Chuyện Tình Thân và Tình Sơ
silverbullet 28.01.2007 07:26:03 (permalink)
Chuyện Tình Thân và Tình Sơ

Lúc sinh thời Ba tôi thường nói:

- Trong nhà anh em dù có ghét bỏ nhau đến đâu, nhưng khi ra đường mà lỡ bị người ngoài hà-hiếp… thì anh em không thể nào làm ngơ hoặc là bỏ nhau trong lúc hoạn-nạn.

Ba tôi còn giải thích thêm rằng:

- Cái đó là do xuất phát từ “tình thân” trong gia đình (nói gì thì nói) nó vẫn gắn-bó hơn là cái “tình sơ” ở ngoài đường mà chúng ta vẫn thường ngày giao tiếp…

Có lẽ đối với ba tôi thì chuyện “tình thân” và “tình sơ” là… thông dụng lắm, vì theo ông nó xảy ra rất thường ngày bên cạnh đời sống chúng ta. Ngay như chuyện so sánh giữa 2 thứ “tình” này với nhau, cũng đã là đề tài để cho ba tôi giải thích thêm nhiều điều (có liên quan) khác nữa. Ông cho rằng cái “tình thân” bao giờ cũng gần gũi với chúng ta hơn, mặc dù thường ngày chúng ta vẫn xem thường, và không hề quan tâm đến nó. Bởi vậy, khi nào “đụng chuyện” gì, thì chúng ta mới cảm thấy nó quan trọng hơn… là chúng ta vẫn tưởng.


oOo


Thật ra, như đã nói ở trên vì nó luôn “gắn bó” với đời sống chúng ta, và ảnh hưởng khá nhiều đến những chuyện vui buồn, chuyện “hành xử” hằng ngày nên đôi khi chúng ta không hề để ý đến.

Nếu nói rộng ra, thì không phải chỉ đơn thuần “tình thân” là tình anh em trong gia đình với nhau, và “tình sơ” là… tình đối với người ngoài. Mà trong thực tế hai thứ tình này còn áp dụng đến cả bạn bè, chòm xóm, đồng hương, và có thể là… đến cả cái “tình” dành cho quê hương dân tộc nữa. Thí dụ như, khi nghe tin những ngư phủ Việt Nam bị tàu biển Trung Quốc giết hại trước đây, cũng đã làm cho chúng ta đau lòng và…“nóng ruột”. Ðó chẳng qua là vì cái “tình thân” giữa người Việt Nam với nhau, cái tình giữa những người có cùng chung nòi giống, so với cái “tình sơ” là kẻ ngoại-lai không cùng chủng-tộc. Rồi ngay như chuyện bạn bè với nhau cũng vậy, chúng ta cũng cảm thấy “mủi lòng” khi nghe tin bè bạn gần xa gặp nạn. Tuy nhiên, đành là bạn bè, là đồng hương với nhau, nhưng chưa chắc chúng ta lúc nào cũng đối xử “công bằng” với họ. Bởi vì, đôi khi chúng ta “thân” với người bạn này (hoặc người đồng hương này), nhưng mà lại… “sơ” với người bạn kia (hoặc là người đồng hương nào đó).

Một thí dụ khác cũng có liên quan, đó là tâm trạng của những đồng hương Việt Nam chúng ta hiện tại. Chắc chắn là (đa số) chúng ta đều dành cái “tình thân” cho quốc gia đang cưu mang chúng ta, nhất là từ những ngày đầu chúng ta còn vất-vả. Và hẳn nhiên là chúng ta sẽ “không vui” khi nghe một người Việt Nam nào đó (sống ở một quốc gia khác chẳng hạn) “đụng chạm” hay nói những điều “không hay” đến quốc gia mà chúng ta đang cư ngụ. Cho dù người Việt Nam ấy là ai, “tài cao đức trọng” đến cỡ nào và cho dù trước đây chúng ta có cảm thấy “thân” với người ấy đến đâu (vì cùng là người Việt với nhau mà). Nhưng bây giờ vì những điều tuyên bố “không tốt” ấy đã làm “sứt mẻ”, đã làm chúng ta “buồn lòng”, để rồi có lẽ từ cái “tình thân” ngày nào bây giờ bổng nhiên trở thành “tình sơ” mà chúng ta cảm nhận được. Ở thí dụ này, hình như ngay lúc đó trong lòng chúng ta sẽ phân biệt được “ai” là “thân” và ai là “sơ” rất là rõ nét (ít ra là cũng từ cái khía cạnh như đã nói ở trên!?).

Thêm một dẫn chứng nữa, là mới đây tin chủ tịch Fidel Castro đang đau yếu, đã làm cho những người dân Cuba (lưu vong) tỏ ra vui mừng vì họ hy vọng đây là cơ hội tốt để Cuba có tự do dân chủ, hầu hợp-quần cùng cộng đồng thế giới. Trong số những người hy vọng vào một nước Cuba dân chủ đó… dĩ nhiên là có cả bà Juanita Castro (73 tuổi). Bà Juanita chính là em gái của Fidel Castro. Mặc dù bà đã không nói chuyện với anh trai của bà từ suốt 40 năm qua, cũng như không đồng chính kiến với ông Fidel Castro, nhưng không có nghĩa là bà không cảm thấy đau buồn khi hay tin ông lâm trọng bệnh. Ðiều này cũng đã chứng tỏ được cái “tình thân” của bà (dành cho người anh trai) so với cái “tình sơ” mà những người Cuba lưu vong dành cho nhà lãnh đạo đất nước này trong 47 năm qua, người đã làm cho quê hương của họ trở nên nghèo nàn và lạc hậu…

Nói tóm lại, bình thường trong giao tiếp với nhau thì “nó” là… tình thân đó, nhưng khi “gặp chuyện” gì xảy ra, thì cái “tình thân” kia phút chốc có thể trở thành “tình sơ” để cho người ta sử xự... Hình như Thân và Sơ được thay đổi “vị trí” cho nhau tùy vào từng “sự kiện” … Hay ngược lại, có thể trong hoàn cảnh này thì người nào đó là bạn (“sơ”) của chúng ta, nhưng ở trong một tình-huống khác thì chính người đó lại trở thành bạn “thân” (có cùng quan điểm với chúng ta chẳng hạn) mà trước đây chúng ta chưa hề nghĩ tới.


oOo


Vâng, có lẽ cũng trong chiều hướng đó mà ngày xưa ba tôi đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cậu bé thành Pa-Ðu (Padoue) trong quyển “Tâm Hồn Cao Thượng” của cụ Hà Mai Anh. Trong câu chuyện này, tác giả đã nói đến cái tình yêu quê hương của một cậu bé người Ý. Cậu đã không ngần ngại ném trả những đồng tiền vào ba người khách đã lăng mạ đất nước cậu ta. Mặc dù trước đó không bao lâu, chính họ (3 người khách) là những vị ân nhân của cậu bé. Ðối với ba tôi, thì ngoài cái tình yêu quê hương của cậu bé, câu chuyện còn thể hiện được sự khác biệt giữa “tình thân” và “tình sơ” trong đó nữa. Thật vậy, vì đây là tâm lý rất thông thường của chúng ta… là luôn “hành sử” theo cảm nhận, để “ưu tiên” cho cái “tình” nào mà chúng ta xem là quan trọng nhất. Thì ở trong câu chuyện này cũng vậy, lúc đầu khi ba người khách trên tàu làm quen và nói chuyện, rồi cho tiền cậu bé… thì giữa họ đã phát sinh ra một thứ “tình thân” nào đó. Có thể nói, lúc đó tâm trạng của cậu bé là cảm thấy “sung sướng” vì được những vị khách đi cùng tàu quan tâm, chuyện trò và giúp đỡ cậu. Nói một cách khác, thì “vô hình trung” ba người khách kia chính là ân nhân của cậu, dù ít dù nhiều giữa họ cũng cảm thấy thân gần, cũng đã là “tình thân” với nhau ngay từ lúc đó. Nhưng chẳng bao lâu khi những người khách bắt đầu ăn uống, rồi quây quần nói chuyện với nhau và “đụng chạm” đến nước Ý của cậu ta, rồi họ “lăng mạ” quê hương của cậu, họ “chê” dân tộc cậu là ngu dốt… thì cái “tình thân” kia trong phút giây đã không còn hiện hữu nữa. Tại vì sao? Tại vì bây giờ cái “tình thân” của cậu được dành cho tình yêu quê hương, yêu dân tộc, chứ không phải là dành cho những người ân nhân lúc nãy, họ đã trở thành “sơ” với cậu rồi. Những người ân nhân kia (từ “thân” chuyển qua “sơ”) bây giờ không còn quan trọng đối với cậu ta nữa. Dĩ nhiên là cái tình sơ này không “mạnh” bằng cái tình thân (thiêng liêng hơn) vừa “tự nhiên” nảy sinh ra trong lòng cậu. Do đó cậu mới có thái độ “khinh bỉ” (để hành xử) đối với những người khách kia và thét lên rằng:

- Hãy cầm lại tiền của các ngươi đi. Ta không thèm nhận của bố thí của những kẻ lăng mạ đất nước ta…

Quả thật, đây là một câu chuyện hay, đáng khâm phục, đáng cho chúng ta suy ngẫm và dạy cho con em chúng ta học hỏi về tình yêu quê hương đất nước. Cái tình yêu này nó thiêng liêng, nó luôn ở trong lòng chúng ta, nó là một thứ “tình thân” mà ít nhiều gì trong lòng mỗi chúng ta đều có.


oOo


Cũng nhân câu chuyện về nước Ý, thì mới đây trong trận Túc cầu Thế giới (World Cup 2006), Ý là nước dành được Cup vô địch. Trong những ngày này giới hâm mộ túc cầu ở khắp nơi đã có dịp thưởng thức nhiều trận tranh tài, cũng như nhiều pha “làm bàn” rất là ngoạn mục. Ðiều muốn nói đến ở đây là cái “tình thân” và “tình sơ” của cộng đồng Việt Nam đang định cư tại Úc dành cho hai đội túc cầu Úc và Ý. Có lẽ cũng vì cái “tình thân” dành cho cho đội Socceroos của Úc, nên hầu hết những người Việt Nam này cũng “buồn” lây khi thấy đội Úc bị thua, mặc dù cả hai nước: Ý và Úc đều không có “dây mơ rễ má” gì đến quê hương Việt Nam của họ hết. Ðơn thuần, vì đối với họ… Úc là “thân” và Ý là “sơ” cũng là điều dễ hiểu!?

Một chuyện bên lề khác cũng có liên quan, đó là chuyện “quan tâm” rất… nhiệt tình của gia đình anh chị tôi dành cho đội banh xứ Úc. Thật ra họ cũng đâu có “dính líu” gì đến Úc đâu, vì họ đang sinh sống tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Vậy mà trong những ngày có đội Úc ra quân, họ cũng theo dõi rất “suýt sao” và khi trận đấu vừa kết thúc là “y như rằng” không những phone của tôi mà ngay cả trong “chat room” của tôi cũng nhận được ngay những lời “chia vui” và… “chia buồn” (theo kết quả “thắng thua”) dành cho đội banh “nhà” Socceroos của Úc. Cái này chắc cũng vì cái “tình thân” họ dành (không những) cho tôi, mà còn cho cả cái xứ Úc “của tôi” mà không là… “xứ khác” như Ý, Brazil, Croatia hay là Nhật Bản!? (là những đội trong bảng F cùng với Úc).

Rồi ngay như những người Úc gốc Ý cũng vậy, họ cũng cảm thấy rất là phân vân khi một bên là Úc (quê hương hiện tại) và một bên là Ý (quê hương cội nguồn) của họ. Vì thế chuyện phân biệt ai là thân, ai là sơ cũng làm họ đắn đo không ít. Tuy nhiên khi được hỏi là họ mong ai sẽ chiến thắng (trong trận tranh tài thể thao vừa qua) thì đa số những người đồng nghiệp Úc (gốc Ý) của chúng tôi đều trả lời là họ mong rằng Úc sẽ chiến thắng (for sure!), vì họ ủng hộ Úc… hết mình, vì Úc là quê hương đang cưu mang họ. Tuy nhiên nếu Ý thắng thì họ sẽ được hãnh diện với bạn bè. Vì đó là quê hương cội nguồn, dù ít hay nhiều thì dòng máu Ý vẫn còn luân lưu trong người họ...

Mới đây trong bài nói chuyện của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ (đến từ Tân Tây Lan) nhân buổi lễ giới thiệu “Phong Trào Sài Gòn” (ngày 20/8/2006 tại Sydney) có lẽ đồng hương Việt Nam cảm thấy rất vui lòng vì một “tình thân” giữa những người có đồng quan điểm với nhau, và trên hết là vì việc làm mang nhiều ý nghĩa của ông. Bên cạnh đó bà con VN ở Úc còn cảm thấy “nức lòng” khi nghe lời ông tuyên bố:

“Qua Úc lần này tôi cũng muốn nói với bà con sự bực tức của tôi trong World Cup vừa qua khi đội tuyển Úc bị trọng tài Luis Medina bắt phải chết “bất đắc kỳ tử” ở phút cuối cùng trong trận đấu với đội Ý. Sau cú xút quả phạt đền vô lý và ngu xuẩn đó là tiếng còi kết thúc trận đấu. Lúc đó tôi điên tiết chồm lên định đấm vào mặt lão trọng tài người Mexico cho nó vỡ… màn ảnh truyền hình ra! Xin bà con bỏ qua cơn tức giận của tôi vì tôi coi đội Úc là đội nhà và máu túc cầu chiếm 2/3 lượng máu trong cơ thể tôi! Nhưng xin lỗi, tôi đã lạc đề, xin quay lại với PTSG”…

Vâng, có lẽ khi nói lên điều này Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã gián tiếp biểu lộ cái “tình thân” của ông dành cho… không những đồng hương Việt Nam tại Úc Châu, mà còn cho cả đội banh Úc… “là đội nhà” của ông nữa! Theo tôi, thì ngoài cái “tình thân” này ông dành cho nước Úc, có lẽ trong tận đáy lòng của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ còn có một thứ “tình thân” khác nữa. Ðó là cái tình dành cho một nước Ý xa xôi, nơi có Tòa thánh Vatican, cũng là nơi Linh mục đang hiến dâng cuộc đời của ông dành cho Thiên Chúa!?


oOo


Ðể kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được kể lại một câu chuyện từ một người bạn du lịch về Việt Nam (trước đây) và có đi tham quan ra ngoài miền Bắc. Câu chuyện xảy ra trên một tour du lịch từ biên giới Việt-Trung trở về. Theo nhận xét của những người du lịch trên xe, là cũng nhờ có tham quan và mua sắm tại khu vực cửa khẩu nên họ mới biết được đôi điều. Chẳng hạn như những người buôn bán tại đây sẽ bị đánh thuế khác nhau tùy theo họ là ai, là dân Việt Nam hay là Trung Quốc. Nói một cách khác đi, thì có lẽ nhà nước Trung Quốc áp dụng chính sách thuế-khóa “ít hơn” cho “những ai” là dân của họ (?). Như vậy, thì người dân Việt Nam buôn bán “tại đây” sẽ bị đánh thuế “nhiều hơn”(?), trừ khi họ “claim” (khai là) mình đây cũng là… Trung Quốc!? Nghe đến đây thì có một bạn trẻ (trên xe) tuyên bố rằng:

- Dù sao làm dân Trung Quốc cũng… “ngon” hơn làm dân Việt Nam mà, vì đất nước Trung Quốc lớn hơn, đông dân hơn, và… nổi tiếng hơn mà trên thế giới này ai ai cũng đều biết tiếng!?

-!!?? (im re)

Trên xe lúc đó không thấy ai lên tiếng hưởng ứng hay phản hồi gì hết. Hình như khi nghe câu nói này đã làm cho mọi người bắt đầu nghĩ ngợi. Không biết họ sẽ nghĩ ngợi điều chi trước khi có câu trả lời cho người thanh niên ấy. Tuy nhiên có hai điều đáng lưu ý ở câu chuyện này (theo lời người bạn của chúng tôi), thứ nhất là nếu “dân” ở đây đều là Trung Quốc thì “đất” ở đây “for sure” cũng thuộc về Trung Quốc phải không?! Ðiều thứ hai là khi tuyên bố như vậy thì trong lòng người bạn trẻ kia đã nghĩ gì. Anh nói thật lòng mình hay chỉ là đùa giỡn, hay chỉ vì cuộc sống “thực dụng” hiện tại (làm hướng dẫn viên du lịch), nên đã “phát sinh” trong lòng bạn ấy những điều… “vọng ngoại” như thế kia?! Mặc dù đây chỉ là một ý kiến nhỏ xuất phát từ sự nhận thức cá nhân (hy vọng đây không phải là suy nghĩ chung của tuổi trẻ Việt Nam ngày nay), nhưng có thể điều này cũng đã gieo vào lòng mọi người ít nhiều điều nghĩ ngợi?!

Thôi thì, mong rằng thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, cũng chính là “rường cột” của đất nước ở ngày mai… nhận thức được đâu là “thân” đâu là “sơ” giữa chúng ta và… “bè bạn”. Ðể từ đó suy nghĩ của các bạn sẽ chín chắn hơn, cũng như biết đặt tình yêu tổ quốc đúng chỗ hơn, để hành xử cẩn trọng hơn… giống như những tiền nhân (trẻ) của chúng ta ngày trước. Vì tựu trung tất cả cũng đều xuất phát từ cái “tình thân” mà có, mà đặc biệt là thứ tình thân dành cho quê-hương đất-nước thì chắc là nó phải thiêng liêng hơn, phải tiềm ẩn từ lâu, nhất là khi “đụng chuyện” gì… thì nó sẽ phân biệt được rõ ràng hơn: Ai là "thân" ai là "sơ" ở trong lòng mỗi người chúng ta… rất là rõ nét…. (hope it’s right, agree or not?!)

Thiên Minh

2006


http://www.viet.no/content/view/942/87/
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.01.2007 07:49:53 bởi silverbullet >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9