NhàQuê
-
Số bài
:
2270
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 12.12.2006
|
RE: Những "ngôi trường xưa Em học"
-
06.02.2007 05:22:18
Những "ngôi trường xưa Em học" Đoản Rời: Ăn, Tết, Ăn Tết Ăn Vợ và Em Vợ một nhà hiền triết đã cùng nói rằng: Một ngày không ăn uống, soi gương không nhận ra được mình. Nên ăn uống cực kỳ quan trọng cho những ai thường soi gương. Ăn và uống liên hoàn hổ trợ cho nhau: Nếu ăn mà không uống thì bị hốc cổ, trừ ăn canh. Nếu uống mà không ăn gọi là tuyệt thực. Kiểu tuyệt thực ngậm sâm uống sữa nầy chỉ có từ năm 1963 trở đi. Thực đơn nhà hàng nào cũng kê đủ các món ăn món uống và được tính tiền giá cả riêng chưa kể tiền thuế và tip, vì các người khai thác nhà hàng hơn ai hết, biết rằng ai đã vào ăn thì phải uống phàm là người bình thường. * * * Từ ba mươi năm nay, NhàQuê tui đã qua trường lớp nên lấy mình làm thí dụ cho khỏi mích lòng ai, cách nầy trong cái trường dị hợm đặc biệt ấy gọi là liên hệ bản thân, trước đó mà ai chuyên nói về mình, một hai gì cũng tôi thì tụi Tây nó cho là vô liêm sỉ. Nên có gì xin bà con tha. NhàQuê đã được căn dặn trước khi đầu thai là phải nhớ ăn uống, nên từ khi lọt lòng mẹ NhàQuê tui gia nhập tức khắc vào Hội Ăn Uống sau khi khóc chơi vài tiếng gọi là, mấy đứa dù là con ông cháu cha mà không chịu làm hội viên đều bị thuyên chuyển đi vùng 5 chiến thuật cả. Hội nầy hoạt động trên phạm vi toàn thế giới, NhàQuê là hội viên tích cực có thâm niên hẳn hòi nhưng không được lên hàng lãnh đạo vì khi đói NhàQuê rất xấu tánh, tính tới tết Con Chó nầy NhàQuê được 64 năm tuổi hội viên theo âm lịch. Nói đến ăn tết thì NhàQuê khoái lắm, có tiếng ăn trong đó là đúng khớp phe ta như ăn cưới, ăn giỗ, ăn tiệc.... Ăn gian thì NhàQuê cũng có vài lần nhất là khi đụng độ rượu, phải chạm trán với lực lượng mạnh, trận đại tửu chiến như vậy nếu không ăn gian vài vòng thì chỉ có nước được đồng bọn mang đi; Vì thế có nhà nghiên cứu đã quả quyết rằng uống rượu ăn mồi nhấm đưa cay từ cao lương mỹ vị cho đến cầy me cóc ổi gì cũng say, chỉ có ăn gian là ít hoặc không say mà thôi. Xin ghi nhớ: Uống rượu ăn gian không say! Riêng ăn hối lộ thì NhàQuê thuộc hạng cá kèo, còn xa mới được hưởng chế độ đó. Xưa nay vẫn còn đứng xem thiên hạ mần ăn mà rỏ dãi! Mấy năm đầu ở trung học, NhàQuê biết có môn học tên gọi là Nữ Công Gia Chánh, bây giờ ở Mỹ được một thời gian thấy cái xứ nầy lạ lắm bà con ơi! Cho đến cái tên giải thưởng cũng phải coi chừng bị người ta chống đối vì cho là có xa gần dính líu tới kỳ thị, thí dụ Giải Thưởng Âm Nhạc Cho Người Da Ðen thì OK chứ chưa ai dám đặt giải thưởng loại nào đó chỉ dành riêng cho da trắng cả. Ngẫm lại thấy tên gọi môn Nữ Công Gia Chánh nầy nặng mùi kỳ thị quá trời! Bà con có thấy không? Như trong gia đình NhàQuê đây, ai đi làm về sớm thì nhào vô bếp nấu nướng chứ đâu còn dành ưu tiên cho Nữ như ngày xưa. Lúc mà phe bề trên đi làm về ngự trên ghế bố xích đu đọc báo, đợi bà xã, đợi phe bề dưới biểu mấy đứa nhỏ lên khoanh tay thưa Ba xuống dùng bữa, chứ không được nói Kêu Ba xuống ăn cơm nghe nó phàm phu, không văn hoa kiểu cách. Phải chi trời ngó lại ngày đó nhà trường không kỳ thị giới tính, cho bọn trai học môn ấy thì mấy năm đầu sang Mỹ, ba cha con NhàQuê đâu phải mua sách dạy nấu nướng của bà Nguyễn Phan Long, bà Quốc Việt về theo đó mà cook trong hoàn cảnh thiếu nhiều nguyên liệu và gia vị của vùng còn ít người Việt định cư như vầy! Kịp đến bốn năm sau, năm 1991 Tư Lệnh dắt con gái và trai út sang đoàn tụ, tình trạng ăn uống của cha con NhàQuê được cải thiện một cách đáng kể Và chiếu theo phong tục bản xứ, Nàng đảm nhận Commander in Chief từ ấy (Both in Chief and Chef) mà không cần dùng biện pháp của các vì tinh tú là biểu dương lực lượng, chỉnh lý gì hết, diễn tiến theo lộ trình rất hòa bình. Lần đầu tiên được hộ tống đi SuperMarket, nơi chuyên bán thực phẩm Á Ðông, coi giá ghi sẳn món nào Tư lệnh cũng qui thành vàng rồi chê mắc mặc dù đồng đô la đã được định nghĩa theo kim bản vị từ lâu rồi, trù trừ so sánh bên Việt Nam món đó rẽ lắm! Tết tái sum họp đầu tiên năm đó đứa con gái làm đủ loại mứt cho Ba ăn tết lớn! Có lẽ đó là cái tết đầy đủ hoa lá cành nhất ở hải ngoại, giờ nhắc lại ai cũng cười chảy nước mắt vì mứt qua tới mấy tháng sau ăn không hết đem bỏ; Bấy giờ Bé đã biết rằng ăn thức ăn để lâu ngày dễ bệnh, mà đã bệnh đi bác sĩ trả bill xỉu luôn! Thà bỏ trong tiếc nuối! Trải dài hơn sáu mươi năm qua chỉ xét về quá trình đứng trong Hội Ăn Uống cũng nhiều hỉ nộ ái ố lắm bà con ơi: Trước nhứt NhàQuê tui thuộc thành phần con nhà nghèo còn khá hơn thành phần con bà phước, lúc nhỏ NhàQuê bị ban bạch nó vật cho chết lên chết xuống mấy bận, tóc rụng gần hết, Má phải cạo cho có hơi dao, tóc nhà ta coi vậy cũng biết ớn xương sống không dám tiêu cực nữa, bèn ra lại lớp mới một cách hăng hái, nhờ mới nên bọn chúng lâu bạc chăng? Thuốc tán, thuốc tiêu uống mỗi lần cả bụm thường hơn ăn cơm, mà cơm nhà đông con ăn vào trôi đâu mất biệt. Trường hợp thiếu ăn như vậy, ngày nay thế nào cũng được mấy ông Bác Sĩ phê cho ít chữ suy dinh dưỡng trầm trọng. Rồi theo đó mà tự tìm cách điều chỉnh tình trạng sức khoẻ cho đúng tiêu chuẩn Khỏe vì Nước kiến thiết Quốc Gia, đoàn thanh niên ta góp tài ba, hùng mạnh trong năm giới. Thuở nhỏ thiếu ăn! Lớn lên chút xa quê ra tỉnh học, đọc thi văn thánh hiền nên ngộ và lấy câu người quân tử ăn chẳng cầu no để dỗ về cho cái bao tử chực nổi loạn khi ở tuổi đang lúc sức trai, vung vai hoài mà không chịu lớn; Đức Phù Ðổng ơi! Ngài đã cởi ngựa sắt lên núi Sóc Sơn biến mất lâu rồi lấy ai mà dạy cho bài thể dục vươn vai đó, mà cho dù Ngài quay lại bộ chỉ huy ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp chắc Ngài lần nầy chỉ mang theo mang theo M-113, M-48, T-54 mà thôi... Lại thiếu ăn! Những tháng, năm ai cũng cho là thời hoa mộng sao mà ngắn quá! Loa thông tin, đài phát thanh bộ phận thống lỉnh lãnh vực xin vặn nhỏ vừa đủ nghe, đừng làm phiền hàng xóm đang cần sự yên tỉnh nghỉ ngơi lại cứ hết volume: Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến, hận thù đằng đằng, biên thùy rung chuyển, Diên Hồng tâu lên cùng minh đế: Bắt Lính! Bắt Lính! Bắt Lính!... Như mọi người NhàQuê tui theo tiếng nói động viên hăng hái tòng quân, đứng lên đáp lời sông núi, giã nhà đeo bức chiến bào ngủ bờ ngủ bụi từ đây... Hành quân tiếp nối hành quân nên dù có đi theo phương giác nào cũng lấy lương khô làm chuẩn trong những ngày buồn dài lê thê, có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về đó, thôi thì có muốn gì đi nữa cũng chỉ thế thôi! Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao. Tự lấy châm ngôn lừng lẫy đương thời.. đời lính mà em an ủi mình. Ðêm qua em mơ gặp đủ thứ. Một ngày đẹp trời cụ Hương đề nghị với chính phủ và chiếu nhu cầu công vụ, NhàQuê cũng được như số đông cho về nhiệm sở cũ làm công chức. Mà công chức lương ba cọc thời kiệm ước, thời Âu Trường Thanh, thời Tổng Thằn Lằn Phạm Kim Ngọc là giai cấp khốn khổ, huy hoàng được mấy ngày đầu tháng là may, làm sao sánh được với giai cấp mới, giai cấp đô la xanh đô la đỏ. Tội nghiệp nhất là mấy Nhà Chức Quyền cũng phải buôn lậu có còi hụ kiếm thêm mới đủ đối phó với tình trạng suy thoái nầy, thương thay! Bọn như NhàQuê muốn chi tiêu cái gì cũng phải suy nghĩ bảy lần theo cách tiết kiệm là sống, lãng phí là chết không kịp ngáp, do đó lấy câu ăn để sống chứ không phải sống để ăn làm kim chỉ Nam và chỉ vô miệng. Cũng lại thiếu ăn! Chiến tranh nào rồi cũng phải kết thúc, chứ kéo dài hoài ai đẻ cho kịp! Truyện xưa tích cũ nói rằng, các đấng không phải là hôn quân sau khi chiếm được thành trì rồi thì dỗ an bá tánh, tha thuế ba năm, quan quân bại trận cho phục viên lo an cư lạc nghiệp. Người thì vậy, ta thì không! Nên chi ngày hòa bình trở thành ngày hồng thủy tang thương ập xuống đất nước: Tù! Tù! Tù! Nhà tù lớn bên ngoài đã thê thãm rồi thì bên trong nhà tù nhỏ mà chật ních, thì ai cũng hình dung ra được như thế nào. Thời kỳ nầy có người gọi là thời ăn uống qua loa, không phải ăn uống đạm bạc, đơn sơ cho qua ngày để sống mà là qua loa phát thanh hay kẻng báo ăn mới được xách gô, xách chén đi nhận phần đã được chia, đong, đếm kỹ lưởng rất ư bình đẳng, ăn xong sờ bụng xem mấy thứ vừa trợn trạo chui vô bao tử hiện nằm chổ nào trong cái bụng lép xẹp, tay kia gác lên trán và thở dốc. Thiên đường nhỏ cũng thiếu ăn! Thiên đường lớn là đây! Mười ba tầng xây kiên cố. Với đối tượng số càng cao, không khí vốn là của thiên nhiên còn chưa có đủ để thở thì nói chi là...Bà con đừng có no để cho người ta no cho! Lạ nhỉ, thằng nhỏ thi đạt điểm gần mười mà không trường nào nhận, đúng ra là không ai chịu cắt chuyển hộ khẩu cho nó đi học. Thôi thì ra đi tìm đường cứu lấy thân. Ðêm chia tay mẹ là người ở lại, huấn dụ thằng con nhỏ hơn, thằng em, sợ nó đổi ý: Qua Mỹ con ăn cơm có thịt! Ước mơ ăn cơm có thịt của một đứa trẻ con Việt Nam lớn như vậy mà nói không phải tỵ nạn kinh tế! lạ thật! Bây giờ, bốn viên thuốc bốn loại mỗi ngày, NhàQuê tui trường kỳ kháng chiến cho đến hơi thở cuối cùng: High blood pressure, high cholesterol, kéo thêm các loại bịnh phụ tùng, bịnh ăn theo, chúng chực trăm hoa đua nở ...Thế cho đến cuối đời vẫn lại khổ cả Uống lẫn Ăn! * * * * ** Tết Tết chia ra làm ba phần không phải gồm đầu, mình và chân tay như bài học cách trí ngày xưa mà cũng chẳng phải đầu bài, thân bài và kết luận như một bài luận văn mà chia theo thời gian dựa vào nhận thức; Là theo ý kiến riêng của mình, của NhàQuê tui: * Năm nào cũng hỏi năm nay có nhuần không vì năm nhuần dài ra, tụi nít chúng tui đứa nào cũng buồn lâu tới Tết quá, Tết được lớn thêm một tuổi để khoe khoang mình đang tiến dần thành người lớn, hơn hẳn mấy đứa nhỏ hơn, quên rằng mấy đứa ấy cũng đuổi theo bén gót, đuổi theo với cùng khoảng cách chứ đâu có chịu giậm chân tại chỗ. Có mà ham! Nhiều đứa còn nghĩ là năm nay nó tuổi Con Gà tết tới nầy nó sẽ tuổi Con Chó và cứ thế tiếp tục cho đến khi có lệnh mới. Cái khoái nhất là được nghỉ học cho đến mùng sáu, có quần áo mới vải Xiêm còn mùi hồ bước đi còn nghe sột soạt, dằn túi lì xì rồi là rủ nhau càng đông càng vững bụng cho có lực lượng khỏi sợ bị ăn hiếp, kéo vô chợ đặt bầu cua bông vụ, ăn khô mực nướng, hột vịt lộn và mua ít viên pháo lẻ bỏ túi phòng góp tiếng Ba Ngày. Chạy theo đoàn lân tranh nhau lượm pháo rơi xem chừng còn nổ được trong lúc "chiến trường" vẫn còn nghi ngút khói và vẫn còn lác đác mấy tiếng nổ phụ. Mùng một NhàQuê không thích lắm vì Ba Má dặn nhiều điều kiêng cử nhất là phải ăn chay, gặp đứa rủ ngã mặn đang lúc xót ruột NhàQuê đâu nỡ chối từ lời mời đầu năm đầu tháng của nó, ăn chay có một ngày chắc cũng chẳng Thành Chánh Quả được. Thời gian không khí Tết còn kéo dài thì tụi con nít xóm trên xóm dưới như NhàQuê cũng biết hiểu ngầm tạm xóa bỏ hận thù sau các trận kịch chiến chọi bùn, dành sông, lấn đất, tranh thắng hai bên bờ rạch, hưu đợi đến ra giêng tái chiến. Thành ra Tết là thời kỳ sống thật Hòa Bình Thịnh Vượng! * Con nhỏ thiệt là ác độc, không chịu ngõ xem NhàQuê tui muốn gì rồi hãy tặng cho, Nhỏ gởi quà tết rồi rút lui nhanh hơn khi đồng minh tháo chạy nữa, lại cận giờ tiệm tùng đóng cửa không thèm làm giàu thêm, chỉ trừ có mấy gian hàng bán đường đậu là còn bán ráng chờ thâu tiền bạn hàng thiếu chịu trong năm... Nhỏ làm NhàQuê tui một phen chới với; thôi thì năm tới sẽ quà cho nhỏ gắp đôi. Năm đó NhàQuê có cái tết lạ lắm bà con ơi! Má tui nói lo học à nhe, khi Má tui biết đang mùa gió chướng, gió muốn tốc nóc nhà mà có người quà tết cho tui một cái quạt, đưa lên thấy hai con chim quyến luyến chẳng con nào muốn dợm bay riêng. Tui nhớ tui giấu kỹ lắm mà! Má tui hay thiệt! Những cái Tết lòng rộn ràng như thể sao qua đi quá vội , thay vào đó những cái tết phải lo toan, sự mong chờ thuở nhỏ không có nữa, mà thường hỏi nhau năm nay quân nhân công chức có được mượn một tháng lượng Tết như năm trước hay không; Nói là cho mượn trả làm nhiều kỳ trong năm kế tiếp chứ thường được cho luôn, khỏi hoàn lại gọi là lương tháng mười ba. Hoan hô Tây có mười ba tháng! Nghe nói mười ba là số không được hên, nên cầm món tiền hoạnh tài ấy rồi còn lo năm nay hai bên có tôn trọng lệnh hưu chiến, lệnh ngưng bắn hay không. Hỏi là hỏi vậy chứ nói theo Tây: Chỉ có Trời mới biết! Thôi thì vui Xuân không quên nhiệm vụ! * Trước khi hưởng kiểu Tết như hiện tại, NhàQuê tui cũng như ai, cũng nhiều năm chào Xuân trong vòng rào kẻm gai và sau đó trong vòng phạm vi đi lại cho phép; Thôi nhắc làm gì chuyện cũ xì! Có một lần NhàQuê tui xin phép thằng xếp: Ngày mai tao nghỉ Happy New Year. Nó trả lời giỡn chơi mà tui chạm tự ái muốn quạu: Mầy đã Happy New Year rồi mà. Cũng có lần vừa vào có đám đủ màu xúm lại bắt tay chúc mừng Happy New Year mà đêm qua chúng thấy hình ảnh quay trực tiếp cảnh đốt pháo múa lân ở Chinatown, NewYork city trên TV... NhàQuê tui nhớ cũng có lần quên ngày Tết Nguyên Ðán cổ truyền giữa mùa lạnh giá vùng Ðông Bắc Mỹ nầy. Gần như nhiều năm qua ở đây NhàQuê tui chào Xuân cổ truyền một cách tân thời là độc ẩm ngồi nhớ bạn bè xưa, sau khi chắc chắn rằng đã cào tuyết sạch driveway chuẩn bị cho ngày mai tiếp tục một năm Sửu nữa. Ðôi lúc tui được nhắc nhớ đúng ngày đầu năm âm lịch nhờ mấy đứa con. Trước khi có vụ khủng bố Sep11, năm nào chúng cũng bỏ hàng giờ lái xe đến ChinaTown dưới NewYork city xem đốt pháo mà còn quay phim để dành, rồi còn đi Hội Xuân của Cộng Ðồng tổ chức cốt yếu là chúng đi dạ vũ có ca sĩ từ Cali qua, có bán vé vào cửa phân biệt riêng với phần múa lân khúc đầu. Không có món dạ vũ nầy người ta không đi. Lạ thiệt! Cho đến thôi nôi, đầy tháng cũng phải nói rõ là có nhảy đầm. Ðón Xuân là như vậy Thế mà có còn hơn không, cho có mùi Tết chứ bên nhà đã giao thừa cách đây đúng mười hai tiếng đồng hồ rồi, tính theo giờ miền Ðông, giờ ET (Eastern Time). *** *** *** Ăn Tết NhàQuê xin kể một vài năm ăn tết rất đặc biệt thời học sinh: Số là, đám tụi tui đi học tứ tán đứa ở Quận, đứa ở Tỉnh, đứa ở Sài Gòn và nhiều nơi, chỉ có dịp Tết là hội về năm nào cũng gần như đủ mặt. Trước nhất cùng đi chúc tết thầy học cũ theo gương xưa Carnot thăm thầy, chứ tụi tui chưa đứa nào thành danh hay đã đi làm có tiền cả, nhưng tụi tui đã hết lớn rồi nên mới biết lễ nghĩa như vậy. Phỏng theo ý chuyện ông đại tướng Carnot bên Tây, Bà con còn nhớ chuyện ông Carnot không? Chuyện nói rằng ông Carnot làm quan to nước Pháp, một hôm về thăm quê, qua trường cũ nhìn vào thấy thầy mình ngày xưa vẫn còn tận tụy dạy dỗ đám trẻ làng quê như Carnot từng và cũng nhờ từ thuở đó đi lên mới có Carnot của nước Pháp. Carnot ghé vào chào thầy xong quay xuống đám trẻ con nói mấy điều khuyên dạy. Truyện không có nói rõ là vị thầy có còn nhớ ra Carnot hay không. Ai có làm nghề giáo đọc chuyện nầy đều cảm động. Tụi Carnot thế kỷ 20 thăm thầy làm thầy mừng và cũng cảm động lắm. Cảnh cảm động hơn cả là thầy tiễn trò về mà trò đứng không vững phải từ ghế bắt qua tường, từ tường bắt qua cửa cái, từ cửa cái bắt qua cột thềm ba, từ cột thềm ba khó khăn lắm mới chiếm lỉnh được mục tiêu kế tiếp là cổng phía lộ và cứ thế từng bước không rời nhau vì rời nhau là đo đất, giúp nhau chinh phục trọng điểm cuối cùng là nhà đứa nào gần nhứt. Rượu Giồng Lứt, Phú Lễ mau phê hết biết!?. Thỉnh thoảng thầy nhắc năm nào không thấy đám Carnot Annam đến thầy mong. Thầy hiện ở Sydney, Australia. Một năm khác, tụ tập lại nhà thằng bạn mà bà cụ được coi là dễ dãi hơn cả, không nhớ rõ sau mấy vòng, bắt đấu thách đấu: Chơi ly cối, rồi mẹ bồng con. Kết quả tận cùng bằng số là một thằng ngã quỵ đầu tiên được đưa về bằng xe đẩy hai bánh mà đứa nào cũng dành đẩy để chứng tỏ ta đây còn ngon. Vừa tới thềm nhà gặp ông cụ đi ra, trong nhá nhem cụ hỏi gì đó bây, hoảng hồn đỗ hàng tươi xuống thềm ba, ùn ùn kéo xe chạy. Sau nầy mỗi lần tới ăn đám giỗ nhà cụ, Cụ lắc đầu : Tui chạy mặt mấy thầy luôn! Coi vậy mà rồi làm thầy giáo hết đó bà con ơi, chớ không phải là người phàm đâu! Thằng chủ nhà giờ ở Washington DC, thằng đi long xa giờ ở Everett, WA. Mấy đứa còn lại giờ ở đâu, ba hồn chín vía tụi bây về đây ăn tết con Cầy! Mấy mươi năm không năm nào giống năm nào, xin chọn gởi đến bà con vài chuyện mọn mong rằng cũng làm vui được một ít phút giây nào đó cuối thềm năm cũ, trước thềm năm mới. Chứ chuyện nầy NhàQuê tui viết rồi đọc lại thấy đầu voi đuôi chuột, bố cục không cân đối, rời rạc giữa các đoạn chuyển tiếp mà chưa biết làm sao đây....miễn bà con thấy đây là chuyện tào lao nửa cà nửa thực là NhàQuê tui mừng! Cảm Ơn bà con đã chịu khó đọc đến đây NhàQuê Dec 2005 ><><><><>< Ông Nhà Quê mắc dịch, Ai đánh mà Ông khai việc tôi bắt các ông đưa về bằng "Ngoạ Long Xa Hai Bánh" cách đây hơn bốn mươi năm. Không biết chủ nhà DTT còn nhớ vụ nầy không? Bây giờ tôi thách Ông có giỏi thì tụ tập lại kiểu đó một lần nữa tại quê nhà, rồi rủ thêm các bạn già như các ông Admin, Bentre, Trọn, Kiên, Chấng... làm một trận cho tới bến. Trước sau gì thì tụi mình cũng thuyên chuyển về Vùng 5 Chiến Thuật. Gặp nhau lần chót để rồi mỗi người mỗi ngã.... Xin Ông cho biết ý kiến. ThoiTran
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2009 18:54:23 bởi NhàQuê >
|