HƯƠNG VỊ MÓN ĂN 3 MIỀN
sunflower 10.07.2004 02:44:31 (permalink)
0
Nhiều người nói với tôi rằng hương vị của món ăn miền Nam rất lạ , tất cả mọi thứ đều có đường đấy , song tôi vẫn chưa tin lắm nên công việc đầu tiên khi tôi đặt chân đến nơi đây là tìm ăn những món của riêng xứ này . Một địa điểm được coi là phố ẩm thực của người dân đó là Thanh Đa . Nằm bên bờ sông Sài Gòn , bán đảo Thanh Đa được hưởng mọi ưu đãi của thiên nhiên . Dòng sông êm đềm chảy , gió như thấm đượm vào từng ngọn cây , bụi cỏ nơi này . May mắn cho tôi là tôi đến vào lúc nhà hàng đã vắng khách nên chỉ 5 phút sau một tô bánh canh Trảng Bàng được đưa ra . Những sợi mì trong như bún nhưng to đến nỗi nếu bạn nổi hứng lên muốn đếm chi li mỗi bát có bao nhiêu sợi thì điều đó cũng không khó thực hiện lắm . Một bát bánh canh được đưa kèm với một dĩa rau sống . Và mặc dù đã được chuẩn bị tâm lý trước , nhưng tôi cũng không nghĩ rằng nước dùng lại có thể trong và ngọt đến thế .

Nhưng theo hướng dẫn viên bản địa nhiệt tình nhất thì tôi nên thử một lần ở quán hủ tiếu đêm , mới là nơi thể hiện cái phong vị rất khác thường ấy . Nếu như phở của Hà Nội có vị ngọt rất đậm đà của xương , của thịt thì ở đây là vị ngọt của đường . chỉ cần bạn vắt thêm vài miếng chanh hoặc nêm thêm một chút giấm là đã có ngay cái thứ nước xốt chua ngọt thường dùng để rưới lên sườn rán .

Cái vị ngọt ấy cũng theo chân những người khách du lịch Sài Gòn để lên tới vùng cao nguyên Đà Lạt . Nhiều người luôn cho rằng chính khí hậu đã tạo nên một phong cách sử dụng gia vị khác nhau , nhưng cái lý thuyết ấy dường cần phải xem lại . Vì Sài Gòn thì trời luôn nóng nực còn Đà Lạt thì không khí mát mẻ quanh năm. Vậy mà họ vẫn có những khẩu vị giống nhau . Thea lời tâm sự của người dân thì trước đây người Đà Lạt cũng ăn mặn , các quán hàng cũng bán như vậy , xong mỗi ngày khách dưới thành phố Hồ Chí Minh lên một đông nên người bán hàng cũng phải học cách nên gia vị như vậy để phục vụ “thượng đế”tốt hơn . Và thế là người Đà Lạt cũng dần ưa cái vị ngọt đường ấy . Chỉ cần bạn dạo bước ra chợ trung tâm của Đà Lạt vào lúc sáng sớm thì có thể gặp vô số những hàng bán sữa đậu nành . Thú thật là ở nhà nếu ai mời khéo lắm thì tôi mới động lòng dùng hộ 1 cốc . Song lúc này đây chỉ cần hít hà cái hơi nóng nghi ngút của sữa , dòng sữa trắng tinh sóng sánh trên tay như chính thịnh tình của người dân sứ sở sương mù vậy , tôi cũng thú vị lắm rồi .

Tạm biệt Đà Lạt , Huế đón chào tôi bởi cái nắng như thiêu , như đốt của mùa hè . Song điề đó cũng không thể làm cho Huế kém thơ mộng . Con người nơi đây thật thà như đếm , không phải vì bạn là dân du lịch mà giá đắt hơn , chỉ với 3.000 đồng là đã có thể thưởng thức được một bát cơm hến . Không cần giải thích dài dòng nhưng chỉ cần nghe giọng Bắc là gia vị ớt trong suất ăn của bạn đã được cắt giảm đi vài phần . Bình thường dù bạn là người hay ăn ớt thì cũng không nên qúa tự tin khi thưởng thức những món ăn ở đây , tốt hơn là nên gọi thêm một cốc trà đá để cấp cưú chiếc lưỡi đang phổng rộp lên vì ớt khi cần . Nếu những món như bún bò Huế hay cơm hến ở đây được coi như mặt mạnh do thiên nhiên ban tặng cho mảnh đấ cố đô , thì khi thưởng thứa chè Huế hay những món ăn dân tộc nơi này bạn sẽ thấy nó dễ thương như chính người dân Huế vậy , không phải chỉ mình tôi mà rất nhiều người khi đến đây đều có cảm giác đó . Một ly chè tím Huế nhìn mới dễ chịu và ngọt ngào làm sao . Chậm rãi cho một thìa chè vào miệng , chất dẻo dẻo của khoai , vị ngọt ngào mát lạnh của đường như vuốt ve , ôm ấp những tế bào tế bào cảm giác . Ngoài chợ Đông Ba ra thì một trong những nơi bán chè nổi tiếng nhất tại Huế là “chè hẻm” . Không biết cái tên này do chủ nhân của quán chè đặt hay do chính những người yêu mến đặt tên như đúng địa thế của quán . Nằm sâu trong con hẻm nhưng không vì thế mà quán hàng vắng khách . “ Thượng đế “ là hoc sinh , sinh viên , những người dân lao động … và rất đông khách du lịch do nghe tên , mến người , mến cảnh mà đến . Chè hẻm không chỉ lui tới trong những lúc thèm chè mà nó còn là món giải khát tuyệt vời của bác xích lô , anh chở xe ôm sau những cuốc xe chở khách . Qúan nằm lọt giữa khu phố trung tâm , song dường như ở đây không thèm đếm xỉa gì đến những tiện nghi hiện đại . Quán rộng , chỉ dùng những bộ bàn ghế mộc thâm thấp , đơn giản để tận dụng không gian , nhung nếu bạn đến quán vào buổi tối thì chắc hẳn rằng sẽ khó kiếm ngay được một chỗ ngồi dù rằng diện tích hoạt động đã được nới rộng ra cả sân và ngõ của những nhà lân cận .

Những lúc ăn hủ tiếu ở Sài Gòn , hay những khi chảy nước mắt với bát bún bò ở chợ Đông Ba, phở gà Hà Nội chính hiệu thơm và nóng hổi . Bây giờ khi đã về nhà , đôi khi tôi lại cảm thấy nhớ nhớ vị ngọt khác thường khi bỏ đường vào nước dùng và cái cay cay nhu xé lưỡi trong bát cơm hến , cái ngọt thơm quyến rũ của khoai tía . Hà nội bây giờ cũng có hủ tiếu Nam Vang , song nó cũng như chè Huế ở Hà Nội hay phở Hà Nội ở thành phố Hồ Chí Minh vậy , ăn thấy thật khang khác và lạc lõng làm sao . Nhiều người cho rằng chè Huế ở Hà Nội không còn giữ được hương vị gốc của nó , nhưng theo tôi cái thiếu của chè Huế tại thủ đô là “không khí” , thiếu cái thời tiết ưa dỗi hờn lúc nắng lúc mưa , thiếu hơi thở phảng phất mát lành của sông Hương và thiếu cả giọng nóidịu dàng dễ thương của cô gái Huế .


MINH THU ( theo VHNTAU )
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9