(hồi ký) Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn I và Quân-Khu I
ThanhThanh 23.01.2007 16:10:57 (permalink)
BỘ TƯ-LỆNH QUÂN-ÐOÀN I VÀ QUÂN-KHU I
 
 
Kể từ ngày bãi bỏ các Tòa Ðại-Biểu Chính-Phủ cấp Vùng (một tổ-chức hành-chánh dưới thời Ðệ-Nhất Cộng-Hòa của Tổng-Thống Ngô Ðình Diệm, thay thế các Phủ Thủ-Hiến cấp Phần dưới thời Quốc-Gia Việt-Nam của Quốc-Trưởng Bảo-Ðại), các “Tướng Vùng” (Tư-Lệnh Quân Ðoàn và Quân Khu) đã hiển-nhiên trở thành Thủ-Hiến kiêm Ðại-Biểu Chính-Phủ tại Quân Khu của mình rồi .
Sau khi bãi bỏ luôn chức-vụ Phụ-Tá Hành-Chánh bên cạnh Tư-Lệnh Quân-Khu, các “Tướng Vùng” càng có nhiều quyền-hành hơn đối với các cơ-quan dân-chính cấp Vùng mà nhiệm-vụ được xem là những nỗ-lực chính của Chương-Trình Bình Ðịnh và Phát Triển, qua Trung-Tâm Thường-Trực của Hội-Ðồng Bình Ðịnh và Phát Triển Quân-Khu, mà nhân-viên toàn là quân-nhân, dưới quyền giám-sát của Phó Tư-Lệnh Quân-Khu .
Riêng Cảnh-Lực thì hoạt động đi sát với Quân-Lực hơn, nên Tư-Lệnh Cảnh-Lực Vùng được xem như một Trưởng Cơ-Quan thuộc Quân-Khu, trực-tiếp nhận chỉ-thị từ Tư-Lệnh Quân-Khu .
Nói chung là Cảnh-Lực, nhưng thực-sự thì chỉ có Cảnh-Sát Ðặc-Biệt là có phần lớn trách-vụ tương-quan với Quân-Lực, qua hai ngành Quân-Báo (Phòng Nhì) và Quân-An. Ngoài ra, Ðặc-Cảnh cũng chịu trách-nhiệm thực-hiện một trong các mục-tiêu chính của Chương-Trình Bình Ðịnh và Phát Triển: an-ninh nông-thôn.
Theo Sắc-Lệnh của Chính-Phủ cải-tổ Ngành Cảnh-Sát Ðặc-Biệt, chính tôi được xếp vào hàng Giám Ðốc một Nha có nhiều Sở, tức cũng là một Trưởng Cơ-Quan cấp Quân-Khu . Trong tinh-thần đó, để bắt đầu các hoạt động đối-ngoại của Ngành, tôi phài sớm đến ra mắt các cấp lĩnh đạo và điều-hành Quân-Khu ở đây .
 
Trung-tướng Ngô Quang Trưởng
 
Tôi có trách-nhiệm trực-tiếp báo-cáo tình-hình lên Tư-Lệnh Quân-Khu, song tôi ít gặp trung-tướng Ngô Quang Trưởng của Quân-Khu I, nếu so-sánh với các trung-tướng Vĩnh Lộc, Lữ Lan, Ngô Du, Nguyễn Văn Toàn, như hồi tôi còn làm việc ở Quân-Khu II . Tướng Trưởng dùng phần lớn thì giờ của ông để đi thị-sát bên ngoài, ít ở văn-phòng.
Tuy thế, trong tâm-tưởng tôi cảm thấy gặp-gỡ và gần-gũi ông thường-xuyên. Viên trung-tướng ấy, như ở Sài-Gòn cũng như ở Vùng II tôi nghe nhiều người ca-tụng, quả là một nhân-vật lý-tưởng của xã-hội đương-thời . Ðịa-vị của người quân-nhân đã dược nâng lên hàng đầu trong bốn giới – Quân, Công, Cán, Chính – mà người quân-nhân ấy lại đã ở trên đỉnh cao của cấp-bậc lẫn chức-vụ (“Tướng Vùng” là “lãnh-chúa” rồi). Nào là được đề-bạt lên chức-vụ cao hơn ở Trung-Ương nhưng ông thoái-thác, tình-nguyện ở lại trấn giữ vùng địa đầu đầy gian-nguy này của Quê Hương; nào là ông tận-tụy dồn hết tâm-trí, công-sức và thì-giờ vào công cuộc chống Cộng ngay ở trận tiền, hiếm khi hưởng-lạc ở thị-thành; nào là ông được Tổ-Chức Liên-Phòng Ðông-Nam-Á (SEATO: South East Asia Treaty Organization) mời qua Thái-Lan hằng tháng để thuyết-trình về nỗ-lực và kinh-nghiệm chiến-trường Việt-Nam; nào là ông không có tham-vọng chính-trị nên được Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu tin yêu, an-tâm rằng ông sẽ không bao giờ ly-khai Trung-Ương như cựu trung-tướng Nguyễn Chánh Thi ngày xưa ...
Một hôm, trong lúc chờ đợi tập-trung tài-liệu đem đi họp lần đầu tiên với Quân Ðoàn I tại văn-phòng đại-tá Hoàng Mạnh Ðáng, Tham-Mưu Trưởng Quân-Ðoàn và Quân-Khu, một số sĩ-quan cao-cấp đã ngẫu-nhiên đề-cập với tôi về trung-tướng Trưởng: nào là ông đã nghiêm-phạt một viên tướng Tư-Lệnh Sư-Ðoàn vì liên đới chịu trách-nhiệm trong vụ một đơn-vị thuộc quyền lùa bò của dân-nhân; nào là ông đã trừng-trị một viên đại-tá Trưởng Cơ-Quan vì tham-nhũng đối với ngân-sách Phát-Triển Nông-Thôn; nào là ông dùng trực-thăng bay khắp Quân-Khu, đích-thân kiểm-soát tình-hình mọi mặt, mọi nơi, kể cả giám-sát tác-phong kỷ-luật của quân-nhân giọc đường cũng như tại các đồn trại xa-xôi, vào những ngày giờ bất-ngờ nhất; nào là ông chỉ mặc chiến-phục với áo giáp, mũ sắt, sẵn-sàng tác-chiến bất-cứ lúc nào ... Dư-luận cũng đồn là ông đã từng tát tai một viên Bộ-Trưởng hãnh-tiến tại phi-trường...
Vô-số việc làm điển-hình của tướng Trưởng đã được kể lại với tôi bằng lời-lẽ và thái độ đầy thán-phục, gây trong tôi một xúc động mạnh và một ấn-tượng sâu, đến nỗi sau đó, lúc tôi leo lên giữa chừng cầu thang dẫn đến văn-phòng của ông và của đại-tá Ðáng, thình-lình gặp ông bước xuống, tôi bỗng khựng người. Sừng-sững trước tôi quả là hình-ảnh vĩ đại của một “người hùng” mặc-áo-giáp, đội-mũ-sắt, thực-tế mà hoang đường như trong huyền-thoại thời xưa . Ông hỏi tôi đến làm gì, tôi nghẹn-ngào nói không nên lời, khiến đại-tá Lê Quang Nhơn, Chánh-Sở I An-Ninh Quân-Ðội, cùng đi với tôi, phải trả lời thay .
Thế là tôi đã có một lãnh-tụ chống Cộng khả-tín cho toàn Vùng Chiến-Tuyến sôi-sục này (xem thêm Chương “Trung-tướng Ngô Quang Trưởng" ở gần cuối sách này).
 
Thiếu-tướng Hoàng Văn Lạc
 
Trung-tướng Ngô Quang Trưởng đã đồng-ý để chúng tôi – là Tư-Lệnh Cảnh-Lực Vùng I, Trưởng Phòng 2 Quân-Ðoàn I & Quân-Khu I, Chánh Sở I Quân-An, và tôi là Giám-Ðốc Ngành Ðặc-Cảnh Vùng I, cùng Người Bạn Ðồng-Minh của tôi -- họp mặt hằng tuần tại văn-phòng của đại-tá Tham Mưu Trưởng.
Ðó là nỗ-lực phối-hợp tình-báo và phản-gián. Còn về an-ninh lĩnh-thổ thì chúng tôi gặp nhau tại văn-phòng của thiếu-tướng Hoàng Văn Lạc, Tư-Lệnh Phó Quân-Khu . Tham dự tại đây có thêm Phụ-Tá Trung-Tâm Thường-Trực của Ủy-Ban “Phụng Hoàng” Quân-Khu, nhưng không có Người Bạn Ðồng-Minh.
Ngay trong phiên họp mà lần đầu tiên có tôi, tướng Lạc nhấn mạnh đến tình-hình an-ninh chung, nhất là ngay giữa và xung quanh thị-xã Ðà Nẵng, nơi Quân-Ðoàn I và Quân-Khu I đặt tổng-hành dinh, nơi bây giờ là thủ-phủ của Miền Trung. Các vấn đề điển-hình được nêu ra: Kho Xăng lớn nhất của Quân-Khu I ở Liên Chiểu, sát bên chân Ðèo Hải-Vân, đã bị Việt-Cộng tấn-công mấy lần; các bồn xăng dự-trữ quan-trọng khác ở giữa nội-thành Đà Nẵng cũng bị đặc-công Việt-Cộng cắt rào thép gai dở chừng; xe lửa từ Huế vào khỏi hầm Ðèo Hải-Vân là bị Việt-Cộng giựt mìn đều đều; đặc-biệt là ở phía nam Núi Ngũ-Hành-Sơn, trực-thăng của trung-tướng Ngô Quang Trưởng thường bị Việt-Cộng bắn sẻ, nên ông phải tránh vùng đó bằng cách bay vòng ra xa ...
Tôi không cần thắc-mắc tại sao các cơ-quan và đơn-vị Quân-Lực và Cảnh-Lực sở-tại đã không thanh-toán được các ung-nhọt kinh-niên này . Tôi liền tự-nguyện đảm-trách việc phục-hồi và bảo đảm an-ninh lâu dài cho các nơi kể trên.
Tôi còn đề-nghị để cho Cảnh-Lực nói chung, Ngành Ðặc-Cảnh nói riêng, do tôi đích-thân nhập cuộc, đảm-nhận vai trò chủ-trì trong các hoạt động cả chìm lẫn nổi, tiễu-trừ cộng-sản và duy-trì an-ninh lãnh-thổ, bất-cứ tại vùng đất nào có thường dân cư-trú và sinh-hoạt, bắt đầu từ các thị-xã, quận-ly., trên khắp Quân-Khu .
Tôi chỉ xin một chữ ký của Tư-Lệnh Quân-Ðoàn và Quân-Khu, thông-báo việc này cho hết thảy các cơ-quan và đơn-vị quân-sự trên toàn Vùng đều biết để tuân-hành.
Trung-tường Ngô Quang Trưởng, Tư-Lệnh Quân-Ðoàn I và Quân-Khu I, đã chấp-thuận đề-nghị ấy của tôi.
 
Phòng Nhì và An-Ninh Quân Ðội
 
Nói chung thì quân-nhân không ưa gì cảnh-nhân; nói riêng thì, trong lĩnh-vực tình-báo, có sự bất đồng ý-kiến, nếu không muốn nói là tranh giành ảnh-hưởng giữa Quân-Báo, Quân-An, và Cảnh-Sát Quốc-Gia . Tuy thời-gian sau này quân-nhân các cấp được biệt-phái qua Cảnh-Lực rất đông, và sĩ-quan quân-lai nắm giữ đa số chức-vụ chỉ-huy trong ngành Áp-Pháp, nên sự giao-tiếp giữa hai bên ở cấp cao và ở bề mặt đã được cải-thiện khá nhiều; nhưng trong các đụng chạm hằng ngày, kể cả trong việc phối-hợp công-tác, phần lép vế vẫn thường dành cho phía cảnh-nhân.
Ai cũng biết, trong địa-hạt tình-báo quân-sự, các chuyên-viên quân-nhân đương-nhiên thành-thạo hơn; huống chi trong thời chiến, Quân-Báo được trang-bị các phương-tiện máy móc, dụng-cụ và kỹ-thuật tối-tân qua nguồn quân-viện là ngân-sách chính-yểu của Hoa Kỳ; được sự yểm-trợ của không-ảnh; được ưu-tiên khai-thác các tài-liệu bắt được tại chiến-trường; được ưu-tiên thẩm-vấn mọi nguồn tin, kể cả hồi-chánh-viên, can-phạm và tù-binh do Ðặc-Cảnh bắt được. Ðiểm yếu của Ðặc-Cảnh là cũng thu lượm tin-tức quân-sự, nhưng thiếu hoàn-cảnh xác-nhận, lại thừa cảnh-giác bị-trách, nên tin-tức nào nhận được cũng đều chuyển tiếp đến Phòng Nhì, rốt cuộc có nhiều báo-cáo của các cấp cao mà chỉ có giá-trị thấp, thậm-chí không có giá-trị gì. Các cấp lĩnh đạo Ðặc-Cảnh ở Trung Ương hầu như không chú ý đến điều này.
Ðối với tôi, vấn đề phân-minh hơn.
Ðặc-Cảnh mà cũng am-tường về quân-sự thì lại càng tốt chứ sao . Thí dụ, để đạt được điều đó, suốt nhiều năm qua, tôi đã nhịn ăn điểm-tâm mỗi ngày để kip đến dự các buổi thuyết-trình sáng sớm tại Bộ Tư-Lệnh Quân Ðoàn II, hồi còn đóng ở Pleiku, và Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu II, hồi đã dời về Nha Trang, để theo sát diễn-biến tình-hình và nắm vững các vấn đề quân-sự khắp Vùng, hòa mình với các cấp chỉ-huy các giới quân-nhân, nên khi lâm-sự là bản-thân được nể-vì và do đó công-vụ được phối-hợp chân-tình.
Tuy nhiên, mỗi cơ-quan có một chức-năng riêng, mỗi phần-vụ có một trách-nhiệm riêng. An-ninh và tình-báo đâu phải chỉ đóng khung trong phạm-vi quân-sự, dù cho đất nước đang trong tình trạng chiến-tranh. Cộng-sản không phải chỉ là các đơn-vị quân-sự hay các lực-lượng vũ-trang, phục-kích, tấn-công. Nếu không có các lực-lượng chính-quy làm gió bão, thì chính các tổ-chức chính-trị và dân-sự của địch cũng vẫn là những ổ ẩn và nôi nuôi cho các loại mối mọt và dịch-khí, đủ sức đục rỗng, xói mòn, làm sụp đổ nền móng của quốc-gia. Ðó là Ðảng Nhân Dân Cách-Mạng (Ðảng Lao Ðộng trá-hình); Mặt Trận Dân Tộc Giải-Phóng; Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam; các hội đoàn nhân dân như Công Ðoàn, Nông Hội, Phụ Nữ, Thanh Niên, Sinh Viên, Học Sinh; với các Ðảng Ủy, Ủy Ban Mặt Trận, cơ quan nhà nước, chi nhánh hội đoàn, từ trung ương xuống đến xã thôn; các bộ-phận điệp-báo, đặc-công, tuyên-truyền, địch-vận, trí-vận, tôn-giáo-vận, kinh tài, tiếp tế, giao liên... Tất cả đều là đối-tượng của Ðặc-Cảnh; mà chúng lại là những kẻ thù siêu-biên-giới, vạn-trạng thiên-hình.
Ðồng-ý với nhận-thức đó của tôi, đại-tá Phạm Văn Phô, Trưởng Phòng 2 Quân Ðoàn I và Quân-Khu I, đã thỏa-thuận thông-báo và chuyển-giao cho tôi tất cả những tin-tức và tài-liệu nào có liên-quan đến chính-trị và dân-sự Việt Cộng mà phía Quân Báo có được. Phần tôi thì chỉ cung cấp cho Phòng Nhì những tin-tức và tài-liệu nào mà tôi đã đích-thân lọc lựa, kiểm xác, có giá-trị cao .
Từ trước đến nay, tất cả các cơ-quan tình-báo cũng như đơn-vị hành-quân khắp nước đều căn-cứ vào tài-liệu “Trận Liệt Việt-Cộng” do Phòng Nhì soạn-thảo, như một bộ từ điển tổng-hợp về tổ-chức và nhân-sự của địch, để truy tầm, phát hiện, và xác định lý lịch cùng chức vụ của từng phần-tử cộng-sàn có được trước mặt hoặc trong tay . Tuy nhiên, nhận thấy về phía chính-trị và dân-sự thì Ngành Ðặc-Cảnh của tôi có đầy đủ dữ-kiện hơn, nên tôi đề-nghị, và Bộ Tư-Lệnh Quân Ðoàn I và Quân-Khu I đã chấp-thuận, từ nay trở đi “Trận-Liệt Việt Cộng” đươc chia ra làm hai phần: Phòng Nhì chỉ lập Trận Liệt Quân Sự, còn Trận Liệt Chinh-Trị thì tôi đảm nhận cho Ngành Ðặc-Cảnh thực-hiện, cùng được lưu-hành và sử dụng khắp Quân-Khu, cũng như phổ-biến lên Trung Ương (Bộ Tổng Tham Mưu, Phủ Ðặc-Ủy Trung Ương Tình-Báo, Bộ Chiêu Hồi, Bộ Tư-Lệnh CSQG, v.v...) và vào Quân Khu II, để mọi cơ-quan đơn-vị đều tham-khảo trong đó tất cả những gì có liên-quan đến Việt-Cộng ở Miền Trung.
Dưới thời thiếu-tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ-Tịch Ủy-Ban Hành-Pháp Trung Ương, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, Giám Ðốc An-Ninh Quân Ðội, được cử kiêm-nhiệm Tổng-Giám Ðốc Cảnh-Sát Quốc-Gia, đã ra lệnh cho Cảnh-Sát phải cung-cấp mọi tin-tức tài-liệu cho Quân-An. Từ đó về sau, việc ấy đã thành thông-lệ..
Nhưng tôi không chịu giới-hạn sự phối-hợp giữa hai Ngành trong chừng-mực quá giản đơn như trên. Thí dụ: lâu nay Quân-An chỉ cần căn-cứ vào bảng kết-quả sưu-tra văn-khố của Cảnh-Sát để thông-qua quá-trình hoạt động chính-trị của các ứng-viên Việt-Nam xin vào làm việc tại các công-sở, quân-cứ, và tư-hãng của Hoa-Kỳ. Tôi để ý thấy tại các bộ-phận Văn Khố Cảnh-Sát lúc nào cũng có khá nhiều hồ-sơ cá-nhân hoạt động cộng-sản ứ đọng, chưa được lập phiếu và xếp loại đưa vào hệ-thống lưu-trữ để dùng trong khâu sưu-tra . Ngoài ra, có những quân-nhân biệt-phái qua các cơ-quan hành-chính; những quân-nhân đắc-cử vào các chức-vụ dân-cử; và cả những quân-nhân mà không phải lúc nào cũng ở trong trại binh: họ hưởng quy-chế quân-nhân, ngoài vòng quyền-hạn của Cảnh-Sát, nhưng đồng-thời họ đã vượt ra khỏi tầm tay kiểm-soát của Quân-An.
Tôi đặt vấn đề với đại-tá Lê Quang Nhơn, Chánh Sở I Quân-An, và ông đã tán đồng ý-kiến của tôi, trình ý-kiến thuận lên Trên, để hai Ngành phối-hợp với nhau một cách chặt-chẽ và rộng-rãi hơn, cả trên bình diện giám-thị, theo dõi, lẫn trong công-tác điều-tra, xử-lý, kể cả bắt giữ và thẩm-vấn, nhất là về mặt phản-gián, đối với các phần-tử nội-tuyến, cơ-sở nằm vùng của đối-phương trong hàng-ngũ quân-nhân...
 
Trung-Tâm Thường-Trực Bình-Ðịnh và Phát-Triển Quân-Khu I
 
          Nếu một Chính-Quyền phải làm một lần cả hai công việc, giữ nước và dựng nước, thì Hội-Ðồng Bình-Ðịnh và Phát-Triển là tổ-chức dựng nước vậy.
          Tuy trong Chương-Trình có một mục-tiêu “vô-hiệu-hóa hạ-tầng cơ-sở của Việt-Cộng, vãn-hồi an-ninh cho Xã Ấp nông-thôn”, nhưng nhiệm-vụ ấy đã được giao khoán, trên danh nghĩa, cho Ủy-Ban Phụng-Hoàng, và trên thực tế, cho Quân-Lực và Cảnh-Sát Quốc-Gia, mà các phương-tiện hoạt-động thì đã có nguồn cung-cấp từ gốc ở Trung-Ương.  Còn lại các mục-tiêu khác, như giúp-đỡ nông-dân tăng-gia sản-xuất lúa gạo, chống nạn mù chữ và nâng cao trình-độ học-vấn của dân quê, khám chữa bệnh-tật và bảo-vệ sức khỏe cho đồng-bào, xây đắp cầu đường để đáp-ứng nhu-cầu vận-tải giao-thông, mở rộng mạng lưới thông-tin để phổ-cập đến hạ-tầng tin-tức thời-sự và chính-sách luật-lệ của Chính-Quyền, v.v... thì có kèm theo ngân-sách để mua phân bón, cất thêm trường học, bệnh-xá, cầu, đường, trạm thông-tin, v.v... nên hấp-dẫn các nhà thầu và lôi cuốn các cấp chức liên-hệ với việc gọi thầu, đấu thầu hơn.
          Lần đầu tiên tôi đến với Trung-Tâm Thường-Trực Bình-Ðịnh và Phát-Triển Quân-Khu I thì gặp lúc Bộ Thương-Mại và Kỹ-Nghệ đang cùng Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu I cứu xét vấn-đề một số thương-gia Hoa Kiều xin khai-thác quế ở vùng Quận Quế-Sơn là vùng bán-an-ninh.  Quế là một nguồn lợi lớn, Việt-Cộng cũng giành.  Trước đó, thiếu-tướng Nguyễn Văn Toàn đã tranh-thủ thế nào mà báo-chí mệnh-danh ông là “Quế tướng-công”.  Tôi đứng về mặt an-ninh, tình-báo, chính-trị, kinh-tế và dân-sự, góp thêm ý-kiến với Trung Tâm, vì ngại các nhà quân-sự đang phải đương-đầu với các bộ óc tài-phiệt của giới phú-thương.  Tôi đề-nghị để đại-tá Nguyễn Xuân Lộc, Tư-Lệnh Cảnh-Lực Vùng I, cùng tham-gia phái-đoàn Quân-Khu đến tận nơi nghiên-cứu tận-tường.  Bỗng-nhiên có lệnh cấm Lộc vào Tỉnh Quảng-Tín.  Tôi thuyết-phục Lộc, và ông đã nghe theo tôi: cứ đi, vì đó là quyền của mình; mình đi về việc của mình.
          Lần đó, tôi khám-phá thấy Trung-Tâm Bình-Ðịnh và Phát-Triển Quân-Khu I đã dùng cả hai cảnh-nhân, một đai-úy và một thượng-sĩ, được Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Lực Vùng I biệt-phái đến để “phối-hợp công-tác”, vào việc nấu nước pha trà, phục-vụ cho các sĩ-quan và hạ-sĩ-quan quân-nhân tùng-sự tại Trung-Tâm này!
 
LÊ XUÂN NHUẬN         
trong hồi-ký “Về Vùng Chỉến-Tuyến”
http://LeXuanNhuan.tripod.com/VeVung.html
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9