Bài bình luận số 4: Đảng cộng sản, một lực lượng phản vũ trụ Lời mở đầu Người Trung Quốc rất trọng Đạo. Thời xưa một hoàng đế hung bạo sẽ bị gọi là tên hôn quân vô đạo. Một hành vi không phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức thì sẽ bị xem là không còn đạo lý. Cả khi các nông dân nổi dậy, họ cũng giương cao khẩu hiệu là họ thế thiên hành Đạo. Lão Tử [1] nói, “Có một cái gì đó huyền bí và nguyên vẹn tồn tại trước lúc khai thiên lập địa. Tĩnh mịch, vô hình, trọn vẹn và bất biến. Nó sống mãi ở khắp mọi nơi trong hoàn thiện, và từ nó mọi vật được sinh ra. Tôi không biết tên nó là gì. Tôi gọi nó là Đạo.” Điều đó gợi ý rằng thế giới được hình thành từ “Đạo”.
Trong một trăm năm vừa qua, sự xâm lăng bất ngờ của bóng ma tà linh cộng sản đã tạo nên một thế lực đi ngược lại tự nhiên và nhân loại, gây ra những nỗi thống khổ và bi kịch vô bờ bến. Nó cũng đã đẩy nền văn minh nhân loại đến bên bờ hủy diệt. Sau khi đã làm đủ mọi thứ bạo tàn vô Đạo, và phản thiên nghịch địa, nó đã trở thành một thế lực cực kỳ tà ác phản lại tự nhiên.
“Người thuận Đất, Đất thuận Trời, Trời thuận Đạo, và Đạo thuận theo tự nhiên.” [2] Ở Trung Quốc thời xưa, người ta tin vào việc tuân theo, hòa hợp và đồng tồn tại với trời. Nhân loại sống hòa hợp với trời đất và tồn tại trong sự phụ thuộc tương hỗ với trời đất. Đạo lý của vũ trụ là bất biến. Vũ trụ xoay chuyển thuận theo Đạo một cách có trật tự. Đất thuận theo những biến đổi của trời, vì vậy nó có bốn mùa khác nhau. Sống thuận theo trời đất, nhân loại sẽ được hưởng một cuộc sống hài hòa trong ân phúc. Điều này được phản ánh trong câu nói thiên thời, địa lợi, nhân hòa [3]. Người Trung Quốc nghĩ rằng, tất cả mọi thứ từ thiên văn, địa lý, hệ thống lịch theo dõi ngày tháng, y học, văn học, và cả những cấu trúc xã hội đều tuân theo quy luật này.
Nhưng Đảng Cộng sản tuyên truyền “nhân định thắng thiên” và “triết lý đấu tranh” ngang nhiên thách thức trời đất và tự nhiên. Mao Trạch Đông nói, “đấu trời là niềm vui vô tận, đấu đất là niềm vui vô tận, và đấu người là niềm vui vô tận”. Có lẽ Đảng Cộng sản đã có được những niềm vui thật sự từ những cuộc đấu tranh này, nhưng nhân dân đã phải trả những cái giá cực kỳ đau đớn.
******************
I. Đấu với người, tuyệt diệt nhân tính Lẫn lộn tốt xấu và hủy diệt nhân tính Một con người trước hết là một thực thể của tự nhiên, và sau đó là một thực thể của xã hội. “Nhân tri sơ tính bản thiện” [4] và “Ai cũng có lòng từ thiện” [5] là những đường lối chỉ đạo mà con người ta sẵn có khi sinh ra, những đường lối chỉ đạo cho phép con người ta phân biệt đúng sai, và tốt xấu. Tuy nhiên, đối với Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), con người giống như con thú hoặc thậm chí như máy móc. Theo ĐCSTQ, giai cấp tư sản và giai cấp vô sản chỉ là những lực lượng vật chất.
Mục đích của Trung Cộng là kiểm soát nhân dân và dần dần biến đổi họ thành tên côn đồ bạo loạn cách mạng. Mác nói, “Chỉ có lực lượng vật chất mới có thể lật đổ các lực lượng vật chất”; “Lý luận cũng có thể trở thành một lực lượng vật chất sau khi nó thu hút được quần chúng” [6]. Ông ta tin rằng toàn bộ lịch sử nhân loại không gì khác hơn là sự phát triển liên tục của nhân tính và rằng nhân tính trên thực tế là tính giai cấp, và thừa nhận là không có gì là bẩm sinh vốn có mà tất cả đều là sản phẩm của môi trường. Ông ta lý luận rằng con người là một “tổng hoà các quan hệ xã hội”, bất đồng với khái niệm “con người tự nhiên” mà Phơ-bách thừa nhận. Lê-nin tin rằng chủ nghĩa Mác-xít không thể được phát sinh một cách tự nhiên trong giai cấp vô sản, mà phải được đưa vào từ bên ngoài. Lê-nin đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể làm cho công nhân chuyển từ đấu tranh kinh tế sang đấu tranh chính trị để giành quyền lực. Do đó ông ta đặt hy vọng của mình vào thuyết phản xạ có điều kiện của I-van Pê-tơ-rô-vích Páp-lốp, người đã từng đoạt giải Nô-ben. Lê-nin nói rằng lý thuyết này “có ý nghĩa quan trọng đối với giai cấp vô sản trên toàn thế giới.” Tơ-roi-xky [7] còn hy vọng hão huyền rằng thuyết phản xạ có điều kiện sẽ không chỉ thay đổi con người về mặt tâm lý, mà còn thay đổi con người cả về mặt vật chất. Cũng như cách một con chó chảy nước miếng mỗi khi nghe tiếng chuông gọi bữa ăn trưa reo lên, ông ta hy vọng rằng người lính khi nghe tiếng súng nổ sẽ dũng cảm xông lên và hiến dâng cuộc sống của mình cho Đảng Cộng sản.
Từ thời cổ, con người ta tin rằng thành quả có được là do nỗ lực và lao động. Bằng cách lao động chăm chỉ người ta có được một cuộc sống sung túc. Mọi người coi khinh sự lười biếng và cho rằng thu lợi không bằng con đường lao động là vô đạo đức. Vậy mà sau khi cộng sản lan đến Trung Quốc như một bệnh dịch, nó khuyến khích những kẻ cặn bã và lười nhác của xã hội đi chia đất, cướp tài sản riêng, và áp bức mọi người: tất cả đều được thực hiện công khai dưới danh nghĩa pháp luật.
Mọi người đều biết kính trọng người già và chăm sóc trẻ em là điều tốt; không kính trọng người già và thầy giáo là xấu. Nền giáo dục cổ xưa theo Khổng Tử có hai phần: tiểu học và đại học. Tiểu học được dạy cho trẻ dưới 15 tuổi và chủ yếu tập trung vào quy tắc ứng xử về vệ sinh, giao tiếp xã hội, và nghi thức (có nghĩa là giáo dục vệ sinh, ứng xử xã hội, cách ăn nói, v.v…). Giáo dục đại học nhấn mạnh về đức và Đạo [8]. Bằng những chiến dịch chỉ trích Lâm Bưu [9], phê phán Khổng Tử và phỉ nhổ lòng kính trọng đối với các giáo viên, ĐCSTQ đã xóa bỏ tất cả các chuẩn mực đạo đức khỏi tâm trí của thế hệ trẻ.
Người xưa nói rằng, ‘Một ngày là thầy, trọn đời là cha’.
Ngày 5 tháng 8 năm 1966, Biện Trọng Vân, một cô giáo của Trường Trung học Nữ thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, bị các nữ sinh của mình bắt diễu đi trên phố, đội một chiếc mũ lừa cao (chuyên dành để đội vào đầu những học sinh học dốt – người dịch), mặc quần áo dây đầy mực đen, quàng một chiếc bảng đen sỉ nhục qua cổ, đi giữa đám học sinh mang những thùng rác làm trống để vỗ. Cô bị bắt phải quỳ trên mặt đất và bị đánh bằng một cái gậy gỗ có đóng đinh lởm chởm và bị đổ nước sôi lên người. Cô giáo đó đã bị tra tấn đến chết.
Một nữ hiệu trưởng trường Trung học thuộc Đại học Bắc Kinh bị học sinh bắt phải gõ lên một chiếc chậu rửa đã vỡ và kêu la “Tôi là một phần tử xấu”. Bà bị làm nhục bằng cách cắt tóc bừa bãi. Bà bị đánh vào đầu cho đến khi phọt máu ra trong khi bị bắt phải quỳ xuống bò trên mặt đất.
Ai cũng nghĩ sạch là tốt, bẩn là xấu. Nhưng ĐCSTQ lại tuyên dương ‘phủ bùn khắp người và làm chai đầy tay’. Đảng nghĩ rằng các bạn là tốt khi “tay lem luốc và chân dính phân bò” [10]. Những người như vậy được coi là có tinh thần cách mạng cao nhất, và có thể học đại học, được kết nạp Đảng, được thăng chức và cuối cùng sẽ trở thành những người lãnh đạo Đảng.
Nhân loại tiến bộ nhờ tích lũy kiến thức, nhưng, dưới chế độ Cộng sản, đạt được kiến thức lại bị coi là xấu. Những người trí thức bị xếp vào loại hôi thối thứ chín — tệ nhất trên bậc thang từ một đến chín. Đảng bảo trí thức phải học hỏi những người mù chữ, và cần phải bị giáo dục lại bởi những người nông dân nghèo để được cải tạo và bắt đầu một cuộc sống mới. Trong việc tái giáo dục những người trí thức, các giáo sư của Đại học Thanh Hoa, một đại học danh tiếng của Trung Quốc, bị đi đày đến Đảo Như Châu ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây. Bệnh sán máng [11] là một bệnh rất phổ biến ở khu vực này, và thậm chí một trại lao động cải tạo trước kia ở đây cũng đã phải dời đi nơi khác. Ngay khi tiếp xúc với nước sông, những vị giáo sư này đã bị nhiễm sán và bị sơ gan, và bị mất khả năng làm việc và sống.
Dưới sự xúi giục của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai thời bấy giờ, Đảng Cộng sản Căm-pu-chia (Khơ-me Đỏ) đã tiến hành một cuộc đàn áp dã man nhất nhằm vào các nhà trí thức. Những người có tư tưởng độc lập trở thành đối tượng bị cải tạo và hủy diệt cả về tinh thần lẫn thể xác. Từ 1975 đến 1978, một phần tư dân số của Căm-pu-chia đã bị giết chết. Có một số người bị giết chết chỉ vì trên mặt họ có dấu vết của việc đeo kính mắt.
Sau chiến thắng của Cộng sản Căm-pu-chia năm 1975, Pôn-pốt bắt đầu thành lập xã hội chủ nghĩa một cách vội vã —một thiên đường trong xã hội loài người— không có phân biệt giai cấp, không có cách biệt giữa thành thị và nông thôn, không có tiền tệ và thương mại. Cuối cùng thì, các gia đình bị xé nát và thay thế bằng các đội lao động nam và các đội lao động nữ. Tất cả đều phải làm việc và ăn chung, và mặc các bộ quần áo đồng phục cách mạng màu đen hoặc quần áo quân đội. Các cặp vợ chồng chỉ được gặp nhau một tuần một lần khi được duyệt.
Đảng Cộng sản tuyên bố không sợ trời đất và ngạo mạn nỗ lực cải tạo trời đất. Đây là một thái độ hoàn toàn coi thường đối với tất cả các nhân tố và lực lượng chân chính trong vũ trụ. Mao trạch Đông viết trong khi còn là sinh viên ở Hồ Nam:
“Trong tất cả các thế kỷ, tất cả các quốc gia đều đã thực hiện những cuộc cách mạng vĩ đại. Những cái cũ bị rửa trôi đi và mọi thứ được nhuộm mới; những biến đổi to lớn đã diễn ra, kéo theo sự sống chết, thành bại. Sự hủy diệt của vũ trụ cũng như vậy. Sự hủy diệt rõ ràng sẽ không phải là sự hủy diệt cuối cùng, và không nghi ngờ gì là sự hủy diệt ở chỗ này sẽ là sự sinh thành ở chỗ khác. Tất cả chúng ta đều lường trước được sự hủy diệt đó, bởi vì trong việc hủy diệt vũ trụ cũ chúng ta sẽ tạo ra vũ trụ mới. Chẳng phải nó sẽ tốt hơn vũ trụ cũ hay sao?!”
Yêu mến là một tình cảm tự nhiên của con người. Tình cảm vợ chồng, con cái, cha mẹ, bạn bè và trong xã hội nói chung là bình thường. Qua những chiến dịch chính trị liên miên không ngừng nghỉ, ĐCSTQ đã biến người thành sói, hoặc thậm chí thành một con vật hung dữ hơn cả sói. Ngay cả hổ dữ cũng không ăn thịt con, nhưng dưới sự cai trị của ĐCSTQ, cha mẹ con cái vợ chồng tố cáo lẫn nhau là điều bình thường, các mối quan hệ gia đình thường bị chối bỏ.
Trong một trường tiểu học tại Bắc kinh vào giữa những năm 1960, một cô giáo vô tình viết hai chữ ‘xã hội chủ nghĩa’ và ‘rớt đài’ bên cạnh nhau khi cô ta đang hướng dẫn các học sinh tập viết chữ Hán. Học sinh đã tố cáo cô. Sau đó, cô bị phê phán hàng ngày và bị các học sinh nam tát. Con gái của cô cắt đứt mối quan hệ với cô. Bất kể khi nào mà cuộc đấu tranh trở nên gay gắt hơn, con gái cô lại phê phán “phong trào mới trong các cuộc đấu tranh giai cấp” của mẹ mình trong các buổi sinh hoạt chính trị. Vài năm sau sự kiện đó, công việc duy nhất của cô là hàng ngày quét dọn trường bao gồm cả các nhà vệ sinh.
Những ai đã từng trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa sẽ không bao giờ quên cô Trương Chí Tân, người bị bỏ tù vì đã phê phán Mao vì sự thất bại của ông ta trong chiến dịch đại nhảy vọt. Cai ngục đã nhiều lần cởi hết quần áo của cô, còng tay cô ra đằng sau lưng và quẳng cô vào xà-lim nam để cho các tù nhân nam hãm hiếp tập thể cô. Cuối cùng cô trở nên điên loạn. Khi bị tử hình, cai ngục sợ rằng cô sẽ hô khẩu hiệu phản đối nên đã ấn đầu cô trên một cục gạch và cắt hở cuống họng của cô mà không hề gây tê.
Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công trong những năm gần đây, ĐCSTQ vẫn tiếp tục sử dụng những thủ đoạn cũ đó để kích động sự hằn thù và xúi giục bạo lực.
Cộng sản tiêu diệt bản chất đạo đức của con người, và quảng bá, khuyến khích và sử dụng mặt ác của con người để củng cố quyền thống trị của nó. Chiến dịch này kế tiếp chiến dịch khác, những người có lương tâm đã bị buộc phải giữ im lặng vì sợ bạo lực. Đảng Cộng sản đã hủy diệt một cách có hệ thống các chuẩn mực đạo đức phổ biến để hoàn toàn phá hủy các khái niệm thiện ác, đạo đức, bại hoại đã được nhân loại duy trì hàng nghìn năm nay.
Tà ác đã vượt qua quy luật tương sinh tương khắc Lão Tử nói: “Toàn thiên hạ có thể thấy cái đẹp là đẹp là bởi vì có sự hiện hữu của cái xấu, có thể biết cái thiện là thiện là bởi vì có sự hiện hữu của cái ác. Do đó hữu và vô cùng phát sinh, khó và dễ bù nhau, dài và ngắn trái ngược nhau, cao và thấp dựa vào nhau, tiếng nói và âm thanh hòa hợp cùng nhau, trước và sau đi theo nhau.” [12]
Nói một cách đơn giản, có tồn tại quy luật tương sinh tương khắc ở nhân gian. Không chỉ loài người được chia thành người tốt và người xấu, mà thiện và ác cũng đồng thời tồn tại trong cùng một con người.
Đạo Chích, một nhân vật điển hình của bọn cướp ở Trung Quốc thời xưa, nói với đám lâu la, “Ăn cướp cũng phải có Đạo.” Y tiếp tục diễn thuyết rằng một tên cướp cũng phải có thánh-dũng-nghĩa-trí-nhân. Đó có nghĩa là thậm chí một tên cướp cũng không thể muốn gì liền làm nấy mà cũng phải tuân thủ một số khuôn phép nhất định.
Nhìn lại lịch sử của ĐCSTQ, chúng ta có thể nói rằng nó đầy những thủ đoạn xảo trá và bội phản không còn kiêng nể gì nữa. Ví dụ, điều mà bọn cướp tôn trọng nhất là “nghĩa”. Cả nơi mà chúng chia nhau những gì cướp được cũng được gọi là “sảnh chia đồ tụ nghĩa”. Nhưng giữa các đồng chí trong ĐCSTQ, mỗi khi có một cuộc khủng hoảng xuất hiện, thì họ tố cáo và buộc tội lẫn nhau, và thậm chí bịa đặt ra những tội danh giả để hại nhau, sát thêm muối vào vết thương.
Lấy viên tướng Bành Đức Hoài làm ví dụ. Mao Trạch Đông, xuất thân từ một gia đình nông dân, tất nhiên biết thừa rằng không thể nào sản xuất ra 130.000 cân gạo trên một mẫu đất [13] và những điều mà Bành nói đều đúng. Ông ta cũng biết rõ rằng Bành không có ý định cướp quyền lực của ông ta, chưa kể đến việc Bành đã cứu mạng ông ta nhiều lần khi Bành chỉ có 20.000 quân đã khổ chiến với 200.000 lính của Hồ Tông Nam trong cuộc nội chiến giữa Đảng Cộng sản và Quốc Dân Đảng. Vậy mà khi Bành vừa phát biểu sự bất đồng ý kiến của mình với Mao, Mao ngay lập tức nổi giận, ném ngay bài thơ ông ta viết để ca ngợi Bành vào thùng rác —“Ai dám cưỡi ngựa tiến lên và rút kiếm ra; Chỉ có tướng Bành của chúng ta!”— Mao kiên quyết hại chết Bành, không đếm xỉa gì đến sự cao thượng và tình đồng chí ân nhân cứu mạng của Bành đối với mình.
ĐCSTQ giết chóc tàn ác thay vì cai trị với lòng từ tâm; nó đàn áp đảng viên của chính nó bất chấp cả tình đồng chí và trung thành cá nhân; nó nhượng bộ lãnh thổ của Trung Quốc, hành động hèn nhát; nó tự biến mình thành kẻ thù của chính tín, thiếu trí tuệ; nó phát động những phong trào quần chúng, chà đạp đường lối của các bậc thánh nhân trong việc trị nước. Tóm lại, ĐCSTQ đã đi quá xa khi từ bỏ cả chuẩn mực đạo đức tối thiểu là “Ăn cướp cũng phải có Đạo.” Sự tà ác của nó đã vượt quá cả quy luật tương sinh tương khắc trong vũ trụ. ĐCSTQ hoàn toàn chống lại tự nhiên và nhân loại vì mục đích đảo lộn các tiêu chuẩn của thiện và ác và làm loạn các quy luật của vũ trụ. Sự ngạo mạn vô độ của nó đã tới đỉnh điểm, và nó sẽ phải đi đến một sự sụp đổ hoàn toàn.
******************
II. Đấu với đất, vi phạm tự nhiên, tai hoạ vô cùng Mở rộng đấu tranh giai cấp đến tự nhiên Kim Huấn Hoa, một học sinh tốt nghiệp trung học năm 1968 của trường Trung học Ngô Tùng số 2 của Thượng Hải và là một thành viên của Ủy ban thường trực Hồng Vệ binh Trung học ở Thượng hải, được đưa xuống vùng nông thôn của tỉnh Hắc Long Giang tháng Ba năm 1969. Ngày 15 tháng 8, 1969, những cơn lũ dữ dội đổ xuống từ trên núi và nhanh chóng làm ngập những khu vực ở xung quanh sông Song Hà. Kim nhảy vào trong dòng nước chảy xiết mong kéo lên hai cột dây điện cho đội sản xuất của anh ta và đã bị chết đuối.
Sau đây là hai đoạn nhật ký [14] của Kim viết trước khi chết.
Ngày 4 tháng Bảy:
Tôi bắt đầu cảm thấy tính nghiêm trọng và ác liệt của đấu tranh giai cấp ở nông thôn. Là một hồng vệ binh của Mao Chủ tịch, tôi đã hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu đối đầu với những thế lực phản động với Tư tưởng bất khả chiến bại của Mao Trạch Đông làm vũ khí của mình. Tôi sẵn lòng làm điều đó thậm chí nếu điều đó có nghĩa là tôi phải hy sinh mạng sống của mình. Tôi sẽ chiến đấu, chiến đấu, và chiến đấu với tất cả khả năng của mình để củng cố chế độ chuyên chính vô sản.
Ngày 19 tháng Bảy:
Những kẻ thù giai cấp trong đội sản xuất đó vẫn còn kiêu ngạo. Những thanh niên trí thức đến nông thôn chính là để tham gia vào ba phong trào cách mạng lớn ở nông thôn. Quan trọng nhất là đấu tranh giai cấp. Chúng tôi phải nương tựa vào giai cấp nông dân nghèo và dưới trung nông, vận động quần chúng và tiêu diệt tính kiêu ngạo của kẻ thù. Chúng tôi những thanh niên trí thức phải luôn luôn nâng cao khẩu hiệu vĩ đại của Tư tưởng Mao Trạch Đông, không bao giờ quên đấu tranh giai cấp, và không bao giờ quên chuyên chính vô sản.
Kim đến nông thôn với tư tưởng đấu trời đấu đất và cải tạo nhân loại. Quyển nhật ký của anh ta cho thấy rằng đầu óc của anh ta đầy những tư tưởng “chiến đấu”. Anh mở rộng ý tưởng “đấu tranh với con người” ra đấu trời đấu đất, và sau cùng đã mất mạng vì điều đó. Kim là một trường hợp điển hình của triết học đấu tranh và, đồng thời, không còn nghi ngờ gì nữa là đã trở thành nạn nhân của nó.
Ăng-ghen đã từng nói rằng: “tự do là sự thừa nhận những điều tất nhiên”. Mao Trạch Đông tiếp bước và thêm vào, “và là sự cải tạo thế giới.” Phần đuôi này đã hoàn toàn đưa ra ánh sáng quan điểm của ĐCSTQ về thiên nhiên, tức là, thay đổi thiên nhiên. Đối với cộng sản, cái “tất nhiên” là điều ở ngoài tầm nhìn của họ, là những “quy luật” mà họ không cách nào hiểu nổi. Họ tin rằng thiên nhiên và nhân loại có thể bị “chinh phục” bằng cách vận động ý thức chủ quan của con người để hiểu những quy luật khách quan. Cộng sản đã làm loạn cả nước Nga và Trung Quốc, là hai nơi thực nghiệm của họ, trong những nỗ lực của họ hòng thay đổi thiên nhiên.
Các ca khúc quần chúng trong thời đại đại nhảy vọt cho thấy sự ngạo mạn và ngu xuẩn của ĐCSTQ: “Hãy để cho núi phải cúi đầu và sông phải dẹp sang một bên”; “Không có Ngọc hoàng Thượng Đế trên trời và không có Long Vương dưới đất. Ta là Ngọc Hoàng Thượng Đế và ta là Long Vương. Ta ra lệnh cho ba núi và năm đèo phải dẹp sang một bên, ta đến đây này!” [15]
Đảng Cộng sản đã đến! Cùng đến với nó là sự phá hủy cân bằng tự nhiên và thế giới vốn hài hòa.
Phá vỡ thiên nhiên làm cho ĐCSTQ gieo gì gặt nấy Dưới chính sách nông nghiệp giữ lúa là chính, ĐCSTQ đã chủ quan duy ý chí chuyển đổi những vùng đồi núi và đồng cỏ không phù hợp cho canh tác thành những vùng đất nông nhiệp rộng lớn, và lấp các sông hồ ở Trung Quốc để làm đất trồng trọt. Kết quả là gì? ĐCSTQ đã tuyên bố rằng sản lượng lúa gạo năm 1952 đã vượt trên thời Quốc Dân Đảng, nhưng điều mà ĐCSTQ không tiết lộ là mãi cho đến năm 1972 tổng sản lượng lúa gạo ở Trung Quốc vẫn chưa bằng thời thái bình thịnh trị của Vua Càn Long đời nhà Thanh. Thậm chí cho đến ngày hôm nay, sản lượng lúa gạo bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức của thời nhà Thanh và chỉ là một phần ba của thời nhà Tống, là thời mà sản xuất nông nghiệp đạt mức cao nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Chặt cây, san lấp sông hồ bừa bãi đã gây nên sự suy thoái sinh thái trầm trọng ở Trung Quốc. Ngày nay, hệ sinh thái của Trung Quốc đang ở bên bờ sụp đổ. Sự khô cạn của Hải Hà và sông Hoàng Hà và sự ô nhiễm của Sông Hoài và Sông Dương Tử (Trường Giang) đã cắt đứt đường sống mà đất nước Trung Quốc đã dựa vào để tồn tại hằng nghìn năm qua. Với sự biến mất của đồng cỏ tại Cam Túc, Thanh Hải, Khu Nội Mông, và Tân Cương, những trận bão cát đã có đường tấn công vào những khu vực đồng bằng trung tâm.
Vào những năm 1950, dưới sự hướng dẫn của những chuyên gia Xô-viết, ĐCSTQ đã xây dựng nhà máy thủy điện Tam Môn Hạp trên sông Hoàng Hà. Cho đến ngày nay, nhà máy điện này chỉ đem lại một công suất phát điện ở mức độ một con sông trung bình, mặc dù Hoàng Hà là con sông lớn thứ hai ở Trung Quốc. Để khiến cho sự việc càng thêm tệ hại, dự án này đã gây ra sự tích tụ bùn cát ở thượng nguồn sông và đã làm đáy sông cao lên. Vì lý do đó, thậm chí một trận lũ nhẹ cũng đủ gây thiệt hại to lớn về người và của cho nhân dân ở hai bờ sông. Trong trận lũ năm 2003 trên sông Vị, mực nước chảy cao nhất là 3.700 mét khối mỗi giây, là mức có thể xảy ra khoảng 3 đến 5 năm một lần, nhưng thiệt hại do nó gây nên là chưa từng thấy trong 50 năm qua.
Có nhiều hồ chứa nước cỡ lớn được xây dựng ở khu vực Trú Mã Điếm, tỉnh Hồ Nam. Năm 1975, những cái đập của các hồ chứa nước đó đã thay nhau sập đổ. Chỉ trong khoảng hai giờ đồng hồ, 60.000 người đã bị chết đuối. Tổng số người chết đã lên đến 200.000.
ĐCSTQ vẫn tiếp tục những hành động tự ý hủy hại đất đai của Trung quốc. Đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang (Dương Tử) và Dự án chuyển nước từ miền Nam lên miền Bắc đều là những cố gắng của ĐCSTQ nhằm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên với số tiền đầu tư lên đến hằng trăm tỷ đô-la Mỹ. Đó là chưa kể đến những dự án vừa và nhỏ để “đấu đất”. Hơn nữa, trong nội bộ ĐCSTQ đã có lần đưa ra đề nghị dùng một quả bom nguyên tử để cho nổ và mở một con đường nối trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng để thay đổi môi trường tự nhiên ở miền Tây Trung Quốc. Mặc dù sự ngạo mạn và khinh thường đất của ĐCSTQ đã làm chấn động thế giới, nó không phải là điều gì gây ngạc nhiên bất ngờ cả.
Trong Bát Quái, tổ tiên Trung Quốc coi trời là Càn (Kiền) hay tạo hoá, và kính trọng Đạo trời. Họ coi đất là Khôn hay mẹ, và kính trọng Đức sinh thành.
Tượng trong kinh dịch viết: địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật, hiểu là đất rộng rãi, kẻ quân tử nên theo gương đất, lấy đức dày chở muôn vật.
Khổng Tử ghi chú về kinh dịch [16]: chí tai khôn nguyên, vạn vật tư sinh, cái Khôn ấy rất vẹn tròn, vạn vật từ đó mà sinh ra.
Và bàn tiếp: “Khôn là mềm nhất, nhưng trong vận động nó rất rắn. Nó là tĩnh nhất, nhưng trong thiên nhiên, nó vững chắc. Vì thuận theo mà nó đạt được chủ của nó, nhưng vẫn giữ được bản chất của nó và do đó nó trường tồn. Nó chứa đựng vạn vật, và rạng rỡ trong sự biến đổi. Đó là cách của Khôn, ngoan ngoãn biết bao, nó mang theo trời và chuyển động với thời gian.”
Rõ ràng, trên địa cầu này, đất là mẹ, là những đức tính của nhẹ nhàng, êm ái và nhẫn đi theo trời, mọi sự mới có thể sống còn và phát triển trên quả đất. Kinh dịch dạy chúng ta hành động đúng đắn đối với đạo của trời và đức của đất, yêu cầu chúng ta đi theo trời, thuận theo đất và tôn trọng thiên nhiên.
Nhưng ĐCSTQ đã vi phạm Càn Khôn, muốn “đấu trời đấu đất”. Nó đã cướp phá tài nguyên của đất một cách tùy tiện. Cuối cùng, nó sẽ không tránh khỏi bị trời, đất và quy luật của tự nhiên tiêu diệt.
(Bài 4 còn tiếp)