Nhà Văn Tạ Chí Ðại Trường
HongYen 30.12.2006 12:07:24 (permalink)
 
"đối thoại sử học"
tây sơn, lại nhìn từ bên trong

tạ chí đại trường




 

Lạm tặng: Nhà hoạt động chính trị Nguyễn Gia Kiểng để khỏi sợ Quang Trung Nguyễn Huệ (và các nhân vật lịch sử khác) làm hại đến tinh thần dân tộc;
Và Giáo sư Phan Huy Lê, người giúp Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam chôn Đô đốc Long lần thứ hai, đưa chiến thắng đến tận bên kia thế giới.
 

 
Biến động Tây Sơn tuy ngắn ngủi, tồn tại chỉ có 31 năm (1771-1802), nhưng đã gây nên sự đảo lộn lớn lao khiến kẻ thù đương thời, triều thần họ Nguyễn, cũng phải thán phục: "Kẻ kia, Nhạc Huệ, không có một miếng đất cắm dùi, thế mà vươn tay hô một tiếng, người theo cả vạn..." Vì thế, tuy vẫn gọi họ là "nguỵ" mà sau khi chiến thắng, các sử quan họ Nguyễn vẫn dành cho Tây Sơn cả một "quyển" trong Đại Nam liệt truyện (Quyển 30). Tiếng khen càng ồn ào hơn khi với thời đại quan niệm vương quyền suy tàn xoá ranh giới chính thống, nguỵ tặc, cùng lúc với công tích chống lực lượng ngoại quốc nổi bật với thời đại giành độc lập dân tộc ngày nay, đưa địa vị của Quang Trung Nguyễn Huệ lên đỉnh cao của lịch sử nước nhà. Chủ đích của những lời tán dương đôi khi không phải vì người xưa, mà cốt vì người nay, để tô vẽ cho bản thân từ những oai hùng có thật và cả những điều tưởng tượng. ít ai nhắc cho kẻ khác những tấn tuồng bại vong vốn cũng có thật như chính của đời sống. Không thấy ai nhắc lại tiếng kêu thét của cô bé khi thấy con voi cuốn vòi xông tới: "Mẹ ơi cứu con với!" để viên nữ tướng ngậm ngùi: "Đến thân mẹ cũng còn không giữ nổi, làm sao cứu con?" Không nghe ai nhắc lời người em trách anh, khi thấy người tù binh cựu hoàng đế ăn miếng cơm ân huệ trước khi bị ra pháp trường tùng xẻo: "Nhà mình thiếu gì mâm vàng mâm bạc mà ăn của nhà người..." Không nhắc lại, một phần vì lẽ có ảo tưởng về sự hoàn hảo của con người, vì muốn tự dối mình để che giấu điều tủi nhục về phía phe mình ưa thích, hay giản dị hơn, có lẽ vì thói quen huênh hoang chỉ ưa nói về thành công, chiến thắng, như một thôi thúc tự bên trong để che lấp niềm tự ti sâu kín.
 
Lời phẩm bình thường chỉ nhắm về phương diện tranh chiến - hay suy diễn căn cứ từ đấy mà ra. Cho nên thật có chút thích thú cho người đời nay khi thấy được nhận xét của Phan Huy Chú: "Gần đây, nhuận triều Tây Sơn phong chức quá lạm, đến cả phu quét chợ, lính đẩy xe cũng đều trao cho tước hầu tước bá..." (Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, bản dịch Hà Nội 1993, trang 533). Lời nhận xét tuy không mất tính chất phe phía, hãnh diện từ một truyền thống quan chức có từ hàng mấy trăm năm, được "mệnh vua phong thì lấy làm vẻ vang", có "phong khí hay như thế" nhưng cũng cho thấy một khía cạnh xác thực từ phía đối nghịch - còn hơn là chửi mắng, hay lờ đi. Có điều ông không nhắc tới chuyện đứng chung với các phu quét chợ, lính đẩy xe đó là một người trong dòng họ: Thuỵ Nham hầu Phan Huy ích, hay một người có tên tràn ngập khắp nước ngày nay nhờ sử quan mới, cũng cùng dòng họ Phan Huy, tôn vinh lên: Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông.
 
Ông Phan không cho thấy các Đô đốc, Đại đô đốc (các chức thường thấy của Tây Sơn) đẩy xe, quét chợ nào có tên là gì, nhưng những người đi theo triều mới, nhờ công tích lên cao, một chút xuất thân hèn mọn, nhỏ bé không những không bị che lấp, lại được trưng ra để làm vẻ vang thêm, nên ta còn giữ được tên. Ví dụ hàng thần Tây Sơn Nguyễn Văn Trương, lập công cho Nguyễn ánh đến mức trở thành như một thứ Tư lệnh hải quân ngày nay, chưa từng biết Vọng Các mà được kể là "công thần Vọng Các", người đó "gốc là chăn trâu". Cùng nghề với Nguyễn Nhạc "buôn trầu", theo với thời đại đi buôn nguồn, trở về với Nguyễn ánh, có "Thượng đạo Tướng quân" Nguyễn Phúc Long ngu ngơ, ngớ ngẩn, có Chu Văn Tiếp làm Bình Tây Đại đô đốc, liều lĩnh theo thói "buôn Mọi" nên chết sớm... Cho nên, chỉ lận đận khuất lấp là các người còn ở phe chiến bại, thoáng thấy ở một cái tên, không còn họ, hay có tên còn họ mà cũng mù mờ, lẫn lộn: Đặng Văn Chân/Chấn/Trấn, một loạt tướng, hầu với công tích chiến trận cũng ngang tàng như ai: Tổng đốc Chu, Tư khấu Uy, Hô hổ hầu ngay từ lúc khởi đầu..., Đại đô đốc Lộc, Đại đô đốc Bảo, Đô đốc Long/Mưu, (vẫn là) Hô hổ hầu đốc thúc Hậu quân (và có mặt cả trong tiến trình ngoại giao sau khi thắng trận), của trận Đống Đa oai hùng...Ngay như Vũ văn Dũng mà tước Chiêu viễn hầu (đặc biệt giữa đám Đô đốc thân cận triều mới) chứng tỏ tài năng của ông ta dưới mắt Quang Trung, thế mà ta có biết gì hơn đâu?)
 
Không thấy ai là "phu quét chợ, lính đẩy xe" nhưng xét theo tình hình bình thường thì nếu không có anh em Tây Sơn, bà Bùi Thị Xuân chắc chỉ múa roi doạ Trần Quang Diệu, hay vung vẩy đi "coi" (thu) lúa ruộng vào mùa gặt, nếu không phải là còng lưng đi cấy chứ không oai hùng ngồi bành voi dẫn năm ngàn quân thúc đánh luỹ Đâu Mâu, suýt đảo ngược tình thế tuyệt vọng - ít ra cũng trong một lúc. Danh tướng Trần Quang Diệu "ngu ngơ", không tính chuyện lo đề phòng "tàn dư nguỵ Nguyễn" đến không thèm giết binh tướng đầu hàng ở thành Đồ Bàn, người đó chẳng biết ông "Xã tắc" là ông tổ tên Lê gì-gì mà họ Lê phải cúng tế cả. Gốc tích binh tướng Tây Sơn đã mù mờ từ lúc khởi phát, càng tàn lụi thêm vì sự thất bại cuối cùng của họ. Chuyện đàn áp của Gia Long đã được nói nhiều, tuy xét ra thì cũng là bình thường, trừ phi muốn thiên vị quá quắt. Người dân Bình Định khiếp hãi lại càng khiếp hãi thêm vì có ông Đại đô đốc Lê Chất, đầu hàng triều mới làm đến Tổng trấn Bắc Thành, tưởng là khiến dân cùng xứ dựa hơi yên tâm một chút, nhưng chỉ vì chút ngang tàng thời chiến không kềm được trong thời bình, tuy có giữ được thân lúc sống vẫn không tránh khỏi lúc đã chết còn bị san bằng mả, vợ con bị cầm tù, bị giết. Đến cuối thế kỉ XIX, khi Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa Cần vương (bị bắt ngày 6-5-1887, dân địa phương cho là vì Trần Bá Lộc bắt mẹ ông, nên tự đi đầu hàng) thế mà vẫn còn bị triều đình Huế (đã theo Pháp) coi là muốn "phục hồi Nguỵ Tây"! Cho nên khó lòng tìm chứng tích lịch sử chính xác về các tướng Tây Sơn, và khi có chứng tích thì phải dè đặt. Nhưng không thể gạt bỏ, sổ toẹt.
 
Chúng tôi đã có lần gạt bỏ nguồn tin địa phương nói Vũ Văn Dũng là người Bình Định, trốn được vạ nhà Nguyễn, chỉ vì danh xưng Chiêu Viễn hầu là người ở xa rõ rệt quá (Hải Dương, một "lính đẩy xe" của quân đội họ Trịnh?) Lịch sử đã trở thành truyền thuyết, tuy còn giữ lại vài sự kiện lẻ loi trong dân chúng như chuyện Nguyễn Nhạc chui vào cũi nạp mình để đánh phá phủ thành Quy Nhơn, vẫn được người Pháp nghe từ cuối thế kỉ XIX, nhưng để đưa thêm vào sách vở thì lại lạc loài nhiều vì phải trải qua một truyền thống truyện kể lâu ngày của Đàng Trong. Một ông quan của chúa Nguyễn, Nguyễn Khoa Chiêm khi viết về sự kiện không xa đời mình (Nam triều công nghiệp diễn chí) mà vẫn không tránh khỏi giọng "tiểu thuyết hoá", hẳn là ảnh hưởng của lối kể diễn nghĩa Tam Quốc mà các thương nhân Trung Hoa đã đem sang, lối "viết sử" tràn lấn kinh Xuân Thu hay Tư trị thông giám, Cương mục... Không lấy làm lạ điều đó vì có chứng cớ là trí thức thế hệ trước ông đã từng đọc Tam quốc chí diễn nghĩa, Phong thần... (Chu Thuấn Thuỷ, Kí sự đến Việt Nam năm 1657, bản dịch An Nam cung dịch kỉ sự, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xb., 1999, trang 57).
 
Địa phương Bình Định cũng có truyền thống kể chuyện vè riêng, theo lối Hô bài chòi, diễn dịch từ các chuyện thời sự khích động đã xảy ra trong vùng, mở ra đến các truyện tích hát bội đơn giản hoá đi. Hô bài chòi trong khoảng sân trống giữa trò chơi đánh bài (trên) chòi vào dịp Tết, hô bài chòi trên tấm chiếu trải ra với vài "nghệ sĩ" áo sờn vai, cầm sanh gõ nhịp hay có khi sang hơn với cây đờn cò, nơi góc chợ chiều lúc xẩm tối, ở bất cứ khoảng đường trống nào nơi đô hội, có người xem. Đem sự thật đơn giản về chuyện một người vợ công chức từ thành Bình Định của Nam triều xuống Quy Nhơn thăm chồng nằm bệnh viện, lúc trở về bị người phu xe giết cướp của ở cây cầu bây giờ đã thành tên của nạn nhân, so với vè "Cô Thông Tằm" của lời hô bài chòi thì ta thấy rõ dấu vết của tình tiết tưởng tượng cần thiết cho nhu cầu biểu diễn. "Cô Thông Tằm", "Dư Đành" thì còn nằm ở địa phương nhưng "Vè Chàng Lía" (Văn Doan) thì đã đi được khắp đất nước. Vì thế truyện tích về các nhân vật Tây Sơn đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, đã được ghi lại với rất nhiều tính chất tiểu thuyết hoá. Thứ tự anh em Tây Sơn bị đảo lộn vì vai trò nổi bật của Nguyễn Huệ: anh Hai Trầu, chú Ba Thơm, thầy tu Lữ thay vì chú Bảy Lữ, anh Tám Huệ ("Thơm" chắc là suy diễn từ [hoa] huệ. Điều này chứng tỏ ông Hồ Hữu Tường ít ra là cũng biết đến các bản văn này.) Giáo Hiến lánh nạn Trương Phúc Loan chỉ lộ diện khi bất đắc dĩ ra tay chống cướp đền ơn chủ nhà cưu mang mình trong cơn lỡ bước. Bùi Thị Xuân đánh cọp giải vây cho Trần Quang Diệu rồi thử tài, kết hôn... Tuy nhiên, cũng như trong chuyện kể về nhân vật Dư Đành, có đoạn tướng cướp này vào lúc xẩm tối, mò ra Ngã ba Phú Tài (giao điểm Quốc lộ 19 và số 1 cũ) xin, và ăn được cả gánh của những người đàn bà mang than đốt từ trên núi Ông Chà xuống, ta vẫn không thể phủ nhận được sự hiện diện của Dư Đành, kẻ đã được nằm trong một bài hô Bài chòi ở địa phương.
 
Dù sao thì nhắc chuyện Tây Sơn ngay ở Bình Định, bởi người Bình Định cũng là một việc làm can đảm, có sự kết hợp của một tình thế suy yếu quyền bính nhà Nguyễn bên trên với sự can thiệp khởi đầu của người Pháp. Lại cũng phải công nhận rằng các bài vè về nhân vật Tây Sơn chỉ xuất hiện trên sách báo sau 1975 nhờ sự lưu tâm của nhà nước mới muốn dùng biểu tượng Tây Sơn như bằng cớ liên kết với quá khứ và địa phương về chính nghĩa thống nhất họ vừa thực hiện xong. Trong hiện tại, chúng tôi không có các bản văn cũ đã được Sở Văn hoá và thông tin Nghĩa Bình in ra như Tây Sơn văn thần liệt truyện, Tây Sơn danh tướng anh hùng truyện của Nguyễn Bá Huân (1848-1899), Tây Sơn lương tướng ngoại truyện của Nguyễn Trọng Trì (1854-1922). Chúng tôi biết được các điều này qua quyển Trên đất Nghĩa Bình, tập I, (Quy Nhơn: Sở Văn hoá và thông tin Nghĩa Bình xuất bản 1988). do tập nhóm tác giả Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Vũ Minh Giang, Nguyễn Quang Ngọc được trung ương phái vào khảo sát, viết lên, và sách nằm lạc loài ở chợ trời Chợ Lớn khi vào tay chúng tôi. Sách qua được Mĩ vì tính cách chính thức của nó, khác với một quyển khác bị từ chối vì xuất bản trước 1975.
 
Chúng tôi không biết gì hơn về Nguyễn Bá Huân ngoài nhận xét rằng những truyện kể tiểu thuyết hoá bằng thơ của ông mang tính cách tôn trọng Tây Sơn rõ rệt qua các đề tài: "Tây Sơn tiềm long lục", "Cân quắc anh hùng truyện", "Tây Sơn danh tướng chinh Nam truyện", nhưng cũng mang dấu vết tinh thần Khổng Nho khi đề cao khí tiết của Võ Tánh, Ngô Tòng Châu trong việc giữ thành Đồ Bàn. Nhưng với Nguyễn Trọng Trì thì tác giả Trương Toại ("Xã thôn Bình Định có các nhà khoa bảng Hán học", trong Đặc san Bình Định, Bắc California, 2001, tr. 113) cho biết ông là người huyện (sau là phủ) An Nhơn, đỗ cử nhân năm 1876, có tên gọi thông tục là "Nghè Trì", một điều lí thú ngoài lề nhưng cũng cần biện minh. Trong phong trào Cần vương ông theo Mai Xuân Thưởng, làm Hiệp trấn "thứ" (một loại chiến khu) Hương Sơn (núi Thơm ở Cảnh Vân, Tuy Phước?) và bị tước cử nhân, như vậy không thể thi hội tiếp để đậu tiến sĩ như chữ "nghè" gợi ý. Ông Võ Phiến có lưu ý rằng ở Bình Định người ta thường "phong" chức "nghè" cho cả những người chẳng đỗ đạt gì ráo trọi! Thật ra thì trong các ghi chép của người ngoại quốc đến Đàng Trong vẫn thường có tập nhóm từ "ông Nghè X" để chỉ một ông quan văn cao cấp nào đó. (Ví dụ ở Christophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621 (bản dịch), Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1998, trang 133.) Chúa Nguyễn chưa từng mở khoa thi tiến sĩ cho nên các "ông nghè" kia hẳn chỉ là những văn chức đương thời mà thôi. Có thể nghĩ rằng tâm trạng ước mong khoa bảng nhưng cũng có chút riễu cợt đã gợi nên cách gọi kia ở các địa phương. Vậy thì chỉ vì tiếng gọi "Nghè Trì" trong dân chúng mà các người đưa ra trình sách của Nguyễn Trọng Trì đã cho ông đậu tiến sĩ thôi.
 
Nhưng cũng như khi xét Nam triều công nghiệp diễn chí, không thể bỏ hết những điều Nguyễn Trọng Trì đã viết vì cho rằng đó là bịa đặt. Bằng chứng có ít đi tuy cốt lõi vẫn còn. Tác giả Nguyễn Trọng Trì đã liệt kê được một số người dưới đề mục Tây Sơn lương tướng, trong đó có tên Đô đốc Đặng Văn Long giống tên với người mà Hoàng Lê nhất thống chí cho là cầm Hữu quân với voi ngựa đánh quân Điền Châu bức bách Sầm Nghi Đống phải tự tử. Chắc chắn Nguyễn Trọng Trì không bị ảnh hưởng từ các tài liệu mà ngày nay ta thường dẫn chứng. Các tay sĩ tử ngày xưa không có nhiều sách vở để học như ta tưởng, nhất là về sử Việt. Xét bản thân gia đình, chúng tôi thấy có quyển Toàn thư in ở Nhật cuối thế kỉ XIX (đã mất trong khoảng 1950) mà sách này thì không có chuyện đánh Thanh. Trong một gia đình học Nho để đi thi khác ở Bình Thuận, chúng tôi chỉ thấy có một loại Bắc sử giản lược về đời Đường, Tống. (Cho một người bạn mượn, sau 75 bị Phường bắt đăng kí, và mất tiêu!) Chính biên Liệt truyện sơ tập của triều Nguyễn, nơi có Quyển 30 nói về Nguỵ Tây thì mãi đến năm 1889 mới được đề nghị in, với thời gian in xong, cất ở Quốc sử quán thì hẳn là ông "nghè Trì" bị tước bằng cử nhân không thể nào thấy tên Đô đốc Mưu trong ấy. Và lại càng không thể đọc được Hoàng Lê nhất thống chí trong gia đình Ngô Thì, xa tận ngoài Bắc để biết tên Đô đốc Long. Tên Đô đốc Long (hay Đặng Văn Long) là từ địa phương truyền đến tai ông "nghè Trì". Lại chẳng cũng có chi tiết rõ rệt là cầm quân Hữu quân (mơ hồ như với trường hợp Đô đốc Đặng Tiến Đông) nhưng cũng có chi tiết đánh Thanh, chi tiết lời khen của Cảnh Thịnh có thể thấy như ở bất cứ sắc phong nào.
 
Cả một chiến dịch 1789 to lớn còn sót lại dấu tích nhờ cái gò trở thành tên riêng Đống Đa thờ viên tri phủ Điền Châu kia (chắc là để vui lòng Càn Long) cho nên sử gia ngày nay (vốn thường co rút ở một địa phương) thấy tên viên tướng Đô đốc Long mù mờ thật không xứng. Và ông Phan Huy Lê tưởng là đã tìm được một người có tiểu sử rành rẽ hơn để thế vào: Đô đốc Đặng Tiến Đông với sắc phong, bia đá, tượng thờ... Rồi nổi lên là một thành phần của cuộc tranh cãi giữa hai phe trong nước, sôi nổi năm vừa qua (2000). Phe bác bỏ yếu thế hơn nhưng không phải là không có lí. Các tác giả Hoàng Lê... của dòng Ngô Thì nổi danh, ghi chép về chính thời đại mình sống, nhận ra đủ tên họ các nhân vật tham gia vào biến động, sao lại quên tên Đặng Tiến Đông của một dòng họ danh giá phù Lê Trịnh, để lầm ra tên một ông Đô đốc Long cụt ngủn, nếu không phải vì lẽ người cầm quân kia là một nhân vật thoảng qua của Tây Sơn, từ phương Nam, không dính líu nhiều đến Bắc Hà? Quang Trung xuất quân đánh một trận quyết định như thế, sao lại không sử dụng những người thân tín từng xông pha trên mạc với mình mà dùng một "người mới" (tránh chữ "hàng tướng" chạm đến tự ái địa phương của tác giả Phan Huy Lê) chen vào giữa các tên rõ ràng xa lạ với Bắc Hà?
Sử gia Phan Huy Lê được giao trách nhiệm vào tận quê hương Tây Sơn để chứng tỏ khả năng ưu việt của phe xã hội chủ nghĩa, nhưng vì đã lỡ phát hiện Đô đốc Đông trước (1974) nên không cần để tâm đến tài liệu địa phương, và do được Nhà nước công nhận thành tích, đặt tên đường (từ Hà Nội, theo tinh thần "dân chủ tập trung" vào đến tận thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000) cho vào bảo tàng, vào từ điển bách khoa, viết giáo trình làm pháp lệnh cho học sinh đi thi (Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục 2000), nên ông Phan càng không thể nhận mình kết luận có hơi vội vã (1999). Chức quyền Đảng cũng như Nhà nước địa phương ở Bình Định thì theo thói quen tuân phục từ thời phong kiến, có văn minh hơn với nguyên tắc chính trị "tập trung dân chủ", nên hạ bệ ông Đô đốc Long, đem ông Đô đốc Đông vào thờ ở Bảo tàng Quang Trung, lại cẩn thận rước sao bằng sắc, tượng của ông này từ Hà Tây vào, kèm theo làm chứng cớ lịch sử cho muôn đời con cháu Bình Định mai sau. Con cháu ông đô đốc được ông sử gia vinh danh thì tất nhiên càng không chịu lùi bước trước các chỉ trích nên đòi xem bia đá, bằng sắc của nguỵ Tây Sơn phong cho ông Đô đốc Long (giống như có người bây giờ đòi xem huy chương tưởng lục của Việt Nam Cộng hoà, nói là để sắp xếp bậc lương trong chế độ mới) mà không nhớ lời thánh hiền dạy: "Mình không muốn ai giựt bàn thờ nhà mình thì đừng đi giựt bàn thờ nhà người ta!" (kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân.)
 
Mọi sự việc bắt đầu bằng một sự cố công tìm "phát hiện mới" của sử gia, đưa đến kết luận có ẩn tàng một sự tự phụ địa phương "Chỉ có Xứ Ta mới có người tài ba" rồi nhờ một chiến thắng quân sự mới nổi lên thành một chân lí lịch sử được ban phát từ trên tột đỉnh quyền hành đi xuống dân chúng. Người-viết-lịch-sử không như người-làm-lịch-sử, không chộp được nhà cửa, vàng bạc (16 tấn chớ có ít đâu!) thì ráng tìm cái danh nhờ cậy như thói quen bản thân, như vướng víu rơi rớt của thời sử thần xưa. Và đến con cháu danh nhân thì chịu ép thêm một phận, đi kiếm cái bàn thờ! Cho nên con cháu họ Đặng cứ yên tâm. Sai lầm đã gắn liền với một chế độ, một quyền lực thì không dễ gì xoá bỏ mà không làm mất mặt người đương quyền. Theo quy luật "sự chiếm hữu lâu dài sẽ trở thành đương nhiên", tin chắc rằng Đô đốc Đông sẽ vững vàng ngôi vị trong lịch sử, thay thế Đô đốc Long mãi mãi. Cũng như "Anh hùng" Nguyễn Văn Bé của thời chống-Mĩ được ca tụng lỡ đà (bởi vì thật ra là một hồi chánh viên), nay đã được đặt tên đường ở thành phố Quy Nhơn rồi đấy! (Còn có ở nơi nào khác nữa không?) "Sống như anh" Nguyễn Văn Trỗi đã được ông Tố Hữu, thi sĩ quan chức lãnh tụ Đảng, chứng kiến hô khẩu hiệu ngoài pháp trường thì dù có phát giác của người luật sư biện hộ, rằng anh đã khóc lóc trong nhà giam, cũng đâu làm anh mất tên đường đã đặt?
 
Thật ra tên họ của một nhân vật lịch sử còn đầy đủ qua biến cố hay không lại tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố rủi ro có ngay từ lúc khởi đầu sự kiện. Ngay đến sử nhà Nguyễn cũng có rất nhiều tướng chỉ có tên, thiếu họ, trừ những người thuộc Quý huyện, Quý hương Tống Sơn của chúa. Tính chất thân tộc như thế cũng không tránh khỏi ở dòng họ Tây Sơn, và trong trường hợp này lại ảnh hưởng đến sự suy sụp của họ nữa.
 
Khác với chúa Nguyễn, chúng ta không thấy các nhân vật phía nội của anh em Tây Sơn. Nhà Nguyễn tất là phải cố công tìm cho ra tông phả của nguỵ Tây để truy diệt, đào mả triệt hạ huyệt phát đế vương của họ, thế mà rốt lại sử quan cũng chỉ viết mơ hồ: "Tiên tổ là người huyện Hưng Nguyên... Ông tổ bốn đời bị quân ta bắt được, cho ở ấp Tây Sơn Nhất... Cha là Phúc dời đến ấp Kiên Thành..." Rốt lại chỉ có thứ tự Nhạc, Lữ, Huệ là đúng thôi - khác với người sau thấy vai trò Lữ lu mờ nên cứ in trí rằng Huệ là anh, lại bịa thêm "thứ ba" (vì Nhạc là lớn nhất nên có "anh Hai Trầu"!) Về người cha, Hoàng Lê nhất thống chí thêm được họ và chữ lót: Hồ Phi Phúc. Tuy nhiên nhờ nguồn gốc Hưng Nguyên (Nghệ An) mà người ta tìm ra gia phả họ Hồ ở đấy, và thấy có tên Hồ Phi Phúc, người dù có bị bắt trong chiến dịch nam sông Lam của Nguyễn, cũng không thể vào Nam sinh anh em Tây Sơn trong 100 năm sau! Không thấy một người họ Hồ nào tham gia chiến trận, hiện diện trên triều chính của 31 năm Tây Sơn. Có thể họ đã bắt chước anh em Nhạc mà đổi họ chăng? Có thể phần nhiều họ Hồ còn nằm ở An Khê (Tây Sơn Nhất) nhưng sao sau đó họ không tham gia vào hoạt động của người trong dòng? Chúng ta thấy có tên "Lại bộ" Hồ Đồng / Công Diệu còn làm quan dưới triều Nguyễn nhưng người này là tù binh của trận Đồng Tuyên 1783, và tư tưởng như sẽ thấy, đầy tính chất văn quan Nguyễn, không có dáng gì là phản loạn cả. Một tên Nguyễn Quang Hiển "cháu ruột" của Quang Trung có mặt lúc giao tiếp với nhà Thanh, nhưng đó là chuyện của thời hiển đạt. Như thế, bằng vào lí do gì đi nữa thì tính chất mờ nhạt của phía nội anh em Tây Sơn thật đã rõ rệt, khác hẳn với truyền thống ở gốc rễ Nghệ An. Và khác hẳn dấu tích về phía ngoại của anh em nhà này.
 
Sử quan Nguyễn, trực tiếp hay gián tiếp, đã nói rất nhiều về phía dòng nữ của anh em Tây Sơn, một dấu vết hẳn là được lưu truyền một cách tự nhiên từ trong kí ức của dân chúng. Độc nhất, và trực tiếp về phía mẹ, là Đô đốc Tuyết, Nguyễn Văn Tuyết, (nhưng sử quan Nguyễn cũng gọi là Đinh Công Tuyết, họ Đinh của người Thượng phía tây Quảng Ngãi?) có mặt từ phút đầu cho đến lúc chót. Xuất hiện từ lúc đầu, có nghĩa họ Nguyễn là của mẹ chứ không phải từ họ Nguyễn nhờ cậy sau này. Cũng có nhân vật Nguyễn Văn Danh làm đến Thiếu bảo (1792), chức tước quan trọng xác nhận lời chú của sử quan "cùng họ với nguỵ" nhưng ta không thể biết gì hơn. Mơ hồ hơn, là trường hợp Nguyễn Thung, quan trọng, của thời mở đầu khởi loạn, nhưng nếu cho rằng có liên hệ thân thuộc thì đó cũng là từ họ Nguyễn của phía mẹ. Tiếp theo đó là những người phía nữ của anh em Tây Sơn. Các người con gái không có tên - trừ Thọ Hương gá cho Nguyễn Phúc Dương, nhưng chắc là còn ở lại, có thể gả cho người nào khác. Ta biết tên những người con rể danh tiếng: Phạm Công Trị / Nguyễn Văn Trị, Trương Văn Đa có mặt ở Gia Định lúc truy bức chúa Nguyễn (1783-84), Vũ Văn Nhậm chết thảm thương (1788) từ cuộc tranh chấp nồi da xáo thịt 1787. Trừ Vũ Văn Nhậm được ghi rõ ràng, ta phải đoán rằng hai người kia là rể của Nhạc. Nhưng tên "Trị" còn gây rắc rối: Sử nhà Nguyễn của giai đoạn gần kết thúc cho thấy "Phò mã" Nguyễn Văn Trị bị bắt khi giữ cửa Tư Hiền (12-6-1801) và Phạm Công Trị lại được xác nhận là cháu Nguyễn Huệ, làm Giả Vương đi sứ Thanh (1790) nhưng theo văn bản còn giữ đến ngày nay thì ông này có đi theo sứ bộ nhưng phải hộ tống Nguyễn Quang Thuỳ bị bệnh trở về nửa chừng. Có lẽ phải tách riêng hai người, một phò mã (trường hợp này thì Nguyễn Văn Trị có thể là rể của Nguyễn Huệ, vì bà Phạm Hoàng hậu có con gái) và một người cháu. Như thế là ta có thêm một nhân vật họ Phạm phía vợ Nguyễn Huệ xuất hiện trong lịch sử.
 
Nguyễn Huệ có bà vợ họ Phạm mất trước ông, là mẹ của Quang Toản, người sẽ nối ngôi với niên hiệu Cảnh Thịnh, Bảo Hưng. Và ta thấy một loạt người họ Phạm hoạt động tích cực trong chiến trận, có người ảnh hưởng rất lớn đến sự hưng vong của triều đại, dù có khi chỉ là gián tiếp. Phạm Ngạn có chức Hộ giá (của Nguyễn Nhạc) cầm quân vào Gia Định (1778), bị giết ở cầu Tham Lương (1782) đã gây nên trận chém giết thương nhân người Hoa ở Gia Định, chặn thêm một lối mở cho Tây Sơn đi vào thế giới bên ngoài. Phạm Văn Sâm một mình chống đỡ cho Gia Định khi Nguyễn Lữ bất lực, rốt cục chết dưới tay Nguyễn ánh, vì vị thế thân thuộc với Tây Sơn. Phạm Văn Hưng (+1795) đem quân cứu Gia Định không được, lại cũng đóng một vai trò lắt léo trong sự tranh chấp quyền hành từ phe phía ngoại.
 
Những biến loạn cuối đời, có phần làm tan rã Tây Sơn, càng khiến cho thấy tình hình thế lực "phía ngoại" được quan niệm rộng lớn hơn là ta tưởng về sự kết thông gia trực tiếp. Trần Quang Diệu được các giáo sĩ đương thời gọi là "oncle maternel du roi". Thật ra, ông chẳng có bà con gì với Quang Toản, nếu áp dụng ngay cả theo cách tính thân thuộc của người Việt ngày nay. Mẹ của Phạm Hoàng hậu trước khi sinh Bà đã có một đời chồng họ Bùi. Sử quan Nguyễn cho biết rằng Bà X đó khi lấy họ Bùi đã đẻ ra (người sau này là Hình bộ thượng thư) Bùi Văn Nhựt, (Thái sư) Bùi Đắc Tuyên, đến khi lấy người họ Phạm mới đẻ ra Phạm Hoàng hậu (có lẽ sinh năm 1759). Còn Bùi Thị Xuân là "cháu gái họ của Tuyên". Vậy thì Quang Toản (Cảnh Thịnh) không có bà con gì với Bùi Thị Xuân cả, nhưng chỉ vì sự liên hệ với bà ngoại mà phải gọi Bùi Văn Nhựt, Bùi Đắc Tuyên là cậu. Sử quan Nguyễn luôn luôn xác nhận tính chất thân tộc này. Điều khá rắc rối là Bùi Thị Xuân theo chỉ dẫn của sử quan Nguyễn hẳn là ngang hàng với Quang Toản. Trong biến động giết Đắc Tuyên, người chủ xướng là Vũ Văn Dũng đã nhờ một người họ Phạm là Phạm Văn Hưng điều đình với Trần Quang Diệu mà mối liên hệ với Đắc Tuyên qua Bùi Thị Xuân thật rõ rệt. Cho nên vẫn có thể nhìn Trần Quang Diệu liên hệ với Quang Toản theo hướng họ Bùi, và giả định là Bùi Thị Xuân là cháu gái họ của Bùi Đắc Tuyên thật, nhưng Tuyên không phải là anh cùng mẹ khác cha với Phạm Hoàng hậu mà là phải ở trên một bậc. Vì khi nắm quyền, Tuyên đã trên 80 tuổi, nghĩa là sinh khoảng gần đầu thế kỉ, lớn hơn bà Phạm rất nhiều, đến trên dưới nửa thế kỉ, do đó Bà X không thể sinh Tuyên rồi 50 năm sau, lấy chồng khác sinh ra Phạm Hoàng hậu được. Quang Toản hơn 10 tuổi so với Đắc Tuyên hơn 80 tuổi, cách khoảng như là ông cháu thì phải hơn. Giả định như thế thì Quang Toản có thể gọi Bùi Thị Xuân là dì và gọi Trần Quang Diệu là dượng. Giáo sĩ Pháp không có chữ rắc rối đủ để chỉ các thứ bực thân thuộc của người Việt, nhưng đã dùng chữ "oncle maternel du roi" thì hẳn đã nghe dân chúng biết Quang Toản chịu gọi Quang Diệu là dượng rồi, nghĩa là tình hình thân thuộc đương thời được quan niệm hết sức rộng rãi.
 
Người "cậu vợ" họ Bùi hẳn đã có chức quyền khi Quang Trung còn sống, và đến khi vua-cha chết đi, địa vị ông càng cao, với chức Thái sư đương triều vua-con Cảnh Thịnh, quyền hành ông càng lớn hơn một cách tự nhiên, xét theo chi tiết sinh hoạt trị nước từ trong một ngôi chùa, và có khi đến ngủ trong nhà vua con vào thời gian quyết định thay thế viên Tổng trấn Bắc Thành. Mâu thuẫn xảy ra, gây nên đổ vỡ chỉ vì chuyện nước không phải là chuyện nhà.
 
Họ nhà Tây Sơn không thấy điều đó xảy ra lúc trước vì họ sống trong tình trạng chiếm đoạt liên miên, mọi mâu thuẫn nếu có, đều bị vùi lấp dưới sức mạnh của binh lực. Tuy nhiên, sự thất bại cũng lộ rõ ngay giai đoạn đầu trong việc giải quyết vấn đề Gia Định. Với binh lực, họ đã loại trừ gần hết dòng chúa Đàng Trong. Chỉ còn sót lại một cậu bé 17 tuổi mà tài năng được un đúc bằng biến loạn hơn là chính tự bản thân. Có thể nói hơi ngược đời là chính Tây Sơn đã nuôi dưỡng Nguyễn ánh trở thành Gia Long, ít ra là trong giai đoạn đầu. Bởi vì Tây Sơn không có khả năng tổ chức chính quyền để thực hiện ở đất Gia Định. Nguyễn Huệ đã thú nhận với Nguyễn Thiếp rằng: "Những người giúp việc trong nhất thời đều là kẻ mạnh bạo." Đất Gia Định của chúa Nguyễn cũng không phải là nơi có tổ chức chính quyền tương đối nghiêm chỉnh để Tây Sơn theo đà sức mạnh thu dụng được nhân lực chính trị nơi ấy như tìm được Trần Văn Kỉ ở Phú Xuân, Ngô Thì Nhậm ở Bắc Hà. Vào Gia Định họ chỉ cướp bóc lấy quân lương như khi Nguyễn Lữ chở 200 thuyền thóc về Quy Nhơn năm 1776, lấy không hết thóc gạo, cá muối thì ỉa vào đấy như đối với trường hợp Võ Văn Lượng, một anh chàng Triệu Cái của Lương Sơn Bạc Gò Công có Võ Tánh đóng vai trò Tống Giang. Chúng ta chỉ thấy Tây Sơn đóng quân ở Sài Gòn, dẫn quân càn quét rồi rút về, bỏ trống đồng ruộng sông nước biển cả mênh mông cho kẻ thua trận tập họp lại. Mà kẻ thua lại có dưới tay không phải toàn những "người mạnh bạo" - phần nhiều chỉ biết "chạy" thôi là khác. Nhưng kẻ thua, Nguyễn ánh lại có những người mang từ đất cũ được khuôn nắn theo một ý thức tổ chức cầm quyền đến 200 năm. Ưu thế đó họ có ngay từ lúc đầu để bù đắp yếu kém, và khai thác thuận lợi khi kẻ thù bận nơi khác, ngừng tay công kích. Lại cũng có thể nói xa hơn, là chính trong khi khai thác sự bất lực của Tây Sơn ở Gia Định mà họ đã làm chết ông Quang Trung anh hùng.
 
Nguyễn Ánh tổ chức xong Gia Định thì bắt đầu đánh tràn ra phía bắc. Quân ông lần đầu tiên đánh vào trung tâm Tây Sơn, chiếm Thi Nại rồi trở về theo một chiến dịch chỉ kéo dài 10 ngày. Nhưng lực lượng chính của Tây Sơn lúc này là ở Phú Xuân. Trong tháng 5-1792, Gia Định đã nhốn nháo vì tin Tây Sơn sắp tràn vào trong một toan tính to lớn đánh hai mặt: đường bộ theo Lào xuống Miên đánh mặt sau, đường thuỷ vào Côn Lôn đánh từ Hậu Giang lên chận tuyệt đường rút lui của Nguyễn ánh, khỏi lo hậu hoạn như gần hai mươi năm trước. Tháng 8 năm đó có hịch Nguyễn Huệ loan báo cho dân hai phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn chuẩn bị đón quân Phú Xuân chinh nam. Nguyễn ánh nghe báo lực lượng đó là hai, ba mươi vạn quân. Người ngoại quốc thì thấy ở Phú Xuân có đến ba mươi ngàn quân tập luyện hàng ngày. Tất nhiên theo đà của những ông vua mở nước, Quang Trung không ngồi trong cung để nghe báo cáo. Thế mà tháng Quang Trung chết (16-9-1792) là 29 tháng 7 (thiếu) âm lịch, mùa gió (tây) Nam tháng 6 tháng 7 (âm lịch) nóng, nắng to: "nắng tháng tám nám lá bưởi", ông vua lo luyện quân, phải bệnh nặng bất ngờ không chữa được, nguyên nhân không phải cần là thầy thuốc danh tiếng mới biết. Ch. Borri đã biết về cái nóng, gió vào mùa này, cái nóng làm chết ông trấn thủ đỡ đầu linh mục ở Quy Nhơn, ông trấn thủ chỉ mải mê đi săn trong một ngày mà sốt mê man và chết chỉ trong một tuần! Cho nên chuyện Quang Trung kể với Trần Văn Kỉ về việc bị "liệt thánh" nhà Nguyễn đánh gậy lên đầu ngất đi cũng chỉ là chuyện mê sảng của bệnh, không cần phải là người bài bác "mê tín dị đoan" mới hiểu, và cũng không cần phải lưu ý về sự tâng công chuộc tội nhảy qua nhảy lại các triều đại của ông "tri kỉ" ngày xưa.
 
Tây Sơn có thuận lợi hơn khi họ chiếm Phú Xuân, Bắc Hà. Sức mạnh quân lực của họ có tác dụng tích cực cho triều đại khi nhờ đó họ thu dụng được đám nho sĩ triều cũ giúp họ giải quyết vấn đề cai trị, điều mà họ không thực hành được ở Gia Định như đã nói. Nhưng đồng thời họ cũng chứa chấp một mầm mống tan rã ngay trong bản thân.
 
Xung đột thường thấy là giữa võ tướng và văn thần. Ngô Văn Sở mỉa mai xúi Ngô Thì Nhậm "làm bài thơ đuổi giặc (!)" để võ tướng khỏi động đến "túi đao bao kiếm." (Qua đến thời Nguyễn thì thấy công thần Lê Văn Duyệt và hàng thần Lê Chất phối hợp hù doạ "lũ" văn thần Trịnh Hoài Đức, có hiệu quả một chừng mực lúc còn sống nhưng bị thù dai nên đến lúc chết đi gặp phải cảnh mả bị xiềng, bị san bằng, con cháu tru di.) Chúng tôi đã nói nhiều đến chuyện Trần Quang Diệu đòi đổ vật tế thần Xã tắc ở Nghệ An cho chó ăn. Nên chú ý rằng mâu thuẫn văn võ như ta thấy lại trùm lấp một mâu thuẫn văn hoá sâu xa hơn. Nguyễn Huệ biết mình cần người để tổ chức đất nước nên tìm cách vuốt ve các văn thần triều cũ, có phần nào trấn át các võ tướng dưới quyền như chứng tỏ trong lời nói ở Tam Điệp trước khi xuất quân đánh Thanh. Và đôi khi phải làm lơ, hay ép mình để cho các văn thần làm việc.
 
Trong trận xung đột với Nguyễn Nhạc, Huệ đã để cho Hồ Đồng làm hịch mắng anh: "không có gì lớn hơn tội giết vua..." Vua đây là Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương, chết năm 1779 ở Gia Định. Hồ Đồng là tù binh trận Đồng Tuyên 1783, được dùng làm Lại bộ của Tây Sơn và sẽ tiếp tục làm quan dưới triều Gia Long. (Sử quan Nguyễn dùng đến hai tên khác nhau, nhưng ta liên hệ sự kiện thì thấy chỉ là của một người.) Nguyễn Huệ để ông quan văn này tha hồ múa bút theo văn từ kinh sách học được, ông ta không cần nhớ rằng người giết "vua" năm 1779 là chính Nguyễn Huệ, chủ ông, và "vua" đó lúc này cũng không phải là vua của ông, còn nếu kể tội giết vua thì phải hài luôn tội phản thần của ông! Sau khi đánh Thanh xong thì có chuyện cầu hoà như Quang Trung đã toan tính lúc ở Tam Điệp. Tờ biểu xưng thần lúc đầu tuy có giọng nhún nhường cầu luỵ, nhưng vẫn còn vương mùi thuốc súng như vai trò của người tướng đã tham gia chiến trận (Hô hổ hầu) mang đi: "[L]ấy đường đường Thiên triều so được thua với nước mọi rợ nhỏ mọn, tất phải đánh cho đến cùng; làm nhàm việc vũ để thoả lòng tham tàn, chắc lòng Thánh đế không nỡ thế. Lỡ ra quân thì đánh triền miên không thôi, thế đến như vậy tất không phải lòng thần mong muốn, mà cũng không dám biết đến!" Bài biểu làm viên tướng Thanh được lệnh cầm quân báo thù (mà muốn cầu hoà) phải hoảng hồn: "Muốn cầu phong hay muốn gây đánh nhau nữa đây?" Thế là Quang Trung bảo Ngô Văn Sở: "Phàm gửi đi triều đình Trung Quốc, chuyên uỷ cho Ngô Nhậm cùng Phan Huy ích gửi đi hay trả lời lại đều cho phép tuỳ nghi mà xử trí." Nho thần Thăng Long qua mấy trăm năm giao thiệp với Thiên triều tất đủ văn từ quen thuộc để làm vừa lòng thượng quốc, cho nên mọi việc đều êm xuôi, kể cả việc a tòng với quan Thanh lừa gạt vua họ trong việc đưa người giả sang chầu! Sự chênh lệch văn từ, mối quan tâm biểu hiện ở đời, áp lực quyền bính giữa các vùng địa phương, thấy rõ trong phần chứng từ còn lại: Trên vùng Bắc Thành còn đầy dẫy các sắc phong, bia đá từ làng xã cho đến quan chức hầu bá, đô đốc... (qua biến loạn chỉ cần đục vài chữ), còn trên vùng Nguyễn Nhạc chỉ thấy mấy tờ giấy phong cho chủ bến đò, mương đập, xe nước! Có tìm được bằng sắc cao cấp hơn như của ông Nguyễn Đăng Lâm thì đó cũng là bằng giáp tiếp qua tay quan Thiếu phó (Trần Quang Diệu?)
 
Như đã thấy, vai trò cá nhân của Quang Trung rất quan trọng trong việc điều hoà mâu thuẫn giữa văn thần và võ thần, mối mâu thuẫn còn mang tính chất chênh lệch văn hoá Nho nữa. Ông chết đi là có đổ vỡ, kéo theo cả những mâu thuẫn vốn nhỏ nhặt, nhân dịp lại trở thành lớn hơn. Lề lối cai trị gia trưởng của Bùi Đắc Tuyên hẳn là mâu thuẫn với quan niệm tổ chức quốc gia theo Nho giáo mà Trần Văn Kỉ thừa hưởng và đã chứng tỏ đúng trong thời gian Quang Trung trọng đãi ông. Nhưng ông chỉ là một văn thần, mối nguy hiểm cho Bùi Đắc Tuyên chỉ đến khi gặp người có binh lực. Đó là Vũ Văn Dũng, một chiêu viễn hầu đến từ nơi xa, Hải Dương, ít nhiều gì cũng cách biệt với sự tuân phục triều mới của các tướng vào sinh ra tử từ lúc ban đầu. Dũng cùng cai trị Bắc Thành với Ngô Văn Sở, và việc ông bị Bùi Đắc Tuyên đòi về Kinh, biết đâu chẳng là vì có xung đột với Ngô Văn Sở (cùng kiểu với Ngô Văn Sở và Vũ Văn Nhậm năm 1788 trước kia, cộng thêm với mâu thuẫn vì khác biệt địa phương)? Vì sau khi làm biến loạn là Dũng lo trừ Sở. Trần Văn Kỉ không binh tướng đành chịu đi phát phối, nhưng óc âm mưu của nho thần khiến ông nghĩ ra việc xúi bẩy đảo chính. Sự việc càng rắc rối hơn khi có vai trò Phạm Văn Hưng trong cuộc lật đổ Bùi Đắc Tuyên. Nhà họ Phạm đã xuất hiện với anh em Tây Sơn ngay từ lúc khởi đầu, thêm nữa lại mang tính cách thân thuộc nhiều hơn với vua đương quyền, thế mà họ phải lép vế vì nguyên tắc gia trưởng đã khiến cho quyền vào tay một ông già ở cấp bực cao hơn. Sau khi Quang Trung mất, Thái sư Bùi Đắc Tuyên "quản đốc trông coi các việc trong ngoài" và Thái uý Phạm Văn Hưng thì "cùng giữ việc quan trọng về quân quốc", rõ ràng kém hơn. Chiếm thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc (cuối 1793) là do Phạm Văn Hưng cầm quân, vậy mà đến giữa năm sau vào Quy Nhơn chuẩn bị phản công Nguyễn ánh, Bùi Đắc Tuyên cũng đi theo Phạm Văn Hưng để làm "tán nghị", nghĩa là với tiếng "bàn góp" không cho Hưng độc quyền. Có vẻ họ Phạm đã không bằng lòng với vai trò tột đỉnh đó của họ Bùi. Xung đột hai họ Bùi, Phạm thật rõ ràng. Trần Quang Diệu mang quân phản đảo chính về, có vẻ thắng thế nhất thời vì là tướng biên cương, lực lượng mạnh với uy vũ từ chiến trường, nhưng sau đó, dù làm một trong Tứ trụ đại thần vẫn bị tước binh quyền, điều đó chứng tỏ phe phản động với họ Bùi vẫn lo đề phòng. Rốt lại, sự đoàn kết lỏng lẻo giữa các tướng Tây Sơn không phải là do cố kết nội bộ mà là vì phải chống với kẻ địch phương Nam, như trường hợp Vũ Văn Dũng và Trần Quang Diệu.
 
Triều Tây Sơn ngắn ngủi thật bởi nhiều nguyên nhân, và biến động Bùi Đắc Tuyên thường chỉ được nhắc vào lúc gần cuối đời nên đã trở thành không quan trọng mấy trong sự tồn vong của dòng họ. Tuy nhiên, xét kĩ thì thấy biến cố bất thường đó có nguyên nhân rất sâu vào thời đại, khu vực. Tương quan họ nội họ ngoại vẫn thường có ở các triều trước: Lí Trần, Trần Hồ, Lê của Uy Mục Đế. Tuy nhiên sự "đề phòng ngoại thích" lấn quyền, cướp ngôi chỉ là phản ứng của tinh thần phụ hệ, ngay cả việc họ Đỗ chuyên quyền dưới triều Lí cũng chỉ có tính chất tàn dư của một truyền thống dòng mẹ lay lắt, còn Uy Mục Đế dành quyền cho họ mẹ chỉ vì xuất thân hèn mọn, bị coi thường nên mới thiên về họ ngoại để lấy vây cánh. Còn trong trường hợp Tây Sơn, rõ ràng là một thói tục tự nhiên: Bà Phạm Hoàng Hậu có vai trò khuất lấp dưới uy vũ của Quang Trung, đã mất trước khi có những biến động xảy ra; họ Bùi chỉ có tính chất "họ ngoại" mỏng manh, thế mà vẫn được công nhận có quyền uy, nghĩa là vào thời ấy tiêu chuẩn thân tộc về họ ngoại đủ mạnh để ghép họ Bùi vào phía ngoại, không như ta tưởng bây giờ. Nghĩa là giá không phải là anh em Nguyễn Nhạc mà người thành công, ví dụ Chu Văn Tiếp, Nguyễn Thung... thì mối loạn bên ngoại vẫn có thể bùng ra. Vậy thì đất Quy Nhơn với quá khứ Vijaya, với ảnh hưởng các dòng "Man hạ, Man Thượng, Man Cao" (chữ của Lê Quý Đôn) đầy tính chất nữ, khi chuyển qua người Việt vẫn còn lưu trữ để ảnh hưởng đến triều đại Tây Sơn, hay một dòng họ nào đấy, nếu thành công lật đổ chúa Nguyễn vào thế kỉ XVIII.
 
Tạ Chí Ðại Trường
Thanksgiving 2001
 
 
*Ngoài các sách đã dẫn, chúng tôi chỉ dựa vào quyển Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771- 1802) cũ với những thắc mắc mới mà không có cách nào giải đáp được.
 
http://www.nhanvan.com/magazines/vanhoc/188/doithoaisuhoc_tachidaitruong.htm
#1
    HongYen 30.12.2006 12:20:24 (permalink)
     
    sử việt đọc một quyển (III)
    sex và triều đại
    tạ chí đại trường
     


    Sớm mai lên núi hái chè,
    Gặp thằng phải gió nó đè em ra.
    Em van nó cũng chẳng tha...
    (Ca dao)
    Mồng một tháng giêng (1501), vua về Tây Kinh, cấm các quan
    không được sai quân cờ chở vợ con, đĩ đi theo, bừa bãi tình dục...
    (Toàn thư, XIV, 23b)
     
     
    Sex, hiểu như là giới tính liên hệ với dục tính không thường thấy trong sách sử. Vẫn có thể thấy đàn ông làm vua, đàn bà làm hoàng hậu, thứ phi - với vài bà ngang ngược nhảy lên ghế rồng trị nước khiến đàn ông tức tối gán cho các bà đủ thứ tên xấu xa. Giới tính ghi ở đây là điều không thể tránh né, nhưng được sử quan hiểu rằng không cần bàn đến vì lẽ đương nhiên của sự phân biệt phái tính. Rồi lại vẫn có đấy, các quan thị ẩn khuất cúc cung phục vụ nội cung hay ra mặt lấn át triều đường, cả đến tung hoành giữa chốn ba quân, nhưng cũng phải nói đến vì đây là một tổ chức xã hội, tuy là riêng cho một tầng cấp ở đỉnh cao. Vẫn có đấy các đoạn văn phẩm bình những ông vua mê đắm tửu sắc, dâm loạn... Tuy nhiên các lời cao ngạo này của sử thần lại chỉ nhắm mục đích biện minh cho một lí thuyết sử học thiên về đạo lí chính trị được dạy dỗ từ các bậc thầy Khổng nho, càng xa cỗi gốc càng nghiêng về một tinh thần nghiêm túc thanh giáo, xa rời đến mực khinh ghét một sinh hoạt cơ bản nhất của con người vốn là đầu mối của sự tồn tại, phát triển, điều mà những người đại diện Thánh giáo này vẫn thực hiện thường xuyên, và dân chúng dưới quyền họ lại đưa lên thành tôn giáo, hay ít ra là một tín ngưỡng sâu đậm trong tâm hồn với những bằng cớ vật chất không thể chối cãi.
     
    Sex và các cấp bậc nho thần
     
    Muốn tìm tính chất giới tính trần trụi, hay có liên hệ với dục tính trong sử Việt phải đi ngược dòng thời gian của tài liệu còn giữ lại qua bao sửa đổi của người sau. Điều này thì không phải chỉ là chuyện của Việt Nam - Đại Việt. Bởi vì không có Việt Nho mà chỉ có nho-Việt học của người Trung Quốc, của Khổng Nho. (Cho dù muốn theo ông Kim Định như cả trong, ngoài nước hiện nay người ta cũng đang bắt chước để che giấu một niềm tự ti vạn kiếp, thì "Việt nho" của thời Viêm Đế gì đó cũng không phải là của tập họp người chỉ còn một tên giữ lại được trong lịch sử cổ đại là Lạc Việt, có ông vua gốc "Man Lão" họ Đinh làm việc "đại nhất thống" - chữ của Phạm Công Trứ 1665, có các vua gốc Trung Quốc họ Lí, Trần, Hồ, gốc Mường họ Lê, Nguyễn - không kể ông Quang Trung Nguyễn Huệ hình như cũng có máu Thượng Tây nguyên trong người.) Nho Giáo qua các lí thuyết gia triều Tống mang tính cách thanh giáo gay gắt, khai triển từ cơ sở nghi lễ thích dụng cho quân quyền, được tuyên dương trong các triều Minh Thanh. Nó có một thời gian dài đủ để tác động sâu xa trên các nho thần Việt Nam và đi vào sử sách.
     
    Tuy nhiên Trung Quốc không phải chỉ có Nho Giáo nên cổ sử của họ thời Tam Hoàng Ngũ Đế còn có chuyện rồng giao phối rải tinh khí trước sân chầu, văn khắc đời Hán còn có hình bà Nữ Oa và ông Phục Hi quấn đuôi vào nhau, Đạo gia như Cát Hồng, một thời làm huyện lệnh Câu Lậu ở Giao Chỉ, chỉ rõ phương cách thi hành tính dục để thành tiên thánh... Nho Giáo lại cũng không phải là Tống Nho cho nên ông Khổng Tử ngay cả khi bàn về đạo trị nước cũng không phải chỉ nói chuyện tôn ti, cương thường mông lung. Mà rất cụ thể. Bị vạ vì nàng Nam Tử, ông cũng biết than "Ta chưa thấy ai hiếu chính như hiếu sắc", nhưng trong đạo Tề gia ố trước giai đoạn Trị quốc, Bình thiên hạ, ông có dặn cách xử trí cho người đàn ông đa thê của thời đại ông: "Người thiếp dù có già, nếu chưa tới 50 tuổi thì cũng nên gần gũi 5 đêm một lần." (Lễ kí, dẫn theo Reay Tannahill, Sex in History, New York 1982, trang 184. Bản dịch của Nguyễn Tôn Nhan: Kinh Lễ, Nxb. Văn học 1998 không có câu này, có lẽ vì dịch giả đã lược bỏ nguyên bản rất nhiều.) Đó không phải là chuyện riêng tư trong phòng kín, bởi vì nếu không giữ yên gia đạo, nếu có xảy ra xào xáo thì hàng xóm biết chuyện, mất mặt, làm sao thi hành việc công, làm sao lấy được lòng tin cậy của vua chúa?
     
    Nho gia Việt không biết được chuyện đó. Họ được huấn luyện theo một thiên hướng khác nên không thể tin rằng có ý thức tính dục trong câu nói của bậc Vạn thế Sư biểu. Chỉ trong tinh thần phe phía họ mới sáng suốt lên khi công kích đạo Phật: "Khuyến thiện trừng dâm, con ai đẻ tháng Tư mồng Tám?" Còn thì họ vẫn nghe đến câu "Thư trung hữu nữ nhan như ngọc" nhưng cứ coi như một lời khuyến khích học vấn thanh cao mà không thấy hàm ý sử dụng hình ảnh sex của người xưa, lúc chưa bị những lời giáo huấn về "lễ" che lấp. Cũng như khi họ kính cẩn quỳ lạy Hoàng Đế, lết tới ôm gối theo kiểu "bảo tất" học được của vua Thanh, cũng có thể tưởng tượng những gì thầm kín trong cung thất nhưng cứ xưng tụng bậc Con (của ông, bà) Trời (đẻ ra) theo kiểu "nói dậy mà không phải dậy." Chỉ có ông vua mới chỉ ra sự thật không ai dám nói đó, và có lọt ra ngoài, có lưu truyền lại hậu thế thì không phải qua tai, qua miệng của người trong nước, người ở trong nước. Giá như đừng có ông Tây Chaigneau giúp việc cho Nguyễn ánh, giá ông con lai tên Đức không di tản qua Pháp viết hồi kí thì hậu thế không biết Gia Long đã dạy cho cậu bé bài học sinh lí đầu đời như thế nào. Và để người Việt ngày nay hãnh diện đã có ông vua, trước cả người nước Mĩ, biết sự giáo dục sinh lí cho trẻ con quan trọng là dường nào: Nó có cơ làm đảo lộn cả một ý thức hệ!
     
    Như đã biết, quyển Toàn thư là do tập họp sử quan nhiều đời viết nên. Phần của sử quan thời Lê Trung hưng khô khốc, buộc Lê Quý Đôn phải chê bai. Thời Lê sơ có ông vua ngày nay được coi là "nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà thơ lớn" (tiểu mục trong quyển sách kỉ niệm 500 mất của Lê Thánh Tông, xuất bản năm 1998), trừ một lời đâm-ngang của ông Trần Quốc Vượng, nhưng ngày xưa ông sử quan Vũ Quỳnh chỉ có thể nói mơ hồ về căn bệnh "xã hội" của ông hoàng đế, một phần chắc vì e sợ lời nói không thanh tao, phần khác vì vấp phải khả năng kiến thức y tế của thời đại. Trước ông một thế hệ, sử quan Ngô Sĩ Liên, dưới quyền của ông vua luôn luôn đề cao thánh giáo, đã dọn lại sách sử cũ, quyết định "lễ nhạc... chẳng có điều gì sai mà không sửa đổi" (Biểu dâng sách), cho nên đã xoá bỏ nhiều ghi chép của người trước tuy không thể nào tước sạch, chỉ vì người trong quá khứ đã không sống như thời ông, đi theo một lí tưởng chẳng bao giờ đạt được của tầng lớp ông. Sự cách biệt đó thấy rất rõ khi so sánh Toàn thư với Đại Việt sử lược, quyển sách tuy cũng của nho thần nhưng là người của thời đại về trước, lúc họ vẫn chỉ là gia thần giữa một đất nước có sinh hoạt không gì mâu thuẫn hơn nền chính giáo họ theo đuổi, nên chỉ đành bấm bụng than van (Lê Quát).
     
    Chẳng ở đâu trong Toàn thư thấy được đoạn văn này:
     
    "(Năm Ầt tị, 1185) Kiến Ninh Vương là Long ích đốc suất quan lính hơn 12 000 người đi đánh bọn Sơn Lão ở sách Linh để báo thù trận La Ao. Quân kéo đến đóng ở thôn Đỗ Gia, Long ích bắt giữ hết cả (người ở đó). Bọn Đinh Võ kêu than một cách thảm thiết. Người đi theo là Nguyễn Đa Cẩm thấy bọn Đinh Võ bị bắt làm tù, khoái chí bèn la mắng nhục mạ và đái vào miệng bọn Đinh Võ. Giống rợ Lão có tính hung hãn bèn cắn âm hành của Đa Cẩm. Đa Cẩm dùng tay đánh, Đinh Võ sẹo mất cả mồm. Đa Cẩm cũng ngã xuống đất gần chết. Do đó Long ích mới sai các quan chức làm con cá gỗ khớp mồm bọn Đinh Võ, xong, dùng gậy đánh chết rồi đem phơi khô thịt của bọn ấy". (Chép gần nguyên văn trong bản Đại Việt sử lược do Nguyễn Gia Tường dịch, TP. Hồ Chí Minh 1993, tr. 226.)
     
    Hình như đây là đoạn văn độc nhất trong sử cũ có nhắc đến bộ phận sex mà Ngô Sĩ Liên đã lược bỏ có lẽ vì "thô vụng" như ông đã cho biết khi biên tập sách xưa. Đoạn văn phát biểu bằng chữ Hán nên ta không biết người xưa gọi những cái đó là gì - có lẽ cũng gần gần như người nay với chút âm ngữ tất phải thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên với một chút còn sót lại đó, ta cũng có dịp để nghĩ rằng nếu Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu hay các Thực lục của Đinh, Lê còn nguyên vẹn chắc sẽ cung cấp cho ta những cung cách xử trí tuy thô lỗ nhưng rất sát thật với đời sống hàng ngày của người xưa như thế.
     
    Giống đực và giống cái trên triều đình
     
    Trên tột đỉnh quyền bính của nước Việt chỉ có một người đàn bà được sử ta cho là đã xưng "vương": Trưng Trắc. "Vua nước/dân Việt" đó (Việt điện u linh tập, 1329) lại chỉ được vua Trần phong là "Phu nhân" chỉ vì các ông không công nhận có vua đàn bà. Trước Trần có một cô bé làm kẻ lót đường cho dòng họ nhưng cũng bị né tránh chữ "vương". Chúng ta người đời nay vẫn không thể tranh luận được gì nhiều hơn. Chúng tôi từng nhắc đến các dấu vết rất nhiều trong thời có sử về vai trò nổi bật của người phụ nữ Việt nắm giữ giềng mối truyền thống. Tuy nhiên lại cũng biết rằng việc cầm quyền thật sự là của người đàn ông thuộc dòng nữ chứ không phải là đàn bà. Có lẽ, theo với thời gian, tổ chức xã hội phức tạp hơn, nhất là trải qua ngàn năm thuộc trị, người chủ tể mang vương hiệu của hệ thống quân quyền Bắc phương không thể là đàn bà tuy sự ghìm giữ của thói tục địa phương vẫn còn giữ lại cho họ một địa vị cao trong xã hội mà với thời gian cũng phải thu hẹp dần.
     
    Từ uy lực truyền thống chuyển qua sức mạnh của giới tính
     
    Chính vì nhận ra sự níu kéo của truyền thống nói trên mà chúng ta không lấy làm lạ như các sử quan nho thần về việc các ông vua Đinh, Lê và vài ông vua Lí đã lập nhiều hoàng hậu. "Hoàng hậu" chỉ là một cách gọi thuận tiện cho sử quan khi phải nói về vợ các ông vua. Đúng, đó chỉ là vợ các ông Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lí Công Uẩn..., giản dị có thế mà thôi. Tuy nhiên vẫn có điều nói thêm về các bà vợ này với vai trò khuất lấp nhưng không che giấu hết sự thật lịch sử bên dưới các danh hiệu vương giả vay mượn của họ.
     
    Ta chú ý đến một số hoàng hậu có chữ "quốc" kèm theo: Kiểu Quốc, Cồ Quốc của Đinh Tiên Hoàng, Trịnh Quốc của Lê Đại Hành, Tá Quốc của Lí Thái Tổ. Hẳn không phải các bà đó vốn có tên cùng âm, mang ý nghĩa xa lạ khác nhau nhưng do sự diễn dịch của sử quan, đã tạo ra sự đồng âm bắt buộc. Sau ngàn năm Bắc thuộc, người thủ lãnh đã xưng vương thì các bà vợ phải được gọi với tên trang trọng của tầng lớp thượng lưu Trung Quốc. Trừ bà Ca Ông còn có dáng Di Lão gốc như của Đinh, tên các bà khác đều nghe rất kêu: Đan Gia, Trinh Minh, Đại Thắng/Thánh Minh (Dương Hậu), Phụng Càn Chí Lí, Thuận Thánh Minh Đạo. Vậy thì chữ Quốc trên chỉ có nghĩa là "nước", các bà trên là đại diện của một "nước". Các ông vua có tôn hiệu chữ Hán dài dằng dặc, các bà vợ có tên sang cả, hẳn là do các quan học chữ Hán/nho (hay chính người Hán như trường hợp Hồng Hiến của Lê Hoàn) đặt ra. Họ đã từng ghi chép sử kiện của triều đại dựa theo các biến động tương tự ở phương Bắc: Cuộc tranh chấp giữa Ngô Xương Văn và Đinh Bộ Lĩnh với trung gian Đinh Liễn có dáng như chuyện giữa Hạng Vũ và Lưu Bang, chuyện Lê Hoàn cướp ngôi Đinh chỉ là kết quả đương nhiên của thời đại, từ người nắm quân binh, vậy mà được diễn tả như cuộc binh biến Trần Kiều của Triệu Khuông Dẫn lấy ngôi nhà Hậu Chu. Ý thức bắt chước cho được ngang tầm với người cai trị cũ khiến cho cái cổng ngoài của kinh đô Hoa Lư mang tên một biên ải của Trung Quốc, cửa Đồng Quan, nơi đó thay vì có quan quân bị lưu đày canh chừng sa mạc, lại có người đầy tớ (hoành) tước Phúc hầu tên Đỗ Thích, ngủ giữa trời nằm thấy sao rơi vào miệng, nhân dịp trở về nhà chính, liền làm việc thí nghịch tưởng là để hoàn thành thiên mệnh đã trao. Những cuộc phân tranh sau khi thành phần đế quốc Đường ở phương Nam sụp đổ cũng tạo nên những lãnh chúa địa phương mà hình tượng Thập nhị sứ quân không phải chỉ có 12 người, đã cho ta thấy tính chất manh mún của nó. Ngô Quyền xưng vương trên phần đất đô hộ cũ, phải coi đó là nước, nước Đô Hộ. Nhà Đinh có tên nước được ghi lại là Đại Cồ Việt nhưng còn lưu dấu tên của triều trước khi phong cho ông lãnh chúa Lê Lương ở một vùng ái Châu mà quyền hành ông hoàng đế không với tới, là "ái Châu, Cửu Chân Đô quốc dịch sứ", nghĩa giản dị là "ông quan phụng mệnh coi đất ái Châu, Cửu Chân của nước Đô (hộ)". Thật ra đây là ông vua nhỏ, cũng như vô số vua nhỏ khác chiếm quyền trên thân xác tan rã của cựu phủ Đô hộ. Tính chất liên minh khu vực của thời kì hậu thuộc địa thấy rõ với trường hợp Dương Đình/Diên Nghệ và Kiểu Công Tiện, Ngô Quyền, với Trần Lãm và Đinh Bộ Lĩnh, và các liên hệ hôn nhân mà Đinh Tiên Hoàng dùng với Ngô Nhật Khánh, với em Trần Lãm. Ta biết được nhà Lí áp dụng liên hệ hôn nhân để lấy vây cánh là nhờ tài liệu ghi lại dồi dào hơn nhưng điều đó không phải đã không từng xảy ra về trước. Các bà được coi là hoàng hậu ngang nhau có nguyên nhân hẳn là từ những thế gia ngang ngửa quyền hành trong vùng, những tập họp địa vực hoặc cũng tự xưng là "quốc", hoặc được nâng cấp là "nước" để ngang tầm với phía thông gia. Và sử quan thời đại cũng lại có một mẫu hình phương Bắc để chính danh cho sử sự: lịch sử Xuân Thu Chiến Quốc với các "nước" tranh giành nhau trên quyền bính tột đỉnh mà không mất sự gián đoạn giao tiếp bên dưới, ở đây là của thời cựu thuộc địa.
     
    Quan niệm về sự đối kháng tập đoàn trong tính cách chiến tranh khu vực ít nhiều gì cũng cho thấy rơi rớt hình thức xung đột bộ lạc, trong đó tù binh nữ được coi như là chiến lợi phẩm, thể hiện nơi việc Lê Hoàn sử dụng các người vợ lớn nhỏ, các người hầu cận, ca kĩ của chúa Chàm sau trận chiến 982. Và cũng chính trong tâm thức thời đại đó mà các bà vợ "Di" có quyền "tay hòm chìa khoá" một khu vực như dưới đời Lí tiếp theo ngay sau đó, còn những đứa trẻ sinh ra, vốn thường bị ruồng bỏ vào thời gian sau, lúc này lại được công nhận chính thức, đương nhiên hưởng quyền lợi như các anh em khác mẹ khác để rồi theo khả năng riêng, cướp được chính quyền, nối nghiệp cha dù với sinh hoạt khác lạ đã khiến cho sử quan đẩy vào địa vị tội nhân của lịch sử:
    Đó là trường hợp Lê Ngoạ Triều ta đã bàn tới.
     
    Sự sử dụng nữ tù binh của phe chiến thắng đương nhiên là có tính chất ép buộc nhưng cũng có thể thấy là điều bình thường. Trường hợp gặp phản kháng như Mị Ê là đặc biệt. Lí Thái Tông là "the right man in the wrong place". Ông hấp tấp không lường được tâm cảm của kẻ thấy cảnh nước mất nhà tan còn sờ sờ trước mắt, và còn có sông nước thuận tiện bên cạnh tù binh, chứ nếu ông từ từ đưa về Thăng Long, an trí ở cung Ngân Hán xây xong thì Mị Ê hẳn cũng như Bà chúa Lẫm, Bà chúa Dệt Lĩnh nào đó được chia phần ruộng của ông hoàng đế điền chủ, sẽ thu lúa ruộng, trông coi quan nô tì trồng dâu nuôi tằm, an hưởng phúc mới, không cần phải tạo ra một cái chết bất đắc kì tử làm hoảng sợ ông vua của một thời lẫn lộn thần người, phải xây miếu đền để cầu xin tha thứ. Các nho thần về sau cũng chỉ là làm việc phụ hoạ, tán tụng người chết theo quan điểm của mình học được, vừa tỏ lộ được sự thông thái vừa để vớt vát uy tín của đấng quân vương vốn chưa từng sống như mình tưởng.
     
    Sinh hoạt riêng tư ở cung đình tuy không bày tỏ nhưng ta thấy được sự biểu lộ tính dục trong các tên cung điện. Bỏ qua các tên sang cả thì ta thấy "cung" chỉ là "phòng", "điện" chỉ là "nhà" để hiểu những diễn biến bên trong mà không ngạc nhiên. Lê có các điện Phong Lưu, Tử Hoa, Bồng Lai, Cực Lạc, và chỗ nằm ngủ được gọi là Trường Xuân. Các danh xưng cùng ý nghĩ đó khiến ta ngờ rằng người đặt tên lầu Đại Vân mà Lê Hoàn khoe với Tống Cảo, hẳn có chủ ý liên hệ với chuyện "mây mưa". Lí Thái Tổ cho mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, có nghĩa là con rồng cao cấp sẽ đi qua cửa ấy để hưởng thú vui chăn gối, cũng như tất phải nằm chung với cung nữ nên một chỗ ở của những người này có tên là Long Thuỵ (nên sửa chữ "thuỵ" của bản chính thành: Con-Rồng-mỏi-mệt-thiếp-đi), cùng tên với điện Long Thuỵ được giảng rành rẽ: "làm chỗ cho vua ngủ nghỉ", cái cung được xây cùng với cung Thuý Hoa cho cùng mục đích mà khi nơi này xong thì có việc khánh thành trang trọng, đại xá, ban thưởng, trong khi sử quan không hề nói đến cuộc khánh thành nào khác. Lí Nhân Tông thì có cung Hợp Hoan (1089) mà sử quan không cần phải giải thích công dụng của nó, còn chúng ta thì có thể hiểu ngay.
     
    Vì Lí có chút đổi khác. Là dân lưu vong, Lí không có cơ sở bản thổ ở Hoa Lư nên phải dựa vào binh lực và hệ thống tôn giáo có sẵn mà phá vỡ truyền thống. Vẫn còn các bà vợ mang chức "hoàng hậu" nhưng chen vào là một phân biệt cấp bực, cho bà vợ mang tên Lập Giáo đứng trên hết với quy chế xe kiệu và y phục khác hẳn những người kia. Sự dời đô về gần gũi trú quán quê nhà, với thủ phủ Đại La cũ có thói tục sinh hoạt thuộc địa hẳn là quen thuộc hơn so với thời ở hang động Hoa Lư , đã đem lại tự tín cho triều mới hơn, nên lại có sự đổi thay. Lí Công Uẩn có ba bà hoàng hậu mới mà ý nghĩa loại bỏ những người cũ nằm trong ghi chép "lại lập ba hoàng hậu" và tên mới đầu bảng của hoàng hậu Tá Quốc. Nước bây giờ chỉ có một, và vị thế tôn giáo phù trợ phải theo bà Lập Giáo tụt xuống sau cùng. Từ đây, ảnh hưởng vào triều chính của người phụ nữ Đại Việt không dựa vào truyền thống cũ nữa mà đi theo quy trình chung nhất của nhân loại các thời trung cổ, là sử dụng âm mưu của giống cái chen chúc trong một cung đình phức tạp, nhiều thứ bực nhưng cũng dễ đảo lộn.
     
    Điều đó thấy ngay trong đời thứ hai của nhà Lí. Lí Thái Tông vẫn lập 7 hoàng hậu nhưng có một hệ thống cung đình (1041) hợp với tình hình mới trong đó có thêm nhiều vợ nhỏ khác chủng loại (như người họ Đào ở Chân Đăng tây bắc 1033), và hẳn ông không chừa các nữ tù binh Chàm tập họp vào cung Ngân Hán 1046 - cái tên có ý nghĩa của một sự xa cách đường đất mà nay lại được tiếp cận chung chạ. Cho nên vị trí "hoàng hậu" thấy là bình thường trong quá khứ nay có thêm dấu vết của sự thiên lệch ưu ái. Toàn thư không nói gì hơn, chuyện năm 1035 "lập người thiếp yêu (không rõ tên) làm Thiên Cảm Hoàng hậu, phong Hoàng tử Nhật Trung làm Phụng Càn Vương". Tuy nhiên chúng ta lại thấy rằng tôn hiệu của bà được dùng làm một phần niên hiệu của vua sau trận thắng Chiêm Thành (Thiên Cảm Thánh Vũ) và cổ tiền gia ngày nay còn giữ được các đồng tiền có chữ "thiên cảm", "(phụng) càn vương". Phụng Càn Vương chỉ đứng sau Thái tử Nhật Tôn (Thánh Tông sau này) và từng cầm quân đánh giặc (1043), giữ kinh thành khi cả vua và thái tử cùng xuất chinh (1037). Rồi ông mất tăm dạng, gây thắc mắc hữu lí cho người sau, vì nếu ông chết bình thường thì ắt cũng phải được ghi chép cẩn thận như những người ít có tầm quan trọng hơn ông nhiều. Chỉ biết Công chúa Ngọc Kiều (1042-1113), con ông, còn được sử ghi lại là làm con nuôi Thánh Tông, được Thần Tông phong là Ni sư.
     
    Hệ thống cung đình có thứ bực của Lí đã thành hình, tuy còn chông chênh nên khiến phát sinh nhiều mâu thuẫn trong việc thế tập, thể hiện bằng những cuộc âm mưu hoặc phản kháng vũ lực. Thân Lợi làm loạn trong hai năm 1140-41, được sử quan cho là "tự xưng" con của người thiếp không được Nhân Tông thừa nhận nhưng có thể là đúng như đã cáo với nhà Tống, và nếu ta xét theo khả năng tập họp binh lực được nhiều người theo của ông. Trái lại, Thiên Lộc con người thiếp yêu của Thần Tông lại suýt được lên ngôi nếu không có cùng một lúc cả ba bà phu nhân tranh đấu theo kiểu vừa hối lộ, vừa làm áp lực tình cảm với ông vua chỉ còn chút hơi tàn, để đổi di chiếu.
     
    Cái đà của áp lực phái tính đó trong cung cấm khiến cho uy lực dòng nữ ngày xưa đang lây lất trong triều Lí, lại có dịp tồn tại trong sự kèn cựa chiếm đoạt quyền hành. Việc cậu bé 3 tuổi Thiên Tộ (Anh Tông) lên ngôi làm nổi bật vai trò những người bên ngoại họ Đỗ trên chính trường. Mẹ Thần Tông họ Đỗ (+1145), bà nội của ông vua bé con, đã đem em là Đỗ Anh Vũ vào nắm quyền. Thoáng về trước ta đã thấy có những người họ Đỗ trong đó có Đỗ Thiện mà người ta đoán là tác giả Sử kí, người được lệnh đi báo cho cha mẹ ruột việc Thần Tông lên ngôi, chứng tỏ dấu vết liên hệ bà con. Đỗ Anh Vũ có tiếng xấu với sử quan nho thần nhưng công tích với triều đại cũng không bị phủ nhận cùng với bia đá còn lại ngày nay đã giúp cho sử gia K. W. Taylor thêm một bài nghiên cứu. ("Voices Within and Without: Tales from Stone and Paper about Đỗ Anh Vũ (1114-1159)" trong Essays into Vietnamese Past, Cornell University 1995, 59-80.) Về sau lại có một bà Đỗ (Chiêu Linh) Thái hậu khác (Đỗ Thuỵ Châu +1190) phù trợ cho một Đỗ An Di/Thuận (+1188) là em trai, lên nắm quyền. Đến cuối đời càng thấy xuất hiện nhiều người họ Đỗ nổi chìm theo với sự suy tàn của triều đại. Điều ta chú ý ở đây là việc Đỗ Anh Vũ tư thông với Lê Thái hậu (Cảm Thánh, vợ Thần Tông) khiến xảy ra một âm mưu triệt hạ bất thành dẫn đến một suy luận có thể xa hơn về xã hội, hình luật thời ấy. Tính chất tư thông, cung cách chăm lo gỡ tội cho tình nhân của bà thái hậu khiến ta thấy có một chút gì bình thường thế nhân trong sinh hoạt đương thời. Như mọi tình nhân mê mệt khác, bà thái hậu buông rèm trị nước thay ông vua nhỏ, đem vàng bạc đút lót phe đảo chính, vận động phân rẽ phe này (trường hợp đối với Đàm Dĩ Mông), uyển chuyển làm theo luật nước để lật ngược thế cờ thua thành thắng, tạo nên một kì tích trong chính trường cũng như tình trường. Cũng bình thường đối với thời đại, như trường hợp một ông quan khác, Thiếu sư Mạc Hiển Tích tư thông với Thái hậu Đỗ Thuỵ Châu mà các quan đều né tránh. Chuyện ghi chép trong Đại Việt sử lược vào năm 1189, có gây cho ta thắc mắc về thời điểm (Mạc Hiển Tích trúng tuyển kì thi năm 1086, không thể hiện diện vào năm 1189, chưa kể còn làm việc quậy phá nội cung, và còn được sử ghi bị vua đày vào năm 1190 sau khi Thái hậu mất) nhưng có thể đã xảy ra vào một lúc nào đó. Chỉ có Thái tử Long Xưởng đi quá giới hạn mới gây tai hoạ cho mình.
     
    Toàn thư chép rằng "(Thái tử) Long Xưởng thông dâm với cung phi, vua không nỡ bắt tội chết" nên phế làm thứ nhân và bắt giam. Chuyện này thì cũng từng xảy ra ở nước làm gương mẫu cho Đại Việt: Trung Quốc. Tuy nhiên, ĐVSL (trang 215) có chi tiết lạ hơn:
     
    "Long Xưởng có tính hiếu sắc. ở trong cung có cung phi nào được vua yêu quý, Long Xưởng cũng đều tư thông cả. Nhà vua rất ghét sự vô lễ ấy. Bà Nguyên phi là Từ thị được vua yêu, Hoàng hậu ghen bèn sai Long Xưởng lén lút đến tư tình để gây sự ngờ vực cho nhà vua, muốn rằng Từ thị từ đó bị vua đối xử nhạt nhẽo đi. Từ thị cứ tình thực tâu vua. Vua giận bèn phế Long Xưởng."
     
    Như vậy có nghĩa là trong cung vua, người ta khá dễ dàng tư tình, từ quan triều với mẹ vua, đến thái tử với các "dì" của mình, ông vua có biết cũng làm ngơ trừ phi động đến "cục cưng". Cho nên ta không lấy làm lạ về chuyện đời Trần. Và ở đây là bắt đầu từ trong dân chúng, dù đã xảy ra ở nhà hào phú.
     
    Từ bảo tràng của Đinh Khuông Liễn đến cây cột đá chùa Giạm
     
    Sử quan nho thần trong khi hạ bút để tuyên dương thánh giáo đã gạt hẳn những sự kiện xảy ra trái với ý thức hệ của mình. Người sau biết được những mảnh vụn rải rác là nhờ sự vô tình của các ông hay chỉ vì lớp sơn chuyển hoá mà các ông phủ lên đã không che lấp được hết quá khứ.
     
    Khảo cổ học Việt Nam ngày nay đã đào được các cột đá khắc kinh của Đinh Khuông Liễn dựng năm 973 và của các năm sau đó. Kinh khắc được ông Hà Văn Tấn khảo sát kĩ càng (Hà Văn Tấn, "Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư", và "Cột kinh Phật thời Đinh thứ hai ở Hoa Lư" trong Theo dấu các văn hoá cổ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 1998, tr. 786-832). Ông cho biết kinh (bài chú) khắc trên hai loạt cột tuy có khác nhau một ít nhưng chỉ là một bản với mục đích cầu thọ của Mật Tông. Ông cũng chỉ rõ tính chất khác nhau của Mật Tông và Thiền Tông, ngành Phật vẫn thường được coi là chủ đạo ở Việt Nam nhưng qua bằng chứng ở các cột kinh này thì lại tỏ ra có liên hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên sự thông thái của ông vẫn bị những người "nghiêm túc" che chắn nên ta có thể chen vào một vài suy nghĩ thường tục hơn.
     
    Cột kinh có hàng chữ " Tĩnh Hải Quân Tiết độ sứ ... Nam Việt Vương" thêm bằng cớ xác nhận cho ghi dấu năm giáp tí kèm theo, là cột khắc năm 973, năm Liễn được vua Tống phong tước trên. Nam Việt Vương là tước trong nước (986), chức tước trong ngoài có đủ cho Liễn khắc kinh cầu thọ mong hưởng phú quý lâu dài. Nhưng loạt kinh tràng thứ hai thì rõ ràng là dấu hiệu ăn năn cầu thọ vì đã giết người, lại giết một đệ tử của Phật, Đại đức Đỉnh Noa Tăng Noa / Hạng Lang, nên hẳn phải được khắc trong hoặc sau năm 979. Kinh và chú của Mật Tông, vốn qua tay thiền sư Trung Quốc, chỉ là chữ (mà lại là ẩn ngữ), không thể cho ta biết sinh hoạt đi theo các bài ấy như thế nào. Đặc điểm của phần lớn các hệ phái tư tưởng Ần Độ, trong đó có Phật Giáo, là nằm ở sự mưu tìm Giải thoát bằng suy tưởng, trong khi Mật Giáo lại nhắm vào hành động (Reay Tannahill, sđd, tr. 222-223), như ông Hà Văn Tấn thấy họ "chú trọng đến các nghi lễ tôn giáo thần bí." Nhưng không hẳn vì họ "tiếp cận với Đạo Giáo (Trung Hoa)" - ít ra là đối với những người theo Mật Tông ở Đại Việt mà dấu vết để lại khiến ta phải hoài nghi.
     
    Điều đó có bằng cớ trong truyện Man Nương của Lĩnh Nam chích quái, quyển sách có thời điểm xuất hiện cuối Trần, tương đương với ĐVSL, nghĩa là không bị ràng buộc về tính cách thanh giáo như khi ta phải so sánh với tác phẩm của Ngô Sĩ Liên. Một chứng minh khác là Vũ Quỳnh khi phỏng theo truyện cũ để viết Tân đính Lĩnh nam chích quái (Bùi Văn Nguyên dịch thuật, chú thích, dẫn nhập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 1993, tr. 149) đã dàn xếp cảnh chùa chiền theo tính cách nam nữ riêng biệt, hợp với phong khí Nho học của Hậu Lê, điều không xảy ra trước lúc "sửa mới". Song ở cả hai bản đều có phần về nhà sư Ần Độ biết thuật kì lạ "làm phép đứng/nhảy một chân" và khi bước ngang qua bụng Man Nương đang ngủ thì khiến cô gái thụ thai. Địa điểm diễn tiến của truyện vẫn được coi là ở vùng chùa Dâu ngày nay, nơi phát xuất của một dòng Thiền Tông có tên là Nam Phương. Tên đó, nhà sư Ần Độ đó, tính chất thụ thai thần bí trong truyện tích cho ta thấy tính chất Mật Giáo của Ần Độ ở đây đã đậm nét hơn những gì lưu lại trong sách vở từ Mật Tông Trung Hoa. Không phải chỉ có dựng đạo tràng làm phép hô phong hoán võ, phục hổ giáng long, bay trên không, đi dưới nước, hay khắc kinh tràng ghi bài chú Đà la ni cầu thọ đã từng dùng cho ông vua Thiện Trú xưa... Nghi lễ của Mật Giáo Ần diễn tiến trong cảnh uống rượu, nhai thịt, ăn cá, điều mà Mật Tông Phật của Miến Điện thi hành khiến cho phái Tiểu thừa ở đấy lấy làm căn cứ để công kích tính chất tà đạo của đối thủ tuy không biết rằng những người này coi lạc thú như là thứ cần bồi đắp chứ không phải để xua đuổi, tránh xa. Sư đời Lí ở "giới trường, tịnh xá công khai uống rượu, ăn thịt, ở thiền phòng thì 'gian dâm' với nhau" không đợi đến Đàm Dĩ Mông tố cáo (1198). Nghi lễ Mật Giáo Ần có hành động giao hợp như chứng tích đạt được sự hoà hợp của tiểu ngã và Đại Ngã (vũ trụ). Vì thế câu thần chú linh nghiệm nhất, thường được sử dụng nhất: án ma ni bát di hồng / Om mani padme hum, có nghĩa theo tín đồ Việt là "Thanh tịnh: thân, khẩu, ý," nhưng nguyên gốc lại mang hình thức tính dục là "châu báu nằm trong hoa sen" - một cách nói thanh tao hơn của câu: "cái lingam nằm trong cái yoni". (Reay Tannahill, sđd, tr. 223-225).
     
    Chúng ta không biết hệ phái (Thiền Tông) Nam Phương chịu ảnh hưởng Mật Giáo Ần như đã nói trên trong chừng mực nào, nhưng chùa Dâu còn giữ lại đến nay hòn đá cầu mưa của Lí Trần Hồ gọi là Thạch Quang Phật, "có dáng một sinh thực khí nam" như xác nhận của người quan sát, và chùa còn có tên chùa Dặn (Rặn), nghĩa là từng giữ một cái yoni nào đó. Hòn đá như "cái nắm tay" đó chẳng thể nào là"cái nghiên đá" của sử gia nho thần, đã nấp dưới danh hiệu Phật Pháp Vân trong Toàn thư, nhưng chúng ta biết được đích danh nhờ sự tranh chấp ngôi vị hoàng đế giữa Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương qua câu đố thử thách của Hồ Quý Li vào đầu 1400. Cái yoni từng nằm trên trống đồng. Và trong dân gian còn có tục thờ nõ nường, rước sinh thực khí nam nữ, biểu diễn hành động giao hợp, qua mặt thời kì thanh tẩy xã hội chủ nghĩa, để còn tái hiện lễ hội Trò Trám (lấp đầy?) trong năm 2001, mở màn lễ Mật làm việc tính giao thật sự cho trai gái làng Dục Mĩ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, dưới sự chứng kiến của phóng viên ngoại quốc quay phim làm tài liệu. (Tin của nguyệt san Khởi hành, California, số 55, tháng 5-2001, trang 3). Xa tuốt về phía nam, trong đầu thập niên 1970, một người ở Phan Thiết còn nhớ trước 1945, hàng năm người Chàm thường tụ về một khu vực đồng trống bên ngoài thành phố để tế thần, với nghi lễ như trò Trám trên. Bánh dầy có dáng một cái yoni mà câu vè: Trúc Phê có tiệc bánh dầy, Bên á hả miệng bên này chày đâm, như một hình tượng về hành động fellatio đã có trong ngôn ngữ thường tục. Và tập họp "bán trôn nuôi miệng" có vẻ chứng tỏ người ta đã biết về kê-gian / anal intercourse. Những người chép bài chú Đà la ni cho Đinh Liễn hẳn là có chứng kiến những lễ hội tương tự trong thế kỉ X của họ.
     
    Lí Thánh Tông đem bộ linga yoni của Chàm về trong trận 1069 (từ Thuỷ Vân, bắc Quảng Trị?), tuy hành động mang ý nghĩa thu phục thần linh kẻ chiến bại nhưng lại không cho ta thấy là dị ứng với tục thờ Bà Chúa Xứ, bởi vì họ Lí đã đặt Bà làm chủ đàn Viên Khâu (1154), nơi vốn theo ý nghĩa gốc của nó là chỗ thờ ông Thiên, cha của vua, như Việt điện u linh tập còn ghi. Sự tiếp nhận không gây thắc mắc chứng tỏ trong các phong tặng của đời Trần tiếp theo: 1285 Địa Kì Nguyên Quân / Bà Chúa Xứ, 1313 Ứng Thiên Hoá Dục / Theo Đạo Trời Sinh Sôi Nảy Nở, và 1288 Nguyên Trung / Vốn Thẳng Cứng Xuyên Suốt (nếu ta loại bỏ ý nghĩa chuyển hoá che lấp của chữ Hán sử dụng mà trở về với nghĩa đen của hình tượng cụ thể, như ta đã nhìn thấy ý nghĩa đá trong các tước phong Quả nghị, Cương chính cho thần Cao Lỗ.) Các chùa gốc thờ thần Po Yan Dari Chàm, vào thời kì "bắc tiến" về sau, dưới lốt tổng hợp của Bà Chúa Xứ, đã xuất hiện ở Miền Bắc hoặc dưới tên thô lỗ mà chính xác: Bà Banh / Bà Đanh, Bà Chúa Ngựa, hoặc dưới tên chuyển hoá ẩn tàng, nôm hoặc nho: chùa Bà Ả, Nhà Nàng, Thiên Phúc (Nguyễn Quang Hồng chủ biên, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Hà Nội 1993, tr. 248 / bia 1620, tr. 332 / bia 1622, tr. 474 / bia 1562). Tất cả chứng tỏ một sinh hoạt cúng lễ rất nghiêm chỉnh về cái giống trong suốt lịch sử Việt.
     
    Lại thấy hai trường hợp chữa bệnh hiếm muộn trong đời ông vua Thánh Tông và ông sau. Chúng tôi đã dựa vào truyền thuyết cho tới ngày nay và một sơ hở của sử quan mà cho rằng (Thần, người và đất Việt) thời đó, các ông pháp sư đã nghĩ rằng có thể sử dụng thân xác mình làm phương tiện chữa bệnh. Không hẳn là một sự lợi dụng nhưng là một tin tưởng kiểu của Mật Giáo đem vào hành động. ở cấp cao trên triều đình thì có một ông sư thực thụ (Từ Đạo Hạnh) và một ông gián tiếp làm việc truyền đạt (Đại Điên, sư chùa Thánh Chúa dạy cho Nguyễn Bông.) Địa điểm chùa, tên Cánh đồng Bông của nạn nhân còn lại ngày nay chứng tỏ một phần sự thật. Cả hai thầy pháp đều làm cùng một việc chữa bệnh là "lẻn vào nhà tắm" (như Từ Vinh, cha Từ Đạo Hạnh, lẻn vào chỗ ở của cung nhân), hẳn vì thế mà sử quan ghi là "việc bị phát giác". Thánh Tông giận sai chém Nguyễn Bông, nhưng Sùng Hiền Hầu lơ chuyện vợ mách. Điều đó được kể ở Thiền uyển tập anh đời Trần, chứng tỏ người đương thời từng in trí theo một lí thuyết để không cho là chuyện ghi lại có ý nghĩa "lợi dụng bậy bạ".
     
    Cho nên, Lí Nhân Tông, chủ nhân cái mukhalinga Việt Hán, nằm trong sinh hoạt của thời đại, hẳn là không có phản ứng phủ nhận khi biết rằng bản thân cao quý con-Trời được xưng tụng giữa chốn triều đình của mình lại đồng thời cũng nằm trong con cu đá kia. Ông hoàng đế - điền chủ còn chăm chút ruộng nương, gần như không bỏ sót một mùa cấy gặt, một khu vực cung cấp lợi tức của mình, biết xây cầu qua sông để nối liền trang trại bao la, tính chuyện tằn tiện tiêu pha cả khi sắp nhắm mắt, buông xuôi hai tay, cách sống như thế của con người tuy được thời thế cho nằm ở tột đỉnh xã hội, nhất định là không phủ nhận mà còn chia xẻ với những tin tưởng của người dân dưới quyền mình. Cho nên ông đã cho xây tháp chứa linga, cầu kì đến gần 6 năm (1088-1094), năm 1105 lại xây thêm ba tháp ở nơi ấy nữa, tính chất trân trọng đối với thần vật này thật không thể chối cãi. Sử quan Lê Văn Hưu (1274) có thấy mà không gọi "cây cột đá chùa Giạm" như người ngày nay, cây trụ đá chạm rồng xây dựng gần trăm năm trước, mà ông lấy hình ảnh cái nạo sửa chữ cao quý của thánh Khổng để che lấp thực tế "thô tục" của cái linga ông còn biết ý nghĩa đích xác. Cũng như các ông vua Trần của ông.
     
    Trần nữ - con gái nhà họ Trần
     
    Sinh hoạt tính dục của người họ Trần thường bị các sử quan đời sau chê trách. Với ông vua (Thái Tông) thì chê trách nhẹ nhàng: "Chốn buồng the cũng có điều hổ thẹn", căn cứ trên đạo lí: "Bỏ luân thường, mở mối dâm loạn". Nhưng với ông quan (Trần Thủ Độ) thì lời chửi mắng "thói chó lợn" được tung ra như để hả ấm ức không thể thốt ra hết với vua. Tuy nhiên các chứng nhân đương thời thì lại không có thái độ hùng hổ ấy. Lê Văn Hưu chỉ chê gián tiếp về các cách tung hô xưng tụng, Lê Tắc không nói một lời về sinh hoạt gia tộc phía chủ. Hai người kia là thủ hạ của dòng họ cầm quyền không nói làm gì, nhưng Hồ Nguyên Trừng đối kháng, ít ra cũng thuộc dòng họ "cướp ngôi", thế mà trong hồi kí Nam Ông mộng lục, ông này cũng không nhắc đến điều gọi là sự dâm loạn của họ Trần như người sau.
     
    Phan Phu Tiên (1455) đổ thừa cho người thứ nhất (TháiTông) là "mở mối dâm toạn... đầu têu cho Dụ Tông" sau này. Nhưng sử quan chỉ nói cho sướng miệng chứ Trần Cảnh lấy chị dâu là do sự sắp đặt ép buộc của Trần Thủ Độ và bà mẹ vợ Linh Từ, nguyên Trần nữ - con gái họ Trần. Ông đã trốn đi nhưng thấy "vua ở đâu thì cung điện (xây) ở đó", nên phải trở về. Sinh hoạt phóng khoáng, buông lung là của cả người họ Trần, của người đương thời chứ không phải do Thái Tông khởi xướng.
     
    Hãy cho rằng Trần Quốc Tuấn cướp Công chúa Thiên Thành, con Thái Tông, em con chú của mình, là muốn phá gia đình kẻ đã làm tan rã nhà mình, trước khi được nghe lời trối phải báo thù của cha. Tuy nhiên khi Thái Tông gả con cho người cùng thân tộc gần (có thể là em ruột) thì rõ ràng đó là điều bình thường của thời đại, sử quan không xoi mói ra để thấy là loạn luân. Lại thêm, xét cung cách tự nhiên của Quốc Tuấn lẻn vào nơi cô gái đã hứa hôn đang ở gia đình người vị hôn phu, thì ta thấy có sự thuận thảo giữa đôi bên, có sự đồng ý của cô gái, đồng thời cũng thấy có sự ngang bướng của con trai họ Trần như kiểu ông hoàng tử Trần Duy lẻn ra ngoài cung đánh nhau, ăn cướp (1254) - hẳn không phải vì thiếu tiền mà chỉ vì nhu cầu tung hoành, để chứng tỏ sự dũng cảm của mình. Liên hệ thân tộc trong hôn nhân họ Trần do đó càng chòng chéo, khó có thể xác định cách xưng hô với nhau theo cách ta thường dùng ngày nay. Cho nên ta không quan tâm về việc Trần Hoảng (Thánh Tông sau này) lấy em gái Trần Quốc Tuấn, mà chỉ chú ý rằng cậu thái tử mới được làm vua, lấy vợ (tháng 8 âm lịch) vài tháng (tháng 11) là đã có con ngay! Đó là chứng tích sinh hoạt tính dục mạnh của con gái họ Trần mà người còn lưu lại nhiều bằng cớ hơn vì có thời sống đời dân dã là: Trần thị / Trần Nhị nương - Huệ Hậu / Thiên Cực Công chúa / Linh Từ Thái hậu, một loạt tên với địa vị càng lúc càng cao cùng công tích với dòng họ càng sâu dày khiến cho sử quan khó tính phải quay lại xưng tụng.
     
    Nói nhiều về bà chúa này là ĐVSL mà một tên, suy ra có sự xuyên suốt các tài liệu, là Thiên Cực Công chúa (+1259). Toàn thư tuy chép sơ lược về thời nhiễu nhương chuyển tiếp Lí Trần nhưng cũng cho ta thấy tên bà vào lúc thành lập xong triều đại mới. Họ cho biết sau khi Lí Huệ Tông tự tử thì bà bị "giáng làm Thiên Cực Công chúa, gả cho Trần Thủ Độ..." (1226) Tuy tên tước này xuất hiện muộn sau tài liệu của ĐVSL nhưng lại là khởi đầu để cho sử gia dùng theo kiểu hồi cố, vì lúc họ Trần chưa làm vua thì không thể có danh hiệu "công chúa" được. Tác giả ĐVSL chắc sử dụng nó theo thói quen đời Trần là thời gian sử quan sinh sống, như Trần Thủ Độ đã dùng chữ "công chúa" khi nói với người khác về vợ mình. ĐVSL còn gọi là "Cô Hai họ Trần". Trần Lí còn một người con gái nữa được gọi là "Cô Ba họ Trần" gả cho Nguyễn Đường (1215) để ràng buộc người này khỏi thông đồng với Nguyễn Nộn, đến khi người này bị tử trận (chết ngay sau đó) lại gả cho Đoàn Văn Lôi (1218), một người con của Đoàn Thượng thủ lãnh của hệ thống họ Đoàn ở Hồng Châu. Vì các thứ bực này mà ta khó chấp nhận Trần Tự Khánh (+1223) là "anh" của Trần thị theo Toàn thư, vì đã có người anh cả là Trần Thừa (cha Trần Cảnh / Thái Tông). Tuy nhiên nếu xếp Trần Tự Khánh sau cả Cô Ba, thì tuổi ông ta có thể là quá nhỏ so với những hoạt động chính trị và quân sự vốn có tác động rất lớn trong việc gây uy thế họ Trần, dẫn đến việc chiếm ngôi mà Trần Thủ Độ chỉ là người kế tục. Chúng ta chờ đợi sự giải quyết rành rẽ, và bây giờ trở lại với Cô Hai.
     
    Lại phải thấy ĐVSL không bao giờ liên kết Cô Hai và Công chúa Thiên Cực: Cô Hai họ Trần đi với Hoàng tử Sảm (Huệ Tông sau này), còn Công chúa Thiên Cực chỉ xuất hiện trong những chuyện thông dâm hấp dẫn với người khác mà thôi. Nhưng không thể vì sự tách biệt này và vì Thiên Cực được dẫn trong đời Lí mà có thể cho rằng Thiên Cực là một công chúa của Lí. Nhà Trần khá kiêu ngạo nên không thể lấy tên hiệu một công chúa Lí phong cho bà vợ ông Trần Thủ Độ đầy quyền uy và là mẹ vợ của Thái Tông, người không chịu gọi Bà là Công chúa mà phong cho chức Quốc mẫu, có "xe kiệu, mũ áo, quân hầu đều ngang với hoàng hậu." Điều trở ngại khác là trong chuyện thông dâm với Tô Trung Từ/Tự (6âl.1211) thì sách có nói rõ chồng cô là Quan nội hầu Vương Thượng. Ta phải gỡ rối điều này, cũng là dịp nối kết Cô Hai với Công chúa Thiên Cực ố tất nhiên là cũng không được hoàn hảo, như nhiều vấn đề khác. Có một Quan nội hầu Vương Thượng ở tận Lạng Châu "xa xôi hiểm trở..." như lời Đàm Dĩ Mông can Huệ Tông khi ông vua muốn dẫn gia đình lên đấy tránh Trần Tự Khánh, tuy rằng cuối cùng ông vẫn có mặt nơi ấy (đầu 1214). Lạng Châu trong tranh chấp cũng thường đổi chủ. Tháng Giêng âl. 1212, Đinh Khôi đánh Lạng Châu, cướp các tài vật trong nhà Công chúa Thiên Cực rồi kéo đi. Điều này có vẻ như chứng tỏ có một Thiên Cực khác biệt với Cô Hai họ Trần, nhưng cũng có thể giải thích là một cách ghi sự việc hồi cố của sử gia vì sự hiện diện của Huệ Tông và Trần thị ở Lạng Châu về sau. Bởi vì chuyện Tô Trung Từ thông dâm với Thiên Cực lại xảy ra ở Gia Lâm, nơi này rõ ràng là cách xa Lạng Châu, khó thể liên kết với Quan nội hầu Vương Thượng, mà lại gần với Thăng Long của Cô Hai đang làm nguyên phi nơi ấy hơn, và cô cũng từng ở trong nhà Tô Trung Từ trước kia. Chuyện Phạm Du thông dâm với Thiên Cực đã xảy ra khoảng thời gian Cô Hai lấy Vương tử Sảm (tháng 7âl. 1209), và điều này là đáng chú ý: Phạm Du bận bịu với Thiên Cực, lỡ hẹn quân tình, bơ vơ bỏ thuyền lên bộ liền bị hai tướng bắt đưa cho Vương tử Sảm giết đi. Không phải ngẫu nhiên mà kẻ ngoại tình bị bắt lại được dẫn giải về cho ông chồng bị mọc sừng. Lê Tắc (An Nam chí lược, Huế 1961, 222) cho biết trước "hồi gần đây", lúc chưa có chuyện chuộc tiền thế mạng thì người chồng được tự chuyên giết chết gian phu. Tên Vương Thượng cũng có thể hiểu theo nghĩa khác. Đó là chữ theo lối ngày nay, viết thường, chỉ sự tôn xưng : "Vương thượng" chỉ Vương tử Sảm, lúc bấy giờ đã được họ Trần bỏ Vương tử Thầm, tôn là Thắng Vương. Sự nối kết "Vương thượng" với Quan nội hầu Vương Thượng ở Lạng Châu là lầm lạc của sử gia, hay của người sau chép lại sách. Như thế ta gần như đã nối kết được Công chúa Thiên Cực và Cô Hai họ Trần trong thời chưa vinh hiển, còn đầy quá khứ buông lung, phóng túng như những người con gái, con trai khác của thời đại.
     
    Đã nói, ĐVSL không chừa những chi tiết sỗ sàng, thường tục như chuyện Nguyễn Tự (1212) , một tướng ngang ngửa tung hoành thời đại, đánh trận bị trúng tên, về nghỉ, hơn 10 ngày "vì lầm lỡ ăn nằm với đàn bà nên khí độc phát lên mà chết"! Ông cậu Tô Trung Từ không chừa cả cô cháu nên ban đêm lẻn vào nhà, bị giết rồi cũng được cháu Trần Tự Khánh chôn cất tử tế. Cô Hai họ Trần "có nhan sắc" (sử quan nhắc lại nhận định của Vương tử Sảm), lấy chồng tuy thuộc dòng hoàng phái, có cơ nối ngôi Trời, nhưng lúc bấy giờ chỉ là người long đong, nên cô không quên nhìn sang kẻ khác. Đoạn văn của ĐVSL kể lại không thô tục nhưng đầy hấp dẫn, mở rộng lối cho dòng tưởng tượng: "Nhà vua (Cao Tông) sai Phạm Du đến lộ Hồng để huấn luyện quân sĩ sắp đánh người ở Thuận Lưu. Biết đã đến lúc dân Hồng đi đón mà Phạm Du còn cùng với Công chúa Thiên Cực tư thông, không ngờ qua khỏi giờ phút ấy thì đã sai hẹn với người Hồng rồi. Phạm Du bèn lên thuyền theo đường sông mà đi đến bến Cổ Châu mới dừng lại, rồi theo đường bộ đến xã A Cảo thuộc vùng Ma Lãng thì bị người ở Bắc Giang là Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải bắt đưa cho Vương tử Sảm giết đi." Một chuyến phiêu lưu tình ái đầy hấp dẫn mà thiếu người khai thác thành trường thiên tiểu thuyết hoặc phim ảnh bây giờ!
     
    Khúc dạo đầu của Cô Hai họ Trần khiến ta không lấy làm lạ với sinh hoạt tính dục của người họ Trần về sau. An Sinh Vương Trần Liễu nhân nước lụt chèo thuyền vào cung họ Lí hiếp dâm cung phi tiền triều (1238), tuy vẫn bị phạt cho phải phép nhưng cung Lệ Thiên ấy lại được đổi tên là Thưởng Xuân, tỏ rõ một ám ảnh thích thú của toàn dòng họ mới vừa sang cả, được dịp thành hình. Đã nói chuyện Trần Quốc Tuấn. Đã nói chuyện Thái tử Trần Hoảng (Thánh Tông). Hãy kể thêm chuyện Trần Khánh Dư và Công chúa Thiên Thuỵ, vợ Hưng Vũ Vương Trần (Quốc?) Nghiện. Nhân Tông tuy trị tội sai đánh chết nhưng dặn không để cho chết, và "gian phu" tiếp tục làm tướng, ngang tàng. Chuyện buông lung của nhà họ Trần không đủ giấy để kể hết. Đến như anh họ Đỗ (Khắc Chung) được mon men làm họ Trần mà cũng "kết" với gái họ Trần, vợ vua Chàm, tuy có bị dân chính thống chửi mắng phải tránh né, nhưng rốt cục chỉ khi chết đi mới bị trả thù trên cái xác!
     
    Điều đáng chú ý là sự chủ động của những người con gái họ Trần trên việc tìm người phối hợp giữa sự o ép của tình thế. Cái ego đàn ông của họ Trần không phải không mạnh. Trần Duệ Tông đánh Chiêm, tự thân xông tới, bị đại tướng can ngăn, liền chê: "Ngươi thật là đàn bà" rồi sai lấy áo đàn bà mặc cho! Nhưng bà Thiên Cực một thời tung hoành trên tình trường, đã chuyển sức xung động của mình vào việc quân cơ. "Khi... kinh thành thất thủ, Linh Từ ở Hoàng Giang, giữ gìn hoàng thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi giặc cướp, lại khám xét thuyền các nhà chứa giấu quân khí đều đưa dùng vào việc quân." (Ngô Sĩ Liên). Đến cuối đời, vai trò đàn ông hết nổi bật, còn thêm tàn tạ nữa, thì hành tung của các bà lại hiển hiện rõ rệt như vào thời dòng họ còn là dân dã. Hoàng hậu của Phế Đế (+1388), năm 1393 đi chơi hồ Tây với Trần Nguyên Uyên (+1395), bị Nghệ Tông đem gả cho em Uyên là Trần Nguyên Hãng (+1399) để làm nhục, rốt lại trong biến loạn Minh (1406) thấy cùng với Trần Nguyên Chỉ chạy ra Đồ Sơn. Ông Tư đồ Trần Nguyên Đán thấy thế nước nghiêng ngửa, hạ giá kết thân với họ Hồ nổi lên cũng khiến cho cô Thái bắt chước cha, có thai với anh đồ dạy học sợ tội bỏ trốn, không biết có phải từ đó đã sinh ra đại công thần Nguyễn Trãi sau này của triều Lê hay không.
     
    Nhưng nổi bật nhất là Công chúa Thiên Ninh (tên Bạch Tha, Ngọc Tha), con Minh Tông (+1357), lấy chồng năm 1342, trong biến loạn 1370 thấy có hai con đủ lớn để âm mưu giết Dương Nhật Lễ, không thành. Con chết, mẹ chết, Thiên Ninh đóng vai trò tích cực trong việc lật đổ Dương Nhật Lễ, xúi ông anh Trần Phủ lừng khừng, nhút nhát: "Anh phải đi đi (tránh nạn)! Em sẽ đem bọn gia nô dẹp nó cho!" Với công phục nghiệp cho họ Trần, bà được đổi tên là Quốc Hinh / Hương-thơm-của-nước, với tước phong Lạng Quốc Thái trưởng công chúa. Tuy nhiên lại cũng giống bà tổ Thiên Cực, bà không thấy thắc mắc về khía cạnh sinh hoạt tính dục của mình. Có cậu em Hoàng đế, vì danh y Trâu Canh cứu khỏi chết đuối lúc 3 tuổi, "châm" chữa sao đó mà bị liệt dương, Thiên Ninh liền chịu lấy thân mình chữa bệnh. Chuyện kể là năm 1351, lúc cậu vua 15 tuổi đã lấy vợ từ hai năm trước, còn bà chị thì đã được gả chồng chín năm trước đó nữa. Sử quan cẩn thận ghi lại bài thuốc, chắc là để dành cho người sau, vì thấy rằng "quả nhiên công hiệu": "Giết đứa bé con trai, lấy mật hoà với dương khởi thạch (?) mà uống rồi thông dâm với chị hay em ruột của mình thì sẽ hiệu nghiệm". Không biết các ông vua sau có dùng hay không nhưng công lao Trâu Canh đã khiến ông khỏi chết khi mắc tội thông dâm với cung nữ, còn được mời chữa bệnh khi Minh Tông hấp hối 1357. Hẳn Trâu Canh không phải chỉ chữa bệnh bằng bài thuốc mà còn bằng ngôn từ dẫn dụ, động tác làm gương vì sử ghi rằng ông ta "ra vào cung cấm hay dùng những câu kì lạ, những kế quỷ quyệt để huyễn hoặc Dụ Hoàng". Sử quan nhà Lê còn thấy con cháu Trâu Canh nối nghiệp nhà trong đời mình, trong lúc dân gian ngày nay thì thích thú riêng với bài thuốc của Trâu Canh mà chắc là không thể thực hiện được, nên chuyển qua chuyện truyền kì về anh nông dân ngờ nghệch tìm được loại dây thảo ở bờ mương, vạt suối nào đó, quàng vào thì cường dương còn tháo ra thì hết hiệu nghiệm!
     
    Cao độ sinh hoạt tính dục buông thả của nhà họ Trần tập trung vào chuyện Trần Dụ Tông, nên không lấy làm lạ là đã nảy sinh truyện Hà Ô Lôi của Lĩnh Nam chích quái, ghi lại dưới đời ông vua này, còn có cả thời điểm rành rẽ "Thiệu Phong thứ sáu" (1346).
     
    Truyện nói về một chàng trai sinh từ sự phối hợp giữa người trần và một vị thần, một chuyện thần lén lút cướp vợ viên quan đi sứ vắng nhà, sinh ra một cậu bé đen xấu nhưng nhờ Lã Động Tân làm phép nên có được giọng hát mê mệt lòng người. Dụ Tông mê Quận chúa A Kim mà không được thoả mãn mới bảo Ô Lôi đi dụ để bêu xấu, và Ô Lôi thành công. Các nhân vật, trừ Dụ Tông, đều có dáng lịch sử nhưng không rõ ràng. Đặng Sĩ Dinh, viên quan đi sứ có vợ bị thần hiếp, người làng Ma La, gộp lại giống như tên của ông thám hoa Đặng Ma La đỗ vào đời Thái Tông (1241). Huy Từ Hoàng hậu giống như được nhớ từ tên hiệu một bà phi của Anh Tông: Huy Tư. Và Minh Uy Vương, người giết Ô Lôi, như là đảo ngược của con Lí Thái Tông: Uy Minh Vương Lí Hoảng mà vai trò trấn nhậm Nghệ An hướng về nam khiến ông còn được thờ xa hơn, ví dụ như ở Bình Định. A Kim chỉ là tên tượng trưng của dòng cành vàng lá ngọc, cũng như Ô Lôi là trỏ hình dạng đen đúa của nhân vật chính.
     
    Tuy nhiên nếu loại bỏ những thêm thắt, ta thấy truyện có một cốt lõi thật, đáng lưu ý, nhất là với tình hình khả năng nho sĩ đương thời, rõ ràng họ chưa đủ sức viết được một "tiểu thuyết" của sáng tạo mà chỉ là tô vẽ từ "những chuyện góp nhặt... lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn" theo con đường chắc là thành công hơn Hồ Tông Thốc chỉ vì gần với nguồn thông tin hơn mà thôi. Dụ Tông mê người tôn thất là chuyện-thường của họ Trần. Dịch giả Lê Hữu Mục đã dựa vào thời gian xảy ra truyện tích, và lầm lạc với đời sống của anh Dụ Tông, Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục, lấy người con hát sinh ra Dương Nhật Lễ sau được nối ngôi, mà đoán định niên đại ra đời của Lĩnh Nam chích quái (Sài Gòn, Khai trí xb. 1961, tr. 15.) Ông cho đó là chuyện của Dụ Tông chứ không phải của người anh nên xếp đặt sự thật sít sao từ chuyện đời thường qua sách vở để tìm ra luận chứng cho mình. Về phần chúng ta chẳng tìm cách kết tội người xưa, nhưng sự kiện Nguyên Dục cướp vợ từ tay người chồng họ Dương cũng được Lê Tắc nói về một ông vua khác cướp vợ hứa hôn của người (tương đối thất bại). Tên vua không được nói rõ, tên ngưới phụ nữ chỉ nhớ được từ quê quán (Vạn Xuân phi), nhưng Lê Tắc hàng Nguyên từ 1285 thì hẳn là chuyện đã xảy trước đời Trần Dụ Tông gần một thế kỉ (An Nam chí lược, tr. 238). Nhưng ở truyện Hà Ô Lôi, ta lại thấy nhiều tình tiết, tâm cảm thời đại hơn các dòng sử khô khan, đồng thời truyện cũng hé mở cho những suy đoán bất ngờ hơn.
     
    Trước hết là ở hình dạng nhân vật, được tả là "da thịt đen như mực", đen "nhưng da láng như mỡ", được cả tiên Đồng Tân khen "đẹp lắm" trước khi tiếp sức thêm giọng hát tuyệt vời ngoài tính chất thông minh mẫn tiệp khác. "Đen" ở đây rõ ràng là da đen theo giống chứ không phải vì giang nắng! Đời Trần đã có rất nhiều giao tiếp với hải đảo dân có màu da sậm hơn người Việt, vậy thì việc có một người con lai như thế không phải là điều lạ. Thời Lê Trung hưng có người lấy lái buôn ngoại quốc sinh con đen mà chắc vì sĩ diện con Rồng cháu Tiên người ta đã cho bà ta mãi đến sau hai năm xa chồng mới sinh con! Ô Lôi lúc lớn lên được vào hầu trong cung Dụ Tông. Phía trời Tây, triều đình người Ả Rập đã có rất nhiều nô lệ da đen "làm loạn" ở hậu cung như còn truyền lại trong Ngàn lẻ một đêm, huyền thoại về khả năng tình dục của người da đen có ở khắp nơi, cho nên cung đình họ Trần thêm một Ô Lôi cũng không là mới. Vậy phải chú ý đến sự "sủng ái" của vua đối với "tân khách" Ô Lôi. "Vua thường bảo ở triều rằng nếu ai có thấy Ô Lôi gian phạm con gái nhà ai, bắt nó đến đây thì vua thưởng tiền một ngàn quan, nếu giết nó thì phải bồi thường một vạn quan. Đi chơi đâu vua cũng thường cho nó đi theo." Tuy sử quan khen bài thuốc của Trâu Canh, nhưng chắc là không "công hiệu" lắm vì rốt cục Dụ Tông không có con, lúc chết đi phải để Dương Nhật Lễ lên thay. Vậy thì Ô Lôi trong triều, với những điều ghi lại "nhẹ nhàng" kia, chứng tỏ là một "boy friend" của Dụ Tông, điều đã thấy rất nhiều ở thời Cổ Hi Lạp, cũng như trong chữ Hán "đoạn tụ" (cắt ống tay áo), từ tích Hán Ai Đế (6-1 tCn.) phải cắt ống tay áo của mình mới trỗi dậy được mà không làm kinh động người yêu-trai (Đổng Hiền) đang ngủ mê mệt nằm đè lên (Hán thư, Đổng Hiền truyện). Nhu cầu sex ở người bị liệt dương cũng thấy ở Đàng Trong, thời chúa cuối đời Nguyễn. Lê Quý Đôn ghi lại (Phủ biên tạp lục, bản dịch Hà Nội 1964, tr. 65): "(Nguyễn Phúc Thuần) tuổi trẻ thích chơi bời múa hát, có bệnh không gần đàn bà được, sai người con hát yêu dâm loạn với cung nữ để làm vui". Ngờ rằng sự rối loạn dục tính của Phúc Thuần đã có mầm mống từ cha của ông: Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã cho gọi con trai là con gái, con gái là con trai, nhưng dấu hiệu phía nữ không thấy, chỉ rõ rệt là phía nam như, cũng Lê Quý Đôn cho biết Nguyễn Phúc Hiệu (con trai trưởng) được gọi là Đức mụ, còn Phúc Dương (cháu) được gọi là Chị Dương. Phúc Khoát có 15 con trai, không kể con gái, như vậy không thể là "bất lực", nhưng sự việc đổi-giống như thế tỏ ra ông có khuynh hướng đồng tính trong người. "Người con hát yêu" của Phúc Thuần, ở trường hợp Trần Dụ Tông là Hà Ô Lôi. Ô Lôi không phải chỉ là trường hợp đồng tính mà là lưỡng tính.
     
    Có lẽ hiếm có trường hợp văn chương sex trong sách xưa như ở đây. "Giọng phúng vịnh (của Ô Lôi) như đùa gió cợt trăng, như mây bay nước chảy làm cho ai cũng thích nghe, đến đàn bà con gái càng thích nghe hơn." Quận chúa A Kim "nghe tiếng hát Ô Lôi... véo von như tiết điệu Quân thiên... ý tứ thê lương" liền cho vào chầu hầu. "Thanh âm thấu cả trong ngoài, Quận chúa vì thế cảm động mới thành bệnh uất kết, dần dà đến ba bốn tháng bệnh càng nặng thêm... Một hôm Ô Lôi đêm vào hầu bệnh... Quận chúa không ngăn được tình dục mới bảo Ô Lôi rằng: 'Từ ngày mày vào đây, vì giọng hát của mày mà ta thành bệnh'. Rồi cùng Ô Lôi giao thông, bệnh dần dần bớt."
     
    Họ Trần chấm dứt vai trò lịch sử của mình, với cái đuôi ngắn ngủi của họ Hồ cũng là đóng kết luôn cả một giai đoạn sử nước Việt từ thời độc lập. Một giai đoạn mới sẽ bắt đầu với sự khích động của một thời thuộc trị nữa.
     
    Khi Thánh giáo lên ngôi.
     
    Tạ Chí Đại Trường
     
    Kỳ sau: Giống giữa trên triều đình
     
    http://www.nhanvan.com/magazines/vanhoc/192/tachidaitruong_sexvatrieudai.htm
    #2
      HongYen 01.01.2007 00:03:24 (permalink)
      sử việt đọc một quyển (III)
      sex và triều đại
      tạ chí đại trường
       
       
      GIỐNG GIỮA: TÔI ĐÒI và QUYỀN LỰC
       
      Hoạn quan là chỉ một tầng lớp quan chức tôi đòi nằm trong cung đình Trung Quốc và các nước chung ảnh hưởng: Việt Nam, Triều Tiên. "Hoạn" có nghĩa là thiến. Thiến là một hình phạt, trước khi có tình trạng vật bị thiến được đem ra sử dụng. Điều này có vẻ như chứng minh tính chất ưu thế đàn ông trong mọi tổ chức xã hội loài người. Người có quyền lực thiến kẻ thất thế hơn để bảo vệ giống cái của mình, để trừng phạt kẻ kia sử dụng cái quyền của giống đực mà mình được hưởng.
       
      Hình luật của xứ Assyrie (1450-1250 tCn., khoảng vùng Irak ngày nay) cho phép người chồng bắt gặp vợ ngoại tình thì có quyền hoặc giết cả hai hoặc cắt mũi vợ và thiến tình địch. Trung Quốc có luật thiến kẻ phạm tội hình sự, gọi là "cung hình". Quan chức bị thiến nổi danh là tác giả Sử kí, Tư Mã Thiên (145- khoảng 90 tCn.) bị đưa vào "tàm thất" vì tội bênh Lí Lăng hàng Hung Nô. Hình luật của người Do Thái có cách dùng đá đập nát hoặc cắt bỏ bộ phận sinh dục. Ảnh hưởng truyền đến Kinh Thánh, cho rằng những người ấy "không xứng đáng đứng vào hàng ngũ dân Chúa" (Deuteronomy). Có lẽ một phần vì vậy mà giáo hội Thiên Chúa thường không dùng người thiến (trừ trong một dàn đồng ca bị Giáo hoàng Leo XIII bãi bỏ năm 1878). (Reay Tannahill, tr.146-254). Tuy nhiên các quan quyền, vua chúa lại thấy người nam mất khả năng sinh dục là phương tiện hiệu quả để giữ gìn gia đình mình, cần thiết đến nỗi khi không được cung cấp đủ nhu cầu thì bắt dân thuộc quốc, dân bại trận kiếm người điền thế như Darius đối với dân Assyrie, nhà Minh đối với Trần, Hồ (1395, 1407).
       
      ...Thị ngóng, thị trông, thị không cái ấy
       
      Tổ chức vốn phát xuất từ Trung Quốc nên ngoài chữ hoạn quan, thái giám, trong sử sách ta còn gặp các tên nội quan chỉ chức trách chung bên trong cung đình: người áo xanh/thanh sam chỉ quy chế y phục, trung quan, trung quyên để chỉ tình trạng lơ lửng của cái giống, cũng ẻo lả mà không phải là thuyền quyên, đàn bà con gái thực sự. Chức phận tôi đòi hầu hạ khiến người ta mượn tính cách đồng âm của chữ để diễn ra cả một vế câu đối trong đó chỉ được tính cách đích thực của loại người mất khả năng làm loạn cung đình về phương diện sinh lí để vua an tâm cai trị thần dân: thị không cái-ấy. Trong thực tế thì hoạn quan không phải chỉ là người bị thiến mà đúng còn là kẻ bẩm sinh thiếu phương tiện sinh dục, những kẻ được gọi là có "ẩn cung" như trường hợp Lê Văn Duyệt. (Có thể Tống Phúc Đạm cũng vậy nếu ta bám vào chữ của sử quan được dùng là "tật ngầm" chứ không phải là "bệnh" - nhưng ông này không phải kẻ hầu trong cung cấm). Và như sẽ thấy, có dấu hiệu những người được gọi là "thái giám" đầu Lê không hẳn là "hoạn" quan.
       
      Nhưng thông thường, hoạn quan là kẻ bị hay được thiến để vào hầu hạ trong cung cấm. Cửa cung là "cửa vàng" do hoạn quan trông coi nên chức danh này có tên là Hoàng môn lệnh. Hầu hạ cung đình dẫn đến những đặc ân cho bản thân và cả gia đình. Cho nên ngay từ đời Lí đã có chiếu cấm tự hoạn (1162). Cổ Hi Lạp, ở đảo Chios đã có chuyên viên thiến người rồi đem bán cho nhà quyền quý. Cung cấm vua chúa Hồi Giáo có hàng bảy tám trăm nô lệ da đen bị hoạn, hầu hạ các bà. Hoạn quan nổi danh nhất trong lịch sử Việt là Lí Thường Kiệt, "khi còn ít tuổi vì vẻ mặt tươi đẹp được sung làm Hoàng môn chi hậu." Sử quan chép chuyện năm 1105, khi Lí Thường Kiệt chết, mà né tránh chỉ để ý nghĩa bị thiến trong chức tước nêu ra trong lúc Phan Huy Chú về sau dùng chữ "tự thiến" trong đó không phải không ngầm có ý nghĩa hạ thấp tư cách của ông (Lịch triều hiến chương loại chí - Nhân vật chí, H. 1992, tr. 308.)
       
      Ý nghĩa cao quý của việc hầu hạ Con Trời nằm trong tên quyển sách được ông Kim Dung kiếm hiệp hoá mà lớp người ở Miền Nam những năm 60 của thế kỉ vừa qua ai cũng nghe tên, có điều không biết đó là sách chỉ phương cách thiến an toàn: Quỳ hoa bảo điển. Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần, Tả Lãnh Thiền, Dương Giáo chủ... ai cũng phải qua cái cầu "giơ dao chém phăng một cái" mới có thể bắt đầu tập luyện võ nghệ tuyệt luân, và chắc chắn sẽ trở thành võ lâm minh chủ. Chỉ có điều bất tiện là các bậc anh hùng cái thế này sau đó râu rụng sạch, tiếng nói eo éo, chạy xa vợ, hay như Dương Giáo chủ võ nghệ cao cường hơn thì ru rú trong phòng kín đan thêu, mê trai. Quỳ hoa bảo điển là "sách báu khuôn thước của hoa quỳ". Vua là mặt trời để hoa quỳ xoay quanh theo, mang tên khác: hướng dương. Lòng quỳ một dạ hướng hương. Ý nghĩa của hoạn quan cũng tương tự. Một linh mục qua Trung Quốc, viết về các mặt sinh hoạt không thường được nói ra, trong đó có cả chuyện về Cái bang gần gần như thứ ông Kim Dung làm mê thanh niên Việt. Tên sách âm theo lối latinh nhưng dễ nhận ra, và tấm hình kèm theo cho thấy "chuyên gia" mà R. Tannahill biết người La Mã gọi là "barbers", đã làm thật gọn ("shave") (LM. ?, ?, Bibliothèque Payot, 1949, 1950?).
       
      Ở vùng quê miền nam Trung trước 1945 vẫn thường có những người đàn ông làm nghề đi dạo thiến gà trống, chó, heo. Tiếng rao "thiến heo, thiến... đây" có khi kèm theo tiếng ống tiêu thổi đã làm cho chó chạy theo sủa vang cả xóm làng, và sản sinh ra câu mắng: "Mặt như thằng thiến...!" Họ dùng lọ nghẹ, nghệ và muối bôi lên vết mổ để cầm máu, và xong! Đôi khi vừa mới luồn tay dưới bụng, gà kêu "ót" một tiếng, lăn quay ra. Cũng có lúc vài ngày sau con heo mới chết. Không hề gì, rủi ro của khoa giải phẫu lúc nào cũng có. Thợ thiến-người hẳn có chuyên môn cao cấp hơn, tuy ta không nghe nói đến. Người La Mã còn để lại cho đời một loại dụng cụ thiến hoàn hảo, dọn sạch cả hai phần. Người bị thiến nằm nghỉ nơi được sưởi ấm, không có gió máy, vì thế ta mới thấy Tư Mã Thiên thọ phạt mà được gọi là gởi vào "tàm thất" (nhà nuôi tằm). Trần Nhân Tông đi dạo, thấy người trong mộng, bảo hoạn để vào hầu, đặt tên là Phạm Ứng Mộng (1254). (Hành trạng người này được chép sai có vẻ giống như của Mạc Hiển Tích đời Lí, vì thấy ông ta còn sống đến hơn một trăm năm sau, cuối đời Minh Tông, đòi chết thế thân cho vua, 1357). Sử ghi rằng tiền cho để thiến lên đến 400 quan. Đó là một số tiền khá lớn, vì Lê Tắc cho biết (An Nam chí lược, tr. 222), chắc là cùng thời với ông ("đời gần đây", Tắc hàng Nguyên năm 1285), gian phu bị bắt gặp muốn khỏi bị giết phải nạp 300 quan chuộc mạng. So sánh ra thì thấy việc thiến có vẻ không bảo đảm thành công cho lắm!
       
      Vì là tập tục truyền từ Trung Quốc nên chắc hoạn quan Việt cũng đối xử tương tự với "bảo vật" họ phải chia lìa. Một thuyết cho rằng tu sĩ thờ Nữ thần phồn thực Sybèle ở La Mã, sau khi tự thiến liền cầm bảo vật chạy tung ngoài đường cho đến khi mệt đuối mới ném qua cửa sổ một ngôi nhà gần đấy. Nhưng thông thường hơn, là họ kiếm một chỗ chôn theo nghi lễ. Người Trung Hoa lại giữ gìn thật kĩ trong một hộp kín, để trên kệ, chờ ngày chết chôn theo cho thân xác tròn vẹn. Mãi đến cuối thế kỉ XIX, hoạn quan còn phải đem trình diện cho Trưởng thái giám làm bằng cớ trong những dịp thăng thưởng.
       
      Thị là hầu... thị mang cái ấy
       
      Thông thường, khi nói đến người hầu hạ trong cung là người ta nghĩ ngay đến người bị thiến. Sai lầm từ bên ngoài dân chúng vốn cũng là do sử quan mà ra. Phê bình chuyện Giản Định Đế nghe lời "nội nhân" giết công thần (1409), Ngô Sĩ Liên nói rõ đó là "hoạn quan". Chữ "nội thị" cũng mang lại cùng một lầm lạc. Từ hải không cho thấy có chữ "thị" nào nghĩa là hoạn quan cả. "Người trong nhà", "người hầu cận" đều được sử gia cho hiểu là "người bị thiến" trong lúc thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Sứ giả Tống Cảo thấy Lê Hoàn đánh đòn người hầu, đuổi ra, cho phục chức, những người này không phải lúc nào cũng bị thiến. Tước Hoành Phúc Hầu của Đỗ Thích đời Đinh chỉ có nghĩa là "quan nô bộc". Cho nên, lại cũng như chuyện "cắn cu", chỉ có sử quan trước Ngô Sĩ Liên mới "thực thà" hơn để chỉ rõ như thế nào là hoạn quan:
       
      "Mùa đông (năm 1184), sách Tư Nông, sách Trịnh, sách Ô Mễ làm phản, vua sai quan Thái phó là Vương Nhân Tử đánh dẹp. Vương Nhân Tử sai người trong châu là Phạm Phẩm đóng giữ nơi ải Ông Trọng, Trương Nhạn và Phạm Đỗ đóng giữ làng (sách?) Bái, Đoàn Tùng đóng giữ Khả Lão. Rồi Vương Nhân Tử đánh thẳng vào hai sách Đăng Bái và Vạn Mễ mà san bằng đi. Lúc tiến quân đến trại La Ao thì bị rợ Lão đánh lén, quan quân thua to. Vương Nhân Tử chạy về núi An Cối thì bị công hãm chỗ bùn lầy và bị giống rợ Lão đâm chết. Bọn Sơn Lão nói với nhau rằng: ?Ngày nay có một người đàn bà bị ta đâm chết? rốt cuộc mới biết đó là Vương Nhân Tử. Tìm riêng trong khoảng đầm lạch ở trên núi thì được cái thây ấy. Vương Nhân Tử là hoạn quan nên giống người đàn bà." (Đại Việt sử lược, tr. 222).
       
      Từ "thái giám" cũng gây nên lầm lẫn như vậy. Tên thần Bạch Mã Thái Giám là từ cách hiểu thông thường đó khi dân chúng Việt gán cho một hình tượng con ngựa Balaha. Nhưng thật là sai lầm khi nhìn vào một số quan chức đời Lê trong chiến tranh chống Minh, lan qua buổi đầu xây dựng triều đại. Các "thái giám" Lê Khả, Lê Khuyển, Lê Chửng, Lê Nguyễn được nhắc trong các năm 1426, 1427, 1428. Sau chiến tranh, các công thần được ban quốc tính để họ Lê có vây cánh đông giữa Thăng Long của họ Trần. Đến khi chỗ đứng chân đã vững, Lê trả lại họ cũ cho con cháu các công thần, nhờ đó ta thấy được họ gốc của vài người. Khả họ Trịnh, sau này có tên trong những người tôn Bang Cơ (Nhân Tông) lên ngôi, đánh Chiêm (1446), cuối cùng bị giết (1451), hành trạng như những người khác trong sự tranh chấp của các nhóm thân tộc giúp Lê Lợi. Lê Khuyển có lẽ là Thái giám Đỗ Khuyển, người được lệnh soát nhà Lê Ngân năm 1537. Vẫn biết rằng thái giám / hoạn quan cầm quân được (chính vì là hoạn quan thân tín mới cầm quân như Lí Thường Kiệt, Vương Nhân Tử nói trên) nhưng xét các chức phong cho những "thái giám" của Lê thì không có ý nghĩa gì về nhiệm vụ của hoạn quan cả. Năm 1434, Lê Khuyển làm Nhập nội Thái uý, vẫn kiêm Hải Tây đạo chư vệ quân sự Thái giám. Năm 1439, Trịnh Khả có chức rất lớn: Hành quân tổng quản coi các việc quân của Xa kị vệ, quản lĩnh (kiêm) Thiết đột hậu dực thánh quân, thái giám ngự tiền lục quân, coi các đội Ngự tiền võ sĩ, Ngự tiền trung quân! Rõ ràng ở đây "giám" chỉ có nghĩa là trông coi, kiểm tra xem xét. Vấn đề khiến ta phải xét đến gốc của chức tước và thực tế của gia đình họ Lê tù trưởng, cả hai liên hệ trong một tình trạng tiếp nhận văn hoá ở Đại Việt.
       
      Khởi đầu, chức Thái giám không phải xuất phát từ các triều đại Hán Trung Quốc mà của một triều ngoại tộc chịu ảnh hưởng Hán: Liêu là nước đầu tiên đặt hai chức Thái giám và Thiếu giám. Bắt chước theo cũng là một nước ngoại tộc, đã vào cai trị hẳn Trung nguyên: Nguyên. Triều Minh của dân Hán có chức Chưởng ấn Thái giám của Nội quan, lại là một triều mà nội quan có quyền thế lấn lướt từ trong ra ngoài, cho nên thái giám trở thành đồng nghĩa với nội quan / hoạn quan. Xét các nhân vật "thái giám" của Lê nói trên, ta thấy họ thuộc thành phần gốc gác là những đầy tớ của Lê Lợi vốn nhan nhản trong triều. Trịnh Khả và Lê Khuyển được xếp vào bậc công thần hạng 5, trong đó cùng hạng là Nguyễn Xí, người trông coi đàn chó săn của Lê Lợi. Chức tước của Lê Ê (công thần hạng 1) sau khi thành công (1434) cũng còn chứng tỏ tính cách đầy tớ như thế: Điện tiền đô kiểm điểm, đồng Thái giám nội giám, nội ngoại chư dịch. Đại đô đốc Lê/ Đỗ Khuyển làm việc lục soát nhà Lê Ngân như đã nói, bị đời tiếp theo chê: "như chó khôn giữ mệnh". Cũng Trung hưng kí của Thánh Tông chê Lê Ê "không biết một chữ!" Làm ông tù trưởng thì đầy tớ không cần phải thiến nên những "thái giám" nói trên không phải là hoạn quan. Có thể nghĩ rằng tuy đời Minh, ngang với Lê, đã thông dụng từ thái giám có nghĩa là hoạn quan, nhưng để tổ chức triều đại giúp họ Lê phụ đạo vừa xuống đồng, các nho sĩ Trần Hồ vốn học sách xưa, chưa up to date, nên vẫn dùng tên quan chức cũ. Điều này cũng là hợp với thực trạng của ông chủ Lê mới mà không làm ngượng các người đương chức. Tất nhiên là với sự phát triển triều đại sẽ có những hoạn quan thực thụ, tuy ta không thể nào biết rõ trong số nội quan của Lê ai là người đáng được "chính danh".
       
      Nội quan thực thụ cũng không phải toàn là người bị/được thiến. Có những người nhờ có sự bất toàn của cơ quan sinh dục mà được tuyển vào cung. Tả quân Lê Văn Duyệt là một. Chúng tôi không rõ bản chữ Hán là gì mà người dịch Đại Nam liệt truyện (Q. 22) cho biết ông "sinh ra không dái", còn lời loan truyền trong dân chúng thì phân biệt rõ hai phần của cơ quan sinh dục, nên cho rằng ông chỉ thiếu phần chính, bị thu nhỏ, theo lối nói kín đáo là có "ẩn cung". Chứng nhân ngoại quốc đương thời John Crawford (1822) đã nghe được "tiếng nói hơi nhỏ và dịu như một phụ nữ", và chúng ta thì nhìn bức tranh ở Lăng Ông Gia Định cũng thấy nước da mai mái mà đoán hùa theo điều đã hiểu. Vì là người của thời đại gần, nên ta nghĩ tiếng đồn ông có bộ phận sinh dục nhỏ là điều xác thật.
       
      Vua chúa dùng người có khuyết tật vào cung khỏi cần phải thiến thì cũng tiện, nhưng khi có kẻ moi móc ra thì lại giật mình. Triều Càn Long (1736-1796), Tể tướng xung đột với hoạn quan, liền tâu với Hoàng đế: "Các hoạn quan tuy bị cắt nhưng lâu ngày có thể mọc ra lại. Thần nghe chuyện đó từng xảy ra trong triều Minh, và đã phát sinh những chuyện xấu xa trong cung cấm, nên để đề phòng tái phát, xin đem các hoạn quan ra kiểm tra để cắt lại." Hoàng đế tuy thường nghe lời cận thần hơn quan triều nhưng trong trường hợp này thì phải chọn lựa "entre le meilleur et le pire", giữa đầy tớ và "vợ", nên cho lệnh thi hành ngay. Kết quả ông tể tướng tha hồ "cắt" và có hoạn quan đã chết vì vụ kiểm tra này. R. Tannahill, dẫn theo người khác, kể như trên và ngờ rằng không có chuyện "mọc lại" mà chỉ có chuyện về những mảnh đầu thừa đuôi thẹo của các thợ hoạn chủ tâm làm lấy năng suất, không kĩ nên còn sót mà thôi. Nhưng chúng tôi nhớ đã đọc trong một quyển Truyện Tàu mỏng thì đó là chuyện cắt các ông có ẩn cung được chọn vào hầu từ lúc nhỏ, nghĩa là chuyện mọc lại (lớn theo tuổi) là điều tự nhiên, và trong truyện có chi tiết đè ông trưởng Thái giám ra, cắt bằng dao tre!
       
      Theo quan niệm truyền dòng, hoạn quan phải có con để nối dõi tổ tông, thờ cúng mình sau khi chết đi. Thế là họ phải nuôi con nuôi, hoặc từ người xa lạ được chọn lựa, hoặc ngay ở bà con thân thuộc. Hoạn quan Phạm Bỉnh Di bị Lí Cao Tông giết (1209) cùng lúc với con là Phạm Phụ. Hoàng Ngũ Phúc (1713-1776) của Trịnh Sâm có con là Hoàng Ngọc Bảo. Lê Văn Duyệt lấy cháu gọi bằng bác làm con thừa tự, nuôi Lê Văn Khôi (Bế Văn Khôi, Nguyễn Hựu Khôi) gốc là người Nùng của tù binh từ miền Bắc. Vinh hiển của hai lớp người đó nối nhau cũng có mà khổ nhục cũng không chừa khi phải thất thế.
       
      Quyền lực đầy tớ
       
      Hoạn quan trước tiên là để phục vụ trong cung cấm, trong gia đình nhà vua. Chính vì vai trò đó mà họ bị khinh miệt nhưng cũng chính nhờ đó mà họ có quyền uy.
       
      Với một tổ chức quyền bính còn nhỏ thì người chủ tể phải tin ở kẻ thân thuộc trước hết, trong đó có tay chân trong nhà. Ông họ gì tên Tuấn kia nếu không chịu hoạn thì không thể nêu danh trong sử sách với tên Lí Thường Kiệt được. Trần Thái Tông muốn trao chức Hành khiển (điều hành việc nước, có lúc, có người như Tể tướng) cho Phạm Ứng Mộng nhưng bảo phải thiến, vì triều mới còn vướng tục lệ cũ của Lí, buộc người được trao quyền phải là hoạn quan. Cho nên, khi tổ chức chính quyền phức tạp hơn, cần có nho sĩ vào làm việc trong các sảnh, hình, viện của chính phủ vào tháng 4âl. 1267, sử quan Toàn thư coi việc bổ nhiệm lấn át vào địa hạt của hoạn quan như thế là một thay đổi trọng đại. Nhưng ngay cả khi cần phải có một tổ chức ngoại quan để toả rộng quyền hành trong phạm vi cả lãnh thổ thì hoạn quan là người gần gũi vua, trung tâm quyền bính, vẫn giữ vị thế đáng kể, có khi khuynh đảo cả triều đình.
       
      Tất nhiên vị trí gần vua là lợi thế nhưng tính cách riêng của hoạn quan, nằm trong sự bất toàn của cơ thể - và ảnh hưởng nảy ra từ sự bất toàn đó, không phải là không quan trọng trong sự phát sinh những cung cách hành xử vượt thường, quái gở nữa, của hoạn quan. Trước nhất, tâm tình của hoạn quan cũng nằm trong tâm tình của người bị thiến nói chung. Tám năm sau khi bị thiến, Tư Mã Thiên còn cảm thấy đau đớn: "Mỗi khi nghĩ đến mối nhục đó thì mồ hôi còn thấm ướt cả lưng áo. Tôi chỉ đáng được làm kẻ canh cửa phòng cho đàn bà, tốt hơn là nên vào ẩn tận sơn cùng núi thẳm..." Sự bất toàn đó khiến cho người ngoài nhìn hoạn quan như một khối thịt dị dạng, có bộ mặt buồn thảm. Chắc là cho dù tự nguyện, họ cũng mang mối bất mãn với hệ thống chính trị xã hội đã khiến cho họ phải thiệt thòi trong một khía cạnh sống. Trong hệ thống phương Đông thì họ luôn luôn bị lớp nho sĩ ganh ghét, khinh miệt. Hàn lâm Đinh Củng Viên chơi khăm, viết chiếu không đưa cho hoạn quan Lê Tông Giáo chuẩn bị trước để ông này lòi sự dốt nát trước triều đường (1288). Sử quan nho học xưa cứ mỗi lần đặt bút xuống là chê hoạn quan dốt nát, ngay cả khi có dịp khen thì cũng chỉ nhìn theo vị trí đầy tớ của họ mà thôi. Phan Phu Tiên phán xét về những người theo họ Hồ liên quan đến việc mất nước, tuy có khen về những gương tử tiết nhưng vẫn hài tội bỏ Trần theo Hồ, là "phường ác giúp nhau", là "ăn lộc của ai chết vì người ấy (tuy) là nghĩa mà không biết người ấy là bất nghĩa"... Chỉ có các hoạn quan là được không hài tội thờ chủ mới: "Ngô Miễn, Nguyễn Lệnh, Kiều Biểu vốn là kẻ hoạn quan, cái chết của họ là điều nên lắm". Vì hoạn quan "vốn là" đầy tớ nên chỉ được ông sử quan này nhìn ở tầm mức tương quan chủ tớ ngắn hạn: Lúc kẻ nô đã trao qua chủ mới thì chỉ cần biết chủ mới là đủ.
       
      Một tên khác của Lí Thường Kiệt cho ta thêm một gợi ý về địa vị đó của hoạn quan. Ông Hoàng Xuân Hãn trong Lí Thường Kiệt, khi đối chiếu với sách Trung Quốc, thấy ông danh tướng của Lí cũng được gọi tên khác là Lí Thượng Cát. Do cách phiên âm qua một thứ chữ không thể sát với âm vận bản xứ nên khó có thể biết tên nào là đúng nhưng ta hãy đoán ra theo cung cách bình thường. Chữ "thượng"/"thường" gần cận, thường được thấy phiên âm cho chữ "thằng". Và nó không phải lúc nào cũng có ý nghĩa khinh miệt. Nguyễn Ánh gọi tướng Tây Sơn là "thằng Sâm", "thằng Hưng" nhưng bia ruộng đời Trần chỉ chủ đất hẳn là theo tiếng gọi thông tục đương thời, cũng như "thằng" ngày nay còn có ý nghĩa thân mật là khác. Với chữ "cát" thì ta có câu chuyện tranh chấp binh quyền cũng đời Lí về Vũ Cứt, Vũ Đái (chuyện năm 1150)... Ngay chữ "Kiệt" cũng có thể từ "Cứt" mà ra như trong chuyện năm 1189 (Đại Việt Sử Lược, tr. 229): Vua sai quan lớn trong triều xử vụ kiện Mạc Hiển Tích (chắc vì bị tố cáo tư thông với Thái hậu), quan sợ, bị người đời chê: "Ngô Phụ quốc (giúp nước). là "lan (lồn), Lê Đô quan là "kích" (kít/cứt). Vậy thì Thường Kiệt / Thượng Cát có thể là "thằng Cứt". Ông Hoàng Xuân Hãn cho biết Thường Kiệt là tên "tự", dẫn bia Nhữ Bá Sĩ đoán tên tự có từ lúc xuất thân, hiểu một cách khác, là lúc vào cung, làm hoạn quan. Tự "thằng Cứt" là một thứ nickname trong cung gọi ông danh tướng tương lai nọ như ngày nay trong dân gian còn gọi "thằng Bò", "thằng Cu"..., có vẻ còn dễ nghe hơn tên của đám nô Trần Quốc Tuấn là "Voi rừng", "Chó săn / Cồng cộc".
       
      Và như đã nói, cách nhìn của xã hội bên ngoài như thế cộng với sự bất toàn của thân xác không phải không ảnh hưởng đến hành vi của hoạn quan, nhất là khi họ ở vào vị thế có thể toả rộng quyền hành, dù là quyền hành nấp bóng quân vương, chế độ. Người bị thiến Tư Mã Thiên cố bù đắp nỗi nhục mất danh tiết bằng những trang Sử kí để đời. Sử quan Nguyễn ghi rằng: (Lê Văn Duyệt) năm 14, 15 tuổi thường tự than thở rằng "sinh ở đời loạn, không dựng cờ trống đại tướng, chép công danh vào sách sử, không phải là trượng phu." Không hẳn đó là nguyên văn lời ông, nhưng ý đó đúng là của một người muốn vượt khỏi bản thân. Chế độ vương triều của Trung Hoa, Đại Việt có rất nhiều dẫn chứng về sự lộng hành của hoạn quan. Triệu Cao làm việc phế lập trong triều Tần. Hoạn quan lộng hành nhiều nhất là dưới triều Minh. Theo quân đánh họ Hồ, cũng như trong các cuộc hành quân các nơi khác, cứ một ông tổng binh là có một hoạn quan theo kềm giữ: Tổng binh Trương Phụ đi có Nội quan Mã Kì báo cáo hành vi gọi là âm mưu vây cánh nên bị vua Minh rút về (1417), Nội quan Lí Lương đi theo Tổng binh Lí Bân (1426), giữ thành Đông Đô đến phút cuối với Tổng binh Vương Thông. Nội quan Sơn Thọ, người được ghi là Thái giám, bắt voi ở Quảng Ninh năm 1418, có mặt dài dài trong cuộc chiến.
       
      Sự xung đột giữa nho thần và hoạn quan có lúc đi đến chỗ khôi hài điếng người như trong câu chuyện xảy ra dưới triều Càn Long đã kể. Tuy nhiên sự khinh miệt của nho thần cũng dẫn đến phản ứng của hoạn quan khi thấy những người kia có thành kiến quá quắt, không hiểu cả lí lẽ bình thường. Trong cuộc tranh chấp về lễ nhạc giữa nhóm Nguyễn Trãi và Lương Đăng (1437), Tham nghị Nguyễn Liễu chê hoạn quan không đủ khả năng, không hiểu phép xưa (như của Chu Công), phép nay (như của nhà Minh), nên làm sai lệch cả. Lương Đăng, với quan điểm ngày nay thì chắc là làm theo "tinh thần dân tộc có sáng tạo" chế biến, nên nhũn nhặn xin dành quyền quyết định cho vua. Nguyễn Liễu sợ Thái Tông nghe lời, liền phản kháng trước: "Từ xưa đến nay chưa bao giờ có cảnh hoạn quan phá hoại thiên hạ như thế này." Thế là tranh chấp cá nhân trở thành tập thể. Đinh Thắng từ trong bước ra mắng: "Hoạn quan làm gì mà phá hoại thiên hạ? Nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước". Ông văn quan đa sự hay chữ, hú hồn vì thoát khỏi bị chém đầu, nhưng mang chữ thích vào mặt, những ngày tàn nằm ở châu xa hẳn phải ân hận về cơn cường ngạnh bảo vệ Thánh giáo của mình. Cũng nên lưu ý rằng Đinh Thắng là người đã có lòng can ngăn Nguyễn Trãi chớ đem Thị Lộ vào cung làm vây cánh, hành động đã khiến ông thái giám này chết (1442) theo ông Hành khiển đối thủ trong cuộc tranh cãi trên.
       
      Giám ban của Trịnh
       
      Nhưng hoạn quan nổi bật trong lịch sử Việt là vào thời Lê Trung hưng, đặc biệt vì đã có vua còn có chúa, nên có hẳn hai lớp hoạn quan, trong đó người của Lê không đáng kể nhưng người của Trịnh lại rất cần thiết cho gia đình, có thể nói là đóng vai trò khá quan trọng để giữ gìn cho nhà chúa được vững vàng.
       
      Trịnh xuất thân là tướng soái nên nắm binh quyền trong tay, thuộc hạ tuân theo, đương nhiên được lên làm chúa. Nhưng họ phải nấp bóng vua, với danh nghĩa "phò Lê" và phải luỵ vì danh nghĩa ấy, chưa kể vì thực tế có những phe phái khác cũng muốn giành giật, từ đám dân cùng nổi loạn đến họ Nguyễn cường ngạnh một phương ở Đàng Trong. Nho sĩ được học Kinh sách tuy phục vụ Trịnh theo cơm áo nhưng vẫn hướng về ông vua Lê bù nhìn. Sử quan nối tiếp Toàn thư vẫn để các vua Lê làm đầu. Hồ Sĩ Dương (tiến sĩ 1652) viết Trung hưng lục ghi chuyện Lê Cập Đệ bị Trịnh Tùng giết (1572) vì phù Lê chứ không phải vì ganh ghét với Trịnh Tùng như trong Toàn thư, bộ sử chính thức, đã kể. Tinh thần đó không phải chỉ có ở những nhân vật khoa bảng. Trịnh Tạc (làm chúa từ 1657-1674) muốn phá vỡ hình thức tôn quân, nhân ngày nguyên đán, định bắt các quan mặc triều phục chầu vua, cứ mang nguyên phẩm phục ấy sang chầu mình. Vũ Duy Chí làm tể tướng (1669), vốn bị đồng liêu chê là từ chân lại thuộc mà ra, nhưng vẫn lên tiếng can ngăn vì cho là "trái với chế độ cũ", khác với truyền thống "nhà Chúa... một niềm tôn phục hoàng gia". Tuy năm 1673, Trịnh Tạc dời việc nước vào bàn ở phủ mình, nhưng loạn kiêu binh ngay năm sau chứng tỏ là quyền chúa vẫn còn lung lay. Sự khinh miệt hoạn quan thấy rõ trong trước tác tuy xuất hiện về sau nhưng của một người trong dòng họ phục vụ Trịnh Lê: Phan Huy Chú với Lịch triều hiến chương loại chí. Ông này kể các danh nhân đều là các nho sĩ, tướng gia văn thần. Không thể loại trừ Lí Thường Kiệt, Hoàng Ngũ Phúc nhưng thêm chữ "tự thiến" để tỏ rõ sự cầu cạnh. Và vì có lẽ không biết (hay tránh né?) Lí Thường Kiệt còn được ghi với tên Lí Thượng Cát nên trong truyện Lí Đạo Thành, tác giả tha hồ kể tội hoạn quan: "Lí Thượng Cát là chức ngự tụ, cậy được thương yêu, bàn chõ vào việc chính". Ở đây ta gặp được một danh xưng khác chỉ hoạn quan là "ngự tụ", chữ này không thấy có trong Từ hải, chắc Phan Huy Chú mượn từ chuyện "đoạn tụ" (cắt ống tay áo) mà chế ra.
       
      Ngay bên trong gia đình, Trịnh vẫn không yên tâm. Hình như Trịnh xuất thân từ vùng thượng du Thanh Hoá cũng thuộc các nhóm "thiểu số" hoạt động nổi bật theo sự hưng khởi của nhóm Mường Lam Sơn. Điều chắc chắn là gia phả họ Trịnh không giấu sự thấp kém của ông tổ Trịnh Kiểm vốn từng đi ăn trộm. Ông này có bạn thân đến mức hi sinh giúp nhau làm cả những việc nguy hiểm, là một người gốc Chàm. (Hữu Ngọc - Nguyễn Đức Hiền, "Gốc tích các chúa Trịnh và một bức thư nôm của Trịnh Kiểm", La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II, H. 1998, tr. 649-669). Và ông tổ dẫn đến dòng vua Nguyễn sang cả, lúc đó cũng chịu gả con cho một tên trộm. Tất cả chứng cớ đều nói lên một mức độ sàn sàn như nhau của các dòng họ cầm quyền về sau của nước Việt, không có dáng gì như các nho gia Thăng Long, Huế cao tiếng rao giảng theo truyền thống tôn phù. Vì thế, riêng về họ Trịnh, các "thế tử", "công tử" anh em chú cháu tranh giành địa vị của nhau không nhân nhượng chút nào, và người thắng giết người bại cũng không nhẹ tay thương xót. Để xử trí chuyện gia đình thì trước hết Trịnh sử dụng đầy tớ riêng: Trịnh Tùng dùng "nội giám" Bùi Sĩ Lâm giải quyết Trịnh Xuân, "sai người chặt chân cho chết"; vào cuối đời, Trịnh Sâm giao Thế tử Trịnh Cán cho Hoàng Đình Bảo, cháu / con nuôi hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc chăm sóc. Rồi cũng một mực như thế, Trịnh đã đem người trong nhà xử trí việc nước. Năm 1603, chưa yên vị ở Đông Kinh, Trịnh Tùng đã dùng Chưởng cung giám Bùi Sĩ Lâm tra xét tướng Nguyễn Khải vì ngờ có âm mưu phản loạn. Năm 1683, trong việc tiếp nhận tù binh Mạc do Thanh trao trả, Thượng thư Vũ Duy Đoán cùng với hoạn quan Thân Đức Tài đi theo, mang công văn với tên Tài đứng đầu y như sổ năm trước. Ông thượng thư không chịu nhục làm quan triều mà thua tên đầy tớ nên gân cổ cãi, rốt cục bị Trịnh Căn bãi chức, lấy người khác thay thế với quan chức lớn hơn, Bồi tụng (Tể tướng) Nguyễn Quai, qua biên giới giải quyết công việc - tất nhiên công văn vẫn để tên hoạn quan đứng đầu. Có cái đuôi hơi lạ trong câu chuyện tiếp nhận tù binh này: Sứ bộ bị quan Thanh đòi hối lộ, Đặng Đình Tướng, chức sắc nhỏ trong đoàn, phải đi nộp bạc, lúc về triều đình tiếc tiền, bắt giáng chức, nhưng tha cho tể tướng với lí do "bị bệnh không dự vào việc giao nộp", trong lúc không nhắc gì đến vai trò của ông trưởng đoàn hoạn quan cả. (Cương mục, tập II, H. 1998, tr. 350). Điều này cũng thật dễ biện minh, rằng việc xử lí kia là của triều đình, phép nước, hoạn quan chỉ là "người trong nhà", không phải chịu trách nhiệm đó!
       
      Điều đáng chú ý khác là có những nội giám gốc thiểu số giáp Trung Hoa trong phủ Trịnh. Vì sử quan Toàn thư coi thường nội giám nên ta không thấy rõ nguồn gốc quê quán của các ông này, nhưng sử quan Nguyễn với nhiều chú thích khiến ta biết vài điều thích thú. Cùng với nhiều hoạn quan gốc vùng đồng bằng họ Phạm (Xuân Đỉnh), Nguyễn (Đình Huấn), Lê (Trung Nghĩa)... cũng có người họ Hoàng như Hoàng Công Kì (+1745). Tất nhiên họ Hoàng đã phục vụ Trịnh Lê có rất nhiều người gốc trung châu nhưng Hoàng là họ lớn trong các nhóm thiểu số tây nam Trung Quốc kề cận Đại Việt mà ngày nay được gọi chung là "Choang", có khu tự trị riêng ở Quảng Tây. Hoàng có lẽ phát sinh từ quan niệm Trung Quốc của các tộc đoàn muốn lên làm lãnh chúa: hoàng, màu vàng, của hoàng đế, Hoàng Đế. Trong sự tranh giành ảnh hưởng, Lí Trần đã dùng nhiều họ Hoàng trong việc giao tiếp với Trung Quốc cũng như phải khổ nhọc xử lí về việc họ nghiêng ngả lúc theo phe này, lúc phe khác trong thế đối phó với Thiên triều. Thổ tù Hoàng Văn Đồng cai quản mỏ đồng Tụ Long đã có cung cách như tổ tiên xa đời của họ (1779). Và đã có những hoạn quan cùng gốc gác như thế nổi bật nhất trong phủ Chúa, theo một cung cách phục vụ không thường thấy của những người quen "khuôn phép". Hoàng Công Phụ (Bắc Giang) nắm quyền dưới thời Trịnh Giang (1729-1740), Hoàng Ngũ Phúc (Yên Dũng, Lạng Sơn) tung hoành cuối đời Trịnh nên để lại nhiều chi tiết đáng lưu ý. Phan Huy Chú cho biết Hoàng Ngũ Phúc "tự thiến", những ông họ Hoàng dân tộc Nùng khác có làm như vậy không?
       
      Chuyện bắt đầu từ tháng 2âl. 1743 khi ông hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc vốn chỉ loanh quanh lẩn quẩn trong Hình phiên của Trịnh, bỗng nảy ra ý muốn chơi trội, đem dâng cho Trịnh Doanh 12 điều binh pháp để dẹp biến loạn đang xảy ra khắp nơi. Cũng tưởng chỉ là để loè kiếm chút ân huệ, không ngờ Chúa tưởng thật có người tài ẩn danh mà lâu nay không được biết nên cho phép ông hoạn quan ra trận chống với tay Quận He Nguyễn Hữu Cầu kiệt hiệt đương thời. Nên chép nguyên văn của sử quan Nguyễn để thấy khởi đầu của một danh tướng: "(Hoàng) Ngũ Phúc mới được nghe mệnh lệnh, rất lấy làm lo, vì từ trước chưa từng đi chiến trận bao giờ. Có người khách khuyên: ?Nên vay một vạn quan tiền công để mộ lấy những tay tráng sĩ.? Ngũ Phúc nói: ?Nay vay tiền công, một ngày kia bắt phải nộp trả, thì lấy tiền đâu mà trả được?? Khách nói: ?Tục ngữ có câu: Tướng vô tài, sĩ bất lai, nghĩa là người làm tướng mà không có của thì không bao giờ dũng sĩ tìm đến. Nếu ông thật lòng theo kế của tôi thì những tráng sĩ đều hết sức với ông, quyết thắng được địch, từ đấy sẽ được vừa sang vừa giàu, có lo gì cái món tiền vạn quan? Nếu nhỡ ra vấp váp đến chỗ không thể nói được thì còn ai trách cứ món nợ ấy vào đâu được nữa?" (Cương mục, tr. 563-564). Câu chuyện cho thấy cái liều lĩnh lưu manh trong thực tế của một anh thương buôn: Phải có của mới có quyền lực, có quyền lực thì tìm ra tiền rất dễ, lỡ không được tiền thì với chút dư danh của tướng soái, cũng không ai dám đòi nợ! Nhưng điều đáng chú ý là, Hoàng Ngũ Phúc, chắc thuộc sắc tộc Nùng nên dễ quen thân để vấn kế ông lái buôn Con Trời kia. Chúng ta cũng có thể đoán là cùng sắc tộc, một ông hoạn quan khác sống gần hơn thế kỉ trước: Hoàng Nhân Dũng. Ông hoạn quan được Trịnh Tráng yêu quý, cho đổi họ Trịnh, lấy tên là Trịnh Lãm, nhưng rốt lại bị giết (1652) vì "kiêu ngạo càn dỡ... mưu nổi loạn". Đoán là gốc Nùng (Cương mục không có chú về gốc gác người này) vì thấy sử thần Lê kể tội "vụng trộm nuôi người có tà thuật". Không rõ hoạn quan Trịnh Lê là người bị thiến hay có ẩn cung, nhưng sự việc có người thiểu số trong cung Trịnh chứng tỏ nguồn cung cấp ở đồng bằng đã không đủ cho nhu cầu. Thêm nữa, sự thiên ái đến mức thân thiết ngay từ thời gian dựng nghiệp vững vàng ở Đông Kinh như thế cũng có thể là do sự tương đồng về nguồn gốc thiểu số của chính họ Trịnh mà ra. Hoạn quan Nùng thời mới khởi nghiệp Trung hưng chưa kịp thích ứng (có thể là từ cả phía người chủ Trịnh) nên bị giết, nhưng hơn một thế kỉ sau Hoàng Ngũ Phúc đã biết phối hợp sự uyển chuyển luồn lọt với khả năng phục vụ để nổi bật trong triều chính họ Trịnh.
       
      Vai trò hoạn quan của Trịnh nổi bật nhất từ khi Trịnh Giang làm chúa (1729-1740) đặt ra giám ban (4âl. 1739) ngang hàng với văn, võ ban đương thời. Lại cũng vì sử là của nho thần viết ra nên ta không thấy chi tiết tổ chức: "Theo chế độ cũ, các quan chỉ có hai ban văn và võ. Đến nay bọn hoạn quan lộng quyền, (Trịnh) Giang mới đặt thêm giám ban. Hạ lệnh: ai thi khảo trúng cách sẽ được trao cho quan chức. Các quan lấy làm hổ thẹn nhưng không ai dám nói." (Cương mục, II, tr. 503). Nắm quyền chính là ông Nùng Hoàng Công Phụ, trước tiên đã củng cố sự ổn định bên trong với việc Trịnh Giang giết hoạn quan Đỗ Bá Phẩm (1734), rồi dèm pha giết Trương Nhung (1736), ông-cậu của Giang, thuộc phe nghịch. Tiếp theo, Phụ tìm cách giải toả sự cô lập bằng cách xúi Trịnh mở khoa thi ngay trong phủ Chúa (1736), lấy riêng Trịnh Tuệ, người trong họ, đỗ trạng nguyên, để ông này vào làm tể tướng (6âl. 1739) "kẻ trong người ngoài xướng hoạ với nhau", tạo mối liên kết văn, giám ban. Hoàng Công Phụ có vẻ còn nhiều toan tính to lớn hơn, vì đã từng nuôi Nguyễn Tuyển, một lãnh tụ của cuộc loạn Ninh Xá. Hoạn quan Trịnh không đủ lực lượng như của Minh nên chính biến cung đình nổ ra với sự liên kết của văn quan và phe ngoại nhà chúa (đầu năm 1740). Hoàng Công Phụ bỏ trốn, nhóm thủ hạ bị diệt trừ, văn quan có vẻ đắc thế nhưng không được lâu. Họ Trịnh vẫn cần hoạn quan, nên chỉ ba tháng sau khi cầm quyền, thấy cần người chống Nguyễn Tuyển, thay Hoàng Công Phụ đã bỏ trốn, Trịnh Doanh bổ nhiệm Hoàng Công Kì làm Thống lĩnh chinh tây đại tướng quân khiến cho Tự Đức phải la lên: "Trịnh Doanh cũng không phải là người có tri thức" (?). Trịnh Doanh không thể làm gì hơn như khi ông thất bại trong việc trao cho văn quan điều hành tài chính, thuế khoá vào giữa năm 1741: Văn quan muốn nắm quyền kiểm soát tiền bạc từ trong tay hoạn quan nên xin cho tập trung về bộ Hộ, tức là của chính phủ. Trịnh Doanh đã bổ nhiệm Lê Hữu Kiều trông coi, nhưng "quyền lớn lọt vào bọn tín thần đã lâu, bộ Hộ cũng chỉ biết được con số hão mà thôi [v]ì thế không bao lâu lại bãi bỏ." (Cương mục, các năm trên).
       
      Uy thế hoạn quan lớn thêm khi Hoàng Ngũ Phúc lần mò tìm được khả năng của mình trở thành "viên tướng nổi tiếng trong một đời" (Cương mục). "Ngũ Phúc làm tướng nghiêm chỉnh chắc chắn. Khi có việc thì quyết đoán, đối với ai cũng có lòng trung tín. Khi hành quân thì chuộng kỉ luật, giữ vững sự thận trọng mà không cầu may. Hiệu lịnh lại nghiêm minh, không thể cầu cạnh để xin tha. Ông đánh đông dẹp tây, công danh rực rỡ, là bậc đại tướng có công lao danh vọng. Nhà nước cậy dựa nhiều vào ông." Nghe Phan Huy Chú ca tụng như thế (Lịch triều..., II, tr. 359), chúng ta thấy thật quá xa thời ông hoạn quan vấn kế khách thương. Nhiều nơi đã tôn làm phúc thần vị danh tướng "được phối hưởng trong cung miếu của Chúa" này, kể cả việc làm sắc thần giả để thời Mở cửa bán cho Việt kiều lùng tìm đồ cổ. Sử xưa đã ghi rất nhiều công lao đánh trận của ông, trong đó có luôn việc chiếm Phú Xuân, điều khiến cho Đặng Trần Thường phải chết dưới tay Gia Long chỉ vì dám liệt kê ông vào danh sách phong thần.
       
      Nhưng trước hết, Hoàng Ngũ Phúc là tôi của Trịnh, chỉ vì phải khen nên Phan Huy Chú đã lờ đi chuyện phục vụ nội cung, ví dụ như khi cùng với Trịnh Sâm giam, giết thái tử Duy Vĩ (1769, 1772). Lập công trong vụ này thấy thêm có tên hoạn quan Phạm Huy Đỉnh. Vai trò hoạn quan trên chính trường Trịnh không giảm đi vì giám ban bị loại bỏ mà còn tăng thêm với nhu cầu củng cố dòng họ nhà Chúa. "Hoàng Ngũ Phúc và Đàm Xuân Vực bè đảng nâng đỡ nhau, vì thế người ngoài bàn tán xôn xao. Ngũ Phúc xin Trịnh Doanh đặt lệnh cấm nghiêm ngặt để khoá miệng mọi người nhưng không sao cấm chỉ đươc." (Cương mục, II, tr. 654). Hoạn quan cầm quân, nhất là lại thắng trận, nên văn quan theo hùa cũng là thường. Lê Quý Đôn cùng với hoạn quan Phạm Huy Đỉnh làm cho nội điện vua Lê vắng ngắt từ 1773. Cũng Lê Quý Đôn với hoạn quan Chu Xuân Hán đi kiểm tra mỏ đồng Tụ Long đòi hối lộ 3000 lạng bạc (1779). Cho nên có gì là lạ khi Trịnh Khải muốn chuẩn bị đảo chính (1780) lại hỏi vay 1000 lạng của Chu Xuân Hán! Hoàng Ngũ Phúc khi nên danh phận hẳn phải tự cười thầm mình lúc nhớ chuyện xưa kia đã từng lo không trả nổi nợ.
       
      Những rối loạn về nội cung ở Đàng Trong không thấy có vai trò nổi bật của hoạn quan. Có lẽ là do tình hình phát triển ở đây khiến cho những mâu thuẫn không co lại trong nội bộ; các nguồn lợi khai thác với thương nhân khiến cho ai ít nhiều cũng có phần, khỏi tranh giành gay gắt. Đến triều Nguyễn thì chiến trận bao nhiêu năm đã đặt hẳn uy tín quyền lực nằm ở ngoại vi cung đình - Lê Văn Duyệt đã là tướng, dù là tướng khuyết tật, chứ không phải là hoạn quan nữa. Quyền vua lại xuyên suốt vững vàng, không cần đến vây cánh ngay từ cung cấm, như lời Tự Đức nhận định về đối thủ dòng họ mình ở phía bắc: "Họ Trịnh gian ngoan lấn quyền, sợ người ngoài toan tính đến thân, cho nên phần nhiều dùng hoạn quan làm tai mắt mà quên bẵng đi rằng cái tệ hoạn quan, cuối cùng sẽ đi đến chỗ nhiều việc, không thề ngăn cản được (Cương mục, tr. 549). Hoạn quan Nguyễn không thể nào nho nhoe, chỉ có thể trở lại địa vị nô thần, có làm việc gì để bù đắp sự thiếu thốn của mình thì chỉ có thể tìm cảm giác lúc cõng bà phi đi, về hầu vua, hay mua giúp chuối già-hương cho các bà trước khi có thể đặt hàng dụng cụ ở các "bookstores" của Mĩ mà thôi.
       
      Tạ Chí Đại Trường
      Aug. 11/02
       
      Đính chính:
      "Sex và triều đại", Văn học số 195, tháng 7/2002, trang 4, dòng 9 từ dưới lên: loạn dâm, xin đọc loạn luân; trang 15, dòng 6: ông nội, xin đọc ông cha. Nhân tiện cũng nên thêm rằng, trong dân gian, bệnh dương/giang mai còn có tên bệnh tim la, hẳn từ tên nước Tiêm(Xiêm) La, nghĩa là cũng có thể thêm chứng cớ rằng loại bệnh phong tình này đã truyền đến Việt Nam theo đường biển, từ phía nam, không phải như lời loan truyền bệnh xuất phát từ giao tình của Dương Quý phi và Mai Uyển (?)
       
      http://www.nhanvan.com/magazines/vanhoc/198/tachidaitruong_sexvatrieudai.htm
      #3
        Như Ý P 29.01.2009 10:31:19 (permalink)
        #4
          HongYen 01.02.2009 08:08:40 (permalink)
          TRƯỜNG VIỄN ĐÔNG BÁC CỔ
          CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHẠM QUỲNH NHƯ THẾ NÀO?

          Phạm Quỳnh nổi tiếng về hai mặt: chính trị và văn hoá. Cuộc đời làm chính trị với hai chức Thượng thư đã đem lại kết quả thê thảm cho ông trong biến cố Tháng Tám 1945. Đó là cái giá phải trả cho những con người hành động, nhất là khi họ nổi bật trên đám đông không phải chỉ về mặt chính trị. Nhưng sự nghiệp văn hoá của ông có kết quả lâu bền và rộng rãi hơn. Đông Hồ Lâm Tấn Phác đã thấy tạp chí Nam Phong được cả “người không đồng chí cũng một lòng tôn trọng.” Người Cộng sản nắm quyền đất nước, theo thói quen tự cho chỉ mình là đúng, đã tìm cách triệt hạ ông, nhưng trong một lúc buông lỏng cũng lại để lọt những lời Nguyễn Công Hoan biện minh cho Phạm Quỳnh (1971). Rồi cuối cùng không phải là biện minh nữa mà là công nhận: Năm 1991, Phạm Quỳnh xuất hiện với hình ảnh trong quyển Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Tất nhiên không cần kể chương trình giáo dục của VNCH có dành phần cho Nam Phong và Phạm Quỳnh, phát sinh sách vở đầy dẫy phục vụ học đường. Và có lẽ ta suy đoán cũng không sai lắm, là chính nhờ trên nền tảng này mà Phạm Quỳnh đã trở lại vị trí đúng đắn của mình trên một quyển sách của Uỷ ban khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh – Sài Gòn cũ chứ không phải ở trung ương, Hà Nội, nơi còn nhiều quá khứ ràng buộc để có thể đổi thay mà không ngượng ngập. Tuy nhiên trong khi tìm hiểu sự nghiệp Phạm Quỳnh, người ta thường chỉ đặt trọng tâm vào việc phân tích những điều đạt thành, trong tình hình tiến triển của đất nước mà ít chú ý đến các nguyên nhân tác thành qua thời gian. Các luận văn về Phạm Quỳnh thường trình bày sự nghiệp của ông theo lối dàn trải trên bình diện rộng mà không cho thấy những tiến triển trong tư tưởng của ông, nói cách khác, các nghiên cứu đã mang tính chất tĩnh hơn là động – mà cho dù không thấy có cũng nên nói ra. Cho nên nếu lưu tâm đến một lịch sử về sự nghiệp Phạm Quỳnh thì thiết tưởng không thể bỏ qua lúc khởi đầu của ông.

          Trường ốc thật ra cũng là khởi đầu đáng kể trong sự nghiệp của một con người. Chính vì thế mà người ta thường chen nhau vào các trường danh tiếng. Tuy nhiên trường Bảo hộ mà Phạm Quỳnh tốt nghiệp thủ khoa (1908), có là danh tiếng với người đương thời, vẫn không phải là nơi đào tạo người có ước vọng cao xa. Mười hai năm sau (1920), khi lớp sinh viên đầu tiên của trường Đại học Đông Dương tốt nghiệp, Phạm Quỳnh vẫn phải ra công đả phá lối suy nghĩ “học làm mướn”, “học kiếm tiền” của các cô cậu tân khoa. Vậy thì ở đây phải kể lúc khởi đầu của Phạm Quỳnh là vào lúc ra đời: Trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ.

          Trong tình trạng riêng biệt của mình, chúng tôi không thể nào nắm được những dữ kiện dù đơn giản nhất về cái Viện nghiên cứu danh tiếng này, ví dụ năm thành lập chẳng hạn. Nói chi đến vấn đề tổ chức, hoạt động nghiên cứu kinh qua những giai đoạn nào, nhất là ở đây, về tình hình sinh hoạt của các nhân viên hành chính
          1
           
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.02.2009 08:10:56 bởi HongYen >
          #5
            Như Ý P 01.02.2009 22:31:50 (permalink)
            Trong tình trạng riêng biệt của mình, chúng tôi không thể nào nắm được những dữ kiện dù đơn giản nhất về cái Viện nghiên cứu danh tiếng này, ví dụ năm thành lập chẳng hạn. Nói chi đến vấn đề tổ chức, hoạt động nghiên cứu kinh qua những giai đoạn nào, nhất là ở đây, về tình hình sinh hoạt của các nhân viên hành chính.......
             
            1
            cấp dưới, để hiểu rõ môi trường Phạm Quỳnh dù muốn hay không vẫn phải ép mình vào, từ đó được mài dũa để có tiếp nhận phản ứng ra sao. Thật là táo bạo, nhưng ở đây chúng tôi chỉ muốn đề xuất một hướng tìm tòi chứ không có tham vọng giải quyết nó.
             
            Vả lại cũng chẳng phải mình chúng tôi có ý tưởng này. Trong lúc suy nghĩ, chúng tôi đã gặp kẻ đồng điệu là ông Đoàn Văn Cầu khi ông giới thiệu Hành trình nhật kí của Phạm Quỳnh (1997): "Kiến văn quảng bác của tiên sinh được hun đúc phần lớn ở Trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ..." Có thể coi đó là kết quả của trực giác, chợt nổi lên rồi lại chìm lấp, vì đường hướng phục vụ và tính chất thời đại đã dẫn Phạm Quỳnh đi theo lối khác nơi ông phục vụ trong chín năm trời. Người giới thiệu đã nêu lên một ý thoảng qua rồi chuyển sang chú ý đến những thành tựu to lớn khác của Phạm Quỳnh như bất cứ ai cũng phải công nhận.
             
            Chín năm (1908 – 1917) vẫn không là lâu so với 15 năm làm chủ bút Nam Phong (1917 – 1932), 13 năm làm quan (1932 – 1945), nhưng vị trí khởi đầu thật là quan trọng. Ở VĐBC, người ta đã dùng một từ thông dụng lúc bấy giờ để chỉ vai trò của ông: thông ngôn. Và khi đi Paris, thấy mấy trường Đại học, ông cũng nhận mình "ở trường thông ngôn ra, học được mấy ông hương sư ở Tây sang." Nghĩa là ông cũng chỉ là một công chức cấp thấp trong ngạch hành chính thuộc địa lúc bấy giờ: ngạch thư kí tập sự. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng Phạm Quỳnh sau khi vác đơn xin việc được cử ngay vào làm ở một toà Sứ tỉnh, hay cao hơn, làm ở Phủ Thống sứ Bắc Kì, Phủ Toàn quyền Đông Dương, tính chất hoàn toàn thư lại của những nơi ấy sẽ đào tạo ông nên con người ra thế nào? Không ở trong ngạch Tây để chờ thâm niên mà nóng ruột nhảy sang ngạch Ta để làm ông Tham, ông Huyện... thì với tham vọng của ông, chức Thượng thư hẳn đạt tới cũng không khó. Nhưng ông đã làm nhân viên hành chính của Trường VĐBC, một nơi có những hoạt động khác lạ với công sở hành chính. Sự lựa chọn này là do nguyên nhân nào thúc đẩy?
             
            Năm 1922 nhân chuyến được cử đi tham dự cuộc "Đấu xảo" Marseilles, kể chuyện lên Paris gặp ông M. (Maitre?), cựu Giám đốc Trường VĐBC, Phạm Quỳnh nhắc chuyện ông ta lúc làm chủ khảo kì thi tốt nghiệp 1908 đã cho điểm vớt bài thi chữ Hán để ông khỏi bị đánh rớt (mà lại đậu thủ khoa!), và xác nhận rằng chính ông M. đã đưa ông vào làm việc ở VĐBC. Ở đó có những người chỉ suốt ngày lo đi đào bới đất đai hay có ngồi trong phòng cũng mân mê tượng này, hòn đá nọ... so sánh, vặn hỏi chứ không phải "sáng vác ô đi, tối vác về." Dù có người là công chức hành chính thực sự, họï cũng để thì giờ đi dò hỏi phong tục tập quán của dân quê, nhân tiện đi kinh lí cũng ghé mắt nhìn xem đình này miễu nọ chứ không phải chỉ đánh tổ tôm tài bàn hay tệ hơn, đòi hối lộ. Với cung cách làm việc đó, trong không khí trang trọng khác với lề lối sống bình thường gật gù ngâm thơ bình văn nhàn tản của Đông Phương đó, những tay thư lại trong Trường hẳn phải "học" được một chút gì. Trừ những người của lớp sau như Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên... đi hẳn vào khoa học nhân văn, xã hội nên không lạ với lề lối làm việc nghiên cứu, chúng ta thấy có những công chức thực sự của Trường đã bằng vào thực tế của sở làm mà bước qua ngành nghiên cứu. Phạm Quỳnh mà ở lâu năm trong VĐBC thì cũng sẽ trở thành một ông Nguyễn Văn Tố khác. Ông này mang tính chất cựu học được cải biên bởi Trường VĐBC rất rõ rệt trong sự nghiệp của mình. 
            2

            #6
              Như Ý P 03.02.2009 12:51:45 (permalink)

              3.
               
              Trường VĐBC rất rõ rệt trong sự nghiệp của mình.

              Ông Nguyễn Thiệu Lâu trong một hồi kí về Nguyễn Văn Tố, tuy có ý ca tụng nhưng cũng lộ cho ta thấy một nhược điểm “nhà nho” của viên trưởng ngành hành chính này: Ông Lâu, Cao học Địa lí Sorbonne, viết bài nghiên cứu đem nạp bị ông Tố đè ra bôi quẹt sửa văn pháp, ngữ nghĩa! Ông Giám đốc Coedes cũng bị như vậy. Tất nhiên thời Tứ thư Ngũ kinh đã qua, nhưng óc tầm chương trích cú của ông Tố lại có dịp núp sau lối truy tầm tài liệu của khoa học mới thông qua những ngày ông làm việc ở VĐBC. Điều đó thấy rõ trong những bài nghiên cứu của ông trên tạp chí Tri Tân cùng với những bài tranh chấp, bắt bẻ người khác. Nhóm Phong Hoá - Ngày Nay tinh ý nhận ra tính chất rượu cũ bình mới ấy nên đã độc ác chế riễu là “ông tờ a tờ b” (từ cách đánh số trang của các sách xưa).

              Phạm Quỳnh đã không ở suốt đời trong VĐBC. Nhưng “một chút” chín năm sao không có ảnh hưởng đến con người cầu học cầu tiến ấy? Thi tốt nghiệp, ông không biết chữ Hán đến nỗi bài làm bị cho điểm vớt, thế mà “sau ngày vào làm việc ... ở Bác cổ (ông đã) gia công học chữ Hán trong mấy năm”, cuối cùng 5 năm sau đã được nhận lãnh dịch sách tiếng Pháp sang chữ Hán (cùng Nguyễn Bá Trác). Ông M. nói trên, khi gặp lại đã ngỏ ý tiếc rằng Phạm Quỳnh không ở lại trường để chuyên trị về cổ học Trung Hoa và Việt Nam vì xét rằng Phạm Quỳnh “cũng có tư cách riêng về đường khảo cứu.” Rồi lại cũng chính Phạm Quỳnh thú nhận “nhiều khi tỏ ý tiếc”... Điều biện minh cho sự lựa chọn của mình chứng tỏ Phạm Quỳnh vẫn phải chịu sự ràng buộc của thời đại, lúc mà tinh thần khảo cứu vốn vẫn không phải là thứ quen thuộc với người Việt, sự nghiệp khảo cứu vẫn chưa được coi trọng để phải dấn thân cả đời vào đó. Phạm Quỳnh vẫn là một người An Nam của thời đại, cho nên một năm sau khi vào Trường, được cử làm phụ giáo Ecole des langues orientales ở Paris đã từ chối “vì mới cưới vợ.” Chút lưu luyến với VĐBC đã khiến cho ông đi thăm các Viện bảo tàng Guimet, Louvre, dân tộc học... và nảy sinh nhiều ý tưởng chỉ có thể thấy ở một người từng quen với sinh hoạt nơi khảo cứu: “Chuyến này về, có thì giờ phải nên khảo về hoạ học Trung Quốc, Nhật Bản mới được...” Ông không thực hiện được ý nguyện bất chợt đó nhưng những kiến thức khoa học nhân văn thu thập được và tinh thần khảo cứu vẫn lộ ra trong sự nghiệp của ông.

              Tạp chí Nam Phong nổi tiếng với người dân thường đương thời qua tấm bích chương “Rồng Nam phun bạc đánh đổ Đức tặc” trong Thế chiến I và đó cũng là bằng chứng để người Cộng sản thuyết phục quần chúng về hành vi “theo Tây” của Phạm Quỳnh và để biện minh cho việc họ giết ông. (Chớ tưởng rằng chỉ người dân “ít học” mới bị mắc lừa: Trong không khí “ái quốc”nồng nhiệt như thế cùng với khả năng chiến thắng của người Cộng sản dâng cao, không ít những nhà trí thức đã hùa theo đả phá ông.) Người Pháp cũng sử dụng hình ảnh Con rồng Annam để phục vụ cho ý đồ chính trị của họ khi ca tụng những nhân vật bản xứ có công tích nổi bật, ví dụ với trường hợp Đỗ Hữu Vị chẳng hạn. Con rồng là từ chuyện Lạc Long Quân – Âu Cơ trong truyện tích khởi đầu lập quốc của dân Việt. Và từ đó đi đến những chuyện về 18 đời Hùng Vương không xa, nhất là khi Nam Phong cổ động một tinh thần ái quốc không cắt đứt với truyền thống (hiểu theo nghĩa hình thành của một giai đoạn) qua những luận thuyết của ông chủ bút, qua những thu nhặt văn thơ, truyện tích trong quá khứ, củng cố niềm tin bình dị đã trở thành căn bản đến lúc bấy giờ – và cho đến lúc này. Thế mà thật ngạc nhiên khi đến gần cuối đời của Nam Phong (1931), ta còn đọc được câu này trong bài “Bàn về cái tinh thần lập quốc”:...
               
              Tự đời Trưng Vương, Triệu Ẩu, nước còn là bộ lạc, có lẽ cái tinh thần ấy [tinh thần lập quốc] còn phảng phất mà chưa chung đúc lại thành quốc hồn.” (Chúng tôi nhấn mạnh.) Ngược lại chín năm về trước, khi thăm điện Panthéon (Paris), ông đã đặt vấn đề “nửa huyền” (bí) trong hành trạng Hai Bà Trưng như lịch sử và truyền thuyết cũ vẫn kể. Thoát ra ngoài không khí chung của tinh thần truyền thống qua tin tưởng của dân chúng, dựng nên bởi các trí thức bản xứ như thế, hẳn là dấu vết của quan niệm lịch sử mới từ Trường VĐBC đã ăn sâu vào tâm trí ông cựu nhân viên hành chính của Trường thành một khẳng định không phai mờ qua mười mấy năm rời bỏ nó.
               
              http://www.tachidaitruong.com/PQuynh.pdf
              #7
                Như Ý P 03.02.2009 12:56:27 (permalink)
                4
                5

                Tuy nhiên tinh thần Trung Hoa cũ, kiến thức chung chung đào tạo ở trường Bảo hộ đã khiến Phạm Quỳnh hướng về những vấn đề tổng quát: bàn văn học, triết học, mĩ học, văn chương kim cổ. Với chí nguyện “an thường thủ phận mà làm một nhà khảo cứu có lẽ không bằng khua môi múa mép mà làm một nhà ngôn luận”, ông đã rời Trường VĐBC, ta không thể đòi hỏi khác được. Nhưng sao ta không chịu thấy hiển nhiên là khi bàn về quốc học, nghiên cứu tục ngữ ca dao, Truyện Kiều, Phạm Quỳnh đã đứng ở vị trí trung gian giữa căn bản được đào tạo, hoàn cảnh trí thức bản xứ đương thời và sự thúc đẩy của lối làm việc từ nơi khởi đầu vào đời? Sự lựa chọn đề tài, căn bản lí luận đã cho thấy ảnh hưởng của sự lôi kéo mới nơi ông.


                Bàn về quốc học (1931) ông đã không chịu theo những người khác khăng khăng để tinh thần ái quốc nồng nhiệt lấn át sự kiện hiển nhiên. Chừng mực hơn Phan Khôi nhưng cũng cứng rắn không kém, ông quả quyết dân Việt từ xưa chưa có quốc học, hiểu theo nghĩa có những tư tưởng mang tính hệ thống làm nên riêng biệt là người Việt. Cũng không phải quá khích đến nỗi nhận rằng những tư tưởng đó phải là độc đáo, sáng tạo riêng biệt, từ trên trời rơi xuống, ông nhìn nhận mối tương quan văn hoá giữa các dân tộc là điều không tránh khỏi, nhưng theo ông, sự tiếp nhận không thể là lối bắt chước suông: Vương học của Nhật Bản không phải chỉ là bài tụng kinh sách Vương Dương Minh. Bài “Quốc học với quốc văn” (1931) có thể coi là một bài nghiên cứu về tương quan văn hoá giữa Việt Nam và Trung Hoa mà Việt là phía tiếp nhận. Ông nói đến các nguyên nhân khách quan (vị trí địa lí của hai nước, so sánh sự khác biệt với Nhật Bản), nguyên nhân nội tại ở tinh thần người Việt đã dẫn đến kết quả tiêu cực như thế nào... Chắc Phạm Quỳnh chưa lưu ý đến các tìm tòi của những nhà dân tộc học dẫn đến các lí thuyết về giao lưu văn hoá, nhưng bài viết dựa trên các sự kiện cụ thể, mang một tinh thần phân tích đáng kính phục.

                Chúng ta còn lưu ý đến một chức phận khác của Phạm Quỳnh: Phó hội trưởng Hội Địa dư Hà Nội (1931). Chúng tôi lại cũng không đủ phương tiện để tìm hiểu về cái hội này, nhưng danh xưng (ngày nay gọi là địa lí) bao hàm một phần lãnh vực hoạt động mà Phạm Quỳnh có thể góp phần, không phải chỉ là với hư danh chức tước: phần địa lí nhân văn. Ông hiểu rõ điều đó như khi trình bày phần dẫn nhập trong bài nói chuyện ngày 19-12-1929 ở hội này với tựa đề “Le paysan tonkinois à travers le parler populaire”. Một phần của tựa đề “Người dân quê Bắc Kì...” chứng tỏ ông biết giới hạn vấn đề khảo sát trong một khu vực nhất định, nơi một tầng lớp người nhất định. Nhưng tầng lớp này là thành phần tuyệt đại đa số của dân Việt nên cũng là tiêu biểu cho tính cách Việt gần như chưa phải thay đổi vì thâm nhiễm văn hoá, lối sống Tây Phương qua sự chuyển tiếp ép buộc của người Pháp. Ông lượm lặt những câu ca dao, tục ngữ để làm chứng dẫn về cuộc sống thường nhật ảnh hưởng đến tâm tình của một người dân quê trung châu sông Hồng được ông gọi điển hình là Nguyễn, họ thông thường nhất của dân Việt. Chứng dẫn được trải dài từ lúc Nguyễn còn là cậu bé 7, 8 tuổi theo thấy đồ học Tam tự kinh, lớn một chút chăn trâu thổi sáo trong đồng, đến lúc thành chức việc làng ngồi ở chốn đình trung. Rồi không phải chỉ qua ca dao tục ngữ, nhân tiện ông cũng mở rộng kể về sinh hoạt đình, hội làng, cả đến một vài chi tiết lạ, theo ông, là những tục lệ còn rơi rớt từ “thời trung cổ” tới nay, ví dụ như hội làng La, vào đêm cuối nam nữ, trai gái tụ tập trong đình rồi đèn đuốc tắt hết một lúc lâu mới mở lại. Một tục lệ như thế thật không có gì trái lẽ hơn với đạo đức thanh giáo mà xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng từ lâu – và có lẽ cũng là trái với đạo đức thông thường của con người hiện tại. Thế mà con người vẫn được nhận xét là trầm mặc, kín đáo, không tránh khỏi lời chê cao ngạo, con người nho như một bậc quân tử, tây như một gentleman, con người đó sao lại chú ý – không những chú ý mà còn ghi chép, phát biểu về một thói tục “bậy bạ” chốn nhà quê, điều hơi khác thường ấy là bởi đâu?
                Cái “bậy” là của phạm trù đạo đức, cái “lạ” là của phạm trù khoa học, Phạm Quỳnh biết phân biệt rõ ràng, điều ấy chắc chúng ta phải tìm nguyên nhân từ những năm tháng phục vụ ở Trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ vậy.

                (Đọc trong Ngày Phạm Quỳnh, tổ chức ở Westminster, Califormia, theo yêu cầu của Gia đình Phạm Quỳnh, không nhớ ngày nào),

                NHỮNG VẤN ĐỀ KHÔNG CẦN BÀN CÃI NHIỀU 

                 
                http://www.tachidaitruong.com/PQuynh.pdf
                #8
                  Như Ý P 03.02.2009 13:02:20 (permalink)
                  6
                  NHỮNG VẤN ĐỀ KHÔNG CẦN BÀN CÃI NHIỀU

                  Sự tranh chấp giữa hai nhà họ Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Miêu hẳn không gây thành một vấn đề lịch sử gay gắt nếu nó xuất hiện vào thời xa xưa, không được nối kết với thời hiện đại đầy mâu thuẫn, nhiều chữ-nghĩa và trở thành toàn cầu như ngày nay.

                  5

                  Nhà Hồ chịu tiếng soán đoạt Trần trong suốt 6 thế kỉ – dù rằng Trần cũng cướp ngôi Lí như ai. Nhà Mạc cũng chịu chung số phận gần 5 thế kỉ vì cướp ngôi Lê. Chỉ có Tây Sơn mới có hơn một thế kỉ đã được phục hồi thành một triều đại ngang ngửa trong lịch sử Việt Nam nhờ tình hình thế giới hoá qua một dấu vết đau thương là Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp khiến quan niệm chính thống về vương quyền phải suy tàn theo thế nước. Chính ông giáo Tây học Trần Trọng Kim là người đã đem Tây Sơn thoát vòng “nguỵ” để làm đà cho những bước vinh quang tiếp theo. Chiến tranh tuy bị thù ghét bởi những người nằm trong biến cố nhưng vẫn có hấp lực để người ta vẽ ra những hình ảnh chiến thắng huy hoàng mà người cầm đầu, trong trường hợp này là nhân vật nổi bật của Tây Sơn, Quang Trung Nguyễn Huệ, được hưởng không biết bao nhiêu lời ca tụng từ mọi phe phía, dẫn đến sự thần thánh hoá cả phong trào nhằm mục đích tuyên dương công tích người cầm quyền hiện đại. Điều này thì lại đến với một chính quyền trong thời đại giải thực sau Thế chiến thứ hai của Việt Nam, đi theo một chủ nghĩa xã hội mang tính cách tranh đấu giai cấp tuy cũng bắt đầu ở trời Tây nhưng đã được Đông phương hoá, xuôi chiều Bắc Nam, lặp lại thế tương tranh vương hoá như ngày xưa theo thời đại mới.

                  Thế là tình hình đảo ngược hẳn dưới mắt người viết sử mới. Theo họ, “phong trào nông dân thế kỉ XVIII rất mạnh, rất oanh liệt, rất sáng tạo: vị lãnh tụ nông dân ‘áo vải cờ đào’ Nguyễn Huệ là một anh hùng dân tộc vĩ đại”. “Nhưng, cuộc nổi dậy vô cùng oanh liệt của nhân dân cuối cùng đã thất bại. Một chế độ phong kiến cực kì phản động – triều Nguyễn, phục hồi với sự giúp đỡ của tư bản Pháp. Tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn là thủ phạm dẫn đường cho chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm lược đất nước.” Có thể tìm thấy không biết bao nhiêu ý kiến ca tụng Tây Sơn, mạt sát nhà Nguyễn (khởi đầu với Gia Long Nguyễn Ánh) như thế trong quyển sử chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, quyển Lịch sử Việt Nam tập I, năm 1971. Lịch sử được hướng dẫn như thế đã được giảng dạy trong nhà trường, tuyên truyền trong quần chúng, và lan khắp cả nước sau chiến thắng 1975. Sự kiện lịch sử trở thành phương tiện đưa đẩy chủ thuyết không những chỉ phủ dụ được quần chúng cả tin, làm căn cứ lí luận cho sử gia sử thần mới mà còn ảnh hưởng đến một vài học giả ngoại quốc nữa. Tất nhiên là với thời gian sẽ có sự điều chỉnh, nhưng với thói quen sợ mất mặt quyền bính, các ý tưởng quá khích sẽ được lờ đi, không nhắc tới nữa mà để cho trôi vào quên lãng, trong lúc các phản biện thập thò xuất hiện, không đủ sức khuynh đảo thành kiến đã được định hình.

                  Một trong những luận cứ ngang ngược nhất – bởi vì vô lí nhất mà được sử dụng cả quyền bính để bênh vực trong một thời gian dài, là chính Tây Sơn Nguyễn Huệ chứ không phải Gia Long Nguyễn Ánh thống nhất đất nước. Áp lực trên phe phản bác không được quyết liệt vì không với tới thân xác kẻ đối nghịch như sau 1975, nhưng cũng đã gay gắt với sự tham gia của Tổng bí thư Trường Chinh vào lúc khởi đầu trong vụ tranh cãi đấm-gió hồi thập niên 60 giữa ông Cách mạng Tây Sơn (tên quyển sách) Văn Tân và ông giáo sư Đại học Huế, ông bảo hoàng Nguyễn Phương, người, trong riêng tư, ghét Tây Sơn không để đâu cho hết.

                  http://www.tachidaitruong.com/PQuynh.pdf

                  #9
                    Như Ý P 05.02.2009 10:23:02 (permalink)

                    7
                     
                    Ngay sự tham gia của quyền lực đã chứng tỏ được sự yếu thế của luận cứ. Phe cho rằng Tây Sơn, cụ thể riêng biệt là Nguyễn Huệ, đã thống nhất đất nước thì căn cứ vào các trận chiến thắng từ Nam ra Bắc, đậm nét ưa thích của thời đại là các trận chống quân ngoại quốc (Rạch Gầm, Đống Đa). Căn cứ của luận điểm này phát xuất từ trong tinh thần kháng chiến chống Pháp của dân chúng, và được chính quyền VNDCCH khai thác làm đà cho cuộc chiến “chống Mĩ” tiếp theo mà các sử gia mới phụ hoạ một cách nồng nhiệt trong các biên khảo chồng chất. Sự việc rõ rệt khiến học giả ngoại quốc vẫn nhận ra. (Xem Patricia Pelley, “The History of Resistance and the Resistance to History in Post-Colonial Construction of the Past” trong Essays into Vietnamese Past, K. W. Taylor and J. K. Whitmore, eds, Cornell University, 1995, 222-245.) Tuy nhiên việc “thống nhất” của Tây Sơn đó không xảy ra cùng một thời điểm để có thể gọi là “gồm một trong tay”. Thắng trận Rạch Gầm Xoài Mút, đuổi Nguyễn Ánh chạy sang Bangkok thì vẫn còn chính quyền Lê Trịnh ngoài Bắc. Ra Bắc dẹp Trịnh chỉ với nghĩa tôn phù nhà Lê, thì còn Lê: Ý nghĩa thống nhất lúc này chỉ có giá trị với với Lê thần, được biểu hiện trong đề mục Hoàng Lê nhất thống chí của dòng họ Ngô Thì. Dẹp Trịnh trở về thì Nguyễn Huệ đánh nhau với Nguyễn Nhạc, và sau đó Nguyễn Ánh lần về Gia Định, đuổi Nguyễn Lữ chạy dài, không cần đến tiếp viện của Bá Đa Lộc. Chỉ có thống nhất đất nước thực thụ là ngày 20-7-1802, khi quân Nguyễn chiếm thành Thăng Long, sau một tháng Nguyễn Ánh trở thành Gia Long ở kinh đô thời phân tranh cũ. Điều đó là sự thật giản dị tưởng như không cần tranh cãi nếu không có ý thích riêng tư của quyền lực về sau chen vào. Còn nói rằng chính Tây Sơn đã phá vỡ phân tranh để mở đường thống nhất thì chỉ là nói gượng, vì về mặt sự kiện đơn lẻ khởi đầu, chính quân Trịnh đã tràn qua sông Gianh phá vỡ thế phân tranh trước. Và phá vỡ phân tranh không hẳn phải đi đến thống nhất. Chứng cớ nơi Trịnh co cụm ở Phú Xuân và có sự phân tranh tiếp theo của anh em Tây Sơn vào hồi còn chính quyền Lê ngoài Bắc. Một vấn đề giả định như thế đương nhiên không phải là vấn đề sử học.

                    Sự phủ nhận vai trò thống nhất của Nguyễn Ánh thật ra cũng nằm trong ác cảm đối với ông về việc người Pháp xâm lăng Việt Nam, làm hạ giá trị của ông trước lịch sử. Câu trích dẫn trên trong quyển Lịch sử Việt Nam I chứng tỏ điều đó. Và điều này thì cũng từ lỗi đầu tiên của người Pháp. Chiếm được Việt Nam bằng quân sự tuy đã thành công nhưng họ cũng tìm cách biện minh rằng có sự liên hệ mật thiết từ lâu của nước họ và nước Việt thông qua những giao kết trên tầng cấp cao, những giúp đỡ của các cá nhân, phe nhóm xây dựng nên sự thành công của triều đại Việt. Hiệp ước Versailles 1787 được lôi ra, ông Hoàng tử Cảnh bé nhỏ ở kinh đô Pháp như một dấu hiệu tội nghiệp dễ thương, ông Bá Đa Lộc cương quyết được nhắc nhở, đặt tên đường, tên trường... Rồi tiếp theo sau hồi gãy đổ, để vùi lấp sự chiếm đóng là “quan ba tàu bay Đỗ Hữu Vị” của Thế chiến I, là sự so sánh bà Thánh Jeanne d’Arc với Hai Bà Trưng...
                     
                    Sự viện dẫn lịch sử có dụng ý làm họ không nhắc những điều bất lợi: bản hiệp ước Versailles không thi hành được vì vua Pháp mắc nạn Cách Mạng, ông Giám mục cầu viện cay đắng hục hặc với đại diện chính quyền Pháp ở Ấn Độ, trở về Vũng Tàu, bước lên bờ chỉ được một mớ thuốc súng của ông chủ tàu tặng Hoàng tử Cảnh để cho cậu bé “không có dáng trở về tay không và để làm vui lòng Giám mục đã tỏ vẻ ước muốn chúng lắm.” Vậy thì hiệp ước không thi hành được. Chỉ còn kết tội về ý tưởng cầu viện ngoại quốc.
                     
                    http://www.tachidaitruong.com/PQuynh.pNgay

                    #10
                      Như Ý P 05.02.2009 10:29:21 (permalink)

                      TRƯỜNG VIỄN ĐÔNG BÁC CỔ
                       
                       
                      Viện Viễn Đông Bác cổ
                       
                      Viện Viễn Đông Bác cổ (tiếng Pháp: École française d'Extrême-Orient, viết tắt EFEO) là một trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học, chủ yếu trên thực địa. Tiền thân là Phái đoàn Khảo cổ tại Đông Dương từ năm 1898 và chính thức thành lập với tên gọi Viện Viễn Đông Bác cổ ngày 20 tháng 1 năm 1900, Viện có nhiệm vụ nghiên cứu, khai quật khảo cổ trên toàn bán đảo Đông Dương. Trụ sở đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Sài Gòn, Việt Nam trong ngày đầu thành lập năm 1900, tới năm 1902 Viện dời ra Hà Nội. Do chiến tranh, năm 1957, Viện phải rời Hà Nội tới Campuchia, sau đó lại rời Phnom Penh về Paris năm 1975. Hiện nay, Viện Viễn Đông Bác cổ thuộc Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu Pháp, có 17 trung tâm nghiên cứu tại 12 quốc gia châu Á.
                       
                      ......
                       
                      http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_Vi%E1%BB%85n_%C4%90%C3%B4ng_B%C3%A1c_c%E1%BB%95
                       
                      #11
                        Như Ý P 06.02.2009 11:58:36 (permalink)
                        . 8
                        . 9
                        10
                        Nhưng hãy xét về phía đối nghịch mà người ta muốn phong thần. Tây Sơn cũng có cầu viện ngoại quốc mà không thành công. Nguyễn Nhạc cầu cạnh phái viên Chapman của người Anh, hứa đổi một thương điếm để họ đến buôn bán, một linh mục Tây Ban Nha được Nguyễn Nhạc cấp giấy cho phép truyền đạo vì hứa cuội sẽ mang súng đạn viện trợ. Và điều đó không phải chỉ xảy ra lúc khởi đầu, hay ở trong vùng của ông “vua già cầu yên tạm bợ” Nguyễn Nhạc. Trong vùng thuộc quyền Nguyễn Huệ, người ta cũng nài nỉ phái đoàn Macartney (1792) giúp thuốc đạn súng ống. Ngày trước, trong thời phân tranh, Trịnh Nguyễn từng cầu viện Hoà Lan, Bồ Đào Nha để có khả năng hay lực lượng chống đánh phe địch mà “thống nhất” đất nước. Vấn đề không nằm ở “tội” của phe nào mà chỉ là sự lượng giá từ người đương quyền về tình hình thực tiễn của thời đại mà thôi. Giá người đời nay chê trách người xưa mà không dùng đến kế sách ấy mới là phải lẽ vậy. Sự tiếp thu được nhân lực, kĩ thuật của Tây phương dẫn đến sự thành công của Nguyễn Ánh là do nhiều yếu tố, trong đó không phải là không có nhược điểm của phía Tây Sơn. Và bàn về điều này thì e phải viết một quyển sách nữa, quyển sách tuy vẫn chưa hoàn hảo nhưng cũng loại bỏ được tính cách sử thần nơi các sử gia thời mới.

                        Và lại còn chuyện trả thù. Thắng trận, Nguyễn Ánh cho xử hình vua tướng Tây Sơn theo một cung cách kinh khiếp đối với người thời nay mà chúng ta còn biết được nhờ giáo sĩ de La Bissachère hỏi dò và ghi lại. Dù là cố giữ tinh thần không phe phía, người ta vẫn thấy xúc động với cảnh cô bé hoảng hốt kêu khi thấy con voi cuốn vòi xông tới: “Mẹ ơi cứu con!” để viên nữ tướng ngậm ngùi: “Đến thân mẹ còn không giữ nổi, làm sao cứu con?” Có được chi tiết như thế để cho lịch sử không chỉ là những dòng chữ ghi chép khô khan, lạnh lùng, là nhờ ông giáo sĩ tò mò chuyện đời-thường, nhưng chúng ta cũng biết được thêm rằng đến 20 năm sau (1831), con cháu Nguyễn Nhạc trốn trên vùng người Thượng mới bị bắt đem về xử hình, tuyệt dòng Tây Sơn. Còn chuyện đào mả ba anh em Tây Sơn, lấy sọ xiềng trong ngục thì lưu lại ở Kinh đô Huế với cái Ngục Ông Sọ chỉ mất tên trong biến loạn Thất thủ kinh thành trong tay ngưới Pháp. Cứ nghĩ một trong ba cái sọ nằm lăn lóc trên nền đất tối tăm lạnh lẽo đó, một thời đính theo thân một người từng tung hoành giữa ba quân khiến Xiêm “sợ Tây Sơn như sợ cọp”, khiến vùng biên giới về phía Trung Quốc vắng bóng người sau trận Đống Đa! [2008: Lòng tôn sùng Quang Trung do nhà nước mới đề cao với mục đích chính trị, đến nay tuy đã phai lạt ý hướng ban đầu, đã rẽ hướng hợp lí hơn nhưng vẫn còn trong dòng chủ đích phục vụ cũ nên đã dẫn đến những bài “nghiên cứu” có thể nói là thuộc loại tệ hại, như tin tức loan truyền sơ sài về một hội nghị Tây Sơn ở Huế trong năm này, có các bài tham luận cho rằng chuyện Gia Long tìm được mả Quang Trung để đào lên trị tội là không đúng – Gia Long không tìm được mả Quang Trung! Thật tội nghiệp cho cho những người có thiện chí đi vào con đường nghiên cứu!]

                        Nhà Nguyễn không giấu chuyện tàn sát kẻ “nguỵ”, coi đó là lẽ đương nhiên tự quyền uy mà có, do tính cách chính thống mang tự bản thân dòng họ, được củng cố bằng chiến thắng sau bao nhiêu năm gian khổ phục hồi. Nhưng với thời mới, khi thay chữ “chính thống” bằng “chính nghĩa” theo sự sắp xếp bậc thang giá trị mới thì người ta lại coi hành vi trả thù kia là thấp kém, hèn hạ. Thêm một vấn đề đáng lí không phải tranh cãi. Xét theo sự tranh chấp riêng tư thì dòng chính chúa Nguyễn đã từng suýt bị tuyệt diệt, chỉ còn sót một cậu bé trốn chui nhủi, chịu tủi nhục để may ra trả được thù sau này. Về việc đào mả thì Nguyễn Huệ cũng từng làm đối với dòng họ Nguyễn. Trần Văn Kỉ còn đó để sau này theo về Nguyễn Ánh thuật lại tâng công. Vấn đề gợi nên ở đây đòi hỏi một tinh thần sử học tinh tế hơn, tuy nhiên vẫn không có gì phải cực nhọc trí óc lắm.

                        Lí lẽ rất là giản dị mà người ta cứ hay quên, hay cố tình quên. Khoa địa lí phong thuỷ nay lan qua tận xứ Mĩ, đã dạy rằng khi sống nên tìm lấy một miếng đất sao cho sau khi chết chôn đi thì con cháu sẽ phát vương phát tướng, hay ít ra là phát tài phát lộc, đừng phải đi ăn mày ăn xin khắp bàn dân thiên hạ. Có chuyện ông Tả Ao nổi tiếng về khoa để mả cho người, chắc cũng nhắm sẵn cho mình một chỗ nhưng không dám nói với ai vì sợ tranh mất, đến khi sắp chết, bảo con cháu khiêng đi chôn, thấy không kịp liền chỉ một miếng đất bên đường có cơ hưởng được cúng tế của làng, có còn hơn không! Vậy thì anh em Tây Sơn chắc không phải để cho ai muốn chôn mình ở đâu thì chôn. Đám cận thần tha hồ trổ tài nhắm vào các huyệt đạo phát tích đế vương. Thế thì Nguyễn Ánh có chịu để mấy các xác nằm đó chờ đợi ngày kết phát không? Ngược lại, Nguyễn Huệ truy bức dòng chúa cũ, có không nghe lời cận thần xin đào mả các chúa trước để triệt đường thành công mà dấu hiệu là một tên đang nổi lên ở phương Nam đe doạ cơ nghiệp mình hay không? Vấn đề giản dị như thế, người bình thường hay quên không nói làm gì, đến các nhà nghiên cứu sử học mà vẫn mù mờ thì thật là khó hiểu.

                        Các vấn đề tranh cãi đặt ra nguyên nhân chỉ vì lấy tâm tình hiện đại xét người xưa rồi muốn quá khứ phải theo ý riêng của mình. Người xưa sống trong hiện tại của họ, có cách khu xử của tâm tình đương thời, của tình thế họ phải ứng phó mong đạt đến mức tối ưu nếu đó là trường hợp của các tay lãnh đạo. Quá khứ là điều không thể cải sửa, lại không thể dựng lại y nguyên nhưng có thể trình bày như cũ trong mức khả năng tối đa của người sau. Ở Gia Định, Nguyễn Ánh không bắt tội Võ Văn Lượng ngang tàng kiểu Nam Kì: “Ai lại làm tướng mà đi lạy đàn bà (vợ Nguyễn Ánh)”. Hay giấu tên người tâu xin giết Bá Đa Lộc: “Bây giờ đang lúc cần người”.
                         
                        Có một viên tướng địch về hàng, sau khi thử thách liền phong ngay chức Bình Tây Tướng quân trong một chiến dịch quan trọng. Triều Gia Long nhốn nháo người trung thành kiểu “tòng vong Vọng Các” thời ba đào gian truân, với các quan viên Lê Trịnh đầu hàng lâu hay mới theo khi quân đến, với tướng Tây Sơn trong chiến tranh chạy qua chạy lại... Và im lìm phục vụ, như Hồ Công Diệu của Nguyễn Huệ, Trần Văn Trạc của Nguyễn Nhạc, hay nổi bật như Phan Huy Ích sau này viết Chiếu tuyên cáo quốc hiệu cho Gia Long. Tuy vậy không phải là đã được yên thân. Danh sĩ Bắc Hà Nguyễn Viên dâng sớ từ chức vì không chịu ngồi chung với bọn người chạy qua chạy lại mất phẩm chất. Đặng Trần Thường chê bai lệnh nguyên suý: “(Lê) Chất mà ‘bình Tây’ thì ai bình Chất?” Nhưng rốt lại vì tình hình thực tế mà chính ông danh sĩ Bắc Hà theo quân từ hồi chúa còn lận đận đã phải tội chết, ít nhiều gì cũng bởi quyền uy của tên nguỵ mới về hàng. Đọc sách với một tinh thần bình thản chút xíu thì thấy ngay việc đời, lịch sử không thể lược giản trong một vài câu khẩu hiệu ngắn ngủn được.
                         
                        Những vấn đề không đáng nêu ra để tranh luận kia thật ra không phải là vấn đề sử học. Sự tranh luận có gốc gác nằm trong thói quen luận cổ suy kim vướng víu của quá khứ, chưa kể đến tính chất phe phía bình thường. Thế mà những vấn đề nêu trên lại trở thành vấn đề sử học chỉ vì như chúng ta đã nói, thời đại mới đưa đến một lớp sử gia nặng tính chất phe phía, vừa bởi có sự khích động của thời đại, vừa được hướng dẫn bởi chủ thuyết có sự hiện diện của một quyền bính lôi sử gia về thời sử thần ngày xưa. Áp lực đối với sử gia hiện đại còn nặng nề hơn với sử thần xưa nữa. Vì thật ra tuy sử quan Nguyễn tuân theo khuôn khổ trung quân, đã đặt Tây Sơn vào vai trò “nguỵ” trong một “quyển” 30 riêng biệt của Chính biên liệt truyện, và cũng từng nặng lời với các tên “đầu sỏ” nhưng họ không bỏ qua những ưu điểm của kẻ địch, không dìm những lời tán tụng của người cùng phe trong các trường hợp nhận xét về phe nguỵ. Họ nhận xét Nguyễn Huệ “tiếng nói như chuông lớn, mắt sáng như chớp... ai cũng sợ cả”! Và họ cũng không ngần ngại ghi lời thuộc hạ can gián Nguyễn Ánh ngay trong lúc đang tranh chiến, nghĩa là lúc thù hằn lên tột đỉnh, lúc dễ ngăn chặn những lời “làm lợi cho địch” như người đời bây giờ có thể viện dẫn ra: “ Kẻ kia Nhạc Huệ, anh em từ dân áo vải, không đất cắm dùi, vươn tay hô một tiếng người theo có cả vạn, không đầy 5, 6 năm có được đất nước...”

                        Ít ra thì trong trường hợp này ta cũng có bằng cớ để nói về ưu điểm của sử quan xưa, so với người thời bây giờ, hoặc bởi dua nịnh thời thế, hoặc do sự bất lực của chính mình, đã gán cho các nhân vật lịch sử những tội trạng, những thói hư tật xấu họ không hề có, hay vốn chỉ là chuyện bình thường của đương thời, của quá khứ mà người nay không hiểu ra trong lúc cứ muốn đóng vai trò phẩm bình Xuân Thu với những kẻ không trả lời được.

                        New Year 2002
                        Nội san của Hoàng tộc Nguyễn Phước hải ngoại, California 2002 10
                         
                        http://www.tachidaitruong.com/PQuynh.pdf
                        #12
                          Như Ý P 16.03.2009 11:04:16 (permalink)

                          'Đó là mong muốn của gia đình'


                          Quốc Phương
                          BBCVietnamese.com
                           


                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên năm nay đã 80 tuổi ta.
                           

                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên, trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho BBC Việt ngữ hôm 13/03/2009, cho biết tới nay gia đình ôngvẫn luôn mong muốn có một tuyên bố sửa sai chính thức về cái chết của thân phụ ông, học giả Phạm Quỳnh (1892-1945), người đã bị cách mạng hành quyết chỉ vài ngày sau khi Tuyên ngôn Độc lập được đọc ở Hà Nội, hôm 2/9/1945.
                           
                          "Đó là mong muốn thôi, còn bây giờ các vị đang lo chuyện kinh tế với các thứ nhiều quá, không biết là đến bao giờ. Nhưng cái quý nhất là có một chỗ đứng trong lòng công chúng, nhân dân và những người làm văn hoá," tác giả của nhiều bài hát thiếu nhi và ca khúc thuộc dòng nhạc 'chính thống' trong nước nói.
                           
                          "Có những nỗi oan trong lịch sử nhiều khi phải hàng trăm năm mới giải toả, giải thoát được,"người con trai thứ chín Phạm Quỳnh, năm nay đã ở tuổi 79, mượn một châm ngôn của một học giả phương Tây để nói về thân phận của thân phụ ông.
                           
                          Sau đây, mời quý vị theo dõi nội dung cuộc trao đổi giữa BBC và nhạc sỹ Phạm Tuyên, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, mà ở phần đầu, ông kể về dự định âm nhạc cuối đời của mình, cùng kỷ niệm sáng tác ca khúc nổi tiếng "Chiến đấu vì độc lập tự do" được phổ biến ngay sau đêm xảy ra Chiến tranh Biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, hôm 17/2/1979.
                           
                          'ẤU TRĨ MỘT THỜI'


                          Nhạc sỹ cho rằng ca từ nhạc thiếu nhi không nên răn dạy trẻ nhiều quá.
                           
                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Gần đây, tôi động viên nhiều người quan tâm hơn nữa đến âm nhạc cho trẻ con. Vì rằng gần đây, nhiều nhạc sỹ trẻ rất ít quan tâm tới nhạc cho trẻ em. Trong khi trẻ em lại rất cần âm nhạc. Tôi quan tâm nhiều đến lứa tuổi này, vì ở tuổi này, trẻ em vừa chơi vừa học, vừa học vừa chơi. Nếu mình đưa nhiều điều răn dạy vào đó thì con trẻ không thích lắm. Trẻ em phải chơi, chơi có định hướng.
                           
                          BBC: Liệu ca từ cho thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay có giảm đi những nội dung ca ngợi đảng, nhà nước và lãnh tụ như trước đây không, thưa ông?
                           
                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Cái đó thuộc về một thời kỳ lịch sử trước đây rồi. Bây giờ nhạc thiếu nhi nên đi vào đời sống của thiếu nhi hiện nay thì hơn. Làm sao để các em tìm thấy niềm vui khi các em được ca hát, vui chơi bổ ích. Không nên dùng những lời ca răn dạy nhiều quá, như là tụng kinh, các em sẽ không thích. Trước đây, tôi phổ những bài hát mà sau đó tôi rất bất ngờ vì trẻ em ở cả nước hát rất nhiều, như là các bài đồng dao, hay những bài như 'Bà còng đi chợ trời mưa' v.v...



                          Việc đưa lãnh tụ vào các bài hát thiếu nhi, tôi cho là cái ấu trĩ của thời đầu tiên thôi

                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên
                          Việc đưa lãnh tụ vào các bài hát thiếu nhi, tôi cho là cái ấu trĩ của thời đầu tiên thôi. Gần đây, yêu cầu của các nhà trường đối với thiếu nhi và đời sống của các em rất phong phú, nên không cần thiết và không nên răn dạy các em theo kiểu xơ cứng như thế.
                           
                          'QUÂN XÂM LƯỢC BÀNH TRƯỚNG DÃ MAN'
                           
                          BBC: Khi viết bài hát "Chiến đấu vì độc lập tự do" hồi tháng 2 năm 1979, ông đang ở đâu?
                           
                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Đó là buổi tối ngày 18/2/1979, tôi viết bài đó ngay sau khi nghe tin trên Đài phát thanh thông báo cuộc Chiến tranh Biên giới nổ ra. Tôi còn nhớ điệp khúc của bài hát là 'Việt Nam, ôi đất Việt đau thương. Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng. Mang trên mình còn lắm vết thương, người vẫn hiên ngang ra chiến trường. Để lại lẽ sống cho mọi người - 'Độc lập Tự do'. Vì Việt Nam vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh năm 1975.
                           
                          Quân Trung Quốc đánh vào Lạng Sơn năm tháng 2/1979.
                           
                          Tôi cũng hơi bất ngờ vì bài hát vừa phát trên đài được một hôm, thì mấy ngày sau, anh em ở trong Tây Nguyên, trong miền Nam gọi ra nói họ rất xúc động khi nghe bài hát. Bài hát truyền bá đi rất nhanh.
                           
                          BBC: Ông cảm thấy như thế nào khi nghe tin Trung Quốc tấn công Việt Nam hôm rạng sáng 17/2?
                           
                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Tôi cũng rất bất ngờ. Mình vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh thì mấy anh em bộ đội lại phải lên biên giới phía Bắc để bảo vệ Tổ Quốc. Cảm xúc rất tự nhiên đến và phải nói cảm xúc đó là của đông đảo mọi người Việt Nam lúc ấy. Gần đây, một Nhà xuất bản thuộc bên Quân đội có yêu cầu tôi sửa lại ca từ bài này để đưa vào một tập các ca khúc qua các giai đoạn lịch sử, nhưng tôi đã từ chối.



                          Họ đề nghị sữa chữ 'quân xâm lược bành trước dã man' để đỡ căng thẳng và phù hợp với hoàn cảnh mới

                          Phạm Tuyên
                           
                          BBC: Họ đã yêu cầu sửa đoạn nào và vì sao, thưa ông?

                           

                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Đó là đoạn tôi viết ''Quân xâm lược bánh trướng dã man, đã giày xéo mảnh đất tiền phương, lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp giải biên cương." Họ đề nghị sữa chữ 'quân xâm lược bành trướng dã man' để đỡ căng thẳng và phù hợp với hoàn cảnh mới. Tôi trả lời họ là bài đó ở một giai đoạn lịch sử nhất định, các anh có thể không dùng cũng được, nhưng tôi không thể sửa.
                           
                          SỬA SAI CHÍNH THỨC
                           

                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên với di cảo của thân phụ.
                           
                          BBC: Thời gian qua chúng tôi thấy có nhiều sách vở của Cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh được in ấn, tái bản ở Việt Nam, tới nay số đầu sách đã xuất bản chiếm bao nhiêu phần so với tổng số công trình của thân phụ ông?
                           
                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Chúng tôi rất cảm động vì từ đầu năm 2000 tới nay, lần lượt nhiều nhà xuất bản lớn từ Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh, hay Sài Gòn, tìm và in lại các công trình của ông Cụ tôi. Tập Thượng Chi Văn Tập trước đây là 5 tập. Nay được in gộp lại thành một tập rất dày, năm 2006. Sau đó, họ in tiếp các tập luận giải văn học, triết học, Pháp du hành trình nhật ký v.v... Toàn là các nhà xuất bản lớn như NXB Hội Nhà văn, NXB Văn học, Trung tâm Văn hoá Đông Tây, NXB Tri thức... Báo chí thì đăng và đăng lại rất nhiều, như Tết thì đăng các bài ông Cụ tôi viết về Tết. Từ điển văn học Việt Nam, cuốn mới nhất cũng viết về ông Cụ. Tôi cho rằng quan trọng nhất là các tác phẩm đó được đời sống đánh giá là tốt.



                          Thế nhưng ở trong Huế, nó đã manh động làm cái việc ngoài ý muốn của cụ Hồ

                          Phạm Tuyên
                          BBC: Tới nay đã có một tuyên bố hay động thái chính thức nào của Nhà nước Việt Nam sửa sai trong vụ việc hành quyết Cụ Phạm Quỳnh?
                           
                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Tôi nghĩ là sẽ một lúc nào đấy. Nhưng cái đó là do khách quan thôi. Nhưng cũng xin thưa với bạn, cái mà tôi quý nhất là tấm lòng của những nhà văn hoá, những nhà làm sử Việt Nam. Có thể họ không nói ra, nhưng khi cần, người ta bộc lộ những thái độ rất rõ ràng. Những tạp chí Tôn giáo và Dân tộc ở Sài Gòn, Nghiên cứu và Phát triển ở Huế, tạp chí Huế Xưa và Nay, bài viết của một số tác giả trong đó, đối với gia đình là một sự động viên rất lớn. Người ta viết rất công bằng.
                           
                          BBC: Về phía đại gia đình của ông, ở trong cũng như ngoài nước, cũng như bản thân ông, có bao giờ nghĩ tới việc yêu cầu Nhà nước Việt Nam có một tuyên bố sửa sai chính thức đối với Cụ Phạm Quỳnh hay không?
                           


                          Thượng thư Phạm Quỳnh từng chủ bút tờ Nam Phong tạp chí từ 1917-1932.
                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Đó là mong muốn thôi, còn bây giờ các vị đang lo chuyện kinh tế với các thứ nhiều quá, không biết là đến bao giờ. Nhưng cái quý nhất là có một chỗ đứng trong lòng công chúng, nhân dân và những người làm văn hoá, thì cái đó là phần thưởng lớn nhất.
                          'CÂU CHUYỆN TẾ NHỊ'
                           
                          BBC: Nghe nói là cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một thông điệp nhắn gửi tới gia đình ông sau khi thân phụ ông mất, đánh giá tích cực về Phạm Quỳnh, mà theo các tài liệu ghi lại, ông nói: "Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo Cách mạng". Tại sao khi còn nắm quyền lực trong tay, ông lại không sửa sai ngay cho thân phụ ông?
                           
                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Đúng như thế, nhưng câu chuyện rất tế nhị. Gần đây nhà sử học, nhà văn Sơn Tùng có viết rất kỹ về quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và Phạm Quỳnh, từ hồi ở bên Pháp, cho tới sau này nữa.



                          Tôi vẫn tin rằng sẽ có một ngày có một sự giải toả nhất định

                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên
                          Ông Tùng viết rõ ràng rằng công việc đầu tiên khi Cụ Hồ về Hà Nội, ông nhờ ông Hoàng Hữu Nam "vào Huế ngay để đưa bức thư của tôi mời ông Phạm Quỳnh ra." Thế nhưng ở trong Huế, nó đã manh động làm cái việc ngoài ý muốn của cụ Hồ.
                           
                          BBC: Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao khi đó ông Hồ Chí Minh đương quyền nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ tối cao của Đảng trong một thời gian dài, đã không sửa sai ngay mà cứ đợi 'đến sau này'? Và nhiều thế hệ lãnh đạo đảng, nhà nước về sau, tới nay vẫn không ai tuyên bố chính thức sửa sai cho Phạm Quỳnh, mà rõ ràng như ông nói đó là một người yêu nước, một học giả bác học chân chính?
                           
                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Tôi có gặp nhà văn Nguyễn Đình Thi trước khi ông mất. Ông Thi có nhắc tới lời của một nhà văn phương Tây nói "Có những nỗi oan trong lịch sử nhiều khi phải mất hàng trăm năm mới giải toả, giải thoát được." Tôi nghĩ rằng trong khi đất nước còn nhiều vấn đề như thế này, có thể nhiều khi vấn đề chưa được đặt ra để giải toả cho rõ. Nhưng tôi vẫn tin rằng sẽ có một ngày có một sự giải toả nhất định.
                          Nhạc sỹ Phạm Tuyên, sinh năm 1930, là con trai thứ chín của học giả Phạm Quỳnh, nguyên thượng thư bộ bộ Học, bộ Lại (1944-1945) trong chính quyền cựu Hoàng Bảo Đại. Phạm Quỳnh là Tổng thư ký Hội khai trí tiến đức, chủ bút tờ Nam phong Tạp chí. Ông bị Việt Minh bắt giam ngày 23/3/1945 ở Huế và bị xử trảm không lâu sau đó. Quý vị có ý kiến đóng góp, xin sử dụng hộp tiện ích ở dưới đây.
                           
                          http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/2009/02/090315_pham_tuyen.shtml
                           
                          #13
                            Chuyển nhanh đến:

                            Thống kê hiện tại

                            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                            Kiểu:
                            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9