Những "ngôi trường xưa Em học"
Thay đổi trang: 123 > | Trang 1 của 3 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 36 bài trong đề mục
NhàQuê 11.01.2007 17:42:08 (permalink)


Những "ngôi trường xưa Em học"





Ðoản 1: Cổ Thụ

Trừ những khi mây xuống thả vòi là đà thấp hơn ngọn cây, báo hiệu cơn mưa ập đến. Còn không, từ bên nầy của cánh đồng rộng tôi trông thấy làng Tân Thủy của tôi mờ mờ màu xanh núi, giăng ngang tựa tranh vẽ, bầu trời nhạt hơn phía sau.


Trên con đường dẫn từ quận lỵ Ba Tri về hướng Ðông băng qua cánh đồng ấy, tôi về trể hơn các bạn khác mỗi ngày: Tôi đi bộ! Khi bắt đầu vượt đoạn đường tôi luôn nhìn Cổ Thụ làng tôi vấn kế, Cổ Thụ nhìn thằng bé đi học về mĩm cười lúc trong lòng tôi vẫn còn rộn rã lời khen của thầy âm vang chưa tan hết. Những lúc tôi đi đầu cúi thấp vô hồn chắc Cổ Thụ cũng rưng rưng.

Có khi tôi phải đứng chờ có người đi cùng mới dám vượt qua khu trâm bầu của chòm Ðìa Ðôi gần khoảng giữa, đám trâu đen trâu cò đang cằn từng cọng cỏ gần đó cho biết rằng mấy đứa chăn lẫn khuất đâu đấy, sẵn sàng nhảy ra bắt nạt tôi: Thằng bé cũng đã giữ trâu cho người chú không con trai của mình, tựa chúng, nhưng tôi không hung hãn như. Dù không nhìn thấy trâu, qua chòm Ðìa Ðôi tôi vẫn chạy hết tộc lực sau đó vừa đi vừa thở như người tập thể dục bất đắc dĩ; Những lần như vậy Cổ Thụ nhìn tôi dáng có chút đăm chiêu, nhưng cũng có vẻ ngầm khuyến khích.

Cổ Thụ đứng ven con lộ đất dẫn đến cuối làng, gần đoạn khởi hành hơn. Phải nói rằng con lộ đất đi dưới chân Cổ Thụ mới đúng, vì anh chàng cát bủn nầy né rẽ đi hướng khác mấy lần trong thời loạn lạc, nhường chỗ cho địa đạo, giao thông hào; Nhà tôi không xa nơi ấy.

Không ai biết Cổ Thụ bao nhiêu tuổi, Ba Má tôi nói hồi đó giờ vẫn vậy, không lớn thêm cũng không có dấu hiệu gì già cỗi. Có thể từ xa xưa lắm những hạt mầm bị sóng triều xô giạt vào cồn cát vừa nhô lên khỏi mặt biển đôi chút, bám được rễ bắt đầu sự sống: Cuối cùng chỉ một cây non thoát được các đợt tất công liên tiếp của sóng triều.

Dấu chỉ bên dưới lớp đất nói rằng làng tôi là cồn cát càng ngày càng lấn biển ra xa. Khu rừng nước mặn mọc thêm dàn hàng ngang tiến về hướng Ðông lần sau khác lần thấy trước, củng cố thêm trong tôi lịch sử hình thành con giồng tên gọi Giồng Bông nơi tôi được sinh ra. Cây xanh mơn mởn tín hiệu hứa hẹn về vùng đất tươi tốt, hấp dẫn nhóm người đầu tiên đến đây dựng liều cắm trại định cư ... Theo Chúa Nguyễn "Nam Tiến" bằng cách nầy cách khác Tổ Tiên tôi xua dần lớp cư dân thời tiên khởi lập làng...Tôi, hậu duệ nhóm người lấn chiếm dựng nên quê tôi hiện giờ: Tôi nghĩ vậy!

Ðứng vươn cao, Cổ Thụ nhìn bao hưng phế đổi dời đời nầy qua đời khác: Ði xa Cổ Thụ đứng trông theo đến khi không còn chấm nhỏ, vui mừng gần như nhón gót cao thêm cho rõ, coi có đúng kẻ trở về đấy không. Cổ Thụ hát reo bốn mùa gió lộng, ủ rủ u buồn vĩnh biệt mỗi lần đám tang đi qua dưới chân Người, lo âu cho kẻ ra khơi sinh nhai giạt trôi không trở lại... Từng mắt lá Cổ Thụ như nghe, như thấy bao khắp và xúc cảm với từng hơi thở nhẹ của quê tôi, Cổ Thụ chắc cũng vui mừng mùa bội thu, rầu rầu những năm sâu rầy phá hoại.

Gần giáp Tết, Cổ Thụ nhìn gió chướng từng cơn lọc qua khu rừng nước mặn, nhìn từng đợt sóng bổ ghềnh hùng hổ ập vào rồi lại kéo ra như muốn xô ngã khu rừng chong chênh đang cố ráng sức chống chọi, chơi vơi chao đảo như người chỉ còn có một chân phải trụ lưng vào cồn cát phía sau phụ lực.

Có lẽ Cổ Thụ cũng nhìn thấy thằng bé trùm kín chăn nhai trộm bánh phồng sống mới phơi một nắng, bị Má bắt gặp lôi ra rửa miệng giữ răng. Mật chiếc bánh nếp trôi ngọt ngào qua cổ cùng âm vang tiếng sóng bổ ghềnh như rượt đuổi nhau luồn dưới lòng đất, không những qua tai mà ngấm sâu đưa tôi vào giấc ngủ nhẹ nhàng không mộng mị: Tuổi thơ tôi đấy!

Rồi một ngày kia, đao phủ thủ nghiện rượu về từ hướng Bắc chém nhát đầu tượng trưng làm hồn tôi, người vốn phải câm: Ðau rướm! Làng tôi nghèo đến độ cần gổ để đóng vài chiếc bàn ghế học trò cho trẻ em thế sao! Không! Cổ Thụ là cây củ chi, mã tiền,... độc dược, vô dụng từ nhánh tới lá, thân cũng nguy cơ ngộ độc. Sao lại mang ra làm thế chứ!

Sau mấy ngày đau đớn Cổ Thụ gục ngã: Ðám chim chóc đủ màu đủ loại sống chung bao đời hốt hoảng vội vàng rời tổ, đậu nhờ những cây lân cận ngơ ngác đứng nhìn lại, rồi như đồng loạt kêu lên ai oán cùng lúc Cổ Thụ đổ nhào. Âm thanh như một chấn động khác biệt chưa lần nào nghe thấy.
Ðám chim chưa muốn tản mác bay đi, đám chim mỗi lần đi qua tôi dừng lại nhìn lên không còn sợ trên ấy có người khuất mặt như ngày xưa còn nhỏ chẳng khi nào.
Từ đó làng tôi không còn như ca dao có lũy tre xanh, có cây cổ thụ. Cổ Thụ làng tôi cao nhất trong vùng, cao hơn bất kỳ nơi nào tôi đã đi qua. Không còn dấu mốc nào để dễ dàng nhận biết từ xa, rằng gần đó có ngôi nhà lợp lá: Ba Má Anh Chị Em tôi, cái chùm hạnh phúc ấy quây quần bên nhau một thời.


Làm làn khói thoát ra từ lò hỏa thiêu, tôi hòa tan vào mây phiêu du về bên ấy, biết tôi có còn nhận ra được chốn xưa không. Cổ Thụ còn đâu để cho tôi xin mây một lần xà xuống thấp. Tôi chẳng có chút nào so được con chim nhỏ nhất ngơ ngác rời tổ ngày nọ.

NhàQuê May 19, 2005



<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 19:51:30 bởi NhàQuê >
#1
    Hoang Viet 12.01.2007 19:31:57 (permalink)

    MụcĐây là lần đầu tiên HV vào VNTQ...và lại viết tin nhắn...thì cũng hơi run. Nhưng lời văn hay quá...đã khuyến khích HV viết thành lời. Cái buồn man mác trong " tản văn" đó là cái " buồn sinh nở", làm giàu thêm tâm hồn con người...
    Chỉ có vài dòng vậy thôi!
     

    #2
      NhàQuê 13.01.2007 08:54:44 (permalink)





      Những "ngôi trường xưa Em học"


      Ðoản 2: Ðình Làng


      Hai đình, bốn miễu và một lăng của làng tôi năm nào cũng có cúng kỳ yên, vía hay tương tự, những năm đặc biệt trúng mùa bao giờ cũng có rước hát bội về ít nhất là ba đêm diễn, đoàn hát xong nơi nầy dọn tiếp qua nơi khác; Ðó là dịp hẹn hò của trai gái làng quê tôi đang mùa đồng khô, trăng tỏ, tương đối rảnh rỗi trước mùa vụ mới.


      Từ nhà tôi qua khỏi Cổ Thụ không xa, ngôi đình Tân Hòa mái ngói âm dương, cổng dáng hình lăng miếu, hai cây dương hai bên cao không đều nhau có lẽ một cây được trồng lại sau, đình tọa lạc trên phần đất độ hơn hai mẫu tây, có mấy cây sao thẳng hàng còn lại là vú sửa, gia đình Ông Từ chăm sóc quét dọn đình cũng được dành cho một phần vừa ở, vừa trồng trầu. Không ai gọi tên đình Tân Hòa, thậm chí có người không biết; Ðó là trường vỡ lòng đầu đời của tôi: Ðình làng Tân Thủy.

      Một buổi sáng tôi mặc quần áo mới chẳng khác nào ngày tết, ôm cập đệm cũng mới màu chiếu trơn, có viềng bìa vải bông cho đừng vuột chỉ may, trong đó có nhiều thứ Ba Má tôi mua cho và dặn tên từng món, có vài món hơi lạ tôi chưa biết dùng để làm gì; Tuy nhiên tôi cũng trân trọng xếp chúng gọn gàng trong ấy. Ngày hôm trước Má tôi nấu chè cúng vái cầu cho tôi học sáng láng, ăn chè xong tôi kiểm lại đồ đạc mấy lần sợ có ai mở ra coi thử làm lệch thứ tự theo ý tôi, tay kia tôi xách bình mực nâu đi theo Má: Tôi đi học không khóc như những đứa khác, trước khi đi tôi sợ Má quẹt lọ lên trán xin phép Ông Táo như những lần cũng đi hướng ấy về quê ngoại đám giỗ. Không, lần nầy Má tha!

      Mấy đứa khác gặp trên đường không có vẻ lo âu như tôi, chúng đi một mình mà còn nhìn tôi chế nhạo, học trò mới: dốt!

      Má nói chuyện với chú sáu Niên gì đó, Chú ghi ghi chép chép, tôi đứng bên cạnh có khi tôi nhìn xuống quyển sổ Chú ghi, có lúc tôi nhìn đám đông xếp ngồi từng nhúm đang xù xì to nhỏ nhau, Chú ngưng viết nhịp thước mấy lần lên bàn của Chú, tụi nó nín khe trở lại. Mọi việc kết thúc khi Má dặn: Nó làm biếng Chú cứ việc uýnh! Mấy đứa dưới ra hiệu roi mây nẹt đít tôi thấy rõ ràng mấy giây trước đây khi tôi nhìn hướng chúng, làm tôi cũng hơi chùng xuống đôi chút.

      Ðến khi Chú chỉ chỗ ngồi cho tôi, tụi nó lấn còn có chút xíu, tôi đặt đít vào như phải trướng lấn lại cả hai phía: lưỡng đầu thọ địch.
      Trên mặt bàn hai đứa hai bên khuỳnh tay, cùi chỏ gần đụng nhau chừa chỗ nghiêng nghiêng vừa đủ tôi đặt bình mực, cập tôi chỉ được ghé chút, còn phần dư phải tựa trên đầu gối.
      Suốt buổi ấy sư phụ tôi chưa truyền phép mầu gì, quyển vở còn trắng tinh, bụng trống như lúc ra đi không chữ nào trong đó.
      Lúc cho về tôi khoanh tay "Thưa thầy em về" như mọi đứa khác, từ nay tôi không gọi thầy tôi là chú nữa.
      Má tôi qua khỏi Cổ thụ đôi chút đón tôi vinh qui, vì từ đoạn đó tới nhà tôi không có đứa nào cùng đường, chúng đã tẻ vào xóm trước khi.
      Em tôi bỏ trò chơi bắn cu li một mình vừa một lúc làm hai vai, hai đối thủ. Em chạy lại chạm nhẹ tay tôi: Có gì hôn? Ý em tôi hỏi có bị đòn hay biến cố trọng đại nào không, tôi cười lắc đầu và nó an tâm hiểu rằng đi học là chuyện dễ dàng. Tôi giấu em cuộc chiến đấu từ cả hai cánh vừa qua của tôi.

      Hai ông lấn tôi từ bửa sau trở đi dễ thương lạ, hai ổng nhường chỗ cho tôi thoái mái: Hai ông làm thầy kèm tôi; Làm thầy thì phải hy sinh chứ! Người lớn mà! Ðâu lại giành chỗ với trò hay ít ra là đàn em.
      Thầy phóng mấy chữ cái trên tập bằng viết chì rồi hai thầy "lấn chỗ" chỉ tay vào chữ đọc trước tôi đọc theo kèm theo lời hăm dọa: Tụi tao đọc ba lần mà không đọc lại được như tụi tao hồi trước là đuổi học.
      Tôi hiểu hai thầy xưa kia thông minh rất mực và nay có quyền tâu lại Thầy đuổi tôi.
      May phước lần thứ hai là tôi đi suông. Kế tiếp tôi còn được chừa chỗ rộng hơn, không bị thình lình đụng tay khi tôi dùng viết mực đồ theo lằn chì mấy chữ cái thầy phóng.
      Vần xuôi: Bê a ba, bê á bá ...em mờ a ma, em mờ á má ... tôi thanh toán gọn mấy ngày kế tiếp và thêm ít ngày nữa tôi xong phần vần xuôi, phải từ giả hai thầy "lấn" để qua nhóm vần ngược ngồi góc bên kia. Hai thầy cũng tự hào dạy giỏi.

      Tôi không nhớ rõ tôi học ở đó bao lâu nhưng tôi biết rằng tôi đã tiến qua giai đoạn tự chép theo bài thầy biên trên bảng vuông vức màu xám treo trên tường và làm toán cộng trừ không số giữ.
      Thời gian đó tôi lần lượt được chuyễn học chung nhiều nhóm khác nhau ngồi riêng góc tùy theo trình độ tôi tiến lên được, thuở ấy chúng tôi gọi là được lên lớp.

      Thầy tôi bị ruồng bắt lính trong một đêm nào, không còn ai thay thế dạy cái lớp học đủ mọi trình độ đó, một buổi sáng u buồn chúng tôi ra về, giã từ cái nhà đãi ăn của ngôi đình làng dùng làm trường lớp đầu đời của tôi và có lẽ cũng của các bạn cùng thuở.

      Ngôi trường đình có cánh đồng rộng bên kia đường trước cổng chúng tôi cho diều hát vi vu mùa khô, trong lớp chúng tôi ngồi lắng nghe đoán biết được nó đang lên cao hay lượn xuống, tàn cây vú sữa cho chúng tôi bóng mát nô đùa mỗi lúc được ra chơi.

      Tôi thấy mấy đứa con gái thường nhãy dây, đánh thẻ, ít khi thuộc bài lại khóc nhiều hơn hết trong buổi sáng lạc thầy đó.


      Ít lâu sau Thầy tôi trốn về được. Ngang qua nhà, thấy Má tôi, Thầy nói vọng vào: Tui mới về nè chị Tư !
      Má tôi dừng Thầy lại nói chuyện mấy câu, tôi chạy ra mừng ngỡ thầy vài ngày nữa sẽ dạy lại.
      Không, thầy tôi vĩnh viễn bỏ thiên chức khai hoang. Vĩnh biệt Thầy!


      NhàQuê May 21,2005



      Đình Làng, Ngôi Trường Đầu Đời

      Mái vẫn rêu phong trước sau êm vắng
      Uy nghi ngầm phảng phất nét hiển linh
      Sắc vua phong thuở trước cẩn cung nghinh
      Ơn đức bổn Thần tiếp nhau truyền rạng

      Nhớ Má cúng cầu mong tôi sáng láng
      Trước hôm nao dẫn đến gặp thầy xưa
      Đứng khoanh tay, lắng tiếng dưới hăm đưa
      Nhìn khúc roi xơ, lòng mình tự vấn

      Rồi chút nữa đây “mấy ông” xúm lấn
      Ngơ ngác trùng vây lọt thỏm giữa lòng
      Xóm dưới đầu trên có vẻ đợi trông
      Chờ thầy xếp cho tôi cùng chung dãy

      Tàng lá xum xuê cánh tay rộng trải
      Bóng mát rợp che trong ngõ lối ngoài
      Nhớ buổi vỡ lòng… giờ tít chân mây
      Mất dấu Trường xưa, Đình ngùi thế sự

      NhàQuê


      Bên Kia Đình Làng

      Hai nhành rẽ phướng giữa tầng bay
      Uống gió no đầy túy lúy say
      Vụt thoắt lên cao tìm hướng núi
      Vòng vèo lượn xuống bỡn vòm cây
      Hồ pha giấy phất diều đâu sợ
      Nhợ mảnh sườn oằn sáo lắc lay
      Nhắc đến nơi xưa vui thú ấy
      Trường ĐÌNH chạnh nhớ khóe mi cay

      NhàQuê



      <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 20:11:13 bởi NhàQuê >
      #3
        NhàQuê 14.01.2007 05:39:39 (permalink)





        Những "ngôi trường xưa Em học"


        Ðoản 3: Qua Ðồi Cát Nóng

        Vào mùa nắng, các làng ven biển quê tôi có thể nói gọn không ai muốn bước chân ra đường. Sức nóng làm đôi mắt lúc nào cũng chực khép vào giấc ngủ nặng nề nhơm nhớp mồ hôi đang xô tới; Tôi thằng bé đi học về dưới từng hạt nắng bốc lửa ấy!


        Anh Mười và anh Út mặc áo dài trắng khăn đóng đen dạy học công quả cho chùa, chúng tôi học trong ngôi trường lợp lá mới cất theo chiều dọc con đường đi, mấy cây cột còn mùi cây rừng chưa khô hẳn, chưa tróc hết vỏ.

        Trường mới của tôi bên trong rào của thánh thất Cao Ðài Thiên Tiên, các cơ sở phụ thuộc của chùa kể cả phòng thuốc nam làm thành các dãy tách biệt sau ngôi chánh điện nguy nga mái ngói, có hai tháp cao phía trước hình dáng quen thuộc như những chùa Cao Ðài trông thấy đó đây, chúng tôi thường gọi hai tháp ấy là lầu chuông lầu trống. Các loại cây, rễ, lá có thể làm thuốc thường được bọn học trò chúng tôi mang tới hiến, góp phần công quả và có lúc chúng tôi bỏ lớp vụt ra phụ khiên, kéo các đệm, nia thuốc đang phơi khi cơn mưa đột nhiên ập nhanh đến.

        Trường gần ranh giới làng tôi với làng kế cận: Thuộc làng bên. Tôi lại có thêm bạn mới, nhiều đứa sau nầy cùng tôi ra trường Tổng, nhưng trong những ngày nầy chúng không về cùng đường với tôi, vì tôi từ làng khác tới học nhờ. Sau mấy bài thử sức, tôi theo các bạn mới không vất vả gì.

        Thế nhưng đến khi thầy cho về là lúc trí óc tôi phải hoạt động căng thẳng, nghĩ cách qua đồi, qua nỗng cát nóng hừng hực, con đường duy nhất phải vượt qua, không cách nào khác. Trong lúc nỗng cát dường như thu gom hết sức nóng từ mặt trời lên đến giờ, đem chúng trải dọc lối về của tôi.

        Tôi nhẩm tính từ đám cỏ khô nầy đến đám gần nhất xem có thể chạy nổi một mạch không, nhẩm tính những đám cỏ nào còn sót lại chưa gãy rụm mấy ngày trước, lúc tôi nhào lên đứng bằng một bàn chân, bàn chân kia ghé tạm lên trên chờ đổi thế cho nhau, đến khi cả hai nguội để có thể chạy nhanh qua đoạn đường chiến binh kế tiếp.

        Ðường đi dọc lưng đồi, hai bên lối đi cây xương rồng gai nhọn tua tủa còn sống nổi, nhưng xem ra chúng cũng bệ rạc, xen kẽ vài đám gò mả, nơi đó không có loại cây có khía nhiều gai ấy, đám mả còn chút ít cỏ khô cho chổ đứng tạm. Xa dưới triền đồi, mấy chòm tre gai mốc thít như ngủ gục, như trôi trên làn sức nóng chập chờn. Mặt trời cao vút bên trên mà sao sức nóng phả khí thế đáng sợ!

        Phải chạy năm hơi mới tới cây keo già không còn cành nào phía đường đi, tàn lá đều nghiêng về một bên phủ kín cái giếng lạn chứa tạp nham đủ loại bị gió cuốn tới. Ðứng trên rễ cây đảo mắt xem chừng trên ấy nghe nói thỉnh thoảng có bà mẹ xỏa tóc nằm võng ru con. Con tắc kè trong bọng cây không biết bao lớn, cất tiếng đến giật mình, tùng dấu hù dọa thằng bé, thúc nó bỏ chạy tiếp, vượt qua đám dúi tháng trước còn rậm rạp, giờ xơ xác, bên trong nhiều lúc có ma chọi đất ra, người gan dạ dám lận theo mấy miếng gạch vụn chọi lại thì nghe tiếng ma bỏ chạy.

        Cuối cùng tôi cũng nghĩ ra được miếng mo cau hay thịnh soạn hơn là một hộp giấy dày làm cứu tinh đem theo, khi không còn bụi cỏ khô nào.

        Cơn mưa đầu mùa ập xuống, cũng chỉ làm đồi nỗng cát phủ được lớp da ướt bốc khói râm rức, bên dưới lớp da ấy khi vít thử chân, lớp cát khô quánh vẫn đang nằm thách thức.


        Ngôi trường thứ hai tôi đấy! Không có con chử, phép tính nào mà tôi không đổi bằng gót chân mỗi ngày một chai dày thêm.

        NhàQuê June 01, 2005


        Con Lộ Đất

        Em kể lại tôi nghe
        Con đường xưa bây giờ tráng nhựa
        Vẫn vắt ngang qua mấy ấp quê mình
        Những cây cao cây còn cây đà đốn
        Nhìn lạ làm sao!

        Trong ký ức một mình tưởng lại
        Con đường làng cát nóng vuột da
        Tôi thằng bé chân trần đi học
        Băng qua nỗng cao khổ ơi là
        Chạy từ đoạn một

        Đầu trên kia có miễu Bà Bèo
        Phía nọ giáp làng bên Giồng Nần, Đục Mộ
        Người ở xa biết làm sao nhớ
        Riêng tôi quen như từng ngón tay mình
        Chia phe phục kích

        Đi học sớm chun vô bụi núp
        Đợi tụi nó ngang nhảy ra hù
        Mới vô trường đà trèo lên một bậc
        Sách chẳng nói nhất quỷ nhì ma đó ư
        Đường thêm ma nữa

        Con ma giờ đây nhớ thương đường cũ
        Đêm chiêm bao đi lại bao lần
        Vẫn y nguyền từng chùm cây dại
        Nhàn hạ trổ hoa đâu chờ Xuân

        Tôi thằng bé chân trần
        Ước bỗng làm hạt cát!!

        NhàQuê



        <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 18:33:07 bởi NhàQuê >
        #4
          NhàQuê 15.01.2007 21:49:26 (permalink)





          Những "ngôi trường xưa Em học"


          Ðoản 4: Cánh Chim Bay


          Như sự giã từ trong âm thầm trước chuyến đi xa, tôi làm người say ghé những chổ thân quen nói miên man chuyện trên trời dưới đất, mưa nắng, mùa màng...tất cả những thứ ấy và nhiều hơn nữa đã đóng gói vào một góc hồn tôi trong số hành lý không thễ nào đong đếm được, có cái cùng có thứ chỉ riêng: Chúng là Quê Hương bây giờ tôi ngàn dặm.


          Tôi đi lại đoạn tỉnh lộ 26, có cầu Bà Hiền bắt ngang con rạch tưới ngọt cánh đồng chỉ có vụ mùa. Những tháng nát rạ chờ mùa vụ mới, đám trẻ chúng tôi và xóm bên kia dàn trận đánh nhau chọi bùn chí chóe hai bên bờ rạch, ngay cả đứa ốm yếu cũng góp phần xắn bùn tiếp tế hay giữ quần áo, cập vở cho các tráng sĩ ra trận được an tâm.
          Trận đánh lần sau mãnh liệt hơn lần trước, hai bên tìm cách qua sông chọc thủng phòng tuyến của nhau, bắt tù binh trát bùn, trấn nước...Những con người dũng cãm ngày nào đã trôi theo dòng thời gian và hai bờ cuộc chiến có thật, cuộc chiến kết thúc bi thảm không như...

          Từ chổ trống trải nhìn xuyên ruộng rẫy thấy được bến Ðường Tắt, nơi đó cùng các bạn trai khác, tôi đã phụ vác cây rừng vừa sức mình về làm vách cho trường mới cất chưa quá hai trăm thước gần nhà tôi.
          Tôi nhớ hoài bữa cơm canh mướp tép rang ngon chi lạ ở nhà thầy sau buổi phụ vác cây ấy. Thầy vai em trong họ hàng, nhưng không vì thế mà được thiên vị. Lớp tư thuở đó có vài bạn học chung vai cô chú tôi, cũng có mấy bạn vài năm sau có vợ lấy chồng, mấy bạn gái ngồi các bàn trước, lưng họ che chắn làm tôi vất vả phải đứng lên đọc chữ trên bảng rồi ngồi xuống chép, khi họ dựa vào bàn sau cũng làm chúng tôi khốn đốn, nét chữ răng cưa.

          Gần cuối năm thầy bỏ đi kháng chiến thỉnh thoảng thầy ghé nhà thăm Ba Má và hỏi thăm sự học hành của tôi. Lâu sau trong trận đánh nào đó thầy tôi, viên Huyện Ðội Trưởng đã hy sinh cho lý tưởng của mình: Vĩnh biệt thầy Nguyễn Tấn Hồng!

          Tôi lại hằng ngày qua cây cầu ván không lan can trên tỉnh lộ đến học tiếp ở trường "Nhà Việc Cháy". Trường gần công sở xã, nơi người dân thiếu thuế, thiếu xâu bị bắt "đóng trăn". Cái Nhà Việc được cất lại trên nền công sở cũ đã bị thiêu hủy thời Nhật Ðảo Chánh. Gần như những bạn trường ấy không nhớ gì khi tôi nhắc có lần tôi đã học chung với họ vì tôi đến đó vài tháng cuối niên khóa. Không biết tôi có được kể là cựu học sinh trường sơ học Tân Thủy không nhỉ? Xin cho tôi với chứ! .......


          Vào mùa vụ, sau buổi học tôi theo Ba Má sang bên kia rạch, đi phụ làm cỏ, bè dăm mạ, ôm đất đắp bờ ...Chiều nào bầy cò trắng cũng bay khoan thai về hướng rừng xa, chốc sau đám le le rợp trời diễn tập đội hình khi bay chung khi tách riêng đổi hướng rồi lại nhập vào. Không nhớ ngày đó tôi nghĩ gì khi ngắm nhìn chúng mà giờ nầy tôi là cánh chim lìa đàn bay đi.

          NhàQuê June 16, 2005


          Theo Cánh Chim Bay

          Có một dòng sông chảy tận đây
          Trong tôi tưởng nhớ suốt từng ngày
          Ra đi vẫy biệt lòng đau cắt
          Gởi lại âm thầm dạ xát xay
          Xứ lạ luôn dành nguyên góc nhỏ
          Quê xa vẫn cất trọn tim nầy
          Nghe ai nhắc đến tên dưng bỗng
          Muốn được thành chim chớp cánh bay

          Bay qua chốn cũ xóm nhà tôi
          Nén những bâng khuâng cố tưởng hồi
          Cổ Thụ vươn cao giờ hạ đốn
          Đình xưa bóng rợp trước đùa chơi
          Trông theo dáng nhỏ vừa tan học
          Thấy lại y nguyên đủ khoảng đời
          Ước được sau cùng nương cánh giạt
          Lần nhìn trước lúc biệt xa khơi

          NhàQuê




          <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 20:18:22 bởi NhàQuê >
          #5
            NhàQuê 17.01.2007 21:52:57 (permalink)


            Những "ngôi trường xưa Em học"


            Ðoản 5: Vượt Cánh Ðồng Ma


            Thế rồi tôi cũng học hết lớp tư, từ nhà tôi đến trường Tổng, trường dạy tới lớp ba, Trường Sơ Học Xã Diệu không xa lắm đi về hướng Quận.

            Trường có hai phòng học vách ngăn bằng lá nằm dọc theo tỉnh lộ 26 bên ngoài vòng rào bót có cả nhà lồng chợ. Mấy đứa bàn chót có thể thò tay qua chổ rách khều ghẹo với mấy đứa lớp bên kia, có lần tôi bị méc và bị thầy đòn vì trò nghịch ngợm đó: Tôi lọt bẫy vì chúng quấy tôi trước, đến khi tôi thò qua thì chúng hè nhau giử chặt tay tôi lại.

            Trường nào cũng vậy, vẫn theo phong tục con gái ngồi hết mấy bàn đầu, vẫn theo truyền thống ngoại giao khép kín giửa trai gái cùng lớp, lằn ranh phân biệt ấy chưa bên nào vi phạm, điểm thấy rõ nhất là phía gái đã bắt đầu mang theo và ăn lén xoài ổi, kẹo bòn bon trong lớp mà không biết hối lộ bên trai chút nào, trả lễ chúng tôi cũng chẳng nương tay nên thỉnh thoảng "giới thiệu" các cô nàng tình nguyện trả bài lúc mấy trự chưa kịp nuốt hết, lắc lư! Họ gọi chúng tôi là Ðồ Quỷ từ đó.

            Trong lớp tôi có nhiều đứa là con các viên chức địa phương, họ thường chễnh mãng bài vở, nhưng thầy cũng "không nỡ" nặng tay. Bọn trai chúng tôi tiến tới giai đoạn cởi mở rủ bạn bè về nhà ăn cơm có gì ăn nấy, xong tắm ao tắm đìa, trèo cây hái trái...Ngôi trường qui tụ đủ học sinh các xã chung quanh, do nền ngoại giao phát triển đó nên chúng tôi thông thuộc mọi lối đi ngang đi tắt trong vùng.

            Chỉ trong gần một năm lớp ba, chúng tôi học tới ba thầy khác nhau vì lần lượt mấy thầy bị gọi đi lính, sau nầy đọ lại với lịch sử đó là những năm chiến tranh Việt Pháp đi vào giai đoạn kết thúc (1953-1954). Do vô tư của tuổi trẻ chúng tôi chưa có mảy may nào quan tâm tới thời cuộc, vẫn thả dòng vui chơi học hành theo ngày tháng đi qua.

            Ðã xong hai kỳ thi xét lên lớp , một biến cố xảy ra cắt ngang nếp sống đều đặn thường nhật của tôi: Anh tôi trốn lính, mấy ngày sau đó anh đi tu lánh nạn. Cái lão Cai Tổng hay dẫn đám lâu la đốt nhà những gia đình có người đào ngũ, có khi bắn giết cả nhà nếu người trốn mang theo vũ khí hay gây thiệt hại; Gia đình Ba Má Anh Chị Em tôi tức tốc rời bỏ ngôi nhà êm ấm có giàn bầu tự tay tôi trồng chăm bón đang trỉu quả, trốn đến cuối làng gần rừng làm chòi sống tạm gần như màn trời chiếu đất mấy ngày đầu; Khổ nào cho xiết!

            Mươi ngày sau tình hình lắng dịu, Ba xin Bác tôi một nền nhà cho gia đình trú ngụ vẫn cuối làng, xa nơi nhà chưa dám trở về của tôi. Má tôi lại dẫn tôi qua xã khác xin học lớp ba với người bác họ: Thầy Tô Văn On.

            Mỗi sáng tôi đi ngược hướng mặt trời mọc băng qua cánh đồng rộng đến trường Vĩnh Hòa có cây dúi cao trước cửa lớp, nơi ấy tôi có nhiều bạn mới chia phe bắn u du giữa hai buổi học sáng chiều, lần cuối cùng thằng Tín thọ tiển nơi mắt và trò chiến tranh nầy đi vào dĩ vãng chúng tôi. Mốc thời gian được nhắc lại cả Niêm và tôi nhận ra nhau có thời học chung lớp, tôi ở đó chỉ có mấy tuần lễ cuối niên học.

            Tan học buổi chiều tôi lại đi ngược hướng mặt trời băng qua cánh đồng ban sáng nổi tiếng ma nhất là ngang đám cây chùm quân, nơi nghe đồn có người bị ma dấu cho ăn đất sét, qua đó đi càng lẹ tôi nghe hình như có người đang đuổi theo.

            Thời gian cuối năm lớp ba ấy tôi hai lượt đi về, ánh nắng sau lưng, tôi đuổi theo bóng của tôi đang đỗ dài phía trước như đuổi theo tương lai một cách vất vả nhưng không kém phần bền chí. Con đường tôi qua không đoạn nào bằng phẳng cả!

            NhàQuê June 24, 2005


            <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 18:35:32 bởi NhàQuê >
            #6
              NhàQuê 18.01.2007 07:57:03 (permalink)


              Những "ngôi trường xưa Em học"





              Bài nầy viết năm 2005, đã đăng trên vài Diễn Đàn và Đặc San.

              Dựng sườn từ bài: Những "con đường xưa Em đi"(Lộ Lạc Hồng)/Forum Tùy Bút/bentrehome.net

              Nay đăng lại để:

              - Tưởng Nhớ Má Tôi và kính Dâng Tặng các Bà Mẹ quê chỉ nhớ mang máng ngày sanh Âm Lịch của con mình.

              - Thân mến tặng: Dương Quân, Nguyệt Hạnh và các bạn có lời chúc sinh nhật của NhàQuê.

              - Tặng Nhà Tôi và các Con Tôi năm nào cũng tổ chức sinh nhật cho, theo kiểu hiện nay vào cuối tuần gần nhứt.

              - Tặng chính tôi cho có ngày sinh nhật như mọi ngườị


              Tác Giả



              Đoản rời: Cầu Bà Mụ


              Hãy tưởng tượng tỉnh lỵ quê của NhàQuê hình vuông, cầu Bà Mụ nằm góc Ðông Bắc hình vuông đó, cầu ván nhỏ không lan can bắt ngang cùng một con rạch Cầu Cá Lóc, con rạch nầy chạy uốn éo từ sông vào đến đây tóp nhỏ lại sắp cùng. Ngày nay có lẽ cầu Bà Mụ đã được xây lại vì góc Ðông Bắc vốn là ngoại ô đó, đất còn rộng rãi, hấp dẫn lớp người mới phất lên, nhất là chiến tranh đã chấm dứt. Cái hình vuông tưởng tượng cũng lớn thêm lên theo tất cả các cạnh của nó; nên cầu Bà Mụ không còn là vùng ven, người xóm cầu Bà Mụ không còn là "Người Ven Ðô" nữa.

              Theo như tên cây cầu thì ai cũng đoán ra được nơi đây trước kia có Bà danh tiếng giúp đỡ đẻ, tiếng bình dân là Bà Mụ. Rất lâu về trước, ở cấp Quận mới có trạm y tế và một nhà bảo sanh vài giường, sản phụ thường là cư dân lân cận.

              Trong các vùng sâu hẻo lánh, hầu như nhà nào cũng sanh con năm một, đứa thôi nôi đứa đầy tháng mà chẳng có cái nhà sanh công tư nào; mỗi nhà tự làm nhà sanh lấy, một xóm ba mươi nhà dù ọp ẹp đi nữa cũng có ba chục cái nhà bảo sanh. Tiêu chuẩn nầy chưa nước nào đạt được!

              Cưới vợ vài ba năm chưa có con, trong nhà bắt đầu lục đục. Mẹ chồng thấy con dâu lén giấu đồ chua trong kẹt khóe đã không còn rầy la, mừng là đàng khác, có khi lại cưng chìu. Anh chàng sắp làm cha hoặc sắp làm cha thêm bắt đầu lo lần cây lá chuẩn bị lợp vại: Vại như một cái chòi, cất nối thêm ra với nhà chánh, có tính cách tạm thời sẽ dẹp bỏ khi đứa con tròn tháng tuổi. Vại ngoài phần che chắn vách phên bốn bề tránh "gió mái", cửa vào hẹp vừa đủ ra vô quạt lửa, lợp lá hoặc tranh. Ðặc biệt cái "giường cử" thời trang hơn bất cứ món nào trong mái nhà tranh có hai quả tim vàng tổ ấm ấy. Cái giường không có bản sao, chỉ giống với chính nó mà thôi. Thiết kế duy nhất!

              Trong một tháng "nằm chỗ" bà mẹ dù sanh con so hay con rạ, phải nằm lửa, xông, tắm, ăn uống…trong phạm vi "Nhà Bảo Sanh" ấy. Vài ngày sau khi sanh có khi tự mình lo cơm nước vì ai cũng bận đồng áng. Nước uống nấu trong có “cây chó đẻ” luôn cả lá rễ gốc: Ðắng nghét!….Tới "bữa ngự thiện khô lân chã phụng" chỉ có muối tiêu nện dẽ nướng than; vậy mà "đàn bà đẻ" vét hết nồi cơm hai lon gạo, vượt chỉ tiêu bình thường: Ăn trung gian cho bé mà!

              Mà Bé cũng tội nghiệp lắm: cùng chia cái giường gồ ghề và cái biệt thự um khói hừng hực trong tháng đầu tiên cuộc đời với mẹ và cùng chia sức nóng mẽ than kê dưới lưng của mẹ nữa, nên mấy ngày sau Bé "rỏ" lại nhỏ xíu đỏ hõm! Bé có được nằm nôi như các bé thị thành đâu dù đã đầy tháng "lên trên".
              Trước khi lên trên, bé được tắm tươm tất…để thực sự chào mừng một thế giới mới mà tháng trước đây vì kiêng cử nhiều người không vào chốn ô uế thăm Bé, nên chưa biết mặt Bé, chỉ nghe nói bé giống cha cái nầy, giống mẹ cái kia….Giờ đây “Mụ Bà Dạy" Bé cười chào mọi người trong cái gia đình đông đúc: Chào tất cả, Tôi đây!(Hello everybody, I am here!).

              Giáp năm theo cách tính gái bớt hai trai bớt một gì đó, Bé được “Tôi Tôi” chứ không phải thôi nôi vì Bé có nằm nôi bao giờ đâu. Dịp nầy Bé chọn nghề nghiệp tương lai cho mình: Bắt cây viết, gom cái kiếng tròn bọc cạnh đẹp đẽ, cạp miếng chè hay vắt xôi và lết về phía có tiếng cười reo của mọi người có mặt, Bé cười thấy đủ mấy cái răng sữa mới nhú. Tiệc thôi nôi có chè xôi, cháo vịt…bắt đầu bàn luận quanh đề tài các món đồ mà Bé hân hoan gom lúc nãy.

              Ngày nay khó hình dung ra một loại nhà bảo sanh như vậy, khi mà trẻ con bây giờ được chăm sóc từ trong bụng mẹ cho đến lúc thai phụ có triệu chứng và lâm bồn bởi Bác Sĩ và Nữ Hộ Sinh là những người có trình độ và được huấn luyện chuyên môn trong lãnh vực nầy với tất cả tiện nghi y khoa không ngừng cải tiến.
              Ngày xưa đó, Bà Mụ không xem đó là nghề mà tự Bà coi như được ơn trên sắp đặt sẳn cho bà nhận lảnh thiên chức ấy, bà không quản ngại đêm khuya, đường xa đã đến tận “Chòi Bảo Sanh” khi gia đình sản phụ đến nhờ Bà.

              Khi "Bà Bầu" trệ và đau ngầm ngầm có triệu chứng lâm bồn, người nhà sắp xếp cho người đi rước Mụ, thường thì hai hoặc ba người khỏe mạnh đến nhà Bà, mô tả tình hình và đốt nhang xin Tổ. Bà huỡn đải ăn trầu xỉa thuốc ngồi nghe báo cáo. Nếu bà thấy "chưa có gì", Bà biểu: "dìa đi, ba bữa nữa qua"; Nhưng cũng có khi vừa thấy mặt Bà hô: "tới rồi hả!" và nhanh chóng gom góp vật dụng cần thiết, không quên giỏ xách trầu cau, leo lên võng nằm hoặc ngồi, có khi còn hối mấy người khiêng "lẹ lên, lẹ lên" ba người thay phiên gần như chạy lúp súp. Khi không "khẩn trương" lắm Bà kể chuyện nầy chuyện nọ xưa nay cho người khiêng quên đường xa. Không những một xóm, một xã mà nhiều xã gần nhau đều thọ công ơn của Bà. Dưới bàn tay nâng ấy, các hài nhi cất tiếng khóc chào đời, chào biển khổ: "…Trót sanh ra miệng đà khóc chóe - Trần thế vui sao chẳng cười khì…"

              Trước khi được võng đưa về, Bà dặn dò đủ thứ, đủ điều kiêng cử từ ăn uống đi đứng, khăn choàng, nón đội, tai nhét chân guốc…Tuyệt đối bà không nhận tiền bạc gì của ai!….Sau khi rụng rún, phần rún khô được bà mẹ gói kỹ nhét mái nhà, mé vách, cất trong hộc tủ…sau nầy đốt hòa chung cho anh em uống mỗi đứa một chút cho chúng thương yêu, hòa thuận lẫn nhau.

              NhàQuê cũng trong trường hợp các bé ấy, lại còn thê thảm hơn theo Má nói lại là NhàQuê lúc ra đời chưa nằm trong lòng mẹ được chín tháng mười ngày, sanh non ngày tháng, èo uột, thấy cả mấy khoanh ruột dưới làn da bụng, khóc mấy tiếng đầu thua mèo đói kêu ngao. Không ai kể là NhàQuê qua được ít con trăng. Xin cám ơn Thượng Ðế!

              Vì trường hợp đặc biệt như vậy nên mỗi lần Bà Mụ có dịp ngang qua nhà, thấy Má đang lui cui, lần nào từ ngoài đường Bà cũng hỏi vọng vào "Tư à! Nó chơi hả?": Tư là thứ của Ba, Má theo thứ nầy khi về nhà chồng. Về quê bên vợ, Ba được gọi là dượng theo thứ của Má. Nó ám chỉ NhàQuê. Chơi ý nói mạnh giỏi, bình thường.
              Bà quan tâm đến trường hợp sống sót kể là hy hữu của NhàQuê. Má bắt NhàQuê gọi Bà Mụ là bà ngoại, tới mấy năm sau má dắt NhàQuê đi "Giỗ Mụ Bà", vừa tới cửa NhàQuê khoanh tay thưa bà ngoại, Bà hỏi Má: Nó đó hả ? Ý nói thằng nhỏ tưởng đâu “xí lắt léo” rồi mà giờ còn sống nổi đi đám giỗ mụ. Má biểu NhàQuê lạy trang thờ bà Cửu Thiên Huyền Nữ, Tổ Mụ, trang thờ bà tiên khói hương nghi ngút. NhàQuê lạy búa xua theo Má.

              Có một điều NhàQuê biết chắc rằng bà ngoại nầy không phải bà ngoại thiệt của NhàQuê, vì năm nào Má hoặc Ba cũng gánh anh em NhàQuê đi đám giỗ bà ngoại ở tận nơi xa. Mỗi anh, em một đầu thúng, đứa nào cũng được phết chút lọ bếp lên trán xin phép Ông Táo đi xa vắng nhà, đầu thúng NhàQuê phải thêm cục gạch hoặc khoai, bí, trái, củ gì đó, do em của NhàQuê sanh đủ ngày tháng nặng hơn, cồ lự hơn. Ðường về quê ngoại phải qua con đê, cũng có cầu bằng thân cây bắt ngang dòng nước chảy, qua đó ngồi trong thúng nhìn thấy rõ mấy con cá nhỏ bơi lội "vô tư" bên dưới.

              Như bao trẻ khác trong hoàn cảnh đó làm sao mà NhàQuê có giấy khai sanh được, học đến lớp tư thầy đòi phải có khai sanh mới chuyển qua lớp ba trường Tổng ở xã lân cận, cả lớp bốn năm chục đứa như nhau, cuối năm nhiều đứa phải bỏ học. Khoảng chục đứa may mắn được gia đình quan tâm, dắt lên tỉnh cùng lúc để làm thế vì khai sanh; đó là lần đầu tiên NhàQuê được ngồi trong lòng Ba "Ði Xe Hơi", mà mấy đứa cùng chuyến chắc cũng vậy thôi. Ðợi tới lượt kêu tên vào đứng trước ông Tòa, người lớn đưa tay lên thề thốt sao đó, mấy người thơ ký, lục sự ghi ghi chép chép….Mấy gia đình thay phiên làm chứng cho nhau; Có lần ông Tòa hỏi thử xem đám dân quê nầy đối đáp ra sao “ Sao ông biết thằng nhỏ nầy sanh ngày tháng năm đó?- Ðáp: Bẩm quan Tà, tui có đi đám đầy tháng của nó!”. Ông tòa biết là phịa nhưng cũng thông cãm cho nhóm dân quê nghèo nàn làm chứng vần công cho nhau, thay vì phải mướn người đang thậm thụt chờ sẵn bên ngoài. Chuyện có thật là vào thời đó tại tòa án có hai nghề lạ đời: Làm đơn mướn và làm chứng mướn. Dưới quê của NhàQuê đâu có như vậy, việc gì giúp được người ta giúp thiệt tình!

              Cái ông Tòa năm đó ngồi trong mát mà đen thui hà! Sau nầy lên tỉnh học, ông Tòa khác có hai cô con gái Quỳnh Dao và Minh Trân học chung trường với NhàQuê, cô nào cũng yểu điệu dễ thương mà không đứa nào dám hó hé, ngán ông Tòa lắm, Cụ đọc: Nay tuyên án…là bà cố hú!
              Thế vì khai sanh dành cho những người sanh trước ngày "Nhật Ðảo Chánhvà Việt Minh Cướp Chánh Quyền" vì trong biến động nầy có nơi tất cả giây tờ sổ bộ đã bị thiêu hủy, nay làm lại giấy khai sanh khác thay thế. Do không phải phần lỗi về mình nên lần làm lại nầy không phải đóng phạt, miễn phí; nhưng chánh quyền địa phương phải xác nhận không còn sổ hộ tịch lưu trữ.

              Lên án thế vì khai sanh dành cho những ai sanh sau ngày Nhật Ðảo Chánh mà không làm khai sanh, lỗi do chểnh mảng, do đó phải đóng tiền phạt án phí.

              Tên trong giấy khai sanh cũng trở thành một câu chuyện vì có đứa “Xấu Háy” khó nuôi bị đặt cho cái tên rất tục, phải sửa lại na ná như: Các, Lớn, Cử, Ðủ…NhàQuê may mắn nhờ Ba có học chữ Nho và Quốc Ngữ đủ đọc truyện Tàu và truyện xưa tích cũ nên ngoài không phải mướn làm đơn, tên anh em NhàQuê toàn tên tốt. NhàQuê được mang tên vị anh hùng mà Ba ngưỡng phục, đến nay xét cho cùng NhàQuê không xứng đáng làm cọng râu của Ngài.

              Không như các bạn thành thị và ngày nay, khi sanh ra đã được ghi tên vào sổ bộ, còn dưới quê phải mấy ngày sau gia đình hội ý rồi mới đặt tên. Vậy mà chưa xong, cả hai ba năm sau có vợ chồng nọ ở cuối ấp, đến nói một cách nghiêm chỉnh, xin Ba Má đặt NhàQuê tên khác vì tên vị anh hùng trùng với tên ông cố ngoại vợ của ông, mà ông cố đó đã qua đời từ lâu, quê đâu tận Bình Ðại, Lục Tiên hay Hồ Cỏ, Cồn Rừng, Thạnh Phong, Thạnh Phú gì đó xa lắm! Ba Má cũng giữ hòa khí thôn lân, bèn đặt thêm cho NhàQuê tên gọi ở nhà; Chỉ ở nhà và trong xóm mà thôi. Do đó có bạn nào tình cờ tới xóm NhàQuê hỏi tên theo giấy tờ đi học thì không ai biết cả. Chuyện về tên của NhàQuê là chuyện có thật 100% đấy các bạn! Má cũng biết đọc biết viết qua xóa mù chữ Cóc a sa, cóc á sá, cóc ớ sớ, cóc e se vài bậc (Cóc Ếch gì cũng vậy mà thầy giáo!), nên Má cũng không chịu đặt tên xấu cho con.

              Về ngày sanh cũng nhiều chuyện lạ bốn phương: Anh em sanh cùng ngày tháng khác nhau đúng một năm; Chuyện nầy chấp nhận được. trẻ nào cũng sanh ngày 30, 01, 15 hoặc sanh ngày 5 tháng 6 hay ngày 10 tháng 11…. tất cả phải cho dễ nhớ khi đứng trước tòa: Khớp lắm! Cũng có chuyện sanh ngày 30 tháng 2…tháng 2 làm gì có ngày 30, vì vô ý tòa cũng cho qua nhưng rắc rối về sau. Có tờ báo NhàQuê đặt mua, trong đó có bài khảo cứu của một cây viết lừng lẫy đã nghiên cứu được rằng ông hoàng Rainer xứ Monaco sanh ngày 31 tháng 4. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 chưa ai quên cả hai miền Nam Bắc. Tháng 4 bên Congo cũng chẳng có ngày 31. Xin chào thua và nghỉ mua luôn!

              Má chỉ nhớ mang máng ngày rằm tháng tám âm lịch là ngày sanh NhàQuê, nên lấy ngày đó làm dương lịch trên khai sanh, chắc vì vậy mà mấy lần đem lá số tử vi nhờ thầy xem thấy không đúng về những việc quá khứ, suy ra làm sao đúng tương lai được. Tờ “Quy Kỳ” bỏ trong túi đến khi rách dần, mất cái góc có cung thiên di nên không thể nhờ giải đoán cầu may xem tốt xấu khi chuẩn bị ra đi khi trời vừa tối:

              " Thùng thùng trống ngực ngũ liên…
              Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa".


              NhàQuê


              <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 18:37:09 bởi NhàQuê >
              #7
                NhàQuê 19.01.2007 07:15:58 (permalink)


                Những "ngôi trường xưa Em học"

                Ðoản 6: Bác Nông Phu


                Ðời Bác chưa biết Sài Gòn, Bác chẳng có việc gì để tới chốn Trường An đó. Tuy thế Bác không như phần nhiều hàng xóm láng diềng quanh năm ôm khư khư vạt lúa mùa, chưa đi xa hơn các làng lân cận. Bác đôi lần tới thị thành tỉnh lỵ đó chứ! Dù ít ỏi vậy mà Bác vẫn đến đúng nơi đúng chổ.


                Bác dắt con lần đầu tiên của cả hai hành hương thánh địa Cao Ðài, viếng tịnh xá nơi Ðức Lý Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương nhập tịnh, rồi kế nữa khi Ngài qui tiên.

                Lần đứng trước Chánh Án Tòa Hòa Giải Rộng Quyền Bến Tre tuyên thệ làm thế vì khai sanh cho con, qua đó Bác đã ký gởi ước vọng tỏa mát tựa bóng mây tấm lòng người cha mong đứa bé sau nầy thoát khỏi vùng bao đời tăm tối. Không có lần đó một mảnh đời riêng đã rẽ đi hướng khác.

                Thằng bé nhớ mãi ngày Bác đung đưa con cuối bện rơm, khói không tan được trong lớp sương dày đặc vẽ thành vệt dài dọc theo con đường băng qua cánh đồng rộng dẫn về hướng Tây, vài giờ nữa mặt trời sẽ lên từ phía sau lưng; Cha con vượt ngang khoảng đêm sắp tàn, đến sớm ngồi chờ trong sân Trường Tiểu Học Bổ Túc Ba Tri ngày đầu tiên của niên khóa, nơi ấy cũng có lác đác vài cha mẹ dẫn con từ các xả xa tới.

                Mãi tới học trò đã đâu đó vô lớp rồi, ông Ðốc Học mới giải quyết đến nhóm người ngồi chờ, Ông nhìn thằng bé nhỏ xíu, nghi ngờ không biết Nó đủ sức học nổi lớp nhì, lớp moyen hay không? Thằng bé gan dạ dám trình Ông tất cả bài thi đều đạt điểm cao.
                Thế rồi mọi chuyện cũng qua thằng bé được xếp vô lớp nhì F chưa có thầy cô nào chánh thức phụ trách, quý thầy thay phiên dạy tạm hàng ngày trong mấy tháng liền.

                Trong ba dãy trường chỉ dãy lớp của nó lợp lá, phòng học có lần làm phòng bỏ thăm, trong xó góc Nó thấy được hàng đống hình Ðức Quốc Trưởng in sẳn mặt bị gạch tréo, Ngài xấu xí quá nhiều so với hình chính Ngài ngự trên giấy bạc đang lưu hành. Vị Vua mới không long bào, nguyên là vị tể tướng từng mấy lần quì nhận tước đã xoán ngôi Ngài qua ấy...

                Ông Hiệu Trưởng đã sửng sốt khi đến lớp nhất D công bố và nhìn mặt thằng bé "Thủ Khoa", ông ngỡ rằng Nó ngồi đâu cuối lớp ai dè Nó đứng dậy từ bàn đầu Ông không hay, từ đó thằng bé được cả trường biết mặt, thầy cô nhớ tên dù năm trước Nó cũng đã một lần lãnh thưởng nhất lớp.
                Lần nầy Nó gom hết ba phần: nhất mỗi lớp, phần thưởng Tổng Thống và phần thưởng đặc biệt do một người địa phương có phương vị gần như thành viên Nội Các gởi tặng cho học sinh đứng nhất qua kỳ thi riêng của tất cả học sinh được xếp nhất nhì ba trong mỗi lớp; Phần thưởng đặt ra lần đầu tiên và có nhiều sách quý đến ông hiệu trưởng phải nhắn thằng bé đem cho ông mượn đọc trong một thời gian, nhiều quyển còn bút tích ghi chú của ông.

                Bác nông phu chân đất thật sự xúc động trong số khách dự lễ phát thưởng năm ấy, lần đầu tiên được danh dự nhận thơ mời. Cả hội trường ít nhất ba lần vổ tay, nhìn thằng bé lên nhận thưởng rồi nhìn người cha; Bác nông phu áo vải ngồi lạc chung quanh những lụa là.

                Bác nông phu thân phụ tôi, Ba tôi đó!


                Trong tiềm ẩn Người có tất cả những đặc điểm anh hùng mà tôi tôn kính. Lần hãnh diện tôi mang lại cho Người chưa thấm vào đâu so với ân đức mà tôi năm dài tháng rộng được hưởng dưới bóng mát mênh mông của Người.

                NhàQuê June 28, 2005


                <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 18:38:53 bởi NhàQuê >
                #8
                  NhàQuê 20.01.2007 00:17:00 (permalink)


                  Những "ngôi trường xưa Em học"







                  Ðoản 7: Muối

                  Thuở ấy tuổi hoa niên, tôi hòa nhập vào dòng chảy chính cùng các bạn khác mỗi ngày một đông dần thêm: Tôi là học sinh trường Trung Học Công Lập Bến Tre, Trường Trung Học Kiến Hòa tên gọi về sau. Tôi hãnh diện là!


                  Chúng tôi đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, đến từ nhiều nơi chốn khác nhau cách trú ngụ cũng khác nhau, đến từ nhiều giai tầng xả hội khác nhau, tuổi tác cũng khác nhau ...cái chung là chúng tôi theo đuổi cùng một chương trình giáo dục phổ thông đồng đều của chính phủ lần đầu tiên của tỉnh tôi: Tỉnh có ba dãy cù lao, có ngút ngàn dừa xanh lã ngọn quanh năm trĩu quả, có cánh đồng lúa hát vui mùa lên đòng ngậm sữa, có mấy cánh rừng nước mặn kiêu hãnh trực diện thách thức từng cơn sóng dử biển Ðông...

                  Nếu có một thang biểu để xếp hạng có lẽ tôi ở trong nhóm thấp kém nhất về nhiều mặt, không hiểu sao tôi đã che dấu tung tích nghèo nàn thiếu thốn của mình suốt tháng năm ròng rã nơi cửa "Khổng" ấy; Tôi cố thủ trong vỏ ốc mặc cảm hàn vi của mình.
                  Tuy nhiên tôi cũng có vài bạn để gần gũi vì tôi đã có lần ngủ đêm trong cái nhà người bạn, cái nhà trống trước trống sau, vách phên rách nát, bà mẹ phải tha phương làm mướn làm thuê, lâu lâu về cho chút tiền và anh em họ đùm bọc nhau giửa hai kỳ mẹ về với đàn con rồi lại ra đi.
                  Vài bạn khác mà em gái phải hy sinh việc học hành để hàng ngày vun xới mãnh vườn bên cạnh người cha không còn chân nào sau ngày hòa bình tạm thời lập lại...
                  So các bạn ấy tôi thầm nghĩ tôi còn diễm phúc ít ra là trong hai năm đầu tiên khi Ba tôi chưa đột ngột từ trần.
                  Sự ra đi của Người làm gia đình tôi nghiêng hẳn! Lần đó có vài bạn hay tin tới thăm trể, nhưng làm tôi hổ thẹn thân thế mình trong thời gian dài trước khi tôi nhận ra nghèo không phải là một điều gì ghê gớm!
                  Bây giờ không trễ tôi xin tạ lỗi cùng các Bạn vì những ý nghĩ chưa lần nào nói ra ấy và đã tiếp các bạn mà không mời vào nhà, không xứng đáng những nghĩa cử ưu ái mà các bạn từ xa lặn lội đến thăm, các Bạn còn khuyến khích tôi đừng bỏ học...

                  Sau mỗi mùa Hè, tôi trở lại trường tóc hoe da nám của mấy tháng theo thuyền buồm ra biển sang sông bắt xò nghêu, lặn lội vô rừng bắt cua bắt cá. Số tiền kiếm được phụ giúp một phần vào chi phí ăn ở cho năm học kế tiếp.
                  Thiên nhiên thời ấy cũng góp phần...Các em tôi đều dừng lại ở tiểu học cùng Má tôi lo cái nguồn lợi huyết mạch: lò nấu muối.

                  Ba tôi một tá nông dành dụm mua được hai mẫu ruộng rẫy trước đã mướn. Mỗi năm có một vụ mùa vào những tháng nước ngọt, hai mẫu đất thiếu trước hụt sau vì gò và rạch sẽo cũng được tính vào diện tích chung, còn phần trằn thì năm nào lúa cũng bị nước chảy mẹp. Trúng mùa cho lắm cũng chỉ hơn trăm giạ đôi chút. Thế còn hơn nhiều gia đình khác chạy gạo từng ngày!

                  Từ tôi còn nhỏ lắm, Ba Má tôi đã làm thêm việc nấu muối, nấu nước mặn lọc ra từ đất nhiễm nước biển, lớp đất trắng mốc thít, công việc nầy đòi hỏi nhiều sức cần lao từ bước đầu tiên đi nạo vét lấy đất có chứa muối cho đến khi vớt được những hạt muối trắng ngần kết tinh từ lò nấu liên tục không ngừng nghỉ ngày đêm, bên cạnh đó phải có đủ củi đốt cho dù là cây tươi, chuyện nầy không phải dễ dàng!

                  Về sau nước mặn dùng để nấu thành, do lọc từ muối hột khi làng tôi đã được du nhập kỷ thuật làm ruộng muối từ Phan Thiết và lò nấu được chụm bằng trấu làm cho công việc chế biến nầy đở vất vả hơn nhưng cũng phải liên tục ngày đêm. Muối hột và trấu đều mua thiếu được trả dần. Muối bọt, thành phẫm đó phần lớn bán chịu cho đồng bào vừa di cư vào Nam, họ dùng trong khâu sản xuất mắm tôm, mắm ruốc (cho đến năm 1960 họ rời đi nơi khác vì cuộc sống đe dọa), mọi việc thiếu chịu vần lân dây chuyền như vậy dựa vào lòng tin lẫn nhau. Ngoài việc đã có đủ lúa ăn, "kinh tế phụ" gia đình tôi như thế đó!

                  Sau khi Ba tôi mất đáng lẽ tôi đã phải bỏ học, chuyện đó ắt phải vậy và tôi cũng sẳn sàng! Hàng xóm láng giềng và nhất là bên phía nội tôi khuyên Má tôi để tôi ở nhà phụ giúp gia đình: Lấy Giạ Ðong Lúa, Không Ai Lấy Giạ Ðong Chử

                  Vâng, chính lời khuyên ngàn vàng ấy Má tôi nhất quyết hy sinh thêm nữa cho tôi theo đuổi việc học cho đến hết bậc đệ nhất cấp theo suy tính của Người. Phải hiểu điều kiện sinh sống ngày đó ở nông thôn mới thấy hết gánh nặng trĩu vai của Má tôi vừa tự chất thêm lên cho mình. Tôi lại đến trường lòng ngỗn ngang không tả xiết!... Tôi đã chiến đấu không kém phần dũng cãm bên cạnh các bạn đồng song có cuộc sống an lành hơn tôi trong nhiều năm dài, tôi cho là thế!

                  Ðứng nhìn mặt đất tuyết phủ trắng, nhìn từng đống tuyết lem luốc bị ủi vào xó góc bải đậu xe, tôi thường so sánh với màu muối bọt và muối hột thuở nào với nhà tôi đứng cạnh, Nàng hiểu tôi hơn tất cả, đã đi bên tôi suốt bốn mươi năm rồi, Thân Phụ nàng đã thi ân giúp tôi theo học được năm cuối cùng bậc trung học, mức thang chót tôi cơ hồ không với tới... Nàng chẳng khác là bao nấc thang cao thẳm về một bên ...Trong trí tưởng hồ như Ba Má tôi mờ mờ mĩm cười nơi phía an nhiên...

                  Xin đời đời nhớ ơn! và tôi đã đến!


                  Tôi còn nhớ rõ lắm, lần đầu tiên bước lên bục giảng ở một tư thục, nơi học sinh không đồng phục, một thứ biểu tượng của kỷ luật mà tôi chỉ mới rời bỏ tháng trước đây. Tôi bắt đầu nghiệp dĩ bằng bài muối Clorua Natri: NaCl


                  NhàQuê Sep 06, 2005







                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 18:40:12 bởi NhàQuê >
                  #9
                    NhàQuê 22.01.2007 07:16:17 (permalink)


                    Những "ngôi trường xưa Em học"





                    Đoản Rời: B Ế N X E N G Ự A

                    Từ khi có xe lam ba bánh rồi sau đó xe Daihatsu, loại xe có động cơ chạy bằng xăng dầu làm phương tiện chuyên chở khách đường ngắn, đã chấm dứt nhiệm vụ lịch sử của xe ngựa hay ít ra xe ngựa không còn được dành riêng cho bến bãi để đưa rước khách như trước đó.

                    Như quê của NhàQuê cũng chỉ còn hai chiếc xe ngựa là cùng, mà xe cũng đã cải tiến dùng để chở nên không có mui và hai bánh bằng bánh xe Jeep có bạc đạn, đồng thời có nhíp nâng thùng xe lên vừa tầm ngựa, giúp cho công việc kéo xe của ngựa nhẹ nhàng hơn.

                    Khoảng năm 1961, NhàQuê được đứa bạn rủ đi SàiGòn thăm bà Ngoại của nó ở đường Bùi Hữu Nghĩa gần chợ Bà Chiểu Gia Ðịnh. Ðó lần thứ nhất NhàQuê đến Thủ Ðô và lần đầu tiên và duy nhất đi xe thổ mộ từ trước lăng Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt đến ngả tư Phú Nhuận, nhưng một đứa phải đứng đeo phía sau và một đứa ngồi vì chuyến xe chỉ còn có một chỗ.

                    Khi NhàQuê bắt đầu lên tỉnh học, nơi đây còn nhiều xe ngựa và có bến hẳn hòi. Bến xe ngựa là con đường ngắn nằm giữa chùa Viên Minh và đình An Hội, chùa và đình cùng quay cửa chánh ra cùng một con đường tấp nập bậc nhất tỉnh lỵ.

                    Ðình và nhà lồng chợ đối diện nhau qua con đường Nguyễn Ðình Chiểu tấp nập vừa nói. Từ hướng nhà lồng nhìn qua đình, chùa nằm về phía phải, về sau chùa Viên Minh có xây trường Trung Học Bồ Ðề quay cửa ra bến xe ngựa cũng là lúc xe ngựa lui vào quá khứ. Riêng đình An Hội vì hùng cứ ở đô thị đầu não của tỉnh nên thần đình thế lực rất mạnh, được giao cho nắm hết lý lịch của mọi con dân trong tỉnh; Vì vậy toán căn cước bọc nhựa trú đóng ngay trong đình dưới sự bảo hộ của thần và ngày nay nghe nói còn lo luôn vụ xuất nhập cảnh nữa không biết có thật vậy không. Ðình nào cũng có sắc phong của Vua cho vị thần được thờ.

                    Vào thời đó, nói bến xe ngựa thì ai cũng biết nó ở đâu, nơi chốn quýnh quá thì vén ống quần bà ba, mặt ngoảnh nhìn hai bên cho chắc ăn, trút xong nhẹ nhàng có khi huých sáo như xong phận sự, mấy cây bã đậu rủ dần ai cũng đỗ thừa tại ngựa, chỉ có ngựa biết mình hàm oan là mang tiếng đái bậy…. Ngẫm buồn nhớ thuở xa xưa:

                    Ðố mặt ai dài bằng mặt ngựa.…
                    Tuy rằng thú cũng hai giống thú
                    Thú như ta ai dám phen lê
                    Ta đã từng đi quán về quê
                    Ðã ghe trận đánh Nam dẹp Bắc
                    Mỏi gối nương phò xả tắc
                    Mòn lưng cúi đội vương công
                    Ngày ngày chầu chực Sân Rồng
                    Bữa bữa tựa kề Loan Giá
                    Hán Cao Tổ năm năm thượng mã
                    Mới dựng nên cơ nghiệp Lưu Gia
                    Ông Quan Công sáu ải thoát qua
                    Nhờ cậy có Thanh Long, Xích Thố…

                    (trong Lục Súc Tranh Công)

                    Bác xà ích là người đánh xe ngựa trong các chuyện kể thường gặp cô gái mặc áo dài trắng đón xe quá giang, nói chuyện một quãng tự nhiên cô khách dễ mến biến mất hoặc trả tiền mà sáng hôm sau xem lại toàn giấy tiền hàng mã. Ði chơi đêm qua các địa danh có mấy chuyện như vậy: Lạnh nổi da gà!

                    Thầy cảnh sát Paul bụng phệ nổi tiếng trấn thủ Bến Xe Ngựa nầy: Trong lúc mấy bác xà ích lo vô trong nhà lồng chợ phụ đem hàng hóa của bạn hàng mình ra xe, thầy tháo cương cho ngựa nhảy đực; Ngựa lõng cốt thì làm sao kéo xe??? Mấy bác xà ích ớn thầy vụ nầy lắm!! Ðúng là thầy Paul, không hiền lành như tướng tá ục ịch đâu!!

                    Bến xe ngựa nầy đã cho NhàQuê một món quà quý giá tặng các bạn thời thơ ấu của mình, những người đã bao ngày chia xẻ buồn vui, chia nhau từng củ khoai cho đến vịt đấp bùn đem nướng, cùng lang thang chăn trâu cắt cỏ ở quê nhà của NhàQuê: Món quà đó là lông đuôi ngựa! Chắc các bạn cho rằng món đó mà quý nổi gì! Quý lắm đấy, không phải để làm hàm râu giả cho kép hát mang, khi thủ vai quan tướng trong các tuồng hát bộ vào mùa cúng kỳ yên của các đình miễu miền quê. Mà quý là dùng lông ngựa nầy vào việc bắt cá…

                    Quê của NhàQuê tận dưới Ba Tri lận! Dưới đó ít ngựa lắm! Lâu lâu mới thấy một con!


                    Nghe Ba kể khi xưa mỗi lần bà Cố (bà ngoại của Ba) sai đi công chuyện cho Bà, Ba đều cỡi ngựa đi cho mau, thuở đó còn hoang vu, các con đường ngày nay là hương lộ xe chạy thoải mái, ngày ấy còn là đường mòn quanh co những gai và trâm bầu. Nghe nói đi đâu mà được cỡi ngựa bắt ham! Ba là cháu ngoại nên hèn chi từ đó ….nghèo!

                    Lần đầu tiên NhàQuê thấy ngựa thiệt khi được lủ bạn rủ qua tận nhà ông Hù Ðê ở xã lân cận coi cho biết. Ông nầy lúc rảnh rỗi kiêm luôn thợ hớt tóc nên có tên kèm HÙ; Thầy hù là thợ hớt tóc, vậy là ông chuyên đè đầu thiên hạ vừa là thợ, vừa là thầy. Chứ không như ngày nay nhiều người làm thầy trước mới được làm thợ sau mà lại là thợ vịn chớ chưa được thợ chánh.

                    Mà mấy đứa bạn lớn rủ đi coi ngựa là có ý đồ sắp đặt sẳn, đứa nào muốn mấy con nhỏ bạn chú ý thì vô hớt tóc, chỉnh trang lại cái phần có cùng thành phần hóa học với sừng…an vị trên cái ghế đóng bằng cây tạp, quay được; Thế đã là khoa học kỹ thuật lắm rồi!
                    Ổng choàng cho một miếng vải trắng, thực ra nó màu cháo lòng! Không được vẫy giụa à nha, dù có bị rệp lạ hơi bò ra cắn xả giao. Kể từ đây muốn gãi hay chỉnh đổi thế ngồi phải “báo động” cho ổng trước vì món nào, món nấy của ổng cũng bén ngót. Trong lúc đó bọn còn lại ra chuồng ngựa của ông để coi ngựa.

                    Ðứa nào có đi học tới lớp ba mới biết được chuồng ngựa còn có tên đẹp hơn là TÀO, nhờ thầy cho tập viết và giải nghĩa thành ngữ: Một Con Ngựa Ðau, Cả Tào Không Ăn Cỏ. Giải nghĩa gì mà khó quá trời! Bịnh không chịu nói mà nói là đau, rồi tào không biết có phải cùng loại với ghe xuồng không đây hè!

                    Ra chuồng ngựa là thực hiện ý đồ đen tối, hớt tóc chỉ là cái cớ chứ gần nhà cũng có tới mấy thầy hù. Ý đồ đó là lén nhổ lông đuôi ngựa, có dám nhổ trực tiếp đâu! Nó đá giò lái có mà dập dái, dùng bửu bối nhánh tre tước đầu, quấn lông đuôi giựt. Con ngựa đau hí vang. Ổng bỏ tông đơ, kéo, dao cạo, kiếng lão, thằng đang thọ hình và gạt phăng thằng giả bộ chàng ràng chậm bước tiến…Rượt và chạy….


                    NhàQuê chưa hớt tóc ở nhà ông lần nào, ở nhà Má có dao cạo và viên đá bùn, Má liết sơ là làm Hù ngay, cạo cho NhàQuê trắng bóc chừa chút xíu đàng trước cho ấm mõ ác.

                    Lâu lâu có lạc loài chú ngựa đường trường xa vó câu tới, chú nầy lục lạc đồng đen hẳn hòi, còn được che mắt không được liếc ngang liếc dọc, chỉ thẳng một đàng mà đi không được phát huy sáng kiến sáng tạo gì hết!


                    Vì ở xa tới nên không rành "phong tục", dịp đó tụi NhàQuê mới tha hồ. Xong, khi xe gần chạy mới cho xóm khác hay, ăn ké không được tiếc hùi hụi: Phải chi tụi bây cho hay sớm, bữa nào đám giỗ, tao lén cho cái bánh ích! Thôi lỡ rồi, bữa nào gánh hát Sơn Ðông lại tụi tao kêu liền đi coi voi ăn mía.

                    Không ai để ý đến “giá trị” và công dụng của lông đuôi ngựa nên NhàQuê đi ngang qua là chíp bụng liền, quay lại quả thật vô số, mặc sức chọn lựa thứ hảo hạng đen mướt dài phải trên hai tấc trở lên mới được chiếu cố, loại màu hoe đã bị loại rồi đừng nói chi đến lông ngựa bạch, muốn lượm bao nhiêu cũng có.

                    Kỳ về quê gần nhất NhàQuê đem về phân phát, mấy đứa bạn nhận quà cảm động, cục mịch hỏi: Chừng nào mầy dìa nữa? Chớ tụi nó đâu biết NhàQuê nhớ nhà khóc quá trời, nhất là đêm mưa nghe ếch, nhái, ễnh ương kêu, nhớ nhà muốn bỏ học về luôn.


                    Tụi bạn còn được vễnh tai đi tỉnh thành hàm thụ một cách say sưa, thỉnh thoảng có đứa dừng lại chất vấn rồi cuối cùng cũng phải công nhận: Trên đó cái gì cũng có, đã quá hén! Ðâu biết rằng NhàQuê có pha mắm muối, gáy nỗ và chế thêm trong đó.


                    Chuyện có thể tin được là nếu không có chiến tranh, không bị bắt quân dịch thì nhiều bạn thuở nhỏ của NhàQuê tới nay chưa qua tới tỉnh lân cận, các cụ thế hệ trước NhàQuê nhiều người đã như thế.

                    Lông ngựa dùng để vòng các loại cá có đầu lớn hơn cái mình như cá kèo, cá bóng sao, cá thòi lòi….phổ thông nhất là vòng cá kèo.

                    Sau mùa gặt gần nát rạ, đám cá kèo cựu niên nổi đầu trông thấy phát ghét, Má cứ việc nấu cơm trước, NhàQuê xách cần đi vòng cá một chút là đem về kho ăn mệt nghỉ. Cần vòng cá là một cây trúc dài phơi héo và được đốt lửa để uốn chỉnh cho cây trúc thành thiệt thẳng băng, cắt bỏ một phần ngắn của ngọn to xù, chỗ đó được cắm vào một que tre chuốt nhỏ và thanh để cá nhìn thấy không hoảng sợ, nối vào bên dưới que tre là cọng nhợ màu càng trong càng tốt, cuối cùng mới tới sợi lông ngựa được làm thòng lọng.

                    Các chú cá vừa kể, nếu chưa bị giật hụt trở nên nhát, thì khi bị NhàQuê từ xa tròng thòng lọng vào cổ, chúng có khuynh hướng ngóc cổ thêm cho NhàQuê dễ "làm ăn" , tình hình rất thuận lợi. Chỉ cần gật nhẹ một cái đưa lên khô cho vào giỏ. Chú cá bị dính vùng vẫy thoát thân quyết liệt, nên đừng giật mạnh tay.


                    Cá thòi lòi có hai con mắt lộ ra, nên những người mang kiếng mát bị dân quê kêu là thòi lòi lên bờ. Cá nầy nhát hơn nhưng không phải là không vòng được, nếu nó chun xuống hang sâu rồi thì dùng tay hoặc chân phá bể nồi gọ là nơi nó trồi lên để thở, xong đặt vào miệng hang một cái xà di, thường làm bằng trúc kín một đầu, đầu còn lại mở lớn có một cái hôm là độc đạo vô rồi ra không được. Cá ngộp trồi lên thở hoặc thấy yên tịnh ra khỏi hang phải chui qua hôm, vào xà di và kẹt ở đó: Chào bạn thòi lòi, chờ bạn đây!


                    Cá thòi lòi kho sả ớt thì khỏi chê, lá gan và cặp trứng ngon độc nhất vô nhị. Thấy chưa việc bắt cá đơn giản như đang giỡn, làm chơi mà ăn thiệt! Tuy nhiên có khi trời gió, nước bị xao động cá đều vô hang không vòng được: Tổ trát, lèo, về không!

                    Có một lần NhàQuê lấy làm lạ, là một quân nhân thuộc cấp sao đêm nào cũng dùng đèn cầy hơ khắp mình kỹ lưỡng rất lâu trước khi đi ngủ, hỏi ra mới biết anh vốn là nài ngựa đua, tiếp tục giữ cho thân thể luôn gầy, ít ra không lên cân, một trong những yếu tố để thắng cuộc. Lúc đó trường đua Phú Thọ đã đóng cửa dùng làm nơi trú đóng của Liên Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân; Thế mà anh tiếp tục chuẩn bị trong hy vọng chờ ngày, anh cũng cho biết kỹ thuật nuôi ngựa đua rất phức tạp.

                    Nhiều môn thể thao có ngựa đã được thi tài trong các kỳ thế vận hội. Cỡi ngựa, đua ngựa hiện là môn thể thao được yêu chuông rộng rải các nước không riêng gì Âu Mỹ: Từ trong trại Sungei Besi, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia, NhàQuê thấy xe đủ màu đủ loại, đậu kín mít bãi xe trong những ngày có cuộc đua của trường ngựa lân cận, vang vội tiếng hò reo. Ðất nước thanh bình có khác!

                    Các danh tướng xưa tên tuổi sáng chói cũng được góp phần nhờ những chiến mã trở thành điển tích: Xích Thố, Long Câu, Ô Chùy ...Ngày nay các nhà bình luận thể thao trên các đài truyền hình không hết lời về các tuấn mã chuẩn bị ra sân đua. Dù không trực tiếp theo dỏi, breaking news liền sau đó cũng cho ta sốt dẻo tin tức kết quả cuộc đua được chuẩn bị chu đáo trong sự mong đợi của giới mộ điệu lẫn dân “ghiền” cá độ.

                    Ngựa cũng được dùng trong các nghi lễ truyền thống của nhiều quốc gia, nhất là ở Anh quốc có cả nơi diễn tập hàng ngày cho đội ngự lâm quân, kỵ sĩ. Thao trường diễn tập hàng ngày có khán đài cho khách dự khán chỉ cách một khu vườn rộng là tới điện Buckingham, gần dinh Thủ Tướng hơn. Ði từ Cambridge vào London, NhàQuê thấy nhiều đồng cỏ ngựa đang ăn mà lúc chưa nhìn kỹ, ngỡ là đàn bò: Nhiều đến như vậy!

                    Trong vùng Lancaster, Pennsylvania Hoa Kỳ có khu vực người Hòa Lan di cư, họ sinh sống chung, biệt lập với các sắc dân khác, không dùng các tiện nghi văn minh nên ngựa giúp ích cho họ rất nhiều. Ban đêm lỡ gặp họ đi ngựa chậm rãi trước mặt, bạn cần lái gấp. Bạn nghĩ sao nè??? NhàQuê chờ đến nơi gần nhất có chỗ là quẹo liền!


                    Nếu bài nầy kết thúc ở đây các bạn có phiền gì không? NhàQuê đã đưa các bạn từ quê ra tỉnh và viễn du bằng ngựa rồi đó. Chúc khi nào phát tài ngon lành, bạn sắm "xế" để đi đó đây cũng đừng quên chọn nó bao nhiêu mã lực (HP,Horse Power)


                    NhàQuê chỉ trừ chưa chiêu đãi bạn món thịt ngựa mỡ ngà vàng chạy dọc từng thớ thịt; Ðã lắm!

                    NhàQuê


                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 18:42:18 bởi NhàQuê >
                    #10
                      NhàQuê 24.01.2007 02:21:17 (permalink)


                      Những "ngôi trường xưa Em học"


                      Ðoản 8: Trung Học Tư Thục Nguyễn Du



                      Di ảnh thầy Nguyễn Văn Phước, Hiệu Trưởng Trường Trung Học Nguyễn Du, Ba Tri, Kiến Hòa

                      Nếu vị giám khảo không rộng lượng chấm bài toán kỳ thi tuyển vào đệ thất trường công mà tôi làm bai sai từ đầu tới cuối, tôi cũng nhận biết ngay được vì kết quả toàn số lẻ thập phân, lúc đó tôi không còn đủ thì giờ để chép đầu bài rồi làm lại từ đầu trên tờ giấy khác; Cách giải hoàn toàn đúng theo trình tự. Ðến nay, tôi vẫn thắc mắc là do tôi chép đầu bài thi sai vài con số nào đó hay lỗi do hai vị giám thị viết lên bảng sai. Cũng may tôi trúng tuyễn hạng thấp, nếu không tôi đã là học sinh trường trung học tư thục Nguyễn Du có lẽ.

                      Một cách rộng rãi, tôi cho 80m x 20m = 1600 m2 là các cạnh và diện tích toàn thể khuôn viên nhà trường gồm hai phòng học trong một thời gian dài và sân bóng chuyền có cái giếng hộc ở cuối, mỗi lần banh ra ngoài hoặc ra lộ hoặc va vào tường hoặc nóc nhà lân cận làm láng giềng thường xuyên méc với văn phòng dù họ cũng là phụ huynh học sinh. Sự thực chưa chắc trường Nguyễn Du đạt được diện tích "lớn" như vậy!

                      Tôi đến lớp học của trường lần đầu tiên với sự hướng dẫn và giới thiệu của vị giám thị, khi ấy trường đã được mười tuổi trong suốt chiều dài chung hai mươi năm lịch sử của nó. Trước đó tôi chỉ ngang qua, dù rất nhiều bạn tôi theo học ở đây. Tôi chỉ nhận dạy ở đó nhiều nhất là 8 giờ mỗi tuần, thường thì 4 giờ cho đến ngày miền Nam đổi chủ và trường xóa sổ.

                      Một cạnh 20 mét vừa nói tiếp xúc với tỉnh lộ 26, đoạn đó tỉnh lộ theo hướng Nam Bắc trước khi nó quẹo đúng 90 độ đổi hướng Tây Ðông để ra biển cách nơi đây khoãng bảy cây số; Do đó kiến trúc chánh của trường là hai phòng học không hướng ra đường mà lại nhìn về hướng Nam, hướng ngôi Giáo Ðường. Tôi không tìm hiểu có phải phần đất trường tọa lạc được mướn của Nhà Thờ hay không.

                      Tôi quên chưa nói cho các bạn biết trường Nguyễn Du nằm gần rìa phía Bắc của quận lỵ Ba Tri, Quận quê tôi. Thầy hiệu trưởng gắn bó hai mươi năm thủy chung với nó, có người gọi thầy là chủ trường.

                      Chưa bao giờ tôi thấy thầy ăn mặc cẫu thã bỏ áo ngoài quần hay mang dép, chưa bao giờ! Thầy mang giày da, áo veston, nón nĩ thoạt nhìn tưởng thầy sắp sửa đi đâu đó. Không, thầy sắp sửa bửa nhậu mỗi chiều ngay trên hàng hiên ngôi nhà lá của thầy gần căn chót của dãy trường hai lớp học, nhà thầy xa đường lộ hơn, cũng quay cửa về hướng Nam, tiếp theo nữa còn vài nhà khác hàng xóm thầy, họ không có đường nào tiện lợi hơn là qua cửa nhà thầy rồi qua sân các lớp học vốn hẹp lại còn lỗm ngõm xe đạp trong những ngày có lớp để ra lộ cái, ra tỉnh lộ 26.

                      Thầy du học ở Pháp về, mấy năm đầu thầy dạy Pháp Văn sau chắc già yếu thầy không đứng lớp nữa. Chiều nào khi hết giờ dạy ở phòng gần nhà thầy, cách mấy cũng không thoát được khi thầy gọi qua, cùng ngồi trên hàng hiên đó đối ẩm. Khổ nổi thầy không cần mồi, kiểu nầy tôi chịu không thấu nên thường phải có món nhấm riêng cho, có thể là sớt ra từ phần dành cơm chiều cho thầy, chí ít cũng là đậu phọng rang. Thầy không uống "sét" bao giờ, phải pha soda tuy chỉ là cognac nội hóa thĩnh thoãng mới có Beehive hay Rivalet. Thầy không ép nhưng theo thầy cho phải lễ, đã là chuyện vất vã dù tôi thuộc hạng cứng đang lên! Dĩ nhiên rượu vào lời ra, thầy kể chuyện những ngày thầy còn là "dân cậu" con điền chủ, xó xỉnh hầm rượu nào ở Paris cũng có ít nhiều lần thầy đến đó. Thầy "kiên trì giáo dục" hoài đến nỗi tôi thuộc lòng, cộng thêm sách vở nên lần đến Paris tôi đã dễ dàng kiểm chứng vài điều thầy kể khi xưa.

                      Một món tôi không học được ở thầy là môn đá gà, thầy mê lắm. Nhiều lúc vị giám thị vào lớp nhắc nhở học sinh đóng học phí đúng hạn, phải dừng nói vì đám gà nòi trong chuồng sát vách gáy vang làm cả lớp cười rộ. Mùa lạnh lớp học um khói do đám gà nòi được sưởi ấm thêm cho dù đã nghệ ngãi đúng mức. Ðám học trò vẫn thường đỗ thừa khói quá chúng làm bài không được chứ không phải do chúng không thuộc bài.

                      Chiếc xe lôi đậu chờ thầy và thằng "đệ tử" mang bịt đệm có gà chiến trong ấy đi theo, thì ai cũng biết hôm nay có nhiều trận gà hẫp dẫn đâu đó. Nhớ rằng thầy vẫn khoác veston như hằng ngày khi bước ra khỏi cửa, thầy là người duy nhất trong trường gà mặc như vậy, trong lúc giới mộ điệu có nhiều cụ ông bới tóc củ tỏi...
                      Các quán nhậu dã chiến di chuyễn theo trường gà như vệ tinh không thể thiếu được, đo đó cũng tạo được hưng phấn như xem đá gà mà nhiều người cho đá gà là một nghệ thuật. Sau 1980 tôi có vài lần thưởng thức món da gà nòi xào lăn và thịt gà nòi "hon đu đủ", thời gian nầy đá gà bị cấm, gà đá được tròng cựa sắt nên trận đấu diễn ra rất nhanh và bên thắng còn được "bắt xác" gà thua vì vậy có món nhậu hấp dẫn nầy: Da gà đã được nghệ ngãi dòn ngon thì phải biết!.

                      Trong chín năm đầu tiên, Nguyễn Du là trường trung học duy nhất toàn quận Ba Tri, học sinh của trường đủ loại "quốc tịch" của mười sáu xả trong quận và tương đối đông đúc, phải mướn thêm phòng học bên Nhà Thờ. Ðến năm thứ mười lăm cất thêm một phòng học thứ ba quay cửa ra sân bóng chuyền thay thế cho phòng đã mướn hết hạn.

                      Mỗi cấp có được hai lớp, nét đặc biệt là học sinh dù cùng lớp nhưng tuổi đời chênh lệch nhau nhiều, thời chiến tranh nên điều nầy dễ hiểu. Ở quận miền quê như vậy, thầy cô đã có gia đình hay còn độc thân đi ăn cưới học sinh là chuyện thường, thường như phụ huynh nhờ con mình "thỉnh" thầy tới ăn giổ hay đám cúng kiến gì đó.
                      Ngoài vị giáo sư trụ cột sắp sếp môn dạy và thời biểu, con gái ông hiệu trưởng các buổi không học cùng phụ giúp vị giám thị lo việc sổ sách và được mấy thầy "cưng" lắm vì Bé chi xuất trả lương, có khi "kẹt" mấy thầy mượn trước nữa, thế mà vẫn bỏ bao thơ lịch sự đúng mức.

                      Trường dù nghèo, ở vị trí khiêm nhường nhưng đã hoàn thành vai trò của nó sau hai mươi năm giảng dạy. Không có thống kê chính xác về tổng số học sinh đã học ở trường đệ nhất cấp nầy; Tuy nhiên tôi khẳng định là nhiều học sinh đã là Bác Sỉ, hoàn tất Cao Học, Sỉ Quan Vỏ Bị, Sĩ Quan Hải Quân, Sĩ Quan Không Quân, Sỉ Quan Thủ Ðức... đủ các binh chủng và chuyên môn kỷ thuật... có nhiều người mang cấp bậc Ðại Tá không kể chiến tuyến, cũng có nhiều cấp chỉ huy viên chức thuộc ngành Cảnh sát Quốc Gia, đông nhất phải kể nghề giáo giảng dạy đủ các cấp lớp,... lại cũng có người đạt học vị Tiến Sĩ (Ph.D) tại Hoa Kỳ...Các cựu học sinh Nguyễn Du là doanh nhân thành đạt nhan nhãn. Rộng lớn hơn phải kể từ cấp Xả Ấp cho đến Quận Huyện Tỉnh Thành đều có bóng dáng lãnh đạo mà ngày xưa đã có thời theo học Nguyễn Du.

                      Tất cả đều góp phần với đất nước trong phương vị của họ.

                      NhàQuê



                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 18:43:59 bởi NhàQuê >
                      #11
                        NhàQuê 24.01.2007 02:25:12 (permalink)


                        Những "ngôi trường xưa Em học"


                        Đoản 9: Ban Khánh Tiết

                        Đình làng tôi cũng như tất cả các đình khác trong vùng, đều có cử ra Ban Khánh Tiết, quý cụ trong ban ấy đều là những người được kính trọng, uy tín đầy mình.

                        Ban khánh tiết họp nhau bàn định phân công, lo liệu công việc trong năm, cúng kiếng, mời và trả lễ các đình làng bên khi được mời lại, trong đó lần quan trọng nhất là cúng kỳ yên của mỗi đình thường có rước hát bội về diễn ba đêm, vở tuồng nào kết thúc cũng rất có hậu. Đình nào không làm đủ bài bản như vậy coi như " mất mặt" với các làng khác. Vì tôi đi học rồi mưu sinh nên thực sự không sống ở làng nhiều, chỉ hiểu lờ mờ như vậy. Có vài lần dự đám cúng nhưng là khách mời của đình.

                        Không hiểu gì cả mà có lần tôi làm trưởng ban khánh tiết mới tréo cẳng ngỗng. Khen ai khéo đặt ra cái ban nầy trong mỗi lớp của trường trung học. Tên thật sự của nó là Trưởng Ban Trật Tự Khánh Tiết và vệ Sinh, nghe dài dòng văn tự quá cở thợ mộc!!

                        Số là mới lót tót từ dưới quê lên tỉnh học, đường xá ngang dọc còn chưa rành, còn sợ đi lạc vậy mà "có chức" liền, sướng không??? Trong lớp tôi có tới bốn đứa cùng quận nên sau khi các "chức vụ có ăn" đã bị phe thành thị chiếm hết rồi: Nào là Trưởng Lớp, Phó Lớp, Trưởng Ban Học Tập và Báo Chí, Trưởng Ban Thể Thao và Du Ngoạn, Thủ Quỷ...nên ba ông kia đẩy tôi ra kiếm chút cháo, dớt đở con vịt đẹt!!

                        Chắc là ông "Ba Tri Thi Tập" nhanh miệng giới thiệu người đồng hương là tôi vào "Chức Trưởng Ban Trật Tự Khánh Tiết và Vệ Sinh". Tôi đắc cử dễ dàng nhờ tôi nhỏ con!! Cám ơn các bạn cùng lớp chỉ mới ngày đầu tiên chưa quen nhau mà tín nhiệm tối đa "trong cuộc bầu cử phổ thông, trực tiếp và kín"! Các bạn tôi quả có đầu óc khôi hài!! Năm sau tôi ngán quá, lớp lại cử bạn khác, ông "Hộ Pháp" làm trưởng ban nhiệm kỳ mới; Lại cũng óc khôi hài, phải to con mới giữ nổi trật tự!!

                        Tôi được xếp hàng trong giới lãnh đạo, trình diện "nội các" nhận tràng pháo tay có cả reo huýt sáo của mấy ông "trật búa" tôi biết về sau nầy .

                        "Nhậm chức" rồi tôi mới hiểu đây là chức vụ quan trọng vào hàng bậc nhất về nhiệm vụ: Tôi phân công quét lớp một cách "Quốc Pháp Bất Vị Thân" đồng đều và ai tới phiên cũng phải vì lợi ích tập thể mà thi hành; Nghe nói ở các lớp nam nữ hổn hợp bọn con trai sướng lắm, khỏi làm vụ nầy, vì các cô nàng muốn chứng tỏ "ba đãm đang" nên làm tất, dịp cho người khác coi giò coi cẳng hiền thục, có thể sợ đám con trai khám phá ra "đồ chua" bánh kẹo giấu trong học bàn cũng nên. Lớp toàn nam chúng tôi thì rắc rắc!!

                        Chổi cùn phải báo cho Thủ Quỷ xuất tiền mua cây khác, việc giữ chổi mới là chuyện rắc rối, thượng phiên bàn giao hạ phiên, lỡ khi họ quên tôi phải đem về nhà ở trọ chứ để góc lớp đã có mất rồi: Sách xưa có nói ăn cắp chổi thì nghèo mạt rệp vậy mà vẫn mất có tức hôn?!?! Ở nhà cũng không hiểu tôi vô trường làm chức gì mà lảnh được nhiều "chổi chà" như vậy!

                        Rồi lại còn vụ lau bảng, phải nhúng ướt miếng bọt biển mỗi lần đổi giờ của Giáo Sư, mà hồ nước trong nhà vệ sinh ít khi đầy lại còn nhìn vô muốn phát ói... Bảng phải được lau sạch cuối giờ mà đứa nào cũng mới mười một, mười hai tuổi nên phải nhảy mới với tới mấy chữ thầy viết trên cao, làm như đang ôn các động tác tập thể dục!

                        Nói trưởng ban cho nghe gồ ghề vậy chớ trong năm chung quy chỉ có vụ quét lớp, lau bảng là thường xuyên các ngày học. Trật tự thì đâu ai ớn cái thằng nhỏ con nhất, còn khánh tiết tôi chẳng biết làm gì trừ lần tổ chức tiệc chia tay nghỉ Hè mọi người hùn tiền đi mua kẹo bánh và nước ngọt, cái khó là đứa nghèo quá thì có bao nhiêu hùn bấy nhiêu, vậy mà tôi làm được: Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau...

                        Trong lớp cũng có vài người không biết học ở đâu cứ mỗi lần rảnh rỗi như tiệc chia tay Hè ngày hôm đó, lại ưa cầm tay người khác hành nghề, bàn tay trái nào cũng có chỉ tay hình chử AI, bàn tay phải rõ ràng chử ỈA. Xong thủ tục rồi bắt đứng dậy xem tướng mạo: Tụi nó phán tôi rằng cuộc đời mầy không khi nào làm được cấp trưởng. Sách Tam Thế Diễn Cầm cũng nói tôi như vậy.


                        Tất cả đều trật: Tôi có làm Trưởng Ban Trật Tự Khánh Tiết và Vệ Sinh; Nghề của chàng!!!

                        NhàQuê


                        Thương Mình

                        Nhắm tướng ta xong rồi nó phán
                        Số mầy nhiêu lắm chỉ ba mươi
                        Nỗi nóng muốn túm cho một tán
                        Biết có học đâu thôi đành cười

                        Gặp phải hiểm nguy quên mất biệt
                        Lần hồi qua trót lọt hết trơn
                        Giờ ráng kỳ kèo thêm chút đỉnh
                        Ngày ngày cầm cự bốn linh đơn

                        Lội bộ ngày xưa quen quá xá
                        “Đường Trường Xa Con Chó Tha… Mèo”
                        Dã chiến chạy lăng xăng mấy lượt
                        Bây giờ đâu dám nướng chèo queo

                        Có lúc cũng cầu mong về sớm
                        Lại nhìn quanh thầm nói dại gì
                        Khổ sát đất lòm còm kiếm khổ
                        Đi lúc nầy tiếc quá không đi

                        Tự kiểm điểm lực trong sức ngoại
                        Đứng kế bên Bành Tổ không chừng
                        Đang tìm hiểu cái ông cầm nghéo
                        Đặng chơi lòn dấm dúi sau lưng

                        Chợt nghĩ lại tật mang tiền mất
                        Lão lang coi bộ cũng nên tin
                        Chỉ có cái nhiều khi ổng sảng
                        Bụp chổ lành có nước ăn xin

                        Hỡ miệng ra ông đòi bảo hiểm
                        Rờ túi sau tìm miếng giấy nhèo
                        Bằng tay tréo thân nầy có thế
                        Trể kiếng dầy đôi mắt nheo nheo

                        Ổng nói tốt như thầy phê điểm
                        Nghe giật mình tưởng giữa chiêm bao
                        Đến gặp lão trong rêm ngoài sốt
                        À thì ra… biết nói… chỗ nào

                        NhàQuê


                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 20:24:59 bởi NhàQuê >
                        #12
                          NhàQuê 25.01.2007 17:29:46 (permalink)


                          Những "ngôi trường xưa Em học"



                          Đoản 10: Nhan Sắc

                          Em có thể cô bé cột hai tà nhảy cò cùng bạn là cụ bà quá sáu mươi hoặc lưng chừng khoảng giữa là nhân vật nữ một thời nào đó trong đời rụt rè bước qua ngưỡng cửa trở thành nụ hoa nức ra từ nách lá trang điểm tạo phấn hương quyến rũ ngẩn ngơ Anh hay Ta là một hoặc nhiều người lại cũng có thể là con đường góc phố em qua con đò em sang hàng bữa hay dòng sông dịu dàng có ai ngờ cuồn cuộn tự dưới sâu Em với Ta thuở nào ngờ nghệch.

                          Guốc mộc Em khua càng ngày thêm vần điệu nắng sớm nắng chiều toa rập cùng chiếc nón nhạc thơ mong manh đôi má ửng hồng ẩn náu làn môi giấu giếm thẹn thùng bất chợt Anh nhìn buâng quơ lời không rõ nghĩa giật mình mẹ hỏi mấy lần luýnh quýnh lời thưa cốc đầu em hăm he dấu nhẹm liếc chừng ai lảng vảng gần xa con chữ đọc qua đọc lại mấy lần khô khốc trôi biệt tăm tăm không dính lại chút nào chỗ chứa kia có gì rất mới bám chặt như keo trí khôn đi đâu mất biệt khù khờ đến chẳng dám nhìn nhau

                          Hoa phượng Hè nào cũng rực đỏ chói chang theo gió lay lay chẳng nói lời gì buồn mênh mông da diết khoảng cách không xa bên nào cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn trông hướng trời kia thơ viết hoài không dám gởi biết làm sao nhận lại hồi âm có dáng quen quen nháng tới nháng lui mấy lần đứng chờ góc phố giả bộ tình cờ huyên thuyên trời trăng mây nước không thấm vào đâu không dàn bài nhập đề đi đâu chưa tới kịp hay đang còn ấp úng

                          Em có thể đến từ Mõ Cày Thạnh Phú Giồng Trôm Ba Tri Bình Đại chiều em về Chợ Giữa Ba Lai Sơn Đông Cái Nứa Hữu Định Tú Điền mang ước mơ rộn ràng phố thị rải thơ lên những con đường mấy mươi năm có nhòe nhoẹt chút nào hai tà hãy để gió bay chấp chới cơn mơ trắng ngần ngăn nào vừa nhét vội phong thư thương nhớ một trời hồng cây cỏ xanh hơn làn sóng ngầm không dáng hình rõ rệt âm thầm lắc lư từng con đường góc phố

                          Phố thị rộn ràng dòng suối trắng chảy ngang qua những cây me sân trường bốn góc hồ kia làm sao quên em được có dù đóng kín gạo bài phờ phạc hao gầy phập phòng dò thấy tên em trên bảng hay nước mắt rơi thất thiểu chẳng muốn bước ra hàng quán rất gần có biết Hè bên ngoài vẫn vậy nhiều thêm vài Hè nữa em rời nơi đó sang trang rẽ nhánh con phà phía Bắc chở giấc mơ em con đường Duy Tân cây dài bóng mát

                          Cổng trường xưa vẫn mở mỗi mùa đã là dĩ vãng chợt nhớ chợt thương về ngang quay lại thôi thì em vui màu áo mới có còn chăng bối rối nhìn nhau không hay giờ chỉ còn xả giao kiểu cách tiên nữ xuống phàm cổ tích đã xa đua chen ráo riết sóng cuốn ào ào mờ mờ dấu chân chim vội vàng khỏa lấp dáng hình đổi thay nhận ra đâu dễ tình cờ gặp lại bao năm có phải đấy không sao giờ lạ quá trao đổi dè chừng

                          Thiên Địa Phong Trần Hồng Nhan Đa Truân lòng thắt quặn đau nước non binh lửa mới đó khăn sô em chít Cổ Lai Chinh Chiến Kỷ Nhân Hồi em có mặc màu nào đi nữa có đổi thay được kiếp người đâu chăm bón cây non đứng thẳng trở mình xanh tươi hoa lá xum xuê ơn em vô cùng tận thấm thía Nước Trong Leo Lẻo Cá Đớp Cá Trời Nắng Chang Chang Người Trói Người em có vui lòng xương gởi nơi xa

                          Gọi tên nhau muốn rơi nước mắt mới đó mấy chục năm con đường xưa em đi thay đổi đã nhiều cứ khép đôi mi em vẫn rõ ràng hiện ra vẫn rộn ràng góc phố lung linh soi bóng hồ kia bởi em và ta có thật cõi phàm trần nầy xin ngợi ca em là Nhan Sắc đẹp vô ngần cám ơn Em

                          NhàQuê



                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 18:46:54 bởi NhàQuê >
                          #13
                            NhàQuê 27.01.2007 08:24:23 (permalink)


                            Những "ngôi trường xưa Em học"

                            Đoản 12- Khung Cửa Sổ


                            Lần cuối cùng chúng tôi khép các cửa sổ lại và rời trường. Việc đóng các cửa sổ lớp học ra về, hằng ngày gần như không còn ai để ý hay có sự xúc động nào, vì nó nằm trong việc qui định của toán trực mỗi lớp.

                            Các bạn có còn nhớ cửa sổ lớp mình màu gì không? Tôi tin rằng tất cả đều nhớ đúng! Trường học nào cũng sơn cửa và cửa sổ màu xanh, màu của hy vọng ...! Qua bao nắng mưa chúng được tu bổ, sơn phết lại nhiều lần, lớp sơn có mới cũ. Điều đó không xao động nhiều trong trí mỗi người khi chợt nhớ về.

                            Cửa sổ được đóng mở có ích lợi gì ai cũng biết, riêng chúng tôi việc ấy như dấu chỉ cứ lớn dần theo nhịp thể chất phát triển lên.
                            Ngày mới thành học sinh trung học, nhiều đứa trong chúng tôi đã không dễ dàng trong việc đóng mở bốn cánh lá sách ấy, vậy mà có tới hai khung như thế, có khi còn nhiều hơn tùy vị trí lớp dưới trệt hay trên lầu, ở khu trường cũ hay lúc đã dời về trường mới....

                            Tôi chưa bao giờ ngồi gần cửa sổ, lẽ dễ hiểu là tôi thuộc nhóm nhỏ con phải ngồi mấy bàn đầu, nơi các bạn gái thường chiếm trong các lớp hổn hợp. Cũng không biết ai đặt ra qui luật như vậy, chưa chắc gì lúc đó chúng tôi đã biết "nịnh đầm" An Nam. Ngồi mấy bàn đầu có lợi nhìn rõ những gì thầy cô ghi vẽ trên ấy, tai hoạt đông ít căng thẳng hơn, .... nhưng thường bị chiếu tướng, bị truy bài thường hơn, không rỉ tai nhau được khi tình cờ có ý nghĩ vui chợt đến!

                            Nếu các bạn có thử lần nào, thì rõ ràng ngồi cạnh cửa sổ nóng hơn, lảnh đủ sức nóng của nắng hắt vào; Nên chi các anh lớn như anh Triệu văn Hoa chẳng hạn, thường bị ngủ gật. Ngày chúng tôi vào đệ thất còn nhỏ xíu mà anh lấy vợ được rồi đó, chênh lệch rất xa! Anh và anh Tươi lớp trên hơn cũng cao lớn như vậy, được xếp trong đội hầu kỳ. Thầy Nho đặt tên là toán gở bóng đèn khỏi cần thang.

                            Cửa sổ chốc chốc lại mở ra, làm chúng tôi ngồi mấy bàn đầu bị lóa không đọc được chữ thầy biên trên bảng. Khiếu nại lại đóng, lại mở ... nhiều lần. Sau nầy khi đã bể giọng, đám nhỏ chúng tôi mới rõ lý do tại sao, bên cạnh lý do bị hắt nắng còn có một lý do "quan trọng" hơn; Ấy là tiếng tu huýt re rét của cô Liên đang dạy thể dục bên dưới sân.

                            Tôi mường tượng viết đến đây, khi các bạn đọc, thế nào cũng vỗ đùi mình một phát, đúng rồi! thằng NhàQuê nói đúng tim đen quá trời. Có đứa hông mắc mớ gì tới cửa sổ, ngồi tận đâu đâu cũng lò mò qua mở dùm...thấy thương.

                            Dưới sân bầy tiên nga đang tắm nắng, cánh trắng, quần đùi đen túm ống đang trong cuộc thi đoán hào hứng, trừ tóc ngoài ra trắng bốc đủ size, đủ code ... thôi thì đủ thứ ...Thôi tôi cũng không dài dòng chi cho lắm! (Vũ Trọng Phụng). Làm sao đóng cửa sổ cho đành!

                            Tôi không hoan nghinh cô Liên tí nào, cô ưa méc với phòng giám thị và chúng tôi lại nghe các thông cáo không được vui vẻ chút nào. Chán ngắt như thao diễn nghỉ, nghiêm, nhật lịnh...ở giai đoạn sau nầy kaki...
                            Cô ơi! Cô không thông cảm tụi em gì hết trơn, tại cô chưa từng làm con trai mà ! Cô lại cứ méc: Monsieur Thắng, rầy học trò nghe, tụi nó chọc phá học trò "Mõa" đó nha! Và thầy Thắng của chúng tôi "Oui" lấy lệ.


                            Khung cửa sổ thuở hoa niên, thuở trái tim rung mãnh liệt của những tháng năm dưới mái trường Trung Học Kiến Hòa khép lại sau lưng, nhiều khung cửa sổ khác liên tiếp mở đóng: Những khung trời mới quang đảng có, u buồn có, mây đen vần vũ có...lần luợt đến đi; Nhưng có một ai hỏi những gì còn ghi đậm rõ trong trí nhớ, thì xin thưa đó là...

                            NhàQuê





                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 18:48:22 bởi NhàQuê >
                            #14
                              NhàQuê 31.01.2007 01:57:37 (permalink)


                              Những "ngôi trường xưa Em học"


                              Đoản 013: Monsieur RICHARD, Tây Tới, Tây Tới, Chạy, Chạy Bà Con Ơi !!!




                              Di ảnh thầy Bùi Văn Mạnh, vị Hiệu Trưởng thứ tư của Trường Công Lập Trung Học Kiến Hòa


                              "Ông Cụ" trạc năm mươi, gầy, đi hơi ngã về phía trước, mặc "côm bờ lê", thắt cà vạt đường hoàng, nách một đống giấy tờ bọc trong các bìa cứng, thường đi bộ đến trường. Đó là thầy hiệu trưởng thứ tư của trường tôi theo học: Thầy Bùi Văn Mạnh, Hiệu Trưởng Trường Trung Học Kiến Hòa.

                              Thuở ấy những năm 1960-1963, tôi qua các lớp đệ tam, đệ nhị rồi đệ nhất. Tôi không nhớ rõ Thầy từ Mỹ Tho sang nhậm chức vào tháng nào của niên khóa 1960-1961, có lẽ những tháng cuối của niên khóa nầy. Tôi chưa thấy Thầy mặc áo sơ mi khác hơn màu trắng và để cổ hở bao giờ, "côm bờ lê" của thầy màu nhạt, thường là màu mỡ gà hay xanh bông phấn.

                              Đôi lần Thầy lái xe Traction màu đen đến trường, làm thầy "oai" ra phết: Đi làm bằng xế hộp! Tôi không nghĩ Thầy muốn "chơi nổi" như nhiều người đương thời, lối sinh hoạt trong trường của một nhà giáo mẫu mực hổ trợ cho sự suy nghiệm nầy của tôi. Những lần như vậy có thể là Thầy từ nhà bên Mỹ Tho sang trễ đôi chút nên đến thẳng cho kịp công việc. Cũng có thể vì giấy tờ hồ sơ quá nhiều không thể ôm đi bộ như hàng ngày, giờ hành chánh ở văn phòng không đủ cho Thầy giải quyết phải mang về làm thêm. Lại cũng có thể là sau khi rời văn phòng Thầy phải đi đâu đó gấp, không kịp trở về công xá dành cho để lấy xe.

                              Công xá vừa nói nằm trên đường Hai Bà Trưng, khoảng giữa đại lộ Phan Thanh Giản và đường Lê Văn Duyệt, ngôi công ốc nầy nhìn ra hướng Nhà Đèn, trong đó có cả phần của ông Quận Trưởng Trúc Giang.

                              Nhiều năm trước đọc trong Website Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho được biết sau nầy Thầy sống bên Cali. Tháng trước trong lúc phụ đưa danh sách Thầy Cô và Cựu Học Sinh vào trang Trung Học Kiến Hòa mới hay rằng Thầy đã qua đời. Mấy ngày nay đọc đi đọc lại mấy lần bài "Thầy Bùi Văn Mạnh và Tôi" của Giáo Sư Huỳnh Chiếu Đẳng có thêm được vài chuyện xưa nay về Thầy, trong đó có chuyện về dạy tiếng Tây. Nếu bài viết nầy có gì thất lễ, xin được tha thứ, tôi chỉ muốn gợi về một kỷ niệm vẫn còn hiện diện một cách rõ ràng trong trí nhớ ngày càng thất thoát của tôi, nhưng kỷ niệm ấy về Thầy thì không phai chút nào.

                              Là học trò, ai chẳng khoái các giờ trống (giờ permanent) hoặc giờ giáo sư thình lình vắng mặt, nếu được hai giờ liền nhau thì tuyệt vời. Dùng giờ "tự do" vàng ngọc ấy đi lang thang ra phố rửa mắt, rề rà quán nước nhả khói triết gia, đấu láo thiên hạ sự ở quán cà phê hay ít ra tụm năm tụm ba ngoài Bờ Hồ, cô nào đi ngang đúng giờ "hoàng đạo" đó coi như không cóng giò cũng rệu khóc; Nhưng nếu nhìn thấy Thầy từ xa đi tới, tức thời "đơn vị" phân tán mõng liền tù tì, sợ Thầy thì ít mà sợ Thầy kéo vô trở lại có được bao nhiêu đứa hay bấy nhiêu: Cho Thầy dạy tiếng Tây.

                              Thường thì Thầy dặn trước thầy cô giám thị nói lại trưởng lớp bảo cả lớp chờ Thầy lên dạy, những lần như vậy không thoát được. Còn dịp bất ngờ giáo sư không đến, cả lớp còn đang lóng ngóng chờ người xuống văn phòng hỏi, sứ giả đi giữa đường gặp Thầy đang ôm một đống bài in ronéo đi lên, là được "Ê Trò" quay lại cùng Thầy. Có đứa nào đó tinh mắt thấy trước la vang động cả hành lang: Tây Tới, Tây Tới, Tụi Bây Ơi, Chạy! Y như trong làng quê khi xưa báo động nhau khi lính Tây đi ruồng. Thầy Cô đang dạy lớp bên cạnh lấy làm lạ ra cửa lớp nhìn, sau quen dần mỉm cười lắc đầu...

                              Có khi chúng tôi cũng chạy "gió", xộ!, vì tin tức do cảm tình viên cung cấp không đúng sự thật: Thầy cũng ôm xấp bìa cứng như hàng ngày, cũng đi ra khỏi văn phòng; nhưng lại đi họp với các cơ quan khác hay đi công việc gì đó ngoài trường. Tóm lại Thầy ra khỏi văn phòng là có "báo động đỏ", mức thấp nhất cũng "báo động màu da cam".

                              Vậy mà có lần cả đám bị tóm mang trở lại, còn giã lã phụ ôm dùm bài cho Thầy rất ư ngoan học, chắc lâu ngày Thầy biết "mánh" đi lên bằng cầu thang chúng tôi thường chạy xuống.

                              Đoạn trên có nói về bài in ronéo, tôi xin nói với các bạn trẻ về chuyện nầy: Những năm tháng đó nhà trường chưa có máy photocopy, khi cần in nhiều bản phải dùng máy ronéo, nói là máy chứ thường quay bằng tay, sau có máy tự động quay bằng điện.
                              Tờ giấy sáp (stencil ??) được quýnh máy trực tiếp qua máy đánh chữ đã tháo ru-băng, những chữ được gõ vào đó làm cho giấy sáp bị lủng lổ, nhờ vậy mực in xuyên qua được giấy sáp in thành chữ trên giấy, thường là loại giấy tái chế rẽ tiền màu vàng đất, tờ giấy sáp được móc cuốn tròn vào trục máy ronéo hình trụ nằm ngang và mực in đã được nạp vào máy.
                              Vậy là sang lắm rồi đó, chứ tụi tôi có khi phải dùng bàn chải phết mực in rồi quét qua giấy sáp cho mực xuyên qua và in xuống tờ giấy đặt bên dưới, cách thủ công nầy làm bản in không đều, chỗ đậm chỗ lợt...
                              Về máy đánh chữ, các bạn có tưởng tượng được rằng ngày đó và cho mãi đến năm 1975 ở một nước thuộc Thế Giới Tự Do như nước ta, vậy mà tư nhân muốn mua một máy đánh chữ phải xin phép chờ điều tra, thuận mới được mua và có máy rồi phải nạp bản chữ mẫu cho nhà chức trách Cảnh Sát Công An... Họ lượm được truyền đơn giống loại chữ máy của mình, người sở hữu gặp rắc rối không nhỏ... Không có máy chữ, chúng tôi có khi phải viết vào giấy sáp bằng cây viết có kim nhọn ở đầu, vẽ hình nhất là về Toán phải theo cách nầy....

                              Lúc đầu, cấp lớp nào Thầy cũng dạy một bài in sẳn y như nhau. Sau Thầy cho lớp tôi mượn mỗi đứa một quyển "Le Livre Unique", quyển sách bìa cứng màu rêu nhạt, chính gốc sách in bên Tây, người ta nói khỏi lo vụ in trật chính tả, sách in bên Tây không bao giờ có phụ bản đính chính.
                              Tôi nhớ nhất lần Thầy dạy bài "La Rentrée" trích của Anatone France, mở đầu: Je vais vous dire tout ce que.... khi đọc tới Le ciel agité de l'Automme....Thầy đang tìm chữ tiếng Việt cho từ agité, có đứa nào đó nói lớn "Trời Thu xao xuyến" Thầy ơi! Thầy ờ ờ khen giỏi có vẻ đắc ý....
                              Sau bài học nầy, tôi đâm ngờ bài "Tôi đi Học: Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều, trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức,...." của Thanh Tịnh có thể là phóng tác???

                              Le sac au dos, Je traverse au jardin du luxembourg en sautigent comme un oiseau(moineau ??) dans le premier jour d'Octobre ....Les feuilles tombent une à une sur les épaules nues des statues...(Xin tha lỗi chánh tả vì lâu ngày quá viết lại không đúng văn phạm và ngữ vựng). Chính bài nầy đã là nguyên nhân tôi bỏ ra một ngày thay vì đi xem lâu đài Versailles bên ngoài thủ đô nước Pháp, tôi đi riêng viếng vườn Lục Xâm Bảo mò cho được bảng tên vườn nầy dịp tôi đến Paris.




                              Rờ bảng tên vườn Luxembourg, Paris, France


                              Quyển sách Thầy cho mượn, không thấy kêu trả lại nên tôi giữ đến mãi sau 1975 bị toán truy quét Văn Hóa đến nhà bắt vợ con tôi nộp, vét hết sách tôi quý, Họ thu đem làm giấy đi đồng chắc!?!?

                              Bán niên thứ nhì của năm đệ nhị, chúng tôi không còn bị "Tây Ruồng" nữa, có ruồng chắc ai cũng trốn. Và Thầy cũng biết "tụi nó" đang đứng trước ranh giới hoặc "Thượng Sĩ Gân" hoặc "Cánh Gà": Rớt Tú Tài anh đi Trung Sĩ..., và ước mơ " Tiến Xa Hơn" có nguy cơ tan vỡ. Thầy dạy nhiều lần vậy mà Thầy không nhớ cũng chẳng hỏi tên đứa nào cả, khi truy bài Thầy chỉ tay: Trò! Vous!

                              Lớp chúng tôi đàn anh thoát rồi, nhưng các lớp sau "áp lực vẫn còn nặng nề" và học loạt bài mới hơn được đưa vào; Đó là chuyện về gia đình Richard: Monsieur RICHARD s'habite à Paris....
                              Nếu chúng tôi ám chỉ Thầy là Tây thì các bạn các năm sau đặt "bí danh" cho Thầy là Monsieur RICHARD.
                              Với Thầy đọc tiếng Tây mà đọc chậm là không được à nha! Thầy rầy làm líu lưỡi luôn! "Ngu Như Cá" là thành ngữ nghe các bạn trọ chung nhà nói lại vào lúc thầy giận nhứt (Thay vì thường nói Ngu Như Bò trong tiếng Việt).

                              Tôi xin ghép bí danh Monsieur RICHARD và TÂY TỚI ám chỉ Thầy Hiệu Trưởng Bùi Văn Mạnh của thời chúng tôi còn là học sinh "quần kaki xanh nước biển, áo sơ mi trắng ngắn tay cổ hở", làm tựa đề bài nầy. Những từ danh ấy có lẽ Thầy chưa hề hay biết!

                              Vĩnh biệt muộn màng Thầy: Vị Tướng Soái phương vị cao cả không muốn quên những ngày dẫn đại đội tấn công!

                              NhàQuê



                              <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 18:50:12 bởi NhàQuê >
                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > | Trang 1 của 3 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 36 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9