Sức khỏe là vàng
kiếp nhân gian 22.01.2007 19:56:55 (permalink)
Tổn thương não ở trẻ trong hội chứng rung lắc
Hội chứng rung lắc là tình trạng não trẻ bị chấn thương do cơ thể trẻ bị di động bất thường, nhanh, mạnh và đột ngột. Theo nghiên cứu của nhiều tác giả trên thế giới, trong số trẻ bị chấn thương sọ não, có tới 33% là do hội chứng rung lắc, 1/3 trẻ bị tử vong do tổn thương não nặng, số còn lại có biểu hiện lâm sàng cấp tính hoặc bán cấp, có những trẻ không có triệu chứng, nhưng đa số bị ảnh hưởng di chứng thần kinh nặng nề trong suốt cuộc đời.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng rung lắc
Hội chứng này được biết đến từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX, do bác sĩ chẩn đoán hình ảnh Caffey cảnh báo.
Khi chăm sóc hoặc chơi đùa với trẻ, có những động tác mạnh làm thay đổi tư thế trẻ nhanh và đột ngột sẽ rất nguy hiểm như: trẻ đang nằm được bế thốc dậy, nhấc bổng trẻ lên cao rồi hạ xuống, xô đẩy, tung đỡ, rung lắc hoặc xoay trẻ liên tục. Trong số những động tác này, rung lắc hoặc xoay trẻ liên tục là nguy hiểm hơn cả, bởi có thể gây đứt sợi trục thần kinh, là một tổn thương não rất nặng.
Biểu hiện của bệnh
Đa số hội chứng rung lắc gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, từ 2-5 tuổi ít gặp hơn, càng lớn hội chứng lắc càng ít xảy ra (khoảng từ 6 tuần đến 4 tháng tuổi có tỷ lệ hội chứng lắc cao nhất).
Đầu trẻ có trọng lượng và thể tích khá lớn so với cơ thể, khối cơ của cổ lại quá yếu không đủ sức nâng đỡ đầu, nên khi bị rung lắc, quán tính và gia tốc của đầu lớn dễ gây chấn thương sọ não.
Tế bào não trẻ có đặc điểm nhiều nước, tổ chức não lỏng lẻo, sợi trục thần kinh myelin hóa chưa hoàn toàn, bởi vậy khi bị rung lắc rất dễ đứt sợi trục thần kinh hoặc phù nề nhu mô não.
Lượng dịch trong khoang dưới màng nhện nhiều, số lượng mạch máu não của trẻ em nhiều hơn ở người lớn rất nhiều, đặc biệt là các mạch máu khoang dưới nhện, cấu trúc thành mạch lại không bền bằng người lớn, bởi vậy, nhu mô não và các mạch máu rất dễ bị tổn thương khi rung lắc.
Chảy máu não là tổn thương hay gặp nhất, có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong hộp sọ, nhưng chủ yếu chảy máu khoang dưới nhện. Khoảng 1/3 trường hợp máu chảy với số lượng nhiều gây phù não và thiếu ôxy não, gây tăng áp lực nội sọ, gây chèn ép vào các trung tâm thần kinh, biểu hiện lâm sàng thường rất nặng với diễn biến cấp tính, trẻ có các triệu chứng như kích thích, nôn, co giật, li bì hoặc hôn mê, yếu hoặc liệt chi, rối loạn nhịp thở, thóp phồng, đầu to, đồng tử giãn... có thể dẫn đến tử vong. Khoảng 2/3 trường hợp máu chảy với số lượng ít, hoặc chảy từ từ nên não trẻ có thời gian thích nghi, trẻ không có triệu chứng lâm sàng hoặc biểu hiện mơ hồ với một vài triệu chứng không đặc hiệu như ăn kém, chậm phát triển cân nặng, chậm phát triển tâm thần và vận động, thị lực giảm hoặc mất, động kinh...
Chẩn đoán bằng cách nào?
Trước đây chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng, chọc dịch não tủy, ghi điện não đồ, nên việc chẩn đoán chảy máu não rất khó khăn, nhiều trường hợp không phát hiện được. Ngày nay, nhờ có các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm qua thóp, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ sẽ phát hiện thấy những tổn thương như nang dịch, teo não, vôi hóa nhu mô não.
Còn tổn thương sợi trục thần kinh trong hội chứng lắc thường rất nặng, khó chẩn đoán, đa số tử vong, nếu sống sót cũng để lại di chứng thần kinh nặng nề trong suốt cuộc đời. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm qua thóp, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ không thể phát hiện được tổn thương sợi trục thần kinh, ngoài những dấu hiệu gợi ý phù não cấp. Ở những nước phát triển, chẩn đoán bằng sử dụng chất hóa mô miễn dịch để nhận diện beta aminoid là tiền thân của protein được giải phóng khi sợi trục thần kinh bị tổn thương.
Tổn thương đụng dập nhu mô não ít gặp, xảy ra khi đầu trẻ bị va đập trực tiếp vào vật cứng, chẩn đoán không khó nhờ chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ.
Một số hình thái tổn thương khác có thể gặp như xuất huyết võng mạc gây giảm thị lực mắt, trật bản lề chẩm cổ và tổn thương tủy cổ gây yếu hoặc liệt tứ chi, thậm chí gây tử vong đột ngột do ngừng thở ngừng tim, vỡ xương sọ, gãy xương, chấn thương các tạng khác cũng được đề cập đến trong hội chứng rung lắc trẻ.
Điều trị ra sao?
Tùy theo hình thái và mức độ tổn thương trong giai đoạn cấp tính, có thể phải phẫu thuật hoặc điều trị hồi sức chống phù não để cứu sống trẻ. Đối với các di chứng, phòng và điều trị động kinh, phục hồi chức năng, phẫu thuật dẫn lưu nang dịch giải phóng chèn ép là những biện pháp điều trị thật sự cần thiết.
Có phòng được không?
Phát hiện tổn thương não do hội chứng lắc gây ra là rất khó, bởi bệnh cảnh chấn thương không rõ ràng, nhưng điều trị tổn thương lại càng khó hơn, nhất là những di chứng thần kinh để lại. Hội chứng lắc ở trẻ nhỏ đang là gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội, tiêu tốn khoảng hơn 100 tỷ đô-la mỗi năm trên toàn thế giới, nên việc phòng tránh những động tác bất thường, không để xảy ra những hành động bạo hành đối với trẻ em là biện pháp tốt nhất làm giảm bớt gánh nặng ấy.
BS. Trần Văn Phúc (BV Xanh Pôn - Hà Nội)

(Ngày 13/12/2006 - Báo SK&ĐS)




[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/27703/B2ABD6E1FFF14E38894E7BA29EB62C56.jpg[/image]
Attached Image(s)
#1
    kiếp nhân gian 22.01.2007 20:02:13 (permalink)
    Chữa bệnh đái tháo đường theo y học cổ truyền
            Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa - một trong những căn bệnh thuộc nhóm bệnh của thời đại (tiểu đường, tim mạch, béo phì...). Bệnh đái tháo đường đã có từ rất lâu, nhưng gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, bởi liên quan đến chế độ dinh dưỡng và lối sống... 

           Do đâu mắc bệnh?
             Về phương diện Tây y, đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mạn tính không làm lây lan cho người khác; xảy ra do cơ thể không sản xuất ra insulin, hoặc do cơ thể sản xuất không đủ insulin, cơ thể kháng insulin. Sự rối loạn chuyển hóa đường làm cho lượng đường trong máu (đường huyết) tăng cao, kéo dài, đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện đường trong nước tiểu (đường niệu). Insulin là một loại nội tiết tố được sản xuất ra từ tuyến tụy, nó có chức năng điều hòa lượng đường huyết cho cơ thể. Ở bài này, chúng tôi đề cập bệnh ĐTĐ theo quan niệm của y học cổ truyền (YHCT). Về phương diện Đông y, theo lương y Nguyễn Công Đức (khoa YHCT - Đại học Y Dược TP.HCM), với những triệu chứng ăn nhiều, khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân... là bệnh thuộc chứng "tiêu khát".
                Trong sách cổ Tố vấn chương kỳ bệnh luận có ghi: "Ăn nhiều chất béo, chất ngọt sinh mập. Chất béo sinh nội nhiệt, chất ngọt gây trung mãn, khí trào lên mà sinh chứng tiêu khát". Trong Ngoại đài bí yếu có nói: "Khát mà uống nhiều nước, tiểu nhiều... đều là bệnh tiêu khát". Còn trong Chương tiêu khát đề cập: "Chứng tiêu khát là do thận hư, nước tiểu ngọt". Ngoài ra, YHCT cũng đề cập đến nguyên nhân gây bệnh ĐTĐ là do thần chí thất điều (yếu tố stress), như do "Can khí uất kết, uất trệ sinh nhiệt hóa táo thương âm... sinh ra miệng khát, uống nước nhiều, hay đói". Tóm lại, theo phương diện YHCT, nguyên nhân gây bệnh ĐTĐ chủ yếu là do: bẩm thụ âm hư, ăn uống không điều độ hoặc do tình chí rối loạn. Bên cạnh đó, yếu tố di truyền trong gia đình cũng được lưu ý...
               Triệu chứng biểu hiện thường gặp của bệnh ĐTĐ là: uống nhiều, tiểu nhiều, luôn có cảm giác đói, người mệt mỏi, mờ mắt, sụt cân... ĐTĐ có thể gây ra các biến chứng nặng nề lên tim mạch, mạch máu, thần kinh, thận, mắt... Để chẩn đoán chính xác bệnh cần dựa vào những xét nghiệm như đường huyết lúc đói; đường huyết sau 2 giờ ăn uống...
    Chữa trị theo quan niệm YHCT và theo kinh nghiệm dân gian
               Theo lương y Nguyễn Công Đức, trong phạm vi chứng "tiêu khát" của Đông y, có những kinh nghiệm từ dân gian và bài thuốc cổ phương YHCT về chữa trị bệnh ĐTĐ rất hay. Về kinh nghiệm dân gian, có những phương cách chữa như: dùng 200gr cây lô hội (nha đam - Aloe Vera) tươi, rửa sạch, gọt vỏ, bỏ gai, ép nát, thêm vào 200ml nước chín, rồi ép lấy nước cốt uống, hoặc xay bằng máy xay sinh tố để tủ lạnh uống cả ngày; có thể dùng 500gr cây đậu bắp tươi (hoặc 100gr nếu dạng khô), thái nhỏ nấu với 2 lít nước, nấu còn lại 1 lít, để uống trong ngày; hoặc dùng trái trâm chín bóc bỏ vỏ, phơi khô, giã nát. Mỗi ngày lấy 100gr nấu nước để uống cả; hằng ngày dùng 200gr nấm bào ngư nấu nước để uống; lấy 30gr hoa đậu ván trắng và 30gr mộc nhĩ đen (mấm mèo) phơi khô giòn (hay sấy khô), tán thành bột mịn, trộn đều.
    Mỗi lần dùng 10gr bột (2 muỗng cà phê) pha với nước chín, ngày dùng 3 lần; dùng dây khổ qua, ô rô, lô hội, mỗi thứ 20gr đem nấu nước để uống trong ngày; dùng 1kg hạt me chín cho vào chảo (loại chảo gang) đổ ngập nước đun đến chín, tiếp tục đun cho cạn nước, rồi sao cho khô, vàng thơm, để nguội, tán thành bột mịn.
               Mỗi lần dùng 10gr với nước chín (ngày dùng 3 lần trước bữa ăn); lấy 7 quả táo đỏ và 7 con kén tằm nấu với 1 lít nước, nấu cho chín nhừ, rồi lấy nước để dùng trong ngày; dùng 60gr cọng rau muống và 30gr râu bắp, rửa sạch nấu nước uống; đem nửa ký rau cần tây rửa sạch, giã nát, thêm vào 200ml nước chín, vắt lấy nước cốt để uống cả ngày; dùng 200gr rau cải soong, 20gr nấm mèo và 15gr kê nội kim, đem nấu nước để uống cả ngày; dùng 100gr lá ổi non còn tươi nấu nước uống cả ngày; mỗi ngày ăn 300gr đậu đũa luộc, đồng thời giảm bớt lượng cơm....
    Về bài thuốc thuốc cổ phương chữa bệnh ĐTĐ, YHCT có bài "Lục vị gia giảm". Bài này gồm những vị thuốc như: sinh địa, hoài sơn (mỗi vị 50gr), đơn bì, bạch linh, trạch tả (mỗi vị 12gr), sơn thù (16gr), gia sinh huỳnh kỳ, cát căn, thiên hoa phấn (mỗi vị 20gr). Đem sắc uống cả ngày. Nếu âm hư cực thịnh (khát nước, uống nhiều, môi khô, họng khô, người gầy, da khô, lưỡi đỏ, khó ngủ...) thì gia thêm các vị: ngũ vị tử, thiên môn, mạch môn (mỗi vị 16gr). Sắc uống nóng.
    Phần lớn bệnh TĐT là ở týp 2 (chiếm từ 85% - 90% trong số bệnh nhân ĐTD) - mà nguyên nhân của bệnh ở thể này đa số là do chế độ dinh dưỡng và do lối sống làm cho cơ thể béo phì dẫn đến mắc bệnh ĐTĐ. Chính vì vậy, để phòng ngừa mắc bệnh ĐTĐ, các bác sĩ khuyên cần có chế độ dinh dưỡng thích hợp, siêng năng vận động.
                Về phương diện Đông y, thì khuyên, làm việc, nghỉ ngơi điều độ, không để cho cơ thể mệt nhọc quá sức, tạo cho mình một cuộc sống thoải mái về thể xác và tinh thần, tránh lo nghĩ, buồn bực, tức giận, sợ hãi; bên cạnh đó, năng tập dưỡng sinh, thư giãn, đi bộ, vận động nhẹ nhàng mỗi ngày chừng 30 phút...

    ( Báo Thanh Niên)




    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/27703/E74B13F633C94B1692058F6FD1E4150B.jpg[/image]
    Attached Image(s)
    #2
      kiếp nhân gian 27.01.2007 16:50:58 (permalink)
                                   Cách ăn uống để bảo vệ thận

      Thận có ba chức năng chính: thải độc (đặc biệt là các sản phẩm từ sự chuyển hóa đạm là urê), điều hòa huyết áp và tạo máu - tạo xương. Vì vậy khi suy thận, người ta có thể bị: ngộ độc urê, cao huyết áp, thiếu máu và loãng xương.

      Ở giai đoạn rất sớm của suy thận, có sự tổn thương nhu mô thận nhưng không hề có triệu chứng gì trừ chứng tiểu đạm vi thể (microalbumin). Khi chức năng thận còn dưới 10% thì mới có biểu hiện rõ ràng của suy thận như tiểu nhiều, thiếu máu, phù, cao huyết áp, mau mệt, chán ăn. Ở giai đoạn cuối của suy thận  (tiểu ít hoặc không tiểu), người bệnh cần được cung cấp liệu pháp thay thế như lọc thận, ghép thận để duy trì sự sống.
      Bảo vệ thận khi chưa bị bệnh
      70% bệnh nhân suy thận là do bệnh cao huyết áp và tiểu đường, vì vậy cần tránh lối sống nguy cơ đối với bệnh cao huyết áp, tiểu đường như hút thuốc, uống rượu, ít vận động, ăn mặn, ăn thức ăn nhiều chất béo.
      Nên có nếp sống điều độ, ăn 3 - 4 bữa mỗi ngày, không bao giờ để bị quá đói và không nên ăn quá no. Tăng vận động mỗi ngày bằng mọi hình thức khi có thể như đi bộ, đạp xe thay vì đi xe máy, leo cầu thang thay vì đi thang máy...
      Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hoặc một năm để tầm soát các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, biểu hiện sớm của suy thận.
      Khi dùng thuốc nên xin ý kiến bác sĩ điều trị về ảnh hưởng của thuốc đối với thận, không nên tự ý dùng thuốc. Nếu đã mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp bạn cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng và điều trị một cách nghiêm ngặt.
      Thông thường, một chế độ ăn không quá nhiều đạm (0,8 - 1 g/kg/ngày), muối ở mức cho phép (3 - 5 g muối/ngày) sẽ có lợi cho quả thận của bạn. Tập thói quen ăn khoảng 3 - 4 lần/tuần các loại thực phẩm có độ đạm thấp như miến dong, bột báng, các sản phẩm từ bột năng như bánh canh bột năng, bánh bột lọc, xúp măng cua... là đã giúp cho quả thận của bạn giảm tần suất làm việc khoảng 20 - 30%.
      Bảo vệ quả thận đã thương tổn
      Ngoài việc điều trị tích cực các biến chứng cao huyết áp, thiếu máu và tránh dùng các loại thuốc độc cho thận, một chế độ ăn phù hợp cũng có thể giúp cho tình trạng thương tổn của thận không tiến triển xấu hơn.
      Nguyên tắc ăn trong bệnh thận là phải ăn đủ năng lượng, hạn chế đạm, muối, kali, phosphor. Chán ăn là biểu hiện phổ biến ở bệnh nhân suy thận. Và đây là nguyên nhân chính làm bệnh nhân ăn không đủ năng lượng nhu cầu. Hậu quả là cơ thể phải sử dụng nguồn năng lượng dự trữ do thoái hóa đạm từ các khối cơ và hậu quả là tăng sản xuất urê, một độc tố cần được thải ra khỏi cơ thể qua thận.
      Để đảm bảo các nguyên tắc trên, người suy thận phải: Tăng đậm độ năng lượng khẩu phần từ các nguồn béo tinh bột không chứa đạm như miến dong, bột sắn dây, bột lọc...; giảm lượng đạm từ ngũ cốc, tăng lượng thực phẩm chứa đạm có giá trị sinh học cao như trứng, sữa, thịt, cá, đậu hũ; thải bớt natri, kali, phosphor trong thực phẩm khi chế biến; giảm muối.
      Thay những món ăn luộc, kho bằng những món xào chiên hoặc tẩm bột chiên. Ví dụ: 1 trái cà tím 100 g (nếu luộc chỉ cho 10 kcal, xào sẽ cho 140 kcal, tẩm bột và chiên sẽ cho 210 kcal).
      Có một bữa ăn trong ngày sử dụng miến dong hoặc các sản phẩm từ bột lọc. Ví dụ, thay một tô phở gà có 560 kcal và 26,6 g đạm bằng một tô miến gà có 635 kcal và 17,8 g đạm; như vậy bạn đã tăng được 70 kcal và giảm 8,8 g đạm hoặc vào các bữa ăn phụ bạn nên ăn bánh bột lọc, xúp măng cua, bột sắn dây pha đường.
      Nếu bạn chỉ quen ăn cơm thì có thể nấu cơm độn miến với công thức 200 g gạo, 100 g miến. Miến ngâm nước cho mềm cắt thành sợi ngắn độ 0,5 cm để ráo. Khi cơm sôi đổ miến vào ghế đều. Với 1 chén cơm độn miến (có 4,1 g đạm) thay cho 1 chén cơm thường (có 5,9 g đạm) bạn đã giảm được 1,8 g đạm. Và với 1,8 g đạm giảm này bạn có thể ăn thêm 1/2 hũ yaourt, 1 cái trứng cút là các loại thực phẩm có giá trị sinh học cao.
      Để thải bớt 40 - 90% kali, 30% phosphor, 40 - 60% natri: trong các loại rau, củ, nên cắt nhỏ, ngâm nước, luộc với nhiều nước (gấp 5 -10 lượng rau củ), đổ nước và chỉ ăn xác. Giảm muối (khoảng 5 g/ngày), ngoài lượng muối tự nhiên trong thực phẩm (trung bình 2 g/ngày), lượng muối có thể dùng để nêm và ăn thêm mỗi ngày là 3 g tức 1 muỗng gạt cà phê muối, 3 muỗng canh nước mắm(13 ml) hoặc 5 muỗng canh nước tương (20 ml). Lượng nước uống bằng lượng nước tiểu trong ngày + 500 ml. ó

      TS.BS. TẠ THỊ TUYẾT MAI Trưởng khoa Dinh dưỡng BV. Nhân dânGia Định


      [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/27703/A771D646396A4108B14B5858E3F1B945.jpg[/image]
      Attached Image(s)
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9