PHAN KHÔI - các tác phẩm
gương soi 04.01.2007 13:08:02 (permalink)
 .

Phan Khôi



(1887-1959)
  

Tiểu sử
theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Phan Khôi (1887-1959) là một nhà thơ, nhà văn trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, đỗ tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại cổ vũ cho phong trào Thơ mới.
Ông còn là một nhà báo tài năng, một người cổ vũ cho tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Ông cũng là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều tư tưởng mới lạ, đa văn hóa từ Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp...


Phan Khôi tại Đại hội Đảng năm 1956



Tiểu sử và hoạt động

Phan Khôi sinh năm 1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con của Phan Trân (tri phủ Điện Khánh) và là cháu của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu. Ông học giỏi Nho văn và đỗ tú tài năm 19 tuổi. Sau đó ông gặp cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh và bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của hai cụ.
Năm 1907, ông ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và làm việc cho tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo. Khi tờ tạp chí bị cấm ông về Nam Định rồi về Hải Phòng ẩn náu. Ít lâu sau ông lén về Quảng Nam hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế, ông bị bắt và giam tại nhà tù Quảng Nam đến năm 1914 thì được ân xá.
Ra khỏi tù, ông lại về Hà Nội viết cho báo Nam Phong. Vì bất bình với Phạm Quỳnh, ông bỏ Hà Nội vào Sài Gòn viết cho báo Lục Tỉnh Tân Văn. Năm 1920, ông lại trở ra Hà Nội viết cho báo Thực Nghiệp Dân Báo và báo Hữu Thanh. Năm 1928, Thực Nghiệp Dân BáoHữu Thanh bị đóng cửa, ông lại trở vào nam viết cho báo Thần ChungPhụ nữ tân văn. Năm 1931, Phan Khôi trở ra Hà Nội viết cho tờ Phụ nữ thời đàm.
Năm 1936, ông vào Huế viết cho tờ Tràng An và xin được phép xuất bản báo Sông Hương. Năm 1939, Sông Hương đóng cửa, Phan Khôi lại trở vào Sài Gòn dạy học chữ Nho và viết tiểu thuyết. Sau năm 1945, tức sau Cách mạng tháng Tám, ông được chủ tịch Hồ Chí Minh mời từ Quảng Nam ra Hà Nội tham gia kháng chiến với cương vị một nhà văn hóa. Ông ở Việt Bắc suốt 9 năm nhưng vì bị bệnh nên phải vào bệnh viện một thời gian. Cuối năm 1954 hòa bình lập lại, Phan Khôi về Hà Nội cùng với các văn nghệ sĩ khác. Trong thời gian 1956-57, là một trong những người thành lập tờ Nhân Văn và có các bài phê phán giới lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ, ông bị cấm sáng tác cho đến khi qua đời năm 1959 tại Hà Nội.

Tác phẩm
Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, ông từng làm giám khảo trong các giải văn học của hội nhà văn Việt Nam.
Các tác phẩm chính của ông đã in thành sách:
  • Chương Dân thi thoại (1936)
  • Trở vỏ lửa ra (1939)
  • Việt ngữ nghiên cứu (1955)
  • Tình già (thơ mới - 1932)
  • Bàn về tế giao (1918)
  • Ngẫu cảm (thơ chữ Hán)
  • Viếng mộ ông Lê Chấu (thơ chữ Hán)
  • Ông Năm chuột (truyện ngắn) 
     Liên kết ngoài
  • Tác giả Phan Khôi (talawas.org)
  • Thơ Phan Khôi trên Thi viện
  • Tìm lại tác giả Phan Khôi(BBC)
  • Phan Khôi trên trang Xứ Quảng
  • Tìm lại chân dung một nhà báo hàng đầu Việt Nam
  • Thanh niên với tổ quốc
  • Cái ác ý Bởi nghề Nghiệp

      http://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Kh%C3%B4i
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2007 23:19:51 bởi gương soi >
    • #1
        gương soi 04.01.2007 14:17:01 (permalink)
        .
         
        Phan Khôi
        Cách mạng giả
         
         
        Thế giới bất cứ nước nào, hễ đã là nước bị đè nén, thì những người cách mạng tất được nhân dân yêu thương và kính mến.

        Vì rằng những người cách mạng là những người đã hao tâm huyết, mòn trí não, chẳng quản đắng cay cực khổ, đặng tìm cách mà cứu dân ra khỏi vòng lửa nóng nước sôi. Như vậy, biểu nhân dân không hoan nghinh sao được?

        Song ở trên đời, chẳng có vật chi mà không có thứ giả; mà càng những vật quý mắc, nhiều người ưa chuộng, thì thứ giả càng nhiều. Cũng vì nhân dân mấy nước bị áp bách hay hoan nghinh những nhà cách mạng, cho nên những kẻ gian ngoan quỷ quyệt thường hay mượn con đường cách mạng đặng làm cái thang làm giàu làm sang. Như ở nước Tàu, từ hồi có phong trào cách mạng đến nay, hạng cách mạng thiệt cũng nhiều, mà hạng cách mạng giả cũng chẳng ít.

        Nhơn đọc báo Tàu thấy có bài "Ngụy cách mạng" nói về sự cách mạng giả nhiều chỗ lý thú, tuy rằng bài nầy cũng vì hồi nầy các nhà đại cách mạng của Tàu đánh lộn lung tung mà viết ra, nhưng mà rất nhằm với sự thiệt; bài đó đại ý như vầy:

        "Bọn quân phiệt mới trước khi tội ác chưa tỏ, họ cũng mở miệng thì chê kẻ khác là cách mạng giả, tự nhận mình là cách mạng thiệt. Vì rằng nếu họ không dùng cái thủ đoạn ấy đặng bài trừ thế lực của phe phản đối với mình, thì không được dân chúng tin cậy. Cái vở tuồng đó đã diễn nhiều lần rồi, đó cũng như tiệm bán thuốc làm quảng cáo, thường thường hay nói "Mới có bọn vô sỉ, giả mạo dấu hiệu của bổn hiệu..." Kỳ thiệt thì chẳng có kẻ nào giả mạo, vì rằng kẻ nào cũng như kẻ nào.

        Những kẻ cách mạng giả dối họ cũng khéo làm quảng cáo lắm, khéo hơn những tiệm bán thuốc kia nhiều. Vì thế mà trước khi cái dã tâm của họ chưa phát hiện ra thì nhân dân rất dễ bị gạt.

        Muốn khỏi bị gạt thì nên xét rằng: Nếu là người cách mạng thiệt, thì tất nhiên quên hết sanh mạng, tài lợi, hạnh phước, danh dự và những việc riêng của mình, vì họ thương sanh mạng của dân cho nên họ phải quên sanh mạng của họ, vì họ trọng hạnh phúc của dân cho nên họ hy sanh hạnh phúc của họ; vì họ bị thời thế thúc giục, bị lương tâm bắt buộc, cho nên lúc nào cũng ra sức đánh nhau với hoàn cảnh. Như vậy là cách mạng thiệt, trái lại thì là cách mạng giả..."

        Cách xét đoán như vầy tuy cũng có khi phân biệt được kẻ thiệt người giả. Song mà ở đời nhiều nỗi "chẳng dè" thường thường làm cho người ta không thể giữ sau như trước, cũng có người thiệt là cách mạng thiệt, nhưng hoặc vì công việc khổ cực mà ngã lòng, hoặc vì cái mồi giàu sang nó quyến dỗ mà phải đổi chí, rồi tự nhiên vui lòng mà làm người cách mạng giả.

        Đối với thứ cách mạng nầy thì trong bài đó thí dụ như vầy:

        “Xưa có một vị thầy chùa rất đắc đạo, ngày ngày ăn chay niệm phật, khuyên người chừa sát sanh. Một bữa vị thầy chùa đó cùng mấy đồ đệ dong ngoài chùa, thấy có con ếch nhỏ, thầy chắp tay niệm ‘A di đà phật’ và cung kính mà đi qua. Đi một quãng gặp con ếch lớn, thầy liền biểu đồ đệ mau mau bắt về hầm măng. Đồ đệ hỏi vì sao lúc nầy lại sát sanh, thì thầy đáp lại: ‘Tụng kinh phải cắt nghĩa cho thông hoạt. Ta chừa sát sanh, nghĩa là không sát những sanh vật không dùng gì được mà thôi. Con ếch này vừa béo vừa lớn, tha sao được mà chẳng sát’.

        Ấy cái tâm lý của những nhà đại cách mạng gần nay, đại khái phần nhiều như thế.”

        Những câu đó tuy họ nói riêng về nhân vật của Tàu, mà tuồng như cũng hạp với nhiều nhân vật Đại Việt Nam nhà ta.
        Kể từ khi nổi lên phong trào cách mạng đến nay, Đại Việt Nam nhà ta đã có nhiều ông cách mạng về kiểu "thầy chùa bắt ếch", có người vì cách mạng mà chức trọng quyền cao, có người vì cách mạng mà lắm tiền nhiều ruộng; ngọc đã hỗn hào, vàng thau lộn xộn, nhân dân không biết tin ai ngờ ai?
         
        Thiệt là sự đáng buồn mà đáng giận.

        Thần chung, Sài Gòn, số 98 (17.5.1929)


        Nguồn: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004
         
        http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=6099&rb=0203
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.01.2007 14:24:03 bởi gương soi >
        #2
          gương soi 06.01.2007 12:19:36 (permalink)
          .
           
          Phan Khôi
          Vấn đề cải cách   I. Muốn duy tân cải cách thì phải bắt đầu từ học thuật tư tưởng mà duy tân cải cách trước

          Hồi nầy nhằm hồi chánh phủ Đông Pháp đương sửa soạn thi hành mọi sự cải cách cho dân Việt Nam. Đến ngày nay mới nói tới chuyện cải cách, nghe thiệt quá buồn, nhưng mà muộn màng còn hơn không có, dân Việt Nam chúng ta cũng nên mừng.

          Cải cách cái gì? Nói cải cách trơn thì nghe bông lông quá. Vì nghĩ vậy nên chúng tôi chưa vội bàn về vấn đề nầy. Đợi đến khi nào các cuộc hội nghị đề khởi ra những việc gì việc gì đã, bấy giờ chúng tôi sẽ bàn tới, thì mới xác đáng và thiết thiệt hơn.

          Nhơn thấy bạn đồng nghiệp Đuốc nhà Nam vì bàn việc cải cách mà nhắc đến ông Nguyễn Trường Tộ làm cho chúng tôi cũng phải vội vã mà nói thêm mấy lời. Chúng tôi nói đây chỉ nói cái nguyên tắc (principe) của sự cải cách thế nào, chớ chưa nói đến cuộc cải cách mà chánh phủ định làm ra ở xứ ta.

          Hỏi tại làm sao mà non một thế kỷ nay các nước phương Đông ta có phát sanh ra những cái vấn đề duy tân cải cách kéo thẳng tới bây giờ? Chẳng có cớ chi khác hơn là tại có cuộc giao thông của Đông và Tây. Phương Đông gặp phương Tây, trăm sự gì cũng thua kém, người phương Đông không cải cách mà theo phương Tây thì chắc không sanh tồn nổi, cho nên phải duy tân cải cách. Ấy là bởi thế mà cũng bởi lý nữa.

          Thật như bạn đồng nghiệp Đuốc nhà Nam nói, nước ta đã có người nói chuyện cải cách sớm lắm, giữa trào Tự Đức, ngang với trào Minh Trị bên Nhựt Bổn kia, tức như ông Nguyễn Trường Tộ là một. Mà chẳng những ông Nguyễn Trường Tộ, bấy giờ lại có nhiều ông khác.

          Nhiều bức tấu sớ của Nguyễn Trường Tộ nói về chuyện cải cách mà không thi hành được, người cho rằng tại vua Tự Đức không nghe lời, tại các ông đại thần không chịu. Hỏi đến cái sở dĩ tại sao mà vua và đại thần không chịu thì người ta đều biết rằng tại bấy giờ ai nấy còn thủ cựu, không muốn duy tân.

          Thủ cựu là thế nào? Tức là giữ những tư tưởng cũ, những cái tổ truyền (traditions) xưa kìa xưa kỉa mà những cái ấy là thù địch với mọi sự mới, là trở ngại cho con đường cải cách.

          Bởi vậy, ở một nước nào mà muốn cải cách thì phải cải cách tận gốc tức là cải cách ngay từ học thuật tư tưởng, để cho tiệt cái mống thủ cựu đi rồi mới làm gì đặng. Nói rõ ra mà nghe trước phải có những học thuật tư tưởng như người Tây rồi sau mới làm được mọi công việc như người Tây.

          Các nhà cải cách của nước ta ngày xưa cho đến ngày nay nữa cũng vậy, chỉ lo cải cách cái ngọn mà không biết lo cải cách về học thuật tư tưởng.

          Hồi bấy giờ như ông Nguyễn Trường Tộ, hay là ông Phạm Phú Thứ, hay là anh em ông Lê Viện, Bắc kỳ, từ bực đại thần cho đến sĩ phu, từ hạng Tây học cho tới Hán học, cũng chỉ có một cái kiến thức giống nhau. Ông nào cũng chỉ nghĩ rằng mua tàu, mua súng, luyện binh, mọi sự gì đồi tệ chốn triều đình thì sửa sang chỉnh đốn lại, ấy là đủ giữ được nước, đủ làm cho nước được cường thạnh; còn ngoài ra sự ấy không biết cái gì khác.

          Như vậy là nghĩ lầm. Các nước Tây sở dĩ mạnh là có nhờ những lợi khí đó thật, song đó chẳng qua là cái ngọn, mà cái gốc là ở học thuật tư tưởng kia. Ngày nay có nhiều người đọc sử các nước Tây, ai cũng biết lẽ ấy rồi không cần cắt nghĩa làm chi.

          Một nước muốn cải cách mà chỉ cải cách cái ngọn, tức là về phương diện vật chất, thì sự cải cách ấy không có hiệu quả gì. Vả lại, nếu còn có những cái tư tưởng cũ nó gàn ma, thì cũng khó mà cải cách dầu là về phương diện vật chất. Theo như lời tục truyền, hồi trào Tự Đức có mấy ông đi sứ Tây về, khoe bên Tây có những đèn điện và nước máy, cả trào bèn lấy lẽ “hỏa viêm thượng thủy nhuận hạ” ra mà bẻ bác, cho là nói láo, “khi quân”, thế đủ biết rằng nếu chẳng đổi những tư tưởng cũ đi thì trong óc chẳng khi nào dung được sự cải cách duy tân vậy.

          Bấy giờ tuy không làm theo hết mọi sự cải cách của ông Nguyễn Trường Tộ hoặc của ông khác chớ cũng có thi hành một ít. Tàu và súng thì không mua được chớ cũng có của nước Pháp tặng cho, vậy mà có dùng làm gì được đâu, rốt cuộc phải đem mấy chiếc tàu qua Hương Cảng mà bán cho Ăng Lê. Còn cũng có phái học sanh đi du học ngoại quốc, song le chẳng có hiệu quả gì hết, vì ai nấy còn giữ những tư tưởng cũ, là cái không thể dung được với khoa học, với mọi công việc của người văn minh như người Pháp.

          Bây giờ mình nghĩ lại rồi tiếc, chớ nghĩ cho chín, giá hồi bấy giờ có nghe lời các nhà cải cách đó mà chỉ cải cách những cái ngọn thì rồi trăm việc cũng thành ra cẩu thả, chẳng ăn thua gì. Đừng nói mấy ông kia, ông Nguyễn Trường Tộ là nhà Tây học, sở trường khoa kiến trúc, một tay đã dựng nên mấy cái nhà thờ lớn bên nầy và bên Hương Cảng, vậy mà đến tư tưởng thì cũng còn giữ cũ, coi mấy bài sớ của ông thì biết. Đại khái ông chủ trương rằng học thuật thì vẫn y theo Khổng Mạnh, còn cái thuật phú cường thì làm theo Thái Tây. Hồi đó cho như vậy là đắc sách lắm, song bây giờ người ta biết rõ rồi, làm như vậy có được đâu?

          Bây giờ người ta biết rõ ra trong một xã hội, hễ học thuật tư tưởng hướng về mặt nào thì sự sanh hoạt cũng nghiêng chiều về mặt nấy. Phải có học thuật tư tưởng như người Tây rồi mới có sự sanh hoạt như người Tây. Còn theo học thuật tư tưởng của Khổng Mạnh, thì không đời nào phát sanh ra khoa học mà mong có những đèn điện nước máy cùng những chế độ tòa án, chế độ nghị viện được.

          Jésus-Christ nói phải lắm, ngài dạy rằng: “Không ai xé một miếng áo mới mà vá áo cũ. Nếu vậy, áo mới phải rách và cũng không xứng với áo cũ. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ. Nếu vậy, rượu mới làm nứt bầu ra; rượu chảy mất và bầu cũng phải hư đi”. Cái lẽ sờ sờ ra như vậy, sao người ta không chịu hiểu cho không biết!

          Đây chúng tôi không nói đến sự cải cách của chánh phủ hiện thời. Nói riêng về sự cải cách của người An Nam ta từ trước đến giờ, trải bao phen có những phong trào nầy phong trào khác song chưa có lần nào đả động đến học thuật tư tưởng hết. Bởi chúng tôi thấy mà ai nấy cũng thấy, những phong trào ấy phồng lên rồi xẹp xuống, chẳng cầm được vững, chẳng đỗ được bền, ấy là vì không có học thuật tư tưởng mới để làm cốt yếu như muối mặn để nêm canh.

          Do lẽ ấy, bây giờ muốn cải cách gì đó thì cải, song theo ý chúng tôi nhận cho sự cải cách về học thuật tư tưởng là cốt yếu hơn.

          Có người phân bì với nước Nhựt Bổn. Ừ được, để số tới sẽ nói chuyện cải cách ở Nhựt Bổn.


          II. Cuộc duy tân của Nhựt Bổn cũng bắt đầu từ học thuật tư tưởng mà duy tân trước

          Tiếp theo bài trước tôi lấy nước Nhựt Bổn ra làm chứng, để cho biết rằng hễ một nước mà muốn duy tân cải cách thì phải bắt đầu duy tân cải cách từ học thuật tư tưởng trước, bằng chẳng vậy thì sự duy tân cải cách không có bao giờ thành công.

          Ở nước ta đã có nhiều người biết sự cải cách là cần cho nước mình, song trong khi ấy lại cũng muốn duy trì cái học thuật tư tưởng cũ. Họ cho sự khí cựu mưu tân [1] là nguy hiểm. Cho nên trong ý họ muốn rằng về học thuật tư tưởng thì cứ theo Khổng Mạnh, còn các việc cơ xảo thì theo Tây; rồi họ nói: kìa Nhựt Bổn đó, người ta vẫn làm như vậy mà được việc. (Cái ý đây tức là cái ý của một hạng học giả nước ta hiện giờ như hai ông Trần Trọng Kim và Phạm Quỳnh; tôi nhớ hai ông nầy từng tỏ ra cái ý ấy, song trong khi viết bài nầy tôi không tìm ra nguyên văn mà trưng dẫn.)

          Như vậy thiệt là đáng buồn! Té ra cái óc của người Việt Nam ở thế kỷ XX nầy cũng chẳng khác gì cái óc hồi thế kỷ XIX! Ông Nguyễn Trường Tộ, ông Phạm Phú Thứ ở năm bảy chục năm về trước cũng đã nghĩ như vậy rồi mà có kết quả gì đâu!

          Người nước mình có một cái thông bịnh, là bàn bạc việc gì không chịu xét cho đến nơi, không chịu tìm những chứng cứ, không chịu căn cứ ở sự thiệt trên lịch sử, mà hay tóm tắt bao quát muôn việc vào trong một câu một lời. Tức như cuộc duy tân của Nhựt Bổn mà người ta cho rằng chỉ duy tân về phần vật chất còn về phần tinh thần vẫn giữ theo tinh thần cũ của Khổng Mạnh, của phương Đông, thì thật là lầm lắm, tôi chẳng biết dựa vào đâu mà nói thế.

          Chúng ta đây chẳng phải người Nhựt và cũng không ở đồng thời với cuộc duy tân hồi Minh Trị, vậy thì về việc ấy, cái chưn tướng nó thế nào, chúng ta chỉ có một cách căn cứ vào lịch sử, là chắc chắn hơn hết, chớ còn nói vu vơ ở ngoài, chẳng có giá trị gì đâu.

          Tôi đọc bộ Nhựt Bổn duy tân tam thập niên sử, thấy mở đầu ra, người ta đổ cái công duy tân ấy về cho các thầy giáo đời bấy giờ, chỉ nghĩa rằng nhờ sự giáo dục đổi mới tư tưởng của người Nhựt nên mới có cuộc duy tân ấy. Tuy vậy, hiện nay không có bộ sách ấy trong tay tôi, tôi phải lấy chứng cớ ở bộ khác.

          Hiện tôi có bộ Nhựt Bổn văn học sử, trong đó, chương VI, nói về hiện đại văn học, kể từ Minh Trị nguyên niên (1868) về sau, tuy là sách nói về văn học nước Nhựt, song kể cái phong trào tư tưởng hồi đó thật là rõ ràng dễ thấy. Lại sách nầy dầu tác giả là người Trung Quốc, mà lấy tài liệu của các bản sử người Nhựt, cho nên cũng đáng tin nữa.

          Về đoạn đó đại ý tác giả nói rằng: Cuộc duy tân của Nhựt Bổn bấy giờ thật có quan hệ với văn học, mà văn học của Nhựt Bổn lúc đó lại là một nền văn học mới, nó sản sanh ra bởi người Nhựt đã du nhập các tư tưởng của Âu - Mỹ; rồi kể ra có bốn điều cốt yếu như sau nầy:

          1. Cái tư tưởng công lợi của Âu - Mỹ. – Cái tư tưởng nầy do ông Phước Trạch Dụ Kiết (1834-1901) mở mang ra. Ông từng kêu to lên bảo phải phá hoại những văn hóa phong tục cũ, là cái chế độ phong kiến còn sót lại, phải phá hoại cái đó rồi mới kiến thiết được cái văn minh theo như các nước phương Tây. Ông có làm ra nhiều sách cổ động về tư tưởng mới, nhứt là có một cuốn nói về dùng thứ chữ gì để dạy học, thì trong đó ông biểu phải bỏ chữ Hán (Vì hồi đó Nhựt Bổn cũng trọng chữ Hán như ta thuở xưa). Đến nay người ta nhìn nhận rằng người Nhựt bấy giờ mà biết có “thiệt học” và có cái tinh thần tự do độc lập là nhờ ông.


          2. Cái tư tưởng tự do của nước Pháp. – Cái tư tưởng nầy do ông Bản Viên Thôi Trợ đề xướng. Lại có mấy ông khác nữa dịch những sách như sách Dân ước luận [2] cũng vào phái nầy. Vì họ thấy rằng sau cuộc cách mạng lớn của nước Pháp các dân tộc bên Âu châu đều khuynh hướng về dân quyền tự do, họ quyết rằng Nhựt Bổn cũng phải có cái khuynh hướng ấy thì mới làm cho nước nên mạnh được. Nhà làm sử nói rằng cái tư tưởng nầy dấy lên sau cái tư tưởng công lợi, vì có nó, lúc bấy giờ trong việc chánh trị có nhiều sự đổi thay.


          3. Cái tinh thần của Cơ đốc giáo (tức là Cứu thế giáo Christianisme), khi nói như vậy không có chia ra Cựu giáo (Catholique) và Tân giáo (Protestant). Cơ đốc giáo truyền sang Nhựt từ năm 1549, song bấy giờ chỉ như là mê tín thôi; người Nhựt thiệt biết cái tinh thần Cơ đốc giáo là từ đầu trào Minh Trị. Bấy giờ có một tín đồ của đạo ấy, tên là Tân Đảo Tương xướng lên cái thuyết lấy Cơ đốc giáo mà cảm hóa quốc dân Nhựt Bổn, nếu chẳng vậy thì không có thể đem cái tinh thần văn minh mà truyền bá cho họ. Ở Tô Kiêu hồi đó Phật giáo thạnh hành lắm; ông ấy lập tại đó một giáo hội kêu là “Đồng chí xã” để tuyên truyền cái chủ nghĩa bác ái và hy sanh của giáo chủ Jésus.


          4. Cái chủ nghĩa quốc gia của nước Đức. Ông Gia Đằng Hoằng Chi chịu cái ảnh hưởng của học giả nước Đức, làm ra sách Nhân quyền tân thuyết để phản đối lại cái tư tưởng tự do của nước Pháp đã nói trên kia. Sau đó ông lại khuynh hướng về cái học thuyết Đạt Nhĩ Văn [3] , xướng ra cái thuyết “ai mạnh nấy hơn”, tức là quốc gia chủ nghĩa về tấn hóa luận.
          Bốn cái tư tưởng chọi với nhau trong một thời đại bấy giờ, có ảnh hưởng đến chánh trị và văn học rất lớn, bây giờ bất kỳ là ai không có thể chối cãi được.

          Nhẫn lên đó, tôi lấy ở một cuốn Nhựt Bổn văn học sử mà lược dịch ra. Những cái sự thiệt ấy còn có thể đem mà tra xét lại và so sánh với các sách khác nữa. Nó là một cái chứng cớ hiển nhiên, nó là cái nhân của bao nhiêu cái quả, cuộc văn minh của Nhựt Bổn hiện thời là bởi nó mà ra; vậy mà người ta muốn từ chối cái nhân ấy đi, thế là muốn xáo bậy cả lịch sử, có đặng đâu?

          Bây giờ đây cũng có một vài người Nhựt bảo phải duy trì cựu học, bảo phải nghiên cứu đạo Khổng Mạnh, song đó là chuyện bây giờ; chớ còn 50 năm về trước, quả nhiên họ đã đánh đổ hết thảy tư tưởng cũ mà thâm nhập tư tưởng mới, cho nên sự cải cách của họ mới dễ dàng và cuộc duy tân của họ mới thành công được. Đó là tôi cứ theo lịch sử Nhựt Bổn mà nói, chẳng phải tôi nói bậy.

          Cái tình thế nước mình bây giờ đây cũng còn chẳng khác hồi Tự Đức là mấy vì mọi người cũng còn ôm chặt cái tư tưởng cũ, cho nên tôi nói rằng nếu muốn cải cách thì cũng phải làm như Nhựt Bổn, bắt đầu từ học thuật tư tưởng mà cải cách trước đi. Tiếp đây tôi còn đem cái tình hình xã hội Nhựt hồi trước mà so với ta bây giờ.


          III. Cái tình thế xã hội Nhựt Bổn còn dễ cải cách hơn xã hội ta ngày nay, cho nên ta lại phải ra sức nhiều hơn Nhựt Bổn

          Bài trước tôi đã kể rõ ra cuộc duy tân Nhựt Bổn cách 50 năm trước đây, là bắt từ học thuật tư tưởng mà cải cách; tôi đã dựa vào lịch sử Nhựt Bổn mà lấy chứng cớ rõ ràng, không phải tự tôi muốn nói chi thì nói.

          Bây giờ có nhiều người An Nam ta hay phân bì cái quốc vận của ta hồi Tự Đức với của Nhựt Bổn hồi Minh Trị, họ cho rằng nước ta gặp vận rủi, còn Nhựt Bổn gặp vận may, cho nên cuộc duy tân của họ được thành công.

          Tôi không tin cái thuyết định mạng (fatalisme), cho nên người ta nói đó tôi coi là vô giá trị. Tôi chỉ căn cứ ở lịch sử mà tin rằng nước Nhựt Bổn nhờ biết cải cách tận gốc, cải cách từ học thuật tư tưởng cho nên được thành công. Còn ta, không nhè chỗ gốc ấy mà đánh đổ, cứ toan bắt chước người Tây, làm theo cái ngọn, cho nên cuộc duy tân cải cách của ta không được thiệt hiện ra là phải lắm.

          Hồi Tự Đức đã vậy rồi, mà cho đến bây giờ cũng còn vẫn giữ cái thói cũ ấy. Trăm sự sanh hoạt hằng ngày cũng muốn theo Tây hết, đi muốn đi xe điện xe hơi, ở muốn ở nhà lầu nhiều từng, thắp muốn thắp đèn điện cho sáng, mà còn đòi học thuật tư tưởng lại cứ đòi theo Khổng Mạnh thì kỳ quá! Tôi xin hỏi: Trong sách của Khổng Mạnh há có những cái của mới lạ ấy hay sao?

          Lạ hơn nữa là từ Nam chí Bắc, đâu đâu cũng ưng được những dân quyền, tự do, đâu đâu cũng đàm đạo những chuyện nhơn dân đại biểu, nói tóm lại, cả nước đều khuynh hướng về mặt dân trị [4] hết, vậy mà lại biểu phải giữ đạo Khổng Mạnh là lý gì? theo Khổng Tử thì “dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi”; “thứ nhân bất nghị” [5] , thì dân còn dự vào việc chánh trị sao được?

          Cho nên đối với thời cuộc nước ta, nếu nói cải cách cho có chuyện mà chơi thì thôi, bằng nếu muốn cải cách cho đúng đắn, mong sự mình làm cho thành công thì tôi quyết rằng thế nào cũng phải nhè học thuật tư tưởng mà cải cách trước. Nghĩa là bỏ hết mọi sự tin tưởng cũ nếu nó là phản đối với các công việc mới.

          Trước kia tôi đã nói: Hồi trào Tự Đức, người ta lấy câu “hỏa viêm thượng, thủy nhuận hạ”, mà cãi lại với ông sứ thần ở bên Tây về, khoe bên ấy có đèn điện và nước máy; ngày nay cũng vậy, người ta nếu còn tin câu “dân bất khả sử tri” của Khổng Tử, thì cũng sẽ không có ngày nào thiệt hành được hai chữ dân quyền.

          Lại so sánh tình thế của ta với tình thế Nhựt Bổn, thì thấy rằng sự cải cách của ta còn phải có lòng quả quyết và dùng nhiều công phu hơn Nhựt Bổn mới được.

          Nói về tình thế xã hội Nhựt Bổn hồi Minh Trị, bấy giờ họ tuy chịu học thuật tư tưởng cũ của Tàu, song những cái dở của Tàu họ lại khỏi bị, cho nên việc cải cách của họ cũng có phần dễ dàng hơn.
          Nước ta từ hồi đời Trần về sau, bắt chước Tàu dùng khoa cử mà thủ sĩ, lần lần bắt chước đến kinh nghĩa thi phú, nạp hết bao nhiêu cái óc thông minh vào trong sự vô dụng, cái hại ấy mãi đến năm 1920 mà trừ. Chớ Nhựt Bổn không có sự hại đó, bắt chước cái gì, chớ làm kinh nghĩa thì họ nhứt định không bắt chước, bởi vậy trong hàng sĩ phu họ ít có sự hủ bại như sĩ phu ta. Ấy là một điều dễ cho họ.

          Ta lại còn bắt chước Tàu tin địa lý, ngày giờ bói khoa, cùng các sự mê tín khác. Nhựt Bổn thì không có như vậy. Người Nhựt Bổn chết thì chôn ngồi, chớ không chôn nằm như ta. Họ sắm cái hòm vuông như cái rương chữ thọ của ta, uốn cái xác cho ngồi lên rồi liệm vào mà chôn. Họ nói chôn như thế thì ít hao đất. Lại làng nào làng nấy có sắm riêng nghĩa địa, chết thì chôn sắp lớp, chớ không coi địa lý. Thiệt người Nhựt Bổn từ xưa đến nay chẳng biết địa lý phong thủy là gì. Đại để trong xã hội họ ít có sự mê tín nhảm nhí, dân tộc của họ cũng phát đạt về lý trí gần giống như Tây, cho nên khi tiếp rước cái học thuật tư tưởng mới của Tây thì tiện lắm. Ấy là hai điều dễ cho họ.

          Những tư tưởng hủ bại những mê tín nhảm nhí của người An Nam mình ở hồi Tự Đức cũng còn lưu truyền lại y nguyên đến bây giờ. Ngày nay tuy đã bỏ khoa cử, học trò không còn làm kinh nghĩa thi phú nữa, song cái quan niệm của họ đối với sự học thì cũng vẫn còn y cái quan niệm ngày xưa, nghĩa là học để thi đậu làm quan, để vinh vợ ấm con, ăn sung mặc sướng. Trong sĩ phu mà có cái quan niệm ấy thì mong gì đến chuyện cải cách duy tân?

          Khó đổi thứ nhứt là cái óc của dân chúng. Trong dân chúng ta, trừ ra người có đạo không kể, còn thì hết thảy đều tin bậy tin bạ, tin những sự không đáng tin. Đi đâu một bước thì coi ngày coi giờ; trong nhà một tháng cúng cấp không biết mấy lượt; thậm chí đau không biết uống thuốc, đành phó sanh mạng mình cho thầy phù thủy; lại còn những kẻ dại dột, học “gồng” học ghiếc gì đó, đem xương thịt mà chọi lại với súng gươm… Những sự mê tín ấy mà không trừ cho tiệt, thì đố làm tài nào mà cải cách được, mà trông văn minh tấn bộ như người ta được!

          Cái óc của con người ta không có thể trong một lúc mà đựng được hai thứ mới và cũ. Vậy nên hễ muốn duy tân theo mới thì cần phải rửa cho sạch hết cái óc cũ ấy đi, rồi mới tiếp nhận những cái mới được. Vậy mà hiện bây giờ đây, những nhà ngôn luận đại gia, làm khuôn làm mẫu, cầm cân nẽ mực cho đồng bào, lại còn bo bo thủ cựu, đòi duy trì những cái đạo đức luân lý cũ tám mươi đời, thế thì còn mong gì duy tân cải cách được ư?

          Quốc dân ta nếu không cải cách thì thôi, bằng muốn cải cách thì phải ra sức càng nhiều hơn người Nhựt Bổn hồi Minh Trị, mà phá trừ cái tư tưởng cũ cho sạch hết rồi mới nói chuyện cải cách được. Bằng chẳng vậy mà cứ bữa nay nói cải cách đến mai nói cải cách, thì cũng như bọn ông Nguyễn Trường Tộ hồi Tự Đức, tôi dám quyết là chẳng có một mảy công hiệu gì.


          IV. Cuộc cải cách của nước Tàu rút lại cũng phải cải cách đến học thuật tư tưởng mới hơi có công hiệu

          Trong bài "Vấn đề cải cách II" tôi đã lấy chứng cớ ở lịch sử Nhựt Bổn mà quyết luận rằng cải cách nước ấy sở dĩ thành công được là nhờ cải cách tận gốc, nhè học thuật tư tưởng mà cải cách, cho nên họ mới có được sự tấn bộ rực rỡ như ngày nay. Mà chẳng những Nhựt Bổn thôi đâu, nước Tàu cũng vậy.

          Nước Tàu là một chỗ ổ đẻ ra văn hóa phương Đông, những học thuật tư tưởng cũ bám vào trong đầu người ta đã thâm căn cố đế, vả lại là một nước lớn, đất rộng người đông, nên sự cải cách của họ phải chậm hơn Nhựt Bổn.

          Nay xem xét lại lịch sử Trung Huê trong khoảng ba bốn mươi năm trở lại đây, thấy ban đầu họ cũng giữ tư tưởng cũ thiệt gắt, toan bắt chước người Tây nội những cái lợi khí văn minh mà thôi; song như vậy không có thể thành tựu được, về sau họ cũng phải cải cách đến học thuật tư tưởng.

          Nguyên nước Tàu giao thông với phương Tây từ hồi đời Minh, nghĩa là cách hơn 200 năm về trước kia. Bấy giờ có một mớ giáo sĩ phương Tây qua Tàu, truyền cho người Tàu những món Số học và Thiên văn học. Hai món học nầy của Tàu được phát đạt và chơn xác hơn xưa là nhờ đó. Tuy vậy, người Tàu cũng còn tự phụ lắm, họ tưởng học thuật phương Tây chỉ có thế mà thôi, nên họ cũng vẫn còn khinh.

          Đến cuối đời Mãn Thanh, hồi Quang Tự, các nước Tây đem những tàu đồng súng sắt qua làm khuấy rầy họ một lúc, vả lại người Tây còn trổ ra nhiều thứ kỹ xảo tỏ ra rằng phải có học thức mới làm nên. Người Tàu thấy mà khiếp, song lại còn làm phách. Bấy giờ có một bọn học giả xướng ra cái thuyết “Tây học tự Đông nhi lai”, họ tìm những chứng cớ quàng xiên để chứng rằng bao nhiêu sự học vấn bên Âu châu đều là từ Trung Quốc truyền sang hết. Cái thuyết ấy có sách Tây học xiển vi làm đại biểu.

          Chẳng biết trong khi người ta đến đè đầu khỏ [6] óc mình mà mình làm như vậy thì có ích gì. Đừng kể sự họ nói đó là láo làm chi, dầu cho người Tây học của Tàu đi nữa mà bây giờ họ giỏi thì mình phải làm sao cho bằng họ, chớ làm phách làm lối, khoe cái giàu xưa của mình ra mà được việc gì?

          Người Tàu phách lối thì cứ việc mà phách lối, còn người Tây đè đầu khỏ óc thì cứ việc mà đè đầu khỏ óc. Sau khi bị thất bại bởi những điều ước nầy điều ước nọ, bọn sĩ phu Tàu chửng mới hoảng hồn, tuy vậy, cũng còn chưa chịu một mực theo Tây. Bấy giờ bọn Trương Chi Động xướng ra cái thuyết “Trung học vi thể, Tây học vi dụng”. Họ nói rằng những sự học về luân lý chánh trị, người Tàu có thừa rồi, nên giữ lấy cái đó làm cốt, nước Tàu có thiếu là chỉ thiếu về khoa học, cái nầy thì phải học theo Tây để cung cấp cho sự cần dùng. Cái thuyết nầy chẳng khác nào cái thuyết cải cách của người An Nam ta hồi Tự Đức và hiện bây giờ, bảo rằng trăm việc kỹ xảo thì theo Tây song luân lý đạo đức thì phải giữ gìn Khổng Mạnh.

          Người Tàu theo cái thuyết ấy một lúc mà thấy chẳng có công hiệu gì, bị ăn hiếp cứ vẫn còn bị ăn hiếp, mà về đường kỹ xảo cũng chẳng thấy tấn bộ chút nào. Khi ấy phái Khương, Lương mới nổi lên.

          Khương Hữu Vi đem ông Khổng Tử tô điểm ra như ông Jésus-Christ, lại sửa sang ngũ kinh tứ thơ lại cho ra như các sách của hiền triết bên Tây. Song le, mọi sự ở đời, giống gì nó ra giống nấy, có bao giờ làm dối mà được. Học thuyết của Khương, Lương thạnh hành lên một độ, nhưng không hiệp với trào lưu xã hội, về sau ai cũng chán.

          Nói cho đúng thì một tay Lương Khải Siêu biến đổi được cái óc người Tàu nhiều lắm, thế nhưng đem so với bọn sau nầy thì họ Lương cũng còn là tay thủ cựu.

          Người Tàu vì còn chưa cạo hết những tư tưởng cũ ở trong óc đi, nên trong mấy năm đó tuy đã đánh đổ Mãn Thanh, lập nên Dân quốc, nhưng mọi việc trong cũng vẫn còn hư bại. Nước thì nước Dân chủ mà óc của dân chúng thì là óc nô lệ, bởi vậy hồi Dân quốc ngũ niên (1916), Viên Thế Khải mới nổi lên xưng hoàng đế.

          Liền trong năm ấy, sau khi họ Viên đổ rồi, ngày 5 tháng tư, khắp cả nước Tàu có cuộc vận động rất lớn về văn hóa kêu là “Tân văn hóa vận động” hay là “Tứ ngũ vận động”. Cuộc vận động ấy do những học sanh nam nữ khắp cả nước Tàu chủ trương, họ dấy lên mà kêu gào đánh đổ những học thuật tư tưởng cũ, những đạo đức luân lý cũ. Cuộc vận động nầy có ảnh hưởng lớn lắm, nên chúng ta nói rằng cuộc duy tân cải cách của người Tàu mới bắt đầu từ đó, có lẽ đúng hơn.

          Cái động lực của cuộc “Tứ ngũ vận động” đó chỉ từ một bài báo mà ra. Tháng giêng năm ấy, Trần Độc Tú là một nhà có tư tưởng mới rất kịch liệt ở nước Tàu, viết một bài xã thuyết đăng trên tạp chí Tân thanh niên, đề là Năm 1916. Bài ấy đại khái nói rằng người Tàu từ năm 1915 về trước, bao nhiêu những tội ác, những sỉ nhục bởi học thuật đạo đức mà ra thì bắt đầu từ năm 1916 nầy phải ăn năn đổi đời, mà cái trách nhiệm ấy là ở bọn thanh niên v.v. Kế đó, cái chương trình về tư tưởng của bọn thanh niên thế nào, có bày tỏ ra từng điều thật rõ, đại ý khuyên cho mỗi người phải có óc độc lập tự chủ, đừng làm nô lệ ai hết và cũng đừng làm nô lệ của thánh hiền đời xưa nữa.

          Tiếp đó lại có cuộc cải cách về văn học của Hồ Thích đề xướng ra. Người Tàu từ trước làm văn bằng văn ngôn; bắt đầu có cuộc cải cách nầy, người ta mới làm văn bằng bạch thoại. Làm văn bằng bạch thoại thì văn với tiếng nói đồng nhứt với nhau, làm cho sự tấn hóa của xã hội thêm mau ra vậy.

          Nước Tàu ngày nay tuy cũng còn lộn xộn chưa yên song đó chỉ là về một phương diện chính trị, chớ còn về các phương diện khác thì thấy tấn bộ hơn hồi trước nhiều lắm, ấy là cái công của bọn Trần Độc Tú và Hồ Thích ở trên lịch sử Trung Quốc sau nầy.

          Đó, Nhựt Bổn đã vậy mà Tàu cũng vậy, họ phải cải cách tư tưởng học thuật trước rồi sau mới đủ lòng tin mà cải cách mọi sự khác, sự lý rất là hiển nhiên. Người Việt Nam mình nếu muốn cải cách, cũng phải làm như họ.

          Báo Trung lập, Sài Gòn, số 6218 (9.8.1930); số 6220 (12.8.1930); số 6221 (13.8.1930); số 6223 (18.8.1930)





          [1]khí cựu mưu tân : bỏ cái cũ lo làm cái mới.
          [2]Dân ước luận: có lẽ cuốn Le Contrat social (1762, cũng được dịch là Khế ước xã hội), tác phẩm của nhà Khái sáng Pháp J. J. Rousseau (1712-78).
          [3]Đạt Nhĩ Văn: tên đọc theo âm Hán hóa của Charles Darwin (1809-82).
          [4]dân trị : dịch từ chữ démocratie, vốn cũng được dịch là “dân chủ”, “dân quyền”.
          [5]Luận ngữ: Thái bá, VIII: 10. “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi” = dân là những kẻ [mà những người bề trên] có thể sai khiến chứ không thể làm cho hiểu biết. “Thứ nhân bất nghị” = Thường dân thì miễn bàn; thường dân thì không thể bàn luận.
          [6]khỏ : cốc, gõ (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.).
          Nguồn: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1930, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, tr. 379-392, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Trung tâm Văn hoá & Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2006http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=8187&rb=0103
          #3
            gương soi 06.01.2007 23:22:36 (permalink)
            .
             
            PHAN KHÔI
            Ông Bình Vôi
             
             




            Khắp nước Việt Nam có tục ăn trầu, cho nên ở đâu cũng có bình vôi.

            Theo như tôi biết, ở vùng quê chúng tôi, có hai thứ bình vôi. Đều bằng đất nung cả, mà một thứ giống như cái hũ nhỏ, duy cổ eo, miệng loa, cho nhà trung thường dùng; một thứ bình tròn mà đít bằng, trên có quai xách, miệng ở về một bên, toàn thân tô màu lục hoặc màu vàng, cho nhà sang dùng. Cả hai đều để đựng vôi trong lòng nó. Nhưng mỗi khi cho vôi vào, người ta lại cũng dùng vôi đắp cái miệng nó cho cao lên.

            Nhà tôi, hồi bà nội tôi còn sống; có cái bình vôi hạng sang ấy. Mỗi khi mua vôi ở chợ về, bà tôi ngồi tỉ mỉ lấy cái chìa quệt vôi nhét vào miệng nó, gọi là "cho Ông Bình ăn". Và lâu lâu lại tắp thêm cái miệng nó một lần, hóa nên cái miệng càng ngày càng chêu vêu ra.

            Thứ bình vôi thường, dùng chìa bằng tre, những thứ bình vôi sang, bao giờ cũng dùng chìa bằng sắt, ở thân cái chìa đôi khi lại có đeo một lưỡi dao để rọc trầu.

            Nhà khác thế nào tôi không biết, còn nhà tôi, tối lại, bà tôi cứ rút cái chìa ra để ra một nơi khác. Làm như thế, bà tôi cắt nghĩa rằng "Ông" sẽ mách cho mình, mà nếu để cái chìa lấp cái miệng thì không mách được.

            Tôi nói, "nhà tôi có một cái bình vôi" không đúng. Nói đúng là từ hồi nhỏ cho đến năm tôi hai mươi lăm tuổi, bà tôi chết, nhà tôi có ba bình vôi kế vị nhau. Bởi vì dùng lâu ngày, trong lòng nó đầy vôi khô cứng, miệng nó cứ đắp nên tum húm lại, không dùng được nữa, phải mua cái khác.

            Lúc đó nhà tôi có một cái trang thờ Tam vị; ở giữa là Phúc đức chính thần, hai bên là Thổ công và Táo công. Hễ cái bình vôi nào bị thải ra thì bà tôi bảo đem đặt trên cái trang ấy, thờ nhân thể.

            Sự thờ phượng như thế, không phải chỉ riêng một nhà tôi đâu. Cả làng, nhà nào có bình vôi thải ra, cũng đều đem đặt trên các tường thành đình hoặc chùa; như thế, người ta cho rằng thờ "Ông Bình" đó.

            Cái bình vôi, tại sao lại gọi bằng "Ông"? Đọc từ đầu đến đây, bạn đọc đã biết. Ở vùng quê chúng tôi, mà có lẽ cả nước Việt Nam cũng vậy, vật gì nó có thể hại mình được thì gọi bằng "ông", vật gì nó to hay sống lâu năm thì cũng gọi bằng "ông".

            Con cọp ăn thịt mình được, gọi bằng "Ông cọp", con khỉ phá hoa màu mình được, gọi bằng "Ông trưởng", con chuột, cắn quần áo của mình được, gọi bằng "Ông tí". Cái đầu rau, dùng năm mười năm mới thay cái khác, gọi bằng "Ông núc", cái che, đường kính của nó có khi gần đến một mét, gọi bằng "Ông che". Người Việt Nam về sau thế nào chưa biết, chứ về trước, hễ vật gì làm hại được hoặc lớn hơn, hoặc nhỏ, vật gì sống lâu và to xác thì gọi bằng "Ông" để tỏ lòng tôn kính, sùng bái.

            Tôi có phạm một cái tội hồi mười tám tuổi, bây giờ tôi xin kiểm thảo và thú nhận.

            Năm tôi mười tám tuổi, tôi không tin nữa. Một đêm mùa hè, gió Nam như bão, sáng trăng mờ mờ, tôi rủ mấy thằng bạn cùng lứa tuổi với tôi đi chơi dọc đường cái làng, đi qua đình và chùa, bao nhiêu "Ông bình vôi" thờ trên tường thành chúng tôi đều hất một loạt xuống đất cả. Sao lại làm như thế? Chúng tôi cứ làm như thế, không cần có lý luận. Nhưng, vài hôm sau, trở lại xem, không biết là do tay ai, thấy đều đặt lại tề chỉnh trên tường thành.

            Tuy vậy, đó không phải cái tội riêng một mình tôi. Bấy giờ bọn thiếu niên chúng tôi hầu như đứa nào cũng có thể làm như thế được cả. Nếu ngày tôi phải tự kiểm thảo, thì lũ thiếu niên ấy, bạc đầu rồi, cũng phải tự kiểm thảo như tôi.

            Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cú rũ trên trang hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng "Ông".

            Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ nầy cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt:

            Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
            Y như một cái bình vôi
            Càng sống càng tồi
            Càng sống càng bé lại.

            Phan Khôi
            (Trích Giai phẩm mùa Thu, tập I)


            .
            #4
              sóng trăng 23.01.2007 01:35:56 (permalink)
              .
               
              Phan Khôi
              Bàn thêm về “bút chiến”
               
               
              I. Cái thái độ của chánh khách và của học giả

              Đọc Thần chung, trong một số ra trước đây mấy bữa, thấy có bài đề là “Bút chiến” của ông Bùi Thế Mỹ, bàn về sự các nhà ngôn luận đánh giặc cùng nhau trên giấy, bằng ngòi bút [1] .

              Ông Bùi nói phải lắm. Ổng nói phàm bút chiến cốt để binh vực lấy chủ nghĩa mà mình đã tin chớ không phải để đấu khẩu nhau như hàng tôm hàng cá. Ông lại chê và phản đối hết sức những cái giọng nói xấu nhau của mấy ông ra ứng cử nghị viên.

              Nhưng cái bài ấy chỉ nói sơ lược mà thôi. Theo tôi tưởng, về các cuộc bút chiến, còn có nhiều điều nên nói và nên biết nữa.

              Bởi vậy tôi viết bài nầy để phô bày thêm một vài lẽ cần yếu trong cuộc bút chiến. Trước khi động bút, B sánh với động binh, tôi tuyên ngôn rằng đây là một đạo viện binh muốn dàn thêm ra cho kín mặt trận, chớ không phải kéo ra để cự chiến với quân họ Bùi đâu.



              *

              Trong các cuộc bút chiến thường có hai cái thái độ: cái thái độ của bọn chánh khách và cái thái độ của bọn học giả. Kêu bằng chánh khách, tức là những người ra làm quốc sự; những người ra ứng cử nghị viên cũng nhập vào môn ấy.

              Bất kỳ ở nước nào cũng vậy, hễ đã ra làm quốc sự thì thế nào cũng hướng nhiều về quyền lợi hơn là về đạo đức (cái quyền lợi ấy hoặc thuộc về một người, hoặc thuộc về một đoàn thể, hoặc thuộc về công chúng, chi cũng kể là quyền lợi cả). Hễ đã khuynh hướng về quyền lợi thì cái mục đích của sự tranh biện với nhau là để choán lấy quyền lợi về phe mình. Mà hễ đã muốn choán lấy quyền lợi cho mình thì tức nhiên phải công kích bên phe địch.

              Quyền lợi chẳng là một thứ tương phản với đạo đức. Bụng lúc bấy giờ chứa những quyền lợi là quyền lợi, thì miệng nói ra đạo đức sao được?

              Bởi vậy cho nên những tay ra làm quốc sự, nhằm hồi họ tranh quyền với nhau, họ nói xấu nhau chẳng còn chỗ chừa chỗ dẻo. Mà cái đó cũng đã thường thấy trong các nước văn minh, ò có lẽ văn minh chừng nào thì cái đó lại càng kịch liệt chừng nấy, chớ không phải một mình chi nước ta.

              Vẫn biết rằng cái sự bươi xấu nhau như vậy, cái sự bất đạo đức như vậy là chẳng hay chi, song can họ không thể can, mà cấm họ không thể cấm. Bởi vì, cái đời là cái đời quyền lợi, thì trong lúc tranh nhau quyền lợi, tối mày tối mặt, vớ được chi nói nấy, ai mạnh miệng nấy hơn, còn rồi đâu mà lựa lời? Chửi nhau trên tờ báo, ấy còn là thanh bai một chút, giá có dịp cho họ chửi nhau bằng miệng, họ cũng chẳng từ!

              Tranh chi thì cứ việc tranh, song làm sao cho nó có vẻ ôn hòa, cho ra dáng quân tử, như được vậy thì tốt lắm. Song chừng như không có thể được thì phải. Không có thể được cho nên luật pháp cũng phải nới tay. Theo hồi bình thường, luật có điều buộc tội kẻ nói xấu người khác, kêu là điều phỉ báng (diffamation) song trong khi cử nghị viên, ai vì sự tranh cử mà nói xấu nhau, luật không buộc điều ấy cho; là vì lẽ đó.

              Luật đã nới cho thì tùy ý, mặc sức tha hồ mà chửi nhau chẳng ai thèm thò miệng vào làm chi!

              Cũng có khi những tay chánh khách tranh biện nhau về lý tưởng nào, về chủ nghĩa nào trong vòng chánh trị, không đụng chạm nhau về quyền lợi, thì cái quang cảnh lại đổi ra tạnh ráo, sáng sủa, chớ không sấm chớp, bão bùng, u ám như trước nữa. Song khi ấy thì họ lại đã đứng về phương diện học giả rồi.



              *

              Trong cuộc bút chiến, chỉ có thái độ nhà học giả là ngộ hơn hết, phải chăng hơn hết, sang trọng hơn hết.

              Các nhà học giả cãi nhau cốt để tìm cho ra sự thiệt, cho thấy chơn lý. Ngoài điều ấy, không còn có mục đích gì nữa. Thiệt như câu thành ngữ Tây mà họ Bùi đã dẫn: "Có biện luận thì mới nẩy ánh sáng ra". Khổng Tử ta cũng bảo rằng: "Học thì phải hỏi cho kỹ và biện cho sáng" (Thẩm vấn chi, minh biện chi). Cho nên, trong học giới, sự cãi cọ biện bác với nhau, là một sự rất có ích và rất cần cho việc học.

              Nói nghe mà thèm!

              Khắp cả nước ta, từ ngày có báo đến giờ, sự tranh đấu nhau về quyền lợi thì thường có mà sự biện luận nhau về học vấn thì tựa hồ như chưa có. Nhớ mười năm về trước có cuộc bút chiến của ông Nguyễn Háo Vĩnh với Nam phong về vấn đề văn quốc ngữ; năm ngoái đây có cuộc bút chiến của Tiếng dân với Đông Pháp thời báo về vấn đề sử Nam [2] ; song vì có một bên cãi bướng, thành ra cuộc tranh biện không có giá trị chi cả. Trong báo giới không có cuộc bút chiến có giá trị, ấy là điều sỉ nhục cho nhà ngôn luận đã đành, mà cũng là sự bất lợi cho mọi người.

              Chi cái đó mà sỉ nhục? C Đừng lấy làm chơi, sỉ nhục lắm chớ!

              Trong đời, nhứt là trong một nước cần sự biết như ta đây, khi nào mà lại chẳng có những điều nên nói đi nói lại, những lẽ cần phải biện cho vỡ ra, thế mà nhà ngôn luận ngồi im, không vi sử đến, đủ tỏ ra là kém học thức, kém sự luận nạn và phán đoán, chẳng đáng lấy làm sỉ nhục hay sao?

              Bất lợi cho mọi người là vì công chúng không có thì giờ mà đọc sách, mà học; điều hay lẽ phải phần nhiều nhờ ở tờ báo. Tờ báo không có cuộc bút chiến nào về học vấn, ấy là thiệt thòi cho công chúng, cho kẻ đọc.

              Đại để cuộc bút chiến về học vấn cần phải có, mà muốn có cuộc bút chiến ấy có giá trị thì nhà ngôn luận phải tập lấy cái thái độ của học giả.

              Cái thái độ của chánh khách là kịch liệt, võ phu; cái thái độ của học giả là bình hòa là nho nhã. Sự kịch liệt võ phu đã không thể không có được thì cái khí tượng hòa bình nho nhã lại cần phải có luôn luôn.

              Về thái độ học giả, kỳ sau sẽ nói rõ hơn.


              II. Cái thái độ của học giả trong cơn bút chiến

              Trong bài trước đã nói: các nhà học giả cãi nhau cốt để tìm cho ra sự thiệt, cho thấy chơn lý. Ngoài điều ấy, không còn có mục đích gì khác nữa.

              Bởi vậy cho nên, trong khi cãi nhau đó, bên nào cũng phải giữ lấy cái thái độ của mình cho ôn hòa, cho nho nhã. Vì muốn tìm chơn lý thì phải tìm ở trong sự bình tĩnh, điều độ, trật tự mới thấy được, chớ chơn lý không hề khi nào ở trong sự ồn ào, hỗn độn cáu giận [3] mà ra . Lời tục thường nói: "nóng mất ngon, giận hết khôn", phải lắm; trong những lời nói bởi giận dữ mà ra, chắc không có trí khôn ở đó. Tìm chơn lý được là nhờ ở trí khôn; nay trí khôn mất đi thì lấy chi mà tìm?

              Trong cơn bút chiến, nhà học giả chỉ thấy cái thuyết của bên địch mình, mà không thấy đến cái người chủ trương cái thuyết ấy. Nghĩa là cái thuyết ấy nó sai lầm bởi đâu, tại làm sao mà mình công kích, đó là những điều mình nên giãi bày ra cho kỹ; còn cái người lập ra nó, bất cần là bạn với mình hay là thù với mình, đều không có quan hệ gì. Bên Âu châu ngày xưa có một đấng hiền triết viết sách thường hay chỉ trích những điều sai lầm của thầy mình rồi nói rằng: "Ta yêu thầy ta, ta còn yêu chơn lý hơn nữa". Trong học giới phương Tây ngày nay còn truyền tụng câu ấy mà cho là danh ngôn. Thầy là ân nhân của mình, còn có thể vì chơn lý mà chẳng nệ thay; vậy thì nếu gặp bên địch là một người thù của mình, càng nên vì chơn lý mà không căm hờn mới phải vậy.

              Nhà học giả cãi nhau về một vấn đề gì, về một lý thuyết gì, không nên trông cho mình được thắng mà phải trông cho chơn lý được thắng. Ngộ như cãi nhau mà mình phải, ấy là chơn lý nhờ mình mà được thắng mình mừng đành rồi. Trái lại, nếu bên kia là phải, thì chơn lý nhờ bên kia mà được thắng, mình há lại nên giận sao? Nếu mình giận thì ra cái cuộc biện luận đó, mình chỉ vì khách khí, vì tánh háo thắng, vì sự tư lợi cho mình, chớ không có ý gì về chơn lý cả.

              Trước khi biện luận cùng ai, mình phải có cái chủ ý như vậy, phải có cái lòng trung thành đối với chơn lý như vậy, thì tất nhiên nó sẽ hiện ra cho mình cái thái độ đúng đắn, là cái thái độ của học giả.

              Ở nước ta, vì thuở nay trong làng ngôn luận chưa hề có cuộc bút chiến có giá trị, như đã nói trong bài trước, thành ra người ta còn cho sự ấy là sự lạ tai lạ mắt. Những người mà trong xã hội không trọng thị, họ cãi bậy với nhau, chẳng ai kể chi; còn những người mà xã hội đã cho là hạng người khá, ngộ có nói qua nói lại một vài lời với nhau thì thiên hạ đã ồn lên, nói rằng: "Ủa! Té ra mấy ông nầy mà cũng đã chửi nhau rồi!” Rồi những người gọi là hạng khá ấy, đối với công chúng cũng phải giữ mình, phải tránh hết thảy những sự cãi chối đôi co dầu có thấy chỗ sai lầm của nhau cũng không dám nói, cứ việc làm thinh mà chịu. Ấy là lầm cả thảy, cả công chúng và hạng người khá cũng lầm.

              Phải hiểu rằng cuộc biện luận không phải là đám chửi nhau, cái thái độ của học giả không phải là của bọn võ phu. Khoan đã! Công chúng chớ vội huýt còi, nên đứng im mà nghe các nhà học giả họ biện luận với nhau cho nẩy ra chơn lý. Còn các nhà ngôn luận! Không nên sợ công chúng hiểu lầm mà đành chôn chơn lý trong đám mây mù.

              Nhà ngôn luận, đương trong cơn bút chiến, giữ một lòng trung thành với chơn lý mà thôi, còn chưa đủ; phải cần có nhiều điều khác nữa.

              Cần nhứt là phải biết phép luận lý. Mình muốn bẻ bác những lời của bên địch, phải chiếu theo phép luận lý mà bẻ bác; muốn chủ trì cho cái thuyết của mình, cũng phải dựa theo phép luận lý mà chủ trì. Khi cái thuyết của mình ngó bộ núng thế, phép luận lý không có thể bảo hộ cho nó được nữa thì đành phải liệu mà cuốn cờ bó giáp chịu bại trận một cách chánh chánh đường đường, chớ không nên ráng gân cổ mà cãi bướng, cãi bướng thì thành ra ngụy biện.

              Luận lý học thì mênh mông lắm, song đây chỉ nói qua vài điều cần cho sự bút chiến mà nghe. Phàm trong khi hai đàng đối luận cùng nhau về vấn đề gì, thì trước phải lập ra những cái định nghĩa (définition) cho phân minh, cho nhứt trí, hai bên không có thể hiểu khác nhau được. Rồi lại phải vạch ra cái phạm vi của vấn đề, hai bên cùng đứng trong phạm vi ấy mà nghị luận, chớ không được vượt ra ngoài. Như vậy thì cuộc bút chiến sẽ có thứ tự chỉnh tề và có hiệu lịnh sum nghiêm [4] , kẻ xem phải lấy làm thích mắt.

              Trong các rạp hát bộ ta, khi có chiến trận thì thế nào hai bên cũng có khấu ó [5] nhau bằng lời nói. Quốc trạng thì kêu tướng Phiên: mầy là khuyển dương chi bối; tướng Phiên cũng mắng Quốc trạng: Mầy là đồ nhũ xú tiểu nhi! Ủa hay! Các ngài đánh trận với nhau thì cứ lấy binh pháp mà đánh, sao lại nhiếc nhau làm chi vậy? Trên sân khấu có phải là chỗ chợ búa đâu?

              Nhà ngôn luận khi đánh giặc bằng bút cũng dùng cái cách độc miệng ấy thì thật là đáng xấu hổ quá. Có người lại bươi đến việc riêng của bên địch ra mà nói, mà là việc chẳng ăn nhập chi với vấn đề đương bàn luận hết, thế mới ngán cho! Những người như vậy cũng chẳng nên đem phép luận lý mà nói với họ làm chi, song chỉ nên cho họ một bài học khác.

              Tóm lại, trong bài nầy, tôi muốn chỉ ra cái thái độ của học giả trong cơn bút chiến, trước hết là phải biết yêu chơn lý, rồi phải theo khuôn phép, giữ trật tự, tỏ ra mình là ôn hòa, nho nhã, trái lại với cái thái độ của võ phu, của tiểu nhân. Tuy vậy, đây mới xem bề mặt chớ chưa lật qua bề trái; bài thứ ba nữa, tôi sẽ nói đến những điều cấm kỵ trong cuộc bút chiến, ấy là bề trái của nó.


              III. Những điều cấm kỵ trong cơn bút chiến hay là "chiến thời công pháp"

              Giữa vạn quốc có đặt ra một thứ pháp luật chung, kêu là "Vạn quốc công pháp" để làm mẹo mực cho sự giao thiệp với nhau trong lúc bình thường; lại đặt riêng một thứ công pháp nữa kêu là "Chiến thời công pháp" để làm khuôn phép cho các nước trong khi có chiến tranh. Những nước giao chiến với nhau phải phục tùng chiến thời công pháp cũng như thời bình thời phải phục tùng vạn quốc công pháp vậy.

              "Chiến thời công pháp" cốt để ngăn ngừa sự tàn bạo phi pháp trong lúc đánh nhau, cho nên mỗi một điều là khuynh hướng về mặt tiêu cực. Đại để như: Cấm dùng độc khí và những thứ súng có thể giết người quá lạm; cấm bất kỳ nước nào trong những nước giao chiến không được đem quân đi ngang qua phần đất của nước trung lập; cấm bắn hay là thả trái phá vào những nơi thành thị đông dân cư...

              Đánh nhau bằng súng phải vậy thì đánh nhau bằng bút cũng phải vậy. Nếu trong cuộc bút chiến không có cái gì làm cái máy hãm cho sự biện luận thì ai muốn nói ngang nói dọc gì cũng được cả, tuy cái hại không phải là đổ máu nhiều quá, mà là “phun máu” dơ quá!

              Vậy nhà ngôn luận phải biết những điều cấm kỵ trong cơn bút chiến, coi nó như là chiến thời công pháp mà không thể vi phạm được. Cái công pháp nầy không phải tôi dám tự tiện đặt ra, song tôi chỉ thuật lại mà thôi, tôi thuật lại những điều cấm kị mà các chiến tướng trong trường ngôn luận xưa nay gìn giữ.

              Những điều cấm kỵ ấy trong bài thứ hai đã nói phớt qua một ít rồi, ở đây chỉ nói thêm cho rõ hơn.
              1. Cấm không được nói phạm đến nhân cách người bên địch. . Khi nào mình muốn phản đối với cái thuyết nào của ai, mình chỉ nên nhắm vào cái thuyết ấy mà nói, chớ không nên nhắm vào người lập ra hay là đứng chủ trì cái thuyết ấy. Mặc dầu người ấy có thói xấu, tiếng dơ, hay là thế nào đi nữa, mình cũng không được bươi móc đến hoặc bằng cách trực tiếp, hoặc bằng cách gián tiếp. Nhứt là khi người bên địch đó bình nhựt không ưa nhau với mình thì mình lại càng nên giữ khít nước.
              2. Cấm không được nói ra ngoài đề. . Bàn một việc chi, cứ nội trong việc ấy, mới trông có ngày giải quyết được; nếu cứ nói lan rộng mãi ra thì chẳng biết nói đến đời nào cho rồi. Có nhiều cuộc bút chiến, hai bên đối đáp mãi với nhau, càng ngày càng giang ra xa lắc, chẳng còn nhớ đến hồi đầu nói chuyện gì nữa. Như vậy, thật là chỉ báo hại cho hao giấy tốn mực mà chẳng có ích gì cho chơn lý cả.
              3. Cấm không được trích lấy một vài lời của bên địch. . Khi nào mình muốn phản đối một cái bài của ai thì phải nên lấy lòng thành thật mà hiểu hết ý của cả bài người ta đã, nếu là đáng, thì hãy phản đối. Trong khi biện luận, cũng nên lấy lòng thành thật mà để mắt vào cả bài của người ta, chớ không nên trích ra một vài chữ hoặc một vài lời để làm nê cho mình công kích. Có người vẫn tâm phục cả bài của người ta là được, song chỉ vì ý riêng, bươi móc ra một vài lời để đánh đổ cả một bài cho khoái ý, làm như vậy thật là trái với lương tâm mình. Nói láo với người khác còn chưa là đê tiện mấy; nói láo với lương tâm mình mới thật là đê tiện.
              4. Cấm không được dùng những chữ tối nghĩa hay là nhiều nghĩa. Nhà viết văn, nhứt là trong văn biện thuyết, phải dùng chữ nào cho đích đáng chữ ấy. Dùng chữ đích đáng như vậy, tỏ ra mình có sự thấy sáng suốt, không chịu nói cách lờ mờ, vả lại tỏ ra mình có chí khí cao thượng, mạnh dạn, không thèm rụt rè, không thèm trở vỉa. Có người hay dùng những chữ tối nghĩa hay là nhiều nghĩa để phòng sau bên địch đánh ngõ nầy thì chạy ngõ khác, cái đó thật là hèn mạt quá, thà "trốn lính" cho rồi, biểu ra đương lấy đầu tên mũi đạn làm chi!
              5. Cấm không được đem người mà phân bì với lời nói. . Ví dụ có một ông chủ bút nào ghiền a phiện như Trần Độc Tú bên Tàu mà viết báo công kích a phiện, thì mình không nên viện lấy cớ đó mà nói rằng : "Sao ông cũng ghiền ông lại nhè a phiện mà công kích?" Nếu mình nói như vậy thì là bất luận lý (illogique) quá. Bởi vì, sự công kích đó là có ích cho công chúng, ta nên nhìn là phải; còn sự nói một đường làm một nẻo của ông kia chẳng qua là cái lỗi riêng của ổng, mặc ổng, mình nói làm chi? Mình nói đến, ấy là mình chủ ý nói xấu người ta, chớ chẳng ích chi cho công chúng và cũng chẳng ích chi cho ông ấy nữa. Đem người mà phân bì với lời nói thì có khác chi thằng con cứng đầu mà Mạnh Tử đã bày đặt ra, nó nói với cha nó rằng: Cha dạy tôi làm điều phải, sao cha chưa hề làm điều phải?(!)
              6. Cấm nói xỏ xiên và lỗ mãng. . Đã cấm không được nói phạm đến người bên địch, phần rồi; lại còn cũng không được dùng những lời xỏ xiên để mà châm chích bên địch nữa. Như trong bài trước đã nói: đánh giặc thì ăn thua nhau bằng binh pháp, còn bút chiến thì ăn thua nhau bằng luận lý học (logique) chớ còn nói hỗn chẳng hề hơn ai. Đến như dùng những lời lỗ mãng, chỉ tỏ ra mình là người vô giáo dục, không ích chi đã đành, mà trở lại mình hại mình đó thôi.
              7. Cấm đánh trả đòn. . Khi cãi nhau về một vấn đề gì mà mình bị thua thì nên chịu thua một cách thật thà là hơn, không nên cùng trong lúc ấy lại kiếm thế trả thù bên địch về một vấn đề khác. Gà chọi, nó bị bên địch đá cho một đòn đau thì nó có phép trả lại liền; song cái tư cách của nhà ngôn luận không phải như gà chọi!

              Đây nhẫn lên bẩy điều chẳng qua là nêu lên những điều đại khái mà thôi, viết ra nữa khí rườm rà, vả lại giấy cũng hết rồi, xin cho phép tôi kết.

              Nếu y như cái "công pháp" trên nầy thì chẳng là bó tay bó chơn lại mà đánh nhau sao? Cuộc bút chiến còn có oai phong gì và còn có thú vị gì nữa? Nhưng mà không; muốn cho có oai phong, có thú vị, phải tìm ở nơi khác; còn những điều nầy thì phải giữ, không phạm được, vì nó là công pháp.

              Một bài nữa, tôi sẽ làm cho cuộc bút chiến bớt cái vẻ nghiêm nghị mà trở nên vui.


              IV. Không có gì làm vui cuộc bút chiến cho bằng giọng khôi hài

              Luận về bút chiến, tôi viết bài nầy nữa là hết. Mà tôi tưởng bài nầy, ý nó cũng quan trọng như các bài trên.

              Trong bài thứ III đã nói, nếu ép phải theo các điều cấm kỵ kể ra đó thì cuộc bút chiến thành ra nghiêm khắc lạnh lùng mà buồn bẽo quá. Bởi vậy các nhà bút chiến xưa nay đã bày ra một lối trong trường văn trận bút để điểm chuyết cho nó đỡ buồn. Ấy là giọng khôi hài.

              Văn khôi hài là một thể văn riêng. Còn sự khôi hài tôi nói đây chỉ là một ít lời khôi hài điểm chuyết trong bài văn.

              Xưa nay đã có nhiều người nhận ra rằng văn chương mà có điểm ý khôi hài vào là lợi ích nhiều bề lắm. Đã vui tai cho người đọc mà có khi lại phát minh cho chơn lý. Càng những cái vấn đề khô khan lạnh lạt bao nhiêu, mà trong khi biện luận mình nên cho một vài ý khôi hài vào thì nó lại càng trở nên tươi tỉnh mặn nồng bấy nhiêu.

              Bởi đó cổ kim Đông Tây có nhiều nhà viết văn nhờ khéo khôi hài mà nổi danh trong một thuở. Cho đến các bậc thánh triết cũng chuộng sự khôi hài. Nói chi ông Esope ở Hy Lạp thì cả đời ông chỉ nói đùa luôn. Nghiêm trang như ông Khổng Tử phương Đông ta mà ngài cũng không cấm nói dỡn. Có một lần ngài nói với học trò rằng: Cắt cổ gà mà dùng dao bầu chọc huyết trâu làm chi! Rồi ngài thú nhận liền mà rằng: câu nói ấy là câu ta nói dỡn.

              Thật vậy, sự nói dỡn nó làm cho cuộc giao tế của loài người trở nên thân mật mà đầm ấm, những người vui tánh, khéo khôi hài thì ai cũng ưa, chớ còn "lập nghiêm ai dám lại gần".

              Chỉ có một điều là trong sự khôi hài phải cho biết cách. Nói dỡn mà "phạm nọng" [6] người ta, ấy là không biết nói dỡn, thế thì trở lại chẳng bằng đừng nói là hơn. Trong Kinh Thi có câu: "Thiện hí nước hề, bất vi ngược hề" nghĩa là khéo nói dỡn cợt mà chẳng đến làm hại, thật đáng làm mẫu mực cho sự khôi hài vậy.

              Tôi dám nói rằng trong xã hội ta tuyệt nhiên không có cái sự hí hước như Kinh Thi nói đó. Những phường hạ lưu nói xỏ nói xiên nhau chẳng đủ kể rồi. Còn đến trong đám người khá, người có học, hội đàm với nhau, thì phải lựa từng chữ, giữ từng lời, thường hay quá ư câu cẩn. Cho nên trong đám thượng lưu ta nói chuyện với nhau thường ít nghe có tiếng cười, và nói chừng vài phút thì hết chuyện, rồi ngồi đó mà ngó nhau. Ấy là vì trong lúc nói hay giữ gìn thái quá vậy.

              Cũng vì trong xã hội không quen cách hí hước theo phép lịch sự, thành ra ít người phân biệt được câu nói đùa với câu nói xỏ khác nhau thế nào. Tục ngữ có lời: "Nói chơi không biết nói thiệt không hay", là chỉ mấy anh đó.

              Cũng vì vậy nên trong làng ngôn luận, trên tờ báo ít thấy có những bài đùa nhau một cách nhã. Nếu có ai hiểu cách ấy mà muốn viết ra cũng không dám viết, sợ người ta không biết, cho là xỏ nhau hoặc chửi nhau. Làm vậy thành ra trong tờ báo xứ mình chẳng có cái vẻ gì là cái vẻ "sống" hết, nó cứ lừ đừ như người buồn ngủ toan ngủ gục!

              Báo giới bên Tây bên Tàu thì không như vậy. Nhiều cuộc bút chiến của họ ngộ bắt kinh.

              Bên Tàu cách mươi năm nay có cuộc bút chiến về khoa học với huyền học là có danh hơn hết. Cuộc ấy có đến mươi cái báo và độ trên mười nhà học giả dự vào, đánh giặc với nhau đến nửa năm. Về sau nó sẽ có tên trong lịch sử, kêu bằng "khoa huyền luận chiến".

              Trận ấy có nhiều tay chiến tướng khéo khôi hài, làm cho vui trò, làm cho độc giả phải hoan nghinh. Vì đọc báo như vậy thì cũng như đi xem diễn kịch mà lại có ích cho sự học hơn nữa. Tôi cử ra một trò khôi hài mà nghe.

              Trương Quân Mại về phe huyền học, viết một bài phản đối khoa học, nhưng sau rốt có mấy câu vô ý tỏ ra như là phải có khoa học mới được. Bên kia, Hồ Thích viết một bài trả lời.

              Bài của Hồ Thích đề là “Tề Thiên Đại Thánh với Trương Quân Mại”. Mới nghe cái đề ai cũng phải cười nôn ruột và phải chú ý để coi ở trong nói chuyện gì.

              Ở trỏng nói rằng: "Xưa kia Tề Thiên Đại Thánh đấu phép với Phật tổ Như Lai, Đại Thánh nói rằng: mỗ có vân đẩu cân, bay một cái xa đến 18 vạn dặm. Phật tổ giơ bàn tay ra nói rằng: đố bay thế nào cho thoát khỏi cái bàn tay nầy. Đại Thánh bay đi. Bay thiệt xa đến tận đâu đâu, đến chỗ có năm hòn núi lớn. Ông ta nghĩ rằng nếu không để lại dấu tích gì ở đây thì chẳng lấy gì làm cho Phật tổ tin mình đã đến, bèn viết một hàng chữ trên hòn núi lớn hơn hết và đái ở dưới một đống, rồi bay về thuật lại cùng Như Lai. Như Lai đưa bàn tay ra thì ra nơi ngón cái có một hàng chữ rõ ràng và dưới đó có mùi nước đái khỉ i vì Đại Thánh nguyên là cốt khỉ. Thế là Đại Thánh bay mấy cũng không khỏi tay Như Lai. (Chuyện này thấy trong truyện Tây du). Nay Trương Quân Mại nói rằng mình có vân đẩu cân bay thoát khỏi phạm vi khoa học, song về sau cũng quay đầu lại, mà không thoát khỏi được. Như vậy Trương quân chẳng khác gì Đại Thánh!".

              Ấy đó, cái cách khôi hài của họ nó có lý thú là như vậy. Nó lại có ích cho sự biện thuyết nữa, vì nếu chỉ lấy lời lẽ mà phản bác thì dài dòng mất bao nhiêu; cái nầy, đem một câu chuyện nực cười làm ví dụ thì đỡ nói nhiều mà lại càng rõ nghĩa.

              Bài trả lời ấy bấy giờ người Tàu họ cho là khéo khôi hài mà nhã lắm; chẳng ai hề trách Hồ Thích có ý nói xăm nói điếm chi, vì họ biết cách nói chơi, họ hiểu nhau rồi.

              Song nếu đem câu chuyện ấy mà viết trong báo An Nam mình thì thế nào cũng có người cho là xỏ lá, vì người ta nói rằng: Hồ Thích nói như vậy là cầm Trương Quân Mại như con khỉ!

              Ấy là lời thêu dệt. Nếu cứ bắt tròn bắt méo theo kiểu bà gia với nàng dâu đó thì thôi, chẳng ai còn dám nói đùa nói bỡn một câu nào hết. Cho đến Khổng Tử cũng ngậm miệng mà không dám thò cái câu "cắt cổ gà, chọc huyết heo" ra!

              Ta hãy mở rộng độ lượng ra một chút mà nghe những lời đùa bỡn của người đời. Đừng có nên "thông ngôn" một cách xiên xẹo. Bao giờ trên tờ báo có nhiều giọng khôi hài thì bấy giờ mới có cuộc bút chiến có lý thú, vì nó tương quan với nhau vậy.

              Thần chung, Sài Gòn, s. 106 (28.5.1929); s. 108 (30.5.1929); s. 111 (2 và 3.6.1929); s. 114 (6.6.1929).







              [1]Bài “Bút chíến” của Bùi Thế Mỹ đăng Thần chung số 102 (23.5.1929)- Các chú thích đều của người biên soạn (Lại Nguyên Ân)

              [2]Ở đây nhắc lại cuộc tranh luận của C.D. (Phan Khôi) với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Huy Liệu về việc người Pháp giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn.
              [3]Hai từ “cáu giận” là tạm đoán, vì bản chụp bị mờ, không rõ.

              [4]sum nghiêm: như oai nghiêm.
              [5]khấu ó: chính ra là gấu ó, trỏ việc ngầy ngà, mắng mỏ nhau (theo H. T. Paulus Của: Sđd)

              [6]phạm nọng: chưa rõ nghĩa; “nọng” trỏ khúc thịt cổ (lợn, bò, trâu); phải chăng “phạm nọng” cũng tương tự “chặn họng”, “chọc họng”?

              Nguồn: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004.
              http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5404&rb=0105
               
               
              _______________
               
              Đọc thêm về Phan Khôi trong phần Tác giả - Tác phẩm của Việt Nam Thư Quán


              <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.01.2007 01:49:44 bởi sóng trăng >
              #5
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9