Dược Phẩm
HongYen 27.12.2006 17:29:43 (permalink)
Bạn đọc viết

Quan ngại về tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Cập nhật: 9:41 AM, 26/12/2006


Tôi rất quan ngại về tình trạng kháng thuốc kháng sinh hiện nay. Hầu như các thuốc thông thường không còn tác dụng. Nhiều thuốc thế hệ mới cũng kém hiệu quả trong việc điều trị các bệnh thông thường như viêm mũi họng nhiễm trùng, viêm phế quản...


Tình trạng kháng thuốc ở Việt Nam ta được gia tăng nhờ 2 yếu tố: (1) Các bác sĩ phòng mạch tư sử dụng thuốc mạnh tay tràn lan (2) bệnh nhân không tuân thủ điều trị, tự ý ngưng thuốc ngay khi bệnh mới giảm, tự ý dùng kháng sinh. Cả hai yếu tố trên cộng lực giúp cho vi khuẩn kháng thuốc càng ngày càng nhiều, càng phổ biến.

Tôi thấy nhiều người dân họ vỗ ngực cho rằng họ giỏi hơn bác sĩ vì tự uống thuốc hết ngay còn uống thuốc của bệnh viện cấp thì phải tốn thời gian lâu hơn. Đó là điều đáng sợ chứ không phải đáng khen.

Tôi mong Bộ Y tế nên có biện pháp tuyên truyền người dân (chứ không phải chỉ nhắc nhở các y bác sĩ) hiểu, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý . Bộ Y tế cũng công bố rộng rãi nghiên cứu tình trạng kháng thuốc của vi sinh vật, và nên chăng khuyến các các công ty dược ngưng sản xuất các thuốc không còn tác dụng.



Bạn Lê Dũng Sỹ

http://www.laodong.com.vn/Home/bandocviet/2006/12/16650.laodong
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.03.2007 17:52:25 bởi HongYen >
#1
    HongYen 02.03.2007 18:00:39 (permalink)
    An Toàn Sử Dụng Dược Phẩm
    BÁC SĨ NGUYỄN Ý ĐỨC 
    Việt Báo Thứ Sáu, 3/2/2007, 12:02:00 AM
     






    Dược phẩm là chất lấy từ thực vật, khoáng chất, sinh động vật và hóa chất với mục đích để:
     
    -điều trị và phòng ngừa bệnh
    -phục hồi các chức năng của cơ thể
    -thay đổi quá trình sinh sản
    khi được dùng đúng lúc, đúng cách, trong một thời gian đã được chỉ định.
    Dược phẩm có thể là tự nhiên hoặc được bào chế.
    Trước khi đưa ra thị trường, dược phẩm đều được kiểm soát, thử nghiệm để bảo đảm công hiệu và an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên, không có dược phẩm nào một trăm phần trăm an toàn, không có rủi ro.
    Để giảm thiểu rủi ro do dược phẩm gây ra và để tận dụng các lợi ích của thuốc, xin cùng tích cực trong việc dùng thuốc.
     
    * Mấy điều cần để ý:
     
    1- Kê khai với bác sĩ đầy đủ về bệnh tật của mình, về tất cả các phương pháp điều trị đang trải qua và các thuốc đang dùng.
    Nên làm một danh sách tất cả các thuốc do bác sĩ biên toa, do tự mua, do bạn bè tặng
    Ghi rõ liều lượng, số lần uống mỗi ngày; các khó khăn phản ứng do thuốc gây ra
    Các vấn đề có thể bị ảnh hưởng vì thuốc như có thai, đang cho con bú, khó khăn nhai nuốt...
     
    2- Cho bác sĩ hay nếu:
    -Đã có dị ứng hoặc phản ứng với một loại thuốc, một món ăn hoặc một chất nào đó.
    -Đang áp dụng một chế độ ăn kiêng như ít muối, ít đường hoặc chất béo.
    -Đang uống một thuốc trị bệnh, một dược thảo hoặc món ăn bài thuốc.
    -Có bệnh tật khác ngoài bệnh hiện đang điều trị.
    -Đang mang thai hoặc dự trù sẽ có thai. Một vài loại thuốc có thể gây ra khuyết tật cho thai nhi. Trong thời kỳ có thai, phải hết sức cẩn thận khi dùng thuốc và phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
    -Đang cho con bú sữa mẹ vì một vài loại thuốc có thể vào sữa và gây ảnh hưởng không tốt cho con.
     
    3- Nên hỏi bác sĩ và dược sĩ về bất cứ điều gì mình không biết hoặc muốn biết về dược phẩm đang dùng. Như là:
    *Tên riêng và tên chung của thuốc
    *Thuốc có công dụng gì?
    *Bao lâu sau khi uống thì thấy có kết quả?
    *Bao giờ ngưng thuốc?
    *Thuốc này có thể thay thế cho các thuốc hiện đang uống không?
    *Nếu thuốc không công hiệu thì phải làm gì?
    *Thuốc có thể gây ra bệnh nào khác không?
    *Uống thuốc khi nào? trước hoặc sau bữa ăn?
    *Uống bao nhiêu lần trong ngày?
    *Uống như thế nào? với nước lạnh hay với nước trái cây hoặc với thực phẩm?
    *Khi quên một lần uống thuốc thì phải làm gì?
    *Có cần kiêng cữ thực phẩm nước uống gì trong khi dùng thuốc?
    *Có phải giới hạn sinh hoạt nào, như là vận động cơ thể, lái xe..?
    *Có thể uống chung với các thuốc khác đang dùng, kể cả dược thảo...?
    *Tác dụng phụ của thuốc? Phải làm gì khi có phản ứng ngoại ý do thuốc gây ra?
    *Tương tác giữa thuốc với thức ăn, nước uống
    *Liệu có thể trở nên nhờn thuốc, quen thuốc hoặc ghiền- phụ thuộc vào thuốc? Nếu có thì phải làm gì?
    *Có cần phải làm thử nghiệm gì trong thời gian uống thuốc? Thử máu, X-quang...?
    *Phải làm gì nếu quên một lần uống thuốc hoặc uống quá nhiều?
    *Phải cất giữ thuốc ở đâu?
    * Ngày hết hạn dùng của thuốc?
     
     4- Cần đọc kỹ các hướng dẫn trên nhãn hiệu
    Đúng thuốc mà bác sĩ chỉ định
    Đúng tên bệnh nhân
    Đúng liều lượng
    Đúng giờ (mỗi mấy giờ, trước hoặc sau bữa ăn...)
    Đúng cách (nuốt chứ không nhai...)
    Cất giữ thuốc trong chai, hộp có nhãn hiệu nguyên thủy
    Không để nhiều loại thuốc khác nhau trong cùng một lọ
    Mua thêm thuốc trước khi hết vài ngày, để bảo đảm sự liên tục dùng thuốc.
    Mỗi thuốc có thời gian tác dụng khác nhau: có thuốc tác dụng ngay, có thuốc cần thời gian lâu hơn.
    Kháng sinh cần phải uống tới khi hết thuốc, vì nếu ngưng quá sớm, bệnh có thể tái phát.
    Ngưng thuốc dần dần chứ không đột ngột ngưng tất cả.
     
    * Lợi-Hại của thuốc:
    Sau khi đã hiểu cặn kẽ về thuốc, nên cân nhắc lợi hại khi dùng.
    Lợi điểm của thuốc là tác dụng tốt thu lượm được sau khi dùng. Thí dụ như huyết áp đang cao 180/94, uống thuốc vào huyết áp giảm xuống 120/74 hoặc đang đau lưng mà uống mấy viên aspirin thấy hết đau...đó là lợi điểm của thuốc.
    Rủi ro do thuốc là những hậu quả không muốn hoặc không ngờ xẩy ra. Nhẹ thì như khó chịu bao tử do viên aspirin hoặc nặng như chẩy máu dạ dày cũng do viên aspirin.
    Khi có bệnh thập tử nhất sinh thì phải chấp nhận rủi ro lớn của thuốc để cứu vãn tình trạng. Trái lại khi bệnh nhẹ thì có quyền lựa chọn thuốc với ít rủi ro. Bác sĩ, dược sĩ có thể góp ý về sự lựa chọn này.
    * Tương tác giữa các thuốc
    Khi có nhiều bệnh, được nhiều bác sĩ chăm sóc, người bệnh đó chắc chắn sẽ uống nhiều loại thuốc khác nhau. Mỗi thuốc có đặc tính riêng và các đặc tính này có thể tương phản với nhau. 
     
    Có nhiều cách tác động qua lại giữa các thuốc:
     
    a-Tác động giữa thuốc với thuốc: thí dụ đang uống thuốc để ngủ lại uống thuốc chống dị ứng, có thể buồn ngủ hơn và dễ dàng gây tai nạn khi lái xe; thuốc chống acid bao tử có thể làm giảm tác dụng của thuốc kháng sinh Cipro, không nên uống Viagra chung với thuốc nitrate chữa đau tim vì huyết áp có thể giảm rất nhiều
    b-Tác động giữa thuốc với bệnh: thí dụ đang bị cao huyết áp mà uống vài loại thuốc chống nghẹt mũi thì huyết áp có thể tăng rất cao.
     
    * Để giảm thiểu rủi ro khi dùng thuốc
     
    -Luôn luôn đọc kỹ nhãn hiệu thuốc.
    -Để ý tới các lời cảnh báo về thuốc.
    -Nói cho bác sĩ hay tất cả các thuốc đang dùng, dù là thuốc do bác sĩ biên toa hoặc mua tự do, bạn bè cho.
    -Làm một danh sách đầy đủ các thuốc đang sử dụng.
    -Hỏi bác sĩ có cần kiêng thực phẩm nước uống nào không.
    -Mua thuốc ở một tiệm để dễ dàng theo dõi.
    -Nếu có thể, nên nhớ tên riêng hoặc tên chung của các loại thuốc.
    -Khi đi du lịch, nên mang thuốc theo hành lý xách tay, vì hành lý gửi đôi khi bị thất lạc.
    -Nên mang dư thuốc hơn là thiếu thuốc.
    -Nên mang phó bản toa thuốc của bác sĩ.
    -Đừng bao giờ chia sẻ thuốc của mình với người khác hoặc dùng thuốc của người khác. Thuốc được chỉ định riêng cho mỗi người với điều kiện bệnh khác nhau. Dùng chung có thể gây tai nạn.
    -Nếu chẳng may dùng nhầm thuốc hoặc dùng quá liều lượng, nên báo cho bác sĩ gia đình hay ngay để được hướng dẫn cách thức đối phó, giải quyết.
    -Nên có một lọ thuốc gây ói Ipecac Syrup để cấp cứu khi có ngộ độc thuốc, sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ.
     
    * Cất giữ thuốc
     
    -Để thuốc xa tầm với của trẻ em
    -Giữ thuốc trong chai, hộp nguyên thủy với tên bệnh nhân, nhãn hiệu, cách dùng.
    -Tránh để thuốc nơi có nhiều ánh sáng, độ ẩm và quá nóng, như trong buồng tắm, trong bếp.
    -Đừng để thuốc nước trong ngăn đá, tránh thuốc bị đông lạnh.
    -Không cần cất thuốc trong tủ lạnh, trừ khi có yêu cầu.
    -Không để thuốc trong xe hơi quá lâu, vì nhiệt độ cao mùa hè có thể thay đồi phẩm chất của thuốc.
    -Vất bỏ thuốc đã quá hạn sử dụng hoặc thuốc đã thay đổi hình dạng, mầu sắc.
     
    * Cách dùng thuốc
     
    a-Thuốc uống
    -Thuốc uống có thể dưới dạng viên nén, viên con nhộng hoặc chất lỏng.
    -Trừ khi bác sĩ dặn cách khác, thường thường, nên uống thuốc với một ly nước lã. Đôi khi có thể phải uống vào lúc no bụng hoặc bụng đói.
    -Nếu là thuốc nước, cần uống với một loại thìa có ghi rõ số lượng. Thìa dùng để ăn uống đôi khi không chính xác.
    -Nếu có khó khăn khi nuốt liều thuốc được biên cho, nên cho bác sĩ hay để đổi liều lượng khác dễ nuốt hơn.
     
    b-Thuốc xịt cuống họng
    Ngồi hoặc đứng ngay ngắn, nâng cao cằm để mở rộng ống dẫn không khí từ miệng.
    -Mở nắp bình thuốc và lắc mạnh để thuốc hòa đều với nhau.
    -Hít sâu vào mấy lần rồi nhẹ nhàng thở ra. Để vòi bình thuốc giữa hai hàm răng, ngậm chặt môi.
    -Nhẹ nhàng thở ra hít vào, trong lúc hít vào thì bơm thuốc
    -Tiếp tục hít vào để thuốc xuống sâu trong ống phổi
    -Giữ hơi thở trong mười giây hoặc lâu hơn trước khi thở ra.
    -Nếu cần xịt thêm thuốc, lập lại các thao tác trên.
    -Lau vòi thuốc, đậy nắp để tránh nhiễm trùng.
    -Để ý đừng xịt thuốc vào mắt.
    -Nếu quên một lần xịt thuốc thì xịt ngay, rồi tiếp tục theo liều lượng định trước.
    -Cất thuốc xa ánh sáng, hơi nóng
     
    c-Thuốc nước nhỏ mắt
    Rửa tay với nước ấm và xà bông. Lau khô tay
    -Nằm ngửa, nhìn lên trần nhà, đầu ngả về phía sau
    -Lấy một ngón tay kéo mí mắt dưới xuống
    -Tay kia cầm lọ thuốc, nhỏ một giọt vào phía dưới mắt.
    -Chớp mắt mấy lần để thuốc lan khắp mắt.
    -Đợi năm phút trước khi nhỏ loại thuốc thứ hai
    -Nếu vừa phải nhỏ thuốc nước và thuốc mỡ, nhỏ thuốc nước trước.
    -Rửa tay sau khi nhỏ thuốc để không có thuốc dính trên tay.
     
    d-Thuốc nhỏ mũi
    -Hỉ mạnh để mũi thông thoáng
    -Rửa tay với xà bông và nước
    -Kiểm soát coi đầu xịt có bị nứt vỡ, tắc nghẽn
    -Đừng để đầu xịt dính vào mũi
    -Ngả đầu về phía sau hoặc nằm ngửa
    -Nhỏ thuốc vào mũi
    -Cúi đầu về phía sau, nghiêng qua nghiêng lại cho thuốc lan ra khắp mũi
    -Giữ nguyên vị trí khoảng 5 phút
    -Rửa sạch đầu xịt của lọ thuốc, đậy nắp.
    -Không nên dùng chung lọ thuốc nhỏ mũi của người khác để tránh lây lan vi khuẩn.
    Nếu là thuốc xịt, cũng làm như trên và nhớ khịt mũi vào để hít được nhiều thuốc.
     
    đ-Thuốc nhỏ lỗ tai
    Nằm nghiêng, để phía tai cần thuốc hướng lên trần nhà
    Với nguời lớn, nhẹ nhẹ kéo vành tai lên trên và về phía sau, với trẻ em, kéo vành tai xuống dưới và về phía sau.
    Nhỏ thuốc vào ống tai
    Giữ nguyên vị trí đầu trong 5 phút để thuốc chẩy vào phía trong tai.
    Lau đầu lọ thuốc với khăn sạch và đậy nắp cho kín.
     
    e-Thuốc dán trên da
    -Cẩn thận lấy miếng thuốc dán ra khỏi gói, tránh làm miếng thuốc bị rách nát
    -Đừng chạm tay lên mặt có thuốc
    -Áp miếng thuốc dán lên vùng da không có lông, không có vết da trầy, sạch sẽ và khô
    -Lấy ngón tay đè nhẹ lên miếng thuốc dán để thuốc dính chặt vào da.
    -Thay đổi chỗ dán trên da để tránh viêm da
    -Đừng cắt nhỏ thuốc dán để thay đổi liều lượng của thuốc.
     
    g-Thuốc nhét hậu môn
    -Rửa sạch tay
    -Bóc giấy bọc viên thuốc, nhúng vào nước cho ẩm
    -Nằm nghiêng, nhét viên thuốc vào hậu môn rồi dùng ngón tay đẩy cao viên thuốc lên trực tràng.
    -Nếu viên thuốc quá mềm, để trong ngăn đá mươi phút cho cứng.
     
    h-Thuốc nhét âm hộ
    -Rửa tay sạch sẽ
    -Nằm ngửa, hai đầu gối gập lại
    -Dùng ống đặt thuốc nhẹ nhàng đưa viên thuốc vào cửa mình.
    -Nằm đợi mấy phút trước khi đứng dậy.
    -Rửa tay và ống đặt thuốc.
     
    * Điều cần làm khi bị ngộ độc thuốc
     
    Uống nhầm thuốc hoặc các hóa chất khác ở trong nhà cũng thường xẩy ra, nhất là khi người bệnh dùng nhiều loại thuốc.
    Tai nạn xẩy ra vì vô tình hoặc vì không hiểu rõ về thuốc.
    Khi nghi có người bị ngộ độc mà lại bất tỉnh, làm kinh, khó thở, cần kêu xe cứu thương ngay.
    Nếu không, cho nạn nhân uống một ly nước rồi kêu ngay cho Trung Tâm Kiểm soát Độc chất, báo cáo trường hợp và xin ý kiến.
    Đọc tên loại thuốc hoặc hóa chất dùng nhầm, dùng bao giờ, bao nhiêu, tuổi người uống nhầm, đang có dấu hiệu gì.
    Không nên làm nạn nhân ói mửa, trừ khi trung tâm nói làm vậy.
    Trong nhà nên dự trữ một lọ thuốc nước 30 cc Ipecac Syrup là thuốc thường dùng để gây ói mửa.
     
    * Kết luận:
     
    Sir Williams Osler, người thầy thuốc kiêm giáo sư y khoa nổi danh của Gia Nã Đại có ý kiến rằng: “Sự muốn dùng dược phẩm có lẽ là một đặc trưng lớn để phân biệt con người với loài vật”
     
    Nhưng, để việc sử dụng này được an toàn, công hiệu như ý muốn, người bệnh cần có hiểu biết rõ ràng về thuốc, về cách dùng, về các tác dụng tốt xấu của thuốc...
    Và muốn được như vậy, bệnh nhân cần hợp tác chân tình với bác sĩ, dược sĩ, tuân theo các hướng dẫn.
     
    Để cho bệnh mau khỏi, sức khỏe sớm hồi phục và không bị nhầm lẫn trong khi dùng thuốc.
     
    Texas-Hoa Kỳ
    BÁC SĨ NGUYỄN Ý ĐỨC



    #2
      HongYen 02.03.2007 18:03:40 (permalink)
      Dùng Aspirin Lợi Nhiều Hơn Hại
      Việt Báo Thứ Tư, 2/28/2007, 12:02:00 AM
       
      Nếu quý vị được bác sĩ khuyên uống mỗi ngày 1 viên aspirin, thì nên làm theo, nhưng cũng cần biết rằng các loại thuốc có thể làm tăng huyết áp gồm aspirin, ibuprofen và acetaminophen.
       
      Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới nhận thấy rằng lợi ích của aspirin uống hàng ngày là lớn hơn hẳn.

       
      http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=117&nid=103342
      #3
        HongYen 28.03.2007 07:25:44 (permalink)
        Những công dụng khác của thuốc Botox
        Lan Phương
        26/03/2007
         
        Bấm vào đây để nghe
        Nghe trực tiếp trên mạng Bấm vào đây để nghe
        Bấm vào đây để tải xuống
        Nghe trực tiếp trên mạng Bấm vào đây để tải xuống

         

        Tại Hoa Kỳ, những người bước vào tuổi trung niên hay chú trọng đến diện mạo của mình chắc hẳn không thể nào không biết đến thứ thuốc có tên là Botox, một loại thuốc chích vẫn được nghe quảng cáo là sẽ tạm thời tẩy bớt vết nhăn trên mặt. Tuy nhiên thứ thuốc này không phải chỉ có công dụng làm đẹp mà nó còn có rất nhiều ứng dụng khác. Chúng tôi đã tiếp xúc với bác sĩ Daniel Trương Dũng, hiện đang hành nghề tại California, một chuyên gia nghiên cứu về thuốc này, để tìm hiểu thêm về Botox.
         
        Bạn đã đến tuổi trung niên, chiếc gương soi mặt hàng ngày mách bảo cho bạn thấy những dấu vết của năm tháng, và những áp lực thường ngày hằn lên thành những nếp nhăn trên khuôn mặt, nhất là những đường cau có trên trán giữa hai lông mày làm bạn thêm ngán ngẫm. Có những người không chịu khuất phục trước định luật sinh, lão, bệnh, tử nên đã đến các bác sĩ sửa sắc đẹp tìm cách tẩy xóa những vết nhăn tố cáo tuổi tác của mình. Ngoài phương pháp căng da mặt để làm đẹp, hiện nay các bác sĩ còn sử dụng đến thuốc Botox, một thứ thuốc giúp giảm bớt những vết nhăn trong một thời gian...không được lâu cho mấy. Vậy thuốc Botox là gì, nguồn gốc của nó  ra sao ? Bác sĩ Daniel Trương Dũng, chuyên khoa về thần kinh, tối chuyên khoa về bệnh Parkinson( một chứng bệnh thần kinh ảnh hưởng đến cử động của toàn thân), hiện làm việc cho trung tâm Parkinson and Movement Disorder Institute trong bang California, giải thích: (Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe)
         
        Thuốc Botox, lấy ra từ độc tố Botulinum, chỉ là chuyện tình cờ khi người ta khám phá ra nó có tác dụng tạm thời tẩy xóa vết nhăn. Trên thực tế thuốc này có rất nhiều công dụng khác để giúp giảm bớt các triệu chứng của nhiều chứng bệnh thần kinh gây đau đớn. Tuy nhiên tại sao lại sử dụng một độc tố để chữa trị ?
         
        Và khi những dây thần kinh đó mọc lại thì tác dụng của thuốc cũng hết, và bệnh nhân muốn giảm triệu chứng phải đi chích lại. Mỗi mũi thuốc chích có tác dụng khoảng từ 2 đến 6 tháng, tùy cơ thể và tuổi tác. Lớn tuổi hơn thì tác dụng của thuốc lâu dài hơn vì dây thần kinh mọc lại chậm hơn. Thuốc này ngày càng được sử dụng nhiều để giảm bớt triệu chứng của rất nhiều chứng bệnh khác nhau, phần lớn liên quan đến thần kinh như chứng co giật bắp thịt mặt, chứng nháy mắt lia lịa, chứng co thắt cơ vòng, và ngay cả những chứng như nói lắp, nói lịu, nhiễu nước miếng không kiểm soát được, đổ mồi hôi thái quá, nhất là mồ hôi tay, mồ hôi chân.
         
        Ngoài ra nó còn đang được nghiên cứu để chữa trị những chứng đau đớn khủng khiếp về bắp thịt và xương cốt như đau lưng, đau đầu gối, chứng nhức dữ dội bên đầu, bệnh Parkinson. Thuốc Botox cũng có tác dụng giúp giảm triệu chứng của một chứng bệnh khác mà trước đây bị coi là bệnh tâm lý, và cho đến bây giờ rất nhiều bác sĩ y khoa vẫn nghĩ như vậy, đó là bệnh mất tiếng.
         
        Bác sĩ Trương Dũng là hội viên danh dự của Hiệp Hội Toàn Quốc Hoa Kỳ nghiên cứu về việc sử dụng Botulinum để chữa trị chứng này. Bằng chứng là bà Diane Rehm, một nhân vật nổi tiếng giữ những chương trình hội thoại của đài National Public Radio của Hoa Kỳ cũng bị chứng tắt tiếng (dysphonia) đã được chữa trị bằng Botox nên mới tiếp tục được công việc mà bà thích thú. Để tìm hiểu thêm về công dụng này của Botulinum, mời quí vị vào Website: www.dysphonia.org.
         
        Giá cả của cách chữa trị này còn tùy là phải dùng liều lượng như thế nào, nhưng nói chung là khá đắt, và tác dụng không kéo dài được lâu. Bác sĩ Trương Dũng cũng đưa ra khuyến cáo cho những ai có ý định chích Botox cho mục đích làm đẹp.
         
        Tại Hoa Kỳ hiện chỉ có Botox là thứ thuốc duy nhất được cơ quan Kiểm Soát Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ FDA chấp thuận cho sử dụng.
        Botox là sản phẩm của công ty dược phẩm Allergan. Một thứ thuốc khác tương tự như Botox đã được chấp thuận cho bán tại Châu Âu là Dysport hiện đang được FDA cứu xét xem có cho sử dụng tại Hoa Kỳ hay không.
        Vì giá cả của việc trị liệu bằng Botox khá đắt nên một số bác sĩ đi ra nước ngoài ham rẻ, đã đem về hoặc mua qua internet những loại thuốc cũng rút ra từ độc tố Botulinum nhưng với cung cách bào chế không đúng tiêu chuẩn hoặc sử dụng loại thuốc với cấp độ chỉ để sử dụng cho các cuộc khảo cứu đã gây ra nhiều phản ứng phụ từ nhẹ đến nặng.
         







         
         
        Tờ US News & World Report số ra ngày 14 tháng giêng năm nay đã đơn cử trường hợp của một phụ nữ, bà Judy Patty, cư dân bang Oregon đã chích Botulinum để tẩy vết nhăn và bị những triệu chứng như sưng vù mí mắt, nghẹt xoang mũi cùng những triệu chứng như bị cảm nặng. Bác sĩ chích cho bà sau đó đã bị bắt vì ông ta sử dụng loại độc tố Botulinum dành riêng cho phòng thí nghiệm.
         
        Một bác sĩ khác tại bang Florida đã chích cho chính ông và 3 người bạn nữa thứ độc tố này, nhưng không phải là thuốc Botox do công ty Allergan sản xuất, đã phải nhập viện và sử dụng máy thở trong nhiều tháng trời vì bị bại xuội, cho đến khi thuốc hết hiệu nghiệm.
        Hiện nay thì các nước như Trung Quốc, Nam Triều Tiên và Đức cũng có những thứ thuốc rút ra từ độc chất này, tuy nhiên bác sĩ Alastair Carruthers, chủ tịch Hiệp Hội Giải Phẫu Da Liễu Hoa Kỳ, nhận định sau khi xảy ra vụ 4 bệnh nhân phải nhập viện, rằng "Người ta thật là ngu xuẩn khi sử dụng bất cứ thứ thuốc nào không có sự chấp thuận của FDA".
         
        http://www.voanews.com/vietnamese/2007-03-26-voa27.cfm
         
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9