già Đô nằm. Nhớ lại, lúc ấy, tôi hình dung văn phòng hôi sùng sục khi trời nồm, hăng thối lúc khi nóng thiêu, bởi mùi bụi đời từ già Đô thoát ra. Con ông, cái cậu thanh niên giờ đã có vợ con, mà tôi nhìn thấy đầu hôm xuống thăm ông, ngày xưa là đứa trẻ quấn quýt bên ông Già Đô. Ồ, gian phòng bé tẹo xưa năm người chui rúc. Bùi Ngọc Tấn khoe, thành ủy hẹn cho ông một gian nhà, nhưng phải viết đơn. Ông chưa viết. Lại nói, so với nhiều người ở thành phố cảng này, gian phòng bây giờ chỉ còn hai vợ chồng mình ở, rộng rãi, sướng lắm rồi!

Sướng lắm rồi! Ông cười, tươi quá, khuôn mặt nhăn nheo. Thành ủy nếu có cho nhà, mình không từ chối, nhưng xa lìa nơi đây cũng không đành. Biết bao kỉ niệm!

Tôi được biết, hiện tại ông sống với lương hưu còm, ba trăm ngàn gì đấy, nghĩa là không đủ sống ở cơ chế thị trường hôm nay. Ông viết báo, sách. Một cuốn sách viết bao lâu, nhuận bút khỏang vài triệu. Một bài báo, hai ngàn chữ, cỡ ông, trả năm trăm ngàn. Một lần đi trại viết, lĩnh vài trăm ngàn, cơm nuôi, với ông là một dịp may, một cơ may cải thiện. Thế mà bỗng dưng có một căn nhà, hàng trăm triệu. Tội gì không làm cái đơn. Vậy mà Bùi Ngọc Tấn không làm, chưa làm...

Ồ, thì ra không phải cứ trông thấy tiền là nhắm mắt lại. Phải đắn đo xem như thế nào, bao giờ làm, hay nếu làm, viết như thế nào cho đúng với tư cách của mình. Tôi cũng được biết, một tổ chức hải ngoại đã gửi tiền cho ông với một điều kiện. Ông từ chối thẳng. Dẫu là số tiền ấy với ông rất lớn. Nó có thể cho ông thung dung sống, thay vì nhặt nhạnh, cả chục năm bò ra bàn viết mà nặn từng chữ, vẫn lúng túng một bữa đi chơi xa, lên Hà Nội.

Bùi Ngọc Tấn năm nay đã là lớp lứa nhà văn bẩy chục, nhưng ông vẫn lạc quan, ông còn khoẻ, tỉnh táo lắm, còn nhiều dự định viết, vẫn viết để mong kiếm tiền sống đỡ chật vật, như trăm ngàn nhà văn nhà báo phải kiếm ăn, theo quy luật bình thường, tức là còn vui sống bình thường như trăm ngàn sinh linh ở đời. Nhưng có lẽ với sự nhọc nhằn đầy trong Rừng Xưa Xanh Lá miêu tả, với ông tiền hẳn quan trọng lắm, nhưng không là tất cả, vì vậy khi kể tới việc ấy, ông không tỏ ý khoe khoang, chỉ hàm ý cho rằng, cái nơi kia chả hiểu gì về ông cả.

Bây giờ, khi tôi viết những dòng này, tôi cách ông nửa vòng trái đất. Tính ra, bữa gặp ở nhà ông , Bùi Ngọc Tấn thuộc loại xưa nay hiếm, nhà văn Đình Kính hơn tôi gần chục tuổi, thế hệ kế cận ông; tôi là loại đàn em anh Đình Kính, một thế hệ nữa, nhà thơ Mai Văn Phấn thuộc lứa sau tôi. Về thành phần thì mấy loại người, ấy là tôi chưa kể, một người bạn ông chỉ đáo qua một lát, anh ta làm doanh nghiệp nhà nước, thích ông văn sĩ nghèo, thi thoảng đáo chơi với gói trà nho nhỏ. Có vậy! Thế là bè bạn ông, tương đối đủ mặt anh hùng ở một làng nho nhỏ! Lại nhớ bốn cúốn sách ông nhờ tôi mang về tặng bạn bè ở Hà Nội, cuốn nào cũng đề chân phương mấy dòng như thư ngắn cho người thân. Tôi cũng có cuốn sách tặng của ông, dòng chữ rắn rỏi, đề như cho thằng em phương xa, nó nằm lẫn trong kệ sách cùng ngăn sách tặng, lẫn vào nhiều cuốn sách mà bây giờ dăm người trẻ, hay đề lời tặng theo lối mấy nhà văn hải ngoại, đại để Bản Dành cho X, cho Y. Đấy là thời thượng du nhập. Du nhập ở ta thường là mốt, bất kể vừa người hay không, vừa chân hay chăng?!

Mốt. Bùi Ngọc Tấn bẩy chục tuổi là lớp Cổ Lai Hy, với gần năm chục năm cầm bút. Tức là lớp người hiếm. Hết Chết lại Sống, văn ông vẫn nguyên sơ như thủa thanh tân, trong sáng, minh bạch tới tận cùng sự thật, bộc lộ ông ghét Ác yêu Thiện. Thế thôi! Ông là Con Người Bây Giờ Hiếm mà tôi trân trọng, giống như Phùng Quán, Phùng Cung, Trần Dần v.v... như biết bao nhà văn, nhà thơ dám yêu và sống đúng với con đường đã chọn.




Nguyễn văn Thọ
Nuớc Đức, tháng 5-2003
http://www.nhanvan.com/doc/2003/June/nguyenvantho_buingoctan.htm
___________

Những tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn trong Việt Nam Thư Quán

<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.11.2006 14:29:28 bởi Ngọc Lý >