Bài Bình Luận Số 3: Chính Quyền Bạo Lực của Đảng Cộng Sản Trung Quốc Lời mở đầu Nói về “bạo chính”, hầu hết những người Trung Hoa sẽ liên tưởng đến Tần Thủy Hoàng (259-210 B.C.), hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Tần, người đã ra lệnh đốt sách và chôn sống nho sĩ. Chính sách hà khắc bạo ngược của Tần Thủy Hoàng đối với dân chúng là: “dùng tất cả tài nguyên trong thiên hạ để phụng sự cho sự cai trị của vua” [1]. Chính sách này bao gồm bốn phương diện: đánh thuế thật nặng; lạm dụng nhân lực cho các dự án để tuyên dương hoàng đế; dùng luật lệ tàn bạo tra tấn tội nhân và trừng phạt ngay cả thân nhân và láng giềng của họ; kiềm chế tư tưởng và áp bức bằng cách đốt sách và ngay cả chôn sống nho sĩ. Dưới sự thống trị của Tần Thủy Hoàng, dân số của Trung Quốc có khoảng mười triệu; vậy mà triều đình nhà Tần đã bắt hơn hai triệu làm nô lệ. Tần Thủy Hoàng cũng áp dụng chính sách hà khắc tàn bạo này cho giới trí thức, bằng cách cấm tự do tư tưởng trên mọi lãnh vực. Dưới sự cai trị của Tần Thủy Hoàng, hàng ngàn nho sĩ và các quan lại mà phê phán triều đình đều bị giết chết.
Ngày nay, so với triều đại hổ lang của Tần Thủy Hoàng, sự bạo ngược của Đảng Cộng Sản còn mãnh liệt hơn rất nhiều. Triết lý của Đảng Cộng Sản là "đấu tranh”, và sự thống trị của Đảng Cộng Sản xây dựng trên một loạt đấu tranh: “đấu tranh giai cấp”, “đấu tranh đường lối”, “đấu tranh tư tưởng” ở trong Trung Quốc và ở các quốc gia khác. Mao Trạch Đông, lãnh tụ Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đầu tiên của Cộng hòa Nhân Dân Trung Quốc, huỵch toẹt tuyên bố rằng, “Tần Thủy Hoàng đáng kể gì? Ông ta chỉ giết có 460 nho sĩ, còn chúng ta thì thủ tiêu đến 46 ngàn tên trí thức. Có người cho chúng ta là kẻ độc tài thống trị, giống như Tần Thủy Hoàng, chúng ta thừa nhận tất cả. Nó phù hợp với thực tế. Tiếc thay chúng bay nói thế còn chưa đủ, cho nên chúng ta cần phải gia tăng để bổ sung.” [2]
Chúng ta hãy nhìn lại 55 năm khốn khổ của Trung Quốc dưới sự thống trị của Đảng Cộng Sản. Vì lý luận nền tảng của Đảng cộng sản là “đấu tranh giai cấp”, cho nên Đảng Cộng Sản Trung Quốc từ khi nắm chính quyền đã thẳng tay diệt tuyệt từng giai cấp, và chúng đã lấy học thuyết cách mạng bạo lực mà thực hành chính trị khủng bố. Giết người và tẩy não đã được sử dụng đi đôi với nhau để đàn áp bất cứ tín ngưỡng nào khác, ngoại trừ lý thuyết của Đảng cộng sản. Đảng Cộng Sản Trung Quốc đưa ra vận động này đến vận động khác để tạo hình ảnh thần thánh cho chúng. Theo sau lý luận của đấu tranh giai cấp và cách mạng bạo lực, Đảng Cộng Sản Trung Quốc không ngừng tiêu diệt những phần tử không giống mình ở trong quần chúng và những người không cùng phạm vi. Đồng thời dùng các thủ đoạn lừa dối đã gia tăng trong đấu tranh để cưỡng ép tất cả người dân Trung Quốc trở thành những tên đầy tớ trung thành ngoan ngoãn dưới sự thống trị bạo ngược của chúng.
******************
I. Cải Cách Ruộng Đất — "Tiêu Diệt Giai Cấp Địa Chủ" Chưa được ba tháng sau khi thành lập Trung Quốc cộng sản, Đảng Cộng Sản hô hào tiêu diệt giai cấp địa chủ, như một trong những dẫn đầu cho chương trình cải cách ruộng đất trên toàn quốc. Khẩu hiệu của Đảng là “dân cày có ruộng”, đã nuôi dưỡng cái tâm ích kỷ của tá điền, khuyến khích họ đấu tranh với địa chủ bằng bất cứ phương kế nào và bất chấp hành động của họ có đạo đức hay không. Chiến dịch cải cách ruộng đất qui định rõ ràng: tiêu diệt giai cấp địa chủ, phân loại dân chúng ở vùng nông thôn thành các nhóm xã hội khác nhau. Hai mươi triệu dân ở vùng nông thôn trên toàn quốc đã bị gắn nhãn là “địa chủ, phú nông, phản cách mạng, hay là phần tử xấu”. Những người thuộc loại này, bị khinh miệt, bị làm nhục, bị mất tất cả quyền lợi công dân. Khi chiến dịch cải cách ruộng đất lan rộng ra đến các vùng xa xôi hẻo lánh và làng mạc của dân tộc thiểu số, thì các tổ chức Đảng của Đảng Cộng Sản cũng phát triển rất nhanh. Các chi bộ làng xã của Đảng phát triển khắp nơi trên Trung Quốc. Các chi bộ địa phương là miệng lưỡi để truyền chỉ thị từ Ban Trung Ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và cũng là tuyến đầu của đấu tranh giai cấp, đã kích động tá điền vùng lên chống lại địa chủ. Gần 100 ngàn địa chủ đã bị giết chết trong chiến dịch này. Trong một số vùng, Đảng Cộng Sản và tá điền đã giết toàn bộ gia đình của các địa chủ, bất kể già hay trẻ, coi như là cách thức để hoàn toàn nhổ tận gốc giai cấp địa chủ.
Cùng lúc ấy, Đảng Cộng Sản Trung Quốc phát động làn sóng tuyên truyền đầu tiên của chúng, tuyên bố rằng “Chủ tịch Mao là cứu tinh vĩ đại của nhân dân” và rằng “chỉ có Đảng Cộng Sản mới có thể cứu được Trung Quốc”. Trong giai đoạn cải cách đất đai, qua chính sách cưỡng đoạt của Đảng Cộng Sản, tá điền đạt được những gì họ muốn mà không cần phải lao động, họ cướp bóc bằng bất cứ cách nào. Nông dân nghèo mang ơn Đảng Cộng Sản đã cải thiện đời sống cho họ và vì vậy chấp nhận tuyên truyền của Đảng Cộng Sản rằng Ðảng phục vụ lợi ích của nhân dân.
Đối với chủ nhân mới của đất chiếm được, những ngày tươi đẹp của “dân cày có ruộng” cũng ngắn ngủi. Trong vòng hai năm, Đảng Cộng Sản bắt đầu áp dụng một số chính sách ép buộc nông dân gia nhập các tổ chức như tổ hỗ trợ, hợp tác xã sơ cấp, hợp tác xã cao cấp, và công xã nhân dân. Dùng khẩu hiệu mà đả kích “phụ nữ bó bàn chân” — là những người theo chậm — Đảng Cộng Sản Trung Quốc, từ năm này đến năm khác, điều động và thúc đẩy tá điền “xông vào” chủ nghĩa xã hội. Với thóc lúa, bông, và dầu nấu ăn được đặt dưới một hệ thống thu mua thống nhất trên toàn quốc, các sản phẩm nông nghiệp chính không được trao đổi trên thị trường. Thêm vào đó Đảng Cộng Sản Trung Quốc còn thiết lập một hệ thống đăng ký cư trú (hộ khẩu), ngăn chận không cho nông dân ra thành thị để tìm việc hay cư trú. Những ai đăng ký ở nông thôn thì không được phép mua thóc lúa tại các cửa hàng quốc doanh và con cái của họ bị cấm không được đi học ở thành phố. Con cái của nông dân chỉ là nông dân, như vậy đã biến 360 triệu dân nông thôn vào đầu thập niên 50 trở thành những công dân hạng nhì.
Bắt đầu vào năm 1978, trong 5 năm đầu sau khi chuyển từ hệ thống làm việc tập thể sang hệ thống khoán hộ, một số người trong 900 triệu tá điền có tình trạng khá hơn, lợi tức thu hoạch khá hơn và địa vị xã hội tương đối cũng khá hơn. Tuy nhiên lợi ích nhỏ nhoi đó mấy chốc cũng mất luôn bởi vì cơ cấu giá cả ưu đãi hàng hóa công nghiệp hơn là hàng nông nghiệp; một lần nữa các tá điền lại phải lâm vào cảnh bần cùng. Lợi tức giữa dân thành phố và dân nông thôn cách nhau rất xa, sự chênh lệch về kinh tế càng ngày càng lan rộng ra. Các địa chủ và phú nông mới đã xuất hiện trở lại trong các vùng nông thôn. Tài liệu từ Tân Hoa Xã, miệng lưỡi của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, cho thấy rằng từ năm 1997, thu hoạch từ các vùng sản xuất thóc lúa chính và lợi tức của hầu hết các gia đình nông thôn vẫn giữ nguyên, thậm chí trong một số trường hợp lại còn giảm đi. Nói cách khác, thu hoạch của nông dân từ sản xuất nông nghiệp kỳ thực không tăng. Tỷ lệ lợi tức giữa thành phố và nông thôn tăng lên từ 1.8 / 1 vào giữa thập niên 80 cho đến ngày nay là 3.1 / 1.
******************
II. Cải tạo công nghiệp và thương mại — Tiêu diệt giai cấp tư sản Một giai cấp khác mà Đảng Cộng Sản muốn tiêu diệt là giai cấp tư sản trong nước, là những người có tài sản ở các đô thị và các thị trấn nông thôn. Trong khi cải cách công nghiệp và thương mại ở Trung Quốc, Đảng Cộng Sản cho rằng bản nguyên của giai cấp tư sản và giai cấp công nhân là khác nhau: giai cấp thứ nhất là giai cấp bóc lột, trong khi giai cấp thứ hai là giai cấp không bóc lột và chống bóc lột. Theo cái lô-gic này, giai cấp tư sản đã được tạo ra để bóc lột và sẽ không ngừng bóc lột cho đến khi bị diệt vong; nên phải bị tiêu diệt chứ không cải tạo được. Với cái tiền đề ấy, Đảng Cộng Sản dùng cả hai cách, giết và tẩy não, để cải tạo các nhà tư bản và thương gia. Đảng Cộng Sản sử dụng phương pháp đã được kiểm nghiệm lâu dài của nó: thuận theo thì sống, nghịch thì bị tiêu diệt. Nếu ai cống hiến tài sản cho quốc gia và ủng hộ Đảng Cộng Sản, thì chỉ coi là mâu thuẫn nội bộ của nhân dân. Trái lại, nếu bất đồng ý kiến hay phàn nàn về chính sách của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, thì bị liệt vào phần tử phản cách mạng và sẽ thành đối tượng của chính quyền độc tài tàn bạo của Đảng Cộng Sản.
Trong giai đoạn gió tanh mưa máu của các cuộc cải tạo này, các nhà tư bản và chủ doanh nghiệp đều dâng nạp tài sản của họ. Nhiều người trong bọn họ tự tử vì không chịu được sự sỉ nhục. Trần Nghị, lúc đó là thị trưởng của Thượng Hải, đã hỏi mỗi ngày rằng, “Hôm nay có bao nhiêu người nhảy dù?”, nghĩa là hỏi số người trong nhóm tư bản tự tử bằng cách nhảy xuống từ nóc tòa nhà trong ngày đó. Chỉ có vài năm, mà Đảng Cộng Sản đã hoàn toàn tiêu diệt chế độ tư hữu ở Trung Quốc.
Trong khi thực hiện các chương trình cải cách đất đai và cải tạo công thương, Đảng Cộng Sản cũng phát động nhiều cuộc vận động qui mô để đàn áp người dân Trung Quốc. Những cuộc vận động này gồm có: đàn áp “phản cách mạng”, chiến dịch cải tạo tư tưởng, trừ sạch tập đoàn chống Đảng do Cao Cương và Nhiêu Sấu Thạch[3] cầm đầu, và thanh trừ nhóm “phản cách mạng” Hồ Phong [4], chiến dịch Tam Phản, Ngũ Phản, và trừ sạch hơn nữa các phần tử phản cách mạng. Đảng Công Sản dùng những cuộc vận động này để nhắm vào và đàn áp tàn nhẫn vô số người dân vô tội. Trong mỗi cuộc vận động chính trị, Đảng Cộng Sản cùng với với các đảng ủy, tổng chi, chi bộ, tận dụng toàn bộ sự khống chế tài nguyên của chính phủ. Cứ ba đảng viên là hình thành một nhóm chiến đấu nhỏ, thâm nhập các làng xóm và các nẻo đường. Các nhóm chiến đấu này ở đâu cũng có, không việc gì là không quản lý đến. Trong những năm chiến tranh, kết cấu khống chế kiểu mạch lưới đan xéo chặt của Đảng là từ mạng lưới “chi bộ Đảng đặt trong quân đội” của Ðảng Cộng Sản, đã đóng một vai trò then chốt trong các cuộc vận động chính trị sau này.
******************
III. Đàn Áp Tôn Giáo và Cấm chỉ các Môn phái Đạo Đảng Cộng Sản còn phạm một điều gian ác nữa trong cuộc đàn áp tôn giáo tàn bạo và cấm chỉ hoàn toàn các Đạo môn cội rễ sau khi thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Vào năm 1950, Đảng Cộng Sản Trung Quốc ra lệnh cho chính quyền địa phương phải cấm ngặt tất cả các Đạo môn và bang hội nào không chánh thức. Đảng Cộng Sản tuyên bố rằng các tổ chức “phong kiến” bí mật này chỉ là công cụ trong tay của các địa chủ, phú nông, phần tử phản cách mạng, và đặc vụ của Quốc Dân Đảng. Trong chiến dịnh thẳng tay đàn áp trên toàn quốc, chính phủ động viên các giai cấp mà chúng tin cậy để nhận diện và đàn áp hội viên của các môn phái Đạo. Chính quyền trong các cấp khác nhau trực tiếp giải tán các nhóm gọi là “nhóm mê tín” như là nhóm Cơ Đốc Giáo, Thiên Chúa Giáo, Đạo Giáo (đặc biệt những người tin tưởng Nhất Quán Ðạo), và Phật Giáo. Chúng ra lệnh cho tất cả các thành viên của nhà thờ, chùa, và các môn phái phải đăng ký với chính quyền và phải hối lỗi vì đã tham dự các hoạt động này. Không đăng ký thì sẽ bị trừng phạt nặng nề. Vào năm 1951, chính quyền [của Ðảng] chính thức ban hành luật cấm: những ai tiếp tục hoạt động trong các môn phái không chính thức sẽ bị tù chung thân hay bị tử hình.
Cuộc vận động này đã đàn áp một số đông tín đồ tin tưởng Thượng Ðế, Thần linh, là những người lương thiện và tuân theo luật pháp. Thống kê chưa đầy đủ, cho thấy rằng trong thập niên 50 Đảng Cộng Sản đã đàn áp ít nhất 3 triệu tín đồ tôn giáo và hội viên của các bang hội bí mật, một số trong nhóm người này đã bị giết chết. Đảng Cộng Sản Trung Quốc khám xét hầu hết mỗi một gia đình trên toàn quốc và thẩm vấn mọi người trong gia đình, thậm chí còn đập nát các tượng thờ ông Táo, ông Địa mà các nông dân Trung Quốc theo truyền thống vẫn thờ cúng. Đồng thời việc giết người lại càng củng cố thông điệp của Đảng Cộng Sản rằng chỉ có thể hệ tư tưởng của Đảng cộng sản mới là thể hệ tư tưởng hợp pháp duy nhất, và chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới là tín ngưỡng hợp pháp duy nhất. Vì vậy có những người mà gọi là tín đồ “ái quốc” xuất hiện ngay sau đó. Hiến pháp quốc gia chỉ bảo vệ các tín đồ “ái quốc”. Trên thực tế, cho dù tin vào bất cứ tín ngưỡng nào mọi người chỉ có một tiêu chuẩn: mọi hành vi phải tuân theo sự chỉ huy của Đảng Cộng Sản, và phải thừa nhận rằng Đảng Cộng Sản là trên hết, trên tất cả các giáo hội. Nếu là một tín đồ Cơ Ðốc Giáo, thì Đảng Cộng Sản là Thượng đế của Thượng đế trong Cơ Ðốc Giáo. Nếu là một Phật tử, Đảng Cộng Sản là Phật Tổ của Phật Tổ. Nếu ở trong Hồi Giáo, thì Đảng Cộng Sản là Allah của Allah. Còn đối với Phật sống trong Phật Giáo Tây Tạng, thì Đảng Cộng Sản sẽ xen vào, và Ðảng sẽ chọn ai làm vị Phật sống này. Hễ Đảng cần người ta nói cái gì thì người ta phải nói cái đó, và hễ Đảng cần người ta làm cái gì thì họ phải làm cái đó. Tất cả tín đồ bị bắt phải thực thi mục tiêu của Đảng Cộng Sản, trong khi tín ngưỡng của họ thì chỉ là trên danh nghĩa mà thôi. Nếu không làm như vậy thì sẽ là đối tượng để đả kích của Ðảng Cộng Sản độc tài .
Theo báo cáo ngày 22 tháng 2 năm 2002 của báo Nhân Loại và Nhân Quyền trên Internet, 20 ngàn tín đồ Cơ Ðốc Giáo thực hiện một cuộc kiểm kê với 560 ngàn tín đồ Cơ đốc Giáo thuộc các giáo hội gia đình trong 207 thành phố thuộc 22 tỉnh ở Trung Quốc. Cuộc kiểm kê cho thấy rằng trong số các tín đồ của giáo hội gia đình, 130 ngàn người đã bị chính quyền theo dõi. Trong quyển sách Đảng Cộng Sản Trung Quốc Ðàn Áp Tín Ðồ Cơ Ðốc Giáo như thế nào (1958)[5] đã viết rằng đến năm 1957, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã giết chết hơn 11 ngàn tín đồ tôn giáo và ngang nhiên giam giữ và tống tiền nhiều người hơn nữa.
Bằng cách tiêu diệt giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản, và bằng cách đàn áp quảng đại quần chúng là các tín đồ tôn giáo và những người tôn trọng luật pháp, Đảng Cộng Sản đã dọn đường cho chủ nghĩa Cộng Sản trở thành một giáo phái bao trùm mọi người ở Trung Quốc.
******************
IV. Vận Động Chống Cánh Hữu — Tẩy Não Toàn Quốc để mà Thâu Dùng Vào năm 1956, một nhóm trí thức Hungary thành lập câu lạc bộ Vòng Petofi, để tổ chức hội thảo và tranh luận về chính phủ Hungary. Nhóm người này đã khích động một cuộc cách mạng toàn quốc ở Hungary, nhưng sau đó thì bị lính của Liên Sô dẹp tắt. Mao Trạch Đông đã lấy “Sự kiện Hungary” này làm một bài học. Vào năm 1957, Mao kêu gọi các phần tử trí thức và dân chúng ở Trung Quốc “giúp Đảng Cộng Sản chấn chỉnh”. Cuộc vận động này, vắn tắt là “Vận Ðộng Trăm Hoa”, mang khẩu hiệu “trăm hoa đua nở, trăm phái tranh hót”. Mục đích của Mao là để dụ dỗ, lừa bịp mà lôi ra các “phần tử chống Đảng” trong dân chúng. Trong bức thư gửi cho các lãnh đạo Đảng cấp tỉnh vào năm 1957, Mao Trạch Đông nói ra ý định “dụ rắn ra khỏi hang” của mình bằng cách để cho họ tự do phô bày quan điểm của họ dưới danh nghĩa tự do tư tưởng và chỉnh đốn Đảng cộng sản.
Vào thời đó, Ðảng hô hào khuyến khích dân chúng bày tỏ quan điểm và hứa hẹn không trả thù — Đảng sẽ không túm tóc, không lấy gậy đập, không chụp mũ, và quyết không thanh toán sau khi mọi chuyện đã qua — ý rằng Ðảng sẽ không tìm lỗi, tấn công, vu khống, hay trả đũa. Nhưng sau đó không lâu, Đảng Cộng Sản bắt đầu một cuộc vận động “chống cánh Hữu”, tuyên bố rằng 540 ngàn người dám bày tỏ quan điểm như là “ thuộc cánh Hữu”. Trong số này có 270 ngàn người đã bị mất việc và 230 ngàn người đã bị gán nhãn là “phần tử trung Hữu”, hay là “phần tử chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội”. Sau đó có người tổng kết chiến lược chính trị của Đảng cộng sản cho sự đàn áp, thành 4 loại: “dụ rắn ra khỏi hang"; "bịa đặt tội trạng, đột nhiên tập kích, trừng phạt với một lời buộc tội"; "tấn công không thương xót dưới danh nghĩa cứu dân"; "ép người phải tự phê phán mình, rồi gán cho nhãn hiệu xấu xa nhất”.
Như vậy cái gọi là “ngôn luận phản động” lúc đó, đã khiến cho rất nhiều người trong cánh Hữu và những phần tử chống Đảng cộng sản phải bị đi đày gần 30 năm ở những nơi vô cùng xa xôi hẻo lánh trong nước. Lúc đó Đảng sử dụng " vạn mũi tên cùng bắn ra" để phê phán chặt chẽ đối với những người cánh Hữu. Ba lý luận chính về cách mạng mà gọi là “Ba lý luận đại phản động”, là mục tiêu công kích chung, mạnh mẽ vào thời đó bao gồm vài bài diễn văn của La Long Cơ, Chương Bá Quân và Chư An Bình. Nhưng xét kỹ hơn thì điều mà họ nêu ra và đề nghị cho thấy rằng mong ước của họ cũng không hại gì cả.
La Long Cơ đề nghị thành lập một ủy ban liên hợp Đảng cộng sản và các đảng “dân chủ” đủ loại để kiểm tra những điều sai lệch trong công tác của chiến dịch “Tam Phản”, “Ngũ Phản” và các cuộc vận động thanh trừ phản cách mạng. Thông thường Hội Đồng Quốc Gia cũng đệ trình những văn thư lên Ban Cố Vấn Chính Trị và Quốc Hội Nhân Dân để xem xét và bình luận, cho nên Chương Bá Quân đã đề nghị Hội Ðồng Cố Vấn Chính Trị và Quốc Hội Nhân Dân nên tham gia vào các quá trình hình thành chính sách.
Chư An Bình đề nghị rằng, bởi vì những người không phải là đảng viên cũng có ý kiến hay, tự trọng, có trách nhiệm đối với quốc gia, do đó trên toàn quốc không cần phải giao cho đảng viên phụ trách lãnh đạo các đơn vị, dù to hay nhỏ, hoặc ngay cả các đội trong mỗi đơn vị. Cũng không cần thiết là mọi việc, dù to hay nhỏ, phải được thực hiện theo cách mà Đảng viên đề nghị. Cả ba đã bày tỏ ý định sẵn lòng đi theo Đảng cộng sản, và không một đề nghị nào của họ vượt quá phạm vi đã định, như là lời của nhà văn và nhà phê bình Lỗ Tấn [6]. “Thưa lão gia, áo choàng của ông đã bị bẩn. Xin cởi ra để con giặt cho ông.”. Giống như Lỗ Tấn, những người “cánh Hữu” này đã thể hiện sự ngoan ngoãn, phục tùng và kính trọng.
Không ai trong số những người bị kết tội thuộc “cánh Hữu” đã đề nghị rằng Đảng Cộng Sản nên bị lật đổ; tất cả những gì mà họ đề nghị đều là phê bình xây dựng. Nhưng chính vì những đề nghị này, mà hàng chục ngàn người dân mất tự do, hàng triệu gia đình đau khổ. Tiếp theo đó là các cuộc vận động như là “giao phó cho Đảng ”, nhổ cờ trắng tức là lôi ra những người có lập trường kiên định, chiến dịch mới “Tân Tam Phản”, đẩy giới trí thức ra các vùng nông thôn làm lao động nặng nhọc, lùng bắt các phần tử cánh Hữu mà bị sót lại trong lần đầu. Hễ ai phản đối người lãnh đạo trong đơn vị, nhất là bí thư Đảng, thì sẽ bị gán nhãn hiệu là phản Đảng. Thông thường là bắt họ phải chịu những phê phán liên tục, hoặc gửi họ vào các trại lao động để cưỡng ép cải tạo. Đôi khi Đảng còn chuyển cả gia đình của họ đến các vùng nông thôn, cấm không cho con em của họ vào đại học hay gia nhập quân đội. Họ cũng không thể xin việc làm ở thành phố hoặc tỉnh, và mất luôn quyền lợi về y tế công cộng. Họ trở thành những người thấp kém trong hạng nông dân và bị ruồng bỏ, ngay cả ở giữa đám công dân hạng nhì.
Sau cuộc đàn áp giới trí thức, một số học giả đã hình thành loại nhân cách hai mặt, và ngả theo chiều gió. Họ theo sát “Mặt trời đỏ” và trở thành “phần tử trí thức ngự dụng”(là trí thức được toà chỉ định) của Đảng Cộng Sản, thi hành hoặc nói bất cứ điều gì Đảng muốn. Còn một số phần tử thanh cao khác trở nên xa vời, tách mình ra khỏi vấn đề chính sách, và câm như hến. Các phần tử trí thức Trung Quốc, mà có ý thức trách nhiệm với quốc gia theo truyền thống, lúc đó cũng giống như Từ Thứ đã bị nhốt vào ngục của Tào Doanh, lại càng câm lặng hơn từ đó.
******************
V. Đại Nhảy Vọt — Tạo Sai Lầm để Thử Lòng Trung Thành Sau cuộc vận động Chống Cánh Hữu, Trung Quốc tiến vào trạng thái sợ hãi sự thật. Mọi người đều tham gia vào nghe những lời giả dối, kể lại chuyện bịa đặt, nói dối, trốn tránh và che dấu sự thật bằng dối trá và tin đồn. Đại Nhảy Vọt là một lần bùng nổ của bài thực hành tập thể về dối trá, lừa bịp trên toàn quốc. Người dân trên toàn quốc, dưới sự lãnh đạo của tà linh Đảng Cộng Sản làm rất nhiều điều ngu xuẩn. Từ kẻ nói dối đến những người bị lừa dối cả hai đều lừa dối mình lừa dối người như nhau. Trong chiến dịch dối trá và hành động ngu đần này, Đảng Cộng Sản đã khắc sâu cái tà khí bạo ngược của chúng vào trong cảnh giới tinh thần của toàn dân Trung Quốc. Có lúc, nhiều người lại còn cao giọng hát những bài ca tụng Đại Nhảy Vọt như “Tôi là Ngọc Hoàng, tôi là Long Vương. Tôi ra lệnh cho tam sơn ngũ núi mở đường, tôi đến đây!”[7]. Các chính sách như là “đạt sản lượng thóc lúa 75 tấn trên mỗi héc-ta”, “gấp đôi sản lượng thép”, và “vượt qua Anh quốc trong 10 năm và đuổi kịp Mỹ trong 15 năm” đã diễn ra từ năm này đến năm khác. Các chính sách này dẫn tới vụ Đại mất mùa làm thành nạn đói khủng khiếp trên toàn quốc, trầm trọng cướp đi hàng triệu sinh mạng.
Trong phiên họp toàn thể lần thứ Tám của Hội Nghị ban Trung Ương Đảng Cộng Sản ở Lư Sơn vào năm 1959, có ai trong những người tham dự đã không đồng ý với quan điểm của tướng Bành Đức Hoài [8] rằng Đại Nhảy Vọt do Mao Trạch Đông đề ra là ngu xuẩn? Tuy nhiên, ủng hộ chính sách của Mao hay không đã biểu hiện giữa trung thành và phản bội, hoặc là vạch một ranh giới giữa sống và chết. Trong một câu chuyện từ lịch sử Trung Quốc, khi Triệu Cao[9] tuyên bố rằng con nai là con ngựa, ông ta thừa biết sự khác biệt giữa nai và ngựa, nhưng ông cố ý gọi con nai là con ngựa vì để kiểm soát dư luận, kiểm soát tranh cãi ngầm, và mở rộng quyền lực của ông ta. Kết quả của phiên họp toàn thể Lư Sơn là ngay cả Bành Đức Hoài cũng bị bắt buộc phải ký một nghị quyết tự kết tội và bị đào thải khỏi chính quyền trung ương. Tương tự như thế, trong thời kỳ sau của Đại Cách Mạng Văn Hóa, Đặng Tiểu Bình cũng bị bắt buộc phải hứa rằng ông ta sẽ không bao giờ "lật lại bản án” mà chống lại quyết định của chính quyền đã cách chức ông.
Xã hội của nhân loại phải dựa trên những kinh nghiệm đã có để hiểu biết thế giới và phát triển phạm vi kiến thức. Tuy nhiên Đảng Cộng Sản đã khiến cho người ta mất đi cơ hội học hỏi từ các bài học và kinh nghiệm trong lịch sử. Thêm vào đó, các cơ quan kiểm duyệt truyền thông chỉ giúp cho càng ngày càng hạ thấp khả năng nhận định tốt hay xấu của người dân. Sau mỗi cuộc vận động chính trị, thế hệ trẻ chỉ được biết những báo cáo đã nhào nặn của Ðảng, và bị tước đoạt những phân tích, lý tưởng, và kinh nghiệm sâu sắc từ các thế hệ trước. Kết quả là người dân chỉ thu thập được các tin tức rải rác làm cơ sở để hiểu biết lịch sử và phán đoán những sự kiện mới, họ nghĩ rằng mình đã thấy chính xác nhưng kỳ thực đã chệch khỏi sự thật hằng ngàn dặm. Như thế chính sách làm cho dân ngu dốt của Đảng Cộng Sản đã dựa vào loại phương thức này mà thực hành rộng rãi và có hệ thống.
******************
VI. Đại Cách Mạng Văn Hóa — Tà Linh Phụ Thể, Đảo Ngược Càn Khôn Nói đến chính quyền bạo ngược thì không thể nào không nói đến Đại Cách Mạng Văn Hóa, là một cuộc biểu diễn to lớn của tà linh cộng sản khi nó chiếm hữu toàn bộ Trung Quốc. Năm 1966, một trào lưu ngông cuồng bạo ngược mới tràn vào Trung Quốc đại lục, cuồng phong gầm thét của khủng bố Đỏ, như một con rồng yêu nghiệt điên loạn đã thoát khỏi dây xích trói, làm chấn động núi non và đóng băng sông ngòi. Nhà văn Tần Mục miêu tả Đại Cách Mạng Văn Hóa trong những lời ảm đạm như sau:
“Đây thực sự là một trường tai kiếp chưa từng xảy ra. Biết bao nhiêu triệu người bị tống giam vì có liên hệ với một người trong gia đình [là đối tượng phải diệt trừ của Đảng], biết bao nhiêu triệu người đã ôm hận kết thúc cuộc sống, hơn nữa biết bao gia đình bị tan vỡ, biến trẻ em thành lưu manh ác độc, bao nhiêu sách bị đốt, đập phá các ngôi nhà cổ xưa, tàn phá mộ phần của các bậc tiền hiền, dựa vào danh nghĩa cách mạng mà phạm đủ loại tội ác.”[10]
Theo thống kê bảo thủ, số người chết mờ ám ở Trung Quốc trong cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa là 7.73 triệu.
Người ta thường hiểu lầm rằng bạo lực và tàn sát trong Đại Cách Mạng Văn Hóa hầu hết xảy ra dưới trạng thái vô chính phủ, do các cuộc vận động tạo phản và Hồng Vệ Binh[11] tham gia trong việc giết người. Tuy nhiên, hàng ngàn tư liệu được xuất bản chính thức, hàng năm tại các huyện ở Trung Quốc chứng tỏ rằng cao điểm của những cái chết mờ ám trong thời kỳ Đại Cách Mạng Văn Hóa không phải là vào năm 1966, khi Hồng Vệ Binh nắm giữ hầu hết các văn phòng chính phủ, cũng không phải vào năm 1967 khi những bọn tạo phản đấu tranh với các nhóm khác bằng võ trang, mà là vào năm 1968 khi Mao Trạch Ðông nắm quyền thống trị trên toàn quốc. Các hung thủ chém giết máu tanh trong những trường hợp ô nhục nhất, hầu hết là các sĩ quan quân đội và binh lính, lực lượng dân quân, và các đảng viên của Ðảng Cộng Sản thuộc mọi cấp của chính quyền.
Trong các ví dụ sau đây chúng ta có thể thấy các hành vi bạo ngược xảy ra trong thời kỳ Đại Cách Mạng Văn Hóa là từ chính sách của Đảng Cộng Sản và chính quyền địa phương, chứ không phải là hành vi quá khích của Hồng Vệ Binh và phe tạo phản. Đảng Cộng Sản đã che đậy chủ mưu trực tiếp và che đậy sự liên hệ trong cuộc tàn sát bạo ngược của các đảng viên lãnh đạo và các viên chức chính phủ.
Vào tháng tám năm 1966, Hồng Vệ Binh trục xuất các dân cư trú ở Bắc Kinh, là những người bị phân loại trong các cuộc vận động quá khứ là “địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phần tử xấu, và cánh Hữu”, và bắt họ phải về nông thôn. Các thống kê chính thức nhưng chưa đầy đủ cho thấy rằng 33.695 ngôi nhà đã bị lục soát và 85.196 dân cư tại Bắc Kinh bị trục xuất ra khỏi thành phố và đuổi về nguyên quán của cha mẹ họ. Hồng Vệ Binh trên toàn quốc cũng theo cùng một chính sách, trục xuất trên 400 ngàn dân cư ở thành thị về nông thôn. Ngay cả các viên chức cao cấp, những người mà cha mẹ là địa chủ, cũng không tránh khỏi bị đày ải về nông thôn.
Trên thực tế Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã sắp đặt sẵn cho chiến dịch 'đuổi về nông thôn' này, ngay cả trước khi Cách Mạng Văn Hóa bắt đầu. Bành Chân, cựu thị trưởng Bắc Kinh, tuyên bố rằng dân cư ở Bắc Kinh phải là thành phần trong sạch như các “tấm thủy tinh, đá pha lê”, tức là tất cả dân cư không tốt thuộc thành phần giàu có phải bị trục xuất khỏi thành phố. Vào tháng 5 năm 1966, Mao Trạch Ðông đã ra lệnh cho thuộc hạ “bảo vệ thủ đô”. Một tổ công tác thủ đô được thành lập, do Diệp Kiếm Anh, Dương Thành Vũ và Tạ Phú Trị chỉ huy. Một nhiệm vụ của tổ công tác này là dùng công an trục xuất những dân cư Bắc Kinh thuộc về thành phần giàu có không tốt.
Lịch sử này giúp làm sáng tỏ vấn đề vì sao chính phủ và các sở công an đã không can thiệp, mà còn hỗ trợ Hồng Vệ Binh lục soát nhà cửa và trục xuất cả hơn 2% dân cư Bắc Kinh. Bộ trưởng Bộ Công An, Tạ Phú Trị, ra lệnh cho công an không được can thiệp vào các hành động của Hồng Vệ Binh, và còn phải cố vấn và cung cấp tin tức cho bọn chúng. Hồng Vệ Binh chẳng qua chỉ là một quân cờ cho Đảng cộng sản dùng để thi hành kế hoạch đã sắp đặt, rồi sau đó, vào cuối năm 1966, bọn Hồng Vệ Binh này đã bị Đảng Cộng Sản vứt bỏ; hơn nữa nhiều người trong bọn đã bị gán tội là phản cách mạng và còn bị bỏ tù, một số khác bị đuổi về nông thôn, cùng với các thanh niên thành thị khác, để lao động và cải tạo tư tưởng. Tổ chức Tây Thành của Hồng Vệ Binh, mà dẫn đầu cuộc trục xuất dân cư thành phố lúc đó, đã được thành lập dưới sự "quan tâm thương mến” của các lãnh đạo Đảng Cộng Sản. Lệnh buộc tội bọn Hồng Vệ Binh này cũng được phát ra sau khi được Bí thư trưởng của Hội Đồng Nhà Nước lúc đó duyệt lại.
Theo sau cuộc trục xuất dân cư Bắc Kinh mà bị cho là thuộc thành phần giàu không tốt, các vùng nông thôn lại bắt đầu một cuộc đàn áp khác tới các thành phần giàu không tốt. Vào ngày 26 tháng 8 năm 1966, một bài nói chuyện của Tạ Phú Trị đã được chuyển xuống phiên họp của Cục Công An Ðại Hưng. Tạ Phú Trị ra lệnh cho công an hỗ trợ Hồng Vệ Binh lục soát nhà cửa của các gia đình thuộc“năm giai cấp đen” (địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phần tử xấu, và cánh Hữu) bằng cách cố vấn và cung cấp tin tức để đột kích. Cuộc Tàn Sát Đại Hưng[12] ô nhục xảy ra là kết quả của mệnh lệnh trực tiếp từ Cục Công An huyện; những người tổ chức là giám đốc và bí thư Đảng ủy của Cục Công An huyện, và bọn giết người đa số là dân quân, ngay cả trẻ em chúng cũng không tha.
Trong cách mạng, rất nhiều người vì các “biểu hiện tốt” trong những cuộc tàn sát tương tự, mà được kết nạp vào Ðảng Cộng Sản. Theo thống kê chưa hoàn toàn của tỉnh Quảng Tây, khoảng 50 ngàn Ðảng viên đã tham dự giết người. Trong số đó có hơn 9 ngàn người được kết nạp vào Đảng sau khi sát nhân; hơn 20 ngàn người sau khi gia nhập Ðảng thì tham dự giết người, và hơn 19 ngàn Đảng viên khác đã tham dự vào việc giết người bằng cách này hay cách khác.
Trong thời Cách Mạng Văn Hóa, "đánh đập người ta" cũng phải phân tích theo giai cấp: "Người tốt đánh người xấu là đích đáng. Người xấu đánh người xấu là vinh dự. Người tốt đánh người tốt là vì hiểu lầm.” Câu nói này của Mao Trạch Ðông đã được truyền rộng ra trong các cuộc vận động tạo phản. Nếu quả nhiên bạo lực đối với giai cấp kẻ thù là bởi vì bọn họ "đáng kiếp", như vậy bạo lực và tàn sát bừa bãi sẽ lan rộng ra.
Từ ngày 13 tháng 8 đến ngày 7 tháng 10 năm 1967, dân quân ở huyện Đạo, thuộc tỉnh Hồ Nam đã tàn sát các thành viên của tổ chức “Tương Giang Phong Lôi”, và những người thuộc “năm giai cấp đen”. Cuộc tàn sát kéo dài 66 ngày; hơn 4.519 người trong 2.778 gia đình đã bị giết chết thuộc 468 đại đội nằm trong 36 công xã trong 10 khu. Trong tổng số 9.093 người đã bị giết chết thuộc 10 huyện của địa khu, có 38% dân là thuộc vào “năm giai cấp đen” và 44% là con cái của họ. Người già nhất bị giết là 78 tuổi, người trẻ nhất tuổi chỉ có 10 ngày.
Đây mới chỉ là một sự kiện của một vùng nhỏ trong Cách Mạng Văn Hóa bạo hành. Ở Nội Mông, sau khi thiết lập “ủy ban cách mạng” vào đầu năm 1968, cuộc thanh trừ hạng giai cấp và diệt trừ “Đảng Nhân Dân Nội Mông” dưới danh nghĩa chế tạo là thanh tra, đã giết hơn 350 ngàn người. Vào năm 1968, hàng chục ngàn dân cư ở tỉnh Quảng Tây tham dự vào một cuộc Đại tàn sát đã được hóa trang để tiêu diệt một tập thể quần chúng của “4.22”, đã giết hơn 110 ngàn người.
Những sự kiện này đã cho thấy rằng tất cả hành động tàn bạo giết người chủ yếu trong thời Cách Mạng Văn Hóa là ở dưới sự xúi giục và điều khiển trực tiếp của các lãnh đạo của Ðảng cộng sản, họ đã dung túng và lợi dụng bạo lực để đàn áp và tàn sát dân chúng. Những kẻ giết người tham dự trực tiếp vào việc chỉ huy và tàn sát hầu hết là quân đội, cảnh sát, dân quân võ trang, và các đoàn viên, đảng viên cốt cán của Ðảng cộng sản.
Nếu nói rằng, trong sự Cải cách Ruộng đất, Đảng Cộng Sản đã lợi dụng nông dân đạp đổ địa chủ mà cướp đất; trong sự Cải tạo Công nghiệp và Thương mại, Đảng Cộng Sản đã lợi dụng giai cấp công nhân đạp đổ các nhà tư bản để cướp đoạt tài sản, và trong cuộc Vận động Chống cánh Hữu, Đảng Cộng Sản đã loại trừ tất cả giới trí thức mà có tư tưởng đối lập, khiến cho các phần tử trí thức phải câm miệng, vậy thì mục đích giết người trong thời Cách Mạng Văn Hóa là gì? Đảng Cộng Sản sử dụng nhóm này để giết nhóm khác, và không một giai cấp nào được tin cậy. Ngay cả những ai thuộc giai cấp công nhân và nông dân, hai giai cấp mà Đảng tin cậy trong quá khứ, nếu quan điểm của họ mà khác với quan điểm của Đảng, thì mạng sống sẽ bị hiểm nguy. Như vậy mục đích chủ yếu rốt cuộc là gì?
Mục đích là tạo dựng hình thế to lớn cho Đảng Cộng Sản trở thành một tôn giáo duy nhất thống trị thiên hạ, không những thống trị quốc gia mà còn phải thống trị cả tư tưởng của mỗi một người dân.
Cách Mạng Văn Hóa đẩy Đảng Cộng Sản và cuộc vận động "thần thánh hóa" cá nhân Mao Trạch Đông lên đến tột đỉnh. Lý luận độc tài của Mao Trạch Ðông nhất định phải được sử dụng cho tất cả mọi thứ, và phải sắp đặt cho lý tưởng của một cá nhân (của Mao) được in sâu vào đầu óc của hàng chục triệu người. Cách Mạng Văn Hóa, trong một cách chưa từng xảy ra và không bao giờ so sánh được, đã không quy định những sự tình gì mà không thể làm. Thay vào đó Đảng nhấn mạnh “sự việc gì có thể làm, và phải làm như thế nào". Còn những gì khác thì không thể làm, cũng không được nghĩ tới.
Trong thời Cách Mạng Văn Hóa, mọi người trên toàn quốc thực hành nghi lễ giống như tôn giáo là: “sáng nghe chỉ thị của Đảng, chiều báo cáo với Đảng”, chúc Mao Chủ Tịch được sống lâu mãi mãi nhiều lần trong ngày, tổ chức hai buổi cầu nguyện chính trị sáng chiều mỗi ngày. Hầu hết mỗi cá nhân biết đọc, biết viết đều có kinh nghiệm viết các bài tự phê bình mình và bài báo cáo tư tưởng. Trích dẫn lời của Mao Trạch Ðông được ngâm nga thường xuyên, chẳng hạn như : “chống trả mãnh liệt bất cứ ý niệm ích kỷ nào thoáng qua”, hoặc “hiểu thì phải chấp hành, không hiểu cũng phải chấp hành, trong khi chấp hành sẽ tăng thêm sự hiểu biết”.
Trong cách mạng, chỉ có một vị " Thần linh"(Mao) được phép sùng bái; chỉ được ngâm và đọc một bản kinh sách duy nhất--ngữ lục của Mao chủ tịch. Không bao lâu quá trình “tạo Thần” đã phát triển đến mức độ mà người dân không được mua thức ăn ở các căng tin nếu không ngâm lời của Mao hoặc chúc mừng Mao Chủ Tịch. Khi mua hàng, đi xe buýt, ngay cả lúc gọi điện thoại, người ta cũng phải đọc lên lời của Mao chủ tịch, cả những lúc hoàn toàn không thích hợp cũng phải đọc. Trong các nghi thức sùng bái này, người ta hoặc là cuồng nhiệt phấn khởi, hoặc là tê liệt, chai cứng như gỗ, đều đã bị tà linh Đảng cộng sản bao trùm lại. Chế tạo lời dối trá, dung túng chịu đựng sự dối trá, và nhờ dựa vào nghề dối trá đã trở thành cách thức sinh hoạt của người dân Trung Quốc.
(Bài 3 còn tiếp)