Những "ngôi trường xưa Em học"
Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 36 trên tổng số 36 bài trong đề mục
NhàQuê 05.05.2009 19:44:49 (permalink)


Những "ngôi trường xưa Em học"

Đoản Rời: Anh Ba Vững

Không nhớ rõ là 7 hay 11 năm trước tôi còn gặp anh. Với tình trạng ngây ngây, lang thang suốt ngày như vậy, tôi nghĩ ngày nay anh không còn trên cõi đời nầy nữa. Tự nhiên sáng nay tôi muốn viết về anh trước khi tôi lãng quên và biết đâu rồi đây tôi cũng ngây ngây như anh!

Thực sự tôi gặp thầy Huỳnh Văn Vững (Lê Văn Vững???) năm 1965 khi thầy bị thuyên chuyển xuống dạy dưới Ba Tri. Chuyện đó phải coi là chuyện dĩ nhiên dành cho người tạm gọi là "không bình thường". Bộ Ba Tri là nơi dùng để lưu đày hay sao vậy mấy Quan Giáo Dục, hèn chi học trò miền quê không khá!

Tôi biết thầy nhưng không có tiếp xúc lần nào trước khi thầy xuống đó, thầy đã dạy trường tỉnh lỵ và lân cận như trường Chợ Giữa...chẳng hạn, nhà thầy ở gần Chợ Ngã Năm. Vậy rõ ràng là thầy bị thuyên chuyển như là hình thức kỷ luật nào đó dành cho. Dù sao cũng là cơ duyên đưa tôi gặp thầy.

Thầy xổ tiếng Tây chúng tôi trả lời bằng tiếng Ta, vì cỡ những người học chương trình Việt như chúng tôi hiểu kịp thầy nói cũng còn may!
Có lẽ cung cách thầy nói chuyện làm người đối thoại rất "mát bụng". Thầy kêu tôi bằng Professeur làm sướng mê luôn! Nhưng tôi gọi lại bằng "Thầy" thì thầy bảo gọi bằng "anh ba Vững" thầy chịu hơn.

Phòng ốc trường sở lúc đó dùng cho cả Trung, Tiểu Học nên gặp gỡ nhau là rất thường, rồi đôi khi trên đường hoặc trong đám tiệc nào đó, thầy chào bằng cách bắt cả hai tay làm tôi rất áy náy ngại ngùng.

Lần thầy còn nhận ra tôi lại làm tôi thót ruột, tôi tình cờ gặp thầy ở bùng binh lúc gần sáng của những người thức sớm, nhưng giờ đó đối với thành thị vẫn còn là khuya, đường phố thị xã còn vắng lắm, tôi trên đường trở lại ghe còn đang đầy ấp hàng hóa.

Tôi đi buôn, thứ nghề bá nghệ lây lất nuôi thân sau cuộc đổi đời. Thót ruột vì thầy nói tiếng Tây rôm rốp như một diễn giả dùng máy trợ khuếch thanh, thứ ngôn ngữ bị cấm tuyệt vào lúc đó.
Chỉ dùng tiếng Việt! Tất nhiên tôi "chấp hành nghiêm chỉnh" bằng tiếng Ta và chỉ tiếng Ta mà thôi! Tôi mở máy nhỏ vừa đủ nghe chừng nào làm máy thầy phát càng lớn chừng ấy. May cũng tai qua nạn khỏi, không ai thức giấc vào giờ ngủ nướng để làm khó dễ.

Lần cuối cùng thầy không còn nhận ra tôi nữa, thầy cứ lập đi lập lại "nhắc cho Anh Ba nhớ coi, nhắc cho Anh Ba nhớ coi, Anh Ba gặp em ở đâu vậy" Anh không còn nhớ đâu anh ba ơi, tôi đã nói đi nói lại mầy lần rồi mà, anh có nhớ lại đâu!

Lần đó dịp về nước, cũng lại tình cờ thấy thầy vừa rời quán cà phê (??) trên đường Nguyễn Đình Chiểu khoảng tiệm kem Ngọc Duyên ngày xưa, có lẽ thầy định băng qua đường đang đông đúc xe cộ, lại luồn lách vun vút.
Nhìn thấy, tôi dừng lại đứng chờ trước cửa tiệm Thái Nguyên thuở trước, tên tiệm thu mua cau dừa sấy thuở tôi còn đi học, nay qua bao đổi thay không biết những Nam Phát, Thái Nguyên và những cửa hàng trên đường nầy có còn bảng hiệu không!

Thầy đã quên tôi thiệt rồi, ngay cả số tiền Việt tôi cho hết cho thầy mà thầy cũng không biết là bao nhiêu. Nhiều là bao nhiêu vậy, nhiều là bao nhiêu vậy! thầy hỏi nhiều lần, khi người đi cùng thầy hoặc khách bộ hành thấy sự kiện lạ dừng lại, họ lưu ý cho thầy đây là số tiền lớn đối với thầy. Tôi có nhắc mong may ra thầy vụt nhớ, về nghề cũ của tôi; Cám ơn Professeur nghe và thầy lại bonjour bằng cả hai tay như ngày trước. Tôi rời nơi đó.

Anh Ba Vững của tôi là người bình thường đầy đủ hỉ nộ ái ố, đôi khi tôi thèm được khùng khùng như Anh. Thôi Anh yên nghỉ!

NhàQuê, July 25, 2006


><><><><><



Kính Anh NhaQue,

Thầy Vững là Thầy giáo dạy Tiểu Học, Thầy Vững thường mặc áo sơ mi trắng khi đi dạy, thầy hay nói tiếng Pháp khi gặp người quen. Khi gặp người quen, Thầy chào hỏi rất lễ phép, luôn bắt tay bằng cả hai tay . Thầy có gia đình , có một cô con gái, nhỏ hơn HH vài tuổi, tên là Đầm, nhà thầy trước kia ở phía bên kia cầu Nhà Thương ... Thầy quen thân với Ba Má của HH, thường gọi Ba Má của HH là anh chị Hai ... Anh NQ có biết thầy sống chết thế nào không, theo lời kể của Anh, như vậy là Thầy Vững đã mất ?!

HH


Bạn HH thân mến,

Tôi không có tin tức gì về thầy Vững sau lần gặp mà thầy không còn nhớ ra tôi như trên đã kể. Tôi chỉ đoán vì thấy thầy có vẻ suy sụp nhiều!


NhàQuê


#31
    NhàQuê 06.05.2009 01:14:23 (permalink)


    Những "ngôi trường xưa Em học"

    (Viết Tưởng Niệm Cô Nguyễn Thị Kiêm Quyên)


    Đoản Rời: Thư Gởi Bạn Tường Lam

    Bạn Tường Lam thân mến,

    Tôi hẹn bạn lần lữa từ tháng giêng năm nay sẽ ghé thăm bạn mà mãi đến đầu tháng tư mới thực hiện được, mấy tuần trước đó bạn cứ căn dặn gọi cho bạn trước ít ngày. Xin lỗi bạn, tôi thường thích làm các bạn bất ngờ như bảy tám năm trước đây từ Canada về, tôi ghé nhà bạn Huỳnh Ngọc Thạch kêu cửa và chủ nhà chưa kịp mặc áo. Thế vui hơn!

    Tôi đã chọn lộ trình dài hơn thông thường một ngày đường để gặp lại bạn sau hơn bốn mươi năm tin tức về nhau rất ít. Cuối ngày thứ ba của chuyến đi, tôi vào vùng lãnh thổ, chọn chổ qua đêm xong tôi lên máy báo cáo hiện diện, bạn cho tôi một giờ ổn định.

    Nhà để đèn ngoài tôi hiểu là chờ tôi đến. Còn vui mừng nào hơn! Ðầu tiên đứa nào cũng tự nhận định xem nếu tình cờ gặp nhau giửa đám đông: Thì ...coi như là chưa quen!

    Hai xác phàm đứng trước nhau lạ lẫm với hình ảnh ngày nào tuổi đôi mươi khôi ngô tuấn tú, hai lão già nhìn nhau may lắm mới không rơi nước mắt: Nhờ bao năm trui luyện trong nghiệt ngã tột cùng của quê hương và thân phận. Ðứa nào cũng nói, cũng hỏi huyên thuyên về bạn bè xưa đứa còn, đứa chưa lần nào gặp lại, về thầy cô...và cả hai dừng lại ở một người: Cô Nguyễn Thị Kiêm Quyên.

    Hồi ấy, thầy Hiệu Trưởng xin ngưng giờ Việt văn của thầy Nguyễn Ðức Lâm đôi phút để giới thiệu cùng lớp chúng tôi năm thầy cô vừa ra Ðại học Sư Phạm nhận Trung Học Kiến Hòa làm nhiệm sở và bắt đầu giảng dạy vào đầu năm tới, năm Ðệ Nhị của chúng tôi.

    Thầy Hiệu Trưởng giới thiệu tên và môn dạy từng người: Gs Toán Vũ Ðình Lưu, Gs Sử Ðịa Lê Như Dực, Gs Anh Văn Vương Gia Thụy, Gs Pháp Văn Kiều Văn Chương và Gs Vạn Vật Nguyễn Thị Kiêm Quyên.
    Hình như thầy Kiều Văn Chương thay mặt nói vài lời trong lúc " đóa hoa lạc giửa rừng gươm" có gương mặt khuê các, hiền từ đang lặng lẽ quan sát chúng tôi, đám học trò tương lai của mình.

    Thầy Hiệu Trưởng lại tiếp tục hướng dẫn sang giới thiệu lớp khác, chúng tôi chụm đầu bàn tán, lần đầu tiên thầy Nguyễn Ðức Lâm dễ dãi cho chúng tôi việc gây ồn ào nầy. Các "Mao Tôn Cương" thống nhất nhau một nhận định là nhờ uy tín cụ Hiệu Trưởng Nguyễn Ðình Phú mà Bộ đã thuận cho trường mở thêm các lớp đệ nhị cấp và gởi nhiều Giáo Sư về trường.
    Thời gian gặp mặt ngắn ngủi vậy mà có đứa cũng cho biết là mấy thầy nam là người Bắc, còn cô Quyên là người Nam và bà con với bạn Nguyễn Phước Tồn, tin nầy sau đó không phải là "Tin Vịt".

    Cô dạy môn Vạn vật cho ba lớp đệ nhị A và hai lớp đệ nhị B, đối với bọn ban B NhàQuê mỗi tuần hình như chỉ có một hay hai giờ vì là môn phụ, không phải thi viết; Nhưng ban A thì không tà tà như vậy được, "Gạo" đêm ngày.

    Bạn Tường Lam thân mến,

    Bạn kể rằng khi vào vấn đáp xong, bạn tình cờ gặp cô trong sân trường, cô ân cần thăm hỏi xem có cần "cứu" gì không, bạn từ chối; Cô cho biết tất cả giám khảo hôm đó đều là bạn cùng khóa với cô và cô nhiều lần nhấn mạnh đừng quá tự tin. Sự lo lắng của cô lần đó in đậm trong tận cùng tâm khảm bạn về một người thầy dạy hết lòng chăm sóc học trò.
    Tôi có nói với bạn là nghe đâu sau 75 cô không còn dạy nữa và tôi cũng chẳng gặp lại cô lần nào.
    Mấy năm trước trong lần về Bến Tre thời gian ngắn, bạn có nhờ người bà con tìm tin tức về cô nhưng không kết quả. Bạn nói với tôi con người cô hiền lành, không lanh lợi như vậy làm sao bon chen khi phải xa rời môi trường vốn đã chọn là nghề.

    Về phần tôi, tình cờ trong lần dạy thực hành ở trường Gia Long, cô vào trước mấy phút, ngồi cuối lớp làm giám khảo, cuối giờ ra đến hành lang cô bảo: Em dạy vậy được lắm NhàQuê à! Tôi biết rằng cô cho điểm không ít.

    Năm 67 vào K25/TÐ lại tình cờ chung đại đội 11 với thầy Phan Thế Chánh, chồng cô, thầy thuộc trung đội 43/11 cùng trung đội Huỳnh Ngọc Thạch và Nguyễn Tiến Minh, tôi 44/11.
    Hôm đi bải bắn ba phát chào sân, vừa xuống dốc cổng số 9, phần trước đại đội bị đánh mìn ngay đầu cầu Bến Nọc, vừa chết vừa bị thương 11 người, y chang con số đại đội 11.
    Trung đội thầy có thiệt hại: bạn Nguyễn Văn Kha tử thương, Kha quê Châu Phú Bến Tre, trọ học ngủ chung giường với NhàQuê.
    Ra tới bải bắn thầy Chánh lính quýnh thế nào với khẩu Garant M1, mà cơ bẩm bụp thầy suýt đi ngón tay, nhanh đến nỗi tôi làm phụ xạ thủ nằm cạnh mà cũng không nhìn kịp.

    Tin tức báo chí về vụ bị đánh mìn, làm gia đình nào cũng lên thăm cuối tuần đó. Gặp cô trong khu tiếp tân, cô nửa đùa nửa thật, cách nói có hơi tếu: Em làm sao mà ngón tay thầy ra nông nỗi nầy! ( không cầm tay nhau được) NhàQuê muốn tếu lại kiểu lính sợ bất kính!
    Mấy tuần tiếp theo thầy Chánh lần nào cũng khệ nệ mang vào tận giường: Phần nầy cô gởi cho NhàQuê nè! Ô nào bánh, nào trái cây.

    Mấy tháng sau tôi đi học ngành khác ở nơi xa. Khoảng thời gian nào đó giữa năm 1968, tôi về dưỡng quân và tà tà uống nước mía trong nhà lồng cũ chợ Bình Chánh (Gia Ðịnh) cạnh Quốc lộ 4, chiếc xe đò Á Ðông xịch đỗ rước thêm khách, thầy trò vừa nhận ra nhau thì xe đã chuyển bánh; Ðó là lần trông thấy cô cuối cùng!

    Bạn Tường Lam thân mến,

    Hôm sau ăn sáng như đã hẹn trước xong, tôi chuẩn bị lên đường, bạn giao tôi hai chuyện: Thứ nhất chuyển quà bạn gởi cho Vân Bầu và Hải Ngò, thứ hai tìm tin tức về cô Quyên rồi bạn với tôi sẽ gởi về cô món quà chắc sẽ làm cô vui trong lúc tuổi già.

    Cuối tuần kế tiếp tôi trở về nhà và làm ngay những điều bạn giao: Việc thứ nhất Admin làm suông sẻ. Mấy ngày sau Admin email cho biết là cô đã qua đời cách nay mấy năm (và mới đây chính xác nhất NhàQuê được biết là cô mất ngày 23 tháng 7 năm 2003 sau mấy lần qua khỏi stroke; Nhưng lần "Tai Biến Mạch Máu Não, Brain Accident" thứ năm, lần cuối cùng kiệt lực Cô đã lìa bỏ chúng ta).



    Tôi gọi liền cho bạn, không gặp và bạn về gọi lại tôi.

    Tôi thông báo tin vừa nhận. Hình như phía bên kia giọng bạn nghẹn ngào chỉ lập đi lập lại mấy lần: Trễ quá, mình dỡ quá NhàQuê hở!

    Tất cã ngưng lại thật lâu. Vĩnh Biệt cô Nguyễn Thị Kiêm Quyên!

    Hình ảnh cô lưu giữ trong trí nhớ của tôi là con người khuê các, phúc hậu, hiền từ, đang hân hoan mang hoài bảo của mình bước xuống cuộc đời.

    Câu kết tôi viết gì cho bạn đây?

    NhàQuê, April 19, 2005




    Ông NhàQuê ơi!

    Nghĩ đến bất ngờ ông nhận được thư tui chắc ông sẽ rất vui nên tui cố gắng vượt qua sự lười biếng cố hữu của mình. Tình cờ tui đọc được 2 cái email của ông và rất vui khi được ông nhận ra qua một tấm hình cũng như rất cảm động khi nhận ra được tình cảm của ông dành cho cô giáo cũ của mình (cô Quyên).

    Hình như ngày xưa, tui + Ngọc Yến... học sau ông một lớp. Bọn tui ban A (ban dành cho những người không có tài gì hết) và học với cô Quyên năm đệ Tam (cô mới ra trường). Tui còn nhớ mỗi lần cô gọi đúng tên tui lên bảng trả bài là cô vội bước xuống cuối lớp, tại sao chắc ông đã đoán ra!. Tui nhớ cô nhất là nụ cười rất hiền lành và chịu cô nhất là phê học bạ, đứa nào cũng được cô phê thật dài với rất nhiều đức tính mà chính mình cũng không biết. Bọn tui có đến thăm cô tại nhà một lần (sau khi cô nghĩ hưu), cô rất mừng và nhớ ra từng đứa. Chúng tôi hứa sẽ đến thăm cô thường hơn vậy mà lần lửa mãi đến khi cô mất, giờ vẫn còn ân hận. Ngày đưa tiễn cô, chúng tôi đều khóc và nhất là thấy thầy Chánh đơn côi tiều tụy....

    Thằng bé Hưng năm nào được ông nhón tay tế độ nay đã học xong Đại Học Sư Phạm ra trường dạy được 2 năm rồi.

    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

    Tui vẫn tiếp tục công việc làm cầu nối của mình với những nhà hảo tâm và những người cần giúp đở. Nhưng bây giờ thì vui hơn vì có nhiều người cùng chí hướng và do đó cũng được việc hơn. Ông sẵn lòng hợp tác chứ?

    À, ông có liên lạc với Ngọc Yến không? Thầy Quế đang đau rất nặng đấy!. Bà Yến và thầy dự định tháng 10 năm nay sẽ về VN, nhưng bây giờ thì....
    Thôi nhé, chúc gia đình ông luôn được an vui hạnh phúc.

    Nguyễn thị Ngọc Mai.


    Bài "Thư gửi bạn Tường Lam" đã được in ra và Đ.Q.Hạnh chuyễn đến thầy Chánh.
    Thầy Chánh đã khóc ngay khi tay run cầm bài viết này, thầy cho biết là thầy vô cùng xúc động khi nhìn dòng chử thể hiện tình thầy trò bao năm qua mà thầy không thể ngờ được.

    Admin




    #32
      NhàQuê 06.05.2009 20:42:59 (permalink)


      Những "ngôi trường xưa Em học"


      Đoản Rời: Giữ Trâu



      "....Có trâu sẳn tằm tơ lúa má
      Không trâu không hoa quả đậu mè
      Lúa gặt cắt đã có trâu xe
      Lúa chất bã để dành trâu đạp...."

      Trong Lục Súc Tranh Công



      Mấy năm tản cư, Ba Má dắt chúng tôi đến ở nhờ nhà người bác ruột, sau đó cất tạm một căn nhỏ cạnh bên hàng rào theo chiều dọc của vuông đất, có mấy dây khoai lăng củ tím, tôi nhớ rõ điều nầy, vì thường hay lặt mấy dái lủng lẳng đem lùi bếp, bùi hết kể!

      Những ngày nghỉ không phải qua trường làng bên học, tôi lân la xin theo anh người giữ trâu mướn cho Bác tôi, để được cho cỡi trâu. Ban đầu ngồi sau lưng ôm eo ếch anh…tiến lên một bước được ngồi đàng trước cầm dây vàm, khi đã thành tài rồi mới được tự mình một con.

      Tính ra anh cũng có khiếu huấn luyện. Anh tận tâm truyền nghề cho vì Bác tôi có cô con gái út mà anh “dòm ngó” nhưng phận ở đợ anh chưa dám “bước tới” , đây là dịp anh kết thân với tôi.

      Anh lảnh chức dài hạn nầy có lẽ từ lâu lắm, vì ba anh cứ tới lấy tiền trước mấy năm liền rồi nướng hết vô sòng bài, anh cam phận. Tôi trở thành thân tín của anh. Lâu về sau tôi đã lớn vào đời, nghe nói anh đi làm biển, có lưới, có ghe riêng, và đã nên gia thất con cái đầy đủ …, cũng mừng cho anh, vợ anh không phải là chị con bác tôi.

      Trâu thả ra đồng tràn lan mùa khô, chúng hợp đàn, cạp cỏ gần nhau thân thiện, nếu có hục hặc thì không lâu sau đó thế nào bầy cũng có thêm mấy nghé nữa.

      Mở vàm cho trâu tự kiếm ăn xong, đám chăn họp bày trò chơi hay bàn mưu tính kế, lục lạo hái trộm hoa quả, bắn chim hoặc gà vịt đấp bùn đem nướng,… dùng cho đở “ nhạt mồm”. Cái đáng nói là họ thảo và không tố khổ nhau ….

      Có một lần khi qua khu vũng lầy gần nhà, lũ trâu bất thần phát chạy, mất thăng bằng tôi rớt xuống nước bùn đen đó, mười phần kể tiêu tùng rồi, vậy mà khi ngoi lên được, ảnh cười bảo tôi là: Trâu không bao giờ đạp giẫm lên người chăn nó ! Chỉ có Trời mới biết !

      Sau đình chiến gia đình tôi trở về nhà cũ, có lần chú ruột tôi tới thăm và ngỏ ý xin tôi làm con, vì chú thím chỉ có hai cô con gái, tôi còn mấy em trai nữa, cả hai cô em nhà chú đều đến tuổi cập kê. Không lâu sau lần ấy, tôi ôm quần áo về nhà chú thím….

      Trong lúc Ba Má tôi trồng bông dệt vải thì bên gia đình chú thím trồng dâu nuôi tằm dệt lụa truyền từ nhiều đời, nghề nầy phía bên thím. Bữa cơm nhập gia và nhận chức hôm đó có món nhộng ran. Chức gì ? Thưa chăn trâu cho chú tôi, trong nhà chỉ thừa có công việc đó …ai cũng bề bộn !

      Tôi đã được đào tạo lành nghề rồi, không cần phải “tập huấn” gì lâu lắc, ban tối sau khi đã đốt un cho trâu xong, tôi còn công việc khác ngoài chòi ruộng gần rừng chà là toàn gai nhọn, tôi ngủ ở chòi một mình gần như giữa rừng, đặt và đổ bung …gần sáng mang tôm cá về cho thím hay hai cô em kịp chợ . Tôi thành người ở kiểu mới cho chú thím tôi . Tuổi thơ ngây đời tôi bắt đầu như thế đó !

      Hôm nhớ nhà quá, tôi trốn về méc lại Ba tôi. Lập tức Ba và chú thím tôi mích lòng nhau; Ba Má tôi nghèo nhưng vốn thương con…cứ ngỡ chú thím xin về nuôi và đối xử với tôi như con ruột … Ba biểu ở nhà và cuối cùng tôi được đi học trở lại.

      Đến cấp lớp nhì lớp nhất, hằng ngày tôi phải đi về khoảng năm cây số mỗi lượt để tới trường Quận, nơi đây có dạy tới hết bậc tiểu học. Đường dẫn về hướng Tây đó phải băng qua cánh đồng rộng, trâu đen trâu cò gậm cỏ từng đàn vào mùa khô. Đám chăn trâu luôn phục kích tấn công học trò đi học về ….Vô hình chung học trò và chăn trâu là hai thái cực !? Phần thua thiệt bao giờ cũng về phía học trò.

      Để hóa giải áp lực nầy, tôi phải nhờ mấy đứa bạn học ở cùng xóm địa phương với chúng, làm trung gian thương thuyết với mấy “cựu đồng nghiệp” của tôi bằng bữa gặp nhau có rượu đế, cá nướng trui …và cả thuốc thơm Cotab, Grand Prix nữa …Hòa bình được vãn hồi. Cổ nhân ta có câu “Mạnh Dùng Sức, Yếu Dùng Chước” là vậy.

      Khoảng hai mươi năm trước đây, tôi gặp lại một trong số người hiếp đáp tôi lúc xưa trong một bữa tiệc ở Philadelphia, Pennsylvania. Tôi nhận ra anh và vui miệng nhắc lại thời thơ ấu đó, anh có vẻ không bằng lòng vì dường như anh muốn giấu tông tích mục đồng của mình. Thôi cũng được, sau nầy lỡ cùng trong họp mặt hoặc tiêc tùng mà lý tình không tới không được … tôi phải đứng xa xa tránh chào hỏi …

      Sau mùa gặt ở thôn quê, nhất là những đêm trăng, thường hay đạp lúa. Công việc nầy cũng nhờ trâu quần cho đến khi bã chín tức hạt lúa đã rụng hết. Sau đó lúa lép bị tách ra nhờ vê hoặc là quạt. Cọng khô lúc đó đã thành rơm, đó là phần ăn dự trử trả công cho trâu. Những người không có trâu riêng phải nhờ và cho không phần rơm cho người chủ trâu. Những đêm như vậy trẻ con rủ nhau chui vô đống rơm mới ngủ rất ấm....

      Nhân năm Sửu sắp đến, ghi lại chuyện thật 100% nầy như một ôn vui, hồi đó trâu ngoài đem sức trong công việc đồng áng nặng nhọc còn là tài sản của nông dân ta. Nay cơ giới hóa, có lẽ không lâu trâu bị đào thải chăng ?!
      Phần tôi phải chi cam phận chịu khổ làm con chú thím tôi; Thằng chăn trâu ấy sau nầy chắc là Bí Thư nầy Bí Thư nọ rồi. Biết đâu đó!

      Hình như tôi đã cải được số trời ....


      NhàQuê Oct 02, 2008


      #33
        NhàQuê 08.05.2009 06:04:23 (permalink)


        Những "ngôi trường xưa Em học"



        Đoản Rời: Chuyện Còn Nóng Hổi

        Từ ngày có vụ BenTreHome tới giờ, tôi nhiều lần làm nhiều chuyện xưa nay chưa. Đó là người tiếp chuyện chưa bao giờ biết tôi hoặc quên bẳng đi.

        Mấy tháng trước tôi gọi thầy Phan Ngọc Gia, về vài phương diện nào đó, tôi gọi thầy bằng anh cũng tiện và thân tình, tôi bắt quàng mấy thằng bạn mà thầy và tôi đều quen biết. Nói đủ thứ chuyện từ Đông sang Tây, vòng quanh thế giới trong môt giờ. Anh gởi tôi mười mấy CD MéKong Ký Sự gói ghém thật cẩn thận. Tôi hứa coi xong sẽ ý kiến về ký sự truyền hình nầy. Mà tôi coi ba chớp ba nháng đứt đoạn nghĩa là tôi coi ké với Tư Lịnh của tôi khi nào tôi xong công việc BenTreHome trong ngày. Thành thử tôi vẫn chưa coi liên tục bất kỳ CD nào của toàn ký sự.



        thầy Phan Ngọc Gia

        Tôi cũng không hiểu tôi bận chuyện gì mà không gọi thăm anh từ lâu, để hôm nào xin lỗi anh và luôn tiện lảnh ít bộ Truyện Tàu hôm trước anh khoe cho khỏi uổng công anh sưu tầm! Tôi thưa thớt vậy chứ tôi biết chắc có bạn khác sốt sắng làm việc đó thay anh em trong BenTreHome; Đó là Bổn Báo Đặc Phái Viên KIM NGÂN! Tạm ổn việc lễ nghĩa với thầy Gia.

        Cái cô "phóng Viên nầy cùng "HỌ" như tôi, nghĩa là cùng nhà họ HỨA, hứa chứ ít khi nhớ mình hứa gì; Cô đừng thấy tôi nói vậy rồi nói non-stop nha! Tôi thí vụ cho cô biết là những chuyện như:"Đời Sống & Con Cái Ở Mỹ", "Ký Sự Du Nam Cali", "Ký Sự Du An Nam", "Bịn Rịn ...." ....Còn một lô nữa mà đợi hoài chưa thấy cô đưa lên hay là cô đang cộng tác viết độc quyền đâu đó ????

        Nhưng không sao, bù lại cô chuyển cho tôi tin tức và hình ảnh về thầy Lâm Vĩnh Thế; vậy thì tạm tha cho cô lần nầy hỉ!!



        (Thầy Lâm Vĩnh Thế & Cô @ Đại Học Cornell, 2006)

        Tôi gọi liền thăm thầy, rất tiếc không gặp. Cảm ơn cha nội nào chế ra cái máy ghi được ID người gọi và thầy Thế đã gọi lại tôi không lâu sau đó.
        Việc đầu tiên là tôi xưng hô cấp bực số quân (Năm Học), đồng đội gồm những ai nỗi tiếng, nhắc ra là thầy nhớ liền....Nhưng thầy không nhớ vì hình như phòng Giám Học lúc đó đổi tên Gs liên tục trên thời dụng biểu đưa xuống các lớp, vừa chép xong thời dụng biểu nầy là đã có thời dụng biểu mới. Tôi nhớ có tên thầy trong trường hợp nầy ....Vậy coi như có học thầy đi hay là học hụt! ...Dù sao tôi còn nhớ rất rõ là thầy dắt chiếc Mobylette đi vào bằng cửa phụ tức cửa nhìn thẳng ra nhà thủy tạ của Hồ Chung Thủy.
        Thôi thì lại búa xua bao nhiêu chuyện, chuyện nào nhớ thì nói, hỏi nhau trước, vụt nghĩ là cúp liền giành chiếm đài liền để bên kia nói xong sợ mình quên đi
        Sau Kiến Hòa, thầy về trông coi thư viện Đại Học Sư Phạm rồi được học bổng du học Hoa Kỳ, lấy Master tại Đại Học Syracuse về ngành Thư Viện; khi hồi hương, thầy có dạy đại Học Vạn Hạnh, vì thế Đỗ Quang Hạnh, quản thủ thư viện /THKH được dịp học thầy hai lần trong hai lảnh vực khác nhaụ
        Trong tương lai gần BenTreHome sẽ đưa lên Diễn Đàn các bài nghiên cứu, biên khảo của thầy. Thầy hiện đã nghỉ hưu và không xa Toronto, Canada là bao

        Cái khoái nhất là nhờ đó tìm ra được "tung tích" thầy Trương Phan Nam Minh và chị Dương Bích Liên, cựu học sinh THKH/ 1957*- * dấu nầy có nghĩa là tương đương vì chị chuyển về THKH thời chị học lớp Đệ Tứ (?)
        Chị người Cần Thơ và thầy quê Long An mà Kiến Hòa đã trở nên thân thương; tôi có hứa cho chị nhập tịch Kiến Hòa nếu các bạn đồng ý cho tôi ẩm chức HỘ TỊCH.



        (Hình hôm đám cưới thầy Nam Minh& chị Bích Liên 31-8-1964)

        Tôi mường tượng thầy và chị Bích Liên theo hình ảnh 45 năm về trước ở góc độ đứng tựa lan can dãy lầu nhìn xuống, trong khi chờ đợi chị gởi hình cũ mới. Vậy các bạn cùng tôi chờ đợi, không lâu đâu để xem DUNG NHAN MÙA .... của thầy Nam Minh nay đã Thất Thập Cổ Lai Hy mà tiếng nói vẫn còn sang sảng như đang còn trên bục giảng, vẫn đùa, vẫn tếu ... thiệt là đã!.
        Khi nói chuyện với quý vị thầy xưa rất thoái mái vì mấy "Ổng" ở xa lắm, dẫu cúp cua cũng chẳng làm sao mà "Ê mấy trò, vô đây học Pháp Văn" như thầy Bùi Văn Mạnh cho được!!!!

        Trong một dịp khác, tới đây tôi sẽ ghi lại những dòng tâm tình, có lẽ là những xúc cảm vô bờ của thầy Nam Minh và chị Bích Liên khi tôi gọi thăm - Trước đây và ngay cả bây giờ "thầy cô" vẫn chưa biết về tôi; nhưng may mắn quá có Bùi Thị Ngọc Yến đâu mà gọi thăm chị Bích Liên cũng đúng lúc ấy. Cái Bà nầy thì biết tôi quá xá! Bà Yến nầy! Ta "Xóa Bỏ Hận Thù " Với Nhà Ngươi Rồi Đó! Tuần Sau Ta Sẽ Gọi, Hôm Nay Mother's Day gọi trật vì có vẻ Ta bị tuột chức thê thảm!
        Sẽ có "Ân Oán Giang Hồ" vì thầy Thế chỉ chổ thầy Nam Minh cho tôi- Tôi nghe thầy Minh nói "Để ổng biết tay tôi!" Chờ xem

        Cuối cùng tôi báo cho các bạn một tin là tôi nói trúng bốc về vài chi tiết cụ Thân Sinh của thầy Nam Minh. Thầy phục tôi quá xá!! Thầy nói chưa bao giờ nói với bất kỳ ai chuyện nầy! Tôi cũng tự phục tôi nhớ dai hết biết. Không dám thử thầy đâu!

        NhàQuê,May 06, 2007


        #34
          NhàQuê 09.05.2009 21:28:38 (permalink)




          #35
            NhàQuê 19.03.2013 07:35:35 (permalink)

            Những "ngôi trường xưa Em học"  

            Đoản Rời : Tằm


             Câu Chuyện dẫn nhập:

            "ĐEM EM MÀ BỎ XUỐNG XUỒNGCHÈO RA KHÚC VINH LỘT T(ươi) EM RA "
            thì mà là : "NGHỀ ƯƠM TƠ TẰM "
            Bến Tre quê mình, Ba Tri là vùng đất rất thìch hợp cho cây Bông Vải và Cây Dâu Tằm. Có cây dâu tằm nên việc ươm tơ là công đoạn thứ hai vậy.
            Khoảng 60-70 năm về trước BaTri nổi tiếng về công việc nầy, nhất là "Tuýtxo (tussor) Batri" vang danh khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh, SaiGon-ChợLớn cả đến Nam Vang
            Nghề dệt vải và lụa dùng khung khổ nhỏ- khoảng 40cm-gọi là "vải ta" để phân biệt với "vải tây"-khổ vải 80cm-100cm. 
            Có lúc Pháp đem máy dệt khung sắt jacquart thử nghiệm, nhưng không thành công...nghề ươm tơ dệt lụa dần đi vào ... mai một .
            Về Tơ tằm, có một nghề phụ nữa là...có những nghệ nhân dùng những "cái kén" vàng ươm " bông hình" trông rất...nghệ thuật, đẹp khỏi chê , bà con ơi !(Phần râu ria, linh tinh về Tơ tằm nầy đến đây... là phải nhờ Anh NhàQuê phụ trợ, bổ túc thêm, cám ơn Anh lắm lắm...).
            TươiDương .


            Bác TươiDương ơi!
            Gởi yểm trợ vài tràng đây!
            Góp với ông bạn Tươi Dương, tôi xin gáy những gì tôi biết; Số là khi tôi còn nhỏ, lúc đó ở nhà tôi có dệt "vải ta" từ bông vải, nơi quê tôi lúc ấy hãy còn nhiều khung dệt và trồng rất nhiều bông nguyên liệu, có lẽ như thế nên con giồng quê tôi có tên là Giồng Bông chăng???
            Còn về dệt lụa tơ tằm, thì gia đình chú ruột tôi truyền nhau nhiều đời, chú sống bên gia đình phía thím, đến lúc tôi bự rồi, tức học xong tú tài, mà chú thím tôi cũng còn dệt lụa. Khi gặp , thím tôi thường cho mấy lon hoặc chén nhộng đem về ăn cơm. 
            Lúc nhỏ tôi giữ trâu cho gia đình chú tôi, chú thím tôi không có con trai, định nuôi tôi làm con mà cực quá nên tôi trốn về và thay đổi cuộc đời từ khởi điểm đó.
            Vì vậy tôi cũng biết chút ít về nghề tằm tang....Lâu quá tôi không còn nhớ nhiều chi tiết, tôi xin kể sơ lược nha!
            ** Lá dâu là món ăn "duy nhất" của tằm, có nhiều nhà trồng dâu để bán, bán nguyên một mùa lá, chứ không phải bán lẻ. 
            Đối với người nuôi tằm, nếu vườn dâu của mình không đủ phải mua thêm, phải tính trước chứ không phải đợi "Nước Tới Trôn Mới Nhảy" mà tằm phải được cho ăn đúng mức, chúng "ăn phát ham" nên tục ngữ có câu:"Ăn Như Tằm Ăn Lên" giống như ngày nay người ta nuôi tôm vậy, đến lúc rộ nhứt bán luôn...cho tôm ăn đủ sức...
            Lá dâu hái xong phải xếp ngay ngắn vào cần xé hoặc bội, che đậy cẩn thận giữ cho tươi, xắt thiệt nhuyễn nếu tằm mới nở, còn rất là nhỏ. Nhỏ đến nỗi như mắt già hiện nay khó mà nhìn thấy chúng
            ** Giống: Một số lượng kén được giữ lại để làm giống, số còn lại đem ươm để lấy tơ, tằm trong kén lúc đó đã thành Nhộng, trụi lũi màu vàng nên có tục ngữ "Truồng Như Nhộng" là vậy. 
            Kén giống trong một thời gian bao lâu đó, con nhộng biến thành bướm, cắn kén ra ngoài; Bướm gieo và thụ giống giữa chúng và đẻ trứng.
            ** Trứng nở ra tằm con. Tôi không nhớ Bướm hay Tằm Con được gọi là con Ngài
            Tằm mới nở ăn dâu xắt nhỏ rức , càng lớn thêm, dâu cũng xắt lớn dần, cho đến khi chúng tự ăn thẳng lá dâu còn nguyên.
            Hình như do sức ăn của chúng hay số lần phải cho ăn trong ngày mà gọi là: Tằm ăn một, ăn hai ....Tuyệt đối giữ yên tĩnh trong khu vực các nông tằm, phải giăng mùng tránh muỗi cho chúng. Tóm lại là phải giữ cho chúng đừng mất sức lớn ....
            Tằm khi lớn đúng mức, khoảng nhỏ hoặc bằng ngón tay út đôi chút, hình dáng là một con sâu. Về màu sắc từ màu trắng, xám xanh đến đúng tuổi thì ửng vàng.Khi đó được đem thả lên giàn có bện rơm và nhánh cây cho chúng kéo kén, tức chúng làm tổ, nói cách khác là chúng nhả tơ để tự xây tổ KÍN riêng từ con một
            ** Hái Kén: Như đã nói, kén là tổ tự làm của một con tầm, chúng nhả tơ xây tổ, giấu kín mình trong đó " Ăn Dâu Thì Phải Nhả Tơ" mà người ta hay ví lấy từ sự kiện, hình ảnh đó
            Khi tơ đã hoàn toàn nhả hết, tằm lột xác thành Nhộng trong đó, hoàn toàn khác hẳn hình dáng của con tằm
            Tất cả kén được gỡ, hái từ giàn, tập trung chờ đem ươm sau khi chọn một số làm giống cho đợt kế tiếp ....
            ** Ươm: là công việc lấy tơ từ kén (như trái nhản, tơ vàng) thành sợi tơ, Kén được luộc trong nước nóng (Không phải nước sôi sùng sục... ???), người thợ ươm dùng đũa để kéo từng sợi tơ, quấn vào ống hoặc xa quay, trong lúc đó cũng dùng tay loại bỏ các "vướng" làm cho sợ tơ không suôn sẻ ....
            ** Kéo Chỉ: Các cuộn tơ khô được kéo thành chỉ (nhợ) đều đặn, sau đó chỉ mới được dệt thành lụa, việc nầy tương tự như dệt vải
            Người mua bán tơ,mua tơ trong giai đoạn chưa kéo chỉ hoặc đã kéo chỉ rồi. Vì số lượng một đợt tơ chưa đủ để dệt thành một tấm lụa kích thước như mong muốn. Số mua được tập trung nhiều đợt mới đủ ....Lượng tơ tính bằng cân...
            ** Nhộng mà ông Tươi Dương đố chìm và chín, ăn được, vớt ra từ TRÃ ươm, Nhộng ăn khá ngon nhưng nhiều người không ăn được vì cứ nghĩ đến hình ảnh con tằm ở dạng Sâu ....Việc ươm tơ cực lắm, đòi hỏi tỉ mỉ chứ không như các cô chít khăn mỏ quạ trên sân khấu trong điệu múa "Ươm Tơ Tằm, Ta Kéo Tơ Dệt Áo ..." đâu; Tôi thường nhìn "chết bỏ" mấy bạn nầy ....Trông Lạ Làm Sao Ấy, Chao Ôi!!!!
            *** Trong một Đặc San Xuân của Trường Trung Học Ba Tri một năm nào đó, cô Dương Thị Minh Ngọc, giáo sư của trường, người gốc Hà Đông, miền Bắc, có sưu tầm tài liệu nói về vì sao địa phương có tên là BA TRI.
            Là chữ Việt Hán, Ba có nghĩa SÓNG , ý nói VÂN trên lụa ...nhiều tài liệu biên khảo về Bến Tre, về Nam Kỳ Lục Tỉnh cũng có nói tới
            Ở đây tôi muốn nêu lên là Ba Tri có thời nổi tiếng về Tơ Lụa và nghề Tằm Tang (để dâu nuôi tằm) thịnh hành như một loại công ăn việc làm...nhiều tỉnh ven biển miền Trung cũng có nghề nầy và trước hơn....có lẽ cây dâu dễ trồng, xum xuê nhiều lá trên loại đất ven biển chăng??? 
            Ngày nay người đông, đâu còn chỗ trống nào để trồng dâu nuôi tằm nữa....Có việc trùng hợp là trái dâu có hình dáng y chang con tằm, vị ngót ngót như trái trâm, nhưng chỉ lén lén hái vì chủ vườn sợ mình oằn hay leo làm gãy nhánh dâu .... Khi hái lá trên cao người ta dùng thang...
            Việc dệt Vải Ta cũng tương tự, khác là sợi từ bông vải . 
            Nếu Các Bạn Không Thắng Bớt Lại Thì NHÀQUÊ tôi NỔ tiếp cho đến khi có lịnh mới à.....Như việc rình rình hái lén trái bông non, ăn cho đở buồn miệng ... dưa chua giá bông vải ... giá bông vải xào tùm lum...Tôi biết nhiều bạn chưa "thưởng thức" món nầy lần nào ....
            Tiện đây tôi xin kể một số loại dưa chua mà ở thành thị ít có bán hoặc không thấy bao giờ: Dưa môn nè, dưa bồng bồng nè, dưa giá bông vải nè, dưa củ cải con nè, dưa màng màng nè….Tất cả các loại dưa chua nầy chấm nước cá kho thì ….coi chừng thiếu cơm! Đó là chưa kể một số ở dạng làm chua cấp tốc tức bóp xổi
            Khoảng năm 1955, họa sĩ Văn Cầm ở Ba Tri có dùng kén tằm để ghép thành hình của Lãnh Tụ thời ấy, NhàQuê tôi thấy hình rất giống, vì NQ chưa thấy người thiệt!!!!! Sau hơn có lần được nhìn Long Nhan
            Tấm hình được đem trưng bày trong Hội Chợ Tỉnh năm 1957 (?), sau đó nghe nói đem treo nơi Cụ ngự, trong cái đêm Cụ kinh lý và ngủ lại BT. Không nghe nói họa sĩ có được tưởng thưởng gì không!!
            Nhiều người mướn ông họa lại hình ông bà cha mẹ để thờ, NQ thấy ông cặm cụi kẻ ô vuông trên hình cũ và vẽ hình mới theo kích thước đặt hàng. 
            Cái đặc biệt là người quá cố nào cũng được ông tặng cho đôi tay búp măng, ngón tay mũi viết, chân mang hài hoa hoặc giày hàm ếch ....được người nhờ vẽ ngợi khen vì ông bà cha mẹ mình trở nên sang trọng quá .....NQ tôi biết chắc chắn quý cụ ấy, tay chai sần sùi lao động đồng áng, guốc máng cán dù vì lâu lâu đi đám cưới mới mang một lần bị phồng chân, chưa bao giờ xỏ chân vào đôi giày....
            Ba tôi cũng được vẽ trong trường hợp đó, tôi thuyết phục mãi trong gia đình mới chịu thay thế bằng tấm hình chụp mà tôi đã nhờ tiệm hình phóng to lên, lúc đầu còn để một lúc cả hai khung...
            Họa sĩ Văn Cầm còn làm thêm công việc giặt nón nỉ ....sau nầy còn thêm mở nhà trọ ....
            Đó có lẽ là Nghệ Nhân mà bác Tươi Dương muốn nói chăng???
            NhàQuê May 21, 2007


            #36
              Thay đổi trang: < 123 | Trang 3 của 3 trang, bài viết từ 31 đến 36 trên tổng số 36 bài trong đề mục
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9