(url) Bùi Diễm

Tác giả Bài
sóng trăng
  • Số bài : 1013
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 25.02.2006
(url) Bùi Diễm - 27.11.2006 14:34:03
.


BÙI DIỄM
 
 
 
 

Tiểu sử:
 
Sinh năm 1923 tại Phủ Lý, Hà Nam, Bắc Việt Nam.
Thời trung học, như đa số thanh niên Việt Nam lúc ấy, ông Bùi Diễm tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp với tinh thần quốc gia.
1945, Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt khi Bùi Diễm vừa tốt nghiệp Đại Học Hà Nội.
Trong giai đoạn này, Trần Trọng Kim, chú của Bùi Diễm, trở thành Thủ Tướng đầu tiên của Việt Nam trong chính quyền Bảo Đại.
Bùi Diễm rất gần với Trần Trọng Kim và liên lạc chặt chẽ với nhiều lãnh đạo của các phong trào quốc gia kháng chiến chống Pháp. Điều này khiến ông càng ngày càng dấn thân sâu hơn vào con đường chính trị Việt Nam.
Trong suốt 7 năm sau Thế Chiến II, ông hoạt động mạnh mẽ cho đảng Đại Việt, một đảng quốc gia lúc ấy trở thành nhóm bị Việt Minh săn đuổi và tìm cách triệt hạ vì cho là không theo đường hướng Cộng Sản của họ.
Từ năm 1954 đến 1963, Bùi Diễm tiền phong tờ báo Anh Ngữ đầu tiên tại Việt Nam, tờ Saigon Post.
 Sau năm 1965, ông đi sâu hơn nữa vào chính trị miền Nam, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền. Ông là Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng dưới thời Thủ Tướng Phan Huy Quát, Cố Vấn Đặc Biệt về Ngoại Vụ cho Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, và là Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong vai trò này, ông Bùi Diễm là nhân vật chính trong cố gắng cuối cùng vận động Hoa Kỳ thông qua ngân sách 700 triệu đô la cần thiết để chống lại sự xâm lăng ồ ạt của Cộng Sản miền Bắc với sự hỗ trợ của hai cường quốc Cộng Sản Nga Xô và Trung Cộng. Sự thất thủ của miền Nam năm 1975 đã cho thấy sự tổn thất về sinh mạng, kinh tế, văn hóa, xã hội, tương lai bao thế hệ Việt  kéo dài suốt 30 năm sau đó là một giá vô cùng đắt so với 700 triệu đô la.
 
Khi miền Nam Việt Nam thất thủ ngày 30/4/1975, Bùi Diễm và gia đình tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ.

(sóng trăng lược dịch theo Kicon
http://www.go2viet.com/display.asp?Bar=1&inc=bio&peoplename=author&ID=383&Name=+B%F9i+Di%26%237877%3Bm+)
 
Tác phẩm:
 
 
 
Bùi Diễm and David Chanoff - In The Jaws of History - Nguyên tác Anh Ngữ

Bùi Diễm - Gọng Kìm Lịch Sử - Hồi Ký Chính Trị - Bản dịch Việt Ngữ
 



 Đỗ văn, nguyên nhân viên Ban Việt Ngữ, đài BBC.
 
Cuốn gọng kìm lịch sử của cựu Đại sứ bùi diễm quả là hữu ích và có giá trị đặc biệt với lịch sử. cuốn sách này còn được nhiều người hâm mộ vì phần nào trình bày được hoàn cảnh đặc biệt của những người cùng thế hệ với ông, trưởng thành đúng lứa tuổi phải dấn thân, nhập cuộc, hoặc cầm súng trang đấu cho quê hương trong trạng huống rất bức bó eo hẹp, trước sự lựa chọn phức tạp giữa hai ngả đường quốc gia và cộng sản.
 
Vũ Quang, nguyên Đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa:
 
Cuốn Gọng Kìm Lịch Sử quả là tài liệu không thể thiếu nếu muốn tìm hiểu ngọn ngành về những khúc mắc quan trọng trong cuộc chiến việt nam, đặc biệt là mối liên lạc giữa việt nam cộng hòa và hoa kỳ. Được cơ hội có mặt tại các trung tâm quyền lực, tác giả là chứng nhân hãn hữu, và đôi khi cũng là một diễn viên trong hậu trường sân khấu chính trị tại Sàigon và Hoa Thịnh Đốn... Đặc biệt hơn cả, có lẽ đây là cuốn hồi ký đầu tiên đã mô tả trung thực hoàn cảnh éo le của những người việt quốc gia bị kẹt trong gọng kìm lịch sử...


Trần Dzũng Minh Dân, độc giả của thế hệ trẻ, nhân viên cơ quan không gian NASA của Hoa Kỳ.
 
Cuốn Gọng Kìm Lịch Sử không những hữu ích cho các học giả nghiên cứu lịch sử và chiến tranh Việt Nam từ 1944 đến 1975, mà còn đem lại cho lớp thế hệ sau một cái nhìn về những thăng trầm của đất nước và những nhân vật trực tiếp liên quan đến các sự kiện lịch sử đã đưa đẩy vận nước trong thời gian này...
 

 
Bùi Diễm – Trong Gọng Kềm Lịch Sử - Bản dịch của Phan Lê Dũng tại Diễn Đàn Việt Nam Thư Quán xin bấm vào để nhập
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.12.2006 10:08:35 bởi TTL >

sóng trăng
  • Số bài : 1013
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 25.02.2006
Trong gọng kềm lịch sử - 27.11.2006 15:05:22
.

BÙI DIỄM
Trong Gọng Kềm Lịch Sử
 
 
 
 

Thơ Dẫn



Success is counted sweetest
By those who ne'er succeed
To comprehend a nectar
Requires sorest need.

Not one of all the purple Host
Who took the Flag today
Can tell the definition
So clear of Victory

As he defeated -dying-
On whose forbidden ear
The distant strains of triumph
Burst agonized and clear!

Emily Dickinson 1858


Thật ân sủng ngọt ngào chiến thắng
Chỉ nhiệm màu với kẻ lỡ vận đến sau
Hiểu được Cam Lồ vi diệu,
Quả cần vết tận cùng đau.

Vả chẳng thuộc kẻ Chủ Tể,
Kẻ giữ cờ Tiên Cuộc cấp thời
Ðịnh nghĩa rõ ràng minh tỏ
Hào quang chiến thắng rạng ngời.

Bởi chỉ kẻ vong bại sắp lìa đời-
Trọn nghe âm hưởng tuyệt vời cấm đoán,
Nổ bùng trong nỗi tái tê
Ân huệ tột cùng Chiến Thắng

Phan Lê Dũng 1988



Chương 1
Gọng Kềm Lịch Sử


Một giọng nói yếu ớt, giục dã xuyên qua những tiếng ồ ồ ở đầu giây điện đàm: "Ông Diễm, Bob Shaplen đây, Bob Shaplen. Tôi đang gọi từ Hồng Kông." Giọng nói lập đi lập lại tên người gọi, nhưng cơn ngủ say vùi vừa xong và những viên thuốc cho cơn cảm cúm khốc liệt vẫn làm tôi mù mờ về người đang gọi.

"Bob Shaplen đây, ông Diễm. Tôi vừa mới từ Sài Gòn về. Bạn bè ông đang cần gặp ông gấp. Họ rất hoang mang và đang muốn biết rõ tin tức của phía Hoa Kỳ. Chính phủ Sài Gòn đã cắt hẳn mọi liên lạc với dư luận bên ngoài. Chẳng ai biết ông Thiệu hoặc đại sứ Graham Martin suy nghĩ thế nào. Mọi người đều hoang mang. Chỉ còn ông. Ông phải về Sài Gòn cho mọi người biết rõ sự thật. Ông phải về ngay!"

Đầu óc tôi bắt đầu tỉnh táo hơn. Giọng nói đầy vẻ thúc giục của người gọi đã khiến tôi tập trung được tư tưởng phần nào. Đây là lần đầu tiên tôi nhận được tin trực tiếp của Sài Gòn. Khi ký giả Shaplen gác điện thoại, tôi đã hoàn toàn tỉnh táo. Tôi tin là nhận định của ông ta hoàn toàn chuẩn xác. Người ký giả lão thành chuyên tường trình các mục Viễn Đông của báo New Yorker là người hiểu biết và có nhận định chính xác. Ông không phải là người hấp tấp, hay bi thảm hóa vấn đề. Nếu không phải vì tình trạng bắt buộc thì chắc chắn ông đã không gọi tôi. Tôi vẫn còn nghe âm hưởng gấp gáp, giục dã trong giọng ông ta.

Tuy đã 2 giờ sáng ở Hoa Thịnh Đốn mà khi trở về giường tôi vẫn không tài nào chợp được mắt. Thật ra thì trong suốt tuần vừa qua, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề cần phải trở về Việt Nam. Tôi còn đang phân vân không biết có nên về hay không thì đột nhiên bị cúm nặng. Trong khi đó thì ở Sài Gòn những cơn hoảng hốt lại bùng ra thật bất ngờ. Những cơn hoảng hốt đó đã khiến quân đội Việt Nam mất tinh thần và trở thành hỗn loạn. Vào giờ phút này thì chẳng ai có thể đoán được liệu Sài Gòn còn có thể đứng vững được bao lâu nữa. Đầu óc tôi lại miên man nghĩ về vấn đề cần phải trở về Việt Nam. Tôi tự hỏi phải chăng trở về lúc này không còn kịp nữa? Việt Cộng đã đến sát Sài Gòn và hẳn nhiên là tôi đã đoán trước được số phận của mình nếu chẳng may bị lọt vào tay đối phương.

Ba tuần trước, ông Thiệu gửi tôi sang thủ đô Hoa Kỳ, nơi tôi đã trú ngụ suốt từ năm 1967 tới năm 1972 khi phục vụ với chức vụ đại sứ Việt Nam. Kể từ năm 1973, khi tôi bắt đầu làm Đại Sứ Lưu Động thì Hoa Thịnh Đốn cũng là một trong những nơi tôi thường xuyên lui tới. Lần này chuyến đi của tôi nhằm mục đích thuyết phục quốc hội Hoa Kỳ thông qua số tiền viện trợ khẩn cấp 700 triệu đô la đang bị trì hoãn. Số tiền viện trợ đó sẽ được dùng vào việc mua thêm đạn dược và tiếp liệu cho quân đội Việt Nam. Lúc này, trước cơn thác của những sư đoàn Bắc quân tràn vào Miền Nam với tốc độ mỗi thành phố một ngày, quân đội Việt Nam đang hoang mang vì thiếu thốn quân cụ.

Nhưng giờ là 14 tháng tư. Tôi chẳng còn gì để làm ở Hoa Thịnh Đốn. Ở vào giây phút khẩn cấp, khi Việt Nam đang trong vòng hiểm họa gian nguy, những nỗ lực của tôi từ trước đến nay gần như hoàn toàn vô dụng. Tôi đã kêu gọi đến gần như tất cả bạn bè và đồng nghiệp cũ của tôi để nhờ họ giúp đỡ mà vẫn thất bại. Tuy tôi đã phục vụ ở Hoa Kỳ trong suốt 7 năm mà những sự liên hệ của tôi với Hoa Kỳ trong quá khứ vẫn chẳng giúp tôi thuyết phục được quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam.

Vào lúc này, những biến chuyển ở Việt Nam đang dồn dập trong giai đoạn chót. Đã đến lúc tôi phải về. Mẹ tôi, 90 tuổi vẫn ở Sài Gòn cùng người chị ruột. Tôi phải cố đưa hai người cùng đi. Hơn nữa, ngoài việc phải trở về Việt Nam để gặp gia đình, tôi cũng muốn về để còn được thấy Việt Nam lần cuối. Đã ba mươi năm qua, cuộc sống của tôi cũng như cuộc sống của bao nhiêu người khác đã đi đôi với sự thăng trầm của chính trường Việt Nam nói chung, hoặc của Sài Gòn nói riêng. Trong suốt ba mươi năm đó, có lẽ không lúc nào là lúc tôi không tham gia vào các hoạt động chính trị. Trong tất cả mọi giai đoạn, nếu tôi không trực tiếp tham gia cộng tác với chính phủ thì cũng là tham gia vào những đoàn thể đối lập chống lại chính phủ. Lúc này tuy Sài Gòn đang lúc nguy kịch, nhưng tôi cho rằng Sài Gòn vẫn là chỗ của tôi. Nào ai biết trước được, có thể tôi vẫn còn cứu gỡ được phần nào như lời Shaplen. Và dù rằng chẳng giúp đỡ gì được thì về vẫn hơn là ở đây làm một ông đại sứ lạc loài của một quốc gia đang hấp hối, nằm bẹp dí ở Hoa Thịnh Đốn xem tin tức về giai đoạn kết thúc ở nước mình.

Hôm sau tôi vẫn giữ hẹn ăn trưa ở quán Empress với ông Ted Shackley, Trưởng phòng Tình Báo Viễn Đông của CIA. Shackley vừa mới từ Việt Nam trở về sau một sứ vụ đặc biệt dưới chỉ thị của Tổng Thống Ford. Vì nghĩ rằng Trưởng Phòng Shackley có nhiều tin tức nên tôi muốn gặp ông để tìm hiểu thêm về tình hình Việt Nam trước khi về. Lời Shackley đầy vẻ ảm đạm. Sài Gòn đang nguy và ngày càng nguy hơn. Ông Thiệu hoàn toàn cô thế, và chẳng còn đủ sáng suốt để đối phó với tình hình. Trong cuộc gặp gỡ vừa qua với Trưởng Phòng Shackley và ông Federick Weyand, Tư lệnh quân lực Hoa Kỳ ở Việt Nam, ông Thiệu không còn đủ tâm trí để phân tích hoặc đàm luận nữa. Ông Thiệu đang chới với vì tầm mức lớn lao của sự đổ vỡ.

Sáng hôm sau, tôi chuẩn bị về Sài Gòn và định rằng trên đường đi sẽ ghé Hồng Kông để nói chuyện với ký giả Shaplen. Tôi chia tay nhà tôi và ba con ở phi trường Washington 's National. Các con tôi lúc đó vẫn còn nhỏ: Lưu, 24; Giao, 20; và Hân, mới tám tuổi, hãy còn quá bé chưa hiểu rõ được sự tình nhưng có lẽ đã đủ khôn để cảm thấy những sự khác biệt trong lần đưa tiễn này. Nhà tôi tuy lo nhưng cũng như mọi lần, cố gắng trấn tĩnh để chồng khỏi bận tâm. Mặc dù nhà tôi biết rằng chuyến về Việt Nam của tôi vô cùng nguy hiểm, nhưng nhà tôi cũng hiểu nếu không trở lại Việt Nam lần này thì tôi sẽ phải hối hận suốt đời.

Chuyến bay phản lực Pan Am tiến dần về hướng Tây trong khi tôi chập chờn, kiệt lực cả về tinh thần lẫn thể xác, chỉ nhớ lờ mờ rằng chuyến bay có ghé San Francisco và Honolulu. Hai mươi bốn giờ sau tôi xuống máy bay tại phi trường Kai Tak ở Hồng Kông rồi lập tức đến thẳng nơi Shaplen cư ngụ. Khi tôi đến nơi thì trời đã về chiều. Đêm đó, tôi ngồi đến khuya nghe kể chuyện hỗn mang ở Việt Nam. "Ở Sài Gòn chẳng ai biết rõ tình hình, nhất là về ý định của Hoa Kỳ. Tình trạng thật là khẩn trương. Tuy vậy mọi người vẫn cố bám vào những ảo tưởng về việc Hoa Kỳ sẽ viện trợ hoặc sẽ có một Giải Pháp Dung Hòa nào đó."

Theo lời ký giả Shaplen thì có đến cả hàng triệu tin đồn. Người ta tin rằng Hoa Kỳ không thể khoanh tay đứng nhìn một đồng minh trong suốt hai mươi năm gục ngã trước mũi dùi của Cộng quân đang được tập đoàn Sô Viết đứng sau làm hậu thuẫn. Có lẽ Hoa Kỳ sẽ có cách gỡ rối. Các đội B-52 đang được lịnh bay đến đập tan các sư đoàn Bắc Quân đang hành quân vào Nam một cách lộ liễu. Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đang sửa soạn đổ bộ vào vùng đồng bằng Cửu Long để bảo vệ những khu vực sản xuất lúa gạo chính cần thiết cho nền kinh tế của Việt Nam. Ngoại Trưởng Kissinger đang đàm phán về việc phân chia lãnh thổ, cố thuyết phục cộng sản nhượng những tỉnh chính để đổi lại những viện trợ kinh tế khổng lồ. Đây mới chỉ là một trong vài câu chuyện đồn đãi, những tin đồn không những đã làm mất tinh thần dân chúng mà còn làm lung lạc cả tinh thần chính phủ trong lúc chính quyền đã trở nên mù quáng, tê liệt và bám víu vào ảo ảnh. Shaplen kết luận: "Họ cần phải biết sự thật, vì thế ông phải về."

Tôi trả lời: "Sự thật là: Đối với Hoa Kỳ, trận chiến này coi như đã kết liễu."

Shaplen nhìn tôi chăm chăm, buông giọng: "Nếu vậy thì ông phải nói rõ cho họ biết."

Hôm sau, 17 tháng 4-1975, tôi có mặt trên chuyến bay Air France về Sài Gòn. Máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất vào khoảng bốn giờ trưa. Khung cảnh yên tĩnh nhất thời của phi trường làm tôi ngạc nhiên. Khi nghe lời tường thuật của Shaplen tôi đã chờ đón trước những khung cảnh hoàn toàn hỗn loạn. Tôi nhìn quanh và rồi bất chợt nhìn thấy một đám đông đang xoay quanh chỗ khu vực cấm của phi đạo, chờ đợi những chuyến bay đặc nghịt người sắp sửa ra đi. Khung cảnh bên ngoài phi trường còn khác thường hơn. Đường rời phi trường thật vắng. Trong khi đó thì ở tất cả những con đường dẫn đến phi trường xe cộ lại từng hàng ứ nghẽn. Dường như cả Sài Gòn đang di tản ra sân bay. Xe cộ sắp hàng như thắt nút. Hàng đoàn xe nối đuôi theo nhau chậm chạp nhích dần về hướng phi trường.

Ở Sài Gòn, triệu chứng độc nhất chứng tỏ dân chúng đã biết về những cơn sóng gió sắp đến chỉ là những tiếng xì xào bàn tán ở các đám đông tụ họp trên đường phố. Vẻ căng thẳng, âu lo hiện rõ trên từng khuôn mặt. Mọi sinh hoạt ồn ào hàng ngày đã mất. Trên tất cả mọi khuôn mặt dường như chỉ có những nét cương quyết, quả cảm của những người có quá nhiều việc cần làm trong một thời gian gấp rút. Hôm đó, tin tức loan báo rằng Việt Cộng đã chiếm được Phan Rang và chỉ còn cách Sài Gòn khoảng hơn 300 cây số.

Tôi trở về căn nhà thuê ở đường Nguyễn Huệ để gặp mẹ và chị tôi. Khi thấy tôi về, mẹ và chị tôi hết sức vui mừng. Cơn khủng hoảng ngày càng tăng đã khiến cả hai phải lo âu khắc khoải không biết phải làm gì.

Sau khi chào hỏi và trấn an gia đình rằng tôi sẽ có cách lo toan mọi chuyện, tôi gọi điện thoại vào Phủ Tổng Thống để xin gặp ông Thiệu. Chánh văn phòng Phủ Tổng Thống lúc bấy giờ là Đại Tá Võ Văn Cầm trả lời rằng ông sẽ lập tức cho tổng thống biết tôi đã ở Sài Gòn và sẽ gọi lại cho tôi ngay. Vài phút sau, ông Cầm gọi tôi để nhắn lại lời ông Thiệu: "Tổng Thống rất bận rộn và đang dao động vì mất Phan Rang. Tổng thống nhắn rằng xin ông đại sứ gặp Thủ Tướng trước rồi Tổng Thống sẽ tiếp ông đại sứ sau."

Lời nhắn tin cho thấy rõ ràng tình trạng đang khẩn trương đến độ nào. Chính ông Thiệu đã gửi tôi làm đại diện ở Hoa Kỳ. Lúc này tôi vừa trở lại và đương nhiên tôi là nguồn tin độc nhất mà ông Thiệu mong mỏi. Thường thường mỗi khi tôi đi công du trở về thì ông Thiệu vẫn thường gặp tôi ngay. Vậy mà lần này, trong lúc tình hình đang khẩn cấp thì thay vì gặp tôi, ông Thiệu lại muốn tôi gặp thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, một người mà từ trước tới nay ông vẫn có ý xem thường. Tôi nhớ lại lời Shackley và lời Shaplen: Ông Thiệu đang "chới với," đang "mất hết sáng suốt". Ông Thiệu (Và luôn cả đại sứ Graham Martin) "đang cắt đứt hết mọi liên lạc và không tiếp ai cả." Tôi tự hỏi: "Vậy thì ai, là người đứng ra điều hành mọi chuyện?" Lần họp cuối giữa tôi với ông Thiệu trước khi tôi lên đường sang Hoa Kỳ là vào khoảng trung tuần tháng ba. Kể từ ngày đó cho tới nay thì thời gian mới chỉ ba tuần. Nếu so sánh khung cảnh của Sài Gòn vào lúc tôi mới vừa trở về và khung cảnh của Sài Gòn ba tuần về trước thì có lẽ chẳng ai có thể tin được mức độ dồn dập của các biến cố đã xảy ra ở Sài Gòn. * * * * *

Ngày 11 tháng 3 năm 1975 có lẽ chính là thời điểm khởi đầu của giai đoạn kết thúc, tuy rằng biến cố đánh dấu giai đoạn này vẫn chưa lấy gì làm rõ ràng hoặc đậm nét. Hôm đó, Ban Mê Thuật đã bất thần bị ba sư đoàn Bắc Quân đánh chiếm. Thật ra Ban Mê Thuật chỉ được bảo vệ rất sơ sài. Tuy Việt Cộng đã chiếm được Ban Mê Thuật rồi mà ở Sài Gòn vẫn chưa có cơn hoảng hốt nào rõ rệt. Ban Mê Thuật là một tổn thất đáng kể nhưng không phải là một mất mát có tính cách sinh tử. Đã có lần Việt Nam phản công tái chiếm những thành phố lớn hơn -như Huế hồi Tết Mậu Thân năm 1968, Quảng Trị hồi mùa hè đỏ lửa 1972.

Khi Ban Mê Thuật thất thủ thì tôi vừa từ Tân Đề Li trở về sau một chuyến công du Ngoại Giao. Đây là một trong những chuyến công du nằm trong hành trình Đại sứ Lưu Động của Việt Nam. Chức vụ đại sứ lưu động là một chức vụ ngoại giao nhằm mục đích biểu dương hình ảnh Việt Nam, nối kết các mối bang giao và tìm viện trợ ở Đông Nam Á, Ấn, Pháp hoặc bất kỳ nơi nào có thể ủng hộ cho Việt Nam.

Vào ngày 15 tháng 3 ông Thiệu đã ngỏ ý mời tôi vào để chuẩn bị cho một chuyến công du Hoa Kỳ kế tiếp. Lần này thì chuyến công du của tôi khẩn thiết hơn vì Ban Mê Thuật đã thất thủ và cuộc tấn công của Bắc Quân đang lan rộng khắp nơi.

Tôi được mời cộng tác với chính quyền ông Kỳ vào năm 1965, ngay sau khi làm Đổng Lý Văn Phòng cho bác sĩ Phan Huy Quát, vị thủ tướng dân sự cuối cùng của Việt Nam. Khi ông Kỳ ngỏ lời mời tôi tham gia chính phủ. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Chính bản thân tôi cũng rất nghi ngờ sự thực tâm của các tướng lãnh khi họ mời tôi cộng tác. Kinh nghiệm chính trị của tôi là kinh nghiệm chính trị của một người phục vụ trong một chính phủ dân sự có quan niệm chính trị khác hẳn với quan niệm của một chánh phủ quân nhân. Và chính chánh phủ đó lại vừa mới sụp đổ.

Thực ra thì ngay sau khi chánh phủ dân sự của ông Quát sụp đổ tôi đã kết luận ngay rằng: Đã đến lúc tôi nên cho sự nghiệp chính trị của tôi lùi vào quá khứ. Lúc đó, tôi không hề nghĩ gì về việc tham gia hoặc cộng tác với chính quyền mới. Ngược lại, tôi chỉ mong được trở lại để sống mộc cuộc sống bình thường và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Saigon Post. Nhưng chính bác sĩ Quát là người thúc dục tôi nhận lời. Hơn nữa, tôi cũng biết rằng đối với một chánh phủ quân nhân thì vấn đề cần phải giữ một đại biểu dân sự trong chính quyền là một việc tối cần, nhất là khi Việt Nam đang phải giao dịch với Hoa Kỳ. Trong sự giao dịch đó, tôi cho rằng chính phủ Việt Nam cần có sự đóng góp của tất cả các thành phần quốc gia. Trước đây, khi còn phục vụ trong chánh phủ của bác sĩ Quát, vì là nhân viên đứng giữa liên lạc nội các của bác sĩ Quát và Hoa Kỳ nên dầu muốn, dầu không tôi đã phải giữ mối giao hảo với các nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ, chẳng hạn như đại sứ Maxwell Taylor và phó đại sứ Alexis Johnson. Bởi vậy các tướng lãnh thấy rằng kinh nghiệm giao dịch của tôi có thể giúp họ phần nào khi họ phải hợp tác với Hoa Kỳ.

Việc các tướng lãnh quyết định mời tôi tham gia cộng tác với chính phủ là một bằng chứng cho thấy rằng tôi thật sự có dịp để phát biểu ý kiến trong chính quyền mới. Vả lại, tôi có thể từ chức bất cứ lúc nào. Tôi nhận lời một phần vì tin tưởng rằng cho dù có tham gia chính phủ, tôi vẫn có quyền phát biểu ý kiến của tôi một cách tự do hoặc từ chức bất kỳ lúc nào tôi muốn. Hơn nữa, nếu không ra cộng tác, tôi khó thể tránh tiếng rằng tôi đã đặt quyền lợi và tiếng tăm của cá nhân lên trên quyền lợi của đất nước.

Nói cho cùng thì tuy tôi đã nhận lời cộng tác với chính phủ Thiệu-Kỳ, nhưng những liên hệ giữa tôi, ông Thiệu và ông Kỳ vẫn chưa bao giờ vượt quá những khuôn khổ giao thiệp bình thường để trở thành thân mật. Khi nhìn lại sự liên hệ giữa tôi và ông Thiệu trong quá khứ tôi vẫn nhiều lần thắc mắc chẳng hiểu tại sao sự liên hệ khác thường giữa tôi và ông Thiệu lại có thể tiếp tục lâu dài đến thế?

Đã nhiều năm qua tôi liên tục chỉ trích chánh quyền ông Thiệu và riêng ông Thiệu thì đã có tiếng là người không thích nghe chỉ trích, nhất là khi những chỉ trích của tôi lại toàn nhằm vào những vấn đề ông Thiệu không hề nhượng bộ ai bao giờ. Chẳng hạn như những chỉ trích về vấn đề đoàn kết các tầng lớp quốc dân. Trong các cuộc bàn luận với ông Thiệu tôi vẫn thường nói rằng ông Thiệu cần phải cải tổ chính phủ để loại trừ bớt những nhân viên bất tài và thiếu khả năng. Tôi đưa ý kiến rằng ông Thiệu cần phải mời những đại biểu từ khắp cả các tầng lớp quốc dân, kể cả những đại biểu của các nhóm đối lập thì mới có thể phát huy được hết tiềm năng của quốc gia và đối chọi hữu hiệu được với cộng sản.

Thật sự thì ông Thiệu cũng không hẳn hoàn toàn mù quáng về những nhược điểm của chánh phủ. Sau những buổi họp vô vị và dai dẳng của chính phủ mà ông tham dự, nỗi thất vọng của ông thường bùng ra. Mỗi khi những cuộc họp đó kết thúc, ông Thiệu vẫn thường cau có: "Anh coi đó! Thật chẳng ra làm sao cả!"

Những lúc đó là những lúc tôi đưa lời chỉ trích: "Như tôi đã nói với tổng thống, tổng thống cần thay đổi chánh phủ." Nhưng khi cuộc bàn cãi tiến tới chỗ găng hơn thì phản ứng cố hữu của ông Thiệu lại y như cũ. "Để coi, tôi sẽ suy nghĩ lại." Kết cục sự trì hoãn và bản tính lưỡng lự cố hữu của ông vẫn thắng. Mặc dù hiểu tường tận tầm mức cấp thiết của việc phải cải tổ, ông Thiệu vẫn rơi vào tình trạng mãi mãi đợi chờ, mãi mãi nghi ngờ để rồi chẳng bao giờ có hành động nào thiết thực cả.

Ngày 15-3, ông Thiệu lâm vào tình thế chính trị nan giải. Vào lúc này, khi Bắc quân đang phát động tấn công gia tăng ngày càng ráo riết thì vấn đề viện trợ cho quân đội Việt Nam trở thành vô cùng cấp thiết. Lúc ông Thiệu cho vời tôi cũng chính là lúc tôi dự định sẽ dùng tất cả quyền lực để làm áp lực với ông Thiệu. Vào ngày 15-3-74, trước khi đến gặp ông Thiệu, tôi nói rằng: Chắc chắn tôi sẽ đến gặp tổng thống, nhưng tôi yêu cầu được phép mang hai người nữa đi cùng: Cựu Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ, nguyên là một trong những bạn thân của tôi và ông Trần Quốc Bửu, Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công. Cả hai đều là những chính trị gia tháo vát và đều không phải là nhân viên của chánh phủ Việt Nam lúc đó. Khi yêu cầu được mang hai người này đi cùng, ý kiến của tôi về vấn đề cần phải đoàn kết tất cả các thành phần quốc gia trong mọi tầng lớp quốc dân đã trở nên quá rõ.

Lúc Chánh văn phòng Phủ Tổng Thống gọi tôi nhắn rằng tổng thống vui lòng gặp cả ba, tôi biết mình đang đứng ở vị thế phải làm áp lực hết sức. Tôi dự định hết sức nhấn mạnh sự quan trọng của ý kiến dư luận Hoa Kỳ. Tôi muốn nói rõ ảnh hưởng của dư luận đối với quốc hội Hoa Kỳ về vấn đề viện trợ cho Việt Nam.

Qua những buổi thuyết trình của tôi và nhiều nhân viên khác, ông Thiệu đã biết từ nhiều năm trước rằng ở Hoa Kỳ ông bị coi là một lãnh tụ quân phiệt và độc tài. Thật sự thì một trong những thất vọng lớn nhất của tôi là việc tôi chẳng thể giải thích cho ông Thiệu hiểu rõ nổi những bất lợi do ấn tượng xấu xa này gây ra. Trong các cuộc thuyết trình, lúc nào ông Thiệu cũng coi thường những dư luận của Hoa Kỳ. Lúc nào ông cũng quyết đoán rằng những lời chỉ trích của dư luận Hoa Kỳ chẳng qua chỉ là những vấn đề "bị thổi phồng" và "hoàn toàn vô căn cứ." Những lúc đó tôi thường cực lực lên tiếng rằng: "Nếu tổng thống còn cần viện trợ của họ thì tổng thống phải coi trọng ý kiến của họ. Chỉ khi nào tổng thống không cần họ nữa thì lúc đó tổng thống mới có quyền xem ý kiến của họ là đồ vứt đi."

Lúc này thì tất nhiên là chánh phủ Việt Nam đang cần viện trợ. Thất thủ Ban Mê Thuật là một thúc đẩy cấp thiết. Có thêm hai người bạn là cụ Đỗ và ông Bửu tăng cường bên cạnh, tôi đã dành gần hết 5 tiếng đồng hồ nhấn mạnh tầm mức cấp thiết của việc phải lập một chánh phủ hoàn toàn có tính cách đại diện cho mọi tầng lớp dân chúng. Ở ngay cả giờ phút đó, nếu ông Thiệu chịu cải tổ chính phủ thì sự thay đổi này vẫn có thể khiến quốc hội Hoa Kỳ thay đổi ý kiến về vấn đề viện trợ cho Việt Nam. Và cho dù sự cải tổ của ông Thiệu có không thay đổi được ý kiến của quốc hội Hoa Kỳ thì ít ra thì sự thay đổi này cũng sẽ cổ võ được tinh thần quốc dân trong việc chống lại Cộng sản. Cuộc bàn cãi của tôi với ông Thiệu căng thẳng đến độ về sau có lời đồn đại (như lời tường thuật sau này của nhân viên CIA Frank Snepp) là tôi đã yêu cầu ông Thiệu từ chức. Sự thật không đúng hẳn. Mặc dù tôi chưa hề đòi hỏi ông Thiệu từ chức nhưng ngoài chuyện này ra có lẽ tôi đã làm tất cả mọi việc có thể làm ở cương vị tôi.

Cho đến lúc đó mà ông Thiệu vẫn không chịu nghe tôi. Mặc dù ông đồng ý với chúng tôi là cần có sự thay đổi trong guồng máy chính quyền. Mặc dù ông đã yêu cầu chúng tôi đưa ra những "phương pháp cụ thể" để tiến hành. Tôi biết ông vẫn ngấm ngầm tìm cách trì hoãn, hứa hẹn như những lần trước đây và vẫn chẳng hề có chủ định nào rõ rệt. Ngay cả khi đã cùng đường ông Thiệu vẫn chứng tỏ là con người đã mù quáng vì quyền thế, không còn đủ khả năng để hiểu rõ nhu cầu thiết yếu của quốc dân và những nhu cầu thiết yếu của đồng minh, mặc dù đây là một đồng minh có liên quan đến sự sinh tồn của chính chánh quyền ông Thiệu.

Ngày 22-3 tôi đến Hoa Thịnh Đốn vừa lúc thành phố bắt đầu rạng rỡ sinh động trong buổi chớm xuân. Tuy vậy, những nụ Azalea, nụ Dogwood và nụ Anh Đào vẫn chẳng làm giảm bớt được nỗi lo âu trĩu nặng tim tôi. Khi ghé qua Ba Lê tôi đã nghe về cuộc triệt thoái cao nguyên. Thay vì cố gắng củng cố các đội quân ở Ban Mê Thuật sau khi Ban Mê Thuật thất thủ thì ông Thiệu lại hạ lệnh rút lui về mé biển. Vì những đại lộ chính đã bị cắt ngang, quân đội Việt Nam bị buộc phải dùng những con lộ phụ hiểm hóc trong chuyến triệt thoái. Giữa rừng già cao nguyên, những toán quân triệt thoái đã bị chia cắt và tiêu diệt. Lúc này quân đội Bắc Việt đang tấn công cả đại lộ dọc theo bờ biển, cô lập những thành phố chính như Huế và Đà Nẵng. Một chiến thắng xoàng xĩnh, địa phương bỗng nhiên lan rộng thành một biến cố đủ sức gây hoảng hốt trong quân đội. Thảm kịch diễn ra ở Việt Nam đã khiến 700 triệu đô la trợ cấp, nguyên là mục tiêu cho chuyến đi của tôi thành một thứ viện trợ khẩn cấp liên hệ đến sự sinh tồn của Việt Nam.

Những tiến trình tuần tự về sau cho thấy màn đầu của tấn thảm kịch kết liễu Việt Nam đang được vén dần lên trong các sảnh đường quốc hội Hoa Kỳ. Những kinh nghiệm thâm niên trong ngành đã khiến tôi thuộc nằm lòng tất cả các phương thức vận động quốc hội. Tôi biết rõ cả chi tiết trong từng giai đoạn. Đầu tiên thì tôi phải theo dõi tất cả những cuộc họp ở Tòa Bạch Ốc, ở Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, ở Bộ Ngoại Giao và ở Ngũ Giác Đài. Khi những cuộc họp đó kết thúc, tôi sẽ phải họp riêng với ký giả về vấn đề Việt Nam và tìm cách để thuyết phục quốc hội. Cuối cùng, khi đã biết rõ lập trường của các dân biểu và Thượng Nghị Sĩ tôi mới chuẩn bị sẵn sàng để đối phó. Thường thì tôi cố vận động để nâng cao tinh thần những người có cảm tình với mình và lên tiếng kêu gọi những người chỉ trích hãy suy nghĩ lại.

Tôi đến Hoa Thịnh Đốn được một ngày thì Huế, kinh thành đại nội cổ kính đã bị cắt đứt. Hàng trăm ngàn dân tản cư đổ xô về phía Nam dọc theo những con đường chạy sát biển về Đà Nẵng cố trốn mũi dùi Bắc Việt. Ở Hoa Thịnh Đốn, quốc hội Hoa Kỳ lúc đó đang nghỉ nhóm 10 ngày. Ngoại Trưởng Kissinger đã lên đường đàm phán ngoại giao Trung Đông và tổng thống Gerald Ford đang nghỉ mát ở Vail, Colorado.

Cũng trong hôm đó tôi đến gặp ông Philip Habib, Phụ Tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Đặc Trách Viễn Đông Sự Vụ. Tôi biết ông Philip đã ngót một thập niên, từ khi ông còn là cố vấn Bộ Trưởng ở Sài Gòn năm 1965. Ông Habib vừa là một nhà ngoại giao thẳng thắn, chuyên nghiệp lại vừa là người bộc trực, can đảm và thành thật đôi khi đến tàn nhẫn. Vừa gặp tôi, ông Habib đã đi thẳng vào vấn đề: "Lúc này Tổng Thống Ford đang bị Đạo Luật về Quyền Hạn Chiến Tranh trói chặt và hoàn toàn bất lực... Tôi không biết Tổng Thống phải làm thế nào để có thể vượt ra khỏi vòng kềm tỏa của quốc hội... Chúng ta phải ráng tìm cách trình bày để quốc hội có thể thấy rõ tình trạng khẩn cấp của Việt Nam..."

Tuy ông Habib có vẻ bộc trực và bi quan, những nhận xét của ông vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với những nhận xét của nghị sĩ George Aiken. Ông George Aiken là nghị sĩ của tiểu bang Vermont và cũng là đường giây liên lạc chặt chẽ giữa tôi và quốc hội. Tuy là một nghị sĩ của đảng Cộng Hòa, nghị sĩ Aiken cũng là bạn thân của lãnh tụ đa số Thượng Viện Mike Mansfield. Thượng Nghị Sĩ Mansfield vốn nổi tiếng là một nghị sĩ phản chiến. Thông thường thì những nhận xét về thế đứng quốc hội của nghị sĩ Aiken lúc nào cũng rất sắc bén. Khi tôi đến gặp ông ta ở văn phòng riêng, ông đã nhận định rằng: "Tình thế rất là ảm đạm." Lúc tìm đến các nghị sĩ khác tôi có cảm giác là ngay cả bạn bè cũng cố tránh gặp tôi. Nếu bị buộc phải nhìn thẳng mặt tôi thì họ cũng chỉ nhìn với vẻ miễn cưỡng, khó khăn.

Ngày 30-3, Đà Nẵng, một thị xã nằm khoảng non 200 cây số về phía Nam của Huế và là một thành phố lớn hàng thứ hai của Miền Nam bị một lực lượng 35 ngàn quân Bắc Việt tiến chiếm. Đêm đó màn ảnh truyền hình đầy những cảnh tượng hãi hùng: Phụ nữ và trẻ em bị dày xéo trong đám đông hỗn loạn. Dân, quân đạp lên nhau cố vượt ra khỏi vòng vây khổng lồ đang thắt dần lấy thành phố. Một triệu dân tản cư tràn ngập đường phố dẫn về Nam.

Lúc này đường liên lạc giữa tòa đại sứ ở Hoa Thịnh Đốn và Sài Gòn đã bị cắt đứt hoàn toàn. Chúng tôi không còn liên lạc được với ông Thiệu nữa. Mặc dù đã gửi liên tiếp hàng loạt điện tín, chúng tôi vẫn không nhận được trả lời. Dường như đã có một bức màn vô hình chụp xuống, cắt lìa Sài Gòn với thế giới bên ngoài, với những người như chúng tôi. Hàng đêm chúng tôi ngồi lịm trước máy truyền hình bàng hoàng nhìn những thành phố, quận lị theo nhau lần lượt bị xoá tên trên bản đồ Việt Nam. Mỗi ngày ông Trần Kim Phượng, người đã thay thế tôi giữ chức vụ đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ từ năm 1972, và tôi đều phác họa thời khắc cho những cuộc điện đàm, những buổi họp, làm đi làm lại những bước mà càng ngày cả hai càng tin là hoàn toàn vô hiệu. Và khi ngày đã tắt, cả hai đều phờ phạc vì kiệt sức, không nhớ nổi lấy một điều về những việc đã làm. Ở mười ngàn dặm xa, đất nước đang chết dần và chúng tôi hoàn toàn bất lực.

Cuối tháng 3, một tia hy vọng bỗng loé lên khi tổng thống Ford thình lình gửi đi một phái đoàn chuyên viên sang Việt Nam để lượng định tình hình. Những người được gửi đi bao gồm Tư Lệnh quân sự Frederick Weyand, Trưởng Phòng Tình Báo Viễn Đông Ted Shackley và Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Đặc Trách Quân Nhu Erich von Marbot. Những nhân viên này được phái sang Việt Nam để có thể đích thân thị sát tình hình và chuyển lời đề nghị viện trợ nếu đây quả là vấn đề cấp thiết. Ngày 9-4 tôi đến gặp Tư Lệnh Weyand ngay khi ông vừa trở lại. Mặc dầu bi quan, tướng Weyand vẫn cho rằng quân đội Việt Nam hãy còn cơ hội tập trung để chỉnh đốn, kết hợp và chống đỡ. Nếu viện trợ hãy còn kịp thời, ông ta hoàn toàn đồng ý việc quốc hội hỏa tốc chấp thuận viện trợ.

Vào lúc này tất cả các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt được trang bị với khối lượng chiến cụ khổng lồ của Nga và Tàu đang trải rộng dần ra, tiến theo đội hình hàng dài dọc theo mọi ngã đường. Trong suốt cuộc chiến chưa lúc nào những toán quân Cộng Sản lại hành quân lộ liễu và có thể dễ bị máy bay tiêu diệt bằng lúc này. Tại Xuân Lộc, vòng đai tự vệ phía ngoài của Sài Gòn, sư đoàn 18 của Việt Nam đang chống trả dữ dội các cuộc tấn công ngày càng tăng của cộng sản. Lúc này, chỉ cần các lực lượng không quân Hoa Kỳ can thiệp - Một giải pháp can thiệp mà cả tổng thống Nixon lẫn ông Kissinger đã cam đoan thi hành hồi năm 1973- cũng đủ để phá tan các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt đang công khai hành quân và làm giảm hiệu năng của quân đội cộng sản trong nhiều năm kế tiếp. Rồi từ đó, nếu được tiếp tế quân nhu và quân cụ đầy đủ và được ủy lạo tinh thần, quân đội Việt Nam sẽ có thể tái chiếm những vùng đã mất.

Ngay cả khi tăm tối đã bao trùm, ông Phượng và tôi vẫn cảm thấy điều này. Cả hai chúng tôi đều biết rằng thời cơ hoàn toàn tùy thuộc vào lần họp sắp tới. Tuy thế, quốc hội Hoa Kỳ lúc này lại là một quốc hội đã chán chường với chiến tranh, đã mệt mỏi vì viện trợ cho một đồng minh đang bị rất nhiều dân biểu xem là một chánh phủ của những thành phần bất tài và tham nhũng. Sau nhiều năm Hoa Kỳ đổ mồ hôi và nước mắt vào Việt Nam, giờ đây chính những Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ của Hoa Kỳ sẽ phải đi đến quyết định cuối cùng. Kinh nghiệm thực tế nghề nghiệp đã buộc tôi phải hiểu rằng quốc hội Mỹ nhất định sẽ phải quyết định bằng quan niệm của người Mỹ. Trong quyết định sắp tới về việc liệu có nên viện trợ cho Việt Nam lúc này hay không, quốc hội Hoa Kỳ sẽ phải quyết định một trường hợp thật là khó khăn. Những dân biểu bị buộc phải cân đo những lỗ lã về uy tín cũng như vị trí chiến lược của Hoa Kỳ để đánh đổi với tiền của và xương máu mà Hoa Kỳ đã đổ vào Việt Nam trên hai mươi năm. Vào giờ phút đó thì quốc hội Hoa Kỳ lý luận rằng, nếu họ có gia tăng viện trợ cho Việt Nam đi chăng nữa thì vấn đề vẫn chỉ là tạm kéo dài cơn hấp hối, thống khổ của Việt Nam mà thôi. Các Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ quyết định rằng quốc hội cần phải đưa ra một giải pháp thiết thực và rồi kết luận: Nếu cùng lắm thì cũng đành phải kết thúc một chương sử Hoa Kỳ.

Tất cả kinh nghiệm chính trường đã dạy tôi chẳng những phải chờ đón quyết định sắp tới của quốc hội Hoa Kỳ mà còn phải hiểu rõ lý do của quyết định đó để nhận thấy quan niệm của những người đã tạo ra luật pháp ở Hoa Kỳ. Bởi thế nên tôi đã cố gắng để hiểu rõ những lý do ảnh hưởng đến quyết định sắp tới của họ. Nhưng trong tận cùng tâm khảm tôi biết rằng câu hỏi quan trọng nhất liên quan đến vấn đề viện trợ thật sự chẳng liên quan gì đến uy tín Hoa Kỳ hay sự xứng đáng của các lãnh tụ Việt Nam. Câu hỏi quan trọng nhất là câu hỏi về cuộc sống của 20 triệu nhân dân Việt Nam. Sau khi quốc hội quyết định về vấn đề viện trợ thì cuộc sống của 20 triệu người dân Việt Nam, của con họ và cháu họ rồi sẽ ra sao? Đây mới là câu hỏi quan trọng nhất. Nhưng câu hỏi này không phải là một trong những yếu tố chính đưa đến quyết định cuối cùng của quốc hội Mỹ. Vì lẽ đó tôi không thể chịu đựng được những nỗi uất ức đè nén khi Việt Nam phải chấp nhận một bản án bất công như bản án mà quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định. Ở căn nhà riêng tại Hoa Thịnh Đốn tôi đã không thể cầm được nước mắt.

Tia hy vọng phù du về vấn đề Hoa Kỳ sẽ viện trợ cho Việt Nam tắt phụt sau khi chuyến công du do Tư Lệnh quân sự Weyand dẫn đầu kết thúc vào ngày 11-4. Hai ngày sau khi Tư Lệnh Weyand trở lại Hoa Kỳ thì đạo luật chấp thuận viện trợ đã bị phủ quyết. Những người thực tế đã nhận định rằng đến lúc đó thì dù có phủ quyết hay không việc cũng đã quá trễ. Nhưng đối với ông Phượng và tôi thì quyết định phủ quyết chính là một con dấu phũ phàng công khai chấp nhận việc Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh. Những người đang chiến đấu anh dũng ở Xuân Lộc và hàng triệu người tản cư vào Miền Nam vẫn không hề hay biết Quốc Hội Hoa Kỳ đã tuyên bố bản án khai tử Việt Nam ở Capitol Hill vào ngày 11-4-1975.

Kể từ khi tổng thống Johnson còn đương nhiệm tôi đã giữ chức vụ đại sứ. Tôi cũng là người liên lạc chính giữa chánh quyền Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn. Sau 5 năm trải qua các hội nghị thượng đỉnh, qua Tết Mậu Thân, qua các trận đánh phối hợp quân đội của Hoa Kỳ và Việt Nam ở Cam Bốt, qua trận tập kích mùa xuân cho tới tháng 4- 1975, công việc của tôi lúc nào cũng đi đôi với những công tác có liên quan đến quốc gia. Nhưng sau đạo luật khai tử Việt Nam cuối cùng ở Hoa Thịnh Đốn thì vai trò của tôi kể như đã chấm dứt. Chẳng còn liên lạc được với chánh phủ, chẳng còn việc gì để làm trong các sảnh đường quyền lực Hoa Kỳ, tôi trở lại với gia đình ở căn nhà ngoại ô Hoa Thịnh Đốn để cùng nhà tôi và các con dán mắt vào máy truyền hình, trước những tấn thảm kịch thôi miên trên màn ảnh.

Bỗng nhiên tôi nhớ lại một mùa nghỉ ngắn ngủi khoảng một năm về trước, khi cả gia đình tôi có dịp quây quần ở bãi biển Nha Trang bên con nước trong xanh màu lục biếc và những bờ cát mịn long lanh. Lần đó, khi nhìn bãi biển dịu dàng phơi mình trên nắng tôi đã nghĩ rằng bất kể vì lý do gì nếu mảnh giang sơn gấm vóc này mất đi thì niềm đau quả vô cùng tận. Những ký ức xa xăm khác tự dưng ồ ạt ùa về như một cuốn phim quay chậm. Tôi thấy mình đứng trong ruộng lúa gần căn nhà lúc ấu thời ở Miền Bắc vào những năm đầu của thập niên 1940, chăm chú nhìn theo chiếc máy bay P-38 hai đuôi của Hoa Kỳ dội bom vào những vùng Nhật chiếm đóng gần Hà Nội. Lần đó có lẽ là lần đầu tiên tôi mục kích Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam. Lúc này, tôi lại là chứng nhân đứng ngoài mục kích màn kết liễu của sự can thiệp tôi đã mục kích lần đầu. Dầu muốn dầu không, cuộc đời tôi cũng đã nối liền vào với những chuỗi biến cố chập chồng đã chuyển hướng quê hương từ điểm ban đầu đến điểm hiện tại.



Nguồn: Đặc Trưng
Bản Dịch: Phan Lê Dũng
 



Kính mời các bạn xem tiếp tại đây:
Bùi Diễm – Trong Gọng Kềm Lịch Sử - Bản dịch của Phan Lê Dũng tại Diễn Đàn Việt Nam Thư Quán xin bấm vào để nhập
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.12.2006 00:34:22 bởi sóng trăng >