Mắt * Mù Lòa
HongYen 06.12.2006 09:15:42 (permalink)
Chiến lược phòng chống mù lòa ở Việt Nam:
Năm 2010, sẽ giảm tỷ lệ mù xuống còn 0,5%

Thứ Ba, 05/12/2006, 18:04 GMT+7
Cập nhật cách đây 4 giờ 18 phút

Từ ngày 5 đến ngày 8.12, tại Đà Nẵng, Hội Nhãn khoa Việt Nam tổ chức Hội nghị phòng chống mù lòa và khoa học kỹ thuật ngành mắt toàn quốc năm 2006, với sự tham dự của hơn 400 đại biểu là các bác sĩ nhãn khoa, giám đốc các bệnh viện mắt ở Việt Nam và các nước Nhật Bản, Mỹ, Úc, Singapore...


Tại hội nghị, Hội Nhãn khoa Việt Nam đề ra chiến lược phòng chống mù lòa ở Việt Nam, với mục tiêu mỗi năm mổ hơn 100.000 ca đục thể thủy tinh gây mù, phát hơn 360.000 viên nang Vitamin A liều cao để điều trị và dự phòng khô mắt cho trẻ em dưới 5 tuổi, mổ khoảng 50.000 ca quặm gây mù/năm, khám mắt hột cho 2 triệu người... Đến năm 2010, sẽ giảm tỷ lệ mù hai mắt xuống còn 0,5% trong dân số.
Diệu Hiền
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.10.2007 09:26:58 bởi HongYen >
#1
    HongYen 29.10.2007 09:20:55 (permalink)
    Thứ bảy, 27/10/2007, 08:58 GMT+7

    Lác mắt có thể là dấu hiệu bệnh nguy hiểm




    Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân trẻ em. Ảnh: Hoàng Hà.
    Bố mẹ bé Hùng (5 tuổi, thành phố Thanh Hóa) lạnh người khi bác sĩ nói bé bị đục thủy tinh thể. Chứng lác của Hùng, vốn được bố mẹ coi là chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, lại chính là một biểu hiện của bệnh.

    Bé Hùng bắt đầu có biểu hiện lác từ khi gần 3 tuổi. Tuy nhiên, gia đình cho rằng triệu chứng không gây hại gì đến sức khoẻ và khả năng nhìn, chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên định để cháu lớn lên mới điều trị. Gần đây, thấy con có dấu hiệu nhìn kém, bố mẹ Hùng mới đưa đi khám. Họ không ngờ chẩn đoán lại quá nặng nề: Đục thuỷ tinh thể bẩm sinh giai đoạn nặng. Bác sĩ cho biết, lác mắt chính là một hệ quả của bệnh này. Sau phẫu thuật thay thủy tinh thể, Hùng sẽ phải trải qua quá trình điều trị khá dài để phục hồi thị lực.

    Theo bác sĩ Hoàng Cương, phòng khám Bệnh viện Mắt Trung ương, cha mẹ không nên chủ quan khi thấy con bị lác mắt vì đó có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm, mà đục thuỷ tinh thể bẩm sinh là một ví dụ. Bệnh này cần được chữa sớm bởi nếu để lâu, tế bào thị giác của trẻ sẽ thoái hoá và rất khó phục hồi.

    Ngoài lác, đục thủy tinh thể bẩm sinh còn có một số biểu hiện dễ thấy là lỗ con ngươi của trẻ có màu trắng phấn, thường bị cả hai bên. Mắt có những cử động bất thường như rung lắc. Trẻ nhìn kém, hay dụi mắt, nheo mắt khi nhìn.

    Khối u võng mạc (thường là ung thư) cũng có thể gây lác. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu phát hiện muộn, trẻ sẽ phải múc bỏ mắt để bảo toàn tính mạng. Phần lớn số trẻ bị ung thư võng mạc đến Bệnh viện Mắt Trung ương điều trị đều lâm vào cảnh này.

    Cháu Ngọc ở Vĩnh Phúc là một ví dụ. Mới 3 tuổi, bé gái này đã mất đi một bên mắt; và do phải chịu những đợt hóa trị để chống lại tế bào ung thư nên bị suy dinh dưỡng nặng. Ngọc được phát hiện triệu chứng lác nhẹ khi mới hơn 1 tuổi, nhưng bác sĩ ở địa phương khẳng định là không vấn đề gì nên cha mẹ bé hoàn toàn yên tâm. Gần đây thấy đồng tử một bên mắt bé to hơn và có màu sáng là lạ, nhất là trong bóng tối, họ mới đưa đi Hà Nội khám, nhưng đã không kịp cứu con mắt đó.

    Lác do khối u thường có dấu hiệu đi kèm là ánh đồng tử bệnh nhân có thay đổi. Khi trẻ ở trong bóng tối, ánh mắt có màu xanh lơ hoặc trắng xám. Mắt bên tổn thương trông rất dại, vô hồn. Nếu để muộn, mắt có thể đỏ, lồi, gây đau nhức và buồn nôn.

    Ngoài ra, các bệnh như viêm màng bồ đào, tổn thương ở não bộ... cũng có thể gây lác. Do đó, khi có biểu hiện này, trẻ cần được đưa đi khám ngay.

    Lác thông thường cũng không chỉ là vấn đề thẩm mỹ
     
    Các tật khúc xạ như viễn thị, loạn thị hoặc viễn - loạn thị phối hợp cũng gây lác mắt ở trẻ em, nhất là khi khúc xạ hai mắt lệch nhau. Trường hợp này thường gây lác vào trong. Nếu trẻ bị cận thị số cao nhưng không đều hai bên thì mắt nặng hơn thường bị lác ra ngoài.

    Theo bác sĩ Đỗ Quang Ngọc, khoa Mắt trẻ em Bệnh viện Mắt Trung ương, ngay cả với các trường hợp kể trên, lác mắt cũng không phải chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nếu không điều trị, mắt lác sẽ yếu dần và dẫn đến nhược thị.

    Do đó, chứng lác cần được điều trị càng sớm càng tốt, và phải chữa dứt điểm trước tuổi đi học. "Sẽ là quá muộn khi bệnh nhân đã 5-7 tuổi bởi não bộ và thị giác đã phát triển hoàn hảo, khó có thể đảo ngược được tình hình", bác sĩ Hoàng Cương nói. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ vì nghĩ rằng mắt lác chỉ là vấn đề xấu -đẹp nên không đưa con đi khám và điều trị sớm. Khi trẻ lớn lên, bắt đầu quan tâm đến hình thức mới tới gặp bác sĩ thì thị lực đã giảm nghiêm trọng.

    Nhiều thanh niên đến khi đi khám sức khỏe để lấy bằng lái xe mới biết mình chỉ còn một mắt. Mắt bên kia bị lác và hỏng từ lâu, tuy trông bề ngoài vẫn khá lành lặn. Do không bao giờ che một mắt để kiểm tra thị lực mỗi bên, họ không biết. Lúc này, đã quá muộn để khôi phục thị lực.

    H.H.
    #2
      HongYen 29.10.2007 09:29:26 (permalink)
      03/08/2007
       
       
      AIG đóng góp 5 triệu đôla cho các chương trình chống mù lòa
       
      ORBIS International đã nhận được một khoản tặng dữ lên tới 5 triệu dollars của công ty American Inernational Group (AIG) để tiếp tục các chương trình phòng chống mù lòa ở Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Ethiopia và Mỹ Châu La Tinh. Công ty AIG lâu nay vẫn đóng góp cho các nỗ lực nầy.
       
      Theo những con số ước tính do Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đưa ra thì hiện có gần 37 triệu người bị mù trên toàn thế giới và 124 triệu người có mức khiếm thị nặng đến độ họ không thể có được một cuộc sống bình thường.

      Nhưng theo tổ chức nầy thì lẽ ra 75% số người đó không phải bị mù bởi vì những chứng bịnh đưa họ tới tình cảnh đó đều có thể chữa trị được.

      Khoản tiền đóng góp mới nhất của công ty AIG sẽ được sử dụng từ tháng 10 năm nay tới tháng 9 năm 2012. Thoạt tiên thì ngân khoản đó sẽ được dành cho các dịch vụ săn sóc đôi mắt của dân chúng các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Riêng ở Việt Nam thì sẽ chú trọng tới việc cải thiện các dịch vụ nầy ở miền quê.

      http://www.voanews.com/vietnamese/2007-08-03-voa12.cfm
      #3
        HongYen 29.10.2007 09:31:32 (permalink)
        Rau chân vịt ẩn giấu thuốc trị mù loà


         

        Rau chân vịt chứa các sắc tố cảm nhận ánh sáng.

        Những luống rau chân vịt khiêm nhường trong mảnh vườn nhà bạn có thể là thần dược chữa sáng mắt. Các sắc tố hấp thu ánh sáng của loại rau này có thể giúp tế bào thần kinh ở võng mạc bị tổn thương cảm nhận ánh sáng trở lại.

        Các bệnh phổ biến ở võng mạc hiện nay là viêm võng mạc và thoái hóa điểm vàng. Chúng gây ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh cảm nhận ánh sáng ở sau võng mạc, dễ dẫn đến mù lòa. Các nhà khoa học đến từ Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (Mỹ) cho biết có thể lợi dụng khả năng tạo xung điện trong quá trình quang hợp của rau chân vịt để phục hồi một phần hậu quả của các bệnh trên. Thử nghiệm cho thấy các sắc tố của rau chân vịt đã làm cho tế bào thần kinh bị tổn thương loé lên mỗi khi gặp ánh sáng.

        Lúc đầu, nhóm phân lập những protein của rau chân vịt tham gia vào hoạt động quang hợp, rồi gắn chúng vào lớp màng của các vi thể mỡ - những thành phần có khả năng chuyên chở thuốc vào tế bào. Sau khi xâm nhập vào tế bào thần kinh, các vi thể mỡ đã phát ra một điện áp dưới tác động của ánh sáng, với cường độ đủ để kích thích một tế bào thần kinh hoạt động trở lại. Điều này chứng tỏ các protein cảm nhận ánh sáng của rau chân vịt hứa hẹn phục hồi các tế bào thần kinh sau võng mạc bị tổn thương.

        Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng liệu pháp trên chưa chắc đã giúp ích người bệnh mù màu. Hơn nữa, nhóm cũng cần kiểm chứng thêm về khả năng duy trì hoạt động của các vi thể mỡ đã thay đổi, nguy cơ gây tổn thương tế bào thần kinh của các sắc tố từ rau chân vịt và hiện tượng đào thải sau cấy ghép.

        Mỹ Linh (theo BBC)

        http://www.ykhoanet.com/yhoccotruyen/29_501.htm
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9