TRUYỆN KIỀU BẢN 1866
Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 8 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 110 bài trong đề mục
sóng trăng 13.02.2007 05:14:27 (permalink)
 





505    Đã cho vào bậc bố kinh,

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

Ra tuồng trên Bộc, trong dâu,

Thì con người ấy ai cầu làm chi!

Phải điều ăn xổi ở thì.

510    Rằng trăm năm, nỡ bỏ đi một ngày!

Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,

Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi Trương.

Mây mưa đánh đổ đá vàng,

Quá chiều nên đã chán chường yến anh.

515    Trong khi tựa cánh trên cành,

Mà lòng ngâm nghe đã trình một phen!

Mái tây để lạnh hương nguyền,

Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

Gieo thoi trước chẳng giữ giàng,

520    Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?

Vội chi liễu ép hoa nài,

Còn thân ắt cũng đền bồi có khi."

Thấy lời đoan chính dễ nghe,

Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.

525    Bóng tàu vừa lạt vẻ sân,

Tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào.

Nàng thì vội trở buồng đào,

Sinh thì dạo bước sân đào vội ra.







Chú Thích:





Câu 505:
Bố kinh:  ("bố": vải, "kinh": gai) do chữ "bố quần kinh thoa" là quần vải thoa gai, chỉ người vợ hiền vì xưa kia nàng Mạnh Quang, vợ của Lương Hồng (người đời Đông Hán), chỉ dùng những thứ đồ giản dị ấy.

Câu 506:
Đạo tòng phu:  đạo của người đàn bà khi lấy chồng trước hết là phải giữ lấy chữ trinh làm đầu và phải phục tòng chồng trong cuộc sống chung.

Câu 507:
Trên Bộc trong dâu:  trong bãi dâu, trên bờ sông Bộc ở nước Vệ, trai gái thường hẹn hò nhau để làm chuyện tà dâm.

Câu 509:
Ăn xổi ở thì:  ý nói tạm bợ, không tính tới chuyện lâu dài về sau. ("xổi": tạm bợ để cho có mà dùng ngay: dưa muối xổi, buôn xổi).

Câu 512:
Thôi Trương:  ("Thôi": Thôi Oanh Oanh, "Trương": Trương Quân Thuỵ). Trương sinh, người đời Đường gặp nàng Thôi ở chùa Phổ Cứu. Hai bên đi lại với nhau thân thiết. Sau chàng Trương phụ tình Oanh Oanh đi lấy người khác.

Câu 513:
Mây mưa:  nói việc trai gái ân ái với nhau.
  Xem chú thích câu 439.

Câu 513:
Đá vàng:  lời hẹn ước thuỷ chung với nhau được ghi tạc vào vàng đá. Cả câu ý nói vì sự ân ái trước nên không giữ được mối tình cho chung thuỷ.

Câu 514:
Chán chường yến anh:  chán bỏ tình yêu đương. Cả câu ý nói nàng Thôi vì sớm chiều chàng Trương, tự do ân ái, nên sau chàng Trương mới chán mà bỏ nàng Thôi.

Câu 515:
Chắp cánh liền cành:  ý nói thề nguyền chung thuỷ cùng nhau như chim liền cánh, như cây liền cành. Chữ lấy trong bài "Trương hận ca" của Bạch Cự Dị : "Tị dực điểu, liên lý chi".

Câu 517:
Mái tây:  dịch ở chữ "Tây sương" là mái tây chùa Phổ Cứu nơi Thôi Oanh Oanh gặp Trương Quân Thuỵ ở đó.

Câu 519:
Gieo thoi:  ném cái thoi dệt vải. Theo Tấn thư, Tạ Côn đời Tấn thường hay trêu ghẹo cô hàng xóm; có lần đã bị cô lấy con thoi ném vào mặt làm gẫy mất hai răng. Sau người ta dùng chữ "gieo thoi" để chỉ thái độ người con gái biết giữ mình để bảo toàn tiết hạnh.

Câu 525:
Bóng tàu:  bóng mái nhà.

Câu 525:
Vẻ ngân:  vẻ bạc của ánh trăng. Cả câu ý nói bóng của mái nhà in trên sân đã không còn đậm nữa vì ánh trăng đã bị mờ đi khi trời dần sáng.

Câu 526:
Cửa ngăn:  cổng ngõ, của ngoài đường cái, ngăn cách sân với ngoài đường, thuộc nhà Kim Trọng.

Câu 528:
Sân đào:  sân có trồng cây đào ở bên cửa sổ. Xem chú thích câu 446: chữ "song đào".
 
 
#16
    sóng trăng 13.02.2007 05:17:56 (permalink)
     





    Cửa sài vừa ngỏ then hoa,

    530    Gia đồng vào gửi thư nhà mới sang.

    Đem tin thúc phụ từ đường,

    Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề

    Liêu Dương cách trở sơn khê,

    Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang.

    535    Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng,

    Băng mình lẻn trước đài trang tự tình.

    Gót đầu mọi nỗi đinh ninh,

    Nỗi nhà tang tóc, nỗi mình xa xôi:

    Sự đâu chưa kịp đôi hồi,

    540    Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ,

    Trăng thề còn đó trơ trơ,

    Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.

    Ngoài nghìn dặm, chốc ba đông,

    Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy!

    545    Gìn vàng giữ ngọc cho hay,

    Cho đành lòng kẻ chân mây vẻ trời."

    Tai nghe ruột nổi bời bời,

    Nhẩn nha nàng mới giãi lời trước sau.

    Ông tơ ghét bỏ chi nhau,

    550    Chưa vui sum họp đã sầu pha phôi.

    Cùng nhau trót đã nặng lời,

    Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ.








    Chú Thích:





    Câu 529:
    Cửa sài:  dịch ở chữ "sài môn" là cửa làm bằng những cành cây ghép lại hoặc bằng những thanh tre, thanh trúc.
      "Cửa sài": chỉ là một từ ước lệ đối với chữ "then hoa".

    Câu 529:
    Then hoa:  then cửa, chữ "hoa" được dùng cho đẹp lời.

    Câu 530:
    Gia đồng:  trẻ nhỏ đi ở trong một gia đình quyền quí thời trước.

    Câu 531:
    Thúc phụ:  chú ruột.

    Câu 532:
    Lữ thấn:  chết ma chưa chôn, quan tài còn quàn ở đất khách.

    Câu 532:
    Tha hương:  làng khác, chỉ nơi đất khách quê người.

    Câu 532:
    Đề huề:  ("đề": cầm, huề: dắt) dắt díu nhau; đây có nghĩa là cùng đi đón linh cữu về.

    Câu 533:
    Liêu dương:  tên huyện thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Chú ruột Kim Trọng mất ở đó.

    Câu 533:
    Sơn Khê:  núi khe, núi sông.

    Câu 534:
    Xuân đường:  nhà xuân, chỉ người cha. Cây xuân là thứ cây sống rất lâu nên ai cũng mong cho cha được thọ như vậy.

    Câu 534:
    Hộ tang:  giúp việc tang, lo việc chôn cất.

    Câu 535:
    Mảng tin:  nghe tin, mới nghe tin, thoạt nghe tin.

    Câu 536:
    Đài trang:  chỗ ở của người con gái.

    Câu 539:
    Đôi hồi:  giãi bày.

    Câu 540:
    Trao tơ:  lấy tích trong sách Thiên Bảo: đời Đường, quan tể tướng Trương Gia Trinh có năm con gái muốn kén rể. Ông cho năm cô đứng sau bức màn và cho mỗi người cầm một sợi tơ thòng ra phía trước rồi bảo Quách Nguyên Chấn rút được sợi tơ của cô nào thì gả cho cô ấy. Nguyên Chấn rút được sợi tơ đỏ của người con gái thứ ba.
      Một lời trao tơ là một lời đính hôn với nhau.

    Câu 543:
    Nghìn dặm... ba đông:  câu này ý nói xa cách nhau ở ngoài ngàn dặm mà phải đợi đến ba năm mới gặp nhau lại được.

    Câu 545:
    Cho hay:  cho khéo, ý nói hãy cẩn thận giữ lấy tấm thân quí như vàng và trọng như ngọc.

    Câu 549:
    Ông tơ:  ông lão cầm sợi tơ hồng để xe duyên cho trai gái lấy nhau. Xem chú thích câu 333.

    Câu 552:

    Lòng tơ:  lòng tơ kết ước với nhau.
     
     
     

    #17
      sóng trăng 13.02.2007 05:22:19 (permalink)
       
       





      Quản bao tháng đợi năm chờ.

      Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm.

      555    Đã nguyền hai chữ đồng tâm

      Trăm năm thề chẳng ôm cầm đợi ai.

      Còn non, còn nước, còn dài,

      Còn về còn nhớ đến người hôm nay!

      Dùng dằng chưa nỡ rời tay,

      560    Vầng đông trông đã đứng ngay nóc nhà.

      Ngại ngùng một bước một xa,

      Một lời trân trọng châu sa mấy hàng.

      Buộc yên quảy gánh vội vàng,

      Mối sầu sẻ nửa, bước đàng chia hai.

      565    Vui nội phong cảnh quê người,

      Đầu cành quyên nhặt, cuô'i trời nhạn thưa.

      Não người cữ gió tuần mưa,

      Một ngày nặng gánh tương tư một người.

      Nàng thì đứng tựa hiên tây,

      570    Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ.

      Trông chừng khói ngất song thưa,

      Hoa trôi chắc (trác) thắm, liễu xơ xác vàng.

      Tần ngần dạo gót lầu trang,

      Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về.

      575    Hàn huyên chưa kịp dã dề,

      Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao.







      Chú Thích:





      Câu 554:
      Người ăn gió nằm mưa:  là nói người khách đi đường xa, phải xông pha mưa gió. Đây chỉ Kim Trọng.

      Câu 555:
      Đồng tâm:  cùng một lòng với nhau.

      Câu 556:
      Ôm cầm thuyền ai:  ôm đàn sang thuyền người khác mà gảy. Cả câu ý nói dẫu thế nào cũng chẳng bao giờ lấy người khác.

      Câu 560:
      Vầng đông:  vầng mặt trời mọc ở phía đông.

      Câu 562:
      Châu sa:  nước mắt rơi xuống. Xem chú thích câu 82.

      Câu 563:
      Buộc yên, quảy gánh:  ý nói tên gia đồng buộc lại yên ngựa cho cẩn thận rồi gánh đồ hành trang đi theo sau Kim Trọng.

      Câu 566:
      Đầu cành quyên nhặt:  ("nhặt": mau, liền, trái với thưa) đầu cành chim quyên đã hót nhiều.

      Câu 566:
      Quyên:  chim quyên tức đỗ quyên. Theo Từ Hải, Từ Nguyên và Hình âm nghĩa tổng hợp đại tự điển thì "đỗ quyên" là loại chim leo cây (phan cầm loại). Tiếng chim quyên nghe buồn khiến lữ khách dễ động lòng nhớ nhà.
        Tương truyền vua nước Thục là Đỗ Vũ thông dâm với vợ Biết Linh và truyền ngôi cho Biết Linh, rồi bỏ nước mà đi. Sau khi thác, Thục đế hoá thành chim đỗ quyên, ngày đêm nhớ nước, kêu mãi không thôi. Chim đỗ quyên còn gọi là tử qui hay đỗ vũ). Nếu tính từ khi Kim Trọng gặp Thuý Kiều vào dịp tảo mộ:
        "Thanh minh trong tiết tháng ba"
        và thời gian hai tháng Kim Trọng thuê nhà ở bên vườn Thuý:
        "Nhẫn từ quán khách lân la,
        Tuần trăng thấm thoát nay đà them hai".
        thì Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú đã vào ở cuối hè sang thu rồi.
        Nhưng nếu chiếu lại

      Câu 566:
      Cuối trời nhạn thưa:  ("nhạn": con ngỗng trời, con mòng), ở cuối chân trời những đàn chim nhạn (ngỗng trời) bay đi đã ít dần. Cả câu tả cảnh cuối mùa hạ, sang đầu mùa thu, nhưng nếu đối chiếu với câu 370 thì lại không đúng hẳn.

      Câu 567:
      Cữ gió tuần mưa:  (năm ngày là một cữ, mười ngày là một tuần) ý nói thương chàng Kim đi đường phải dãi dầu mưa gió lâu ngày mệt nhọc.

      Câu 570:
      Chín hồi:  ý nói trong lòng bối rối như chín khúc tơ vò.

      Câu 572:
      Trôi trác:  từ cổ có nghĩa như trôi giạt. Chữ "trôi trác" là từ kép được dùng để đối với "xơ xác" cũng là một từ kép. Nếu dùng chữ "trôi giạt" thì đối lại không được chỉnh.

      Câu 573:
      Lầu trang:  chỗ đàn bà con gái ở.

      Câu 574:
      Ngoại hương:  quê ngoại.

      Câu 575:
      Hàn huyên:  lạnh ấm. Khi gặp nhau, người ta thường hỏi thăm nhau có mạnh khoẻ không. Nói chung ra là những câu chuyện tâm phúc giữa hai người khi gặp nhau.

      Câu 575:
      Dã dề:  chào hỏi niềm nở, hỏi thăm vồn vã.

      Câu 576:
      Sai nha:  các thông lại và lính lệ ở các phủ huyện sai khiến đi để làm một việc gì.
       
      #18
        sóng trăng 13.02.2007 05:25:45 (permalink)
         





        Người nách thước, kẻ tay đao,

        Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như lôi.

        Già giang một lão một trai,

        580    Một dây vô lại buộc hai thâm tình.

        Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh.

        Rụng rời giọt liễu, tan tành cội mai.

        Đổ tế nhuyễn, của riêng tay,

        Sạch sành sanh quét cho đầy túi tham

        585    Điều đâu bay buộc ai làm,

        Này ai đan rập, giật giàm bỗng dưng.

        Hỏi ra sau mới biết rằng:

        Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ.

        Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ.

        590    Tiếng oan dậy bảo, án ngờ dựng mây.

        Hạ từ van vái trót ngày,

        Điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn.

        Rường cao rút ngược dây oan,

        Dẫu người đá cũng nát gan lọ người.

        595    Mặt trông đau đớn rụng rời,

        Oan này còn một kêu trời, nhưng xa.

        Một ngày lạ thói sai nha,

        Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

        Sao cho cốt nhục vẹn tuyền.

        600    Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao?







        Chú Thích:





        Câu 577:
        Nách thước:  cặp thước ở bên nách.

        Câu 577:
        Tay đao:  cầm đao trong tay.

        Câu 578:
        Đầu trâu mặt ngựa:  chỉ bọn sai nha có bộ dạng hung dữ độc ác như bọn quỉ sứ ở dưới âm phủ có đầu trâu mặt ngựa.

        Câu 579:
        Già giang:  ("già": cái gông) cái gông đóng lấy cổ phạm nhân.

        Câu 580:
        Vô lại:  hoang tàn liều lĩnh, không còn đạo đức gì, không còn có nhân nghĩa gì. Bản LVĐ chép là "vô loại" thì có thể giảng là không ra cái giống gì, không biết phải trái, không có lương tâm gì.

        Câu 580:
        Thâm tình:  tình sâu xa giữa cha con Vương ông và Vương Quan.

        Câu 581:
        Ruồi xanh:  con nhặng. Kinh Thi: "Thương dăng chi thanh": tiếng những con ruồi xanh, ý nói đến những tiếng khả ố của bọn sai nha vang ầm nhà như đàn nhặng vậy.

        Câu 582:
        Khung dệt... gói may:  câu này bản LVĐ 66 chép là Rụng rời giọt liễu, tan tành cội mai ý nói bọn sai nha đột nhập vào nhà, phá phách tam tành cả đồ đạc, chẳng còn nương tay gì.
          Tản Đà có nhận xét: "Có bản viết là "Rụng rời giậu liễu, tan tành cội mai". Song những lời giải đều không thông, và "mai" vời "liễu" là những tiếng đặt lấy đẹp lời, không hợp dùng ở trong câu đây."

        Câu 583:
        Tế nhuyễn:  ("tế": nhỏ, "nhuyễn": mềm) đồ nhỏ nhặt ở trong nhà và đồ quần áo của đàn bà con gái.

        Câu 585:
        Bay buộc:  tai bay vạ buộc.

        Câu 586:
        Đan dậm:  đồ đan bằng tre, có miệng rộng hình bầu dục và có cán cầm dùng để đánh bắt tôm cá. Bản LVĐ chép là "đan dập".

        Câu 586:
        Giật giàm:  giật cái bẫy để bắt các con thú hoặc bắt các con chim.

        Câu 588:
        Xưng xuất:  khai ra.

        Câu 590:
        Loà mây:  ý nói án kia còn chưa rõ ràng, vẫn còn ngờ vực như bị mây che phủ. Bản LVĐ chép là "dựng mây".

        Câu 591:
        Hạ từ:  nói lời hạ mình để van xin, kêu oan.

        Câu 591:
        Van vỉ:  kêu xin năn nỉ. Bản LVĐ chép là "van vái".

        Câu 592:
        Phũ tay tồi tàn:  phũ phàng đánh đập tàn nhẫn.

        Câu 593:
        Rường:  cái xà nhà.

        Câu 593:
        Dây oan:  dây trói người một cách oan ức.
          Câu này ý nói bọn sai nha trói và treo ngược hai chan con Vương ông và Vương Quan lên xà nhà.

        Câu 597:
        Lạ thói:  không lạ gì cái thói.

        Câu 599:
        Cốt nhục:  xương thịt, ý nói tình cha con, anh em cùng một dòng máu.

        Câu 600:
        Ngộ biến tòng quyền:  ("quyền": phép đỗi xử trong lúc có biến) gặp lúc biến thì phải tuỳ theo hoàn cảnh mà đối phó cho thích hợp.
         
        http://sager-pc.cs.nyu.edu/vnpf/nfkieu.php?page=25&IDcat=153
        #19
          sóng trăng 13.02.2007 05:27:54 (permalink)
           
           





          Duyên hội ngộ, đức cù lao.

          Chữ tình Chữ hiếu, bên nào nặng hơn?

          Để lời thệ hải minh sơn,

          Làm con, trước phải đền ơn sinh thành.

          605    Quyết tình nàng mới hạ tình:

          "Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!"

          Họ Chung có kẻ lại già,

          Cũng trong nha dịch lại là từ tâm.

          Thấy nàng hiếu trọng tình thâm,

          610    Vì nàng nghĩ cũng thương thầm xót vay.

          Tính bài lót đó luồn đây,

          Có ba trăm lạng việc này mới xuôi.

          Hãy về tạm phó giam ngoài,

          Nhủ nàng qui liệu trong đôi ba ngày

          615    Thương lòng con trẻ thơ ngây,

          Gặp cơn vạ gió tai bay bất kỳ!

          Đau lòng tử biệt sinh ly,

          Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!

          Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,

          620    Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.

          Sự lòng ngỏ với băng nhân,

          Tin sương đồn đại xa gần xôn xao.

          Gần miền có một mụ nào,

          Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh.








          Chú Thích:





          Câu 601:
          Hội ngộ:  nói đến cuộc gặp gỡ Kim Trọng mà đưa đến cuộc tình duyên giữa hai người.

          Câu 601:
          Cù lao:  ("cù": siêng, "lao": nhọc) công cha mẹ nuôi con vất vả nhọc nhằn, chữ lấy trong Kinh Thi, thơ Lục Nga: "Lục lục giả nga, phỉ nga y hào. Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao" = Rau nga đã lên dài, chẳng phải là rau nga xưa kia đến, mà chỉ là thứ cỏ hèn. Xót thương thay cho cha mẹ, đã cực nhọc sinh ra ta.

          Câu 603:
          Để lời:  gác lời thề lại để lo cứu cha trước đã.

          Câu 603:
          Thệ hải minh sơn:  ("minh": thề) chỉ non thề biển, ý nói hai người chỉ núi, chỉ biển mà thề, lấy núi biển là những thứ bền vững lâu dài chứng minh cho.

          Câu 604:
          Sinh thành:  ơn cha mẹ sinh ra và nuôi cho khôn lớn.

          Câu 605:
          Quyết tình:  quyết định sau khi đã suy nghĩ ở trong lòng.

          Câu 605:
          Hạ tình:  bày tỏ ý tình của mình, bày tỏ sự quyết tâm của mình.

          Câu 606:
          Dẽ:  chỉ thái độ của Thuý Kiều chống lại sự can ngăn của mọi người, chống lại ý kiến của mọi người.

          Câu 608:
          Nha dịch:  người nha lại làm việc ở các phủ, huyện xưa.

          Câu 608:
          Từ tâm:  có lòng tốt, có lòng hiền từ.

          Câu 609:
          Hiếu trọng tình thâm:  ý nói Thuý Kiều là người có tấm lòng rất hiếu thảo, coi trọng tình cha con.

          Câu 610:
          Nghĩ:  xét thấy, suy nghĩ. Bản KOM chép là "nghỉ" thì không thích hợp với Chung ông, một người nha lại có từ tâm, đáng kính trọng. Với một người như vậy mà gọi bằng "hắn", "y", "nó" thì thiếu hẳn sự tôn kính.

          Câu 610:
          Xót vay:  thương xót hộ cho Thuý Kiều.

          Câu 611:
          Lót đó luồn đây:  ý nói tính ngả này lo ngả nọ để cứu cho Vương ông và Vương Quan.

          Câu 613:
          Tạm phó:  tạm giao cho.

          Câu 613:
          Giam ngoài:  giam ở nhà công sai, khỏi phải bị cùm giam trong ngục.

          Câu 614:
          Qui liệu:  sắp đặt thu xếp, lo liệu.

          Câu 615:
          Ngây thơ:  thường nói ngây thơ có nghĩa là trẻ dại, chưa biết gì.

          Câu 616:
          Vạ gió tai bay:  tai vạ đến thình lình như gió ở đâu bay tới.

          Câu 617:
          Tử biệt sinh ly:  chết rồi phải vĩnh biệt nhau, sống mà phải xa cách nhau đó là hai cái cảnh đau lòng nhất ở đời.

          Câu 619:
          Hạt mưa:  chỉ thân phận người con gái như hạt mưa sa, rơi vào hoàn cảnh nào thì phải chịu hoàn cảnh ấy như câu ca dao đã diễn tả: "Thân em như hạt mưa sa, hạt vào đài các, hạt ra ruỗng lầy".

          Câu 620:
          Tấc cỏ... ba xuân:  "Tấc cỏ" chỉ tấm lòng bé nhỏ của người con; ba xuân chỉ ba tháng của mùa xuân, ví với công ơn của cha mẹ. Mấy chữ này lấy ở trong câu thơ của Mạnh Giao (Đường): "Thuỳ ngôn thốn thảo tâm, báo đắc tam xuân huy" = ai dám nói rằng tấm lòng của người con bé nhỏ như tấc cỏ lại có thể báo đáp được công ơn của người mẹ chan hoà như ánh sáng của mùa xuân.

          Câu 621:
          Băng nhân:  chỉ người làm mối. Theo Tấn thư, truyện Sách Đảm có kể rằng Lệnh Hồ Sách mộng thấy mình đứng trên băng mà nói chuyện với người ở dưới băng. Giải mộng ấy Sách Đảm cho đó là việc âm dương, tức việc hôn nhân, ý nói sẽ làm mối cho người ta lấy nhau.

          Câu 622:
          Tin sương:  khi trời sắp có sương xuống thì có chim nhạn báo tin trước, nên thiên hạ đều biết. Đây nói là tin nàng Kiều bán mình đồn khắp mọi nơi.

          Câu 624:
          Viễn khách:  khách phương xa.

          Câu 624:

          Vấn danh:  lễ đến hỏi tên tuổi người con gái.
           
           
           
           

          http://sager-pc.cs.nyu.edu/vnpf/nfkieu.php?page=26&IDcat=153
          #20
            sóng trăng 13.02.2007 05:30:02 (permalink)
             





            625    Hỏi tên, rằng: "Mã Giám sinh,

            Hỏi quê, rằng: "Huyện Lâm thanh mà gần."

            Quá niên trạc ngoại tư tuần,

            Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.

            Trước thầy sau tớ lao xao,

            630    Như băng đưa mối, rước vào lầu trang.

            Ghế trên ngồi tót sẵn sàng,

            Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.

            Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,

            Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng!

            635    Ngại ngùng dạn gió e sương,

            Ngừng hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày.

            Mối càng vén tóc bắt tay,

            Nét buồn như cúc, mình gầy như mai.

            Đắn đo cân sắc cân tài,

            640    Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.

            Mặn nồng một vẻ một ưa,

            Bằng lòng khách mới tuỳ cơ dặt dìu.

            Rằng: "Mua ngọc đến Lam Kiều,

            Sính nghi vâng dạy bao nhiêu đấy chiềng?

            645    Mối rằng: "Đáng giá nghìn vàng,

            Gấp nhà nhờ lượng người thương dám nài."

            Cò kè bớt một thêm hai,

            Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.







            Chú Thích:





            Câu 625:
            Mã Giám sinh:  người Giám sinh họ Mã.
              "Giám sinh" là tên gọi của người học trò ở Quốc tử giám.

            Câu 626:
            Lâm Thanh:  tên huyện thuộc tỉnh Sơn Đông.

            Câu 627:
            Ngoại tứ tuần:  ngoài bốn mươi.

            Câu 630:
            Nhà băng:  xem chú thích chữ "băng nhân", câu 621.

            Câu 630:
            Lầu trang:  lầu đàn bà con gái ở, đây chỉ phòng Thuý Kiều ở.

            Câu 631:
            Sỗ sàng:  không biết ý tứ gì, không biết giữ lễ phép, dám đường đột ngồi lên ghế cao. Bản LVĐ 66 và 71 chép là "sẵn sàng".

            Câu 635:
            Giợn gió e sương:  ý nói khi Thuý Kiều ở trong buồng đi ra ngó bộ như ngại ngùng chẳng khác nào cành hoa e ấp sợ gió sợ sương.

            Câu 637:
            Bắt tay:  nắm lấy tay đưa cho xem.

            Câu 638:
            Nét buồn như cúc:  nét buồn như cúc mùa thu.

            Câu 638:
            Điệu (mình) gầy như mai:  dáng gầy như mai mùa đông.

            Câu 639:
            Đắn đo:  cân nhắc so sánh xem hơn kém thế nào.

            Câu 640:
            Cầm nguyệt:  cái đàn nguyệt. Giáo sư Trần Văn Khê cho rằng: "Cái cầm trăng của Kim Trọng và cái hồ cầm của Thuý Kiều có lẽ chỉ là một nhạc khí": Chúng tôi, không nghĩ như vậy vì cô Kiều "như Nguyễn Du đã giới thiệu" chỉ sành về Hồ cầm thôi. Sở dĩ trong Truyện Kiều có chỗ Nguyễn Du đã dùng chữ "cầm trăng" (c.467) hoặc "cầm nguyệt" (c. 640) cũng chỉ vì sự bó buộc về vần hoặc về thanh mà thôi.

            Câu 640:
            Thử bài quạt thơ:  thử tài quạt thơ của Thuý Kiều khi yêu cầu nàng đề vịnh cái quạt.

            Câu 643:
            Lam Kiều:  cầu Lam. Xem chú thích câu 266. Cả câu này ý nói muốn mua người đẹp phải đến tận nhà của mỹ nhân cũng như muốn mua ngọc phải đến tận Lam Kiều.

            Câu 644:
            Sính nghi:  nói chung các đồ dẫn cưới.

            Câu 646:
            Gấp nhà:  nhà gặp sự rủi ro cấp bách quá, lúc ngặt quá cần phải cần phải đối phó cho kịp như chuyện Vương ông bị bắt, bị đánh đập tàn nhẫn cần phải cứu ngay ra.

            Câu 648:

            Vâng:  chữ này có bản để là "chịu", có bản để là "ra" thì cũng tương tự nhưng nếu để là "vàng" thì sai vì Mã Giám sinh chỉ mua Kiều với giá 450 lạng bạc có ghi trong tờ hôn thư hẳn hoi và Thuý Kiều cũng chỉ cần bán mình để lấy 450 lạng bạc lo lót cho bọn quan lại mà thôi.
             
             

             
            #21
              sóng trăng 13.02.2007 05:35:07 (permalink)
               





              Một lời thuyền đã êm giầm,

              650    AI đưa canh thiếp trước cầm làm ghi.

              Định thì nạp thái vu qui.

              Tiền lưng đã có việc gì chẳng xong!

              Một lời cậy với Chung công,

              Khất từ tạm lĩnh Vương ông về nhà.

              655    Thương tình con trẻ cha già,

              Nhìn nàng ông đã máu sa ruột dàu.

              Nuôi con những ước về sau,

              Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi.

              Trời làm chi cực bấy trời!

              660    Này ai vu thác cho người hợp tan.

              "phủ cân bao quản thân tàn,

              Nỡ đày đoạ trẻ, càng oan thác già.

              Một lời sau trước cũng là,

              Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau!"

              665    Theo lời như chảy dòng châu,

              Liều mình ông đã gieo đầu tường vôi.

              Vội vàng kẻ giữ người coi,

              Nhỏ to nàng lại tìm lời khuyên can:

              "Vẻ chi một tấm hồng nhan,

              670    Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành.

              Dâng thư đã thẹn nàng Oanh,

              Lại thua ả Lý bán mình hay sao?







              Chú Thích:





              Câu 649:
              Thuyền đã êm giầm:  ("giầm": cái mái chèo) ý nói thuyền đã êm tay chèo, không còn chòng chành nữa ví với việc mua bán đã xong xuôi.

              Câu 650:
              Canh thiếp:  tấm thiếp biên tên tuổi của hai bên con trai con gái để so tuổi xem có hợp không?

              Câu 651:
              Nạp thái:  dẫn đồ cưới đến nhà gái.

              Câu 651:
              Vu qui:  về nhà chồng. Chữ lấy trong Kinh Thi, thiên Thước sào: "Duy thước hữu sào, duy cưu cư chi. Chi tử vu qui, bách lưỡng nhạ chi" = Con chim thước có ổ, con chim cưu đến ở. Nàng ấy đi lấy chồng, hàng trăm cỗ xe đón rước dâu. Đây dùng chữ "vu qui" để chỉ lễ rước dâu.

              Câu 654:
              Khất từ:  ("khất": xin, "từ": tờ) đơn xin một việc gì; đây là tờ đơn xin tạm lĩnh Vương ông về.

              Câu 658:
              Trao tơ:  chỉ việc kết hôn. Xem chú thích câu 540.

              Câu 658:
              Gieo cầu:  lấy điển tích trong sách "Tam hợp bảo kiếm": đời Hán, vua Vũ đế khi kén phò mã đã cho công chúa ngồi trên lầu gieo quả cầu xuống, ai cướp được thì làm phò mã. Do điển này, chữ "gieo cầu" được dùng để chỉ việc kén chồng.

              Câu 660:
              Vu thác ("vu":  nói dối đổ lỗi cho ai, "thác": đặt điều ra) nói người ta không có tội mà bày đặt sự việc ra để vu hại cho người ta.

              Câu 661:
              Thân tàn:  thân người đã đến tuổi già sắp chết. Cả câu ý nói hình phạt đâu có nghĩa lý gì với cái thân già (chỉ Vương ông) sắp chết.

              Câu 662:
              Trẻ:  chỉ Thuý Kiều.

              Câu 662:
              Già:  chỉ Vương ông.

              Câu 665:
              Dòng châu:  dòng nước mắt. Xem chú thích câu 82.

              Câu 666:
              Rắp:  toan, định. Chữ "rắp" này hợp lý hơn là chữ đã vì khi Vương ông định gieo đầu vào tường vôi, thì mọi người đều đã "vội vàng kẻ giữ người coi".

              Câu 669:
              Hồng nhan:  má hồng, chỉ người đàn bà đẹp.
                "Mảnh hồng nhan": ngụ ý nói tấm thân của Thuý Kiều cũng không đáng giá gì so với công ơn của cha mẹ.

              Câu 670:
              Tóc tơ:  hai vật rất nhỏ dùng để nói đến một chút gì, một cái gì nhỏ nhặt nhất như một chút công ơn của cha mẹ chưa báo đáp được.

              Câu 671:
              Nàng Oanh:  nàng Đề Oanh đời Hán. Hán thư chép: Thuần Vu Ý làm quan phạm tội. Con gái là Đề Oanh đã dâng thư lên Hán Văn đế xin chuộc tội cho cha. Vua cảm lòng hiếu thảo ấy đã tha cho cha nàng.

              Câu 672:

              Ả Lý:  Nàng Lý Ký đời Đường. Đường tùng thư chép: nàng Lý Ký nhà nghèo đã phải bán mình cho làng cúng thần rắn để lấy tiền nuôi cha mẹ. Cuối cùng nàng đã giết được thần rắn mà khỏi chết. Vua Việt vương nghe tin đón nàng vào cung lập làm hoàng hậu.
               
               

              #22
                sóng trăng 13.02.2007 05:37:20 (permalink)
                 





                Xuân huyên tuổi hạc càng cao,

                Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.

                675    Lòng tơ dù chẳng dứt tình,

                Gió mây âu hẳn tan tành nước non.

                Thà rằng liều một thân con,

                Hoa dù rã cánh là còn xanh cây.

                Phận sao đành vậy cũng vầy,

                680    Cầm như chẳng đậu những ngày còn xanh.

                Cũng đừng tính quẩn toan quanh,

                Tan nhà là một, thiệt mình là hai."

                Phải lời ông cũng êm tai,

                Nhìn nhau giọt ngắn giọt dài ngổn ngang.

                685    Mái ngoài họ Mã vừa sang,

                Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao.

                Trăng già độc địa làm sao?

                Cầm dây chẳng nghĩ, buộc vào tự nhiên.

                Trong tay đã sẵn đồng tiền,

                690    Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì.

                Họ Chung ra sức giúp vì,

                Lễ tâm đã đặt, tụng kỳ cũng xong.

                Việc nhà đã tạm thong dong,

                Tinh kỳ giục giã đã mong độ về.

                695    Một mình nàng ngọn đèn khuya,

                Áo dầm giọt lệ, mây xe mái sầu.







                Chú Thích:





                Câu 673:
                Cội xuân:  gốc xuân già ví với người cha.
                  Xem chú thích câu 534.

                Câu 675:
                Lòng tơ:  lòng thương của Vương ông có nhiều mối vướng vít không muốn dứt tình.

                Câu 676:
                Gió mưa:  ý nói đến những tai hoạ gây ra do những cơn mưa gió; đây chỉ tai hoạ xảy đến cho gia đình Vương ông.

                Câu 676:
                Tan tành nước non:  tức tan tành ca gia đình, cơ nghiệp bị sụp đổ hết, nhà cửa tan nát chẳng còn gì.

                Câu 678:
                Hoạ.. lá:  "hoa" ví nàng Kiều, "lá" ví với cha mẹ và hai em, "cây" ví với nhà cửa. Cả câu ý nói nếu một mình Kiều chịu bán mình thì cả nhà còn được sum họp.

                Câu 680:
                Chẳng đậu:  không nuôi được từ lúc mới sinh ra. Chữ "đậu" cũng viết là "đỗ".

                Câu 682:
                Thiệt mình:  ý nói đến việc Vương ông muốn đập đầu vào tường vôi tự tử.

                Câu 686:
                Tờ hoa:  tức tờ hôn thư do Thuý Kiều viết ngày 15 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 11 cam kết chịu bán mình làm thiếp cho Mã Giám sinh lấy 450 lạng bạc, hẹn sau ba ngày khi việc quan kết liễu sẽ theo họ Mã ra đi. Chữ "hoa" được dùng cho đẹp lời cũng như chữ "vàng" được dùng cho hợp vần.

                Câu 687:
                Trăng già... cầm dây:  do điển ông già ngồi dưới bóng trăng cầm dây tơ hồng để xe duyên vợ chồng cho con trai và con gái. Xem chú thích câu 333.

                Câu 692:
                Lễ tâm:  lễ vật do lòng thành dâng lên.

                Câu 692:
                Tụng kỳ:  kỳ xử án. Cả câu ý nói có Chung ông lo giúp, đem lễ cho quan, nên việc xử án cũng xong xuôi.

                Câu 694:
                Tinh kỳ:  hôn kỳ dã, hôn giả kiến tinh nhi hành. (KOM chú) là lúc cử hành lễ cưới, đám cưới thấy sao mọc thì ra đi). Cả hai câu 693-694 ý nói việc nhà đã tạm yên rồi, bây giờ phải lo sắp đặt việc đưa Kiều về cho họ Mã.

                Câu 696:
                Mái sầu:  bản BK-TTK lần in thứ nhất chép là mái sầu nhưng bản in lần thứ ba (1934) đã sửa lại là "mối sầu". Nếu chép là "tóc xe mối sầu" thì có thể hiểu là khi kết tóc lại thì xe cả mối sầu theo từng đoạn tóc. Bản Liễu Văn đường 66 chép là "mây se mái sầu". Đúng là "tóc se mái sầu" và có thể giảng là vì sầu không buồn chải tóc nên mái tóc khô đi.
                 
                #23
                  sóng trăng 13.02.2007 05:41:56 (permalink)
                   





                  Phận dầu, dầu vậy cũng dầu,

                  Chút lòng đeo đẳng bấy lâu một lời.

                  Công trình kể biết mấy mươi.

                  700    Vì ta khăng khít cho người dở dang.

                  Thề hoa chưa ráo chén vàng,

                  Lỗi thề thôi đã phũ phàng với hoa!

                  Trời Liêu non nước bao xa,

                  Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi!

                  705    Biết bao duyên nợ thề bồi,

                  Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì?

                  Tái sinh chưa dứt hương thề,

                  Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai

                  Nợ tình chưa trả cho ai,

                  710    Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan!"

                  Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn,

                  Dầu chong trắng đĩa, giọt tràn thấm khăn.

                  Thuý Vân chợt tỉnh giấc xuân,

                  Dưới đèn ghé (?) đến ân cần hỏi han.

                  715    Cơ trời dâu bể đa đoan,

                  Một nhà để chị riêng oan một mình.

                  Cớ chi ngồi nhẫn canh tàn,

                  Nỗi riêng còn mắc với tình chi đây?

                  Rằng: "Lòng rộn rã thức đầy,

                  720    Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong.







                  Chú Thích:





                  Câu 698:
                  Đeo đẳng:  theo đuổi mang lấy vào mình.

                  Câu 699:
                  Công trình:  các mức độ làm một việc gì khó nhọc, đây ý nói đến công phu của Kim Trọng để kết được mối duyên với Thuý Kiều.

                  Câu 700:
                  Khăng khít:  ràng buộc gắn bó. Nghĩa như chữ "khăng khít" trong câu 1341, Bấy lâu khăng khít dải đồng.

                  Câu 701:
                  Thề hoa:  dịch chữ "tiên thề" tức là lời thề viết trên giấy hoa tiên.

                  Câu 702:
                  Với hoa:  với Kim Trọng.

                  Câu 703:
                  Trời Liêu:  chỉ Liêu Dương, một huyện thuộc tỉnh Liêu Linh, Trung Quốc, nơi Kim Trọng về hộ tang chú.

                  Câu 705:
                  Thề bồi:  nói chung về sự thề nguyền với nhau.

                  Câu 707:
                  Tái sinh:  kiếp sau, theo thuyết luân hồi của nhà Phật.

                  Câu 708:
                  Thân trâu ngựa:  theo thuyết luân hồi hễ ai có nợ kiếp này không trả được cho người ta thì kiếp sau phải đầu thai làm trâu ngựa để trả nợ cũ.

                  Câu 708:
                  Trúc mai:  cây trúc và cây mai, hai cây thường được vẽ thành cặp với nhau và cũng thường được trồng trong chậu để bên nhau, trong văn chương thường dùng hai chữ "trúc mai" để chỉ mối tình thân thiết. Ca dao có câu: Ai đi đường ấy hới ai, hay là trúc đã nhớ mai đi tìm.
                    Cả câu ý nói Thuý Kiều cho là mình mắc nợ tình với Kim Trọng mà kiếp này không trả được thì kiếp sau xin đầu thai làm trâu ngựa để trả nợ.

                  Câu 710:
                  Khối tình:  điển xưa, có một người con gái phải lòng một người lái buôn rồi sinh ốm tương tư mà chết. Sau rồi khi cải táng thấy trong quan tài một khối cứng như thuỷ tinh to bằng quả tim. Chuyện đó đến tai người lái buôn. Anh ta đến xin được xem khối ấy, cảm động mà khóc. Nước mắt nhỏ vào khối ấy tan ra thành máu.

                  Câu 710:
                  Tuyền đài:  suối vàng.

                  Câu 711:
                  Bàn hoàn:  băn khoăn, nghĩ quanh nghĩ quẩn.

                  Câu 712:
                  Dầu chong trắng đĩa:  ("chong": để đèn cháy) dầu trong đĩa vì thắp lâu suốt đêm đã hết nên đã lộ trắng cả đáy đĩa ra.

                  Câu 713:
                  Giấc xuân:  giấc ngủ ngon, êm ái.

                  Câu 715:
                  Cơ trời:  do chữ "thiên cơ", ý nói mọi việc ở đời đều do máy trời huyền bí vần xoay tạo dựng lên.

                  Câu 715:
                  Dâu bể:  nói sự đổi thay ở đời. Xem chú thích câu 3.

                  Câu 715:
                  Đa đoạn:  nhiều sự rắc rối lôi thôi lắm.

                  Câu 717:
                  Ngồi nhẫn:  ngồi suốt mãi (cho đến tàn canh).

                  Câu 720:
                  Tơ duyên:  sợi tơ hồng kết duyên vợ chồng cho con trai và con gái.
                    Xem chú thích câu 333

                  Câu 720:
                  Vướng:  còn mắc phải.
                   
                  http://sager-pc.cs.nyu.edu/vnpf/nfkieu.php?page=30&IDcat=153
                  #24
                    sóng trăng 13.02.2007 05:44:01 (permalink)
                     





                    Hở môi ra cũng thẹn thùng,

                    Để lòng thì phụ tấm lòng với ai!

                    Quên em, em có chịu lời.

                    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

                    725    Giữa đường đứt (?) gánh tương tư,

                    Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

                    KỂ từ khi gặp chàng Kim,

                    Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.

                    Sự đâu sóng gió bất kỳ,

                    730    Hiếu tình có lẽ hai bề vẹn hai.

                    Ngày xuân em hãy còn dài,

                    Xót tình máu mủ, thay lời nước non.

                    Chị dù thịt nát xương mòn,

                    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

                    735    Chiếc thoa với bức tờ mây,

                    Duyên này thì giữ, vật này của chung.

                    Dầu em nên vợ nên chồng,

                    Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.

                    Mất người còn chút của tin,

                    740    Phím đàn với tấm gương nguyền ngày xưa.

                    Mai sau, dầu có bao giờ,

                    Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.

                    Trông ra ngọn cỏ lá cây,

                    Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.







                    Chú Thích:





                    Câu 722:
                    Với ai:  với Kim Trọng.

                    Câu 726:
                    Keo loan:  (chữ có hai cách đọc: đọc theo âm Hán Việt là "giao", đọc theo âm chữ nôm là "keo") keo loan, một thứ nấu bằng tuỷ xương chim loan (có sách nói bằng máu chim loan) rất dính. Xưa vua Hán Vũ đế đã dùng để nối dây cung bị đứt và dùng được rất bền.

                    Câu 726:
                    Tơ thừa:  ý nói mối duyên với Kim Trọng mà Thuý Kiều nhờ nối lại nhưng chữ "thừa" ở đây thiếu tế nhị. Nguyễn Du đã dùng nhiều lần chữ "thừa như "hương thừa", "phấn thừa hương cũ", "hoa thải hương thừa", "sống thừa"... với nghĩa còn dư lại, bỏ đi, có thể ở trường hợp câu 726 ông đã bị ép vận nên mới dùng chữ ấy.

                    Câu 728:
                    Quạt ước:  cái quạt mà Thuý Kiều đã tặng Kim Trọng khi hai bên thề ước với nhau. Sở dĩ trai gái hay tặng nhau quạt vì chiếc quạt có hai mặt giấy hoặc lụa dán liền vào nhau tượng trưng cho sự gắn bó keo sơn và sự hợp hoan. Chính vì vậy mà chiếc quạt còn được gọi là "Hợp hoan phiến".

                    Câu 732:
                    Tình máu mủ:  tình chị em.

                    Câu 732:
                    Lời nước non:  lời thề chỉ non thề biển.

                    Câu 734:
                    Ngậm cười chín suối:  ý nói chết đi về suối vàng cũng được vui lòng.

                    Câu 735:
                    Chiếc thoa:  tức là chiếc thoa Thuý Kiều bị mất mà Kim Trọng nhặt được trả lại.
                      Tản Đà cũng cho rằng: "Chữ "thoa" đây, tức là chữ "thoa" trong câu "Giở kim thoa với khăn hồng trao tay". Có nhiều bản đổi làm chữ "vòng" hay "vành", thêm việc mà mất cả âm hưởng".

                    Câu 735:
                    Tờ mây:  tờ giấy có vẽ mây ghi lời thề nguyền của Kim Trọng và Thuý Kiều mà Nguyễn Du đã kể ở ra ở câu 447: "Tiên thề cùng thảo một chương".

                    Câu 736:
                    Duyên này:  tức tờ giấy ghi lời thề nguyền của Thuý Kiều thì giữ lấy để nối lại mối duyên với Kim Trọng khi chàng quay trở lại.

                    Câu 736:
                    Vật này:  tức là cái thoa thì để làm của chung coi như kỷ niệm của mối tình giữa hai chị em Thuý Vân - Thuý Kiều với Kim Trọng.

                    Câu 738:
                    Mệnh bạc:  số phận mỏng manh.

                    Câu 740:
                    Mảnh hương nguyền:  chỉ những mảnh trầm hương đốt trong buổi thề nguyền với Kim Trọng.
                     
                    #25
                      sóng trăng 13.02.2007 05:46:06 (permalink)
                       





                      745    Hồn còn mang nặng lời thề,

                      Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai.

                      Dạ đài cách mặt khuất lời,

                      Rảy xin giọt lệ cho người thác oan.

                      Bây giờ trâm gãy gương tan,

                      750    Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

                      Trăm nghìn gửi lại tình quân,

                      Mây tơ vắn vủi có ngần ấy thôi.

                      Phận sao phận bạc như vôi!

                      Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

                      755    Ôi Kim lang! hỡi Kim lang!

                      Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!"

                      Cạn lời hồn dứt máu say,

                      Một hơi lặng ngất, đôi tay giá đồng.

                      Xuân huyên chợt tỉnh giất nồng,

                      760    Một nhà vây lớp, kẻ trong người ngoài.

                      Kẻ thang người thuốc bời bời,

                      Mới dầu cơn vựng, chưa phai giọt hồng

                      Hỏi: "Sao ra sự lạ lùng?

                      Kiều càng nức nở mở không ra lời.

                      765    Nỗi nàng Vân mới rỉ tai,

                      "Chiếc thoa đây với tờ bồi ở đây!"

                      "Này cha làm lỗi duyên mày

                      Thôi thì nỗi ấy sau này đã em.







                      Chú Thích:





                      Câu 746:
                      Bồ liễu:  cỏ bồ và cây liễu, hai thứ cỏ cây yếu ớt thường dùng để ví với đàn bà con gái có dáng vẻ mềm mại, yếu ớt.
                        Cả câu ý nói thân yếu ớt này dù có chết đi nữa cũng mong trả được nghĩa với Kim Trọng.

                      Câu 747:
                      Dạ đài:  âm phủ, chỗ ở tối như đêm.

                      Câu 749:
                      Trâm gãy gương tan:  trâm và gương là đồ trang sức của phụ nữ, "trâm gãy gương ta" là nói duyên phận đã lỡ làng.

                      Câu 751:
                      Tình quân:  tiếng người con gái gọi người tình nhân của mình.

                      Câu 754:
                      Nước chảy hoa trôi:  ý nói người con gái bị lâm vào cảnh đời lưu lạc, chìm nổi như cánh hoa bị nước chảy trôi đi bơ vơ giữa dòng.

                      Câu 754:
                      Lỡ làng:  không được đẹp duyên, dở dang cả cuộc đời.

                      Câu 758:
                      Giá đồng:  lạnh như đồng.

                      Câu 759:
                      Xuân huyên:  do chữ "xuân đường" và "huyên đường" dùng để chỉ cha mẹ. Xem chú thích các câu 224 và 534.

                      Câu 759:
                      Giấc nồng:  giấc ngủ say.

                      Câu 762:
                      Dầu:  nguôi đi, dịu đi.

                      Câu 762:
                      Cơn vựng:  cơn váng đầu xây xẩm mặt mũi, cơn ngất xỉu, mê man đi.

                      Câu 762:
                      Giọt hồng:  giọt nước mắt đầy đau khổ tưởng chừng như có máu hoà lẫn vào, giọt lệ thảm. Do điển nàng Tiết Linh Vận đời Tuỳ từ biệt cha mẹ vào làm cung phi, khóc quá nước mắt chảy ra đỏ như có máu.
                        "Truyện Kiều" còn có câu: "Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao" (2836).

                      Câu 766:
                      Chiếc thoa:  chiếc thoa của Thuý Kiều bị mất mà Kim Trọng đã trả lại, nay được coi là vật kỷ niệm của Kim - Kiều.

                      Câu 766:
                      Tờ bồi:  tờ giấy viết lời thề bồi. Xem "chú thích" câu 447 ("tiên thề") và câu 735 (tờ mây).
                       
                      #26
                        sóng trăng 13.02.2007 05:49:11 (permalink)
                         





                        Vì ai rụng cải rơi trâm,

                        770    Để con bèo nổi mây chìm vì ai?

                        Lời con dặn lại một hai,

                        Dẫu mòn bia đá, dám sai tấc vàng!"

                        Lạy thôi, nàng lại thưa chiềng:

                        "Nhờ cha trả được nghĩa chàng cho xuôi.

                        775    Thốt chi thân phận tôi đòi,

                        Dẫu rằng xương trắng quê người quản đâu!"

                        Xiết bao kể nỗi tấm sầu,

                        Khắc canh đã giục nam lâu mấy hồi.

                        Kiệu hoa đâu đã đến ngoài,

                        780    Quản huyền đâu lại giục ngày sinh ly.

                        Đau lòng kẻ ở người đi,

                        Giọt rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm.

                        Trời hôm mây kéo tối rầm,

                        Dàu dàu ngọn cỏ, đầm đầm cành sương.

                        785    Rước nàng về đến trú phường,

                        Bốn bề xuân toả một nàng ở trong.

                        Ngập ngừng thẹn lục e hồng,

                        Nghĩ lòng lại xót xa lòng đòi phen.

                        Phẩm tiên rơi đến tay hèn,

                        790    Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai!

                        Biết thân đến bước lạc loài,

                        Nhị đào đã bẻ cho người tình chung.







                        Chú Thích:





                        Câu 769:
                        Rụng cải rơi kim:  sách "Bác vật chí" nói: "Hổ phách hút được hột cải, đá nam châm hút được chiếc kim". Đây nói "rụng cải rơi kim" tức là nói sự chia lìa giữa đôi tình nhân.

                        Câu 773:
                        Thưa chiềng:  thưa trình.Chữ "chiềng" là do chữ "trình" đọc trạnh ra cho hợp vần.

                        Câu 778:
                        Khắc canh:  ("khắc": đồng hồ xưa là một cái bình có khắc nấc để xem giờ theo mực nước cạn dần, "canh": khoảng thời gian chia một đêm ra để cắt phiên canh gác) thời khắc sang canh.

                        Câu 778:
                        Nam lâu:  lầu canh ở về phía nam.

                        Câu 780:
                        Quản huyền:  ("quản": ống sáo, ống tiêu, "huyền": các thứ đàn có dây) đàn sáo, nói chung là tiếng âm nhạc.

                        Câu 780:
                        Sinh ly:  sống mà phải chia lìa nhau.

                        Câu 782:
                        Lệ rơi thấm đá:  ý nói khóc đến nỗi nước mắt chan hoà dầu đá cũng phải thấm vào.

                        Câu 782:
                        Tơ chia rũ tằm:  ý nói buồn đến nỗi trong lòng bị quặn đau như con tằm bị rút lấy tơ mệt lả đi, nằm rũ ra.

                        Câu 785:
                        Trú phường:  chỗ trọ trong phường phố.

                        Câu 786:
                        Bốn bề xuân toả:  ý nói nàng Kiều bị giữ kín một mình trong buồng xuân. Xuân toả cũng như "khoá xuân" trong câu 156: "Một nền đồng tước khoá xuân hai Kiều".

                        Câu 787:
                        Thẹn lục e hồng:  ("lục" và "hồng" là màu sắc hoa cỏ về mùa xuân) ý nói sắc mặt ngó ra thẹn thùng.

                        Câu 789:
                        Phẩm tiên:  Phẩm vật của tiên dùng tức ("đào tiên").

                        Câu 789:
                        Tay hèn:  tay người hèn hạ tức kẻ hèn hạ
                          Cả câu ý nói rằng Kiều tự nghĩ mình là bậc quí giá mà lại rơi vào tay Mã Giám sinh, một tay hèn hạ không ra gì. Như câu 833: "Đào tiên đã bén tay phàm".

                        Câu 791:
                        Lạc loài:  bơ vơ vì xa cách hẳn người thân và bị sa vào tay kẻ xấu.

                        Câu 792:
                        Nhị đào:  nhị của bông hoa đào còn phong kín ví với sự trinh tiết của người con gái.
                         
                        #27
                          sóng trăng 13.02.2007 05:51:18 (permalink)
                           





                          Vì ai ngăn đón gió đông,

                          Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi.

                          795    Trùng phùng dù hoạ (?) có khi,

                          Thân này thôi có ra gì mà mong.

                          Đã sinh ra số long đong,

                          Còn mang lấy kiếp má hồng được sao?"

                          Trên yên sẵn có con dao,

                          800    Giấu cầm nàng đã gói vào áo khăn:

                          Phòng khi nước đã đến chân,

                          Dao này thì liệu với thân sau này,

                          Đêm thu một khắc một chầy,

                          Bâng khuâng như tỉnh như say một mình.

                          805    Chẳng là gã Mã Giám sinh,

                          Vẫn là một đứa phong tình đã quen.

                          Qua chơi lại gặp hồi đen,

                          Quen vùng lại kiếm ăn miền nguyệt hoa.

                          Lầu xanh có mụ Tú bà,

                          810    Làng chơi đã trở về già hết duyên.

                          Tình cờ chẳng hẹn mà nên,

                          Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường.

                          Chung lưng mở một ngôi hàng,

                          Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề.

                          815    Dạo tìm khắp chợ thì quê,

                          Giả danh hầu hạ, dạy nghề ăn chơi.







                          Chú Thích:





                          Câu 793:
                          Gió đông:  gió từ phương đông thổi đến, tức gió xuân.

                          Câu 795:
                          Trùng phùng:  gặp lại lần nữa.

                          Câu 798:
                          Má hồng:  dịch từ chữ "hồng nhan", chỉ người đẹp.
                            "Kiếp má hồng" là kiếp của kẻ hồng nhan bạc mệnh.
                            "Cả hai câu" 797 - 798 ý nói nàng Kiều cho rằng mình đã gặp phải số xấu như thế thì còn mang làm gì mãi cái kiếp hồng nhan bạc mệnh, thà là chết đi cho rồi.

                          Câu 799:
                          Yên:  tức là chữ "án" đọc theo thanh bằng, có nghĩa là cái bàn như chữ "yên" trong câu 397. "Trên yên bút giá thi đồng".

                          Câu 800:
                          Giấu cầm:  cầm lén không cho Mã Giám sinh trông thấy.

                          Câu 801:
                          Nước đã đến chân:  do câu tục ngữ "Nước đã đến chân thì phải nhảy", ý nói gặp lúc nguy cấp thì phải tính đến nước liều thân.
                            "Sáu câu" (797-802) này đã cho chúng ta thấy được ý định của Thuý Kiều là nếu gặp cảnh tủi nhục quá thì sẽ tự vẫn cho xong đời hồng nhan bạc mệnh.

                          Câu 803:
                          Đêm thu một khắc một chầy:  ý nói đêm về mùa thu đã dài cứ trông cho mau sáng thành ra càng khắc càng trông thì lại cứ thấy dài thêm. Bản BK-TTL lần in thứ nhất chép là "thâu" nhưng ở lần in thứ ba đã sửa lại là "thu".

                          Câu 806:
                          Phong tình:  chỉ người ăn chơi, quen thói phong nguyệt.

                          Câu 808:
                          Quen vùng:  quen vùng đất đã từng lui tới mua người. Nguyễn Khắc Hiếu cũng chép theo bản QVĐ là "quen vùng" và đã giải thích như sau: "Mã Giám sinh nguyên là một người làng chơi, mà tốn hại đã lắm, mới xoay quanh lại làm chủ về việc chơi"...

                          Câu 809:
                          Lầu xanh:  do chữ thanh lâu xưa chỉ chỗ ở của các nhà quyền quí sau từ đời Lương, đời Đường được dùng để chỉ nhà chứa gái làng chơi.

                          Câu 810:
                          Làng chơi:  chỉ chung những kẻ ăn chơi ở chốn lầu xanh.

                          Câu 812:
                          Mạt cưa mướp đắng:  ý nói cùng một phường gian dối lừa gạt. Nghĩa ấy là do câu chuyện xưa có một người đi bán mạt cưa giả làm cám, một người đi bán mướp đắng giả làm dưa chuột đã bán lẫn cho nhau thành ra hai anh bợm lại mắc bợm của nhau.

                          Câu 813:
                          Chung lưng:  góp vốn chung với nhau.

                          Câu 814:
                          Buôn phấn bán hương:  phấn hương là đồ trang sức của con gái, buôn phấn bán hương là lợi dụng sắc đẹp của người con gái để làm nghề mại dâm.

                          Câu 814:
                          Đã lề:  đã quen, đã thành một cái lệ, đã thành thạo.

                          Câu 815:
                          Khắp chợ thì quê:  tìm khắp ở chỗ thành thị đến cả miền thôn quê.
                           
                          #28
                            sóng trăng 13.02.2007 05:53:19 (permalink)
                             





                            Rủi may âu cũng sự trời,

                            Đoạn trường lại lộn mặt người vô duyên.

                            Xót nàng chút phận thuyền quyên,

                            820    Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn.

                            Mẹo lừa đã mắc vào khuôn,

                            Sính nghi rẻ (?) giá, nghinh hôn sẵn ngày.

                            Mừng thầm: "Cờ đã đến tay,

                            Càng nhìn vẻ ngọc, càng say khúc vàng.

                            825    Đã nên quốc sắc thiên hương,

                            Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa!

                            Về đây từ trước bẻ hoa,

                            Vương tôn quý khách ắt là đua nhau.

                            Hẳn ba trăm lạng kém đâu,

                            830    Cũng đà vừa vốn còn sau thì lời.

                            Miếng ngon kề đến tận nơi,

                            Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng tham.

                            Đào tiên đã bén tay phàm,

                            Thì vin cành quít cho cam sự đời.

                            835    Dưới trần mấy mặt làng chơi,

                            Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa.

                            Nước vỏ lựu, máu mào gà,

                            Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên.

                            Mập mờ đánh lận con đen,

                            840    Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền (?) mất chi?







                            Chú Thích:





                            Câu 817:
                            Âu:  dễ thường, có lẽ.

                            Câu 818:
                            Lộn:  lẫn, chọn lầm. Chữ "lộn" đây hợp nghĩa với chữ "rủi may" ở câu trên.

                            Câu 819:
                            Thuyên quyên:  con gái có săc đẹp.

                            Câu 820:
                            Cành hoa:  nói người con gái đẹp như hoa.

                            Câu 820:
                            Thuyền lái buôn:  chỉ Mã Giám sinh chuyên đi buôn người về dạy nghề ăn chơi.

                            Câu 821:
                            Mẹo lừa:  mưu kế của Mã Giám sinh để lừa Thuý Kiều.

                            Câu 821:
                            Khuôn:  vòng.

                            Câu 822:
                            Sính nghi:  đồ dẫn cưới.

                            Câu 822:
                            Nghênh hôn:  lễ rước dâu, đón dâu.

                            Câu 822:
                            Sẵn ngày:  ngày đã định sẵn từ trước.

                            Câu 823:
                            Cờ đã đến tay:  tục ngữ có câu: "Cờ đến tay thì phất" đây ý nói Mã Giám sinh mừng thầm là nàng Kiều đã về tay mình thì phải hưởng trước.

                            Câu 824:
                            Vẻ ngọc:  vẻ đẹp của tấm thân trong trắng như ngọc.

                            Câu 824:
                            Khúc vàng:  khúc lòng, chữ "vàng" đây chỉ dùng cho đẹp lời để đối với chữ ngọc.
                              "Cả câu ý nói": càng ngắm nàng Kiều với tấm thân ngọc ngà thì lòng Mã Giám sinh càng thêm có dục vọng.

                            Câu 825:
                            Quốc sắc thiên hương:  sắc nước hương trời, chỉ người đàn bà đẹp nổi tiếng.

                            Câu 827:
                            Nước trước bẻ hoa:  ý nói ai cũng muốn được đến với nàng Kiều trước nhất để được là người đầu tiên "bẻ hoa".

                            Câu 828:
                            Vương tôn:  con cháu vua quan, đây chỉ khách ăn chơi phong lưu.

                            Câu 829:
                            Ba trăm lạng:  đúng ra là bốn trăm lạng mới "vừa vốn" nhưng vì chữ thứ nhì đó thuộc thanh bằng nên Nguyễn Du đã phải viết "ba trăm lạng".

                            Câu 830:
                            Vừa vốn:  ý Mã Giám sinh cho rằng các vương tôn quí khách đến chơi ai muốn "bẻ hoa" trước cũng phải ba trăm lạng mà số tiền ấy cũng đã vừa gần vốn rồi, về sau thời là có lời.

                            Câu 831:
                            Miếng ngon:  Mã Giám sinh nghĩ nàng Kiều về ở cùng phòng với mình cũng là miếng ngon kề bên miệng, nếu không hưởng thời cũng uổng.

                            Câu 834:
                            Cành quít:  Theo Tản Đà thì câu 834 nếu viết là: "Thì vin cành "đào" cho cam sự đời" sẽ rõ nghĩa ngay nhưng chữ đào lại thuộc thanh bằng nên Nguyễn Du đã phải đổi ra là "Thì vin cành "quít" cho cam sự đời".

                            Câu 837:
                            Nước vỏ lựu, máu mào gà:  khi người con gái đã tiếp khách rồi thì lấy vỏ cây lựu nấu nước để rửa rồi lấy máu ở mào con gà bôi vào, giả làm con gái còn trinh.

                            Câu 838:
                            Chiêu tập:  (gọi về nhóm lại) ý nói sửa chữa lại cho được nguyên như cũ.

                            Câu 839:
                            Đánh lận:  đánh lừa.

                            Câu 839:
                            Con đen:  Việt Nam Từ Điển của Hội Khai trí Tiến đức giảng là các hạng dân hèn. Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim giảng là do chữ "kiềm lê" là nói dân đen đầu nghĩa là những người ngu dại.
                              Huỳnh Tịnh Của trong "Đại Nam quốc âm tự vị" giảng là con ngươi, tròng đen và có dẫn câu thơ của Nguyễn Du. Giảng như vậy thì đúng hơn vì con đen ở dây dùng để chỉ khách làng chơi không có "con mắt" tinh đời, khờ khạo.

                            Câu 840:
                            Bao nhiêu:  bao nhiêu tiền. Cả câu này Mã Giám sinh muốn nói mình đòi bao nhiêu tiền thì khách làng chơi cũng trả bấy nhiêu, có thiệt hại gì đâu.
                             
                             
                            #29
                              sóng trăng 13.02.2007 05:55:38 (permalink)
                               





                              Mụ già hoặc có điều gì,

                              Liều công mất một buổi quì mà thôi.

                              Đến đây đường sá xa xôi,

                              Mà ta bất động nữa người sinh nghi."

                              845    Tiếc thay một đoá trà mi,

                              Con ong đã mở đường đi lối về!

                              Một cơn mưa gió nặng nề,

                              Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương!

                              Tiệc xuân một giấc mơ màng,

                              850    Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ.

                              Nỗi riêng tầm tã tuôn mưa,

                              Phần ngẫm nỗi khách, phần lo nỗi mình.

                              "Tuồng chi là giống hôi tanh,

                              Thân nghìn vàng để Ô danh má hồng.

                              855    Thôi còn chi nữa mà mong,

                              Đời người thôi thế là xong một đời!"

                              Giận duyên tủi phận bời bời,

                              Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh.

                              Nghĩ đi nghĩ lại một mình,

                              860    Một mình thì chớ, hai tình thì sao?

                              Sao dầu sinh sự thế nào,

                              Truy nguyên chẳng kẻo luỵ vào song thân.

                              Nỗi mình âu cũng giãn dần,

                              Kíp chầy thôi cũng một lần mà thôi!"







                              Chú Thích:





                              Câu 844:
                              Bất động:  chẳng làm gì.

                              Câu 845:
                              Trà mi:  cũng đọc là "đồ mi" vì chữ trà xưa viết là chữ đồ . Chữ thời Đông Hán (25-220) trở về sau phiên thiết là "trạch gia", "âm trà". Thời Lương (502-557) trở về sau cũng đọc là "trà" nhưng quên giảm đi một nét, vẫn viết là đồ .
                                Từ đời Đường (618-907), Lục Vũ soạn quyển "Trà kinh" mới giảm một nét để thành chữ (trà). Vì thế chữ "đồ mi" ta vẫn quen đọc là "trà mi". Trà mi là một thứ hoa giông như hoa hồng leo (tường vi), thường nở về cuối xuân, sang đầu mùa hạ khi các loại hoa khác đã nở hết. "Đường thi": Khai đáo đồ mi hoa sự liễu = nở đến hoa đồ mi thì việc hoa đã xong. Nguyễn Du đã lấy chữ "hoa sự liễu" để chỉ việc Kiều bị thất tiết với Mã Giám sinh: "Con ong đã mở đường đi lối về".

                              Câu 849:
                              Đêm xuân:  đêm xuân của đôi vợ chồng mới cưới, chan chứa tình xuân. Chữ "đêm xuân" đây cũng giống như chữ "chiều xuân" ở câu 348.

                              Câu 850:
                              Đuốc hoa:  do chữ "hoa chúc" là cây đèn thắp trong phòng hôn nhân.

                              Câu 850:
                              Nằm trơ:  nói Kiều nằm trơ ra đó một mình còn Mã Giám sinh thì đã ra khỏi phòng để đuốc hoa suốt đêm không tắt.

                              Câu 853:
                              Tuồng chi:  không ra dáng chi, không ra bộ chi.

                              Câu 854:
                              Thân ngàn vàng:  tấm thân quí trọng. Thuý Kiều nghĩ đến tấm thân ngàn vàng của mình thì đau khổ vô cùng vì đã bị kẻ hôi tanh làm ô danh má hồng.

                              Câu 858:
                              Quyên sinh:  ("quyên": bỏ; "sinh": cuộc sống) bỏ mình liều chết.

                              Câu 860:
                              Hai tình:  hai người tình thâm tức là cha và mẹ.

                              Câu 861:
                              Sinh sự:  gây sự, gây ra việc khó khăn cho gia đình.

                              Câu 862:
                              Truy nguyên:  tìm ra nguồn gốc của sự việc.

                              Câu 862:
                              Chẳng kẻo:  chẳng khỏ, e bị.

                              Câu 863:
                              Giãn dần:  nguôi dần, bớt dần.

                              Câu 864:
                              Một lần:  một lần chết. Cả câu ý nói thôi hãy chờ đó để xem sao, trước sau cũng chỉ một lần chết mà thôi.
                               
                              #30
                                Thay đổi trang: < 123 > >> | Trang 2 của 8 trang, bài viết từ 16 đến 30 trên tổng số 110 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9