Thời Loạn
Taisaoko 18.12.2006 20:53:02 (permalink)
Chương I: Chim Voan


Tiếng chuông điểm tận cùng ngày đầy khắc khoải, một năm như bao năm trong con người vốn o hẹp về không gian, vốn kiệt cạn về trí thể. Nguyễn như không nhận thấy đôi bàn tay mình khô hơn, tan ra, không nhận thấy môi mình rạn vỡ và thèm khát. Tòa thiên nhiên trước mắt trắng bóc, xinh tươi, gọi mở bao điều mới mẻ. Có thể Nguyễn cũng nhận thấy từng mạch máu nhỏ trong người sôi lên, rần rật các khớp xương lâu ngày khô cứng, trễ nải. Nguyễn bóp vầng trán rộng, vò mái đầu còn lưa thưa vài sợi. Giữa hai miền của Đạo Đức và Cảm Giác có thể phần thứ hai đã chiếm ưu thế, đã trội hơn và bắt đầu trổ mã. Trước đàn bà, thằng đàn ông nào cũng thế, Nguyễn tự nhủ và không còn ji` lợn cợn trong lòng nữa.

Trời đất vùng núi phía Bắc lãng đãng khói sương, như thêm thắt cho con người ta sự lãng mạn vốn có. Con bé nép mình bên Nguyễn, e ấp, má lựng đỏ, như chuyện ngày hôm qua còn nguyên vẹn trong người, chưa tan ra, mất đi. Con bé biết, cuộc sống là những nếm trải, và nó biết không chỉ là khổ đau mà còn cả hạnh phúc, mỗi lúc một ngợp hơn, chan chứa trong tuổi thì quá lỡ. Con bé chợt mỉm cười với mình, rồi đột nhiên bật khóc nức nở. Đấy là lúc nỗi sợ hãi trong con bé lớn hơn, mỗi lúc một đè nghiến và xâm chiếm những cảm giác khác.

Những cái Bến ùa về bật lên tanh tách trong tâm hồn con bé, những bóng người vật vờ ngày ra đồng đêm đợi xiết vào con bé. Những người mẹ già mắt khô buốt nhìn đứa con gái quá thì côi cũi, đêm đêm trằn trọc vò gối. Những ngôi nhà bên đường dựng tạm, chờ những bước tha hương về gieo mầm sống. Tiếng giã gạo nhà ai cầm canh hòa nhịp với lời ca bi thiết:

Mẹ dựng nhà bên đường
Cho gái ra ở riêng
Ngày ra đồng đêm đợi
mậm sinh của người đời

Bến không thuyền
Không ở lại
không đi
không cầu không ván
Duyên - nghĩa thãi thừa
Một đôi năm khắc khoải
Chờ ngày tiếng khóc bé con vui.


Thoảng có nhà bị dỡ
Người làm cỗ ăn mừng
người khóc thầm mong tình qua đường
vò gối ghìm tiếng nấc trên giường
Đêm...
bến đợi như bóng phùn đông
lân tinh rong chơi lấp ló
Mặt người mặt thú
người khổ người đau
người hả hê cho con bú.

Bến đợi bao năm
Quanh quê vòng sống
Mẹ - con - cháu rồng rắn
Qua thời gian không bóng chồng
(*)

Con bé thấy nao nao, ruột gan như phải sốt. Tiếng đôi vợ chồng trẻ nhà bên mọi ngày như ngàn mũi kim đâm thấu vào lòng:
- Anh ơi! Hộ con tý, tắc sữa rồi, căng tức lắm...Nhè nhẹ thôi, rõ khỉ, cắn người ta đau thế..?
Con bé thấy tủi thân khôn chừng, mai Nguyễn lại xa, lại đi về mái nhà của Nguyễn, lại vui với những niềm vui cuộc sống của Nguyễn, với gia đình Nguyễn. Cô bé thừa biết cô bé chỉ là quán vắng qua đường, mà những khách bộ hành đi qua thấy khát miếng nước, thèm điếu thuốc dừng lại rồi vĩnh viễn không nhớ lần trước mình đã trả bao nhiêu tiền. NHư trong rừng xa, con chim Voan bỏ cành mình nghỉ, chẳng bao giờ quay lại đó lần nào nữa, chẳng nhớ nổi nó có bao nhiêu cái lá, thảng hoặc có nhỡ độ một chốc đậu xuống rồi tung đôi cánh rộng dài bay vút.
Cái giống chim luôn cất lời thao thiết thế mà vô tình, vô nghĩa. Đến cả lúc già rồi, bên hốc mục nào đấy giữa đường, nó cũng chẳng nhớ mình đã trú mưa mấy lần. Nó chỉ có một mục đích duy nhất cho cuộc đời chim của nó, tìm những vùng đất mới, khoảng rừng mới, để chính tỏ nó hiện hữu giữa cuộc sống này và không kẻ nào được phép quên nó.
Tiếng nó rít trong họng...Vác....vác.......va....c...như xé tan rừng, rồi bặt im như chưa bao giờ xuất hiện, như trong mọi kẻ không hề có bóng nó, như một tiếng sỏi rơi tõm xuống ao tù rồi vũng nước cũng khép miệng như không hề động.
Con bé cũng thế, nó cũng một lúc quên đi tiếng động từ phía Nguyễn và tiếp tục toan tính cho mình những bước kế tiếp của cuộc đời.

Phỏng là Nguyễn đã rất thoả mãn, chẳng thà như con sói lạc đàn tìm được bạn tình trong đêm trời gió buốt, tìm được hơi ấm nhen nhóm sưởi chút lạnh lòng. Nguyễn như muốn quên đi tuổi xế chiều mình, quên bóng hoàng hôn mà hét lên những tiếng thét phá vỡ cả một chặng dài thời gian trước hoài phí của mình. Trong mắt Nguyễn người vợ hai già lua của mình như đã mục rữa lắm, khô khát lắm, không còn mơn mát như cô bé, không còn cong người dựng lên nhưng nhận lấy sung sướng và thoả mãn về mình. Không còn cả những vết cắn như ngấu ngiến nuốt sống Nguyễn, như níu, víu, giữ lại tất những gì một chốc, một khắc ấy. Nguyễn khoan khoái thấy mình còn là thằng già có nghĩa lắm cho cuộc đời này, không còn ăn hại đái khai nữa, không còn như miếng giẻ rách chùi chân trước nhà mà mỗi lần cơn mưa đi qua hắt xuống nó ướt nhũn và bẩn thỉu vô cùng.
Người ta nói đêm trăng vùng cao phía Bắc như lạc vào chốn mơ, những giải mây mờ mờ, bàng bạc ánh trăng lẩn quất, quyến luyến lấy người, như làm hồn ta phơi phới, nhưng lại muốn dựa dẫm và nương tựa vào ai đó, để như con mèo con dụi cái đầu nhỏ mượt như êm ấy vào chân người ve vãn, gạ gẫm, mơn mơn tình.
Con bé khẽ rên trong họng, có thể vì lạnh lắm chứ, có thể như muốn vòng tay Nguyễn chặt hơn, riết lấy đi, con bé muốn tức thở quá đi chứ, ấy mới là cái thèm muốn lúc này, nhưng vòng tay ai cứ lơi dần, rồi lỏng hẳn. Con bé e hèm Nguyễn mới giật mình, tỉnh hẳn, quên ngay niềm ao ước vừa rồi được tíu tít với vợ già và con cái, húp xì xụp bát canh nóng, cắn miếng ớt cay xé lưỡi, rồi hít hà chén trà nóng, người ngả ngớn trên ghế bành rút từng miếng thịt thừa trong kẽ răng ra từ chiếc tăm đại và nhai lại như làm hả hể và hạnh phúc với cuộc đời mình lắm lắm. 
Khi nó cảm thấy sự chinh phục ấy quá dễ dãi, đối tượng nó hòng tấn công kia không còn phong độ đỉnh cao nữa, nó sẽ tìm một đối thủ khác đầy thách thức và khó khăn hơn. Ấy là bệnh lâu ngày khó chữa của giống chim Voan, nó như ăn sâu vào tiềm thức. Từ lúc mới sinh, những chiếc lông măng đầu cánh còn mọng máu, đôi cánh yếu ớt ấy không đủ sức nâng nó bay lên thì nó đã phá ràng nhảy ra khỏi ổ và khập khiễng đôi chân non thập thững rong ruổi khắp khu rừng đầy bí ẩn kia, ham muốn tìm kiếm những no nê, thoả sức quên đường chiều chiều phải về nơi tổ ấm, nơi có đôi cánh ấm áp của mẹ, nơi có sẵn mọi thứ đủ điều kiện để nó trưởng thành. Nhưng nó đâu có thích thế? Nó muốn tự nó làm một cái gì đó thật dữ dội, thật khác biệt, chỉ nhằm tự khẳng định lại rằng nó đang sống chứ không phải là một sinh linh nhỏ bé đang gắng gượng tồn tại.
Bây nhiêu lâu, có khi nó cũng quên hẳn cách bay thế nào cho cao cho xa, vì đâu có ai dạy nó. Nhưng bản năng tự nhiên và sinh tồn loài bắt nó phải đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho những ham muốn nhỏ con của nó, giành đoạt lấy, rồi lại bỏ đi không tiếc để giành đoạt những thứ khác nó chưa có. Cứ thế, ngày tháng cũng cạn dần nơi góc rừng chân suối. Cạn đến tiệt cùng sức lực bởi đã hoang phí quá vào những chuyến bay dài vô nghĩa. Nó cũng biết chớp chớp đôi mắt đầy nuối tiếc, và hiểu rằng chẳng có nơi nào dung dưỡng nó khi cứ lần lần bỏ hết hốc này đến hốc khác mà đi. Thời gian đánh bại nó, không thèm chờ nó khoẻ hơn để như mọi lần tung đôi cánh rộng dài mà bay cao vút lên từng không xao xao đầy nắng gió kia một lần nào nữa.

 
Con bé vẫn khóc, giờ thì không còn nỗi sợ hãi bị bỏ rơi và côi cũi những ngày sau ấy, mà con bé thấy cuộc sống nó không còn mấy ý nghĩa khi cứ phải chờ đợi mãi những lời hứa đầy mong manh và phù phiếm nơi Nguyễn. Ai là người dám phá bỏ mọi thử để có những điều mình đã có? Ai điên rồ thế? Ai ngu thế?
#1
    Taisaoko 18.12.2006 20:55:23 (permalink)
    Chương II: Cá Ong mắc lưới  


     

    Nếu nói nàng đẹp, không hẳn là vậy. Nhưng quyến rũ thì cá là có, rất quyến rũ là đằng khác, chẳng thế mà bao chàng đã xin chết đứ đừ trước ngõ nhà nàng. Mà nói là ngõ cũng chẳng hẳn là ngõ, nó là cái cầu thang quanh năm ngày tháng tối mù mù, như cái khu tập thể này không bảo được nhau hay hẳn là rất mất đoàn kết, có cái bóng đèn cũng không góp nổi, rõ thật là chán! Nàng tên Thy Lan, cái tên cũng thường thôi, nhưng mà thật tuyệt đấy chứ, Thy Lan, Thy Lan... Thy Lan...nếu cứ gọi mãi như thế chắc cả đời cũng không biết buồn chán là ji`, với những người tên Lan thì phải nói là có lắm kẻ si tình. Hẳn thế rồi, không thế ông Đỗ Ngọc bên tận xa xôi còn làm cái thơ Bóng Hoàng Hôn rõ hay để khóc nàng Ngọc Lan, mà đâu như có chị Hà Lan Phương một dạo phổ nhạc cùng anh Nguyễn Hải hát ầm ĩ bên Hải ngoại đến là tha thiết vô cùng. Nghiệm chung ai tên Lan đều có người si mê rụng rời, không cũng khó ngủ cả đời. Tội nợ chẳng biết đâu nhưng thằng bé không hiểu thế nào biết được nàng Thy Lan nhà ta qua lời kể một ông anh lấy làm tò mò quyết gặp kỳ được xem thế nào.

    Nói đến cái chuyện văn chương văn nghệ, nó là thằng culi có tài quái ji`, nhưng cái máu từ ông tổ nhiều đời tầng trên nhà nó như là được truyền lòng vòng về cho nó. Ờ thì chẳng biết thế nào, trước không có cái ji` ngoài giấy bút thì viết viết xóa xóa, cuối năm không hóa vàng trong cái lư hương to đùng đắp ngũ lân vờn cầu với đôi long chầu nguyệt thì mẹ nó cũng được một mẻ chà chai đống nát lớn. Bà bán giấy lộn mỗi lần mua hẳn được vài con gà cúng tết ấy chứ. Đấy là trước, còn bây giờ, công nghệ vào tận ngõ, vào tận xó xỉnh dù có là góc tối om nhất của xã hội thì không kiếm được cái máy tính rẻ tiền thì cũng chịu khó tậu một cái mày gõ chữ ngon lành. Đến lúc ấy nó mới biết người ta sao phải đánh chữ trên giấy pơ nuy hay đại loại là cái giấy rất mỏng, hóa ra là chúng nó dân viết gõ ra thế gửi đi cho nhẹ, đỡ tốn tiền bưu điện. Đúng là một bọn bủn xỉn! Nó đã có lúc nghĩ như thế.

    Một ngày đẹp giời, nó cũng chẳng biết là đẹp cỡ nào, ví dụ như trời xanh, mây trắng, nắng vàng, hay hây hây heo may, lá vàng, cành khô, trăng sáng... nó thực là không biết tả thể nào cho lòng nó đang tươi đẹp, khó mà tả thế nào để biết trời nó trong sạch, miễn là đẹp thế thôi, bởi hôm nay là ngày sau một năm nó cứ nghĩ là vì nó mà nàng Thy Lan ôm, nó lên tạ lỗi với nàng.

    Của đáng tội, giá mà không phải là nàng thì nó bán quách cái giò Giáng Hương ấy từ bến tàu rồi, nhưng đằng này, lần đầu tiên hẹn hò hứa hẹn, nó không dám bậy. Bên tai nó còn văng vẳng tiếng nàng Thy Lan dụ nó:
    - Không sợ cô ấy mất người yêu đâu mà lo.
    Ấy là nàng nói về cô người yêu của thằng bé, chắc phải ru ngủ thế không thằng bé lại sợ. Trong mắt nàng, những thằng bằng tuổi như thằng bé, hoặc có lớn hơn dăm tuổi nữa vẫn là bé con lắm, mà bé con thế dễ nàng cũng khinh thường tợn. Không khinh sao được khi nàng cứ nghĩ cái vốn kiến thức sống của nàng được bao bực tiền bối truyền dạy, đến cái chân lý sống của nàng nghe vào cứ tưởng là một cuộc sống của đứa giang hồ nào đấy. Nào thì Nếm, nào thì Trải, nào...thì ....ôi dào, bao nhiêu cái thì thế tuột hết mồm còn ji`?

    Phải nói nàng có một sức hút rất ghê gớm, nó nhận thấy thế, chẳng phải vì cái sự có thể im lặng vài tiếng, ngớp đôi mắt lên nhìn cuộc đời này thật đắm đuối, hay ngơ ngẩn bên cơn mưa trời trong tiếng nhạc cổ điển hoặc một bài hát nào đấy về những mùa buồn của thành phố nàng đang sống. Hay lúc Thy Lan ngớp một hụm rượu rồi hai má đổ hồng lên, hay có khi thi thoảng thôi, nhìn nàng đội cái mũ mềm rộng vành, thằng bé cứ thấy nàng giống một cô thanh niên xung phong, mà nó thấy phát mê lên. Như hồi xưa nó mê con cá ong, loại cá sống lập lờ trong vùng nước lợ. Cũng không hẳn vậy, mà đúng ra nó sống trong vùng ngập mặn, cứ mỗi độ nước cường thì theo triều mà vào sâu trong đất liền. Nó bé nhỏ thì đã rõ, có tý xíu, bằng cái vỏ ngao là cùng, nhưng nó đẹp, cái màu vàng lờ lờ ấy là cái màu của phù xa từ trên kia đổ về, đôi chỗ trên thân mình tí xíu không chứa nổi một vành khoang lớn, nó điểm vài đốm đen, cũng nhỏ tí, nhưng rõ ràng và nét lắm. Nó nhỏ thế nên luôn là con mồi bị săn đuổi của giống cá to, nó lại phàm ăn, bạ cái gì cũng thử thành ra cũng là đối tượng của những con tôm tươi rói, mắc vào những chiếc lưỡi câu lảnh khảnh của một người câu nào đó ven sông. Biện pháp duy nhất để tự bảo vệ với loài cá lớn hơn là những cái vây trên lưng khi bị đe dọa dựng lên nhọn hoắt, mà các chất kịch độc trong đầu những cái vây ấy đủ để đánh gục một kẻ săn mồi to xác, còn thì lúc nó thanh thản, nó đáng yêu và dễ thương vô cùng. Những cái vẩy nhỏ ánh ánh bạc lấp la lấp lánh dưới ánh sáng của mặt trời khuyếch tán qua tầng nước.
     Thường thì cũng chẳng phải kỳ công nhiều, đại loại là chịu đau một tý, chịu ngập úng một tý là thế nào chẳng câu được cá. Mà đã câu được rồi thì nhai nhẳng năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác, cái giống cá ong khó bắt mà dễ chiều, thỉnh thoảng bón nó tý mồi là nó cũng có thể sống tiếp rồi.

    Chuyện đời thì không đùa, nhưng chuyện tình yêu tưởng đùa cuối cùng lại thật, tất nhiên khó ai có thể nghĩ một thằng cha vơ chú váo như thằng bé lại đem lòng yêu một cô gái văn chương thế. Nói cho đỡ thẹn chứ, yêu thì cứ yêu thế thôi chứ nó cũng biết thế quái nào được nàng Thy Lan có yêu nó không, mà thực lòng nó cũng đâu cần biết, chẳng cần biết điều đó làm ji` cho nhọc xác. Mà cái xác nó, một ngày quật vùi trong đám bánh răng vòng bi với dầu mỡ cũng đủ nhọc cực rồi. Nó chỉ nhận thấy rằng nàng quý mến nó, đôi khi thực thà mà nói nó cũng muốn cắn vào đôi môi mọng chín kia của nàng. Của đáng tội, nó chẳng phải là thằng nhát, nhưng trước nàng, mọi dũng cảm hầu như tan biến hết, mọi khí chí bay tán đi đâu sạch sẽ, kể cả lúc nàng dối diện nó rưng rưng đôi mắt. Đấy! Tình yêu rõ khổ thế, nó không đánh đồng con người như việc câu cá được, có lúc nó tự kết cho nó: Nó yêu nàng là nó có tội!
    Đời mấy khi người đi câu mắc lưới là thế. Hẳn là con cá Ong kia đang ve vẩy những chiếc vây nhọn sắc lóng la lóng lánh trong một cái âu thủy tinh nào đấy, của một căn phòng nào đấy đầy sách, với một mái đầu thưa thớt tóc, của tiếng rì rầm một lời kinh cầu may nào đấy. Hóa ra mọi thứ bắt đầu khác xa nhiều với suy nghĩ con người. Có thể lắm chứ, thằng bé học làu làu Phật, nhưng cũng chỉ Phật mồm.  Cái Phật mà có thể nói ra hàng ngày như ông thày lên lớp quen mồm. Nó chợt nghĩ đến bàn thờ hai bà tổ cô trong góc từ đường, nơi những sắc phong treo đầy trên tường khi nàng Thy Lan rủ rỉ với nó:
    -Em không lấy chồng đâu, em ở vậy với mẹ em cơ.  

     Nhưng ở đời, cái sự thương mến nhau có được bao lâu? Có thể thằng bé không biết cách nịnh nọt nàng, ví dụ như: Nàng có khả năng lắm, cố theo đuổi sẽ rất nhiều triển vọng. Mà nó cũng chỉ là một câu khích lệ nhất thời mà với bất cứ ai cũng có thể mở mồm ra được, sao lại không? Người khác có thể trải từ đầu này đến đầu kia để thả những lời tương tự thế, mà nó cứ ngậm tăm. Của đáng tội, không ngậm tăm cũng khó mà nói được cái lời khác lòng mình. Nó thấy nàng đang bị o bế trong một cuộc sống tù ngục giữa phố xá chen lấn không chỗ nào có đủ một mét vuông mà thở. Mà sự đời đúng ra người gọi là có tý kinh kỳ ở cái đất Việt bé tẹo này có mấy ai không cố giữ cho mình cái thanh cao mà chưa đẻ ra đã có, đấy là những người như nàng, chưa kể đến những nàng khác dân ngụ cư về cái đất thủ đô ta này. Họ còn cố víu cho mình một cái phao để hòng neo lại chốn này, đằng này hẳn là nàng. Nàng Thy Lan không thể rời xa nó kể cả cái việc được phân đi dạy ở một trường nào đó ven đô hay lên tận tịt mịt trên vùng cao sơn cước đi chăng nữa thì vô cùng tiếc: Làm jì có chuyện đấy? Cái sự cố giữ thanh cao này hoàn toàn có lý của nó đấy chứ? Thế này nhé, nàng sẽ chịu ở vậy, yêu phải yêu người thanh tao, không nhạc sĩ cũng nhà văn, mà cũng phải có tẹo Hà Thành cho nguyên chất, thế mới không mất đi giá trị của mình. Đời thuở nhà ai, người như nàng phải yêu một thằng cùn cũi, hay Chí nặng trên đời này. Mấy thằng ba tếch ba toác ấy đâu có xứng đáng với nàng? Một bông lan đẹp phải ngự giữa một vùng khung cảnh lãng mạn và cũng tuyệt đẹp, đâu phải chịu cái cảnh  giữa chốn gai góc bờ bụi để lạt cái hương ra. Cũng có thể nàng chưa tìm cho mình ý chung nhân hay tình yêu đích thực thì sao? Chuyện ở đời mấy khi có jì là đích thực khi người ta còn toan tính thế? Nhưng với cái lý do nhỏ bé đấy, nàng có thể lắm chứ? Thanh thản và bình yên vô cùng. Nàng không theo đuổi nhiều, theo nhận xét của ai đó thì nàng có khả năng viết lách, thì nàng cứ phải theo đuổi điều đó, tội jì mà phí của giời cho mình?


    Thằng anh đập bàn giọng oang oang mắng thằng bé:
    -Mày mà yêu nó tao không thèm nhìn mặt mày nữa.
    Rõ là lạ, ai đời ông yêu hay ghét mà bắt người khác phải cùng mình, thế chẳng thà ông ấy không ví mình như đấng lãnh tụ sao?
    Quán Đốc vắng như chùa bà đanh, thằng anh mắt đỏ sọc, lóng lánh trong tối mùa đông rét run cầm cập. Chắc mấy chén Cỏ Quảng Đông làm ông anh nó nóng mặt thế, chứ mấy khi ông ấy nặng lời với thằng bé. Nhớ mỗi lần ông về chơi, mẹ nó quý lắm. Mà được cái hẳn là ông ấy lớn tuổi hơn, còn biết nhìn xa coi rộng:
    -U không biết thì thôi, Con cũng không đồng ý đâu, nhưng phải ngăn bằng được. Nhà mình thế này, nó thì thế, lấy vợ lúc nào chẳng được, thế mà nó cứ tốn kém tận đâu đâu, không miền Trung thì nó vù tận vào Nam, đến một trăm cây lên Hà Nội đã chết người rồi, huống chi là... Phải cấm tiệt.
    Mẹ nó thì ra chiều nghe thằng anh lắm, cứ tấm tắc khen mãi:
    - Đấy! Mày thấy, anh ấy nói thẳng thế mà mày còn không sửa đổi, mày cứ đi với mấy đứa nhăng nhít nữa rồi mày cũng hỏng đời thôi con ạ.
    Rồi mẹ nó quay sang ông anh mà rằng:
    -Rõ khổ anh ạ! U cũng nói nhiều rồi mà nó có chịu nghe đâu.
    Thường thì những lúc ấy nó cười khì khì, không nói jì hay là buông bát mà vào trong bếp hút điều thuốc. Giả vờ thế thôi chứ nó cũng không dám gắt, chẳng gắt lên thì còn ra thể thống jì nữa. Nhưng nhiều lúc không bực với ông anh nó cũng không được, nhất là cái chuyện phải bắt người khác giống mình, bắt người khác yêu ghét như mình. Nếu mà, ông ấy chưa có chỗ nào đi về, chưa có một bến đỗ cho mình thì hẳn là nó thương lắm mà nghĩ rằng, chẳng qua do hận quá mà thành, uất ức vì tình quá mà mới sinh ra thế, đằng này đã vợ rồi con mà còn...Đến cả cái việc yên ổn gia đình thế rồi, còn nói xẵng với người yêu cũ của mình. Cho đến cái lúc bố hay anh nàng bệnh tật cũng bỏ công bỏ việc mà phụ, hộ như là chuyện của nhà mình. Nó cũng còn thấy cảm động chết người. Nó vẫn chưa biết vì sao hai người bỏ nhau. Nhưng trong suy nghĩ non nớt của nó thì rõ ràng anh nó yêu nàng Thy Lan lắm, yêu đến sầu gan héo ruột chứ chẳng phải ít. Cũng có thể lắm chứ, anh nó không biết khen và khích lệ nàng bằng những câu sáo rỗng kia? Hoặc xét cho cùng thì cả nó có khi còn cả nàng cũng thấy ông anh nó cũng không hợp với nàng. Yêu thì yêu chứ, nhưng ít jì cũng môn đăng hộ đối. Nàng văn chương thơ phú, sâc sắc thanh lịch thủ đô thế kia mà lấy nhằm ông chồng chẳng mấy khi nói nửa lời yêu mà chỉ bằng hành động thiết thực, đôi khi còn tính khí hoang dã đúng như những cái nghề tự do mà anh nó làm, đến cục cằn và chắc cả cáu bẩn nữa. Người tuyệt diệu, phơi phới như nàng đâu gá nhầm vào chỗ gai góc xương xẩu vậy? Thế quái nào Thy Lan cũng giống tính ông anh thằng bé quá. Đại loại như cái chuyện nếu thằng bé có buông vài lời kê kích Nguyễn thì rõ là nàng Thy Lan chẳng bao giờ vừa ý, không những thế còn làm tình làm tội nó chán mới thôi. Luận điệu đơn giản: Ông ấy là bạn em. Thế ngộ nhỡ thiên hạ cứ bạn bắc cầu nhau thế thì chắc thằng Mỹ không đi đánh thằng trùm khủng bố rồi, hoặc giả hồi xưa thằng Việt Nam mình việc quái ji` phải đấm đá với thằng Pháp, nó không là đồng mình chống phát xít của ông Liên Xô đó sao? Mà ông Liên Xô lại là bạn ông Việt Nam, tình hữu nghị chẳng thắm thiết đến giờ. Đấy là giả dụ đơn giản thế chứ những lần nàng giận nó, nó cũng mặc. Nó lỡ hỗn xược với Nguyễn rồi thì hỗn xược một thể cho nó vuông góc. Ai đời cái thằng văn chương già sắp xuống lỗ rồi còn gieo rắc bao niềm tin vào những thứ phù phiếm cho bạn hắn, mà đâu chỉ có một, mà là số đông mới chó. Thực tình chẳng ai xui ngu nhau, nhưng cứ mơn mơn để hỏng nát đời nhau thế, ai thấu. Nàng thì lấy làm hỉ hả lắm mỗi lần thấy thằng bé buồn xo ở một góc nào đấy, mà không hỉ hả cũng khó được, đời đâu nhiều lo lắng mà đãi cho thiên hạ vậy?
     Cho mỗi lần chia tay, là ánh mắt nhìn tha thiết nao người, mà cũng lạ thế, nhiều lần quay ra khỏi con ngõ nhỏ hun hút tối ấy i như rằng trời đổ mưa to lắm, thằng bé nhiều khi cũng chẳng bận tâm trên đôi mắt mình có giọt nước mắt nào nhỏ xuống không, nhưng kỳ thực mưa giời to như thế, có mặn mòi cũng chẳng biết là nước mắt mình. Nó yếu đuối, như con cá mắc lưới, nằm thoi thóp thở, không tài nào mà gỡ mình ra khỏi đám bùng nhùng ấy được. Còn nàng Thy Lan vẫn hi vọng một điều ở xa xôi lắm, hi vọng cho những nồng ấm mà thề có Chúa chỉ trong giả tưởng cuộc đời này mới trở thành hiện thực.
     

     
    #2
      Taisaoko 18.12.2006 20:57:34 (permalink)
      Chương III: Cái Box Lái & những bánh răng không ăn khớp



      Đêm làng Đông, xóm Đình hoang hoải, tiếng gió ngoài đồng xa gào hú, xâu xé mớ lá bên đường đã mọng nước sau cơn mưa dài, làm thành những tiếng rít như của hồn ma vít ngọn tre chặn lối. Trăng mười sáu không thể tròn hơn hay méo đi được nữa. Nhưng khó mà trong trẻo trải những mảng sáng rạng rỡ xuống nhân gian. Đêm mù mưa, hơi nước hầm hập xông lên từ con mương nhỏ ven con đường nhỏ vòng vèo uốn éo quanh làng. Thằng anh mắt toét nhèm dò dẫm từng bước theo thằng em cao lêu khêu:
      - Đoạn nữa thôi, sắp về đến nhà rồi?
      Giọng thằng anh ngái ngủ, thằng em còn nghe rõ tiếng bụp miệng của đôi bàn tay nó dám chắc là chai sần xơ xác.
      Năm đã là năm bao nhiêu, ngày tháng hay giờ nào, chẳng ai cần biết. Chỉ biết buồn ngủ khủng khiếp. Mà cơn buồn ngủ mỗi lúc một dữ dội sau những ly rượu nhạt hoét ở quán bên đường. Thằng anh thì không biết uống, nhưng còn thằng em? Cơn buồn ngủ như lây lan như mầm dịch. Trời cuối mùa nghiệt ác, cứ làm mưa mù bám lấy người, làm dính nhớp và hôi hám.
      Thế mà khi đã vặn vẹo người trên chiếc phản gỗ dày bịch và chắc nịch thì hai anh em không sao mà chợp mắt được. Thằng anh chạ đời như thế mà vẫn khó yên lòng thả đôi mắt xuống làm một giấc. Bùi thao thức, trằn trọc, xoay bên này bên kia mãi, rồi nghe tiếng côn trùng đêm rả rích, tiếng ếch nhái sau mưa òm ọp gọi tình nhau, tiếng mèo hoang ngoài vườn thảm thiết, tiếng thằng Vũ thở phì phò hơi rượu. Bất quá Bùi vời nó dậy:
      -Vũ này! dậy đi tao bảo. 
      Thằng Vũ nhăng nhẳng trong mồm.
      -Ngủ đi, mai dậy anh, đi cả ngày, mệt lắm!
      -Mẹ cái thằng! Tao không ngủ được tao mới gọi mày dậy, không dậy tao đi mẹ nó chỗ khác ngủ bây giờ, nhà mày như cái chùa, bố ai mà ngủ được. Sợ bỏ mẹ.
       Thằng Vũ hí hí cười, nó cứ tưởng với người chẳng biết sợ cái ji` trên đời này mà cũng có lúc bật ra được nỗi sợ hãi trong người. Không những thế mà còn sợ ma mới chết. Nó ngủ trong từ đường nhà nó đến hai mấy năm trời, chung bài vị và hương khói với các cụ, người thì chết bệnh tật, người thì chết trẻ, người làm thày địa lý hay kể cả công hầu danh tướng thiêng liêng thế mà có cụ nào làm ma dọa nó bao giờ? Nó lại hí hí cười, cời sang anh nó hỏi:
      - Thế hồi xưa anh đã gặp thằng Nguyễn ấy chưa? Em nghe nói nó cũ lắm rồi phỏng?
      Như được đà, thằng anh rút ruột gan mình ra mà trải bày cùng nó:
      - Mẹ cái thằng chó ấy, nó làm như nó là hay lắm, mày biết thừa cái bọn mị dân nhà mình, dán cho nó vài tờ giấy có đóng dấu, mấy cái giải tép con ấy mà nó cứ tưởng? Nó ở hải ngoại, bọn nhà mình phải làm thế để nó không chống đối, chứ hay ho ji`? Anh là anh khinh, thế mà cũng nhận.
      Thằng Vũ chống chế hộ Nguyễn:
      -Thì em tưởng phải hay mới được công nhận chứ? Thế chúng nó công nhận bậy à?
      Bùi xẵng giọng nói oang oang:
      -Tao hỏi mày nhé, người đọc bình chọn hay ban giám khảo? Giải thế còn ít, thằng nào chịu luồn đít thì giải đặc biệt bọn chúng nó cũng chẳng tiếc, tiếc ji` vài cái giải vớ vẩn kia? Nó phải thế nào mới thế chứ? Mà cái thằng Nguyễn, cả đời nó lân la làm thân với mấy thằng chóp bu, rồi bợ đỡ chúng nó, suy tôn mồm chúng nó để chúng nó bố thí cho một tý, chứ cứ hiên ngang mà sống, mà viết, có đến xuống lỗ cũng chẳng có cái cóc khô ji`. Mày xem đời này có thằng nào thẳng mà tốt chưa? Toàn thằng cong mà tốt, vì thằng bình xét cái thằng kia nó có thẳng ji` cho can? Rõ chưa?
      Vũ cười, cũng có thể như thế, nhưng nó thấy lạ một điều, con người ta cứ luẩn quẩn mãi với những thứ danh không ăn được đấy mà ai cũng cố, cũng hết sức với nó. Mọi thứ bị bưng bít như cái box lái sáng nay nó làm. Dầu không đóng mở dứt khoát, những lỗ khóa dầu nhầm chỗ, phun vào nhau, tất cả khựng lại, ghì nhau, không cho nhau di chuyển, không có đường dầu nào đi đúng chiều đúng hướng. Một cái box lái hỏng không thể sửa chữa, chỉ còn có cách thay mới.
      Nó cố vớt vát:
      -Cái đận Thy Lan gửi cho em lá thư, ý nói là người ta cũng bình thường, viết những thứ bình thường, tất nhiên em cũng thấy thế, văn thì nói làm cái ji`, em không quan tâm đến mấy thứ ấy, chỉ lạ là ai hắn cũng ve vãn, cứ gái văn mầm, chẳng cho thoát đứa nào, em thấy tội cho họ lắm. Đến lúc dở dang giữa đường quay đầu lại còn thấy cái ji`?
      - Mày nói thế mà cũng nói? Mày cứ nói toẹt ra là chúng nó là của giời, thằng Nguyễn nó giỏi, nó cưa cẩm nó thịt, thế sao mày không bắt chước nó cái đấy? Đi lo lắng cho mấy con dở hơi ấy làm ji`?
      Lúc này thì khó mà kìm chế rồi, thằng em thấy sôi ruột:
      - Mịa! Anh nói cứ như để kẹo trong túi, thích thịt lúc nào thì thịt đấy?
      -Thì tao nói thế, tao chê ji` mày? Tao đang nói cái văn chương thằng ấy nó chơi bẩn, mày quàng vào với gái, tao không chửi thì sao? Suốt ngày mày nhắc đến nó? Thế mày đã làm ji` được nó chưa? Hay động cái là bênh nó như bênh mẹ? Mày bỏ con Hương, mày chết dập mặt với nó, rồi đời cũng chẳng khá được. Còn tao còn mày. Còn cái thằng Nguyễn chó chết ấy, tao gặp nó đâu chửi là còn ít, không tao đập vỡ mẹ nó mặt ra ấy chứ?
      Thằng em nó thấy anh nó vô lý quá, chẳng buồn trả lời chỉ thở dài đánh thượt một cái rồi ngả người vắt tay lên chán ra chiều suy nghĩ mông lung lắm. Tội lỗi thì cũng tại anh nó, anh nó kéo nó vào ti toe nghịch ngợm, để đến cái đỗi chẳng đường ra này, lui cũng khó mà tiến càng khó. Sao mà nó thấy đâu khổ trong lòng, ngỏ với anh nó anh nó lại nói chẳng ra sao. Không ngỏ thì tức anh ách thế, bố thằng nào mà chịu được. Thế mà nó cũng uất lên mà khóc, có lẽ tức lắm, nó tức lây sang Nguyễn, giá mà nó cũng ham hố chốn văn chương thì cái thằng Nguyễn rẻ rách kia đâu phải là thứ để nó hơn kém. Nguyễn già thế rồi, chết đến đít rồi, đâu đủ sức như tuổi trẻ của nó, còn nhai nhẳng bám chân trường kỳ trên cái mảnh đất oái oăm này. Nó nghĩ đến cái cảnh anh nó xoạc chân ngoài bờ hồ, lưng cúi gù xuống đập quân cờ chiếu hết, quên mất cả việc về nếu cơm cho vợ, nó thấy sao đời tươi trẻ đến nhường vậy?
      Mọi thứ là một guồng máy quay trơn tru và ăn khớp vào nhau, nó thấy đời anh nó là có lý nhất. Lang bạt kiếm cơm chán rồi về quê, rồi yêu, rồi cũng khổ đau, rồi lấy vợ, rồi cũng sinh được thằng cu tý kháu ơi là kháu. Mà thích nhất là càng ngày anh nó càng khá, càng hướng về gia đình hơn. Nó tự nhủ, đời nó được như anh nó là cùng, nó cũng chẳng cần hơn.
      Chợt Bùi quay lại hỏi Vũ:
      -Lâu rồi mày có gọi cho con Hương không? Nó thế nào rồi? Sắp cái điện thoại cho tiện, chứ nhiều khi muốn tìm mày chẳng biết đường nào mà lần.
      Nó buông thõng một câu ''dạ'' rồi để đấy. Anh nó quên nó là người chẳng biết ji` về những thứ quá hiện đại với nó như thế, sờ vào dăm ba cái loại đấy, nó thấy nó ngu đi bội phần.
       
      #3
        Taisaoko 18.12.2006 21:00:24 (permalink)
        Chương IV: Bói Quê

        Đôi lúc cứ hỏi con người ta sao hay tin vào những điều nhảm nhí trên đời, cả khi lúc họ có học, mà học rất cao, nhiều hiểu biết sâu sắc là đằng khác. Có thể lý giải một điều giản dị nhất, đôi khi vì trầm uất hoặc giả hết mọi thú trên đời, người ta tìm về những chốn u mê kia mà hòng vui cười, hoặc cả việc tin tưởng đôi chút để trấn an mình, há kể chẳng liên hệ ji` đến cuộc sống mình mỗi ngày. Ai cũng muốn có một chỗ để mình đến sau những ngày căng thẳng của cuộc sống. Và hẳn người ta sẽ nghĩ ngay đến những thứ thanh bình chân quê nhất, để lục tung cả ký ức mình hòng moi móc chút hèn kém trong lòng, mang lên những thứ vô vị vứt đi nhất của cuộc sống thường ngày, làm thước đo cho giờ ngày và thời gian rất lâu sau của mình.

        Làng ven thành phố như một bức tranh nhiều màu, cải lẫn trong nhau cả mái ngói lẫn mái bằng, cả nhà tranh nhà đất lẫn vào những chóp cao tầng nhọn hoắt lên trời, người ta cóp nhặt ở đâu đấy rất xa xôi để mang về quê mình, dựng thành những nhở nham khó nhìn.
        - Tính thiếu thuyệt phục nhất của con người ấy là sự cả tin, không chỉ vào những cái đẹp mà vào cả những thứ thần quyền, thầy pháp. Cô Dỉ trong vai bà bói phán một câu xanh rờn như là mình đã đỗ hẳn một khoa tâm lý học với tấm bằng loại ưu, mang về quê và có quyền ngồi trên thiên hạ. Những chiếc răng cửa vàng ởn, vổ ngơ ngắt, trên khuông mặt vâu vẩu vêu vao, cô cười khềnh khệch và phán tiếp:
        -Các cậu không biết thì thôi, phỏng có kể ra đây các cậu cũng chẳng tin, có đứa làm trên trung ương cơ, đánh cả xe con về nghe cô xem bài. Mà cô nói câu nào trúng chết câu ấy. Ngày ấy tiền cô nhiều thênh thang, tiêu mấy năm không hết. Từ ngày thằng chồng nó lừa cô, nó đi, cô vắng khách hẳn. Năm thì mười họa mới có một vài người về rút bài. Nói khí không phải, cô cũng ra đồng bỏ mẹ, không thì đói nhăn răng.
        Than thế rồi cô lại khềnh khệch cười, phải thừa nhận cô vô tư và phổi bò. Hẳn là một chốc một lúc nào đấy cô nhớ thương ngày trước, nhưng chẳng dài, nó ngắt hẳn, và thêm vào cả một quãng dài vui vẻ với chân đê, đầu bãi, với một nắng hai sương xuống mạ, gieo màu như bao nhà khác làm nông nghiệp. Thế mà cô tài, có cái tài không ai có, cả cái vùng này mỗi lần ai có hệ sự ji` đều nhờ cô Dỉ rút bài. Cô nói hết câu nào lại vỗ đét tay vào người Thy Lan cái đấy. Đến cái đoạn xem tình duyên thì cô nhéo những ngón tay cáu bẩn lâu ngày, vàng khượt dưới bùn vào bên mông mẩy căng, mẩy tròn của Thy Lan làm Thy Lan đau điếng. Cô nghiêm trọng lại:
        -Cậu là cậu mắc tiền duyên, phải cắt...Cậu nhìn thấy con Ji cơ này chưa? Nó trấn trước đường tình duyên cậu...
        Bàn tay xưởng xẩu của cô Dỉ chém trong không khí một cách ngọt, sắc.
        -Phải cắt hết mới lấy được chồng cậu ạ.
        Thy Lan cười rũ rượi, cả cái cách gọi thân tình của người quê với nhau phát ra từ cô Dỉ nó tự nhiên như không, đến cả cách cô Dỉ minh họa cho lời nói mình bằng những hành động gần gũi nếu phải chỗ đông người thì quả là khiếm nhã lắm. Nhưng cô Dỉ khác, cô Dỉ phải thế, người ta thích đến rút bài cô Dỉ cũng từ những hành động nhỏ nhặt gần gũi ấy.
         Nguyễn lặng lâu không nói rồi cũng ngẩng lên hỏi Thy Lan:
        - Em tính sao? Tuần tới mình sắp lễ chứ?
        Cô Dỉ phẩy tay:
        -Không, không được, việc này phải gấp, để lâu nó nhờn thuốc, người biết cái bệnh cúm mà nhờn thuốc ấy, chết chử chả chơi, rõ chửa?
        Nói thế cô Dỉ lại chìa đôi bàn cuốc trên mặt mà cười khềnh khệch, cô lựa ngón út vào kẽ răng thưa cạy ra cái lá rau còn xót lại từ trưa rồi búng cái ''Tách''.
        Thy Lan buồn hẳn, rồi cũng sợ thật sự, không nhẽ cô lại mắc cái tiền duyên. Thảo nào bao năm qua, bao người đến chẳng đâu vào đâu cả, mỗi Nguyễn. Như con chim lạc bầy sa xuống đời cô, chẳng chốc đi lúc nào không biết. Nghĩ thế rồi cô thấy ghen tỵ, nhất là với vợ Nguyễn, chằng ji` Nguyễn cũng là con người dịu dàng với đàn bà, Nguyễn chẳng thể nói không hay lạnh lùng với vợ mình được.  Cô mường tượng ra trong ánh đèn mờ mờ buồng ngủ, Nguyễn trăn trở, quay hẳn mặt mình ra bên ngoài, kệ cô vợ đang hồi kiệt nước mắt thao thao trên trần. Rồi chị vơ lấy tay Nguyễn, đặt lên đùi, dưới lớp vải ngủ mềm nhũn, trơn mượt đến mát lạnh, chị cứ cầm thế, xoa khắp người mình, đến lúc người nóng rực mới vần chồng quay lại, mơn mát lên ngực Nguyễn, xô chân làm rơi tấm chăn phủ hờ trên người Nguyễn, và cựa nhẹ đôi chân của mình vào bắp vế Nguyễn, đòi hỏi đến kỳ cùng chuyện ấy. Thy Lan chỉ kịp nghĩ đến thế rồi nóng bừng lên mặt, hai má ửng hồng như đóa phù du chiều khan nước.
        Nguyễn lắc mạnh tay cô, hỏi giật giọng:
        -Em tính sao?
         Thy Lan ỡm ờ trong họng mãi mới bật thành lời:
        -Thôi tùy, có lẽ em mệt, mình về.
        Hai người đặt một tờ tiền nhựa năm mươi ngàn lên bàn tổ rồi chào cô Dỉ ra về. Ra đến đầu Ngõ cô Dỉ còn gọi với:
        - Mau mà sắp lễ để tôi còn tính.
        Cô quay vào nhà, quơ vội đám bài trên chiếc chõng, xóc lại mấy cái rồi trang nghiêm đặt lên ban thờ khói hương đang nghi ngút, rồi vào buồng sửa soạn chợ chiều.
        Cô thở dài đánh thượt:
        - Cái trận sét nó đánh trúng người thế mà may. 

        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9