(URL) TRẦN KHẢI THANH THUỶ
HongYen 27.11.2006 04:40:07 (permalink)
Hồi Ức Buồn  

TRẦN KHẢI THANH THUỶ 
Việt Báo Thứ Năm, 11/9/2006, 12:02:00 AM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=115&nid=97537


Nó đã từng biết nhiều đám tang nhưng chưa thấy đám tang nào đông như của bố nó. Cả khu tập thể và các cơ quan lân cận - nơi gia đình nó sinh sống đều đổ ra đường. Người nào cũng cố đi theo xe tang lấy một quãng. Nhiều người đang dở việc nghe tin đưa tang ông cũng từ trong nhà chạy ra, từ trên gác chạy xuống, không còn chỗ để chen chân trong đoàn người nối đuôi nhau đông như kiến trong một ngày bão rớt. Những người không đi đưa được đành dừng lại bên đường, dõi đôi mắt buồn bã trông theo.

Về địa vị, chức tước bố nó không phải là tướng tá, cũng chẳng phải nhà văn hoá lớn hay nhà bác học. Có lẽ gọi ông là nhà gàn dở, nhà lập dị là chính xác hơn cả. Cái gàn dở của con người sống thoát ly hiện thực, suốt ngày thả đầu óc phiêu diêu trong cõi cao siêu mịt mùng của sách vở. Cuộc đời ông là một chuỗi dài thất bại. Ông chỉ có một điểm tốt làm cho người đòi nhớ ông: ấy là ông luôn luôn chia sẻ với họ những điều hiểu biết của mình một cách vô tư - từ việc viết giúp họ một lá đơn, điền hộ họ một tờ khai lý lịch, là công việc khổ sai đối với nhiều người. Họ đưa chân ông vì thế. Và phần khác là biểu thị mối đồng cảm sâu sắc với người vợ bất hạnh - người đã gánh chịu gần cả cuộc đời nỗi vất vả của gia đình do cách sống gàn dở lập dị của ông đem lại. Cũng có người đưa ông vì thương xót cho số số phận lỡ dở của ông, cũng như của chính họ.

Một đám tang đông đúc mà không ồn ào. Hầu như không có tiếng khóc. Người vợ sụt sùi lấy lệ, hai đứa con chít khăn tang, mắt ráo hoảnh, chỉ có dáng đi hơi cúi và ánh mắt buồn thương. Đám đông còn lại lặng lẽ âm thầm. Người quá cố tuổi đã ngoài 60 lại mắc bệnh cao huyết áp, bị tai biến mạch máu não gây liệt nửa người từ nhiều tháng qua, không ai nói ra nhưng mọi người đều coi việc ông "tắt" đi như thế là tất yếu. Bốn cô em gái của người chết theo sát xe tang than nhiều hơn khóc.

Qua cổng khu tập thể, đám tang lặng lẽ giải tán. Những người đưa tiễn trở về, số còn lại chia làm hai xe, gia đình họ hàng lên xe tang. Bạn bè, chính quyền, công đoàn ngồi xe khách.

Đến nghĩa trang Văn Điển, địa điểm cuối cùng của người Hà Nội, tang chủ nhận đất, quan tài được mấy người phu đòn đỡ từ xe xuống rồi lấy dây thừng ròng xuống huyệt. Đám đàn bà con gái cùng một lúc khóc ré lên như muốn cố gửi gắm cho kịp những lời ân nghĩa sau cùng với người thân nay vĩnh viễn xa lìa. Đám đông vây quanh sụt sùi nhỏ lệ...
Ai đó giúi vào tay con bé một hòn đất: "Khóc đi, khóc to lên, cháu! Bố ơi sao bỏ con mà đi?... Ừ, cứ thế mà khóc... kìa, khóc đi chứ, rồi ném đất xuống mộ. Đấy, ném xuống chỗ đầu quan tài ấy"...

Con bé nắm chặt hòn đất trong tay, nhìn người khuyên mình bằng cặp mắt biết ơn, nhưng không khóc. Nó biết từ nay nó sẽ không bao giờ còn thấy bố nó nữa, nó cảm nhận được sự mất mát, song nó không thể nào khóc được, không biết làm thế nào để có thể khóc.

Cuối cùng rồi nó cũng lặng lẽ ném hòn đất xuống, đúng vào chỗ người ta chỉ cho nó, nơi đầu người chết trong quan tài. Mọi người làm theo nó, đất rơi xuống rào rào. Những tiếng khóc vừa trầm xuống lại một lần nữa ré lên, ảo não.

Mọi người tản dần ra cho gia quyến và những người phu mộ sửa sang lại phần mộ. Vọng đến tai con bé tiếng xì xào của vài người lạ từ những đám tang ở bên cạnh:
- Mới chết à, sao thế?
- Bệnh!
- Thế à? Gia đình đâu?
- Đấy, chỉ có vợ và hai đứa con. Một trai, một gái.
- Cái đứa con gái mặc áo trắng đứng phía đầu phần mộ ấy à?
- Nó đấy!
- Trời, sao nó không khóc gì kìa? Người ta bảo khóc như cha chết, mà mắt nó ráo hoảnh, sao lại có con bé lì lợm đến thế?

Nhiều năm sau, khi đã trở thành thiếu nữ, mỗi khi nhớ lại đám tang bố, con bé lại ân hận vì sự trơ lạnh của mình. Quả thật lúc ấy nó rất muốn khóc, nhưng không hiểu sao nó lại không khóc được. Giữa cảnh đau thương, tang tóc của họ hàng thân tộc của nhiều đám ma trong nghiã trang chiều hôm đó, con bé là nó đứng đó, đôi mắt trống rỗng, vành khăn tang bám hờ trên làn tóc rối.

Người cha ra đi, cuộc sống lại tiếp diễn bình thường. Mẹ nó ngày ngày làm việc nơi cơ quan nhà nước, tối về lo bồi bìa, xén giấy để kiếm thêm tiền nuôi các con.. Mọi người dường như quen với cách suy nghĩ đơn giản của bà mẹ: "Ôi dào, con người ta ai cưỡng được số mệnh... lẽ ra ông ấy còn phải đi sớm hơn nữa cơ".

........
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.12.2006 09:23:12 bởi TTL >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9